địa đồ: Đàm thoại với các chứng nhân lịch sử

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Từ trái sang phải: Nguyễn Văn Minh, Trương Hồng Quang, Katja Herlemann, Nguyễn Hùng, Stefan Taeubner JS, Philipp Preuß.
Thời gian đọc: 42 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

Trao đổi sau đêm diễn địa đồ tại Nhà hát kịch nói Leipzig với những người tham gia dàn dựng và các chứng nhân lịch sử Việt-Đức (14/04/2019).

(Download toàn văn tác phẩm địa đồ và lời giới thiệu ở đây (PDF, 4MB)

Lịch sử Đức và Việt Nam chia sẻ nhiều mối tương quan – cả hai đất nước đều từng trải qua cuộc chia cắt lâu dài, cùng với đó là những đấu tranh tư tưởng giữa hai hệ thống chính trị. Sự tương đồng lạ thường này làm nên bối cảnh cho các dòng di cư từ Việt Nam sang Đức mà Thomas Köck đã dệt vào văn bản văn chương của vở kịch địa đồ. Tây Đức đã tiếp nhận những “thuyền nhân”, những người phải rời bỏ Việt Nam sau chiến tranh bởi các cưỡng bức chính trị và khó khăn kinh tế. Ngược lại, tới Đông Đức là những người được gọi là công nhân hiệp định, được đào tạo trên cơ sở hợp tác giữa các nước anh em và được sử dụng trong sản xuất kinh tế.

Cùng những người tham gia dàn dựng, các chuyên gia và những chứng nhân lịch sử Việt-Đức từ hai miền Tây và Đông Đức, chúng tôi thảo luận về những câu chuyện và số phận Việt-Đức đã tạo nền móng cho vở kịch này, về tình hình hiện tại của những cộng đồng Việt-Đức tại miền Đông cũng như miền Tây nước Đức, cũng như về quá trình xử lý tư liệu để đưa lên sân khấu.

Với sự tham gia của:

Philipp Preuß, Đạo diễn

TS Trương Hồng Quang, Dịch giả và cố vấn dàn dựng

Nguyễn Văn Minh, Công nhân Hiệp định tại Cộng hòa Dân chủ Đức

Nguyễn Hùng, tới Tây Đức với tư cách người tị nạn theo hạn ngạch

Cha Stefan Taeubner, Linh mục chăm sóc mục vụ cho người Việt Nam

Người dẫn: Katja Herlemann (Nhà biên kịch)

Băng ghi âm cuộc đàm thoại nghe tại đây.

Katja Herlemann: Vâng, xin cảm ơn vì rất nhiều quý khán giả vẫn còn lưu lại với chúng tôi. Xin được giới thiệu sơ qua về những người hiện đang ngồi đây với tôi. Hầu như tất cả các diễn viên cũng đã ở đây hết rồi, họ đang ở đây. Tất nhiên, tôi đã chuẩn bị trước một vài câu hỏi, tuy nhiên tôi cũng xin mời các quý vị tham gia bất kỳ lúc nào. Xin hãy cứ ra hiệu, các quý vị cũng có thể nói xen ngang, có thể đưa ra mọi câu hỏi. Ngồi cùng tôi đây, từ trái sang phải, có: đạo diễn Philipp Preuß; Cha Taeubner, đã từ nhiều năm là Linh mục chăm sóc mục vụ cho người Việt Nam ở Tây và Đông Đức, và khi còn thanh niên đã từng trực tiếp có mặt trên hòn đảo tị nạn Pulau Bidong; ông Hùng, xin được tạm coi là đại diện của Cộng đồng người Việt ở Tây Đức – chúng ta đành phải phân rõ theo phương thức trắng đen như vậy cho đơn giản. Phía bên phải tôi: Ông Trương, nhà biên dịch và phiên dịch, là người đã dịch vở kịch của Thomas Köck sang tiếng Việt, chịu trách nhiệm cho phần phụ đề và là một cố vấn rất quan trọng của chúng tôi trong quá trình dàn dựng; cùng ông Minh, xin tạm coi là đại diện cho các cựu công nhân hiệp định ở Đông Đức. Sau đây, tôi xin được mời những người có liên quan kể một chút về những câu chuyện của họ. Trước khi đặt câu hỏi, có lẽ xin được giải thích một cách ngắn gọn, phác thảo một cách ngắn gọn về sự ra đời của tác phẩm này. Đây là một tác phẩm do Nhà hát Kịch nói Leipzig đặt hàng, tác giả Thomas Köck xin gửi đến các quý vị lời chào trân trọng nhất, anh ấy rất mong muốn được có mặt ở đây tối nay, tuy nhiên rất tiếc lại không thể thực hiện được. Sự cộng tác này thực chất đã bắt đầu từ hai năm trước. Việc anh ấy tiếp nhận chủ đề này cũng một phần là tại tôi. Đây vốn là ý tưởng mà với với tư cách nhà hát chúng tôi đã đề xuất cho anh ấy. Sau đó, anh đã đầy hứng khởi và rất nhanh chóng bắt tay vào dự án và đã viết vở này cho Nhà hát Kịch nói Leipzig. Ta có thể tạm coi nó như một dạng tác phẩm tư liệu hư cấu. Câu chuyện được kể trong văn bản này không phải là một câu chuyện có thật, mà là một biên khúc giả tưởng do Thomas Köck dựng lên, với một lịch sử gia đình trải rộng giữa Đức và Việt Nam, giữa Tây và Đông Đức. Mặc dù vậy, tác giả đã tìm hiểu rất nhiều cho tác phẩm này, đã trò chuyện với những người Việt-Đức thuộc các thế hệ khác nhau, và đương nhiên, tất cả những nghiên cứu và trao đổi này đã thấm vào câu chữ của anh, đôi khi hết sức trực tiếp. Chính vì vậy, tôi xin được mở đầu cuộc trò chuyện với câu hỏi, có lẽ trước hết với ông Hùng: Ông thấy buổi biểu diễn hôm nay thế nào? Ông có thể nói một chút về cảm xúc của ông khi xem vở kịch và, nếu ông muốn, có thể chia sẻ một chút, việc thể hiện trên sân khấu về lịch sử di dân Việt-Đức có ý nghĩa nào đối với ông?

Nguyễn Hùng: Vâng, tôi nghĩ rằng tác phẩm thực sự hay, nhưng cũng khó hiểu. Tôi rất nể những người trẻ tuổi có mặt trong nhà hát ở đây. Tôi nghĩ một khi không có nền tảng ấy, hay gốc gác ấy, có lẽ sẽ thực sự khó hiểu. Cả về thời gian, những quãng nhảy cóc. Đây thực sự là một thử thách, nhưng tôi cũng thấy được rằng chúng ta có một công chúng rất hiểu biết ở đây, tại Leipzig. Tôi cũng phải nói thêm rằng đây là lần đầu tiên tôi tới Đông Đức, cũng như Leipzig, mặc dù tôi có một người bạn đã ở đây từ nhiều năm. Tôi nghĩ đây là một đô thị quốc tế cởi mở, không khác gì ở Stuttgart, nơi tôi sống, thực sự là tuyệt vời. Quả thực cá nhân tôi cũng là một phần lịch sử được tái hiện ở đây và tôi thấy nó rất lôi cuốn, cả ở những chi tiết, ở cách nó được thể hiện. Tôi cũng phải thú thật rằng với phần lớn vở kịch tôi cũng phải suy nghĩ kỹ mới hiểu được.

Katja Herlemann: Ông thấy sao, ông Minh?

Nguyễn Văn Minh: Xin bà nhắc lại câu hỏi?

Katja Herlemann: Tôi muốn được biết, ông cứ chia sẻ thật thoải mái, ông cảm thấy buổi tối hôm nay thế nào? Khi nhìn thấy lịch sử di cư Việt-Đức được dàn dựng và thể hiện trong nhà hát tại đây ông có cảm nhận nào?

Nguyễn Văn Minh: Tôi xin nói thật là Tiến sĩ Trương đã gặp tôi trước đó và đã nói chuyện trước với tôi về vở kịch, về những gì xảy ra ở đó. Nếu không, cũng như ông Hùng đây, tôi thấy khá là khó mà hiểu được nội dung. Tôi phải nói thành thực vậy, vâng. Đây quả thực là một điều vô cùng mới lạ đối với tôi, và chắc là cũng cả với những người Việt khác nữa. Nền văn hóa chúng tôi trải nghiệm ở quê hương rất khác, và đây là một thứ hoàn toàn mới mẻ, tôi thật sự phải nói vậy.

Katja Herlemann: Nhưng có lẽ, ông Trương – vâng, ông hãy chuyển micrô tiếp đi ạ –, vì tôi vẫn còn nhớ rõ chúng ta đã bắt đầu trao đổi với nhau, tôi đã gọi điện cho ông thế nào, và tôi đã nói rằng: Đạo diễn của chúng tôi muốn các diễn viên nói tiếng Việt trên sân khấu, ông có thể dạy cho họ được không? Như quý vị đã nhận thấy, tối nay tiếng Việt được sử dụng tương đối ít trên sân khấu. Cũng nhờ sự tư vấn của ông Trương, chúng tôi cuối cùng quyết định chọn một cách xử lý ngôn ngữ khác trên sân khấu. Tôi biết rõ từ những cuộc thảo luận đầu tiên của chúng ta, rằng ông đã rất nhanh chóng sẵn lòng giúp đỡ, nhưng tôi cũng còn nhớ rằng ông đã khá quan ngại về những dự định của chúng tôi. Có lẽ trước tiên, ông có thể chia sẻ cảm giác của ông sau khi xem đêm biểu diễn hôm nay.

Trương Hồng Quang: Vâng, tôi đương nhiên đã có đặc quyền, ở bước đầu tiên, dịch văn bản này sang tiếng Việt. Sau đó tôi đã được mời tham dự buổi thảo luận đầu tiên với nhóm dàn dựng, tôi nhớ khi ấy còn là tháng 12, lúc đó chúng ta mới bắt đầu xem xét liệu ý tưởng ban đầu, rằng các diễn viên sẽ diễn một vài đoạn nhất định bằng tiếng Việt, có khả thi hay không. Tôi vẫn còn nhớ đã chuẩn bị một vài đoạn dịch thử, hay nói đúng hơn, vài đoạn dịch thơ từ vở kịch, sau đó đã thu âm lại và gửi qua email cho bà. Sau đó, tất cả chúng tôi đã cùng nhau thử nghiệm trong chính tòa nhà này, và đó quả thực (cười) là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Sau đó chúng ta, có thể nói như vậy, đã tổ chức một tiết học tiếng, chủ yếu về chủ đề ngữ âm tiếng Việt với các thanh điệu khác nhau của nó. Và qua đó tôi cũng thực sự học được cái cách quá trình sáng tạo trong nhà hát diễn ra như thế nào. Quả thực là tôi khá hoài nghi, nhưng vẫn thấy cách tiếp cận đầu tiên này rất thú vị. Tôi vẫn còn nhớ đạo diễn đã yêu cầu tôi đọc to lên một vài đoạn – bằng tiếng Đức và cả tiếng Việt. Rồi đột nhiên ông nảy ra ý tưởng mời tôi trực tiếp tham gia trình diễn trên sân khấu, với tư cách một người dịch đuổi. Đáng tiếc là việc này không thực hiện được vì tôi đã có sẵn kế hoạch đi nghỉ. Cuối cùng thì đã có quyết định sử dụng phụ đề, tôi thấy đây cũng là một phương án rất lôi cuốn, trước hết chắc chắn như một phương tiện thẩm mỹ. Nhưng rồi một khía cạnh khác xuất hiện – tôi nhận thấy điều này qua nhiều đồng hương đã xem vở diễn: Một khía cạnh hết sức nghiêm túc của việc hội nhập, rằng thông qua phần phụ đề tiếng Việt khán giả gốc Việt sẽ có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tác phẩm.

Philipp Preuß: Có lẽ ông phải giải thích thêm một chút về vấn đề ngữ âm tiếng Việt, rằng công năng của ngôn ngữ này không chỉ thể hiện qua bản dịch, mà qua cả thanh âm. Ý tưởng ban đầu là diễn viên sẽ nói tiếng Việt, cho dù chỉ là qua phiên âm. Ông có thể nói ngắn gọn về vấn đề phát sinh sau đó không? Nếu chúng tôi có một từ, thì chỉ dịch ra một từ thôi. Nhưng tiếng Việt không phải vậy.

Trương Hồng Quang: Vâng, vậy thì tôi phải kể lại câu chuyện tôi đã từng kể trong buổi diễn tập. Trước đây, tôi đã từng tham gia dịch cho bộ phim hai phần “Một mùa hè ở ​​Việt Nam” của đài truyền hình ZDF, với Nikolai Kinski trong vai chính. Ở đó Nikolai Kinski đóng vai một bác sĩ gốc Việt tại một bệnh viện ở Việt Nam. Trong phim, anh ấy phải nói một vài câu thoại bằng tiếng Việt. Tôi đã dịch những câu ấy sang tiếng Việt và thu âm lại. Nhân tiện nói thêm, Nikolai Kinski là con trai của tài tử lừng danh Klaus Kinski, mẹ là người gốc Việt. Cuối cùng, sau khi bộ phim hoàn thành và được trình chiếu, khi ấy tôi đã nhận thấy: Chà, quả là chưa thật ổn. Vấn đề chủ yếu nằm ở sáu thanh điệu của tiếng Việt. Trong buổi diễn tập khi đó tôi cũng đã nêu ra một ví dụ vui với từ “mai”, viết như chữ “tháng Năm” trong tiếng Đức. Nếu sử dụng sáu cao độ khác nhau, tương ứng với mỗi dấu ta sẽ có ít nhất sáu nghĩa khác nhau: “[ngày] mai”, “mài”, “mải”, “mái [nhà]”, “[con] mái” v.v … Đó có lẽ là khó khăn lớn nhất, vâng. (cười)

Katja Herlemann: Vâng, Philipp, giờ thì chúng ta đang nói về những ý tưởng và giải pháp dàn dựng cùng câu hỏi về tính thẩm mỹ. Nhưng có lẽ xin anh chia sẻ thêm một lần nữa về cách mà anh tiếp cận chủ đề này. Trước khi bắt tay vào với văn bản kịch của Thomas, anh có quen thuộc với lịch sử di dân Đức-Việt không? Anh đã tiếp cận với văn bản như thế nào? Và từ đó liệu anh có thể điểm lại cái cách mà anh đã đưa ra những quyết định cho sân khấu.

Philipp Preuß: Vâng, quả thực là tôi không rành về lịch sử Đức-Việt. Tôi có biết đến khái niệm “thuyền nhân”, ở Áo thì chí ít người ta cũng biết về câu chuyện này. Ví dụ ở trường nội trú tôi học hồi còn ở Vienna, ngoài một người tị nạn Hungary, một người tị nạn Séc, còn có một người tị nạn Việt Nam, anh ấy tên là Phạm Huy Sơn. Nhưng, ngay từ đầu, đây không phải yếu tố quyết định cho tác phẩm, mà cả tình hình hiện tại được phản chiếu trong diễn biến quá khứ. Tôi cho rằng Thomas Köck rất thông minh trong cách anh ấy viết về những điều từng xảy ra trong lịch sử, về khoảng thời gian tất cả chúng ta đã kinh qua và từ đó cứ tưởng rằng xã hội hay cả chính trị đã học được một điều gì từ đây, tuy nhiên lịch sử đã lặp lại. Và với khía cạnh ấy của lịch sử nói chung, hay sự hiện diện của những hình tượng gần như những bóng ma trong vở kịch, tôi nhận ra rằng những tầng thời gian khác nhau cũng đang diễn ra. Điều này về sau tôi mới nhận ra, nó cũng liên quan nhiều tới xã hội Việt Nam, tới hình thái xuất hiện của các bóng ma này và cách con người ta thương tiếc… Vâng, đó là những thôi thúc đầu tiên. Điều tôi nghĩ tới trước hết là: Okay, một Thomas Köck đến từ Áo và tôi, cũng một người đến từ Áo, chúng tôi sẽ có thể làm gì tại Leipzig với một vở kịch về quá khứ Việt-Đức? Nhưng tôi nghĩ đây là một vở kịch rất, rất đậm đặc, rất thông minh, về những khả năng thực sự của chính trị và nghệ thuật, mà không ngay lập tức đề cập đến những vấn đề đương thời, không đem những vấn đề thời sự lên sàn diễn theo một thứ phương thức bổ củi.

Stefan Taeubner: Là một cư dân Leipzig tự nguyện – tôi sinh ra tại Hamburg nhưng lại thích sống ở Leipzig – tôi đồng ý với những gì vừa được nói. Tôi cho đây là một vở diễn thiên tài, tôi phải nói rằng, từ khi tôi được xem các buổi diễn tập, tôi đã rất phấn khích với vở kịch, về cái cách mà nó kết nối những câu chuyện rất khác nhau, cắt ghép chúng, hòa trộn chúng, nhiều khi chỉ trong cùng một câu mà tác giả đã chuyển đổi chủ đề mà ta hoàn toàn không nhận ra. Tôi thấy cách anh ấy xử lý câu chuyện chúng ta được xem tại đây là hết sức tài tình. Tôi chỉ không chắc chắn, không chắc về cảm xúc của khán giả, liệu họ có thấy nó tuyệt vời như vậy không, hay chỉ những người biết vở kịch, hoặc biết về nội dung của nó mới có cảm giác ấy. Tôi cũng có những câu hỏi của riêng mình, và bởi vậy tôi cũng rất muốn biết phản ứng của những người khác.

Katja Herlemann: Tôi muốn quay lại với từ khóa „những câu chuyện“, bởi hôm nay chúng ta có được cơ hội tuyệt vời để nghe những câu chuyện khác từ vũ trụ này. Và có lẽ, cho phép tôi hỏi ông, ông Hùng, như ông đã chia sẻ khi trước, ông thực sự đã phải chạy khỏi Việt Nam trên một con thuyền năm 12 tuổi, và tới Tây Đức với tư cách một người tị nạn hạn ngạch. Ông có thể kể một chút về câu chuyện này, và trước hết, ông có những cảm xúc nào dạo đó, ông đã tới Tây Đức trong hoàn cảnh nào?

Nguyễn Hùng: Vâng, tôi rời Việt Nam năm 1982, năm tôi 12 tuổi. Chúng tôi ở cách Sài Gòn khoảng 70 cây số. Chuyện xảy ra thế này, mẹ gọi tôi và nói: Hùng, mẹ đã kiếm cho con một chỗ trên thuyền, con phải rời Việt Nam. Khi ấy, mọi việc đều đã an bài, tôi không có cơ hội nói đồng ý hay là không. Và tôi nghĩ: Tại sao lại là tôi? Tôi là đứa lớn nhất trong nhà, khi ấy mẹ thấy tôi không thể có tương lai gì ở Việt Nam. Ngày ấy, Việt Nam là một thể chế cộng sản ngặt nghèo. Và rồi còn cả cuộc chiến giữa Việt Nam với, tôi nghĩ là Lào/Campuchia ngày đó, phải rồi, với Khmer Đỏ. Hồi ấy đương nhiên là như thế, 17 tuổi sẽ bị gọi đi nhập ngũ và rất có thể sẽ què quặt khi trở về. Ấy là nỗi sợ lớn của cha mẹ tôi. Hồi bé tôi đương nhiên không hiểu được những chuyện ấy. Chúng tôi thực ra vẫn có đủ ăn, nên vấn đề không nằm ở chỗ đó. Tôi nhớ lúc ấy có hai con thuyền, chúng tôi cải trang thành một gia đình đánh cá, tất nhiên không có cha mẹ tôi. Vì là trẻ con nên cha mẹ chỉ phải trả nửa tiền cho vé của tôi. Và lợi thế là, nếu chúng tôi lỡ có bị tóm được, thì tôi có thể thoát nhanh hơn người lớn. Vâng, chúng tôi cơ bản cải trang thành ngư dân… Ở Việt Nam có rất nhiều những con sông nhỏ, chúng tôi có thể lên thuyền rồi cải trang thành ngư dân đi tới phía Nam, đến Cà Mau, ấy là phía Nam Việt Nam. Chúng tôi khởi hành từ điểm đó. Tôi kể dông dài một chút như vậy để quý vị có thể hình dung tất cả bắt đầu thế nào. Tất nhiên khâu hậu cần cũng phải chuẩn. Nghĩa là phải cất giấu dầu Diesel ở đâu đó. Người ta không được phép mang Diesel lên thuyền, vì chắc chắn sẽ bị tra hỏi: Tại sao lại mang nhiều Diesel như thế? Phải chuẩn bị sẵn cái để nói, để trả lời. Như vậy, vào ngày khởi hành, người ta phải đào dầu Diesel giấu dưới đất lên, và mang lên thuyền. Thuyền của chúng tôi chạy bằng máy Ấn Độ cũ, tôi còn nhớ, được sau một đêm rưỡi thì nó bị hỏng. Chúng tôi có khoảng 20, 23 người trên một con thuyền nhỏ như thế. Thế rồi nó hỏng, cũng may chúng tôi chỉ phải nổi trôi loanh quanh trong nửa ngày, rồi tàu Cap Anamur tới. Và đó thực sự là một đại hồng phúc đối với chúng tôi.

Katja Herlemann: Có lẽ để cho những quý vị chưa được biết – Cap Anamur là một con tàu cứu trợ của Đức – một con tàu cứu trợ Tây Đức, đúng như vậy, đây là một chi tiết quan trọng – con tàu đó đã đi lại trên biển, tìm các con thuyền tị nạn và giải cứu người tị nạn khỏi những con thuyền ấy.

Nguyễn Hùng: Vâng, Tiến sĩ Rupert Neudeck[1] ở Tây Đức là một cái tên quen thuộc với nhiều người Đức và cả rất nhiều những người Việt Nam được cứu vớt, vâng, với những người được tàu Cap Anamur cứu. Và bởi vì chúng tôi được cứu lên từ thuyền, tôi chưa từng tới Pulau Bidong. Phần lớn những người có thuyền tốt tất nhiên cũng tới được nơi ấy, nhưng chúng tôi không đi được xa vậy. Và nếu không nhờ tàu Cap Anamur ấy, tôi cũng đã không có mặt ở đây hôm nay. Thực sự có rất nhiều người đã bị những tay cướp biển Thái… Phụ nữ thì bị hãm hiếp, nếu người chồng dám can thiệp thì thậm chí còn bị chúng chặt tay rồi ném xuống biển. Tôi có một anh bạn, chị gái anh ấy đến bây giờ vẫn còn mất tích, không ai biết ở đâu. Tôi có một lá thư rất đẹp được gửi tới Tiến sĩ Rupert Neudeck. Một cô bé từng bị cưỡng hiếp đã viết bức thư ấy, cô thực sự viết từng chữ trong đó. Tôi đã không biết, chứ không tôi cũng mang lá thư ấy tới đây. Cô bé viết: Mỗi chữ tôi đang viết ra đây đều được viết dưới dòng nước mắt. Đại loại vậy. Đọc những dòng ấy thực sự thấy rất đồng cảm. Sau đó, tôi dừng chân ở Hamburg vài ngày, rồi từ đó chúng tôi tới điểm trung chuyển ở Tübingen. Chúng tôi ở đây khoảng hai, ba tháng, được khám sức khỏe ở đó. Rồi tôi tới một làng trẻ vị thành niên của nhà thờ Thiên chúa giáo ở Altensteig, và năm 92 thì thi tú tài ở đó. Rồi sau đó tôi theo học ngành Tin học, vâng đúng như vậy. Giờ tôi là một chuyên gia công nghệ thông tin ở một công ty lớn, một nhà cung cấp ở Stuttgart.

Katja Herlemann: Và đây là lần đầu tiên trong đời ông tới thăm vùng Đông Đức?

Nguyễn Hùng: Nhưng được có mặt ở đây là một cảm giác rất tuyệt vời.

Katja Herlemann: Tôi rất mừng. Ông Minh, tôi cũng rất vui nếu ông có thể kể câu chuyện của mình. Ông đã từ Việt Nam tới Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức từ những năm 70, với những hoàn cảnh và mục đích hoàn toàn khác. Và hôm nay ông cũng còn ở lại Đức. Xin ông hãy kể lại một chút.

Nguyễn Văn Minh: Vâng, tôi ở CHDC Đức trong ba năm, từ 1975 đến 1978, tham gia khóa dạy nghề của công ty Đường sắt Đức, tôi học nghề ở một RAW, tức là là Nhà máy sửa chữa các thiết bị đường sắt. Sau đó tôi làm việc mười năm ở Việt Nam, ngay ở Hà Nội, cũng ở trong ngành đường sắt Việt Nam. Mùa hè năm 88 tôi quay lại CHDC Đức với những người lao động Việt Nam khác. Và công việc của tôi lúc đó là làm trung gian ngôn ngữ, đại loại là một bậc thấp hơn so với vị trí của một phiên dịch. Và tôi cũng có nhiệm vụ chăm sóc cho người lao động Việt Nam. Tôi làm việc ba năm trong Nhà máy sản xuất đèn chiếu sáng tại Leipzig, ở vùng Paunsdorf. Sau thống nhất, tôi ở lại đây. Kể từ đó tôi làm kinh doanh, chuyện có vậy thôi (cười). Bây giờ tôi đang hành nghề dịch vụ ẩm thực.

Katja Herlemann: Thưa ông Minh và ông Hùng, trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, liệu các ông có biết đến sự tồn tại của một cộng đồng người Việt khác ở phần còn lại của nước Đức hay không? Các ông có biết đến các câu chuyện của nhau qua những lời đồn đại không?

Nguyễn Văn Minh: Vâng, tôi muốn nói là hồi ấy, Tây Đức, hay có thể nói là thế giới Phương Tây, là thứ hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Một thứ hoàn toàn khác, hoàn toàn xa lạ. Chúng tôi chỉ nghe đồn thế thôi, chứ như thế nào thì không ai biết. Chúng tôi cũng ở đây, cũng làm việc để kiếm thêm chút tiền về cho gia đình. Nhưng mà thời ấy là đồng Mark Đông Đức, so với đồng D-Mark ở Tây Đức đã là một sự khác biệt lớn. Chúng tôi thường mơ về đồng D-Mark, nhưng nó gần như là điều bất khả thi, không thể với tới.

Katja Herlemann: Và ông có biết gì về những thuyền nhân không? Ông có biết rằng có những người phải chạy khỏi Việt Nam và dạt đến Tây Đức không?

Nguyễn Văn Minh: Có.

Katja Herlemann: Ông có biết điều ấy.

Nguyễn Văn Minh: Nhưng không chỉ ở Tây Đức, phần lớn thực ra lại tới Hoa Kỳ. Nhưng mà chính xác… Phải sau đó, sau thống nhất chúng tôi mới được biết rõ hơn. Hồi ấy chúng tôi chỉ nghe được rằng có những người chạy nạn qua đường biển. Nhưng chính xác là như thế nào ấy à? Tôi là người miền Bắc Việt Nam, còn phần lớn người tị nạn, phải nói rằng, họ là người Nam Việt Nam. Sau đó có thêm một phần từ miền Bắc – Hải Phòng và Quảng Ninh, tức là vùng duyên hải –  cũng có người ra đi từ đó nữa… Nhưng mà rõ hơn thì tôi không biết.

Nguyễn Hùng: Vâng, tôi có biết về những công nhân hiệp định ở Đông Đức. Thực ra, chúng tôi hoàn toàn không có sự tiếp xúc. Nhưng tôi nghĩ rằng, bởi vì cuộc Chiến tranh Việt Nam kéo quá dài, và hậu quả là quá nhiều thù hận và máu đã đổ, có thể nói cuộc chiến khi ấy thực chất là giữa Bắc và Nam. Và tôi tin là, ở thế hệ tôi thì không còn nữa, nhưng ví dụ như ở thế hệ cha chúng tôi, hay thậm chí lớn tuổi hơn một chút, họ vẫn còn sự ngăn cách ấy trong đầu, ngay cả ở Việt Nam. Những người ở miền Nam, họ nói rằng miền Bắc trên thực tế đã “xâm chiếm” miền Nam. Và đó là lý do tại sao trong tâm trí những người sống ở Đức vẫn tồn tại một Bức tường Berlin, bao gồm cả những người Việt, tôi thấy như vậy thật đáng tiếc. Như vậy, vào thời điểm những người công nhân hiệp định ở đây, chắc chắn người ta cũng phải… Bởi vì những người Việt phía Tây nước Đức thực chất đã một cuộc sống ổn định hơn. Họ đều có công việc tốt, có thể nói vậy, cuộc sống của họ ổn định hơn. Và có lẽ đã đến lúc để sát cánh hơn một chút với những người Việt ở Đông Đức, giúp đỡ cho họ. Nhưng sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Và tôi nghĩ nhiều người Việt ở phía Tây, bao gồm cả những người tị nạn, nếu họ bắt đầu làm gì đó theo tinh thần này, thì ngay lập tức họ sẽ bị gắn cái mác: Mày là cộng sản chứ gì, hay tương tự như vậy. Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt phía Tây cũng không ngại điều ấy. Rồi đương nhiên, cũng có rất nhiều điều mà ông Neudeck nói đúng: Người Việt vẫn chưa có cách xử lý di sản lịch sử của họ. Cả người miền Bắc lẫn người miền Nam, những người công nhân hiệp định và thuyền nhân, họ đều hoàn toàn chưa giải quyết được vấn đề lịch sử của mình. Ông ấy thậm chí còn kêu gọi điều ấy. Và tôi cũng phần nào coi đó như là sứ mệnh cả đời của mình. Chúng tôi đã bắt đầu một chút với công việc ấy ở Ronnenburg, Cha biết hội thảo đó đấy, thưa Cha Stefan. Nhưng chúng tôi thực hiện với một góc nhìn tương đối khác. Hồi ấy chúng tôi đặt tên nó là “Nối nhịp cầu”. Trên thực tế có những người trẻ tuổi trẻ đến từ Berlin, như Thúy chẳng hạn, cùng với rất nhiều người từ vùng Tây Đức. Họ gặp gỡ và trao đổi ý kiến. Cả về các vấn đề lịch sử… Có nhiều những chủ đề khác nhau, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng ở thế hệ này chưa bao giờ tồn tại xung đột ấy. Và tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đi tiếp trên phương diện này. Nhưng, như ông Neudeck đã từng nói, chúng ta phải tiếp tục một cách có hệ thống và quy củ hơn. Ở Đức người ta cũng đã làm việc này, ở Đức người ta cũng nghiên cứu, xem xét rất kỹ lưỡng thời kỳ Đức Quốc xã, Thế chiến thứ hai. Như vậy, ta phải thực sự xây dựng một phương pháp theo mô hình này, một cách có hệ thống. Và rồi chúng ta, với tư cách những người Việt, có thể thu thập tư liệu và ghi chép lại tất cả, để những người đời sau cũng thừa hưởng được một cái gì đó.

Katja Herlemann: Vâng, rất thú vị là ông lại nhắc tới chủ đề này. Nó cũng được đề cập đến trong vở kịch, tác phẩm này chỉ ra những liên kết về mặt lịch sử xuất phát từ các dòng người di cư giữa hai đất nước đang bị chia cắt, Đức và Việt Nam. Và ông cũng đã điểm qua về việc Đức đã có một phương pháp tiếp cận lịch sử rất có hệ thống. Có lẽ câu hỏi này xin dành cho ông Taeubner, với tư cách linh mục phục vụ cho cộng đồng người Việt ở cả Đông và Tây, ông có nhận thấy những điểm chung giữa các lịch sử bị chia cắt, sự thống nhất và cách đối diện với lịch sử hay không, ông thấy thế nào?

Stefan Taeubner: Tôi còn nhớ một cuộc gặp mặt ở Leipzig năm 1990. Từ phía Tây lúc đó chúng tôi nghĩ rằng bây giờ mình có thể sang đây được rồi. Chúng tôi thuê một chiếc xe buýt từ Frankfurt, đi tới đây cùng những thuyền nhân Việt Nam với lá cờ vàng đã bị thất thủ ở Sài Gòn năm 1975, cùng với những thuyền nhân ấy dựng lá cờ này trên quảng trường Augustus, lúc đó vẫn còn khá vắng vẻ, vào một ngày hè nào đó trong năm 1990. Chúng tôi muốn nói ở đó rằng: Hỡi những người Việt Nam yêu quý, giờ đây các bạn đã tự do rồi, các bạn hãy tới đây, hãy chạy hết sang phía chúng tôi, giờ các bạn đang có cơ hội, rốt cuộc các bạn đã có tự do. Tôi nghĩ ấy là một hành động khá lố bịch (cười). Và quả thực chẳng có ai buồn nhìn chúng tôi hay bắt chuyện với chúng tôi cả, và nếu có người Việt nào chứng kiến cảnh đó thì tôi nghĩ chắc họ cũng sẽ bỏ đi. Một thất bại toàn tập. Qua đây có thể thấy suy nghĩ hồi ấy khác biệt tới mức nào. Nhưng tôi cũng từng thấy một bức ảnh khác được in trên một tờ báo không lâu sau khi Bức tường Berlin được mở thông, hay theo tôi là được chiếm giữ. Ở phía Tây, những người trẻ tuổi đứng khắp nơi trên bức tường, dù cảnh sát Đông Đức vẫn đang đứng chỉ 10 mét ngay phía dưới ở bên Đông. Và có cảnh rất nhiều những người Việt Nam mặc quần bò và áo khoác da màu đen, tóc dài, chạy qua đó, nhảy lên bức tường và nhận được những cánh tay đưa xuống cho nắm lấy, leo lên, kéo lên trên Bức tường Berlin. Và chính bởi vì nó, cú nhảy ấy, cú nhảy 10 mét lên bức tường, họ về cơ bản đã thay đổi chế độ cho chính mình. Họ đã bỏ tại quá khứ bên Đông của mình và xin tị nạn ở Tây Berlin. Như vậy, có cả con đường này nữa, rất đột ngột và nhanh chóng. Đó là một cuộc đụng độ thật kỳ lạ giữa hai nhóm người Việt vô cùng khác biệt về chính trị trong một nước Đức thống nhất năm 1990. Nó bắt đầu một cách kỳ lạ, và được giải quyết mới gay cấn làm sao. Không phải đơn giản, tới bây giờ vẫn chưa đơn giản. Nhưng có nhiều thứ đã làm được.

Katja Herlemann: Ông Trương, ông tới CHDC Đức với tư cách một sinh viên và đã từng làm công việc thông dịch tại CHDC Đức. Thực sự phải nói rằng, một cách phi lý và ngẫu nhiên, câu chuyện Thomas Köck sáng tạo cho đêm địa đồ này lại gần với câu chuyện cuộc đời ông Trương một cách dễ sợ.

Trương Hồng Quang: Cả của ông Minh nữa. (cười)

Katja Herlemann: Và cũng gần giống một cách dễ sợ với ông Minh. Nhưng điều thực sự khiến tôi chú ý, một lần nữa, là trong những cuộc thảo luận của chúng ta, ông cũng đã từng nói về những trải nghiệm của ông về thời điểm chuyển giao này. Có lẽ cả hai vị có thể nói qua, từ góc nhìn Đông Đức, về cảm nhận của các vị với tư cách người Việt ở CHDC Đức khi bức tường sụp đổ.

Trương Hồng Quang: Có lẽ xin được bắt đầu xa hơn một chút. Vào năm 1977/78, khi bắt đầu có làn sóng vượt biên của các thuyền nhân thì tôi cũng rời Việt Nam. Như vậy, tôi rời Việt Nam năm 77, nhưng trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác, trên một chuyến tàu hỏa liên vận xuyên Siberi từ Hà Nội qua Trung Quốc, Nga. Sau chuyến hành trình dài hai tuần tuyệt vời, đi qua các vùng khí hậu khác nhau, chúng tôi tới Leipzig. Trước đó, tôi đã học tiếng Đức một năm tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Trước đây, chúng tôi chỉ học tiếng Nga ở trường phổ thông, bây giờ tôi được học thêm tiếng Đức. Một năm sau đó tôi tiếp tục học tiếng Đức tại Viện Herder, tức là tại đây, ở Leipzig. Sau đó là 5 năm học ngành Ngữ văn Đức, tiếp theo là 2 năm viết luận án tiến sĩ. Vâng, tôi kể hơi chi tiết như vậy để các quý vị có thể hình dung cũng có một đường đời khác ở CHDC Đức. Có lẽ bây giờ tôi đang chìm đắm trong hồi tưởng một chút, nhưng đó thực sự là khoảng thời gian được che chở và rất đẹp thời tuổi trẻ, cả với tôi. Và không chỉ đối với cá nhân tôi, mà với cả nhiều bạn học của tôi hồi đó. Là sinh viên ngành Ngữ văn Đức, chúng tôi không chỉ học tiếng Đức tại Viện Herder, mà đến tận năm thứ ba đại học. Có một thầy giáo dạy Tiếng Đức luôn sát cánh cùng chúng tôi. Ông ấy biết điểm yếu, điểm mạnh của từng sinh viên với ngôn ngữ Đức và luôn cố gắng đồng hành cùng chúng tôi. Hay một ví dụ khác, sinh viên ngành Ngữ văn hay sinh viên ngành nghệ thuật ở Leipzig thời đó, nếu tới nhà hát opera hoặc một nơi tương tự, chẳng hạn tại Nhà hát kịch nói này, chỉ cần xuất trình thẻ sinh viên thì một vé chỉ phải trả 75 xu CHDC Đức. Và tôi đã hết sức tận dụng khả năng này. Tôi đến từ một làng quê bị đánh bom nặng nề ở miền Trung Việt Nam. Lúc ở nhà tôi từng được nghe chút nhạc cổ điển qua đài phát thanh, nhưng ngoài ra thì không còn gì khác. Ở Leipzig hầu như Chủ nhật nào tôi cũng đi nghe thánh nhạc ở nhà thờ Thánh Thomas, tôi nghe nhạc Bach, cuộc thi Bach quốc tế được tổ chức ở đây. Đã từ lâu rồi tôi không còn sống ở Leipzig nữa, mà ở Berlin kể từ khi bức tường sụp đổ. Nhưng mỗi khi tôi quay lại đây và có cơ hội đến nhà thờ Thánh Thomas hay những địa điểm khác, những chốn địa linh ở Leipzig, tôi đều cảm thấy thật bồi hồi. Ý tôi muốn nói rằng, đó là quãng thời gian mà ở đây chúng tôi đã có những trải nghiệm rất khác với trải nghiệm của những người Việt ở nơi khác. Khi tôi tới đây trên chuyến tàu xuyên Siberia và sống tại nơi này, tôi đương nhiên không hề biết gì về số phận của các thuyền nhân. Tôi chỉ biết về điều này sau khi bức tường sụp đổ, khi tôi sang Tây Berlin và thăm Nhà văn hóa Việt Nam ở đó. Đến lúc đó tôi mới bắt đầu tiếp xúc với người Việt ở phía Tây. Và không phải từ đầu tôi làm thông dịch viên ở CHDC Đức. Tôi trở về Việt Nam ngay sau khi làm xong luận án tiến sĩ, khi mới 24, 25 tuổi. Sau đó tôi nhận công việc nghiên cứu viên tại Viện Văn học thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. À, vào thời điểm đó tôi thậm chí còn là tiến sĩ khoa học xã hội trẻ nhất ở Việt Nam. Đó là năm 86/87, một thời gian rất khó khăn. Tôi không thể nào ở lại Viêt Nam lâu hơn. Sau hai năm, tôi trở lại CHDC Đức với tư cách một phiên dịch viên, tương tự như ông Minh. Tuy nhiên, tôi làm thông dịch cho một lớp học của Đoàn Thanh niên Việt Nam tại Đại học Thanh niên ở Bogensee. Không biết có quý vị nào biết nơi này không. Tôi nhớ đó từng là khu nghỉ dưỡng của Joseph Goebbels, một chốn tuyệt đẹp. Vâng, và sau đó thì tôi trụ lại ở đây. Vào thời điểm bước ngoặt tôi sống ở Leipzig. Lúc đó, tôi bắt đầu làm thông dịch viên, không phải theo hiệp định chính phủ mà như là một nhân viên tự do được doanh nghiệp thuê. Và ở đó, tôi đã gặp đồng nghiệp của tôi là ông Minh, vợ của ông ấy, người cũng có mặt ở đây vào buổi tối hôm nay, và nhà tôi, khi đó vẫn đang là công nhân hiệp định ở Leipzig. Tôi đã kể quá dài rồi, chỉ một câu nữa thôi. Như tôi đã nói, tôi đã trải qua thời kỳ bước ngoặt[2] ở đây. Tôi nhớ là tôi cũng đã kể trong buổi thảo luận đầu tiên của chúng ta, về việc tôi đã chứng kiến những cuộc Biểu tình vào thứ Hai ở Leipzig, bắt đầu từ nhà thờ Thánh Nikolai rồi đi ngang qua đây. Tôi đã chứng kiến ​​tất cả những điều này với cảm xúc lẫn lộn. Hồi ấy, tôi là một người lãng mạn nhuốm màu sắc xã hội chủ nghĩa, cho dù có con mắt phê phán, nhưng vẫn theo đuổi những kỳ vọng ấy. Tôi thực cũng đã rất buồn về những chuyện đã xảy ra, mặt khác, lại rất tò mò về thời đại mới đang đến bởi phong trào dân sự này. Trước đây, tôi đã từng được trải nghiệm những buổi lễ nhà thờ và các buổi đọc tác phẩm của các tác giả chỉ trích thể chế CHDC Đức. Tôi đã tham gia những sự kiện này cùng với bạn bè người Đức. Rồi, như tôi cũng đã nói trong cuộc buổi thảo luận đầu tiên của chúng ta, bước chuyển từ khẩu hiệu “Chúng ta là nhân dân” sang khẩu hiệu “Chúng ta là một dân tộc” đã xảy ra. Tôi đã trực tiếp trải nghiệm điều này trong một cuộc biểu tình lớn trên quảng trường phía trước Nhà hát Giao hưởng Gewandhaus, nó gọi là gì nhỉ?

Katja Herlemann: Giờ là quảng trường Augustus.

Trương Hồng Quang: Vâng, quảng trường Augustus, tôi nghĩ hồi ấy nó có tên gọi khác. Ở đó, người ta bỗng nhiên hô “Chúng ta là một dân tộc”. Và chứng kiến cảnh tượng ấy, tất cả những phản ứng của họ, trước cái cách mà những người tham gia biểu tình nhìn tôi, tôi đã cảm thấy khá là… Đó không còn là cái không khí tôi từng trải nghiệm lúc đầu, khi mà giờ đây khẩu hiệu “Chúng ta là một dân tộc, chúng ta là một dân tộc” được hô lên. Tôi đã trải nghiệm điều này ở Leipzig. Và sau đó, thành thật mà nói là tôi đã nhanh chóng rời Leipzig, vì có những cơ hội khác mới mở ra ở Berlin. Có một viện nghiên cứu vừa được thành lập ở đó, trong đó có một nhóm nghiên cứu về di dân, dưới sự bảo trợ của Almuth Berger, Đặc phái viên Ngoại kiều Bang Brandenburg vào thời điểm đó. Tôi đã nhận được vị trí nghiên cứu viên và làm việc ở đây trong hai năm. Như vậy, chí ít là tôi cũng tiếp tục chút đỉnh với sự nghiệp nghiên cứu. Nhưng sau đó thì tôi  bắt đầu hành nghề tự do, cho tới hôm nay, vâng.

Katja Herlemann: Ông Minh, xin hãy cho chúng tôi biết ông đã trải nghiệm thời kỳ bước ngoặt ra sao, tình hình đã thay đổi như thế nào sau khi Bức tường sụp đổ.

Nguyễn Văn Minh: Hoàn cảnh của tôi rất khác với ông Trương. Khi đó, những công nhân hiệp định như chúng tôi làm việc với hợp đồng có thời hạn 5 năm. Khi chúng tôi tới đây vào mùa hè năm 88, nơi này đã hơi náo loạn. Và từ mùa hè năm 89, như ông Trương đã nói, các cuộc Biểu tình thứ Hai đã bắt đầu, từ nhà thờ Thánh Nikolai. Chúng tôi đã rất sợ hãi. Nếu có chuyện gì xảy ra và chúng tôi phải kết thúc hợp đồng sớm thì sẽ vô cùng tồi tệ, vì chúng tôi cần phải làm việc ở đây ít nhất 5 năm để kiếm được một khoản nào đó. Khi thời điểm bước ngoặt tới, chúng tôi phải đối mặt với một quyết định vô cùng khó khăn – ở lại hay trở về. Và ở thời điểm đó, vẫn còn một dạng hiệp định hay thỏa thuận giữa hai chính phủ: Bất kỳ ai trở về sẽ được nhận 3.000 D-Mark và ba tháng lương ròng, cùng một vé máy bay miễn phí. Đó là khoảng 5.000 D-Mark. Và 5.000 D-Mark là một khoản tiền lớn hồi đó, rất lớn. Bởi vì đồng Mark Đông Đức có lẽ chỉ đáng giá 1 xu quy đổi ở thời điểm ấy. Bỗng nhiên, mọi người sở hữu một khoản tiền tương đương với 50.000 Mark Đông Đức. Đó là một số vốn lớn, có thể nói như vậy. Vậy nên, khi ấy, trước thời điểm bước ngoặt, có khoảng 60.000 công nhân Việt Nam ở CHDC Đức, nhưng sau khi bức tường sụp đổ, khoảng 50.000 người đã trở về, vì sợ hãi. Ban đầu, người ta nghĩ: Bây giờ tôi đủ giàu rồi. Rồi lại có thêm nỗi lo: Tôi phải làm gì ở đây sau thời kỳ bước ngoặt? Bởi vì sau đó ai cũng sẽ phải tự lo cho mình, về đủ thứ chuyện, thân ai nấy lo, nhà máy đã không còn nữa. Mọi thứ khác thì bị giải thể, bởi vậy… Nhưng chúng tôi rất mừng khi tiền D-Mark được lưu hành. Nó mang tới cho chúng tôi một khoản vốn rất lớn, có thể nói như vậy.

Katja Herlemann: Nhưng tại sao ông lại quyết định ở lại?

Nguyễn Văn Minh: Vâng, tôi đã nghĩ: Chẳng sao hết, chừng nào tôi có thể ở lại, thì nhất định tôi sẽ ở lại đây tiếp. Vì dù sao vẫn tốt hơn ở nhà. Ở nhà thì cũng vẫn phải làm việc, nhưng lại kiếm được rất ít. Còn ở đây thì kiểu gì cũng xong, tôi nghĩ một khi có đồng D-Mark rồi thì thế nào cũng ổn. Vào lúc đó không ai biết sẽ phải xoay xở như thế nào. Nhưng mà nếu người ta sống được thì mình cũng sống được, còn phải sợ gì cơ chứ, chỉ đơn giản vậy thôi. (mỉm cười)

Katja Herlemann: Có lẽ chúng ta đi tiếp một bước nữa trong thảo luận. Như Philipp Preuß cũng đã đề cập trước đó, mặc dù vở kịch liên quan trực tiếp tới giai đoạn lịch sử này, nó cũng có những điểm tương đồng rất rõ ràng với tình hình xã hội hiện tại. Tôi rất muốn được biết – đây là câu hỏi dành cho tất cả mọi người, xin mời bất kỳ ai muốn có thể trả lời – các vị có suy nghĩ gì trước những tranh luận chính trị ngày càng trở nên gay gắt hiện tại ở Đức, trước những câu hỏi về sự chung sống của các nền văn hóa, về hội nhập và các cuộc tranh cãi về vấn đề di cư. Với tư cách là những người Đức gốc Việt, các ông cảm thấy thế nào về cuộc sống ở Đức ngày nay, tình hình trong những năm qua đã thay đổi ra sao, nếu đã có sự thay đổi? Các ông đánh giá thế nào về sự chung sống của người Việt và người Đức tại đây?

Nguyễn Hùng: Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Sau rất nhiều năm ở Đức – tôi không hề quảng cáo đâu, đó là sự thật – người Việt ở Tây Đức, hay giờ cả ở Đông Đức, tức là con cái họ, học rất giỏi, có bằng tốt nghiệp xuất sắc, dù là ở bậc cao đẳng hay đại học. Như tôi từng là một tình nguyện viên phục vụ việc bầu cử, và tôi vẫn luôn làm công việc này. Và trong một lần như vậy, khi tôi đang ngồi làm việc ở một nơi bỏ phiếu, có một người tiến tới và nói: Ồ, chúng ta tiến xa tới mức bây giờ có một người Trung Quốc đang ngự ở đây à? Và tôi đã không thể ngay lập tức…

Katja Herlemann: Ông đã phản ứng như thế nào?

Nguyễn Hùng: Vâng, tôi đã không kịp định thần để có thể có ngay một câu trả lời. Nhưng giờ đây nhìn lại tôi sẽ nói: Tôi không phải là người Trung Quốc, tôi phải nhấn mạnh điều này. Hoặc tôi là một người Schwabe gốc Việt, hoặc là (cười) một người Việt vùng Schwaben[3]. Nhưng như bà thấy đấy, xã hội là… May mắn là thực sự chỉ có một thiểu số nghĩ vậy. Tôi nghĩ người Việt Nam đang hòa nhập khá tốt. Thậm chí đó là những người nhập cư hội nhập tốt nhất ở Đức. Và tôi thực sự rất, rất vui vì điều đó.

Stefan Taeubner: Tôi thấy vở kịch này có tính thời sự rất cao, như bà đã nói. Nếu người ta nói rằng: Phương Tây đảm bảo rằng các thuyền nhân sẽ không bao giờ phải chết đuối trên biển nữa – vâng, sự thật là… Chúng ta đã tạo ra cơ chế Frontex[4], và những ai cứu người  tị nạn thì sẽ bị kết án. Hay một câu nói khác được nhắc đến trong vở kịch: Bây giờ, chúng ta là nhân dân, quyền lực giờ đây hoàn toàn thuộc về nhân dân, chúng ta lại có quyền làm chủ vận mệnh. Nhưng từ phía bên ngoài sẽ có câu hỏi: Vậy còn chúng tôi? Chúng tôi có thuộc vào nhân dân hay không? Chữ “chúng ta” này bao gồm những ai? Vở diễn đã thể hiện rất sinh động những khía cạnh này. Ai là “chúng tôi”, như một phần của „chúng ta“? Tôi nghĩ rằng ở Đức chúng ta đang cần phải quay trở lại với câu hỏi đó. Đây là lý do khiến tôi thấy vở kịch này có tính thời sự nóng hổi đến vậy. Có một điều khiến tôi thấy kinh hãi, hay đáng báo động, là có nhiều người Việt thường xuyên nói với tôi: Không, người Việt Nam chúng tôi, chúng tôi đâu bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bài ngoại, chúng tôi là những người nước ngoài tốt, chúng tôi là những người nhập cư mẫu mực. Tôi cho rằng khá nguy hiểm nếu duy trì quan điểm này. Đây là điều khiến tôi lo lắng. Và tôi muốn nhắc lại lần nữa, đối với tôi đây là một tác phẩm có tính thời sự rất cao.

Philipp Preuß: Đối với chúng tôi trong các buổi diễn tập cũng vậy. Quá trình diễn tập cũng là quá trình tiếp cận những tiểu sử khác nhau của các diễn viên. Quả thực là như vậy, các diễn viên đã nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ của mình, từ những ngữ cảnh riêng của họ. Với tiếng Pháp, tiếng Serbia, tiếng Na Uy, cho đến cả tiếng Đức vùng Thụy Sĩ hoàn toàn xa lạ[5]. Nhưng đó là một cách chúng ta có thể nói chuyện và giao tiếp với nhau, cách tất cả hòa làm một. Và tất nhiên đây là điều ta thực sự phải đối mặt như một lẽ dĩ nhiên. Đó là một thực tế, và ta không được phép tiếp nhận những diễn ngôn của cánh hữu, mà phải khẳng định diễn ngôn của riêng mình, tôi nghĩ như vậy. Đây là điều tối quan trọng. Lấy ví dụ ở nước Áo hiện tại, ông vừa nhắc tới sự kiện Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz, đã hình sự hóa hành vi cứu giúp người trên những con thuyền đó. Thật là khủng khiếp khi người ta ban hành một chính sách không cho phép con người có bất kỳ lựa chọn nào khác để tới châu Âu, ngoài cách vượt biển… Người tị nạn đâu có được phép bay, các hãng hàng không bị ra lệnh cấm việc này. Họ sẽ phải làm thế nào đó mà vượt qua eo biển Bosporus với sự hỗ trợ của các đường dây đưa người vượt biên. Có nghĩa là họ chỉ còn lại cách đi bằng thuyền. Và một số ít người vẫn đang giúp đỡ, bằng cách nào đó gom góp tiền để hỗ trợ, thì bị coi là tội phạm và bị cáo buộc là đã – gọi là gì nhỉ – „kích động hành vi vượt biên”, đại loại vậy. Và như thế giữa chừng chúng ta đang phải đối diện với một thực tế đê tiện như thế này, và bắt buộc phải có phản ứng. Tôi chỉ muốn nói thêm về địa điểm của vở diễn, vì ông cũng đã nhắc đến điều này, tại sao cuối cùng chúng tôi lại chọn nơi này, bởi thực ra để mở thông không gian nhà hát ra phía ngoài như thế này là khá lạ. Nhà thiết kế sân khấu, Ramallah Aubrecht, và tôi, chúng tôi đã cùng nhau tìm một giải pháp để khán giả có thể nhìn thấy địa điểm lịch sử thực sự. Và như vậy đã có một sự hòa trộn giữa nhà hát và nơi cuộc cách mạng đã diễn ra trên thực tế.[6] Và tôi nghĩ, hay ít nhất hy vọng, rằng ở đây quả thực có tồn tại một sự hòa trộn, để người ta có thể nói: Ký ức vận hành ra sao, phải chăng là trong khoảnh khắc hồi tưởng. Thậm chí có lẽ tương tự như tiếng vọng của một thứ gì đó, ở nơi tất cả dường như là ảo ảnh… Ở đây tồn tại một dạng thực tế ảo tăng cường, một sự pha trộn giữa thực tế và dàn dựng. Dường như chính chúng ta đang nhìn vào thực tại, nhưng nó lại có phần giống như ký ức hoặc một thứ gì ta dựng nên. Tôi cũng thấy khá thú vị khi, trong các buổi diễn tập, thỉnh thoảng có những người qua đường thực sự chủ động để ý, nhưng cũng có những người chẳng hề bận tâm và tự họ dường như trở thành những bóng ma. Và qua đó tất nhiên ta cũng có được hình ảnh về thái độ bàng quan của xã hội, nó liên quan rất nhiều đến chủ đề vở kịch, về việc nỗi thống khổ này được thể hiện ra sao. Thời gian cứ thế trôi qua. Những chiếc xe ô tô cứ tiếp tục lướt qua, người trên đường cứ tiếp tục thản nhiên đi qua. Nhưng mỗi đêm diễn lại một khác, vì đương nhiên sẽ luôn có những sự kết hợp, những sự tình cờ khác xảy ra.

Katja Herlemann: Có lẽ đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để hỏi các diễn viên, nếu các bạn muốn chia sẻ, các bạn có cảm xúc gì trong buổi biểu diễn tối nay, ở ngay trong trường xung đột của những câu chuyện các bạn đang kể, với những nhân vật đã rơi khỏi thời gian, những con người nhiều khi không còn ai biết tới, liệu họ có phải đã trở thành những bóng ma, hay họ thực sự đang tồn tại trong thời gian nào đó. Và tất cả diễn ra trong không gian sân khấu mà Philipp và Ramallah đã dựng lên cho các bạn, nơi các bạn liên tục phải đối mặt, một bên là với những địa danh lịch sử có thật, là nơi đây, nơi các cuộc biểu tình đã đi qua, ngay đối diện đây là trụ sở Stasi[7], và một bên là cả những người đi qua đường như Phillip vừa nhắc tới. Các bạn đặt mình trong vị thế nào với phần trình diễn của chính mình? Liệu các bạn, hay có ai đó trong các bạn, có hứng thú phát biểu gì không ạ?

Ellen Hellwig[8]: Vâng, tôi thực sự không thể nói gì nhiều, bởi vì tôi chủ yếu là ngồi quay lưng về hướng sân khấu nên không thấy được phần trình diễn của các diễn viên khác, và cũng không thấy người đi ngang ở phía ngoài cửa sổ. Thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng cười mà không hiểu vì sao. Tôi nghĩ, đối với chúng tôi, để diễn vở kịch này cần phải hết sức tập trung bởi lời thoại rất khó. Và bởi các vai diễn lại đan xen với nhau nên chúng tôi phải chú ý cao độ, cất lời vào lúc nào và phải im lặng vào lúc nào. Tôi thấy rất, rất khó. Bản thân tôi rất tập trung vào số phận người bà. Ý tôi là, tôi học lời thoại một cách thực sự rất khó khăn, vì lúc đó tôi luôn nghĩ tới con mình. Đến khi phải đọc lời thoại lên, tôi đã gần như không làm nổi. Các buổi diễn tập rất khó khăn đối với tôi. Nếu trong số những người tham gia có người cởi áo, hoặc ho, hay nói chuyện khác, thì phải nói thực rằng tôi thấy vô cùng khó khăn. Giờ đây gặp gỡ khán giả thì có đỡ hơn, tôi có thể tự tách mình ra và tập trung tốt hơn. Nhưng không đơn giản chút nào. Tôi không biết vở diễn đã gây những ấn tượng nào cho các quý vị, liệu các diễn viên có quá căng thẳng hay không. Tôi nghĩ là chúng tôi đã ở trong một trạng thái căng thẳng, ít nhất là tôi. Vâng, không biết có ai muốn bình luận thêm không?

Katja Herlemann: Vâng, cảm ơn Ellen, tôi nghĩ đây là một gợi ý tốt để mở rộng cuộc trao đổi với công chúng. Nếu các quý vị muốn đặt câu hỏi cho các diễn viên, hay các khách mời ở phía trước, xin hãy làm ngay bây giờ. Đừng ngại, xin hãy ra hiệu, chúng tôi sẽ chuyển micrô tới. Hoặc đơn giản là các quý vị cứ nói to lên cũng được.

Ellen Hellwig: Denis, anh có muốn nói thêm gì không? Có lẽ tình cảnh của anh tốt hơn so với tôi.

Denis Petkovic[9]: Ồ, tôi thấy buổi hôm nay thật tuyệt vời. Ở phần đầu vở diễn có một người đàn ông cùng  một đứa trẻ đi qua cửa sổ, và đứa bé ấy thế nào mà cứ nhất định muốn tham gia. Tình cờ thôi, không phải là dàn dựng như người ta có thể nghĩ. Chính những sự tình cờ như vậy đã tạo nên cuộc chơi này, một điều thực sự phi thường. Không phải lúc nào những chuyện như thế cũng xảy ra. Về sau có người đàn ông với con chó đi qua, ông ta nhất định muốn cái gì đó từ chúng tôi. Trong một buổi diễn tập, tôi nghĩ hình như là một trong những buổi diễn tập cuối cùng, cũng có một người đàn ông – quý vị có thể thấy đằng kia là một cái biển quảng cáo, trên đó thường gắn những câu châm ngôn hoặc quảng cáo của nhà hát cho các buổi ra mắt – khi ấy ở đó vẫn còn treo quảng cáo cho vở “Đàn thú / Ai chẳng chết một mình” đang được trình diễn trên sân khấu lớn. Lúc chúng tôi ngồi ngoài đó, Sophie và tôi, người đàn ông này cứ đứng đó, và suốt cả buổi cứ muốn tranh luận với chúng tôi về việc tại sao cứ luôn phải có thái độ tiêu cực như thế. Ai mà chẳng chết một mình, việc gì mà cứ phải hoắng lên? Mọi thứ lúc nào cũng quá tiêu cực! Ông ta nhất định không chịu rời đi và nhất quyết muốn tranh luận cùng chúng tôi… Việc một mặt phải tập trung cao độ để nhập vai trong cảnh diễn, mặt khác phải chấp nhận thực tế của khoảnh khắc đang diễn ra, của hiện tại, đây là một điều vô cùng hấp dẫn. Và đối với khán giả, khi các quý vị ngồi ở bên trong nhà hát, các quý vị đã có những tưởng tượng nào, đó đều là những khả năng tuyệt vời. Chỉ các quý vị mới có thể biết được vở diễn khuấy động cảm xúc gì trong lòng.

Katja Herlemann: Có quý vị nào muốn trả lời không ạ? (Tất cả cười) Nếu các quý vị cảm thấy chưa muốn ngay lập tức công khai phát biểu, tôi xin phép mời quý vị tới gặp chúng tôi và các vị khách sau buổi nói chuyện, nếu quý vị quan tâm. Tôi muốn đề cập ngắn gọn đến một phương diện chính trị khác. Đã khá muộn, nhưng tôi vẫn nhắc tới một câu chuyện lý thú. Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, tôi đã tiếp xúc với Viện Goethe ở Việt Nam, và chính Viện Goethe đã giúp kết nối giữa ông Trương và chúng tôi. Đương nhiên là giờ đây đang có một mối quan tâm lớn đến tác phẩm này, khi mà chúng ta đã có bản dịch tiếng Việt. Và chúng tôi cũng hoàn toàn không phản đối ý tưởng tổ chức một buổi biểu diễn nhỏ ở Việt Nam, chắc chắn là chúng tôi muốn thử sức với việc ấy. (cười) Tuy nhiên, thực tế là, như một đồng nghiệp của tôi ở Viện Goethe đã nói rất rõ ràng, chị ấy cho rằng ý tưởng này rất phi thực tế, bởi vở kịch sẽ không thể được thực hiện tại Việt Nam, vì lý do kiểm duyệt. Bởi cho tới tận hôm nay, lịch sử thuyền nhân và các lý do khác nhau khiến họ phải rời bỏ đất nước vẫn chưa phải là chủ đề được phép thảo luận một cách cởi mở. Một lần nữa tôi rất muốn được biết – vâng, xin hỏi ông Taeubner và cả các quý vị khác, những người thường xuyên có dịp đi lại giữa hai nước – cảm nhận của các quý vị khi bây giờ trở về thăm quê hương, từ giác độ của những người Đức gốc Việt, về tình hình ở đó.

Stefan Taeubner: Lịch sử Việt Nam vẫn chưa thực sự được tiếp cận thấu đáo, ngay cả trong nội bộ. Đây thực sự là một vấn đề rất khó, vì đương nhiên đã có quá nhiều thương vong, nhiều tổn thất mạng sống hơn so với các cuộc xung đột giữa hai phần của nước Đức, mà may mắn là hầu như không có… Không, kể cả ở đây cũng có các nạn nhân, nhưng không thể sánh được với những gì từng xảy ra ở Việt Nam. Xin đưa ra một ví dụ hết sức đơn giản từ cộng đồng Cơ đốc giáo của chúng tôi ở Berlin. Vào dịp 30 tháng 4, một linh mục xuất hiện trước một cộng đoàn giáo xứ ở Tây Berlin và nói rằng: Hôm nay là một ngày đau buồn của chúng ta, vì hôm nay là ngày chúng ta mất nước. Ông ấy đứng trước cộng đoàn giáo xứ và nói vậy với các giáo dân người Việt. Một nửa trong số họ gật đầu và nhủ rằng: Vâng, đó chính là lý do mà tại sao chúng tôi phải lên thuyền. Còn một nửa còn lại ngồi ở phía sau, những người này tới từ Đông Berlin, họ cũng thuộc cộng đoàn giáo xứ, nhưng xuất thân từ miền Bắc, những người này lắc đầu, thắc mắc: Cha nói gì vậy, tại sao Cha lại phát biểu một điều xằng bậy như vậy? Hôm nay là ngày giải phóng đất nước, hôm nay là ngày chúng ta cuối cùng cũng kết thúc chiến tranh thắng lợi, rốt cuộc đã đánh đuổi được bọn Mỹ ra khỏi đất nước, hôm nay phải vui mừng chứ. Ông ta nói gì thế? Tôi không đề cập đến vấn đề chính trị lớn lao gì ở đây, mà chỉ muốn chia sẻ rằng chỉ ngay trong trong cộng đoàn giáo xứ của chúng tôi ở Tây Berlin / Đông Berlin đã nảy sinh những cách nhìn nhận vô cùng khác biệt về cùng một sự kiện lịch sử. Và qua đó các quý vị có thể thấy vấn đề lớn mức nào. Và có lẽ còn rất lâu mới có thể giải quyết được.

Trương Hồng Quang: Vâng, xin phép được kể ngắn gọn một giai thoại khác, để bổ sung và minh họa cho câu chuyện mà Katja Herlemann vừa nhắc đến. Khoảng 10 năm về trước, Viện Goethe ở Hà Nội đã đặt hàng một công trình hết sức thú vị cho một đồng nghiệp của tôi, nhà văn gốc Việt Phạm Thị Hoài ở Berlin, về việc dịch vở kịch Bà Lớn về thăm của Dürrenmatt sang tiếng Việt. Nhân tiện xin nói, Phạm Thị Hoài là một dịch giả xuất sắc và cũng là một nhà văn. Tuy nhiên, bà đã không chỉ đơn giản là dịch mà còn chuyển đổi vở kịch sang bối cảnh Việt Nam, và đã biến Bà Lớn cũng như tất cả các nhân vật khác thành những con người Việt Nam hiện thời. Có thể coi đó như một sự chuyển thể, nhưng thực chất vẫn hoàn toàn dựa trên Dürrenmatt, chỉ có địa điểm và các nhân vật đã được biến đổi. Tất nhiên là bản thảo này đã không được chấp nhận. Rất đáng tiếc. Lẽ ra vở kịch được dự kiến sẽ dàn dựng tại Việt Nam. Đó là 10 năm về trước, tuy nhiên ngày nay tình hình trên căn bản vẫn không có gì thay đổi, đặc biệt là với vở địa đồ của Thomas Köck, với rất nhiều những tham chiếu rõ ràng với những chuyện đã xảy ra ở đó sau năm 75. Liên quan đến chủ đề này, tôi xin có một lời bình luận thêm. Những người Việt bản ngữ tinh ý có lẽ sẽ không bỏ qua những chi tiết sau đây: trong bản tiếng Việt, cụ thể là trong những trường đoạn người bà kể về trại cải tạo, về tất cả những câu chuyện đau buồn đã xảy ra ở đó sau năm 75, có thể nói người dịch đã ghép một chút ngôn ngữ tuyên truyền ở Việt Nam thời kỳ này vào văn bản của Thomas Köck. Trong quá trình dịch, tôi đã tự hỏi: Thomas Köck mới 31 tuổi lúc viết vở kịch, anh sinh ra rất lâu sau Chiến tranh Việt Nam – làm sao anh ấy có thể biết được toàn bộ những cách diễn đạt, những dụng ngôn này? Bởi những câu chữ anh ấy sử dụng trong nguyên bản tiếng Đức và những cách diễn đạt tôi sử dụng trong bản tiếng Việt quả là rất khớp với nhau! Chuyện đó là như vậy. Còn nói về Chiến tranh Việt Nam thì trước sau đây vẫn là một câu chuyện với rất nhiều phức cảm. Mà người Việt Nam chúng tôi, nhân tiện nói thêm, sẽ không gọi nó là “Chiến tranh Việt Nam”. Ở miền Bắc Việt Nam, người ta nói đến “cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ” hay “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” v.v. Cha Stefan Taeubner đã nói tới vấn đề này. Ở miền Nam Việt Nam người nói về sự thất thủ của Sài Gòn, ở miền Bắc chúng tôi nói về việc giải phóng Sài Gòn v.v … Đó là cuộc chiến ủy nhiệm giữa NATO và Khối Hiệp ước Warszawa, và nó đã diễn ra trên mảnh đất này. Nhưng thực chất, đây là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Người Nga và người Mỹ cung cấp vũ khí cho chúng tôi, nhưng chính người Việt Nam đã đánh lẫn nhau. Và trong rất nhiều, có lẽ ở hầu hết mọi gia đình ở miền Nam Việt Nam hồi đó đều có những người con chiến đấu ở cả hai bên chiến tuyến. Và tôi thấy đặc biệt đáng nể, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt – vốn là một Việt Cộng thực thụ, một chỉ huy Việt Cộng chống lại chính quyền miền Nam Việt Nam, chống lại Mỹ khi ấy – vào khoảng những năm 80, mười năm sau chiến tranh đại khái đã nói như thế này: Trong khi hằng năm chúng ta ăn mừng ngày 30 tháng 4 ở đây thì cũng có hàng triệu gia đình đang khóc vì những mất mát của họ, chúng ta không được phép để điều này xảy ra. Vâng, có những tiếng nói rất sâu sắc như vậy từ cả tầng lớp chính trị cao cấp. Thế nhưng, trong quan niệm về lịch sử, những đại tự sự về cuộc kháng chiến trước sau vẫn được nhắc lại. Đâu đó trong ấy cũng là vấn đề chính danh của chính phủ hiện tại: Chúng tôi đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc này v.v. Tuy nhiên, trong buổi thảo luận đầu tiên với nhóm dàn dựng, tôi cũng đã đề cập thực tế là vẫn có nhiều tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật và văn học có cái nhìn phê phán với cuộc chiến, ví dụ như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, cũng đã được trích dẫn trong quyển giới thiệu nội dung chương trình vở diễn. Đã có những đối diện sâu sắc với chiến tranh, có một quá trình suy tư lớn lao về chủ đề này đã được khởi động. Và thực ra mà nói cũng không còn những xung đột lớn giữa Bắc và Nam nữa. Và đối với người Việt Nam, ý tôi là ngay cả đối với quan điểm chính thức của phía Việt Nam, Mỹ đã trở thành một người bạn hữu hảo, đặc biệt là do những cân nhắc địa chính trị liên quan đến các đụng độ với Trung Quốc. Đột nhiên, Hoa Kỳ trở thành một đối tác chiến lược. Đã có sự hòa giải với các cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Việt Nam để bù đắp cho những gì họ từng gây ra ở đó. Thỉnh thoảng còn có những cảnh kết thân bằng hữu thật sự  giữa những cựu binh Mỹ và lính Bắc Việt Nam trước đây. Thế nhưng, giữa người Việt trong nước và thuyền nhân ở hải ngoại tiến trình hòa giải vẫn chưa tiến triển được như mong muốn. Xin nói thêm một ý nữa: Ở đầu buổi thảo luận Katja Herlemann có nói rằng đây là một câu chuyện không có thực, do Thomas Köck sáng tạo nên – một dạng tác phẩm tài liệu hư cấu, một câu chuyện về một gia đình Việt Nam không có trên thực tế ở Đức, với người bà là một thuyền nhân và cô con gái là một công nhân hiệp định. Tôi nghĩ sở dĩ câu chuyện khó khả thi tới vậy là bởi trên thực tế chưa bao giờ thực sự có hòa giải, có một cuộc đối thoại giữa hai nửa cộng đồng. Và đó là lý do tại sao tôi nghĩ thật tuyệt vời khi một nhà viết kịch tiếng Đức kể cho chúng ta câu chuyện hòa giải ấy. “Hòa giải” nghe có lẽ hơi xa vời, nhưng quan trọng là sự cố gắng để đối thoại, để chia sẻ những ký ức chung. Và tôi cũng thấy rất tuyệt vời bởi tất cả những điều này đã được thể hiện một cách xuất sắc như vậy trên sân khấu. Và có lẽ đây cũng là một hiệu ứng phụ tốt: Tối nay chúng ta được ngồi ở đây với một đồng nghiệp từ Stuttgart, người chưa bao giờ đến Đông Đức, vì nhờ có vở diễn này mà có mặt tại đây, và chúng ta có cơ hội trao đổi với nhau. Chúng tôi cũng phải cảm ơn các nghệ sĩ Đức vì mối cơ duyên này, xin cảm ơn rất nhiều.

Katja Herlemann: Cảm ơn ông Trương rất nhiều. Tôi không nghĩ có thể nói thêm gì nữa. Ông đã cho chúng ta một kết thúc tuyệt vời. Xin cảm ơn các vị rất nhiều vì đã ngồi đây với chúng tôi tối nay, và đã trả lời các câu hỏi. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các quý vị, những khán giả thân yêu, đã ở lại với chúng tôi đến tận phút chót. Xin chúc các quý vị một buổi tối vui vẻ và trở về nhà an toàn. Như tôi đã nói, nếu quý vị vẫn muốn tiếp tục thảo luận, xin hãy tiến lên đây cùng chúng tôi. Cảm ơn rất nhiều.

Nguồn: Bản gỡ băng buổi trò chuyện của Nhà hát Kịch nói Leipzig
https://www.schauspiel-leipzig.de/spielplan/a-z/atlas-nachgespraech/

[1] Rupert Neudeck (1939-2016), nhà báo và nhà hoạt động nhân đạo Đức, người sáng lập Ủy ban Cap Anamur/Bác sĩ cấp cứu Đức. Với con tàu mang tên Cap Anamur, tổ chức này đã vớt hơn mười nghìn thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông và đưa họ sang Đức định cư (tất cả các chú thích của biên tập).

[2] Wendezeit = Thời kỳ bước ngoặt, chỉ giai đoạn chuyển đổi từ thể chế CHDC Đức sang CHLB Đức (1989-1990).

[3] Một vùng địa phương thuộc khu vực Nam Đức.

[4] Frontex (European Border and Coast Agency), Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu.

[5] Bốn diễn viên chính của đêm diễn có các nguồn gốc xuất thân khác nhau: Ellen Hellwig (vai người bà) có nguồn gốc Na Uy, Sophie Hottinger (vai người mẹ) là người Thụy Sỹ, Denis Pekovic (vai phiên dịch và người bố) có nguồn gốc Serbia và Marie Rathscheck (vai người cháu gái) là một nữ diễn viên Đức-Pháp. Ở nhiều trường đoạn đạo diễn đã để diễn viên nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình, chưa kể bản dịch tiếng Việt luôn được thể hiện qua phần phụ đề, có lúc được phát ra từ băng ghi âm với giọng nói của dịch giả, và cũng có một số chỗ đạo diễn cho dịch giả nói trực tiếp bằng tiếng Đức.

[6] Sân khấu có ba cửa kính lớn mở ra phía đại lộ Dietrichring, nơi vào mùa thu năm 1989 đã diễn ra các cuộc biểu tình của người dân Leipzig phản đổi chính quyền CHDC Đức. Các diễn viên có lúc đi ra ngoài đường phố, từ đó tương tác với các diễn viên ở phía trong nhà hát, trong khi có người đi bộ, xe ô tô, tàu điện chạy qua trước các cửa sổ. Trên cửa kính có các lớp ánh sáng phản chiếu giữa hai không gian bên trong và bên ngoài, tạo nên những ấn tượng hư thực, một thứ “Augmented Reality” mà đạo diễn Philipp Preuß đã đề cập.

[7] Tức Bộ An ninh Quốc gia của CHDC Đức, trụ sở cơ quan An ninh Quốc gia ở Leipzig nằm ngay bên kia đại lộ Dietrichring, đối diện với Nhà hát Kịch nói.

[8] Nữ diễn viên đóng vai nữ thuyền nhân và người bà.

[9] Diễn viên đóng vai người phiên dịch và người bố.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: