Franz Kafka, “Những điều tra của một con chó”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 67 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

Đời tôi thay đổi biết nhường nào mà về cơ bản cũng còn y như xưa! Hôm nay ngẫm lại, nhớ về hồi còn trong cộng đồng chó, cớ sự gì cũng góp mặt, một chó giữa mọi chó, khi soi xét kỹ hơn tôi nhận ra có gì đó không đúng ngay từ đầu; đâu đâu cũng có chút xô lệch, một tí khó chịu sẽ chiếm lấy tôi kể cả trong những cuộc họp mặt cộng đồng rất mực trang nghiêm, có khi vào những lúc bạn bè tụ tập nữa; không, không phải có khi, mà là rất thường xuyên; chỉ cần nhìn thấy một đứa bạn chó thân thương, chỉ cần nhìn thấy cứ như tôi mới thấy lần đầu, là lại khiến tôi xấu hổ, kinh hãi, bất lực, thậm chí tuyệt vọng. Tôi cố gắng trấn an bản thân hết mức, những bạn bè nghe tôi thú nhận điều này cũng giúp tôi, thế là tôi lại có những khoảng thời gian bình thản hơn, những khoảng này thực ra vẫn không thiếu những bất ngờ như thế, nhưng tôi chấp nhận chúng một cách bình tĩnh hơn, dung nạp chúng vào cuộc sống của tôi điềm đạm hơn; chúng vẫn khiến tôi buồn và mệt mỏi đôi chút, nhưng ngoài chuyện đó, vẫn cho phép tôi sống chung ngang bằng với các chó khác, quả là sống lạnh lùng, khép kín, rụt rè, và toan tính đấy, nhưng nói chung xét về mọi mặt vẫn giống một chó bình thường. Thật mười mươi đấy, nếu không nhờ những khoảng nghỉ ngơi lấy sức thế này, sao tôi có thể sống đến cái tuổi mà tôi đang hưởng thụ được, sao tôi có thể đạt tới cái thanh thản mà từ đây tôi quan sát bao kinh hoàng lúc tuổi xuân và chịu đựng bao khiếp hãi của tuổi già, sao tôi có thể đến cảnh giới có thể nhìn ra hậu quả từ bản tính nói thực là không lành của mình, hay nói một cách dè chừng hơn, là không được tốt lành cho lắm, và cứ thuận theo mà sống theo hết sức mình? Thu mình, cô lập, chỉ bỏ công cho những điều tra của riêng mình, những điều tra nửa mùa, vô vọng, dù vậy vẫn không thể bỏ qua đối với tôi, và vì vậy có lẽ rốt cuộc chúng cũng cho ra được chút hy vọng tiềm ẩn – đời tôi là vậy, nhưng tôi vẫn cố từ một khoảng cách quan sát dân tôi, có lúc tin tức từ họ truyền đến tai tôi, dù thực sự những lần như thế càng lúc càng thất thường, mà có khi tôi để họ nghe thấy tin từ mình nữa. Các chó khác tôn kính tôi, họ không hiểu lối sống của tôi, nhưng cũng không chống đối gì, ngay cả đám chó con mà tôi thi thoảng bắt gặp đang lướt qua đằng xa, một thế hệ mới mà tuổi thơ của chúng tôi chỉ nhớ mài mại, chưa bao giờ không chịu nghiêm cẩn chào tôi. Quý vị chớ quên một sự thật là dù tôi có kỳ quặc đủ kiểu, một điều phơi bày cho tất cả cùng thấy, thì tôi cũng không hề hoàn toàn khác với những ai còn lại. Thực tình, mỗi khi tôi nghĩ về chuyện này – bởi tôi có thời gian, có mong muốn, có khả năng làm vậy – cộng đồng chó cũng có những đặc tính kỳ quặc của nó. Ngoài loài chó chúng ta, còn có nhiều sinh vật xung quanh, những sinh vật không tiếng nói hèn kém tội nghiệp, tất cả những gì chúng thốt ra chỉ là vài tiếng kêu; nhiều chó trong chúng ta nghiên cứu chúng, đặt tên cho chúng, cố giúp chúng, dạy dỗ chúng, hoàn thiện chúng, đủ kiểu; phần tôi thì thờ ơ với chúng, chỉ trừ những lúc chẳng hạn như chúng làm phiền tôi; tôi lẫn lộn chúng với nhau, tôi phớt lờ chúng, nhưng có một thứ hiển nhiên đến mức cả tôi cũng không tránh khỏi quan sát thấy, cụ thể là chúng thật ít kết lại bên nhau làm sao so với loài chó chúng ta, chúng đi qua nhau như người dưng, im ắng và thù địch âm thầm, chỉ những ham muốn chung hiển nhiên nhất còn có thể hun đúc sự đoàn kết hời hợt nho nhỏ giữa chúng và ngay cả ham muốn chung này cũng có thể đẩy thù hằn và mâu thuẫn dâng cao. Loài chó chúng ta thì trái lại! Nói không ngoa chứ chúng ta đúng nghĩa sống thành một , tất cả chó trên đời, mặc cho chúng ta có khác nhau thế nào từ những đặc trưng đa dạng và sâu sắc phát tiết theo thời gian. Thành một quần chúng! Chúng ta có cái thôi thúc phải tụ lại bên nhau, và không gì có thể ngăn chặn chúng ta không ngừng thực hiện thôi thúc đó; tất cả những bộ luật và thể chế của chúng ta, vài cái tôi còn biết và vô số những cái khác mà tôi đã quên hoặc chẳng biết, đều bắt nguồn từ khao khát này nhằm đến cái hạnh phúc vĩ đại nhất mà chúng ta có thể có được, cái nồng ấm của đời sống cộng đồng. Nhưng giờ thì ngược lại. Không sinh vật nào theo tôi biết sống rải rác khắp nơi như chúng ta. Không có loài nào có những đặc tính đa dạng đến mức khó hiểu về giai tầng và chủng loại và nghề nghiệp đến như vậy. Chúng ta, một loài luôn muốn tụm lại – và hết lần này đến lần khác chúng ta tụm lại thành công bất chấp mọi cản trở, cho dù chỉ manh mún, trong những khoảnh khắc hồ hởi chứa chan – chúng ta đích thị là những cá thể sống tách biệt nhau, bận bịu trong những mối quan tâm kỳ quặc thường chẳng ai hiểu nổi kể cả những hàng xóm chó gần nhất, tuân thủ những luật lệ không thuộc về cộng đồng chó nói chung, thực vậy thậm chí còn chống lại cộng đồng. Những câu hỏi này thật khó khăn, những câu hỏi mà hay hơn hết là để yên không đụng đến – đấy là quan điểm mà tôi hoàn toàn hiểu được, tôi hiểu nó còn hơn quan điểm của mình – nhưng đấy cũng là những câu hỏi tôi vô cùng bận tâm. Sao tôi lại không sống như những chó khác, sống hài hòa với dân mình và lẳng lặng chấp nhận bất kỳ thứ gì quấy nhiễu cái hài hòa đó; phớt lờ nó như thể đó chỉ là một lỗi nhỏ trong cả trật tự khổng lồ, rồi chỉ tập trung vào những thứ ràng buộc chúng ta cùng nhau trong hạnh phúc, chứ không phải những thứ kéo chúng ta – với sức mạnh phải thừa nhận là rất thường xuyên không thể cưỡng lại – tách khỏi dân mình? Cảm giác bất an của chính tôi, một thứ bất an chẳng bao giờ có thể xoa dịu hoàn toàn, bắt đầu trước tiên sau một vài dấu hiệu ban đầu từ một vụ việc cụ thể hồi tôi còn trẻ. Hồi đó, tôi đang mắc vào một trong những cơn hăng máu thần tiên không thể cắt nghĩa mà hẳn ai cũng đã từng trải qua khi còn nhỏ; tôi vẫn còn là một chó rất trẻ, khoảng cuối thời con nít; thứ gì tôi cũng thấy vui, thứ gì tôi cũng để ý; tôi tin những thứ tuyệt vời đang diễn ra xung quanh tôi, tôi là lãnh đạo của chúng và tôi phải thay mặt chúng mà lên tiếng; những thứ tôi có trách nhiệm phải chạy ào tới chúng, phải lắc mình vì chúng, bằng không thì chúng chỉ nằm một đống thảm hại trên mặt đất; ừ thì, đấy là những ảo tưởng trẻ con rồi đã phai tàn theo năm tháng, nhưng hồi đó quyền năng của chúng rất hùng mạnh, tôi tin sái cổ ấy chứ, và rồi một chuyện thực sự khác thường xảy đến càng minh chứng cho những kỳ vọng hoang dại của tôi. Về cốt lõi, chuyện đó không có gì quá khác thường – tôi đã thấy nhiều chuyện như thế rồi, và thậm chí cả những thứ đáng nói hơn, thường xuyên từ đó về sau – nhưng hồi đó, nó giáng cho tôi choáng váng vì là một ấn tượng ban đầu mang tính quyết định và không thể gột sạch. Chuyện là tôi gặp một nhóm chó nhỏ, hay đúng hơn là tôi không gặp họ, mà là họ đến với tôi. Hôm đó, tôi đã chạy một thời gian dài trong bóng tối với linh cảm những chuyện trọng đại sắp xảy ra – không phải kiểu linh cảm đáng tin cậy cho lắm, đấy là sự thật, vì lúc nào tôi cũng có linh cảm đó – tôi đã chạy trong bóng tối một thời gian dài, đủ hướng, không nghe và không thấy gì cả, dẫn đường cho tôi không có gì khác ngoài một thứ khao khát mơ hồ; bỗng dưng tôi dừng lại khi cảm thấy đây chính là nơi phù hợp, tôi nhìn lên và trước mặt tôi là vạt nắng sáng chói, mọi thứ tràn ngập đủ mùi lộn xộn và say sưa, tôi phấn khởi chào đón buổi sáng bằng những âm thanh bối rối, và rồi – như thể đáp lại lời kêu gọi của tôi – từ góc tối, bảy chó bước ra ánh sáng, phát ra những tiếng ầm ĩ kinh hoàng mà đó giờ tôi chưa từng nghe thấy. Nếu mà tôi không nhìn rõ họ là chó, và tiếng ầm ĩ này là do họ mang đến, dù tôi không hiểu làm sao họ phát ra được nó, tôi sẽ chuồn ngay; nhưng tôi đã ở lại. Lúc đó, tôi gần như chẳng biết về thiên tư âm nhạc sáng tạo chỉ loài chó mới được trời ban đó; cho tới lúc đó nó vẫn chưa được ghi nhận bằng những năng lực quan sát mới chỉ chớm phát triển từ từ của tôi; một cách tự nhiên, âm nhạc đã vây quanh tôi từ khi sinh ra như một nhân tố mặc nhiên và không thể thiếu của cuộc sống, nhưng chưa có gì thôi thúc tôi phân biệt nó khỏi những kinh nghiệm còn lại của mình; những chó già chỉ cố gắng thu hút sự chú ý của tôi đến nó bằng những dấu hiệu thích hợp với một đầu óc non nớt; vì vậy tôi càng sửng sốt hơn, thực sự là tan nát theo hướng tích cực, trước bảy nghệ sĩ âm nhạc vĩ đại này. Họ không nói, họ không hát, hầu hết thời gian họ chỉ im lìm bướng bỉnh, nhưng từ thinh không, họ hóa phép ra âm nhạc. Mọi thứ là âm nhạc. Cách họ nâng chân lên và hạ chân xuống, cách họ xoay đầu, cách họ chạy và đứng yên, vị trí họ chọn tương ứng với nhau, những đội hình như khiêu vũ mà họ dàn, như khi một chó này chống chân trước lên lưng chó khác và sau đó bày binh bố trận để chó đầu tiên, đứng thẳng, đỡ trọng lượng của các chó còn lại, hoặc khi họ vẽ ra những hình thù phức tạp bằng cách rùn mình trườn ra trườn vào sát gần mặt đất, và lúc nào làm cũng không một sai sót; cả chó cuối cùng cũng không mắc sai sót gì, dù ông ta hơi do dự, không phải lúc nào cũng tìm được ngay cách liên kết với các chó khác, đôi lúc chần chừ ở nốt đầu tiên của giai điệu, nhưng ông ta chỉ do dự khi đặt bên sự chắc chắn ngời ngời của các chó khác, và ông ta còn có thể do dự hơn nhiều, vô cùng do dự, mà cũng không làm hư gì cả, bởi các chó khác – những bậc thầy vĩ đại kia – giữ nhịp chuẩn xác không chê vào đâu được. Nhưng sự thật là ta gần như không thấy họ, ta gần như không thấy được chó nào trong số họ. Họ xuất hiện, và ta trong thâm tâm chào đón họ vì biết họ là chó; tiếng ầm ĩ theo kèm họ thật là khó hiểu, nhưng rốt cuộc họ là chó, chó như quý vị và tôi; ta quan sát họ theo thường lệ, như quan sát chó ta gặp trên phố, ta muốn tiến đến và chào hỏi, bởi họ cũng khá gần; họ là những chó lớn tuổi hơn tôi nhiều, chắc chắn, và không phải giống lông dài xoắn tít như tôi, nhưng không có ai trong số họ có kích thước và hình dạng đặc biệt khác thường, thực tình họ trông khá quen thuộc, bởi tôi đã thấy qua nhiều giống tương tự từ trước; nhưng trong khi ta còn đang mê mải với những suy niệm như thế, âm nhạc đã dần chiếm chỗ, nó gần như tóm lấy ta; nó cuốn ta khỏi nhóm chó nhỏ bằng xương bằng thịt này, và trái ý mình, chống lại bằng mọi sức lực của mình, tru lên như thể đang đau đớn, ta bị buộc phải chú tâm vào riêng mình âm nhạc, thứ âm nhạc đến từ mọi phía, từ trên cao, từ sâu thẳm, từ mọi nơi, mang người nghe theo nó, làm choáng ngợp anh ta, đè bẹp anh ta, mà vẫn ầm ĩ – gần quá đến nỗi cứ như từ xa và gần như chẳng nghe thấy gì – rống lên hiệu khúc trên cuộc hủy hoại của anh ta. Và rồi ta được buông tha, bởi lúc này đã quá kiệt sức, quá mỏi mòn, quá yếu nên không thể nghe nữa, ta được buông tha khỏi tiếng ồn và nhìn bảy chó nhỏ thể hiện những động tác của mình, nhảy tới lui, ta mong được kêu lên với họ mặc cho họ thờ ơ, cầu xin họ khai sáng, hỏi họ đang làm gì – tôi là con nít và tôi nghĩ mình có thể hỏi bất kỳ ai về bất kỳ chuyện gì – nhưng tôi chỉ vừa mới sẵn sàng hỏi, vừa mới bắt đầu có cảm giác an lành, thân thuộc, gần hơi giữa chó với nhau với nhóm bảy kia, thì âm nhạc trở lại, tước sạch lý trí của tôi, xoay tôi mòng mòng như thể chính tôi là một trong các nhạc công chứ nào phải chỉ là nạn nhân của họ, liệng tôi tới lui, dù tôi có khẩn cầu dung tha thế nào, và cuối cùng giải thoát tôi khỏi trò bạo lực của chính nó bằng cách xua tôi vào một đống gỗ rối nùi mọc lên quanh chỗ đó, dù trước đó tôi chẳng hề để ý tới nó, giờ đang tóm chặt tôi, đè đầu tôi xuống, cho tôi cơ hội được lấy hơi dù âm nhạc vẫn đinh tai nhức óc ngoài kia. Tôi phải thú nhận là nghệ thuật của bảy chó làm tôi bất ngờ thì ít – đấy là một thứ thật không hiểu nổi, vượt quá xa năng lực của tôi nên có vẻ vô cùng xa xăm – mà phần nhiều là cái dũng cảm của họ dám đối diện, trọn vẹn và cởi mở, với những gì chính họ đang tạo ra, và cái thực tế rằng họ đủ mạnh để có thể chịu đựng thứ đó thật bình tĩnh mà không bị nó bẻ gãy cả xương sống. Nhưng giờ tôi nhận ra, khi tôi nhìn họ gần hơn từ chỗ nấp của mình, thực ra phần trình diễn của họ không phải bình tĩnh mà đúng hơn là cực kỳ căng thẳng; những cẳng chân thoạt nhìn chuyển động tự tin kia lại run sợ theo từng nhịp, run giật lo lắng liên hồi; họ nhìn nhau chằm chằm, như thể tuyệt vọng đến đờ đi, và lưỡi của họ, mà họ liên tục cố gắng kiểm soát, lần nào cũng lại thè ra tức thì. Không thể là nỗi lo về thành công của màn trình diễn khiến họ bối rối như vậy; chẳng chó nào dám làm những chuyện kia mà lại đi lo lắng việc đó; vậy thì, họ lo sợ điều gì? Ai đang ép họ làm những việc họ đang làm? Và tôi không thể nào kiềm chế hơn nữa, nhất là bởi ngay lúc này họ đang cần giúp đỡ một cách huyền bí thế nào đó, và qua tiếng ầm ĩ chói lọi, tôi thét ra những câu hỏi của mình bằng giọng to rõ như một lời cảnh cáo. Nhưng họ – thật không tin nổi! – họ chẳng đáp gì, họ làm như tôi không có ở đó; ở đây có những chó không đáp trả tiếng gọi đồng loại, một sự bất lịch sự mà bất kỳ chó nào, dù lớn hay nhỏ, đều hoàn toàn không thể tha thứ. Có khi nào họ không phải chó? Nhưng làm sao họ không phải chó, trong khi tôi ngay lúc này thực sự có thể nghe thấy, khi lắng tai, những tiếng gọi thì thào khi họ thúc giục nhau, chỉ nhau những mối nguy, cảnh báo nhau tránh sai sót; tôi thậm chí còn nhìn thấy chó cuối cùng nhỏ nhất, là đối tượng cho hầu hết tiếng gọi đó, thường lén liếc nhìn tôi như thể muốn đáp trả, nhưng phải kiềm chế vì không được phép. Nhưng tại sao lại không được phép đáp trả, tại sao một lề luật luôn bắt buộc vô điều kiện lại không được phép trong tình huống này? Trái tim tôi phản kháng, tôi suýt quên âm nhạc. Những chó trước mặt tôi đây đang phạm luật. Họ có thể là những ảo thuật gia tài ba, nhưng luật vẫn có hiệu lực với họ; dù là chó con nhưng tôi khá hiểu điều đó. Nghĩ thế, tôi bèn quan sát thấy nhiều thêm. Họ thực sự có lý do chính đáng để giữ im lặng, đấy là cứ cho là họ giữ im lặng vì cảm thấy tội lỗi. Bởi họ đang phô phang mình ra mới khiếp chứ, thứ âm nhạc thần sầu kia đã khiến tôi mãi đến giờ mới để ý, họ quả thực đã rũ bỏ mọi cảm giác xấu hổ, những sinh vật khốn khổ này đang làm một việc kỳ quặc và khiếm nhã nhất trần đời, họ đang đi thẳng đứng bằng hai chân sau. Thấy gớm! Họ tự phơi thân và lồ lộ phô bày cái trần trụi của mình; họ đang tự hào về điều đó, và bất cứ khi nào họ nghe theo bản năng đứng đắn hơn trong chốc lát và thả hai chân trước xuống đất, họ lại thất thần ra mặt như thể vừa phạm lỗi, như thể chính tự nhiên là một sai lầm, họ nhanh nhảu giơ hai chân trước lên trở lại, ánh mắt như đang khẩn cầu tha thứ vì đã ngưng lại việc tội lỗi kia trong một lúc ngắn ngủi. Thế giới đảo ngược rồi à? Tôi đang ở đâu? Chuyện gì đã xảy ra thế này? Vì sự tồn tại của chính mình, tôi không dám do dự nữa, tôi giải thoát mình khỏi đống gỗ đang trói buộc, nhảy một bước ra ngoài và tiến về nhóm chó; trò nhỏ giờ phải trở thành thầy, tôi phải cho họ hiểu rõ họ đang làm gì, phải cản họ không sa lầy thêm vào tội lỗi. “Chó già từng ấy rồi, chó già từng ấy rồi!” tôi cứ lặp lại. Nhưng tôi chẳng tự do được bao lâu, dù chỉ còn cách nhóm chó chừng hai ba bước nhảy, thì tiếng inh ỏi lại xuất hiện và kéo tôi vào quyền năng của nó. Có lẽ trong sự sốt sắng của mình, tôi đã có thể chịu đựng nổi cái đó, vì giờ tôi đã quen với nó rồi; trước âm nhạc tràn đầy, dù kinh hoàng, tôi biết đâu đã có thể chiến đấu; nhưng từ cái tràn đầy kia giờ lại phát ra một âm rõ ràng, nghiêm khắc, bất di bất dịch, một âm có vẻ đến đây hoàn toàn nguyên vẹn từ cõi xa xăm nhất, có lẽ là giai điệu đích thực từ trung tâm của tiếng inh ỏi, và nó buộc tôi phải quỳ xuống. Ôi, thứ âm nhạc mà nhóm chó này tạo ra, nó quả là mê hồn! Tôi không thể bước thêm, tôi không còn mong cầu chỉ dạy họ; cứ mặc cho họ dạng chân, phạm tội, và lôi kéo những chó khác vào tội âm thầm quan sát; tôi chỉ là đứa chó nhỏ dại, ai dám bắt tôi đảm đương nhiệm vụ nặng nề như thế? Tôi thu mình lại còn nhỏ mọn hơn bản thân vốn sẵn, tôi rên rỉ, và nếu nhóm chó đúng lúc đó có hỏi tôi nghĩ gì về hành vi của họ, có lẽ tôi đã nói rằng tôi ưng thuận. Hơn nữa, thoáng chốc sau nhóm chó, cùng với tiếng ầm ĩ và hào nhoáng, biến mất vào bóng tối nơi họ đi ra.

Như tôi đã nói, cả vụ này chẳng có gì lạ lắm; suốt một đời dài, ta gặp nhiều thứ có lẽ còn có vẻ bất ngờ hơn nhiều, nếu bị tách khỏi bối cảnh và nhìn nhận qua đôi mắt trẻ con. Hơn nữa, ta mặc nhiên có thể – như người ta hay nói – “lật lại”, như bất kỳ thứ gì khác, như vậy trường hợp này sẽ thành ra là bảy nhạc công đã tập hợp để cùng chơi nhạc trong cái tĩnh tại của buổi sáng, là một đứa chó con đã tình cờ đi lạc tới chỗ họ, một thính giả mắc mệt, mà họ đã cố gắng đuổi đi bằng thứ âm nhạc đặc biệt tệ hại hay cao kỳ. Nó quấy họ bằng những câu hỏi, vậy họ, vì chỉ cần kẻ xa lạ kia hiện diện thôi cũng thấy phiền, chẳng lẽ phải chú ý đến những câu hỏi chỉ tăng thêm phiền nhiễu kia và làm cho mọi thứ tệ hại hơn bằng cách đáp trả ư? Và ngay cả nếu luật quy định ta phải đáp trả mọi người, liệu một đứa chó lạc nhỏ xíu như thế có đáng coi là “một người” cần đáp trả không? Và có lẽ họ thậm chí còn không hiểu nó nói gì, bởi chắc nó chỉ hỏi bằng những tiếng sủa hết sức mơ hồ. Hoặc có lẽ họ hiểu nó, và đã nén lòng mà trả lời nó, nhưng nó, một đứa chó con không quen âm nhạc, không thể nào nghe ra được câu trả lời từ âm nhạc đó. Còn về chuyện đi chân sau, chắc họ quả là thỉnh thoảng cũng đi kiểu đó; tất nhiên, đấy là tội lỗi; nhưng họ chỉ có một mình, bảy bạn hữu, chỉ họ với nhau, một cuộc gặp thân tình, như thể họ đang ở trong bốn bức tường kín, như thể họ ở nơi hoàn toàn riêng tư, bởi suy cho cùng bạn bè đâu có phải là công chúng, và ở nơi không có công chúng hiện diện thì một đứa chó đường phố nhỏ lắm chuyện không thể tự mình tạo ra công chúng; nên nếu chấp nhận tất cả những thứ đó, chẳng lẽ chúng ta không có quyền nói rằng trong tình huống này, không có bất kể chuyện gì đã xảy ra? Như thế không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng rất gần rồi, và các bậc phụ huynh không nên để con cái chạy nhảy lung tung nhiều, mà thay vào đó dạy chúng cách giữ mồm giữ miệng và kính lão đắc thọ.

Đến lúc này, ta đã giải quyết xong xuôi vấn đề. Tuy nhiên, khi cái gì đó xong xuôi đối với người lớn thì chưa chắc xong xuôi đối với trẻ con. Tôi chạy vòng quanh kể chuyện của mình và hỏi han khắp mọi chó, cáo buộc và lần mò theo những nghi vấn, tôi muốn kéo mọi chó đến địa điểm nơi mọi sự diễn ra, tôi muốn chỉ cho mọi chó thấy nơi tôi đã đứng và nơi bảy chó kia đã xuất hiện và nơi họ đã nhảy và làm ra âm nhạc cùng họ làm vậy như thế nào; và nếu có ai đã đi cùng tôi, thay vì ngoảnh mặt và cười tôi như nhiều chó đã làm, có lẽ tôi còn sẵn lòng hy sinh sự ngây thơ trong trắng của mình để cố đứng bằng hai chân sau, cốt để minh họa rõ ràng mọi chuyện. Ừ thì, cái gì con nít làm cũng bị quở mắng, nhưng rốt cuộc đều được tha thứ. Nhưng về phần mình, tôi đã giữ lại bản chất trẻ con và trong thời gian đó đã thành chó già. Cũng như hồi xưa tôi không bao giờ ngừng bàn lớn tiếng về chuyện đã chứng kiến hôm đó – cũng phải thừa nhận là chuyện đó bây giờ tôi thấy kém quan trọng hơn nhiều – phân tích nó thành những bộ phận cấu thành, trình bày nó với mọi chó có mặt bất chấp đang ở giữa những ai, luôn toàn tâm với câu hỏi này và chỉ nó mà thôi, điều tôi cũng thấy mắc mệt như mọi chó khác, nhưng – đây chính là chỗ khác biệt – lại thấy chính đó là lý do quyết tâm giải quyết chuyện đó hoàn toàn, để rốt cuộc còn tự do trở lại, quay về với cuộc sống hạnh phúc, thanh bình, nhuần nhị hằng ngày: cũng như tôi đã dày công lúc đó, những năm sau này tôi cũng lại dày công – với những phương thức bớt trẻ con hơn, đó là sự thật, nhưng sự khác biệt không lớn đến thế – và đến hôm nay tôi cũng chưa đạt được gì đáng kể hơn.

Nhưng mọi thứ bắt đầu từ chính buổi hòa nhạc đó. Tôi không than phiền gì về nó cả; chính bản năng của tôi mới chịu trách nhiệm, nếu không có buổi hòa nhạc hôm ấy thì nó cũng tìm thấy cơ hội khác mà bộc lộ ra thôi; chỉ là chuyện ấy xảy đến sớm quá, đó là điều khiến tôi buồn bực, bởi nó tước đi của tôi một phần lớn tuổi thơ; cuộc sống thần tiên của chó con, thứ mà nhiều chó khác còn kiếm được cách kéo dài từ năm này sang năm khác, với tôi thì chỉ được vài tháng ngắn ngủi. Thì chịu vậy. Có nhiều thứ quan trọng hơn tuổi thơ. Và có lẽ khi về già, nhờ một đời làm lụng gian khổ, tôi sẽ có nhiều hạnh phúc trẻ con hơn một đứa trẻ thực sự có đủ sức chịu đựng, nhưng tôi thì đủ.

Tôi bắt đầu những điều tra của mình vào khoảng thời gian đó từ những điều đơn giản nhất; không may là tôi chẳng thiếu chất liệu, mà thực ra chính sự thừa mứa chất liệu mới làm tôi tuyệt vọng trong những giờ phút tăm tối nhất. Tôi bắt đầu điều tra câu hỏi cộng đồng chó sống dựa trên nguồn thực phẩm nào. Đến đây thì vấn đề này, nếu quý vị thấy vậy, về bản chất không phải là chuyện đơn giản, nó đã bận bịu đầu óc chúng ta từ những thời xa xưa nhất, đó là đối tượng chính trong những chiêm nghiệm của ta, vô vàn nhận định và bài luận và ý kiến về chủ đề này đã xuất hiện, nó đã trở thành một ngành khoa học mang những chiều kích mênh mông không chỉ nằm ngoài tầm hiểu biết của bất kỳ học giả nào mà còn vượt xa toàn bộ giới học giả, nó là gánh nặng quá lớn đối với bất kỳ cá thể nào ngoại trừ toàn thể cộng đồng chó, và cả toàn thể này cũng oằn lưng gánh vác nó mà không hoàn toàn gánh được, nó liên hồi vỡ vụn thành những mảnh lời dạy xa xưa của cổ nhân, phải được phục dựng kỳ công, đó là chưa kể những khó khăn và bao điều kiện hầu như không thể đáp ứng được cho cuộc điều tra của tôi. Không cần phải chỉ ra những rào cản này với tôi, tôi biết tất cũng như bất kỳ chó thường tình nào khác, tôi chẳng mơ xen vào những phạm trù khoa học thực thụ, tôi hoàn toàn tôn trọng khoa học, nhưng để đóng góp được gì đáng kể thì tôi thiếu kiến thức, thiếu chuyên cần, thiếu yên tĩnh, và – không phải là điều nhỏ nhất, nhất là những năm gần đây – cảm hứng. Tôi nuốt thức ăn khi tìm thấy nó, nhưng với tôi nó chả có chút gì đáng có những khảo sát bài bản dù là sơ bộ xét từ góc nhìn nông nghiệp. Về mặt này, tôi hài lòng với cái tinh hoa của toàn bộ tri thức, cái quy luật nhỏ mà những bà mẹ dùng để cai sữa con non và đưa chúng vào đời: “Tưới ướt càng nhiều thứ càng tốt.” Và chẳng phải hầu như mọi thứ đã được bao hàm trong đó sao? Nghiên cứu khoa học, từ khi tổ tiên xa xưa manh nha làm việc này, còn có thể bổ sung vào thứ gì có tầm quan trọng quyết định nữa? Chi tiết, chỉ toàn chi tiết, và toàn là những chi tiết không chắc chắn; nhưng quy luật này sẽ còn mãi miễn chúng ta còn là chó. Nó liên quan đến món chính của chúng ta; đúng, chúng ta còn có những tài nguyên khác, nhưng khi khẩn cấp và giả sử vào một năm nào đó không tệ lắm, chúng ta có thể sống dựa vào món chính này; chúng ta tìm thấy món chính của mình trên mặt đất, nhưng mặt đất cần nước của chúng ta, nó hút dưỡng chất từ nước của chúng ta, và chỉ với cái giá đó, nó mới cho chúng ta thực phẩm của mình, nhưng sự xuất hiện của thực phẩm đó, và chớ có quên điều này, có thể được thúc đẩy bằng một số lời niệm chú, khúc hát, và chuyển động nhất định. Nhưng theo ý tôi, tất cả chỉ có thế; từ khía cạnh này, chẳng còn gì căn cốt đáng nói về câu hỏi này nữa. Tuy vậy, ý này là tôi đồng tình với đại đa số cộng đồng chó, và phải nhấn mạnh rằng tôi không có gì chung với tất cả các quan điểm tà đạo về điểm này. Tôi thành thực không muốn phát biểu ra những ý niệm ngoài luồng, hay tỏ ra giáo điều; tôi rất vui mừng khi có thể đồng tình với đồng bào mình, như trong trường hợp này. Nhưng những điều tra của tôi dẫn đến một hướng đi khác. Quan sát của tôi bảo rằng khi mặt đất được cấp nước và bới lên theo đúng các quy luật khoa học, nó sẽ cung cấp dưỡng chất về cả chất, cả lượng, cả cách thức, ở những nơi chốn, vào những giờ giấc đúng theo quy luật, những quy luật mà khoa học, một lần nữa, đã hoàn toàn hoặc phần nào thiết lập thành công. Cái đó thì tôi đồng ý, nhưng câu hỏi của tôi là: “Đất lấy dưỡng chất này từ đâu ra?” Một câu hỏi ai cũng thường giả vờ không hiểu, và cùng lắm thì họ sẽ đáp bằng câu: “Nếu cậu chưa đủ ăn, chúng tôi sẽ sớt một ít phần mình cho cậu.” Chú ý câu trả lời này. Tôi biết rõ rằng chia sẻ thức ăn mà mình tìm được, dù là món gì, cũng không phải là một phẩm chất của cộng đồng chó. Đời đã cực, đất thì bướng, khoa học thì dồi dào tri thức nhưng nghèo nàn kết quả thực tiễn; hễ ai có thức ăn thì ráng mà giữ; như thế chẳng phải tư lợi mà ngược lại, đấy là cẩu luật, là quyết tâm đồng lòng nhất trí của cẩu dân, thành quả chiến thắng của họ trước tư lợi, bởi ta biết những kẻ sở hữu thức ăn chỉ chiếm thiểu số. Và đó là lý do vì sao câu trả lời: “Nếu cậu chưa đủ ăn, chúng tôi sẽ sớt một ít phần mình cho cậu” chỉ đơn thuần là câu chiếu lệ, một trò cười, một câu đùa. Tôi vẫn chưa quên thực tế này. Nhưng có vẻ điều quan trọng hơn hết với tôi, trong những ngày tôi còn lon ton khắp nơi với những câu hỏi của mình, chính là khi họ bảo tôi câu đó họ gạt bỏ mọi dấu vết nhạo báng sang một bên; tất nhiên họ vẫn không thực sự cho tôi thứ gì ăn cả – vừa tức thời thì họ đào đâu ra được? – mà cho dù họ tình cờ có chút thức ăn nào đi nữa, cơn đói cồn cào mặc nhiên sẽ khiến họ quên hết mọi cân nhắc khác; nhưng lời mời được đưa ra một cách nghiêm túc, và thỉnh thoảng tôi thực sự nhận được một miếng bất cứ khi nào tôi đến đó đủ nhanh để tóm lấy. Tại sao họ đối đãi tôi đặc biệt như thế? Chiều chuộng tôi, ưu ái tôi? Vì tôi là một chó gầy gò, ốm yếu, thiếu ăn và không mảy may quan tâm gì đến thức ăn? Nhưng ngoài kia thiếu gì chó thiếu ăn chạy vòng vòng, và những chó khác vẫn thó những miếng tồi tàn nhất ngay trước mõm chúng bất cứ khi nào có thể, thường không phải do tham lam mà là dựa trên nguyên tắc. Không, họ ưu ái tôi; tôi chẳng thể nào trình bằng chứng chi tiết để chứng minh điều đó, nhưng tôi có ấn tượng sâu sắc như thế. Vậy thì, có phải họ cảm thấy hứng thú với những câu hỏi của tôi và cảm thấy những câu ấy đặc biệt thông tuệ? Không, họ chẳng thú gì chúng mà còn thấy chúng hoàn toàn ngu ngốc. Nhưng chỉ có thể là những câu hỏi ấy đã giúp tôi được chú ý thế này. Cứ như thể họ thà phạm phải cái hành vi quái gở là nhét đầy thức ăn vào miệng tôi – họ đâu có làm thế, nhưng họ muốn – còn hơn là chịu đựng những câu hỏi của tôi. Nhưng trong trường hợp đó, cách tốt hơn cho họ là đuổi tôi đi hay cấm cản những câu hỏi của tôi. Không, đó không phải thứ họ muốn; họ chắc chắn không muốn nghe những câu hỏi của tôi, nhưng chính xác là vì tôi hỏi họ những câu hỏi đó nên họ không muốn đuổi tôi đi. Đó là thời kỳ mặc cho mọi đàm tiếu, mặc cho bị xem là một đứa chó con ngu ngốc và bị xô đẩy khắp nơi, tôi thực tình được trân trọng nhất ở chỗ công chúng; tôi sẽ chẳng bao giờ được hưởng sự trân trọng như thế nữa; tôi có thể tiếp cận mọi nơi, không có gì người ta từ chối tôi, sự bạc đãi tôi nhận được quả thực là cớ để nuông chiều tôi. Và cuối cùng tất cả đây đơn giản chỉ vì những câu hỏi của tôi, vì sự hấp tấp, vì cái nôn nóng nghiên cứu của tôi. Họ muốn ru ngủ tôi với cách đối đãi này, để đánh lạc hướng tôi mà không dùng bạo lực, gần như âu yếm, xa khỏi con đường lầm lạc, một con đường không quá sai rành rành để phải dùng đến bạo lực, mà dù sao cũng có một sự tôn trọng và nỗi sợ nào đó ngăn cản họ dùng đến bạo lực. Ngay từ hồi đó tôi đã nghi ngờ họ đang âm mưu chuyện gì, bây giờ thì tôi có thể nhận ra khá rõ, rõ hơn nhiều chính họ lúc đó; sự thật là họ muốn dụ tôi ra khỏi con đường của tôi. Họ không thành công, mà còn phản tác dụng; sự cảnh giác của tôi càng được mài giũa. Thậm chí tôi còn thấy rõ rằng chính tôi muốn dụ những chó khác, và rằng tôi thực sự thành công ở một mức độ nhất định. Chỉ với sự giúp đỡ của cộng đồng chó mà tôi bắt đầu hiểu những câu hỏi của mình. Chẳng hạn khi tôi hỏi: “Đất lấy dưỡng chất này từ đâu ra?”, có phải tôi – như ai đó có thể thấy – bận tâm về mặt đất, có phải tôi quan tâm đến những vấn đề của mặt đất hay không? Một chút cũng không; tôi sớm nhận ra còn lâu tôi mới nghĩ đến điều đó; tôi chỉ quan tâm đến loài chó của mình thôi, chẳng còn gì khác. Chứ ngoài chó ra thì trên đời còn gì khác nữa? Còn ai để cho ta kêu gọi trong thế giới trống trải rộng lớn này? Tất cả tri thức, toàn thể mọi câu hỏi và mọi câu trả lời, đều được bao hàm sẵn trong loài chó. Giá mà có thể khiến những kiến thức này hữu hiệu, giá mà có thể đưa chúng ra thanh thiên bạch nhật, giá mà loài chó không uyên bác hơn vô kể so với những gì họ thừa nhận, hơn cả những gì họ thừa nhận với chính mình! Ngay cả chó nhiều chuyện nhất cũng giữ miệng cẩn trọng hơn những nơi cho ăn sang trọng nhất giữ thực phẩm của mình. Ta sẽ cẩn trọng rảo vòng quanh một chó khác, nhỏ dãi thèm thuồng, quất đuôi vào mình; ta hỏi, ta xin, ta tru, ta cắn, và đoạt được – ta đoạt những thứ lẽ ra có thể đoạt được y như thế mà không mất công: những chú ý cảm tình, những động chạm thân ái, những cú ngửi cao quý, những ôm ấp yêu thương; hai tiếng tru khao khát bỗng hòa làm một, tất cả năng lượng dồn vào để tìm lãng quên trong hoan lạc; nhưng thứ duy nhất mà ta hy vọng có được trên tất cả mọi thứ, là sự thừa nhận mình có kiến thức, thì không được trao đi; đáp lại đòi hỏi đó, dù ngầm hiểu hay nói ra, thứ mà ta nhận được thay câu trả lời sau khi sử dụng những năng lực quyến rũ mạnh mẽ nhất cùng lắm cũng chỉ là những biểu cảm trống rỗng, những ánh nhìn lén lút, những đôi mắt mờ đi buồn bực. Cũng giống y như vào cái lần xa xưa đó, khi tôi còn là chó con, lên tiếng kêu gọi với những chó nhạc công và họ vẫn im lặng. Giờ sẽ có người nói: “Cậu than phiền về đồng loại chó của mình, về sự im lặng của họ trước những vấn đề rất quan trọng, cậu nói rằng họ biết nhiều hơn những gì họ thừa nhận, hơn là những gì họ chịu thừa nhận trong đời mình, và sự đè nén này của họ, cùng cả nguồn cơn bí ẩn của nó mà họ cũng bẩm sinh đè nén, đã đầu độc cuộc đời cậu và khiến nó trở nên không kham nổi, khiến cậu phải thay đổi nó hoặc là kết thúc nó; có thể thế đấy, nhưng rốt cuộc cậu cũng là chó, cậu cũng có tri thức chó này; vậy thì hãy nói thẳng ra, không chỉ trong hình thức câu hỏi mà là một câu trả lời. Nếu cậu nói ra, ai có thể kháng cự cậu chứ? Dàn hợp xướng vĩ đại của cộng đồng chó sẽ cùng tham gia như thể nó đã chờ đợi thời khắc này từ lâu. Rồi cậu sẽ có mọi sự thật, mọi tường minh, mọi thừa nhận mà mình mưu cầu. Cái mái chặn trên cuộc sống hèn mọn này mà cậu chê bai sẽ được nâng lên, và tất cả chúng ta, sánh vai nhau, sẽ bước lên tầm cao tự do. Và ngay cả nếu chúng ta không đạt được mục tiêu cuối cùng đó, nếu mọi thứ trở nên tệ hơn trước, nếu toàn thể sự thật lại còn khó lòng kham nổi hơn là một nửa sự thật, nếu ta xác nhận rằng những chó im lặng, là những kẻ bảo tồn sự sống, hóa ra lại đúng, nếu hy vọng mong manh mà chúng ta còn sở hữu hóa thành vô vọng tuyệt đối, thì nó vẫn đáng để cố thốt ra, bởi lối sống được phép không phải là lối sống cậu muốn chọn. Vậy thì tại sao cậu trách những chó khác im lặng, rồi bản thân lại lặng im?” Quá dễ đáp: vì tôi là chó. Thâm sâu vẫn câm lặng bướng bỉnh như bao chó khác, chống cự những câu hỏi của chính mình, cứng lại vì nỗi sợ. Bởi những câu hỏi tôi đã đặt ra cho cộng đồng chó của mình, ít nhất kể từ khi tôi trưởng thành, có phải thực sự nhằm tìm câu trả lời tự họ không? Tôi có hy vọng ngu ngốc như thế không? Khi tôi nhìn thấy những nền tảng của đời mình và đoán thấy chúng sâu như thế nào, khi tôi nhìn những kẻ đang xây nên nền tảng ấy, cần lao trong tăm tối, tôi vẫn còn trông mong tất cả những thứ này bị ruồng bỏ, phá hủy, vứt đi vì những câu hỏi của mình sao? Không, tôi không còn thực sự trông chờ điều đó nữa. Những câu hỏi đó, giờ đây tôi chỉ dùng để quấy nhiễu mình, tôi muốn khuấy động tâm can mình bằng cái tĩnh lặng là câu trả lời duy nhất tôi có được từ xung quanh. Mi có thể chịu đựng được bao lâu thực tế rằng cộng đồng chó giữ im lặng và sẽ luôn giữ im lặng, như các điều tra của mi ngày càng làm mi hiểu rõ? Mi có thể chịu đựng nó bao lâu? – đây chính là câu hỏi thật sự có tính quyết định với cuộc đời tôi, vượt qua và trên hết mọi câu hỏi về chi tiết khác; đó là câu hỏi của riêng tôi và không làm quấy đến ai khác. Thật không may tôi có thể trả lời nó dễ dàng hơn những câu hỏi chi tiết: tôi có lẽ sẽ có thể cầm cự đến khi kết thúc cuộc tồn sinh; bởi cái bình thản của tuổi tác là liều thuốc chữa càng lúc càng công hiệu cho những câu hỏi hóc búa. Có lẽ tôi sẽ thanh thản nhắm mắt trong im lặng, xung quanh cũng im lặng, và tôi trông đến thời khắc đó gần như điềm tĩnh. Một trái tim mạnh mẽ đáng ngưỡng mộ, buồng phổi không bị bào mòn trước khi đến hạn, đã được ban cho loài chó chúng ta như thể một âm mưu hiểm độc, chúng ta sống sót trước mọi câu hỏi, thậm chí là những câu của chính mình, chúng ta như những thành lũy im lặng.

Gần đây, tôi càng ngày càng bận tâm nhìn lại đời mình, tìm kiếm sai lầm quyết định mà có lẽ tôi đã mắc phải và là nguyên cớ của mọi rắc rối, nhưng tôi không tìm được. Nhưng ắt hẳn tôi đã phạm sai lầm đó, bởi nếu không như thế, mà tôi vẫn không đạt được những điều tôi muốn sau một đời đằng đẵng toàn tâm nỗ lực, như thế chứng tỏ những gì tôi muốn là bất khả thi, và theo sau sẽ là sự vô vọng hoàn toàn. Hãy nhìn vào công trình cả đời của mình! Trước hết những điều tra về câu hỏi: Đất lấy dưỡng chất cho chúng ta từ đâu ra? Từ thuở chó con, đương nhiên tham lam và tràn đầy tinh thần loài thú, tôi đã chối bỏ mọi vui thú, lánh xa mọi hình thức giải trí, vùi đầu vào giữa hai chân mỗi khi đối diện cám dỗ, và lao mình vào nhiệm vụ. Đó chẳng phải nhiệm vụ hàn lâm, dù xét về bằng cấp học thuật, hay xét về phương pháp, hay xét về mục đích. Đấy có thể là một nhược điểm, nhưng nó không thể là nhược điểm quyết định. Tôi không được học hành nhiều, vì chỉ tí tuổi đầu tôi đã rời vòng tay mẹ, sớm đã quen tự đứng trên bốn chân mình, sống tự lập; và tự lập quá sớm có hại với sự học có hệ thống. Nhưng tôi đã thấy lắm điều, nghe lắm điều, nói chuyện với lắm chủng loại và thân phận chó đa dạng, và tôi nghĩ tôi có thể nói rằng tôi đã nắm được mọi thứ khá tốt, liên kết khá tốt những quan sát cụ thể của tôi với nhau; nhờ đó mà bù đắp sự thiếu thốn học thuật của tôi đến một mức nào đó; và hơn nữa, tính độc lập lại có những lợi thế riêng khi ta theo đuổi những điều tra của riêng mình, ngay cả khi đấy là trở ngại với chuyện học hành. Trong trường hợp của tôi thì lại càng cần hơn nữa, vì tôi không có điều kiện để thực hiện cho đúng theo phương pháp khoa học, tức là, dựa trên công trình của các tiền bối và liên lạc với các nhà nghiên cứu đương thời. Tôi hoàn toàn đơn độc với các tài nguyên của mình, tôi phải bắt đầu từ con số không và ý thức được đầy đủ – một điều thần tiên với giới trẻ nhưng trầm uất với bậc lão thành – rằng cho dù tôi có đi đến kết luận thế nào thì nó cũng sẽ là một kết luận cuối cùng. Tôi thực sự đơn độc như vậy trong những điều tra của mình, từ đó đến nay hay sao? Đúng và sai. Thật không thể tưởng là trên đời chưa từng có dăm ba cá khuyển trong mọi thời đại ở vào tình cảnh như tôi đây, và ngày nay ắt cũng có một vài. Tôi không thể ở vào tình cảnh tồi tệ đến thế. Tôi không rời xa bản chất chung của giống loài quá một cọng lông chó đâu. Mọi chó đều như tôi, cảm thấy cái thôi thúc đặt câu hỏi, và tôi cảm thấy, cũng như mọi chó, cái thôi thúc giữ im lặng. Ai cũng đều cảm thấy cái thôi thúc đặt câu hỏi. Nếu không thì vì sao mà những câu hỏi của tôi lại khơi gợi những run rẩy dù chỉ nho nhỏ thường khiến tôi vui thú – một vui thú thậm xưng, tôi phải thú nhận như thế – trong người nghe đến thế? Và để chứng minh tôi cảm thấy cái thôi thúc giữ im lặng thì, hỡi ôi, chẳng cần bằng chứng đặc biệt gì cả. Về bản chất, như vậy, tôi không khác gì mọi chó khác, và đó là lý do mỗi kẻ trong số họ đều sẵn sàng thừa nhận tôi, mặc cho mọi khác biệt về ý kiến và mọi ghét bỏ cá nhân, và vì sao tôi sẵn sàng thừa nhận họ. Chỉ có hỗn hợp các yếu tố là thay đổi, một sự thay đổi rất quan trọng với cá nhân nhưng lại vô nghĩa với cả loài. Và có thể nào ta cho rằng sự phối hợp những yếu tố vững bền này chưa từng, dù quá khứ hay hiện tại, tạo ra một hỗn hợp như tôi, và thực thế, một hỗn hợp đáng buồn hơn hẳn, nếu có ai đó muốn gọi tôi là đáng buồn? Như thế trái ngược với tất thảy những kinh nghiệm khác. Loài chó chúng ta tham gia vào những công việc lạ lùng nhất, những công việc mà ta sẽ không tin nếu không sở hữu những thông tin đáng tin cậy nhất về chúng. Ví dụ yêu thích của tôi về mặt này là chó bay. Thoạt nghe có thứ chó như thế, tôi đã cười, tôi đơn thuần không chịu tin vào chuyện đó. Gì cơ? Thật là có một loại chó thật nhỏ, chẳng to hơn cái đầu tôi là bao, cả khi tuổi cao cũng chẳng to hơn thế, và loại chó này, tất nhiên yếu ớt và nhìn kiểu gì cũng ra một kiểu sản phẩm nhân tạo, thiếu trưởng thành với một bộ lông được chăm chút quá mức, chẳng thể nhảy cú nào đúng chất, loại chó này, theo lời kể, được cho là hầu như chỉ bay quanh trên không, chứ chẳng làm việc gì ra trò trên đó cả, ngoài đơn thuần nghỉ ngơi? Không, tôi nghĩ rằng, cố gắng thuyết phục tôi tin vào thứ đó tức là lợi dụng sự cởi mở trong tư tưởng của một đứa chó con đến độ quá mức. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi nghe một câu chuyện về chó bay từ một nguồn khác. Có ai âm mưu biến tôi thành trò cười à? Nhưng rồi tôi đã thấy nhóm chó nhạc công, và từ hôm ấy trở đi, tôi xem mọi thứ đều có thể xảy ra, không định kiến nào trói buộc năng lực tâm thần tôi nữa; tôi điều tra những đồn đại phi lý nhất và đi theo chúng xa nhất có thể; trong một thế giới phi lý, những thứ phi lý nhất tôi thấy còn có vẻ khả dĩ hơn những thứ hợp lý, và là một lĩnh vực đặc biệt phong phú để nghiên cứu. Chuyện chó bay là thế đấy. Tôi khám phá rất nhiều điều về chúng; tôi phải thừa nhận rằng đến hôm nay tôi chưa nhìn thấy đứa nào, nhưng từ lâu tôi đã hoàn toàn tin vào sự tồn tại của chúng, và chúng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong bức tranh thế giới của tôi. Tất nhiên, chẳng phải thành tựu nghệ thuật của chúng khiến tôi phải suy nghĩ, cũng như thường lệ. Thật lạ lùng – ai dám phủ nhận? – rằng loại chó này có thể lơ lửng trên không; nỗi choáng ngợp trước chuyện đó, tôi cùng chia sẻ với cộng đồng chó. Nhưng trong tâm trí tôi, điều còn lạ lùng hơn là sự phi lý, sự phi lý câm lặng của những cá khuyển kỳ quái này. Nói chung chẳng có lý do gì được đưa ra để lý giải; chúng lơ lửng trên không, và chuyện đến đấy là hết; đời vẫn trôi đi theo cách cũ, thi thoảng lại có bàn luận về nghệ thuật và nghệ sĩ, nhưng tất cả chỉ có thế. Nhưng tại sao, thưa cộng đồng chó tốt lành, tại sao loại chó này lơ lửng? Công việc của chúng có nghĩa lý gì? Sao chẳng ai moi được lời giải thích nào từ chúng? Vì sao chúng lơ lửng trên kia, kệ cho bốn chân, niềm kiêu hãnh của loài chó, hóa còi cọc, sao chúng đoạn tuyệt khỏi mặt đất dung dưỡng, sao chúng không gieo, nhưng lại gặt, thật tình lại được cung phụng vô cùng đủ đầy, theo mọi lời kể, trong khi cả cộng đồng chó chịu thua thiệt? Tôi có thể khoe rằng những câu hỏi của mình đã mang một chút sinh khí đến những vấn đề này. Các chó bắt đầu cho ý kiến, để cùng nhau thêu dệt một lý giải lý tính nào đó; họ đã có mở đầu, dù họ sẽ chẳng thể tiến xa hơn. Nhưng rốt cuộc nó vẫn là một chút gì đó. Và trong quá trình đó, chúng ta đã thấy qua, nếu không phải sự thật – bởi chúng ta sẽ chẳng bao giờ đi xa đến thế – chí ít cũng là phần nào cái mê hồn trận thâm sâu của những giả dối. Bởi thực tế là bao nhiêu hiện tượng phi lý ở đời, và nhất là những cái phi lý nhất, đều mẫn cảm với lý giải lý tính. Tất nhiên không hoàn toàn – cái oái oăm ma quỷ ở chỗ ấy – nhưng vừa đủ để ta có thể chặn đứng những câu hỏi đáng hổ thẹn. Cứ xét đến ví dụ chó bay một lần nữa. Chúng chẳng ngạo mạn, như ta có thể hình dung ban đầu, mà lại vô cùng phụ thuộc vào đồng bào chó; nếu ta đặt mình vào chỗ chúng thì sẽ hiểu ngay. Bởi chúng phải làm những điều có thể, dù chúng không thể làm công khai – vì như thế sẽ vi phạm nghĩa vụ giữ im lặng của mình – chúng phải làm những gì có thể bằng cách khác để cầu được tha thứ cho lối sống của mình, hay chí ít là đánh lạc hướng sự chú ý, khiến xung quanh quên chuyện đó đi – và chúng làm thế, theo như tôi được kể, bằng cách huyên thuyên nhiều đến mức gần như không chịu nổi. Chúng luôn có chuyện để kể, dù là những suy ngẫm triết học, mà chúng liên tục dùng để làm bản thân bận rộn bởi đã chối từ mọi sự dụng công thể chất, hoặc là những quan sát mà chúng có được từ điểm đậu trên cao. Và dù chúng không có năng lực trí tuệ đáng kể lắm, cũng dễ hiểu nếu nhìn vào lối sống biếng lười đó, dù triết học của chúng cũng vô giá trị như những quan sát của chúng, và khoa học chẳng làm gì được nhiều với những gì chúng mang lại, và dù sao cũng không dựa vào những tài liệu kém cỏi đến thế, bất kể những chuyện đó, ta luôn được cam đoan khi hỏi mấy chó bay này có nghĩa lý gì, rằng chúng có đóng góp to lớn cho khoa học. “Chính xác,” ta sẽ đáp lại, “nhưng những đóng góp của chúng vô giá trị và chán phèo.” Đáp lại ta sẽ là một cái nhún vai, hay một câu đánh trống lảng, hay một vẻ bực bội, hay một tràng cười, và lát sau, khi hỏi lại, ta sẽ một lần nữa được biết rằng chúng đóng góp cho khoa học, và cuối cùng, khi chính ta đến lượt bị hỏi câu hỏi đó, nếu không thận trọng cảnh giác ta cũng sẽ đưa ra câu trả lời y hệt. Và có lẽ tốt nhất là đừng quá ngang bướng và nên quy phục, ít nhất cũng chịu đựng số chó bay đã tồn tại sẵn rồi, dù không công nhận sự tồn tại đó là hợp lẽ, là một điều không ai có thể làm được. Nhưng không thể đòi hỏi ta nhiều hơn thế; như thế là quá đáng; nhưng bất chấp tất cả ta vẫn bị đòi hỏi như thế. Ta được yêu cầu phải chịu đựng một đàn chó bay liên tục xuất hiện nhiều thêm. Hoàn toàn không biết chúng từ đâu ra. Chúng có sinh sôi nảy nở không? Chúng còn đủ sức cho chuyện đó à? – rốt cuộc, chúng không có gì hơn ngoài cái mã đẹp, vậy có thứ gì cần tự sinh sôi ở đây? Nhưng ngay cả khi cho rằng cái không thể là có thể, khi nào chuyện ấy xảy ra được? Bởi ta luôn thấy chúng một mình, bay bổng trong niềm vui tự đủ, và nếu có lúc chúng hạ mình chạy nhảy, chuyện đó chỉ kéo dài chốc lát, vài bước yểu điệu và rồi chúng lại trở về chốn cô lẻ nghiêm ngặt, vùi mình trong thứ được coi là tư tưởng thâm sâu, mà chúng không thể tách mình ra khỏi được dù có cố sức đến mấy, hay chí ít chúng bảo thế. Nhưng nếu chúng không tự sinh sôi, liệu ta có hình dung nổi có những chó nào tình nguyện chối từ cuộc sống ở mặt đất, tự nguyện trở thành chó bay, và vì muốn được thoải mái cùng một thành tựu kỹ thuật nhất định, mà chọn cuộc sống buồn tẻ, được che chở trên đó hay sao? Thật không tưởng nổi; cả sinh sản lẫn tự nguyện đứng vào hàng ngũ đó đều không tưởng nổi. Nhưng thực tế cho thấy luôn có những chó bay mới quanh đây, từ đó mà ta phải kết luận rằng, mặc cho có những thứ trong tâm trí chúng ta có vẻ là chướng ngại không thể vượt qua, thì không giống chó nào, dù có kỳ quái thế nào, sẽ tiệt nọc, một khi đã sống, hay chí ít cũng không chết mà không đấu tranh dữ dội, sau một cuộc phản kháng thành công lâu dài. Nếu điều này còn đúng với một loài lạc quẻ, bề ngoài lạ lùng, khó thích nghi như chó bay, lẽ nào tôi không nên chấp nhận chuyện đó cũng đúng với loại chó như tôi? Bên cạnh đó, bề ngoài tôi chẳng lạ lùng chút nào, chỉ là một chó trung lưu thường thấy trong vùng này; nhìn đằng nào cũng chẳng có gì xuất chúng; nhìn đằng nào cũng chẳng quá đê tiện; hồi trẻ tôi còn là một chó đẹp trai khác thường ấy chứ, và khi đã trưởng thành vẫn còn đẹp ở chừng mực nào đó, miễn là tôi chú ý đến bề ngoài của mình và tập thể dục nhiều vào; chính diện của tôi được ái mộ lắm, những cẳng chân thon thả và cách tôi ngẩng đầu điệu nghệ, nhưng được ưng ý không kém là bộ lông xám, trắng và vàng chỉ đằng ngọn mới xoắn lại; những điều này chẳng lạ chút nào, điều duy nhất lạ là bản chất của tôi, và thậm chí cả điều này, như tôi không bao giờ cho phép mình quên, cũng có nền tảng từ bản chất chung của loài chó. Giờ nếu ngay cả chó bay cũng không bị cô lập hoàn toàn, nếu đây đó trong thế giới rộng lớn của loài chó bao giờ cũng có thể phát hiện ra một chó khác thuộc loại của mình, và nếu đến chúng còn có thể hóa phép ra những thế hệ mới từ hư vô, thì tôi cũng có thể sống mà tự tin rằng mình cũng không quá cô độc. Những chó thuộc vào loại của tôi ắt phải có một số mệnh khác thường, và sự tồn tại của chúng không bao giờ có thể có lợi ích gì rõ nét với tôi, ít nhất cũng vì tôi chẳng bao giờ có thể trông mong nhận ra chúng. Chúng tôi là những chó cảm thấy im lặng là áp chế, những chó muốn phá vỡ màn chắn im lặng vì đói khí trời; các chó khác có vẻ hài lòng với im lặng, dù đó chỉ là vẻ bề ngoài, như trong trường hợp những chó nhạc công, có vẻ làm nhạc một cách điềm tĩnh nhưng thực sự lại vô cùng lo lắng căng thẳng; nhưng ảo tượng thật mạnh mẽ, ta cố gắng đánh đổ nó nhưng nó móc mỉa mỗi nỗ lực của ta. Vậy thì làm sao những chó thuộc loại tôi xoay sở? Họ làm thế nào để sống tiếp mặc cho mọi chuyện? Họ có thể làm nhiều cách. Cách của tôi là đặt câu hỏi chừng nào tôi còn trẻ. Nên có lẽ nếu tôi bám lấy những chó đặt nhiều câu hỏi, tôi sẽ tìm thấy đồng chí của mình. Và quả thật có một thời đó là những gì tôi cố làm với sự tự chủ ghê gớm; tự chủ ghê gớm, vì tất nhiên, tôi chủ yếu quan tâm đến những kẻ đáng phải trả lời; những kẻ luôn cắt ngang bằng nhiều câu hỏi mà bản thân tôi không thể trả lời, thì tôi rất ghét. Hơn nữa, có ai không thích đặt câu hỏi khi còn nhỏ, nên làm sao tôi chọn ra những ai hay hỏi thực sự từ biết bao nhiêu chó như thế? Câu hỏi nào nghe cũng giống nhau; ý định mới là quan trọng, nhưng ý định này thường bị giấu đi ngay cả với kẻ đặt câu hỏi. Và ngoài ra, đặt câu hỏi là một đặc tính của cộng đồng chó, họ luôn hỏi cùng nhau bằng một kiểu nhao nhao rối bời; cứ như thể khi làm vậy họ đang cố gắng loại bỏ mọi dấu vết của những người hay hỏi thực sự. Không, đi tìm những đồng chí thực thụ của tôi trong những chó ưa đặt câu hỏi, trong số chó con, cũng không dễ hơn là trong lứa chó già và im lặng mà tôi giờ thuộc về. Nhưng tất thảy những câu hỏi này có ích lợi gì, bởi tôi hoàn toàn không giải đáp được điều gì nhờ chúng, có lẽ những đồng chí của tôi thông minh hơn tôi nhiều, và dùng những phương tiện tuyệt vời kiểu khác để chịu đựng cuộc sống này, những phương tiện mà, dù vậy, theo kinh nghiệm của tôi, dù có thể giúp họ khi cấp thiết, xoa dịu họ, trấn an họ, và tạo ra vài thay đổi trong tính cách họ, thì về tổng thể vẫn vô dụng như phương tiện của tôi, bởi nhìn đến đâu tôi cũng chẳng thấy dấu hiệu rằng họ thành công. Tôi e là thành công chính là cách khó khăn nhất mà nhờ đó tôi có thể nhận ra đồng chí của mình. Nhưng vậy thì ở đâu mới tìm thấy những đồng chí này? Đúng, nỗi buồn của tôi là thế đấy, đấy chính là rắc rối của tôi. Họ ở đâu? Mọi nơi và không nơi nào cả. Có khi hàng xóm nhà bên, chỉ cách ba bước nhảy, là một trong số đó; chúng tôi hay gọi nhau và hắn sang đây thăm tôi, dù tôi không sang nhà hắn. Hắn có phải đồng chí của tôi không? Tôi không biết, tôi chắc chắn không thấy dấu hiệu nào về chuyện đó ở hắn, nhưng cũng có thể. Có thể, nhưng cũng vậy chẳng có gì bất khả hơn; khi hắn ta ở xa, tôi có thể, để mua vui cho bản thân, bằng cách sử dụng triệt để trí tưởng tượng của mình, khám phá thấy nhiều điều thân thuộc đến đáng ngờ về hắn, nhưng khi hắn đứng trước mặt tôi, mọi bịa đặt của tôi đều ngớ ngẩn. Một gã chó già, thậm chí còn nhỏ con hơn tôi một chút – trong khi tôi còn chẳng được cỡ trung – lông ngắn màu nâu, với một cái đầu gục xuống mòn mỏi và dáng đi lê bước, còn rõ hơn vì hắn lết chân trái sau một chút do hậu quả của một trận bệnh. Suốt một thời gian dài, tôi đã chơi thân với hắn hơn bất kỳ ai khác; tôi mừng là mình vẫn còn chịu đựng được hắn khá tốt, và khi hắn đi, tôi sẽ hét lên những điều thân thiện nhất với hắn, nhưng không phải xuất phát từ cảm tình, mà là từ sự phẫn nộ với chính mình, vì khi tôi quan sát hắn, tôi chỉ đơn giản là lại thấy hắn thật ghê tởm, khi hắn lẩn đi với cái chân kéo lê phía sau và nửa thân sau sà xuống đất. Có lúc dường như tôi đang cố chế nhạo chính mình bằng cách gọi hắn trong bụng là đồng chí. Hắn cũng không thể hiện tình đồng chí nào khi chúng tôi nói chuyện cùng nhau, hắn quả là nhanh trí, và đủ hiểu biết so với tình hình chung ở vùng này, tôi có thể học được nhiều điều từ hắn, nhưng có phải cái nhanh trí và hiểu biết là thứ tôi đang kiếm tìm? Chúng tôi hay trao đổi về những vấn đề địa phương, và tôi bất ngờ khi thấy – sự cô lập của tôi đã khiến tầm nhìn của tôi trở nên khá hạn hẹp về khía cạnh này – phải cần thông minh đến độ nào ngay với một chó bình thường, kể cả trong những hoàn cảnh nói chung không quá bất lợi, thì mới có thể dù chỉ sống sót và bảo vệ bản thân khỏi những gì tồi tệ nhất trong số các hiểm nguy thường tình. Quả thật khoa học cho ta các quy luật để tuân theo, nhưng hiểu chúng dù mơ hồ và sơ sài cũng không dễ, và một khi ta đã hiểu chúng, khó khăn thực sự mới bắt đầu, cụ thể là làm thế nào áp dụng chúng vào những điều kiện địa phương – đến đây thì hầu như chẳng ai giúp được, những nhiệm vụ mới ập tới gần như từng giờ, và mỗi tấc đất trên địa cầu đều có nhiệm vụ của riêng nó; đoan chắc mình đã có thể đậu lại ở đâu đó ổn thỏa mãi mãi, và đời mình có thể ít nhiều tự lo được, với ai cũng là việc bất khả thi; bất khả thi ngay cả với tôi, dù những nhu cầu của tôi cứ thu hẹp ngày qua ngày. Và tất cả gian lao bất tận này – để làm chi? Chẳng để làm gì ngoài để vùi mình xuống lúc một sâu hơn trong huyệt im lặng, sâu đến mức chẳng ai có thể lôi ta lên lại được. Ai ai cũng thường tán thưởng sự tiến bộ toàn diện mà cộng đồng chó đạt được qua các thời kỳ, và ta cho rằng họ chủ yếu nói đến là tiến bộ khoa học. Hiển nhiên là khoa học có tiến bộ, sự tiến lên của nó là không thể tránh khỏi, nó thậm chí còn tiến bộ với tốc độ tăng dần, mỗi lúc một nhanh hơn, nhưng như thế thì có gì đáng khen? Như thể ta khen ai đó già đi với số tuổi càng tăng và kéo theo là càng chóng chết. Đó là một quá trình tự nhiên và hơn nữa còn xấu xí mà tôi thấy chẳng có gì đáng khen. Tôi không thấy gì ngoài khắp nơi một chiều đi xuống, dù nói thế tôi không có ý rằng những thế hệ trước giỏi hơn chúng ta, họ chỉ trẻ hơn, đó là lợi thế lớn của họ, trí nhớ họ chưa bị quá vướng bận như tâm trí chúng ta ngày nay, vậy nên họ mới nói ra dễ dàng vậy; và thậm chí nếu chưa ai thực sự làm thế thành công, khả năng của chuyện ấy vẫn cao hơn, và chỉ cái khả thi to lớn hơn này mới khuấy động chúng ta sâu sắc khi chúng ta nghe những câu chuyện giản đơn xưa cũ nhưng thực ra vô cùng trẻ con ấy. Đây đó, chúng ta bắt gặp một cụm từ gợi mở lạ lùng và chúng ta gần như muốn nhảy phắt dậy nếu không cảm thấy sức nặng của hàng thế kỷ trên mình. Không, cho dù tôi phản đối gì thời đại của mình, các thế hệ trước vẫn không hề giỏi hơn các lứa gần đây, quả tình về mặt nào đó họ còn tệ hơn và yếu hơn hẳn. Đúng là thậm chí vào thời ấy, những điều kỳ diệu không bày ra đầy rẫy ngoài phố cho ai sờ mó cũng được, nhưng – tôi còn nói kiểu nào khác được? – chó thời đó chưa chó bằng chó ngày nay, cơ cấu của cộng đồng chó vẫn còn lỏng lẻo, chân ngôn lúc đó vẫn có cơ can thiệp, quyết định, hay tái quyết định toàn bộ cơ cấu, thay đổi nó tùy ý, biến nó thành cái đối lập với nó, và chân ngôn đã ở đó, hay ít nhất ở gần, lấp ló nơi mỗi đầu lưỡi, mọi người đều có thể khám phá ra nó; và ngày nay, nó đã thành ra cái gì? – ngày nay ta có thể moi ruột gan mình ra mà vẫn không tìm thấy nó. Thế hệ của chúng ta có lẽ đã vứt đi rồi, nhưng vẫn còn ngây thơ hơn thế hệ xa xưa kia. Sự ngần ngại của thế hệ mình thì tôi có thể hiểu được, thậm chí nó không còn chút gì là ngần ngại, mà đó là sự quên đi một giấc mơ đã mơ trước đây ngàn đêm và ngàn lần quên lãng; ai lại nổi giận với chúng ta vì lần lãng quên thứ một ngàn chứ? Nhưng tôi nghĩ tôi cũng có thể hiểu được sự ngần ngại của cha ông mình; có thể chúng ta cũng sẽ chẳng hành động khác đi, quả thực tôi gần như muốn nói: chúng ta có cái phước phần là không phải làm những kẻ gánh tội, thay vào đó chúng ta được phép hối hả hướng về cái chết với sự im lặng gần như vô tội, trong một thế giới mà những thế hệ chó khác đã làm cho tối tăm. Khi cha ông chúng ta mắc sai lầm, có lẽ họ không hề hình dung đến một sự lầm lạc vô tận, họ vẫn có thể nhìn thấy sát gần những ngã rẽ, họ muốn quay đầu lúc nào cũng dễ dàng, và nếu họ ngần ngại không muốn quay lại, đó chẳng qua là vì họ muốn tận hưởng cái đời chó thêm chốc lát; mà đó còn chưa phải là đời chó thực sự, nhưng với họ như thế đã xinh đẹp say đắm rồi, nên nếu thêm một xíu, một xíu thôi, thì sẽ còn đẹp đến mức nào? – và thế là họ lại đi chệch lối xa hơn. Họ không biết những gì ta có thể cảm thấy lúc này khi ta ngẫm lại cả dòng lịch sử: sự thay đổi đó bắt đầu trong tâm hồn trước khi thể hiện vào đời ta, và vào thời điểm bắt đầu tận hưởng đời chó của mình, họ hẳn đã phải có một tâm hồn chó già thực sự, chẳng hề còn gần với khởi điểm của họ như họ tưởng, hay như mắt họ gắng dối lòng trong khi bản thân vui sướng trong bao hoan lạc loài chó. Ngày nay ai còn có thể nói đến tuổi trẻ nữa? Họ mới là những chó trẻ trung đích thực, nhưng tham vọng độc nhất của họ, xui thay, lại nhắm vào chỗ trở thành chó già, một thứ họ chẳng thể nào không đạt được, như mọi thế hệ tiếp theo đã minh chứng, và thế hệ chúng ta – thế hệ cuối cùng – rõ ràng hơn hết. Tất nhiên tôi chẳng bàn mấy chuyện này với hàng xóm mình, nhưng tôi thường bị buộc phải nghĩ về chúng khi ngồi đối diện hắn ta, một gã chó già điển hình, hay khi vùi mũi vào bộ lông đã kịp thoáng hơi da cũ của hắn. Dầu gì thì bàn những chuyện này cũng vô nghĩa, dù là với hắn hay ai khác. Tôi biết cuộc đối thoại sẽ đi đến đâu. Hắn hẳn sẽ lên tiếng phản đối vớ vẩn chỗ này chỗ kia, nhưng rốt cuộc vẫn đồng ý – đồng ý là vũ khí tốt nhất – và chôn vùi luôn cả vấn đề; vậy sao phải mất công đào mồ gọi nó dậy ngay từ đầu? Nhưng dù vậy, có lẽ tôi có sự thấu hiểu sâu sắc với hàng xóm mình, sâu hơn lời lẽ đơn thuần. Tôi cảm thấy mình phải tiếp tục khẳng định điều này, dù tôi chẳng có gì chứng minh và có lẽ chỉ là nạn nhân của một ảo tưởng đơn giản, vì hắn đã làm bạn đồng hành duy nhất của tôi quá lâu, vậy nên tôi phải dính với hắn. “Rốt cuộc có phải anh đúng là đồng chí của tôi? Theo cách riêng anh? Và hổ thẹn vì anh làm mọi chuyện đều thất bại? Nhưng nhìn này, tôi cũng như thế thôi. Khi có một mình, tôi tru về chuyện đó; lại đây, tru cùng nhau cho nhẹ lòng hơn” – mấy ý nghĩ đó thường chạy trong đầu tôi, và tôi cứ nhìn chằm chằm hắn suốt lúc đó. Những lúc như thế hắn chả nhìn xuống, nhưng vẫn giữ vẻ mặt không cách nào lý giải; hắn nhìn tôi ngu độn, tự hỏi vì sao tôi im lặng và ngắt ngang cuộc nói chuyện. Nhưng có thể chính ánh nhìn đó là cách hắn chất vấn tôi, và tôi đã làm hắn thất vọng như hắn làm tôi thất vọng. Hồi còn trẻ, nếu không phải vì những câu hỏi khác quan trọng hơn với tôi, và không phải tôi thấy mình tự đủ, có lẽ tôi đã hỏi thẳng hắn và nhận lại mấy lời đồng tình nhạt nhẽo, nghĩa là còn ít hơn những gì tôi nhận được hôm nay từ cái im lặng của hắn. Nhưng chẳng phải tất cả chúng ta đều im lặng như thế sao? Đâu có gì ngăn tôi tin rằng mọi chó đều là đồng chí của tôi, rằng tôi không chỉ có đó đây vài bạn đồng hành trong những điều tra của mình, đã chìm đắm và bị quên lãng cùng những thành tựu li ti của hắn, và tôi không cách nào chạm đến được qua bóng tối các thời đại hay đám đông hiện tại; sao tôi không nên tin rằng mọi chó từ lúc thời gian khởi sinh đều là đồng chí của mình, tất cả đều phấn đấu theo cách của riêng mình, tất cả đều thất bại theo cách của riêng mình, tất cả đều im lặng hay bàn tán tầm phào mắc mệt theo cách của mình, đúng như hệ quả tất yếu của cái cuộc kiếm tìm vô vọng này ? Nhưng trong trường hợp đó, tôi không cần phải cô lập bản thân làm gì cả, tôi cứ việc ở lại im lặng giữa những chó khác, tôi không cần phải mở lối thoát như một đứa trẻ ngỗ ngược băng qua hàng ngũ những con chó lớn; bởi họ cũng muốn tìm lối thoát y như tôi thôi, và tất cả những gì làm tôi khó hiểu về họ chính là cái lẽ thường của họ, nó nhắc họ rằng chẳng ai thoát ra thành công, và cất công chỉ tổ thêm ngu xuẩn.

Tuy nhiên, những suy nghĩ như thế đơn thuần là do hàng xóm của tôi ảnh hưởng; hắn làm tôi rối trí, hắn làm tôi cảm thấy khá sầu; nhưng hắn thì vui đấy, chí ít là khi hắn ở trong lãnh địa của mình, tôi có thể nghe thấy tiếng hắn hét và hát xa xa cho đến khi hết sức chịu đựng. Để tốt cho mình, tôi nên chối bỏ mối quan hệ cuối cùng này luôn, nên ngưng dành thời gian cho những giấc mơ mơ hồ mà mọi tiếp xúc với chó đều khơi dậy, dù ta có tưởng tượng mình cứng rắn thế nào, và nên tận dụng thời gian ngắn ngủi còn lại cho tôi để dành trọn cho những điều tra của mình. Lần sau hắn đến tôi sẽ lẻn đi và vờ đang ngủ, rồi cứ lặp lại quy trình này bao lâu cũng được cho đến khi hắn không đến nữa.

Cả những điều tra của tôi cũng đã trở nên loạn xạ, tôi đâm lười, tôi mòn mỏi, giờ tôi cứ máy móc mà bước ở nơi một thời từng chạy hân hoan. Tôi nhớ hồi mình bắt đầu điều tra câu hỏi: “Đất lấy dưỡng chất cho chúng ta từ đâu ra?” Khi đó tôi thực sự sống cùng dân chó, tôi mở đường tới nơi đám đông chen chúc nhất, tôi muốn mọi chó chứng kiến công việc mình đang làm; thực tình có kẻ chứng kiến với tôi còn quan trọng hơn công việc đó, bởi tôi vẫn mong gây ấn tượng chung gì đó. Điều đó đương nhiên thôi thúc tôi rất nhiều, giờ đây không còn nữa khi tôi chỉ còn một mình. Nhưng hồi đó, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ đến mức làm một điều chưa ai từng làm, một điều trái ngược với mọi nguyên tắc, và tôi chắc là những ai từng chứng kiến đều nhớ rõ sự việc khó chịu kỳ quặc đó. Tôi đã quan sát thấy khoa học, là thứ thường truy tìm những dị biệt vô tận, ở một khía cạnh lại bằng lòng với sự giản lược khác thường. Nó dạy rằng, nói chung, chính đất đã tạo ra dưỡng chất cho chúng ta, và với giả định này, nó bèn liệt kê các cách có được các loại thực phẩm khác nhau với chất lượng tốt nhất và số lượng nhiều nhất. Tất nhiên đất tạo ra dưỡng chất cho chúng ta, chuyện đó không còn gì bàn cãi, nhưng không hề chỉ đơn giản như người ta nhìn chung thường cho là như thế, không hề đơn giản đến mức khiến mọi nghiên cứu sâu hơn trở nên thừa thãi. Giả sử ta lấy một việc tầm thường nhất trong số những việc lặp lại mỗi ngày. Nếu chúng ta hoàn toàn thụ động, như tôi lúc này hầu như luôn là vậy, và sau khi làm đất một cách qua loa, chúng ta chỉ nằm cuộn mình chờ mọi chuyện xảy ra, giả sử có gì đó xảy ra, thì chúng ta vẫn phải thấy dưỡng chất của mình trên mặt đất. Nhưng chuyện như thế đâu phải thường lệ. Bất cứ ai còn giữ chút tư duy cởi mở trong các vấn đề khoa học – và chắc chắn không có nhiều kẻ như thế, bởi phạm vi của khoa học không ngừng mở rộng – bất cứ ai như thế cũng dễ dàng nhận ra, dù anh ta không đặt mục tiêu quan sát gì cụ thể, rằng phần lớn những dưỡng chất tìm thấy trên mặt đất là từ trên cao rơi xuống; thật tình chúng ta còn bắt lấy hầu hết chúng, tùy theo sự khéo léo và lòng tham của mình, trước cả khi chúng kịp chạm đất. Khi nói như thế tôi không có ý gì chống đối khoa học; tất nhiên đất cũng tạo ra thứ dưỡng chất này chứ, hiển nhiên rồi; dù nó có rút một loại dưỡng chất nào đó ra từ chính mình, hay gọi một loại khác từ trên cao xuống, về bản chất có lẽ không khác gì nhau, và vì khoa học đã khẳng định rằng cần làm đất trong cả hai trường hợp, có lẽ cũng chẳng cần phải tách bạch hai thứ làm gì, bởi khoa học chẳng bảo: “Nếu hàm đầy thức ăn, thì lúc ấy vấn đề gì cũng đã giải quyết xong” đó sao. Nhưng tôi thấy rằng khoa học dù sao cũng hơi quan tâm đến những vấn đề này, chí ít là đến một mức nào đó, vì nó công nhận hai phương pháp kiếm dưỡng chất chính: cụ thể là, việc thực sự làm đất, và sau đó là quá trình cải thiện bổ sung dưới hình thức niệm chú, múa, và hát. Đến đây, tôi phát hiện một sự nhị phân, không hẳn là một sự nhị phân tuyệt đối nhưng vẫn đủ rõ nét, và điều này tương ứng với sự tách bạch mà tôi áp dụng với vấn đề. Theo ý tôi, việc làm đất giúp đạt được cả hai loại dưỡng chất, và luôn không thể nào thiếu; niệm chú, nhảy, và hát, trái lại, không ảnh hưởng nhiều đến dưỡng chất trên mặt đất theo nghĩa hẹp, chúng chủ yếu chỉ để kéo dưỡng chất từ trên cao xuống. Truyền thống càng làm tôi quả quyết với diễn giải của mình. Đến đây, dân ta có vẻ đã chấn chỉnh lại khoa học, dù họ chẳng biết mình làm thế và khoa học cũng chẳng hề dám phản bác họ. Nếu đúng như khoa học khẳng định, những lễ nghi này chỉ có ích cho đất, có lẽ để ban cho đất sức mạnh triệu hồi dưỡng chất từ bên trên, vậy ta phải hành lễ hoàn toàn hướng về đất mới hợp lẽ chứ; chính đất mới là nơi phải gửi mọi thì thầm, mọi điệu hát, và mọi điệu vũ. Và theo tôi biết thì khoa học chính là đòi hỏi như thế. Nhưng giờ mới đến cái đặc sắc: dân ta đều hành lễ hướng lên cao. Điều này chẳng xúc phạm gì khoa học cả, vì khoa học đâu có cấm làm vậy; nó trao cho nông phu toàn quyền về mặt này, trong lời dạy, nó chỉ nói đến đất, và nếu nông phu thực hiện những lời dạy cụ thể nào đó về đất của khoa học, khoa học lấy làm hài lòng; nhưng theo ý tôi, dòng tư tưởng khoa học nên đòi hỏi hơn nữa. Còn tôi, dù tôi chưa bao giờ dấn thân sâu vào khoa học, tôi không hiểu nổi làm thế nào những nhà khoa học uyên bác lại sẵn sàng cho phép dân chó chúng ta, theo cách đầy nhiệt huyết của họ, tụng niệm lên không trung, rên những khúc dân ca cổ với bầu trời, và thực hiện những vũ điệu nhảy cao như thể họ đang muốn quên mặt đất và bay lên mãi mãi. Tôi chú trọng vào những mâu thuẫn này, lấy đó làm khởi điểm của mình; bất cứ khi nào thời điểm thu hoạch đến gần, theo học thuyết khoa học, tôi lại giới hạn sự chú ý của mình về duy nhất mặt đất; tôi cào bới nó khi nhảy múa, tôi nghẹo cổ để cúi xuống sát nhất có thể, sau đó tôi đào một cái hố để nhét mũi vào, và rồi tôi hát và kêu thống thiết, sao cho chỉ có đất chứ không ai khác xung quanh hay phía trên nghe thấy mình. Kết quả thí nghiệm của tôi manh mún. Đôi khi thức ăn không xuất hiện, và tôi vừa định ăn mừng khám phá của mình thì rốt cuộc thức ăn lại xuất hiện; cứ như hành vi lạ lùng của tôi đã gây chút bối rối ban đầu, nhưng sau đó những lợi thế của nó lại được nhận thấy, nên những kêu gào và nhảy nhót của tôi có thể vui lòng bỏ qua; thường thức ăn lần sau lại hiện ra nhiều hơn lần trước, nhưng rồi tiếp đó lại hoàn toàn không hiện tí nào. Với sự cần mẫn đó giờ chưa từng thấy ở chó con, tôi ghi chép chính xác tất cả các thí nghiệm của mình, tôi thường xuyên tưởng rằng mình đã bắt gặp con đường có thể dẫn mình đi xa hơn, nhưng rồi một lần nữa mọi thứ lại tan biến vào bất định. Đến đây, tôi hiển nhiên gặp phải chướng ngại vì thiếu nền tảng khoa học. Ví dụ, tôi nào có gì đảm bảo rằng sự không xuất hiện của thức ăn là do thí nghiệm gây ra chứ không phải do làm đất chưa khoa học; và nếu đúng là như thế, thì tất cả các kết luận của tôi đều vô giá trị. Trong một số điều kiện nhất định, chắc tôi đã có thể đạt được một thí nghiệm vô cùng chuẩn xác, cụ thể là, nếu tôi thành công dù chỉ một lần trong việc kéo thức ăn rơi xuống bằng các nghi thức hướng lên trời, không cần làm đất, và rồi tiếp đó trong việc khiến thức ăn không xuất hiện bằng nghi thức chỉ hướng xuống đất. Thực tình tôi đã thử làm vậy, nhưng không hoàn toàn tin tưởng và cũng không có những điều kiện thí nghiệm lý tưởng; vì tôi vẫn chắc như đinh đóng cột rằng chí ít luôn cần làm đất một tí; và nếu những kẻ tà giáo lại đúng khi phủ nhận điều này thì lý thuyết của chúng chẳng bao giờ chứng minh được, bởi đất được cấp nước một cách gần như cưỡng chế và trong những giới hạn nhất định thì không thể tránh được. Một thí nghiệm khác của tôi, phải thừa nhận là khá lập dị, lại thành công hơn và gây ra xôn xao nhất định. Dựa trên phương pháp quen thuộc là bắt lấy thức ăn giữa không trung, tôi quyết tâm thực hiện kế hoạch để thức ăn rơi xuống mà không bắt. Để như thế, tôi luôn bật nhảy nhẹ lên không trung khi thức ăn xuất hiện, nhưng tôi suy xét thật cẩn trọng để nhảy hụt; thường nó vẫn rơi xuống đất như thường, một cách tẻ nhạt và lãnh đạm, và tôi điên tiết lao vào nó, điên tiết không chỉ vì đói mà còn vì thất vọng nữa. Nhưng trong một số trường hợp riêng lẻ, có chuyện khác diễn ra, chuyệt thực sự kỳ quái; thức ăn không rơi xuống, mà bay theo tôi; thức ăn đuổi theo kẻ đói. Chuyện đó không kéo dài lâu, chỉ trong chốc lát thôi, và rồi rốt cuộc nó cũng rơi xuống, hoặc biến mất hoàn toàn, hoặc – với tôi thì đây là việc hay xảy ra nhất – lòng tham của tôi đặt dấu chấm hết sớm cho thí nghiệm và nuốt trọn món đó. Dù sao tôi cũng rất hân hoan vào thời khắc đó, một tiếng xôn xao bàn tán lan tỏa khắp khu tôi sống, công chúng bắt đầu chú ý với chút bất an, tôi phát hiện những người quen của mình dễ mở lòng cho những câu hỏi của tôi hơn, tôi có thể nhìn thấy trong mắt họ chút ánh nhìn khẩn cầu; và thậm chí nếu đó chỉ là phản chiếu ánh mắt của tôi, tôi cũng không mong cầu gì hơn, tôi mãn nguyện. Nhưng tôi sớm phát hiện – và những chó khác cũng phát hiện cùng tôi – rằng thí nghiệm này của tôi từ lâu đã được mô tả trong thư tịch khoa học, nhiều chó khác từng làm việc này thành công ấn tượng hơn tôi, và dù đã từ lâu không ai thực hiện do thí nghiệm này yêu cầu một mức độ tự chủ tuyệt đối, thì dù thế nào cũng không cần phải lặp lại nó, bởi nó bị cho là chẳng có giá trị khoa học. Nó chỉ chứng minh cái đã biết, rằng mặt đất không chỉ hấp dẫn dưỡng chất theo phương dọc từ trên cao, mà còn theo phương chéo, thậm chí theo hình xoắn ốc. Thế nên tôi đứng đó, nhưng lòng chẳng nản, tôi vẫn còn quá trẻ, cớ gì nản; trái lại, nó còn cho tôi cảm hứng thực hiện điều có lẽ là thành tựu lớn nhất của đời mình. Tôi không tin khoa học phủ nhận giá trị thí nghiệm đó, nhưng niềm tin chẳng có nghĩa lý gì, chỉ bằng chứng mới có, nên tôi quyết tâm trình ra bằng chứng, và qua đó mang một thí nghiệm ban đầu có phần lạc quẻ ra thanh thiên bạch nhật, và đặt nó vào trung tâm của nghiên cứu. Tôi muốn chứng minh khi tôi lùi bước trước thức ăn, không phải mặt đất kéo nó xuống theo đường chéo, mà chính tôi mới là kẻ kéo nó đi theo mình. Quả thực tôi không thể phát triển thí nghiệm cụ thể này xa hơn; không thể vừa nhìn thấy thức chén trước mắt vừa thực hiện thí nghiệm một cách khoa học được, không ai có thể làm như thế về lâu về dài được. Nhưng tôi quyết định làm việc khác, tôi quyết định nhịn ăn càng lâu càng tốt miễn là tôi còn chịu được, trong lúc đó tôi sẽ tránh nhìn phải mọi thức ăn, mọi cám dỗ. Nếu tôi thu mình theo cách này, nếu tôi nằm dài suốt ngày suốt đêm, mắt nhắm đừ, không màng nhặt dưỡng chất từ mặt đất hay bắt nó trên không, và nếu, bởi tôi không dám chắc mà chỉ dè chừng hy vọng, không cần tôi dùng đến những biện pháp nào khác, mà chỉ nhờ việc cấp nước cho mặt đất không hề có lý tính, không thể tránh khỏi, và việc lặng lẽ lặp lại những thần chú và khúc hát (tôi muốn lược bỏ những điệu múa để không làm hao tổn năng lượng của mình) thức ăn vẫn từ trên rơi xuống, và chẳng màng chú ý đến mặt đất mà đến gõ vào răng tôi xin được dung nạp – nếu chuyện đó xảy ra, thì dù đấy cũng chẳng bác bỏ khoa học, bởi khoa học đủ linh động để chấp nhận các ngoại lệ và trường hợp đặc biệt, nhưng dân ta, may thay với độ linh động của đầu óc không cao, sẽ phản ứng thế nào? Vì đây không phải kiểu trường hợp ngoại lệ mà lịch sử sẽ ghi chép lại, giống như chẳng hạn khi một cá khuyển vì bệnh thể chất hay chứng u sầu mà từ chối sửa soạn, tìm kiếm, và dung nạp dưỡng chất, khi ấy cả cộng đồng chó sẽ đồng lòng niệm chú, và thành công trong việc khiến thức ăn lệch khỏi hướng đi thường lệ mà bay thẳng vào hàm kẻ mắc bệnh. Trái lại, tôi lại hoàn toàn khỏe mạnh; sự thèm ăn của tôi mạnh mẽ đến mức mấy ngày liền nó không cho tôi nghĩ đến gì khác; tin được hay không thì tùy, tôi toàn tâm toàn ý nhịn ăn; tôi hoàn toàn đủ khả năng tự mình khiến cho thức ăn hạ xuống, và đó chính xác là điều tôi muốn thực hiện, nên tôi không cần trợ giúp gì từ cộng đồng chó và thực tình còn cấm tiệt chuyện đó. Tôi tìm đến nơi phù hợp trong một bụi rậm xa xôi, nơi tôi sẽ không nghe thấy lời bàn về thức ăn, hay tiếng nhai rau ráu hay tiếng xương vỡ rôm rốp; tôi ăn đẫy dạ lần cuối rồi nằm xuống. Tôi muốn nhắm mắt chờ thời gian trôi lâu nhất có thể; miễn là không có thức ăn xuất hiện thì lúc nào với tôi cũng sẽ là màn đêm, cho dù màn đêm ấy có kéo dài hàng ngày hay hàng tuần. Nhưng điều làm mọi thứ khó khăn hơn là việc tôi không thể cho mình ngủ mấy, tốt hơn là không ngủ chút nào luôn, bởi tôi không chỉ phải gọi thức ăn xuống, tôi đồng thời phải không được ngủ khi nó đến; tuy nhiên, mặt khác, tôi cũng cần ngủ, vì khi ngủ tôi sẽ có thể nhịn ăn lâu hơn khi thức. Vì những lẽ này, tôi quyết định chia thời gian của mình thật cẩn thận, ngủ nhiều, nhưng mỗi giấc chỉ ngắn thôi. Tôi làm điều này bằng cách luôn gối đầu lên một cành mảnh, chẳng bao lâu cành sẽ gãy và đánh thức tôi. Cứ thế tôi nằm, ngủ hay thức, mơ hay thầm hát cho mình. Lúc đầu, thời gian trôi yên bình; có lẽ, ở cái chốn nơi dưỡng chất xuất hiện, chưa ai phát hiện tôi đang nằm đây chống lại vận động thông thường của vạn vật; nên tất cả đều im lìm. Những nỗ lực của tôi bị quấy nhiễu đôi chút bởi nỗi sợ những chó khác sẽ thấy vắng tôi, sớm muộn rồi sẽ tìm ra tôi và làm những biện pháp cản trở tôi. Nỗi sợ thứ hai của tôi là mặt đất, dù khoa học đã tuyên bố đây là khu vực không màu mỡ, vẫn có thể đáp lại hành động cấp nước đơn thuần mà tạo ra thứ mà ta gọi là dưỡng chất ngẫu nhiên, và mùi của nó có thể cám dỗ tôi. Nhưng trước mắt, không có chuyện gì như vậy xảy ra cả, tôi cứ tiếp tục nhịn ăn. Ngoài những nỗi sợ đó, ban đầu tôi bình thản hơn tôi nhớ mình có bao giờ được như vậy. Dù việc tôi làm thực sự là nỗ lực đánh đổ khoa học, tôi lại cảm thấy một sự mãn nguyện sâu sắc cùng một cảm giác như nỗi thanh thản trong truyền thuyết của người làm khoa học. Trong mộng tưởng của mình, tôi có được sự tha thứ của khoa học, trong đó cuối cùng cũng có chỗ cho những nghiên cứu của tôi; một giọng nói vỗ về dường như vang trong tai tôi, an ủi tôi rằng cho dù những nghiên cứu của tôi có thành công vang dội, và thực sự nhất là nếu như vậy, thì tôi cũng không đời nào lạc trôi xa khỏi đời chó; khoa học khoan thứ cho tôi, bản thân nó sẽ nhận lãnh việc lý giải các phát hiện của tôi, và lời hứa ấy thôi cũng coi như hoàn tất rồi; nếu cho đến nay, tôi cảm thấy sâu xa trong mình rằng mình là kẻ bị ruồng bỏ, và cắm đầu tìm cách húc đổ tòa thành của dân mình như một kẻ dã man, thì giờ tôi sẽ được chào đón với lòng tôn kính, dòng hơi ấm thèm khát bấy lâu của những thân thể quấn lấy tôi, giữa những hò reo vang dội, tôi sẽ được mang đi trên vai dân mình. Hiệu quả kỳ quái lần đầu tôi nhịn ăn. Thành tựu đối với tôi có vẻ to lớn đến mức, tôi bắt đầu khóc giữa những bụi rậm lặng lờ vì xúc động và tủi thân, việc này tôi thú thật là không hoàn toàn hiểu được, bởi nếu tôi đang trông đợi thành quả xứng đáng cho mình, sao tôi lại khóc? Có lẽ chỉ vì mãn nguyện. Chuyện tôi khóc chưa bao giờ được tán thành. Chỉ khi mãn nguyện thì tôi mới khóc, mà tôi ít khi như thế. Nhưng vào lần đó, sự mãn nguyện của tôi đã chóng qua đi. Những mộng đẹp của tôi lần lượt mất tăm trước cơn đói ngày một khẩn thiết; chẳng bao lâu thì tôi phải đột ngột từ biệt mọi ảo tượng và xúc cảm của mình, để nhận ra chỉ còn mình đây với cơn đói thiêu đốt lòng dạ. “Cơn đói đấy,” tôi nhắc mình vô số lần, như thể muốn thuyết phục bản thân rằng cơn đói và tôi là hai thực thể riêng biệt, và tôi có thể rũ bỏ nó như một tình nhân mắc mệt; nhưng trong thực tế, nó với tôi là một thể thống nhất đau đớn, và khi tôi tự nhủ: “Cơn đói đấy” thì thực tình chính cơn đói đang nói, và nói trong sự móc mỉa tôi. Cái giai đoạn tệ hại, tệ hại vô chừng! Tôi vẫn rùng mình khi nghĩ đến nó, và không chỉ vì những khổ sở mà tôi đã phải chịu đựng mà trên hết là vì vào lần đó, tôi đã không thể đẩy nó đến kết luận, bởi tôi sẽ phải trải qua cảnh khổ sở này một lần nữa nếu tôi muốn đạt được gì đó; bởi hôm nay, tôi vẫn xem nhịn ăn là phương tiện quyền năng và tuyệt đỉnh cho nghiên cứu của mình. Con đường tôi cần đi, phải đi qua cơn đói; cảnh giới cao nhất chỉ có thể đạt được, đấy là nếu có thể đạt được, bằng nỗ lực cao nhất, và trong trường hợp chúng ta, nỗ lực cao nhất là tình nguyện chịu đói. Nên khi tôi nghĩ về giai đoạn đó – và tôi thấy vui vô cùng khi nghiền ngẫm về nó – tôi cũng nghĩ về giai đoạn đáng sợ sắp tới. Có vẻ phải mất gần hết cả đời mới có thể phục hồi từ một thí nghiệm như thế; tất cả những năm tháng trai tráng nằm giữa tôi và lần nhịn ăn đó, nhưng tôi vẫn chưa hồi phục. Khi tôi bắt đầu nhịn ăn lần sau, có lẽ tôi sẽ quyết tâm hơn trước, nhưng năng lực thể chất tôi giờ đây đã yếu ớt, vẫn còn hư hao từ lần nhịn ăn đó, nên tôi sẽ lại suy nhược khi những kinh hoàng quen thuộc kia nhích tới. Sự thèm ăn nay đã giảm bớt của tôi chẳng giúp được gì, chỉ tổ giảm thêm một chút giá trị nỗ lực và có lẽ cũng buộc tôi phải nhịn ăn lâu hơn thời gian mà tôi đáng ra chỉ cần thực hiện trong lần đầu. Về những điều kiện này và những điều kiện khác, tôi nghĩ mình ý thức được rất rõ ràng; suốt những năm dài nằm giữa, chẳng thiếu những lần gắng gượng, nhiều lần tôi đã đúng nghĩa bập răng vào nhịn ăn, nhưng còn chưa đủ mạnh mẽ để đi đến cùng, và tất nhiên cái tinh thần công kích ngây thơ của tuổi trẻ đã mãi không còn. Nó đã biến mất trong lần nhịn ăn đầu tiên đó. Nhiều suy ngẫm đủ loại đã dày vò tôi. Cha ông ta đã hiện ra đầy đe dọa trước mắt tôi. Dù chẳng dám nói thẳng, tôi phải thú thật là tôi xem họ chịu trách nhiệm trước tất cả mọi thứ; chính họ mang tội đưa đến đời chó của chúng ta, nên tôi dễ dàng đáp trả những đe dọa của họ bằng đe dọa của mình, nhưng trước tri thức của họ, tôi phải nghiêng mình, nó đến từ nơi mà nay chúng ta không còn biết nữa và vì lẽ đó, dù tôi rất nóng lòng muốn chống đối họ, tôi sẽ chẳng bao giờ thực sự phạm luật của họ, tôi chỉ lách ra qua những lỗ hổng trong luật của họ, mũi tôi nhạy với mấy thứ này lắm. Về chuyện nhịn ăn, quan điểm của tôi dựa trên cuộc đối thoại nổi tiếng, khi một trong các hiền triết của chúng ta trình bày dự định cấm nhịn ăn, một hiền triết thứ hai mới khuyên giải ông ta đổi ý bằng cách hỏi: “Nhưng ai mà đi nghĩ đến chuyện nhịn ăn chứ?” và hiền triết thứ nhất chịu bị thuyết phục và rút lại lệnh cấm. Nhưng giờ câu hỏi xưa lại hiện lên: “Vậy rốt cuộc không phải nhịn ăn bị cấm sao?” Đa số các nhà bình luận đều phủ nhận điều này và xem nhịn ăn là chuyện được phép tự do thực hiện; họ cũng đồng ý với hiền triết thứ hai, và do đó họ không sợ hậu quả xấu nào dù cách diễn giải này có thể sai. Tôi đương nhiên đã xác nhận kỹ điểm này trước khi bắt đầu nhịn ăn. Nhưng giờ đây khi tôi đang vặn xoắn trong những dày vò của cơn đói, tinh thần đã kịp rối ren của tôi tìm sự an ủi nơi hai chân sau, trong tuyệt vọng tôi liếm chúng quyết liệt, gặm chúng và mút chúng lên đến tận mông, thì lý giải được chấp nhận rộng rãi kia tôi lại thấy sai bét; tôi nguyền rủa khoa học của những nhà bình luận, tôi nguyền rủa bản thân đã để nó dẫn đi lệch hướng; bởi trong đoạn đối thoại kia, như bất kỳ đứa trẻ đói nào cũng có thể nhận ra, rõ ràng không chỉ có một lệnh cấm nhịn ăn; hiền triết thứ nhất muốn cấm nhịn ăn, và khi một hiền triết muốn gì là điều đó đã được thực hiện, nên nhịn ăn đã bị cấm; hiền triết thứ hai không chỉ đồng tình với hiền triết thứ nhất, mà thực sự còn cho rằng nhịn ăn là chuyện bất khả thi, tức là, ông ta chất lên lệnh cấm thứ nhất một lệnh cấm thứ hai do bản chất của loài chó áp đặt; hiền triết đầu tiên đồng tình và rút lại lệnh cấm công khai kia, nói cách khác ông ta ra lệnh cho tất cả mọi chó, sau khi vấn đề này đã được minh định, dùng trí xét đoán của mình và tự cấm mình nhịn ăn. Nên đây là lệnh cấm nhân ba chứ không chỉ một cái, và tôi đã vi phạm nó. Tới điểm này, chí ít tôi cũng có thể tuân lệnh, dù muộn màng, và dừng nhịn ăn, nhưng qua bao nhiêu đau đớn, tôi vẫn cảm thấy sự cám dỗ của việc tiếp tục chịu đói, và tôi tham lam đi theo nó như bám theo chó lạ. Tôi không thể ngừng, và dù sao tới lúc đó có lẽ tôi đã quá yếu đến mức không thể đứng dậy và tìm sự an toàn nơi những vùng có dân cư. Tôi lật qua lật lại trên thảm lá rụng, tôi không ngủ được nữa, phía nào tôi cũng nghe thấy toàn tiếng ồn; thế giới, vốn ngủ yên trong phần đời trước của tôi, có vẻ đã bị cơn đói của tôi đánh thức; tôi bắt đầu tưởng tượng tôi sẽ không bao giờ ăn lại được nữa, vì tôi sẽ phải tắt đi những ồn ào xa lạ của thế giới này một lần nữa, và đó là điều tôi sẽ không bao giờ làm được; nhưng tiếng ồn lớn nhất mà tôi nghe được là từ bụng mình, tôi thường áp tai lên bụng và hẳn là tôi trông rất khiếp sợ, vì tôi chẳng tin nổi những gì mình nghe được. Và giờ mọi thứ dần trở nên không thể kham nổi, bản chất của tôi có vẻ bị kẹt trong cơn cuồng điên và làm những nỗ lực man dại nhất để bảo tồn chính nó; tôi bắt đầu ngửi thấy thức ăn, những món ngon mà mình đã quên từ đâu, những thức quà thơ ấu; ừ, tôi còn ngửi thấy mùi thơm đầu vú mẹ; tôi quên bẵng quyết tâm kháng cự tất cả các mùi, hay đúng hơn tôi không quên; khi tôi lê lết các phía, không bao giờ quá vài thước, để đánh hơi, tôi vẫn nhớ đinh ninh quyết tâm này như thể nó nhất quán với những gì mình đang làm, như thể tôi chỉ đang tìm kiếm thức ăn để dè chừng nó. Việc tôi chẳng tìm thấy gì không làm tôi thất vọng; thức ăn phải ở đó, luôn cách ta chỉ vài bước, chân của tôi không đủ sức đưa tôi đến đó. Nhưng đồng thời, tôi biết rõ ở đó chẳng có gì, và tôi đi thám hiểm chút đỉnh như vậy đơn giản là vì tôi không muốn đổ gục ở một nơi mà tôi sẽ không bao giờ rời đi được. Những hy vọng cuối cùng của tôi đã tàn, những cám dỗ cuối cùng tan biến; chỉ có cái kết khốn khổ đợi tôi nơi đây; những nghiên cứu của tôi, những nỗ lực trẻ con từ những tháng ngày hạnh phúc trẻ con, có ích gì? – điều đối diện tôi ngay tại đây và ngay lúc này mới là thành thực, đây là nơi nghiên cứu của tôi có thể minh chứng giá trị của mình, nhưng nó đã đi đâu rồi? Nơi đây chỉ có một con chó bơ vơ táp vào không trung, một con chó vẫn từng đợt vội vã co giật cấp nước cho đất mà không hề hay biết, nhưng không thể nhớ một đoạn nào từ cả đống thần chú, thậm chí từ bài đồng dao ngắn ngủn mà chó mới sinh hay bi bô khi nấp dưới người mẹ. Tôi cảm thấy ở đây mình bị chia cắt với anh em mình, không chỉ bằng một khoảng cách ngắn ngủi, mà là xa cách nghìn trùng với tất cả mọi chó, và như thể tôi sẽ chết, không phải vì đói, mà vì bị ruồng bỏ. Bởi rõ ràng chẳng ai quan tâm đến tôi, không ai dưới mặt đất này, trên mặt đất này, cao bên trên mặt đất này; tôi đang bị sự thờ ơ của họ hủy hoại; sự thờ ơ của họ bảo: “Hắn hấp hối”, và chuyện sẽ như thế. Và không phải tôi đã chuẩn y hay sao? Không phải tôi đã nói y như vậy à? Không phải tôi đã ước rằng mình bị ruồng bỏ như thế à? Đúng, anh em tôi ơi, nhưng không phải để bỏ xác ở đây như thế này; mà là để đạt tới chân lý, để thoát ra khỏi thế giới giả dối này, nơi không còn ai để ta lĩnh hội chân lý từ kẻ đó, ngay cả bản thân tôi, bởi tôi cũng là dân gốc của vương quốc giả dối. Có lẽ chân lý không còn quá xa vời, vì vậy tôi không bị ruồng bỏ nhiều như tôi nghĩ; có lẽ tôi bị ruồng bỏ không phải bởi kẻ khác mà bởi chính mình, chính thất bại và cơn hấp hối của mình. Nhưng ta không chết dễ dàng như một con chó lo nghĩ thường tưởng tượng. Tôi chỉ xỉu, và khi tôi tỉnh dậy và mở mắt, một chó săn lạ mặt đang đứng cạnh tôi. Tôi không còn thấy đói, tôi tràn đầy sức mạnh, theo tôi thấy, bước chân mình hẳn sẽ tung tăng lắm, dù tôi không cố đứng dậy để thử. Thị lực tôi cũng không khá hơn bình thường là mấy; tôi thấy một con chó đẹp nhưng không có gì đáng gọi là phi thường đứng trước tôi, đó là tất cả những gì tôi thấy, nhưng có vẻ tôi nhìn thấy một điều gì đó hơn nữa ở anh ta. Phía dưới tôi có chút máu, thoáng chốc tôi đã tưởng đó là thức ăn, nhưng tôi nhận ra ngay đó là máu mà tôi mửa ra. Tôi quay đi và nhìn chó lạ. Anh ta gầy mà chắc, chân dài, lông màu nâu rải rác đốm trắng, cùng một ánh mắt sắc bén, mạnh mẽ, và mãnh liệt. “Anh đang làm gì ở đây?” anh ta hỏi. “Anh phải ra khỏi đây.” “Tôi không đi ngay bây giờ được,” tôi nói mà không giải thích gì thêm, làm sao mà tôi giải thích cho anh được, mà anh ta dù sao cũng có vẻ đang vội. “Xin anh đi ngay cho,” anh ta vừa nói vừa nhấc từng chân một một cách bồn chồn. “Để tôi yên,” tôi đáp, “anh cứ đi và khỏi lo đến tôi, kẻ khác cũng có lo gì tôi đâu.” “Tôi kêu anh đi là để tốt cho anh,” anh ta nói. “Anh có lý do gì cũng mặc,” tôi đáp, “tôi không thể đi dù tôi có muốn.” “Chuyện đó chẳng phải lo,” anh ta đáp kèm một nụ cười, “anh có thể đi được tốt. Chỉ là vì anh có vẻ yếu nên tôi xin anh hãy đi chầm chậm ngay từ giờ, kẻo nấn ná là lát nữa anh sẽ phải chạy đấy.” “Đấy là chuyện của tôi,” tôi nói. “Cũng là chuyện của tôi,” anh ta đáp, đượm buồn vì sự ương ngạnh của tôi, nhưng rõ ràng đã quyết để tôi ở lại trong lúc này, đồng thời vẫn tìm cơ hội chào hỏi thân tình. Vào lúc khác thì tôi sẵn lòng nhận lời chào từ một chó khôi ngô như thế, nhưng vào lúc này, chẳng biết sao mà tôi thấy ý tưởng đó làm mình kinh hãi; “cút đi!” tôi thét lên thật to bởi tôi không còn cách nào khác để tự vệ. “Được rồi, tôi sẽ để anh được yên,” anh ta nói, chầm chậm lùi lại. “Anh đúng là kỳ lạ. Anh không ưa tôi à?” “Tôi mong anh hãy đi đi và để tôi được yên,” tôi đáp, nhưng tôi không còn chắc nữa vì tôi muốn làm anh ta suy nghĩ. Có gì đó ở anh ta mà các giác quan của tôi, nay nhờ nhịn ăn mà nhạy bén, dường như thấy hay nghe được; đó chỉ mới là bắt đầu, thứ đó lớn dần, đến gần hơn, và rồi tôi đã biết: chó này thật sự có năng lực khiến ta rời đi, ngay cả khi ta không tưởng ra nổi mình làm sao đứng dậy. Và tôi nhìn chằm chằm anh ta – anh ta chỉ khẽ lắc đầu trước câu trả lời khó nghe của tôi – với thèm khát ngày càng dâng cao. “Anh là ai?” tôi hỏi. “Tôi là thợ săn,” anh ta đáp. “Sao anh không để tôi ở yên đây?” tôi hỏi. “Anh làm phiền tôi,” anh ta đáp, “tôi không săn được nếu anh cứ ở đây.” “Cố lên,” tôi đáp, “chắc anh vẫn săn được đấy.” “Không,” anh ta đáp, “tôi xin lỗi, nhưng anh phải đi.” “Hôm nay nghỉ săn một hôm đi,” tôi khẩn cầu. “Không,” anh ta đáp, “tôi phải săn.” “Tôi phải đi, anh phải săn,” tôi nói, “chỉ toàn là phải này phải nọ. Anh có hiểu vì sao chúng ta phải làm việc này việc nọ không?” “Không,” anh ta đáp, “nhưng chuyện đó không có gì cần hiểu cả, đó là những thứ cố nhiên, mặc định.” “Nhưng không,” tôi nói, “anh thấy có lỗi vì phải đuổi tôi đi nhưng anh vẫn làm vậy.” “Vậy đấy,” anh ta nói. “Vậy đấy,” tôi lặp lại cáu kỉnh, “đấy không phải lời đáp. Vậy cái nào anh thấy dễ từ bỏ hơn, từ bỏ đi săn hay từ bỏ đuổi tôi đi?” “Từ bỏ đi săn,” anh ta nói không chút ngập ngừng. “Đấy thấy chưa,” tôi nói, “ở đây có một mâu thuẫn.” “Mâu thuẫn gì chứ?” anh ta nói. “Anh chó nhỏ của tôi ơi, anh thực sự không hiểu là tôi phải làm vậy sao? Anh không hiểu một điều cố nhiên sao?” Tôi chẳng buồn đáp, bởi tôi nhận thấy – một sức sống mới chảy tràn trong tôi, một sức sống sinh ra từ kinh hãi – tôi nhận thấy từ những chi tiết mờ nhạt nhất, những chi tiết có lẽ chẳng ai ngoài tôi có thể nhận thấy, rằng chó săn kia sắp từ lồng ngực rống lên một khúc hát. “Anh sắp hát,” tôi nói. “Ừ,” anh ta nghiêm giọng đáp, “tôi sắp hát, sắp, nhưng chưa.” “Anh đã bắt đầu rồi dù anh đang phủ nhận nó,” tôi run rẩy đáp. Anh ta không nói gì nữa. Đến lúc này tôi nghĩ mình đã nhìn ra một thứ mà không chó nào trước tôi từng gặp, chí ít chẳng có dấu vết gì về nó trong truyền thống của chúng ta, và với sự xấu hổ cùng sợ hãi cùng cực, tôi nhanh nhảu vục đầu mình vào vũng máu trước mặt. Cái tôi nghĩ mình nhìn ra là chó săn kia đã bắt đầu hát mà không nhận ra chuyện đó, không, còn hơn nữa, giai điệu kia, tách biệt khỏi anh ta, lơ lửng trong không trung tuân theo luật của chính nó, và, như thể anh ta chẳng liên quan gì đến giai điệu đó, nó đang nhắm vào tôi, chỉ tôi mà thôi. Tất nhiên, hôm nay, tôi phủ nhận mọi cảm nhận đó, và quy chúng cho tình trạng kích động quá mức của tôi lúc đó, nhưng cho dù tất cả chuyện đó đều chỉ là sai lầm, không có nghĩa là nó không khoác một vẻ lớn lao nhất định; đó vẫn là thực tế duy nhất, dù huyễn hoặc, mà tôi mang về thế giới này từ lần nhịn ăn của mình, và ít nhất cho thấy chúng ta có thể đi xa đến đâu khi ở trong trạng thái không còn tự chủ. Bởi tôi thực sự đã hoàn toàn mất tự chủ. Trong những hoàn cảnh thông thường, tôi hẳn đã bệnh rất nặng, chẳng di chuyển được, nhưng giai điệu mà chó săn kia dường như nhanh chóng nhận là của mình, thật khó cưỡng. Nó cứ mạnh lên; sức mạnh lớn dần của nó dường như không có giới hạn, chưa chi đã suýt đánh thủng cả màng nhĩ tôi. Nhưng điều tệ nhất là có vẻ nó chỉ tồn tại vì tôi mà thôi, giọng hát oai linh khiến rừng thẳm phải im lặng, tồn tại chỉ vì tôi; tôi là ai mà dám nán lại đây, phơi mình trong vũng máu tanh nhơ bẩn của mình? Với bốn chân run rẩy, tôi gượng dậy và nhìn xuống mình; thân thể này sẽ không bao giờ chạy nổi, tôi vừa thoáng nghĩ, thì thình lình tôi bật những bước chạy hùng dũng nhất với giai điệu đuổi sát gót mình. Tôi chẳng nói gì với bạn bè mình; khi đến gặp họ lần đầu, chắc lẽ ra tôi nên kể hết cho họ nghe, nhưng tôi yếu quá nên không làm được, sau đó dường như nó trở thành một chuyện không thể truyền đạt được. Những gợi ý mà tôi không kìm mình nổi cứ đưa vào đây đó dường như lạc mất trong những tán gẫu thường tình. Ngoài ra, về thể chất, tôi chỉ mất vài giờ để hồi phục, nhưng về tinh thần, ảnh hưởng với tôi vẫn còn đến hôm nay.

Nhưng giờ đây tôi đã mở rộng nghiên cứu sang lĩnh vực khuyển nhạc. Hiển nhiên, khoa học trong lĩnh vực này cũng chẳng ngồi không; nếu tôi biết không nhầm thì khoa học về âm nhạc có thể thậm chí còn toàn diện hơn khoa học về dưỡng chất và chắc chắn có nền tảng vững chắc hơn. Điều này có thể được lý giải qua việc ta có thể làm việc một cách khách quan trong lĩnh vực đầu còn lĩnh vực sau thì không, thêm nữa trong khi ở lĩnh vực âm nhạc, mọi thứ chỉ đơn giản là quan sát và hệ thống hóa, thì trong lĩnh vực dưỡng chất, mục tiêu chính là rút ra được những kết luận thực tiễn. Liên quan đến vấn đề này còn có chuyện khoa học về âm nhạc thường được coi trọng hơn khoa học về dưỡng chất, nhưng lại chưa bao giờ thâm nhập quá sâu vào đời sống dân ta. Cả tôi cũng từng thấy khoa học về âm nhạc xa lạ hơn các nhánh khoa học khác, cho đến khi tôi nghe thấy giọng hát trong rừng. Đúng là trải nghiệm của tôi với các chó nhạc công đã khiến tôi chú ý đến âm nhạc, nhưng khi đó tôi còn trẻ quá; vả lại ngay cả việc tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu này cũng chẳng hề dễ dàng; nó được xem như một môn cực kỳ khó và với vẻ cao kỳ nó xa rời quần chúng. Ngoài ra, dù thoạt đầu âm nhạc có vẻ là thứ nổi bật nhất về số chó kia, tôi thấy âm nhạc không quan trọng bằng bản chất kín đáo của họ; tôi cho là mình không tài nào tìm được thứ gì xứng tầm nhạc phẩm kinh khủng của họ nên không nghĩ đến nó nữa cũng là chuyện đương nhiên, nhưng từ lúc đó trở đi, tôi liên tục phát hiện bản chất kín đáo của họ trong khắp mọi chó ở khắp nơi. Tuy nhiên, để thâm nhập vào bản chất của loài chó, tôi lại cho rằng nghiên cứu dưỡng chất dường như là lựa chọn phù hợp nhất, nhiều khả năng sẽ dẫn trực tiếp đến mục tiêu. Có thể tôi đã sai ở đó. Hẳn phải có một vùng giao nhau giữa hai ngành khoa học đã khuấy động hoài nghi của tôi ngay từ thời điểm đó. Tôi đã nhắc đến học thuyết bài hát gọi dưỡng chất từ trên không. Đến đây tôi lại gặp bất lợi lớn là chưa từng nắm vững khoa học về âm nhạc, nên về mặt này, còn lâu tôi mới có thể xếp mình dù chỉ vào hạng những kẻ ăn học nửa mùa mà các nhà khoa học luôn đặc biệt khinh rẻ. Tôi tuyệt đối luôn phải nằm lòng điều này. Trước một nhà khoa học uyên bác, tôi sẽ thể hiện rất tệ hại dù chỉ trong một bài kiểm tra đơn giản nhất, tôi có cả bằng chứng đáng hổ thẹn để trình ra đây. Lý do cho việc này, ngoài các hoàn cảnh kể trên trong cuộc sống của tôi, tất nhiên chủ yếu nằm ở sự thiếu năng lực khoa học, khả năng tư duy hạn chế, trí nhớ kém, và hơn hết là việc tôi không có khả năng liên tục nhắm đến mục tiêu khoa học. Tôi thẳng thắn thừa nhận tất cả chuyện này, thậm chí còn cảm thấy chút vui sướng. Vì với tôi, lý do sâu xa hơn cho sự thiếu năng lực khoa học của tôi có vẻ là bản năng, và quả thực đó không hề là một bản năng xấu. Nếu muốn nói khoác thì tôi sẽ bảo rằng chính cái bản năng này đã phá hủy năng lực khoa học của mình, vì hẳn là kỳ lạ khi tôi, một kẻ có trí khôn kha khá về những khía cạnh thường tình của đời sống, là những thứ tất nhiên không phải là quá đơn giản, và trên hết là một kẻ đã – như các kết quả của tôi có thể chứng minh – chí ít hiểu rất rõ các nhà khoa học, nếu không phải là khoa học, mà lại ngay từ đầu không có năng lực đặt chân lên dù chỉ bậc thang tri thức khoa học đầu tiên. Bản năng mà tôi nói đến là bản năng đã thôi thúc tôi – có lẽ chính vì khoa học, dù là một ngành khoa học khác với cái người ta thực hành hôm nay, vì một ngành khoa học đỉnh cao nhất – đặt tự do lên trên mọi thứ khác. Tự do! Tất nhiên, cái tự do khả dĩ ngày nay là một sự phát triển nghèo nàn và còi cọc. Nhưng dù sao cũng là tự do, dù sao cũng là tài sản.

Miên Túc dịch

(Dịch từ bản tiếng Anh “Investigations of a Dog” của Malcolm Pasley, có tham khảo nguyên tác tiếng Đức trên trang Forschungen eines Hundes – Wikisource, bản dịch tiếng Anh của Willa và Edwin Muir, 1946, và bản của Joyce Crick, 2012.)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*