Walter Benjamin, Robert Walser

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 8 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

Robert Walser đã viết rất nhiều nhưng chẳng có ai viết về anh. Ta có thể biết được gì từ những kẻ hiểu đúng đắn mấy lời tán dương ở chốn thị trường này, tức là những kẻ, khác với bầy đầu đất tìm cách ca tụng nó trong lúc “nâng” nó lên ngang tầm mình, có khả năng hấp thụ được sức mạnh thanh lọc từ thứ văn dễ dàng và tưởng như đơn giản một cách láo xược của Walser. Thật vậy, chẳng có mấy ai hiểu được cái “dạng ngắn” ấy, như cách gọi của Alfred Polgar, có ý nghĩa gì; đã có bao cánh bướm đầy hy vọng tìm nơi nương náu trong những chén rượu lễ nhỏ bé ấy để tránh khỏi vách đá chết người của cái gọi là văn chương lớn. Và những người khác cũng chẳng biết rằng giữa cái khu rừng cằn cỗi của báo chí, họ mang nợ bao nhiêu những đoá hoa, dịu dàng hoặc gai góc, sinh ra dưới ngòi bút của một Polgar, một Hessel hay một Walser[1].Thậm chí đến cuối cùng họ mới nghĩ tới Robert Walser. Bởi những rung động đầu tiên của lối giáo dục sách vở khốn khổ mà họ nhận được, và nói đến văn chương thì tất cả những gì họ có cũng chỉ có vậy, khiến họ quay sang nhấn mạnh những hình thức “thanh nhã” và “cao sang” như là một công cụ để bù lại cái họ gọi là sự trống rỗng của nội dung. Và ngay sau đó, trong văn của Walser, họ nhận ra một sự bắt đầu tàn tạ, rất khác lạ và khó tả. Khi suy ngẫm về bất cứ sáng tác nào của Walser, điều quan trọng nhất là việc hiểu rằng sự trống rỗng này chính là sức nặng, sự buông xuôi này là một kiểu kiên trì.

Đây không phải là chuyện dễ. Trong khi chúng ta đã quen với việc thấy những bí ẩn trong phong cách hiện lên từ những tác phẩm nghệ thuật ít nhiều được triển khai trọn vẹn và có mục đích, thì ở đây chúng ta đối mặt với ngôn từ chạy loạn theo một lối hoàn toàn không chủ tâm, hoặc ít nhất dường như là thế, mà vẫn thấy hấp dẫn và cuốn hút. Và hơn thế, một sự buông xuôi biến đổi qua đủ kiểu từ duyên dáng đến cay cú. Dường như không chủ tâm, như ta vừa nói. Thỉnh thoảng lại có những tranh luận rằng liệu có đúng là như thế không. Nhưng vào khoảnh khắc nhớ ra lời thừa nhận của chính Walser rằng anh chưa từng sửa chữa một dòng nào trong các sáng tác của mình, chúng ta biết những cuộc tranh luận ấy chẳng có ý nghĩa mấy. Ta không cần phải tin lời anh nói, nhưng cũng đáng để làm vậy. Bởi khi đó chúng ta có thể yên tâm với suy nghĩ rằng: viết mà không bao giờ chỉnh sửa những gì mình đã viết, điều này chắc chắn là một sự tổng hoà tuyệt đối giữa sự thiếu chủ đích tận cùngvới chủ đích ở hình thức cao nhất. Đến đây thì vẫn ổn. Suy cho cùng, nó không thể ngăn được chúng ta tới với ngọn nguồn của sự chạy loạn này, mà như ta đã nói, biến đổi qua đủ kiểu. Và giờ đây ta phải thêm vào rằng: có một ngoại lệ duy nhất. Ngoại lệ đó chính là kiểu phổ biến nhất – trong đó chỉ nội dung là quan trọng, còn mọi thứ khác đều không. Bởi với Walser viết “như thế nào” có tầm quan trọng như vậy, nên mọi điều anh muốn nói đều không quan trọng bằng bản thân hành động viết. Chúng ta gần như có thể nói rằng việc viết “cái gì” đã tiêu tan trong hành động viết. Chỗ này cần giải thích một chút, và đến đây ta bắt gặp một phẩm chất rất Thuỵ Sĩ ở nhà thơ này: sự kiệm lời. Có một câu chuyện thế này về Arnold Böcklin, cậu con trai Carlo và Gottfried Keller[2]. Một hôm, theo thói quen, họ ngồi trong quán rượu. Bàn họ từ lâu đã nổi tiếng vì sự kín đáo và trầm lặng giữa những người bạn rượu này. Hôm ấy, cả ba vẫn ngồi với nhau trong yên lặng như vậy. Mãi một lúc sau, cậu con trai của Böcklin lên tiếng: “Trời nóng,” và rồi thêm mười lăm phút nữa, ông bố thêm vào: “và rất yên bình.” Về phần mình, Keller nhẫn nại thêm một lúc rồi đứng dậy nói: “Tôi không uống với bọn lắm lời.” Sự kiệm lời kiểu dân quê như vậy, ở đây thể hiện trọn vẹn bằng một câu khôi hài, thực sự là “sân nhà” của Walser. Ngay từ khi cầm bút, anh đã bị chế ngự bởi những thôi thúc của một kẻ tuyệt vọng. Mọi thứ dường như đã mất cả, một cơn sóng ngôn từ ập tới mà mỗi câu sinh ra mang nhiệm vụ duy nhất là xoá bỏ câu trước nó. Trong một tuyệt tác của mình, anh đã biến đoạn độc thoại của Schiller: “Qua hẻm vực kia hắn ta ắt đến” thành văn xuôi. Anh bắt đầu vẫn với những từ kinh điển đó “qua hẻm vực kia” nhưng rồi nỗi lo lắng bất an choán lấy chàng William Tell của anh, và anh thấy mình bất lực, nhỏ bé, lạc lõng; anh viết tiếp: “Qua hẻm vực kia, ta nghĩ chắc là hắn ta ắt đến.”

Trước đây tất nhiên đã có tiền lệ. Sự vụng về ngây thơ và đầy chất nghệ sĩ này, trong mọi bầu ngữ quyển, đều là di sản của thằng ngốc. Nếu Polonius, cổ mẫu của những kẻ ba hoa, là một tay xiếc tung hứng, thì Walser học theo thần rượu nho Bacchus tự choàng lên người những vòng ngôn từ khiến chính mình suốt ngày vấp ngã. Vòng dây thực đúng là hình ảnh mô tả những câu văn của Walser. Tuy vậy, giống như những nhân vật chính của anh, cái ý tưởng đi va vấp xung quanh trong những câu chuyện đó là một tên trộm, một gã lang thang, một kẻ thiên tài. Thực vậy, Walser chỉ có thể khắc hoạ những kiểu “anh hùng” này, không thể thoát khỏi những nhân vật chính của mình, và sau khi giải quyết xong ở ba cuốn tiểu thuyết đầu tiên, từ đó dốc sức chỉ viết và viết rất độc đáo về câu lạc bộ chừng trăm nhân vật lang thang yêu thích của mình.

Ta đều biết rằng, văn chương Đức ngữ có những điển hình bất hủ về gã lang bạt, kẻ rong chơi, tên trộm vặt vốn là một anh hùng đã sa cơ lỡ vận. Một bậc thầy trong việc tạo nên những nhân vật như thế, Knut Hamsun, đã được ca ngợi gần đây[3]. Một số người khác là Eichendorff[4], với tác phẩm Taugenichts (Kẻ vô dụng) và Hebel, người đã tạo ra Zundelfrieder. Những nhân vật của Walser ra sao so với đội bạn hữu này? Và họ đến từ đâu? Chúng ta biết gã Taugenichts đến từ đâu: từ những khu rừng và thung lũng của chủ nghĩa Lãng mạn Đức. Zundelfrieder, từ tầng lớp trung lưu lớp dưới được khai sáng và đầy tinh thần phản kháng ở những thị trấn ven sông Rhine hồi đầu thế kỷ. Nhân vật của Hamsun là từ thế giới nguyên thủy của các vịnh fjord – họ là những người bị nỗi nhớ nhà kéo tới chỗ tụi quỷ khổng lồ. Thế còn những nhân vật của Walser? Có lẽ là từ rặng Glarn? Hay từ vùng đồng cỏ Alpes quê nhà ở Appenzell? Không hề. Họ đến từ màn đêm, nơi tối tăm nhất, một đêm tối thành Venice, có thể nói vậy, chỉ có chút ánh sáng leo lét của ngọn đèn hy vọng, với chút vui vẻ hân hoan trong đôi mắt nhưng băn khoăn và buồn bã chực òa lên khóc. Và họ than khóc thành văn. Bởi nức nở là giai điệu trong những lời tuôn trào của Walser. Nó cho ta thấy những thiết tha của anh đến từ đâu. Từ sự điên dại, thế đấy, và từ không đâu khác. Họ là những người đã đi qua sự điên dại và vì thế nên có thể hời hợt một cáchxuyên suốt, phi nhân, và kiên định đến thế. Nếu chúng ta mong tìm được một câu miêu tả vì sao ta thấy họ dễ chịu mà lại hơi rờn rợn, câu đó có lẽ là: tất cả họ đều đã được chữa lành. Chúng ta, tất nhiên, không bao giờ biết được về quá trình chữa lành này, trừ khi chúng ta dám tìm đọc vở Bạch Tuyết của anh – một trong những tác phẩm sâu sắc nhất của nền văn học gần đây – bản thân tác phẩm này đã đủ để giải thích tại sao tác giả có vẻ hài hước nhất trong tất cả các nhà văn này lại là tác giả yêu thích của Franz Kafka không khoan nhượng.

Toàn bộ sự dịu dàng lạ lùng của những câu chuyện này đều rất rõ ràng với tất cả chúng ta, nhưng không phải ai cũng thấy được rằng sự sống trong đó không phải là kiểu căng thẳng âu lo của cảnh suy đồi mà là không khí trong trẻo rộn ràng của cảnh hồi phục. “Điều làm tôi kinh hoảng là ý nghĩ rằng mình có thể thành công trên thế giới này.” Walser đã viết lại một đoạn thoại của Franz Moor như vậy. Tất cả những nhân vật chính của anh đều có nỗi sợ này. Tại sao? Chắc chắn không phải từ bất kỳ cảm xúc căm ghét nào đó với thế giới, cũng không phải từ lòng thương xót hay đau khổ xét trên nền tảng đạo đức, mà từ những mong muốn hưởng lạc thuần tuý. Họ muốn có thể tự tìm niềm vui trong chính bản thân mình, và họ làm việc đó tốt đến kinh ngạc. Họ cũng thể hiện một sự cao quý khác thường về mặt này, và có quyền chính đáng khác thường để làm vậy, bởi không ai tận hưởng cuộc đời theo cách của một người đang hồi phục. Mọi niềm vui thái quá đều khiến anh khó chịu: anh nghe nhịp chảy của dòng máu mình mới tuôn trào trở lại trong những con suối và hơi thở đã thêm trong trẻo từ đôi môi mình trong làn gió thổi qua những ngọn cây. Con người trong thế giới của Walser mang phẩm chất cao nhã như con trẻ này, giống như các nhân vật trong truyện cổ tích, những người, tất nhiên cũng hiện ra từ đêm tối và điên dại, hay nói cách khác, từ thần thoại. Ta thường cho rằng sự thức tỉnh này chỉ xảy ra ở các tôn giáo lâu đời. Nếu đúng là như vậy, thì hình thức của nó ít nhất cũng không đơn giản và rõ ràng. Để xác định được hình thức ấy, ta phải đi tìm hiểu sự thách thức vĩ đại của thế giới trần tục với thế giới huyền thoại, mà truyện cổ tích là đại diện. Tất nhiên các nhân vật cổ tích không đơn giản là giống với các nhân vật Walser. Nhân vật cổ tích vẫn vật lộn để giải phóng mình khỏi sự đau khổ. Walser bắt đầu nơi truyện cổ tích dừng lại. “Và nếu họ còn chưa chết, thì họ vẫn còn sống đến ngày nay.” Walser cho ta thấy họ sống như thế nào. Tác phẩm của anh, và tại đây tôi xin được dừng lời để anh bắt đầu, được gọi là: truyện, luận, thơ, đoản văn, và mọi thứ tương tự vậy.

Chiêu Dương dịch


(Dịch từ bản tiếng Anh “Robert Walser” của Mark Harman trong Robert Walser Rediscovered – Stories, Fairy-Tale Plays, and Critial Responses, Mark Harman biên tập, University Press of New England, 1985. Các chú thích đều là của bản dịch tiếng Anh.)

[1] Alfred Polgar (1873 – 1955) được coi là bậc thầy của thể loại đoản văn trau chuốt; Franz Hessel (1880 – 1941) là một tiểu thuyết gia và tác giả theo lối viết phác thảo ấn tượng.

[2] Arnold Böcklin (1827-1901) là hoạ sĩ người Thuỵ Sĩ; Gottfried Keller (1819-1890) là một tiểu thuyết gia người Thuỵ Sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 19.

[3] Knut Hamsun (1859 – 1952) một bút danh của Knut Pedersen, tiểu thuyết gia người Na Uy.

[4] Josef Freiherr von Eichendorff (1788 – 1857) là một nhà thơ thuộc phong trào Lãng mạn và là tác giả của Aus dem Leben eines Taugenichts (Hồi ký của một kẻ vô dụng) (1826), một tiểu thuyết ngắn giàu nhạc điệu miêu tả những chuyến ngao du của một cậu thiếu niên và ngợi ca niềm vui giữa tự nhiên, là một trong những cuốn tiểu thuyết thuộc phong trào Lãng mạn Đức được đọc nhiều nhất vào thời đó.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Chiêu Dương

Tức Thu thơ thẩn.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: