Walter Benjamin, Nghệ thuật kể chuyện

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
The Boyhood of Raleigh của John Everett Millais
Thời gian đọc: 3 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

Mỗi sáng, tin tức đến với chúng ta từ khắp địa cầu. Ấy vậy mà ta lại thiếu đi những câu chuyện đặc sắc. Từ đâu mà ra sự tình này? Bởi lẽ ngày nay không sự kiện nào còn đến với ta mà lại không thấm đẫm từ trước bao lời giải thích. Nói cách khác: gần như không sự nào xảy đến giúp ích cho câu chuyện, gần như mọi sự đều giúp ích cho thông tin. Quả thực, hết phân nửa nghệ thuật kể chuyện nằm ở chỗ giữ cho chuyện kể tránh khỏi những giải thích. Những bậc thầy cổ đại làm được việc này; Herodot [Hērodotos] là người đi đầu hết. Ở hồi 14 quyển III tác phẩm “Lịch sử” [Historai], có câu chuyện kể về Psammenit [Psammēnitos], Sau khi quốc vương xứ Ba-tư Kambyses đả bại và bắt giữ quốc vương Ai-cập Psammenit, Kambyses quyết tâm làm nhục vị tù binh của mình. Kambyses hạ lệnh rằng Psammenit phải bị đưa ra đứng bên vệ đường nơi có đoàn quân khải hoàn Ba-tư đi ngang qua. Kambyses còn sắp đặt sao cho vị tù binh đó thấy con gái mình ăn mặc như một nô tì đi ngang qua, đến cái giếng nọ với cái bình trong tay. Trong khi tất cả những người Ai-cập kêu rên và than khóc trước cảnh tượng này, mỗi mình Psammenit đứng lặng im và bất động, đôi mắt dán chặt xuống đất; và ngay sau đó khi ông thấy con trai mình bị dẫn trong một đoàn người đến nơi hành quyết, ông vẫn cứ bất động. Nhưng rồi khi ông nhận ra một trong những người nô bộc[1] của mình, một ông già tiều tụy, trong hàng ngũ tù binh, ông nắm tay lại đập đầu mình và tỏ bày nỗi bi ai thảm thiết. – Từ câu chuyện này, ta có thể thấy được việc kể chuyện đích thực nó ra làm sao. Thông tin chỉ có giá trị cho thời khắc lúc nó còn mới. Nó chỉ sống ở thời khắc đó. Nó phải hoàn toàn phụ thuộc vào điều đó và tự giải thích chính mình ngay không để mất chút thời giờ nào. Câu chuyện thì khác: nó không làm tiêu mòn bản thân đi. Nó giữ lại cái quyền năng nội tại của mình và có thể triển hiện sau một thời gian dài trôi qua. Vậy là Montaigne trở lại câu chuyện về vị vua Ai-cập này và tự hỏi: Tại sao Psammenit lại kêu rên chỉ khi thấy người nô bộc của ông chứ trước đó thì không. Montaigne trả lời: “Ông ngập tràn trong mình nỗi bi ai, chỉ cần chất chứa thêm tí chút nữa, nỗi niềm đó tuôn ra phá vỡ con đập ngăn trong lòng.” Ta có thể hiểu câu chuyện này theo cách đó. Tuy vậy vẫn còn chỗ cho những giải thích khác. Bất kì ai cũng có thể biết được những giải thích này bằng cách đặt câu hỏi của Montaigne cho một nhóm bạn hữu. Chẳng hạn, một người bạn của tôi từng nói: “Ông vua đó không bị lay động bởi số phận của hạng vương giả, bởi lẽ đó là số phận của ông.” Người khác nói: “Chúng ta bị lay động trước nhiều thứ mà ta thấy trên sân khấu, những điều vốn không lay động ta trong đời sống; ông nô bộc này chỉ là một diễn viên đối với ông vua đó.” Hoặc một người thứ ba nói: “Cơn thống khổ tích tụ và bùng vỡ ra nhờ sự thanh tẩy. Nhìn thấy người nô bộc này là điều thanh tẩy.” – “Nếu câu chuyện này xảy ra ngày nay,” người thứ tư nói, “trên khắp các mặt báo sẽ ghi rằng Psammenit ưu ái người nô bộc của ông hơn con mình.” Điều chắc chắn là mọi phóng viên sẽ đưa ra lời giải thích trong chớp mắt. Herodot không có một lời giải thích nào. Bản kí thuật của ông khô khan nhất hạng. Đó là nguyên do câu chuyện này từ Ai-cập cổ đại vẫn còn có thể dấy lên nỗi kinh ngạc và suy tư sau hàng nghìn năm. Nó tương tự những hạt giống sau khi bị đóng nhốt trong mấy căn buồng kín hơi của kim tự tháp suốt hàng thiên niên kỉ mà vẫn còn giữ được khả năng nảy mầm cho đến ngày nay.

Đoàn Duy dịch

(Dịch từ bản Anh văn: Benjamin, Walter (2019), “The Art of Storytelling”. Trong The Storyteller Essays (bản dịch Anh ngữ của Tess Lewis, tr. 35–6); The New York Review Books.

Tham khảo nguyên bản Đức văn: Benjamin, Walter; (1972); “Kunst zu erzählen”. Trong Gesammelte Schriften, IV, 1 (tr. 436–8); Suhrkamp.)

[1] Ở đây Benjamin dùng chữ “Diener” (nô bộc, người theo hầu), trong khi nguyên bản Hi-lạp văn dùng chữ ‘συμποτέων’ (sympoteōn), tức là bạn cùng uống rượu trong một cuộc yến ẩm. (Chú thích của người dịch)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: