Monique Truong, Cuốn sách muối (trích)

20/04/2019

Thời gian đọc: 16 phút Ở Gare du Nord ngày hôm ấy, ánh đèn chớp sáng của máy ảnh chiếm trọn tâm trí tôi, không hiểu vì sao, những thứ này chưa bao giờ thôi làm tôi sợ. Chúng là ánh đèn vờ như soi sáng nhưng thực chất chỉ tổ làm ta lóa mắt. Ánh chớp lóe trước cơn bão lớn đây mà, tôi từng nghĩ vậy. Nhưng tôi cho rằng ấy là mối lo âu của người thủy thủ trong tôi đang lên tiếng. Đã mười một năm trôi qua kể từ lần cuối tôi thực sự vượt đại dương. Đối với hai Madame tôi thì là hơn ba mươi năm rồi. Đại dương với họ chỉ còn là kí ức, một vùng xanh rộng lớn tĩnh lặng trải dài giữa nơi này và nơi kia. Đối với tôi nó còn sống và dữ tợn, một sự gợi nhớ rằng khoảng cách không thể đo lường bằng sự mênh mông của biển cả, rằng đó chỉ là sự khởi đầu.

Kim Thúy, Ru (trích)

30/10/2018

Thời gian đọc: 15 phút HỒI CÒN NHỎ, TÔI CỨ NGHĨ chiến tranh và hòa bình là hai từ trái nghĩa. Thế nhưng lúc Việt Nam còn khói lửa, tôi đã sống trong hòa bình, và tôi chỉ biết về chiến tranh sau khi Việt Nam xếp dọn vũ khí. Tôi nghĩ chiến tranh và hòa bình, trên thực tế, là bạn hữu và chúng cười nhạo chúng ta. Chúng đối xử với chúng ta như kẻ thù khi nào chúng thích, khi nào thấy tiện, mà chẳng thèm bận tâm đến định nghĩa hay vai trò mà chúng ta gán cho chúng. Vì thế, có lẽ không nên tin vào vẻ bề ngoài của chiến tranh hay hòa bình để chọn hướng nhìn. Tôi thật may vì ba mẹ tôi đã có thể giữ được điểm nhìn của họ bất kể cái màu của thời đại hay khoảnh khắc ấy có ra sao. Mẹ tôi thường đọc tôi nghe câu thành ngữ được viết trên bảng đen cái hồi bà lớp tám, ở Sài Gòn: Đời là chiến trận, nếu buồn là thua.