Thời gian đọc: 4 phút

NGƯỜI ĂN CHAY.
Của Han Kang. Dịch bởi Hoàng Hải Vân
. 204 trang. NXB Trẻ. 45.000 đ
Đánh giá: ***

“Người ăn chay” của Han Kang, được trao giải Man Booker International Prize 2016, kể về quyết định ăn chay của một phụ nữ và những bi kịch cá nhân cũng như gia đình kéo theo một sự việc những tưởng giản dị này: ba cửa nhà tan nát, một người bỏ đi mất tích, và một người trên lằn ranh sự sống và cái chết. Là một văn bản khó định nghĩa về mặt thể loại, “Người ăn chay” bao gồm ba truyện vừa, có thể coi là độc lập với nhau, “Người ăn chay,” “Vết chàm Mongolia,” “Cây pháo hoa,” nhưng hoàn toàn có thể đọc ghép cùng nhau, để trở thành liên truyện, một tiểu thuyết. Thể loại này đồng thanh tương ứng với nội dung, ở khía cạnh đầy rẫy sự mơ hồ và những khoảng tối không cắt nghĩa được.

Yeong-hye, một bà nội trợ điển hình, không có gì đặc biệt về ngoại hình lẫn tính cách, không xuất sắc cũng không kém cỏi, hiện lên qua góc nhìn của người chồng, và đây như là lớp dạo nền đầu tiên để gửi đi một tín hiệu: cô hoàn toàn không thể có khả năng là một người bất bình thường. Cô chu toàn mọi việc trong gia đình từ nấu nướng, dọn dẹp, là quần áo cho chồng, đến các quan hệ xã giao. Thế rồi đột nhiên vào một buổi sáng băn khoăn khi ngủ dậy, như Gregor Samsa của Fraza Kafka, cô đã biến thành quái vật trong mắt chồng, gia đình, xã hội, vì quyết định ăn chay. Lý do không thể đơn giản và phi lý hơn: cô đã mơ. Kể từ đấy mọi việc lao dốc không phanh, trở thành một bí hiểm, một người điên, một nhân tố kích thích các phản ứng tiêu cực của sự không chấp nhận ở người khác: ở bữa tiệc công ty chồng do không động đũa vào bất cứ món nào có thịt, cô trở thành nỗi ô nhục cho người chồng đang muốn thăng tiến; ở buổi họp mặt gia đình, ông bố đã tát cô và sai em trai giữ chặt cô để nhét thịt vào mồm, khi không khuyên bảo được cô. Yeong-hye phản kháng quyết liệt, không chịu thuyết phục bởi lời, lẫn khuất phục bởi bạo lực, cắt tay tự tử. Thế giới trong truyện ngắn đầu tiên hiện lên đầy rẫy bạo lực của một nền văn hóa đậm chất gia trưởng Hàn Quốc: sự phi lí đẩy lên tới cùng cực bởi nhu cầu của người ngoài nhằm bóp nát cá nhân của Yeong-hye đi liền với sự phản kháng đẫm chất bi kịch của cô khiến người đọc sững sờ vì khó hiểu.

36235_42778

Ở thiên truyện vừa thứ hai, được kể từ góc nhìn của người anh rể không được đặt tên, một họa sĩ với môn body arts với mong muốn thể nghiệm vẽ lên người những bông hoa khép-nở, cá nhân lại đối đầu với xã hội ở một khía cạnh khác. Tiếp nối với truyện thứ nhất, truyện kể từ khoảng thời gian Yeong-hye đã được điều trị tâm lý, ra viện, và sống một mình. Ám ảnh một cách nghệ thuật lẫn đầy nhục dục với nốt chám ở mông của em vợ, người anh rể quyết định mời Yeong-hye tham gia dự án nghệ thuật nơi anh sẽ vẽ những bông hoa vụt nở lên từ vết bớt của cô. Và mọi chuyện lại nhanh chóng lăn thẳng xuống vực thẳm bi kịch khi Yeong-hye sung sướng được làm một cái cây, chị ruột cô đã tống cả chồng và em vào trại thương điên. Thế giới truyện vẫn ngổn ngang những phi lí, nơi sự bí ẩn của Yeong-hye, một người vẫn hoàn toàn tỉnh táo, và hoạt động nghệ thuật của anh rể, trở nên hoàn toàn xa lạ và phi đạo đức với người chị gái. “Người ăn chay” kết thúc bằng câu chuyện kể từ góc nhìn của người chị gái, nay là người chịu trách nhiệm về Yeong-hee và cho em gái vào bệnh viện trong núi. Cuốn sách đi đến hồi kết bằng một sự điên loạn không thấu hiểu nổi ở phía những người khác khi Yeong-hee sung sướng nghĩ mình là một cái cây, còn người chị gái gửi cô đến nhà thương điên trong núi, bất lực, tuyệt vọng trong nỗ lực thuyết phục em gái ăn một cái gì đấy.

“Người ăn chay” mô tả sự xung đột gay gắt giữa cá nhân và xã hội, giữa cá nhân và những kẻ khác, mà ở đó sự dị biệt, sự khác người có thể là địa ngục: cá nhân luôn nằm trong sự đánh giá của những người khác về mình. Tiểu thuyết mang đậm hơi hướm Michel Foucault, nơi sự tuân phục của cá nhân vào những khế ước của xã hội sẽ là nền tảng dẫn đến sự kỳ thị, nơi bệnh điên, (cùng với đồng tính luyến ái) dễ dàng trở thành những khái niệm được gán ghép để đẩy con người ra khỏi cộng đồng. Một loạt câu hỏi chấn vấn người đọc cho đến cùng: Yeong-hye có điên thật hay không khi cô cảm thấy mình là một cái cây? Anh rể của Yeong-hye đơn thuần là nghệ sĩ hay một kẻ loạn luân trá hình trong lớp vỏ nghệ thuật? Chị gái Yeong-hye có phải là người bình thường nhất trong cả ba, hay lại là một người tuân phục xã hội nhất khi duy trì một lớp vỏ bọc để được tiếp tục vận hành trong xã hội? Câu chuyện để lại những uẩn khúc cho độc giả mà dư âm là một vị đắng nghét khi những cá nhân nổi loạn bị đẩy thẳng ra rìa xã hội, không cứu vãn.

Han Kang kể một câu chuyện giản dị nhưng đầy nét kỳ dị và đen tối về đời sống con người bằng một giọng văn chậm rãi và nhẹ nhàng, như chính nhân vật Yeong-hye. Tác giả đã thật sự làm chủ được giọng kể cũng như nhịp kể khi tạo dựng được một câu chuyện đầy mơ hồ lẫn bi kịch, nơi nhân vật chính tiếp nhận và quyết định mọi sự kiện trong đời bằng thái độ thản nhiên và tự nhiên nhất có thể. Không đơn thuần chỉ kể một phụ nữ quyết khẳng định bản thể, hay một nghệ sĩ tuyên ngôn nghệ thuật, hay sự chấp nhận đến buông xuôi cuối cùng khi đứng trước sự dị biệt, “Người ăn chay” là một câu chuyện, bình thản một cách kỳ bí, về sự mong manh và thảm kịch khi là mình, khi dị biệt.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 4 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.