Benjamin Kunkel, Một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ: Tiểu thuyết của Robert Walser

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 19 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 11: Về văn học Đức, ngày 31-7-2022)

Trong tiểu thuyết Jakob von Gunten (1909) của nhà văn Thụy Sĩ nói tiếng Đức Robert Walser, nhân vật chính hô khẩu hiệu “Phải nhỏ bé và mãi nhỏ bé”. Những lời này hoàn toàn hợp với chính con người Walser, với cuộc đời và sự nghiệp không ngừng thoái trào của ông. Tiểu thuyết gia trẻ triển vọng của thời kỳ trước Thế chiến I, với năng lực viết ba tiểu thuyết trong ba năm, chuyển sang sáng tác thể loại ngắn hơn, và chứng kiến độc giả và thu nhập giảm dần qua những năm tháng chiến tranh và những năm 1920. Từng là gương mặt quen thuộc trong xã hội Berlin lịch lãm, Walser đánh đổi thế giới sa lông để về với một loạt những căn phòng sẵn đồ đạc nhỏ xíu và, cuối cùng, năm 1929, một viện tâm thần. Dù khả năng viết dần mất đi, ông vẫn cố sức viết được một cuốn tiểu thuyết cuối cùng – dù ngắn – trên hai mươi bốn mặt giấy khổ tám. Suốt nhiều năm, một số học giả tin rằng chữ viết của Walser trong cuốn tiểu thuyết Tên cướp (Der Räuber) này và nhiều tác phẩm sau đó là một mật mã bí mật không thể giải được, và cho đến tận năm 1972, mười lăm năm sau khi ông qua đời, mới bắt đầu xuất hiện những bản chép lại bộ Bleistiftgebiet, hay “Vùng bút chì”. Bắt đầu từ những năm tám mươi, việc xuất bản sáu tập sách chép lại kỳ công khiến công chúng lần đầu được biết tới thứ văn chương tuyệt mỹ và ám ảnh nhất của Walser, và mang danh tiếng của ông sau khi ông chết trở lại lần nữa trong văn học Đức. Nhà văn thu nhỏ kỳ khôi ấy là một nghệ sĩ văn xuôi vĩ đại của thế kỷ hai mươi, dù cho thế giới hiện đại có vẻ chẳng đoái hoài đến ông, vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn hiện đại: ông viết chẳng giống ai cả.

Walser dạo bộ, năm 1937, vài năm sau khi ngừng sáng tác hoàn toàn. Ảnh: CARL SEELIG/R. WALSER FOUNDATION/KEYSTONE

Trong trường hợp của Walser, điều đó nghĩa là ông đã tìm được chất giọng riêng đặc sắc, là tổng hòa của sự quả quyết hoàn hảo và tính mơ hồ hoàn hảo. Những người kể chuyện của ông đều mang vẻ khiêm nhường, nhã nhặn và vui tươi; câu đố nằm ở việc đọc hiểu xem đoạn nào họ kể chuyện nghiêm túc và đoạn nào châm biếm. Ba trong số bốn tiểu thuyết còn lại của Walser nay đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, cùng vài tập truyện được nhiều dịch giả chia ra – đáng kể nhất là Christopher Middleton và Susan Bernofsky – từ mười tập văn ngắn Walser xuất bản khi sinh thời, và kho tàng tiểu tự được giải mã. Tiểu thuyết được dịch mới đây nhất, Người phụ tá (“The Assistant”) (NXB New Directions; Bernofsky dịch; giá 16,95 đô), có vô vàn những tuyên bố như “Hôm nay cà phê lại ngon quá đi”. Không có gì châm biếm ở đó cả – và bạn có thể đọc rất nhiều văn Walser nhắc đến thức ăn, thức uống, thời tiết, phục trang, kiến trúc, hay xì gà, mà không thể tìm thấy cái gì không hoàn toàn thích thú. Joseph, người phụ tá, cũng thích bơi lội vào ngày nghỉ: “Có người nào đi bơi, miễn là không sắp bị chết đuối, lại có thể không cảm thấy hưng phấn hừng hực đây?” Đoạn rào đón về chuyện đuối nước mang lại một thoáng run rẩy mơ hồ, nhưng, nói chung, những người kể chuyện của Walser khẳng định đang hưng phấn hừng hực ngay cả khi đang chết đuối: “Dĩ nhiên, tôi cũng yêu thích nỗi u sầu, nó quý lắm chứ, rất quý.” Đôi khi Walser có vẻ như một kiểu vị thánh phục tùng sự sắp đặt của vũ trụ. Những khi khác, trong sự đồng thuận dễ chịu với vạn sự, ông có vẻ như đang giễu nhại chính cái khả thể của thái độ đó: “Tôi chỉ biết rằng tất cả mọi người nghèo đều làm việc trong nhà máy, có lẽ là một hình phạt vì tội nghèo hèn.” Thật vậy, chất giọng Walser, lấp lửng giữa chủ nghĩa ẩn dật hạnh phúc và sự giễu nhại những quy ước rập khuôn, rất dễ nhận ra trong lời phúc đáp bất hủ tới người viếng thăm ông trong trại điên và đặt câu hỏi về việc sáng tác: “Tôi không ở đây để sáng tác, mà là để điên.”

Là con thứ bảy trong gia đình tám con, Robert Walser sinh ngày 15 tháng Tư năm 1878 ở Biel, Thụy Sĩ. Thành phần gia đình bên ngoại nhà ông là nông dân và thợ thủ công, còn bên nội là mục sư, trong đó có người ông là một nhà cải cách xã hội không tưởng bị lột áo thầy tu và bị bọn phản động xả súng vào cửa sổ vì hoạt động xã hội của mình. Người ông giữ lại những viên đạn làm kỷ niệm, và có lẽ cũng đã truyền lại một vài quan điểm chính trị cho cháu trai; Walser đôi lần mường tượng một xã hội không tưởng đạt đến sự tự do và bình đẳng dường như không phải bằng cách mạng, mà theo cách rất Thụy Sĩ, bằng một kiểu lịch sự và vị tha phổ quát.

Cha của Walser là một người đóng sách nghèo, mặc dù mẹ ông, Elisa, mới là người đóng vai trò quan trọng hơn cả. Theo Catherine Sauvat, người viết tiểu sử của Walser bằng tiếng Pháp (còn có một bản tiểu sử bằng tiếng Đức do Robert Mächler viết), Elisa Walser từng trải qua nhiều thời kỳ trầm cảm sống ẩn mình khỏi xã hội, kế đó là những cơn tam bành khi bà trách móc các con đã làm khổ bà hay thiếu tôn trọng bà. Trái ngược với bầu không gia đình nặng sự bấp bênh tài chính và các chứng tâm thần, những đứa con nhà Walser đều hoạt bát, tài năng và thương yêu lẫn nhau; mà những người bạn thân thiết nhất cuộc đời Robert chính là anh trai Karl và chị gái Lisa. Tuy thế, bởi không ai trong số sáu anh em trai và hai chị em gái sau này trở thành cha mẹ, khó có thể không nghi ngờ nỗi bất hạnh thường trực trong tuổi thơ của họ. Người anh cả mất khi mới mười lăm tuổi; những người em còn lại trở thành giáo viên (trong đó một người đi trước Walser một bước vào viện tâm thần Waldau, còn một người khác thì tự tử), một nghệ sĩ, một nhân viên ngân hàng, một người làm vợ của chủ doanh nghiệp diêm, và—chính Robert—một nhà văn dường như chính là hình ảnh một đứa trẻ ngoan đẩy đến mức lố bịch: vui tươi và nhã nhặn trong mọi hoàn cảnh và sẵn sàng nhìn ra ở mỗi hình phạt giáng xuống mình một lý do thích đáng.

Robert lên 14 tuổi phải bỏ học vì gia đình quá nghèo, và trước khi cống hiến hết mình cho việc viết lách, ông từng làm nhân viên ngân hàng, làm việc ở nhà máy sản xuất dây cao su, và làm cho một nhà phát minh không mấy thành công. Ông cũng từng học trường đào tạo gia nhân và làm quản gia một lâu đài ở Silesia trong một thời gian ngắn. Walser dùng tất cả những trải nghiệm đó làm tư liệu sáng tác, và, là một tiểu thuyết gia, ông có thể được đặt vào truyền thống tiểu thuyết viết về những nhân viên quèn đầy khôi hài của châu Âu có từ thời Gogol đến Kafka và rồi cả José Saramago. Tuy thế, không như Kafka—người đã ngưỡng mộ Jakob von Gunten và viết tác phẩm đầu tay được Robert Musil tung hô là “một trường hợp đặc biệt của kiểu nhà văn Walser”—Walser không thể vừa đi làm vừa sáng tác cùng một lúc. Nỗi thất vọng về kiếp nhân viên văn phòng hiện diện trong truyện hài mà lại tỏ ra cực nghiêm túc “Ứng tuyển công việc”:

Thưa các ông,

Tôi là một người nghèo, trẻ và thất nghiệp trong ngành kinh doanh, tôi tên là Wenzel, tôi đang tìm kiếm một vị trí phù hợp, và tôi mạn phép được hỏi một cách lịch sự rằng, có lẽ trong những căn phòng thoáng mát, sáng sủa, dễ chịu của các ông có một vị trí nào như vậy còn trống… Những công việc lớn và khó ngoài khả năng thực hiện của tôi, và cả những nghĩa vụ hệ trọng, đều là quá sức với tôi. Tôi không đặc biệt lanh lợi, và hơn hết tôi không muốn phải căng thẳng trí lực quá nhiều… Chắc chắn trong tổ chức lớn của các ngài, mà theo tưởng tượng của tôi thì đang rất nhiều các công việc và cơ sở chính phụ, có tồn tại một công việc dễ dàng đến mức đang mơ ngủ cũng có thể làm được?—Thực ra, tôi là người Trung Quốc; điều đó cũng có nghĩa là, một người coi mọi thứ nhỏ bé giản đơn là đẹp đẽ và dễ chịu, và những thứ lớn lao và đòi hỏi cao đều đáng sợ và kinh khủng.

Đoạn văn này cho thấy Walser có thể đổi giọng qua lại từ ngọt ngào sang mỉa mai và rồi lại ngọt ngào một cách kín kẽ đến mức nào. Nó cũng thoải mái tuyên bố tôn chỉ của ông—mọi thứ nhỏ bé giản đơn là đẹp đẽ và dễ chịu—và cho thấy sự tương đồng sâu sắc giữa ông và Kafka. Suy cho cùng, Kafka từng tuyên bố một điều gây tò mò tương tự trong một bức thư—“Thực ra tôi là người Trung Quốc”—và trân quý ý niệm về sự nhỏ bé theo một cách tương đồng: “Hai khả năng: tự làm cho mình nhỏ vô cùng, hoặc cứ nhỏ vô cùng.” Với cả hai nhà văn, sự nhỏ bé thấp hèn ngụ ý một nỗi ác cảm quyết liệt đối với quyền lực và việc thực thi quyền lực cũng như việc tuân phục nó. Và khái niệm về sự nhỏ bé của Walser trở nên bao gồm cả thế gian. Trong một tác phẩm viết gần cuối đời, ông vẫn mơ tưởng về Trung Hoa:

Không một ai khờ dại đến mức tin rằng bản thân mình tốt đẹp hơn đồng loại. Tôi coi những người Trung Quốc là những người vừa lịch sự vừa hạnh phúc, vừa thân thiện vừa hay giúp đỡ. Ở nơi đó, khiêm tốn là đức tính tốt đẹp nhất. . . . Trung Hoa đông đúc con người, nhưng không ai làm ai phật ý. . . . Dòng người qua lại giống như một đại dương.

Năm 1904, khi Walser 26 tuổi, ông chứng kiến cuốn sách đầu tay của mình được xuất bản, một tập tiểu luận về mọi thứ và cũng chẳng thứ gì của nhân vật ngây thơ hư cấu Fritz Kocher. Trong số những quan sát của Kocher là những chiếc lá rơi xuống đất vào mùa thu, là những hội chợ nông thôn có ích và dễ chịu, và “có nhiều người chết đi hơn là muốn chết”. Walser góp nhặt những bài tiểu luận qua vài năm, khi làm việc không liên tục quanh Zurich và Bern, và một khi chúng được xuất hiện giữa hai bìa sách, ông cảm thấy mạnh dạn muốn chuyển tới Berlin để tìm kiếm thời vận của mình.

Ở Berlin, ông chuyển vào sống cùng anh trai Karl (một họa sĩ minh họa và nhà thiết kế dàn dựng sân khấu có tiếng) và nỗ lực kiếm sống bằng ngòi bút. Ông khởi đầu không tệ, và cùng với những mối quan hệ của anh trai, thành công văn chương của ông đã mang lại cho ông một vị trí trong giới nghệ thuật, nơi ông đôi khi bị quỷ quái xúi bẩy. Thời niên thiếu, ông và anh trai Karl từng đạt đỉnh cao của nghệ thuật đậu trên bậu cửa sổ cao và ném mũ lên đầu những người qua đường, và trò nghịch này được duy trì đến tận khi họ trưởng thành. Một tối nọ dự tiệc, họ thách đố nhà soạn kịch lừng danh Frank Wedekind đấu Hosenlupf (nghĩa đen là “xốc quần”), một biến thể đấu vật của Thụy Sĩ mà cạp quần của đối thủ được tận dụng sáng tạo. Khi Wedekind, thua cuộc, bỏ chạy tới quán cà phê, những kẻ hành hạ đuổi theo, tung hô ông ta bằng những tiếng la thân tình khó hiểu “Đầu cừu!” và làm ông ta mắc kẹt trong cánh cửa xoay. Một dịp khác, trong một sa lông văn học, Walser ngắt lời cuộc đối thoại bay bổng khi tóm lấy cẳng chân một phụ nữ Anh trẻ tuổi và ca tụng bàn chân nhỏ của cô ta.

Kiểu hành vi này cùng với phương ngữ Thụy Sĩ-Đức và sự thiếu giáo dục phổ thông của Walser khiến ông nổi trội ở Berlin. Do đó, những người quen biết của ông — ông cũng có một vài người bạn, và có vẻ như trong suốt cuộc đời, chẳng có một người yêu thuộc giới tính nào — đều thắc mắc hệt như những độc giả của ông: khi nào thì vui vẻ và thơ ngây kết thúc, nhường chỗ cho đóng kịch bắt đầu? Những năm sau đó, đau đớn vì thất bại trong nỗ lực để được công nhận là một nhà văn, Walser tuyên bố rằng vẻ chân thật chỉ là đóng giả: “Nghề nghiệp của tôi, sứ mệnh của tôi, phần lớn nằm ở việc nỗ lực không ngừng để độc giả của tôi tin rằng tôi thật sự giản dị. Tôi khiến họ lầm tưởng rằng sự thuần khiết và ngây thơ vẫn còn tồn tại.” Nhưng điều đó có thể thật khó phân biệt. Khi Walser gặp Lenin ở Zurich, trong thời chiến, tất cả những gì ông có thể nói là, “Vậy, ông cũng thích bánh hoa quả ư?”

Người phụ tá, tác phẩm được viết ở Berlin một trăm năm trước, trong 6 tuần nước rút, và xuất bản năm 1908, mới chỉ là tác phẩm thứ 2 được xuất bản của Walser, và trong cuốn này sự thơ ngây của ông có vẻ còn thực sự ngây thơ hơn những khi khác nó thể hiện ra. Được kể từ điểm nhìn của Joseph, một nhân viên trẻ tuổi nghèo làm thuê và đến sống cùng gia đình nợ nần lia chia của nhà phát minh tên Tobler, câu chuyện được phân rõ theo sự giao nhau của hai mạch: những thăng trầm trong tâm trạng hằng ngày của Joseph, và sự lao dốc không ngừng của vận mệnh người chủ. Joseph, “một kẻ hút thuốc vì đam mê”, bập thuốc lá của Tobler và ăn cái ăn của Tobler với sự ngốn ngấu của một kẻ đã từng biết thế nào là đói. Hắn còn thích bách bộ trong rừng và chuyện trò thân tình với người vợ đồng bóng của Tobler. Joseph bắt đầu phấp phỏng lo âu khi hắn sợ rằng một ngày hắn sẽ mất hết những cơ hội hưởng thụ đó nếu hắn bị đuổi việc, có thể là vì Tobler bị phá sản hoặc vì chính thói “ngu dại” của hắn — hắn đôi khi dám cả gan so đo với ông bà chủ.

Liệu có thể nào mình không làm trò ngu được không? Và trong cái nhà này mình đã làm trò ngu thật cừ khôi. . . .  Và sao mình sống sót được nếu không được uống cà phê của Ngài Tobler được đây? . . . Và sau này mình biết đi ngủ trong nệm giường ấm êm của ai đây? Chắc hẳn rồi, là bên dưới mái vòm của cái cầu ấm cúng đâu đó!

Người phụ tá chứa đầy những đoạn độc thoại lộn xộn, và không ngạc nhiên gì là Walser sớm thay thế cách kể chuyện theo ngôi thứ ba bằng lối độc thoại dễ chịu hơn. Mặt phong cách được ông trau dồi hoàn hảo ở đây chính là sự trừu tượng tuyệt đẹp trong văn miêu tả: “Mùa thu đang đến rồi, tất cả mọi thứ có vẻ như đang ngồi xuống, ở đâu đó một thứ gì đó đang đứng lại, thiên nhiên có đôi khi dường như đang dụi mắt.” Khi Ngài Tobler rơi vào tình trạng cuồng loạn do say xỉn, chúng ta được nghe kể rằng: “Lý trí của đực tính và lý trí con người giờ đây la lối và cợt nhả và lảm nhảm.”

Các nhân vật nhân viên quèn và những kẻ nay đây mai đó của Walser có lẽ là những người tốt bụng và chu đáo nhất ta có thể gặp trong tiểu thuyết hiện đại, nhưng họ cũng có thể châm biếm sắc lẹm theo cách chỉ những người rất lịch lãm mới làm được: cây cầu “ấm cúng” để ngủ dưới gầm, “lý trí của đực tính và lý trí con người”. Susan Bernofsky tái hiện hiệu ứng này và những hiệu ứng khác một cách trơn tru và tự nhiên đáng kinh ngạc, và chắc hẳn bà cũng đã thích thú đào mộ những từ như “swillpot” và “thunderation”. Chỉ có một điều đáng tiếc là, vì thiếu một bản dịch như thế, Virginia Woolf chẳng bao giờ hiểu rằng nỗi khát khao bà bày tỏ trong tiểu luận “Hư cấu hiện đại” (1919) về một tiểu thuyết hiện đại theo trường phái ấn tượng rõ rệt hơn và bớt chăm chăm theo chủ nghĩa kinh nghiệm, một tiểu thuyết dựa trên tính nhạy cảm vẩn vơ thay vì những mẫu nhân vật cố định, ở một mức độ đáng kinh ngạc, đã được nói lên từ hơn mười năm trước bởi một nhà văn Thụy Sĩ sống tại Berlin.

Một điều khác được Woolf viết trong tiểu luận dường như rất đúng với Walser: “Nếu nhà văn là người tự do chứ không phải nô lệ, nếu nhà văn đó được viết những gì anh ta chọn, không phải những gì anh ta phải viết, nếu anh ta được sáng tác bằng cảm xúc của chính mình mà không phải dựa vào quy ước, thì sẽ không có cốt truyện, sẽ không có hài mà cũng chẳng có bi, không có tình ái, cũng không có thảm họa theo lối viết đã được thừa nhận.” Bổ sung vào đó Walser nói rõ thêm ý nghĩa của việc làm người tự do. Suy cho cùng, đối với Ngài Tobler và phu nhân, tồn tại tình ái (cuộc hôn nhân của họ) và một thảm họa (vụ phá sản); còn đối với người phụ tá Joseph thì không hề. Và Joseph chẳng cần đến tính kỷ luật của doanh nhân thành đạt, bởi hắn không hề cố gắng trở thành một người như thế. Hắn chỉ đơn giản là từ chối tiếp tục bị mắng mỏ, và bước đi khỏi ngọn đồi, như hắn đã làm trong trang cuối tiểu thuyết: không tiền lương, nhưng cũng chẳng nợ ai cái gì. Nếu Joseph có vẻ vô ưu kỳ lạ về tiền nong thu nhập trong tương lai, thì điều đó có thể là vì tiểu thuyết Người phụ tá kể lại công việc nghiêm túc cuối cùng Walser làm trước khi chuyển đến Berlin. Cuốn tiểu thuyết là một Künstlerroman (tiểu thuyết về người nghệ sĩ) ngụy trang, với nhân vật chính đang trên đường trở thành nghệ sĩ.

Jakob von Gunten là cuốn tiểu thuyết Berlin tiếp theo của Walser, và là một kiệt tác, đặc biệt vì tính mơ hồ của nó. Jakob theo học tại một ngôi trường đào tạo gia nhân nhằm học tính khiêm tốn, một nỗ lực thoạt tiên có vẻ do hoàn cảnh thúc đẩy bởi, mặc dù mang họ quý tộc, Jakob hầu như không một xu dính túi và cần kiếm sống bằng cách nào đó: “Về già tôi sẽ phải hầu hạ những tên lưu manh oắt con, trâng tráo, và kém học thức, hoặc tôi sẽ thành ăn mày, hoặc tôi sẽ tiêu tùng.” Sau đó, thái độ của cậu trở nên phức tạp hơn:

Nếu tôi giàu có, tôi sẽ không ngao du khắp thế giới. Phải thừa nhận là điều đó cũng không quá tệ. Nhưng tôi chẳng thấy gì cực kỳ hấp dẫn khi làm quen chớp nhoáng với những nơi xa lạ. Nói chung, tôi sẽ không chịu mở mang trí tuệ thêm nữa, như người ta thường nói. Tôi thà bị thu hút bởi những điều sâu sắc và tâm hồn, hơn là bởi khoảng cách và những chuyện xa xôi… Và tôi cũng sẽ không mua bất cứ thứ gì. Tôi sẽ không sở hữu gì cả… Tôi vẫn đi bộ như thường lệ, với ý đồ thầm kín là không muốn mọi người thấy tôi giàu sang vương giả như thế nào… Tôi không hề nghĩ là mình sẽ đón xe đi. Chỉ những ai vội vàng hoặc muốn ra vẻ cao sang mới làm chuyện đó. Nhưng tôi không muốn ra vẻ cao sang, và tôi chẳng có gì phải vội vàng cả.

Bạn có thể đọc đoạn văn này vài lần mà không hề biết được đây là lời tuyên bố về một sự mãn nguyện thăng hoa bậc nhất, bởi mơ tưởng về cảnh giàu sang cũng đồng nhất với thực tại nghèo khó của Jakob, hay đây là cách Walser ngụ ý một điều gì khác — rằng chỉ có người giàu mới có thể tận hưởng cuộc sống giản đơn, vì chỉ khi giàu có thì giản đơn mới là sự lựa chọn tự do của người đó. Đọc Walser là như thế: ta thoáng nhìn thấy được sự thanh cao thực sự về mặt tinh thần, và rồi băn khoăn tự hỏi liệu ý niệm về một thứ như thế — sự thanh cao về mặt tinh thần, trong một thế giới tồn tại cả giàu và nghèo — có phải chính là ý đùa mỉa mai.

Một điều không thể nghi ngờ là Walser đã dành phần lớn đời mình để bách bộ và sống chậm. Nỗi nhớ quê hương và nghèo đói buộc ông quay lại Thụy Sĩ năm 1913, và trong một thập kỷ rưỡi kế tiếp, ông có vẻ luôn đi bách bộ ngoài trời bất cứ khi nào không ngồi bên bàn giấy hay đang ngủ trên giường. Kể từ đó, Walser tập trung vào sáng tác văn ngắn, và ta dễ cho rằng lối lảm nhảm lan man phi thường của ông đã góp phần tạo nên phong cách ông sáng tác truyện sau này. “Truyện”, thực ra, không phải là cách gọi những thiên văn chương ngắn này; chúng là những đoạn châm biếm ngắn, phác thảo, bút ký vắn, tiểu luận, truyện tưởng tượng, hay là một tổ hợp rời rạc của tất cả những yếu tố đó. Quả thật kỳ khôi khi đọc ra những đa dạng và phong phú, những nhẹ nhàng và mê hoặc, những bất lực đầy cám dỗ và những chiều sâu triết học ông gói gọn trong nửa trang viết thuộc một bản thảo ra đời sau này, như trong “Chuyến du thuyền”:

Những điểm tương đồng lạ lùng giữa những gì đứng yên và những gì đang chảy trôi xảy đến với tôi trong chuyến đi mà tôi cũng có tham gia, và tôi sẽ vui lòng được làm một người kể chuyện thú vị như một người ở đó, một người được yêu cầu bịa ra một chuyện kể để buổi đi chơi khỏi trở nên buồn chán. . . . Đây đó có những con cá, có vẻ như vì tính tò mò không kiềm được, từ vùng sâu thẳm ngoi lên cho ta nhìn thấy, như thể muốn giúp làm những người nghe hài lòng hơn với câu chuyện kể. Trên mình cá ta thấy chẳng có cánh tay nào. Có phải vì thế mà chúng có những con mắt thật to và những khuôn miệng thật biểu cảm?  Phải chăng là vì chúng không có chân nên chúng bơi lội tài ba bậc nhất? Một cô gái ngồi trên thuyền cùng chúng tôi so sánh việc du ngoạn trên mặt nước với sự lướt đi và quá trình phát triển không thể nhận thấy được, như của trái cây chẳng hạn, có lẽ nếu biết kết cục nào chờ đợi thì chúng sẽ chẳng khao khát chín cây chút nào.

Trong “Tiểu luận về Tự do”, Walser có vẻ như đang miêu tả đồng thời cả bản chất tự nhiên của ông và phong cách văn chương của ông sau này: “Sự tự do mong muốn vừa được hiểu và vừa hầu như liên tục không được hiểu; nó muốn được nhìn thấy và rồi lại muốn được coi như không có ở đó.” Dù thật dễ dàng ca thán về đám đông độc giả phàm tục không mấy hứng thú với lối viết ngày càng tự do của Walser, nhưng ta phải thấy các biên tập viên của những tờ báo bình thường — một trong số những tờ báo đó đã bị dọa hủy đặt mua dài hạn nếu tiếp tục đăng những nội dung “vớ vẩn” — đã rất đáng nể khi xuất bản chút nào tác phẩm của ông. Cuối cùng, không nằm ngoài dự đoán, họ không muốn tiếp tục nữa. Walser chỉ đủ tiền thuê loại phòng sẵn trang bị nội thất xoàng xĩnh nhất, từng được một vị khách thăm ông liệt kê như sau: “Chỉ có mỗi một chiếc giường, một chiếc bàn, với một chiếc ghế. Một tấm bản đồ châu Âu rẻ tiền đính trên tường.” Khi độc giả của ông dần ít đi, Walser bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm bằng thứ chữ viết bé tí và viết tắt hầu như không thể giải mã nổi, không mong đợi được in; nhưng ta không nên suy từ đó ra rằng ông không quan tâm đến việc được công nhận. Trong việc được thấu hiểu và hầu như liên tục không được thấu hiểu, cả hai phần đều quan trọng, và một trong những chủ đề xuyên suốt tác phẩm Tên cướp viết năm 1925, là mối quan ngại của chính Walser liệu ông có được coi là nhà văn và con người: “Dân địa phương các xứ gọi tôi là kẻ ngốc vì tôi chẳng tòi ra tiểu thuyết gì cả.” Bản thân cuốn Tên cướp, giống như một tập hợp các đoạn văn hơn là một tiểu thuyết theo bất cứ cách thông thường nào, phải đến năm 1972 mới tòi ra — một thời điểm phù hợp cho một tuyệt tác không thể tóm lược, mà mọi chi tiết đều mang tính phản thân như bất cứ thứ gì được viết bởi các tiểu thuyết gia siêu hư cấu những năm 60 và 70.

Năm 1929, Walser được em gái Lisa đưa đến viện tâm thần Waldau ở Bern (nơi anh trai Ernst của họ được chẩn đoán tâm thần phân liệt đã sống mười tám năm cho đến khi mất năm 1916). Chắc hẳn, Walser cũng không bình thường lắm về mặt tâm lý, và những tác phẩm sau này của ông có lẽ đôi khi gợi nhớ đến những vũ trụ bí ẩn khi thì thân thiện khi thì đầy đe doạ từng được các “nghệ sĩ ngoại cuộc” trong viện tâm thần khác khắc hoạ. Nhưng có lẽ ông đã đau khổ vì bất hạnh, cô độc và nghèo đói hơn tất thảy những lẽ khác. Báo cáo của bác sĩ tiếp nhận Walser và cả lời chứng của những ai từng gặp và trò chuyện với ông trong những thập niên cuối đời đều không thể chứng minh rằng chẩn đoán ông bị tâm thần phân liệt là chuẩn. Các anh trai của Walser là Karl và Oscar tin rằng ông chỉ đơn giản là ưa thích cuộc sống ở Waldau hơn cuộc sống bên ngoài (và vì lẽ ấy cuối cùng đã từ chối chu cấp cho ông). Có lẽ họ đã đúng: Walser giờ đây có thể dốc sức sáng tác mà không cần phải lo chuyện mưu sinh, trong khi sự hiện diện của những người xung quanh làm vơi đi phần nào sự cô độc của ông. Không nhận lấy một phòng cho riêng mình, Walser thà ngủ chung, theo phong cách trại lính, với những người cùng phòng, dù nhu cầu giao du của ông chả nhiều đến mức nói chuyện. Một trong những tác phẩm văn xuôi cuối của ông miêu tả một cô gái đẹp kiên định chối từ tất cả những lời mời bữa tối, những chuyến du ngoạn thuyền gondola và được tặng hoa hoét; cô ưa ngồi một mình trong nắng, “sống xa hoa trong sự giản đơn mà cô mưu cầu”.

Walter Benjamin, trong một tiểu luận viết năm 1929, đã khéo léo gợi ý rằng những nhân vật vui tươi của Walser hẳn đều là những người đang phục hồi từ bệnh tật; chỉ có sức khoẻ đang hồi phục mới có thể giải nghĩa cho niềm vui mãnh liệt họ cảm nhận từ tất cả mọi thứ. Gần đây hơn, triết gia người Ý Giorgio Agamben giải thích về tính phẳng, tính có-sao-nói-đấy của thứ văn chương kể chuyện thực tế mà Walser thường viết: đó là dáng vẻ của thế giới của những vật và người bị bỏ lại sau khi đấng cứu thế (Messiah) đã đến và đi, ruồng bỏ nơi Agamben gọi là cõi Bất khả sửa chữa. Điều này cũng đúng với phần nhiều những tác phẩm của Walser, dù nó không thể giải thích được cho những khoảnh khắc châm biếm. Ở những khoảnh khắc ấy, dường như Walser thật sự mang một lời nguyền: chỉ được phép nói ra những điều tốt đẹp về thế giới, ông buộc phải biểu lộ tất cả nỗi buồn và cơn thịnh nộ của mình theo cách tụng ca hiển minh nhất. Cảm giác vừa bất tận vừa phi lý, vừa dày vò mà kiểu viết đó mang lại sẽ gợi ta nhớ đến Kafka một lần nữa.

Năm 1933, Waldau bị nhượng quyền quản lý và Walser bị chuyển đến một trại tâm thần khác. Ban đầu ông không phản đối việc này, nhưng tới ngày chuyển trại ông nhất quyết không ra khỏi giường và bị bắt đi bằng vũ lực. Ở trại thương điên mới, tại Herisau, ở bang Appenzell là nơi ông sinh ra, Walser được một tác gia tên Carl Seelig ghé thăm, người chịu trách nhiệm tái bản một số tác phẩm của Walser và có ghi âm đoạn hội thoại với tác giả. Chính Seelig là người đã được nghe Walser tâm sự rằng sứ mệnh của ông không còn là sáng tác nữa, mà là điên, và là người được nghe một điều có thể coi là lời giải thích cho việc ông bỏ bê sáng tác sau khi bị ép chuyển chỗ ở: “Đất sáng tác duy nhất của một nhà văn là mảnh đất của sự tự do”. Trong vài năm, Seelig đấu tranh để Walser được thả tự do nhưng thất bại, và Walser vẫn là một bệnh nhân của trại thương điên Herisau cho đến khi ông chết trong một chuyến đi dạo ngoài trời vào ngày Giáng sinh năm 1956. Ai đó quả đã máu lạnh khi chụp tấm ảnh ấy: những dấu chân trên tuyết dẫn tới một người đàn ông cao nhòng nằm đó với một cánh tay vung sau đầu, thoạt nhìn như thể cử chỉ cuối cùng của ông là tung đi chiếc mũ đang nằm cách đó vài bước chân.

Vũ Quỳnh Anh dịch

(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh tiểu luận “Still Small Voice” đăng trên ấn bản in, số ngày 6 tháng 8 năm 2007 tờ New Yorker.

Những đoạn trong tiểu thuyết “Jakob von Gunten” trích từ bản dịch tiếng Việt của Đăng Thư.

Xin trân trọng cảm ơn tác giả Benjamin Kunkel đã chấp thuận cho Zzz Review dịch đăng tiểu luận này.)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*