
(Bài viết thuộc Zzz Review Sáng tác mới, ngày 12-7-2023)
Vào một ngày nào đó tôi không còn nhớ rõ nữa, Aans bảo tôi hãy giữ mà đọc lấy một cuốn sách cậu ăn cắp được từ thư viện tỉnh. Cái thư viện mở ra cốt để xong xuôi một nhiệm vụ phô bày, nhếch nhác không hiểu nổi. Nhưng Aans thích nơi đó, vì nó cho cậu một thứ cảm giác khó tả: Tôi gọi tên giùm cậu, và cậu chấp nhận, một thứ “quê mùa” nhưng đắt đỏ, có thể dùng để chống chế được. Thư viện nằm ở hướng Tây thành phố, gần bìa ngoại ô, từ ký túc xá chỉ cần đi bộ khoảng năm phút là tới, trên tầng cao nhất có thể nhìn ra phần đẹp nhất trên bờ ke của con sông chảy qua cây cầu nối liền một huyện với nội thành. Cửa chính mãi mãi không bao giờ mở ra, có lẽ người ta thấy không quan trọng, nên muốn vào phải lách qua một ngõ nhỏ ở bên hông thư viện, cỏ và hoa xuyến chi ngập đến đầu gối. Ở bên ngoài, có những biển hiệu chủ đề sách tuần, chủ đề sách tháng, chủ đề sách năm. Tôi còn nhớ, lần trước tôi đến, người ta đặt một hộp xoay căng ba băng rôn màu xanh nước biển, đề: Tháng biển đảo. Vào trong một chút là khu vực sảnh, vừa đủ rộng khi đặt năm sáu chiếc bàn gỗ lớn, và sát về phía sau dựng áp vào tường là những tủ kính sách không cho mượn, chỉ để trưng bày, những loại sách không bao giờ lỗi thời, nói đúng hơn là không bao giờ cũ, theo nghĩa đen, vì người ta không bao giờ mở khóa cửa tủ ra: sách về tiểu sử Joseph Stalin, Sergey Kirov, Joseph Goebbels và những vị lãnh tụ tài ba khác mà Aans sẽ xua tay bảo chuyện đã xong rồi, kể cả chủ nghĩa Marx hậu chiến người ta cũng tấn công, rồi tất cả cũng là chuyện xong rồi thôi. Tôi không hiểu, nhưng ghi nhớ. Tôi nói Aans hãy kể tôi nghe về họ, một người biết lịch sử bao giờ cũng đĩnh đạc hơn một kẻ ưa tọc mạch việc đương thời. Nhưng tôi không đọc những cuốn sách có bìa xấu được, tôi cảm thấy nhức mắt với những dòng chữ san sát nhau trên mặt giấy trắng tinh, cứng giòn như thể chỉ cần ta bất đồng quan điểm và cau mày thôi cũng đủ làm cho nó rách ra. Tôi biết tất cả những cuốn sách bọc da thuộc bằng polyester cốt để che đi một thứ bìa nhung nhúc chữ, như thể chỉ khuyến khích đọc lấy những tiêu đề hoành tráng. Bên trong in kiểu chữ Times New Roman cỡ mười hai, như một bài kiểm tra đánh giá năng lực. Aans thường bảo tôi là một người đọc nhiều, ý khen ngợi, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ nói với một giọng thật giễu cợt. Tôi viện cớ là vì bố tôi là một người đọc nhiều, ông đọc những cuốn sách vật lý lượng tử và vật chất mới, để phục vụ cho nghề giảng viên của ông. Aans biết tôi nói đùa, chỉ bởi vì trường đại học ở thành phố chúng tôi không đòi hỏi giảng viên phải biết nhiều hơn giáo trình. Cậu biết bố tôi không ngoại lệ. Tôi hối hận vì đã không nói dối rằng bố tôi chỉ là một tên nouveau-riche kệch cỡm, như thế có khi còn nghĩa lý hơn. Nhưng cậu sẽ không bao giờ biết bố tôi chưa bao giờ là giảng viên ở trường đại học, chưa từng tiệm cận đến tri thức nữa là. Ông chỉ là một tên ghi số đề đã treo cổ tự tử sau khi bị một con đề chém ngay lưng vì ghi thiếu hai mươi xiên.
“Hãy còn thời gian, đợi cho mặt trời xuống hết đã,” Aans nhìn tôi nói, giọng cậu như hụt hơi, tôi nghĩ nếu cậu không nghẹt thở bởi thứ không khí nồng đặc, nóng nảy mà căn phòng đã khóa lại từ những cảm giác ban sơ đầu tiên của buổi trưa thì cậu đã cười.
Trong những ngày tôi chưa sợ hoàng hôn đến như thế, những bậc thang nối lên tầng trên của thư viện là những bậc đá granite mài, rộng hai mươi xăng ti mét, dài hơn một mét rưỡi. Có một lần tôi đếm xem bao nhiêu, thì được ba mươi ba, vừa đủ làm cầu thang cong thành một vòng xoắn rất tế nhị, người bước xuống đủ huy hoàng. Aans thường lấy sách trên tầng hai, vì không ai bén mảng lên đó bao giờ. Có khi, tầm độ tháng Tư, đôi khi sẽ có những học sinh đến để ôn bài, nhưng chỉ dùng mỗi bốn cái bàn lớn ghép thành một mảnh trời ở tầng dưới. Bên phải là một cầu thang lớn, tay vịn bằng gỗ đánh véc-ni, còn rất mới, như thể hôm nào người ta cũng quét đi quét lại một lớp sơn mỏng. Nhưng mặt đất hoang tàn, thậm chí vài miếng gạch lát còn bị cạy lên, vứt ra xa trong góc, vài mảnh còn nguyên, nhưng đa phần đều bị vỡ nát ra. Cầu thang bằng gỗ, so với khoảng cách tầng trệt bắc lên, nó được chia ra thành nhiều bậc một cách vô cùng trưởng giả và không cần thiết, đến chiếu nghỉ thứ ba, mảng tường lớn bịt bùng bắt đầu nhận ánh sáng để đi thêm mấy bậc nữa, những người cao như tôi có thể nhận ra trên cao đục tuềnh toàng một hốc bồ câu rộng bằng hai cuốn sách xếp theo chiều ngang vọng ra bãi cây tuềnh toàng, sau nữa là sân vận động tuềnh toàng. Tôi hay nhìn ra phía trước cửa kính bên tay phải và thấy một nhà văn, xung quanh một là một đội tri thức đang ngồi trên chiếc bàn dưới mái hiên căng bằng vải bạt dù phóng mắt về đỉnh sân phía xa đang chìm dần trong bóng tối ung dung với vẻ đang nghe tiếng chim nhạn khô khốc nhưng chúng ta đều đồng ý họ nhìn vào hư vô, bao giờ ta có thể biến những thứ con người chủ ý thực hiện thành phi lý và bất dụng, lúc tất cả chúng họ, nhà văn, những cư dân thành thị với nếp sống cởi mở cởi trần chạy bộ ngang qua ngang lại cùng các bà mẹ đẩy bé con đi tập thể dục về đã mệt mỏi với việc sống trần trụi, họ thật sự muốn rước vào trong mình những vần thơ và lọc đi dòng máu quê mùa này, thế là họ nhìn vào hư vô. Trước mắt họ là một đường hẻm khá rộng và vắng người, mới phủ dầu hắt khiến nó trông khác hẳn mặt đường bình thường của đô thị, ngăn cách những dãy nhà lụp xụp trong hẻm tối với ánh đèn mỗi lúc một vàng phía ngoài này, trăng lấp ló sau bụi cây, bọn họ, trừ nhà văn, đều muốn gây ấn tượng với vẻ học giả Nho gia của mình, nên một vài người ngâm thơ, nhà văn không nhận ra đó là một bài thơ Tàu, hoặc giả có nhận ra, cũng tấm tắc khen hay, y nghĩ đó là cách mà người ta vũ trang lúc này, khi đã quá chán chường cảnh bị gọi là những người hết thời, nhưng dù có lẽ thế, thơ thẩn cũng không làm cho họ thêm phần sang trọng bởi khắp thân thể họ tỏa lên mùi của sự nghèo khó. Trong sự cô độc như thế, họ không bao giờ có thể lựa chọn mình là ai, trong người họ tiến đến công việc nghệ sĩ bằng quá nhiều toan tính và nỗi khát khao xóa sổ họ ra khỏi mảnh đất thô cứng này, nhưng may mắn là có sức sống bền bỉ, không ai dám đụng vào, đó không phải là ngai vàng, người ngồi bên trên ngai vàng cũng chưa chắc là vua, nhưng dù sao tham vọng lấy được nó bỏ vào túi của họ là thứ gì đó mang tính thời cuộc để vươn lên là hoàn toàn không sai trái, nhưng chuyện gì mới sai trái, chẳng phải tại lúc này, chẳng có thứ gì đúng mà cũng chẳng có cái gì sai, điều quan trọng là họ phải giải thích được những gì mình làm, giải thích có nghĩa là bao biện, giãy nảy, dọa mình sẽ bước ra khỏi cuộc đời nhưng chẳng mấy chốc lại thèm khát nó đến điên dại bởi vì ta hiếm khi thấy mình chán ghét mọi thứ, ta chỉ muốn nó chiều chuộng ta thêm một chút, và ta đều chờ điều đó xảy ra, đợi chờ và đợi chờ trong một nhà kho mà nơi đó người ta nuôi sống mình qua ngày bằng ký ức không mấy tươi đẹp, nghĩa là tươi đẹp vì nó là quá khứ, uống trọn những thứ tự huyễn hoặc hoặc nằm mộng. Ký ức là gì, những cây chay sau mấy mùa xuân không thắm đã hoàn toàn trụi khô như chết cháy, đã quá lâu rồi người ta không dư dả nước để tưới cho những cái cây ven đường, chúng đổ sập dần, hoặc đứng sừng sững, nhưng khô quắt lại giống khi nào sẽ ngã đổ thì không ai biết, nhưng những dây leo dại đã bắt đầu leo lên nó như một cọc nhọn nghìn năm, để củng cố cho những đời sau, bọn người ở đó không bao giờ nhắc đến từ ký ức bởi vì nó quá ủy mị, thế nhưng trong lòng họ vẫn lả lướt, thầm khóc như một thiếu nữ, và hết mực yếu đuối, như nỗi nhớ thường của người phòng khuê trải qua quá nhiều thăng trầm và giờ biến thành những tiếng chửi đổng giữa lúc trời đêm dần rớt xuống phía sau họ, trên đầu, trên vai, mả cha nó chứ, bọn mặt ngựa ác là nó cướp của ta, trừ tôi, không ai quan tâm những cái cây bao giờ mới đổ bởi họ biết, rễ cây nhân những ngày vùng đất này còn thắm tươi đã bám chặt vào tận những vỉa đất trên mạch nước, hút trọn, nở đời và chết, đôi lúc họ coi những cái cây chay ven đường đi là hiện thân của cái ác, chúng hút cạn kiệt nguồn nước bên dưới đường đất đá phủ dầu hắt, thứ mà người ta bất lực, họ bèn gán cho những cái cây là tội đồ bởi vì chúng lấy đi những gì họ không thể lấy, thật bất công, ta có nên gọi đó là sự bất công không, không, vì nó còn có màng việc dính dáng một chút với phe chủ chiến, cánh tả, mạnh mẽ, quật cường và những người như thế đã còm cõi đến mức phải lui hòa, thế nên họ khiếp sợ từ bất công, sợ tiếng nói ấy vang lên thì mọi sự giãi bày tâm sự thỏ thẻ thủ thỉ nhỏ to í ới gọi bầy, hát đối đáp, hò ca biến thành lá cờ phất cao để thực hiện ý đồ cách mạng, ngầm chạy đua vũ trang, thâu tóm nhân lực, bất mãn tột độ, căng thẳng leo thang, nên tuyệt nhiên không thể gọi họ được đối xử bất công được, để đặt tên cho đúng, thì phải biết họ bất mãn với ai, với những cây chay, hay với trời đất bốn phương tám hướng các chư vị trên đầu yểm trợ độ trì, đó là điều cấm kỵ, tín ngưỡng là một phần trong máu thịt, tuổi thơ được dạy dỗ và chiêm ngưỡng các cuộc hiến tế thánh thần răn cấm lớp dân mới mẻ nhưng giờ vết chân chim phủ khắp mặt, tâm hồn thì không lạc lối, điểm khác biệt với những người trẻ bên cạnh họ là họ thôi không còn tìm lấy thứ mang danh an yên sau nỗi thống khổ tự bịa đặt nữa bởi bản thân họ đã có rồi, chỉ cần họ im miệng, bịt đầu mối, giết người diệt khẩu, cẩn tắc vô áy náy, thủ tiêu nhân chứng, còn người trẻ hơn thì khát khao sự bình yên, nhẹ nhàng, dịu dàng trong lúc sống chung với kẻ đã chứng kiến mình giương băng rôn rằng sẽ chết thật oanh tạc, vẻ vang, bi tráng, như khải huyền, chết vinh còn hơn sống nhục, về việc đổ lỗi cho nhà văn nghĩ nên xem xét dưới khía cạnh của việc họ muốn được phản chiếu như thế nào thì hơn, còn những người xung quanh nhà văn trên năm chiếc ghế xung đặt áp sát vào vào bức tường bằng thủy tinh đôi chỗ lại dán tờ quảng cáo món mới hay giảm giá cho những món bánh mùa thu lởm chởm hướng về phía Nam, lằn đỏ trên núi mặt trời thấm qua như tấm lụa bị rách phơi trên cột thuyền bay phấp phới và rơi xuống biển trời đen mênh mông, những cái ghế bằng gỗ ván ép, những cái bàn bằng gỗ ván ép, nhưng sơn màu như gỗ lim, gỗ gụ, những ly nước chè nhạt đọng nước lại trên bàn thành một vụng đời, những vỏ hạt dưa hai người đàn bà vừa vứt lại ngay chỗ cây thanh mai trước quán tối sẫm lại, rút vào trong quên lãng, những gương mặt thành thị lúc này chỉ thấy một nửa phía quay về nhà văn, gã hơi sợ, như thể mọi người đang hướng hết ánh nhìn về mình để tụng ca buổi tối, một gã nhạc sĩ bước vào hội, chào nhà văn rồi ngồi xuống bên cạnh, hỏi mượn chủ quán một cây đàn ghi-ta, đánh nhạc Trịnh Công Sơn, xin cho tay em còn muốt dài những người họ đương thèm khát lòng từ bi, suốt ngày họ xin bề trên qua em đi về cầu mưa ướt áo những chiếc bàn thờ đặt trên cao, những lá bùa chú dán giữa nhà vì họ tin rằng mọi sự may mắn trên đời này đều là sự may mắn xứng đáng cho họ vì biển sóng đừng xô tôi họ tin rằng các chư vị chỉ ban phước cho những ai sống thiện lành, và họ sống thiện lành, đó không phải là một mệnh đề, mà là xác suất biến cố của một phép thử trong không gian mẫu rộng lớn (8 tỉ, trừ đi sự vô thần còn lại 1 tỉ) nhưng số lần gieo ít ỏi (một đời người, trừ đi những lần mạo muội quên mình là con người, những lần muốn thoát thai, bế tắc, lạc lõng, phủ định, nổi đóa lên, tưởng mình là nổi bật nhưng xung quanh ai cũng nổi bật). Nhạc sĩ nhoài người tới trong sự phủ định của thân thể với suy nghĩ ở bên trong, trông có vẻ hơi cộc cằn và xơ cứng như một người khổng lồ cố để hòa nhập với chiếc đàn đã bị đứt dây mảnh nhất, nhưng không ai gọi gã với cây đàn là một hợp thể nghệ thuật bởi vì hắn như muốn bóp nát chúng trong khi giai điệu của buổi chiều tối vẫn êm đềm, mê mải trôi đi, bóng tối phủ định thời gian, người ta không hề hay biết mình bị mù lòa trong ánh sáng ban ngày hay tỏ tường trong đêm dài, họ là những người tỉnh táo nhưng còn mông muội vì chưa đi ra khỏi được cái hang dài hắt lửa. Bên trái cầu thang là hai phòng đơn nối liền với nhau bằng một cái bàn giấy để kiểm soát sách báo. Căn phòng thứ hai là nơi Aans thường lấy những cuốn sách bám bụi, gãy gáy, quái lạ. Có vài cuốn sách của Wurmbrand và Koestler, như thể ai đó tinh quái đút vào hòng làm ô danh một thư viện.
Thư viện có khoảng ba người, một bảo vệ, lão đứng tuổi, loại tuổi mà người ta thấy sách sẽ thích, nhưng không đọc, hoặc loại người thấy sách sẽ trân quý, chứ không thể đọc. Lão ở đó để làm gì tôi cũng không biết, nhưng tôi biết lão không bảo vệ. Thân hình lão không giống một con chó canh cửa, không phải bởi thân hình gầy còm như người sắp chết, râu tóc nhẵn nhụi, gợi cho người ta cảm giác như một bộ xương để giáo viên sinh học chỉ trỏ chỗ này là xương ức, chỗ kia là xương cụt mà bởi tôi nghĩ thế. Đôi khi những kết luận của người ta không nhất thiết có lý do, tôi chỉ nghĩ có lẽ lão không thực sự tồn tại hoặc mang đủ bao chứa sức nặng của tồn tại để “bảo vệ” một thứ gì đó. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với lão, điều đó lại càng khiến kết luận của tôi có căn cứ. Hai người còn lại thường ở trong một căn phòng được xây dưới chân cầu thang, bật đèn sáng bất kể đêm hay ngày, rất im lặng, tôi không bao giờ thấy họ. Họ chỉ là những hồn bóng, Aans nói với tôi, làm tôi ái ngại. Nhưng nhiều lúc cậu cũng bảo đó là một cặp tình nhân bỏ trốn gia đình vào đây, sợ ánh sáng ban ngày, chỉ khi đêm xuống họ mới xuất hiện. Vậy thì có khác gì một hồn bóng? Tôi nghĩ Aans dọa tôi, tự khiến câu chuyện thành câu đùa vô thưởng vô phạt. Nhưng nhiều năm sau đó, khi thư viện không còn nữa và tôi cũng không còn Aans, tôi mới biết chuyện đó là thật.
“Cậu đã sống một cuộc đời bí ẩn.”
“Không gì vô nghĩa hơn thế.”
“Cái gì vô nghĩa?”
“Không biết.”
“Đi thôi,” Aans bảo, rồi lại gần tôi. Tôi nghẹt thở.
“Đi.”
Chúng tôi ở lại trong căn phòng thêm nhiều tiếng nữa, khi mặt trời lặn hẳn. Mùi hoa lài trước cửa hơi đậm, phả vào trong căn phòng mờ xỉn không thấy được mặt nhau, tung lên từ một lớp bụi mờ quang vinh của quá khứ. Chúng tôi vô lý như mùa hè, Aans không nói, nhưng tôi biết cậu. Cậu đội một chiếc mũ quả dưa lên, chuẩn bị.
Nỗi đau của tôi bắt nguồn từ một thứ mùi cực kỳ khó chịu vẫn luôn phảng phất trong căn phòng, thứ mà dẫu có cố gắng đến mấy thì chẳng ai trong số ba chúng tôi lôi tìm ra được nguyên cớ. Sau một năm đầu tiên, chúng tôi quyết định loại bỏ cái ý tưởng về một thứ gì đó chết ra khỏi vòng nghi phạm. Aans ý tưởng rằng nếu không phải là chết, thì là sống, sống mạnh mẽ nữa là. Đôi khi sự lầm tưởng cái chết áp đặt lên những thứ còn sống sẽ đem lại những hậu quả khôn lường: như tế bào ung thư, như phần trụy lạc hay Dionysus của Nietzsche, như cái Ác của Ricœur. Chắc chắn có một thứ gì đó ta tưởng đã chết đang ngấm ngầm trở lại nồng nhiệt trong căn phòng này, và thế là chúng tôi tin vội, lập tức tìm lại những góc giường, chân bàn, gầm tủ, chỗ thoát nước nhưng vẫn không thấy gì như thế, ngoài những bông ưu đàm bé xíu đậu trên một cành lá chõi vào ô thông gió nhà tắm. Aans vẫn tin vào ý tưởng rằng có một thứ gì đó đang trở lại, và mãn nguyện với lý tưởng của mình. Mỗi đêm cậu đều mong đợi thứ gì đó phát sáng sẽ xuất hiện trên đầu mình, như một chùm đèn trọng lực hút vật thể trong các bộ phim đại chiến vũ trụ đón cậu đến một nơi để gọi là nhà, vì Aans luôn tin tưởng rằng, những thứ thối tha, mục ruỗng và lầm lạc chính là cội nguồn của con người. “Socrates và Plato đều không sai, họ chỉ thực hiện đúng chức năng mà Thượng đế sai phái con người phải làm: thi triển sai lầm này đến sai lầm khác, đến khi cuộc đời không thể cứu vãn và rơi vào chốn vô nghĩa.” Lý tưởng đã biến mùi hương khó chịu đó thành linh thiêng với Aans và cậu thôi tìm cách ngăn chặn nó. Nhưng tôi và Xuaan không thích để lý tưởng nhọc thân mình và bắt đầu mua giấy thơm để đốt, mùi gỗ, mùi hoa phong lan, mùi ben-zen,… nhưng cuối cùng đâu lại ra đó, hậu mùi của ét-tê cùng với mùi hương chết chóc đang trỗi dậy kia lại đánh thức chúng tôi vào giữa đêm, chỉ để ngủ lại như đúng số phận. Sau đó, chúng tôi đã vứt hết giấy đi và tin những gì Aans tin, quyết định không rời khỏi căn phòng. Aans bước đi trước vì biết tôi còn phải nán lại một chút để khóc, qua nước mắt nhòe nhoẹt, tôi có thể thấy cậu phía trước, bé như một con lật đật, tôi mong cậu sẽ không bao giờ ngã, nhưng lúc này tôi chỉ biết cậu đang đi ra xa tôi, rồi rẽ vào một nơi nào đó khuất đứng đợi. Cái gáy của cậu hấp dẫn tôi còn hơn gương mặt, đó là nơi duy nhất đặc biệt ở Aans để tôi phân biệt với những người khác. Đó là chốn hồn hậu nhất mà tôi từng biết, tôi muốn cắn xé nó, đục cho nó vỡ nát vì những gì tạo cho tôi cảm giác an toàn đều là những thứ tôi không có được. Có lẽ Aans không thể nào biết được, những lúc tôi dúi mặt mình vào trong gáy cậu không phải là một hành động âu yếm, hoàn toàn không, tôi chỉ muốn hủy hoại nó, tôi muốn hủy hoại những gì làm cho tôi lần lữa với cái đẹp. Nhưng trong hoàng hôn này, tôi mong cậu sẽ đợi tôi nơi cây lộc vừng có hoa đã nở đằng trước cổng, cạnh tấm biển hiệu “KÝ TÚC XÁ”, cái cây cũng chỉ được mấy tháng tuổi nhưng sung sức đáng kinh ngạc.
Tôi bước vào phòng quản sinh, rút ra một hộp quà màu xanh cobalt có thắt một chiếc nơ màu đỏ đô bên góc trên cùng bên phải, bọc ngoài chiếc áo sơ mi màu da trời Aans chọn mà không hề biết người dùng sẽ mặc nó lên người không phải tôi. Tôi muốn Aans để lại thứ gì đó ở nơi này cho tôi về, nếu có, một ngày nào đó, nhận mặt.
“Đừng để lại thứ gì hết cả, nhé!”
Bác quản sinh xuất hiện sau lưng tôi, từ ngoài bước vào trong, cao vừa vặn khung cửa chính. Trận ốm mùa đông vừa rồi khiến bác già đi trông thấy. Tóc bạc dần, và cũng không còn khỏe, lưa thưa như ai đó vì thương tiếc mà dán hờ lên một cái đầu rụng tóc vì bạo bệnh. Nhưng bác gợi cho người nhìn cảm giác sẽ sống rất lâu vì có một nếp ăn ở lành mạnh, một đường chỉ tay tưởng tượng rất dài.
Tôi mỉm cười, cố tình lờ đi, “Vâng, tất cả cháu đã gói trong chiếc va li này hết rồi.”
Bác nhìn tôi, dường như không thấy chiếc hộp màu xanh nổi bật ở đằng sau vì người tôi quá to lớn. Đoạn, như sực nhớ ra gì đó, giọng ông to đột ngột làm tôi sợ.
“À, chờ bác một chút nhé!”
Ông đi ra khỏi phòng, căn phòng im lặng, sự tương phản giữa hai khoảnh khắc rời đi và xuất hiện gay gắt đến nỗi làm tôi chói mắt. Tôi nhìn về phía mặt trời lặn, sau tán cây um tùm, có lẽ bác sẽ cắt vào một ngày nào đó, không còn tôi, bác là một người đứng tuổi năng động như thế. Tôi thắc mắc và hài lòng với thắc mắc của mình rằng tại sao một người đi qua chiến tranh và sống trong chiến tranh (những huân chương và bằng khen bác tự hào treo lên tường một nơi ở tạm) lại yêu đời đến như thế. Trong căn phòng, gió thổi hơi chát, tôi cố ngăn mình đừng khóc, nhưng nước mắt tôi cứ túa ra. Để nói về nỗi buồn, người ta có cơ man là cách, nhưng tôi không thể nói gì khác đi ngoài việc nói thẳng ra là mình buồn. Aans ghét những kiểu quanh co, và cậu chính là người dạy tôi lúc nào buồn cứ đến trước mặt người ta mà gào lên. Cậu bảo tôi đừng che giấu gì với ai, hãy khỏa thân trước mặt người khác. Tôi đã làm, mãi thành quen, một thói quen nhục nhằn lẫn nhu nhược khó bỏ. Aans đã biến tôi thành một trò đùa, một kiểu tiến hóa thụt lùi so với nhân loại đang thao túng cảm xúc của chính bản thân mình rất giỏi, vì cớ gì, khi Aans đi rồi ai sẽ là người chấp nhận tôi? Aans làm tôi trông như một lũ khờ, một lũ chứ không phải là một, tôi nghĩ Aans nên là học sinh lớp Văn chứ không phải tôi. Tôi nên ở trong vị trí Aans, một học sinh ban Tự nhiên đờ đẫn, chờ cho đồ thị hàm số của mình cắt qua trục tung để chọn nghiệm là con số không.
Bác trở lại, rất nhanh chóng, chỉ vừa đủ để người ta suy nghĩ một điều vô hại. Mãi đến lúc này, tôi mới nhận ra lưng bác không thẳng, mà hơi ưỡn về phía trước như đó là thói quen tổn hại của việc sống trong môi trường chinh chiến khá lâu. Có thể trông tôi ngớ ngẩn vì gán ghép mọi vết tích trên người bác cho chiến tranh, nhưng điều đó ám ảnh tôi như một bài học trên lớp, rằng tất cả mọi hậu quả nên được xem xét dưới góc nhìn nguyên nhân-kết quả. Không nguyên nhân nghĩa là hậu quả, phủ định không bao giờ xa rời với cái khẳng định trước nó.
Bác cầm một bao đựng bì còn mới, qua lớp nhựa bóng tôi có thể thấy một tờ giấy lý lịch rõ từng chữ.
“Cậu là người cuối cùng rời khỏi phòng phải không?”
“Vâng,” tôi gật đầu ừ hữ, đặt chìa khóa phòng có gắn một bản nhôm đục số 1.05 lên bàn. Tôi nhận ra những tấm hình sinh nhật năm ngoái chúng tôi tổ chức cho bác ở dưới mặt gương, ai cũng cười, không có tôi vì tôi ngại chụp ảnh. Tôi hiếm khi thấy mình trong ảnh, cũng vì thế nữa. Tôi sợ cảm giác thấy mình trở nên hung tợn đến chính bản thân cũng phải ái ngại, đó chính là cảm xúc đơn thuần nhất tôi nhận thấy trong một tấm ảnh bản thân nào đó bất kỳ. Không ai chụp ảnh mà không để lộ ra đâu đó lời đe dọa hay tuyên chiến, họ chú lên bức ảnh những thứ bắt buộc người ta phải tự đọc lấy, và ta thường không thể. Điều này khiến họ thường nổi giận, cũng chính là con đường duy nhất để giúp ta thoát khỏi sự sai trái khi chịu chụp một tấm hình.
“Có lẽ tối nay Xuaan sẽ quay lại lấy thêm mấy thứ, nhưng cứ gửi chìa khóa cho bác đã.”
“Thế thì cậu ta quên thật rồi.”
Tôi biết bác đang nói tới Aans vì ông không hề biết phòng tôi có một người nào tên Xuaan. Tôi cảm thấy mặt mình tái đi. Tôi nhìn vào mép tủ được thếp nhôm đối diện và thấy mình như một con khỉ, đầu tóc bù rối, mặt đen nhẻm, trông rất ghê sợ.
“Ai ạ?” Tôi run rẩy.
“Cái cậu nhỏ thó, đen như cột nhà cháy đấy. Tên gì là gì nhỉ, Aansh hay là Aans nhỉ?”
“Aans.” Tôi đáp nhỏ, thế mà bác cũng nghe được.
“Đấy. Cậu ta là chúa hay quên. Cậu giúp tôi gửi lại tờ giấy này cho cậu ấy nhé,” bác nói, tráng một ly trà, mùi bạc hà ghì tôi lại vào thực tại. “Cũng chẳng quan trọng gì, nhưng đó là việc duy nhất của quản sinh trong ký túc xá này: kiểm tra xem ai đến và ai đi đấy mà.”
Tờ giấy được đặt trong một bìa đựng bằng nhựa vừa in khổ giấy, trông phẳng phiu như mới. Sau những vết xước mảnh, tôi có thể đọc được những dòng chữ in: Tên, năm sinh, quê quán, cha mẹ,… nhưng những chữ viết tay về sau thì không đọc được. Aans có một kiểu viết tay lạ lùng, chữ dính vào nhau và chúi về phía trước, chữ u sẽ giống với chữ o, a sẽ giống d và các con số không còn phân biệt được nữa. Theo tôi, Aans cố tình viết như vậy để triệt tiêu dấu vết của mình ở những nơi chốn không liên quan. Có lẽ cậu coi nơi này như một chốn dung thân trong chặng đường du thủ du thực của cậu. Tôi còn biết làm gì, tôi đón lấy tờ giấy vô nghĩa, khóc nhiều hơn.
“Bao giờ gặp cậu tôi cũng thấy mắt cậu nhòe nhoẹt,” bác nói, hơi hào sảng, nhưng tôi không thấy nét nào gọi là mỉa mai. Lời nói của bác nói ra như một điều phải là.
“Vâng,” tôi đáp và đứng dậy từ giã.
Tôi còn muốn nói thêm gì đó nhưng tôi không muốn làm ông già buồn bã theo, dù tôi chưa từng thấy bác buồn rầu vì cảm xúc của người khác. Nửa tôi cũng sợ rằng Aans sẽ mất kiên nhẫn đi trước, thà từ đầu không đợi.
Tôi bước ra khỏi phòng, trời đã tối, chim bay theo đàn hình chữ V trên đầu, khuất dạng sau một tòa nhà cao có khung cửa sổ trổ ra ngoài, sơn màu đỏ gạch. Bác lầm lũi đi theo.
“Lúc nào rảnh, đừng ngại mà quay về nhé,” bác nói, biết điều đó không bao giờ xảy ra, đưa bàn tay đồi mồi nắm tay tôi, tôi có thể cảm nhận được lòng bàn tay mình nóng lên, ran rát như bị một bức tường xi măng chưa khô áp lấy. “Lúc này còn mấy ai khóc nhiều như cậu nữa, kể cả tụi nhỏ hàng xóm hay vào đây để chơi hộ bọn cháu mấy bộ dụng cụ thể dục lắp đằng trước. Từ khi bọn cậu biết khổ hạnh, nhọc nhằn và chịu đựng không hề là một kiểu thiện và bọn trẻ được dạy khóc lóc là hư thì chẳng có thiếu niên nào ưa nặng thân lừa, chẳng đứa trẻ nào khóc. Cậu giống như kẻ khóc thuê cho tụi chúng vậy, khà khà.”
Ký túc xá với tôi là một quãng đời tự do, nhưng tiếc thay nó lại quá hẹp. Tòa nhà chỉ độc một dãy bốn tầng, mỗi tầng có mười phòng. Tầng một và bốn cho học sinh nam, tầng hai và ba cho học sinh nữ, nhìn ra sân bóng rổ vừa mười bước nhảy. Cả khuôn viên được rào lại bởi tấm lưới cũ, cao hơn những ngọn cỏ chỉ vài gang tay và có thể dễ dàng bước qua được. Tôi nghe bảo người ta định xây thêm một dãy nữa, nhưng vì học sinh quá ít, người ta cảm thấy vô nghĩa, nên có lẽ sẽ không bao giờ có một viên gạch nào được đặt lên ở phía bên kia bãi cỏ, hay thậm chí, gỡ tấm lưới rào đã gỉ sét để thay vào đó một thứ gì đó kiên cố hơn, hoặc đã cố làm rồi, nhưng vì phần đất đó giải tỏa mà chưa đền bù nên người ta tạt sơn đỏ vào đám thợ và sau mỗi đêm đều có dòng chữ “XÂY TRÊN ĐẤT NÀY, ĐỔ MÁU!” và thật thế, nó vẫn còn nằm chỏng gọng trên nền xi măng trước cổng, đã phai mờ song nhơ nhớp, nghĩa là đeo đẳng, không gột rửa được, vì không đủ nghênh ngang để bận lòng trượng phu nên cứ tiếp tục ở đó chờ nắng gió đưa nó vào quên lãng hoặc gửi nó về một ngày của tương lai nơi không ai còn bận tâm nữa, kể cả kẻ chủ mưu, đặc biệt là kẻ chủ mưu, họ là người quên đầu tiên, người quên sau đó là lũ học trò chúng tôi, bởi trong tâm hồn còn nấn ná lại chút giây phút cùng cực trinh bạch của lũ học trò chúng tôi, lũ học trò chúng tôi chỉ biết chắc chắn mình đã tiếp tay cho một vụ cướp đất khủng khiếp, nặng nề hơn nữa, chúng tôi đã sống rất tự do và không hề thấy tội lỗi. Chắc vì vậy, mà cái kiến trúc thở than nhờ ăn cướp được mà có trở thành chốn tự do nhất của tôi dung thân. Để có được tự do, tôi đã chịu đầu hàng một tội cướp bóc.
Tôi đi, như ở lại, tôi có thể thấy bóng lưng mình bị bóng tối nuốt chửng. Rồi đèn đường đột ngột bật, như đệ một đơn kiện tội mà tôi là bị cáo, một vụ án không bao giờ tổ chức xét xử nhưng khiến tôi chìm đắm trong lo sợ như kẻ bị truy nã. Ý nghĩ lần cuối cùng là nhân chứng bào chữa cho tôi thoát khỏi lời cáo buộc phản bội, nhưng trong lần đệ đơn này, bao giờ nguyên đơn cũng thắng vì tôi đã thua phủ phục. Tôi thà bị nhốt vào nhà lao mịt mùng của ăn năn và hối cải còn hơn đứng thêm một giờ nào nữa trước vành móng ngựa công kích vào quãng đời linh thiêng trước kia của mình. Tôi bước đi thật nhanh, như thể nếu chỉ cần nán lại thêm một chút nữa thì nơi này sẽ đốt tôi thành tro bay tao tác lên trời.
Aans đã đi, đúng như tôi dự đoán. Tôi thừa biết Aans nói đợi tôi chỉ để tôi yên lòng và có thứ để tựa nương vào trong lúc chờ đợi sự thật đập vào tôi như một quả bóng của tụi con nít đá văng vào mặt một du khách vô tình xui xẻo đi ngang qua sân vận động. Cậu cho tôi chỗ dựa, vì cậu biết thừa tôi không đủ mạnh mẽ để một mình bước lần theo dấu vết riêng của bản thân, nhưng chỗ dựa Aans cho tôi là giả mạo, là đắp điếm. Một chiếc xe hơi đi vụt qua, tôi nghĩ trong xe chính là Aans hả hê nhìn tôi lần cuối cùng. Nhưng không phải, Aans sẽ đi bộ, tiếng còi tàu hãm phanh vẳng lại, chối tai, và cậu với vẻ rất tội nghiệp, ôm thùng những tập thư cũ, bước lên toa xe SE nào đó. Cậu có đi đường vòng qua đường 29/9 đi xuống không, hay sẽ đi thẳng qua một con hẻm trên đường 15/9, trổ thẳng ra một ngõ ngay trước cổng ga? Ý nghĩ đó làm tôi khủng khiếp lẫn kính sợ, tại sao một người có thể giữ bấy nhiêu thứ mang đi lại dạy cho tôi cách phải bày tỏ hết lòng dạ mình trước những người xa lạ, những người không xứng đáng?
Tôi e là không phải. Tôi nghĩ mình bị cậu đẩy về nơi bắt đầu, lò dò tìm đường tới một nơi nào đó, trên tấm bản đồ đầy những lối cấm. Có lẽ một người mù đường đã vẽ nó bằng trí nhớ. Sau này tôi sẽ biết chắc chắn nhiều năm sau, chúng tôi sẽ gặp lại nhau lần cuối cùng ở chính thành phố này và biết được lý do tại sao tất cả những bức thư mình từng viết cho nhau đều không giúp ích gì cho chuyện ký ức tươi đẹp sẽ bị phôi pha đi vô tận khi ta lặp lại nó vô hạn dừng, nhưng ngay lúc ấy, tôi nhận ra căn phòng chính là một hố thời gian biến mọi sự quy hồi va vào nhau và trở nên lợn cợn. Bọn họ có lẽ đang tham gia vào một cuộc thi viết thư, hoặc làm điều gì đó tương tự. Tôi không tin và buồn bã với sự thật mà mình đã nhìn thấy, nên có lẽ tôi phải tưởng tượng rằng mình đang nằm trên một bàn khám bệnh để bác sĩ thôi miên mình mà sống tiếp. Đó cũng có thể là một cơn cảm nắng mùa hè, đó cũng có thể là triệu chứng đau đầu của việc mệt mỏi và thiếu dinh dưỡng. Tôi kiếm mọi lý do để biến không gian xung quanh mình thành vật tưởng tượng, nhưng tôi vô tình thừa nhận nó qua từng cử chỉ hớt hải trèo ra bức tường và khiếp đảm khi hai bóng đen trong căn phòng kia bắt đầu trỗi dậy và lướt lên tầng hai.
Một lần nữa, những chiếc xe chở hàng bên cây cầu ngoại ô thành phố lại vụt qua. Tôi rảo bước và cố để cho mình quên đi một truyền thuyết đô thị rằng ai còn loanh quanh ngoài đường sau mười hai giờ khuya sẽ bị quỷ nhập. Ý tưởng rằng thực ra loài người chỉ là những cái xác chết nửa đêm ngoài đường nên bị ma ám trở lại với tôi đầy thuyết phục, và chính tôi cũng là một trong số đó không hơn. Thực ra tất cả chúng ta đều đã chết, đang nhung nhúc dòi và ruồi đục trong da thịt đi tìm những dưỡng chất trần thế cuối cùng trước khi tất cả bước lên một con tàu bất tận chở ta đến một thế giới mới, nhưng không tái sinh, mà quy hồi vĩnh cửu như ta tìm kiếm chất mật ong trong những ngóc ngách đều đặn của tổ. Nhưng thế thì ma là ai? Có phải là những siêu nhân của Nietzsche, có phải là ong chúa hoặc chính là Nietzsche khi ông phát điên ở Turin? Những con ma là ai, là gì nếu không phải là sợi dây mỏng manh nối ta đến những vực thẳm của ký ức, và trở về bi hùng trong sự tụng ca, tế khóc?
Trên những vỉa hè với các viên gạch bị rễ cây bật lên, những con ma-nơ-canh trưng bày trong các cửa tiệm quần áo in bóng lên mặt đất làm tôi hoảng sợ. Tôi trấn an mình, nhưng điều đó chỉ càng làm tôi tê tái. Tôi nhận ra mình đang bất định quay về chốn không còn dung túng mình một cách hợp lý và tất cả đồ đạc, tư trang cá nhân của mình đã bị bỏ lại ở khách sạn Germe. Tôi chỉ còn trong tay một hộp ảnh do người tình của Aans để lại và chưa từng có ý định mở nó ra. Tôi giữ nó ở túi áo khoác trong, rất gần với ngực mình, bởi tôi nhớ Aans vô cùng, tôi nhớ Aans trong những lần tôi khóc chỉ để cậu trở lại trong thế giới của tôi, một thế giới còn chưa thành hình và cậu cũng chỉ là điều gì đó không định danh. Tôi tưởng mình sẽ nhớ Aans đến không đi được nữa mà chỉ có thể ngồi sụp xuống vệ đường chờ một người đến hỏi “Sao em lại khóc?” và giả bộ như là mình chẳng hề gì và bước tiếp trong nhọc nhằn giờ đây đã được củng cố bởi cái hy vọng mình là kẻ đoan chính cuối cùng trên mặt đất. Nhưng bản thân hy vọng tỏ ra mình không hề gì mang một song đề của nó: mời gọi lòng trắc ẩn, nghĩa là mời gọi sự sụp đổ đạo đức của người khác trong khoảnh khắc chìa một lòng bàn tay về phía trước, trong khoảnh khắc từng chữ sao, em, lại, khóc bật ra thành tiếng, san bỏ mọi sự lệch lạc của ngôn ngữ với hiện thực bằng ảo tưởng nhưng có thể hiểu được.
Chỉ đến khi tôi nhận ra mình vô thức đi tới con đường mà ba năm qua mình đã chán chường thay rồi. Cổng ký túc xá hiện ra, tôi men theo bức tường dẫn vào một con hẻm sát gần đó và bắt đầu trèo vào. Hai bên tôi là một xóm nhỏ với những cánh cửa phong kín chỉ mở vào vài giờ chiều để lượng nhiệt mà nền nhà đã giữ gìn trong một ngày tỏa ra ngoài trời, để thực hiện một chu trình quang hợp. Ở đó có hai khoảng gạch vỡ mà bọn tôi đã lợi dụng gốc cây hoàng yến bên trong để che đi, mục đích là đặt chân lên để lấy đà phóng qua khoảng tường đã bị gỡ miểng chai cắm chống trộm đi sau khi Bộ Giáo dục tỉnh nhận ra đó là một nỗ lực cản trở học sinh lầm lạc.
Qua bức tường là bãi cỏ đằng sau bốn tầng lầu mà người quản sinh tận dụng để nuôi một bầy gà và trồng nhiều loại rau quả. Muốn vào phòng tôi phải đi dọc theo bờ tường thêm một đoạn nữa. Ở tầng một, nhiều phòng vẫn còn bật đèn sáng, như thể bọn họ chưa biết đến nỗi chia lìa là gì. Tôi có cảm giác như mình đã sống gần hết một cuộc đời ngay sau khi kéo va li bước đi, nhưng thời gian ấy có lẽ chỉ đủ cho họ đánh một giấc, tỉnh dậy, thấy mình vô dụng trong tuổi trẻ của mình. Khái niệm đó đã bị đánh tráo đi, họ đã được dạy định nghĩa về tuổi trẻ và cách để tiêu tốn chúng một cách sai lầm. Làm sao để nói với họ, tôi gần như gõ cửa một vài phòng và chờ một gương mặt nào đó ló ra sau cánh cửa.
Nhưng tôi đã về phòng mình. Vẫn không khóa, tôi thầm cảm ơn Xuaan vì đã là lý do lớn nhất để tôi viện cớ cho việc không bàn giao lại chìa khóa trước khi đi, và bây giờ nó tiếp tay cho việc tôi quay lại, để làm một việc gì đó tôi không thể ngay lập tức nghĩ ra, nhưng có lẽ, trước mắt là tìm một chỗ ngủ quen thuộc trước đã.
Tôi săm soi những cuốn sách mà chính mình đã để lại trên bàn gỗ lớn, cố gắng nhớ ra lý do vì sao mình làm như thế. Mỗi một trong số chúng đều có một câu chuyện riêng của mình và việc nghĩ đến hoàn cảnh mình đã đem chúng về căn phòng này làm tôi thấy mình như một người vong ơn bội nghĩa. Tôi bắt đầu khóc vì thấy mình tàn nhẫn, nhưng điều đó không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi thấy mình lố bịch ngay khi cơn sướt mướt đi qua. Đó có phải là mục đích lớn nhất của văn chương hay không, tôi không rõ, những người tài giỏi thường không bất lực trước những định nghĩa như ta. Tôi vẫn còn nhớ rằng cô giáo môn Đại số bảo rằng giới hạn của hàm số chỉ nên được hiểu bằng những ví dụ và thói quen, định nghĩa chẳng cho chúng ta thêm một dữ liệu gì để giải mã bài toán, đó chỉ là cách mà người ta cố tìm lấy để quy đồng nó theo ngôn ngữ và diễn đạt.
Bố tôi từng nói, nếu con muốn giữ một ai trong tâm trí mình, hãy nhớ những thứ tầm thường và đơn giản nhất về họ. Tôi ước gì mình nhớ đến lời này sớm hơn, chỉ trong buổi chiều hôm qua thôi, để nhìn thật kỹ gương mặt Aans trước khi cậu trở thành một thứ gì đó vô chừng. Mọi hình bóng và những thứ tầm thường nhất về cậu ấy đã bị xóa bỏ ngay từ lúc cậu bỏ đi, ở một thành phố nào đó “chỉ lân cận đây thôi dựa trên số tiền mà cậu ta vay” hay một đất nước xa xôi nào đó. Tôi đã sai lầm khi chỉ nhớ đến những câu nói của Aans về thứ mà tôi cho sẽ tồn tại vĩnh cửu và quy hồi trong cuộc sống của chúng ta. Không có thứ gì là như vậy cả, phép lặp lại không xuất hiện, nếu có, chúng ta có lẽ đang nhầm tưởng với một ký ức nào đó bỗng dưng tái hiện lên bức màn hứng ảnh trong rạp chiếu phim duy nhất của tâm hồn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là thế giới vận động tiến lên theo thuyết chọn lọc hay nguyên lý của những hạt lượng tử, thế giới đã ngừng quay quanh mình từ khi Chúa chết, và chúng ta là những gì còn lại sau khi trận hồng thủy, những vụ sóng thần, thiên tai, tai họa, biến chuyển mà sự dừng đột ngột và quán tính và lực li tâm của nó gây ra. Giờ đây chúng ta đang lẻ loi trong một khu phố ngổn ngang, đó là nơi tiếp giáp giữa vùng sáng và vùng tối trên Trái Đất: một bên quá tối tăm và lạnh lẽo, một bên quá rực rỡ và nóng nực. Và bởi khi Chúa chết, ta vẫn không chừa thói tự tiện tạo ra những ngẫu tượng, chủ nghĩa mà người ta đắp điếm để tựa nương, và bởi khi Trái Đất ngừng vận động quanh cái trục nghiêng của mình thì vẫn còn quay quanh Mặt Trời nữa nên khu phố hình cái cung này không đứng yên mà dịch chuyển, vô tình buộc chúng ta, những kẻ sát thần nhờ may mắn và nhu nhược mà sống sót cuối cùng trở thành bọn du thủ du thực, hoặc quy hàng Debord và trôi dạt theo quỹ đạo quay của Trái Đất. Chúng ta đã lâm vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: không thể khiến Trái Đất quay quanh mình trở lại, cũng không thể khiến nó thôi đi hết một lộ trình nhật tâm mà hàng tỉ năm qua vẫn thế.
Tôi trở xuống bồn tắm và rửa mặt, nhưng cố không để mình nhìn lên gương, tưởng tượng về thứ gì đó dơ dáy và biến dạng rơi lửng lơ trước mặt mình khiến tôi không khỏi khiếp sợ. Tôi cố để mọi thứ ngăn nắp nhất có thể, bằng các động tác ít gây tiếng động nhất có thể. Xuaan đã dạy cho tôi rằng cách để sử dụng và trả lại vị trí ban đầu tất cả các vật dụng trong phòng sao cho im lặng nhất có thể. Sự im lặng chính là thứ khiến tôi phải nhường cho cậu ta chiếc mề đay người hiểu căn phòng nhất, như tôi đã từng nói. Lặng lẽ, bởi lặng lẽ là thứ dễ lãng mạn hóa nhất, là thứ tạo nhiều điều kiện cho người ta tự do nhất, Xuaan biết điều đó mà không cần biết đến Susan Sontag. Cũng bằng một cách lặng lẽ, cậu ta đã nhập vào căn phòng rộng lớn, cậu có thể đang ở đằng sau lưng tôi, trước mặt tôi, đặt tay lên ngực tôi mà không ai biết. Một con người như thế, chỉ có thể thấy bằng cách để cho mình ngây thơ nhất có thể, nhạy cảm nhất có thể, để nghe tiếng gió luồn qua mấy ô gạch trổ hoa văn để thông hơi cho căn phòng chứ không phải tiếng một chiếc lá đu đủ khô vừa rụng trên nền cỏ, đêm chứ không phải là tiếng dế hay ve sầu,…
Aans chưa từng bình phẩm gì về tôi, có lẽ trong chính bản thân cậu từ lâu tôi cũng là một thứ gì đó không hiện hữu. Tôi mong cậu cũng có những ý nghĩ về tôi giống như tôi nghĩ về Aans. Suy nghĩ đó làm tôi nhớ Aans da diết và giữa đêm, lúc choàng tỉnh bởi tiếng một con chó hoang sủa gặng trước ký túc xá rồi bỏ đi như đã phát hiện ra một hồn ma đứng đó, bước ra từ cây lộc vừng để tìm đâu trong sân phơi của ai quên rút đồ một tấc vải cho mình sự hiện hữu, hoặc tệ hơn là Aans, đã trở về, với danh nghĩa cố nhân, lữ khách, tôi đã trèo lên chiếc giường tầng bên trên tôi, nơi ngày xưa mà cậu đã từng ngủ đúng vào lúc ba bốn giờ sáng khi trở về. Tôi từng suy đoán được cậu đã đi đâu vào cái giờ ấy, nhưng bây giờ, việc suy đoán trở nên vô độ, chuyện nhìn vào hiện tại và lục lọi bên trong đó một ý nghĩa xem chừng dễ hơn rất nhiều lần.
Giường Aans vẫn còn để đầy đủ những đồ dùng ngày xưa của cậu và nó sẽ ở đây mãi mãi để chờ một học sinh mới bước vào đây và xuống tay với nó như một người xa lạ. Cứ nghĩ đến chuyện người ta sẽ đem đốt những bức thư vô nghĩa mà Aans đã viết ra như nỗ lực để mình khỏi phát điên trong sự dửng dưng khiến trái tim tôi tan nát. Tôi không phân biệt được rằng kiểu hành xử như thế là khinh suất, lười biếng hay là quá ủy mị cho cảm xúc riêng tư và đa mang của mình. Aans giỏi việc xáo tung những bằng chứng về sự tồn tại của mình đến mấy thì chuyện giấu đi các đồ dùng, thứ sẽ tố cáo cậu ta nhiều hơn tệ hại bấy nhiêu. Không gian tối lại, tôi đã tắt nốt đi bóng đèn ngủ lập lòe cuối cùng ở bồn rửa mặt. Trong đêm, tôi nhận ra ngoài tiếng đêm còn có một âm thanh khác: Tiếng sốt sắng của nước túa dưới nhà tắm, và tôi chợt nhớ rằng vòi nước chính đã vỡ từ ngày 13/1/2020, đúng sinh nhật của tôi. Tôi không biết lý do, nhưng có lẽ nhà trường đã chọn loại dỏm, vì nó vỡ ra trong im lặng. Không, thực sự thì ban đầu vấn đề chỉ là tại cái van nước không vặn kín được. Tôi nhớ những đêm ấy tôi nín thở nghe tiếng nước nhỏ xuống sàn ru mình vào giấc ngủ không mơ, và trong giấc ngủ tôi đã vong ơn nó, lãng quên hoàn toàn rằng đó là tiếng lỗi lầm của nước mà ngỡ nửa đêm trời đổ mưa giữa tháng Chín. Tôi không muốn mình ảo tưởng và bội nghĩa nên tìm mọi cách để khóa vòi lại. Sau nhiều cố gắng mà không thành, tôi đã tìm ra một cách chống chữa: buộc khăn tay của tôi vào thân vòi để dòng nước dẫn truyền qua vải đi thẳng xuống đất để giảm áp lực của nước từ đó sẽ bớt tiếng ồn. Nhưng ngay sau khi Aans thấy nó, cậu đã đạp cho cái công trình vật lý kệch cỡm của tôi nằm phủ phê trên nền nước, và bẻ van lẫn khóa van vứt ra ngoài cửa thông gió. “Thứ gì đã nghiêng ngả, cứ xô cho nó ngã luôn!” Tôi biết đó chỉ là lời giải thích xót xa cho việc thương cảm chiếc khăn tôi hằng ngày vẫn lau nước mắt bị dòng nước không ngừng nghỉ làm cho tơi ra, mất màu nhuộm và yếu đuối không tưởng. Từ đó, phòng tắm của chúng tôi trở thành một vòi sen luôn mở, một bữa tiệc của thời đại jazz không bao giờ chấm dứt. Tôi nhảy xuống giường, ham muốn được thấy lại nỗi xúc động của Aans lên tôi và những vật mang tôi trỗi dậy. Và tôi nhận ra là mình hoang tưởng. Xuaan đã gọi thợ đến sửa lại trong hôm cuối cùng cậu ở đây, tôi đã viện cớ thu xếp hồ sơ học bạ mà không ở trong phòng buổi chiều hôm đó. “Không quan trọng là mình sống như thế nào, quan trọng là mình để lại gì.” Tôi không chấp nhận, nhưng không chối bỏ. Và giờ tôi thất bại trong ảo tưởng của mình về một tiếng động. Trong đêm, tôi cũng chẳng biết mình tưởng tượng hay thật sự có ai đó đi ngoài cửa.
Trên đầu giường Aans có một cuốn kinh bằng chữ Pāli, tôi đặt sợi dây chuyền của cậu với ý nghĩa duy nhất là để nó được che chở bởi sức mạnh tôn giáo của đức tin. Chắc chắn, những ngày sau, ai đó sẽ tìm thấy nó và tưởng đó là một chất vật thiêng riêng của thứ ôm ấp bên ngoài nó. Trong lúc định đặt những bức hình của tôi và Aans vào những trang lẻ của cuốn sách, tôi nhận ra đằng sau một vài tấm có chữ viết. Tôi đặt nghiêng ảnh theo cổ tay để tia sáng của ánh đèn hành lang chiếu đúng vào từng dòng, và sớm nhận ra nó không dành cho tôi. Anh chưa từng viết gì cậu ấy, đây là lần đầu tiên hoặc Mỗi lần nhìn cậu ấy ngồi vào bàn học anh lại tự hỏi rằng cậu ta sốt sắng để lãng quên nhau thế ư? Còn rất nhiều, nhưng tôi biết mình không có nhiệm vụ hay đặc quyền can dự vào những lá thư của họ, tôi chỉ ở đó như một vật trung gian để Aans chứng minh sự tồn tại của mình hay anh ta biết Aans là một con người, chứ không phải là một bóng ma sẽ rời bỏ anh lúc cơn mê sảng mùa hè chấm dứt.
Tôi mang đôi tất cũ của Aans vào và cảm thấy mình được ôm ấp trong một cỗ tay chưa từng thấy. Tôi nằm xuống, cảm giác được chở che choàng lấy khiến da thịt tôi bất giác nóng bừng lên. Đó là cảm giác yêu thương mà tôi hằng đi kiếm trong quãng đời niên thiếu của mình. Nhưng tiếc thay, mọi sự đã quá muộn mằn, thời gian khiến mọi yêu thương trở nên lố bịch, và bây giờ, khi mọi chuyện đã chấm dứt và chuyện một cuộc tình là thứ đã rồi, việc một ai đó xuất hiện hay không không còn ý nghĩa quá nhiều nữa, nó lại ập đến. Tôi vừa thấy tội lỗi, nhưng biết tội lỗi là tự do và là kẻ đã lên án cái chết của anh hùng trong những bi kịch Euripides. Lúc sau, tôi nhận ra tấm chăn vẫn còn in mùi thơm của Aans. Tôi trùm nó lên người, cố để cho toàn bộ phủ hết thân mình và bắt đầu đặt tay lên cổ và ngực. Đó là nơi tôi tự hào về cơ thể mình nhất, không phải cứng cáp và vững chãi như những người khác, ngực tôi là một bộ vú rất đỗi mềm và nữ tính. Tôi thích chạm lên nó, và dưới lớp vỏ bọc của Aans, tôi thấy mình đẹp đẽ và quyến rũ một lần duy nhất trong cuộc đời. Sự va chạm khiến tôi cảm thấy nồng nhiệt và cứ thế, tay tôi bắt đầu chuyển sang mạn sườn bên dưới cơ hoành và mân mê nó. Từng mảng dài và cứng được da bọc lên khiến tôi cảm thấy mình thon gọn và nhỏ bé, đó là nơi tiếp theo tôi tự hào về cơ thể mình. Chỉ đến đó thôi, tôi phải chấm dứt trước khi chạm vào một nơi đó là nỗi sợ vô hình trong tâm trí. Tôi chỉ được toàn quyền sử dụng phần mình ghét bỏ của cơ thể này, ngực và mạn sườn của tôi thuộc về một phái nào đó khác, một ngôn ngữ khác mà tôi chỉ được phép hưởng thụ một khoảnh khắc nhất định. Tôi nhìn bên phải mình, thấy bóng đèn ngoài hành lang đã tắt, nghĩa là đã bốn giờ sáng dẫu trời có khiến người ta vấn vít nỗi niềm bóng tối, để lại ánh đèn đường màu vàng ngoài xa hơn nữa hắt bóng của những cành cây đang thắm lại những cành lá qua khung cửa sổ, để lại trên tường vuông vức bóng những chiếc lá rung rinh, ngậm nước mưa rồi giũ đi khẽ khàng lên người tôi, bốc hơi rất nhanh trên da thịt nóng rẫy của tôi, làm nó dịu lại như nhúng nước một khối sắt rèn vừa sau khi mùa hè đã làm nhiệm vụ đe rèn tôi thành một hình dáng theo ý thích của nó. Tôi ngỡ ngàng vì khoảnh khắc quá huy hoàng, như thể nó chỉ đến có một lần, tôi là người biết đầu tiên, là thứ duy nhất Aans và sự vô chừng không thể biết đến.
Tôi nhảy mũi không ngừng, trạng thái sinh học báo hiệu rằng thời khắc giao mùa đã đến. Căn bệnh không giết tôi (tôi tự giết mình) mà hồi sinh tôi vô cực, bắt tôi chịu nỗi đau của sự bất tử (sự bất tử tôi đã phí hoài sự hữu tử của mình để ước). Ước gì Aans không bao giờ biến mất vào mùa hè, ước gì chỉ có một và chỉ một Aans trong đời mình. Tôi đã sai, tôi đã sai! Trong cơn mê dại tôi tưởng tượng mình và Aans đã cùng nhau, trong một lần cuối cùng, cùng nhau nhìn lên trần, cạnh thiết bị báo khói, xuyên qua thêm ba tầng nhà nữa, để được loài chim bình minh cho biết rằng cơn mưa đêm nay sẽ chấm dứt vào rạng sáng cho một chút nắng hè quay trở lại hoàn thành nốt nhiệm vụ của mình. Một khi nhiệm vụ kết thúc, đó là khi ta nhìn ra ngoài cửa sổ ngang tầm mắt, thấy nắng vẫn còn chưa lắng, nhưng đã sẵn trong lòng một tâm trí dìu dặt trong một lần thở hắt hết sức dễ chịu.
Bùi Gia Bin
Người góp chữ
Bùi Gia Bin
Học sinh sầu muộn điển hình.
có vài đoạn làm được ấn tượng văn chương kiểu bruno schulz, mong tác giả có cơ hội viết thêm để kiểm chứng. thú vị, 4 sao <3