Zzz Review Số 2021: Về sự dịch

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 8 phút

Toàn bộ các bài viết có thể được download dạng PDF to (77,5 MB) hoặc nhỏ (13,1 MB) hoặc epub (4,8 MB) hoặc kindle (19,2 MB).

 

Nhóm chủ trương: Zét Nguyễn, Y Lán
Biên tập: Liên Trịnh
Thiết kế: Ụt Ịt
Website: www.zzzreview.com
Liên hệ: tapchi@zzzreview.com

Special thanks to: K., ChuKim, Ong Phùng, Hằng Nguyễn

 

Người góp chữ

Ali Le sắp tốt nghiệp chương trình Bachelor of Arts tại Đại học Hong Kong (HKU) sau bốn năm rưỡi không học Văn học, chỉ giỏi So sánh.

Lê Ngọc Bảo dịch giả.

Nguyễn Hữu Gia Bảo không biết tháng sau mình ở đâu.

Bình Slavická tốt nghiệp khoa Xây dựng, Đại học VUT tại Praha (1979), học vị tiến sĩ ngành Khoa học Lịch sử và Dân tộc học, khoa Triết trường Đại học Charles Praha (2016). Hiện sinh sống và làm việc ở Cộng hòa Séc, là giảng viên ngành Việt Nam học thuộc Viện châu Á học, Đại học Charles.

Blue Phạm sinh viên toán thích viết văn và những điều xưa cũ.

Chiêu Dương một người dịch.

ChuKim xây dựng hình tượng người nghệ sĩ cục súc thô bạo.

Phạm Thu Hà hoa hậu làng văn.

Phạm Phương Hiền một con sâu nghèo đục khoét truyện tranh và mê chơi mô hình.

Hoàng Hải hiếu học hay hóng hớt.

Kim Cua cõng cáy sau mấy năm tu luyện ngành văn học so sánh (comparative lit) ở một đại học có tên đọc là u cờ lờ vẫn chưa trả lời nổi rốt cuộc là so sánh cái gì với cái gì. Toàn bảo Comp Lit nôm na là lý luận văn học, vì đương nhiên khi mình không biết dịch thế nào thì phải gaslight người ta luôn.

K. Tôi không biết ai và không ai biết tôi.

Nguyễn Bích Lan Tôi tự nhận mình là thợ cày vì việc dịch văn học cực hơn cả cày ruộng và mùa màng thì còn phụ thuộc vào Trời!

Nguyễn An Lý ếch giời leo.

Phạm Anh Minh runs around the Sun.

Phùng Hồng Minh tự mình cũng không biết rõ năm sinh, hiện đang sống và làm việc khu vực quanh Hà Nội.

Nguyễn Quyên huê hậu thân thiện ngày bế con 10km.

Uyên Thiểm thủ chuyết.

Ngô Hà Thu từng giảng dạy ở bộ môn Biên – Phiên dịch, khoa SPTA, ĐHNN, ĐHQGHN; đã, đang và chắc sẽ vẫn làm biên phiên dịch tự do.

Thuận Tốt nghiệp Khoa văn trường ĐH tổng hợp Sorbonne. Sống và làm việc tại Paris. Tác giả của 8 tiểu thuyết và dịch giả của một số tác phẩm.

Thúy ngày đêm đếm lá và đếm sao.

Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.

Hà Trang Tốt nghiệp chuyên ngành Văn học và ngôn ngữ Trung tại Washington and Lee University, Virginia, Mỹ, Hà Trang hiện là đồng sáng lập và biên tập viên của Trạm Radio, một dự án phát thanh xoay quanh văn học tại Việt Nam.

Trịnh Lữ tức Trịnh Lữ.

Nguyễn Nhật Tuấn tiến sĩ ngành Ngôn ngữ và dịch thuật, tốt nghiệp trường Dublin City University, Ireland. Hiện là giảng viên ở Đại học Hà Nội.

Miên Túc một người tẻ nhạt.

Trần Hải Yến tiến sĩ Ngữ văn, nghiên cứu tại Viện Văn học từ 1983 đến nay.

Zét Nguyễn I wanna thank me.

 

Lời ngỏ

 

Ngay từ khi làm Zzz số đầu tiên và chưa biết có đi được đến số 4 hay không, chúng tôi đã quyết làm một số như thế này. Nói thế cũng không hẳn đúng; ngay từ những ngày tập tọng bước vào làng (sách) dịch, đâu như 13-14 năm trước, chúng tôi đã muốn ngày nào làm được thứ gì từa tựa thế này. Những ngày ấy tuy chưa có thuật ngữ “ném đá” nhưng đã có đá bay nhiệt tình sáng trưa chiều tối trên mặt báo giấy, báo mạng và mạng xã hội mầm non tức Yahoo! 360 (Thảm họa dịch thuật? Địa đàng trần gian? Tình ơi là tình? Wordjihad?). Những ngày ấy lý luận các phe vẫn chỉ quanh quẩn “Tín Đạt Nhã”, phe nào Tây học thì xài “hướng đích-hướng nguồn” sang hơn một tí. Một cách mơ hồ, chúng tôi muốn, đầu tiên là một chỉ dẫn nào đó đủ tin cậy để thực hiện công việc hàng ngày của mình tự tin đôi chút, thứ hai là để đối đáp với người ngoài (mà đôi khi lại chính là người mình) để bảo vệ thành quả công việc ấy một cách tự tin hơn.

Mong muốn giản dị ấy vẫn được lưu giữ trong những năm chúng tôi lớn lên, kiếm được ít bản dịch giắt CV và cũng kinh qua chục trận bút chiến lớn nhỏ, từ thời viết email cãi nhau như mổ bò rồi kết thúc bằng chữ “cẩn” cho đến thời phổ cập mạng xã hội dân chủ hóa nhỡ rời máy tính ăn trưa 5 phút là quay lại đã thấy đối thủ dập vùi mình bằng những comment dài ngang essay. Mong muốn ấy là động lực để chúng tôi lên kế hoạch số này, theo nó đúng một năm từ Hội thảo dịch thuật viện Goethe tháng 11-12 năm 2020 cho đến khi lẽ ra ra vào tháng 4 năm nay nhưng đã nuốt luôn kỳ giãn cách để rồi chúng tôi đành đặt cho nó cái tên, không phải số 10 như ban đầu dự tính, hay 10-11 như khi nhìn số trang ước tính, mà là số 2021. Mong muốn ấy tuy nhiên đã tùng bê trong quá trình chúng tôi thực hiện số này, bởi tuy những gì chúng tôi (nhà Z và đồng đội) đã đọc được và trình làng trong ngót 600 trang sau đây chỉ là một phần nhỏ trong nghiên cứu dịch thuật giờ đã trở thành một ngành lớn mạnh trên thế giới (bao hàm và vượt ra rất xa ngoài dịch thuật văn chương), nó cũng đã đánh đổ liêu xiêu những quan niệm cũ kỹ mà chúng tôi vẫn ôm về sự dịch, và về người dịch.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất là điều mà Venuti đại lão gia bàn tới trong khái niệm giờ đã trở thành cửa miệng của nhiều trường phái nghiên cứu, “Sự vô hình của người dịch”. Soi về thực tế Việt Nam, mà như Madame Zét có nói trong bài tổng kết cuối số này, là nơi độ glam và sự thừa nhận dịch giả đã cao hơn nhiều so với các nước phương Tây (ngạc nhiên chưa?), ban đầu từ một thế hệ mà dịch phần lớn là nghề tay trái của nhiều nhà văn thơ có tiếng, sau đó là từ cán cân quyền lực ngoại-nội nghiêng hẳn về phía tác giả nước ngoài ở Việt Nam, nơi vì không có nguồn lực mời tác giả nên dịch giả vẫn luôn luôn được coi như một “thế thân”, nhưng người dịch ở Việt Nam nói chung vẫn mang một độ vô hình lớn mà hầu hết đều vận vào lòng. Hình như chữ “dịch giả” ở Việt Nam chủ yếu là của người ngoài dùng, xã hội dùng, để hình dung đấy là một thứ địa vị gì long lanh lắm, nhưng những người tôi quen hoặc chính tôi ít khi thấy ai tự xưng “tôi là dịch giả”, “tôi là dịch giả cuốn X”, hoặc nếu có thì chỉ khi mới bắt đầu tập tọe bước vào làng dịch; càng thâm niên họ càng bớt lời, “tôi là người dịch”, “tôi cũng có dịch đôi chút”, hoặc họ dùng từ “chuyển ngữ”, hoặc “tôi là giống ‘mắc dịch’ ” như một bác dịch giả đoạt nhiều giải thưởng vẫn đùa duyên. Về danh xưng là vậy; về thực tế, bất cứ ai dù già hay trẻ vì hâm mộ cái glam “dịch giả” mà bước vào nghề này đều sớm vỡ mộng, vỡ ngay lập tức ở cái đơn giá dịch mà một nhà xuất bản bất kỳ đưa ra. Những giờ dài, những công việc khó khăn, những nỗi cô đơn, và cuối cùng là những gạch đá xây lâu đài tình ái đó khiến cho nghề dịch trở thành một cái nghề bạc bẽo nhất nhì trong làng trí thức. Các nhà văn có thể than sang miệng “Cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng còn nhà dịch, có lẽ thích hợp nhất là châm ngôn của CIA: thành công của anh/chị chả ai biết đến đâu, còn thất bại của anh/chị sẽ được bắc loa loan báo toàn thế giới.

Chúng tôi chắc sẽ không viết ra những điều trên nếu không phải sau khi đã thực hiện toàn bộ số này, với những đấu tranh đòi quyền lợi và sự công nhận của người dịch ở toàn thế giới từ những nước giàu & sang như Anh-Mỹ-Pháp… (té ra công nhân toàn thế giới đều cần liên hiệp lại như nhau), và những tâm sự mỏng (hoặc dày) trong các hồ sơ dịch giả mà bạn bè gửi về cho chúng tôi theo lời kêu gọi trên fanpage. Danh sách này chắc chắn không có tính rốt ráo và càng không có tính thứ bậc – chẳng hạn một vài người bạn mà chúng tôi nể phục đã nhất quyết không chịu xuất hiện, vì muốn ẩn sau tấm áo vô hình hay vì lý do gì khác – nhưng có lẽ cũng đủ để người đọc bình thường cảm nhận chút gì đó về cuộc sống cũng rất cơm áo sau những cái tên cỡ nhỏ (may mà còn được lên) trên bìa sách, muốn sáng tác nhưng bị deadline dí sát, muốn bế quan nhưng còn phải bế con. Có thể một ngày nào đó, có ngân quỹ và có tính chính thống, chúng tôi sẽ học các bác Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến làm cuốn Những người dịch văn học Việt Nam 2.0, nhưng số dịch này xin dành tặng những “dzịch shách phu” chăm chỉ (hoặc không chăm lắm) và luôn có chút gì tồi tội. Lên tiếng đòi sự công nhận, với bản tính người Việt Nam, vốn khó. Với người dịch, một giống vừa lẫm chẫm vào nghề đã được răn dạy phải đứng trong cái bóng của tác giả, thì càng khó hơn. Xin hãy trân trọng những tiếng nói ấy. Biết đâu sau này có gan, chúng tôi lại ra một số về nghề biên tập thì sao.

Cuối cùng, để tiếp tục trong nỗ lực trở nên hữu hình bớt vô hình, xin được nhắc lại tên những người dịch đã góp mặt dù nhiều dù ít trong số này, mặc dù chắc phải quá nửa các tên trong ấy là clone, hoặc clone của clone, nhưng hãy tin rằng dưới những tầng lớp clone ấy, nói như các hiệp sĩ lang thang của Ý, phập phồng hít thở những bộ não và trái tim nhạy cảm với mỗi lời khen tiếng chê của các bạn, như một chiếc phổi ốm yếu nhạy cảm với Delta Plus Omicron:

Ali Le     An Nhiên     Bình Slavická      Blue Phạm      Chiêu Dương      ChuKim     Đăng Thư     Đinh Trọng Nhân     Hà Linh     Hà Thế Giang     Hà Trang     Hoàng Anh     Hoàng Hải     K.         Kim Cua     Kim Ngân      Kim Ngọc     Lê Ngọc Bảo      Lục Hương      Miên Túc      Nam Tử     Ngân Xuyên     Ngô Hà Thu     Nguyễn An Lý     Nguyễn Bích Lan     Nguyễn Hà      Nguyễn Hữu Gia Bảo      Nguyễn Nhật Tuấn     Nguyễn Quang Huy     Nguyễn Quyên     Nguyễn Thành Long     Nguyễn Thúy Hạnh     Nguyễn Tú Uyên     Nguyễn Vân Hà     Nguyễn Vinh Chi     Nhật Phi     Ong Phùng      Phạm Anh Minh      Phạm Phương Hiền      Phạm Thu Hà      Phùng Hồng Minh     Thái Hòa     Thi Hoa     Thiên Nga     Thiệu-Nam     Thuận     Thúy      Thúy Hạnh      Thùy Vũ     Tố Hinh     Trần Hải Yến     Trần Tiễn Cao Đăng      Trịnh Lữ     Uyên Thiểm     Vũ Ngọc Thăng     Zét Nguyễn

 

Z&Z

2021 to infinity and beyond

 

Mục lục

 

TIỂU LUẬN – NHẬN ĐỊNH

 

PHỎNG VẤN – BÀN TRÒN

 

DỊCH NGƯỢC

 

BÊN LỀ

PHỤ LỤC

Chấm sao chút:

Đã có 18 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*