Clemens J. Setz, Indigo (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 22 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

»Anh là thần đồng của văn chương Đức: cực đoan, khẩn thiết, với một giọng hoàn toàn khác biệt với thế hệ mình. Về một sự quẫn bách tận thế.« Die Zeit

Indigo kể về một trường học nội trú ở phần phía Bắc của Styria, Áo, dành cho những đứa trẻ mắc một chứng bệnh bí hiểm tên là triệu chứng indigo. Bất cứ ai đến gần chúng đều bị buồn nôn, chóng mặt, và đau đầu dữ dội.

1. Bản chất của khoảng cách

 Vào ngày 21 tháng 6 năm 1919, tại căn cứ hải quân Scapa Flow, gần bờ biển Scotland, Hạm đội Hải quân Hoàng gia Đức tự đánh chìm chiến hạm của mình. Hiệp ước Versailles được nước Đức ký không lâu trước đó bảo đảm không chỉ sự hoàn trả xương sọ của tù trưởng Mkwawa cho chính quyền Anh mà còn cả sự đầu hàng lập tức của tất cả các tàu chiến. Tuy nhiên, Đô đốc Đức Ludwig von Reuter thà tự đánh chìm chiến hạm chứ không giao lại chúng cho quân Anh, bởi ông ta cho rằng người Anh là một dân tộc kém văn minh. Từ thuở ấy, những tàu chiến này đã nằm lại dưới đáy đại dương ở độ sâu khoảng năm mươi mét. Và ấy là một điều may mắn cho ngành du hành vũ trụ hiện đại, bởi loại thép cao cấp được trục vớt trong các cuộc lặn thám hiểm tàn tích của những chiến hạm nằm trong lòng nước tới nay đã gần một trăm năm này được sử dụng trong sản xuất vệ tinh, máy đo phóng xạ, và máy quét toàn thân ở các điểm kiểm soát an ninh tại các sân bay. Trữ lượng thép còn lại trên thế giới, sau Hiroshima, Chernobyl, và vô số những vụ thử bom hạt nhân được tiến hành trong bầu khí quyển trái đất, đã nhiễm xạ quá nặng nề và không còn khả dụng trong chế tạo và sản xuất những thiết bị có độ nhạy cảm cao như vậy. Loại thép duy nhất còn đủ tinh khiết chỉ có tại Scapa Flow, ở độ sâu năm mươi mét.

Câu chuyện này khởi đầu cuốn sách vô cùng đáng chú ý được xuất bản năm 2004 Bản chất của khoảng cách của nhà lý luận giáo dục và tâm lý học trẻ em Monika Häusler-Zinnbret. Vào một ngày thứ bảy mùa hè năm 2006, tôi đến thăm bà tại căn hộ nơi bà sống ở quận giàu biệt thự Geidorf, thuộc Graz. Thời điểm ấy, tôi đã bỏ ngang công việc dạy kèm môn toán thuộc chương trình thực tập sáu tháng tại Viện Nghiên cứu Helianau. Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Tiến sĩ Rudolf, đã cảnh cáo tôi rằng đừng bao giờ đặt chân vào viện nữa.

Tôi tìm bà Häusler-Zinnbret để hỏi ý kiến bà về điều kiện sống hiện tại của những trẻ mắc hội chứng Indigo ở Áo, hai năm sau sự xuất hiện của cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn với mở đầu đầy hi vọng của bà; cũng như liệu bà có biết sự thực về những trường hợp được gọi là tái định cư tôi đã thường chứng kiến trong mơ hồ hồi còn thực tập ở viện.

Trên cánh cửa ra vào cũ kỹ có ba cái chuông và cả một tay gõ cửa trang trí trông như thể nó từng một thời là của thật – thế nhưng, vào một ngày nóng bức, nó đã quyện vào với mặt gỗ sơn đen tối của cánh cửa và biến thành một thứ trang sức có hình thù giống một cái tai nằm trên tay nắm cửa bằng gang đúc nặng nề. Trong vườn nhỏ bao bọc bởi một hàng rào đồng cùng bờ giậu đã bị một lớp những mạng nhện che phủ, bên cạnh một căn nhà tráng lệ tới bất thường, là đôi cây bạch dương trầm mặc mang cái vẻ thủy sinh trắng như bạc, và trước cửa sổ sát đất, tôi phát hiện một bông hoa hướng dương duy nhất, đang rướn lên chăm chú như thể lắng nghe tiếng nhạc dịu, bởi nó cảm thấy được ánh nắng mai đang tới. Trời hôm ấy ấm áp, kém mười giờ. Cửa mở. Bên trong cầu thang không khí mát rượi, thoảng mùi đá ẩm và khoai tây cũ.

Chỉ một, hai tháng trước thôi, tôi có lẽ đã không hề để ý thấy những điều đó.

Trước khi lên tầng, tới văn phòng, tôi tự bắt mạch. Mạch ổn định.

Bà Häusler-Zinnbret mặc cho tôi chờ rất lâu ngoài cửa. Tôi đã bấm chuông rất nhiều lần, dưới ấy đề hai họ của bà, kết nối bằng gợn sóng ≈ thay dấu gạch nối, và như thường khi, tôi lại ngạc nhiên rằng các nhà tâm lý học và giáo dục học nữ luôn có họ kép. Tôi nghe thấy tiếng bà qua lại trong phòng, di chuyển bàn ghế hoặc những thứ đồ vật lớn khác. Tới lúc tôi phát hiện tiếng bước chân rất gần cánh cửa, tôi bấm chuông thêm một lần nữa, hi vọng cuối cùng cũng có thể thu hút sự chú ý của bà. Thế nhưng tiếng bước chân lại xa dần, và tôi cứ đứng như vậy ở cầu thang, không biết liệu có nên bỏ về hay không.

Tôi cố thử thêm lần nữa và gõ.

Một cánh cửa phía sau tôi mở ra.

– Cậu Setz?

Tôi quay lại và nhìn thấy đầu một người phụ nữ đang ngó ra từ khe cửa.

– Vâng, tôi nói. Bà Häusler?

– Xin mời vào. Tôi giờ đang trong một… chà, một giai đoạn chuyển tiếp, đại loại vậy, xin lỗi vì sự rắc rối… ừ…

Ấn tượng và nể sợ bởi căn hộ của bà dường như kéo dài toàn bộ tầng nhà, tôi dừng lại ngay phía trong cửa và chỉ nhớ phải cởi bỏ áo khoác và giày khi bà Häusler-Zinnbret giơ một chiếc mắc áo trước ngực tôi.

Ngoại hình bà Häusler-Zinnbret khá ấn tượng. Bà đã năm mươi sáu tuổi, nhưng khuôn mặt vẫn trẻ trung, bà cao và mảnh mai, với mái tóc bện dài sau lưng. Ngoại trừ đôi ủng đen, ngày hôm ấy, bà ăn mặc khá giản dị với một chiếc áo gi-lê len khoác hờ trên vai. Khi nói chuyện, bà chủ yếu nhìn ngước qua kính, chỉ khi phải đọc một cái gì đó, bà mới đẩy kính lên đôi chút.

Bà dẫn tôi vào văn phòng, một trong ba, bà nói với tôi. Bà thường tiếp khách ở đây – người từ khắp nơi trên thế giới, bà nói thêm, và bật một công tắc trên tường khiến cho rèm cửa, đầu tiên hơi hạ xuống, rồi được kéo hẳn lên; một quá trình mang cảm giác thôi miên lạ lùng, như thể căn phòng đang từ từ chớp mắt. Nắng sớm tràn vào phòng. Một tia nắng sáng như bóng kính len lỏi qua sàn, uốn cong ở bờ tường, rồi chạy lên một bức tranh trừu tượng khổ lớn, trong ấy, những hình tròn đang chiến đấu với những hình góc cạnh.

– Ôi trời, nhà tâm lý học trẻ em nói. Cậu bị thương sao?

– Vâng, tôi nói. Một tai nạn nhỏ. Nhưng không có gì nghiêm trọng.

– Không có gì nghiêm trọng, bà Häusler-Zinnbret gật đầu nhắc lại, như thể bà đã từng nghe cái cớ này quá nhiều lần. Trà? Hay cà phê?

– Chỉ nước máy thôi ạ.

– Nước máy? bà hỏi, mỉm cười với chính mình. Hm…

Bà đem cho tôi một cốc nước sặc mùi nước rửa chén, nhưng tôi vẫn mừng vì có thứ gì đó để uống bởi chặng đường bộ từ căn hộ của tôi gần Lendplatz đến chỗ ở của bà Häusler-Zinnbret đã khiến tôi mệt mỏi và khát nước. Đêm hôm trước, kẻ nào đó đã dỡ rời tất cả các bộ phận xe đạp của tôi ra. Chúng nằm lại rất gọn gàng trên sân sáng nay, bánh, khung xe, ghi-đông, được sắp đặt gần tương ứng với mô hình nanh sấu.

– Vậy, cậu đang thu thập thông tin cho một cuốn sách, phải không?, bà hỏi khi chúng tôi ngồi xuống cạnh một chiếc bàn kính nhỏ.

Bà Häusler-Zinnbret lấy một chiếc quạt ra từ một cái hộp nom tựa bao thuốc lá phóng đại, rồi mở nó ra. Bà đưa cả cho tôi một chiếc, nhưng tôi từ chối.

– Tôi chưa biết nó sẽ trở thành thứ gì, tôi nói. Có lẽ một bài báo thì đúng hơn.

– Cuộc đời tăm tối của những đứa trẻ I, bà Häusler-Zinnbret nói và gõ nhẹ ngón trỏ xuống bàn như thì thầm ra vậy ra vậy.

Tôi gật đầu.

– Tại sao?

– Chà, tôi nói, chủ đề này ấy mà, à, có thể nói là nó đang nhận được khá nhiều sự chú ý, đại loại vậy…

Nhà tâm lý học giơ tay khác thường, như thể đang xua một con ruồi khỏi mặt.

– Cho tới gần đây, cậu vẫn thuộc viện nghiên cứu phải không?, bà hỏi

– Vâng.

– Cậu biết không, tôi có quen biết với tiến sĩ Rudolph, bà nói, tay phe phẩy quạt.

– Tôi hiểu rồi.

Tôi dợm đứng dậy.

– Không, bà Häusler-Zinnbret nói. Đừng lo. Tôi với ông ấy không phải… Làm ơn, cứ ngồi đó. Tiến sĩ Rudolph… Tôi muốn được biết ấn tượng của cậu về ông ấy, cậu Setz.

Tiếng người ngoài cầu thang, nốt ngứa trong vết khâu bằng chỉ tự tiêu trên đầu tôi, chiếc dây giày sắp tuột…

– Một người khó tính, cuối cùng tôi cũng nói.

– Một kẻ cuồng tín.

– Vâng, có lẽ vậy.

– Cậu có từng sống ở đó không, ý tôi là, trong khuôn viên ấy? Gần với…

– Không. Tôi phải đi lại xa một chút.

– Phải đi lại.

– Vâng.

– Ừm, bà Häusler-Zinnbret nói. Như vậy lại tốt hơn, phải không? Bởi vì…

Bà ngừng một lúc, rồi tiếp lời:

– Cậu biết không, khoảng cách tiếp xúc với trẻ I, Tiến sĩ Rudolph gọi nó là gì ấy nhỉ? Ông ta có đặt tên cho cái đó không?

– Không, ông ấy ưa…

– Ôi, tên ngốc chết tiệt đó, bà Häusler-Zinnbret cười nói, rồi thêm: Xin lỗi. Tôi định nói gì ấy nhỉ? À phải, tiếp xúc gần với các dingo có thể làm thay đổi con người. Ý tôi là không chỉ thể chất… mà thậm chí cả thế giới quan của họ. Ông ta có còn làm cái việc… cái việc trầm mình ấy nữa không?

Tôi vẫn đang còn ngỡ ngàng vì nghe một người dùng từ dingo, đến nỗi phải mất một lúc mới đáp lời:

– Ai cơ?

– Tiến sĩ Rudolph.

– Trầm mình gì? Tôi không biết.

Bà Häusler-Zinnbret thoáng mím môi rồi mỉm cười.

Chiếc quạt thay bà lắc đầu khó tin.

– Bà nói trầm mình là ý gì? Tôi hỏi.

– Trầm mình trong đám đông, bà nói.

– Tôi chưa bao giờ nghe gì về việc ấy.

– Liệu pháp Kneipp cá nhân của tiến sĩ Rudolph. Ông ta cho lũ dingo nhỏ vây quanh mình và hứng chịu các triệu chứng. Hàng giờ liền. Ông ta thề rằng nó hiệu quả. Nhưng chắc chắn cậu đã từng thấy…

Tôi lắc đầu.

– Nhưng cậu cũng thấy như thế? Rằng ông ta là một kẻ cuồng tín?

– Vâng, tôi nói. Ý tôi là, ông ấy xây dựng viện nghiên cứu của mình theo quy tắc phản chiếu, có nghĩa là các giáo viên chỉ tương tác trực tiếp với nhau theo đúng tỷ lệ sinh viên tương tác với họ. Như vậy để họ hiểu được sinh viên đang cảm thấy thế nào.

– Tôi đồ rằng người ta sẽ trở nên cô đơn lắm, bà Häusler-Zinnbret nói. Nhưng rồi cũng sẽ để ý thêm nhiều thứ.

Phải chăng bà ấy đang gợi tôi nói thêm gì đó?

– Vâng, tôi nói, và cố gắng không để lộ sự bối rối. Người ta quả thực cũng chứng kiến nhiều thứ, ví d…

– Tôi từng rất ngưỡng mộ ông ta, bà Häusler-Zinnbret ngắt lời tôi. Phương pháp làm việc của ông ta. Cả sự làm chủ tuyệt đối tất cả các kỹ thuật. Ông ta nhanh như chớp, cậu biết không. Thực sự nhanh như chớp. Một nghệ sĩ điêu luyện. Nhưng rồi có một lần, tôi đi cùng ông ta tới một trong những nhóm hỗ trợ của ông ở Viên, chủ yếu là trẻ mắc hội chứng Down, cùng với một số những khuyết tật khác nữa… Dù sao thì, ông ta chơi trò chơi ấy với chúng, trò chiếc ghế âm nhạc ấy, nhưng số ghế lại bằng với số người. Vô nghĩa hết sức. Ông ta xướng lên vài bài hát đếm, và lũ, à ờm… lũ trẻ chạy theo vòng tròn, thế rồi bùm! Chúng ngồi bụp xuống. Rồi chúng nhìn nhau như thể nói: Làm thế để làm quái gì? Nhưng lý thuyết của tiến sĩ Rudolph là không nên loại trừ trẻ nào, đặc biệt là những đứa chậm nhất. Không người thắng, không kẻ thua. Vâng, như tôi nói đấy, một kẻ cuồng tín. Ông ta luôn nói rằng kết thúc có hậu không tồn tại, chỉ thỉnh thoảng có kết thúc công bằng mà thôi.

– Kết thúc công bằng, tôi nói. Vâng, đúng rồi. Ông ấy rất hay nói vậy.

– Một kẻ điên, bà Häusler-Zinnbret nói.

Chiếc quạt trong tay bà ve vẩy đồng tình.

– Ông ấy đã nói thẳng và rõ ràng với tôi rằng tôi không còn được chào đón ở viện nữa.

– A ha, bà nói, và mặc cho khoảng lặng lớn dần.

Tôi cảm thấy mặt mình nóng dần lên. Tôi nhấp một ngụm nước và thử gỡ nút áo trên cùng. Nó đã mở từ lúc nào.

– Quay lại đúng với câu hỏi của cậu, bà Häusler-Zinnbret nói. Cũng đã lâu rồi tôi không trực tiếp làm việc với một di… với một trong số những sinh vật tội nghiệp ấy. Chúng khá là, ơn Chúa, hiếm… vẫn còn tương đối hiếm, vâng… Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng tôi không còn nhớ rõ. Tuy nhiên, cậu vẫn phải đặt cho tôi những câu hỏi cụ thể, cậu Setz ạ, không thì tôi cũng chẳng nói gì được.

– Đương nhiên rồi.

Tôi rút sổ ghi chép khỏi túi áo.

Tôi ghi nhanh ba câu hỏi. Nhiều hơn tôi vẫn chưa nghĩ ra. Tôi muốn nói tôi đã học được từ kinh nghiệm cá nhân rằng con người ta luôn có thể học hỏi được nhiều hơn từ một cuộc trao đổi thông thường so với một cuộc phỏng vấn cổ điển với những câu hỏi được chuẩn bị sẵn – nhưng tôi chẳng có kinh nghiệm gì.

– Vâng, chà, câu hỏi đầu tiên của tôi là… bà bắt đầu làm việc với trẻ Indigo từ khi nào?

Có thể thấy rõ ràng rằng bà Häusler-Zinnbret đã có sự chuẩn bị cho câu hỏi này. Bà ấy chắc chắn đã được hỏi câu này tới cả trăm lần, ánh mắt bà trách móc: Cậu đã có thể đọc về điều ấy trong những phỏng vấn khác với tôi, chàng trai trẻ ạ. Tôi uống một ngụm nước rửa chén rồi đặt bút xuống sổ, sẵn sàng ghi lại tất cả những điều sắp được chia sẻ.

– Chà, bà nói, đương nhiên là từ lúc vấn đề bắt đầu trở nên bức thiết. Những báo cáo đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 95 hoặc đầu 96. Lúc ấy cậu đã sinh rồi, phải chứ? Lúc nào những chuyện thế này xảy ra cũng vậy, có đầy rẫy những lời xì xào vô cơ sở, báo giới nhanh chóng trở nên hỗn loạn tới mức không thể nào chịu nổi, ít nhất là với tôi và một số người khác… Đó là lúc tôi quyết định phải làm gì đó. Làm sáng tỏ vấn đề hơn đôi chút.

Tôi ghi chép lại. Trên sổ viết:

V.ĐỀ CẤP 95/96, RỒI ∃ XÌ XÀO. → LÀM GÌ ĐÓ

– Cậu đọc lại những cái này được thật à? Xin lỗi, tôi ngó trộm…

Từ chữ này hay chữ khác, hoặc những âm tiết có âm hưởng ngoại quốc, người ta có thể nghe ra gốc gác Đức của bà Häusler-Zinnbret. Bà vốn là người vùng Goslar, nhưng đã sống ở Áo hơn ba mươi năm.

– Ấy là mật mã của tôi. Tôi luôn viết chữ in.

– Vậy à? Tại sao thế? Ghi chép bằng chữ thảo không đơn giản hơn hay sao?

– Không, đối với tôi thì không phải vậy. Tôi chưa bao giờ quen làm thế.

– Thú vị đấy.

Cái gật đầu của bà đích thị là của một nhà tâm lý học trẻ em, như thể bà đã từ bỏ cách gật ban đầu của mình như một thứ phương ngữ khó hiểu vào sau muộn cuộc đời, có lẽ là trong quá trình nghiên cứu, và từ ấy đến giờ vẫn luyện tập kiểu gật đầu mới này. Ngón tay trỏ của bà lại gõ nhẹ ra vậy ra vậy. Chắc hẳn bà đã sớm nghĩ ra cả một cái tên cho chứng rối loạn này, một dạng đặc biệt của chứng rối loạn kỹ năng viết, một thứ ác cảm với đường nối liên tục, đứa trẻ muốn chơi với súp chữ cái hơn là mỳ spaghetti.

– Và cậu có thể tái dựng cuộc hội thoại trên cơ sở những ghi chú ấy?

– Vâng, giống như cà phê hòa tan vậy, người ta lấy bột, sau đó chỉ cần chút nước nóng và rồi…

Tôi ngừng lời, phép so sánh thất bại.

– Ừm, bà Häusler, tôi nói. Bà có đề cập tới việc vấn đề bắt đầu nảy sinh vào thời điểm đó. Vậy, có phải nó được nhìn nhận như vậy không? Như một vấn đề?

– Chà… Hẳn là vậy, cậu nghĩ sao? Người mắc bệnh hàng loạt mà không rõ lý do. Các bà mẹ nôn ngay trên nôi con mình. Một mớ hỗn độn. Chóng mặt, tiêu chảy, phát ban, đến cả tổn thương vĩnh viễn tất cả các cơ quan nội tạng, ấy đều là những triệu chứng nghiêm trọng mà không phải lúc nào cũng có thể giải thích được bằng nguyên nhân tâm lý. Hoảng loạn xảy ra là hoàn toàn dễ hiểu, phải không?

Tôi gật đầu.

CHNG MẶT, TIÊU CH., DA, TỔN THG ∀ NỘI TẠNG

– Và rồi những người đầu tiên lên tiếng: Vâng, triệu chứng chỉ luôn xuất hiện khi tôi ở nhà, chỉ khi tôi gần gũi con tôi, tương tự vậy.

Bà Häusler-Zinnbret giả giọng bằng cách cường đại hóa ngữ điệu Áo. Tôi bật cười.

– Nhưng thực sự là như vậy đấy, bà nói. Cậu chắc chắn sẽ không cười nổi nếu phải chứng kiến những cảnh ấy. Đáng sợ lắm.

– Vâng, tôi hình dung được.

– Rồi sự cuồng loạn của tất cả mọi người. Người ta đi vòng chung quanh phòng trẻ em với máy đo phóng xạ, rồi lật tung ván sàn và kiểm tra hết mọi thứ, tất cả mọi thứ. Nhưng chẳng có gì hết. Không gì hết.

∀ ĐIỀU TRA CĂN HỘ: KQ = Φ

– Ngoại trừ…

– Ừm, bước cuối cùng là bước không ai muốn thực hiện. Con người ta luôn quên rằng: Khi phải đặt tên cho một căn bệnh, người ta thường bắt đầu bằng cách dùng tên của đứa trẻ đầu tiên được phát hiện mang bệnh ấy. Bệnh Beringer… Nhưng cái tên này đã mau chóng biến mất khỏi các tài liệu y khoa, và thậm chí còn chưa bao giờ xuất hiện trong ý thức quần chúng. Rồi người ta gọi nó là hội chứng Rochester hay bệnh Rochester, bọn hèn thiếu trí tưởng tượng ấy… nhưng, ơn Chúa, cái tên đó cuối cùng cũng không dính. Ý kiến phản đối rằng tên ấy là phân biệt đối xử, giống tên đầu tiên cho AIDS vậy. Cậu có biết đầu những năm tám mươi người ta gọi AIDS là gì không?

– Không.

– GRID. Gay Related Immune Deficiency[1]. Tất nhiên, giờ chẳng còn ai nhớ tới nó nữa. Mấy cái tên như vậy rất nhanh bị lãng quên. Indigo lại là cái tên bám trụ được tới cùng, kỳ lạ thay, mặc dù nó chắc là cái nực cười nhất trong đám ấy. Hoàn toàn nhảm nhí. Mượn từ mấy quyển sách cẩm nang bí truyền nào đấy. Bọn trẻ con trông đâu có xanh, cả những người nhiễm bệnh cũng vậy.

Im lặng một lúc vì tôi ghi không kịp.

– Và bà bắt đầu làm việc với trẻ ấy khi nào? Sao lại xảy đến như vậy?

– Hừm. Hồi ấy, tôi không hứng thú lắm với những vấn đề liên quan tới gia đình như vậy, mặc dù những lời như thế bây giờ nghe có phần hạn hẹp về tư duy. Nhưng vào lúc đó, ý tôi là, cuối những năm chín mươi, có thể nói đó là những năm bảy mươi thứ hai cho ngành tâm lý học phát triển. Khoảng thời gian điên rồ.

KO V.ĐỀ LIÊN QUAN GĐ, HẸP HÒI TƯ DUY, NĂM 90=70, t ĐIÊN RỒ

– Nhưng tất nhiên, bà Häusler-Zinnbret tiếp lời, tất nhiên con người ta không thể bỏ qua tất cả những thứ ấy được, ý tôi là, toàn bộ phức hợp vấn đề ấy, nhà trường, gia đình, tính cách, môi trường học tập, khả năng tự nhiên, một đứa trẻ gặp khó khăn ở trường, bị hạn chế bởi môi trường cá nhân chẳng hạn, sẽ trưởng thành ra sao, vân vân. Dù sao, tôi dần nhận thức rõ ràng rằng tôi… Chà, có lẽ để tôi cho cậu một ví dụ, được không? Tôi bước vào một căn phòng, loa đang phát nhạc opera ầm ĩ, chỉ riêng như vậy thôi đã rất lạ lùng rồi, cả gia đình náo loạn, đầm đìa nước mắt, rồi tôi nhìn thấy đứa bé trong nôi và, lạy Chúa, cảnh tượng ấy, khuôn mặt nó bối rối vô cùng. Thực sự và hoàn toàn bối rối, mà mới có hai tuổi. Vậy mà đã không biết phải làm sao nữa, có thể nói vậy.

Tôi chỉ gật đầu.

– Mà thời điểm đó còn chưa điên loạn như bây giờ. Hồi ấy, cậu vẫn còn có thể hỏi một người đang ôm đầu liệu anh ta có đang bị nhức đầu hay không. Nhưng mà ngày nay, trời! Không thể nào. Bởi ngay sau lưng anh ta có thể là… trời, thật khốn khổ…

Bà cười. Rồi nói thêm:

– Cậu hiểu chính xác ý tôi chứ?

Tôi gật đầu, mơ hồ.

– Cậu từng mắc lỗi như vậy mấy lần rồi?

– Một vài lần.

– Tiến sĩ Rudolph, bà Häusler-Zinnbret nói, lắc đầu. Tôi cá là ông ta thậm chí còn dạy cả chó… Ôi, thôi quên đi. Nó hoàn toàn không ảnh hưởng tới động vật, tất nhiên là ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt. Những ca như vậy rất hiếm, ơn Chúa. Mà cũng có thể là sai lệch thống kê rất bình thường. Ví dụ như con khỉ trong một viện nghiên cứu, nó, chờ một chút, để tôi tra lại…

Bà đứng dậy và đi tới tủ sách.

– Để tôi cho cậu xem ảnh, bà lẩm bẩm.

Khi tìm thấy nó, bà đưa quyển sách đã mở về phía tôi. Trong bức ảnh là một con khỉ nhốt trong hộp. Mặt vặn vẹo vì đau đớn. Tôi quay đi, giơ tay che, nói:

– Không, xin cảm ơn, xin đừng.

Bà nhìn tôi, bất ngờ. Chiếc giày bên phải của bà xoay nhẹ. Rồi tôi nghe tiếng cuốn sách sập lại.

– Sao? Cậu không muốn tôi cho cậu xem ảnh, hay là…

– Vâng, tôi nói. Tôi không chịu được những thứ như thế.

– Nhưng cậu phải biết chúng trông thế nào, nếu cậu thực sự có hứng thú với những vấn đề như thế. Cũng không tệ tới mức ấy đâu, chờ một chút…

Tôi ghì chặt đệm ghế ngồi. Julia từng khuyên tôi rằng trong những giây phút sợ hãi đột ngột, tôi nên tập trung toàn bộ sự chú ý vào một thứ gì đó trong quá khứ. Và như thường lệ, một cầu thang trắng xuất hiện trong tâm trí. Trời trong. Sao Kim sáng rõ giữa ban ngày.

– Mở mắt ra nào, bà Häusler-Zinnbret dịu dàng nói. Không sao cả.

– Tôi xin lỗi, tôi nói. Tôi phản ứng rất tệ với những thứ như thế. Động vật và tương tự vậy. Khi chúng… bà biết đấy. Có thể nói đó là một nỗi ám ảnh của tôi.

Lặng một khoảng. Rồi bà nói:

– Một nỗi ám ảnh. Tôi không chắc từ ấy là phù hợp, cậu Setz. Cậu có chắc chắn rằng cậu không muốn xem bức ảnh con khỉ ấy không? Cậu có muốn tôi miêu tả nó cho cậu không? Chung chung thôi? Liệu vậy có ích hơn không?

– Không, làm ơn…

Tôi phải chúi người về phía trước cho dễ thở.

– Ôi trời, bà Häusler-Zinnbret nói. Không, vậy thì tất nhiên là tôi sẽ không phiền cậu với những thứ ấy.

– Xin cảm ơn, tôi nói.

Mặt tôi nóng rực, tôi thấy mình như đang nhìn xuyên qua bể cá.

– Cậu đã bao giờ gặp bác sĩ vì chuyện này chưa? Bà hỏi với chất giọng dịu dàng nhất tôi từng nghe từ đầu tới giờ. Tôi có thể giới thiệu cho cậu một người, nếu cậu…

– Không, xin cảm ơn.

– Thật không? Tôi nghĩ cậu nên đối diện với nó. Bằng các bài tập viết chẳng hạn. Thử nghiệm hình dung những thứ khiến cậu sợ hãi.

– Tr–trong cuốn sách của bà, tôi nói, bà so sánh… à… ngay phần mở đầu… bà viết rằng trẻ em cũng giống như thứ thép chìm ở…

Một khoảng lặng dài. Tôi ra dấu xin lỗi.

– À, vâng, bà Häusler-Zinnbret nói, chắc cậu đã đọc phải bản in cũ. Tôi thực ra cũng đã đoán vậy. Không hề gì, một sai sót dễ dàng sửa chữa.

Bà đứng dậy, đi về phía một giá sách và lấy ra một quyển rồi đem qua chỗ tôi. Giở ra, tôi phát hiện lời mở đầu đã được thay thế bằng một đoạn mới, ngắn gọn hơn nhiều. Bên trong còn có thêm một bức ảnh đen trắng chụp một em bé trong cũi. Đứa bé, khoảng hai hoặc ba tuổi, đứng thẳng, một tay bám lấy thành gỗ. Nó đang khóc, nhưng khuôn mặt lại không có vẻ đau khổ, mà lại tò mò, thanh thản, như thể người nó vẫn hằng mong chờ cuối cùng cũng đã tiến vào phòng.

– Tôi chụp bức ảnh ấy, bà Häusler-Zinnbret nói, bằng ống kính tê-lê.

Khi bà nâng bức ảnh lên sát mặt tôi, bà đưa tay đặt nhẹ lên lưng tôi.

Tommy

Tommy Beringer, sinh ngày 28 tháng 2 năm 1993 tại Rochester, Minnesota, là con trai thứ ba của Julian Stork, một kỹ sư điện và một nhà khoa học vi tính, cùng Roberta Beringer, mới hai mươi tư tuổi vào thời điểm Tommy chào đời. Bà sinh con đầu lòng năm mười sáu tuổi. Họ đã chuyển từ Sharon Springs, Kansas, tới Rochester vào cuối những năm tám mươi, cả hai đều từ những gia đình đông con. Julian tốt nghiệp xuất sắc tại Trường Kỹ thuật thuộc Đại học Kansas và đã nhanh chóng tìm được công việc đãi ngộ tốt, nhờ vậy, Roberta có thể ở nhà chăm lo con cái.

Không lâu sau khi Tommy ra đời, Roberta trở bệnh. Ban đầu là chứng mất cân bằng, buồn nôn và mất phương hướng ngắn hạn. Bởi Roberta đã từng gặp phải một số vấn đề sức khỏe sau hai lần sinh nở trước đó, bà không suy nghĩ quá nhiều và cũng không đi khám. Nhưng chẳng mấy chốc, hai đứa con trai còn lại của bà, Paul và Marcus, cũng bắt đầu ốm. Chúng có những biểu hiện bệnh tương tự.

Một bác sĩ nghi ngờ vấn đề nằm ở chế độ ăn uống. Người khác lại cho rằng những triệu chứng này có khả năng là phản ứng dị ứng với một số những hợp chất sử dụng trong xây dựng căn hộ họ đang ở. Khi cả Julian cũng bắt đầu đau đầu khủng khiếp và buồn nôn, gia đình họ quyết định chuyển đi. Họ trả căn hộ và vay thế chấp để mua một căn nhà nhỏ.

Nhưng những triệu chứng không hề thuyên giảm mà thậm chí còn trở nặng. Julian dần nhận ra rằng ông cảm thấy khỏe hơn khi ở cơ quan, và những cơn đau đầu như xé chỉ xuất hiện khi ông đã ở nhà được vài giờ. Cuối tuần, chúng vây ám ông cả ngày.

Kỳ nghỉ dài cả tuần lễ ở trang trại của cha mẹ Roberta tại Sharon Springs cũng không đem lại cải thiện nào đáng kể. Vấn đề chắc vẫn nằm ở chế độ ăn uống. Họ thử nghiệm chế độ thực dưỡng, rồi cả một tháng với thực phẩm tươi sống. Tới cuối tháng, Roberta nhập viện trong tình trạng khó thở cấp. Ở viện, các triệu chứng bệnh của bà nhanh chóng biến mất. Các bác sĩ cho hay, bà hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng cũng nói thêm rằng, đối với một người phụ nữ trẻ, việc làm mẹ sớm cũng như trách nhiệm chăm sóc ba đứa trẻ nhỏ đương nhiên sẽ kéo theo căng thẳng thần kinh cao độ kéo dài, và thường dẫn tới những dấu hiệu mệt mỏi như vậy. Họ khuyên bà tham gia một kỳ nghỉ dưỡng và thuê người trông trẻ bán thời gian.

–  Vậy tôi bị điên sao? Roberta hỏi các bác sĩ.

Họ an ủi bà rằng mọi thứ đều ổn. Bà hiện rất mệt mỏi và rất có thể đã lây những triệu chứng ấy cho con mình. Có lẽ sự hiện diện của một người mới trong gia đình sẽ có ích cho bà và ba đứa con.

Julian không ưa gì ý tưởng thuê người trông trẻ. Ông lo lắng, một cách chính đáng, về tình hình tài chính của gia đình. Dù sao, họ cũng vừa mua căn nhà ở đây, và vẫn còn lâu nữa mới có thể thực sự coi nó là tài sản của mình. Thuê vú em thực sự là điều bất khả thi, ông nói. Nhưng tất nhiên, ông cũng hiểu rằng cuộc sống không thể nào tiếp diễn như trước kia được nữa. Cứ mỗi lần ông đến thăm vợ trong bệnh viện,  được nghỉ ngơi thoải mái và không bệnh tật, ông đều bị choáng ngợp bởi sự khác biệt. Bà tràn đầy năng lượng, chơi cờ với Paul, lúc ấy khoảng tám hoặc chín tuổi, trong phòng chờ bệnh viện, giọng sang sảng hơn bình thường – thật vậy, bà thậm chí còn có tâm trí đùa vui và chuyện phiếm với các y sĩ trẻ.

Julian vẫn đau đầu nặng nề, nhưng ông có thể áp chế được những cơn đau ấy phần nào bằng thuốc giảm đau. Khoảng thời gian này, lũ trẻ có vẻ đỡ hơn. Ấy là mùa hè, ban ngày, Paul và Marcus chủ yếu chơi trong sân ngôi nhà nhỏ, đứa lớn dạy đứa nhỏ đi xe đạp. Nhưng không lâu sau khi Roberta xuất viện và trở về nhà, triệu chứng của bà tái xuất hiện. Tới mùa thu, ngoại trừ Tommy bé nhỏ, cả gia đình đều phát ban và đi ngoài ra máu. Để tránh cho em bé bị nhiễm bệnh, họ đem Tommy tới ở một vài tuần với ông bà ở Sharon Springs. Chứng đi ngoài đang giày vò gia đình thuyên giảm gần như ngay tắp lự, và những triệu chứng khác cũng nhanh chóng biến mất gần như qua đêm.

Họ hoảng hốt vô cùng khi nhận được cuộc gọi từ Linda, mẹ Roberta, chỉ mấy ngày sau đó và nghe bà nói rằng họ cần tới đón Tommy ngay lập tức. Linda than phiền về những chập đi ngoài cùng nôn mửa và chóng mặt dữ dội chợt đến; sáng nay, bà nói, bà còn ngất đi trong bếp, tay vẫn cầm cốc cacao nóng. Thử tưởng tượng xem những chuyện gì đã có thể xảy ra!

Họ đón Tommy. Trong xe, Julian chợt thấy nôn nao, tới mức phải dừng xe và mửa ở vệ đường. Thế rồi ông dần cảm thấy vận động khó khăn. Ông không vặn nổi chìa khóa xe.

– Đó là cảm giác khủng khiếp nhất trên đời, ông nói sau đó. Dù là việc nhỏ nhất tôi cũng không làm nổi vì cảm thấy quá yếu ớt, thực sự quá yếu về mặt thể chất. Cứ như cơ thể bỗng nhiên quyết định buông tất cả, cho héo mòn tới chết.

Roberta tổng kết những tháng năm sau đó như sau:

– Không ai có thể tưởng tượng nổi những sóng gió chúng tôi đã trải qua. Nếu không phải vì cuộc sống của các con, tôi chắc đã bỏ cuộc từ nhiều năm trước.

Trong bức ảnh gắn liền với cái tên Tommy Beringer, cậu còn là một đứa bé. Vẻ mặt ghê tởm, và bởi vậy nom già dặn khác thường, cùng mái đầu nghiêng nghiêng đầy nghi ngờ của đứa trẻ hẳn là lý do khiến cho bức ảnh này trở nên đặc biệt nổi tiếng, có thể nói nó đã đánh vào tâm lý người xem, và được in lên áo phông, áp phích, ảnh bìa đĩa nhạc và, với dạng khuôn phun, trở thành tranh graffiti trên các bức tường khắp thế giới.

Bức hình chụp phòng ngăn cũng nổi không kém. Ở giữa là một bức tường bằng chì dày. Bên trái, Tommy Beringer nhỏ bé đang chơi với một hộp đầy những quả bóng xốp đủ màu sặc sỡ, bên phải là một đối tượng thí nghiệm nữ, được nối với vô số những thiết bị y tế theo dõi điện trở bề mặt, nhịp tim, hoạt động não cùng các chức năng cơ thể khác. Bức ảnh này được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Úc David J. Kerr tại một trong nhiều cuộc thí nghiệm. Bằng ống kính tê-lê. Bởi toàn bộ những bức ảnh chụp Tommy ở cự ly gần đều, hoặc mất nét, hoặc nom như thể tay nhiếp ảnh đang run rẩy dữ dội.

Đối tượng tham gia thí nghiệm không được biết phía bên kia bức tường là đứa trẻ nào. Có thể là trẻ I, nhưng cũng có thể là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, cô được giải thích như vậy. Khuôn mặt người phụ nữ trẻ thể hiện rõ sự hoài nghi trước những ảnh hưởng có thể xảy ra. Chỉ nửa tiếng sau, thí nghiệm bị buộc hủy bỏ bởi cả người phụ nữ trẻ này lẫn bác sĩ đều phát bệnh.

Tommy được chuyển đến khu vực cách ly, nơi vốn chỉ dành để điều trị các bệnh nhân nhiễm phóng xạ. Toàn bộ khu vực đều trống không, Tommy khóc thường xuyên và được chăm sóc bởi một y tá chỉ đến mỗi tiếng một lần và không quá năm phút, cho ăn, lau rửa, và đem những đồ chơi nó đã ném xuống đất trở vào cũi.

Năm 1999, khi Tommy sáu tuổi, cả gia đình, ngợp trước viễn cảnh các cuộc thí nghiệm mới và những yêu cầu phỏng vấn, quyết định di cư tới Canada. Julian ly dị vợ vào năm 2002 và từ ấy đã trở về Rochester. Ông không muốn nói chuyện quá khứ. Năm 2004, Roberta Beringer cùng ba đứa con chính thức trở thành công dân Canada. Họ sống vô cùng kín đáo, và hoàn toàn không tham gia vào cuộc tranh luận quốc tế về hiện tượng Indigo. Mọi cố gắng lần dấu vết Tommy Beringer đều bị mẹ cậu chặn đứng. Cậu không hề ghi danh vào bất kỳ trường học nào trong nước và một trang mạng mang tên cậu, thảng hoặc có đăng vài bức ảnh một thiếu niên trên xe đạp và mấy dòng đoản văn thảm hại về vũ trụ và nỗi cô đơn, hóa ra lại chỉ là trò lừa của hai sinh viên ở California.*

Trương Thùy An dịch

(*) Ban nhạc Anh Quốc The Resurrection of Laura Palmer đặt tên cho đĩa nhạc thứ hai của họ, The Beringer Tree, theo tên cậu bé.

(Dịch từ nguyên bản tiếng Đức Indigo, NXB Suhrkamp 2012.

Cảm ơn tác giả Clemens J. Setz đã đồng ý cho phép Zzz Review dịch đăng đoạn trích này.)

[1] Chứng suy giảm miễn dịch liên quan tới đồng tính nam.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 4.5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: