Zack Davisson, Lời thú nhận của một dịch giả manga

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 14 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

Nguyên tắc Rubin

Tôi có một bí mật muốn kể với bạn. Nếu bạn từng đặc biệt cảm động trước một câu thoại trong manga do tôi dịch; nếu như có thứ súc tích chạm tới trái tim bạn, hoặc chứa đựng một ý nghĩa nào đó với bạn; nếu bạn thấy điều gì đó mới ngầu và hứng khởi làm sao, hay khi bạn bật cười vì một câu đùa—thì đó là bạn đang đọc tôi đấy, chứ không phải tác giả gốc đâu. Thất vọng nhỉ, tôi biết. Nhưng xin giới thiệu với bạn Nguyên tắc Rubin. Bắt nguồn từ Jay Rubin, dịch giả của những tiểu thuyết ăn khách nhất của Haruki Murakami và là một trong những dịch giả Nhật-Anh hiện đại đáng chú ý nhất. Trong một cuộc phỏng vấn, Rubin nói: “Khi bạn đọc Murakami (bằng tiếng Anh), thực ra là bạn đang đọc tôi, ít nhất là 95% thời gian.” Khi tôi đọc được bài phỏng vấn ấy, tôi đã gật đầu nhất trí ngay. Và khẽ rùng mình. Cuối cùng thì cũng đã có ai đó nói ra điều ấy.

Đó chính là bí mật. Nguyên tắc Rubin. Khi bạn đọc chữ trong truyện tranh—chữ nghĩa thực sự ấy, xin nhớ cho—thực ra là bạn đang đọc tôi, ít nhất 95% thời gian.

Chẳng ai thích nghe điều đó cả. Khi tôi nói với mọi người về Nguyên tắc Rubin, họ cảm thấy bị phản bội. Tôi hiểu mà. Mọi người muốn một mối liên kết. Họ muốn tin rằng họ được tương tác với lời của chính tác giả. Khiến mọi người nhận thức về dịch giả sẽ tạo nên một rào cản giữa người đọc và tác giả. Dịch giả cần phải ẩn mình đi. Chúng tôi là những người hỗ trợ, là con cá Babel trong lỗ tai không có tính cách cũng chẳng có nhân dạng của chính mình. Độc giả muốn nghĩ rằng tất cả những gì mà dịch giả làm là chuyển đổi từ ngữ sang một ngôn ngữ khác, thay thế “あ” bằng “a.” Nhưng dịch thuật không phải như thế. Đặc biệt là với dịch thuật văn chương. Đặc biệt là với dịch thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Và đặc biệt là với dịch thuật manga.

Dịch thuật tiếng Nhật

Dịch trực tiếp—dịch từng từ—tạo ra một mớ hổ lốn không thể đọc nổi. Kể cả có sắp xếp lại mớ từ ngữ ấy theo ngữ pháp tiếng Anh chuẩn chỉnh thì cũng chỉ tạo nên những thứ tẻ nhạt vô nghĩa mà thôi. Dưới đây là một ví dụ:

Câu đùa sau hài khủng khiếp trong tiếng Nhật! Không cười không lấy tiền!

Chồng: Tối nay ăn thịt lợn đi em!

Vợ: Oài, hết gừng mất rồi.

Bạn cười phá ra nổi không? Không à? Không thấy gì hết à? Lạ nhỉ… Tôi lúc nào cũng có thể đùa như thế với vợ tôi và lần nào cũng cười lăn cười bò. Còn ví dụ sau thì sao?

Chồng: Anh muốn ăn trứng cá hồi!

Vợ: Nhưng mà bao nhiêu tiền…?

Tin-tôi-đi, trong tiếng Nhật nó SIÊU hài. “Trứng cá hồi” và “bao nhiêu tiền?” đồng âm, và đều đọc là “ikura.” Lời đáp của người vợ (trong tiếng Nhật; ikura kana…) tạo ra cảm giác mơ hồ khiến bạn không biết liệu cô ấy băn khoăn về giá cả hay chỉ đơn giản là không có hứng ăn trứng cá hồi. Đó là một câu đùa cũ xì, ai cũng biết, người ta dùng kèm theo một cái nháy mắt và một cái gật đầu và cảm thấy thoải mái khi gặp một điều quen thuộc. Dịch sang tiếng Anh như ở trên—từng từ từng từ—có khác nào thất bại toàn tập. Một bản dịch thành công đòi hỏi nhiều hơn thế. Và đó là khi nghệ thuật dịch bắt đầu.

Bất kì dạng dịch thuật văn chương nào cũng đều là sự cộng tác giữa tác giả và dịch giả. Không phải là cộng tác trực tiếp; Dù rất muốn, tôi hiếm khi dịch truyện tranh mà lại nói chuyện với tác giả gốc. Nhiều khi họ chết từ đời nào rồi. Nhưng chúng tôi luôn làm việc cùng nhau. Tôi cố gắng ẩn mình đi hết mức, nhưng giọng văn thì luôn trộn lẫn vào nhau. Thử nghĩ về một ban nhạc làm lại một bài hát mà xem. Bất kể là bắt chước tốt đến đâu, mọi ca sĩ đều đưa chất giọng và phong cách của họ vào màn biểu diễn. Bài hát thành phẩm không hoàn toàn là sản phẩm của người này hay người kìa. Đó có lẽ là một phép ẩn dụ kém duyên, nhưng mấu chốt là ở chỗ—mỗi dịch giả sẽ làm ra truyện tranh một kiểu.

Phần là bởi bản chất của ngôn ngữ. Tiếng Nhật không dễ dịch. Đó là thứ ngôn ngữ có nghĩa phụ thuộc nhiều vào văn cảnh, trái ngược với ngôn ngữ có nghĩa ít phụ thuộc vào văn cảnh như tiếng Anh. Tức là tiếng Nhật có thể dùng ít từ hơn, và dựa nhiều hơn vào ngữ cảnh văn hoá để giao tiếp trong tình huống thực tế. Thỉnh thoảng người ta vẫn nói rằng với văn học Nhật thì cứ mỗi chữ được viết ra lại có tới ba chữ ẩn sau. Người đọc phải tự mình điền vào chỗ trống.

Trên hết, có bốn hệ chữ viết trong tiếng Nhật; kanji, katakana, hiragana, và romaji. Mỗi loại đều có thể thay đổi một chút ý nghĩa và thêm ẩn ý xa xôi hơn vào thực tế câu văn. Một người nói chuyện bằng chữ katakana có thể là đang nói bằng giọng nước ngoài. Hoặc có thể đổi hệ chữ viết cho những từ ngữ đơn lẻ để nhấn mạnh, giống như trong chữ tiếng Anh ta dùng in nghiêng hoặc in đậm. Bạn thậm chí có thể viết một từ bằng kanji, như là “thầy giáo,” rồi sau đó viết bằng hiragana nho nhỏ bên trên để nói “quân phiệt” nhằm bổ nghĩa. Bên cạnh đó, tiếng Nhật nặng về sử dụng các cụm từ và lặp từ. Dò dẫm trong thế giới phức tạp của các mức độ xã giao của người Nhật có thể gây nguy hiểm cho cả những người sinh ra và lớn lên trong nền văn hoá này. Họ thường chọn con đường dễ nhất rồi sử dụng và tái sử dụng cách nói phù hợp với xã hội, dựa trên ngữ cảnh văn hoá để biểu đạt ý nghĩa thực sự.

Tiếng Anh tương đối thẳng thắn—hầu như ai cũng nói ra ý mà họ muốn nói. Tiếng Nhật thì “Shaka; khi các tường thành sụp đổ.”[1]

Vai trò của dịch giả

Tôi phát hiện ra trên Twitter không nhiều người biết dịch giả manga thì làm gì. (Thực ra Twitter là nguyên cớ của bài viết này. Tôi nghĩ chỉ bảo một chút là cần thiết.) Mọi người bị cuốn vào các thuật ngữ chuyên ngành như “dịch thuật” và “bản địa hoá”, các thuật ngữ này về lý thuyết thì khác biệt, nhưng về thực hành thì gần nhau hơn. Nhiều người cho rằng biên tập viên sẽ gánh việc nặng, còn dịch giả chỉ việc cung cấp một bản soạn thảo từ ngữ thô sơ. Nhưng đó không phải trải nghiệm của tôi. Vai trò chính của biên tập viên là lựa chọn dịch giả, điều hành dự án, rồi tinh chỉnh bản truyện tranh hoàn thiện. Đừng bao giờ đánh giá thấp sự quan trọng của bước đầu tiên. Đó có lẽ là quyết định quan trọng nhất sau khi một bộ truyện tranh được cấp bản quyền.

Khi chọn dịch giả, biên tập viên đang chọn phong cách thực hiện bộ truyện tranh ấy. Rất nhiều độc giả không nhận ra mức độ ảnh hưởng của các dịch giả lên các bộ truyện tranh đã hoàn thành. Một thực tế là vài công ty thuê hiệu chỉnh viên để hỗ trợ khâu thoại. Cũng chẳng có gì sai ở đây cả; Kelly Sue Deconnick xuất phát điểm là một hiệu chỉnh viên manga. Nhưng tôi không nghĩ chuyện này phổ biến. Tôi từng một lần làm việc với hiệu chỉnh viên, còn hầu hết các dịch giả tôi biết đều phang thẳng bản dịch lên trang truyện.

Là dịch giả, công việc của tôi là nắm bắt ngữ cảnh và ngôn ngữ rồi biến đổi nó thành thứ như thể được viết nguyên bản bằng tiếng Anh. Bản tiếng Nhật là nguyên liệu thô của tôi. Bên cạnh việc dịch chữ trên giấy, tôi bổ sung ngữ cảnh và tạo ra các câu văn làm cầu nối có thể vốn chẳng có trong bản gốc. Tôi điền vào những chỗ trống mà độc giả Nhật chỉ liếc qua là hiểu. Và thi thoảng tôi viết lại toàn bộ. Đó chính là Nguyên tắc Rubin trong thực tế.

Tôi làm việc của mình thế nào

Thành thực mà nói, tôi không biết các dịch giả manga khác hoàn thành bản dịch của họ ra làm sao. Tôi chỉ biết việc của mình. Chuyện tôi sắp kể với bạn có thể ngược hẳn với người khác. Cũng có thể giống y chang. Sẽ khá thú vị đây. Thật tình, tôi hơi hồi hộp khi nghe những người như Matt Smith, Fred Schodt, và Matt Alt sẽ nói gì về bài viết này. Hoặc chính Jay Rubin; liệu ông sẽ gật đầu đồng tình? Hay sẽ cười nhạo? Để xem nhé.

Tôi không học nghề này qua trường lớp, cũng chẳng qua đào tạo, nên nếu như nó có chút khục khặc thì hoàn toàn là lỗi ở tôi. Giống như bất kì nghệ sĩ nào, tôi tự tìm ra phương pháp của mình thông qua thực hành và trải nghiệm—và không được mắc lỗi, dịch manga là một môn nghệ thuật, ngang ngửa với viết, vẽ, đi màu, viết chữ, hay ti tỉ việc khác để xuất bản một cuốn truyện tranh. Dễ hiểu tại sao công cụ dịch tự động bằng máy tính chẳng giúp ích gì cho manga. Chúng tôi có phải kĩ thuật viên đâu.

Tôi không hoàn toàn tự học; tôi có bằng thạc sĩ tiếng Nhật, và một phần khoá học của tôi là dịch văn chương. Nhưng nó khác với dịch manga. Tôi vừa thực hành vừa học. Tôi lấy một bộ đã được dịch sẵn (tôi chọn Dr. Slump), và dịch từng tập một, so sánh bản dịch của mình với bản đã được in. Tôi nhận thấy rằng càng gần với bản đã được in, tôi càng làm tốt hơn. Việc này cũng dạy tôi về những lựa chọn được đưa ra, sự khác biệt là ở đâu—và tại sao đó lại là những quyết định sau cùng.

Quy trình của tôi đơn giản thôi. Tôi để mở cuốn truyện bên cạnh máy tính rồi bắt đầu đọc—và viết. Cảm nhận nữa. Làm vậy quan trọng lắm, bởi đó là điều mà tôi đang cố tái tạo, một cảm nhận. Tôi không bao giờ đọc trước cả bộ truyện. Tôi muốn nắm bắt chính xác cái khoảnh khắc khi tôi đọc một trang truyện, và sử dụng tiếng Anh để khiến độc giả trải nghiệm đúng cảm xúc ấy. Khi làm việc, tôi nhập tâm rất sâu vào các bộ truyện tranh. Tôi cười lớn. Khóc nữa. Tất nhiên, sau đó tôi sẽ lộn lại và chỉnh sửa, nhưng nếu tôi đọc trước cả bộ, tôi sẽ bỏ lỡ tính thời điểm.

 

Mỗi nhân vật lại có giọng điệu riêng. Tôi biết Kitaro phát âm ra sao, Emeraldas nói năng thế nào. Tôi có thể nói chuyện như Nezumi Otoko hay Yakob Sát Thủ Đồng Quê. Khi đọc, tôi lắng nghe giọng nói trong đầu mình. Tôi cố gắng để nó cho tôi biết nó sẽ nói điều gì đó ra sao. Và tất nhiên có những khi tôi nói to thành tiếng, để đảm bảo nghe cho đúng. May mắn thay tôi thường làm việc một mình trong phòng. Chỉ có đám thú cưng của tôi là nhìn tôi ngồ ngộ.

Nắm bắt sắc thái cũng rất quan trọng. Lần đầu tiên tôi chuyển từ dịch Shigeru Mizuki sang Leiji Matsumoto, mất một hồi tôi mới chìm được vào vẻ nặng nề đặc trưng trong lời thoại của Matsumoto trái ngược với sự táo bạo tươi sáng của Mizuki. Các nhân vật của Matsumoto mà nói năng quá giống các nhân vật của Mizuki thì không đúng. Tôi bắt đầu bật nhạc Wagner khi dịch Queen Emeraldas, một giải pháp tuyệt hảo. Nó giúp tôi dồn được toàn bộ sự khoa trương thống thiết cùng thứ ngôn ngữ ca kịch ấy sang một phiên bản có sức nặng tương đương trong tiếng Anh.

 

Và cả hội thoại của Mamoru Oshii nữa. Cho đến giờ thì hội thoại của ông ta là khó dịch nhất. Oshii dốc toàn lực sử dụng những cụm từ hóc hiểm cùng chữ kanji khó nhằn. Tôi tìm ra cách hay nhất để nắm bắt là phải thuổng cuốn từ điển đồng nghĩa và tìm cho ra những từ tiếng Anh khù khoằm nhất có thể. Tôi vô cùng lấy làm tự hào về bản hoàn thiện cuốn Seraphim: 266613336 Wings. Một dự án quá khủng. Cơ mà đừng để tôi phải nói về Panty and Stocking with Garterbelt. Dịch những pha chơi chữ về tình dục quả không hề đơn giản.

 

Nói vậy không có nghĩa là tôi không vấp khi gặp những từ ngữ đơn lẻ. Bộ Showa: A History of Japan khiến tôi phải đào sâu từ điển về quân sự và các thuật ngữ lịch sử. Tôi dùng cuốn sổ từ vựng Nhật/Anh từ thời Đệ nhị Thế chiến của ông tôi để lần hồi về quá khứ. Tôi biết mình phải dịch cho chuẩn tên của từng chiến hạm. Không có chỗ cho sai sót. Các biệt ngữ kĩ thuật không thể hiểu nổi của Matsumoto Leiji cũng rất khó dịch. Trong bộ Queen Emeraldas có từ juryoku seba, nó có thể là hàng tá thứ, nhưng cuối cùng thì tôi chọn “kiếm trọng lực” (gravitysaber). Tôi thấy nếu “kiếm ánh sáng” khá ngầu, vậy thì “kiếm trọng lực” hẳn sẽ không đến nỗi tệ. Đó cũng là cái tên bằng tiếng Anh họ sử dụng ở Nhật, khá hữu ích. Nhưng không phải lúc nào cách này cũng ổn; thử hỏi Führer Deslock (Quốc trưởng Deslock) trong bộ Space Battleship Yamato mà xem, hay chính là Leader Deslock (Thủ lĩnh Desklock) đã được đổi tên trong bản dịch chính thức. Tôi bó tay khi đụng phải hành tinh Heavy Metal. Kiểu gì thì kiểu nghe vẫn cứ ra mùi thuần chất sến sẩm phong cách Nhật những năm 1970. Chà chà.

Khi bạn đặt tên cho cái gì đó, bạn phải biết nó nghe ra làm sao. Hiệu ứng âm thanh là một trong những thử thách lớn nhất bạn phải đối mặt trong vai trò một dịch giả manga. Tiếng Nhật sử dụng những hiệu ứng âm thanh lặp đi lặp lại. Don don don. Bup bup bup. Sha sha sha. Và mấy thứ như vậy nhiều VÔ KỂ. Mưa rơi zaaa khác với mưa rơi shito shito. Tôi muốn thanh kiếm trọng lực của Emeraldas có hiệu ứng âm thanh đặc trưng, thế là nó kêu zwark. Mỗi họng súng—từ súng máy cho tới đạc bác trên chiến hạm—trong bộ Showa: A History of Japan đều có tiếng kêu riêng. Tàu bay không gian cũng vui lắm nhé. Tôi đặc biệt khoái mấy con tàu trong Queen Emeraldas. Tôi nghiên cứu truyện tranh khoa học viễn tưởng thập niên 1950 để xem các hiệu ứng âm thanh người ta dùng cho tàu bay không gian và mượn được vài cái trong số đó. Tôi nghĩ cách này tạo thêm vẻ hoài cổ khá ổn cho mấy con tàu, mà ở đây là đặc trưng cho những chiếc tàu bay không tặc phi thường của Matsumoto.

 

Chưa hết, lại còn cả chữ sheeen đáng sợ nữa chứ. Đó là hiệu ứng âm thanh trong tiếng Nhật cho sự im lặng mà chẳng có từ tiếng Anh tương đương nào cả. Mỗi người lại giải quyết mấy vấn đề này theo cách riêng. Nhưng cứ hễ thấy nó là tôi nhăn mặt.

May thay, tôi có một cuốn từ điển sống mỗi khi tôi cần. Bà xã Miyuki là trợ lý của tôi trong những đoạn đặc biệt hiểm, hay khi bối cảnh và văn hoá trở nên quá đậm đặc không thâm nhập nổi. Cô ấy giúp đỡ tôi rất nhiều trong bộ Showa: A History of Japan và hiểu thấu đáo hội thoại của Oshii trong Seraphim. Nói chung việc cưới một người nói tiếng Nhật mẹ đẻ đâm lại ra hữu ích cho cái nghề đặc thù này như thế đấy.

Chữ trên trang giấy

Có cả một vấn đề về khoảng trống. Dịch manga đem đến thêm một thách thức mà các bộ môn khác không phải đối mặt. Bản chất của truyện tranh là điệu nhảy của ngôn từ và hình ảnh. Với manga, tranh vẽ đã sẵn có. Bong bóng thoại đã sẵn có. Chúng chẳng hề suy chuyển, và bạn không thể thay đổi chúng được. Tất cả những gì bạn có thể làm là đảm bảo câu chữ khớp với tranh vẽ. Và phải vừa vặn trong bong bóng thoại—phần này quan trọng lắm. Do bản chất của tiếng Nhật, cùng một khoảng trống có thể viết được nhiều chữ hơn hẳn so với tiếng Anh. Lần nào viết ra bản dịch tôi cũng phải ý thức được về không gian cố định sẵn có trên trang giấy, và câu chữ sẽ nằm ra làm sao trong cái bong bóng đó. Ấy là còn chưa nói tới bong bóng dọc đâu nhé.

 

Tôi thấy vài dịch giả đồng nghiệp nói trên Twitter rằng những gì chúng tôi thực sự làm là viết nội dung tiếng Anh cho khớp với tranh vẽ sẵn có. Tôi đồng ý phần nào. Tôi tưởng tượng nó giống với “Phương pháp Marvel” cũ khi sáng tác truyện tranh, ở đó hoạ sĩ vẽ dựa trên cốt truyện rồi sau đó người viết quay lại viết lại hội thoại từ đầu sao cho khớp với những gì hoạ sĩ đã vẽ. Đó là bước cuối cùng trong quy trình của tôi. Tôi in bản dịch tiếng Anh ra, rồi đọc song song cùng tập truyện tranh. Tôi luôn sửa. Có những thứ tôi nghĩ trong đầu thì hay, chứ thật ra không được trôi chảy lắm. Hoặc là những từ tôi lặp lại quá nhiều trong cùng một trang. Hoặc những câu không hợp với mấy bản mặt đang nói. Hoặc cả mớ chi tiết lẻ tẻ khác.

Có lần tôi được đặt vào vai trò cố vấn cho một nhà xuất bản lớn đang tính mở rộng sang manga. Họ đã xuất bản thành công các tiểu thuyết dịch, và cho rằng chỉ cần nhảy nhẹ một phát là lấn sân được sang manga. Tôi đưa ra quy trình của mình đúng như đã trình bày ở trên, và cho họ thấy công việc đòi hỏi những gì. Sau bài thuyết trình của tôi, họ quyết định không làm manga nữa—quá nhiều việc so với những gì họ kham nổi. Biết tiếng Nhật thôi là không đủ để biến bạn trở thành một dịch giả giỏi. Bạn phải là một cây bút cừ. Bạn cần sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Không quá khó để có tiếng Nhật đủ để đọc truyện tranh, từ nào không biết bạn có thể tra. Nhưng để chuyển nó sang tiếng Anh thì cần nhiều hơn thế. Trên thực tế, tôi cho rằng tỉ lệ trong công việc rơi vào khoảng 40% khả năng tiếng Nhật / 60% khả năng viết tiếng Anh. Tôi có nhiều bạn bè siêu tiếng Nhật hơn tôi nhiều, nhưng họ không phải dịch giả giỏi hơn tôi.

Yêu truyện tranh cũng rất quan trọng. Thực sự yêu ấy. Tôi cười vào mặt cái khái niệm “dịch giả fan” (fan translators) bởi vì dịch giả manga chuyên nghiệp nào mà chả là fan—nếu chúng tôi không phải fan, chúng tôi đã chẳng làm cái nghề này. Nếu có điểm chung giữa tất cả các dịch giả manga thì đó là chúng tôi đều yêu manga. Chúng tôi muốn làm ra những bộ truyện tranh mà chúng tôi muốn đọc. Tôi có một danh sách các bộ truyện tranh trong mơ mà tôi sẽ đẩy tới trước mặt bất kì biên tập viên nào chịu nghe tôi. Tôi cho rằng ai cũng vậy cả thôi. Đôi khi, như là truyện của Shigeru Mizuki, Satoshi Kon, và Matsumoto Leiji chẳng hạn, tôi được làm mấy bộ trong mơ ấy. Vài tác giả khác, như là Miyuki Saga và Daijiro Morohoshi, đang phải xếp hàng chờ. (Mong lắm! Ai đang đọc bài này muốn thử vận không?) Nhưng dù đang làm bộ nào, tôi cũng đều yêu nó. Phải vậy chứ. Tôi dâng hiến bản thân mình cho từng câu chuyện như vậy thì có thể không bận lòng được hay sao.

Có lần tôi thấy ai đó kêu ca phần danh đề của truyện Showa: A History of Japan có ghi “Tác giả Shigeru Mizuki và Zack Davisson.” Họ phàn nàn rằng Davisson (tôi) chỉ là dịch giả thôi, thế nên bộ truyện có phải do tôi “sáng tác” đâu. Nhưng tôi nghĩ ghi như thế là chính xác. Tôi cũng là một cây bút, và đối với tôi thì bản dịch tôi thực hiện cũng là “của tôi” ngang với cuốn sách tôi viết. Đều là “truyện tranh của tôi.”

Lần tới bạn đọc một bộ manga mà bạn yêu thích, hãy nhìn qua coi ai là dịch giả. Thử kiểm tra xem biết đâu bạn cũng có bộ nào khác của cùng dịch giả cũng nên. Để thử nghiệm, hãy so sánh hai bản truyện của cùng một tác giả, nhưng do những người khác nhau dịch (ví dụ như truyện của Satoshi Kon do tôi dịch của nhà Dark Horse và các bản khác của nhà Vertical). Xem xem giọng văn có thay đổi không. Và hãy nhớ rằng thứ bạn đang đọc luôn luôn là một sản phẩm cộng tác. Không cần biết manga yêu thích của bạn là truyện nào, hay ai sáng tác nguyên bản—các dịch giả luôn là một phần trải nghiệm của bạn.

ChuKim dịch

 

[1] Nghĩa là “thất bại”, theo lối nói ẩn dụ của ngôn ngữ Tamarian trong loạt phim Star Trek.

 

(Nguyên bản: “Confessions of a Manga Translator”. The Comics Journal, 7/3/2016.)

Xin trân trọng cảm ơn dịch giả Zack Davisson đã chấp thuận cho Zzz Review dịch đăng bài viết này.)

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 4 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

ChuKim

Xây dựng hình tượng người nghệ sĩ cục súc thô bạo.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*