(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)
Từ một bài phát biểu của David Foster Wallace vào tháng Ba [năm 1998] tại “Hóa thân: Một Kafka mới”, một hội nghị chuyên đề ở Thành phố New York do Trung tâm PEN Hoa Kỳ tài trợ nhân sự kiện ra mắt bản dịch quyển Lâu đài mới của nhà xuất bản Schocken Books. Wallace là một cộng tác viên biên tập của Tạp chí Harpers; truyện ngắn “The Depressed Person” (tạm dịch: Người trầm cảm) của ông được xuất bản trong số tháng Một.
Một lí do vì sao tôi tự nguyện phát biểu trước công chúng về một đề tài mà tôi vốn không đủ trình độ để bàn luận chính là vì việc này đem lại cho tôi một cơ hội để diễn đọc trước quý vị một truyện ngắn của Kafka mà tôi đã bỏ cuộc thôi không dạy trong các lớp văn học nữa, và rất nhớ cảm giác được đọc to thành tiếng. Tựa đề tiếng Anh của truyện này là “A Little Fable” (Một truyện ngụ ngôn nhỏ):
“Chao ôi,” chuột nói, “thế giới đang ngày càng bé lại. Lúc ban đầu nó rộng lớn quá khiến mình sợ hãi, mình cứ chạy rồi chạy mãi, và thật vui sao khi cuối cùng cũng thấy được ở phía xa kia hai bên tường trái phải, nhưng những bức tường dài này đã thu hẹp lại nhanh đến mức mình đã vào đến căn phòng cuối cùng rồi, và kìa, trong góc kia chính là cái bẫy mà mình bắt buộc phải đâm đầu vào.” “Mi chỉ cần chuyển hướng mà thôi,” mèo nói, rồi chén luôn chuột.
Với tôi, một ức chế điển hình khi cố gắng đọc Kafka với sinh viên đại học chính là việc gần như không tài nào có thể khiến các em thấy rằng Kafka rất buồn cười… Hay khiến các em hiểu được sự buồn cười đó gắn liền với sức mạnh phi thường của những câu chuyện của ông. Bởi, lẽ dĩ nhiên, những truyện ngắn hay và những truyện cười hay có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều dựa vào thứ mà các lý thuyết gia giao tiếp học đôi khi gọi là “exformation” (thông tin ngoài lời), là một lượng nhất định những thông tin cốt yếu đã bị lược bỏ khỏi nhưng được khơi nên trong hành động giao tiếp theo phương cách gây nên một dạng bùng nổ những mối liên hệ liên tưởng trong người tiếp nhận. Đây chắc hẳn là lí do vì sao hiệu ứng của cả truyện ngắn lẫn truyện cười thường mang lại cảm giác đột ngột và chấn động, như xả khóa van kẹt ứ lâu ngày. Không phải khi không mà Kafka nói về văn chương như “một chiếc rìu ta dùng chặt chém những đại dương băng giá trong tim”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà thành tựu kỹ thuật của những truyện ngắn vĩ đại thường được gọi là “nén áp suất” – bởi cả áp lực lẫn sự giải tỏa đều vốn có sẵn bên trong độc giả. Điều Kafka dường như làm tốt hơn tất cả mọi người còn lại chính là dàn dựng sự gia tăng áp suất này làm sao khiến nó lên đến mức ta không thể nào chịu nổi nữa ngay chính giây phút tháo van.
Cơ chế tâm lý truyện cười giúp giải thích phần nào vấn đề trong việc giảng dạy Kafka. Ta đều biết không có cách nào giết chết phép màu riêng của một truyện cười nhanh hơn là tìm cách giải thích nó – ví dụ chỉ ra rằng Lou Costello nhầm giữa tên người “Ai” với đại từ nghi vấn “ai”, v.v. Ta đều biết ác cảm kỳ lạ mà những lời giải thích như vậy gây ra với ta, một cảm giác không phải là chán ngán mà là xúc phạm, như thể có gì quý giá đã bị mạo phạm. Đây rất giống cảm giác của một giáo viên khi phải đưa một truyện Kafka qua bộ máy tiêu chuẩn phân tích văn học cấp đại học – cốt truyện để lập sơ đồ theo dõi, biểu tượng để giải mã, v.v. Kafka, lẽ dĩ nhiên, đứng ở vị trí đắc địa để tán thưởng sự trớ trêu phải giao nộp những truyện ngắn của mình cho bộ máy phê bình hiệu suất cao như thế, một phiên bản văn học của việc bứt cánh hoa ra nghiền nát rồi đưa mớ bột ấy vào quang phổ kế để giải thích xem vì sao hoa hồng ngát hương.[1] Franz Kafka, suy cho cùng, là người đã viết truyện “Poseidon” tưởng tượng ra một vị hải thần quá bận bịu với giấy tờ quản lý đến mức chẳng còn thời gian giong buồm hay bơi lặn, và trong truyện “In the Penal Colony” (Trại lao cải) tưởng tượng hành động miêu tả là một hình phạt và tra tấn là cách trui rèn linh hồn và nhà phê bình tối thượng là một cái bừa gắn nhiều kim mà đòn ân huệ cuối cùng nhận được chính là một nhát cọc đóng xuyên qua đầu.
Một cản trở nữa, kể cả đối với những sinh viên tài năng nhất, chính là – ví dụ so với Joyce hay Pound – những liên tưởng sử dụng thông tin ngoài lời mà tác phẩm của Kafka tạo ra không có tính liên văn bản hay kể cả tính lịch sử. Những khơi gợi của Kafka, thay vào đó, lại mang tính vô thức hay gần như là phó cổ mẫu, là những thứ dành cho con nít nhưng lại khởi nguồn cho huyền thoại; đây là lí do vì sao ta thường gọi kể cả những câu chuyện kì quặc nhất của ông là ác mộng hơn là siêu thực. Chưa kể đến việc kiểu buồn cười mà Kafka sử dụng lại càng xa lạ sâu sắc với những đứa trẻ mà não bộ cộng hưởng theo lối Mỹ. Sự thật là khiếu hài hước của Kafka gần như không mang bất kỳ hình thức hay bộ mã nào của nền giải trí đương đại Mỹ. Không có chơi chữ hồi cố hay những màn nhào lượn bằng lời, rất ít pha trò và giễu nhại chua cay. Trong Kafka không có những đùa cợt về chức năng cơ thể, không có bóng gió ẩn ý tình dục, càng không có những cố gắng nổi loạn kiểu cách bằng cách vi phạm quy ước. Không làm trò hề kiểu Pynchon với vỏ chuối và cái amiđan tham lam ngấu nghiến. Không cuồng dâm kiểu Roth hay siêu giễu nhại kiểu Barthes hay kêu ca càm ràm tai quái Woody Allen. Không có những màn lật ngược tình thế rình rang trong phim sitcom hiện đại; cũng không có những đứa trẻ đanh đá trả treo hay các bậc ông bà tục tĩu hay những đồng nghiệp hoài nghi nhân sinh nổi loạn. Có lẽ xa lạ nhất chính là ở chỗ, các nhân vật nhà chức trách của Kafka không bao giờ chỉ là những thằng hề rỗng tuếch để cười nhạo, mà luôn phi lý và đáng sợ và đáng buồn cùng lúc, như viên sĩ quan trong truyện “Trại lao cải”.
Ý tôi ở đây không phải là khiếu hài hước của ông quá tinh tế khó đọc ra đối với sinh viên nước Mỹ. Thật ra, chiến lược thỏa hiệp duy nhất có tác dụng mà tôi đã sáng kiến ra để tìm hiểu sự buồn cười của Kafka trên lớp là gợi ý với sinh viên rằng đại đa phần khiếu hài hước của ông thật ra không hề tinh tế chút nào, có khi phản tinh tế là đằng khác. Hướng tiếp cận của chiến lược ấy là sự buồn cười của Kafka dựa vào một số cách nghĩa đen hóa cực đoan những sự thật mà ta thường xem là ẩn dụ. Tôi nêu quan điểm với sinh viên rằng có những trực cảm tập thể sâu đậm và sâu sắc nhất của ta dường như chỉ có thể được biểu đạt bằng ngôn ngữ hình tượng, lẽ vì vậy mà ta gọi những hình tượng này là “phương thức biểu đạt”. Thế thì, đối với Hóa thân, tôi có thể sẽ gợi ý sinh viên thử suy xét xem ta thực ra đang muốn biểu đạt điều gì khi gọi ai đó là “lươn” hay “mắc ói” hay nói rằng cái người đó đi làm việc phải “cạp c*t mà ăn”. Hay đọc lại “Trại lao cải” sau khi suy ngẫm về những biểu đạt như “võ mồm” hay “chửi cháy mặt” hay những châm ngôn như “Đến một độ tuổi nhất định, con người ta sẽ có gương mặt tương xứng”. Hay để tiếp cận “A Hunger Artist” (Một nghệ sĩ tuyệt thực) với những cụm quán từ như “thèm được chú ý” hay “đói tình thương” hay ẩn ý tình dục trong chữ “nhịn”, hay một thông tin dỏm vô hại như gốc từ “anorexia” (chứng bệnh chán ăn tâm thần) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thèm muốn”.
Đến đây thì thường sinh viên đã hào hứng với tác phẩm, cũng tuyệt đó thôi, nhưng người giáo viên thì vẫn hơi quằn quại, dằn vặt tội lỗi, bởi vì chiến thuật hài-kịch-như-ẩn-dụ-diễn-thành-nghĩa-đen còn xa mới làm bật lên nổi thuật giả kim sâu đậm hơn, ấy là hài kịch của Kafka cũng luôn luôn là bi kịch, và bi kịch đó cũng luôn là một niềm vui bao la và cung kính. Chuyện này thường sẽ dẫn đến một giờ đồng hồ đau khổ trong đó tôi rút lại lời mình đã nói và rào đón và khuyến cáo với sinh viên rằng, mặc cho tất cả sự hài hước và cú sốc ý tại ngôn ngoại, các truyện của Kafka về bản chất không phải là truyện cười, và rằng khiếu hài hước chết chóc có phần đơn giản và âu sầu đặc trưng trong các tuyên ngôn cá nhân của Kafka – những câu như “Có hy vọng đó, nhưng không dành cho chúng ta” – không phải là những gì diễn ra trong truyện của ông.
Những gì mà truyện Kafka có, thay vào đó, là một sự phức tạp dị dạng và tuyệt mĩ và hiện đại toàn phần. Khiếu hài hước của Kafka – không những không loạn thần mà còn phản loạn thần, tỉnh táo một cách anh hùng – đến cuối, là một khiếu hài hước mang đậm tinh thần tôn giáo, nhưng tôn giáo theo kiểu Kierkegaard và Rilke và Sách Thánh Vịnh, một tính duy linh đau lòng mà đặt bên cạnh nó kể cả cái duyên đẫm máu của bà O’Connor cũng phần nào có vẻ quá nhẹ nhõm, bởi những linh hồn lâm nguy của bà là thứ tiền chế.
Và chính điều này, tôi nghĩ, đã khiến khiếu hài hước của Kafka trở nên không thể tiếp cận được đối với những đứa trẻ được nền văn hóa của chúng ta dạy bảo rằng hài kịch là trò giải trí và giải trí là một cách trấn an.[2] Không phải vì sinh viên không “hiểu được” cái hài của Kafka mà là vì ta đã dạy các em phải xem hài hước là cái phải hiểu được – như ta đã dạy các em rằng bản thể chỉ là thứ ta mặc nhiên có. Thảo nào sinh viên không thể hiểu được truyện cười trọng tâm Kafka thật sự — rằng cuộc đấu tranh kinh hoàng để thiết lập nên một bản thể con người lại sinh ra một bản thể mà tính người của nó không tách rời khỏi cuộc đấu tranh kinh hoàng đó. Rằng hành trình về nhà vô tận và bất khả thi của ta lại chính là nhà của ta. Thật khó thể diễn đạt điều đó thành lời trên bảng, xin hãy tin lời tôi. Có thể nói với các em rằng có lẽ thật tốt là các em không “hiểu được” Kafka. Có thể bảo các em hãy tưởng tượng nghệ thuật của ông là một cánh cửa. Hãy mường tượng ra cảnh chúng ta là độc giả đang bước đến và đấm thùm thụp lên cửa, đấm mãi đấm mãi, không những mong muốn mà còn rất cần được cho vào bên trong, ta không biết đó là gì nhưng ta cảm nhận được nó, sự tuyệt vọng cực độ vì muốn được cho vào, cứ đấm rồi cứ đẩy rồi cứ đá vào cửa, v.v. Và rồi, cuối cùng, cánh cửa mở ra… và nó mở ra thế giới bên ngoài: ta đã luôn ở bên trong thứ mà ta hằng ao ước. Das ist komisch. Vậy mới hài.
Ally Le dịch
(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Laughing with Kafka”, trong số No. 22, đăng trên The Absurd (Spring/Summer 2011), Anyone Corporation xuất bản.
Cảm ơn David Foster Wallace Literary Trust thông qua Hill Nadell Literary Agency đã đồng ý cho phép Zzz Review dịch đăng bài viết này.)
[1] Ngược lại, một bộ máy kiểu lý thuyết văn học ở cấp cao học được thiết kế để cho ra kết quả rằng ngay từ đầu ta đã bị lừa mà tưởng rằng hoa hồng có tí nào hương thơm.
[2] Chắc hẳn phải có hàng loạt sách xuất bản bởi NXB Đại học John Hopkins về chức năng đặc thù của khiếu hài hước ngọng nghịu bi bô vào thời điểm này trong tâm thức Mỹ. Dẫu vậy, một cách gọn nhưng thô để miêu tả việc này chính là văn hóa hiện tại của chúng ta, xét cả về mặt phát triển lẫn lịch sử, hiện đang ở tuổi thiếu niên. Bởi lẽ tuổi thiếu niên thường được công nhận là khoảng thời gian áp lực và kinh hoàng nhất trong sự phát triển đời người – giai đoạn mà ta bắt đầu nhận ra cuộc đời người lớn ta vẫn tưởng mình thèm muốn lại hóa ra là một hệ thống những trách nhiệm và hạn chế có thực và thu hẹp2a – thật không khó nhận thấy vì sao văn hóa chúng ta dễ sa đà vào những thứ nghệ thuật và tiêu khiển có chức năng chính là “giải thoát”. Truyện cười là một hình thức nghệ thuật, và vì đa số người Mỹ chúng ta đến với nghệ thuật chủ yếu để quên đi chính mình – để giả vờ trong một khoảnh khắc rằng ta không phải là chuột và mọi bức tường đều song song và ta có thể chạy nhanh hơn thoát khỏi miệng mèo – không phải vô tình mà ta sẽ thấy “Một truyện ngụ ngôn nhỏ” đâu có gì hài hước, mà thật ra có khi lại chính là thứ hiện thực buồn-muốn-chết-lại-còn-phải-đóng-thuế mà cái hài “thực thụ” giúp ta khuây khỏa được phần nào.
2a Bạn nghĩ vô tình ngẫu nhiên mà thời gian học đại học là lúc đa số người Mỹ nhậu nhẹt say xỉn bét nhè và chơi thuốc và lái xe loạn xạ và đ* đ** vô độ và những trò ăn chơi suy đồi mất não ư? Không phải đâu. Chúng nó là thiếu niên mà, và chúng nó sợ, và chúng đối mặt với nỗi sợ của mình bằng một cách đặc trưng kiểu Mỹ. Những thằng bé trần truồng treo ngược lộn đầu xuống đất ngoài cửa sổ hội sinh viên nam mỗi tối thứ Sáu chỉ đơn thuần là đang muốn tìm kiếm vài giờ thoát thân khỏi những gì mà bất kỳ trường đại học đàng hoàng nào cũng cố nhồi nhét vào đầu chúng suốt cả tuần mà thôi.
Người góp chữ
Ally Le
Cô gái bàn bên
Leave a Reply