Mời góp chữ

ZZZ REVIEW: TRẦM TÍCH THƯƠNG TỔN TRONG CƠ THỂ NỮ

Editors: Zét Nguyễn, Nguyễn An Lý

Chảy máu mỗi tháng, ốm nghén, chân phù, da rạn, lửa ngùn ngụt trong người… khi mang thai, tắc sữa, nhớp nháp khi cho con bú, lại lửa ngùn ngụt trong người khi mãn kinh: cơ thể nữ trải qua hàng loạt những thương tổn, mà phần đa bị đẩy vào “nỗi đau thường tình, ai chả bị” quá tiện để bị làm xói mòn đến trạng thái “chả có gì quan trọng, có gì mà lớn chuyện ~ không tồn tại”.

Zzz Review xin mời bạn góp các tiểu luận từ 3000-5000 chữ cho dự án mang tên “Trầm tích thương tổn trong cơ thể nữ”, chiêm nghiệm mang tính tự truyện về những thương tổn đã hóa thành trầm tích trong cơ thể của chính người viết. Những sang chấn chưa bao giờ được chia sẻ, những nỗi đau chưa bao giờ được nhắc tới, những ám ảnh chưa bao giờ được giải thoát, chúng tôi mong muốn đây sẽ là nơi để các cây viết nữ có thể trực tiếp nói về những tổn thương mà họ trải qua bằng chính cơ thể mình. Chúng tôi hoan nghênh mọi phong cách, mọi giọng điệu, mọi thử nghiệm.

Tác giả có tiểu luận được lựa chọn sẽ có cơ hội làm việc một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng với ban biên tập của Zzz Review để có thể nhuận sắc thêm cho tác phẩm của mình. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều nhất 2 tiểu luận, và các tiểu luận phải chưa được đăng tải ở đâu, dưới bất kỳ hình thức và không gian nào.

Vì yếu tố sang chấn và nhạy cảm, chúng tôi sẵn sàng để trống tên tác giả nếu được yêu cầu để bảo vệ sự riêng tư.

Bên cạnh các tiểu luận được chọn, Zzz Review còn đặt 5 tiểu luận từ các nhà văn nữ nổi bật là những người có sáng tác xoay quanh người phụ nữ.

  • Nhuận bút: 2 triệu/bài
  • Dự kiến ra: 03/2024
  • Nhận tiểu luận: 24-11-2023 tới 01-02-2024 qua email zzzreview2018@gmail.com, yêu cầu file doc.

 


 

 

ZZZ REVIEW: TRUYỆN NGẮN – SÁNG TÁC MỚI 2024

Guest editors: K., D., H., N.

“Truyện ngắn là những cửa sổ bé tí mở vào những thế giới khác và những tâm trí khác và những giấc mơ khác. Chúng là những hành trình bạn có thể đi tới phía bên kia vũ trụ mà vẫn kịp về ăn tối.”

Zzz Review lại xin mời các cây viết trẻ, già, vô danh, hơi hơi thành danh, ai ai cũng biết, chưa đăng bao giờ ở đâu, đăng nhòe mọi nơi, góp truyện cho mẻ sắp tới của Sáng tác mới năm 2024. Cửa sổ mở vào đâu cũng được, chúng tôi chào đón truyện ngắn thuộc mọi phong cách sáng tác, chủ đề, và độ dài. Chúng tôi tìm kiếm những ý tưởng mới lạ, những thể nghiệm sáng tác mới, đem lại những phút giây bừng sáng cho người đọc.

Mẻ này, cũng như mẻ trước, Zzz Review chủ trương lựa chọn tác phẩm qua đọc phản biện kín: những người duyệt sẽ không được biết tên tác giả. Ý tưởng này nhằm chọn ra các tác phẩm hoàn toàn dựa trên chất lượng văn chương, không quan trọng tác giả “nổi tiếng” như thế nào. Hãy gửi cho chúng tôi tác phẩm hay nhất của bạn, chúng tôi rất mong chờ được đọc các truyện ngắn của các bạn.

Tác giả có truyện được lựa chọn sẽ có cơ hội làm việc một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng với ban biên tập của Zzz Review để có thể nhuận sắc thêm cho tác phẩm của mình. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều truyện ngắn, và các truyện phải chưa được đăng tải ở đâu, dưới bất kỳ hình thức và không gian nào.

  • Nhuận bút: Tất cả các tác giả có tác phẩm được lựa chọn đều sẽ nhận được nhuận bút là 2 triệu đồng.
  • Dự kiến ra: 30-3-2024
  • Nhận truyện: 14-07-2023 tới 14-11-2023 qua email zzzreview2018@gmail.com, yêu cầu file doc, và truyện không chứa bất kỳ thông tin gì ngoài tên truyện và truyện.

 


(Như thường lệ, Zzz Review đang ở hiatus giữa thời gian đáng-lẽ-phải-ra-mẻ-mới và thời gian ra lời mời góp chữ tiếp theo. Mời các bạn cùng chúng tôi chờ đợi mẻ mới, và quay lại trang này sau đó.)

ZZZ REVIEW MẺ 12, THÁNG 03-2023

Theme: Văn xuôi Việt thế kỷ 20

Một cú nhìn như Chúa, hay chim trời, trên cao hướng xuống toàn bộ nền văn học thế kỷ 20, những tên tuổi khổng lồ thâu vào mắt: từ những sớm sủa như Franz Kafka, Marcel Proust, James Joyce, William Faulkner, Robert Musil, tới giữa giữa tịnh tiến đầy những ông to bà cả Yasunari Kawabata, George Orwell, Jorge Luis Borges, Yukio Mishima, Vladimir Nabokov, Ralph Ellison, Joseph Heller, Samuel Beckett, Alain Robbe-Grillet, Italo Calvino, Georges Perec, tới cái quãng 80 thân thương của những người gần ta Salman Rushdie, Toni Morrison, Martin Amis, Margaret Atwood, Kazuo Ishiguro, Umberto Eco, Thomas Pynchon, ôi anh giai Haruki Murakami nữa, và chốt như pháo hoa thập kỷ 90 với David Foster Wallace. Những cú bắn liên thanh name-dropping khiến ai cũng xây xẩm kia làm nên khuôn mặt của văn đàn thế giới thế kỷ trước. Zoom gần hơn nhưng vẫn lượn trên cao để nhìn văn xuôi Việt, sẽ có những ai, những tác phẩm nào, xuất sắc, hay quan trọng, hay mang tính định hình, 100 năm qua của chúng ta? Những tên tuổi nào xứng đáng 5* bá vai bá cổ ngồi cùng mâm cầm chiếc đùi gà khẳng khái mà gặm với các anh em nước bạn? Đây sẽ là chủ đề của số Zzz Review mẻ 12.

Chúng tôi mời gọi các bài viết góp chữ: phê bình, dịch thuật, phỏng vấn, bàn tròn… về các nội dung gợi ý sau (nhưng không giới hạn):

  • Những tác giả lớn của văn xuôi Việt thế kỷ 20: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Trần Dần, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh…
  • Những tiểu thuyết được coi là xuất sắc nhất thế kỷ 20 (Tham khảo 2 danh sách bình chọn 50 khét tiếng của Zzz Review)
  • Những tác giả nữ gớm mặt của thế kỷ
  • Văn học miền Nam trước 75: những tên tuổi lớn như Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…
  • Những thay đổi về thể loại tiểu thuyết trong suốt tiến trình thế kỷ 20
  • Quá trình điển phạm hóa các tác giả và tác phẩm, và những hạn chế của quá trình ấy nhìn một cách phê phán
  • Những tác phẩm được tụng ca nhưng xứng đáng vào sọt rác
  • Những tác phẩm bị quên lãng nhưng xứng đáng vào đền thờ

Bài viết không giới hạn số chữ, và hoan nghênh tiểu luận từ 4000 chữ trở lên.

  • Dự kiến ra: 22-3-2023
  • Nhận bài (hoàn chỉnh): 30-10-2022 tới 15-01-2023 qua email zandzpublishing@gmail.com [mail cũ đang lỗi nên mọi người gửi qua mail này ạ] (các bài nhận được sau thời điểm này sẽ được coi là bài góp cho blog và không đưa vào mẻ này).

FORMAT BÀI GỬI

Để thuận tiện cho nhóm chủ trương, các bạn gửi bài góp chữ xin lưu ý các điều sau:

  • gửi file bài hoàn chỉnh về địa chỉ email zandzpublishing@gmail.com thay vì gửi qua tin nhắn, chat… (trao đổi chung thì kênh nào cũng được)
  • để dạng file Microsoft Word 2003 (.doc) thay vì .docx
  • để font chữ chính trong thân bài là Times New Roman cỡ 12 (tựa đề, tiểu đề, tu sức, chơi font… có thể tùy ý)
  • ngoài ra không hạn chế các trường phái chính tả và bỏ dấu, miễn là thống nhất

THỂ LOẠI & TIÊU CHÍ

Zzz hoan nghênh: các bài điểm sách; phê bình; tiểu luận; giới thiệu tác giả, tác phẩm, trường phái, lý thuyết; sáng tác nguyên bản (hoàn chỉnh hoặc đoạn trích tác phẩm dài); dịch hoặc tổng thuật.

Zzz cũng hoan nghênh ý kiến phản hồi, đối thoại với hoặc phát triển thêm từ các bài viết đã đăng trong số trước.

Về nguyên tắc, Zzz không phân biệt các luồng tư tưởng chính thống, bàng thống hay không ra thể thống; không kỳ thị ngôn ngữ đại hội Đảng lẫn ngôn ngữ bựa vỉa hè lẫn ngôn ngữ mạng, miễn là lọt mắt xanh mụ Z. Trong trường hợp nghi ngại, hãy lướt qua các mẻ trước hoặc liên hệ với chúng tôi. Có điều: không hate speech.

Zzz không hạn chế dung lượng của bài viết, chỉ cần đủ.

NHẮC LẠI VỀ BẢN QUYỀN VÀ CHIA SẺ

Các bài viết/dịch gửi đến Zzz Review là bài của tác giả, ưu tiên những bài chưa đăng ở không gian công cộng nào khác. Tác giả chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn và nguyên bản của bài mình.

Bản quyền các bài đăng trên Zzz Review thuộc về tác giả/dịch giả bài đó. Zzz tạo không gian chia sẻ nhưng không giữ bản quyền bài viết của các bạn/anh/chị/. Các bạn có toàn quyền gửi đăng hoặc xuất bản bài viết của mình ở những nơi khác sau khi Zzz đăng tải, tuy nhiên hãy nhắn để chúng tôi thêm dòng thông báo vào trang của bài viết trên web.

Đối với các bài dịch có khả năng vượt quá mức độ có thể được coi là fair use, xin hãy liên hệ sớm với Zzz để kịp thu xếp bản quyền.


ZZZ REVIEW: TRUYỆN NGẮN – SÁNG TÁC MỚI

Guest editor: K.

 

Nhà văn Scotland William Boyd viết về truyện ngắn trên tạp chí Prospect UK: “[truyện ngắn] là chớp hình về đời sống và bản chất con người, truyện hay còn cho ta cơ hội hiếm hoi để ‘thấy’ trong truyện nhiều hơn cả đời thực.”

Truyện ngắn, thực tế, đã tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau trong suốt lịch sử nhiều thế kỷ: truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, v.v… một câu chuyện được kể trọn vẹn, đọc/nghe trong thời gian ngắn.

Zzz Review mời các nhà văn, trẻ và thành danh, góp truyện cho mẻ sắp tới chuyên về truyện ngắn Việt Nam – Sáng tác mới. Chúng tôi chào đón truyện ngắn thuộc mọi phong cách sáng tác và chủ đề, độ dài (flash, short short, etc, không quá 10 ngàn từ).

Mẻ này Zzz Review chủ trương lựa chọn tác phẩm qua đọc phản biện kín: người duyệt sẽ không được biết tên tác giả. Ý tưởng này nhằm chọn ra các tác phẩm hoàn toàn dựa trên chất lượng văn chương, không quan trọng tác giả “nổi tiếng” như thế nào. Hãy gửi cho chúng tôi tác phẩm hay nhất của bạn, chúng tôi rất mong chờ được đọc các truyện ngắn của các bạn.

Tác giả có truyện được lựa chọn sẽ có cơ hội làm việc một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng với ban biên tập của Zzz Review để có thể nhuận sắc thêm cho tác phẩm của mình. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều truyện ngắn, và các truyện phải chưa được đăng tải ở đâu, dưới bất kỳ hình thức và không gian nào.

  • Dự kiến ra: 30-5-2023
  • Nhận truyện: 17-10-2022 tới 17-01-2023 qua email zandzpublishing@gmail.com
  • Nhuận bút: Tất cả các tác giả có tác phẩm được lựa chọn đều sẽ nhận được nhuận bút.

(Các lời góp chữ cũ, lưu lại vì lý do ego archive:

ZZZ REVIEW SỐ 11, THÁNG 06-2021 [thực tế là tháng 7/2022]

Theme: Văn học viết bằng tiếng Đức

Joseph Brodky viết, “Khi Thomas Mann từ Đức vừa đến California, người ta hỏi ông về văn học Đức. Và ông nói: “Tôi ở đâu thì văn học Đức ở đó.” Nói thế kể cũng hơi quá, nhưng nếu một ông người Đức nói câu đó được thì tôi cũng nói được.”

Để đi quá câu nói quá của Mann, Zzz Review trân trọng kính mời các bài góp chữ nhằm mục đích giới thiệu những tác giả viết bằng tiếng Đức mà đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa được xuất hiện (ít hoặc nhiều) trong tiếng Việt, bên cạnh những tên tuổi đã có phần quen thuộc với độc giả Việt Nam như Franz Kafka, Hermann Hesse, Günter Grass, Eric Maria Remarque….

Các chủ đề gợi ý cho bài viết bao gồm (nhưng không giới hạn):

  • Trích dịch các tác giả kinh điển cũng như đương đại viết bằng tiếng Đức
  • Các lý thuyết/tiểu luận của/về các tác giả viết bằng tiếng Đức
  • Lịch sử dịch và tiếp nhận văn học Đức ở Việt Nam
  • Phỏng vấn tác giả/dịch giả văn học Đức
  • Những cái tên cụ thể như: Robert Walser, Alfred Döblin, Hans Fallada, Karl Kraus, Elias Canetti, Hermann Broch, Joseph Roth…

ZZZ REVIEW SỐ 2021, THÁNG 05-2021 [sự thực là tháng 11]

Theme: Về sự dịch (hai chiều)

Walter Benjamin trong bài tiểu luận kinh điển về nhiệm vụ của dịch giả của mình viết, “Cứu rỗi thứ ngôn ngữ thuần khiết bị ếm bùa trong một ngôn ngữ khác ở ngôn ngữ của mình, giải phóng ngôn ngữ bị cầm tù trong một tác phẩm gốc bằng cách sáng tạo lại tác phẩm này – đó là nhiệm vụ của dịch giả.” (Bản dịch của Tiến sỹ Trương Hồng Quang)

Hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ 21 ở Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt những bản dịch mới từ rất nhiều thứ tiếng khác nhau sang tiếng Việt. Dịch, vì thế, được coi không chỉ là một nguồn lực trọng yếu trong ngành xuất bản, mà còn là địa hạt sáng tạo nơi các dịch giả hoạt động như nghệ sỹ tái tạo bản gốc trong tiếng Việt trong cuộc trình diễn của họ, như Benjamin chỉ ra.

Dù rất nhiều tác giả xuất sắc đã được dịch sang tiếng Việt và được độc giả đón nhận nhiệt tình, dịch giả tiếng Việt của họ phần lớn vẫn đứng trong bóng tối. Ngoài ra, việc thiếu vắng một khung lý thuyết về dịch văn chương khiến cho dịch giả Việt Nam khó lòng cất lên tiếng nói riêng của họ. Đây là một sự thiếu sót và cũng là thách thức mà chúng tôi nhắm tới trong số tạp chí này: soi rọi vai trò quan trọng của dịch văn học và dịch giả bằng cách dịch các lý thuyết dịch thuật có tính chất nền tảng, kết hợp với những tiểu luận và phỏng vấn về nghệ thuật dịch.

Đặc biệt, ở số Zzz Review gộp này, chúng tôi sẽ dành riêng một loạt bài dành cho các thảo luận và phê phán về dịch ngược (từ tiếng Việt ra các thứ tiếng khác). Rất mong nhận được các bài góp chữ của các dịch giả văn học Việt Nam trên thế giới.

Các chủ đề gợi ý cho bài viết bao gồm (nhưng không giới hạn):

  • Các lý thuyết/tiểu luận nền tảng về dịch
  • Lịch sử dịch thuật trên thế giới và Việt Nam
  • Cách đọc/phê phán một bản dịch
  • Sáng tạo trong dịch thuật
  • Sự vô hình/hữu hình của người dịch
  • Cách tiếp nhận văn học nước ngoài qua các bản dịch ở Việt Nam
  • Vai trò của văn học dịch ở Việt Nam
  • Dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài

ZZZ REVIEW SỐ 09, THÁNG 10-2020

Theme: LGBTQ+
Guest editor: K.-ở-bên-kia-cánh-tủ

Trái với huyền thoại chung cho rằng văn học LGBTQ+ là một hiện tượng mới, chúng tôi ở đây tin rằng văn học LGBTQ+ có một truyền thống dày dặn và vĩ đại như chính lịch sử văn học và như chính tình yêu LGBTQ+ bao đời nay. Có lẽ, chúng tôi xin mượn ý của một cuốn tổng tập văn học đồng tính Anh ngữ từ 1748 đến 1914, rằng ấy là những trang sách chuyền tay, bị ủy khuất trong bao nhiêu cấm cản, hay đơn giản chỉ vì bị bỏ rơi trong bóng đêm tĩnh lặng. Pride Month vừa mới qua, trong số 9 này, chúng tôi hy vọng mang tới độc giả một cái nhìn nhanh về một truyền thống văn chương đầy tự hào, đông tây kim cổ. Ở đây chúng tôi chào đón những thảo luận, phân tích, kiến giải về văn chương LGBTQ+, và mời gọi những câu chuyện còn ủy khuất nơi ngăn bàn, mà theo lời của Woolf, rằng ấy chính là tương lai của văn chương. Ở đây, chúng ta chuyền nhau những cú click, vì một văn chương tự hào.

Các chủ đề gợi ý cho bài viết bao gồm (nhưng không giới hạn):

  • Lịch sử văn chương LGBTQ+ trên thế giới
  • Những tác phẩm văn học LGBTQ+ đã trở thành kinh điển và những hiện tượng văn chương LGBTQ+ đương đại
  • Tiếp nhận và phê phán (nếu có) với dòng văn chương LGBTQ+
  • Văn chương LGBTQ+ ở Việt Nam
  • Phỏng vấn tác giả LGBTQ+
  • Sáng tác LGBTQ+
  • Queer Theory
  • Có nên viết sách LGBTQ+ cho đối tượng thiếu nhi/niên
  • Bạn nhận xét gì về hình ảnh người LGBTQ+ trong văn chương/một tác phẩm cụ thể

ZZZ REVIEW SỐ 8, THÁNG 04-2020

Theme: Văn học Việt Nam 20 năm đầu thế kỷ 21

2020 là một cái mốc cực kỳ có ý nghĩa, hoặc thuần túy tầm phào và mê tín dị đoan (tùy theo cách nhìn nhận), khi chọn để coi là năm thích hợp để tổng kết tình hình văn chương Việt Nam trong 20 năm đầu thế kỷ 21. Dù cách phân chia thời kỳ (cũng như thể loại) sẽ còn nhiều tranh cãi, nhưng có thể rút ra những điểm chung: một giai đoạn mới với sự xuất hiện của internet (và những forum, website, ezine, blog, facebook, instagram) và ảnh hưởng của nó lên việc sáng tác, xuất bản, PR văn chương Việt; sự ra đời và phát triển của xuất bản tư nhân và cách nó định hình các sáng tác trong nước; toàn cầu hóa và hiện tượng di dân toàn cầu và sự hình thành của thế hệ nhà văn Việt sáng tác bằng tiếng Việt ở nước ngoài…

Với mục đích nhìn nhận và phân tích các hiện tượng văn chương cũng như một giai đoạn 20 năm qua, Zzz Review mời các bài viết của cá nhân chú trọng vào các chủ đề trên hoặc bất kỳ chủ đề nào khác liên quan tới Văn học Việt Nam 20 đầu thế kỷ 21.

Các chủ đề gợi ý cho bài viết bao gồm (nhưng không giới hạn):

  • Thơ và văn xuôi của các tác giả sáng tác từ 2000 trở về sau chưa xuất bản hay đăng tải trên bất cứ phương diện nào
  • Phỏng vấn các tác giả có tác phẩm xuất bản từ 2000-nay
  • Xuất bản tư nhân vs. xuất bản nhà nước và vai trò của cả hai trong việc định hình văn chương đương đại
  • Sáng tác ngầm và ý nghĩa của nó
  • Mọi khía cạnh có thể khai thác ở các tác giả đã ít nhiều được công nhận: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Thuận…
  • Điểm chung và riêng (nếu có) của các tác phẩm văn chương đương đại
  • Tác phẩm của các cây bút mới xuất hiện
  • Những tác phẩm có thể được coi là điển phạm

Bài viết không giới hạn số chữ, và hoan nghênh tiểu luận từ 4000 chữ trở lên. Để trích lời của Open Letters Monthly mà chúng tôi rất chia sẻ: “Nơi đây bạn sẽ tìm thấy những ý kiến dựa trên niềm tin của chúng tôi trên thế giới này không có chỗ cho vờ vịt hay phỉnh nịnh, và rằng sư tử của nghệ thuật cũng có thể ngã dập mặt mà tác phẩm vĩ đại có thể xuất hiện từ những ngõ ngách vốn vô danh trước đó.”

ZZZ REVIEW SỐ 7, THÁNG 11-2019

Theme: Khoa học, bao nhiêu là viễn tưởng

Năm hai ngàn không trăm nhiêu đó, sau khi đo được sóng hấp dẫn và chụp ảnh lỗ đen, loài người đã tự tin bán vé du lịch vào vũ trụ và xắn tay chuẩn bị cải tạo sao Hỏa để dọn sang nhà mới (hoặc chưa). Dưới mặt đất, xe tự lái và điện mặt trời đã đến với từng căn hộ, bạn có thể ăn bánh kẹp thịt chế tạo trong phòng thí nghiệm trong khi nói chuyện với cô bạn gái thực tại ảo và vuốt ve bầy mèo nhân bản vô tính $50k/shot của mình (hoặc ngược lại). Cuộc sống đã thuận tiện hơn nhiều khi mỗi người có (ít nhất một) trợ lý AI, mỗi nhà có (thường là vài) quản gia và người phục vụ AI, và mỗi chính phủ có (rất nhiều) điệp viên AI để đảm bảo an ninh cho giới giang cư mận vui tươi cũng như nhà kiểm duyệt AI để họ khỏi phải kém vui vì những tin tức về một cuộc biểu tình phiền hà nào đó (hoặc không). In 3D thành công não và tim (tuy chưa chạy được) mở đường cho giấc mơ bất tử của con người, trong khi chúng ta còn 11 năm là tới tận thế vì biến đổi khí hậu (hoặc chưa).

Những chủ đề truyền thống của khoa học viễn tưởng trên đây đã trở thành thực tại ở thời điểm hiện tại. Vậy những tác phẩm giả tưởng xưa có còn đáng đọc nữa không? Và khoa học viễn tưởng của thời đại công nghệ sẽ còn những gì để nói? Và nói chung, có còn cần đọc khoa học viễn tưởng nữa không trong thời đại khoa học thực tế đã đặt ra quá nhiều vấn đề hóc búa như ngày nay? Những điều đó, nhà Z hy vọng sẽ được nghe các bạn đề cập và thảo luận trong số tới. (Hoặc không.)

ZZZ REVIEW SỐ 6, tháng 7-2019

Theme: Đông và Trung Âu
Guest Editor: Trần Tiễn Cao Đăng

László Krasznahorkai. Kosztolányi Dezső. Karel Čapek. Bohumil Hrabal. Jaroslav Hašek. Olga Tokarczuk. Bruno Schulz… Rất nhiều đại thụ. Rất nhiều tác giả, hoặc đã nói lên những điều sâu sắc hay sửng sốt về thân phận làm người, hoặc đã đẩy lùi ranh giới và định nghĩa của sáng tác văn chương, bằng cách này hay cách khác khiến sau đó người ta không còn có thể viết và sống như trước nữa. Rất nhiều cái tên, đối với những người sống trong vùng ảnh hưởng “Âu”-Mỹ (read: Anh/Pháp-Mỹ) chúng ta, vừa khó đọc trẹo cả lưỡi vừa chứa đủ những cái dấu kỳ khôi chẳng hiểu là gì, đến nỗi nhiều khi con mắt lướt qua đã tự động bỏ qua và não đã tự động xếp vào “mấy nhà văn lèo tèo ở mấy nước con con không đáng để ý”. Khái niệm Trung Âu hình như không tồn tại trong tiếp nhận của đa số người đọc Việt Nam, còn Đông Âu có lẽ cũng không ngoài “Nga phiên bản lite”?

Ấy vậy mà Kafka, thần tượng mới của giới trẻ Việt Nam chính là đã ra đi từ đó; và người đồng hương không mấy ai biết đến của ông Milan Kundera từng nhiều lần dõng dạc phát biểu “không có Trung Âu thì không có châu Âu”. Trung Âu và Đông Âu băn khoăn đứng giữa hai dòng nước Đông hay Tây sẽ là một case study thú vị và đồng cảm về cách lựa chọn/khả thể của lựa chọn một giới căn tính của mình. Ngoài ra, các tác phẩm của họ đều rất cun nữa.

Cũng vì vấn đề căn tính, nên mặc dù đã được guest editor khai tâm cho vài buổi, cũng xin được hoãn một định nghĩa hay tiêu chí ở dạng sơ sài nào đó cho tới Lời ngỏ của số này. Trước mắt, để trả lời câu hỏi “nước X liệu có tính không?” xin tham khảo bản đồ trong hình; nếu vẫn chưa chắc chắn, thì vì theme mỗi số chỉ là định hướng chứ không phải là định chế nên mời các bạn cứ pm chúng tôi đặt gạch. Đông càng vui.

(Ban đầu, chúng tôi đã suy nghĩ có nên giật tít cho số này là “Trung&Đông Âu, không chỉ là Milan Kundera” nhái theo số cưỡi ngựa xem hoa làm hộc bơ trước đó; nhưng ấy là trước khi giật mình nhận ra Kundera khéo đã phải chiếm tới nửa trọng lượng số này. Vì vậy, rất mong các đồng bào đồng chí kiến văn quảng bác các nơi ra tay giúp đỡ, ngõ hầu hiện thực hóa ước mơ của mụ Zét là số này ra được 300 trang. Làm xong về vườn là vừa.)

ZZZ REVIEW SỐ 5, tháng 4-2019

Theme: Hành trình về phương Đông

Sau chuyến chu du nửa vòng trái đất trong số 4 – Mỹ La tinh trước, mời các bạn trở về với các vị hàng xóm đồng văn.

Ta còn có thể nói gì mới về Trung Quốc, đất nước vừa yêu vừa ghét, đất nước với hai giải Nobel, đất nước mà hình như không còn tác phẩm nào người Việt chưa biết đến, mà cả những bộ sách lê thê trường thiên cũng thường khi có nhiều hơn một bản dịch, và bản quyền nhiều cuốn được bán bay ngay khi tác giả mới hé cái tựa sách cùng đề cương?

Ta còn cần biết thêm gì về Nhật Bản dao động giữa hai stereotype cực, một số người thì chỉ biết những Kawabata, Mishima, Akutagawa… còn những người khác chỉ đam mê có manga, tempura, cosupureya và gần đây là Maria Ozawa Marie Kondo?

Và ta đã có thể biết những gì về Hàn Quốc mà theo đợt sóng Hallyu, những năm gần đây đã dồn dập đổ về không chỉ Haemin vạn người mê mà cả những Han Kang, Kim Yong Ha, Gong Ji Young, Shin Kyung Sook cùng rất nhiều tác giả trẻ trung sôi nổi khác?

Khu vực Đông Á rất quen mà rất lạ, rất gần gũi mà cũng còn rất nhiều điều để khám phá, từ văn hiến ngàn năm đến đam mỹ ngôn tình. Mời các fan (và anti-fan) góp chữ, hoặc nếu không, góp một chiếc manga/manhwa/manhua cun ngầu cũng không tệ.

ZZZ REVIEW SỐ 4, tháng 1-2019

Theme 1: Mỹ Latinh, không chỉ là García Márquez.

Không chỉ là García Márquez người được say mê nhất Việt Nam, Mỹ Latinh có thể là gì? Là Borges, mà tất cả chúng ta từng đọc, nhưng chẳng mấy ai từng hiểu? Là Mario Vargas Llosa, mà tất cả chúng ta từng nghe tên, nhưng không biết bao người đọc qua? Là Juan Rulfo (Y: “là ai cơ?”) với cuốn sách mà cả García Márquez lẫn Borges đều bái làm thầy? Hay là Paolo Coelho mà xem ra nửa Việt Nam bái làm thầy, nếu tin vào bảng xếp hạng Tiki và độ like share của độc giả Facebook? Là Roberto Bolaño (Y: “là ai cơ???”) mà Việt Nam mãi gần đây mới dịch? Là Amado, Asturias đã dịch từ thập kỷ 1960? Là hiện thực hay huyền ảo, là dân tộc chống thực dân hay sex, là Cortázar, Fuentes, Ruy Sánchez, Carpentier, Paz, Otero Silva? Đến đây thì chị Y ta đã kêu “ai” điếc cả tai và nhà Z cũng nhận ra mình vừa bước chân vào một mảnh đất hoang mang mà bản thân không có bản đồ. Vậy nên kính mời các bậc cao nhân góp lời chỉ giáo cho chúng tôi, còn những người cũng dốt giống chúng tôi, mời các bạn cùng tham gia viết-để-học.

(Nói rõ thêm là nhưng không kỳ thị và vẫn đón chào những bài viết về García Márquez.)

Theme 2: Tống cựu nghinh tân~

Cuối năm năm hết tết đến xuân sang rầm rập, Zzz Review cũng đú làm báo Tết. Tình hình sách vở báo chí một năm qua, cuốn sách thay đổi đời bạn/anh/chị…, hay nhân vật mới, nhà sách mới, tập đoàn mới, xu hướng mới trong năm qua, cuốn sách mà bạn/anh/chị đã viết xong, hay dịch xong, hay biên tập xong, hay ứng tiền pre-order xong và đang mỏi mòn con mắt trông chờ trong năm tới – không vấn đề gì là không vĩ mô đến mức chúng tôi không có chỗ trong số làm xong ăn Tết này.

ZZZ REVIEW SỐ 03

Theme của số này sẽ là Người viết nữ (nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà graffiti hoặc bất kỳ gì cũng được miễn là dính đến chữ và nữ).

ZZZ REVIEW SỐ 01-02

Tóm lại thì Zzz Review là cái gì?

[Cliché alert] Zzz Review ra đời tháng 7-2018, tiếp nối sự hiện diện tương đối thành công của Bên phía nhà Z nơi Madame Z múa gậy vườn hoang một mình đã mệt. Zzz do bà Z lẫn bạn bè cùng nhau bày vẽ, lấy mục tiêu ra mỗi quý một số, để đọc một cách tập trung hơn và cố gắng theo dòng thời sự xuất bản trong nước đỡ chậm lụt hơn. Sau hơn một năm chậm lụt vẫn hoàn chậm lụt, chúng tôi lại đẻ ra thêm Zzz Blog, nơi không có gì ra ngoài vòng phủ sóng từ manga cho đến Hannah Arendt. Tóm lại, nếu hỏi Zzz là gì, thì chúng tôi cũng không biết đó chính là những gì bạn thích.

Là những người đọc sách chuyên nghiệp và quá thường xuyên phải cosplay thanh/trung niên nghiêm túc trong đời sống 9-to-5+, chúng tôi hy vọng không gian này sẽ dành cho đọc/viết những thứ khiến mình vui, những thứ khiến mình thích để chia sẻ với các bạn bè trong sự đọc, chứ không phải băn khoăn vạn vấn đề thực tiễn mà cao nhất là “liệu có mua được hem/bán có ai mua hem”. Cũng vì thế:

  • Zzz Review & Blog sẽ tồn tại online dưới hình thức website và file download, tất cả đều miễn phí truy cập, trong tương lai khả kiến.
  • Nhóm chủ trương hoạt động trên cơ sở vun vén thời gian rảnh; mọi người viết gửi bài trên tinh thần kiếm bạn cùng chơi. Trong tương lai khả kiến các cộng tác viên vẫn không có thù lao, nhưng có thể sẽ thỉnh thoảng thấy cuốn sách tặng nào đó rơi bộp trước nhà và khi nào có dịp gặp nhau thì xin được mời cốc nước mía.
  • “Tạp chí” là cách gọi cho dễ hình dung, chứ Zzz không phải một tạp chí học thuật.
    Zzz không có: mục tiêu nhớn; tính chuyên nghiệp; tư cách chuyên gia; peer review; quy định về trình bày và chuẩn chính tả (miễn là đúng tiếng Việt (trừ khi có dụng ý nghệ thuật riêng)).
    Zzz có: trao đổi về nội dung và biên tập như chúng tôi thấy cần thiết; quyền quyết định cuối về việc sử dụng bài viết; mức độ lượng thứ thấp với các sự đạo.

Nếu bạn/anh/chị/ cảm thấy ok với các điều đó, mời bạn lại chơi ngắt lá xếp thuyền cùng chúng tôi.

[/cliché]