Franz Kafka, “Thợ săn Gracchus”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Kreupelhout của Van Gogh
Thời gian đọc: 16 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

Nếu Kafka là một nhà văn đặc biệt, nổi tiếng vì những di cảo của ông không kém gì – hoặc còn hơn – những gì ông cho xuất bản lúc sinh thời, thì “Thợ săn Gracchus” cũng là một trường hợp đặc biệt trong những di cảo đó. Còn chưa thành một truyện ngắn hoàn chỉnh, chỉ tồn tại dưới dạng những mảnh rời không liên kết, trong sổ tay hoặc nhật ký (mảnh số 5), nhưng tác phẩm này quyến rũ người đọc bởi chất lãng mạn của nó và chính sự tồn tại đa trùng của nó là một cánh cửa thú vị hé vào hậu trường công việc viết văn của ông.

Bối cảnh của câu chuyện, hồ Garda ở Riva, Ý, là nơi Kafka đi nghỉ hai lần năm 1909 và 1913, lần sau có một mối tình bí mật với một người con gái không nêu tên ở đây. Họ của nhân vật, Gracchus, cũng có nghĩa là “con quạ” giống như họ Kafka. Khi xuất hiện trong các ấn bản và bản dịch phổ biến, “Thợ săn Gracchus” thường xuất hiện chỉ trong mảnh 1 (hoặc 1+2) qua sự biên tập nhất định của Max Brod. Ở đây, chúng tôi cố gắng khôi phục lại diện mạo ban đầu của mọi mảnh rời, kể cả những câu bỏ dở của ông. – Zzz Review

 

1.

Hai cậu bé đang ngồi chơi xúc xắc trên tường cầu cảng. Một người đàn ông ngồi đọc báo trên những bậc thang dẫn lên tượng đài, dưới bóng người anh hùng cầm cây kiếm lưỡi cong. Bên vòi nước, một cô gái đang hứng nước vào chiếc chậu mang theo. Một người bán hoa quả nằm bên gánh hàng, dõi mắt nhìn ra phía mặt hồ. Qua lối vào cửa chính và cánh cửa sổ vắng không, ta có thể trông thấy hai người đàn ông đang ngồi uống rượu mãi sâu bên trong quán rượu. Ngay phía trước là ông chủ đang ngồi chợp mắt bên bàn. Một con thuyền lặng lẽ trôi vào bến cảng nhỏ như thể được nâng bay lướt trên mặt nước. Một người đàn ông mặc áo khoác màu xanh trèo lên bờ và luồn những sợi dây thừng qua mấy vòng sắt. Phía sau, hai người đàn ông mặc áo khoác tối màu gắn cúc bạc khiêng một cỗ đòn mà dưới tấm lụa lớn có tua rua in hình hoa cỏ trông thấy rành rành một người đàn ông đang nằm. Không ai bận tâm đến những kẻ mới xuất hiện trên cầu cảng, ngay cả khi họ đặt cỗ đòn xuống để chờ tay lái thuyền khi hắn vẫn đang bận rộn với mấy sợi dây thừng, không ai bước đến, không ai hỏi han, không ai để tâm nhìn họ kỹ hơn. Tay lái thuyền còn chậm trễ hơn chút nữa vì một người phụ nữ tóc bỏ xõa ôm con bú xuất hiện trên thuyền. Sau cùng anh ta cũng bước đến, trỏ tay về phía ngôi nhà hai tầng màu vàng vàng mọc lên phía trái ngay gần mép nước, những người khiêng đòn bèn nâng gánh nặng của mình khiêng qua cái cổng thấp gắn vào hai cột cầu kỳ. Một cậu bé mở cửa sổ vừa khi trông thấy đám người bước vào căn nhà nọ, bèn vội vã đóng cửa. Cánh cổng tạo tác tỉ mẩn từ gỗ sồi đen cũng đã đóng. Một đàn bồ câu nãy giờ vẫn chao quanh đỉnh tháp chuông nay bỗng sà xuống trước ngôi nhà. Đám bồ câu tụ họp ở đó như thể ấy là nơi chứa thức ăn của chúng. Một con thậm chí còn bay thẳng lên tầng một và mổ lên cánh cửa sổ. Những con bồ câu lông sáng màu, mượt mà và tràn đầy sức sống. Bằng một cú khoát tay rộng, người phụ nữ trên thuyền ném cho chúng một vốc hạt, chúng mổ lấy mổ để rồi bay về phía người phụ nữ nọ. Một người đàn ông đội mũ chóp cao có đeo dải băng tang bước xuống từ một trong mấy lối dốc nhỏ dẫn ra bến cảng. Ông ta chăm chú nhìn quanh, mọi thứ đều khiến ông khó chịu, ông ta nhíu mày khi trông thấy đống rác bên góc đường, trên bậc thang dẫn lên tượng đài còn vương vãi vỏ hoa quả, khi bước qua ông ta dùng gậy hất chúng qua một bên. Vừa gõ cửa, ông ta vừa bỏ mũ xuống bằng bàn tay phải đeo găng đen. Cánh cửa mở ra ngay tắp lự và có đến năm chục thằng bé đứng sẵn thành hai hàng dọc theo hành lang dài cúi đầu chào. Tay lái thuyền bước xuống cầu thang, chào quý ông nọ rồi dẫn ông ta lên tầng trên, ở tầng một, gã đưa ông nọ đi vòng theo một lô gia thanh thoát bao quanh sân và khi đám nhóc xúm lại đằng sau họ ở một khoảng cách kính cẩn thì hai người đã bước vào một căn phòng lớn mát rượi ở cuối nhà, từ đây không thể trông thấy căn nhà nào khác mà chỉ thấy một bức tường đá xám đen trần trụi. Những người khiêng đòn bận rộn thắp những cây nến dài phía đầu cỗ đòn nhưng chẳng giúp căn phòng sáng lên chút nào, chỉ như thể bóng tối trước đó nghỉ yên bỗng giật mình bắt đầu nhảy múa trên tường. Tấm khăn phủ trên cỗ đòn đã được lật ra. Nằm trên đó là một người đàn ông râu tóc rối bời với nước da nâu, diện mạo khá giống một thợ săn. Anh nằm đó bất động, nhắm mắt, thoạt nhìn có vẻ không hề thở, nhưng mọi thứ xung quanh là chỉ dấu duy nhất cho ta thấy có thể người đàn ông này đã chết rồi.

Quý ông nọ bước về phía cỗ đòn, đặt tay lên trán người đàn ông đang nằm đó rồi quỳ xuống cầu nguyện. Tay lái thuyền ra dấu cho mấy người khiêng đòn rời khỏi phòng, họ bước ra, xua đám nhóc đang xúm lại bên ngoài rồi đóng cửa. Dường như chừng ấy vẫn là chưa đủ yên lặng với ông, ông đưa mắt nhìn người lái thuyền, gã này hiểu ý bèn mở cánh cửa bên bước sang căn phòng liền kề. Ngay lập tức, người đàn ông trên cỗ đòn mở mắt, quay về phía quý ông nọ với một nụ cười đau đớn và nói: “Ông là ai?” Không một thoáng bất ngờ, ông ta nhún gối đứng dậy và đáp: “Thị trưởng Riva.” Người đàn ông trên cỗ đòn gật đầu, yếu ớt trỏ tay về phía chiếc ghế, sau khi ông thị trưởng chấp nhận lời mời mới cất tiếng bảo: “Tôi biết mà, ông Thị trưởng, nhưng mới đầu bao giờ tôi cũng quên hết cả—mọi thứ cứ rối như tơ vò, hơn hết là tôi cứ hỏi lại, kể cả khi đã biết hết mọi sự rồi. Chắc ông cũng biết tôi là thợ săn Gracchus nhỉ.” “Hẳn nhiên rồi,” ông thị trưởng nói, “hồi đêm tôi mới nghe tin. Chúng tôi đã ngủ từ lâu. Rồi đến nửa đêm vợ tôi bảo, ‘Salvatore—ấy là tên tôi—trông con bồ câu trên bậu cửa sổ kìa.’ Đúng là có một con bồ câu, nhưng nó to như con gà trống vậy. Nó bay đến bên tai tôi và bảo: ‘Ngày mai anh thợ săn đã chết Gracchus sẽ đến, hãy nhân danh thành phố chào đón anh ta.’ ” Anh thợ săn gật đầu, thè đầu lưỡi liếm môi rồi bảo: “Vâng, lũ bồ câu bay đến trước tôi. Nhưng ông có nghĩ rằng tôi nên ở lại Riva không, ông Thị trưởng?” “Chuyện đó chưa nói trước được,” ông thị trưởng đáp. “Anh chết rồi phải không?” “Vâng,” người thợ săn nói, “ông cũng thấy đấy. Nhiều năm trước—chắc phải lâu lắm rồi, tôi ngã xuống từ một vách đá ở Rừng Đen—khu rừng ở Đức ấy—trong lúc đuổi theo một con sơn dương. Tôi đã chết từ đó đến giờ.” “Nhưng anh cũng đang sống,” ông thị trưởng nói. “Ở một khía cạnh nào đó thì vậy,” anh thợ săn đáp, “ở một khía cạnh nào đó thì tôi vẫn đang sống. Con thuyền chết của tôi đi trệch hướng, một cú bẻ lái nhầm, một thoáng đãng trí của người cầm lái, một lúc xao nhãng vì vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương yêu dấu—tôi cũng chẳng biết là thế nào nữa, chỉ biết từ đó tôi ở lại trên mặt đất này, con thuyền của tôi cứ trôi mãi trên mặt nước trần gian. Vậy nên dù chẳng muốn gì hơn là được sống giữa những ngọn núi quê hương, giờ sau khi chết tôi lại phiêu bạt khắp nơi trên trái đất này.” “Thế giới bên kia không có chỗ cho anh ư?” vị thị trưởng nhíu mày hỏi. “Tôi cứ mãi,” người thợ săn đáp, “bước trên bậc thang dẫn lên nơi ấy. Tôi leo trên những nấc thang rộng mở vô cùng, khi lên khi xuống, lúc sang trái lúc sang phải, nhưng không bao giờ dừng lại. [1] Cứ khi nào tôi ráng hết mình, dồn hết sức đến khi trông thấy cánh cổng chói lòa trước mắt thì tôi lại thức giấc trên con thuyền cũ nát, vẫn đang đơn độc mắc kẹt ở một vùng biển nào đó trên mặt đất này. Sai lầm cơ bản là cái chết một thời của tôi thì nhe răng cười với tôi trong ca bin, cứ khi chúng tôi trôi gần bờ biển của một đất nước nào là Julia, vợ của tay lái thuyền lại gõ cửa rồi mang đến bên cỗ đòn cho tôi thức uống buổi sáng ở đất nước ấy. “Số phận nghiệt ngã quá,” ông thị trưởng nói, giơ tay lên như để tự vệ. “Mà để dẫn đến số phận ấy anh không đáng trách chút nào ư?” “Không,” người thợ săn đáp, “tôi là thợ săn, sao lại trách tôi vì việc ấy? Định mệnh cho tôi làm người thợ săn của Rừng Đen mà ngày ấy vẫn còn những con chó sói. Tôi thường nấp rình, ngắm, bắn, rồi lột da chúng, sao lại trách tôi vì việc ấy? Công việc của tôi được trời ban phước. Người ta gọi tôi là tay thợ săn vĩ đại nhất Rừng Đen. Sao lại trách tôi vì việc ấy?” “Chuyện đó không phải do tôi quyết định,” ông thị trưởng đáp, “nhưng tôi nghĩ đúng là anh cũng không có gì đáng chê trách cả. Nhưng vậy thì, ai mới là kẻ đáng trách đây?” “Tay lái thuyền,” người thợ săn đáp

 

2.

“Và giờ anh định ở lại Riva với chúng tôi à?” “Tôi chẳng định gì cả,” người thợ săn cười đáp, và như để xin lỗi vì thái độ giễu cợt của mình, anh đặt bàn tay lên đầu gối ông thị trưởng. “Tôi ở đây, vậy thôi, chuyện khác tôi chẳng biết, cũng chẳng thể làm gì. Thuyền của tôi đâu có ai lái, nó cứ trôi theo cơn gió thổi nơi sâu thẳm nhất của cõi chết.”

 

3.

Sẽ chẳng ai đọc những gì tôi viết ở đây, chẳng ai đến giúp tôi; ngay cả khi có lệnh phải giúp đỡ tôi, mọi cánh cửa cũng sẽ đóng kín, mọi ô cửa sổ khép chặt, mọi người đều sẽ nằm yên trên giường trùm chăn kín đầu, cả thế giới sẽ chỉ là một căn nhà trọ qua đêm. Chuyện ấy cũng dễ hiểu thôi, vì nào ai biết có tôi, mà dù có ai biết thì anh ta cũng chẳng biết tìm tôi ở đâu, mà kể có biết tôi ở đâu thì anh ta cũng đâu biết cách giúp được. Ngay đến ý nghĩ muốn giúp tôi cũng là một chứng bệnh và chỉ có thể chữa được bằng cách lên giường nằm nghỉ.

Những điều ấy tôi hiểu, nên tôi đâu có viết để kêu đòi người ta giúp, ngay cả vào những thời khắc không kiểm soát được bản thân, như lúc này chẳng hạn, khi tôi đang suy tính rất nghiêm túc có nên làm chuyện đó. Nhưng để xua đuổi những ý nghĩ ấy, tôi chỉ cần nhìn xung quanh để thấy mình đang ở đâu, và—điều này tôi hầu như có thể khẳng định chắc chắn—đã ở đâu trong suốt bao thế kỷ qua. Tôi viết những dòng này khi đang nằm trên tấm ván gỗ, bộ dạng thật chẳng đáng nhìn chút nào—quấn quanh mình tấm vải liệm bẩn thỉu, tóc tai râu ria đã ngả muối tiêu rối bời như tổ quạ, chân đắp tấm khăn lụa của phụ nữ in hình hoa cỏ có tua rua dài thòng. Ngay phía trên đầu là cây nến thánh thắp sáng cho tôi. Trên mảnh tường đối diện treo một bức tranh nhỏ, rõ ràng là vẽ một gã thổ dân châu Phi đang nhắm mũi giáo vào tôi và cố hết sức nấp mình thật kỹ đằng sau tấm khiên được vẽ tinh xảo tuyệt vời. Trên tàu người ta bắt gặp đủ thứ kiểu tranh vẽ quái gở ngu ngốc, nhưng bức này đúng là ngớ ngẩn số một. Ngoài những thứ ấy ra thì cái lồng gỗ của tôi hầu như chẳng có gì. Làn gió ấm của đêm miền nam thổi qua lỗ nhỏ bên mạn thuyền, và tôi nghe được cả tiếng sóng vỗ lên con thuyền cũ kỹ.

Tôi đã nằm đây suốt từ khi còn là anh thợ săn Gracchus ở quê hương Rừng Đen, đuổi theo một con sơn dương rồi sẩy chân ngã. Mọi sự đều xảy ra theo đúng trình tự. Tôi săn đuổi, ngã rồi mất máu đến chết dưới một khe núi, tôi chết, và rồi con thuyền này đáng ra phải đưa tôi sang thế giới bên kia. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác vui sướng khi lần đầu duỗi mình trên tấm ván gỗ này; chưa bao giờ những ngọn núi nghe từ tôi một bài ca như bốn bức tường phủ bóng tối tĩnh lặng này đã được nghe. Tôi hân hoan sống, và cũng hân hoan chết; trước khi lên thuyền, tôi vui vẻ ném đi hết thảy mớ hành lý tư trang nghèo nàn của mình, nào súng trường, ba lô, nào áo choàng đi săn mà bao giờ tôi cũng mặc với niềm tự hào khôn xiết, rồi tôi chuồi mình vào tấm vải liệm cứ như cô gái trẻ choàng lên mình chiếc váy cưới. Tôi nằm đó chờ đợi.

Rồi xảy đến

 

4.

Tên tôi là thợ săn Gracchus, quê hương tôi là Rừng Đen ở Đức.

 

5.

6/4/17

Trong cảng nhỏ, ngoài những con thuyền đánh cá vốn thường chỉ có hai tàu hơi nước chở khách bận rộn vào vào ra ra bờ hồ, hôm nay còn có một con thuyền kỳ lạ đứng đậu. Con thuyền cũ nhếch nhác, khá thấp và rộng ngang, dơ dáy như thể ngập trong thứ nước bẩn mà trông dường như vẫn đang rỉ ra bên mạn thuyền màu vàng vàng; cột buồm cao một cách khó hiểu, một phần ba phía trên cột buồm chính đã gãy; cánh buồm màu vàng nâu thô ráp nhăn nhúm căng mình giữa những trục căng buồm; một thứ chắp vá quá yếu ớt ngay cả với những con gió nhẹ nhất.

Tôi đăm đăm nhìn con thuyền trong sững sờ một lúc, chờ ai đó xuất hiện trên thuyền, nhưng chẳng thấy ai. Một anh công nhân ngồi xuống cạnh tôi bên bức tường trên cầu cảng. “Thuyền của ai thế?” tôi hỏi, “hôm nay tôi mới trông thấy lần đầu.” “Cứ hai ba năm nó lại đến một lần,” anh ta đáp, “của thợ săn Gracchus”

 

6.

“Anh vừa bảo sao cơ, thợ săn Gracchus, anh đã rong ruổi mấy trăm năm trên con tàu cũ này sao?”

“Cũng một nghìn năm trăm năm rồi.”

“Và luôn chỉ trên con tàu này?”

“Luôn trên con thuyền này. Tôi nghĩ phải gọi là thuyền mới đúng. Ông không rành lắm về hàng hải nhỉ?”

“Vâng, tôi chưa bao giờ nghĩ về chuyện tàu bè cho đến ngày hôm nay, cho tới khi tôi nghe về anh, tới khi tôi bước lên con tàu của anh.”

“Không phải xin lỗi đâu. Tôi cũng xuất thân từ đất liền mà. Đâu phải dân thủy thủ, cũng chưa bao giờ muốn như vậy, núi và rừng là bạn bè tôi, và giờ thì—thủy tổ của cánh thủy thủ, chính là thợ săn Gracchus, vị thánh bảo trợ cho thủy thủ, cũng là thợ săn Gracchus, lại được nghe thằng bé bồi tàu co ro trên ‘tổ quạ’[2] giữa đêm bão tố cầu nguyện với mình. Chớ có cười.”

“Tôi cười ư? Đâu có. Tôi đứng trước cánh cửa cabin với trái tim đập dồn, và cũng bước vào với con tim ấy. Thái độ thân tình của anh khiến tôi bình tĩnh hơn đôi chút, nhưng chưa khi nào tôi quên mình là khách của ai.”

“Ông nói đúng. Hẳn nhiên rồi. Dù sao thì, tôi là thợ săn Gracchus đây. Ông có muốn dùng chút rượu không, tôi không rõ loại gì nhưng cũng nặng và ngọt, ông chủ chăm lo cho tôi tận tình lắm.”

“Bây giờ thì không, cảm ơn anh, tôi cứ thấy bồn chồn. Có lẽ để sau, nếu anh kiên nhẫn chịu đựng tôi đến lúc ấy. Ông chủ nào thế?”

“Chủ của con thuyền này. Họ giỏi lắm, mấy ông chủ ấy. Trừ việc tôi chẳng hiểu họ. Ý tôi không phải là tôi không hiểu họ nói gì, dù đương nhiên là tôi cũng không mấy khi rành ngôn ngữ của họ. Nhưng chuyện đó là tiện miệng kể thêm thôi. Qua bao thế kỷ, tôi cũng học được tiếng này tiếng nọ đủ để làm thông ngôn giữa con người hiện tại với ông bà ông vải của họ ấy chứ. Nhưng tôi không hiểu nổi cách suy nghĩ của mấy ông chủ. Có khi ông giải thích được cho tôi chăng.”

“Cũng không hy vọng gì mấy đâu. Sao tôi có thể giải thích cho anh điều gì, khi mà so với anh tôi chẳng khác gì đứa trẻ con bập bẹ?”

“Đừng nói vậy chứ. Ông sẽ giúp tôi rất nhiều nếu ông cư xử đàn ông hơn và tự tin hơn về bản thân một chút. Tôi biết làm gì đây với vị khách mà chỉ là cái bóng? Tôi sẽ thổi phù nó qua ô cửa sổ bên mạn tàu cho rơi tõm xuống hồ. Tôi cần vài lời giải thích. Người đi lại khắp chốn ngoài kia như ông có thể nói cho tôi biết. Nhưng nếu ông cứ ngồi đó run rẩy bên bàn của tôi, tự huyễn hoặc bản thân rằng ông đã quên mấy điều ít ỏi ông biết, thì thôi mời ông cất bước cho. Tôi nói chuyện thẳng thắn như thế đó.”

“Anh nói cũng có ý đúng. Ở khía cạnh nào đó thì quả là tôi có chút lợi thế hơn anh. Vậy tôi sẽ cố kiểm soát bản thân. Mời anh cứ hỏi!”

“Tốt hơn nhiều khi ông phóng đại câu chuyện theo hướng ấy mà tưởng tượng rằng ông có gì hơn tôi. Nhưng ông phải hiểu cho đúng. Tôi cũng là con người như ông, nhưng tuổi tác hơn ông hàng thế kỷ và thiếu kiên nhẫn cũng nhiều hơn ông bằng chừng ấy. Vậy thì, chúng ta đang nói chuyện về các ông chủ. Hãy chú ý đấy. Và nâng ly đi, cho nghĩ suy thông suốt hơn. Đừng ngại. Cứ nốc cho đã. Còn nguyên cả một thuyền đầy rượu nữa kia.”

“Gracchus, rượu quả là ngon. Nâng ly vì sức khỏe ông chủ!”

“Thật đáng tiếc, hôm nay ông ta vừa qua đời. Ông ta là người tốt, ra đi cũng nhẹ nhàng. Con cái ngoan ngoãn đều đã trưởng thành đứng bên giường khi ông ta hấp hối, người vợ ngất xỉu nơi cuối giường, nhưng ý nghĩ cuối cùng của ông ta lại dành cho tôi. Ông ta là người tốt, một người Hamburg.”

“Chúa lòng lành ơi, một người Hamburg, anh ở đây dưới miền Nam này mà lại biết rằng ông ta mới chết hôm nay?

“Sao? Chẳng nhẽ tôi không thể biết khi nào chủ của tôi chết? Ông quả cũng hơi tối dạ nhỉ.”

“Anh đang chế nhạo tôi à?”

“Không hề, tôi không có ý làm vậy. Nhưng ông đừng nên tỏ ra ngạc nhiên quá thế, uống nhiều hơn nữa đi. Về chuyện các ông chủ thì là thế này: vốn ngay từ đầu con thuyền chẳng thuộc về ai cả.”

“Gracchus, xin anh một điều này. Hãy kể tôi nghe thật ngắn gọn nhưng phải rạch ròi mọi chuyện về anh là thế nào. Nói thực tôi không hiểu. Anh tất nhiên coi mọi thứ đều là đương nhiên phải thế rồi, đúng theo kiểu anh, cho rằng cả thế giới phải biết. Nhưng trong cuộc đời ngắn ngủi chừng này—cuộc đời thực sự ngắn lắm, Gracchus ạ, cố mà hiểu điều đó—trong cuộc đời ngắn ngủi chừng này, mang đến những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình cũng đủ khiến người ta bận bịu lắm rồi. Dù anh thợ săn Gracchus có thú vị thế nào—đây là tôi tin thật như vậy chứ không phải tâng bốc đâu—thì cũng làm gì còn thời gian mà nghĩ về anh ta, hay là hỏi thăm về anh ta, chứ đừng nói đến chuyện lo lắng cho anh ta. Có lẽ chỉ khi người ta hấp hối trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, như cái ông người Hamburg kia, điều ấy thì tôi cũng chẳng biết nữa. Có lẽ chỉ khi ấy, một con người bận rộn mới có cơ hội duỗi mình tí chút và để cho anh thợ săn Gracchus xanh một lần diễu qua những suy nghĩ vơ vẩn của mình. Nhưng dù sao thì, như tôi vừa nói, tôi chẳng biết gì về anh, vì có chút công việc nên tôi mới đến cầu cảng này, ván lên thuyền đã bắc sẵn rồi, tôi cứ thế bước qua thôi—giờ tôi rất muốn được nghe điều gì đó rõ ràng mạch lạc về anh.”

“À, mạch lạc à. Chuyện xưa, xưa quá rồi. Sách vở khắp nơi đều kể đủ cả mà, thầy cô vẽ lên tấm bảng đen trong trường học, các bà mẹ mơ về trong lúc cho con bú, thế mà bạn tôi ngồi đây lại hỏi tôi mọi thứ mạch lạc ra sao. Tuổi thơ của ông hẳn phí hoài mất rồi.”

“Có lẽ vậy, cũng như tuổi thơ của bất kỳ ai thôi. Nhưng với anh, tôi trộm nghĩ chắc anh sẽ thấy có ích lắm nếu nhìn thế giới xung quanh một chút. Có thể anh thấy buồn cười, mà điều ấy cũng khiến chính tôi ngạc nhiên, nhưng sự thực là anh không phải là chủ đề mà mọi người bàn tán; biết bao chủ đề được nhắc đến, nhưng không khi nào là anh; thế giới cứ quay, còn anh cứ theo đuổi hành trình của mình, cho đến tận hôm nay tôi chưa khi nào thấy hai con đường ấy giao nhau.”

“Ấy là ông thấy vậy thôi, bạn thân mến, những người khác lại thấy khác. Ở đây chỉ có hai khả năng. Hoặc là ông giấu diếm những gì ông biết về tôi, và chắc chắn ông làm thế vì một động cơ nào đó. Trong trường hợp này thì tôi chỉ có thể chân thành bảo ông rằng: ông nhầm rồi. Hoặc là ông thực sự tin rằng ông không nhớ gì về tôi, vì ông nhầm lẫn câu chuyện của tôi với ai đó khác. Nếu vậy thì tôi chỉ có thể nói với ông rằng: tôi là—không, tôi không thể nói được, ai cũng biết cả, thế mà trong biết bao nhiêu người, lại chính tôi cần nói cho ông ư! Lâu quá rồi. Hãy đi hỏi các sử gia! Há mồm kinh ngạc trong các thư phòng của họ, họ quan sát hết thảy những chuyện xảy ra từ quá khứ xa xôi, và rồi họ kể lại liên miên không chán. Đi mà hỏi họ rồi hãy quay lại đây. Lâu quá rồi. Làm sao tôi có thể nhớ hết được trong cái đầu vốn đã chật ních đủ thứ này?”

“Chờ đã nào, Gracchus, tôi sẽ giúp anh, tôi sẽ hỏi vài câu. Anh đến từ đâu?”

“Từ Rừng Đen, như mọi người đều biết.”

“Hẳn nhiên rồi, từ Rừng Đen. Vậy anh từng đi săn ở đó vào khoảng thế kỷ thứ tư à?”

“Tôi hỏi chứ, ông có biết Rừng Đen không?”

“Không.”

“Đúng là ông chẳng biết gì hết. Đứa nhóc con của người lái thuyền cũng biết nhiều hơn, nhiều hơn ông rất nhiều. Ai đưa ông đến đây vậy chứ? Đúng là tai họa. Giờ tôi đã hiểu vì sao lúc đầu ông khiêm tốn như thế. Bên trong ông quả thực chẳng có gì ngoài số rượu tôi vừa rót vào ông. Vậy ra ông còn chẳng biết Rừng Đen. Tôi đã săn bắn ở đó cho tới năm hai nhăm tuổi. Nếu không bị con sơn dương đó dắt mũi—nào, giờ ông biết rồi đó—tôi đã có một cuộc đời săn bắn thật dài lâu và hạnh phúc, thế mà tôi lại bị một con sơn dương nhử! Tôi ngã rồi chết trên đá sắc. Đừng hỏi gì thêm nữa. Giờ tôi ở đây, chết, chết, chết nhăn răng. Thật không hiểu sao tôi lại ở đây nữa. Người ta chất tôi lên con thuyền chết, đúng theo thủ tục, một xác chết khốn khổ, ba bốn thứ lễ này lễ nọ được thực hiện với tôi, cũng như với bất kỳ ai—tay thợ săn Gracchus thì có gì ngoại lệ?—mọi thứ đều ở đúng vị trí của nó rồi, tôi nằm duỗi mình trên con thuyền,

Thúy dịch

 

(Dịch theo bản tiếng Anh “The Hunter Gracchus” của Malcolm Pasley, in trong The Great Wall of China and other short works, Malcolm Pasley dịch và biên tập, Penguin. Có tham khảo nguyên bản tiếng Đức và các bản tiếng Anh khác.)

[1] Trong bản thảo của Kafka, sau câu này có một đoạn bị gạch đi: “ ‘[… không bao giờ dừng lại.] Từ một người thợ săn tôi đã hóa thành con bướm. Chớ có cười.’ ‘Tôi không cười,’ thị trưởng nói như chống chế. ‘Vậy thì tốt. Tôi không bao giờ dừng lại. [Cứ khi nào tôi ráng hết mình…]” Ấn bản ban đầu của Max Brod, và do vậy một số bản dịch, có giữ lại đoạn này. (BT)

[2] Tổ quạ là từ dùng để chỉ đài quan sát dựng phía trên cao của cột buồm chính, ban đầu vốn chỉ được dân đi biển gá một chiếc chiếc thùng gỗ, sau được thiết kế chuyên dụng, có cả rào chắn bảo vệ. (ND)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: