Vở kịch thuộc khuôn khổ dự án sân khấu “Việt Nam của tôi”, Viện Goethe Việt Nam x Zzz Review, 2021-2023. Xem trò chuyện với tác giả tại đây.
Nhân vật:
Bà Đính: hội viên câu lạc bộ thơ hưu trí. Diễn viên tạo hình trẻ em.
Ông An: hội viên câu lạc bộ thơ hưu trí. Diễn viên tạo hình trẻ em.
Kim: nhà thơ trẻ. Diễn viên tạo hình người lớn.
CẢNH 1: Ba người đi vào nhà, chuyển cảnh sang cảnh ngồi ở bàn nước, Kim rót nước mời ông An bà Đính.
KIM: Cháu mời bác, cháu mời cô.
BÀ ĐÍNH: Kim này, đây là bác An ở cùng câu lạc bộ thơ tổ hưu trí phường mình với cô. Cô nghe mẹ cháu kể cháu sắp xuất bản tập thơ, thế là cô nảy ra ý muốn mời cháu tới giao lưu tối nay. Ý cháu thế nào, nếu không bận gì thì đến sinh hoạt tí cho vui. Khổ, chúng tao đã gặp nhà thơ xịn bao giờ đâu.
KIM: Ơ, mẹ cháu kể với cô Đính ạ? Tối nay hả cô, à… chắc là cháu tới được.
ÔNG AN: Tốt quá (hồ hởi), thế cháu ngâm mấy bài cho mọi người nghe nhé? Sinh hoạt câu lạc bộ thơ thì đọc thơ là nhất rồi còn gì.
KIM: À… (gãi đầu) Thật ra… kiểu thơ của cháu thích hợp để đọc thầm hơn bác ạ.
ÔNG AN: Ô vậy à, thơ mà lại không ngâm à? Thơ kiểu gì vậy cháu?
BÀ ĐÍNH: Ừ nhỉ, nghe lạ thế?
KIM: Dạ, cháu làm thơ hiện đại thể nghiệm. Thực ra người ta vẫn biểu diễn thơ thể nghiệm, nhưng lối viết của cháu hợp với đọc không thành tiếng hơn.
ÔNG AN: Mày nói thế nào (cười), thế hay là cháu đọc vài bài lục bát góp vui?
BÀ ĐÍNH: Đúng đấy, mày cứ nói thí nghiệm gì cô có biết nó ra làm sao đâu. Cứ lục bát là hay nhất cháu ạ.
KIM: Nhưng cháu đâu có làm thơ lục bát.
Ông An và bà Đính quay ra nhìn Kim sửng sốt.
ÔNG AN: Cháu là nhà thơ mà lại không làm thơ lục bát?
KIM: Vâng ạ.
BÀ ĐÍNH: Ơ thế cháu viết thơ tiếng Việt hay tiếng nước ngoài?
KIM: Dạ, cháu viết bằng tiếng Việt.
BÀ ĐÍNH: Đã là nhà thơ Việt Nam thì phải viết thơ lục bát chứ cháu!
ÔNG AN: Đúng rồi, thơ lục bát là linh hồn của thơ Việt Nam. Thế từ bé cháu không học ca dao tục ngữ à? Thế có đọc Truyện Kiều không?
KIM: Có chứ bác (nhoẻn miệng cười), người Việt Nam thì tất nhiên là thuộc ca dao tục ngữ và Truyện Kiều rồi ạ.
ÔNG AN: Thế cháu không thích thơ lục bát à?
KIM: Dạ, thơ lục bát cũng hay, đơn giản là cháu thấy làm thơ hiện đại hợp với cháu hơn thôi.
ÔNG AN: Cháu có biết Việt Nam là cường quốc về thơ không? Ấy là vì người Việt Nam sinh ra đã có sẵn máu lục bát trong người rồi. Mà đấy không phải bác tự nhận đâu, là lời của nhà văn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ tịch Hội nhà văn hẳn hoi nhé.
KIM: Thì vẫn là tự nhận mà bác (cười).
ÔNG AN: (bực) Anh cười cái gì? Chủ tịch thì người ta nói chẳng đúng hơn anh à?
KIM: Vâng, thì cháu có phủ nhận đâu, căn bản là cháu muốn viết thơ Việt Nam theo lối cải tiến hiện đại hơn.
BÀ ĐÍNH: Thơ có vần có luật, cháu định cải tiến là cải tiến thế nào?
KIM: Dạ, thơ hiện đại thì không cần nệ vào vần luật theo lối cũ nữa cô ạ. Từ thời Thơ Mới, rồi Nhân Văn Giai Phẩm cùng thời Tố Hữu người ta đã làm nhiều rồi, chắc do bác và cô ít đọc dòng ấy nên không biết.
ÔNG AN: Anh lại định trứng khôn hơn vịt rồi, ai bảo anh là bác ít đọc! Nhưng mà thơ không vần luật thì là thơ con cóc à?
KIM: Ơ, sao bác biết ạ? Nhà thơ Trần Mạnh Hảo gọi thơ hiện đại thể nghiệm là “trường phái tân con cóc” (nhấn giọng đoạn trong ngoặc kép), mà nhà văn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (dài giọng ra) chính là chủ soái. Ông Thiều chính ra thích thơ hiện đại lắm (cười). Cường quốc thơ mà ông ấy nói khéo không phải thơ lục bát mà là thơ thể nghiệm bác ạ.
BÀ ĐÍNH: (phì cười) Thật à?
ÔNG AN: (lúng túng) Anh đừng có mà qua mặt tôi. Để đấy, tôi sẽ nghiên cứu lại vấn đề này.
BÀ ĐÍNH: Ôi chao cháu nó nói vui đáo để bác An nhỉ. Nào thằng này, nhà thơ mà không chịu ngâm thơ, thế nghĩ xem giao lưu chia sẻ gì thì hợp lý?
CẢNH 2: Bà Đính chủ động cầm ấm rót trà cho Kim và ông An.
BÀ ĐÍNH: Hai bác cháu uống nước đi.
ÔNG AN: (uống nước) Thế cháu là ở đây từ bé hả?
BÀ ĐÍNH: Nhà nó chuyển đến đây từ năm 92. Hồi ấy thằng này còn bé tí, mới đến đã chạy nghịch với mấy đứa trẻ con nhà em khắp xóm. Ai mà ngờ lớn lên nó lại thành nhà thơ.
KIM: Dạ, cháu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội ạ.
ÔNG AN: Ừ, thế cháu quê gốc là ở đâu?
KIM: Quê cháu ở Nam Định.
BÀ ĐÍNH: Ô, hai bác cháu là đồng hương đấy.
ÔNG AN: Cháu ở huyện nào?
KIM: Dạ, huyện Hải Hậu ạ.
ÔNG AN: Bác ở Xuân Trường. Mày có hay về quê không?
KIM: Hồi nhỏ thì cũng thường xuyên, bây giờ bận công việc nên cháu ít về hơn.
BÀ ĐÍNH: Chúng mày lớn rồi đứa nào cũng nói giống đứa nào, rồi mất gốc hết thôi (cười).
ÔNG AN: Quê hương quan trọng lắm cháu ạ. Như bác già thế này, bao nhiêu năm xa quê, mà vẫn cứ hay nghĩ ngợi chuyện quê quán họ hàng.
BÀ ĐÍNH: Bác An làm thơ về quê hương xóm giềng, tình cảm gia đình làng nước hay lắm đấy Kim nhé.
ÔNG AN: Mày làm bác hồi hộp không biết mày có làm thơ về quê hương không đấy? (cười)
KIM: (gãi đầu) Dạ, cháu không.
ÔNG AN: (phì cười) Thơ thẩn các anh bây giờ lạ thật đấy. Thế cháu viết về cái gì?
KIM: (liếm môi) Dạ, thì về các suy tưởng trong đời sống, dòng ý thức hiện sinh, hay các biểu đạt trần thuật mới từ góc độ tiếp cận của thơ ca hiện đại ạ, đôi khi cháu lại viết để tìm kiếm những âm sắc bộc lộ một cái tôi giữa cả rừng cái tôi (khoát tay hùng hồn).
Ông An và bà Đính nghệt ra.
BÀ ĐÍNH: Khiếp mày nói gì cô nghe chẳng hiểu được chữ nào. Cái gì phức tạp thế?
ÔNG AN: (cười) Thì thơ thí nghiệm của anh ý đấy còn gì.
BÀ ĐÍNH: (vừa cười vừa vỗ đùi) Ôi giời ơi cháu ơi là cháu. Mày giao lưu thế thì các bác hiểu làm sao được.
ÔNG AN: Bác thấy có vẻ cháu không gắn bó với quê lắm nhỉ?
KIM: Vâng, với cháu, về quê là về thăm nhà cũ của bố mẹ, chứ nhà cháu là ở đây mà. Nên… nghĩ tới quê hương, thú thật cháu chẳng biết viết gì.
ÔNG AN: Ừ, thế chắc cháu có làm thơ về Hà Nội nhỉ?
KIM: Dạ, cháu không.
BÀ ĐÍNH: (ngạc nhiên) Cũng không luôn?
KIM: Cháu hướng tới khía cạnh khác ạ, những góc đen tối hơn của con người chẳng hạn.
ÔNG AN: (lắc đầu cười buồn) Thơ ca là để làm đẹp cho đời, anh lại bảo đen tối! Anh chẳng viết về quê hương, cũng chẳng viết về nơi anh gọi là nhà. Bác cũng đến chịu nhà thơ các anh bây giờ.
KIM: (gãi cằm) À… Chắc cũng có người này người kia ạ. Khéo trong tương lai cháu lại làm thơ theo chủ đề bác với cô gợi ý cũng nên. Có thể là khi về già chẳng hạn ạ, già rồi thì người ta đâm ra thiết tha với quê hương hơn chăng (cười).
BÀ ĐÍNH: Sư bố mày, chê chúng tao già! Phải thế mới được. Thế mới là người Việt Nam đi đâu cũng nhớ về nguồn cội chứ.
ÔNG AN: (thở dài) Mày giống hệt mấy đứa cháu nội bác, đẻ ra ở Mỹ rồi bây giờ Tây không ra Tây, ta không ra ta.
Chuyển cảnh: một bức màn trong suốt hạ xuống ngăn cách giữa diễn viên đóng vai Kim và hai diễn viên đóng vai ông An, bà Đính. Lúc này, hai diễn viên đóng vai ông An, bà Đính trở thành hai đứa cháu nội của ông An (Max và Jenny), còn diễn viên đóng vai Kim trở thành ông An. Lưu ý: không thay đổi tạo hình diễn viên.
MAX: Con chào grandpa (đồng thanh với Jenny).
JENNY: Hello ông nội (đồng thanh với Max).
ÔNG AN: Ừ ông chào Jenny, ông chào Max. Bố mẹ các con đâu rồi?
MAX: Mama nấu cơm còn Papa đi làm chưa về.
ÔNG AN: Max nói lại nào, ông nội dạy khi nói chuyện với người lớn phải lễ phép con nhớ không?
MAX: (ngẩn ra)
JENNY: ạ ông đi.
MAX: …ạ.
ÔNG AN: (cười) Ừ được rồi, con nhớ nhé. Thế hai đứa dạo này đi học thế nào?
JENNY: Ông nội ơi ông sang Mỹ chơi đi, con sắp take summer break.
MAX: Yes granpa… ông nội come over, please!
JENNY: Bố nói ông bà sang thì bố cho bọn con đi chơi Grand Canyon, no summer in quê (mắt sáng lên).
MAX: Yes, grandpa, please tell grandma… ạ!
ÔNG AN: Ừ… ừ… (cười), thế hay là…
JENNY: Ông sang đi ông, cả bà nữa. Con sẽ đưa ông đi xem trường của con. Con mới… à… thi (hơi ngập ngừng) xong ạ.
MAX: Grandpa biết Grand Canyon không? Disney land nữa. Papa promised it ạ.
ÔNG AN: Thế hay hai đứa về Việt Nam ông dẫn đi chơi?
JENNY VÀ MAX: Nooooo (dài giọng ra, mặt tiu nghỉu nhìn ông)…
ÔNG AN: Ừ, ừ, thế để ông hỏi bà nhé.
MAX: (quay ra gào lên) Mama ơi, grandpa said yes! Mama! Come talk to grandpa!
JENNY: (hào hứng) Vui hơn về quê nhiều ông ơi!
(Cả hai đứa không nhìn ông An mà quay ra phía sau ngóng mẹ, ông An trầm ngâm nhìn hai cháu.)
Chuyển cảnh: bức màn trong suốt được kéo lên, hai diễn viên đóng vai Max và Jenny trở lại thành ông An bà Đính, diễn viên đóng vai ông An trở lại là Kim. Lưu ý: không thay đổi tạo hình diễn viên.
BÀ ĐÍNH: Em cũng lo quá, con út nhà em đang đòi đi du học, em chỉ sợ nó đi rồi sau lấy chồng nước ngoài, thì mình mất cả con cả cháu.
ÔNG AN: Bây giờ thế hệ trẻ Tây hoá hết rồi.
KIM: Vâng, cũng như ngày xưa mà bác, thế hệ cha mẹ vừa rời quê lên thành phố, lại vừa muốn níu giữ phần quê hương của mình cho con cái. Con cái vừa là người khách lạ tại nơi mình sống, lại vừa là người xa xứ khi nhắc đến quê gốc. Các mâu thuẫn cứ thế tiếp nối thật ra rất giống nhau.
BÀ ĐÍNH: Thằng này đúng là nhà thơ ăn nói văn hoa. Nhưng mà như thế thì phải làm thế nào?
KIM: Quê gốc của cháu là Nam Định, nhưng cháu nói giọng Hà Nội. Chắc chắn có rất nhiều người nữa như cháu, nhưng nói giọng Sài Gòn, thậm chí nói tiếng Anh. Trong số đó, sẽ có người cảm thấy không còn gắn bó với Nam Định, nhưng sẽ vẫn có những người vẫn đau đáu hướng về nguồn cội. Vậy thì bọn cháu là người ở đâu? Rồi như cháu nội bác An, chúng nó là người Mỹ hay người Việt Nam, người Hà Nội hay người Nam Định?
BÀ ĐÍNH: Ừ nhỉ.
KIM: Chúng ta chẳng bao giờ có được câu trả lời cho điều ấy cô ạ. Vì có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mỗi con người. Gốc gác là một phần quan trọng tạo nên nhân cách, khi nó không phải một gánh nặng thì tự nhiên người ta sẽ hướng về nó một cách nhẹ nhõm thôi cô.
ÔNG AN: Nên mới càng cần thơ ca về quê hương đất nước, bằng thể thơ truyền thống chỉ tiếng Việt mới có. Thế mới có cái sau này cho người ta đọc mà biết quê chứ.
KIM: (ngẩn ra) Ơ, dạ…
(Mọi người im lặng trong một thoáng, nhất thời không ai biết nói gì)
ÔNG AN: Anh bảo anh là thanh niên thành phố phải không. Nghe này… (hắng giọng)
Lá ngô lay ở bờ sông
bờ sông vẫn gió người không thấy về
xin người hãy trở về quê
một lần cuối… một lần về cuối thôi
về thương lại bến sông trôi
về buồn lại đã một thời tóc xanh.
BÀ ĐÍNH: Thơ bác An quá cháu nhỉ?
ÔNG AN: (lắc đầu cười) Không, đấy là thơ của nhà thơ Trúc Thông. Cháu nghe có thấy tâm hồn Việt Nam cảm động không?
KIM: Dạ… có ạ.
ÔNG AN: Đấy, cháu thấy chưa, thơ ca của người Việt Nam là phải như thế chứ. Cháu phải yêu nước vào!
KIM: (giọng có phần không vui) Việc này bác nói vậy có áp đặt quá không ạ? Đây gọi là bắt phải yêu nước theo thể thơ lục bát, không lục bát thì là phản quốc ạ?
ÔNG AN: (bối rối) Thì… thì ý bác là vì vậy nên mới cần làm thơ theo kiểu Việt Nam.
BÀ ĐÍNH: (xua tay giảng hoà) Ơ kìa hai bác cháu đang vui sao lại thành gay gắt thế. Bác An gợi ý cháu làm một bài thơ lục bát cho hợp với các cô các bác trong hội thơ ấy mà.
ÔNG AN: Ừ, đúng rồi, đúng rồi. Ý bác là thế mà anh lại hiểu nhầm!
KIM: À, dạ vâng, nhưng cháu có phải nhà thơ Bảo Sinh đâu mà đi bước nào thành thơ lục bát bước ấy. Khoản này cháu phải học các bác ấy chứ (cười).
ÔNG AN: Ừ, thôi, là bác nói chuyện vậy, (vỗ vai Kim) chứ mày nói có cái lý của mày, rồi sau này chúng mày tự tìm lấy câu trả lời cho mình. Coi như bác biết thêm về nhà thơ trẻ bây giờ thế nào, cô Đính nhỉ?
BÀ ĐÍNH: (cười xởi lời) Vâng, cứ phải thế mới vui.
ÔNG AN: Thế tối nay anh cứ đến chơi giao lưu với câu lạc bộ. Cùng lắm mọi người đọc thơ thì anh nghe rồi nhận xét cho vui. Mà cấm chê đấy nhé, chỉ được khen thôi.
KIM: Dạ, vâng (cười).
– HẾT –
ChuKim
Người góp chữ
ChuKim
Xây dựng hình tượng người nghệ sĩ cục súc thô bạo.
Làm thơ mà không có vần, giống hút cần mà không có bật lửa