Joseph Roth, Hành khúc Radetzky (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 32 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

Joseph Roth (1894 –1939) là nhà báo, tiểu thuyết gia người Áo, nổi tiếng nhất với tiểu thuyết Hành khúc Radetzky (1932) viết về sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế Áo Hung. Năm 1999, Literaturhaus München và Bertelsmann tổ chức soạn danh sách Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của văn chương Đức ngữ thế kỷ 20 do 99 tác giả, nhà phê bình văn học, và học giả Đức bình chọn và Hành khúc Radetzky được lọt vào top 10 của danh sách ấy cùng với Người đàn ông không phẩm chất của Robert Musil, Vụ án của Franz Kafka, Núi thần của Thomas Mann, Berlin Alexanderplatz của Alfred Döblin, Cái trống thiếc của Günter Grass, Anniversaries: From the Life of Gesine Cresspahl của Uwe Johnson, Gia đình nhà Buddenbrooks của Thomas Mann, Lâu đài của Kafka, và Doctor Faustus của Thomas Mann.

PHẦN MỘT

CHƯƠNG 1

Nhà Trotta là một dòng tộc non trẻ. Tổ tiên của họ được phong tước sau trận Solferino. Ông cụ là người Slovenia. Sipolje, tên ngôi làng chôn rau cắt rốn của ông gọi theo tiếng Đức, trở thành tước hiệu. Số phận đã chọn ông cho một nhiệm vụ đặc biệt. Nhưng ông lại nhất định muốn hậu thế không còn nhớ gì về mình.

Trong trận Solferino hồi ấy, ông cụ là một anh trung úy bộ binh, chỉ huy một trung đội. Trận đánh đã kéo dài suốt nửa tiếng đồng hồ. Phía trước ba bước, anh có thể nhìn thấy tấm lưng trắng hếu của quân mình. Hàng đầu của trung đội đang quỳ, hàng sau thì đang đứng. Tất cả chiến sĩ đều phấn khởi và đầy lòng tin chiến thắng. Họ ăn và uống thả cửa dưới sự chi trả của hoàng đế và trong lòng kính trọng dành cho ngài, người đã có mặt ở chiến trường từ hôm qua. Chốc chốc đâu đó lại có một tên lính ngã khỏi hàng ngũ. Trotta nhanh chóng nhảy tới lấp chỗ trống, cầm lên khẩu súng cơ nhỡ vừa bị người chết hoặc bị thương bỏ lại và bắn vào kẻ thù. Hết lần này đến lần khác, anh lèn chặt vào hàng ngũ vừa bị mỏng đi hoặc mở rộng nó, hai mắt sáng gấp trăm lần, liếc tới bốn phương, hai tai căng ra, lắng nghe tám hướng. Ngay giữa tiếng súng rào rào, đôi tai nhạy bén bắt được một vài tiếng mệnh lệnh oang oang hiếm hoi của viên đại úy chỉ huy. Đôi mắt sắc bén xuyên qua màn sương xanh mờ phủ lên chiến tuyến địch. Anh chưa bao giờ bắn mà không nhắm, và kiểu gì viên đạn cũng trúng đích. Quân lính cảm nhận được đôi tay và đôi mắt anh, nghe tiếng anh hô dõng dạc và trong lòng tràn đầy tự tin.

Bên địch ngừng bắn. Mệnh lệnh lao thoăn thoắt dọc theo cái chiến hào tưởng như vô tận: “Ngừng bắn!” Đâu đó một que thông nòng súng vẫn còn lách cách, đây kia một tiếng súng vẫn vang lên, muộn màng và đơn độc. Màn sương xanh mờ dần tản đi. Bỗng chốc cả đội quân chìm trong cái ấm áp ban trưa của một ngày nhiều mây, nắng như dát bạc và mặt trời chói chang. Giữa viên trung úy và tấm lưng trắng hếu của quân lính, vị hoàng đế xuất hiện cùng với hai sĩ quan tham mưu. Ngài đang cầm một chiếc ống nhòm mà một trong hai người tùy tùng mới dâng lên và đang chuẩn bị đưa lên mắt để nhìn. Trotta biết ngay điều này nghĩa là gì: cho dù quân địch đã rút lui, vệ binh phía sau của quân ta vẫn phải đối mặt với quân Áo, và bất kỳ ai nâng ống nhòm lên đeo đều tự biến mình thành một mục tiêu đầy hứa hẹn. Mà đây lại còn là vị hoàng đế trẻ tuổi! Tim của anh vọt lên đến tận cổ. Nỗi kinh hãi trước một viễn cảnh tận thế vô cùng vô hạn không thể hình dung nổi sẽ hủy hoại Trotta, hủy hoại đế chế này, quân đội này, đất nước này và toàn bộ thế giới này khiến Trotta rùng mình và lạnh hết cả sống lưng. Đầu gối của anh run bắn. Và lòng ác cảm bất diệt của một sĩ quan tiền tuyến cấp dưới đối với những sĩ quan cấp cao, những người chẳng có nhận thức tí ti nào về hiện thực cay đắng, đã dẫn đến một hành động khiến tên tuổi của anh trung úy ghi dấu vĩnh viễn vào lịch sử trung đoàn mình. Anh vươn cả hai tay và chụp lên vai vị hoàng đế trẻ để đẩy ngài sụp xuống, nhưng có lẽ anh đã chụp quá mạnh, vị hoàng đế ngã ngay ra đất. Nhóm tùy tùng lao mình theo. Ngay vào khoảnh khắc ấy, một viên đạn xuyên vụt qua vai trái của anh trung úy, chính là viên đạn vốn nhắm vào trái tim của vị hoàng đế. Khi vị hoàng đế đứng lên được thì anh trung úy ngã gục xuống. Dọc khắp chiến tuyến, những khẩu súng hốt hoảng giật mình tỉnh giấc, bật ra những tiếng lách cách lao xao lưa thưa. Vị hoàng đế, được nhóm tùy tùng vội vã thúc giục rời khỏi vùng nguy hiểm, vẫn đang ngả trên người anh trung úy nằm sấp sõng soài trên đất và ngài vẫn đầy ý thức về trách nhiệm hoàng gia của mình, hỏi người thanh niên bất tỉnh không thể nghe được gì nữa rằng anh tên là gì thế. Một bác sĩ trung đoàn, một y tá cứu thương, hai người khiêng cáng ào ào chạy tới, lưng cong đầu chúi xuống. Hai viên tham mưu trước tiên kéo được vị hoàng đế xuống khỏi người anh trung úy xong ngồi phịch xuống đất.

“Đây! Anh trung úy này này!” vị hoàng đế la lên với viên y sĩ đang tắc thở.

Trong lúc đó, mưa bom bão đạn đã lui dần. Và trong khi viên sĩ quan lục quân bước lên trước cả trung đoàn và tuyên bố dõng dạc “Tôi sẽ nhận nhiệm vụ chỉ huy”, thì hoàng đế Franz Joseph và nhóm tùy tùng đã đứng lên, đội y sĩ cẩn thận buộc anh trung úy vào cáng và rồi tất cả rút về sở chỉ huy của trung đoàn, chính là chỗ dựng cái lều rộng trắng như tuyết trải trên khu đất bệnh xá dã chiến gần nhất.

Xương đòn bên trái của Trotta đã vỡ vụn. Viên đạn nằm ngay dưới xương vai trái, được gắp ra dưới sự chứng kiến của ngài tổng tư lệnh tối cao, giữa tiếng rên gào không còn giống tiếng người nữa của kẻ bệnh vừa tỉnh lại vì cơn đau.

Bốn tuần sau, Trotta bình phục. Đến khi trở lại đơn vị đóng quân ở miền nam Hungary, anh đã có hàm đại úy, thêm một chiếc huân chương cao quý nhất trong các loại – Huân chương Maria Theresa – và một cái tước Hiệp sĩ. Giờ người ta gọi anh là Ngài Đại úy Joseph Trotta xứ Sipolje.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ và mỗi sáng sau khi thức dậy, như thể cuộc đời trước đây đã được đánh đổi bằng một cuộc đời mới mẻ và lạ lẫm được đúc khuôn trong một nhà xưởng, anh tự nhắc lại cấp bậc với chức danh mới với bản thân mình, và bước tới chiếc gương để chắc chắn rằng gương mặt mình vẫn thế. Dù có được sự chúc mừng gượng gạo của anh em binh lính đang cố gắng thu hẹp khoảng cách thân phận sinh ra từ một thứ vận mệnh bất ngờ và không lý giải nổi, và dù bản thân cũng đã nỗ lực trong tuyệt vọng để có thể gặp mặt tất cả mọi người mà vẫn tự nhiên như xưa, ngài Đại úy Trotta mới được phong tước có vẻ đang đánh mất cân bằng. Anh cảm thấy như mình đã bị tuyên án phải đi đôi ủng của một kẻ khác suốt cả quãng đời còn lại, phải bước đi trên một mặt đất trơn trượt, bị những tiếng xì xào khuất tất bám theo và những ánh nhìn ái ngại đón đợi. Ông của anh chỉ là một nông dân bé nhỏ, cha anh là một viên cai bạ, rồi sau lại làm lính ở vùng biên cương phía nam, một trung sĩ nhỏ nhoi. Đến khi mù một mắt trong một trận đánh nhau với một tên trộm người Bosnia, ông cụ về theo chế độ thương binh và làm người gác cổng ở Lâu đài Laxenburg, chăm bẵm lũ thiên nga, sửa sang hàng rào, bảo vệ những bụi mậu ma và mấy khóm muồng hoàng yến đang mùa ra hoa khỏi những bàn tay táy máy vô phép, và vào những đêm yên bình, nhẹ nhàng xua đi những đôi tình nhân không có chốn hẹn hò đang phải nương nhờ vào bóng tối nhân từ trên những băng ghế. Đối với con trai của một người lính quèn, cái cấp bậc trung úy bộ binh bình thường ấy dường như là điều rất tự nhiên và hợp lý. Nhưng đối với một đại úy không những được huân chương mà còn được phong tước, người đã bước vào vầng hào quang xa lạ và gần như trên trời của hoàng ân, tựa bước vào cõi cung mây điện ngọc, cha anh đột nhiên như lùi xa vạn dặm, và cái tình yêu chuẩn chỉnh mà anh dành cho ông cụ dường như cũng cần một cung cách khác, một lề lối khác để cha và con ứng xử với nhau. Đã năm năm rồi ngài đại úy vẫn chưa gặp cha, nhưng cứ mỗi hai tuần, trong khi thực hiện cái lịch trực bất biến đến vĩnh cửu, anh vẫn đều đặn viết cho ông cụ một lá thư ngắn gọn dưới thứ ánh sáng le lói và lập lòe của ngọn nến trong phòng nghỉ của lính gác, sau khi kiểm tra đội ngũ hết một lượt, ghi lại thời gian thay ca, và trong cột có tiêu đề SỰ VỤ BẤT THƯỜNG, viết xuống một chữ Không rất rõ ràng và quả quyết để phủ định tính khả thi dù nhỏ nhoi nhất của những sự vụ bất thường. Những lá thư gửi cha, trên tờ giấy khổ tám vàng vọt và mềm oặt, cũng giống như bao tờ giấy nghỉ phép cùng biểu mẫu quy định. Sau lời chào Cha kính yêu ở bên trái, cách lề trên sáu phân và lề trái hai phân rưỡi, bức thư bắt đầu với phần thông báo ngắn gọn về tình trạng sức khỏe vẫn tốt của người viết, tiếp nối bằng niềm mong mỏi sức khỏe của người nhận cũng vẫn tốt, và kết thúc bằng một câu lùi đầu dòng theo công thức trình bày trường tồn đặt ở góc phải bên dưới đối xứng hoàn hảo theo đường chéo với dòng lời chào: Kính yêu cha, con trai nhỏ bé trung thành và luôn biết ơn người, Trung úy Joseph Trotta. Nhưng bây giờ, đặc biệt là từ khi chức danh mới khiến anh phải rời bỏ lịch trực cũ, anh biết làm thế nào đây để chỉnh trang lại cái biểu mẫu thư tín quy củ này, cái mẫu đã được thiết kế để dùng suốt cả cuộc đời quân ngũ, anh biết làm thế nào để đan cài vào những mẫu câu chuẩn mực kia một thông báo lạ lùng về những điều kiện sống đã trở nên lạ lùng mà chính bản thân anh cũng chưa nắm bắt và quen thuộc được? Trong buổi đêm tĩnh lặng ấy, lần đầu tiên kể từ khi hồi phục, vào lúc vì muốn thực hiện nghĩa vụ thư tín kia mà ngồi xuống chiếc bàn phủ đầy ú ụ những nét chạm trổ và khắc khía bằng con dao bông đùa của mấy anh lính đang chán muốn chết, Đại úy Trotta mới nhận ra rằng anh sẽ không bao giờ có thể viết gì tiếp được sau câu chào Cha kính yêu. Gác cây bút đã ráo lên lọ mực, anh đưa tay vặn vặn phần chóp của sợi bấc trên đống sáp nến đã tích tụ thành dòng như thể mong sao nhận được chút cảm hứng hân hoan và một cụm từ hay ho từ nguồn sáng dịu dàng ấy. Anh mơ màng nhớ lại những ký ức ấu thơ, ngôi làng, người mẹ và trường binh anh theo học. Anh ngẩn ngơ nhìn những cái bóng khổng lồ của những đồ vật bé nhỏ trong căn phòng đổ lên bức tường vôi trắng trần trụi, nhìn đường cong nhẹ rung rinh mờ nhòa của cây kiếm treo ở gần cửa, đang nằm yên trong vỏ kiếm với chuôi đeo màu đen. Bên ngoài mưa rơi không ngừng, lộp độp đều đều lên bệ cửa phủ thiếc. Cuối cùng anh đứng dậy, quyết định đi thăm cha vào tuần lễ ngay sau buổi diện kiến và tạ ơn hoàng đế mà một vài ngày nữa anh sẽ biết thời gian chính xác.

Một tuần sau, ngay sau buổi diện kiến chưa tới mười phút, chưa đầy mười phút của hoàng ân và đâu đó mười hay mười hai câu hỏi đọc ra từ tờ giấy phải được trả lời, trong tư thế đứng nghiêm, bằng một câu “Vâng, thưa bệ hạ!” nhẹ nhàng nhưng dứt khoát như bắn một phát đạn, anh gọi một chiếc xe ngựa tới Laxenburg để thăm cha. Lúc anh đến ông cụ đang mặc một chiếc áo ba lỗ ngồi trong căn bếp ở căn nhà công vụ, trước mặt là cốc cà phê to đùng đang tỏa hương nghi ngút, đặt trên cái bàn trần trụi, bóng loáng, nhẵn nhụi cùng một chiếc khăn tay xanh sẫm thêu viền chỉ đỏ. Ở góc bàn, cây ba toong bằng gỗ anh đào nâu đỏ chi chít mắt đang treo lủng lẳng, khẽ đung đưa. Một chiếc túi da cũ kỹ đựng thuốc lá sợi rẻ tiền căng phồng lên và mở hé ra, nằm bên cạnh một chiếc tẩu sứ dài, vốn màu trắng nhưng nay đã ố vàng. Thật hợp với màu trắng của chòm ria vĩ đại trên mép ông cụ. Ngài Đại úy Joseph Trotta xứ Sipolje đứng giữa cái tổ ấm công vụ tồi tàn này như một vị chiến thần với chiếc khăn lộng lẫy của cấp sĩ quan, chiếc mũ đánh véc ni đen bóng đến phát sáng, đôi ủng cưỡi ngựa được đánh xi láng mượt và đính đinh tán lấp lánh, hai hàng khuy trên chiếc áo khoác sáng đến lóa mắt và hào quang chói ngời tỏa rạng từ chiếc Huân chương Maria Theresa. Thấy cậu con trai đứng trước mặt mình, ông cụ chậm rãi đứng dậy, như thể hành động chào đón chậm rãi ấy là lời đáp lại trước vẻ hào nhoáng của cậu con trai. Đại úy Trotta hôn lên tay cha, cúi thấp đầu mình, nhận một nụ hôn trên trán và một nụ hôn trên má. “Ngồi đi!” ông cụ nói. Ngài đại úy tháo bỏ đôi phần diện mạo huy hoàng của mình và ngồi xuống. “Chúc mừng con!” ông cụ nói, bằng chất giọng thường ngày, một thứ tiếng Đức cứng nhắc gốc Séc. Những phụ âm nổ đùng đùng như sấm và những âm cuối mang nặng mấy cục tạ. Mới chỉ năm năm trước ông vẫn còn nói tiếng Slovenia với con trai, dù thằng bé chỉ hiểu được vài từ và chưa bao giờ tự nói được một tiếng nào. Nhưng hôm nay nếu nghe được thằng con trai mình nói tiếng mẹ đẻ của mình, thằng con trai giờ đã ở quá xa ông nhờ ân đức của số phận và ân huệ của hoàng đế, có khi ông lại thấy nó thân thiết đến táo gan ấy chứ. Ngài đại úy giờ lại đang chăm chăm nhìn vào khẩu hình của cha để nhận lại những âm sắc Slovenia giờ đã như một sự xa xôi thân thuộc, như một sự gần gũi bị đánh mất. “Chúc mừng, chúc mừng!” ông trung sĩ nghỉ hưu nhắc lại như sấm nổ. “Thời ta chưa bao giờ được nhanh thế này! Thời ấy á, lão Radetzky hành hạ bọn ta đến chết!” Thôi thế là xong! Đại úy Trotta nghĩ. Giữa anh và cha bây giờ ngăn cách trăm núi ngàn sông quân hàm và cấp bậc. “Cha vẫn uống rượu rakia ạ, thưa cha?” anh hỏi, gọi cha rất khách sáo trong khi cố gắng giữ lại những tàn tích cuối cùng của sự gắn kết gia đình. Hai cha con cùng uống, cụng ly, rồi uống tiếp; ông cụ rên rỉ sau từng ngụm rượu, khốn khổ giữa những tiếng ho không ngừng, sặc rượu tím tái, khạc ra, dần dần ổn lại, rồi lại tràng giang kể lại những câu chuyện cười nhạt nhẽo cũ rích về đời lính của mình, với mục đích không thể sai đi đằng nào được là để hạ thấp công trạng và sự nghiệp của con trai. Cuối cùng ngài đại úy đứng dậy, hôn lên tay cha, nhận lại nụ hôn của cha trên trán và trên má, xốc lại thanh kiếm, đội mũ shako, và rời đi – biết chắc rằng đây sẽ là lần cuối cùng anh gặp cha trong cuộc đời này.

Đó đúng là lần cuối cùng. Anh vẫn viết cho cha những lá thư thủ tục đều đặn, giữa họ không còn mối liên hệ hữu hình nào khác; Ngài Đại úy Trotta bị tách lìa khỏi dòng dõi nông dân Slav lâu đời của tổ tiên và bắt đầu một dòng tộc mới. Sau đó bánh xe thời gian cứ quay chậm rãi, đều đặn và yên bình như thế. Để xứng với tước vị của mình, Trotta kết hôn với cô cháu gái cũng không còn trẻ lắm của ông đại tá, con gái một trưởng ty phía tây Bohemia. Anh trở thành cha của một cậu bé, tận hưởng cuộc sống nhà binh yên ấm lành mạnh trong quân khu nhỏ bé của mình, cưỡi ngựa tới thao trường mỗi sáng, chơi cờ với ông chưởng khế mỗi chiều, và rốt cuộc cũng thấy quen thuộc và thoải mái với cấp bậc, chức tước, địa vị, và danh tiếng của mình. Anh có chút tài quân sự tạm đủ để tổ chức những đợt diễu binh và tập trận tạm được mỗi năm, anh là một người chồng tốt, không cờ bạc đỏ đen, cáu bẳn và hoài nghi về đàn bà, một sĩ quan chính trực, một kẻ thù gay gắt với mọi trò gian dối, những hành động tiểu nhân, những kẻ thích an phận ấm thân, những lời tán tụng ba hoa và những ai sân si ích kỷ tư lợi. Anh đơn giản và trong sạch như lý lịch quân ngũ của mình, chỉ duy có đôi lúc cơn cả giận mất khôn bùng lên ở anh mới cho một ông quan toà nhân dân nhìn ra đôi chút bóng dáng con người thật sự của ngài đại úy, rằng cõi lòng của ngài thật ra chứa đựng bao vực sâu thăm thẳm nơi những cơn bão tạm ngủ và vang vọng giọng nói vô danh của tổ tiên xa xưa.

Đại úy Trotta không đọc sách. Ngài thầm thương hại đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn đã phải bắt đầu đối mặt với bảng đen, bút chì, giấy vở, thước kẻ và số học, cùng những quyển sách vỡ lòng đang đón đợi. Ngài tin rằng con trai mình sẽ phải trở thành một người lính. Ngài chưa bao giờ có ý nghĩ rằng – từ bây giờ cho đến khi dòng dõi ngài tuyệt hậu – người nhà Trotta có thể đi theo tiếng gọi nào khác. Nếu ngài có hai, ba, bốn đứa con trai (nhưng phu nhân ốm yếu, cần bác sĩ và trị liệu, việc mang thai quá nguy hiểm), thì tất cả chúng cũng thành lính hết. Đó là điều Đại úy Trotta vẫn cứ nghĩ mãi. Nếu có một trận chiến nữa, Trotta lúc nào cũng sẵn sàng. Phải, ngài đại úy luôn đinh ninh rằng định mệnh của mình là phải chết trên sa trường. Ngài suy nghĩ đơn giản mà kiên định rằng chết trận là cái kết cần thiết theo sau cái danh tiếng nhà binh. Mãi cho đến một ngày, chỉ vì chút hiếu kỳ rảnh rỗi, ngài cầm đọc quyển tập đọc đầu tiên của con trai mình, cậu bé vừa mới lên năm, vì mong mỏi của mẹ và nhờ ơn người gia sư, đã nếm đủ mùi bài vở trường lớp nặng nhọc. Trotta đọc bài thơ cầu nguyện buổi sớm. Mấy thập kỷ qua chúng vẫn vậy, ngài vẫn còn nhớ rõ. Ngài đọc “Bốn mùa”, “Cáo và Thỏ”, “Vua muông thú”. Rồi ngài mở mục lục và thấy tên một bài đọc có vẻ nói về ngài, bởi tiêu đề ghi rõ là “Franz Joseph I trong trận Solferino”. Cầm lên đọc, ngài phải ngồi xuống. “Trong trận Solferino,” bài đọc mở đầu, “hoàng đế và quốc vương của chúng ta, Franz Joseph I, phải đối mặt với nguy hiểm gian lao.” Trotta có xuất hiện, nhưng tất cả đã đổi trắng thay đen!

Hoàng đế [đoạn văn viết vậy] đã liều lĩnh xông lên phía trước và quá hăng say trong tinh thần chiến đấu đến mức bỗng một lúc ngài giật mình nhận ra mình đã bị bao vây trong hàng đoàn kỵ binh của kẻ thù từ bao giờ. Ở khoảnh khắc nguy ngập đỉnh điểm ấy, viên trung úy với kinh nghiệm chiến trường non trẻ liền hô con hồng mã đang đầm đìa mồ hôi của mình phi nước đại lao tới, tay khua kiếm không ngừng. Ôi những cơn cuồng phong trút xuống đầu và cổ của những gã kỵ binh phe địch.

Còn đây nữa:

Một mũi thương xuyên qua lồng ngực người thiếu niên anh hùng, nhưng bên phía địch, quân cũng đã tiêu tùng gần hết. Cầm chặt thanh kiếm đã tuốt vỏ trong tay, hoàng đế trẻ tuổi và dũng mãnh của chúng ta đã có thể đánh lui những đợt tấn công đang yếu dần. Toàn bộ đội quân kỵ binh của phe địch đã bị bắt làm tù binh. Và vị trung úy trẻ tuổi – Ngài Joseph von Trotta – đã được trao phần thưởng cao quý nhất mà Tổ quốc ta dành cho những thần dân anh hùng, Huân chương Maria Theresa.

Đại úy Trotta bóp chặt quyển sách trong tay, xăm xăm đi ra khu vườn nhỏ sau nhà, nơi vợ ngài, vào những ngày trời chiều ấm áp, thường bận rộn làm này làm kia. Môi ngài tái nhợt, giọng nói lạc đi, ngài hỏi vợ rằng bà đã đọc cái quyển tập đọc tệ hại kia chưa. Bà khẽ mỉm cười, gật đầu. “Rặt chuyện dối trá!” ngài đại úy hét lên, quăng luôn quyển sách xuống nền vườn ẩm thấp. “Truyện cho trẻ con thôi mà,” bà vợ nhẹ nhàng đáp. Ngài đại úy xoay phắt lưng lại. Cơn giận choán lấy ngài như cơn bão đổ ập lên một bụi cây mong manh. Ngài vội vàng đi vào nhà, tim đập thình thịch. Đến giờ chơi cờ rồi. Ngài với tay lên cầm lấy thanh kiếm, thắt cái đai da vào lưng bằng một cú giật bạo lực và nanh nọc, rồi phi nước đại ra khỏi nhà. Ai nhìn thấy cũng sẽ nghĩ ngài đang đi tàn sát hết quân thù. Bốn nếp nhăn sâu hoắm hằn rõ giữa cái trán thấp ngắn tủn dưới mái tóc lỉa chỉa, ngài đã thua hai ván liền mà không nói một lời nào, những quân cờ lách cách ngã bổ chửng dưới bàn tay mạnh bạo của ngài, ngài nói với đối thủ của mình, “Tôi phải nói với ông chuyện này.” Ngừng. “Tôi bị người ta lợi dụng,” ngài đại úy nói tiếp, nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh của ông chưởng khế, và sau một lúc thì nhận ra rằng lời mình nói đang trôi tuột lá khoai. Lẽ ra phải mang theo quyển sách vỡ lòng kia mới phải. Có cái thứ bằng chứng xằng bậy kia trong tay thì có phải là ngài sẽ dễ ăn dễ nói hơn nhiều không. “Lợi dụng kiểu gì cơ?” ông chưởng khế thắc mắc. “Tôi chưa bao giờ làm lính kỵ binh.” Đại úy Trotta cảm thấy tốt nhất nên bắt đầu như thế, dù tự ngài cũng nhận ra là mình chưa nói rõ được điều mình muốn nói. “Và đây, lũ nhà văn mặt dày đó viết trong mấy cuốn truyện trẻ con rằng tôi cưỡi trên một con hồng mã mà phi nước đại, chúng viết thế đấy, trên một con hồng mã đầm đìa mồ hôi, để giải cứu hoàng đế, chúng viết thế đấy.” Ông chưởng khế giờ đã hiểu câu chuyện. Ông cũng đọc được nó trong quyển sách của đứa con trai. “Ngài đang nghiêm trọng hóa quá rồi ngài Đại úy,” ông nói. “Ngài đừng quên đấy là sách cho trẻ con mà.” Đại úy Trotta kinh hoàng nhìn ông chưởng khế. Ngay khoảnh khắc ấy, ngài thấy dường như cả thế giới liên minh lại để chống đối mình: mấy tay viết sách, ông bạn chưởng khế, bà vợ thân yêu, cả cậu con trai và người gia sư. “Các sự kiện lịch sử đều được viết lại hết, để cho bọn trẻ con nó học. Tôi thì tôi thấy việc này cũng đúng. Bọn trẻ con cần những ví dụ mà chúng nó nắm bắt được, tiếp thu được, sau này biết ra được sự thật chân chính cũng không muộn.” “Chiếu tướng!” ngài đại úy hô lên, đứng bật dậy. Ngài đi vào khu doanh trại, làm viên sĩ quan trực ngày hôm ấy, trung uý Amerling, cùng một người phụ nữ đang ở trong văn phòng của viên kế toán, thảy đều giật mình, đích thân ngài kiểm tra binh sĩ, gọi viên trung sĩ tới, yêu cầu các sĩ quan đại đội đang trực lên báo cáo, ra lệnh cho cả đại đội ra tập trung và ra thao trường tập súng. Đám lính tuân lệnh, bối rối và run rẩy. Mỗi trung đội thiếu mất vài người, không ai biết là đi đâu. Đại uý yêu cầu đọc to tên họ lên. “Tất cả những ai vắng hôm nay mai lên báo cáo với tôi!” Ngài bảo với viên trung uý. Cả đại đội hồng hộc và hổn hển thực hiện các bài tập với súng. Que thông nòng súng kêu lách cách, dây đeo tung lên vai, những bàn tay ấm nóng cầm chặt nòng súng kim loại lạnh lẽo, báng súng to tổ chảng đứng nghiêm trên nền đất mềm xám xịt. “Lên đạn!” đại uý hô. Bầu không khí rung lên với tiếng ràn rạt trống rỗng của những vỏ đạn trống không. “Tập đứng chào nửa tiếng!” ngài đại uý ra lệnh. Mười phút sau, ngài lại đổi mệnh lệnh: “Quỳ xuống cầu nguyện!” Ngài thoả mãn nghe tiếng đầu gối thùm thụp đập mạnh xuống nền đất, cát và sỏi đá. Ngài vẫn là đại uý, vẫn là chỉ huy của cái đại đội này. Ngài phải chứng minh cho mấy tay viết sách kia thấy.

Đêm hôm đó ngài không đi hội họp với đám sĩ quan, thậm chí ngài còn chẳng ăn uống gì, ngài đi ngủ. Ngài ngủ mê mệt nhưng không mộng mị gì. Sáng hôm sau, khi quân sĩ điểm danh, ngài viết một bức thư khiếu nại và gửi cho ông đại tá, ngắn gọn và đanh thép. Lá thư được chuyển lên. Và giờ sứ mệnh tử vì đạo của Đại uý Joseph von Sipolje, Hiệp sĩ của Chân lý đã tới. Ông bộ trưởng Chiến tranh mất hàng tuần trời mới nhắn cho ngài được một lời rằng thư khiếu nại  của ngài đã được chuyển tới cho ông bộ trưởng Tôn giáo, Văn hoá và Giáo dục. Và phải thêm hàng tuần lê thê nữa thì thư trả lời của ông bộ trưởng này mới đến tay ngài. Thư viết:

Thưa Hiệp sĩ,

Đại uý Trotta kính mến,

Xin hồi âm tới ngài về đoạn văn bản số 15 trong sách tập đọc chính thức do hai giáo sư Weidner và Srdcny viết và biên soạn được dùng cho cấp tiểu học và trung học cơ sở tại Áo theo bộ luật ngày 21 tháng Sáu năm 1864. Bộ Tôn giáo, Văn hoá và Giáo dục kính xin mạn phép mong ngài lưu ý tới tình huống rằng, theo Chỉ dụ ngày 21 tháng Ba năm 1840, các sự kiện lịch sử quan trọng chọn lọc cho bậc vỡ lòng, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến Đức Hoàng đế uy vũ Franz Joseph cũng như các thành viên nội tộc hoàng gia khác, cần phải được điều chỉnh thích hợp với trình độ nhận thức của học sinh và đảm bảo sự thống nhất xuyên suốt với các mục tiêu sư phạm. Đoạn văn bản số 15 này, như trong thư của ngài, đã được gửi riêng tới ngài bộ trưởng và được chính bộ trưởng phê duyệt để đưa vào sách đọc trong nhà trường. Đây là chủ ý của các nhà quản lý giáo dục ở bậc cao và cũng không hẳn không phải là ý định của các nhà giáo dục ở bậc thấp để giới thiệu tới các em học sinh những hành động anh dũng của những chiến sĩ quân nhân, và để khắc hoạ họ sao cho phù hợp với tâm tính thiếu niên, với trí tưởng tượng và tinh thần yêu nước của một thế hệ đang trưởng thành mà không làm sai lệch tính chính xác của sự kiện được miêu tả, và cũng không biến những sự kiện ấy thành một câu chuyện khô khan thiếu đi những sắc thái sinh động và tình cảm tha thiết với Tổ quốc. Bằng những cân nhắc như trên và tương tự vậy, người viết thư này kính mong Ngài có thiện chí rút lại lá thư khiếu nại.

Người ký là ông bộ trưởng. Ông đại tá đưa thư cho đại uý Trotta và an ủi như bậc làm cha: “Thôi kệ nó!”

Trotta nhận thư, chẳng nói gì. Một tuần sau đó, qua những kênh chính thức, ngài đại uý gửi một lá đơn xin cầu kiến hoàng đế. Ba tuần sau, một buổi sáng, Trotta đứng trong cung điện, đối diện với vị tổng tư lệnh tối cao.

“Nghe này, Trotta yêu quý của ta,” hoàng đế nói. “Toàn bộ chuyện này khá là khó xử, nhưng cả khanh và ta đều đâu có xuất hiện dưới dáng vẻ tệ lắm. Thôi kệ nó đi!”

“Thưa bệ hạ, đó là một lời nói dối!” đại uý đáp.

“Người ta nói dối đầy ra đấy thôi,” hoàng đế nói.

“Thần không thể, thưa bệ hạ,” ngài đại uý nghẹn lời.

Hoàng đế nhích lại gần đại uý một tí. Ngài cao hơn Trotta một chút. Hai vị đứng đó và đấu mắt với nhau. “Các bộ trưởng của ta biết rõ họ đang làm gì. Ta phải tin tưởng vào họ. Khanh hiểu ý ta chứ, Trotta?” Ngừng một lúc. “Chúng ta sẽ làm gì đó. Rồi khanh xem!”

Buổi diện kiến kết thúc.

Ông cụ thân sinh Trotta vẫn còn sống nhưng Trotta không đi Laxenburg. Ngài quay về đơn vị và nộp đơn xin xuất ngũ, về hưu.

Ngài về với hàm thiếu tá, chuyển đến Bohemia, vào ở cơ ngơi nho nhỏ của ông bố vợ. Nhưng hoàng ân không bỏ rơi ngài. Một vài tuần sau, ngài được thông báo rằng hoàng đế đã cân nhắc và thấy rất hợp lý khi trích năm nghìn gulden từ ví riêng để chi trả cho việc học hành của con trai người đã cứu mạng mình. Đồng thời, Trotta được sắc phong thành nam tước.

Nam tước Joseph von Trotta xứ Sipolje chấp nhận món quà của triều đình bằng vẻ mặt mây phủ trời giông, ngài coi đây là một sự xúc phạm. Trận chiến chống quân Phổ đã diễn ra và thất bại mà không có ngài! Cơn bực bội cứ âm ỉ trong lòng ngài. Hai bên thái dương tóc ngài đã điểm bạc, mắt ngài đã mờ, bước chân đã chậm, hai tay nặng nề, và ngài ngày càng kiệm lời hơn xưa. Dù đang độ tuổi tráng niên, hình như ngài già đi rất nhanh. Ngài đã bị đẩy đi khỏi cái thiên đường niềm tin ngây thơ vào hoàng đế, vào đức hạnh, chân lý và công bằng và giờ chịu kìm kẹp trong im lặng và nhẫn nhịn, có lẽ ngài đã nhận ra rằng sự ổn định của thế giới, sức mạnh của luật lệ, và hào quang của hoàng quyền, tất cả đều dựa trên sự khôn khéo thức thời. Nhờ vào một lần hoàng đế tiện lời yêu cầu mà đoạn văn số 15 đã biến mất khỏi tất cả các cuốn sách tập đọc trên đất nước này. Cái tên Trotta giờ đây chỉ còn tồn tại trong những quyển kỷ yếu lịch sử không ai quan tâm của trung đoàn. Ngài thiếu tá giờ đây sống đời vô vị, làm người thầm lặng với chút danh tiếng phù du như chiếc bóng lao vụt qua mà một thế lực bí mật nào đấy gửi vào thế giới tươi sáng của người sống. Tại cơ ngơi của bố vợ, ngài tất tả với bình tưới cây và kéo cắt cành: giống hệt bố đẻ của mình ở lâu đài Laxenburg, ngài nam tước tỉa hàng rào và cắt bãi cỏ, trông chừng những bụi mậu ma và mấy khóm muồng hoàng yến đang mùa ra hoa khỏi những bàn tay táy máy vô phép; thay những cây cọc buộc ngựa đã mục nát bằng cây mới nhẵn nhụi, sửa chữa đồ đạc, tự mình chăm nom rồi đóng cương, thắng yên cho bầy ngựa, thay mới những ổ khoá đã rỉ sét ở các cửa và các cổng, cẩn thận chêm các thanh gỗ được lạng mỏng vào những chiếc bản lề đã lõm xuống kẽo kẹt; ngài ở trong rừng suốt nhiều ngày trời, săn thú nhỏ cho vui, ngủ trong căn lều của người canh vườn, chăm nom lũ gia cầm, coi sóc việc bón phân và thu hoạch hoa quả rau trái, việc chăm ngựa và việc đánh xe. Tằn tiện và chẳng tin ai, ngài tự mình làm hết việc mua bán, những ngón tay chi li lật từng đồng xu trong chiếc túi da thắt chặt sau đó lại cất kỹ nó vào rương. Ngài đã trở thành một người nông dân Slovenia chính hiệu. Nhiều khi, cơn giận trước đây lại dội về, làm ngài quay cuồng như một bụi cây mong manh bị cuốn vào cơn bão mạnh. Khi đó, ngài quất mạnh vào kẻ hầu và con ngựa, dập mạnh cửa vào những chiếc khoá mà chính tay ngài đã sửa, đe doạ chặt chém và giết hết mấy người tá điền, hất văng bữa trưa bằng một cái vung tay mạnh, nanh nọc và cáu bẳn. Sống bên cạnh ngài là người vợ ốm đau nhu nhược, ở trong một căn phòng riêng. Cậu con trai chỉ gặp cha vào các bữa ăn, kết quả học tập của cậu được gửi cho ngài hai lần mỗi năm, đáp lại, ngài không ngợi khen mà cũng chẳng trách giận. Ông bố vợ, người vô tư phung phí lương hưu và luôn yếu lòng trước các cô gái trẻ, ở luôn trên trấn hàng tuần không về và e dè ông con rể. Một người nông dân Slovenia chính hiệu, ngài Nam tước Trotta. Hai lần mỗi tuần, vào đêm muộn, bên ánh nến lập loè, ngài vẫn viết thư cho cha trên tờ giấy khổ tám ngả vàng, lời chào Cha kính yêu vẫn cách lề trên sáu phân và lề trái hai phân rưỡi. Ngài hiếm khi nhận được hồi âm.

Ngài nam tước thực ra cũng đã đôi lần nghĩ đến chuyện đi thăm cha. Từ lâu ngài cũng đã bắt đầu cảm thấy nhớ ông trung sĩ trong căn nhà công vụ tồi tàn kia cùng túi thuốc lá sợi và chai rượu brandy tự chế. Nhưng ngài, cũng giống như cha mình, ông mình và cụ mình, thấy kinh hãi khi nghĩ đến chi phí đi lại. Bây giờ ngài đã gần gũi hơn với người thương binh trong lâu đài Laxenburg kia, gần hơn nhiều so với cái lúc trước kia, khi ngài vẫn đang tận hưởng ánh hào quang tươi mới của cái tước quý tộc vừa được phong tặng và ngồi lại trong căn bếp u tối bạc màu vôi, uống rakia cùng cha. Ngài chưa bao giờ nói chuyện xuất thân của mình với vợ. Ngài đoán rằng niềm kiêu hãnh của đôi bên sẽ lẹm đi đôi phần giữa con gái của một vị quan tiền triều với một ông trung sĩ nghỉ hưu người Slovenia, nên ngài chẳng bao giờ mời cha tới nhà mình. Hôm ấy là một ngày tháng Ba đẹp trời, khi ngài nam tước đang nặng nhọc lê bước qua đám đất ruộng cằn cỗi để đến gặp ông quản gia thì một tá điền trình lên ngài một lá thư gửi từ lâu đài Laxenburg. Cha ngài đã chết, ông cụ ra đi bình yên ở tuổi tám mươi mốt. Ngài nam tước chỉ nói, “Đi báo với phu nhân, chuẩn bị hành lý cho ta, tối nay ta sẽ đi Viên.” Ngài lại tiếp tục lên đường, tới căn nhà nhỏ của người quản gia trong khuôn viên, hỏi han về việc gieo trồng, thảo luận chuyện thời tiết, hướng dẫn ông quản gia mua ba chiếc cày mới, nhắc ông ấy thứ Hai tới thì gọi một bác sĩ thú y và hôm nay thì gọi luôn một bà đỡ cho cô hầu gái bụng mang dạ chửa, và cuối cùng ngài nói thêm, khi ra đến cửa, “Cha ta vừa mất, ta sẽ đi Viên trong ba ngày,” rồi khẽ vẫy tay chào và rời đi.

Hành lý của ngài đã xong, ngựa được thắng vào xe, nhà ga cách đây một giờ đi đường. Ngài ăn vội chút xúp và thịt. Ngài bảo với vợ: “Tôi không thể đi thế này được! Cha tôi là một người tốt. Mình chưa gặp ông ấy bao giờ.” Đây là điếu văn ư? Một lời than khóc ư? “Con đi cùng ta,” ngài nói với đứa con trai đang sợ hãi của mình. Phu nhân đứng dậy sắp xếp đồ đạc cho cậu. Khi bà đang bận rộn ở tầng trên, ông Trotta nói với con, “Giờ con sẽ được gặp ông nội.” Cậu bé run rẩy và cúi mặt nhìn xuống đất.

Lúc họ tới nơi, ông trung sĩ đã được quàn trong phòng khách. Canh giữ bên linh cữu là tám cây nến cao gần một mét và hai người cựu chiến binh, ông nằm trong quan tài, trưng ra bộ ria vĩ đại và lởm chởm, mặc bộ quân phục xanh thẫm và đeo ba chiếc huân chương lấp lánh trên ngực. Một bà xơ dòng thánh Ursula đang cầu nguyện trong góc phòng, bên ô cửa sổ duy nhất, đã thế còn buông rèm. Hai người cựu chiến binh đứng nghiêm khi Trotta bước vào. Ngài đang mặc quân phục thiếu tá và đeo huân chương Maria Theresa. Ngài quỳ xuống dưới chân người đã khuất, cậu con trai cũng làm vậy, chạm mặt với cái đế ủng to tổ chảng. Lần đầu tiên trong đời, Nam tước Trotta cảm thấy như có một lưỡi dao mỏng và sắc đâm vào vùng tim mình. Đôi mắt nhỏ của ngài vẫn khô ráo. Ngài lầm rầm đọc Kinh Lạy Cha, một lần hai lần rồi ba lần, với lòng áy náy của một con chiên ngoan đạo, sau đó đứng lên, cúi xuống gần người đã khuất, hôn lên bộ ria vĩ đại của ông cụ, vẫy tay với mấy ông cựu binh và gọi con trai, “Đi thôi!”.

“Con đã thấy ông chưa?” ngài hỏi khi đã ra ngoài.

“Rồi ạ,” cậu con trai đáp.

“Ông con chỉ là một trung sĩ,” ngài nói với con. “Ta đã cứu mạng hoàng đế trong trận Solferino, và sau đó nhà ta thành nhà nam tước.”

Cậu con trai không đáp lời nào.

Ông cụ được chôn tại nghĩa trang nhỏ ở Laxenburg, khu vực quân nhân. Sáu cựu binh mặc đồng phục xanh thẫm khiêng quan tài từ nhà thờ ra tới huyệt. Thiếu tá Trotta, mặc quân phục chuẩn chỉnh và đội mũ shako, đặt tay lên vai con trai suốt cả chặng đường. Cậu bé khóc thổn thức. Tiếng nhạc buồn bã của đoàn quân nhạc, giọng tụng đều đều và não nề của ông mục sư mà cứ khi nhạc dừng thì nghe rõ mồn một, cùng mùi hương khói thoang thoảng, tất cả khiến cậu bé nấc lên và cảm thấy đau lòng không sao hiểu nổi. Và loạt súng bắn tiễn đưa người đã khuất của một nửa trung đội vang lên càng khiến cậu nghẹn ngào không thôi. Họ cúi chào theo lối nhà binh trước linh hồn người đã khuất, linh hồn đã biến mất vĩnh viễn khỏi trần gian này và đi thẳng tới thiên đường.

Hai cha con lên đường trở về. Ngài nam tước im lặng suốt cả chặng đường. Chỉ đến khi họ xuống tàu và bước lên chiếc xe ngựa kéo đang đợi sẵn ở khu vườn sau nhà ga, ngài thiếu tá mới nói, “Con đừng quên ông nội.”

Ngài nam tước trở lại với nhịp sống thường ngày, và năm tháng lại tiếp tục trôi như một chiếc bánh xe quay ổn định, yên bình, tĩnh lặng. Đám tang của người cha không phải là đám tang cuối cùng mà ngài phải tham dự. Ngài dự tiếp đám tang cha vợ, rồi sau vài năm là đám tang của vợ, người ra đi nhanh chóng thầm lặng mà không nói lời tạm biệt nào sau một cơn viêm phổi nặng. Ngài gửi con trai đến trường nội trú ở Viên, đảm bảo rằng cậu bé sẽ không thể trở thành một người lính tầm thường. Ngài một mình ở lại cơ ngơi này, giữa ngôi nhà trắng toát vắng lặng, nơi hơi thở của người đã khuất còn vương vấn, ngài chỉ nói chuyện với người trông vườn, người quản gia, người giữ ngựa và người đánh xe. Những cơn tam bành của ngài càng ngày càng ít, nhưng người hầu thường xuyên biết mùi nắm đấm của ngài và sự im lặng cuộn xoáy của ngài như một cái ách nặng trịch đặt trên cổ họ. Sự im lặng đáng sợ ấy như vẻ tĩnh lặng của đất trời trước cơn bão. Mỗi tháng hai lần, ngài nhận những lá thư hiếu nghĩa của con trai. Mỗi tháng một lần, ngài trả lời thư con bằng hai câu ngắn gọn, trên một mẩu giấy nhỏ tằn tiện xé ra từ phần lề giấy trọng vọng của bức thư ngài nhận được. Mỗi năm một lần, vào ngày 18 tháng Tám, sinh nhật của hoàng đế, ngài mặc quân phục và lái xe đến đơn vị đồn trú gần nhất. Mỗi năm hai lần, một lần khi nghỉ Giáng sinh và một lần khi nghỉ hè, con trai về thăm ngài. Đêm Giáng sinh hằng năm, ký vào biên nhận, cậu được tặng ba đồng gulden bạc và không bao giờ được đem theo. Cũng trong buổi tối ấy, những đồng bạc đó sẽ được cất vào hộp tiền trong rương của ông cụ nam tước. Nằm bên cạnh những đồng gulden là những tờ bảng điểm của cậu. Chúng minh chứng cho sự cần cù nỗ lực của cậu và tuy chỉ là hạng trung nhưng luôn đảm bảo đạt chuẩn. Cậu chưa từng được cho một món đồ chơi, một khoản tiêu vặt, hay một cuốn sách nào, trừ sách giáo khoa theo yêu cầu của nhà trường. Nhưng cậu không có vẻ thua kém hay khổ sở. Cậu thông minh, nghiêm túc, trung thực. Trí tưởng tượng bé mọn không mang cho cậu ước mong nào hơn là trải qua những năm tháng học hành càng nhanh càng tốt.

Cậu tròn mười tám tuổi khi cha nói với cậu vào đêm Giáng sinh năm ấy, “Năm nay con sẽ không nhận được ba đồng gulden nữa. Con có thể lấy chín đồng trong hộp tiền nếu con ký nhận. Hãy cẩn thận với phụ nữ. Họ có bệnh cả đấy.” Và, sau khi ngừng một thoáng: “Ta quyết định là con sẽ trở thành luật sư. Sẽ mất hai năm. Sẽ vẫn đủ thời gian cho việc quân ngũ. Con có thể tạm ngừng cho đến khi con học luật xong.”

Cậu ngoan ngoãn nhận chín đồng gulden và cũng ngoan ngoãn làm theo mong muốn của cha. Cậu hiếm khi qua lại với phụ nữ, chọn lựa họ rất cẩn thận, và khi trở về nhà vào kỳ nghỉ hè năm ấy, cậu vẫn còn sáu đồng gulden. Cậu xin phép cha để mời một người bạn tới chơi. “Được thôi,” ngài thiếu tá đáp, có chút bất ngờ. Cậu bạn đến với vali hành lý bé tí và bộ đồ vẽ to đùng, thứ chẳng hấp dẫn gì mấy với ông chủ nhà. “Cậu ta vẽ tranh?” ông cụ hỏi. “Rất đẹp ạ,” Franz đáp.  “Đừng để cậu ta làm tung toé cả căn nhà. Vẽ phong cảnh thì được.” Vị khách trẻ thực sự ra ngoài trời vẽ, nhưng không phải vẽ phong cảnh. Cậu dựa theo trí nhớ của mình mà vẽ lại ngài Nam tước Trotta. Mỗi bữa ăn cậu lại ghi nhớ những đặc điểm của vị chủ nhà tiếp đón mình.  “Sao cậu cứ nhìn ta chằm chằm thế?” ngài nam tước hỏi. Cả hai cậu chàng liền đỏ mặt, cúi nhìn xuống chiếc khăn trải bàn. Tuy vậy, bức tranh vẫn được hoàn thành, được đóng khung và trao tặng cho ngài nam tước khi hai cậu rời đi. Ngài mỉm cười, ngắm nghía bức tranh cẩn thận. Ngài lật tranh lại như thể đang tìm những chi tiết sâu xa mà mặt trước của tranh đã bỏ đi mất. Ngài đem tranh đến gần cửa sổ, giơ cao lên cho ánh sáng rọi vào, rồi trên chiếc gương đằng xa, ngài nhìn chằm chằm vào hình ảnh đang phản chiếu, so sánh nó với bức tranh, cuối cùng ngài nói, “Nên treo ở đâu bây giờ?” Đây là niềm vui đầu tiên ngài có trong suốt bao năm qua. “Con có thể cho bạn mượn tiền nếu bạn cần mua gì nhé,” ngài nói nhỏ với Franz. “Phải hoà thuận với nhau đấy!” Bức chân dung đó là bức chân dung duy nhất từng có của ngài Trotta. Sau này, nó được treo trong thư phòng của con trai ngài và thậm chí còn ám ảnh cả trí tưởng tượng của cháu trai ngài.

Bức chân dung giữ ngài thiếu tá trong một tâm trạng hiếm có suốt vài tuần lễ. Ngài treo nó lúc trên bức tường này, lúc ở bức tường khác, cảm thấy vui vẻ mãn nguyện khi ngắm kỹ chiếc mũi cứng nhọn, khuôn cằm được cạo sạch sẽ, đôi môi mỏng nhạt, xương gò má hốc hác nhô lên như ngọn đồi cao phía trước đôi mắt đen tí hin và vầng trán thấp nhăn nheo được che đi bằng phần tóc mái của cái đầu được cắt ngắn cũn và lỉa chỉa. Chỉ tới bây giờ, ngài mới quen được với những đường nét trên khuôn mặt mình; ngài thỉnh thoảng thầm thì nói chuyện với nó. Nó gợi lên những suy nghĩ và ký ức xa lạ, những cảm giác hoài niệm và hối tiếc khó hiểu nhưng nhanh chóng mờ nhoà. Ngài cần bức chân dung để trải qua cái tuổi chớm già và nỗi cô đơn lớn lao của mình. Từ trên tấm toan được sơn vẽ ấy, sự cô đơn và tuổi già như cùng ập đến. Nó đã luôn là như thế này ư? Ngài tự hỏi. Nó đã luôn là như thế này sao? Đôi khi, chẳng để làm gì, ngài ra nghĩa trang, tới thăm mộ vợ, nhìn vào bệ đá xám xịt và cây thập giá trắng phấn, nhìn vào ngày tháng năm sinh và mất của bà, ngài tính ra bà mất sớm quá, và thừa nhận rằng ngài không thể nhớ rõ bà nữa. Ví như đôi bàn tay của bà, ngài đã quên mất. Đầu ngài thoáng qua một cái tên, Quinquina Martial Wine, loại thuốc bà đã dùng bao năm. Khuôn mặt của bà ư? Nhắm mắt lại, ngài vẫn có thể hình dung ra nhưng hình ảnh ấy nhanh chóng tan biến, nhoà vào vầng dương đỏ rực lúc chiều tà. Ngài trở thành một người ôn hoà, cả ở trong nhà lẫn ngoài đồng, thỉnh thoảng vỗ nhẹ một con ngựa, mỉm cười với lũ bò, uống rượu nhiều hơn bình thường, và bỗng một ngày, ngài viết cho con trai một bức thư ngắn, khác hẳn thông lệ viết lách của ngài. Người ta bắt đầu tươi cười chào hỏi ngài, ngài gật đầu đáp lại một cách dễ chịu. Mùa hè lại đến. Những kỳ nghỉ tới mang theo cậu con trai của ngài cùng người bạn của cậu. Ngài lái xe đưa chúng vào thị trấn, tới ăn ở nhà hàng, nhấp vài ngụm slivovitz và gọi cho hai cậu thiếu niên một bữa xa xỉ thịnh soạn.

Con trai ngài đã trở thành luật sư, thường xuyên về thăm nhà, nhìn quanh cơ ngơi ấy và một ngày nọ cảm thấy rằng cậu muốn từ bỏ sự nghiệp để về chăm nom nó. Cậu thú thật nguyện vọng của mình với cha. Ngài thiếu tá nói, “Quá muộn rồi con trai. Cả đời này con sẽ không bao giờ trở thành một người nông dân hay có thể chăm nom một cơ ngơi được đâu. Con sẽ trở thành một viên chức có năng lực. Chấm hết.” Chuyện này thế là giải quyết xong. Cậu nhận được một vị trí trong chính quyền, trở thành một quận uỷ viên ở Silesia. Trong khi cái tên Trotta có lẽ đã biến mất khỏi những bộ sách giáo khoa chính thống, nó vẫn còn tồn tại trong những tài liệu bí mật của nhà nước và hoàng gia, và món ân sủng năm nghìn gulden hoàng đế ban ân đảm bảo rằng anh quận uỷ viên nhà Trotta được hưởng hậu đãi không ngừng từ ơn trên. Cậu thăng tiến nhanh chóng. Hai năm sau khi cậu được bổ nhiệm thành quận trưởng, cha cậu qua đời.

Ngài nam tước để lại một di chúc lạ lùng. Bởi vì ngài biết rõ rằng – ngài viết – con trai ngài không thể là một người nông dân giỏi, và bởi bản thân ngài hy vọng rằng nhà Trotta, vô cùng biết ơn ân đức vô biên của hoàng đế, có thể thăng tiến tới những cấp bậc cao hơn trong nhà nước và sống hạnh phúc hơn ngài, người viết bản chúc thư này, đã sống, ngài quyết định, để tưởng nhớ người cha đã khuất, truyền lại cơ ngơi ngài nhận được nhiều năm trước từ bố vợ, cùng với tất cả những vật thuộc sở hữu, cả bất động sản lẫn động sản, cho Quỹ Thương binh, và theo đó, những người thụ hưởng bản di chúc này không có nghĩa vụ nào khác ngoài việc chôn cất người lập di chúc một các khiêm nhường giản dị nhất có thể tại nghĩa trang nơi cha ông ấy nằm, và nếu được, xin hãy chôn ngài gần cha. Ngài nam tước, người lập di chúc này, xin yêu cầu đối tượng thụ hưởng hạn chế mọi sự phô trương. Tất cả thu nhập phái sinh, mười lăm ngàn florin, cùng với số lãi tích lũy tại ngân hàng Efrussi ở Viên, cũng như các khoản tiền khác, bạc và đồng, nếu tìm thấy trong dinh thự, cùng với nhẫn, đồng hồ, vòng cổ của người vợ đã khuất, đều thuộc về con trai của người lập di chúc này, Nam tước Franz von Trotta xứ Sipolje.

Một ban quân nhạc thành Viên, một đại đội bộ binh, một đại diện của hiệp hội hiệp sĩ đã nhận huân chương Maria Theresa, một vài sĩ quan trong trung đoàn ở phía nam Hungary nơi ngài thiếu tá anh hùng khiêm nhường từng ở, tất cả các thương binh có thể đi bộ, hai vị quan thuộc phủ thủ tướng và nội chính hoàng gia, một vị thuộc văn phòng quân uỷ trung ương, một cậu sĩ quan mới tốt nghiệp ôm chiếc Huân chương Maria Theresa được đặt trên lớp vải nhung đen: họ đi bên nhau thành một đoàn rước. Franz, cậu con trai, mặc đồ đen, bước đi lặng lẽ và cô độc. Ban nhạc chơi đúng hành khúc mà họ đã chơi ở đám tang của ông nội cậu. Loạt súng tiễn đưa lần này to hơn và vang vọng lâu hơn.

Cậu không than khóc. Không ai than khóc cho người vừa khuất. Mọi người đều nghiêm trang và không nước mắt. Không ai nói gì trước nấm mộ. Gần ngôi mộ của ông trung sĩ là mộ của ngài thiếu tá, Nam tước von Trotta xứ Sipolje, Hiệp sĩ của Chân lý. Họ dựng một bia đá ghi công đơn giản, trên đó, bên dưới tên tuổi, cấp bậc và tên trung đội, danh xưng tiêu biểu đầy tự hào của ngài được khắc bằng những chữ cái đen lạnh mỏng manh: NGƯỜI HÙNG CỦA SOLFERINO.

Giờ đây, ngoài bia đá này, một thứ hào quang đã nhạt nhoà, và bức chân dung, ngài chẳng còn lại gì nhiều. Đó chính là cách mà một anh nông dân bước qua mảnh ruộng mỗi mùa xuân, và sau đó, vào mùa hè, những dấu vết anh để lại khuất bên dưới những luống lúa mì trĩu hạt mà chính tay anh từng gieo. Cũng trong tuần đó, ngài quận trưởng Trotta xứ Sipolje đã nhận được một lá thư chia buồn từ hoàng đế, người khẳng định tận hai lần về “lòng phụng sự luôn được ghi nhớ” mãi mãi của người đã khuất.

Chiêu Dương dịch

(Dịch từ bản tiếng Anh Radetzky March của Joachim Neugroschel, Penguin Classics 2000.)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Chiêu Dương

Tức Thu thơ thẩn.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: