Vở kịch thuộc khuôn khổ dự án sân khấu “Việt Nam của tôi”, Viện Goethe Việt Nam x Zzz Review, 2021-2023.
Nhân vật
LINH: Mẹ. Ngoài 50 tuổi. Chủ tiệm salon “Pretty Nails”. Giọng Mỹ có âm sắc Việt Nam.
MAI: Con gái. 18 tuổi. Sắp đi học đại học ở bờ kia đất nước.
Hồi 1
Cảnh 1
BỐI CẢNH: Bên ngoài tiệm làm móng. Mặt tiền tiệm giống như bất kỳ cửa tiệm nào khác trong khu mua sắm: cửa kính, gần như trong suốt, ngoại trừ vài ba tấm bích chương chụp cận cảnh các bộ móng được tỉa tót; cửa ra vào dán giờ mở cửa, tên tiệm, v.v…; phía trên, tên tiệm làm móng: Pretty Nails
MỞ MÀN: BÀ LINH đang đứng đợi ngoài tiệm. Bà cầm theo một chiếc phong bì. Trông bà có vẻ nhấp nhổm và lo lắng. Chốc chốc bà lại bước quanh mặt tiền cửa tiệm và nhìn ra phố để xem MAI, con gái bà, đã tới chưa. Cuối cùng, MAI cũng đến cùng tiếng xe ô tô (taxi) đi qua và đỗ lại. Vai cô đeo ví. Cửa xe sập mạnh, và MAI bước vào cảnh. Cô mặc quần nỉ rộng và một chiếc áo phông thoải mái.
MAI: (Nói với tài xế không xuất hiện trên sân khấu) Một phút thôi, chỉ một phút thôi! Tôi thề!
LINH: Trời đất ơi. Con lúc nào cũng trễ giờ, Mai ơi. Người ta sẽ nói gì đây? Người ta sẽ kêu là, “Bà Linh, mẹ của con bé Mai ấy, chả bao giờ dạy dỗ con gái cách xử sự.”
“Con nhỏ Mai lúc nào cũng trễ giờ.”
“Rồi thì Mai nó có bao giờ đúng giờ.”
“Cái Mai đâu rồi. Trời ơi, Mai nó lại muộn rồi.”
MAI: Mẹ. Chỉ năm phút thôi mà. Có gì đâu.
LINH: Con đang mặc cái gì thế? Để mẹ xem, để mẹ xem nào. Trời ơi, sao lại thế này? Cái gì đây? Con gái con đứa… lại còn tóc tai. Tóc với chả tai! Sao con không chải đầu.
MAI: Chẳng ai quan tâm đâu. Bay thôi mà mẹ. Ai quan tâm chứ. Đằng nào con cũng ngủ suốt mà.
LINH: Còn móng tay con nữa kìa. Người ta sẽ nói gì đây?
MAI: Ai ạ?
LINH: Mọi người! Mẹ con là thợ làm móng mà con lại để móng tay thế kia. Xấu ơi là xấu! Nhìn xem này. Con lại gặm móng đúng không? Mẹ có sơn móng không cho con gặm luôn. Vị như mướp đắng ấy. Mẹ đã dùng cho cô Rachel. Con nhớ cô Rachel không. Mỹ trắng, mập, thấp. Cổ cũng gặm móng. Để mẹ lấy một ít cho con.
MAI: Mẹ…
LINH: Mẹ nghĩ là mẹ có một lọ ở đâu đây.
MAI: Mẹ…
LINH: Nó ở đâu đó đằng sau.
MAI: Mẹ…
LINH: Mình sẽ phủ nhanh một lớp trước khi con đi.
MAI: Mẹ!
(Ngưng.)
LINH: Chỉ một lớp phủ nhanh thôi.
MAI: Con phải đi đây. Mẹ không biết là giờ mấy hàng kiểm tra an ninh nó thế nào đâu. Họ bắt mẹ cởi giày, cởi áo khoác. Mẹ đợi tới lượt để đi vào một cái máy, rồi họ bắt mẹ giơ tay lên, thỉnh thoảng còn vỗ kiểm tra cả người mẹ…
LINH: Sao mà mẹ biết được. Mẹ không đi máy bay từ hồi 1978 rồi. Thế là 32 năm rồi nhỉ? Mẹ ghét đi máy bay. Mẹ bị – người ta gọi là cái gì ấy nhỉ?… Rối loạn căng thẳng hậu dramatic đó.
MAI: Traumatic.
LINH: Mẹ bị cái đó đó. Rối loạn căng thẳng hậu dramatic.
MAI: Chứng ám ảnh sợ hãi. Đấy mới là cái mẹ đang muốn nói, chứng ám ảnh sợ hãi. Mẹ bị hội chứng sợ máy bay.
LINH: Chứng sợ, chứng sợ… Mẹ có trà trị được cái đó. Con không phải lo.
MAI: Sao mẹ có thể chịu được cảnh không đi lại lâu thế mà không phát điên chứ?
LINH: Ai muốn đi đâu khi đã có nhà ngay đây, an toàn, êm ấm. Hồi bằng tuổi con, mẹ thèm có căn nhà tử tế chết đi được.
MAI: Con đã ở nhà suốt rồi.
LINH: Thế thì ở thêm một chút nữa cũng được mà.
(Ngưng.)
Mẹ sẽ lấy cho con lọ sơn móng đó.
MAI: Không cần đâu mẹ ơi. Con phải đi đây. Mà sao mẹ gọi làm gì ạ? Tối qua mình chia tay nhau rồi còn gì.
Mẹ bảo, “Thế thì đi đi! Đi mà học mấy cái bằng vớ vẩn ấy đi, đi mà học mấy cái lớp ngớ ngẩn ở bờ kia đi! Tao thèm vào mà nhớ mày.”
Rồi con đã nói là, “Được thôi.”
Rồi mẹ cũng đã nói là, “Được.”
Rồi con sập cửa phòng con, mẹ sập cửa phòng mẹ, rồi ngủ dậy con lại thấy tin nhắn mẹ bảo tới đây gặp mẹ.
(Dừng lại.)
Con cần đi.
LINH: Con không cần đi. Con muốn đi. Khác đó con.
MAI: Thì, mấy cái vé tám trăm đô này nghĩ khác mà. Và còn có hai tiếng nữa thôi là con phải bay rồi.
LINH: Đám trẻ bọn con không hiểu thế nào là cần và muốn, muốn và cần. Muốn không phải là cần. Cần là cần. Mai, nghe mẹ nói! Nghe mẹ nói!
(Ngưng.)
LINH: Mẹ không muốn rời Việt Nam. Mẹ cần rời đi. Chúng ta đã nhịn đói. Chúng ta đã sợ hãi. Bất kì ai… bất kì ai cũng có thể biến mất – cứ thế mà biến mất. May mà còn có bóng đêm che chở. Thực sự. Thế là chúng ta rời đi vào ban đêm. Mẹ đã bỏ lại cuộc sống của mình – chiếc áo phông Elvis, hộp nhạc ba con tặng mẹ, các đĩa nhạc The Beatles, toàn bộ bộ sưu tập của mẹ – bởi trên biển ai cần những thứ đó chứ? Trên biển không ai cần nhạc nhẽo. Trên biển không một ai có thể có bất cứ thứ gì. Chúng ta thậm chí còn nhịn đói mà rời đi, trời ơi, đói khủng khiếp, nhưng đói trên biển còn hơn đói trên bờ, con không hiểu được đâu, chúng ta không muốn con biết về cuộc sống đó, nên ba mẹ cố gắng cả đời để con được ấm no và khỏe mạnh và mẹ đã nuôi nấng con no đủ và khỏe mạnh kể cả sau khi ba con mất và mẹ đã phải làm tăng ca chỉ để hai mẹ con mình không bị đói và con có thể có mái nhà che đầu, và mẹ chỉ đòi hỏi con mỗi việc học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, lớn lên và thành đạt, con biết rồi đấy, chúng ta chỉ có đòi hỏi con mỗi thế, và giờ, con chọn rời đi.
(Bà LINH và MAI im lặng. Bà LINH ngượng ngùng nhưng cố giấu. Sự im lặng kéo dài hồi lâu rồi hai mẹ con cất tiếng.)
Mặc dù thế, chúng ta đã vượt qua, ba con và mẹ. Đúng thế, ba con và mẹ đã rời đi trên một con thuyền và sống sót tới đây. Chúng ta không có gì nhiều nhặn nhưng đã sống tương đối ổn. Chúng ta đã sống tương đối tốt. Và nhìn mà xem – Pretty Nails. Chỉ cái tên thôi nó đã khiến người ta biết điều họ cần biết.
MAI: Mẹ… Con xin lỗi. Ba mẹ là ba mẹ tuyệt vời nhất mà con có thể / có—
LINH: Con có biết ba con muốn đặt tên tiệm là gì không? “Mai Nails.” Theo tên con đấy. Ngớ ngẩn ghê chứ, “Mai Nails.” Phải là “My Nails” hoặc “Mai’s Nails” chứ. Thấy chưa, mẹ con cũng biết tiếng Anh đó chứ. Đám Mỹ trắng ấy, cứ làm như mẹ không biết gì, làm như mẹ là đứa đần không bằng… Mai Nails, Mai Nails…
MAI: (Thở dài, ước gì bà LINH đừng đổi chủ đề) Đó là pun mẹ ơi.
LINH: Vui vẻ gì ba cái trò đó?
MAI: Chơi chữ, mẹ ơi. Chơi chữ. Là pun, pờ ấy.
(Nhìn đồng hồ.)
LINH: Ai cần chơi chữ khi đặt tên cửa tiệm chứ? Nước Mỹ là để làm ăn chứ không phải để chơi chữ. Đó là lý do vì sao chúng ta rời Việt Nam. Ở đó con đâu có làm ăn được gì. Nhưng ở đây, con có thể làm gì con muốn. Mỹ là để làm ăn, không phải để chơi! Ai dư thời gian chơi chứ? Tại sao con không làm ăn chứ?
(Chỉ tay vào tiệm làm móng.)
Sẵn nong sẵn né cả đây. Con có nhớ hồi con 10 tuổi không? Chủ nhật nào con cũng tới đây lau bàn. Con có thể làm thế và còn nhiều hơn thế – mẹ sẽ dạy cho con mọi thứ con cần biết. Mẹ con mình cùng nhau có thể biến Pretty Nails thành thứ đẹp đẽ!
MAI: Con không thích làm kinh doanh. Nếu mà mẹ chưa biết ấy thì chủ nghĩa tư bản đã chết rồi. Con người ta chán ngấy chuyện bóc lột, làm việc nhiều giờ rồi cánh nhà giàu tích trữ của cải.
LINH: Mai! Chúng ta tích trữ tiền bạc đó thôi! Dưới giường! Con biết thừa chúng ta không tin nhà băng. Mẹ không tin, ba con không tin.
MAI: Con tưởng mẹ đã thôi làm việc đó sau khi ba mất.
LINH: Người Mỹ đã nói gì về thói quen cũ ấy nhỉ? Old habits hardly die? Thói quen khó bỏ?
MAI: Mẹ phải biết chăm nom bản thân, mẹ à. Khi con đi xa—
LINH: Mẹ lo thân mẹ ngon không. Con thì khác—
MAI: (Tiếng còi xe.) Mẹ, con thực sự cần đi rồi. Con đã nói với tài xế là chỉ một phút thôi.
LINH: OK, OK. Đây.
(Đưa chiếc phong bì.)
Con cần lo thân cho tốt nha.
MAI: Mẹ.
(Mở phong bì và thấy có tiền.)
Mẹ à! Con không cần cái này đâu. Mẹ không phải cho con. Ở trường có việc làm mà, con nói với mẹ rồi. / Mẹ cầm lại đi.
(Cố gắng đưa lại số tiền.)
LINH: (Từ chối tiền) Con cứ cầm lấy đi, phòng khi.
MAI: Mẹ à…
LINH: Con học ba cái thứ ấm chén còn gì!
MAI: Gốm sứ.
LINH: Là cái gì? Để làm cái gì?
MAI: Thì nó hay ấy mẹ. Và con giỏi làm gốm.
(Tự hào)
Con rất giỏi ấy. Các thày khi con đến thăm đều bảo là con sẽ làm nên chuyện.
(Lấy ra một chiếc bình gốm nhỏ.)
Mẹ có thấy kỹ thuật của con không? Và màu men này ấy, con phải mất hai ngày mới canh được chuẩn, nhưng đáng lắm mẹ ạ. Mẹ nhìn đi mẹ.
LINH: (Ngắm nghía chiếc lọ. Nghĩ rằng nó thực sự đẹp nhưng vẫn che giấu cảm xúc.)
Trời đất ơi, tôi mà lại nuôi được nghệ sĩ hả trời? Hông có nhà nào lại muốn có nghệ sĩ trong nhà hết trơn. Cất đi, cất đi. Trước khi hàng xóm người ta nhìn thấy!
MAI: Đây là chiếc lọ được giải đó mẹ. Con có tiềm năng, các thày đã bảo vậy.
Một ngày kia, có thể con sẽ có triển lãm ở New York. Hoặc London. Paris. Rất xa ở đây. Thế giới rộng lớn đang ở ngoài kia, và con muốn đặt chân tới mọi nơi.
LINH: Kể cả Việt Nam ư?
MAI: Kể cả Việt Nam.
LINH: Lý trí hơn đi, Mai ơi. Đời nghệ sĩ khó khăn lắm. Nếu đây mà là Việt Nam thì con sẽ hiểu ngay. Ở Việt Nam làm gì có nghệ sĩ.
Cách đây ba mươi phút có một trường đại học. Họ có thể dạy con kỹ năng làm ăn. Con không phải bay sang bờ kia đất nước hay vòng quanh thế giới làm gì. Mẹ đã nói với con về trường đó rồi. Chỉ một chuyến xe là tới. Cuối tuần mẹ có thể mang đồ ăn tới cho con. Con vẫn có thể nộp đơn. Mẹ đánh dấu rồi. Tỉnh táo lên con. Nếu đây mà là Việt Nam…
MAI: Nhưng đây không phải Việt Nam. Đây là Mỹ. Và con không lý trí đấy. Nhưng mẹ cũng đâu phải lý trí đâu. Mẹ chỉ cần hạnh phúc thôi. Và cuộc sống có lẽ chỉ cần có thế: được hạnh phúc.
(Ngắm chiếc bình trước khi cất đi. Cố gắng, nhưng không kiên quyết như trước, đưa lại số tiền cho mẹ; bà LINH từ chối nhận.)
LINH: Hạnh phúc hả?
MAI: Dạ, hạnh phúc.
LINH: Hạnh phúc, rồi. Hạnh phúc thì tốt thôi. Hạnh phúc thì được rồi.
Nhưng sau này con định làm gì? Con đã có kế hoạch chưa?
MAI: Con không biết. Nhưng có khi giờ con chưa cần biết. Con có tận bốn năm để suy nghĩ mà.
LINH: (Nói với mình nhiều hơn là với Mai)
Bốn năm, bốn năm. Ba con đã mất được bốn năm rồi. Bốn năm ngắn lắm, cứ như mới vừa hôm qua.
MAI: (Thở dài. Đưa tay ra.)
Ôi, mẹ.
(Ngưng dài.)
(Chuông báo thức của MAI reo.)
Đã tới giờ này rồi ư? Con thực sự cần đi rồi. Mẹ, con đi nha? Con đi được không?
LINH: OK. OK. OK.
(Cầm tay MAI.)
OK.
(Nhìn vào mắt MAI, thở dài)
Nhìn móng tay của con kìa! Đất sét với màu làm bẩn hết trơn. Ba cái thứ đó toàn phải đụng đến tay. Tay con trước đẹp quá trời. Giờ nhìn xem, móng mẻ hết trơn. Mẹ sửa nhanh thôi. Chỉ dặm bột với đánh bóng chút xíu.
MAI: Mẹ!
LINH: OK. OK. Gọi cho mẹ khi con hạ cánh nha.
MAI: Đương nhiên ạ.
(Chuẩn bị rời đi)
LINH: Mai! Đợi chút! Mai.
(MAI quay lại.)
Con dùng cái này mà mua thức ăn. Chỗ tiền này ấy. Ăn uống quan trọng lắm. Dù sao con cũng phải lên vài cân nữa. Chẳng ai muốn cưới cái que về đâu. “Mỡ màng mới ngon”, cô Rachel bảo mẹ thế. Ăn uống quan trọng lắm, con không hình dung nổi đâu!
(Ngưng.)
Nhớ gọi cho mẹ khi hạ cánh.
Ngô Hà Thu dịch
Leave a Reply