‘Straight outta Bạch Mai” – Nếu đi dọc phố nhà một chiều tắc đường buồn chán

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 10 phút

Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu. 

Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa. 

‘Tặng Mã Giám Sinh’ – Bùi Giáng

Beyond the walls of intelligence, life is defined.

‘N.Y. State of Mind’ – Nas

 

Tôi xa vắng Bạch Mai suốt gần hết thời thơ ấu và niên thiếu, chỉ để quay về quân khu của mình khi đã gần 30 tuổi. Một con đường quá đỗi tầm thường, quá đông người và xe và rác rưởi trên một trục hẹp dài, quá đông những thứ thanh niên đầu xanh đầu đỏ hay xăm trổ đầy mình đi rất hỗn và sẵn sàng chửi tung bạn lên hay đòi uỵch mẹ bạn (và bạn sẽ bật cười nếu tự hỏi vì sao cái cậu thanh niên người dài thòng tóc vàng này lại muốn uỵch mẹ bạn, một bà già 60 tuổi), nếu bạn lỡ đi quá gần khi chúng đang phóng xe bạt mạng, quá đông những trẻ con đi lơ thơ bên vệ đường như thể bố mẹ chúng bỏ quên chúng trên con phố này, có thể là mãi mãi. Với giống người bản-địa-Bạch-Mai, điều thiếu vắng là những người điên vẫn vãng lai nơi đây như ngày tôi còn nhỏ – giờ họ có lẽ đã trú ngụ cả ở Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (còn ban đêm họ ở đâu, có Chúa Phật mới biết).

 

Nhưng nếu ai đó hỏi quê hương của tôi là đâu, tôi sẽ không bao giờ nói ‘Gia Lộc, Hải Dương’ – như những gì căn cước công dân của tôi khai báo, hay thậm chí ‘Hà Nội’ – nơi từ bố tôi cho đến con trai tôi đều sinh ra, mà rất chi tiết và gần như bản năng, nơi chốn ấy sẽ là phố Bạch Mai. Như NWA đã viết Straight Outta Compton (album gangsta rap huyền thoại phát hành ngày 8/8/1988 – năm sinh của tôi), tôi sẽ viết Straight Outta Bạch Mai để ghi lại dấu vết của nơi chốn đã cưu mang con người tôi và khoan dung với sự điên rồ của tôi suốt hơn ba mươi năm có lẻ.

Phố Bạch Mai – Ảnh: Maik Cây

Có lẽ nơi chốn là thứ thích hợp nhất để ban phát sự khoan dung cho một con người. Mọi kẻ trong chúng ta và thân xác của chúng ta sẽ nằm xuống đất lạnh, những con vật và đồ đạc ta nâng niu sẽ đi vào những hũ tro cốt bị bỏ quên trong nghĩa địa đời người, giấc mơ sẽ chìm trôi, và tình yêu không gì hơn là một vệt khói hư ảo – nhưng nơi chốn hiện tồn như một sự nhắc nhớ rằng, dù đổi thay bề ngoài là tất nhiên, cái tinh thần căn cốt bên trong có thể là bất khả biến. Nơi chốn giống như một mỏ neo giằng níu thân phận con người và sự bất toàn của việc làm người. Thành thử, đôi khi người ta chẳng có gì để ngoái đầu lại ngóng trông hay hồi mã quay về, ngoài nơi chốn, như tôi vẫn quay về Bạch Mai, trong cả tâm tưởng và thực tại.

Số nhà 200 Bạch Mai/Ngõ chùa Liên Phái – Ảnh: Maik Cây

Bạch Mai là một con phố rất cổ nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố này. Cái ngã tư Bạch Mai – phố Huế – Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt mà không biết bao lần tôi và bạn bè bị công an thổi phạt – khoảng 9 – 10 thế kỷ trước là Ô Cầu Dền – một cửa thành từng tồn tại từ thời nhà Lý. Đã từng có một cái Cầu Dền đứng đó, mà khi đi qua ngã tư, như lúc này, đôi mắt láo liên nhìn xem có gì cần thận trọng không (kể cả khi tôi không đi sai luật giao thông), tôi vẫn tự hỏi cái Cầu Dền và con sông cũ mà nó bắc qua, hồn cốt chúng giờ ở đâu? Con phố này và những nơi chốn nối dài với nó, như đường Trương Định, khu Minh Khai, Tương Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai, Mai Động – hàng trăm năm trước đã từng là một rừng mai – và cũng như một Ô Cầu Dền chỉ còn trong ký ức thị dân, rừng mai ấy đã bị chìm lấp đâu đó dưới bùn đất của dòng chảy lịch sử. Cái mà tôi thấy ngày hôm nay, khi chạy xe quá chậm qua con phố nơi tôi ra đời và nhận không biết bao nhiêu hồi còi phản kháng và những tiếng chửi rủa lẩm bẩm của người dân phố thị đầy lòng nhân ái, chỉ là một khu phố không phát triển lắm, nhúc nhắc lê đôi chân của nó qua thế kỷ 21, và tự hỏi mình sẽ đi được đến đâu trước khi hoàn toàn diệt vong.

 

Có những chiều quá buồn và ảm đạm, như chiều nay, tôi thường đi qua số 516 Bạch Mai, ngôi nhà của tôi thời thơ bé, nay đã là một tiệm vàng bạc đá quý, chỉ để nghĩ ngợi về nơi mình đã từ đó bước ra đời. Nhà tôi đã từng đối diện Chợ Mơ – một khu chợ đã từng là chợ đầu mối của thành phố những thập kỷ về trước, một nơi chốn sầm uất nhộn nhịp những sự mua bán, phe phẩy, lừa lọc, trộm cướp và giang hồ vặt. Cái ngã tư giờ mở toang ra cho đám thị dân tiện đường đi lại, xưa có căn nhà cũ của gia đình tôi (khi bố tôi còn nhỏ, và tôi chưa ra đời), số 548 Bạch Mai, một căn nhà Pháp cổ mà nay chỉ còn là một địa chỉ không tồn tại. Cái ngã tư ấy, phía đối diện, nhiều năm về trước, ngay cạnh một bốt điện dai dẳng tồn tại qua mọi cuộc đập phá quy hoạch, đã từng là hàng nước quen của gia đình tôi và bạn hữu, và cũng là nơi tụ họp của những dân anh chị, hảo hán, yêng hùng, võ thuật, quanh cái nơi gọi là ‘quân khu Bạch Mai’. Tôi đã từng ghé nơi đó, quán nước nhà bác Dao tôi, với hai ông con là anh Kéo, anh Kìm, những người quá lâu rồi tôi không gặp mặt. Song điều tôi tiếc nuối không phải là họ, mà chỉ là tôi chưa bao giờ được thực sự hưởng cái không khí giang hồ mà bố tôi vẫn thường nhắc đến như một hào quang giờ hoàn toàn lịm tắt.

 

Bạch Mai có những ngôi nhà rất cũ kiểu đầu thế kỷ 20, mà nếu trong một giây phút nào đó tâm hồn xáo động khi đi qua con phố đông đúc trong cô đơn này và chợt hướng mắt lên cao, người ta sẽ thấy bóng dáng của thế kỷ phai màu vẫn còn hiện diện trên tầng hai của những ngôi nhà đó. Lối kiến trúc cổ điển, rầu rĩ, những cánh cửa sổ hẹp dài kiểu Đông Dương Pháp thuộc, những ban công quá hẹp chỉ đủ chỗ cho một người đứng hút thuốc và tưới hoa lan hay cho chim ăn – những thói bộ đô thành mà quả người ta đã thấy mòn mắt. Những dấu vết xưa cũ đó thường chìm lấp sau những biển hiệu lớn hoặc nhấp nháy đèn thời thượng, hoặc thô kệch quê mùa.

 

Có thể tôi thích nhất căn nhà số 484 Bạch Mai, với tầng hai đắp phù điêu rêu phong, và những tấm cửa sổ đã mục gãy đôi ba chỗ, phía dưới là một tiệm thuốc tông xanh trắng như bao tiệm thuốc nhợt nhạt trong thành phố. Có thể tôi thích nhất căn nhà số 178 Bạch Mai, nơi bên trên mặt tiền nhà còn ghi năm xây cất 1928 – tròn 60 năm trước khi tôi chào đời, và chỉ năm năm nữa thôi, sẽ ngót trăm tuổi, nếu như người ta còn gìn giữ nó được đến năm năm nữa. Cũng có thể tôi thích nhất căn nhà số 200 Bạch Mai, vẫn phom dáng cổ điển ấy, nhưng nếu ghé mắt một tối lạc lối nào, sẽ thấy ánh đèn hắt ra từ trên lầu, hứa hẹn một đời sống vẫn còn tiếp diễn bên trên tiệm kính phía dưới. Căn nhà ấy cũng nằm ngay cạnh ngõ chùa Liên Phái, vốn hàng trăm năm trước là đất phong của con cháu chúa Trịnh. Những triều đại dù huy hoàng rực rỡ thế nào cũng đến ngày tàn lụi, chỉ còn nơi chốn ở lại cho hồn ma bóng quế quá khứ có vũng xưa mà nương nhờ.

Số nhà 484 Bạch Mai – Ảnh: Maik Cây

Nhưng không phải lúc nào tôi cũng thích những căn nhà xinh đẹp với mặt tiền trạm trổ đậm vết vàng son quá vãng. Như trong cơn tắc đường chiều nay (cái cơn tắc đường vẫn thường trực rập rình con phố này và xổ ra trên đầu kẻ lữ hành những khi người ta cần về nhà thật sớm), tôi được ngắm thật lâu cái dãy nhà cũ, xấu, quét vôi vàng, điểm tô bằng cửa sổ xanh và mái ngói đỏ – một khối kiến trúc rất xã hội chủ nghĩa thập kỷ 70 của Công ty Kỹ thuật Điện thông Elenco. Dãy nhà đó vẫn thường làm tôi buồn những giờ tan tầm có mưa nhẹ, và trong dòng xe không thể cục cựa, tôi liếc nhìn dãy cờ đỏ sao vàng nằm rủ mình trước mái hiên như gợi một sự nẫu ruột không tên. Tôi cũng thích cái Kho lưu trữ của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội ở số 296 Bạch Mai, một tổ hợp cũ kỹ, bong tróc, không hứa hẹn sự lưu trữ của bất kỳ điều gì thú vị, nhưng cái cảnh hoang vu mỗi ngày của nó, cái quán nước vỉa hè nhộn nhịp ngay bên ngoài căn nhà, và cả những xe rác chất đầy hoa đào đứng án ngữ trước nó – mọi thứ làm cho việc nó bị hoang hóa một cách kỳ khôi đâm ra cũng dễ chịu.

Dãy nhà của Công ty Kỹ thuật Điện thông Elenco – Ảnh: Maik Cây

Thứ tôi không bao giờ thích là Rạp Bạch Mai của tôi, nơi tôi, những buổi chiều buồn chán như buổi chiều nay, phải dừng xe năm phút để rủa xả cửa tiệm đồ ăn nhanh bên dưới – thứ không phải đầu tiên và cũng không phải cuối cùng đã ăn tươi nuốt sống cái rạp phim duy nhất của khu phố. Chính bố tôi, khi là một đứa trẻ, đã từng bỏ vài hào lẻ vào đây xem phim, hay lậu vé để đứng trân trân ngó cái màn ảnh bạc phi thường hướng lũ trẻ nhóc sống dưới bầu trời xã hội chủ nghĩa nhìn ra thế giới. Và chính tôi, khi là một đứa trẻ, đã có trải nghiệm xi nê đầu đời ở đây, với một viên kẹo gôm nhai mãi không hết làm tôi khát đắng họng. Tiệm đồ ăn nhanh không có lỗi, hiển nhiên, nhưng tôi đã đi qua nơi đã từng là Rạp Bạch Mai ngày ngày với một nỗi lòng quá gần với một nỗi thù riêng, dành cho tất cả những thứ tổ hợp tư bản sặc mùi không gian đô thị xộc xệch, nay đã choán ngôi của một thành trì văn hóa mà chúng tôi từng tới lui.

Nơi đã từng là Rạp Bạch Mai – Ảnh: Maik Cây

Từ Rạp Bạch Mai (nơi nay đã không còn là Rạp Bạch Mai, chỉ còn một tấm biển bong tróc khi một nửa chữ Rolling Stone trên cao mà tôi không hiểu nguồn cơn), tôi vòng về nhà và đứng hút thuốc trước ngõ Giếng Mứt. Quá đông người và quá đông những bóng ma tưởng niệm hồi ức. Tôi nhắm mắt và lui về cái thời tôi còn 5 tuổi, luôn luôn đi lạc khi tìm nhà một người bác trong ngõ, luôn luôn đi lạc dù đã được dắt đi cả trăm lần vào con ngõ này. Tôi không biết liệu có còn một cái Giếng Mứt bên trong ngõ Giếng Mứt hay không (dù chắc chắn nó chẳng thể còn ngọt ngào như cái tên của nó, dưới dòng chảy tanh hôi của đô thị), bởi tôi sợ nếu đi vào con ngõ ấy, ký ức sẽ dìm tôi xuống một cái đáy thật sâu. Chiều nay, tôi chỉ đứng đây hút thuốc và nghĩ về những người đã sinh ra, lớn lên và chết đi ở chốn này, phố Bạch Mai của tôi. Những gia đình tư sản đầu thế kỷ 20 mà của cải đã lụi tàn hoặc phát tán sang những nơi chốn khác, trong đó có nhiều bạn bè người quen của gia đình tôi. Những họ hàng ở nơi đây nơi kia dọc trục phố Bạch Mai – Trương Định, và chính gia đình chúng tôi, những người đã tự nguyện lui khỏi con phố mà đi vào làng Hoàng Mai (bạn sẽ tìm thấy cái ‘làng’ ấy sau số 99 phố Trương Định, nó vẫn luôn nằm đó có lẽ đã quá nhiều đời). Những tay giang hồ và võ thuật đầy ảo tưởng anh hùng, những người đã vào tù ra tội và trở về Bạch Mai sống tiếp một cuộc đời buộc lòng phải sống. Tôi không nghĩ có ai muốn nghe về họ, nhưng khi đứng hút thuốc ở phố nhà và nhìn ánh sáng mặt trời tái nhợt đầu xuân khuất dạng nhường chỗ cho ánh đèn lấp lánh của đêm đô thị, tôi lại nghĩ về họ. Những người-đời-thường mà trải nghiệm người-riêng-tư của họ đã bị hạ xuống hàng thứ cấp trong cơn lũ của tin tức và những lời quảng cáo choang choác về sự phồn vinh sắp đến. Một sự phồn vinh như một vị Chúa-cứu-rỗi-giả, hứa hẹn sẽ nhấc những con người nghèo khó nhếch nhác xung quanh chúng tôi lên, nhưng thất hứa mãi như một vị Chúa-Chổm trong truyền thuyết.

Phố Bạch Mai – Ảnh: Maik Cây

Nếu đi dọc phố nhà một chiều tắc đường buồn chán, như chiều nay, Bạch Mai vẫn chỉ có ngần ấy thứ cho tôi – sự trĩu nặng khôn kham của bao kiếp người, sự vùng vẫy trong bất khả của những khả-thể-sống, sự dịu dàng man mác của ký ức và hiện tại và tương lai mãi dẫm chân lên nhau trong một điệu valse nghiệt ngã. Tôi phóng xe về nhà, xuyên qua màn mưa bắt đầu giăng và màn người không bao giờ dứt, về một chân rết nào đó trong những nơi chốn khu trú trong rừng mai đã chết của Bạch Mai, và chưa gì, tôi đã thấy nhớ Bạch Mai.

Maik Cây

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Maik Cây

Maik Cây là một nhà văn trẻ, người được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên diện mạo của một thế hệ người viết mới.

Các tác phẩm của Maik Cây mang hơi thở của người trẻ, có cảm xúc mãnh liệt với những gì đang xảy ra, phân tích chúng bằng sự hiểu biết đáng ngưỡng mộ.

Cách hành văn, dùng từ của Maik Cây chỉn chu và có sự chọn lọc, mang nhiều màu sắc triết học, tôn giáo, phim ảnh, văn học phương Đông và cả phương Tây, nêu cao những giá trị chiêm nghiệm về sự sống và cái chết bằng sự ma mị của ngôn từ. Một tác giả hiếm hoi có khả năng chỉ sử dụng ngôn từ để giữ chân người đọc không-thể-ngừng-đọc-cho-đến-khi-kết-thúc.

Khi được hỏi ai là người có ảnh hưởng nhất trong sáng tác của mình, Maik Cây cho biết: “Viết lách của tôi là một bức tranh khảm của hàng nghìn mảnh đắp văn hóa, sự hòa giọng của những người-viết, người-vẽ, người-hát, của những người-sống và người-chết mà tôi tìm thấy sự giao thoa. Vì vậy, tôi không nghĩ đến một cái tên nào cụ thể hay tới quá trình vượt thoát khỏi cái bóng đổ của cái tên đó. Tôi luôn viết theo cách tôi phải viết, bởi viết là một món quà và một sự trừng phạt, mà không phải ai cũng có thể bóp méo đi theo ý mình.”

Một nhà văn đã từng nhận xét về một trong những các tác phẩm của Maik Cây: “Đẹp, độc và điên rồ”.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*