(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)
Tôi đã có lần tính làm một khảo sát về những tiền thân của Kafka. Tôi từng coi ông, ban đầu, là độc nhất vô nhị như con phượng hoàng của tài nghệ tu từ; sau khi quen thuộc với ông một chút, tôi tin rằng mình có thể nhận ra giọng ông, hay những thói quen của ông, trong những văn bản thuộc các nền văn học khác nhau và những thời kỳ khác nhau. Tôi sẽ ghi lại một vài trong số đó ở đây, theo trật tự thời gian.
Đầu tiên là nghịch lý Zeno[1] phản đối sự tồn tại của chuyển động. Một vật chuyển động hiện đang ở A (Aristoteles tuyên bố) sẽ không tới được điểm B, bởi trước đó nó phải đi hết nửa đoạn đường giữa hai điểm đó, và trước đó phải đi nửa đoạn đường của nửa đoạn đường này, và trước nữa phải đi nửa đoạn đường của nửa đoạn đường đó, cứ như thế đến vô cùng; hình thức của bài toán nổi tiếng này chính xác là hình thức của Lâu đài, và vật chuyển động kia cùng mũi tên và Achilles là những nhân vật kiểu Kafka đầu tiên của văn học. Trong văn bản thứ hai mà sự ngẫu nhiên sách vở trao vào tay tôi, nét tương tự không phải là ở hình thức mà là giọng điệu. Đấy là một truyện ngụ ngôn của Hàn Dũ[2], một tác giả văn xuôi thế kỷ IX, xuất hiện trong công trình đáng kính trọng Anthologie raisonnée de la littérature chinoise [Tuyển tập chú giải văn học Trung Quốc] (1948) của Margouliès. Đoạn văn tôi đã đánh dấu như sau, huyền bí và thanh tĩnh: “Một điều được thừa nhận phổ quát là kỳ lân là một sinh vật siêu nhiên và mang lại vận may; điều này đã được tuyên bố trong Kinh Thi, Kinh Xuân Thu, trong mọi tiểu sử của các vĩ nhân và các văn bản khác có thẩm quyền không thể chối cãi. Cho đến cả đàn bà con trẻ thường dân cũng biết rằng kỳ lân là một điềm lành. Nhưng con thú này không thuộc vào số những loài thú được thuần hóa, mà cũng không dễ gặp được nó, mà cũng không thể xếp nó vào loại nào. Nó không giống ngựa hay là bò, không giống sói hay là hươu. Trong điều kiện ấy, chúng ta có thể gặp con kỳ lân mà không biết chắc chắn rằng đấy là nó. Chúng ta biết rằng con vật có bờm này ắt là ngựa còn con vật có sừng này ắt là bò. Chúng ta không biết con kỳ lân thì ra làm sao.”[3]
Văn bản thứ ba xuất phát từ một nguồn dễ đoán hơn: trước tác của Kierkegaard. Sự tương đồng về tâm lý giữa hai nhà văn này thì ai cũng biết; điều chưa được ghi nhận bằng, theo như tôi thấy, là việc Kierkegaard, giống như Kafka, sử dụng rất nhiều dụ ngôn tôn giáo vào các chủ đề đương thời và trung lưu. Lowrie, trong cuốn Kierkegaard (Oxford University Press, 1938), đã chép lại hai truyện. Một là chuyện một kẻ làm bạc giả, dưới sự giám sát không ngừng, phụ trách kiểm tra tiền giấy cho Nhà băng Anh quốc; cũng theo cách đó, Chúa mặc dù không tin Kierkegaard đã trao cho ông một sứ mệnh, chính là bởi biết ông đã quen với cái ác. Chủ đề của truyện thứ hai là những chuyến thám hiểm Bắc cực. Các mục sư Đan Mạch đã dạy từ bục giảng kinh rằng đi thám hiểm như vậy giúp linh hồn đạt tới cứu rỗi vĩnh hằng. Họ thừa nhận, hiển nhiên, rằng tới được Bắc cực rất khó khăn, có lẽ là bất khả, và rằng không phải ai cũng đủ sức cho một chuyến phiêu lưu như vậy. Cuối cùng, họ tuyên bố rằng bất kỳ chuyến đi nào – từ Đan Mạch tới London, nói thí dụ, bằng tàu hơi nước – hay dạo chơi ngày Chủ nhật trên xe ngựa, xét đến cùng, thực chất đều là những cuộc thám hiểm Bắc cực. Tiền thân thứ tư có trong bài thơ “Fears and Scruples” của Browning, xuất bản năm 1876. Một người có, hoặc tưởng là mình có, một người bạn lừng danh. Anh ta chưa bao giờ gặp người này và thực tế là, cho đến tận hôm nay, người này chưa bao giờ giúp đỡ gì được cho anh, nhưng anh coi người ấy có những phẩm chất cao quý, và cho người khác xem những lá thư có thực. Có người nghi ngờ những phẩm chất này, và các nhà nghiên cứu chữ viết đã khẳng định các thư này là ngụy tạo. Người kia, trong dòng thơ cuối cùng, đặt câu hỏi: “Nhỡ may người bạn này là… Chúa?”
Những ghi chép của tôi còn ghi lại hai câu chuyện nữa. Một nằm trong tập Histoires désobligeantes (Những câu chuyện khiếm nhã) của Léon Bloy và kể lại chuyện một vài người nào đó sở hữu rất nhiều quả địa cầu, át lát, lịch trình đường sắt và hòm xiểng, nhưng chết đi mà chưa bao giờ rời được khỏi thị trấn quê nhà. Truyện kia có tựa là “Carcassonne”, của Lord Dunsany. Một đạo quân bách thắng rời khỏi một lâu đài vô tận, chinh phục các vương quốc, giáp mặt các loài quái vật và đi cạn nhiều sa mạc cũng như đồi núi, nhưng không bao giờ tới được Carcassone, cho dù có lúc thấp thoáng thấy từ xa. (Câu chuyện này, như có thể dễ dàng nhận thấy, là đối bản chính xác của câu chuyện trước; trong truyện đầu, họ không bao giờ rời khỏi một thành phố; trong truyện sau, họ không bao giờ tới được nó.)
Nếu tôi không nhầm, những mẩu truyện rất khác nhau mà tôi vừa kể ra trên đây đều giống Kafka; nếu tôi không nhầm, không phải tất cả đều giống nhau. Điều cuối cùng này là điều quan trọng nhất. Ở mỗi văn bản trong số các văn bản đó đều có đặc điểm của Kafka, ở các mức độ nhiều ít khác nhau, nhưng nếu Kafka chưa bao giờ viết, thì chúng ta sẽ không nhận ra điểm ấy; nói cách khác, nó sẽ không tồn tại. Bài thơ “Fears and Scruples” của Robert Browning đã tiên báo tác phẩm của Kafka, nhưng cách chúng ta đọc Kafka nhuận sắc và đổi hướng thấy rõ cách chúng ta đọc bài thơ ấy. Browning không đọc bài thơ ấy giống như chúng ta đọc ngày nay. Trong ngôn ngữ của giới phê bình không thể thiếu chữ tiền thân, nhưng cần phải thanh lọc khỏi chữ ấy mọi nội hàm về bút chiến và cạnh tranh. Thực tế là mỗi nhà văn đều tạo ra những người tiền nhiệm của mình. Lao động văn chương của họ biến đổi cách ta quan niệm về quá khứ, giống như chúng thay đổi tương lai.[4] Trong mối tương quan này việc là nhiều người hay cùng là một người không có ý nghĩa gì hết. Kafka đầu tiên của tập Betrachtung[5] còn ít là người tiền nhiệm của Kafka của những thần thoại tối tăm và những thiết chế kinh khủng hơn là Browning và Lord Dunsany.
Buenos Aires, 1951.
Nguyễn An Lý dịch
(Dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha “Kafka y sus precursores”. In trong Jorge Luis Borges – Obras Completas, tập I: 1923-1972, Emecé Editores, Buenos Aires: 1974. Tr. 710-712.
Có tham khảo bản tiếng Anh “Kafka and his precursors” của Eliot Weinberger, trong Selected Non-Fictions, Eliot Weinberger chủ biên, Viking, New York: 1999. Tr 360-361.)
[1] Nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Ba nghịch lý của Zeno thường được tóm tắt là: một vật chuyển động sẽ không bao giờ đến được đích; Achilles sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa trong một cuộc chạy đua; mũi tên bay sẽ không bao giờ di chuyển được.
[2] Một trong Đường Tống bát đại gia, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cổ văn Trung Quốc. Đoạn trên trích từ “Hoạch lân giải”, một bài văn tiêu biểu của ông, toàn văn như sau: “Lân là giống linh, thực rõ ràng vậy. Kinh Thi có vịnh, Xuân Thu có chép, truyện ký bách gia cũng đủ vẻ thuật bàn. Đến như đàn bà trẻ con, còn biết là vật cát tường vậy. Tuy nhiên giống vật tên lân, chẳng nuôi trong nhà, hiếm gặp trong thiên hạ, là giống hình dáng chẳng đồng loại, không giống ngựa trâu chó lợn sài lang hươu nai. Như vậy tuy có gặp lân, không thể biết ấy là lân vậy. Phàm giống có sừng ta biết rằng trâu, có bờm ta biết rằng ngựa, chó lợn sài lang hươu nai, ta biết rằng chó lợn sài lang hươu nai. Giống lân này, thực không thể biết. Không thể biết, vậy nói là bất tường cũng không sai vậy. Tuy nhiên, lân đã xuất, ắt có thánh nhân sinh. Lân vì thánh nhân mà xuất vậy. Thánh nhân ấy, tất biết lân, lân quả nhiên không phải bất tường vậy. Lại có người nói: Lân sở dĩ gọi là lân, cốt ở đức không ở hình. Nếu lân xuất không chờ thánh nhân, gọi là bất tường cũng không sai vậy.” Thường được giảng là tâm sự bất đắc chí của ông do sinh bất phùng thời.
[3] Việc không nhận ra con vật thiêng và cái chết thê thảm hay ngẫu nhiên của nó dưới tay đám dân thường là một đề tài truyền thống trong văn học Trung Hoa. Xem chương cuối Psychologie und Alchemie (Zurich, 1944) của Jung, có dẫn hai ví dụ thú vị. (Chú thích gốc của Borges)
[4] So sánh T. S. Eliot: Points of View (1941), tr. 25-26. (Chú thích gốc của Borges)
[5] Betrachtung (Quan sát): tác phẩm đầu tay của Kafka in năm 1913, tập truyện ngắn gồm 18 truyện.
Người góp chữ
ếch giời leo
Leave a Reply