
(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)
Ferdinand von Schirach (1964) là nhà văn và luật sư người Đức được coi là “ngôi sao nổi tiếng thế giới của văn chương Đức”. Bắt đầu viết truyện ngắn khi 45 tuổi, ông nhanh chóng trở thành tác giả bán chạy ở Đức. Tác phẩm của ông đã được dịch ra 40 thứ tiếng trên thế giới và bán được hàng triệu bản.
Vở kịch Khủng bố được diễn lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2015 ở Deutsches Theater ở Berlin và Schauspiel Frankfurt. Nó đã được dàn dựng khắp nơi trên thế giới: Áo, Đan Mạch, Hungary, Nhật Bản, Ba Lan, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Venezula, Trung Quốc, Hy Lạp, Israel, Ý, Hà Lan, Slovenia, Thụy Điển, Séc.
Download toàn văn vở kịch: PDF || Kindle || Epub
Diễn đọc và thảo luận về vở kịch tại Viện Goethe Hà Nội, 4-8-2022:
HỒI MỘT
Chủ tọa bước ra trước tấm màn sân khấu khép kín. Ông mặc một bộ vét sẫm màu, áo sơ mi trắng và đeo cà vạt trắng. Chiếc áo choàng thụng được vắt qua tay. Ông nói trực tiếp xuống khán giả.
CHỦ TỌA
Chào quý vị. Tôi rất vui vì quý vị đã có thể đến đúng giờ. Đúng là ở đây thật khó tìm chỗ đậu xe và tòa nhà này được xây dựng hơi ngóc ngách… Nhưng thật tuyệt là quý vị đã có mặt đúng giờ. Trước khi bắt đầu, tôi yêu cầu quý vị hãy quên tất cả những điều quý vị đã nghe hay đọc về vụ án này. Quả thật, phải quên tất cả. Chính quý vị được mời tới đây để xét xử, quý vị là những hội thẩm viên, là bồi thẩm đoàn sẽ phán xét bị cáo Lars Koch hôm nay. Luật pháp cho quý vị quyền được quyết định số phận của một con người. Quý vị hãy thực hiện trách nhiệm này một cách nghiêm túc. Quý vị sẽ chỉ xét đoán dựa trên những gì quý vị nghe thấy trong phiên xét xử này. Dân luật gia chúng tôi gọi đó là “bằng chứng thu được từ trong chính phiên tòa”. Nghĩa là: Chỉ những gì mà bị cáo, nhân chứng, đồng nguyên đơn và giám định viên trình bày tại phiên tòa này, chỉ những bằng chứng mà chúng ta xác minh, thu thập ở đây mới là cơ sở cho phán quyết của quý vị. Vào cuối phiên xử, quý vị sẽ phải bỏ phiếu và tôi sẽ tuyên bố phán quyết của quý vị.
Trong phiên xử, chúng ta sẽ diễn lại hành vi phạm pháp, và tòa án là sân khấu. Tất nhiên, chúng ta không trình diễn một vở kịch, bởi vì chúng ta đâu phải là diễn viên. Chúng ta diễn lại hành vi trên đây bằng ngôn ngữ, đây là cách để chúng ta nắm bắt sự kiện. Điều này từ lâu đã được sử dụng một cách hiệu quả. Nhiều trăm năm trước, các thẩm phán đã gặp nhau tại một địa điểm đặc biệt, được coi là linh thiêng và gọi là “Thing”[1]. Thời đó, phán quyết tòa án có nghĩa là tạo lại sự ổn định cho một tình trạng bất ổn. Khi một tai họa xảy ra – chẳng hạn như cuộc tấn công của một bộ tộc lạ –, thì tại địa điểm này những câu hỏi sau luôn được đặt ra: Trong cuộc tấn công, người phụ nữ nào đã bị cưỡng hiếp? Những căn lều nào đã bị đốt cháy? Những người đàn ông nào đã bị giết? Tổ tiên của chúng ta biết rằng, làm như thế sự kinh hoàng của cái ác có thể sẽ mất đi. Liệu ngày nay chúng ta còn có thể thành công với cách này không? – Tôi không chắc. Nhưng chúng ta phải thử. Với thẩm phán thì không có khái niệm thiện ác. Phán quyết của thẩm phán không phải là chuyện luận phạt xuống địa ngục hay nguyền rủa đời đời, mà là tha bổng, án tù hay câu lưu.
Vì vậy, quý vị hãy cân nhắc khi phán xét. Và đặc biệt hãy nhớ cho: ngồi trước mặt quý vị là một con người; người này cũng có những ước mơ, những nhu cầu, cũng nỗ lực để có được hạnh phúc, như quý vị. Thế nên, quý vị hãy giữ lấy tính người khi phán xét.
Giờ thì tôi rất muốn có thể bắt đầu, nhưng chúng ta vẫn phải đợi luật sư bào chữa – ông ấy đến muộn.
Từ phía sau, viên cảnh sát tư pháp bước tới bên chủ tọa, nói nhỏ với ông điều gì đó. Chủ tọa gật đầu. Cảnh sát tư pháp rời sân khấu.
CHỦ TỌA
Tôi vừa được biết, luật sư bào chữa đã tới. Vậy thì, chúng ta hãy bắt đầu thôi.
Chủ tọa rời sân khấu, khoác tấm áo choàng thụng vào người trong khi bước đi.
—–
Một phòng xử án. Ở giữa là bàn thẩm phán, thư ký tòa án ngồi bên phải, chiếc ghế chủ tọa còn trống. Công tố viên ngồi bên trái, dưới một cửa sổ, và bên cạnh, ngồi sâu hơn một chút là đồng nguyên đơn, bên phải là luật sư bào chữa. Bị cáo ngồi trong một buồng giam phía sau luật sư bào chữa. Ở giữa, trước bàn thẩm phán, có đặt một cái bàn và một cái ghế cho nhân chứng. Cảnh sát tư pháp ngồi trên một ghế đẩu bên cạnh cửa. Công tố viên và thư ký tòa án mặc áo choàng thụng đen, sơ mi trắng và quàng khăn cổ màu trắng. Bị cáo xuất hiện trong quân phục không quân. Cảnh sát tư pháp mặc đồng phục của nhân viên tư pháp Bang Berlin. Luật sư biện hộ không khoác áo choàng thụng. Chủ tọa bước vào phòng xử án qua một cánh cửa hẹp đằng sau bàn thẩm phán. Khi chủ tọa bước vào tất cả mọi người trên sân khấu đứng lên.
CHỦ TỌA
Đứng.
Tôi tuyên bố khai mạc phiên xử số 16 phòng đại hình sự, tòa đại hình. Mời quý vị ngồi xuống.
Chủ tọa ngồi xuống, những người khác cũng lần lượt ngồi xuống. Chủ tọa đợi cho tới khi không còn tiếng động.
CHỦ TỌA
Cho phần biên bản, tôi tuyên bố: Đại diện viện công tố là bà công tố viên Nelson và người bào chữa là ông luật sư Biegler.
Bị cáo là ông thiếu tá Koch được đưa đến từ trại tạm giam. Tòa án đảm nhận việc mời triệu tập quý vị tới phiên xử ngày hôm nay. Thông tin ban đầu là như vậy. Quý vị có câu hỏi hay kiến nghị gì không?
Công tố viên và luật sư bào chữa lắc đầu.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Tôi rất muốn ông Koch có thể ngồi cạnh tôi.
CHỦ TỌA
Được, không có lo ngại nào về an ninh cả.
Quay sang cảnh sát tư pháp.
Ông cảnh sát, xin nhờ ông…
Cảnh sát tư pháp mở cửa buồng giam. Bị cáo bước ra và ngồi cạnh người bào chữa.
CHỦ TỌA
Nói với bị cáo.
Chào ông Koch. Bây giờ tôi sẽ lấy các thông tin cá nhân của ông. Tên gọi của ông là gì?
BỊ CÁO
Lars.
CHỦ TỌA
Ông sinh ngày tháng năm nào?
BỊ CÁO
Ngày14 tháng 3 năm 1982. Năm nay tôi 31 tuổi.
CHỦ TỌA
Ông đã có gia đình chưa?
BỊ CÁO
Rồi.
CHỦ TỌA
Ông có con trong giá thú hay ngoài giá thú không?
BỊ CÁO
Một con trai tên là Boris. Cháu hai tuổi. Không có con ngoài giá thú.
CHỦ TỌA
Ông sống ở Berlin?
BỊ CÁO
Số 56 Amselweg tại Steglitz.
CHỦ TỌA
Ông Koch, ông là thiếu tá không quân. Hiện nay ông đang ở trong trại tạm giam và bị miễn nhiệm. Điều này có đúng không?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Chủ của thân chủ tôi, Quân đội Liên bang, đang chờ đợi kết luận cuối cùng của phiên tòa này.
CHỦ TỌA
Cảm ơn ông.
Quay sang thư ký tòa án.
Thông tin cá nhân như bút lục 159, quyển 1 Hồ sơ chính.
Thư ký tòa án viết các thông tin cá nhân vào.
CHỦ TỌA
Có câu hỏi nào từ phía những người tham gia tố tụng[2] đối với các thông tin cá nhân của bị cáo không?
Công tố viên và luật sư bào chữa lắc đầu.
CHỦ TỌA
Được rồi. Nếu không còn kiến nghị hay câu hỏi nào nữa, mời bà công tố viên tuyên đọc bản cáo trạng.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Chúng ta có thể mở một cửa sổ không? Không khí trong phòng ngột ngạt quá.
CHỦ TỌA
Đúng đấy. Trở ngại này chúng tôi đã gặp phải từ nhiều ngày rồi. Bên quản lý tòa nhà cho biết, hệ thống thông khí bị hỏng. Nhưng nếu chúng ta mở cửa sổ thì sẽ rất ồn.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Tiếng ồn từ ngoài đường ư?
CHỦ TỌA
Ồn đến nỗi người ta không thể nghe được tiếng của mình nữa.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Tôi cảm thấy thế này đã là khó rồi.
CHỦ TỌA
Xin lỗi, gì cơ?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Không có gì.
CHỦ TỌA
Nhưng mà ông có thể choàng áo khoác thụng vào, thưa luật sư Biegler.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
À. Tên bịp bợm. Tôi đã quên khuấy đi mất.
CHỦ TỌA
Tên bịp bợm? Tôi không hiểu ý luật sư.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Cái áo choàng thụng… Chủ tọa biết rồi đó. Năm 1726 vua Friedrich Wilhelm I đã ra lệnh cho các luật sư phải mặc áo choàng thụng sẫm màu. Chính xác thì nhà vua nói: “Để người ta có thể nhận ra những tay bịp bợm từ xa mà cảnh giác.”
CHỦ TỌA
À há.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Có thể thông cảm cho vị vua già đó. Đúng là thường rất khó có thể chịu đựng nổi các đồng nghiệp.
CHỦ TỌA
Được rồi. Luật sư Biegler, ông đã sẵn sàng chưa?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Rồi.
CHỦ TỌA
Vậy thì, thưa bà công tố viên, mời bà đọc bản cáo trạng.
CÔNG TỐ VIÊN
Đứng lên.
Lars Koch, thông tin cá nhân như vừa nêu, theo Khoản 1 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 154 Giới hạn xét xử, vào ngày 26 tháng 5 năm 2013 đã giết chết 164 người bên trên địa phận làng Oberappersdorf bằng phương tiện gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Ông ta bị cáo buộc vào ngày 26 tháng 5 năm 2013, vào lúc 20 giờ 21 phút, đã dùng tên lửa không đối không bắn vào một máy bay chở khách dòng Airbus Industrie A320-100/200, của hãng hàng không quốc gia Đức Deutsche Lufthansa AG với số hiệu LH 2047 đang trên đường từ Berlin về München, và do đó đã giết chết 164 người có mặt trên chuyến bay này. Tội giết người theo Điều 211 Khoản 2, Nhóm 2, Mục 3, Điều 52 Khoản 1 Bộ luật Hình sự.
CHỦ TỌA
Cảm ơn bà, thưa công tố viên.
Bản cáo trạng này đã được phán quyết của tòa án ngày 28 tháng 2 năm nay thừa nhận không thay đổi, bút lục 256, Quyển VI Hồ sơ chính.
Quay sang bị cáo.
Ông Koch, trong phiên xét xử này ông bị buộc tội giết nhiều người. Tôi phải giải thích cho ông, với tư cách là bị cáo, ông có thể biện hộ cho mình bằng lời nói hoặc im lặng. Nghĩa là ông không bắt buộc phải khai. Nếu ông im lặng trước những cáo buộc chống lại mình, thì tòa án không được phép và sẽ không sử dụng sự im lặng của ông để chống lại ông. Ông đã hiểu cáo trạng và lời giải thích này chưa?
BỊ CÁO
Vâng.
CHỦ TỌA
Tốt rồi. Ông chắc chắn đã nói chuyện với luật sư bào chữa của mình về điều này: Trong quá trình điều tra sơ bộ, ông đã thú nhận hết. Ngày hôm nay ông muốn thực hiện thế nào? Ông có khai trước tòa không?
BỊ CÁO
Đứng lên.
Tôi…
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Kéo tay bị cáo trở lại chỗ ngồi và tự mình đứng lên.
Tôi sẽ đưa ra lời tuyên bố cho bị cáo.
CHỦ TỌA
Được. Nhưng mà luật sư có thể vẫn ngồi nguyên tại chỗ.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Chủ tọa biết đấy, tôi thích đứng hơn. Sự tôn kính của tòa án…
CHỦ TỌA
Thì mời ông, nếu điều đó giúp cho việc tìm hiểu sự thật.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, mỗi người trong chúng ta hẳn vẫn còn nhớ, mình đã ở đâu vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Mỗi chúng ta đều nhớ mình đã ở đâu khi lần đầu tiên nhìn thấy những hình ảnh này – hai máy bay đã lao vào Trung tâm thương mại thế giới tại New York, cái thứ ba đã phát nổ ở Lầu Năm Góc và cái thứ tư lao xuống một cánh đồng gần Pittsburgh. Tất cả chúng ta đều nhìn thấy trước mắt mình hình ảnh những người vô vọng nhảy ra từ tòa tháp chọc trời đang bốc cháy. Đó là một vụ tấn công khủng bố giết người hàng loạt. Khoảng một năm rưỡi sau đó, tại Đức, một người đàn ông đã cướp một máy bay thể thao. Hắn đã lượn vòng trên Frankfurt am Main và đe dọa đâm vào tòa nhà Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Báo động thảm họa đã được kích hoạt, trung tâm thành phố Frankfurt được sơ tán. Nhưng sự việc đã kết thúc một cách tốt đẹp, kẻ khủng bố hạ cánh và bị bắt giữ mà không hề phản kháng.
Nhưng chúng ta đã rút ra bài học từ những sự việc đã xảy ra. Cuối cùng thì chúng ta đã hiểu rằng, chúng ta phải bảo vệ mình. Do đó một bộ luật mới được ban hành vào năm 2005, Đạo luật An ninh hàng không. Quốc hội đã thống nhất rằng, trong trường hợp xấu nhất, thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được phép quyết định điều động quân đội. Ngay cả trong trường hợp cần tấn công một máy bay chở khách với những hành khách vô tội ở bên trong. Trong trường hợp cùng cực, một máy bay bị bắt cóc có thể bị bắn. Đa số dân biểu đã bỏ phiếu thông qua đạo luật này. Luật cho phép nhà nước giết người – những người không phải là thủ phạm, mà chỉ là nạn nhân của một tội ác. Quý vị có thể tưởng tượng được những trận tranh cãi bất tận tại Quốc hội Liên bang.
Một năm sau khi ban hành, Tòa án Hiến pháp Liên bang đã bác bỏ điều khoản quan trọng nhất của luật này. Tòa án Hiến pháp Liên bang là tòa án cao nhất của chúng ta, tất cả quyền lực nhà nước phụ thuộc vào các quyết định của nó. Và tòa án này đã tuyên bố, việc giết người vô tội để cứu những người vô tội khác là vi hiến. Không bao giờ được phép cân nhắc đổi mạng sống lấy mạng sống.
Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, ngày hôm nay, các vị phải quyết định. Sự việc xảy ra như sau: Một kẻ khủng bố đã cướp một máy bay chở khách. Kẻ khủng bố muốn lao máy bay xuống giữa một sân vận động và cướp đi mạng sống của khoảng 70.000 con người. Nhưng mà một người – người này đây – đã hành động với tất cả sức mạnh và lòng can đảm. Ông ấy đã bắn hạ chiếc máy bay đó, và toàn bộ 164 hành khách đã tử vong. Đó chính là nội dung của bản cáo trạng. Và viện công tố nói đúng, Lars Koch đã thực hiện hành vi đó. Ông ấy đã cướp đi mạng sống của những con người trên máy bay, đàn ông, đàn bà và trẻ em. Ông ấy đã đặt lên bàn cân: mạng sống của 164 con người vô tội để đổi lấy mạng sống của 70.000 con người vô tội. Lars Koch đã thú nhận việc mình làm, và chúng ta cũng sẽ không phải che đậy gì cả.
Nhưng mà, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, vụ án không kết thúc ở đó, mà nó bắt đầu từ đó. 82 hồ sơ chính, 158 hồ sơ bổ sung, 46 hồ sơ chứng cứ, 15 hồ sơ ảnh và còn nhiều nữa. Đó là những hồ sơ cho vụ án này. Thân chủ của tôi đã phải ngồi trong trại tạm giam từ bảy tháng nay. Cũng ngần ấy thời gian ông ấy không được gặp mặt con mình và vợ ông ấy chỉ được gặp chồng 30 phút, hai tuần một lần. Nhưng mà câu hỏi duy nhất trong vụ án này, câu hỏi duy nhất mà các vị nhận được ngày hôm nay là: Liệu Lars Koch có được phép giết 164 người này không? Liệu có những tình huống trong cuộc sống của chúng ta, mà trong đó giết người được coi là hợp lý, đúng đắn và khôn ngoan không? Và hơn nữa: Trong những trường hợp đó, có phải tất cả những cách giải quyết khác đều phi lý và thậm chí vô nhân tính không?
Tất nhiên, những trường hợp này đều khủng khiếp đến mức làm cho chúng ta phải tự vấn chính mình. Tuy nhiên, nếu tin rằng những trường hợp kiểu này không tồn tại, bởi vì chúng không được phép xảy ra, thì không chỉ ngây thơ mà thậm chí còn nguy hiểm nữa, vô cùng nguy hiểm là đằng khác. Không có cách nào khác: Chúng ta phải chấp nhận rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới mà trong đó điều khủng khiếp nhất và không thể tưởng tượng nổi nhất từ lâu đã trở thành hiện thực. Chúng ta phải hiểu rằng, có những ranh giới cho các nguyên tắc trong Hiến pháp của chúng ta. Đó chính là nhiệm vụ của các vị, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, trách nhiệm của quý vị là nhận ra thực tế này và đánh giá nó. Tôi chắc chắn rằng: Nếu quý vị làm vậy – làm một cách công bằng, thì quý vị sẽ tuyên trắng án cho Lars Koch khi kết thúc phiên tòa này. Quý vị tuyên trắng án cho ông ấy, vì ông đã hành động. Quý vị tuyên trắng án cho ông, mặc dù ông đã giết 164 người.
Thưa chủ tọa, thưa công tố viên, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm: Lars Koch thừa nhận những cáo buộc trong bản cáo trạng. Ông ấy đã thú nhận. Tất cả đều chính xác như những gì bên công tố đã mô tả. Vâng, đó là những gì đã diễn ra. Nhưng, điều quan trọng nhất – là đó không phải là tội giết người. Các kết luận pháp lý bên công tố đưa ra là sai.
CHỦ TỌA
Ông Koch, tôi hiểu đúng ý luật sư bào chữa của ông chứ: Ông thừa nhận sự kiện đã diễn ra?
BỊ CÁO
Gì cơ?
CHỦ TỌA
Các sự kiện. Ông đồng ý với các sự kiện mà bản cáo trạng cáo buộc mình chứ?
BỊ CÁO
Phải.
CHỦ TỌA
Tốt rồi. Tuy nhiên, chúng tôi rất muốn được biết thêm về diễn tiến của sự việc. Tòa rất muốn được nghe ông kể một chút về động cơ của mình. Một sự thú nhận chung chung, đối với tòa hẳn chưa đủ. Ông có sẵn sàng trả lời những câu hỏi từ những người tham gia tố tụng không?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Thân chủ của tôi sẽ không đưa thêm lời khai nào vào thời điểm này.
CHỦ TỌA
Sau đó thì có?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Dự kiến là như vậy. Phải.
CHỦ TỌA
Được rồi, nếu luật sư muốn vậy. Thế thì bây giờ chúng ta bắt đầu với việc thu thập chứng cứ.
Ông cảnh sát tư pháp, xin ông xem giúp, liệu nhân chứng Lauterbach đã tới chưa.
Cảnh sát tư pháp rời sân khấu.
CẢNH SÁT TƯ PHÁP
Gọi ra bên ngoài.
Ông Lauterbach, Christian Lauterbach…
CHỦ TỌA
Thưa bà công tố viên, thưa luật sư bào chữa, như các vị có thể thấy trong danh sách nhân chứng, tôi chỉ mời một nhân chứng này. Bởi vì trong quá trình điều tra, bị cáo đã thừa nhận các cáo buộc, cho nên theo tôi, việc có thêm nhiều nhân chứng nữa là không cần thiết. Tất nhiên chúng ta có thể mở rộng chương trình, nếu như quý vị vẫn cảm thấy điều này cần thiết, sau khi nghe lời khai của nhân chứng Lauterbach. Cho việc này, quý vị không cần phải đệ đơn kiến nghị chính thức, tôi sẽ hào phóng tiếp nhận các gợi ý của quý vị.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Điểm này quả là rất mới đối với tôi.
CHỦ TỌA
Cái gì?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Về chuyện ông hào phóng đó.
CHỦ TỌA
Xin lỗi, ông nói gì?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Thân chủ của tôi đã ở trong trại tạm giam từ bảy tháng nay. Lẽ ra ông có thể thả người này ra. Ông hẳn biết, ông ấy sẽ không trốn chạy. Vì vậy chẳng có gì gọi là hào phóng nơi ông cả.
CHỦ TỌA
Tôi không thể thả bị cáo tình nghi trong vụ gây ra cái chết của 164 người được.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Ông có thể – chỉ là ông không muốn thôi…
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi xin các ông.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Đây không phải là chuyện xin xỏ.
CHỦ TỌA
Thưa luật sư Biegler, ông thật thiếu lịch sự đấy.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Đây cũng không phải là chuyện có lịch sự hay không. Bào chữa hình sự không phải là cuộc thi lấy lòng thiên hạ.
Cảnh sát tư pháp và Lauterbach bước vào. Lauterbach đi tới ghế nhân chứng theo hướng chỉ của chủ tọa và ngồi xuống.
CHỦ TỌA
Chào ông. Có phải ông là Christian Lauterbach?
LAUTERBACH
Phải. Chào ông.
CHỦ TỌA
Ông Lauterbach, đầu tiên tôi phải giải thích cho ông với tư cách là nhân chứng: Ở đây ông có nghĩa vụ phải nói ra sự thật. Ông không được phép thêm hay bớt bất cứ điều gì. Một lời khai sai có nguy cơ bị phạt nặng. Ông có thể bị buộc tuyên thệ về lời khai của mình. Ông hiểu hết chứ?
LAUTERBACH
Hiểu.
CHỦ TỌA
Quay sang thư ký tòa án.
Đã giải thích.
Thư ký tòa án đóng dấu tương ứng vào biên bản.
CHỦ TỌA
Xin ông cung cấp các thông tin cá nhân để đưa vào biên bản.
LAUTERBACH
Tôi tên là Christian Georg Lauterbach.
Thư ký tòa án viết các thông tin cá nhân vào.
CHỦ TỌA
Xin ông nói to hơn chút.
LAUTERBACH
Rõ.
CHỦ TỌA
Christian là tên gọi của ông?
LAUTERBACH
Phải.
CHỦ TỌA
Thế còn tuổi tròn của ông?
LAUTERBACH
Tôi 49 tuổi.
CHỦ TỌA
Ông sống ở đâu?
LAUTERBACH
Ở Goch. Đấy là ở Niederrhein.
CHỦ TỌA
Ông với bị cáo có họ hàng hay quan hệ thông gia không?
LAUTERBACH
Không.
CHỦ TỌA
Nghề nghiệp của ông?
LAUTERBACH
Quân nhân.
CHỦ TỌA
Quân hàm?
LAUTERBACH
Trung tá.
CHỦ TỌA
Cảm ơn ông.
Ở đây chúng tôi có giấy phép của Bộ Quốc phòng Liên bang cho phép ông cho lời khai. Theo đó, ông được phép từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới bí mật quốc phòng. Đúng vậy chứ?
LAUTERBACH
Chính xác.
CHỦ TỌA
Nếu như tôi hoặc một ai đó trong những người tham gia tố tụng hôm nay, trong phần thẩm vấn, đặt ra những câu hỏi về bí mật quốc phòng mà ông không được phép tiết lộ, ông phải cho chúng tôi biết. Ông không được phép trả lời lảng tránh. Ông rõ chứ?
LAUTERBACH
Rõ.
CHỦ TỌA
Vụ việc liên quan đến ngày 26 tháng 5 năm ngoái. Xin ông tường thuật về những sự kiện xảy ra trong ngày hôm đó dưới góc nhìn của mình.
LAUTERBACH
Tôi trực DC từ lúc 14:00 giờ. Nghĩa là ca thứ hai.
CHỦ TỌA
DC là gì?
LAUTERBACH
Duty Controller.
CHỦ TỌA
Về cơ bản, thưa ông Lauterbach: Chúng ta hiện đang ở trong tòa án chứ không phải trong không quân. Các hội thẩm không đọc hồ sơ vụ án, và chúng tôi đều không biết từ vựng của các ông. Ông phải giải thích toàn bộ các thuật ngữ quân sự cho chúng tôi. Nhiệm vụ của Duty Controller là gì?
LAUTERBACH
Trong không quân, DC là một chức danh sĩ quan cấp tá. Trước tiên, tôi có nên giải thích về bối cảnh kĩ thuật không?
CHỦ TỌA
Vâng, mời ông.
LAUTERBACH
Không phận trên nước Đức được NATO giám sát. Toàn bộ hệ thống phòng không nằm dưới sự quản lý của NATO. Tuy nhiên, nếu một máy bay bị bắt cóc trong không phận Đức thì quyền hạn của NATO chấm dứt và quyền chỉ huy được chuyển sang cho Trung tâm Nhận định và Xử lý Tình hình An ninh Vùng trời Quốc gia.
CHỦ TỌA
Phức tạp quá.
LAUTERBACH
Đã có kế hoạch thành lập Trung tâm Châu Âu trong tương lai. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa đi được đến bước đó.
CHỦ TỌA
Tôi hiểu. Nghĩa là thông thường NATO giám sát không phận, trong những trường hợp bắt cóc thì hành động sẽ thuộc về Quốc phòng.
LAUTERBACH
Đúng, có thể tóm tắt như vậy.
CHỦ TỌA
Những ai làm việc trong Trung tâm này?
LAUTERBACH
Đại diện của Bộ Quốc phòng Liên bang, nghĩa là sĩ quan không quân. Họ có nhiều năm kinh nghiệm về giám sát không phận.
CHỦ TỌA
Còn ai nữa không?
LAUTERBACH
Tiếp theo là các viên chức của Bộ Nội vụ Liên bang, của Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng và Phát triển Đô thị Liên bang và Văn phòng Liên bang về Bảo vệ dân sự và Cứu trợ thiên tai.
CHỦ TỌA
Có bao nhiêu người làm việc ở đó?
LAUTERBACH
Khoảng 60 đến 65 người.
CHỦ TỌA
Và Trung tâm này nằm ở đâu?
LAUTERBACH
Ở Uedem, bang Nordrhein-Westfalen. Bộ Chỉ huy của NATO cũng đặt tại đó.
CHỦ TỌA
Và, vào ngày 26 tháng 5, đó là nơi ông đang thi hành nhiệm vụ đúng không?
LAUTERBACH
Phải.
CHỦ TỌA
Đề nghị ông giải thích cho chúng tôi biết, không phận được giám sát cụ thể ra sao?
LAUTERBACH
Chúng tôi quan sát qua radar sơ cấp và radar thứ cấp. Ngoài ra, chúng tôi có toàn bộ dữ liệu của kiểm soát không lưu dân dụng cũng như của cảnh sát Liên bang và Tiểu bang. Chúng tôi cũng nhận được thông tin từ các cơ quan tình báo, trong trường hợp chúng liên quan đến giao thông đường hàng không. Tất cả được tóm tắt thành một bức tranh về tình hình chung.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi.
LAUTERBACH
Chúng tôi thường xuyên kiểm tra xem, liệu có xuất hiện renegade nào không.
CHỦ TỌA
Renegade là gì?
LAUTERBACH
Xin lỗi. Ý tôi ở đây là, trong trường hợp một máy bay dân dụng thương mại bị không tặc sử dụng cho mục đích khủng bố thì chúng tôi gọi đó là “renegade”.
CHỦ TỌA
Bằng tiếng Anh à?
LAUTERBACH
Đúng. Ngôn ngữ trong hàng không là tiếng Anh.
CHỦ TỌA
Được rồi, renegade. Làm sao để ông nhận ra được một trường hợp như vậy?
LAUTERBACH
Đó chính là cái khó trong nghề nghiệp của chúng tôi. Các ông biết đấy, chúng tôi liên lạc vô tuyến với từng máy bay và tìm kiếm những sự bất thường.
CHỦ TỌA
Ví dụ?
LAUTERBACH
Khi một máy bay bay chệch hướng bay, hoặc hệ thống nhận diện tự động của nó bị tắt, hoặc đơn giản là không liên lạc vô tuyến được nữa.
CHỦ TỌA
Điều này diễn ra thường xuyên không?
LAUTERBACH
Có. Khoảng ba tới năm lần một ngày. Nhưng hầu như đó chưa bao giờ là các vụ không tặc cả. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn phải kiểm tra từng trường hợp một để có kết luận.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi.
LAUTERBACH
Tuy nhiên, ngày 26 tháng 5 thì rõ ràng là một vụ không tặc.
CHỦ TỌA
Rõ ràng ư? Tại sao?
LAUTERBACH
Kẻ khủng bố đã ép phi công thông báo qua vô tuyến điện rằng máy bay đã bị bắt cóc.
CHỦ TỌA
Đề nghị ông kể rõ hơn.
LAUTERBACH
Vào lúc 19 giờ 32 phút một thông điệp vô tuyến của chiếc máy bay Lufthansa mang số hiệu LH 2047 đã được truyền tới chúng tôi. Đó là chuyến bay từ Berlin-Tegel tới München, từ 19:20 đến 20:30. Phi công thông báo rằng anh ta bị ép buộc phải đọc một văn bản.
CHỦ TỌA
Đó là văn bản gì?
LAUTERBACH
Đọc từ một mẩu giấy.
“Được sự cho phép của Chúa, ta đã kiểm soát được máy bay này. Vui mừng đi, hỡi cộng đồng Hồi giáo. Các chính phủ Thập tự chinh Đức, Ý, Đan Mạch và Pháp đã giết những người anh em của chúng ta và bây giờ, chúng ta sẽ giết gia đình của các người. Các người sẽ chết, giống cách chúng ta đã chết.”
CHỦ TỌA
Nguyên văn như vậy?
LAUTERBACH
Đúng, nguyên văn. Sau đó phi công nói, tên khủng bố muốn lao máy bay xuống sân vận động ở ngoại ô München. Ý là sân vận động Allianz-Arena. Vào ngày đó diễn ra trận đấu giữa đội tuyển quốc gia Đức và Anh. Sân vận động kín chỗ với 70.000 khán giả.
CHỦ TỌA
Ông đã tự tai nghe thông điệp vô tuyến đó?
LAUTERBACH
Đúng. Thông điệp được thâu âm. Tất cả tín hiệu vô tuyến đều được lưu lại. Sau đó tôi đã mở to lên cho mọi người trong phòng đều có thể nghe được.
CHỦ TỌA
Kẻ khủng bố có tiết lộ danh tính của mình không?
LAUTERBACH
Sau này chúng tôi mới được biết. Hắn đúng là một kẻ tấn công tự sát của tổ chức ly khai Al-Qaida.
CHỦ TỌA
Thông tin này không phải do ông tự tìm hiểu, đúng không?
LAUTERBACH
Đúng, thông tin từ văn phòng cảnh sát hình sự Liên bang. Và sau đó từ báo chí. Như tôi đã nói, rất lâu sau đó.
CHỦ TỌA
Sau khi nghe xong thông điệp, ông đã làm gì?
LAUTERBACH
Tôi đã thông báo cho tất cả mọi người đang ở trong phòng.
CHỦ TỌA
Đúng. Ông đã nhắc đến việc bật loa ngoài lên. Ý tôi là sau đó ông làm gì?
LAUTERBACH
À vâng. Tôi đã gọi điện tới tất cả các cơ quan NATO chịu trách nhiệm. Cùng lúc, tôi cũng thông báo với tư lệnh không quân, trung tướng Radtke.
CHỦ TỌA
Người này là ai?
LAUTERBACH
Ông ấy là vị tướng tối cao chỉ huy không quân. Tôi đã báo cáo với ông ấy.
CHỦ TỌA
Đó có phải là quy trình thông thường không?
LAUTERBACH
Phải. Nó cũng nằm trong điều lệnh công tác.
CHỦ TỌA
Đề nghị ông tiếp tục.
LAUTERBACH
Tôi đã ra lệnh cho phân đội phản ứng nhanh cất cánh và giao tiếp bằng mắt với chiếc máy bay Lufthansa bị bắt cóc.
CHỦ TỌA
Phân đội phản ứng nhanh là gì?
LAUTERBACH
Là hai máy bay chiến đấu, loại Eurofighter. Họ luôn sẵn sàng cất cánh. Một phân đội đóng quân tại Wittmund, Ostfriesland và phân đội thứ hai đóng tại miền Nam, ở Neuburg an der Donau. Hai máy bay phân đội Wittmund vào thời điểm đó đang ở trên không. Sau mười một phút, hai phi công đã bắt kịp chiếc Lufthansa.
CHỦ TỌA
Quả thực là rất nhanh, đúng không?
LAUTERBACH
Thực ra là bình thường. Không phận không lớn lắm.
CHỦ TỌA
Được rồi. Hai phi công này là ai? Ý tôi là những phi công trong phân đội phản ứng nhanh đó.
LAUTERBACH
Thiếu tá Koch và trung úy Weinberger. Thông thường, một phân đội phản ứng nhanh thường được sắp xếp như sau: Một phi công lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn sẽ bay cùng một phi công trẻ. Thiếu tá Koch 31 tuổi, trung úy Weinberger 25 tuổi.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi. Chúng ta hãy trở lại cuộc điện thoại của ông với trung tướng Radtke.
LAUTERBACH
Được.
CHỦ TỌA
Ông ấy đã ra lệnh gì?
LAUTERBACH
Đầu tiên, trung tướng Radtke muốn biết, liệu phân đội phản ứng nhanh đã giao tiếp bằng mắt với phi công chưa?
CHỦ TỌA
Ông đã trả lời thế nào?
LAUTERBACH
Sau khi các quân nhân bắt kịp máy bay Lufthansa thì việc giao tiếp bằng mắt là khả thi. Các quân nhân đã báo cáo về một người mặc thường phục trong buồng lái. Người này đứng giữa phi công chính và phi công phụ. Liên lạc vô tuyến không thể thực hiện được, các thiết bị trong máy bay Lufthansa đã bị tắt.
CHỦ TỌA
Và ông đã chuyển tiếp thông tin đó cho trung tướng?
LAUTERBACH
Tất nhiên rồi.
CHỦ TỌA
Sau đó, tướng Radtke ra lệnh gì?
LAUTERBACH
Bắt chiếc Lufthansa đổi hướng bay và buộc nó tiếp đất.
CHỦ TỌA
Cụ thể ông ta nói thế nào với ông?
LAUTERBACH
“Intervention”. Mệnh lệnh đưa ra là “Intervention”. Nó có nghĩa là can thiệp.
CHỦ TỌA
Can thiệp, hiểu rồi.
LAUTERBACH
Phải. Cùng lúc đó, tất cả nhân viên Trung tâm Nhận định và Xử lý tìm kiếm một sân bay phù hợp cho việc hạ cánh. Những sân bay kiểu này được lên kế hoạch cho những trường hợp như trên.
CHỦ TỌA
Nghĩa là ông đã chuyển tiếp mệnh lệnh.
LAUTERBACH
Đúng. Ngay lập tức.
CHỦ TỌA
Chỉ một từ trên.
LAUTERBACH
Đúng. Ngôn ngữ quân sự thường ngắn gọn, không cần thiết phải nói nhiều hơn.
CHỦ TỌA
Nhưng chiếc Lufthansa đã không phản ứng.
LAUTERBACH
Đúng. Nó vẫn không đổi hướng.
CHỦ TỌA
Diễn biến sự việc tiếp theo thế nào?
LAUTERBACH
Tôi lại báo cáo với tướng Radtke. Và tôi cũng cung cấp thêm các thông tin chi tiết.
CHỦ TỌA
Những chi tiết nào?
LAUTERBACH
Rằng chiếc Lufthansa đó thuộc dòng máy bay Airbus Industrie A320-100/200. Ngoài kẻ khủng bố ra thì trên máy bay hiện có 164 người khác. Bao nhiêu người thuộc đội bay. Tốc độ bay. Thời gian va chạm ước tính. Đại loại những thông tin như vậy. Chi tiết.
CHỦ TỌA
Những thông tin chi tiết này ông có từ đâu?
LAUTERBACH
Chẳng hạn từ các đồng nghiệp bên kiểm soát không lưu dân sự. Có 98 đàn ông, 64 phụ nữ và hai trẻ em trong máy bay. Danh sách hành khách được đặt trước mặt tôi.
Đứa trẻ nhỏ nhất chỉ mới bốn tuổi, một bé gái.
CHỦ TỌA
Gì cơ? Xin lỗi, tôi không hiểu?
LAUTERBACH
Tôi nói rằng, một đứa trẻ chỉ mới bốn tuổi.
CHỦ TỌA
Tốt, được rồi. Sau đó, ông đã nhận được mệnh lệnh nào từ tướng Radtke?
LAUTERBACH
Tôi phải chờ khoảng sáu phút. Trong trường hợp này, tướng Radtke phải gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng và giải thích cục diện cho ông ấy. Đồng thời, tướng Radtke kết nối với Tổng tư lệnh Quân đội Liên bang. Tướng Radtke đã đưa ra một đề xuất với Bộ trưởng Quốc phòng, đó là nhiệm vụ của ông ấy. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng sẽ quyết định, có đồng ý cho ông ấy theo đề xuất hay không. Điều này được quy định trong Đạo luật An ninh Hàng không và điều lệnh.
CHỦ TỌA
Tướng Radtke đã đề xuất gì?
LAUTERBACH
Một trình tự các bước đã được thiết lập cho những trường hợp như thế này.
CHỦ TỌA
À ha. Cụ thể là thế nào?
LAUTERBACH
Bước một: Buộc chiếc máy bay đổi hướng. Bước hai: Bắn cảnh cáo.
CHỦ TỌA
Nghĩa là gì?
LAUTERBACH
Bộ trưởng ra lệnh cho phân đội phản ứng nhanh bắn cảnh cáo.
CHỦ TỌA
Các phi công không thể tự quyết định sao?
LAUTERBACH
Bắn cảnh cáo ư?
CHỦ TỌA
Đúng.
LAUTERBACH
Không. Chỉ Bộ trưởng có quyền này.
CHỦ TỌA
Được rồi, vậy là bắn cảnh cáo. Ông cũng nhận được lệnh này chứ? Ý tôi là bây giờ các phi công nên bắn cảnh cáo đó?
LAUTERBACH
Phải.
CHỦ TỌA
Nó hoạt động ra sao? Ý tôi là phát bắn cảnh cáo ấy.
LAUTERBACH
Nhưng mà sẽ liên quan tới kĩ thuật.
CHỦ TỌA
Ông cứ giải thích đi. Chúng tôi sẽ cố gắng hiểu.
LAUTERBACH
Máy bay tiêm kích Eurofighter được trang bị pháo ổ xoay một buồng với năm nòng, sử dụng cơ chế nạp đạn bằng khí nén của công ty Mauser. Vũ khí này được lắp ở cánh phải máy bay. Tốc độ bắn của súng đạt 1700 viên một phút và sơ tốc đạn là 1025 mét trên giây. Khối lượng đạn được bắn ra trong 0,5 giây là trên bốn kg. Tầm hoạt động trong khoảng 1600 mét. Với các mục tiêu trên không thường nó được trang bị chất nổ hạng nặng.
CHỦ TỌA
À ha.
LAUTERBACH
Do đó, tôi đã chuyển tiếp mệnh lệnh cho phân đội phản ứng nhanh. “Warning burst”, đó là từ chúng tôi dùng. Ý tôi là trong ngôn ngữ quân sự.
CHỦ TỌA
Và ai đã bắn?
LAUTERBACH
Thiếu tá Koch. Anh ta đã khai hỏa pháo, bắn đạn hỗn hợp: đạn vạch đường và đạn thông thường.
CHỦ TỌA
Ông quyết định ai là người bắn à?
LAUTERBACH
Không. Các phi công tự quyết định. Nhưng thường thì người chỉ huy phân đội phản ứng nhanh sẽ đảm nhận việc này.
CHỦ TỌA
Nghĩa là bị cáo.
LAUTERBACH
Chính xác.
CHỦ TỌA
Sự việc tiếp theo ra sao? Cơ trưởng của chiếc máy bay dân sự có nhận thấy cú bắn cảnh cáo này không?
LAUTERBACH
Tất nhiên rồi. Họ có thể trông thấy khói và nghe được tiếng đạn. Và họ cũng nhìn thấy các vệt sáng của đạn.
CHỦ TỌA
Thế lúc đó có phản ứng nào không?
LAUTERBACH
Không. Và nếu được phép nói thêm, thì tôi muốn nói rằng, một cú bắn cảnh cáo như vậy cực kì gây ấn tượng. Rất khó để có thể không có phản ứng gì với nó.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi. Theo kinh nghiệm quân sự của ông, liệu có khả năng nào để khống chế máy bay không?
LAUTERBACH
Ý của ông là, ngoài bắn cảnh cáo và buộc đổi hướng bay ra?
CHỦ TỌA
Vâng.
LAUTERBACH
Rất tiếc là không.
CHỦ TỌA
Rất tiếc là không, phải.
LAUTERBACH
Ai cũng có thể xác nhận với ông điều này.
CHỦ TỌA
Ông đã làm gì tiếp theo?
LAUTERBACH
Tôi lại báo cáo với tướng Radtke.
CHỦ TỌA
Và sau đó?
LAUTERBACH
Sau vài phút, tướng Radtke liên lạc lại. Trong thời gian chờ đợi đó, tướng Radtke đã có một đề xuất với Bộ trưởng Quốc phòng là bắn chiếc Lufthansa.
CHỦ TỌA
Và?
LAUTERBACH
Đó là phương án cuối cùng có thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng đã bác bỏ đề xuất này.
CHỦ TỌA
Làm sao ông biết điều đó?
LAUTERBACH
Tướng Radtke đã cho tôi biết.
CHỦ TỌA
Tướng Radtke có bình luận gì về quyết định của Bộ trưởng không?
LAUTERBACH
Ý của ông là gì?
CHỦ TỌA
Thì, ví dụ như: Rất tiếc, ông ấy đã từ chối. Hoặc một câu gì đó tương tự chẳng hạn.
LAUTERBACH
Không.
CHỦ TỌA
Quyết định của Bộ trưởng có nằm trong dự tính của ông không?
LAUTERBACH
Có. Chúng ta đều biết về quan điểm của Tòa án Hiến pháp Liên bang.
CHỦ TỌA
Ý ông là về phán quyết, mà theo đó một phần của Đạo luật An ninh Hàng không bị coi là vi hiến?
LAUTERBACH
Đúng. Khi đó, việc này được thảo luận khắp nơi trong quân đội.
CHỦ TỌA
Được rồi. Nghĩa là ông chuyển tiếp mệnh lệnh cho các phi công.
LAUTERBACH
Gì cơ?
CHỦ TỌA
Rằng họ không được phép bắn.
LAUTERBACH
Vâng, tất nhiên rồi.
CHỦ TỌA
Và việc gì xảy ra tiếp theo?
LAUTERBACH
Không gì cả.
CHỦ TỌA
Không gì cả? Tôi không hiểu.
LAUTERBACH
À, thì chúng tôi dán mắt vào màn hình, chúng tôi không thể làm gì nữa. Ai cũng mong đợi một phép màu xảy ra. Ít ra với tôi là thế.
CHỦ TỌA
Ông có đặt câu hỏi về mệnh lệnh của vị tướng không, hay là ông chỉ chuyển tiếp mệnh lệnh đó tới phân đội phản ứng nhanh?
LAUTERBACH
Nhiệm vụ của tôi không phải là đặt câu hỏi.
CHỦ TỌA
Nghĩa là ông chuyển tiếp chính xác những chỉ dẫn của vị tướng tới các phi công?
LAUTERBACH
Đúng.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi. Tôi thử hình dung tình huống khi đó. Bấy giờ, ông nhìn vào màn hình và chờ đợi. Việc này kéo dài bao lâu?
LAUTERBACH
28 phút.
CHỦ TỌA
Lâu như vậy sao?
LAUTERBACH
Đúng.
CHỦ TỌA
Nghĩa là gần nửa giờ đồng hồ.
LAUTERBACH
Đúng.
CHỦ TỌA
Và sau đó?
LAUTERBACH
Thiếu tá Koch…
CHỦ TỌA
Bị cáo phải không?
LAUTERBACH
Anh ta đã hỏi lại hai lần, liệu mình có hiểu đúng tất cả không.
CHỦ TỌA
Mệnh lệnh không được bắn?
LAUTERBACH
Đúng. Lệnh bắn là “engage”. Cả hai lần tôi đều xác nhận với anh ta, đúng là không có lệnh nào như vậy được đưa ra cả.
CHỦ TỌA
Đường truyền khi đó có rõ không? Bị cáo có thể hiểu ông nói không?
LAUTERBACH
Có. Anh ta đã tự mình nhắc lại.
Xin lỗi, làm ơn cho tôi xin một cốc nước.
CHỦ TỌA
Ông cảnh sát, xin nhờ ông mang cho nhân chứng một cốc nước.
Cảnh sát tư pháp mang một bình nước và một cái cốc tới.
LAUTERBACH
Cảm ơn.
Rót nước vào cốc rồi uống.
CHỦ TỌA
Ông tiếp tục được chứ?
LAUTERBACH
Vâng.
CHỦ TỌA
Được rồi. Vậy là bị cáo đã hỏi lại hai lần. Sự việc tiếp theo thế nào?
LAUTERBACH
Tiếp theo, thiếu tá Koch thông báo chiếc máy bay Lufthansa đang hạ độ cao. Thông tin này tôi có thể xác nhận qua màn hình.
CHỦ TỌA
Hai chiếc máy bay còn cách sân vận động bao xa?
LAUTERBACH
Khoảng 25 km.
CHỦ TỌA
Chiếc Lufthansa có lần nào thay đổi đường bay trong toàn bộ thời gian đó không?
LAUTERBACH
Không. Sau đó thiếu tá Koch đã hét lên trong microphone.
CHỦ TỌA
Ông ta hét lên?
LAUTERBACH
Phải.
CHỦ TỌA
Hét gì?
LAUTERBACH
“Nếu bây giờ tôi không bắn, hàng chục nghìn người sẽ chết.”
CHỦ TỌA
Nguyên văn là những từ đó?
LAUTERBACH
Phải.
CHỦ TỌA
Rồi sau đó?
LAUTERBACH
Tôi nhìn thấy qua màn hình của mình, thiếu tá Koch đã kích hoạt Sidewinder.
CHỦ TỌA
Sidewinder là gì?
LAUTERBACH
Là một loại đạn.
CHỦ TỌA
Có lẽ bây giờ lại liên quan tới kỹ thuật đúng không?
LAUTERBACH
Đó là một loại tên lửa không đối không tên là AIM-9L/I Sidewinder.
CHỦ TỌA
Nó hoạt động như thế nào?
LAUTERBACH
Tên lửa tầm nhiệt này có một đầu dò hồng ngoại. Nó có hệ thống dẫn đường nhắm tới các mục tiêu phát ra bức xạ hồng ngoại.
CHỦ TỌA
Chính xác điều này đã xảy ra?
LAUTERBACH
Đầu dò hồng ngoại đã nhắm vào động cơ bên phải của chiếc Lufthansa và bắn trúng. Chiếc máy bay đã lao xuống một cánh đồng khoai tây.
CHỦ TỌA
Lúc đó là mấy giờ?
LAUTERBACH
20 giờ 21 phút. Xin đợi một chút, tôi muốn kiểm tra lại đã. Vâng, chính xác là 20 giờ 21 phút và 34 giây. Đó chính là giờ tên lửa tầm nhiệt được kích hoạt điện tử.
CHỦ TỌA
Thế còn đội phản ứng nhanh thì sao?
LAUTERBACH
Hai máy bay chiến đấu quay đầu lại và bay về căn cứ. Thiếu tá Koch đã bị bắt sau khi hạ cánh. Các đồng nghiệp bên cảnh sát Liên bang, tất nhiên, đã yêu cầu lực lượng cứu hộ. Họ đã phong tỏa khu vực và tìm kiếm trong chiếc máy bay bị bắn rơi những người còn sống sót. Không ai còn sống cả. Cả thông tin này tôi cũng chỉ được nghe lại thôi.
CHỦ TỌA
Ông đã có thể ngăn chặn việc kích hoạt tên lửa từ trong Trung tâm Nhận định không?
LAUTERBACH
Gì cơ?
CHỦ TỌA
Tôi không biết, chẳng hạn như khóa tính năng kích hoạt qua vô tuyến điện?
LAUTERBACH
Không, điều này là bất khả. Phi công có thể và phải có khả năng tự quyết về hệ thống vũ khí của mình.
CHỦ TỌA
Rõ rồi. Vậy điều này hoàn toàn nằm trong tay phi công.
LAUTERBACH
Đúng.
CHỦ TỌA
Và các máy bay này luôn được trang bị vũ khí?
LAUTERBACH
Đó là những máy bay chiến đấu. Tất nhiên là chúng được trang bị vũ khí.
CHỦ TỌA
Ông có báo cáo vụ bắn tên lửa này cho tướng Radtke không?
LAUTERBACH
Tất nhiên rồi.
CHỦ TỌA
Ông ấy phản ứng thế nào?
LAUTERBACH
Không có phản ứng nào cả.
CHỦ TỌA
Gì cơ?
LAUTERBACH
Ông ấy chỉ tiếp nhận thông báo. Điều gì diễn ra trong đầu ông ta lúc đó, làm sao tôi biết được. Tuy nhiên, ông ấy đã ra lệnh tịch thu toàn bộ hồ sơ của vụ việc và giao thiếu tá Koch cho cảnh sát Liên bang. Ngay lập tức.
CHỦ TỌA
Được rồi. Tốt. Về phần tôi không còn câu hỏi nào cho nhân chứng nữa. Tình huống xem ra đã rõ trước mắt chúng ta. Nó khớp với lời thú tội của bị cáo ở tất cả các điểm. Còn câu hỏi nào từ phía những người tham gia tố tụng dành cho nhân chứng không? Thưa bà công tố viên?
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi không có câu hỏi nào cho nhân chứng.
CHỦ TỌA
Luật sư bào chữa có câu hỏi không?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Không. Tôi cũng không có câu hỏi nào.
CHỦ TỌA
Tốt. Có kiến nghị nào yêu cầu nhân chứng phải tuyên thệ không? Nếu không có, thì…
CÔNG TỐ VIÊN
Xin lỗi ông chủ tọa, quả thật tôi có một câu hỏi.
CHỦ TỌA
Thưa bà, bà cứ tự nhiên.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông Lauterbach, chỉ ngắn gọn thôi: Ở phần đầu lời khai ông nói, tất cả mọi người trong phòng đều biết chiếc máy bay đã bị bắt cóc.
LAUTERBACH
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông nói, trong phòng khi đó còn có các viên chức của Cảnh sát Liên bang, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Đội ứng phó thảm họa vân vân.
LAUTERBACH
Đúng như vậy.
CÔNG TỐ VIÊN
Vào thời điểm đó, ai trong phòng đã quyết định sơ tán sân vận động?
LAUTERBACH
Sơ tán sân vận động?
CÔNG TỐ VIÊN
Đúng. Ai đã ra quyết định?
LAUTERBACH
Tôi không biết.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông cứ suy nghĩ đi. Chúng ta có thời gian.
LAUTERBACH
Tôi không rõ.
CÔNG TỐ VIÊN
Thật ư?
LAUTERBACH
Thực sự là tôi không biết.
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi cũng như ông: Tôi cũng không biết về chuyện này. Và ông có biết, ông Lauterbach ạ, ông có biết tại sao tôi lại không biết không?
LAUTERBACH
Không.
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi không biết, bởi vì chẳng có ai ra quyết định đó cả. Không một ai. Không một người nào trong trung tâm của ông đã đưa ra mệnh lệnh sơ tán sân vận động vào một thời điểm nào cả.
LAUTERBACH
Nhưng mà…
CÔNG TỐ VIÊN
Vâng?
CÔNG TỐ VIÊN
Bây giờ là một câu hỏi rất đơn giản của tôi: Tại sao không? Tại sao quyết định này không được đưa ra? Ông Lauterbach?
LAUTERBACH
Thì…
CÔNG TỐ VIÊN
Vâng, chúng tôi đợi…
LAUTERBACH
Tôi… chúng tôi… chúng tôi không có thời gian cho việc đó.
CÔNG TỐ VIÊN
Thật ư?
LAUTERBACH
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Nghĩa là không có thời gian. Để tôi xem lại những thời điểm mà ông đã nhắc đến. Từ lúc thông điệp vô tuyến đầu tiên đến – lúc 19 giờ 32 – cho đến thời điểm theo tính toán máy bay sẽ lao vào sân vận động – lúc 20 giờ 24 – các ông có tất cả 52 phút, chính xác là như vậy.
LAUTERBACH
52 phút…
CÔNG TỐ VIÊN
Đúng, 52 phút.
Kế hoạch sơ tán khẩn cấp sân vận động đang nằm trước mặt tôi, bút lục 438 cuốn 19. Theo đó, việc sơ tán toàn bộ một sân vận động đầy khán giả chỉ kéo dài trong vòng 15 phút. Với 52 phút, lẽ ra toàn bộ sân vận động, hay hầu như chắc chắn tất cả các khán giả đã có thể rời khỏi sân rồi.
LAUTERBACH
Tất cả.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông không cần phải nhắc lại tất cả những gì tôi vừa nói. Tôi chỉ muốn biết, tại sao không một ai đã ra lệnh sơ tán sân vận động.
LAUTERBACH
Điều này… điều này…
CÔNG TỐ VIÊN
Phải chăng khi đó, ông và các đồng nghiệp của mình đều tương đối chắc chắn?
LAUTERBACH
Chắc chắn? Chắn chắc điều gì cơ?
CÔNG TỐ VIÊN
Chắc chắc rằng thiếu tá Koch sẽ bắn chiếc máy bay đó.
LAUTERBACH
Không.
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi hỏi ông một lần nữa: Phải chăng các ông không ra lệnh sơ tán sân vận động chỉ vì các ông biết, trong trường hợp khẩn cấp thì bị cáo sẽ khai hỏa?
LAUTERBACH
Không.
CÔNG TỐ VIÊN
Không? Ông suy nghĩ kĩ đi, trước khi trả lời. Ở đây ông cũng có thể phải tuyên thệ – ông chủ tọa đã giải thích cho ông rồi.
LAUTERBACH
Vâng, có lẽ vậy.
CHỦ TỌA
Đề nghị ông nói to hơn một chút. Âm thanh trong phòng xử này tệ quá.
LAUTERBACH
Tôi có thể tưởng tượng ra việc đó.
CÔNG TỐ VIÊN
Chính xác thì ông có thể tưởng tượng việc gì?
LAUTERBACH
Rằng có lẽ thiếu tá Koch sẽ bắn.
CÔNG TỐ VIÊN
Thế tại sao ông lại có thể tưởng tượng ra việc đó, ông Lauterbach?
LAUTERBACH
Bởi vì…
CÔNG TỐ VIÊN
Phải chăng, nếu là ông, trong hoàn cảnh đó ông cũng sẽ bắn chiếc máy bay?
LAUTERBACH
Không, tôi không biết…
Quay sang chủ tọa.
Tôi có phải trả lời câu hỏi này không?
CHỦ TỌA
Tôi không thấy trong trường hợp này một câu trả lời trung thực thì có thể gây bất lợi gì cho ông.
LAUTERBACH
Nghĩa là thế nào?
CHỦ TỌA
Ông phải trả lời câu hỏi.
LAUTERBACH
Quay sang công tố viên.
Tôi không biết.
CÔNG TỐ VIÊN
Có lẽ tôi có thể giúp, ông Lauterbach ạ. Ông có biết là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Franz Josef Jung đã phát biểu rằng, ông ta sẽ cho phép bắn hạ máy bay chở khách bị bắt cóc, bất chấp quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang không?
LAUTERBACH
Ừm.
CÔNG TỐ VIÊN
Có hay không?
LAUTERBACH
Tôi biết phát ngôn này. Có.
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi trích dẫn câu nói của ông Jung: “Ở vào trường hợp đó chúng tôi có thể sẽ hành động lấy lý do là tình thế khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp.”
LAUTERBACH
Vâng, tôi có đọc câu trên.
CÔNG TỐ VIÊN
Phát ngôn đó có được thảo luận trong đơn vị không?
LAUTERBACH
Hiển nhiên rồi. Đó luôn là một chủ đề quan trọng.
CÔNG TỐ VIÊN
Một chủ đề quan trọng?
LAUTERBACH
Mỗi người trong đơn vị này đều thường xuyên phải cân nhắc, chuyện gì sẽ xảy ra khi có một renegade.
CÔNG TỐ VIÊN
Và ông có còn nhớ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng không? Ông ấy nói, mình thậm chí chỉ muốn tuyển chọn những phi công sẵn sàng bắn hạ máy bay trong trường hợp nguy cấp.
LAUTERBACH
Tôi cũng biết điều đó.
CÔNG TỐ VIÊN
Phải chăng đó là lý do thiết yếu nhất, để không ai trong các ông nghĩ đến việc sơ tán sân vận động?
Lauterbach lắc đầu.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông hãy suy nghĩ một lần nữa đi. Ông đã biết chắc, là thiếu tá Koch sẽ hành động ra sao, phải không?
LAUTERBACH
Tôi không biết tôi nên nói sao nữa. Tôi đã không chuẩn bị cho câu hỏi này.
CHỦ TỌA
Nói ra sự thật có lẽ sẽ hữu ích.
LAUTERBACH
Tôi… cho rằng, hầu hết các đồng đội sẽ hành động như thiếu tá Koch. Đúng. Có lẽ tôi cũng sẽ bắn chiếc Lufthansa đó.
CÔNG TỐ VIÊN
Vậy đó.
LAUTERBACH
Ý bà là gì vậy?
CÔNG TỐ VIÊN
Việc không sơ tán sân vận động hóa ra là một hình thức cá cược, ông Lauterbach ạ.
LAUTERBACH
Gì cơ?
CÔNG TỐ VIÊN
Các ông đã cá cược. Cá cược mạng sống của 70.000 con người với quyết định của bị cáo.
LAUTERBACH
Thật là yếm thế.
CÔNG TỐ VIÊN
Yếm thế ư? Sao lại yếm thế?
LAUTERBACH
Tôi xin bà, nó không hề là một vụ cá cược.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông Lauterbach, giá như ông cho sơ tán sân vận động thì có lẽ không một khán giả nào đã gặp nguy hiểm hết. Nhưng rõ ràng ông đã không muốn làm điều đó.
LAUTERBACH
Lạy Chúa – tôi đã không muốn làm điều đó ư?
CÔNG TỐ VIÊN
Đúng, thành thật mà nói, các ông đã chắc chắn chuyện sẽ xảy ra khác đi. Rằng bị cáo sẽ bắn chiếc máy bay. Và các ông đã đánh cược vào đó.
LAUTERBACH
Tôi chỉ có thể nhắc lại rằng…
CÔNG TỐ VIÊN
Ông không cần phải nhắc lại. Rõ ràng, hoàn toàn chẳng có chuyện cân nhắc giữa 164 mạng với 70.000 mạng sống…
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Đủ rồi đấy. Nhân chứng không phải là bị cáo. Tôi đề nghị…
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi diễn đạt cách khác. Ông Lauterbach, ông thử tưởng tượng, nếu đội phản ứng nhanh không tồn tại.
LAUTERBACH
Mọi thứ trở nên rắc rối rồi.
CÔNG TỐ VIÊN
Thì ông cứ thử tưởng tượng một lúc đi.
LAUTERBACH
Được.
CÔNG TỐ VIÊN
Giả sử ông chỉ nhận được thông điệp vô tuyến của tên không tặc, thì các ông sẽ hành động như thế nào khi đó?
LAUTERBACH
Tôi không biết…
À tôi hiểu rồi. Ý của bà là, một ai đó sẽ…
CÔNG TỐ VIÊN
… ra lệnh…
LAUTERBACH
… sơ tán sân vận động.
Nhưng, đây rõ ràng là một trường hợp hoàn toàn khác.
CÔNG TỐ VIÊN
Thật ư?
LAUTERBACH
Tôi cho rằng… Tôi nghĩ rằng…
CÔNG TỐ VIÊN
Cảm ơn. Tôi không còn câu hỏi nào nữa.
CHỦ TỌA
Luật sư bào chữa, ông muốn đặt câu hỏi không?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Chỉ ba câu thôi.
CHỦ TỌA
Mời ông.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Bản thân ông có chịu trách nhiệm cho việc sơ tán sân vận động không?
LAUTERBACH
Không, đó là trách nhiệm của Cơ quan ứng phó thảm họa bang Bayern.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Bị cáo có chịu trách nhiệm cho việc sơ tán sân vận động không?
LAUTERBACH
Tất nhiên là không.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Sân vận động đã chật kín khán giả khi chiếc Lufthansa bay gần tới, và liệu khi đó bị cáo có khả năng thay đổi bất cứ điều gì không?
LAUTERBACH
Không.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Cảm ơn ông. Đó là những điểm cần phải được làm rõ. Tôi không còn câu hỏi nào nữa.
CHỦ TỌA
Được rồi, tốt.
Có kiến nghị nào về tuyên thệ của nhân chứng nữa không?
Công tố viên và luật sư biện hộ lắc đầu.
CHỦ TỌA
Quay sang Lauterbach.
Ông Lauterbach, bây giờ ông đã xong trách nhiệm làm nhân chứng. Tòa xin cảm ơn những lời khai của ông.
LAUTERBACH
Xin lỗi, tôi có thể nộp đơn yêu cầu thù lao cho nhân chứng ở đâu? Hôm nay thật ra là ngày nghỉ của tôi.
CHỦ TỌA
Mời ông tới đây, để tôi xem nào.
Lauterbach đi tới ghế thẩm phán, đưa cho chủ tọa một tờ đơn. Chủ tọa xem lướt qua, nhìn lên đồng hồ treo tường trong phòng xử án, kí vào tờ đơn và đưa lại cho Lauterbach.
CHỦ TỌA
Rồi, của ông đây.
LAUTERBACH
Cảm ơn ông.
CHỦ TỌA
Ông hãy tới phòng 332b, cuối sảnh, cửa thứ tư.
LAUTERBACH
Vâng, cảm ơn.
Lauterbach rời sân khấu.
CHỦ TỌA
Luật sư bào chữa, thân chủ của ông đã sẵn sàng trả lời các câu hỏi của những người tham gia tố tụng chưa?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Rồi.
CHỦ TỌA
Ông Koch?
BỊ CÁO
Tôi sẽ cố gắng.
CHỦ TỌA
Tốt. Vậy thì mời ông lên đây và ngồi vào ghế nhân chứng. Như vậy sẽ đơn giản hơn, ít ra đôi bên dễ nghe nhau hơn.
Bị cáo đi tới ghế nhân chứng và ngồi xuống.
CHỦ TỌA
Dĩ nhiên ông có quyền tạm dừng phần thẩm vấn và trao đổi với luật sư bào chữa bất cứ lúc nào.
BỊ CÁO
Tôi hiểu.
CHỦ TỌA
Ông Koch, chúng tôi sẽ bắt đầu với đường đời của ông. Ông là con cả trong gia đình đúng không?
BỊ CÁO
Vâng. Tôi còn một em gái kém ba tuổi nữa.
CHỦ TỌA
Nghề nghiệp của bố mẹ ông là gì?
BỊ CÁO
Bố tôi cũng đã ở trong Quân đội Liên bang. Sau thống nhất, ông trở thành sĩ quan cấp tá của văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng. Mẹ tôi là người bán sách. Sau khi sinh tôi, bà ở nhà. Nghĩa là làm mẹ và nội trợ.
CHỦ TỌA
Ông được sinh ra ở Freiburg và cũng đi học ở đó.
BỊ CÁO
Vâng. Mẫu giáo, tiểu học và trung học phổ thông ở Freiburg.
CHỦ TỌA
Tôi có bằng tốt nghiệp phổ thông của ông ở đây. Điểm trung bình của ông là 1.0[3]. Giáo viên chủ nhiệm của ông ghi chú rằng, ông thậm chí là sinh viên có điểm tốt nghiệp môn Toán cao nhất bang Baden-Württemberg.
BỊ CÁO
Đúng thế.
CHỦ TỌA
Ngoài giờ học ở trường, ông quan tâm tới gì?
BỊ CÁO
Tới vật lý. Hằng năm tôi đều tham dự cuộc thi “Tuổi trẻ tham gia nghiên cứu”.
CHỦ TỌA
Và thậm chí một lần ông đã giành giải nhì.
BỊ CÁO
Vâng. Ngoài ra tôi chơi thể thao rất nhiều, đặc biệt là bóng đá và điền kinh.
CHỦ TỌA
Có thể nói rằng trường học và việc học đối với ông thật dễ dàng.
BỊ CÁO
Vâng.
CHỦ TỌA
Tuổi thơ và tuổi thành niên của ông không gặp trở ngại gì?
BỊ CÁO
Tôi có thể nói rằng: hạnh phúc. Vâng.
CHỦ TỌA
Chúng ta tìm hiểu tiếp về quyết định nghề nghiệp của ông. Trở thành quân nhân có phải là ước mơ của ông không? Hay đó là ước mơ của bố ông.
BỊ CÁO
Phải, bố tôi cũng đã muốn trở thành phi công chiến đấu.
CHỦ TỌA
Và?
BỊ CÁO
Ông ấy không thực hiện được.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi.
BỊ CÁO
Tôi đã luôn mong muốn gia nhập Không quân. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã muốn trở thành phi công chiến đấu. Đó là mong ước lớn nhất của tôi. Tôi đã treo trong phòng những tấm áp phích máy bay từ khi còn là thiếu niên.
CHỦ TỌA
Điều gì khiến ông quan tâm tới nó?
BỊ CÁO
Ước mơ được bay, tốc độ và độ chính xác của máy móc đã cuốn hút tôi.
CHỦ TỌA
Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông khi vừa mới 18 tuổi, ông đã làm đơn xin nhập khoá đào tạo sĩ quan…
BỊ CÁO
Tôi đã được Trung tâm Đánh giá Ứng viên Sĩ quan tại Köln mời đến và làm bài kiểm tra năng lực tại đó. Kì thi kéo dài hai ngày. Sau đó người ta kiểm tra xem liệu tôi có đạt yêu cầu về mặt thể chất, tâm lý và tâm vận động hay không. Tôi bắt đầu công tác từ tháng 10 tại Fürstenfeldbruck.
CHỦ TỌA
Tiến trình ra sao?
BỊ CÁO
Sau năm đầu tiên tôi đã học xong khoá ứng viên sĩ quan và trở thành hạ sĩ quan. Nghĩa là nhận được bằng sĩ quan. Trong 25 tháng sau đó tôi đã hoàn tất các khóa đào tạo bay cơ bản và nâng cao.
CHỦ TỌA
Các khóa học này ở đâu?
BỊ CÁO
Tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, chính xác hơn là tại Goodyear bang Arizona. Sau đó là khóa huấn luyện để trở thành phi công máy bay phản lực tại Căn cứ Không quân Sheppard ở Texas. 15 tháng.
CHỦ TỌA
Người ta học gì ở đó?
BỊ CÁO
Nói đơn giản là: học bay. Đào tạo lý thuyết và thực hành trên hệ giả lập, khoảng 300 giờ bay. Khóa huấn luyện kết thúc với một bằng lái máy bay quân sự.
CHỦ TỌA
Còn sau đó?
BỊ CÁO
Sau đó tôi được làm quen với các điều kiện bay tại Đức.
CHỦ TỌA
Các điều kiện bay khác nhau à?
BỊ CÁO
Khác về địa hình và điều kiện thời tiết. Và việc di chuyển trong không phận châu Âu thì phức tạp hơn nhiều – cứ thử tưởng tượng vô số biên giới và số lượng máy bay tại đây thì rõ.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi. Thực tế là ngay từ ban đầu ông đã cam kết tình nguyện phục vụ 16 năm trong quân đội đúng không?
BỊ CÁO
Thời gian phục vụ không được ấn định ngay. Người ta phải cam kết theo từng giai đoạn một, phụ thuộc vào giai đoạn đào tạo.
CHỦ TỌA
Tôi đang có hồ sơ cá nhân trong Quân đội Liên bang của ông ở đây. Ở mục nào ông cũng nhận được những đánh giá tốt nhất, và lần nào cũng đều được – tôi trích dẫn: “đề nghị thăng hạng vô điều kiện”.
BỊ CÁO
Ông cần phải mường tượng như thế này: Tỉ lệ chọi giữa số người nộp hồ sơ đầu tiên vào Lực lượng Không quân với số người có được chỗ ngồi trong buồng lái máy bay chiến đấu là 1:10.000. Ngay cả với những phi công đã xong khóa đào tạo thì rốt cuộc cũng chỉ một trên mười người sẽ được lái Eurofighter.
CHỦ TỌA
Một quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt.
BỊ CÁO
Ở Đức số lượng chủ tịch hội đồng quản trị hay bác sĩ mổ tim nhiều hơn số phi công chiến đấu.
CHỦ TỌA
Bây giờ chúng ta trở lại với những sự kiện trong ngày 26 tháng 5. Ông đã theo dõi những lời khai trước tòa của nhân chứng Lauterbach chứ?
BỊ CÁO
Vâng.
CHỦ TỌA
Theo quan điểm của ông thì nhân chứng có mô tả đúng quy trình sự việc không?
BỊ CÁO
Đúng.
CHỦ TỌA
Mô tả đó khớp với trí nhớ của ông?
BỊ CÁO
Hoàn toàn khớp.
CHỦ TỌA
Tốt. Liệu ông có thể diễn tả cho chúng tôi những giây phút trước khi bắn chiếc máy bay Lufthansa không? Từ quan điểm cá nhân của mình. Xin mời.
BỊ CÁO
Cơ trưởng của máy bay Lufthansa đã không phản ứng trước yêu cầu đổi hướng bay và phát bắn cảnh cáo. Điều này ông đã nghe rồi. Vài phút sau đó chúng tôi nhận lệnh từ DC: không được bắn.
CHỦ TỌA
Từ nhân chứng Lauterbach?
BỊ CÁO
Vâng, chính xác. Chúng tôi đã không thể làm gì khác ngoài việc bay bên cạnh chiếc máy bay này. Chúng tôi đã liên tục thử liên lạc với họ, bằng vô tuyến điện và bằng mắt. Không có kết quả.
CHỦ TỌA
Nhân chứng Lauterbach thuật lại rằng ông đã hỏi lại về lệnh cấm bắn.
BỊ CÁO
Chính xác. Tôi đã hai lần hỏi trung tâm xem, liệu rốt cục có được phép bắn không. Tôi biết rằng, chỉ trong vài phút nữa chiếc Lufthansa sẽ đến gần sân vận động.
CHỦ TỌA
Ông đã nghĩ gì trong khoảnh khắc đó?
BỊ CÁO
Điều này thật khó giải thích.
CHỦ TỌA
Chúng ta có thời gian. Ông cứ thử đi.
BỊ CÁO
Ông phải mường tượng thế này: Toàn bộ chương trình đào tạo của chúng tôi, toàn bộ quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt, các khóa huấn luyện, chương trình tập huấn cả năm trời, những nhận xét của cấp trên vân vân, tất cả chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất: Chúng tôi phải giữ vững tinh thần trong những tình huống khó khăn và đòi hỏi cao nhất. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải nắm bắt các nguy cơ nhanh và chính xác. Đó chính xác là những gì chúng tôi được đào tạo.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi.
BỊ CÁO
Và khi bay bên cạnh chiếc Lufthansa, tình huống tồi tệ nhất mà chúng tôi có thể dự kiến trong thời bình, đã xảy ra. Tôi biết, mỗi người trong chúng tôi đã hàng trăm lần nghĩ về tình huống này. Chúng tôi đã thảo luận trong nhóm với nhau, thảo luận với gia đình, với bạn bè, với cấp trên, với những giáo viên luật. Tất nhiên phi công nào cũng hy vọng mình sẽ không bao giờ phải đối mặt với tình huống này.
CHỦ TỌA
Đây không phải là tình huống chiến đấu.
BỊ CÁO
Đúng thế. Những người trên máy bay Lufthansa là những thường dân mà lẽ ra chúng tôi phải bảo vệ.
CHỦ TỌA
Và ông đã nghĩ gì khi đó?
BỊ CÁO
Tôi đã cân nhắc, liệu mình có nên chống lại mệnh lệnh không. Cứu hàng chục nghìn người và phải giết hàng trăm người. Nếu như ông hỏi, tôi đã nghĩ gì trong những giây phút đó…
CHỦ TỌA
Vâng?
BỊ CÁO
Tôi đã nghĩ đến vợ và con trai tôi. Nghĩ từ trong ruột gan.
CHỦ TỌA
Ruột gan?
BỊ CÁO
Vâng, tôi gọi như vậy.
CHỦ TỌA
À há.
BỊ CÁO
Vậy là, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nghĩ rằng, bây giờ mọi thứ trong đời tôi sẽ thay đổi…
Tôi đã nghĩ như vậy.
CHỦ TỌA
Được rồi. Và ông đã hành động thế nào?
BỊ CÁO
Tôi đã tụt lại phía sau chiếc Lufthansa. Bấy giờ, chúng tôi đã bay sau chiếc máy bay dân sự này một đoạn và cao hơn nó một chút. Sau đó, tôi đã phóng tên lửa tầm nhiệt. Tôi không nhớ được việc mình đã hét lên trong micro. Việc đó tôi chỉ được nghe sau này. Luật sư của tôi đã cho tôi nghe lại băng ghi âm.
Thật kỳ lạ là ta lại có thể quên một việc như vậy.
CHỦ TỌA
Khi bắn, khi khai hỏa tên lửa tầm nhiệt, ông có nhận biết được những hậu quả không?
BỊ CÁO
Liệu tôi có biết rằng mình có bị bắt không ư?
CHỦ TỌA
Không. Ông có nhận thức rõ rằng trái đạn của mình sẽ làm máy bay nổ tung và giết chết những hành khách trong đó.
BỊ CÁO
Dĩ nhiên rồi.
CHỦ TỌA
Sự việc xảy ra cụ thể ra sao?
BỊ CÁO
Cú phóng hỏa ư?
CHỦ TỌA
Đúng. Điều gì đã xảy ra với máy bay?
BỊ CÁO
Đầu dò hồng ngoại của tên lửa tầm nhiệt đã nhắm vào động cơ bên phải của chiếc máy bay dân dụng và đã bắn trúng vào đó. Một cách chính xác. Nhiên liệu phản lực trong cánh máy bay phát nổ. Kết quả là cánh máy bay đã bị tách khỏi thân. Khi mất cánh máy bay, luồng khí cũng bị mất.
CHỦ TỌA
Và tiếp theo?
BỊ CÁO
Chiếc máy bay đã xoay lại.
CHỦ TỌA
Nó bay trở lại?
BỊ CÁO
Không, nó đã lật ngược. Có thể nói, là giờ đây nó bay ngửa bụng. Về mặt kĩ thuật có thể giải thích dễ dàng. Luồng khí bị mất và…
CHỦ TỌA
Thôi thôi, được rồi. Còn sau đó.
BỊ CÁO
Sức nóng của vụ nổ đã làm tan chảy một phần vỏ máy bay. Bốn hành khách bị văng ra ngoài qua các lỗ hổng.
CHỦ TỌA
Chính xác bốn người?
BỊ CÁO
Ít nhất là bốn người. Đó là số mà tôi có thể nhìn thấy được. Ngoài ra còn hành lý, túi xách và những thứ khác nữa. Trong bụng máy bay đã phát cháy. Nhựa bị chảy ra. Sau đó, cánh thứ hai của máy bay phát nổ và chiếc máy bay lao xuống.
CHỦ TỌA
Ông đã làm gì?
BỊ CÁO
Chúng tôi đổi hướng và bay trở lại căn cứ. Tại đó chúng tôi đã bị bắt.
CHỦ TỌA
Chúng tôi?
BỊ CÁO
Vâng, đầu tiên là như vậy, đồng đội của tôi cũng bị bắt. Ngay lập tức tôi đã khai để ghi vào biên bản.
CHỦ TỌA
Tốt. Chúng ta trở lại một lần nữa. Đã có thời điểm nào ông tận mắt thấy kẻ khủng bố không? Ông có thấy hắn ta đang làm gì không?
BỊ CÁO
Không.
CHỦ TỌA
Và các hành khách khác? Ông đã nhìn thấy gì?
BỊ CÁO
Tôi nên nhìn thấy điều gì?
CHỦ TỌA
Chẳng hạn như các hành khách đang cố gắng tiến vào khoang lái?
BỊ CÁO
Không.
CHỦ TỌA
Ông có trông thấy các hành khách đứng trên lối đi không?
BỊ CÁO
Không. Tôi không thấy.
CHỦ TỌA
Chúng tôi biết được qua phân tích hộp đen – cuốn 93, bút lục 122, sự việc sau: Các hành khách đang cố gắng thâm nhập vào buồng lái, khi chiếc máy bay nổ tung.
BỊ CÁO
Tôi không nhìn thấy.
CHỦ TỌA
Được rồi. Ông đã hành động chống lại mệnh lệnh rõ ràng từ cấp trên của mình.
BỊ CÁO
Vâng, tôi đã làm vậy.
CHỦ TỌA
Tại sao?
BỊ CÁO
Vì tôi cho rằng đó là điều đúng đắn. Tôi không thể để xảy ra việc 70.000 người bị chết được.
CHỦ TỌA
Quay sang công tố viên.
Thưa bà công tố viên, bà có câu hỏi nào dành cho ông Koch không?
CÔNG TỐ VIÊN
Thêm vào câu hỏi của chủ tọa: Liệu ông có thể đã nhìn thấy những hành khách trong máy bay đang cố gắng thâm nhập vào buồng lái không?
BỊ CÁO
Máy bay đã cháy.
CÔNG TỐ VIÊN
Và?
BỊ CÁO
Tôi không thể thấy gì cả, khói dày đặc khắp cả.
CÔNG TỐ VIÊN
Nghĩa là ông không thể nhìn thấy, liệu những người bị văng ra khỏi máy bay trước đó đang ngồi trên ghế của mình hay đang đứng trên lối đi và đang thử thâm nhập vào buồng lái?
BỊ CÁO
Không.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Thưa bà công tố viên, tôi không biết những câu hỏi này sẽ dẫn tới đâu?
CÔNG TỐ VIÊN
Ông muốn phản đối các câu hỏi của tôi à?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Tôi chỉ muốn biết bà đang hỏi cái gì.
CÔNG TỐ VIÊN
Bây giờ, hoặc là ông chính thức phản đối câu hỏi của tôi, hoặc là ông đừng có cắt ngang tôi nữa.
CHỦ TỌA
Thôi nào, thôi nào. Đây là một phần thẩm vấn căng thẳng.
Ông có muốn phản đối câu hỏi của công tố viên không? Tuy nhiên, vào lúc này thì tôi không thấy lý do gì…
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Thôi được rồi.
CÔNG TỐ VIÊN
Vậy nghĩa là ông không thể loại trừ điều này?
BỊ CÁO
Gì cơ?
CÔNG TỐ VIÊN
Rằng các hành khách đang cố gắng thâm nhập vào buồng lái khi ông khai hỏa.
BỊ CÁO
Tôi không thể loại trừ điều đó.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông không thể loại trừ điều đó, vâng. Tốt lắm. Tới một câu khác…
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Ý của bà là gì khi nói “tốt lắm”. Bây giờ chúng ta lại còn bình luận các câu trả lời của bị cáo à?
CÔNG TỐ VIÊN
Thưa chủ tọa, như thế này thì tôi không thể tiến hành việc đặt câu hỏi.
CHỦ TỌA
Ông luật sư bào chữa, tôi đồng ý với bà công tố viên. Nếu ông muốn phản đối điều gì, ông hãy làm đúng theo thủ tục. Nếu không, yêu cầu ông không tiếp tục cắt ngang phần thẩm vấn.
Luật sư bào chữa lắc đầu, nhưng không tiếp tục phản đối nữa.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông Koch, tôi cũng đã đọc hồ sơ cá nhân của ông. Trong khóa đào tạo của mình, ông đã đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về luật. Liệu ông có sẵn sàng giải thích kĩ hơn về quyết định của mình không?
BỊ CÁO
Tôi đã có một bài thuyết trình trước các phi công chiến đấu trẻ về quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang. Tôi cho rằng sự kiện này cũng có trong hồ sơ.
CÔNG TỐ VIÊN
Vâng, chính xác, nó đã được ghi lại. Vậy tôi muốn hỏi, ông đã hiểu ra sao về quyết định này. Ông có những kết luận pháp lý nào…
CHỦ TỌA
Thưa bà công tố viên, bây giờ tôi phải ngắt lời bà. Bà biết rằng chúng ta không tranh luận pháp lý với bị cáo. Chúng ta xác minh sự thật. Đó cũng là lý do tại sao tôi đã không đặt thêm câu hỏi cho ông Koch…
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Xin lỗi chủ tọa, tôi cho rằng câu hỏi của công tố viên không những chỉ được phép, mà câu hỏi này thậm chí tối cần thiết. Nếu chúng ta muốn xét xử tội trạng của thân chủ tôi thì chúng ta phải hiểu được động cơ của ông ấy. Điều quan trọng là cách mà ông ấy cân nhắc về vị thế pháp lý của mình. Như chúng ta đã được nghe, ông ấy đã đưa ra một quyết định không hề dễ dàng gì.
CHỦ TỌA
Hướng tới khán giả.
Thưa các quý ông quý bà trong bồi thẩm đoàn, luật sư bào chữa đã nêu ra việc thân chủ của ông ấy đã cân nhắc về vị thế pháp lý của mình và nên được đặt câu hỏi. Trong trường hợp đặc biệt này, lập luận của luật sư bào chữa cũng có ý đúng. Giống như các quốc gia hiện đại khác, chúng ta có một bộ luật được gọi là Luật hình sự. Chúng ta trừng phạt một bị cáo theo tội trạng cá nhân của người đó. Trước đây, theo Luật hình sự, chỉ hành vi có tính quyết định. Nếu một người giết người, người đó cũng sẽ bị giết. Lý do cho hành động phạm tội không được xét đến. Ngày nay, chúng ta muốn hiểu cái lý do “tại sao” này. Chúng ta muốn biết, điều gì đã xui khiến một người phạm pháp. Anh ta giết người vì muốn trở nên giàu có? Vì ghen tuông? Vì tìm thấy niềm vui trong việc giết người? Hay là anh ta có động cơ hoàn toàn khác, hay thậm chí vì một động cơ mà chúng ta đồng tình với nó? Với vụ án của chúng ta ngày hôm nay thì những động cơ của bị cáo rõ ràng có liên quan mật thiết với quan điểm về luật của ông ấy. Chúng ta nên lắng nghe những cân nhắc của bị cáo.
Quay sang công tố viên.
Được, tôi cho phép đặt câu hỏi. Mời bà công tố viên.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông Koch, nếu tôi hiểu đúng thì ông hoàn toàn ý thức được rằng mình đang chống lại quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang.
BỊ CÁO
Vâng.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông biết rằng – chắc chắn ông cũng đã học điều này trong quá trình đào tạo – rằng mình chỉ được phép cưỡng lại mệnh lệnh khi mệnh lệnh đó là phi pháp.
BỊ CÁO
Tôi biết điều đó.
CÔNG TỐ VIÊN
Và ông cũng đã biết rằng, với tư cách là một phần của quyền lực nhà nước, ông bị ràng buộc bởi phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang.
BỊ CÁO
Về cơ bản là có.
CÔNG TỐ VIÊN
Về cơ bản?
BỊ CÁO
Tôi cho rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang là sai.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông có thể giải thích cho chúng tôi không?
BỊ CÁO
Được. Câu hỏi được đặt ra là, liệu việc giết người vô tội trong một trường hợp cùng cực thì có được cho phép không.
CÔNG TỐ VIÊN
Tòa án Hiến pháp Liên bang bác bỏ điều đó…
BỊ CÁO
Điều này, tuy nhiên lại liên quan tới việc khác: Một bên là 164 hành khách và một bên là 70.000 khán giả trong sân vận động. Vậy nên trong một tỉ lệ tương quan như thế này thì không thể nào lại không được cân nhắc hai bên với nhau.
CÔNG TỐ VIÊN
Nếu tôi hiểu đúng ý ông thì nghĩa là ông cho rằng, số lượng lớn khán giả trong sân vận động là lý do chính đáng cho việc giết các hành khách.
BỊ CÁO
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Nghĩa là ông cân nhắc giữa mạng sống với mạng sống.
BỊ CÁO
Không, không phải giữa một mạng sống đơn lẻ với một mạng sống đơn lẻ. Tôi chỉ cho rằng, việc giết một số ít người để cứu lấy rất nhiều người là đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Được rồi. Về cơ bản, ông có cho rằng mạng sống của mỗi người đều có giá trị như nhau không?
BỊ CÁO
Dĩ nhiên rồi.
CÔNG TỐ VIÊN
Tuy nhiên, việc bảo vệ mạng sống của cá nhân đơn lẻ có thể bị từ bỏ, nếu qua đó có thể cứu được nhiều mạng sống khác?
BỊ CÁO
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông hãy mường tượng thế này: Một người đàn ông tới bệnh viện vì bị gãy tay. Ngoài ra, ông ta vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Trong bệnh viện này hiện đang có một danh sách dài các bệnh nhân khẩn cấp chờ cấy ghép nội tạng. Đây là cơ hội cuối của họ. Theo luận điểm của mình, thì ông được phép giết người đàn ông với cánh tay bị gãy, để lấy các nội tạng của người đó.
BỊ CÁO
Không, tất nhiên là không.
CÔNG TỐ VIÊN
Tại sao?
BỊ CÁO
Ngoại lệ chỉ có thể được tạo ra trong trường hợp một con số rất lớn.
CÔNG TỐ VIÊN
Nghĩa là, tỉ lệ 1:4 thì không đủ?
BỊ CÁO
Không, chắc chắn là không.
CÔNG TỐ VIÊN
Hiểu rồi. Thế 1:100 có tốt hơn không? Hay 1:1000? Hoặc có lẽ 1:10.000? Cụ thể thì ông đặt ra ranh giới đó ở đâu?
BỊ CÁO
Tôi không thể nói chung chung được. Người ta phải quyết định dựa theo từng trường hợp.
CÔNG TỐ VIÊN
Không phải “người ta”. Ý của ông là ông quyết định dựa theo từng trường hợp.
BỊ CÁO
Tôi ư?
CÔNG TỐ VIÊN
Đúng, ông đó. Chẳng phải là, thành thật mà nói, với quyết định của mình ông muốn thay Trời hành động hay sao? Giờ đây chỉ một mình ông có quyền quyết định, ai sẽ phải chết trong hoàn cảnh nào. Ông quyết định việc ai được sống và ai phải chết.
BỊ CÁO
Tôi…
CÔNG TỐ VIÊN
Ông nghĩ đi, nếu mạng sống của mỗi người đều có giá trị như nhau – chính ông cũng tin như vậy – thì việc đổi chác mạng sống dựa trên số lượng là điều bất khả phải không? Điều này rõ ràng mâu thuẫn với nguyên tắc trên?
BỊ CÁO
Thực ra thì các hành khách trên chuyến bay dân sự đó dù sao cũng chỉ còn vài phút để sống.
CÔNG TỐ VIÊN
Nhưng đó lại là một lý lẽ khác rồi.
BỊ CÁO
Chẳng phải là chiếc máy bay sẽ nổ ở sân vận động sao? Như thế nghĩa là các hành khách chỉ còn rất ít thời gian để sống. Ngay cả nếu tôi không bắn, thì tất cả họ cũng sẽ bị chết thôi.
CÔNG TỐ VIÊN
Một lần nữa: Thế bây giờ sự việc chỉ liên quan tới thời gian sống còn lại thôi à?
BỊ CÁO
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Trong trường hợp này ông tự quyết định về thời gian. Quan điểm của ông là những người chỉ còn lại rất ít thời gian sống thì không đáng được bảo vệ. Bao nhiêu phút sống còn lại của con người được ông cho phép? Năm phút chăng?
BỊ CÁO
Tôi không biết…
CÔNG TỐ VIÊN
Hay ít hơn?
BỊ CÁO
Tôi…
CÔNG TỐ VIÊN
Hay là nhiều hơn? Người ta có được phép gọi cho người thân và nói lời từ biệt không? Rất nhiều hành khách trong vụ tấn công ở New York đã làm việc đó.
BỊ CÁO
Bà… Bà phải nhìn sự việc một cách thực tế.
CÔNG TỐ VIÊN
Một cách thực tế?
BỊ CÁO
Chỉ trong giây phút cuối cùng, tôi mới bắn hạ chiếc máy bay. Tôi không thể chờ đợi thêm được nữa.
CÔNG TỐ VIÊN
Nhưng mà thực ra thì điều đó cũng không thay đổi được gì, đúng không? Ông hãy nghĩ đến ví dụ của chúng ta: Nếu người đàn ông trong bệnh viện không chỉ bị gãy tay, mà còn bị bệnh nan y và chỉ còn sống được ít giờ nữa, theo lô gic của ông thì ông không thể đợi cái chết của bệnh nhân được. Ông được quyền giết bệnh nhân này ngay tức khắc để lấy nội tạng của ông ta.
BỊ CÁO
Không, tất nhiên là không được.
CÔNG TỐ VIÊN
Tại sao lại không?
BỊ CÁO
Ít giờ hoàn toàn khác so với ít phút. Thêm nữa, bệnh nhân mắc bệnh nan y trong ví dụ của bà vô tội.
CÔNG TỐ VIÊN
Vô tội? Nhưng mà những hành khách trên chuyến bay chẳng phải cũng vô tội như vậy ư?
BỊ CÁO
Không hoàn toàn.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông phải giải thích tại sao.
BỊ CÁO
Những hành khách này đã tự đưa mình vào nguy hiểm khi bước chân lên máy bay.
CÔNG TỐ VIÊN
Ồ.
BỊ CÁO
Ngày nay, rõ ràng ai cũng biết và phải tính đến việc máy bay bị bắt cóc. Mỗi hành khách trên mỗi chuyến bay ngày nay đều biết rằng, mình có thể sẽ trở thành nạn nhân của một vụ tấn công khủng bố. Bà cũng nhìn thấy việc đó khắp mọi nơi – bà hãy nghĩ về những biện pháp kiểm soát an ninh ở sân bay xem. Ai cũng có thể nhìn thấy được mối đe dọa.
CÔNG TỐ VIÊN
Nghĩa là ông cho rằng, khi mua vé bay thì các hành khách đã đồng ý với việc sẽ bị giết.
BỊ CÁO
Có thể bị giết.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông không cho rằng điều này hoàn toàn thiếu thực tế ư? Hoàn toàn phi thực tế?
BỊ CÁO
Cuộc sống của chúng ta vốn là như thế.
CÔNG TỐ VIÊN
Thế còn mấy đứa trẻ ở trong máy bay?
BỊ CÁO
Mấy đứa trẻ?
CÔNG TỐ VIÊN
Có hai trẻ em trên máy bay. Chúng cũng đồng ý với việc bị giết chứ?
BỊ CÁO
Tôi…
Có, bố mẹ chúng đã quyết định điều đó thay chúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Thú vị thật. Và nếu theo lô gic này thì những người trong sân vận động chẳng phải là cũng tự đưa mình vào rủi ro hay sao?
BỊ CÁO
Tôi không hiểu ý bà.
CÔNG TỐ VIÊN
Trong thế giới theo cái nhìn của ông, ai cũng đều biết có sự nguy hiểm ở những nơi tập trung đông người. Chẳng hạn dưới một bến tàu điện ngầm, ở một buổi hòa nhạc rock, nơi một cuộc tụ tập đông đảo khán thính giả hâm mộ hay trong một sân vận động. Thậm chí mỗi một người đi xem phim, đi khiêu vũ hay đi xem kịch đều có thể gặp nguy hiểm và như vậy là họ tự nguyện đưa mình vào chỗ chết.
BỊ CÁO
Ý của tôi không phải vậy.
CÔNG TỐ VIÊN
Thế ý ông là sao?
BỊ CÁO
Những hành khách trong máy bay có một mối nguy đặc biệt.
CÔNG TỐ VIÊN
À ha…
BỊ CÁO
Bà có biết rằng, bà toàn nói tới chuyện cảm xúc thôi không.
CÔNG TỐ VIÊN
Ý của ông là gì, khi nói như thế?
BỊ CÁO
Bà phải nhìn sự việc một cách hoàn toàn khác.
CÔNG TỐ VIÊN
Khác thế nào?
BỊ CÁO
Những thường dân phần nào đã trở thành một thứ vũ khí. Vũ khí của kẻ khủng bố. Kẻ khủng bố đã biến toàn bộ máy bay thành vũ khí của hắn. Và tôi phải chiến đấu chống lại thứ vũ khí này.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông Koch, ông là một người thông minh. Nhưng lúc này hẳn ông không lạc hướng đấy chứ?
BỊ CÁO
Tại sao?
CÔNG TỐ VIÊN
Phải chăng ông không còn coi các hành khách là những con người?
BỊ CÁO
Tôi không hiểu!
CÔNG TỐ VIÊN
Ông biến các hành khách trở thành vật thể, khi ông bảo họ là một thứ vũ khí.
BỊ CÁO
Nhưng rõ ràng là như vậy.
CÔNG TỐ VIÊN
Vậy theo ông, chẳng còn chút gì là người nơi họ nữa chăng? Người ta có còn là người không, khi họ được coi như là một phần của một thứ vũ khí? Làm người với chúng ta chẳng phải có ý nghĩa nhiều hơn thế sao?
BỊ CÁO
Có lẽ bà có điều kiện để suy nghĩ chuyện tốt đẹp như thế. Còn tôi ở trên cao, tôi có trách nhiệm. Tôi không thể cho phép mình suy nghĩ về bản chất của con người. Tôi phải quyết định.
Uống một ngụm nước.
CHỦ TOẠ
Ông có cần nghỉ một chút không, ông Koch?
BỊ CÁO
Không, cảm ơn ông. Thưa bà công tố viên, nếu bà muốn đi xa như vậy, thì tôi sẽ giải thích cho bà rõ một quân nhân phải nghĩ thế nào. Tôi đã tuyên thệ.
CÔNG TỐ VIÊN
Vâng?
BỊ CÁO
Cụ thể là: “Trung thành phục vụ Cộng hòa Liên bang Đức và anh dũng bảo vệ quyền và tự do của nhân dân Đức”. Tôi thuộc nằm lòng câu này.
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi không hiểu sự liên quan ở đây.
BỊ CÁO
Lời tuyên thệ này có nghĩa là, một quân nhân phải hy sinh mạng sống của mình khi thực thi nhiệm vụ bảo vệ đất nước.
CÔNG TỐ VIÊN
Điều đó chắc chắn đúng.
BỊ CÁO
Nhưng điều này không có nghĩa gì khác, ngoài việc nhà nước luôn cân nhắc giữa mạng sống của một quân nhân với một nguy hiểm đe dọa cộng đồng. Tôi đã luôn hiểu lời tuyên thệ này như thế.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông muốn gì khi nói như thế?
BỊ CÁO
Tôi muốn nói rằng, nhà nước không loại trừ việc một con người có thể bị hy sinh. Hy sinh một người cho cộng đồng, hay nếu bà muốn nói cách khác đi, hy sinh một người cho các giá trị của cộng đồng. Chuyện xưa nay đã như thế. Người lính có nghĩa vụ bảo vệ cộng đồng khỏi những tổn hại. Ngay cả bằng việc hy sinh tính mạng trong khi làm nhiệm vụ. Ở đây cũng là sự cân nhắc đổi mạng sống lấy mạng sống. Đổi mạng sống của người lính lấy mạng sống của dân thường.
CÔNG TỐ VIÊN
Đó quả là một lý lẽ thú vị, ông Koch ạ. Nhưng có hai sự khác biệt cơ bản giữa nghĩa vụ người lính của ông với việc nhà nước giết chết những hành khách vô tội.
BỊ CÁO
Cụ thể là gì?
CÔNG TỐ VIÊN
Một mặt, là người lính của đất nước này, ông không bị giết bởi nhà nước chúng ta, mà bởi một thế lực thù địch. Mặt khác, thưa thiếu tá Koch: Thực ra thì ông đã không hy sinh bản thân mình – Ông đã giết những người khác.
BỊ CÁO
Nhưng ngay cả bản thân tôi cũng không thể tự do quyết định có đặt mình vào mối hiểm nguy này. Tôi buộc phải tuân theo mệnh lệnh.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông đã tự nguyện chọn phục vụ trong quân đội. Không ai bắt buộc ông cả. Và ông đã biết rõ mối nguy này khi làm việc đó.
BỊ CÁO
Hình như ở đây chúng ta đang tranh luận một cách quá lý thuyết.
CÔNG TỐ VIÊN
Thật ư?
BỊ CÁO
Điều quyết định nằm ở chỗ khác.
CÔNG TỐ VIÊN
Chúng tôi rất muốn nghe.
BỊ CÁO
Là một người lính, tôi buộc phải nghĩ đến những nguy hiểm. Tôi có thể bảo vệ người dân ra sao? Tôi có thể đảm bảo an toàn cho đất nước chúng ta thế nào? Đó là nhiệm vụ của tôi.
CÔNG TỐ VIÊN
Và nữa?
BỊ CÁO
Đã có khi nào bà suy nghĩ đến việc phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang có ý nghĩa thế nào trong thực tế chưa?
CÔNG TỐ VIÊN
Ông muốn nói đến điều gì, ông Koch?
BỊ CÁO
Ý của tôi là, nó có ý nghĩa thực tế thế nào. Cho tất cả mọi người chúng ta.
CÔNG TỐ VIÊN
Và?
BỊ CÁO
Nếu bà bay trên trời và tập luyện chiến đấu, thì bà chỉ có thể thắng khi đặt mình vào vị trí của đối thủ. Bà phải đoán trước được việc hắn ta sẽ làm.
CÔNG TỐ VIÊN
Tôi có thể mường tượng được.
BỊ CÁO
Và nếu nghĩ kỹ về quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang, thì bà sẽ rõ ngay, kẻ khủng bố sẽ làm gì.
CÔNG TỐ VIÊN
Cụ thể?
BỊ CÁO
Hoàn toàn đơn giản: Hắn sẽ luôn luôn sử dụng người vô tội. Khi hắn đã làm điều đó, thì nhà nước sẽ không thể chống trả được nữa. Tòa án đã làm cho chúng ta trở nên bất lực. Số phận chúng ta nằm trong tay kẻ khủng bố. Nhà nước hạ vũ khí, chúng ta đầu hàng.
Ở đây, bà đã buộc tôi tội giết 164 người trên máy bay. Bà buộc tội tôi đã không tuân theo cái quyết định vô lý này, mà nghĩa vụ của tôi lẽ ra phải làm vậy. Vâng, thưa bà công tố viên, bà đúng rồi. Tôi đã không làm theo, bởi cái quyết định này nó bán đứng chúng ta. Nó đi ngược với những gì tôi được đào tạo.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông Koch, ông vẫn tin chắc rằng mình đã hành động đúng ư?
BỊ CÁO
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông cho rằng, những người trong máy bay phải bị hy sinh, vì quốc gia đòi hỏi việc đó.
BỊ CÁO
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Và ông cũng sẽ tiếp tục làm như thế?
BỊ CÁO
Đúng.
CÔNG TỐ VIÊN
Không còn cách nào khác sao?
BỊ CÁO
Không có.
CÔNG TỐ VIÊN
Thế thì, ông Koch, tôi sẽ chỉ đặt một câu hỏi nữa thôi: Nếu như vợ của ông có mặt trong chiếc máy bay đó, thì ông có khai hỏa không?
BỊ CÁO
Cái gì cơ?
CÔNG TỐ VIÊN
Vợ và con trai ông. Điều gì sẽ xảy ra, nếu như họ ở trong chiếc máy bay đó? Khi đó ông cũng sẽ bắn chứ?
BỊ CÁO
Tôi… Tôi…
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Câu hỏi này có ý gì? Trơ trẽn quá.
CÔNG TỐ VIÊN
Không, câu hỏi không trơ trẽn. Trơ trẽn là việc ông cứ chen ngang vào câu chuyện đó.
CHỦ TỌA
Thôi nào, thôi nào.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Tôi không thể nói ra sao được…
CHỦ TỌA
Thế này, giờ đây chúng ta hãy từ từ nhé. Luật sư bào chữa, ông biết rằng nhiệm vụ của chúng ta là điều tra xem, liệu những lời khai của một bị cáo có thực sự đáng tin không. Hay đấy chỉ là ông ta nói mồm mà thôi. Câu hỏi của công tố viên nhắm chính xác đến mục đích này.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Có thể, vâng. Nhưng mà chắc chắn nhiệm vụ của chúng ta không phải là…
BỊ CÁO
Khoan đã. Tôi không muốn đặt ra cho mình câu hỏi này. Tôi không thể.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông không thể gì cơ?
BỊ CÁO
Mọi câu trả lời cho câu hỏi trên đều có thể sai.
CÔNG TỐ VIÊN
Ông nói đúng. Bởi vì nó liên quan tới mạng sống.
Tôi không có thêm câu hỏi nào nữa cho bị cáo.
CHỦ TỌA
Luật sư bào chữa, ông có câu hỏi nào cho thân chủ của mình không?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Không.
CHỦ TỌA
Tốt, vậy thì ông Koch, ông có thể quay lại chỗ ngồi bên cạnh luật sư của mình.
Bị cáo ngồi xuống cạnh luật sư bào chữa.
CHỦ TỌA
Rồi, nếu bây giờ không còn ý kiến phản đối nữa, tôi sẽ bắt đầu đặt câu hỏi cho đồng nguyên đơn với tư cách là nhân chứng.
Luật sư bào chữa và công tố viên gật đầu.
CHỦ TỌA
Bà Meiser, trong vụ án này, bà vừa là đồng nguyên đơn, vừa là nhân chứng. Chúng tôi rất muốn được nghe từ bà. Đề nghị bà ngồi vào ghế nhân chứng.
Meiser ngồi vào ghế nhân chứng.
CHỦ TỌA
Bà Meiser, đề nghị bà hãy cung cấp thông tin cá nhân để ghi vào biên bản. Tên gọi của bà là gì?
MEISER
Franziska.
CHỦ TỌA
Tuổi tròn của bà là bao nhiêu?
MEISER
34.
CHỦ TỌA
Bà sống ở đâu?
MEISER
Ở München, Truderinger…
CHỦ TỌA
Cảm ơn, nhưng chúng tôi không cần địa chỉ cụ thể. München là đủ rồi. Bà làm nghề gì?
MEISER
Y tá.
CHỦ TỌA
Bà còn làm việc chứ?
MEISER
Vâng, ở bệnh viện “Rechts der Isar”.
CHỦ TỌA
Bà không có quan hệ họ hàng hay thông gia với bị đơn chứ?
MEISER
Không.
CHỦ TỌA
Bà Meiser, tôi phải giải thích cho bà, như với từng nhân chứng tại đây. Bà phải nói ra sự thật, bà không được phép thêm bớt bất cứ điều gì. Việc khai man trước tòa sẽ bị phạt nặng. Bà có hiểu không?
MEISER
Vâng.
CHỦ TỌA
Quay sang thư ký tòa án.
Đã giải thích.
Thư ký tòa án đóng dấu tương ứng vào biên bản.
CHỦ TỌA
Bà Meiser, chồng của bà là một trong những hành khách trên chuyến bay Lufthansa số hiệu LH 2047 và đã tử vong do tai nạn…
MEISER
Không.
CHỦ TỌA
Không?
MEISER
Anh ấy không tử vong do tai nạn. Họ đã giết anh ấy.
CHỦ TỌA
Yêu cầu bà tường thuật lại về cái ngày xảy ra vụ việc. Chúng tôi có thể tạm dừng buổi hỏi bất cứ khi nào bà muốn.
MEISER
Sự việc đã diễn ra thế này. Buổi sáng hôm đó, chồng tôi gọi cho tôi và thông báo khi nào anh ấy sẽ về. Từ Berlin. Anh ấy làm việc cho Siemens. Hôm đó, vì có một cuộc họp ở Berlin nên anh đã bay tới đó vào buổi sáng.
CHỦ TỌA
Hiểu rồi.
MEISER
Trước đó tôi trực ca đêm hai ngày trong bệnh viện. Do vậy, ngày hôm đó là ngày nghỉ của tôi. Tôi muốn đi đón chồng bằng ô tô. Thỉnh thoảng tôi cũng làm như vậy. Ông biết đấy, sân bay nằm quá xa thành phố và nếu đi tắc xi thì quá đắt đỏ. Chồng tôi không thích đi tàu. Rồi trên bảng điện tử hiện lên dòng thông báo: “Hoãn”.
CHỦ TỌA
Lúc đó bà ở sân bay một mình đúng không?
MEISER
Không. Một mình là thế nào?
CHỦ TỌA
Có ai đi cùng bà không?
MEISER
À, ra vậy. Không, con gái chúng tôi ở nhà. Mẹ của tôi trông cháu.
CHỦ TỌA
Nghĩa là một mình.
MEISER
Chính xác.
CHỦ TỌA
Điều gì đã xảy ra sau khi bà đọc dòng thông báo trên bảng điện tử về việc máy bay bị hoãn?
MEISER
Rồi tin nhắn đó tới.
CHỦ TỌA
Tin nhắn đó?
MEISER
Vâng.
CHỦ TỌA
Bà Meiser, đề nghị bà cho biết, tin nhắn có nội dung gì?
MEISER
Xin lỗi. Tôi sẽ đọc ông nghe. Cảnh sát đã thu giữ điện thoại của tôi và đến giờ tôi vẫn chưa được nhận lại nó. Nhưng tôi đã viết dòng chữ đó ra giấy.
Lấy một mẩu giấy từ túi xách tay ra và đọc.
“Những kẻ khủng bố đã bắt cóc bọn anh. Bọn anh đang cố xâm nhập buồng lái. Em đừng sợ nhé, bọn anh sẽ thành công. Anh yêu em.”
Đó là tất cả, không còn gì nữa. Tất nhiên tôi đã trả lời lại ngay tức khắc, nhưng mà không nhận được câu trả lời nào.
CHỦ TỌA
Bà đã viết gì?
MEISER
Tôi không nhớ rõ nữa. Tôi nghĩ là, “Trời ơi, chuyện gì đã xảy ra vậy?” hoặc câu gì đó tương tự.
CHỦ TỌA
Bà có thể cho chúng tôi biết giờ nhận tin nhắn không?
MEISER
Tin nhắn nào cơ?
CHỦ TỌA
Của chồng bà.
MEISER
Vâng, xin đợi một chút. 19 giờ 48 phút 12 giây. Tôi đã chép lại từ điện thoại.
CHỦ TỌA
Bà đã chép lại khi nào?
MEISER
Vào phút cuối. Khi một cảnh sát nói rằng anh ta cần điện thoại này.
CHỦ TỌA
Được rồi, cảm ơn bà. Trong hồ sơ của cảnh sát, bút lục 86, cuốn 7 có ghi là điện thoại của bà được chỉnh đồng giờ với máy chủ thời gian ở châu Âu.
MEISER
Gì cơ?
CHỦ TỌA
Có nghĩa là, thời gian trên điện thoại của bà là chính xác.
MEISER
Điện thoại tự động cập nhật giờ. Tôi nghĩ vậy.
CHỦ TỌA
Đó chính là điều tôi muốn nói đó. Sau khi nhận được tin nhắn, chuyện gì đã xảy ra?
MEISER
Tôi lập tức đưa điện thoại cho một cảnh sát. Tôi nói với anh ta rằng chồng tôi không bao giờ đùa cợt kiểu này. Người cảnh sát này còn rất trẻ, mặt còn trứng cá, và mặt anh ta đã đỏ lên. Tôi còn nhớ rõ điều đó. Anh ta lập tức báo động cho ai đó. Tôi được đưa vào một phòng, ở đâu đó sau khu an ninh. Bỗng nhiên, tất cả mọi người ở đây đều rất căng thẳng, tôi có thể cảm nhận được điều đó. Chỉ từ lúc đó tôi mới trở nên sợ hãi thực sự. Liên tục có người ra vào phòng. Ra, vào. Liên tục.
CHỦ TỌA
Họ có xác nhận với bà là máy bay bị bắt cóc không?
MEISER
Lúc đầu thì không. Rồi một cảnh sát lớn tuổi hơn đi vào phòng và cố gắng trấn an tôi. Nhưng ông biết đấy, tôi là y tá, và tôi biết cách trấn an bệnh nhân. Đấy cũng là cách mà ông ta nói với tôi. Tôi không tin điều ông ấy nói.
CHỦ TỌA
Và sao nữa?
MEISER
Sau đó lại có một cảnh sát vào phòng, với một phụ nữ nữa. Người phụ nữ không mặc cảnh phục. Người cảnh sát, tên là Haller hay Höller gì đó, tới ngồi bên cạnh tôi. Anh ta nói với tôi rất bình tĩnh. Nhưng, ông biết đấy, khi ai đó nói một cách bình tĩnh như thế, thì lại càng làm cho tình trạng tồi tệ hơn thôi. Viên cảnh sát nói, chiếc máy bay đã bị bắt cóc, và sau đó bị bắn rơi. Bây giờ tất cả đang tìm kiếm những người còn sống sót.
CHỦ TỌA
Người phụ nữ là ai vậy?
MEISER
Một nhà tâm lý học. Cô ấy hỏi, liệu tôi có cần giúp gì không. Thật ra tôi chẳng cần sự giúp đỡ nào, vâng, và tôi cũng chẳng biết điều gì có thể giúp tôi lúc đó. Ở nhà, con gái tôi đã lên giường rồi và cháu không hề biết về mọi sự xảy ra. Toàn bộ thời gian tôi đã nghĩ về con gái. Không nghĩ về chồng, mà nghĩ về con gái.
CHỦ TỌA
Bà đã làm gì?
MEISER
Tôi làm gì ư? Không làm gì cả.
CHỦ TỌA
Rồi mọi việc diễn tiến ra sao?
MEISER
Tôi không còn rõ nữa. Cậu cảnh sát với khuôn mặt trứng cá đã đưa tôi trở lại sảnh. Cậu ta hỏi tôi xem liệu tôi có cần cậu ta đưa ra tới chỗ đậu xe ô tô không, hay có ai tới đón tôi không. Tôi chỉ muốn một mình. Trong sảnh, tôi ngồi xuống một băng ghế và mắt hướng ra cửa trượt. Thật kỳ lạ, tôi không khóc nổi. Trong sân bay, rất nhiều cảnh sát chạy đi chạy lại. Hỗn loạn kinh khủng. Tôi không nghe thấy các thông báo. Tôi cứ thế ngồi trên băng ghế. Tôi cũng không hề gọi điện về nhà. Tôi không biết, liệu ông có thể tưởng tượng nổi không. Tôi đã ngồi đợi chồng tôi và cứ nhìn ra cửa trượt và tin rằng, anh ấy sẽ hiện ra ở đó.
Thật không công bằng khi người kia đột ngột ra đi, mà chẳng có lời từ biệt nào.
CHỦ TỌA
Tôi nghĩ là chúng ta nên nghỉ một chút.
MEISER
Không, không cần. Tôi có được phép hỏi không?
CHỦ TỌA
Gì cơ?
MEISER
Cảnh sát đã không trả lời câu hỏi của tôi: Các hành khách đã vào trong buồng lái chưa?
CHỦ TỌA
Xin lỗi, gì cơ?
MEISER
Thì, họ đã xâm nhập được vào buồng lái chưa?
CHỦ TỌA
Chúng tôi không biết. Vào khoảnh khắc đó, chiếc máy bay đã bị bắn.
MEISER
Nhưng điều đó rõ ràng quan trọng mà. Họ lẽ ra đã khống chế được kẻ khủng bố, đúng không? Và thế thì chiếc máy bay lẽ ra đã không cần phải bị bắn. Đúng không?
CHỦ TỌA
Sau đó bà cũng đã tới sở cảnh sát một lần nữa đúng không?
MEISER
Không.
CHỦ TỌA
Cho những người tham gia tố tụng: Bút lục 96, cuốn 14 trong hồ sơ.
Theo như hồ sơ thì bà có đến đó vào ngày 4 tháng 9 phải không?
MEISER
À ra vậy, ý ông là vậy.
CHỦ TỌA
Bây giờ bà nhớ lại rồi chứ?
MEISER
Vâng. Tôi đã nhận được một thông báo từ phía cảnh sát. Tất cả thân nhân của người bị nạn đã được đưa về Garching. Chúng tôi đã ở trong một nơi như là hội trường của Quân đội Liên bang.
CHỦ TỌA
Chính xác. Ở đó có những gì?
MEISER
Ở đó có rất nhiều đồ đạc, những thứ tìm được từ xác máy bay. Người ta đặt chúng lên những chiếc bàn rất dài bằng kim loại.
CHỦ TỌA
Bà có nhận lại được gì ở đó không?
MEISER
Chỉ một chiếc giày chân trái. Cái này không quan trọng.
CHỦ TỌA
Có mà. Đề nghị bà hãy kể cho chúng tôi, chuyện gì xảy ra với chiếc giày đó?
MEISER
Trong hội trường đó, cùng với những người khác, tôi đã tìm kiếm rất cẩn thận. Có rất nhiều đồ vật đặt ở đó, va li, đồng hồ, ví tiền vân vân. Chẳng có gì của chồng tôi cả. Nhưng rồi cuối cùng, tôi đã tìm thấy chiếc giày chân trái của anh ấy ở tít đằng sau, ở hàng áp chót. Thật kỳ lạ, chỉ chiếc giày chân trái thôi. Chiếc giày hoàn toàn nguyên vẹn, không một vết xước, không một vệt máu, không gì cả.
Ông biết không, chồng tôi luôn chăm sóc giày của mình rất cẩn thận. Giày của anh luôn rất đắt tiền và anh ấy ưa nhất là giày bằng da ngựa. Giày da ngựa đắt hơn, nhưng bền hơn, chồng tôi bảo vậy. Tôi đã lấy chiếc giày chân trái của anh ấy từ bàn. Tôi đã phải ký tên vào một tờ giấy. Người ta muốn cho chiếc giày vào một túi bóng, nhưng tôi cứ xách nó thôi. Nó đã nằm bên tôi trên ghế lái phụ trên suốt quãng đường về nhà.
Thưa chủ tọa, ông biết đấy, con gái tôi bây giờ 7 tuổi rồi. Vào ngày lễ tang cháu đã hỏi tôi, trong quan tài là gì, nếu bố không nằm trong đó.
Tôi không biết nên trả lời cháu ra sao. Đúng là chúng tôi đã mai táng một quan tài rỗng không. Đối với con gái tôi thì việc cầu nguyện trước một quan tài rỗng không thật là ngu xuẩn. Tôi đã hoàn toàn không thể cầu nguyện gì cả. Sau đó, tôi đã chôn chiếc giày ở trong rừng, một mình. Tôi không biết chôn chiếc giày có phải là việc làm đúng không.
Tôi xin lỗi, câu chuyện này đúng là không thể giúp gì cho ông. Tôi chỉ không thể hiểu tại sao thôi.
CHỦ TỌA
Vâng, bà Meiser.
MEISER
Chỉ tội cho con gái tôi. Chủ tọa biết đó, tôi không thể giải thích cho nó về điều đó. Cháu kể với tôi, cháu không còn nhớ mùi của cha nữa. Mùi cơ thể ấy.
CHỦ TỌA
Cảm ơn bà Meiser.
MEISER
Tôi có được nhận lại điện thoại di động của mình không? Tôi rất muốn giữ tin nhắn đó, chủ tọa hiểu chứ?
CHỦ TỌA
Vâng, tôi hiểu. Ngay khi vụ án kết thúc, bà sẽ nhận lại điện thoại của mình. Hiện giờ chúng tôi vẫn cần nó làm chứng cứ. Tôi rất lấy làm tiếc.
MEISER
Ai cũng nói như vậy.
CHỦ TỌA
Gì cơ?
MEISER
“Tôi rất lấy làm tiếc”. Khi một ai đó nói câu này thì thực ra nó chẳng có nghĩa gì cả.
CHỦ TỌA
Tôi không thể đưa nó cho bà được.
MEISER
Vâng.
CHỦ TỌA
Còn có câu hỏi nào cho đồng nguyên đơn và nhân chứng không?
Công tố viên và luật sư bào chữa lắc đầu.
CHỦ TỌA
Bà Meiser, bây giờ bà đã xong nhiệm vụ với tư cách là nhân chứng, cảm ơn bà. Nếu muốn, tất nhiên bà có thể tiếp tục theo dõi phiên xử.
Meiser rời sân khấu.
CHỦ TỌA
Giờ đây tôi cho mọi người biết thêm về lý lịch tư pháp của bị cáo trích từ hồ sơ: Trong đó chưa có án tích nào cả. Ông Koch chưa có tiền án tiền sự.
Nếu bây giờ không có thêm câu hỏi, yêu cầu hoặc đề xuất nào…
Công tố viên và luật sư bào chữa lắc đầu.
… thì tôi sẽ khép lại phần thu thập chứng cứ. Thưa bà công tố viên, bà có cần thêm thời gian cho việc chuẩn bị bài luận tội không?
CÔNG TỐ VIÊN
Vâng, tôi cần nghỉ giải lao một chút.
CHỦ TỌA
Tốt. Vậy chúng ta hãy nghỉ khoảng 20 phút.
Quay sang cảnh sát tư pháp
Hãy mời mọi người quay lại trong 20 phút nữa.
Chủ tọa đứng lên và rời phòng xét xử. Đồng thời, tất cả những người tham gia tố tụng đều đứng lên.
Giải lao.
HỒI HAI
Tất cả người tham gia tố tụng, ngoại trừ chủ tọa, đều ngồi hoặc đứng tại chỗ của mình. Cảnh sát tư pháp xuất hiện bên rìa sân khấu.
CẢNH SÁT TƯ PHÁP
Tất cả người tham gia tố tụng quay trở lại phòng xét án để tiếp tục phiên xử. Tất cả người tham gia tố tụng quay trở lại phòng xét án để tiếp tục phiên xử.
Chủ tọa bước vào phòng xét xử, tất cả mọi người đứng lên.
CHỦ TỌA
Mời quý vị ngồi xuống.
Tất cả ngồi xuống.
CHỦ TỌA
Mời bà công tố viên. Chúng tôi muốn được nghe bài luận tội của công tố viên.
CÔNG TỐ VIÊN
Đứng lên.
Kính thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, tôi muốn nói ngay: Bị cáo không phải là tội phạm. Các hành vi của ông ấy khác xa so với những gì mà chúng ta thường xem xét trong một phòng xử án. Ông ấy không hề giết vợ hay người tình, cũng không cướp giật, không lừa đảo, không ăn cắp. Ngược lại: Lars Koch, theo các tiêu chuẩn công dân, cho đến nay đã có một cuộc đời hoàn hảo, chưa từng làm sai điều gì. Ông ấy không có điều gì đáng để phê phán, dù là nhỏ nhất. Tôi có thể nói rằng, tôi rất ấn tượng với sự thẳng thắn và nghiêm túc trong những suy nghĩ của ông ấy. Lars Koch không phải là một bị cáo cố tình bào chữa cho hành vi của mình bằng thời thơ ấu, bằng sự rối loạn tâm lý hay bằng một cách giải thích tương tự nào đó. Ông ấy đặc biệt thông minh, điềm đạm và là người có thể phân biệt đúng sai. Thậm chí, có lẽ ông ấy làm điều này tốt hơn hầu hết những người khác. Tất cả những điều đã làm, ông ấy làm với nhận thức đầy đủ và rõ ràng nhất. Ông ấy chắc chắn rằng mình đã làm đúng. Bây giờ ông ấy vẫn tin vào điều đó.
Kính thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, vâng, luật sư bào chữa đã nói đúng. Vụ án này thực sự chỉ xoay quanh một câu hỏi: Liệu chúng ta có được phép giết người vô tội để cứu những người vô tội khác không? Và nó có phải là câu hỏi về số lượng không? Có thể cân nhắc giữa mạng sống với mạng sống không, khi cái chết của một người có thể cứu mạng của 400 người khác?
Nếu là tự phát có lẽ chúng ta cũng sẽ hành động đúng như vậy. Nó có vẻ đúng đối với chúng ta. Có thể chúng ta không hoàn toàn chắc chắn, và nó đòi hỏi chúng ta phải can đảm để đi tới quyết định đó. Nhưng chúng ta cân nhắc, cũng như chúng ta cân nhắc trong nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống của mình. Chúng ta tự vấn lương tâm. Rồi chúng ta tin rằng, mình hành động công bằng và hợp lý, theo hiểu biết và lương tâm sáng suốt nhất. Chúng ta đồng ý với Lars Koch. Như thế, chúng ta có thể kết thúc vụ án và xử trắng án.
Nhưng mà, như các vị vừa nghe đó, Hiến pháp đòi hỏi điều khác từ chúng ta. Các thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp Liên bang đã diễn đạt thế này: Mạng sống không được phép cân nhắc đổi lấy mạng sống. Không bao giờ, ngay cả với một số lượng rất lớn. Điều này khiến ta phải hoài nghi. Và chúng ta có trách nhiệm với bị cáo và các nạn nhân phải suy nghĩ kĩ hơn về điểm này.
Chúng ta dựa theo những tiêu chí nào để quyết định liệu bị cáo có được phép giết người hay không? Thực tế là chúng ta quyết định dựa theo lương tâm, theo đạo đức, theo hiểu biết thông thường của mình. Ngoài ra còn có một số cách diễn đạt khác: Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang đã nói tới “tình thế khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp”. Một số luật gia gọi đó là “Luật tự nhiên”.
Tuy nhiên, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, cách gọi tên chẳng quan trọng gì. Ý nghĩa của chúng luôn vẫn là một: Chúng ta nên quyết định dựa trên những ý niệm vượt khuôn khổ luật pháp, những ý niệm lớn hơn luật, nghĩa là những ý niệm thay thế luật. Câu hỏi đặt ra là: Điều này có hợp lý không? Tôi biết, mỗi người trong quý vị đều tin rằng, mình có thể phó thác cho lương tâm và đạo đức của mình. Nhưng thực sự đó là một sai lầm.
Năm 1951, nhà triết học luật pháp Đức, Hans Welzel, đã nghĩ ra một trường hợp gọi là “ghi xe lửa”: Một toa chở hàng bị đứt khỏi đoàn tàu trên một triền núi dốc. Nó lao hết tốc lực xuống thung lũng, vào một nhà ga nhỏ. Tại ga đang có một tàu chở khách. Nếu toa hàng tiếp tục lao xuống với tốc độ như vậy, nó sẽ giết chết hàng trăm người. Bây giờ quý vị hãy tưởng tượng, mình là người gác nhà ga. Quý vị có cơ hội bẻ ghi đường ray và hướng toa tàu chở hàng vào một đường ray phụ. Vấn đề là: Trên đường ray phụ này hiện đang có năm công nhân đang sửa chữa đường ray. Nếu quý vị chuyển hướng tàu, quý vị sẽ giết chết năm người công nhân này, nhưng sẽ cứu được hàng trăm người. Quý vị sẽ làm gì? Quý vị có chấp nhận cái chết của năm người không?
Thực tế là hầu hết mọi người sẽ chuyển hướng toa tàu. Và sau một thoáng suy nghĩ, chúng ta cho rằng hành động như vậy là đúng.
Nhưng nếu tình huống chỉ thay đổi một chút, thì lập tức nó sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Judith Thomson, một nhà triết học luật pháp người Mỹ, năm 1976 đã đề xuất thêm vào một biến thể của ví dụ trên: Toa hàng vẫn đang lao từ trên núi xuống, nhưng bây giờ không có ghi nối đường ray để quý vị có thể chuyển hướng nữa. Là người đứng ngoài, quý vị đang đứng trên một cây cầu và quan sát sự việc diễn ra. Bên cạnh quý vị là một người đàn ông rất to béo. Nếu người này rơi từ trên cầu xuống, ông ta sẽ rơi xuống đường ray. Mặc dù sẽ bị toa tàu tông phải, nhưng cơ thể của ông ta có thể chặn toa tàu lại. Nhưng mà quý vị không thể dễ dàng đẩy người này rơi xuống, vì ông ta rất béo và khỏe. Do vậy, trước hết quý vị phải giết chết người này, chẳng hạn bằng một con dao, rồi sau đó mới có thể đẩy ông ta xuống. Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, bây giờ thì quý vị sẽ hành động thế nào?
Vâng, đa số sẽ từ chối giết người đàn ông. Nhưng có điều gì đổi khác ở đây? Thực ra chỉ có một khác biệt thôi: Là bây giờ chúng ta phải tự sát hại ai đó. Chúng ta phải tự tay giết một người. Chúng ta không thể làm điều đó. Do đó, mặc dù tình huống này hầu như không khác so với tình huống trên, nhưng trong đầu chúng ta tất cả đã thay đổi. Trong trường hợp đầu, chúng ta sẵn sàng giết năm người, nhưng bây giờ, việc giết một người đối với chúng ta lại là điều không thể. Đột nhiên, dường như chúng ta không thể đưa ra được quyết định đúng đắn nữa. Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, như vậy, chúng ta phải chấp nhận rằng, không có sự chắc chắn nào trong các câu hỏi về đạo đức.
Chúng ta có những sai lầm, và chúng ta vẫn luôn tiếp tục mắc sai lầm, đó chính là bản chất của chúng ta – chúng ta không thể làm khác được. Đạo đức, lương tâm, hiểu biết thông thường, luật tự nhiên, tình thế khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp – mỗi thuật ngữ này đều mập mờ, chúng dễ thay đổi, và bản chất này của chúng khiến chúng ta không thể chắc chắn được, ngày hôm nay hành vi nào là đúng và liệu những cân nhắc của chúng ta đến ngày mai có còn nguyên giá trị hay không.
Do vậy, chúng ta cần một cái gì đó đáng tin cậy hơn so với những cân nhắc tự phát của chúng ta. Một thứ mà chúng ta có thể làm theo bất cứ lúc nào, và chúng ta có thể bám chặt lấy. Một thứ mang lại cho chúng ta tính rõ ràng trong sự hỗn loạn – một chỉ đạo dùng trong các tình huống khó khăn nhất. Chúng ta cần: Nguyên tắc.
Những nguyên tắc này, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, chúng ta đã tự đưa ra cho mình. Đó chính là Hiến pháp của chúng ta. Chúng ta đã quyết định sẽ quyết định từng trường hợp riêng lẻ theo Hiến pháp. Từng trường hợp đều được cân nhắc và kiểm tra dựa theo đó. Theo Hiến pháp – chứ không phải theo lương tâm của chúng ta, không phải theo đạo đức của chúng ta, và hoàn toàn không phải dựa theo một thế lực cao hơn bên ngoài nào khác. Luật pháp và đạo đức phải được tách khỏi nhau hoàn toàn.
Chúng ta đã cần một thời gian rất dài để có thể nhận thức được rằng: Đó chính xác là bản chất của nhà nước pháp quyền. Như quý vị đều biết, chúng ta đã phải trả giá đắt như thế nào cho nhận thức này. Và chỉ những gì đã trở thành luật mới được phép ràng buộc cho tất cả. Một luật thực sự, phù hợp với Hiến pháp và được Quốc hội của chúng ta thông qua qua một quy trình dân chủ phức tạp. Vì vậy, những đạo luật, ngay cả khi một số trong chúng ta coi chúng là sai và phi đạo đức, vẫn có hiệu lực. Chúng ta chỉ có cách duy nhất là bãi bỏ chúng. Thế còn quan điểm đạo đức? Dù nó có đúng đến đâu đi nữa đối với chúng ta, thì quan điểm đạo đức cũng chẳng ràng buộc bất cứ ai. Chỉ có mỗi luật pháp và duy nhất luật pháp mới có tính ràng buộc. Thêm nữa: Không một ai được quyền đặt “quan điểm đúng về mặt đạo đức” lên trên Hiến pháp. Đây là điều hiển nhiên trong một nhà nước dân chủ pháp quyền.
Nhưng quý vị cũng biết, Hiến pháp cũng quy định Quyền khiếu nại. Có thể có lúc nào đó, có những luật đã được đưa ra thì giờ dẫn tới sự bất công không thể nào chịu đựng nổi nữa, và việc áp dụng chúng có thể là vô nhân đạo. Tuy nhiên, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, đây không phải là trường hợp của Lars Koch: Đó không phải là việc giết một tên bạo chúa. Hiến pháp của chúng ta là một tập hợp các nguyên tắc, nó phải bắt buộc và luôn luôn vượt lên đạo đức, lương tâm và bất kì ý niệm nào khác. Và nguyên tắc cao nhất của Hiến pháp này là phẩm giá con người.
Luật cơ bản[4] của chúng ta bắt đầu bằng câu: “Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm”. Không phải ngẫu nhiên mà câu này đứng ở đầu. Câu đó chính là mệnh đề quan trọng nhất của Hiến pháp. Điều 1 của Các quyền cơ bản xác định một sự “đảm bảo vĩnh viễn”, nghĩa là nó sẽ không thể được sửa đổi, chừng nào Luật cơ bản còn hiệu lực. Nhưng thực sự thì phẩm giá ở đây nghĩa là gì? Tòa án Hiến pháp Liên bang cho rằng, phẩm giá có nghĩa là một con người không bao giờ là một đối tượng đơn thuần cho các hành động của nhà nước. “Một đối tượng đơn thuần cho các hành động của nhà nước” nghĩa là gì? Ý tưởng này dựa theo Kant. Theo Kant, con người là một hữu thể có khả năng đưa ra một luật riêng và hành động dựa theo luật đó, điều này làm anh ta khác biệt so với những sinh vật khác. Anh ta hiểu biết về thế giới, anh ta có khả năng tự vấn. Do vậy, anh ta là một chủ thể, chứ không phải như một viên đá, chỉ là một vật thể đơn thuần. Mỗi người đều sở hữu phẩm giá này.
Do vậy, khi một người phải chịu một quyết định mà họ không thể tác động vào được, nghĩa là khi họ bị quyết định mà không được hỏi ý kiến, thì họ đã trở thành một vật thể. Như vậy sự việc rõ ràng: Chính phủ không bao giờ có thể cân nhắc đổi một mạng sống này lấy một mạng sống khác. Cũng không thể đổi lấy 100, không thể đổi lấy 1000 mạng sống. Mỗi cá nhân – và mỗi người trong số quý vị ở đây cũng vậy, thưa các quý ông quý bà trong bồi thẩm đoàn – đều sở hữu phẩm giá này. Con người không phải là vật thể. Mạng sống không thể được đo đếm bằng con số, nó không phải là thị trường.
Liệu đó có phải chỉ là một ý tưởng của các giáo sư hoặc các triết gia hay không? Một đòi hỏi của các thẩm phán Tòa án Hiến pháp, những người phán xét hoàn toàn xa rời cuộc sống bình thường đầy nỗ lực của chúng ta hay không? Không, mà hoàn toàn ngược lại. Hậu quả của việc quyết định đi ngược lại phẩm giá của con người như thế nào, quý vị vừa thấy được trong trường hợp Lars Koch. Quý vị hãy nghĩ tới những người lính trong Trung tâm Nhận định và Xử lý Tình hình Quốc gia. Giá như tất cả đều hành xử hợp hiến, thì có lẽ đã không xảy ra vụ việc trên. Và có lẽ sân vận động đã được sơ tán, và không ai còn gặp nguy hiểm cả. Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, quý vị phải nhận định rõ, là quý vị không thể chấp nhận sự kiện trên đây. Quý vị không muốn Hiến pháp bị vi phạm, giống như cựu Bộ trưởng Quốc phòng đòi hỏi.
Tất nhiên, khi Lars Koch bắn chiếc Lufthansa, thì sân vận động vẫn đầy khán giả. Ông ấy không bị quy trách nhiệm cho hành động vi phạm Hiến pháp của những người khác. Nhưng ông ấy phải chịu trách nhiệm cho câu hỏi mà đồng nguyên đơn đã đưa ra trong phiên tòa này: Liệu các hành khách trên máy bay đã có khả năng chế ngự được kẻ khủng bố không? Liệu họ có khả năng xâm nhập được vào buồng lái hay không? Họ đã tiến được tới đâu rồi? Liệu họ có đủ thời gian hành động không? – Chúng ta không thể biết. Liệu phi công có hành xử khác đi không? Anh ta nhìn thấy trước cái chết của mình và của hàng trăm người khác mà. Có thể vào phút cuối, anh ta sẽ cho máy bay bay lên để cứu những người đang trong sân vận động thì sao? – Chúng ta không thể biết. Hay liệu phi công phụ, vào giây phút cuối, có thể đánh văng khẩu súng từ tay tên khủng bố không? Liệu sau rốt, mọi thứ có lại trở nên tốt đẹp hay không? – Kể cả điều này, chúng ta cũng không thể biết. Và tại sao chúng ta không thể biết được tất cả những việc trên? Bởi vì bị cáo đã tự quyết định. Chỉ một mình ông ấy đã quyết định bắt tất cả hành khách phải chết. Ông ấy không nhận được mệnh lệnh như vậy, mà trái lại. Ông ấy biết rõ rằng mình chống lại các mệnh lệnh cấp trên, chống lại luật pháp của chúng ta, chống lại Hiến pháp và chống lại tòa án của chúng ta. Lars Koch đã được đào tạo để đưa ra quyết định đúng trong những tình huống khó khăn nhất. Trước đó ông ấy đã hàng trăm lần suy nghĩ về tình huống trên và việc mình phải làm gì. Và do vậy, bây giờ ông ấy phải chịu trách nhiệm cho những hệ quả của nó. Lars Koch, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, không phải là anh hùng. Ông ấy đã giết người. Ông ấy đã biến những người khác thành đối tượng đơn thuần trong tay mình. Ông ấy đã tước đi tất cả cơ hội tự quyết của họ… Ông ấy đã lấy mất phẩm giá của những con người này.
Thật khủng khiếp – Hiến pháp đòi hỏi rất nhiều từ chúng ta, đôi khi nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ mình có thể chịu đựng nổi. Nhưng Hiến pháp vốn thông minh hơn chúng ta, thông minh hơn cảm xúc của chúng ta, hơn cơn cuồng nộ cũng như sự sợ hãi của chúng ta. Chỉ khi chúng ta tôn trọng Hiến pháp, khi chúng ta tôn trọng những nguyên tắc của nó và khi chúng ta luôn luôn và trong mọi hoàn cảnh tôn trọng phẩm giá của con người, thì chúng ta mới có thể tồn tại được trong thời đại khủng bố như một xã hội tự do.
Đúng vậy, chúng ta đang bị đe dọa từ mọi phía. Nhà nước của chúng ta đang đối mặt với những mối hiểm nguy lớn nhất và thế giới quanh chúng ta đang đe dọa sụp đổ. Thế nhưng, trong hoàn cảnh này thì việc chúng ta dựa vào những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền lại càng trở nên quan trọng hơn. Cụ thể thì luật pháp cũng giống như tình bạn, nó sẽ không có tác dụng gì nếu nó chỉ được áp dụng trong những ngày tháng tốt lành.
Bị cáo đã nói với quý vị rằng, việc ông ấy giết một số người để cứu lấy nhiều người là đúng. Nhưng thế chính có nghĩa là luật pháp chỉ áp dụng trong những ngày tốt lành – vào những ngày tồi tệ, khó khăn và đen tối thì chúng ta cần quyết định khác. Không. Quý vị tha bổng cho Lars Koch có nghĩa là quý vị tuyên bố phẩm giá con người, Hiến pháp của chúng ta là vô giá trị. Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, tôi chắc chắn rằng, quý vị sẽ không muốn sống trong một Thế giới như vậy.
Do đó, tôi yêu cầu kết tội bị cáo về tội giết 164 người.
CHỦ TỌA
Cảm ơn bà, thưa công tố viên.
Luật sư bào chữa, luật sư có cần thêm thời gian chuẩn bị không?
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Không.
CHỦ TỌA
Tốt. Bây giờ chúng tôi muốn nghe phần tranh luận của luật sư.
LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Đứng lên.
Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, các vị đã nghe lập luận của công tố viên chứ? Quý vị có hiểu công tố viên nói gì không? Công tố viên muốn kết án Lars Koch chỉ vì một nguyên tắc. Thật sự, đó chính xác là điều bà ta muốn nói – chỉ vì một nguyên tắc mà bà ta muốn bỏ tù ông ấy suốt đời. Vì một nguyên tắc mà 70.000 con người sẽ phải bị hy sinh. Tôi không quan tâm đến tên gọi của cái nguyên tắc này – liệu nó tên là “Hiến pháp” hay “phẩm giá con người” hay bất cứ tên gọi nào khác. Tôi chỉ có thể nói rằng: Thật may mắn là Lars Koch đã không hành xử tuân theo nguyên tắc, mà tuân theo những gì là đúng đắn. Thực ra thì bài phát biểu của tôi có thể kết thúc ở đây rồi.
Nhưng mà thôi, chúng ta hãy làm như công tố viên và hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm xem, liệu việc tuân theo những nguyên tắc có hoàn toàn hợp lý không. Chính Immanuel Kant của công tố viên đã viết một tiểu luận ngắn về những nguyên tắc. Đó là năm 1797. Tiểu luận có tên “Về cái gọi là quyền nói dối vì lòng bác ái”. Và quý vị có biết Kant nói gì ở trong đó không? Tôi sẽ cho quý vị biết: Một tên sát nhân tay cầm rìu đang đứng trước cửa nhà quý vị. Một người bạn của quý vị vừa chạy vào nhà quý vị để trốn khỏi tên sát nhân này. Bây giờ, tên sát nhân nói, hắn ta muốn giết người bạn của quý vị và yêu cầu quý vị cho hắn ta biết, hiện người bạn đang ở đâu. Theo Kant, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, trong trường hợp này, quý vị không được phép nói dối, bởi vì quý vị không bao giờ được nói dối. Quý vị sẽ phải trả lời rằng: “Vâng, thưa ông sát thủ, bạn tôi đang ngồi ở đằng kia trên ghế salon và đang xem chương trình thể thao. Chúc ông vui vẻ nhé!”
Đó không phải là truyện đùa đâu. Kant thực sự đã yêu cầu vậy đó. Và công tố viên đã yêu cầu quý vị điều tương tự: đặt một nguyên tắc quan trọng hơn một trường hợp cụ thể, coi nguyên tắc quan trọng hơn cả mạng sống. Những nguyên tắc có thể là hợp lý, và có lẽ trong phần lớn trường hợp là đúng. Nhưng việc theo đuổi các nguyên tắc trong trường hợp này có phải là một sự điên rồ không? Chắc chắn tôi sẽ luôn nói dối tên sát nhân, tôi sẽ ưu tiên cứu mạng bạn mình.
Vâng, thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, đó chính là điểm mấu chốt cho vụ án của chúng ta. Liệu có đúng không khi đặt nguyên tắc phẩm giá con người cao hơn việc cứu mạng sống của con người? Xin quý vị hãy suy ngẫm. Xin quý vị hãy lùi lại một chút và hãy quan sát sự việc như nó đã diễn ra. Ông Koch đã cứu 70.000 người. Để làm được điều đó, ông ấy đã phải giết 164 người. Đó là tất cả câu chuyện. Điều này có khủng khiếp không? Có, nó rất kinh khủng, gây kinh hoàng và tàn nhẫn. Nhưng liệu có thể làm khác không? Không. Lars Koch đã cân nhắc và ông ấy đã quyết định đúng. Bất cứ một ai còn chút tỉnh táo thì sẽ có thể, sẽ phải và sẽ nhận thấy rằng, không một nguyên tắc nào trên thế giới này có thể quan trọng hơn việc cứu 70.000 người. Chấm hết.
Có thể sau bài phát biểu của công tố viên, bây giờ quý vị cảm thấy không thoải mái khi quý vị nghe theo lương tâm của mình mà không tuân theo một nguyên tắc nào. Tôi thừa nhận rằng, những quyết định theo lương tâm rất phức tạp, nhưng mà chúng cũng có thể xảy ra.
Chúng ta hãy xem xét từng phần. Trước hết, quý vị phải biết rằng, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Liên bang chỉ quyết định xem Đạo luật An ninh Hàng không có hợp hiến hay không. Còn câu hỏi, liệu một người lính có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, nếu anh ta bắn rơi máy bay, thì rõ ràng không được các thẩm phán làm rõ. Một điều rất quan trọng mà quý vị cần biết là quý vị chính là những người giờ đây sẽ phán xét điều này. Bản thân luật đó có thể đã vi hiến, nhưng liệu Lars Koch có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không lại là một câu hỏi khác.
Tôi muốn giải thích cho quý vị cái thực chất của vấn đề. Các thẩm phán và Hiến pháp của chúng ta đánh giá giá trị của sự sống là vô tận. Và khi đó, người ta không thể cân nhắc giữa mạng sống với mạng sống – đơn giản là người ta không thể thêm bất cứ số gì vào vô tận nữa. Thế nên một mạng sống cũng có giá trị như 100.000 mạng sống.
Ngay cả ý tưởng căn bản này, đối với tôi, có vẻ đáng ngờ và nó mâu thuẫn với hiểu biết thông thường. Trong lịch sử đã luôn có những tòa án ra phán quyết rằng, ưu tiên cái gọi là “điều ít tồi tệ hơn” là phù hợp với luật pháp. Năm 1841, con tàu “William Brown” bị đắm sau khi lao vào một tảng băng trôi. Các thuyền cứu hộ không thể chứa tất cả những người còn sống sót, nếu cố chở, chúng sẽ bị chìm và tất cả sẽ chết. Thủy thủ Alexander Holmes đã ném 14 hay 16 người – con số cụ thể chưa bao giờ được đưa ra – xuống nước. Sau khi quay lại Philadelphia, Holmes đã bị đưa ra tòa vì hành động này của mình. Mặc dù tòa có tuyên án, nhưng mức án rất nhẹ. Các thẩm phán đã nhận ra sự cấp bách trong việc ưu tiên cho cái ít tồi tệ hơn. Holmes đã cứu sống phần lớn các hành khách.
Hay quý vị hãy nghĩ về trường hợp mà một tòa án ở Anh đã phán quyết trong năm 2000. Một cặp sinh đôi bị dính với nhau từ khi chào đời. Các bác sĩ nói rằng, ở trong tình trạng này thì cả hai sẽ chết sớm, và họ muốn tách hai đứa trẻ ra khỏi nhau. Tách như vậy cũng đồng nghĩa với việc một trong hai đứa bé chắc chắn sẽ chết. Bố mẹ hai bé không đồng ý. Sự việc đã được đưa ra tòa án. Tòa phúc thẩm đã ra phán quyết giữ lại đứa trẻ khỏe mạnh hơn và để đứa yếu hơn chết. Và thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, trường hợp này cũng không khác cái gọi là cân nhắc giữa sự sống với sự sống. Thẩm phán của phiên toà đó, thẩm phán Brooke, trong phần lý luận của mình đã lấy ví dụ một chiếc máy bay không người lái có nguy cơ lao xuống một thành phố do thiếu nhiên liệu. Ông ta phán quyết rằng, luật pháp cho phép bắn rơi chiếc phi cơ với những hành khách đằng nào cũng không thoát khỏi cái chết này. Và tại sao? Một lần nữa vì: đó là một giải pháp “ít tồi tệ” hơn.
Phó tổng thống Hoa Kỳ, Dick Cheney, vài ngày sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, đã tuyên bố việc bắn hạ những chiếc máy bay là hợp pháp. Tại sao? Đó là trường hợp ít tồi tệ hơn.
Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, tôi thừa nhận rằng ý tưởng ưu tiên cho cái ít tồi tệ hơn có nguồn gốc từ hệ thống pháp lý Anh Mỹ. Nhưng mà, quan trọng là nó hợp lý. Chúng ta có thể nói rất lâu về những khái niệm “phẩm giá con người” và “tinh thần của Hiến pháp”. Nhưng thế giới không phải là hội thảo của các sinh viên luật. Thực tế là chúng ta đang đối mặt với những mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết. Mặc dù hằng ngày chúng ta đều nhìn thấy những bức ảnh, nhưng chúng ta không tin rằng những nguy cơ này sẽ xảy đến với mình. Chúng ta đã xua cái chết ra khỏi cuộc sống của mình; chúng ta nghĩ, cuộc sống cứ mãi thanh bình như thế. Có vẻ như chúng ta sẽ chẳng bao giờ chết. Nhưng mà chúng ta luôn bị đe dọa, xã hội của chúng ta, tự do của chúng ta, cách sống của chúng ta. Những kẻ khủng bố đã hàng nghìn lần đề ra mục tiêu của chúng: Chúng muốn tiêu diệt chúng ta. Còn chúng ta đã làm gì? Chúng ta đã làm gì để chống lại mục tiêu của chúng? Lars Koch đã giải thích cho quý vị. Quý vị hãy nghĩ về một tên sát thủ, một kẻ điên rồ, một người muốn giết người do một ý thức hệ hũ nút nào đó hay do một niềm tin cuồng tín. Tất cả nỗ lực của hắn đều hướng tới cái chết và sự hủy diệt. Rồi bây giờ kẻ sát thủ này đọc được phán quyết của các thẩm phán ở Karlsruhe[5]. Hắn sẽ rút ra kết luận gì? Liệu hắn có nghĩ, ừ họ nói đúng đấy, phẩm giá con người là quan trọng, mình có nên thôi đi không nhỉ? Kẻ khủng bố sẽ đi theo con đường Tòa án Hiến pháp Liên bang đã vẽ ra. Hắn sẽ cướp một máy bay mà trong đó có càng nhiều người vô tội càng tốt. Luật cơ bản bảo đảm cho hắn, là nhà nước pháp quyền tốt đẹp của chúng ta sẽ không làm gì động tới hắn hết. Tòa án Hiến pháp Liên bang đã đầu hàng rồi. Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, quý vị không nên hành động như vậy. Kết án Lars Koch sẽ không bảo vệ được cuộc sống của chúng ta, trái lại, nó bảo vệ kẻ thù của chúng ta, những kẻ khủng bố và những cuộc tấn công của chúng vào cuộc sống của chúng ta.
Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, nếu ngày hôm nay quý vị kết án Lars Koch, nếu quý vị đặt một nguyên tắc Hiến pháp đáng ngờ quan trọng hơn trường hợp cụ thể này, thì có nghĩa là quý vị muốn tuyên bố rằng, chúng ta không được phép tự vệ trước những kẻ khủng bố. Có thể bà công tố viên đã đúng; có lẽ chúng ta đã biến những hành khách thành đối tượng, và qua đó có lẽ chúng ta đã lấy đi phẩm giá của họ. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta đang ở trong một cuộc chiến. Chúng ta không lựa chọn có cuộc chiến này, nhưng mà chúng ta cũng không thể thay đổi nó. Và những cuộc chiến, ngay cả khi ngày nay không ai muốn nghe tới từ này nữa, thì không bao giờ lại không có nạn nhân.
Do đó, tôi yêu cầu tha bổng.
CHỦ TỌA
Ông Koch, ông là bị cáo trong phiên tòa này. Liệu ông có muốn nói những lời cuối cùng trong phiên xét xử không. Ông có muốn nói gì để bào chữa cho mình không?
BỊ CÁO
Đứng lên.
Tôi đồng ý với những điều luật sư bào chữa của tôi đã trình bày. Tất cả đã được nói lên rồi.
CHỦ TỌA
Thưa các quý ông quý bà bồi thẩm, các vị đã nghe lời trình bày của bị cáo, của các nhân chứng, lời luận tội của công tố viên và lời bào chữa của luật sư. Quý vị cũng đã có được lời cuối của bị cáo để cân nhắc. Bây giờ, quý vị sẽ phải tự mình quyết định cho một phán xử công bằng. Yêu cầu quý vị đừng để mình bị dẫn dắt bởi sự thông cảm hay ác cảm đối với luật sư bào chữa hay công tố viên. Quý vị hãy đơn thuần chỉ phán xét dựa trên những gì quý vị cho là đúng. Quý vị đã nghe những lập luận từ cả hai phía, ý của tôi là, bên công tố viên và bên bào chữa đã trình bày đầy đủ quan điểm của mình. Quý vị phải quyết định.
Nhà triết học Hy Lạp Karneades vào năm 155 trước Công Nguyên đã thuyết giảng hai ngày liên tiếp tại Rome. Vào ngày đầu, ông đã chứng minh xuất sắc hàng loạt luận điểm pháp lý và ngày thứ hai, ông lại phản bác chúng cũng một cách xuất sắc. Các khán giả đã phẫn nộ. Qua đó Karneades chỉ muốn chứng minh rằng, sự thật không phải là vấn đề lập luận.
Về mặt pháp lý quý vị cần biết những điều sau trước khi ra quyết định: Không có gì phải nghi ngờ về hành vi phạm tội của bị cáo – ngay cả luật sư bào chữa cũng không phủ nhận điều đó. Do đó, sự cân nhắc của quý vị sẽ tập trung vào câu hỏi, liệu bị cáo có được phép vi phạm các ràng buộc mà Tòa án Hiến pháp Liên bang và Hiến pháp quy định hay không. Đó chính là mấu chốt. Có thể một số trong quý vị sẽ ngả về phía kết tội bị cáo, nhưng do tính chất đặc thù của vụ án thì lại không mong muốn ông ấy phải thi hành bản án trong tù. Là thẩm phán, chúng ta không được phép đầu tiên kết tội bị cáo vì ông ấy đã hành xử trái pháp luật, rồi sau đó lại ân xá cho ông ấy. Đó là nhiệm vụ của các cơ quan khác.
Phán quyết mà quý vị đưa ra sẽ được tôi thông báo ngay lập tức. Chỉ mình quý vị sẽ quyết định kết quả của bản án này.
Tôi biết, đây là một quyết định rất khó khăn, nhưng tôi chắc chắn rằng, quý vị sẽ xét xử vụ án Lars Koch một cách chính xác.
Chủ tọa rời sân khấu.

TUYÊN ÁN
Tùy theo kết quả biểu quyết của khán giả mà chủ tọa sẽ công bố kết án hay tha bổng cho bị cáo.
KẾT ÁN
CẢNH SÁT TƯ PHÁP
Đề nghị tất cả người tham gia tố tụng quay lại phòng xử án.
Luật sư bào chữa, công tố viên và thư ký tòa án ngồi vào chỗ. Bị cáo được cảnh sát giải tới và ngồi xuống bên cạnh luật sư bào chữa. Chủ tọa bước vào phòng xử án. Tất cả đứng lên và đứng nguyên tại chỗ.
CHỦ TỌA
Tôi công bố phán quyết: Bị cáo Lars Koch bị kết án với tội danh Giết người trong 164 trường hợp.
Mời quý vị ngồi. Sau đây tôi công bố quyết định của tòa án:
Lệnh bắt giam của tòa sơ thẩm tiếp tục được kéo dài dựa trên điều kiện bị cáo đã bị kết án bởi thẩm cấp này.
Chủ toạ kí vào quyết định của tòa án và chuyển tờ quyết định cho thư ký tòa.
CHỦ TỌA
Cơ sở để thi hành phán quyết như sau: Có … bồi thẩm bỏ phiếu kết án và … bồi thẩm bỏ phiếu tha bổng.
Chi tiết cụ thể:
Bị cáo sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, đã đến trường khi vừa đủ tuổi và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã hoàn thành khóa đào tạo phi công chiến đấu. Gần đây nhất, ông là thiếu tá trong lực lượng không quân. Cuộc sống của ông yên bình. Ông đã lập gia đình và có một con trai trong cuộc hôn nhân này.
Ngày 26 tháng 5 năm 2013, vào lúc 20 giờ 21 phút, bị cáo đã bắn tên lửa không đối không vào một máy bay chở khách của hãng bay Lufthansa AG của Đức và giết chết 164 người đang ở trong máy bay. Tôi không cần tường thuật thêm nhiều về hành động này nữa, vì tất cả đều rõ ràng trước mắt chúng ta. Như luật sư bào chữa đã nhận xét chính xác, Tòa án Hiến pháp Liên bang không phán quyết trường hợp này có tính là phạm tội hay không. Việc phán xét được căn cứ theo quan điểm pháp lý sau đây:
Luật của chúng ta không kết tội một người thủ ác, khi người này cố gắng ngăn ngừa một mối nguy cho bản thân mình, cho người thân hay một người nào đó gần gũi với mình. Chẳng hạn, một người cha đang lái xe và trong lúc tránh con gái mình thì đâm phải một người đi xe đạp, thì người cha này không bị kết tội. Tuy nhiên, giữa Lars Koch và những khán giả ở trong sân vận động thì không có mối quan hệ thân cận như ví dụ trên.
Như vậy, có lẽ chỉ có một lý do duy nhất bào chữa cho việc này, mà lý do này lại không có trong luật. Lý do đó là: vì tình thế khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp. Quả thực, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jung cũng đã nói tới lý do này.
Tình thế khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp này không được quy định cả trong Luật cơ bản lẫn trong Bộ luật hình sự hay trong các bộ luật khác. Trong các tài liệu luật pháp còn không chắc cái tình hình khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp này có tồn tại hay không.
Bất luận thế nào, tòa Hiến pháp cho rằng, mọi cân nhắc giữa mạng sống với mạng sống, dù với bất kì số lượng nào, đều là sai. Điều này vi phạm Hiến pháp của chúng ta, vi phạm những giá trị căn bản cho việc chung sống của chúng ta. Ngay cả trong những tình huống cùng cực nhất thì Hiến pháp vẫn phải giữ nguyên giá trị. Phẩm giá con người là nguyên tắc cao nhất của Hiến pháp; mặc dù đây là một phát minh của con người, nhưng điều này không làm suy giảm nhu cầu cần bảo vệ nó. Ngược lại, nguyên tắc này vẫn và sẽ luôn là sự đảm bảo duy nhất của chúng ta cho một xã hội văn minh.
Chúng ta sẽ giải thích điều này qua một ví dụ: Ngày mồng 5 tháng 7 năm 1884, một tàu vận tải của Anh mang tên “Mignonette” đã gặp một trận bão. Con tàu bị đẩy ra biển khơi. Cách mũi Hảo Vọng chừng 1600 dặm, con tàu bị lật úp và chìm. Đoàn thủy thủ gồm có bốn người: thuyền trưởng, hai thủy thủ to khỏe và một chú bồi tàu gầy gò 17 tuổi. Họ đã tự cứu mình bằng một xuồng cứu hộ. Trên xuồng chỉ có hai hộp củ cải. Với hai hộp này, họ sống sót được ba ngày. Ngày thứ tư, họ bắt được một con rùa nhỏ và ăn thịt rùa cho tới ngày thứ mười hai. Không có nước uống, chỉ đôi khi họ hứng được vài giọt nước mưa bằng áo khoác của mình. Vào ngày thứ 18 sau cơn bão – tới thời điểm đó đã bảy ngày họ không có gì bỏ vào miệng và năm ngày không có một giọt nước nào để uống – viên thuyền trưởng đề nghị giết một người trong đoàn thủy thủ để cứu những người khác. Ba ngày sau, viên thuyền trưởng nẩy ra ý tưởng bắt thăm để chọn – ai thua sẽ bị giết. Nhưng rồi bỗng họ nhận ra là họ còn có gia đình, còn cậu bồi tàu lại là một thiếu niên mồ côi. Họ bỏ ý định rút thăm. Viên thuyền trưởng cho rằng, giết cậu này là giải pháp tốt nhất. Sáng ngày hôm sau – vẫn không có dấu hiệu sẽ được cứu – thuyền trưởng tiến đến cậu bồi tàu. Cậu này đang nằm ở góc thuyền, nửa mê sảng vì khát, cậu đã uống nước biển và cơ thể bị mất nước. Rõ ràng, cậu chỉ có thể sống được thêm vài giờ nữa. Thuyền trưởng nói với cậu, thời gian sống của cậu ta đã mãn. Sau đó, ông đâm mũi dao vào cổ cậu.
Vào những ngày tiếp theo, ba thủy thủ ăn các phần thân thể và uống máu của cậu bồi tàu. Vào ngày thứ tư sau khi xảy ra vụ việc trên, hành khách trên một con tàu đi ngang qua đã phát hiện ra chiếc xuồng của con tàu bị đắm. Ba người còn sống sót đã được cứu và đưa về London.
Văn phòng công tố đã bắt giữ các thủy thủ. Viên thuyền trưởng ra trình diện với tư cách là nhân chứng. Vụ án đã đi vào lịch sử pháp luật với tên “Nữ hoàng kiện Dudley và Stephens” – đây là tên của hai thủy thủ. Câu hỏi duy nhất của vụ án trên – cũng tương tự như trường hợp của chúng ta – là: Các thủy thủ có được phép giết cậu bồi tàu để cứu lấy mạng sống của chính mình không? Một mạng sống đổi lấy ba mạng sống? Thẩm phán đã trình bày rõ ràng, chính xác điều đó. Trong phán quyết của mình, thẩm phán nói:
“Sự cám dỗ thật khủng khiếp, nỗi đau khổ (của các thủy thủ) thật khủng khiếp (…) Nhưng giá trị của cuộc sống nên được đong đếm như thế nào?”
Và ông tiếp:
“Có nên lấy sức mạnh hay trí tuệ hay một cái gì khác làm tiêu chuẩn đong đếm hay không? (…) Trong vụ án ‘Mignonette’ này, người ta đã chọn người yếu đuối nhất, người trẻ nhất, người có ít sức phản kháng nhất. Phải chăng cậu thiếu niên đáng bị giết hơn là một trong những người đàn ông trưởng thành kia? Câu trả lời phải là: Không.” Vị thẩm phán Anh đã kết án tử hình các thủy thủ về tội giết người, nhưng đề nghị ân xá cho họ. Họ đã được thả tự do sau sáu tháng. Trong bản phán quyết có những câu thật tuyệt vời mà mãi tới ngày nay, 130 năm sau, vẫn đúng.
“Chúng ta thường bị buộc phải đề ra các tiêu chuẩn mà bản thân chúng ta không thể đạt được, và đưa ra các quy điều mà chính chúng ta không thể tuân giữ được. Chẳng cần thiết phải nêu ra mối nguy khủng khiếp khi từ bỏ những nguyên tắc căn bản này.”
Tòa hoàn toàn tin rằng, bị cáo đã cố gắng tột độ với tất cả năng lực nhận thức để ra một quyết định đúng đắn. Thật là một bi kịch khi bị cáo thất bại trong chuyện này. Nhưng chúng ta không thể cho phép thất bại này trở thành tiền lệ.
Các hành khách trên chuyến bay của Lufthansa không những chỉ bất lực và không có khả năng phản kháng trước kẻ khủng bố, mà còn cả trước bị cáo Lars Koch. Họ đã bị giết. Nhân phẩm của họ, quyền bất khả xâm phạm của họ, cả vị thế con người của họ đã bị phớt lờ. Con người không phải là vật thể; mạng sống của họ không thể đong đếm được qua các con số và không tuân theo quy luật của thị trường. Phán quyết của tòa án ngày hôm nay, do đó, cũng nên được hiểu như lời cảnh báo mới về những nguy cơ khủng khiếp khi vi phạm các giá trị cơ bản của Hiến pháp.
Do đó, bị cáo đã bị kết án.
Phiên xử đã kết thúc. Cảm ơn bồi thẩm đoàn đã hoàn thành trách nhiệm của mình.
Chủ tọa đứng lên, cùng lúc tất cả mọi người – trừ bị cáo – đều đứng lên. Chủ tọa rời sân khấu thông qua cánh cửa đằng sau ghế thẩm phán. Hạ màn.
HẾT
THA BỔNG
CẢNH SÁT TƯ PHÁP
Đề nghị mọi người tham gia tố tụng quay lại phòng xử án.
Luật sư bào chữa, công tố viên và thư ký tòa án ngồi vào chỗ. Bị cáo được cảnh sát giải tới và ngồi xuống bên cạnh luật sư bào chữa. Chủ tọa bước vào phòng xử án. Tất cả đứng lên và đứng nguyên tại chỗ.
CHỦ TỌA
Tôi công bố phán quyết sau: Bị cáo Lars Koch được tuyên trắng án với phí tổn do công quỹ chi trả.
Mời quý vị ngồi xuống. Và đây là các quyết định tiếp:
Lệnh bắt giam của tòa sơ thẩm bị bãi bỏ, người được tuyên trắng án sẽ được thả ngay lập tức.
Chủ tọa kí vào quyết định của tòa án và đưa cho thư ký tòa.
CHỦ TỌA
Cơ sở để thi hành phán quyết như sau: Có … bồi thẩm bỏ phiếu kết án và … bồi thẩm bỏ phiếu tha bổng.
Chi tiết cụ thể:
Bị cáo sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, đã đến trường khi vừa đủ tuổi và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã hoàn thành khóa đào tạo phi công chiến đấu. Gần đây nhất, ông là thiếu tá trong lực lượng không quân. Cuộc sống của ông yên bình. Ông đã lập gia đình và có một con trai trong cuộc hôn nhân này.
Ngày 26 tháng 5 năm 2013, vào lúc 20 giờ 21 phút, bị cáo đã bắn tên lửa không đối không vào một máy bay chở khách của hãng bay Lufthansa AG của Đức và giết chết 164 người đang ở trong máy bay. Tôi không cần tường thuật thêm nhiều về hành động này nữa, vì tất cả đều rõ ràng trước mắt chúng ta. Như luật sư bào chữa đã nhận xét chính xác, Tòa án Hiến pháp Liên bang không phán quyết trường hợp này có tính là phạm tội hay không. Việc phán xét được căn cứ theo quan điểm pháp lý sau đây:
Luật của chúng ta không kết tội một người thủ ác, khi người này cố gắng ngăn ngừa một mối nguy cho bản thân mình, cho người thân hay một người nào đó gần gũi với mình. Chẳng hạn, một người cha đang lái xe và trong lúc tránh con gái mình thì đâm phải một người đi xe đạp, thì người cha này không bị kết tội. Tuy nhiên, giữa Lars Koch và những khán giả ở trong sân vận động thì không có mối quan hệ thân cận như ví dụ trên.
Như vậy, có lẽ chỉ có một lý do duy nhất bào chữa cho việc này, mà lý do này lại không có trong luật. Lý do đó là: vì tình thế khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp. Quả thực, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jung cũng đã nói tới lý do này.
Tình thế khẩn cấp vượt khuôn khổ luật pháp này không được quy định cả trong Luật cơ bản lẫn trong Bộ luật hình sự hay trong các bộ luật khác. Trong đó tòa nhận ra một mâu thuẫn trong việc thẩm định giá trị mà tòa muốn bác bỏ: Cụ thể, khi thủ phạm hành động ích kỉ, nghĩa là khi người đó “chỉ” muốn tự cứu bản thân hay người thân của mình, thì luật pháp không kết án họ. Ngược lại, khi người này hành động quên bản thân mình, thì người đó lại vi phạm pháp luật. Ưu tiên cho một thủ phạm ích kỉ hơn là một người hành động quên mình thì vừa không hợp lẽ, vừa không phù hợp với những mục tiêu chung sống của chúng ta.
Tòa án hoàn toàn tin rằng, bị cáo đã cố gắng nghiêm túc với tất cả năng lực nhận thức để ra một quyết định đúng đắn. Lars Koch đã không bắn bởi những lý do cá nhân, mà để cứu sống những con người trong sân vận động. Giữa hai cái tồi tệ, bị cáo đã lựa chọn cái khách quan ít tồi tệ hơn.
Do đó, bị cáo không mắc bất kì một sai phạm hình sự nào.
Lý luận của công tố viên cho rằng, các hành khách có thể đã thâm nhập được vào buồng lái hoặc phi công có thể sẽ cho máy bay bay lên quả rất thú vị, nhưng rốt cuộc vẫn không thuyết phục. Phần là vì không thể chứng minh được chuyện này. Mặt khác, chúng ta cũng không thể loại trừ trường hợp phép lạ có thể xảy ra. Nhưng chúng ta chỉ có thể tính toán được sự kiện, chứ không tính toán được phép lạ. Nếu không thì chúng ta sẽ không thể nào ra được một phán quyết nào. Quan điểm của công tố viên cho rằng không được phép chấm dứt một mạng sống, dù mạng sống này chẳng còn hy vọng kéo dài, rõ ràng đúng. Nhưng trường hợp chúng ta đang đề cập ở đây không giống như chuyện lấy nội tạng của người sắp chết để cấy ghép cho người khác ở trên. Trường hợp này không hề tương đồng với thực tế cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, ngay cả lập luận đúng đắn của công tố viên nhằm ngăn chặn việc này trở thành tiền lệ cũng không phù hợp trong hoàn cảnh này.
Tóm lại chúng ta cần nhớ điểm này: Mặc dù thật khó mà chịu đựng, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận rằng, luật pháp của chúng ta rõ ràng không thể giải quyết một cách ổn thỏa tất cả những vấn đề đạo đức. Lars Koch đã trở thành quan tòa quyết định sự sống và cái chết. Chúng ta không có được những tiêu chuẩn pháp lý để kiểm tra một cách rốt ráo quyết định theo lương tâm của bị cáo. Luật pháp, Hiến pháp và tòa án đã bỏ mặc bị cáo một mình đối mặt với những vấn đề này. Vì thế, chúng ta xác tín rằng, sẽ là sai lầm, nếu kết án bị cáo về hành vi đó.
Bị cáo vì vậy được tuyên vô tội.
Phiên xử đã kết thúc. Cảm ơn bồi thẩm đoàn đã hoàn thành trách nhiệm của mình.
Chủ tọa đứng lên; cùng lúc tất cả mọi người – trừ bị cáo – cũng đứng lên. Chủ tọa rời sân khấu thông qua cánh cửa đằng sau ghế thẩm phán. Hạ màn.
HẾT
Nguyễn Xuân Hằng dịch
(Dịch từ nguyên bản tiếng Đức Terror: Ein Theaterstück und eine Rede, NXB btb, 2016)
© Ferdinand von Schirach, 2015
Được xuất bản nhờ sự đồng ý cho phép của Marcel Hartges Literatur- und Filmagentur
Bản quyền bản tiếng Việt © 2022 Goethe Institut
Ấn phẩm được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Việt Nam, 2022
[1] Thing là một Hội đồng nhân dân hay Hội đồng tòa án theo luật của các dân tộc German. (Mọi chú thích nếu không có lưu ý gì khác đều là của người dịch.)
[2] Tiếng Đức là “Prozessbeteiligten”, không có thuật ngữ tương đương trong tiếng Việt. “Người tham gia tố tụng” có nội hàm rộng hơn một chút nhưng vì cũng phù hợp với văn cảnh vở kịch và để dễ hiểu nên chúng tôi tạm dùng chữ này. (Chú thích của người biên tập)
[3] Tương đương với điểm 10 ở Việt Nam.
[4] Luật cơ bản là Hiến pháp của Cộng hoà Liên bang Đức. Luật cơ bản bao gồm những quy định luật pháp và chính trị quan trọng nhất của Cộng hoà Liên bang Đức.
[5] Tòa án Hiến pháp Liên bang ở Karlsruhe.
Leave a Reply