Lawrence Venuti, Sự vô hình của người dịch (trích) (1995, 2008)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 93 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

Tôi coi dịch thuật là nỗ lực tạo ra một văn bản trong suốt đến mức nó có vẻ không phải là bản dịch. Một bản dịch tốt phải như một tấm kính. Bạn chỉ nhận ra nó khi có một chút khuyết điểm – vết xước hay bong bóng. Lý tưởng thì chúng không nên ở đó. Bản dịch không bao giờ nên trở thành điểm chú ý.

Norman Shapiro

 

1 – Sự thống trị của tính trôi chảy

“Vô hình” là từ tôi muốn dùng để miêu tả tình thế và hoạt động của người dịch trong nền văn hóa Anh-Mỹ đương đại. Nó chỉ ít nhất hai hiện tượng quyết định lẫn nhau: một là hiệu ứng ảo tưởng gây nên từ diễn ngôn, từ sự điều khiển ngôn ngữ dịch của chính người dịch, ở đây là tiếng Anh; và hai là thực hành đọc và đánh giá bản dịch chiếm ưu thế lâu nay tại Anh và Mỹ, cũng như nhiều nền văn hóa khác, cả bằng tiếng Anh lẫn các thứ tiếng nước ngoài. Một văn bản dịch, dù là thơ hay văn, hư cấu hay phi hư cấu, được hầu hết các nhà xuất bản, người điểm sách và người đọc đánh giá là chấp nhận được khi bản dịch đó trôi chảy, khi sự vắng bóng những khác lạ trong ngôn ngữ hoặc phong cách khiến nó dường như trong suốt, cho ta cảm giác rằng nó phản ánh tính cách hoặc ý định của nhà văn ngoại quốc kia hoặc ý nghĩa cốt yếu của văn bản ngoại văn đó – nói cách khác, cái cảm giác rằng bản dịch thực ra không phải là bản dịch, mà là “nguyên bản”. Ảo tưởng về tính trong suốt là hệ quả của chiến lược dịch trôi chảy, của những nỗ lực khi người dịch cố gắng đảm bảo bản dịch dễ đọc bằng việc bám lấy những cách dùng hiện có, đảm bảo một cú pháp lưu loát, xác định một ý nghĩa chính xác. Nhưng người đọc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu ứng ảo tưởng này sẽ xảy ra, bởi vì xu hướng chung là người ta đọc bản dịch chủ yếu để lấy nghĩa, coi đặc trưng phong cách trong bản dịch là vốn dĩ của văn bản hoặc của tác giả ngoại văn, và nghi ngờ mọi cách dùng từ có thể cản trở sự truyền đạt có vẻ như êm xuôi ý định của nhà văn ngoại quốc. Điều đáng chú ý ở đây là hiệu ứng trong suốt đã che khuất vô số những điều kiện của quá trình tạo nên bản dịch, bắt đầu bằng sự can thiệp tất yếu của người dịch. Bản dịch càng trôi chảy, người dịch càng vô hình, và điều được giả định là nhà văn hoặc ý nghĩa của văn bản ngoại văn sẽ càng hữu hình.

Ta thấy rõ sự thống trị của tính trôi chảy trong các bản dịch tiếng Anh khi lướt qua một vài bài điểm sách từ báo chí. Trong những trường hợp hiếm hoi khi người điểm sách có nhận xét chút nào về bản dịch, các bình luận vắn tắt đó thường sẽ chỉ tập trung vào phong cách của bản dịch, lờ đi những câu hỏi khả dĩ khác như bản dịch chính xác đến đâu, hướng đến đối tượng nào, có giá trị thương mại ra sao trong thị trường sách hiện tại, liên hệ như thế nào tới các xu hướng của dòng văn chương viết bằng tiếng Anh, chiếm vị trí ra sao trong sự nghiệp của người dịch. Và trong suốt hơn 60 năm qua, những bình luận đó đã trở nên thống nhất với nhau một cách đáng kinh ngạc trong việc ngợi ca tính trôi chảy và nguyền rủa bất cứ gì đi chệch ra khỏi đó, dù đang xem xét những văn bản ngoại văn ở các thể loại đa dạng nhất.

Ta hãy lấy hư cấu, thể loại được dịch nhiều nhất trên thế giới, làm ví dụ. Chỉ giới hạn trong các nhà văn châu Âu và Mỹ Latinh, là những người được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất, và ở mỗi loại, tiểu thuyết và truyện ngắn, hiện thực và huyền ảo, thơ ca và triết lý, tâm lý và chính trị, lại chọn lấy vài cái tên, ta sẽ có một danh sách khả dĩ như sau: Kẻ xa lạ (1946) của Albert Camus, Buồn ơi chào mi (1955) của Françoise Sagan, Absent Without Leave (1965) của Heinrich Böll, Cosmicomics (1968) của Italo Calvino, Trăm năm cô đơn (1970) của Gabriel García Márquez, Sách cười và lãng quên (1980) của Milan Kundera, In Praise of the Stepmother (1990) của Mario Vargas Llosa, Appearances (1992) của Gianni Celati, A Russian Doll (1992) của Adolfo Bioy Casares, Dangerous Virtues (1997) của Ana Maria Moix, Hạt cơ bản (2000) của Michel Houellebecq, Tên tôi là Đỏ (2001) của Orhan Pamuk, The Double (2004) của José Saramago, và The Successor (2005) của Ismail Kadare. Một số bản dịch giành được thành công cả về mặt phê bình lẫn thương mại trong thế giới nói tiếng Anh, một số khác chào đời tưng bừng rồi chìm vào biển quên lãng, những số khác nữa đến và đi mà không được chú ý gì. Tuy nhiên trong các bài điểm sách, tất cả chúng đều được nhìn nhận theo cùng một tiêu chuẩn: tính trôi chảy. Những nhận xét sau đây được trích từ các tạp chí tại cả Anh và Mỹ, cả chuyên văn chương và hướng đại chúng, một số là của các nhà phê bình, tiểu thuyết gia và người điểm sách danh tiếng:

Rất khó truyền tải được sự sắc bén và sinh động trong tiếng Pháp, nhưng văn của Gilbert luôn tự nhiên, tuyệt vời và gọn ghẽ.

(Wilson 1946:100)

Văn phong trang nhã, câu văn đáng yêu và bản dịch thật xuất sắc.

(New Republic 1955:46)

Trong cuốn tiểu thuyết ngắn Absent Without Leave, với bản dịch duyên dáng, tuy không phải là luôn toàn bích của Leila Vennewitz, Böll tiếp tục những thăm dò khắc nghiệt, đôi khi không thương xót, vào lương tâm, những giá trị và những khiếm khuyết của đồng bào mình.

(Potoker 1965:42)

Một bản dịch trôi chảy dễ chịu. Hai chương đã được đăng trên tạp chí Playboy.

(Times Literary Supplement 1969:180)

Bản dịch của Rabassa là chiến công của đà kể trôi chảy và giàu sức chứa đựng, với phong cách và sự điêu luyện đầy thông thái.

(West 1970:4)

Bốn cuốn sách đầu tiên của ông dịch sang tiếng Anh không có được ngôn ngữ chính xác giàu chất thơ đến choáng người như cuốn này (người dịch vô hình ở đây là Michael Henry Heim).

(Michener 1980:108)

Helen Lane có cách dịch trung thành với tiêu đề gốc của cuốn sách Elogio de la Madrastra [Tụng ca mẹ kế] của Mario Vargas Llosa nhưng không được tự nhiên cho lắm.

(Burgess 1990:11)

Bản dịch của Stuart Hood, tuôn chảy và gọn ghẽ dù đôi chỗ dùng giọng Anh nghe rất lạc lõng, đã truyền đạt chính xác khả năng ngôn ngữ sắc bén của Celati.

(Dickstein 1992:18)

Rất thường khô cứng, đôi chỗ còn cẩu thả và sai, bản dịch cho thấy rõ đã thực hiện trong vội vàng và sửa sang lại một cách kém cỏi.

(Balderston 1992:15)

Ngôn ngữ của Moix, được Margaret E. W. Jones dịch hết sức mượt mà, mời gọi người đọc cùng trồi sụt theo những đỉnh cao và vực thẳm trong tâm trạng của người chủ nhà.

(Gaffney 1997:7)

Bản dịch của Frank Wynne trôi chảy và nghe rất tự nhiên, dù tôi thấy đôi chỗ cái rõ ràng trong những ý tưởng kỳ khôi của tác giả bị làm cho mờ đục.

(Berman 2000:28)

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh vào thế kỷ XVI, được Erdag M. Goknor dịch với sự duyên dáng trơn tru.

(Eder 2001:7)

Bản dịch của Margaret Jull Costa từ tiếng Bồ Đào Nha cuốn ta đi băng băng.

(Cobb 2004:32)

Dù qua bản dịch lủng củng này (từ bản tiếng Pháp chứ không phải từ bản gốc tiếng Albania), Kadare đã đứng vào hàng ngũ của Orwell, Kafka, Kundera và Solzhenitsyn để viết nên một cuốn biên niên quan trọng về áp bức.

(Publishers Weekly 2005:43)

Kho từ vựng để phê bình văn chương của giới báo chí thời hậu Thế chiến II đầy rẫy những từ thể hiện sự có hoặc không của chiến lược dịch trôi chảy: tự nhiên, duyên dáng, tuôn chảy, uyển chuyển, khô cứng, mượt mà, trơn tru, lủng củng. Thậm chí còn có một nhóm các từ mới ra đời có tính tiêu cực để chỉ trích những bản dịch thiếu trôi chảy, nhưng còn được sử dụng nói chung để gọi thứ văn xuôi viết dở: “văn dịch” (“translatese / transationese / translatorese”). Trong tiếng Anh, bản dịch trôi chảy được hoan nghênh ở khắp mọi lĩnh vực: đương đại hay cổ đại, tôn giáo hay khoa học, hư cấu hay phi hư cấu.

Không phải lúc nào ta cũng dễ tìm ra những câu “văn dịch” trong phiên bản dịch từ tiếng Hebrew, bởi các đặc ngữ kiểu ấy đã trở nên quen thuộc với chúng ta qua phiên bản Kinh thánh King James.

(Times Literary Supplement 1961:iv)

Dịch giả đã cố sử dụng tiếng Anh hiện đại sao cho sinh động mà không rơi vào từ lóng. Hơn hết, người dịch đã nỗ lực tránh thứ “văn dịch” thiếu suy nghĩ từng rất thường xuyên khiến các tác phẩm văn học dịch từ tiếng Nga rơi vào một thứ phong cách đặc trưng của sách dịch Nga, có phần lổn nhổn, mà không liên quan gì đến phong cách vốn có trong bản gốc.

(Hingley 1964:x)

Người dịch đã quá trịnh trọng tôn kính bản gốc, và để cho nó một màu cổ kính chân thực, đã nhét nó vào thứ văn dịch nhàn nhạt thường thấy trong những văn bản rề rà hơn của ông.

(Corke 1967:761)

Thậm chí còn có một biến thể quen thuộc của tiếng Anh lai căng được gọi là “translatorese” (“transjargonisation” là từ Mỹ chỉ một tiểu loại cụ thể trong thứ này).

(Times Literary Supplement 1967:399)

Sự cứng nhắc đến trơ cảm xúc (“I am concerned to determine”), sự nhạt nhẽo nặng nề của thứ văn dịch (“Here is the place to mention Pirandello finally”) thường là cái giá mà nói chung là chúng ta sẽ ít nhiều sẵn sàng trả để tiếp cận những tư tưởng vĩ đại.

(Brady:201)

Tập hợp một loạt trích dẫn như vậy cho ta hiểu, trong một bản dịch tiếng Anh, những đặc trưng diễn ngôn như thế nào thì tạo ra sự trôi chảy và như thế nào thì không. Một bản dịch trôi chảy phải dùng thứ tiếng Anh đương thời (“hiện đại”) chứ không nên cổ giả, phổ thông đại chúng chứ không nên chuyên ngành, và phải là từ chuẩn chứ không nên là khẩu ngữ (“từ lóng”). Những từ nước ngoài, hoặc những từ ngữ tiếng Anh mang dấu ấn từ một thứ tiếng nước ngoài (“lai căng”) nên tránh dùng, cũng như những từ kiểu Anh trong các bản dịch ở Mỹ, và các từ kiểu Mỹ trong các bản dịch ở Anh. Sự trôi chảy cũng phụ thuộc vào cú pháp, tức là không được quá “trung thành” với bản gốc đến mức “không được tự nhiên cho lắm”, tức là luôn trôi chảy và dễ hiểu (“băng băng” chứ không phải “lổn nhổn”) để đảm bảo tính “chính xác” về ngữ nghĩa với sự rõ nét về nhịp điệu, một cảm giác trọn vẹn (không phải “nhạt nhẽo nặng nề”). Một bản dịch trôi chảy cần phải đọc là quen ngay và hiểu ngay, được “làm cho quen”, thuần hóa, không xa lạ đến thành “lạc lõng”, có khả năng cho người đọc dễ dàng “tiếp cận những tư tưởng vĩ đại”, biết được những gì “vốn có trong văn bản gốc”. Dưới sự thống trị của việc dịch trôi chảy, người dịch cố gắng để công việc của mình trở nên “vô hình”, tạo ra ảo tưởng về tính trong suốt mà ảo tưởng ấy đồng thời cũng che giấu rằng bản thân nó là ảo tưởng: bản dịch có vẻ “tự nhiên”, tức là, như không phải bản dịch.

Tính trôi chảy trở thành yếu tố thống trị trong các bản dịch tiếng Anh cũng phản ánh những xu hướng tương tự diễn ra ở những hình thái văn hóa khác, gồm cả các dạng văn viết khác. Quyền lực chính trị và kinh tế khủng khiếp mà nghiên cứu khoa học có được trong thế kỷ XX, những phát minh tiên tiến trong công nghệ truyền thông thời hậu Thế chiến II giúp bành trướng ngành công nghiệp giải trí và quảng cáo và tạo tiền đề cho vòng quay kinh tế sản xuất và trao đổi hàng hóa – những phát triển này đã tác động tới mọi phương tiện, cả giấy lẫn điện tử, bằng cách cổ xúy cho việc dùng ngôn ngữ cùng các phương tiện trình hiện khác chỉ như một công cụ đơn thuần, và do đó nhấn mạnh tính hiểu được ngay lập tức và cái vỏ ngoài vờ như thực tế[i]. Nhà thơ người Mỹ Charles Bernstein đã làm một “cây viết thương mại” trong suốt nhiều năm với vô số các thể loại phi hư cấu – y khoa, khoa học, kỹ thuật – nhận xét rằng quyền lực của tính trôi chảy trong văn xuôi đương đại sinh ra từ giá trị kinh tế của nó, chỉ chấp nhận đi chệch ra khỏi đó trong những “giới hạn” nhất định:

thực tế rằng đại đa số những công việc được trả lương ổn định để viết là những công việc yêu cầu phong cách viết đơn giản, có thẩm quyền, nếu không phải là thứ quảng cáo thẳng thừng; nghĩa là phong cách viết đầy những điều kiện hạn chế. Thực tế này giải thích tại sao đây không chỉ đơn thuần là vấn đề lựa chọn phong cách mà là vấn đề quản trị xã hội: chúng ta không có quyền tự do lựa chọn ngôn ngữ ở nơi làm việc hoặc tại gia đình nơi ta được sinh ra, dù chúng ta được tự do cưỡng lại chúng, trong những giới hạn nhất định.

(Bernstein 1986:225)

Tất nhiên, “văn phong đơn giản” trong văn viết tiếng Anh phải mất vài thế kỷ mới đạt được quyền lực này, một quá trình mà Bernstein đã miêu tả là “sự vận động lịch sử hướng tới đồng bộ chính tả và ngữ pháp, với hệ ý thức nhấn mạnh vào sự chuyển dịch trơn tru, thiếu đặc thù, loại bỏ mọi sự trúc trắc, v.v. tức là, bất cứ điều gì có thể thu hút sự chú ý vào bản thân ngôn ngữ.” (sđd.:27) Trong văn chương Anh-Mỹ đương đại, sự vận động này đã biến chủ nghĩa hiện thực thành hình thức văn tường thuật phổ biến nhất, và thứ thơ tự do như văn xuôi thành hình thức thơ phổ biến nhất:

trái với, ví dụ tác phẩm của Sterne chẳng hạn, nơi vẻ ngoài và bề mặt – độ mờ – của văn bản hiện diện khắp nơi, một phong cách văn xuôi trong suốt và trung tính đã hình thành trong một số tiểu thuyết nhất định, nơi từ ngữ dường như để nhìn xuyên thấu – nhìn tới cái thế giới được miêu tả bên kia trang sách. Tương tự, trong thứ thơ ca không cao không thấp hiện nay, ta cũng thấy loại bỏ hết vần điệu và lối điệp láy rõ ràng, chỉ giữ lại nhịp điệu, chủ yếu do nó giúp chính thức hóa cái tên gọi “thơ”.

(sđd.)[ii]

Theo những xu hướng văn hóa này, tính trôi chảy có vẻ chắc chắn sẽ trở thành chiến lược có thẩm quyền chính đối với dịch thuật, dù văn bản được dịch là văn chương hay khoa học kỹ thuật, nhân văn hay thực dụng, cuốn tiểu thuyết hay tờ thực đơn nhà hàng. Dịch giả người Anh J. M. Cohen đã nhận thấy sự phát triển này ngay từ năm 1962, khi ông nhận xét rằng “các dịch giả thế kỷ XX, bị ảnh hưởng bởi việc dạy kiến thức khoa học và tầm quan trọng ngày càng lớn của tính chính xác […] nói chung đã tập trung vào nghĩa của câu và cách diễn giải mà lơ đi sự mô phỏng về thể loại và phong cách.” (Cohen 1962:35) Cohen cũng nhận ra ở đây có sự nội hóa gây ra “nguy cơ làm mờ nhạt phong cách cá nhân của tác giả và những lối chơi chữ khéo léo trong ngôn ngữ của họ thành thứ văn xuôi đồng bộ phẳng lặng,” nhưng ông cảm thấy những bản dịch “tốt nhất” đã tránh được “mối nguy” này. (sđd.:33). Tuy nhiên, ông không nhận ra rằng, tiêu chí quyết định bản dịch “tốt nhất” vẫn là tiêu chí đặc Anh. Dịch tập trung vào “nghĩa của câu và cách diễn giải”, thực hành dịch như một cách giao tiếp đơn giản, là viết lại văn bản ngoại văn theo những giá trị sẵn có trong tiếng Anh như tính trôi chảy cùng hiệu ứng trong suốt mà nó đưa lại, mà che khuất toàn bộ công sức nội hóa của người dịch – thậm chí trong mắt của chính người dịch.

Sự vô hình của người dịch còn bị ảnh hưởng một phần bởi quan niệm vị cá nhân về tư cách tác giả, vẫn tiếp tục phổ biến trong văn hóa Anh-Mỹ. Theo quan niệm này, tác giả tự do bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của mình trong việc viết, những gì viết ra được coi là một cách trình hiện bản thân nguyên gốc, trong suốt, không chịu sự trung gian của những yếu tố hạn định siêu cá nhân (ngôn ngữ, văn hóa, xã hội) có thể làm phức tạp thêm tính nguyên bản của tác giả. Quan điểm về tác giả như vậy tạo ra hai hệ quả ngầm bất lợi cho người dịch. Một là, bản dịch được định nghĩa là một sự trình hiện bậc hai: chỉ có bản trong ngôn ngữ gốc mới có thể là nguyên bản, chân thực, đúng với con người hoặc ý đồ của tác giả; trong khi đó bản dịch là bản phái sinh, giả tạo, có khả năng còn là một bản sai. Hai là, bản dịch phải che giấu vị thế bậc hai của nó bằng hiệu ứng trong suốt, tạo ra ảo tưởng về sự hiện diện của tác giả, để cho bản dịch có thể được coi như bản gốc. Chỉ ra những hệ quả như vậy không có nghĩa là tôi cho rằng người dịch nên được nhìn nhận ngang hàng như tác giả nước ngoài: bản dịch, về mặt ý đồ lẫn tác động, đều khác với những sáng tác nguyên bản, và sự phân biệt cơ bản này xứng đáng được duy trì như một phương tiện miêu tả những thực hành viết đa dạng. Đúng hơn, ở đây tôi muốn nói rằng bản chất chân xác của tư cách tác giả của người dịch vẫn còn chưa được phát biểu rõ, và vì thế ý niệm tính nguyên bản tác giả vẫn sẽ tiếp tục hạ thấp công việc của người dịch. (xem Venuti 1998:chương 2).

Tuy nhiên, dù quan niệm có tính cá nhân về tư cách tác giả này hạ thấp giá trị của việc dịch đến mức nào trong con mắt của người xuất bản, người điểm sách và người đọc, nó vẫn quá phổ biến đến mức nó còn định hình cách người dịch tự trình hiện, dẫn tới việc một số người dịch coi mối quan hệ của họ với văn bản gốc về mặt tâm lý giống như một quá trình đồng nhất bản thân với tác giả. Dịch giả người Mỹ Willard Trask (1900-1980), một dịch giả quan trọng của thế kỷ XX nếu nói về lượng tác phẩm của ông cùng tầm quan trọng văn hóa của chúng, đã phân biệt rất rành mạch giữa việc sáng tác và dịch thuật. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, khi được hỏi liệu “thôi thúc” dịch thuật của ông có phải “giống như của một nhà văn muốn viết tiểu thuyết” (một câu hỏi rõ ràng vị cá nhân khi nó đề cập đến “thôi thúc” sáng tác), Trask trả lời:

Không, tôi không nghĩ vậy, bởi tôi đã từng thử viết một cuốn tiểu thuyết. Khi bạn viết tiểu thuyết […], rõ ràng là bạn đang viết về những con người, những nơi chốn, điều này hay điều khác, và điều bạn thực sự đang làm là bộc lộ bản thân mình. Trong khi đó, bạn dịch không có nghĩa là bạn bộc lộ bản thân mình. Bạn đang thể hiện một màn trình diễn kỹ thuật. […] Tôi nhận ra rằng người dịch và diễn viên cần có cùng một kiểu tài năng. Điểm chung của họ chính là đem thứ gì đó của người khác diễn đạt lại như thể chúng là của mình. Tôi nghĩ là bạn phải có khả năng đó. Vì thế, ngoài màn trình diễn kỹ thuật ngoạn mục, việc dịch còn yêu cầu bạn chuẩn bị tâm lý: một kiểu giống như khi bạn bước lên sân khấu. Nó là một điều gì đó hoàn toàn khác so với điều tôi nghĩ về làm thơ.

(Honig 1985:13–14)

Trong so sánh của Trask, người dịch diễn vai tác giả, và bản dịch đội lốt bản gốc. Một số người dịch ý thức được rằng mọi cảm giác về sự hiện diện của tác giả trong bản dịch đều là ảo tưởng, là hiệu ứng của diễn ngôn trong suốt, giống như một “màn trình diễn”, nhưng họ vẫn khẳng định rằng họ tham dự vào một mối quan hệ “tâm lý” với tác giả, mà ở đó, họ kìm lại “tính cách” của chính mình. “Tôi kiểu như cho rằng tôi ở trong một kiểu hợp tác với tác giả,” dịch giả người Mỹ Norman Shapiro nói. “Cái tôi và tính cách của tôi chắc chắn có tham gia vào quá trình dịch, vậy nhưng tôi vẫn phải cố gắng trung thành với văn bản gốc sao cho tính cách của tôi không lộ ra.” (Kratz 1986:27)

Sự vô hình của người dịch vì thế như một sự tự hủy diệt kỳ cục, một cách tư duy và thực hành dịch thuật mà chắc chắn càng củng cố thêm vị trí ngoại biên của ngành này trong nền văn hóa Anh-Mỹ. Bởi dù trong năm mươi năm qua, ta đã thấy sự hình thành các trung tâm dịch thuật và các chương trình đào tạo dịch giả trong các đại học Anh và Mỹ, cũng như sự ra đời của các ủy ban, hiệp hội, tổ chức, giải thưởng cho dịch thuật trong các tổ chức văn chương như Hiệp hội Nhà văn London, và trung tâm PEN Hoa Kỳ tại New York, sự thật là người dịch vẫn chỉ được công nhận rất ít ỏi cho công sức của họ – bao gồm cả dịch giả những tác phẩm có thể tạo tiếng tăm vì nó bán chạy, đạt giải thưởng, gây tranh cãi hay bị kiểm duyệt. Cách thường thấy nhất khi người dịch được đề cập đến trong một bài điểm sách là thông tin sẽ xuất hiện dưới dạng một ghi chú ngắn, hầu như đều đánh giá độ trôi chảy hoặc trong suốt của bản dịch.

Tuy vậy, thông tin này cũng không xuất hiện phổ biến. Ronald Christ đã nêu lên một thực trạng thường thấy: “Rất nhiều tờ báo, như The Los Angeles Times, thậm chí còn không nêu tên người dịch trong các thông tin chính ở đầu bài điểm sách, người điểm sách thường chả mấy khi nói rằng đây là sách dịch (trong khi trích dẫn từ đó như thể tác phẩm được viết bằng tiếng Anh), và các nhà xuất bản cũng đồng loạt loại bỏ tên của người dịch trên bìa sách và trong quảng cáo.” (Christ 1984:8). Một ví dụ đặc biệt kinh hoàng cho sự loại trừ này xảy ra vào năm 2001 với bản dịch Anna Karenina của Richard Pevear và Larissa Volokhonsky. Penguin Classics đã cho chạy một quảng cáo trích dẫn từ các bài điểm sách, ca ngợi bản dịch vì tính trong suốt của nó (Allan Massie trên tờ Scotsman: “Bản dịch đọc lên tự nhiên đến mức ta quên mất nó là bản dịch”) nhưng không thấy tên người dịch được nêu ở bất kỳ đâu (Times Literary Supplement 21.12.2001:7). Ngay cả khi người điểm sách là một nhà văn, tiểu thuyết gia hay một nhà thơ chẳng hạn, việc cuốn sách đang được điểm là một tác phẩm dịch cũng có thể bị bỏ qua. Năm 1981, nhà văn người Mỹ John Updike có bài điểm hai cuốn tiểu thuyết cho New Yorker, Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino và The Meeting at Telgte của Günter Grass. Toàn bộ bài luận dài lê thê đó chỉ đề cập qua đến dịch giả. Tên của họ xuất hiện trong dấu ngoặc đơn đặt cạnh tựa đề sách bằng tiếng Anh khi nhắc đến lần đầu tiên. Những nhà điểm sách đáng ra cần có cảm nhận ngôn ngữ của một nhà văn lại hiếm khi có ý định thảo luận về bản dịch như một tác phẩm viết.

Sự tồn tại mờ nhạt của người dịch trong văn hóa Anh-Mỹ còn thể hiện rõ hơn, và được củng cố thêm, ở vị thế pháp lý mơ hồ và bất lợi của bản dịch, cả trong luật tác quyền lẫn các thỏa thuận hợp đồng trên thực tế. Luật pháp Anh và Mỹ định nghĩa bản dịch là một “bản phóng tác” [adaptation], hoặc “một tác phẩm phái sinh” [derivative work] dựa trên một “tác phẩm nguyên gốc của tác giả”, và bản quyền, bao gồm cả độc quyền “soạn ra tác phẩm phái sinh” hoặc “bản phóng tác”, cũng thuộc về tác giả[iii]. Người dịch vì thế đứng ở bậc thấp hơn so với tác giả, còn tác giả có quyền kiểm soát quyết định tới việc xuất bản bản dịch trong suốt thời gian bản quyền có hiệu lực đối với văn bản “nguyên gốc”, hiện nay lên đến 70 năm kể từ sau khi tác giả qua đời. Tuy nhiên, vì tư cách tác giả ở đây được định nghĩa là việc tạo ra một dạng thức hoặc phương tiện biểu đạt, chứ không phải tạo ra một ý tưởng, bảo vệ tính nguyên bản trong ngôn ngữ, chứ không phải trong tư duy, nên luật pháp Anh và Mỹ cũng cho phép bảo hộ bản dịch với tên của người dịch, ghi nhận rằng người dịch đã dùng một ngôn ngữ khác để diễn đạt lại văn bản ngoại văn và từ đó có thể được hiểu là đang tạo ra một tác phẩm nguyên bản (Skone James và cộng sự, 1991; Stracher 1991). Theo luật tác quyền, người dịch vừa là, vừa không phải là tác giả[iv].

Tư cách tác giả của người dịch chưa từng được thừa nhận đầy đủ về mặt pháp luật bởi sự ưu tiên dành cho tác giả nước ngoài trong việc kiểm soát bản dịch – thậm chí tới mức xâm phạm quyền của người dịch như một công dân Anh hoặc Mỹ. Khi phê chuẩn các công ước quốc tế về bản quyền như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Anh và Mỹ đồng ý coi công dân của các quốc gia thành viên khác như công dân của mình vì các mục đích bản quyền (Scarles 1980:8–11). Do đó, luật pháp Anh và Mỹ quy định rằng bản dịch sang tiếng Anh của một văn bản ngoại văn chỉ được xuất bản khi có thỏa thuận với tác giả sở hữu bản quyền của văn bản đó – tức là nhà văn ngoại quốc, hoặc, trong nhiều trường hợp, một nhà xuất bản hoặc hãng đại diện. Người dịch có thể được hưởng đặc quyền tác giả là nắm bản quyền đối với bản dịch của mình, nhưng sẽ không được pháp luật bảo hộ như các tác giả là công dân Anh hoặc Mỹ khác có được, vì phải nhường sự bảo hộ đó cho một tác giả khác, một công dân nước ngoài. Định nghĩa pháp lý mơ hồ về “bản dịch”, vừa nguyên bản vừa phái sinh, cho thấy một hạn chế trong quyền công dân của người dịch, cũng như sự bất lực của luật bản quyền hiện tại không đủ sức nghĩ về bản dịch như một sản phẩm xuyên biên giới, bất chấp sự tồn tại của các công ước quốc tế. Công ước Berne (Paris, 1971) cùng một lúc vừa công nhận nhưng rồi lại tước bỏ quyền tác giả của người dịch: “Bản dịch, bản phóng tác, bản phổ nhạc và các hình thức chuyển thể khác từ một tác phẩm văn chương hoặc nghệ thuật sẽ được bảo hộ như một tác phẩm nguyên bản mà không làm tổn hại tới bản quyền của tác phẩm nguyên tác” thuộc về tác giả nước ngoài, người “có quyền duy nhất trong việc dịch và ủy quyền bản dịch” (các điều 2(3), 8)[v]. Luật bản quyền không dành chỗ cho tư cách tác giả của người dịch ngang hàng với hoặc gây hạn chế dù theo cách nào đến các quyền của tác giả ngoại quốc. Và tuy vậy, luật vẫn thừa nhận rằng có cơ sở quan trọng để cho phép sự hạn chế như vậy đến một mức nào đó.

Trên thực tế, hợp đồng dịch thuật từ sau Thế chiến II rất đa dạng, một phần là bởi những mơ hồ trong luật bản quyền, một phần cũng là bởi những yếu tố khác như sự biến động của thị trường sách, trình độ chuyên môn của người dịch, và mức độ khó khăn trong mỗi dự án dịch cụ thể. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, ta có thể thấy được một số xu hướng chung, cho thấy rằng các nhà xuất bản đã ngăn chặn mọi quyền của người dịch đối với bản dịch. Các mẫu hợp đồng tiêu chuẩn tại Anh đều yêu cầu người dịch trao toàn bộ và tuyệt đối bản quyền bản dịch cho nhà xuất bản. Tại Mỹ, định nghĩa phổ biến nhất về văn bản sản phẩm dịch mà các hợp đồng thường nêu không phải là “tác phẩm nguyên gốc của một tác giả” mà là “một sản phẩm được thuê thực hiện”, và luật bản quyền Mỹ quy định về khái niệm này là “người tuyển dụng hoặc người thuê thực hiện bản dịch sẽ được xem là tác giả […] và sẽ là người sở hữu mọi quyền nằm trong bản quyền, trừ khi hai bên cùng công khai có thỏa thuận khác và đồng ý bằng văn bản có chữ ký của cả hai bên.” (17 Bộ Luật Mỹ, Mục 101, 201 (6)). Những hợp đồng kiểu đi thuê như vậy đã khiến người dịch trở nên tha hóa với thành quả lao động của mình một cách khá tuyệt đối. Đây là một điều khoản như thế trong bản hợp đồng mẫu mà NXB Đại học Columbia dành cho người dịch:

Anh/chị và NXB thống nhất rằng tác phẩm mà anh/chị sẽ hoàn thiện là công việc được NXB đặc biệt yêu cầu và đặt hàng, là sản phẩm được thuê theo định nghĩa về khái niệm này trong Đạo luật Bản quyền. Theo đó, NXB sẽ là chủ sở hữu duy nhất, toàn bộ và vĩnh viễn trên phạm vi toàn cầu đối với mọi quyền liên quan đến sản phẩm được tạo thành, mà anh/chị hoặc bất cứ ai đại diện thay cho hoặc thông qua anh/chị đều không thể đòi hỏi được.

Kiểu hợp đồng thuê này là điển hình của sự mơ hồ trong vị thế pháp lý của dịch giả khi nó đưa thêm một điều khoản (cũng mẫu) khác ngầm thừa nhận người dịch là một tác giả, người tạo ra một tác phẩm “nguyên bản”: “Anh/chị đảm bảo rằng sản phẩm của mình là nguyên bản và không vi phạm bản quyền hoặc mọi quyền của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.”

Những hợp đồng yêu cầu người dịch trao quyền sở hữu, hoặc những hợp đồng định nghĩa bản dịch là sản phẩm được thuê làm, đều mang tính bóc lột về mặt chia lợi nhuận. Bản dịch được trả một khoản thù lao trọn gói tính theo nghìn chữ trong ngôn ngữ được dịch ra, dù cho lợi nhuận tiềm năng có lớn tới đâu từ việc bán cuốn sách đó cùng những quyền bổ sung (như xuất bản nhiều kỳ, cấp quyền bản bìa mềm cho một NXB khác, quyền chuyển thể thành phim). Một trường hợp cụ thể trong thực tế sẽ cho ta thấy rõ kiểu hợp đồng này bóc lột người dịch như thế nào. Ngày 12 tháng 5 năm 1965, dịch giả người Mỹ Paul Blackburn ký thỏa thuận với NXB Pantheon cho bản dịch End of the Game, tập truyện ngắn của nhà văn Argentina Julio Cortázar và nhận “15 đô la cho mỗi 1000 chữ”[vi]. Blackburn đã nhận được tổng cộng 1200 đô la cho bản dịch in ra tương ứng 277 trang sách, Cortázar nhận 2000 đô la tạm ứng trừ vào 7,5% giá bìa của 5000 bản in đầu tiên. “Chuẩn nghèo” mà chính quyền liên bang quy định vào năm 1965 là mức thu nhập 1894 đô la/năm (đối với nam). Thu nhập khi làm biên tập của Blackburn thường là khoảng 8000 đô la, nhưng để hoàn thành bản dịch, anh phải giảm lượng công việc biên tập và tìm kiếm tài trợ từ các quỹ tư nhân và các hãng nghệ thuật (nhưng đều thất bại). Cuối cùng, anh đề nghị gia hạn thời gian nộp bản dịch từ khoảng 12 tháng lên 16 tháng (hợp đồng ghi ngày 1 tháng 6 năm 1966 rồi sửa thành ngày 1 tháng 10 năm 1966). Trong khi đó, bản dịch của anh vẫn được in liên tục kể từ năm 1967, mang lại doanh thu cho quỹ di sản của Cortázar (Cortázar qua đời vào năm 1984) và cho Pantheon một khoản lợi nhuận mà chắc chắn còn hơn mức “khá khẩm” rất nhiều.

Tình cảnh khó khăn của Blackburn là tình cảnh chung mà hầu hết các dịch giả tự do tiếng Anh phải đối mặt trong suốt thế kỷ 20: thù lao dưới mức sống được buộc họ hoặc phải dịch lắt nhắt ít một trong khi làm chính các công việc khác (chủ yếu là biên tập, viết lách, giảng dạy), hoặc phải nhận nhiều dự án dịch cùng một lúc, số lượng dự án phụ thuộc vào thị trường sách và giới hạn mà sức lực người dịch cho phép. Đến năm 1969, nhuận dịch trung bình cho các hợp đồng thuê tăng lên mức 20 đô la cho mỗi 1000 chữ, tức là bản dịch Cortázar của Blackburn khi đó trị giá 1600 đô la, còn ngưỡng thu nhập cho người nghèo được quy định ở mức 1974 đô la. Năm 1979, nhuận dịch lên 30 đô la và bản dịch của Blackburn có giá 2400 đô la, ngưỡng nghèo ở mức 3689 đô la[vii]. Theo một cuộc khảo sát vào năm 1990 của PEN Hoa Kỳ trong phạm vi 19 nhà xuất bản, 75% bản dịch được khảo sát đều thuộc kiểu hợp đồng thuê, mức nhuận dịch dao động từ 40-90 đô la cho mỗi 1000 chữ tiếng Anh (Keeley 1990:10–12; A Handbook for Literary Translators 1991:5–6). Một ước tính trong năm đó xác định chi phí cho bản dịch một cuốn tiểu thuyết khoảng 300 trang dao động từ 3000 đến 6000 đô la (Marcus 1990:13–14; xem thêm Gardam 1990). Chuẩn nghèo vào năm 1989 được quy định ở mức 5936 đô la cho người dưới 65 tuổi. Năm 2004, Jeremy Munday và tôi đã tiến hành một khảo sát và thu được câu trả lời của khoảng 60 người dịch sang tiếng Anh về mức nhuận dịch họ nhận được. Dù không hẳn mang tính đại diện, nhưng kết quả cho thấy nhuận dịch trung bình đã tăng lên mức 100 đô la/1000 chữ, tức là nhuận dịch cho một cuốn tiểu thuyết 300 trang là khoảng 9000 đô la. Chuẩn nghèo vào năm 2004 được quy định ở mức 9310 đô la đối với một người trưởng thành độc lập. Hoàn cảnh kinh tế như vậy buộc các dịch giả tự do cần đẻ ra bản dịch càng nhanh càng tốt, tất yếu sẽ hạn chế những sáng tạo văn chương và suy tư phê bình đối với mỗi dự án, trong khi đặt người dịch vào cảnh đối đầu nhau – thường là không muốn – trong cuộc cạnh tranh để giành dự án dịch và đàm phán nhuận dịch.

Kể từ thập niên 1980, các hợp đồng dịch thuật đã bắt đầu ghi nhận nhiều hơn vai trò cốt yếu của dịch giả trong quá trình tạo ra bản dịch bằng cách gọi người dịch là “tác giả” hoặc “dịch giả” và bảo hộ bản quyền bản dịch dưới tên người dịch. Định nghĩa mới này đi kèm với cải thiện về mặt tài chính, người dịch có kinh nghiệm sẽ nhận được một khoản tạm ứng trừ vào nhuận bút theo tiara (lượng phát hành), thường tính theo phần trăm giá bìa hoặc tổng doanh thu sách, cộng thêm một phần từ doanh thu bán các quyền phái sinh. Cuộc khảo sát năm 1990 của PEN đã cho thấy nhuận dịch chiếm “khoảng 2-5% giá sách bìa cứng và khoảng 1,5-2,5% giá bìa mềm” (Handbook 1991:5) và một số dịch giả vẫn còn tiếp tục giữ giá này dù đã sang thế kỷ 21. Nhưng rõ ràng đây chỉ là những gia tăng nhỏ bé. Dù chúng có cho thấy nhận thức ngày càng cao về tư cách tác giả của người dịch, những gia tăng này vẫn không tạo nên thay đổi đáng kể trong cơ chế kinh tế của ngành dịch thuật và một người dịch tự do vẫn khó mà đủ sống chỉ bằng nghề dịch. Lượng in đầu thông thường cho một tựa sách văn học dịch của một nhà xuất bản thương mại thường khoảng 5000 bản (con số sẽ thấp hơn đối với các nhà xuất bản của các trường đại học), vậy nên dù các hợp đồng có xu hướng trả thêm nhuận dịch theo lượng phát hành, người dịch cũng ít khi có thêm khoản thu nhập nào ngoài phần tạm ứng ban đầu. Chẳng có mấy bản dịch trở thành sách best-seller, được tái bản, dù dạng bìa cứng hay bìa mềm. Và có lẽ quan trọng hơn cả, chẳng có mấy bản dịch sang tiếng Anh được xuất bản.

Lượng sách xuất bản tại Anh và Mỹ đã tăng trưởng gấp hơn 10 lần kể từ thập niên 1950 nhưng số lượng sách dịch vẫn dừng chân ở mức khoảng 2-4% sách xuất bản hằng năm, dù có một đợt tăng đáng kể vào đầu thập niên 1960 lên mức 4-7%[viii]. Trong thập kỷ vừa qua con số còn tụt xuống hơn nữa. Theo các số liệu của ngành xuất bản, năm 1995, các nhà xuất bản tại Mỹ phát hành 113.589 tựa sách trong đó có 3252 tựa là sách dịch (2,85%), còn tới năm 2004 là 4040 sách dịch trong tổng cộng 195.000 tựa (2,07%). Năm 2001 các nhà xuất bản Anh cho ra đời 119.001 cuốn sách, trong đó 1668 cuốn tức 1,4% là sách dịch.

Việc xuất bản ở các quốc gia khác, nói chung, thể hiện điều ngược lại. Nền xuất bản Tây Âu cũng bùng nổ trong vài thập niên qua, nhưng lượng sách dịch vẫn luôn chiếm một tỉ trọng đáng kể trong tổng lượng sách phát hành, và mảng này luôn bị thống trị bởi những bản dịch từ tiếng Anh. Tỉ lệ sách dịch tại Pháp dao động từ 8% đến 12%. Năm 1985, các nhà xuất bản tại Pháp phát hành tổng cộng 29.068 tựa, gồm 2867 tựa là sách dịch (9,9%), trong đó có 2051 tựa dịch từ tiếng Anh (Frémy 1992). Tỉ lệ ở Italia thì cao hơn. Năm 1989, các nhà xuất bản tại Italia phát hành 33.893 tựa, gồm 8602 tựa sách dịch (25,4%), còn năm 2002 tổng số sách ở Italia là 54.624 tựa và sách dịch là 12.531 (22,9%), trong cả hai năm này hơn một nửa số sách dịch là dịch từ tiếng Anh (Lottman 1991:S5; Publishers Weekly Daily 2005). Nền xuất bản của Đức có chút quy mô hơn của châu Âu, và ở đây tỉ lệ sách dịch cũng cao hơn đáng kể. Năm 1990, các nhà xuất bản của Đức phát hành 61.015 tựa sách, gồm 8716 tựa là sách dịch (14,4%) trong đó 5650 tựa dịch từ tiếng Anh (Flad 1992:40). Năm 2004 lượng sách mới phát hành ở Đức đã tăng lên 74.074 tựa, trong đó 5406 là sách dịch (7,3%), hơn một nửa dịch từ tiếng Anh (Emmerling 2006). Kể từ Thế chiến II, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ được dịch nhiều nhất trên thế giới, nhưng lại không có nhiều sách được dịch sang tiếng Anh, xét trên số sách tiếng Anh được xuất bản hằng năm. Năm 2000, theo các số liệu của UNESCO, toàn cầu có 43.011 tựa sách được dịch từ tiếng Anh, tiếp đó là 6670 từ tiếng Pháp, 6204 từ tiếng Đức, 2432 từ tiếng Italia, 1973 từ tiếng Tây Ban Nha.

Cán cân dịch thuật như vậy cho thấy sự mất cân bằng thương mại cùng các hệ quả văn hóa nghiêm trọng. Các nhà xuất bản Anh và Mỹ hằng năm đều tới các hội chợ sách quốc tế như Frankfurt Book Fair, nơi họ bán bản quyền dịch rất nhiều tựa sách tiếng Anh, bao gồm cả những cuốn bestseller toàn cầu, nhưng hiếm khi mua bản quyền dịch sang tiếng Anh những tựa sách ngoại văn. Họ dành nhiều sự chú ý hơn cho việc giành được những tựa bestseller, và sự ra đời của các tập đoàn xuất bản đa quốc gia với số vốn đầu tư lớn càng củng cố cho chính sách này (khoản tạm ứng cho một cuốn có-thể-sẽ-là-bestseller giờ lên tới hàng triệu đô la) trong khi hạn chế số lượng tựa sách có nguy cơ thất bại về mặt thương mại, như sách dịch (Whiteside 1981; Feldman 1986; Schiffrin 2000). Paul Marsh, một người đại diện văn học ở London, xác nhận xu hướng này bằng việc khuyến khích các nhà xuất bản tập trung vào việc bán thay vì mua bản quyền dịch: “bất kỳ tựa sách nào ngay từ đầu đã bán được bản quyền cho 4 hoặc 5 nước thì khả năng cao là đến cuối ngày sẽ đạt đến con số 9 hoặc 10.” (Marsh 1991:27) Marsh còn nói thêm rằng “hầu hết các hợp đồng bản quyền dịch đều chỉ cho một khoản thu về khiêm tốn” (sđd.) nhưng sự thật là các nhà xuất bản Anh, Mỹ thường xuyên nhận được một khoản tạm ứng béo bở cho những hợp đồng này, ngay cả khi một NXB hoặc đại diện nước ngoài thuyết phục họ xem xét các hình thức thu nhập khác (tức là, nhuận bút theo tiara). Chẳng hạn như Antonella Antonelli, một đại diện ở Milan, dù con số bà từng lấy ví dụ về một hợp đồng dịch từ tiếng Anh sang tiếng Italia mà bà coi là liều lĩnh – “nếu bạn trả tạm ứng 200 nghìn đô thì bạn không thể thu hồi vốn ở đây” – thực ra lại cho thấy việc mua bán bản quyền dịch đem lại lợi nhuận nhiều đến mức nào cho các nhà xuất bản liên quan, cả các nhà xuất bản nước ngoài cũng như nhà xuất bản Anh, Mỹ (Lottman 1991:S6). Năm 2000 các cuốn bestseller Mỹ từ các tác giả như Danielle Steel và Patricia Cornwell dịch ra tiếng Pháp, vừa xuất bản đã bán được trên 200.000 cuốn (Publishers Weekly 2000).

Hệ quả của sự mất cân bằng thương mại này rất đa dạng và sâu rộng. Bằng việc thường xuyên dịch một lượng lớn những tựa sách tiếng Anh đủ loại, các NXB nước ngoài đã khai thác triệt để cơn chuyển dịch toàn cầu đưa đến sự bá chủ của Mỹ về kinh tế và chính trị từ sau Thế chiến II, tích cực ủng hộ cho sự truyền bá văn hóa Anh-Mỹ khắp thế giới. Đổi lại, các nhà xuất bản Anh và Mỹ đã thu được lợi ích kinh tế từ việc áp đặt thành công các giá trị văn hóa của ngôn ngữ Anh lên một phổ độc giả nước ngoài rộng lớn, trong khi tạo ra một nền văn hóa nội địa đơn ngữ triệt để, kháng cự những nền văn học xa lạ, chỉ quen thuộc với những bản dịch trôi chảy áp những giá trị Anh-Mỹ vào văn bản ngoại quốc một cách vô hình, và khiến người đọc vui vẻ tự mãn như chàng Narcissus khi soi thấy nền văn hóa của chính mình trong nền văn hóa khác. Sự phổ biến của kiểu bản dịch được nội hóa trôi chảy càng củng cố cho hiện trạng này nhờ giá trị kinh tế của nó: được các biên tập viên, nhà xuất bản và người điểm sách áp đặt, sự trôi chảy tạo ra các bản dịch thật dễ đọc và do đó, dễ bán, góp phần vào quá trình biến sách thành hàng hóa và càng làm độc giả thờ ơ với văn bản ngoại văn và các chiến lược dịch thuật tiếng Anh nào ít quy hàng tính dễ đọc.

Sự vô hình của người dịch giờ đây có thể coi là một ảo tưởng đã lên đến quy mô tai hại, một cách giấu giếm thành công bất ngờ vô số yếu tố hạn định và hiệu ứng trong bản dịch tiếng Anh, và vô số những thứ bậc và loại trừ mà bản dịch đó có liên đới. Là một ảo tưởng do bản dịch trôi chảy nâng đỡ, sự vô hình của người dịch cùng lúc vừa tạo ra vừa che giấu sự nội hóa ngấm ngầm những văn bản nước ngoài, viết lại chúng theo diễn ngôn trong suốt phổ biến trong tiếng Anh và lựa chọn đúng những văn bản nào dễ dịch cho trôi chảy. Hiệu ứng trong suốt, khi làm lu mờ công việc của người dịch, đã góp phần củng cố vị thế ngoại biên về văn hóa và sự bóc lột về kinh tế mà các dịch giả tiếng Anh đã chịu đựng lâu nay, như những người viết được trả lương ít ỏi và hiếm khi được công nhận, dù công việc của họ vẫn tuyệt đối cần thiết vì có sự thống trị toàn cầu của nền văn hóa Anh-Mỹ, của tiếng Anh. Phía sau sự vô hình của người dịch là sự mất cân bằng thương mại không chỉ đảm bảo cho sự thống trị đó mà còn làm suy giảm vốn văn hóa của những giá trị ngoại quốc trong tiếng Anh bằng việc hạn chế số tác phẩm nước ngoài được dịch và bắt chúng trải qua quá trình hiệu đính nội hóa. Sự vô hình của người dịch là vết tích cho thấy sự tự cao của văn hóa Anh-Mỹ trong mối quan hệ với các nền văn hóa khác, một sự tự cao có thể miêu tả không quá rằng: ở trong nước thì bài ngoại còn ra nước ngoài thì đậm tính đế quốc.

Khái niệm sự “vô hình” của người dịch vốn đã là một phê bình văn hóa, một chẩn đoán để phản đối tình thế nó trình bày. Nó phần nào là sự trình hiện từ dưới đáy, từ quan điểm của người dịch tiếng Anh hiện nay, dù là một người đã đi đến bước phải chất vấn điều kiện làm nghề của mình bởi rất nhiều bước phát triển khác nhau, cả văn hóa và xã hội, cả trong nước và nước ngoài. Cuốn sách này nhằm giúp người dịch hữu hình hơn, để từ đó kháng lại và thay đổi những điều kiện lý thuyết hóa, nghiên cứu và thực hành dịch thuật ngày nay, đặc biệt là tại các nước nói tiếng Anh. Từ đó, bước đầu tiên là phải trình bày một cơ sở lý thuyết để giúp bản dịch được đọc như bản dịch, như một văn bản tự thân độc lập, để tính trong suốt của bản dịch được giải ảo và được nhìn chỉ như một hiệu ứng diễn ngôn giữa những hiệu ứng khác.

2 – Bạo lực của việc dịch

Dịch là một quá trình trong đó chuỗi cái biểu đạt cấu thành văn bản ngôn ngữ ngoại văn được thay thế bằng một chuỗi cái biểu đạt trong ngôn ngữ được dịch ra mà người dịch cung cấp trên cơ sở một cách diễn giải. Bởi nghĩa là một hiệu ứng từ các mối tương quan và khác biệt giữa những cái biểu đạt theo một chuỗi có thể là bất tận (đa nghĩa, liên văn bản, có thể mở ra các liên kết vô tận), nó luôn biến đổi [differential] và có độ trễ [deferred], không bao giờ hiện thân như một thể thống nhất nguyên bản (Derrida 1982) [ở đây nhắc đến khái niệm différance của Derrida, thường được dịch là “trì biệt” – Zzz]. Cả bản dịch và bản gốc đều có tính phái sinh: cả hai đều làm nên từ những chất liệu ngôn ngữ và văn hóa đa dạng vốn không khởi nguồn từ người viết hay người dịch, và điều này làm mất sự ổn định trong công việc biểu đạt, chắc chắn sẽ vượt ra ngoài và còn có khả năng xung đột với ý đồ của họ. Kết quả là, văn bản ngoại văn là nơi chứa đựng rất nhiều khả thể ngữ nghĩa khác nhau, chỉ được ấn định tạm thời trong mỗi bản dịch cụ thể, trên cơ sở các giả định văn hóa và lựa chọn diễn giải khác nhau, trong những tình huống xã hội cụ thể, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Nghĩa là một quan hệ đa chiều và ngẫu nhiên, không phải là một bản chất thống nhất và ổn định, và vì thế không thể đánh giá một bản dịch theo những khái niệm chính xác lấy từ toán học về tương đương ngữ nghĩa hay tương ứng từ với từ. Văn bản ngoại văn không thể trở thành vị quan tòa phán quyết các bản dịch đang cạnh tranh với nhau trong trường hợp không có lỗi ngôn ngữ, bởi các điển phạm về tính chính xác trong dịch thuật, những khái niệm “trung thành” và “tự do” đều có nội hàm mang tính lịch sử. Thậm chí khái niệm “lỗi ngôn ngữ” cũng có thể thay đổi, bởi dịch sai, đặc biệt trong các văn bản văn học, có thể không chỉ dễ thấy mà còn có ý nghĩa trong nền văn hóa tiếp nhận. Khả năng tồn tại của một bản dịch bắt nguồn từ mối quan hệ của nó với các điều kiện văn hóa và xã hội nơi nó sinh ra và được đọc.

Mối quan hệ này cho thấy tính bạo lực nằm trong chính mục đích và hoạt động dịch thuật: sự tái tạo văn bản ngoại văn theo các giá trị, niềm tin và cách trình hiện đã tồn tại từ trước trong ngôn ngữ và nền văn hóa được dịch ra, luôn được cơ cấu theo những hệ thống thứ bậc thống trị và ngoại biên, luôn quyết định việc sản xuất, lưu hành và tiếp nhận văn bản (tham khảo thêm về khái niệm “quy chuẩn” [norm] trong Toury 1995:53–69.) Một dịch giả chuyên nghiệp làm việc với một cặp ngôn ngữ rất khác nhau là Anh và Hebrew, đã đặt vấn đề về thuật ngữ “bạo lực” mà tôi sử dụng (Green 2001:85). Nhưng nếu ta dùng thuật ngữ này với nghĩa “gây tổn hại” hoặc “bạo ngược”, thì việc tôi dùng nó như vậy không hề mang tính ẩn dụ hay khoa trương chút nào, mà thuần là một từ miêu tả chính xác: người dịch bị buộc phải không chỉ loại bỏ nhiều khía cạnh của chuỗi ký hiệu tạo nên văn bản ngoại văn, bắt đầu là các đặc trưng tự vị và âm vị của nó, mà còn phải tháo tung và phá vỡ trật tự chuỗi ký hiệu đó sao cho phù hợp với những khác biệt trong cấu trúc của hai ngôn ngữ, thế nên văn bản ngoại văn và mối liên hệ của nó với những văn bản khác trong văn hóa ngoại quốc đều không còn nguyên vẹn sau quá trình dịch thuật. Bản dịch là sự thay thế cưỡng ép những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ trong văn bản ngoại văn bằng một văn bản có thể hiểu được bởi người đọc ở ngôn ngữ được dịch ra. Những khác biệt này không bao giờ có thể xóa bỏ hoàn toàn, nhưng các khả thể chứa đựng trong chúng tất yếu sẽ bị giảm bớt và loại trừ – và lại nhận thêm một lượng vô cùng lớn các khả thể khác đặc trưng cho ngôn ngữ được dịch sang. Giờ đây, dù bản dịch truyền tải điều khác biệt gì, điều đó cũng đã mang dấu ấn của nền văn hóa của ngôn ngữ tiếp nhận, bị đồng hóa vào những quan điểm về tính đọc được, những điển phạm và cấm kỵ, những quy tắc và hệ tư tưởng của văn hóa tiếp nhận. Mục đích của dịch thuật là đem một nền văn hóa xa lạ về thành cái dễ nhận ra, cái quen thuộc, thậm chí cái giống hệt với văn hóa của mình; và mục đích này luôn có nguy cơ khiến toàn bộ văn bản gốc bị nội hóa, thường là trong các dự án rất có ý thức về nhiệm vụ của mình, nơi dịch trở thành một cách chiếm dụng các nền văn hóa nước ngoài để phục vụ cho những ý đồ trong tình thế tiếp nhận dù là văn hóa, kinh tế, hay chính trị. Bản dịch không phải là một kiểu truyền đạt lại văn bản ngoại văn hoàn toàn không có vấn đề, mà là một cách diễn giải luôn luôn bị giới hạn bởi nhắm đến những nhóm độc giả cụ thể, cũng như bởi những tình thế văn hóa hoặc thiết chế mà văn bản dịch được dự định sẽ lưu hành và có tác động.

Hiệu ứng bạo lực trong việc dịch thuật có thể nhận thấy ở cả trong và ngoài nước. Một mặt, việc dịch có một quyền năng lớn trong việc tạo dựng các căn tính dân tộc đối với các nền văn hóa nước ngoài, và do đó nó tiềm tàng khả năng tham gia vào các vấn đề phân biệt sắc tộc, xung đột địa chính trị, chủ nghĩa thực dân, khủng bố, và chiến tranh (xem Rafael 1988, Fenton và Moon 2002, Mason 2004, Baker 2006). Mặt khác, bản dịch cũng kéo văn bản ngoại văn vào công việc duy trì hoặc xét lại những điển phạm văn chương trong nền văn hóa tiếp nhận, ví dụ như đưa vào thơ và văn xuôi hư cấu những diễn ngôn thơ ca, trần thuật và ý thức hệ khác nhau đang tranh giành địa vị thống trị trong văn hóa ngôn ngữ được dịch ra (xem Lefevere 1992a, Lyne 2001, Damrosch 2003). Bản dịch cũng khiến các văn bản ngoại văn tham gia vào việc duy trì hoặc xét lại những hệ hình khái niệm, các phương pháp nghiên cứu và thực hành thực tế ảnh hưởng đến các ngành và nghề của văn hóa tiếp nhận, dù đó là vật lý hay kiến trúc, triết học hay tâm thần học, xã hội học hay luật học (xem Ornston 1992, Montgomery 2000, Lotringer và Cohen 2001). Chính những liên kết và hiệu ứng xã hội này – đã ghi sâu vào chính bản thân chất liệu của văn bản dịch, vào những chiến lược diễn ngôn và phạm vi liên tưởng của nó dành cho độc giả ở ngôn ngữ được dịch ra, và cũng vào bản thân việc lựa chọn văn bản đó để dịch và cách nó được xuất bản, phê bình, giảng dạy – tất cả những điều kiện này cho phép việc dịch được coi là một thực hành chính trị văn hóa, kiến tạo hoặc phê phán những căn tính mang đậm ý thức hệ cho các nền văn hóa xa lạ, khẳng định hoặc vi phạm những giá trị diễn ngôn và giới hạn có tính thiết chế trong văn hóa của ngôn ngữ tiếp nhận. Bạo lực đến từ dịch thuật này một phần là không thể tránh được, cố hữu trong quá trình dịch, một phần là tiềm năng có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình tạo và tiếp nhận văn bản dịch, biến đổi theo từng kết cấu xã hội và văn hóa tại những thời điểm lịch sử khác nhau.

Câu hỏi cấp thiết nhất mà một người dịch hiểu điều này phải đối mặt là: Vậy phải làm gì đây? Tại sao tôi dịch? Tôi dịch thế nào? Dù vừa mô tả quá trình dịch là nơi diễn ra vô số hạn định và hiệu ứng – ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, hệ ý thức – tôi vẫn muốn nói rõ rằng các dịch giả văn chương tự do luôn đưa ra lựa chọn mức độ và phương hướng thực hiện cái bạo lực luôn diễn ra khi dịch bất cứ gì. Trong quá khứ lẫn hiện tại, sự lựa chọn này đã được phát biểu theo nhiều cách, nhưng có lẽ không có cách nào dứt khoát như cách của nhà triết học và thần học người Đức Friedrich Schleiermacher. Trong một bài giảng vào năm 1813 về các “phương pháp” dịch khác nhau, Schleiermacher cho rằng “chỉ có hai cách. Hoặc dịch giả giữ yên tác giả một nơi rồi đưa độc giả đến gần anh ta, hoặc giữ yên độc giả một nơi và đưa tác giả đến gần anh ta.” (Lefevere 1997:74). Thừa nhận (với những cách rào đón như “càng nhiều càng tốt”) rằng bản dịch không bao giờ có thể đạt được sự tương xứng tuyệt đối với văn bản ngoại văn, Schleiermacher để người dịch lựa chọn giữa thực hành nội hóa: văn bản gốc bị quy giản về các giá trị của văn hóa tiếp nhận, một động tác có tính vị chủng [ethnocentrism, lấy văn hóa của chính mình làm chuẩn mực cao nhất], đem tác giả về nước mình; hoặc là thực hành ngoại hóa: áp lực bắt những giá trị đó phải ghi nhận sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa của văn bản gốc, một động tác “ly chủng” [ethnodeviance], đưa độc giả ra nước ngoài.

Schleiermacher cho thấy rõ rằng ông chọn phương pháp ngoại hóa, và điều này khiến dịch giả, nhà lý thuyết dịch thuật người Pháp Antoine Berman coi lập luận của Schleiermacher như một triết lý đạo đức cho việc dịch, coi văn bản dịch là một nơi để cái khác [other] về văn hóa bộc lộ mình, mặc dù, tất nhiên, tính khác của nó không bao giờ có thể tự bộc lộ theo cách của mình mà chỉ có thể bằng cách của ngôn ngữ được dịch ra, và vì thế ngay từ khi xuất hiện đã bị mã hóa (Berman 1985:87–91)[ix]. Từ “ngoại” trong phương pháp ngoại hóa không có nghĩa là sự trình hiện trong suốt một bản chất nằm trong văn bản ngoại văn, tự bản thân nó đã mang giá trị, mà là một kiến tạo chiến lược, có giá trị phụ thuộc vào tình thế của văn hóa tiếp nhận. Phương pháp ngoại hóa gán nghĩa cho những khác biệt của văn bản gốc, tuy nhiên chỉ bằng cách làm nhiễu loạn mã văn hóa phổ biến trong ngôn ngữ được dịch ra. Để bảo đảm công bằng cho cái ngoại quốc, thực hành dịch này chắc chắn phải gây vi phạm ở phạm vi nội địa, đi lệch khỏi các quy chuẩn bản địa đủ để tạo ra một trải nghiệm đọc xa lạ – ví dụ, chọn dịch một văn bản nước ngoài bị loại trừ khỏi điển phạm văn chương trong nền văn hóa tiếp nhận, hoặc sử dụng một diễn ngôn ngoại biên để dịch nó.

Tôi muốn nói rằng bởi thực hành dịch ngoại hóa có mục đích nhằm hạn chế bạo lực vị chủng của việc dịch, nên hiện nay cách dịch này trở nên vô cùng cần thiết, một sự can thiệp văn hóa chiến lược trong tình hình thế giới hiện nay, chống lại sự bá quyền của các quốc gia nói tiếng Anh và sự trao đổi văn hóa bất bình đẳng giữa họ và những kẻ khác trên phạm vi toàn cầu. Các bản dịch ngoại hóa trong tiếng Anh có thể trở thành một hình thức kháng cự trước chủ nghĩa vị chủng và kỳ thị chủng tộc, trước sự ái kỷ văn hóa và chủ nghĩa đế quốc về văn hóa, để đạt được các quan hệ địa chính trị có tính dân chủ. Tuy nhiên, trong vai trò lý thuyết và thực hành dịch, chiến lược ngoại hóa gắn với một số nước châu Âu nhất định trong những thời điểm lịch sử nhất định: ra đời trong lòng văn hóa Đức thời kỳ cổ điển và lãng mạn, hồi sinh trong bối cảnh văn hóa Pháp đã đưa lên ngôi một loạt quan điểm hậu hiện đại trong triết học, phê bình văn học, phân tâm học và lý thuyết xã hội mà sau được biết đến với tên gọi chung “hậu cấu trúc”[x]. Ngược lại, nền văn hóa Anh-Mỹ từ lâu đã bị thống trị bởi các lý thuyết theo hướng nội hóa, khuyến khích việc dịch trôi chảy. Bằng việc tạo ra ảo tưởng về tính trong suốt, một bản dịch trôi chảy giả như mình là một tương đương ngữ nghĩa đích thực, trong khi thực ra nó áp vào văn bản ngoại văn một cách diễn giải thiên lệch, nghiêng về những giá trị của ngôn ngữ Anh, làm suy giảm nếu không phải đơn giản là loại trừ chính những khác biệt mà việc dịch nhằm để truyền tải. Kiểu bạo lực vị chủng này thể hiện rất rõ trong các lý thuyết dịch thuật của Eugene Nida, một dịch giả rất năng suất và nhiều ảnh hưởng, cố vấn dịch thuật cho American Bible Society: ở đây, tính trong suốt được huy động để phụng sự tinh thần nhân văn Thiên Chúa giáo.

Ta hãy xem xét khái niệm “tương đương động” [dynamic equivalence] hay “tương đương chức năng” [functional equivalence] của Nida, lần đầu tiên được nêu ra năm 1964 nhưng có sửa đổi và phát triển trong nhiều ấn phẩm từ đó đến nay. “Một bản dịch theo lối tương đương chức năng hướng tới cách diễn đạt hoàn toàn tự nhiên và cố gắng để người tiếp nhận liên hệ với các phương thức hành vi liên quan trong bối cảnh văn hóa của chính người đó.” (Nida 1964:159). Cụm từ “cách diễn đạt tự nhiên” cho thấy tầm quan trọng của chiến lược dịch trôi chảy đối với lý thuyết này, và trong sản phẩm của Nida, sự trôi chảy đó rõ ràng yêu cầu nội hóa. Như ông đã nói, “người dịch phải là người có thể kéo mở tấm rèm khác biệt ngôn ngữ và văn hóa để người đọc có thể nhìn rõ tính liên quan của thông điệp nguyên bản.” (Nida và de Waard 1986:14) Đây tất nhiên là tính liên quan với nền văn hóa của ngôn ngữ tiếp nhận, một điều mà nhà văn ngoại quốc thường không chú tâm đến khi viết tác phẩm của mình, vậy nên tính liên quan đó chỉ có thể xác lập trong quá trình dịch bằng việc thay những đặc trưng không thể nhận biết của ngôn ngữ ngoại quốc bằng những đặc trưng có thể nhận biết trong ngôn ngữ đích. Vì thế, khi Nida khẳng định rằng “một phong cách nhẹ nhàng và tự nhiên trong khi dịch, dù tạo ra được là cực kỳ khó, […] dù sao cũng là điều thiết yếu để tạo ra nơi người tiếp nhận cuối cùng một phản ứng tương tự như người tiếp nhận nguyên thủy” (Nida 1964:163), thì thực ra ông đang áp đặt sự cổ xúy tính trong suốt của tiếng Anh làm tiêu chuẩn chung cho mọi nền văn hóa khác, che đi sự đứt gãy cơ bản giữa văn bản ngoại văn và văn bản dịch sẽ khiến ta hoài nghi tính khả thi của việc khơi gợi được một phản ứng “tương tự”.

Tuy nhiên, điển hình cho những nhà lý thuyết khác trong truyền thống dịch Anh-Mỹ, Nida lập luận rằng tương đương động vẫn tương thích với quan niệm về tính chính xác. Một bản dịch theo lối tương đương động không sử dụng bừa “bất cứ điều gì tạo được ấn tượng và sự thu hút đặc biệt đối với người tiếp nhận”, mà nó “thể hiện sự thông hiểu thấu suốt, không chỉ nghĩa của văn bản gốc mà còn cách người tiếp nhận được nhắm tới có thể hiểu trong ngôn ngữ tiếp nhận.” (Nida và de Waard 1986:vii–viii, 9). Đối với Nida, tính chính xác của bản dịch phụ thuộc vào việc nó có tạo được một hiệu quả tương đương trong văn hóa tiếp nhận hay không: “người tiếp nhận bản dịch phải hiểu được nó ở mức độ khiến cho họ có thể biết được người tiếp nhận văn bản gốc hẳn đã hiểu nó như thế nào” (sđd.:36). Bản dịch có sự tương đương động là một sự “giao tiếp liên văn hóa”, vượt qua được những khác biệt ngôn ngữ và văn hóa ngăn trở nó (sđd.:11). Tuy nhiên việc hiểu văn bản và văn hóa ngoại văn mà bản dịch như thế này cho phép, chủ yếu đáp ứng những giá trị của văn hóa tiếp nhận trong khi che giấu sự nội hóa này trong tính trong suốt đạt được nhờ chiến thuật dịch trôi chảy. Sự giao tiếp ở đây được kiểm soát bởi hoặc nhằm đáp ứng cho bên tiếp nhận, đây thực ra là một cách diễn giải theo một lợi ích cụ thể, và vì thế nó không phải là một cuộc trao đổi thông tin mà là một sự chiếm dụng văn bản ngoại văn để phục vụ cho một mục đích cụ thể trong văn hóa tiếp nhận. Lý thuyết về dịch thuật như một cách giao tiếp của Nida chưa xem xét đúng mực đến bạo lực vị chủng vốn tồn tại trong mọi quá trình dịch, nhưng càng nhiều hơn trong trường hợp tuân theo tương đương động. Bởi có bạo lực này, thử hỏi làm sao bản dịch có thể tạo hiệu ứng với người tiếp nhận tương đương với hiệu ứng của văn bản ngoại văn với độc giả gốc của nó?

Sự ủng hộ của Nida đối với phương pháp nội hóa bắt nguồn công khai từ một khái niệm mang tính siêu việt về con người, như một bản chất không đổi qua thời gian và không gian. Nida cho rằng, “Như các nhà ngôn ngữ học và nhân chủng học đã phát hiện, điều thống nhất loài người còn lớn lao hơn nhiều so với điều chia biệt chúng ta, và do đó, dù trong trường hợp các ngôn ngữ và văn hóa rất xa nhau, một nền tảng cơ bản để giao tiếp vẫn tồn tại.” (Nida 1964:2) Tinh thần nhân đạo của Nida có vẻ dân chủ trong cách nó suy tôn “điều thống nhất loài người”, nhưng điều này lại bị phản bác bởi những giá trị có tính loại trừ làm cơ sở cho lý thuyết dịch của ông, cụ thể là những giá trị của phái truyền bá Phúc âm Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa tinh hoa văn hóa.

Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, động cơ công việc của Nida đã luôn là những nhu cầu của việc dịch Kinh Thánh. Không chỉ lấy các vấn đề trong lịch sử dịch Kinh Thánh làm ví dụ cho các phát biểu lý thuyết của mình, ông còn viết các nghiên cứu nhân chủng học và ngôn ngữ học chủ yếu dành cho người dịch Kinh Thánh và nhà truyền giáo. Khái niệm tương đương động của Nida thật ra đã ví người dịch như người truyền giáo. Khi khẳng định trong cuốn Customs and Cultures: Anthropology for Christian Missions (1954) rằng “nghiên cứu sâu vào sự nghiệp của những người truyền giáo thành công ta tất sẽ thấy họ đều có phương thức rất hiệu quả để đồng nhất mình với người dân – ‘trở nên mọi cách cho mọi người’ – và truyền đi thông điệp của mình sao cho nó có nghĩa đối với cuộc sống của người dân” (Nida 1975:250), Nida đang nhắc lại điều mình đã nói trước đó về người dịch Kinh Thánh trong cuốn God’s Word in Man’s Language (1952): “Nhiệm vụ của người dịch đích thực là nhiệm vụ đồng nhất mình với thứ khác. Là một người phụng sự cho Chúa, anh ta phải đồng nhất với Chúa Christ; là một người dịch, anh ta phải đồng nhất với Lời; là một nhà truyền giáo, anh ta phải đồng nhất với người dân.” (Nida 1952:117) Cả người truyền giáo và người dịch phải tìm được cái tương đương động trong ngôn ngữ dịch ra để xác lập tính liên quan của Kinh Thánh với văn hóa tiếp nhận.

Nhưng Nida chỉ chấp nhận một kiểu tính liên quan nhất định. Trong khi phản đối “xu hướng dùng việc dịch Kinh Thánh để truyền bá cho một quan điểm thần học nhất định nào đó, dù đó là chủ nghĩa duy thần, chủ nghĩa duy lý, thuyết rửa tội ngâm người, thuyết thiên hy niên hay phong trào Ân tứ” (Nida và de Waard 1986:33), thì rõ ràng bản thân ông chỉ ủng hộ một cách tiếp nhận đúng theo giáo lý của đạo Cơ đốc. Và dù đưa ra một biện luận tinh tế về cách “sự đa dạng trong phông văn hóa của người tiếp nhận” có thể định hình một bản dịch Kinh Thánh bất kỳ, Nida vẫn quả quyết rằng “các bản dịch được chủ định dành cho những cộng đồng thiểu số nhìn chung phải giới hạn nghiêm ngặt trong một vài dạng ngôn ngữ, nhưng không được có ngữ pháp sai lệch hoặc diễn đạt thô tục” (sđd.:14). Khái niệm tương đương động của Nida trong việc dịch Kinh Thánh đi liền với nhiệt tâm truyền đạo tìm cách áp đặt lên người đọc tiếng Anh một phong cách cụ thể của tiếng Anh, là cách dùng tiêu chuẩn hiện đang phổ biến, cũng như một cách hiểu đậm tính Cơ đốc đối với Kinh Thánh. Khi Nida cho rằng người dịch phải đồng nhất với người đọc của ngôn ngữ dịch ra để truyền đạt văn bản ngoại quốc, ông đã đồng thời loại bỏ các nhóm văn hóa khác trong ngôn ngữ tiếp nhận.

Ủng hộ phương pháp ngoại hóa đối lập với truyền thống dịch nội hóa của Anh-Mỹ không có nghĩa là bỏ đi các ý đồ chính trị văn hóa – bản thân việc ủng hộ cũng đã là một hành động có ý đồ. Đúng hơn, mục tiêu là phát triển một lý thuyết và thực hành dịch thuật cưỡng lại các giá trị thống trị trong văn hóa tiếp nhận, để từ đó làm nổi bật những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ của văn bản ngoại văn. Khái niệm “trung thành bạo ngược” [abusive fidelity] của Philip Lewis có thể hữu ích trong một khung lý thuyết như vậy: nó ghi nhận quan hệ mơ hồ và bạo ngược giữa văn bản dịch và văn bản ngoại văn, và tránh sử dụng chiến lược dịch trôi chảy thống trị mà mô phỏng trong bản dịch mọi đặc trưng trong văn bản ngoại văn có thể coi là bạo ngược với hoặc kháng cự lại những giá trị văn hóa thống trị trong ngôn ngữ ngoại văn. Trung thành bạo ngược hướng sự chú ý của người dịch từ cái được biểu đạt mang tính khái niệm sang màn trình diễn của những cái biểu đạt mà nó dựa trên đó, sang các cấu trúc âm vị, cú pháp và diễn ngôn, dẫn đến một “bản dịch đề cao sự thử nghiệm mới mẻ, vui đùa với các cách dùng, tìm cách sánh ngang sự đa giá trị hoặc đa thanh hoặc các trọng tâm biểu đạt của bản gốc bằng việc tự tạo ra phiên bản của chính nó.” (Lewis 1985:41). Schleiermacher mới chỉ dừng ở khuyến khích ta bám sát theo văn bản ngoại văn khi muốn tạo cảm giác xa lạ trong bản dịch. Tuy nhiên, đến Lewis, chúng ta có thể nhìn thấy khả năng mở ra một chiến lược mang tính thử nghiệm, nơi người dịch làm việc với rất nhiều phương diện của ngôn ngữ được dịch ra, không chỉ từ vựng và cú pháp, mà còn là ngữ vực và phương ngữ, phong cách và diễn ngôn. Chiến lược dịch thuật như vậy có thể được gọi sát nhất là kháng cự, không chỉ bởi vì nó tránh khỏi sự trôi chảy hiểu theo nghĩa hẹp vẫn hằng thống trị các bản dịch sang tiếng Anh, mà còn bởi nó thách thức nền văn hóa tiếp nhận ngay trong hành động thực hiện bạo lực vị chủng của chính nó với văn bản ngoại văn.

Tuy nhiên, khi phát triển một chiến lược như vậy, người dịch không phải đơn giản là vứt bỏ sự trôi chảy, một cách hoàn toàn và dứt khoát, mà là sáng tạo lại theo những cách mới mẻ. Người dịch theo phương pháp ngoại hóa cố gắng mở rộng những thực hành dịch thuật, không phải là để cản trở hay gây khó cho việc đọc, càng không phải để giơ đầu chịu tiếng dịch “như dịch”, mà là để tạo những điều kiện mới mẻ cho tính dễ đọc. Bởi sự thật là, định nghĩa thế nào là trôi chảy lại biến đổi từ thời điểm này đến thời điểm lịch sử khác, từ nhóm văn hóa này sang nhóm văn hóa khác, vậy nên một bản dịch dễ đọc với một người đọc ở thế kỷ 18 khó mà còn được coi là dễ đọc với hầu hết người đọc ngày nay (xem Venuti 2005a:804-6). Chính sự trôi chảy, hiểu theo cách hiện nay người ta đang thực hiện và cưỡng ép, giới hạn trong thứ phương ngữ hiện đại tiêu chuẩn của ngôn ngữ dịch, đã ảo hóa việc dịch và hạn chế sức sáng tạo của người dịch. Điều này đòi hỏi cả sự tra vấn và tư duy lại để thúc đẩy nghiên cứu và thực hành dịch thuật.

Việc thử nghiệm với tính trôi chảy để tạo ra một bản dịch ngoại hóa vẫn yêu cầu người dịch huy động những nguồn có sẵn trong ngôn ngữ và văn hóa được dịch ra, và vì thế vẫn liên đới với sự vị chủng nằm ngay ở trung tâm việc dịch. Vậy nên, trái với các ý kiến phê phán cách dùng của tôi, thuật ngữ “nội hóa” và “ngoại hóa” không hề xác định một thế đối lập nhị nguyên rạch ròi để có thể đơn giản gán cho hai chiến lược diễn ngôn “trôi chảy” hay “kháng cự”. Cặp thuật ngữ này cũng không thể giản lược thành cặp nhị nguyên thực sự như những cặp rất phổ biến trong lịch sử phê bình dịch thuật: “sát nghĩa” với “phóng túng,” “hình thức” với “động,” và “ngữ nghĩa” với “thông điệp” (Pym 1995:7; Tymoczko 1999:56). Thuật ngữ “nội hóa” và “ngoại hóa” nói tới thái độ về cơ bản là đạo đức trước một văn bản và một nền văn hóa ngoại quốc, những hiệu ứng đạo đức sinh ra từ việc chọn văn bản để dịch và từ chiến lược được lập nên để dịch văn bản ấy, trong khi đó, các thuật ngữ như “trôi chảy” hay “kháng cự” là những đặc trưng về cơ bản mang tính diễn ngôn của các chiến lược dịch trong tương quan với quá trình nhận thức của người đọc. Cả hai cặp thuật ngữ đều bao hàm một phổ rộng các hiệu ứng văn bản và văn hóa, mà cách mô tả và đánh giá hiệu ứng ấy lại biến đổi theo mối quan hệ của mỗi dự án dịch với hệ thứ bậc giá trị trong tình thế bản dịch ấy được tiếp nhận vào mỗi thời điểm lịch sử cụ thể. Những giá trị đó phải luôn được tái kiến tạo, dù bởi người dịch hay bởi người nghiên cứu dịch thuật, và sự tái kiến tạo đó phải bắt đầu với các mô thức sử dụng ngôn ngữ, các truyền thống văn hóa và văn học, các thực hành dịch thuật đã trở thành thông lệ hay truyền thống vì được dùng lặp lại và rộng khắp. Mọi ý nghĩa được gán cho thuật ngữ “nội hóa” và “ngoại hóa”, hay “trôi chảy” và “kháng cự”, mọi cách dùng chúng để đánh giá một dự án dịch thuật cụ thể, đều phải được hiểu là tùy biến theo văn hóa và bị quy định bởi lịch sử, phụ thuộc vào hành động diễn giải dựa trên cơ sở nghiên cứu tư liệu và phân tích văn bản, và như mọi diễn giải khác, có thể được chất vấn và điều chỉnh trên cơ sở các phương pháp phê bình khác nhau, phản ánh bước phát triển đương thời của các tranh luận văn hóa.

Dù mối quan tâm chính của tôi trong sách này là các truyền thống dịch thuật Anh-Mỹ, khái niệm “ngoại hóa” cũng có thể được áp dụng hiệu quả trong việc dịch bất kỳ ngôn ngữ và văn hóa nào. Ngoại hóa không đem tới một cách tiếp cận trực tiếp không trung gian với cái “ngoại”, xa lạ – không bản dịch nào có thể làm được điều đó – mà đúng hơn, nó xây dựng một hình ảnh nhất định về cái ngoại dựa phần nào vào tình thế tiếp nhận nhưng nhằm chất vấn chính tình thế ấy bằng việc huy động các chất liệu không thống trị, tức là cái ngoại biên và cái phi chuẩn, cái cũ tàn dư và cái mới xuất hiện. Bởi dịch thuật thực hiện đồng thời hai quá trình hình thành căn tính, xây dựng cả hình ảnh về nền văn hóa ngoại quốc lẫn vị thế về tính hiểu được cho các chủ thể tiếp nhận, nên việc dịch ngoại hóa có thể có tính tra vấn gấp đôi (xem thêm Venuti 1998:chương 4; xem Cronin 2006 để biết một khảo sát sắc sảo các vấn đề và tranh luận hiện nay). Không một nền văn hóa nào có thể coi là miễn nhiễm với sự tự phê phán, dù nó là nền văn hóa bá chủ hay phụ thuộc, thực dân hay thuộc địa. Và nếu không có những thực hành như dịch thuật ngoại hóa để thử thách những giới hạn của nó, một nền văn hóa có thể sa vào tính tự mãn vị kỷ và bài ngoại, trở thành một mảnh đất màu mỡ cho sự sinh sôi của các hệ tư tưởng như chủ nghĩa dân tộc và các trào lưu chính thống [fundamentalism], tất nhiên vẫn có khả năng dẫn đến vận động giải phóng như các phong trào chống thực dân, nhưng một khi đã giành được tự chủ, lại có thể biến thành một hình thức áp bức mới. Vì thế, vào đầu thế kỷ XX, “một làn sóng dịch thuật đại chúng rất thành công […] đã đóng góp đáng kể vào việc chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc tại Ireland,” nhưng “hình ảnh người Ireland được xây dựng phần lớn bởi những bản dịch văn chương Ireland thời kỳ đầu đã trở thành nền tảng cho rất nhiều đặc trưng phản tiến bộ trong văn hóa Ireland từ thập niên 1920 đến tận thập niên 1970” (Tymoczko 2000:42-3). Điều này cũng đúng với tình thế của các ngôn ngữ thiểu số, như tiếng Pháp bang Québec, nơi mối đe dọa đến sức sống liên tục của ngôn ngữ đó có thể không chỉ đơn giản dẫn tới những biện pháp của chính phủ để bảo tồn nó mà còn dẫn tới ý niệm về sự thuần khiết văn hóa, coi thường người nhập cư và có thể biến thành sự kỳ thị chủng tộc (xem Brisset 1996:chương 4). Trong những trường hợp như vậy, dịch ngoại hóa có thể hữu ích trong việc làm giàu ngôn ngữ và văn hóa thiểu số trong khi vẫn bắt chúng trải qua tra vấn liên tục. Bởi bản chất chính xác của việc dịch ngoại hóa biến đổi theo từng tình thế văn hóa và thời điểm lịch sử, cách dịch ngoại hóa trong một dự án dịch này sẽ không nhất thiết là ngoại hóa trong một dự án dịch khác. Tuy nhiên, điều không thay đổi là lựa chọn thống trị dịch thuật trên toàn thế giới vẫn là thứ phương ngữ tiêu chuẩn hiện hành ở từng nơi, nghĩa là những biến thể ngoại hóa so với chuẩn hiện được áp dụng tại Anh và Mỹ có thể được bắt chước phần nào ở nơi khác, hoặc ít nhất giúp soi rọi những khả năng dịch thuật sang các ngôn ngữ khác tiếng Anh.

3 – Đọc truy vết

Chiến lược ngoại hóa có thể thay đổi cách dịch cũng như cách đọc bản dịch bởi nó giả định một khái niệm về chủ thể con người rất khác so với giả định theo hướng nhân văn của phương pháp nội hóa. Cả người viết ngoại quốc và người dịch đều không được coi là nguồn gốc siêu việt của văn bản, đang tự do thể hiện ý tưởng về bản chất con người hoặc truyền đạt về ý tưởng ấy bằng thứ ngôn ngữ trong suốt cho một độc giả đến từ một nền văn hóa khác. Đúng hơn, chủ thể này được tạo nên từ những hạn định văn hóa và xã hội đa dạng và thậm chí mâu thuẫn, đứng trung gian trong mọi quá trình dùng ngôn ngữ và biến đổi theo mỗi kết cấu văn hóa trong mỗi thời khắc lịch sử. Hành động của con người luôn có chủ đích nhưng bị hạn định, luôn là một phản ứng phản tư đáp lại những nguồn lực và quy tắc xã hội, mà tính phi thuần nhất [heterogeneity] của các nguồn lực và quy tắc ấy cho phép xảy ra thay đổi theo mỗi hành động phản tư (Giddens 1979:chương 2). Một người cụ thể có thể khởi tạo và dẫn dắt quá trình tạo ra văn bản, nhưng quá trình ấy sử dụng các chất liệu ngôn ngữ và văn hóa khác nhau khiến văn bản có những đứt gãy, dù cho bề ngoài có vẻ như thống nhất, và các chất liệu đó tạo ra một tập hợp các điều kiện không được ý thức cũng như thừa nhận, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội, vừa tâm lý vừa ý thức hệ. Do đó, người dịch không chỉ chủ động tham khảo mà còn vô tình hấp thu nhiều chất liệu khác nhau trong văn hóa tiếp nhận, từ từ điển và sách ngữ pháp đến các thói quen sử dụng và văn bản, từ chiến lược dịch và truyền thống dịch, đến các giá trị, hệ hình và hệ tư tưởng. Nhưng không một người dịch nào có thể kiểm soát một cách có ý thức được tất cả những chất liệu mang những ý nghĩa hết sức đa dạng này (xem Venuti 2002). Và mặc dù mục đích là tái tạo văn bản ngoại văn, việc người dịch tham khảo các tài liệu này chắc chắn sẽ vừa giản lược vừa bồi đắp cho văn bản ấy, ngay cả khi các tài liệu văn hóa ngoại quốc cũng được tham khảo. Sự phi thuần nhất của các nguồn tham khảo dẫn đến những điểm đứt gãy – giữa bản ngoại văn và bản dịch, và trong bản thân bản dịch – là dấu vết của bạo lực vị chủng trong bản dịch. Cách đọc bản dịch theo quan điểm nhân văn bỏ qua những điểm đứt gãy này bằng cách xác định một tính thống nhất ngữ nghĩa phù hợp với văn bản ngoại văn, nhấn mạnh vào tính dễ hiểu, sự truyền đạt trong suốt và giá trị sử dụng của bản dịch trong văn hóa tiếp nhận. Ngược lại, cách đọc truy vết [symptomatic reading] xác định những điểm đứt gãy ở cấp độ từ/cụm từ, cú pháp hoặc diễn ngôn, cho thấy bản dịch là một sự viết lại văn bản ngoại văn một cách bạo lực, một sự can thiệp chiến lược vào văn hóa tiếp nhận, vừa phụ thuộc vào, vừa hoặc tuân theo hoặc bạo ngược với các giá trị của bên tiếp nhận ở các cấp độ khác nhau (so sánh Althusser 1970:28-9).

Thực hành đọc truy vết này có thể được làm rõ qua các bản dịch các công trình của Freud trong toàn tập The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud, mặc dù các bản dịch này đã có được thẩm quyền không cần bàn cãi đến mức chúng ta phải cần đến bài phê bình của Bruno Bettelheim mới nhận thức được những điểm đứt gãy. Bettelheim cho rằng các bản dịch này làm cho tác phẩm của Freud “trước mắt độc giả Anh quốc mang dáng dấp những mệnh đề trừu tượng, phi cá nhân hóa, đầy tính lý thuyết, tầm chương trích cú và máy móc — nói ngắn gọn là ‘rất khoa học’ — về các hoạt động kỳ lạ và rất phức tạp của tâm trí chúng ta” (Bettelheim 1983:5). Bettelheim dường như cho rằng ta cần nghiên cứu chi tiết bản tiếng Đức của Freud mới có thể phát hiện ra chiến lược dịch duy khoa học của người dịch, nhưng thực ra chỉ cần đọc kỹ bản dịch tiếng Anh là ta cũng có thể hiểu được quan điểm của ông. Ví dụ, Bettelheim lập luận, trong Bệnh lý học tinh thần trong đời sống hàng ngày (1960), thuật ngữ “parapraxis” đã cho thấy chủ trương duy khoa học của bản dịch bởi vì nó được sử dụng để diễn đạt một từ tiếng Đức khá đơn giản, Fehlleistungen [“thực hiện lỗi”, lỡ lời, nói nhịu, hoặc một hành động sai bộc lộ ý muốn thực của đối tượng], mà bản thân Bettelheim thấy nên dịch là “faulty achievement” (Bettelheim 1983:87). Tuy nhiên, ta cũng có thể nhận ra chiến lược của người dịch qua một số điểm khác lạ nhất định khi phân tích phong cách ngôn ngữ văn bản dịch:

I now return to the forgetting of names. So far we have not exhaustively considered either the case-material or the motives behind it. As this is exactly the kind of parapraxis that I can from time to time observe abundantly in myself, I am at no loss for examples. The mild attacks of migraine from which I still suffer usually announce themselves hours in advance by my forgetting names, and at the height of these attacks, during which I am not forced to abandon my work, it frequently happens that all proper names go out of my head.

(Freud 1960:21)

(Bây giờ tôi trở lại với chuyện quên tên. Chúng ta vẫn chưa xem xét kỹ lưỡng cả những tư liệu ca bệnh lẫn các động cơ nguyên do của nó. Vì nó chính là kiểu lỗi trí (parapraxis) tôi thường xuyên gặp phải ở ngay bản thân mình, nên tôi tìm dẫn chứng khá dễ. Những cơn đau nửa đầu nhẹ mà tôi vẫn hay phải chịu đựng thường báo trước sự xuất hiện của chúng sớm hàng tiếng đồng hồ bằng việc quên tên này, và vào những cơn đau dữ dội nhất, mà tôi vẫn không đến mức phải gác lại công việc, thì mọi thứ tên riêng đều bay biến khỏi đầu tôi.)

Phong cách của đoạn văn này rất đơn giản và phổ thông (“forgetting”), thậm chí là khẩu ngữ (“go out of my head”), đến mức “parapraxis” trở thành một điểm khác biệt nổi bật, một sự bất nhất trong việc lựa chọn từ ngữ và do đó phơi bày quá trình dịch thuật. Sự bất nhất này càng rõ ràng không chỉ bởi việc Freud dựa hẳn vào những câu chuyện kinh nghiệm cá nhân, những ví dụ “đời thường”, một số ví dụ lấy từ kinh nghiệm của chính ông (như ví dụ ở trên), mà còn bởi một chú thích được thêm vào một ấn bản tiếng Đức sau này và được đưa vào bản dịch tiếng Anh: “Cuốn sách này hoàn toàn mang tính phổ thông. Nó chỉ nhằm dọn đường, qua việc góp nhặt rất nhiều ví dụ, cho giả định thiết yếu về các quá trình tâm lý vô thức nhưng vẫn hoạt động [operative], và tránh mọi xem xét mang tính lý thuyết về bản chất của vô thức.” (Freud 1960:272 ct.). Trong lời tựa viết cho bản dịch của Alan Tyson, James Strachey đã vô tình nhấn mạnh sự bất nhất trong phong cách này khi cảm thấy cần biện hộ cho việc sử dụng “parapraxis”: “Tiếng Đức là ‘Fehlleistung’, nghĩa đen ‘faulty function.’ [hoạt động lỗi] Sự thật thú vị là trước khi Freud viết cuốn sách này, khái niệm chung này dường như chưa tồn tại trong tâm lý học, và trong tiếng Anh, ta phải tạo ra một từ mới để diễn đạt nó.” (Freud 1960:viii ct.). Tất nhiên người ta có thể phản bác (với Bettelheim) rằng sự pha trộn giữa các thuật ngữ khoa học chuyên ngành và các từ ngữ thông dụng phổ biến là đặc điểm trong cách viết tiếng Đức của Freud, và do đó phản bác (với tôi) rằng bản dịch tiếng Anh tự nó không thể làm cơ sở để nhận xét về chiến lược của người dịch. Tuy nhiên, mặc dù tôi rất đồng ý với điểm đầu tiên, nhưng điểm thứ hai sẽ không thuyết phục lắm khi chúng ta nhận ra rằng chỉ cần so sánh cách dịch các thuật ngữ cơ bản của Freud sang tiếng Anh thôi cũng dễ dàng chứng minh cho sự bất nhất trong phong cách mà tôi đã chỉ ra trong đoạn văn dịch trên: “id” hay “unconscious” [vô thức]; “cathexis” [dồn trút dục năng] hay “charge” hoặc “energy” [năng lượng]; “libidinal” [của libido] với “sexual” [tính dục].

Bettelheim nêu giả thiết về một số yếu tố hạn định đã khiến những người dịch toàn tập Standard Edition chọn chiến lược dịch duy khoa học như vậy. Một điều quan trọng cần lưu ý là dòng chảy trí thức thống trị tâm lý học và triết học Anh-Mỹ kể từ thế kỷ 18: “Về lý thuyết, nhiều chủ đề mà Freud bàn tới cho phép cả hai cách tiếp cận: thông diễn-tinh thần, và thực chứng-thực dụng. Ở những trường hợp như vậy, những người dịch sang tiếng Anh gần như luôn chọn cách sau, bởi chủ nghĩa thực chứng là truyền thống triết học quan trọng nhất của Anh” (Bettelheim 1983:44). Nhưng còn có những thể chế xã hội mà truyền thống này đã bắt rễ sâu và phân tâm học phải đấu tranh với nó để được chấp nhận trong giai đoạn sau Thế chiến II. Như Bettelheim đã tóm lại: “việc nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học trong các trường đại học Mỹ đều có định hướng hành vi, nhận thức hoặc sinh lý, và hầu như chỉ tập trung vào những gì có thể đo lường hoặc quan sát được từ bên ngoài” (sđd.:19). Đối với phân tâm học, điều này có nghĩa là quá trình đồng hóa vào văn hóa Anh-Mỹ đòi hỏi nó phải tái định nghĩa, khiến ở Mỹ nó “được coi như một thực hành đặc quyền duy nhất của các bác sĩ” (sđd.:33), “một chuyên ngành y học” (sđd.:35), và việc tái định nghĩa này được thực hiện trong nhiều thực hành xã hội khác nhau, không chỉ bao gồm việc lập pháp của các tổ chức nhà nước và việc cấp chứng chỉ của ngành phân tích tâm lý, mà còn cả cách dịch mang tính duy khoa học trong toàn tập Standard Edition:

Nếu trong bản dịch tiếng Anh so với trong bản gốc tiếng Đức, Freud hiện lên với vẻ hoặc khó hiểu hơn, hoặc giáo điều hơn, ưa nói về những khái niệm trừu tượng thay vì về bản thân người đọc, về tâm trí thay vì về tâm hồn của con người, thì lời giải thích khả dĩ ở đây không phải là sự ác ý hay bất cẩn từ phía người dịch mà là một mong muốn cố tình chỉ muốn nhìn nhận Freud trong khuôn khổ y học.

(sđd.:32)

Thực hành nội hóa trong các bản dịch của Standard Edition tìm cách đồng hóa các văn bản của Freud vào sự thống trị của chủ nghĩa thực chứng trong văn hóa Anh-Mỹ, từ đó thúc đẩy việc thể chế hóa phân tâm học trong ngành y và trong tâm lý học hàn lâm.

Tất nhiên cuốn sách của Bettelheim rất nặng tính phán xét và ta nên tránh (hoặc có lẽ nên suy xét lại) cách đánh giá tiêu cực của ông nếu chúng ta muốn hiểu ý nghĩa nhiều tầng của Standard Edition trong vai trò một bản dịch. Bettelheim coi công trình của Strachey và cộng sự là sự xuyên tạc và phản bội “tinh thần nhân văn cốt yếu” của Freud, một quan điểm cho thấy thái độ cổ xúy khái niệm về chủ thể siêu việt ở cả Bettelheim và Freud. Đánh giá của Bettelheim về dự án phân tâm học được nêu trong các cách dịch theo hướng nhân văn của riêng ông cho các từ đã được dịch thành “ego [ngã]”, “id [nó]” và “superego [siêu ngã]” của Standard Edition: “Sự thống trị hợp lý của cái ‘tôi’ [I] đối với cái ‘nó’ [it] và cái ‘tôi ở trên’ [above-I] – đây là mục tiêu mà Freud muốn tất cả chúng ta đạt được” (Bettelheim 1983:110). Quan niệm bản ngã thống trị này coi chủ thể là nguồn cho mọi tri thức và hành động của nó, một chủ thể có khả năng tự nhất quán, chứ không phải bị chia cắt vĩnh viễn bởi các hạn định tâm lý (“id”) và xã hội (“siêu ngã”) mà chủ thể không thể kiểm soát hoặc chỉ có thể kiểm soát rất hạn chế. Giả định tương tự cũng thường thấy trong văn bản tiếng Đức của Freud: chẳng hạn, ông không chỉ nhấn mạnh vào sự thích nghi xã hội, như với khái niệm “nguyên tắc thực tại”, mà còn ở việc ông nhiều lần lấy kinh nghiệm của chính mình đưa ra phân tích; cả hai đều hình dung chủ thể hàn gắn sự chia cắt do hạn định trong ý thức của chính nó. Tuy nhiên, xét đến mức độ mà các mô hình tâm lý đa dạng của Freud đã lý thuyết hóa các yếu tố hạn định, luôn tồn tại và mâu thuẫn nhau, tác động vào ý thức, ta thấy nghiên cứu của ông lại đưa đến kết quả giải trung tâm chủ thể, loại bỏ nó khỏi vùng siêu việt của tự do và thống nhất, và xem nó như là sản phẩm chịu sự hạn định của các lực tâm lý và gia đình nằm ngoài kiểm soát có ý thức của nó. Những quan niệm mâu thuẫn về chủ thể này xuất hiện trong các khía cạnh khác nhau trong dự án phân tâm học của Freud: một mặt, chủ thể siêu việt dẫn đến định nghĩa rằng phân tâm học là một ngành chuyên trị liệu, mà Bettelheim gọi là “hành trình khám phá bản thân khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ […] để chúng ta không còn là nô lệ của những lực đen tối trong chính bản thân mình mà lại không hay biết điều đó” (sđd.:4); mặt khác, chủ thể bị hạn định lại dẫn đến định nghĩa rằng phân tâm học trước hết là một ngành thông diễn học, một cơ chế lý thuyết có đủ tính chặt chẽ về mặt khoa học để phân tích các lực, nhiều thay đổi nhưng luôn hoạt động, hợp thành và phân tách chủ thể con người. Do đó, các văn bản của Freud mang một sự đứt gãy cơ bản, một điều được “giải quyết” trong cách trình hiện nhân văn của Bettelheim về phân tâm học như một liệu pháp ấm áp tình người, đã bị cách dịch duy khoa học của các bản dịch tiếng Anh và cách trình hiện Freud như một nhà trị liệu phân tích lạnh lùng làm tệ đi.[xi] Phong cách thiếu thống nhất trong Standard Edition, phản ánh việc phân tâm học đã bị/được tái định nghĩa theo chủ nghĩa thực chứng trong các thể chế Anh-Mỹ, biểu thị một cách đọc khác đối với Freud, nhấn mạnh vào những mâu thuẫn trong dự án của ông.

Do đó, có thể lập luận rằng phong cách bất nhất trong các bản dịch tiếng Anh kia thực ra không đáng bị coi là sai; trái lại, nó cho thấy những lựa chọn diễn giải do một loạt các thể chế xã hội và phong trào văn hóa quyết định, trong đó một số cách (như thể chế hóa phân tâm học theo hướng duy khoa học) là do chủ đích của người dịch, một số cách khác (như sự thống trị của chủ nghĩa thực chứng và những điểm đứt gãy trong các văn bản của Freud) vẫn không được nhận rõ hoặc hoàn toàn là vô thức trong quá trình dịch. Việc những bất nhất này bao lâu nay không được ai chú ý tới có lẽ phần lớn là kết quả của hai yếu tố quyết định lẫn nhau: thẩm quyền của ấn bản Standard Edition trong giới độc giả nói tiếng Anh, và cách đọc Freud theo chủ nghĩa thực chứng đã trở nên cố hữu trong thiết chế phân tâm học Anh-Mỹ. Do đó, chúng ta cần một cách tiếp cận phê bình khác, với những giả định khác, để nhận ra phong cách không nhất quán của các bản dịch: chủ nghĩa nhân văn theo kiểu của Bettelheim, hoặc nỗ lực của chính tôi nhằm có cách đọc truy vết đối với các văn bản dịch dựa trên thực hành ngoại hóa theo một quan niệm hạn định về chủ thể. Kiểu đọc này có thể được coi là giúp ngoại hóa một bản dịch theo hướng nội hóa bằng cách chỉ ra điểm đứt gãy của nó; bản dịch phụ thuộc đến mức nào vào các giá trị thống trị trong văn hóa tiếp nhận sẽ trở nên dễ thấy nhất ở nơi nó đi xa khỏi các giá trị ấy. Tuy nhiên, cách đọc này cũng sẽ phát hiện xu hướng nội hóa có trong bất kỳ bản dịch ngoại hóa nào bằng cách chỉ ra những điểm nơi cách nó thiết lập cái ngoại quốc lại phụ thuộc vào những chất liệu trong văn hóa tiếp nhận.

Việc đọc truy vết, do đó, có thể hữu ích trong việc giải trừ ảo tưởng về tính trong suốt trong nền dịch thuật tiếng Anh đương đại. Trong một số bản dịch, những điểm đứt gãy rất rõ ràng, vô tình làm xáo trộn sự trôi chảy của ngôn ngữ, làm lộ ra sự áp đặt của văn hóa tiếp nhận. Một số bản dịch khác lại mang những lời tựa nói rõ chiến lược của người dịch và báo trước cho người đọc về sự hiện diện của những điểm khác lạ nổi bật về phong cách. Một trường hợp điển hình là bản dịch The Twelve Caesars của Robert Graves cho cuốn sách của Suetonius. Trong lời nói đầu bản dịch, Graves đã thẳng thắn trình bày thực hành dịch nội hóa của ông:

Để thuận tiện cho độc giả tiếng Anh, các câu và đôi khi thậm chí nhóm câu của Suetonius thường phải được chuyển ngược toàn bộ. Ở đâu ông dùng những điển cố khiến những ai không am hiểu bối cảnh La Mã sẽ thấy khó hiểu, tôi còn đưa vào văn bản một vài từ giải thích mà lẽ ra thường xuất hiện trong phần cước chú. Cách ghi ngày tháng cũng đã được đổi toàn bộ từ thời kỳ cổ giáo sang thời kỳ Cơ đốc giáo; các thành phố quen thuộc với người đọc đại chúng sẽ dùng tên hiện đại thay cho các tên cổ; tiền tệ được quy đổi từ đồng La Mã cổ đại sestertius thành đồng vàng (100 đồng sestertius đổi 1 đồng vàng, tức 20 đồng bạc La Mã denarius), tương tự như một đồng bảng Anh.

(Graves 1957:8)

Graves mạnh tay sửa đổi văn bản ngoại văn nhằm đồng hóa văn hóa ngôn ngữ ngoại quốc (Đế quốc La Mã) vào văn hóa ngôn ngữ dịch (Vương quốc Anh năm 1957). Công việc đồng hóa này làm được không chỉ nhờ vào kiến thức sâu rộng của ông về Suetonius và văn hóa La Mã trong thời Đế quốc (ví dụ hệ thống tiền tệ), mà còn vào kiến thức của ông về văn hóa Anh đương đại được thể hiện qua các dạng thức cú pháp và những gì ông coi là nhiệm vụ mà bản dịch của mình phải thực hiện. “Phiên bản” của ông, như ông viết trong lời nói đầu, không nhằm làm một “khuôn mẫu giáo khoa”, mà nhằm dễ đọc: “một bản chuyển ngữ theo nghĩa đen sẽ gần như không thể đọc được” (sđd.:8) bởi vì nó sẽ bám quá sát vào văn bản Latinh, thậm chí cả trật tự từ trong tiếng Latinh.

Graves đã cố gắng làm cho bản dịch của mình trở nên cực kỳ trôi chảy, và điều quan trọng cần lưu ý rằng đây vừa là một lựa chọn có chủ ý vừa mang tính đặc thù văn hóa, do các giá trị ngôn ngữ tiếng Anh đương thời quyết định, và không thể coi là lý tưởng tuyệt đối hoặc về cơ bản bắt nguồn từ Graves được. Ngược lại, toàn bộ quá trình tạo ra bản dịch, bắt đầu ngay từ việc lựa chọn văn bản để dịch và bao gồm cả các bước thay đổi văn bản của Graves cũng như quyết định xuất bản bản dịch ở dạng bìa mềm, đều bị quy định bởi các yếu tố như: việc nghiên cứu các ngôn ngữ cổ điển đã suy giảm trong nhóm độc giả trí thức, thị trường sách chưa có một bản dịch nào khác, và những cuốn tiểu thuyết lịch sử cực kỳ ăn khách do Graves viết dựa trên tác phẩm của các sử gia La Mã giống như Suetonius (các cuốn I, ClaudiusClaudius the God), vẫn liên tục được in từ năm 1934. Phiên bản The Twelve Caesars của Graves xuất hiện trong tủ sách “Penguin Classics”, một nhãn đại chúng dành cho cả sinh viên và độc giả phổ thông của Penguin.

Như J. M. Cohen đã nhận xét, các bản dịch trong Penguin Classics đã đi tiên phong trong việc sử dụng diễn ngôn trong suốt, “thứ văn xuôi đồng nhất đơn giản”, phần lớn là đáp lại các điều kiện văn hóa và xã hội bấy giờ:

Người dịch […] chủ đích làm cho mọi thứ trở nên đơn giản, dù không sử dụng cước chú vì điều kiện đọc sách giờ đây đã khác xưa rất nhiều và người trẻ ngày nay thường đọc trong môi trường kém thoải mái hơn nhiều so với cha ông mình. Người ấy, vì thế, phải được cuốn đi trên một mạch kể thực sự hấp dẫn. Ta chẳng thể đòi hỏi gì hơn ở người ấy trừ sự chú tâm. Kiến thức, các tiêu chuẩn so sánh, nền tảng về văn hóa cổ điển: người dịch phải đưa đủ những yếu tố đó vào từ ngữ được lựa chọn hoặc trong những lời giới thiệu ngắn gọn hết sức.

(Cohen 1962:33)

Phiên bản Suetonius của Graves đã phản ánh vị thế ngoại biên văn hóa của học thuật cổ điển trong giai đoạn hậu Thế chiến II và sự phát triển của thị trường đại chúng cho thể loại sách văn học bìa mềm, bao gồm cả những tiểu thuyết lịch sử bán chạy mà chính Graves đã sống nhờ trong nhiều năm. Bản dịch của ông đáp ứng rất tốt với hoàn cảnh này, đến nỗi nó cũng trở thành một cuốn sách bán chạy, được tái bản 5 lần trong vòng một thập kỷ sau khi xuất bản. Như Graves đã chỉ ra trong bài tiểu luận “Moral Principles in Translation” [Những nguyên lý đạo đức trong dịch thuật], người đọc “bình thường” của một văn bản cổ điển (ông lấy các tác phẩm của sử gia Diodorus xứ Sicily làm ví dụ) “chỉ muốn thông tin thực tế, được trình bày tốt sao cho con mắt của mình đọc nhanh cũng hiểu” (Graves 1965:51). Mặc dù Apuleius “viết bằng thứ tiếng Latinh Bắc Phi rất hoa mĩ,” Graves đã dịch nó “thành dạng văn xuôi đơn giản nhất có thể cho độc giả đại chúng.” Làm cho văn bản ngoại văn trở nên “đơn giản” có nghĩa là thực hành dịch của Graves mang tính nội hóa triệt để: nó không chỉ yêu cầu thêm vào các cụm từ giải thích, mà còn áp đặt lên văn bản ngoại văn các giá trị không chỉ lạc thời [anachronistic] và vị chủng, mà còn là giá trị thống trị trong văn hóa tiếp nhận. Trong lời tựa cho bản dịch Suetonius của mình, Graves đã nói rõ rằng ông đã cố tình hiện đại hóa và Anh hóa tiếng Latinh. Ông đã từng cân nhắc thêm vào một bài tiểu luận mang tính giới thiệu để độc giả thấy sự khác biệt về văn hóa và lịch sử của văn bản gốc bằng cách mô tả những xung đột chính trị quan trọng ở thời kỳ cuối nền Cộng hòa La Mã. Nhưng cuối cùng ông quyết định lược bỏ nó: “hầu hết độc giả,” ông cảm thấy, “có lẽ sẽ thích đi thẳng vào câu chuyện và đi đến đâu thì dần dà nhập vào câu chuyện đến đấy hơn” (Graves 1957:8). Điều này cho phép lối văn dịch trôi chảy của Graves trở nên trong suốt và vì thế giúp che giấu quá trình nội hóa bản dịch.

Có thể phát hiện ra quá trình này từ những điểm đứt gãy giữa diễn ngôn dịch thuật của Graves và phương pháp tường thuật tiểu sử và lịch sử đặc trưng của Suetonius. Cách Graves đọc Suetonius, như được nói qua trong lời nói đầu của bản dịch, phần lớn thuận theo cách tiếp nhận văn bản Latinh của giới học thuật đương thời. Như nhà nghiên cứu cổ điển Michael Grant đã chỉ ra, Suetonius

tập hợp và thoải mái đưa vào các thông tin cả ủng hộ lẫn chỉ trích [các chính khách La Mã] mà không thêm bất kỳ đánh giá cá nhân nào theo hướng này hay hướng khác, và trên hết là không đưa vào những bài học đạo đức vốn là đặc trưng cho thể loại tiểu sử và lịch sử Hy-La. Đôi khi tác giả cũng xem xét những tuyên bố mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, nói chung, tác giả có thái độ khách quan đến mức khô khan. […] ông hiếm khi cho phép ý kiến cá nhân xâm nhập vào bản kể, và trong quá trình thu thập các tài liệu kỳ lạ và thú vị này, có vẻ ông thực sự không hề nỗ lực đi đến một nhận định về những nhân vật ông đang bàn tới, hay xây dựng cho họ một nhân cách thống nhất. Có lẽ, ông nghĩ, con người chính là như vậy: họ có những nét mâu thuẫn và khó mà tạo nên một tổng thể thống nhất hòa hợp.

(Grant 1980:8)

Lời giải thích của Grant gợi ý rằng văn bản tiếng Latinh không cung cấp một quan điểm chủ quan nhất quán cho người đọc bước vào: chúng ta không thể đồng nhất mình với tác giả (“hiếm khi cho phép ý kiến cá nhân xâm nhập”) hay các nhân vật (những “nhân vật” không được xây dựng một “nhân cách thống nhất”). Kết quả là, câu chuyện của Suetonius dường như có “mức độ khách quan tương đối cao”, nhưng cũng chứa những đoạn gây ra sự nghi ngờ đáng kể, đặc biệt là vì “phong cách rời rạc giật cục một cách kỳ lạ của ông có thể dẫn đến sự mù mờ” (sđd.:7–8). Bản dịch trôi chảy của Graves giúp làm mượt những đặc điểm này của văn bản Latinh, đảm bảo tính dễ hiểu, xây dựng một quan điểm thống nhất hơn để đánh giá các hoàng đế La Mã, và khiến mọi nhận định đánh giá đó có vẻ đúng đắn, hợp lý, hiển nhiên.

Hãy xem xét đoạn về cuộc đời của Julius Caesar:

Stipendia prima in Asia fecit Marci Thermi praetoris contubernio; a quo ad accersendam classem in Bithyniam missus desedit apud Nicomeden, non sine rumorem prostratae regi pudicitiae; quern rumorem auxit intra paucos rursus dies repetita Bithynia per causam exigendae pecuniae, quem deberetur cuidam libertino clienti suo. reliqua militia secundiore fama fuit et a Thermo in expugnatione Mytilenarum corona civica donatus est.

(Butler and Cary 1927:1–2)

Caesar first saw military service in Asia, where he went as aide-de-camp to Marcus Thermus, the provincial governor. When Thermus sent Caesar to raise a fleet in Bithynia, he wasted so much time at King Nicomedes’ court that a homosexual relationship between them was suspected, and suspicion gave place to scandal when, soon after his return to headquarters, he revisited Bithynia: ostensibly collecting a debt incurred there by one of his freedmen. However, Caesar’s reputation improved later in the campaign, when Thermus awarded him the civic crown of oak leaves, at the storming of Mytilene, for saving a fellow soldier’s life.

(Graves 1957:10)

(Lần đầu tiên Caesar phục vụ trong quân đội là ở tỉnh Asia, nơi ông đi theo và làm sĩ quan hầu cận cho quan thống đốc tỉnh Marcus Thermus. Khi Thermus phái Caesar đến Bithynia hòng huy động một đội chiến thuyền, ông lãng phí nhiều thời gian tại triều đình của vua Nocomedes đến nỗi người ta nghi ngờ ông và nhà vua có mối quan hệ đồng tính. Sự nghi ngờ này trở thành một vụ bê bối khi ông vừa mới quay lại doanh trại chưa được bao lâu thì đã lại khởi hành đến Bithynia lần nữa: tiếng là để thu món nợ của một người từng là nô lệ của ông. Tuy nhiên, danh tiếng của Caesar sau đó đã được cải thiện trong trận công thành Mytilene, khi Thermus trao cho ông vành miện dân sự kết bằng lá sồi vì đã cứu sống một đồng đội.)

Cả hai đoạn văn đều dùng cách nói ám chỉ thay cho những lời nhận định rõ ràng, dựa trên tin đồn đáng ngờ thay cho bằng chứng đáng tin cậy (“rumorem” – “suspicion”). Tuy nhiên, văn bản tiếng Anh có một số bổ sung cho thấy chắc chắn hơn động cơ và hành động của Caesar cũng như đánh giá của chính Suetonius: bản dịch không chỉ nghiêng về phía bất lợi cho Caesar mà còn kỳ thị đồng tính. Đầu tiên, điều này thể hiện qua sự bất nhất trong phong cách: việc Graves sử dụng “homosexual relationship” [quan hệ đồng tính] để dịch “prostratae regi pudicitiae” [trao sự trong trắng của mình cho nhà vua] là một cách dịch lạc thời, bởi “homosexual relationship” là một thuật ngữ khoa học vào cuối thế kỷ XIX chẩn đoán hoạt động tình dục cùng giới như là bệnh lý, và do đó không phù hợp với một nền văn hóa cổ đại không phân loại hành vi tình dục theo giới tính (Oxford English Dictionary; Wiseman 1985:10–14). Tiếp đó, Graves khiến người đọc tin rằng mối quan hệ này thực sự đã xảy ra: ông không chỉ gia tăng ám chỉ bằng cách sử dụng “suspicion gave place to scandal” [nghi ngờ đã trở thành bê bối] để dịch “rumorem auxit” [tin đồn lan đi rằng], mà ông còn thêm vào trạng từ giàu ẩn ý “ostensibly” [tiếng là] hoàn toàn không có trong bản gốc tiếng Latinh. Phiên bản của Graves ngầm coi đồng tính luyến ái ngang với sự đồi bại, nhưng vì đây là mối quan hệ với một vị quân chủ ngoại quốc, nên ngoài ra còn có những hàm ý chính trị, ám chỉ có sự cấu kết phản bội mà Caesar đầy tham vọng đang che giấu và sau này có thể khai thác để tranh giành quyền lực: đoạn văn ngay trước đoạn này là cảnh nhà vua độc tài Sulla coi Caesar cùng giuộc với kẻ thù không đội trời chung của ông ta, Marius. Bởi vì đoạn văn mang nặng những lời buộc tội nặng nề, nên ngay cả cách dùng “however” [tuy nhiên] như một kết luận quyết đoán, hứa hẹn phục hồi hình ảnh của Caesar, cuối cùng cũng bị lật ngược, vì “saving a fellow soldier’s life” [cứu sống một đồng đội] lại như hàm ý về một mối quan hệ đồng tính khác.

Suetonius sau đó nói đến những tin đồn yêu đương của Caesar, và cả ở đây phiên bản của Grave cũng thể hiện rõ sự kỳ thị đồng tính:

Pudicitiae eius famam nihil quidem praeter Nicomedis contubernium laesit.

(Butler and Cary 1927:22)

The only specific charge of unnatural practices ever brought against him was that he had been King Nicomedes’ catamite.

(Graves 1957:30)

(Lời cáo buộc cụ thể duy nhất đối với ông về những hành động trái tự nhiên là ông từng là sủng đồng của vua Nicomedes.)

Trong khi văn bản tiếng Latinh chỉ đề cập khá chung chung và hời hợt về đời sống tình dục của Caesar, Graves chọn những từ tiếng Anh có hàm ý chỉ hành vi tình dục đồng giới là hành vi đồi bại: nghi vấn được nêu ra về “pudicitiae eius famam” [thông tin về đời sống tính dục của ông] trở thành “specific charge of unnatural practices” [lời cáo buộc cụ thể về những hành động trái tự nhiên], trong khi “contubernium” [sống cùng lều/bầu bạn/thân mật] lại khiến Caesar trở thành một “catamite”, một từ có tính thóa mạ trong giai đoạn đầu thời hiện đại, chỉ những cậu bé phải làm công cụ tình dục cho nam giới (OED). Là một từ cổ, “catamite” đi xa khỏi từ vựng tiếng Anh hiện đại được dùng trong toàn bộ cuốn này và các cuốn khác trong tủ Penguin Classics, sự đi trệch này là dấu vết của quá trình nội hóa trong bản dịch của Graves. Lời văn của ông sáng rõ và uyển chuyển đến mức những dấu vết như vậy rất dễ bị bỏ qua. Điều này cho phép bản dịch lựa chọn một cách diễn giải cụ thể nhưng lại trình bày đó là cách diễn giải thẩm quyền, xuất phát từ vị thế tác giả để hướng tới độc giả tiếng Anh vượt qua những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ. Tuy nhiên, cách diễn giải của Graves đã biến đổi một văn bản Latinh cổ để đồng hóa vào các giá trị đương đại của Anh. Ông đã phá vỡ huyền thoại về Caesar bằng cách đánh đồng chế độ độc tài La Mã với sự đồi bại về tình dục, và điều này phản ánh thái độ kỳ thị đồng tính thời hậu chiến, gắn liền đồng tính với nỗi sợ chính phủ toàn trị, chủ nghĩa cộng sản và các hoạt động gián điệp nhằm lật đổ chính quyền. “Trong thời Chiến tranh Lạnh,” Alan Sinfield lưu ý, “các vụ truy tố về ‘tội’ đồng tính luyến ái tăng gấp 5 lần trong vòng 15 năm kể từ năm 1939,” và “tội phản bội đồng tính của giới cộng sản bị truy sát ở ngay sát trung tâm thiết chế văn hóa ở những tầng cao” (Sinfield 1989:66, 299). Bản dịch Suetonius một cách trôi chảy của Graves cũng góp thêm vào tình trạng này của Anh khi đó, không chỉ bằng cách bêu xấu đời sống tình dục của Caesar, mà còn bằng cách miêu tả sự kỳ thị đồng tính như một sự thật lịch sử. Trong lời tựa, Graves nhận xét rằng Suetonius “có vẻ đáng tin cậy”, nhưng ông cũng vô tình gợi ý rằng nhà sử học La Mã này đồng tình với các quan điểm về tính dục và chính trị đang thịnh hành ở Anh thời đó: “định kiến ​​duy nhất của ông là ủng hộ cách cai trị cứng rắn mà ôn hòa, đồng thời quan tâm tới sự đúng mực của con người” (Graves 1957:7).

Các bản dịch ngoại hóa không trong suốt và né tránh sự trôi chảy để hướng tới một diễn ngôn đa dạng phi thuần nhất hơn cũng thể hiện những thiên kiến không kém trong cách diễn giải văn bản ngoại văn, tuy nhiên những bản dịch đó thường khoe ra thay vì che giấu thiên kiến của mình. Trong khi bản dịch Suetonius của Graves tập trung vào cái được biểu đạt, tạo ra ảo tưởng về tính trong suốt mà trong đó những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa được nội hóa, thì các bản dịch của Ezra Pound thường tập trung vào bản thân cái biểu đạt, tạo ra một độ mờ đục buộc người ta chú ý đến nó và khiến bản dịch phân biệt với cả văn bản ngoại văn lẫn các giá trị thịnh hành trong văn hóa ngôn ngữ được dịch.

Trong các dịch phẩm của Pound, sự ngoại hóa đôi khi nằm ở cách sử dụng ngôn ngữ cổ. Phiên bản bài “The Seafarer” (Người đi biển) (1912) của ông khác với tiếng Anh hiện đại bằng cách bám sát vào văn bản tiếng Anglo-Saxon, mô phỏng các từ ghép, cách láy âm và nhịp điệu trọng âm của nó, hay thậm chí vay mượn theo kiểu sao chép âm thanh của từ gốc Anglo-Saxon: “bitre breostceare” / “bitter breast-cares” [những đau đớn xót xa trong ngực]; “merewerges” / “mere-weary” [mệt mỏi vì biển cả]; “corna caldast” / “corn of the coldest” [những hạt lạnh lẽo nhất]; “floodwegas” / “flood-ways” [những con đường của thủy triều]; “hægl scurum fleag” / “hail-scur flew” [những trận mưa đá bay]; “mæw singende fore medodrince” / “the mews’ singing all my mead-drink” [tiếng hải âu hát thay cho rượu mật ong]. Nhưng những cách xử lý đi xa khỏi tiếng Anh hiện đại của Pound còn bao gồm cả những từ cổ sinh ra trong các giai đoạn sau này của văn chương Anh.

ne ænig hleomæga
feasceaftig ferð frefran meahte.
Forþon him gelyfeð lyt, se þe ah lifes wyn
gebiden in burgum, bealosiþa hwon,
wlonc ond wingal, hu ic werig oft
in brimlade bidan sceolde.

(Krapp và Dobbie 1936:144)

Not any protector
May make merry man faring needy.
This he little believes, who aye in winsome life
Abides ’mid burghers some heavy business,
Wealthy and wine-flushed, how I weary oft
Must bide above brine.

(Pound 1954:207)

(Đại ý: Không có người bảo hộ nào có thể khiến một kẻ thiếu thốn vui lên. Kẻ nào luôn sống giữa đám dân thành phố trong cuộc đời sung sướng, giàu có, mặt đỏ vì rượu, sẽ không thể nào tin nổi cảnh ngộ khó khăn mà tôi, mệt mỏi, quá thường xuyên phải sống trên nước muối.)

Từ “aye” (“always”, luôn luôn) là một từ tiếng Anh trung đại sau này lại xuất hiện trong phương ngữ của người Scotland và phía bắc nước Anh, trong khi từ “burgher” (dân thành thị) xuất hiện lần đầu tiên vào thời Elizabeth (OED). Từ “ ’mid” (nghĩa là “amid”, giữa) và “bide” (cư ngụ) là những từ theo lối thơ ca được dùng vào thế kỷ 19 bởi các tác giả như Scott, Dickens, Tennyson, Arnold, and Morris. Lối dùng từ của Pound thực ra nghiêng về các từ cổ mà sau này đã thành thơ ca: “brine” (nước muối), “o’er” (trên), “pinion” (cánh chim), “laud” (lời ca tụng), “ado” (công tích).

Các đặc điểm văn bản như vậy chỉ ra rằng một bản dịch chỉ có thể thực hiện ngoại hóa bằng cách sử dụng các chất liệu và ý đồ văn hóa có sẵn trong nội địa, của riêng ngôn ngữ dịch ra, nhưng trong trường hợp này còn là của riêng các giai đoạn lịch sử sau đó, được dùng một cách lạc thời. Bản dịch “The Seafarer” mang dấu ấn không chỉ của kiến ​​thức của Pound về văn học Anh kể từ thời kỳ sơ khai, mà còn của thi pháp hiện đại chủ nghĩa của ông, sự lựa chọn của ông lấy một thể thơ giản lược với nhiều mảnh ghép, điển hình như trong bài The Cantos, trong đó tư cách chủ thể bị chia cắt và hạn định, trở thành một nơi cho các diễn ngôn văn hóa phi thuần nhất tranh chấp nhau (Easthope 1983:chương 9). Những điểm khác lạ trong bản dịch của Pound — cú pháp méo mó, điệp âm luyến láy, những từ cổ có tính điển cố dày đặc — đã làm chậm dòng chảy của lời độc thoại, kháng cự lại sự đồng hóa, dù chỉ trong giây lát, với một chủ thể phát ngôn mạch lạc (cho dù là “tác giả” hay “người đi biển”) và làm nổi bật sự đa dạng của các loại phương ngữ tiếng Anh và diễn ngôn văn học thường bị bỏ qua dưới ảo ảnh về một giọng nói duy nhất. Chiến lược diễn ngôn này tạo ra hiệu ứng ngoại hóa ở chỗ nó không thuận theo các giá trị thịnh hành trong văn hóa Anh-Mỹ đương đại — điển phạm về sự trôi chảy trong dịch thuật, sự thống trị của diễn ngôn trong suốt, và ảo tưởng cá nhân chủ nghĩa về sự hiện diện của tác giả.

Tuy nhiên, bản dịch của Pound lại áp đặt một kiểu chủ nghĩa cá nhân hiện đại chủ nghĩa theo lối riêng của ông bằng cách biên tập lại văn bản Anglo-Saxon. Như nhà nghiên cứu trung cổ Christine Fell đã nhận xét, bản văn này chứa đựng “hai truyền thống, một là tinh thần anh hùng, nếu chúng ta có thể gọi nó như vậy, trong mối bận tâm về danh tiếng lưu lại sau khi qua đời, và hai là niềm hy vọng của một tín đồ Cơ đốc về sự yên nghỉ vĩnh hằng nơi thiên đường” (Fell 1991:176). Dù cho những giá trị mâu thuẫn này đi vào văn bản bằng cách nào, đã có sẵn trong một phiên bản truyền khẩu thuở đầu hay được đưa vào khi chép lại về sau ở tu viện, chúng cũng thể hiện hai quan niệm trái ngược nhau về tư cách chủ thể, một mang tính cá nhân (người đi biển như một cá nhân độc lập xa rời khỏi phòng tiệc và thành thị), một mang tính tập thể (người đi biển như một linh hồn giữa các linh hồn khác thuộc hệ thống tôn ti siêu hình và thuần phục Chúa). Bản dịch của Pound giải quyết mâu thuẫn này bằng cách bỏ hoàn toàn các điển cố liên quan đến Cơ đốc giáo, làm nổi bật đề tài chủ nghĩa anh hùng trong bản gốc tiếng Anglo-Saxon, làm cho “mind’s lust” “to seek out foreign fastness” [ham muốn trong tâm trí kiếm tìm những pháo đài xa lạ] của người đi biển trở thành một ví dụ cho “daring ado,/So that all men shall honour him after” [công tích táo bạo, khiến người người sẽ tôn vinh hắn về sau]. Theo lời Susan Bassnett, bản dịch của Pound thể hiện “nỗi đau khổ của một cá nhân vĩ đại thay vì nỗi đau khổ chung của con người […] một cuộc lưu đày đầy đau khổ, suy sụp nhưng không bao giờ khuất phục” (Bassnett 1980:97). Chiến lược dịch cổ điển hóa cản trở ảo tưởng cá nhân chủ nghĩa về tính trong suốt, nhưng các sửa đổi lại làm đậm thêm đề tài chủ nghĩa cá nhân anh hùng, và do đó đưa vào những chỉ trích liên tục đối với “burgher” [dân thành thị] là kẻ chỉ biết theo đuổi lợi ích tài chính và “knows not […] what some perform/Where wandering them widest draweth” [không biết đến một số kẻ đã làm gì khi cuộc phiêu du kêu gọi họ tới những miền xa xôi nhất] (Pound 1954:208). Các sửa đổi này là dấu vết cho thấy ý đồ văn hóa chính trị là linh hồn của bản dịch ngoại hóa của Pound, một mâu thuẫn về hệ tư tưởng kỳ dị vẫn thấy trong những thử nghiệm văn chương của chủ nghĩa hiện đại: sự phát triển các chiến lược văn bản nhằm giải trung tâm chủ thể siêu việt lại diễn ra đồng thời với việc phục hồi chủ thể ấy thông qua một số mô-típ đề cao chủ nghĩa cá nhân, như “cá tính mạnh mẽ.” Rốt cuộc thì mâu thuẫn này là phản ứng trước cuộc khủng hoảng của chủ thể con người mà những người theo chủ nghĩa hiện đại nhận thấy trong các bước phát triển xã hội như chủ nghĩa tư bản độc quyền, đặc biệt là việc tạo ra một lực lượng lao động đông đảo và sự tiêu chuẩn hóa quy trình làm việc (Jameson 1979:110–114).

Các ví dụ từ bản dịch của Graves và Pound cho thấy mục đích của việc đọc truy vết không phải để đánh giá “độ tự do” hoặc “độ trung thành” của bản dịch, mà là để phát lộ các điển phạm về tính chính xác làm căn cứ để người dịch thực hiện và đánh giá bản dịch. Tính trung thành không nên hiểu chỉ là sự tương đương về ngữ nghĩa, bởi một mặt, văn bản ngoại văn có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau, ngay cả ở cấp độ từng từ đơn lẻ; mặt khác, việc người dịch lựa chọn cách diễn giải nào còn tương ứng với hoàn cảnh văn hóa tiếp nhận và do đó luôn vượt ra khỏi văn bản ngoại văn. Điều này không có nghĩa là bản dịch vĩnh viễn bị đày vào lãnh địa của tự do hay sai lỗi, mà có nghĩa là các điển phạm về tính chính xác luôn là của riêng một nền văn hóa nào đó và biến đổi theo lịch sử. Mặc dù Graves đã tự nhận mình tạo ra một bản dịch tự do, nhưng nó vẫn được đánh giá là trung thành và được các chuyên gia trong giới học thuật như Grant chấp nhận là bản dịch tiếng Anh tiêu chuẩn. Năm 1979, Grant biên tập và xuất bản bản dịch của Graves, tuyên bố nó là chính xác, tuy rằng không “chuẩn xác”:

[Bản dịch của Graves] truyền tải những điểm đặc biệt trong phương pháp và tính cách của Suetonius tốt hơn bất kỳ bản dịch nào khác. Vậy tại sao tôi lại được yêu cầu “biên tập” nó? Bởi vì Robert Graves (người đã công khai khước từ tạo ra một sản phẩm dành cho sinh viên) không nhằm tạo ra một bản dịch chuẩn xác — trong đó có, như chính ông nói, các câu giải thích được thêm vào, những đoạn không giúp hiểu nghĩa bị lược bỏ và “các câu và đôi khi thậm chí nhóm câu thường phải được chuyển ngược toàn bộ”. […] Vì vậy, những gì tôi đã cố gắng làm là thực hiện những điều chỉnh thích hợp để đưa phiên bản của ông về lại phạm vi mà các độc giả hiện nay của Penguin Classics thường coi là một bản “dịch” — mà tôi hy vọng không làm mất đi cách làm xuất sắc và độc đáo của ông.

(Grant 1980:8–9)

Bản dịch được hiệu đính ra đời hai mươi hai năm sau bản dịch đầu tiên của Graves, những điển phạm về tính chính xác đã trải qua một sự thay đổi, đòi hỏi một bản dịch phải vừa trôi chảy vừa chính xác, phải tạo ra “trải nghiệm đọc sinh động và hấp dẫn” (sđd.:8), nhưng cũng phải theo sát văn bản ngoại văn hơn. Những đoạn văn tôi trích trên đây về cuộc đời của Caesar rõ ràng vẫn được đánh giá là chính xác vào năm 1979, vì Grant chỉ thay đổi một từ: “catamite” được đổi thành “bedfellow” [bạn cùng giường] (sđd.:32). Sự thay đổi này đã đưa bản dịch tiếng Anh về gần với bản gốc tiếng Latinh (“contubernium”), nhưng còn giúp câu văn của Graves trôi chảy hơn bằng cách thay thế một từ cổ bằng một từ hiện đại quen thuộc. Tuy nhiên, việc thay đổi vẫn quá nhỏ nhặt, không đủ để xóa bớt sắc thái kỳ thị đồng tính của bản dịch.

Phiên bản “The Seafarer” của Pound cũng không thể đơn giản bị coi là quá tự do bởi vì nó chịu ảnh hưởng cách tiếp nhận văn bản Anglo-Saxon gốc trong giới học thuật. Như Bassnett đã nhận xét, việc ông bỏ đi các yếu tố liên quan đến Cơ đốc giáo, bao gồm cả phần kết bài đầy tính giảng đạo (dòng 103-124) không nên coi là đi chệch khỏi văn bản bài thơ được lưu giữ trong Sách Exeter, mà là một cách nhuận sắc trả lời cho câu hỏi quan trọng trong giới nghiên cứu lịch sử bài thơ: “Ta có nên coi thông điệp Cơ đốc giáo như một phần không thể thiếu của bài thơ, hay những yếu tố Cơ đốc giáo chỉ là phần thêm vào sau, đặt gượng gạo trên cái nền cổ giáo?” (Bassnett 1980:96). Chẳng hạn, trong cuốn English Literature from the Beginning to the Norman Conquest, Stopford Brooke khẳng định rằng “đúng là ‘The Seafarer’ kết thúc bằng một cái đuôi Cơ đốc giáo, nhưng trình độ của đoạn thơ này, vốn chỉ đơn thuần mang tính giảng đạo, đã khiến những người hiểu biết bỏ không coi nó là một phần của bài thơ gốc” (Brooke 1898:153). Bản dịch của Pound có thể được coi là chính xác theo các tiêu chuẩn học thuật đầu thế kỷ 20, một bản dịch đồng thời là một phiên bản đáng tin cậy của văn bản gốc Anglo-Saxon. Khi làm khác với văn bản trong Sách Exeter ông đã giả định một bối cảnh văn hóa vẫn còn nhiều độc giả nghiên cứu văn hóa/tiếng Anglo-Saxon, được kỳ vọng là sẽ hiểu được giá trị của công việc tái tạo lịch sử ẩn trong phiên bản bài thơ của ông.

Đọc truy vết là một cách tiếp cận duy sử đối với việc nghiên cứu các bản dịch, nhằm nhìn nhận các điển phạm về tính chính xác tại thời điểm văn hóa cụ thể mà điển phạm đó ra đời. Những phạm trù đánh giá như “trôi chảy” và “kháng cự”, “nội hóa” và “ngoại hóa” chỉ có thể định nghĩa bằng cách quy chiếu đến sự hình thành các diễn ngôn văn hóa là bối cảnh khi bản dịch được tạo ra, khi một số lý thuyết và thực hành dịch nhất định được đánh giá cao hơn các cách khác. Tuy nhiên, việc áp dụng các phạm trù đánh giá này trong nghiên cứu bản dịch cũng là một cách làm lạc thời: về cơ bản các phạm trù ấy được xác định bởi một ý đồ chính trị văn hóa ở hiện tại, một sự phản đối diễn ngôn trong suốt đang chiếm thế thống trị đương thời, phản đối việc đề cao thực hành nội hóa trôi chảy che khuất cả công việc của người dịch lẫn các mối quan hệ bất đối xứng — về văn hóa, kinh tế, chính trị — giữa các quốc gia nói tiếng Anh và các quốc gia khác trên toàn thế giới. Mặc dù một lý thuyết và thực hành dịch thuật mang tính nhân văn cũng lạc thời không kém khi áp vào văn bản ngoại văn các giá trị hiện hành của nền văn hóa tiếp nhận, nó cũng có xu hướng giải lịch sử: những điều kiện đa dạng hình thành và tiếp nhận văn bản dịch bị khuất lấp dưới quan niệm về chủ thể siêu việt và giao tiếp trong suốt. Trái lại, đọc truy vết là thực hành mang tính lịch sử hóa: nó dựa trên quan niệm về chủ thể bị hạn định, giúp phơi bày cả bạo lực vị chủng trong quá trình dịch lẫn bản chất thiên kiến của cách tiếp cận duy sử của chính mình.

4 – Phương pháp phả hệ

Mục đích của cuốn sách này là tấn công vào sự vô hình của người dịch, qua một lịch sử của dịch thuật Anh ngữ đương đại và từ góc nhìn phản kháng lại nó. Là một cuốn văn hóa sử với một ý đồ chính trị công khai, cuốn sách này đi theo phương pháp phả hệ của Nietzsche và Foucault và từ bỏ hai nguyên lý chính của ngành lịch sử thông thường: nguyên lý mục đích luận [teleology] và nguyên lý khách quan. Phương pháp phả hệ là một cách trình hiện lịch sử không phải như một quá trình diễn tiến liên tục từ một nguồn gốc thống nhất, một sự phát triển tất yếu mà ở đó quá khứ sẽ xác định nghĩa của hiện tại, mà là một chuỗi kế tiếp nhiều đứt gãy của chia tách và thứ bậc, của thống trị và loại trừ, từ đó đánh đổ cái vẻ dường như thống nhất của hiện tại bằng việc tái dựng một quá khứ với những nghĩa đa chiều và không thuần nhất. Foucault cho rằng khi phân tích theo phương pháp phả hệ, “cái ta tìm thấy ở giai đoạn khởi đầu lịch sử của sự vật không phải là căn tính bất khả xâm phạm của nguồn gốc chúng; mà là sự bất đồng của những thứ khác. Là tính bất nhất.” (Foucault 1977:142). Khả năng phục hồi những nghĩa “khác” này đập vỡ cái mặt nạ “khách quan” trong sử học thông thường: thiên hướng mục đích luận của nó đã để lộ ra rằng nó tiếp tay duy trì mãi tới thời hiện tại những thống trị và loại trừ quá khứ. Vì vậy, lịch sử được chứng minh là một thực hành chính trị văn hóa, một cách trình hiện quá khứ đầy thiên kiến (vừa chọn lọc vừa đánh giá) và chủ động can thiệp vào hiện tại, kể cả nếu những gì được lợi từ việc can thiệp đó không phải lúc nào cũng rõ ràng, hoặc có thể vẫn còn là vô thức. Đối với Foucault, phân tích phả hệ là phương pháp duy nhất khẳng định bản chất thiên kiến của cách trình hiện lịch sử của chính mình, trong việc giữ lập trường đối đầu trực diện với các cuộc đấu tranh chính trị trong tình thế của mình. Và bằng việc xác định xem điều gì đã bị thống trị hoặc bị loại trừ trong quá khứ và bị che khuất trong sử học thông thường, một phân tích như vậy không chỉ có thể chất vấn các điều kiện văn hóa và xã hội xung quanh nó, mà còn đề xuất các điều kiện khác cần thiết lập trong tương lai. Foucault cho rằng lịch sử được dựa trên phả hệ học “nên trở thành một kiểu tri thức đặc trưng về những sức mạnh và thất bại, huy hoàng và suy đồi, chất độc và thuốc giải. Nhiệm vụ của nó là phải trở thành một ngành khoa học có thể chữa lành con người” (sđd.:156). Bằng việc dựng lên một trình hiện khác biệt về quá khứ, phả hệ học vừa tham gia vào những cuộc tranh luận văn hóa và xung đột xã hội ở hiện tại vừa hình thành những giải pháp có tính không tưởng [utopia].

Sự vô hình của người dịch can thiệp nhằm thay đổi tình thế và hành động của người dịch trong văn hóa Anh-Mỹ đương đại bằng việc trình bày một loạt các phả hệ viết lên lịch sử hiện tại. Nó lần theo sự lên ngôi của diễn ngôn trong suốt trong dịch thuật Anh ngữ từ thế kỷ XVII trở đi, trong khi nghiên cứu quá khứ để tìm kiếm lời giải, những lý thuyết và thực hành thay thế tại Anh, Mỹ và một số nền văn hóa dùng ngôn ngữ khác – Đức, Pháp, Italia[xii]. Các chương trong cuốn sách hợp thành một lập luận theo trật tự thời gian, chỉ ra rằng nguồn gốc của dịch trôi chảy nằm ở vô số kiểu thống trị và loại trừ văn hóa, nhưng cũng cho thấy rằng việc dịch có thể phục vụ cho một ý đồ dân chủ hơn, nơi những lý thuyết và thực hành bị loại trừ được khôi phục và sự trôi chảy thịnh hành không chỉ đơn giản bị dẹp đi mà là được sửa lại. Những hành động khôi phục và sửa lại được bàn tới trong lập luận này dựa trên việc nghiên cứu tư liệu sâu rộng, xem xét lại những bản dịch đã bị thờ ơ hoặc quên lãng từ lâu, và thiết lập một truyền thống thay thế có trùng lấp phần nào nhưng nói chung là khác biệt so với kho điển phạm của văn chương Anh-Mỹ hiện nay.

Động lực thúc đẩy tôi viết cuốn sách này là một mong muốn mạnh mẽ nhằm ghi lại lịch sử của dịch thuật Anh ngữ, đưa ra ánh sáng những người dịch và bản dịch khuất bóng bấy lâu, tái dựng lại cách chúng được xuất bản và tiếp nhận, kể rõ lại những đợt tranh luận lớn. Tuy nhiên, mong muốn ghi lại này phục vụ cho thái độ hoài nghi của phương pháp đọc truy vết nhằm tra vấn quá trình nội hóa trong văn bản dịch, cả điển phạm và ngoại biên, và đánh giá lại tính hữu dụng của nó trong nền văn hóa Anh-Mỹ hiện nay. Những tường thuật lịch sử ở mỗi chương, đặt nền tảng trên sự phân tích các lý thuyết và thực hành dịch ngày nay, đi tìm câu trả lời cho những vấn đề chính. Diễn ngôn trong suốt đã vừa áp đặt vừa che giấu những giá trị nào của nền văn hóa tiếp nhận trong các văn bản ngoại văn trong suốt quá trình thống trị lâu dài của nó? Tính trong suốt ấy đã định hình điển phạm văn học nước ngoài trong tiếng Anh và căn tính văn hóa của các nước nói tiếng Anh như thế nào? Tại sao chiến lược dịch trong suốt lại lấn át các chiến lược dịch thuật khác trong tiếng Anh, như phong cách chuộng từ cổ thời Victoria (Francis Newman, William Morris) và những thể nghiệm hiện đại chủ nghĩa với diễn ngôn phi thuần nhất (Pound, Celia và Louis Zukofsky, Paul Blackburn)? Điều gì sẽ xảy ra nếu người dịch cố gắng chuyển hướng quá trình nội hóa bằng việc chọn những văn bản ngoại văn đi trệch khỏi diễn ngôn trong suốt rồi dịch theo cách để cho thấy những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ của văn bản đó? Liệu nỗ lực này có tạo nên những trao đổi văn hóa dân chủ hơn? Liệu nó có thay đổi các giá trị của nền văn hóa tiếp nhận? Hay nó sẽ đồng nghĩa với việc bị trục xuất ra ngoài lề văn hóa Anh-Mỹ?

Trong suốt cả cuốn, tôi đặt trọng tâm vào dịch thuật nhân văn, tức “văn học” theo nghĩa rộng (không chỉ bao gồm các thể loại văn học truyền thống như thơ và truyện hư cấu, mà cả tiểu sử, lịch sử, triết học, tâm lý, cùng các thể loại và chuyên ngành khác trong các môn khoa học nhân văn) chứ không phải dịch thuật “kỹ thuật” (thương mại, ngoại giao, luật pháp, khoa học). Việc chọn trọng tâm như vậy không phải là vì người dịch các ngành nhân văn ngày nay chịu cảnh vô hình hơn hoặc bị bóc lột hơn những người đồng nghiệp dịch kỹ thuật, là những người dù làm tự do hay được công ty dịch thuật thuê thì vẫn không được phép ký tên hoặc giữ bản quyền tác phẩm của mình chứ chưa nói đến được nhận nhuận bút theo tiara (Fischbach 1992:3). Đúng hơn, tôi đặt trọng tâm vào dịch nhân văn là bởi bấy lâu nó đã đặt ra tiêu chuẩn cho cả dịch kỹ thuật (sự trôi chảy), và quan trọng nhất với các mục đích của cuốn sách này, nó vốn là nơi những lý thuyết và thực hành mới mẻ xuất hiện. Như Schleiermacher đã nhận ra từ lâu, việc lựa chọn giữa nội hóa hay ngoại hóa một văn bản ngoại văn chỉ là quyền của người dịch văn học hay học thuật, chứ không phải người dịch kỹ thuật. Dịch thuật kỹ thuật cơ bản là bị hạn chế bởi những đòi hỏi của việc giao tiếp: kể từ sau Thế chiến II, dịch kỹ thuật đã hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học, đàm phán địa chính trị, và trao đổi thương mại, đặc biệt là khi các tập đoàn đa quốc gia tìm cách mở rộng thị trường nước ngoài, gầy dựng lực lượng lao động ngoại quốc, và do đó càng cần những bản dịch trôi chảy dễ hiểu lập tức cho các hiệp định quốc tế, hợp đồng pháp lý, thông tin kỹ thuật và hướng dẫn vận hành (Levy 1991:F5). Dù nếu chỉ tính riêng khối lượng và giá trị kinh tế, dịch thuật kỹ thuật vượt xa dịch thuật văn học (một ước tính gần đây đã định giá ngành công nghiệp dịch thuật toàn cầu ở mức 26 tỉ đô), dịch thuật nhân văn vẫn là một thực hành văn hóa nơi người dịch có thể thử nghiệm với việc chọn văn bản ngoại văn để dịch, hoặc phát triển các chiến lược diễn ngôn, chỉ bị hạn chế bởi tình thế hiện tại trong văn hóa tiếp nhận.

Mục đích cuối cùng của cuốn sách này là khiến người dịch và độc giả của họ suy ngẫm về bạo lực vị chủng của dịch thuật và từ đây sẽ có các cách viết và đọc văn bản dịch thừa nhận được sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ của văn bản ngoại văn. Tôi không cổ vũ cho sự ca tụng không phân biệt mọi nền văn hóa nước ngoài hay quan niệm siêu hình coi tính “ngoại” như một giá trị cốt yếu; thực ra, văn bản ngoại văn chỉ được ưu tiên trong một bản dịch ngoại hóa để quấy nhiễu mã văn hóa của ngôn ngữ tiếp nhận, vậy nên giá trị của nó luôn mang tính chiến lược, phụ thuộc vào kết cấu văn hóa mà bản dịch đó sẽ tham gia vào. Nói đúng hơn, mục tiêu của tôi là làm rõ các phương tiện về lý thuyết, phê bình và văn bản mà qua đó ta có thể nghiên cứu và thực hành dịch như một lãnh địa của sự khác biệt, chứ không phải của sự thuần nhất là đặc trưng phổ biến của nó như hiện nay.

Chiêu Dương dịch

Chú thích

[i] Đã có rất nhiều người khác nói tới những thay đổi văn hóa và xã hội này. Cách hiểu của tôi chịu ảnh hưởng lớn từ các vị Mandel 1975, McLuhan 1964, Horkheimer và Adorno 1972, và Baudrillard 1983. Quan niệm về ngôn ngữ như là công cụ tất nhiên không chỉ riêng thế kỷ XX mới có, chúng tồn tại từ thời cổ đại tại phương Tây và đã tác động đến các lý thuyết dịch thuật ít nhất kể từ thời Augustine (Robinson 1991:50–54).

[ii] Holden 1991:Chương 1 cũng có một đánh giá tương tự về thơ ca Mỹ đương đại, dù từ một góc nhìn “trung lập” hơn. Để biết thêm về lịch sử phát triển của diễn ngôn trong suốt trong thơ ca tiếng Anh, xem Easthope 1983.

[iii] Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế 1988 (c.48), các mục 1 (1) (a), 16 (1) (e), 21 (3) (a) (i); 17 Pháp điển luật liên bang Hoa Kỳ, các mục 101, 102, 106, 201 (a) (1976).

[iv] Vị thế pháp lý mơ hồ của bản dịch cũng được Derrida 1985a:196–200, Simon 1989 và Venuti 1998:Chương 3 bàn tới.

[v] Khuyến nghị của UNESCO về việc Bảo hộ pháp lý cho người dịch và bản dịch, và Các biện pháp thực tế để nâng cao vị thế của người dịch (thông qua trong cuộc họp Đại hội đồng tại Nairobi ngày 22 tháng 11 năm 1976), cũng theo cách diễn đạt của Công ước Berne (Điều II.3): “Các quốc gia thành viên phải dành cho các dịch giả, trong quan hệ với các bản dịch của họ, sự bảo hộ giống như dành cho các tác giả theo các quy định của công ước bản quyền quốc tế mà họ là thành viên và / hoặc theo luật quốc gia của họ, nhưng không ảnh hưởng đến quyền của các tác giả của tác phẩm gốc được dịch.”

[vi] Thông tin về công trình dịch Cortázar của Blackburn được lấy từ các tài liệu thuộc Bộ sưu tập Paul Blackburn, Archive for New Poetry, Mandeville Department of Special Collections, University of California, San Diego: Thư gửi John Dimoff, National Translation Center, University of Texas, Austin, ngày 6 tháng 5 năm 1965; Hợp đồng dịch End of the Game and Other Stories với Pantheon Books ngày 4 tháng 6 năm 1965; Phụ lục hợp đồng với Pantheon Books, ngày 12 tháng 5 năm 1966; Thư gửi Claudio Campuzano, InterAmerican Foundation for the Arts, ngày 9 tháng 6 năm 1966. Các thông tin về “chuẩn nghèo” dựa vào Báo cáo của Cục Thống kê Hoa Kỳ theo các năm tương ứng.

[vii] Mức nhuận dịch năm 1969 dựa theo bản “tuyên ngôn” đặt cuối kỷ yếu hội thảo PEN mang tính cột mốc vào năm 1970 (The World of Translation 1971:377). Mức nhuận dịch năm 1979 căn cứ vào hợp đồng dịch thuê của cá nhân tôi với NXB Farrar, Straus & Giroux cho bản dịch cuốn tiểu thuyết Delirium của Barbara Alberti vào ngày 29 tháng 5 năm 1979.

[viii] Các số liệu từ năm 1950 đến 1990 xem biểu đồ trong bản in đầu Sự vô hình của người dịch (1995:13). Số liệu liên quan đến thị trường xuất bản Anh trong bản đó dựa theo tờ Whitaker’s Almanack, liên quan đến thị trường xuất bản Mỹ dựa theo tờ Publishers Weekly. Tôi cũng tham khảo các số liệu trong Index Translationum cùng nhiều tài liệu khác của UNESCO. Có nhiều yếu tố dẫn đến sự sai khác nhau trong các số liệu về dịch thuật này, đáng chú ý nhất là cách định nghĩa khác nhau thế nào là sách và số lượng ngôn ngữ dịch ra được kể đến rất hạn chế. Dữ liệu của ngành xuất bản Mỹ trong năm 1995 và 2004 lấy từ ấn phẩm thường niên Books in Print, ấn phẩm này dựa trên số ISBN và do đó cho số liệu đáng tin cậy hơn về lượng sách phát hành. Dữ liệu về ngành xuất bản tại Anh năm 2001 được lấy từ Whitaker Information Services.

[ix] Dù nhấn mạnh phương pháp ngoại hóa, lý thuyết của Schleiermacher vẫn khá phức tạp vì ông muốn bản dịch tiếng Đức còn phải đảm nhiệm một chương trình văn hóa có tính dân tộc chủ nghĩa.

[x] Về ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu cấu trúc lên lý thuyết và thực hành dịch thuật, xem thêm Graham 1985, Benjamin 1989, Niranjana 1992, và Venuti 1992. Gentzler 1993:Chương 6 có một khảo sát về sự vận động này.

[xi] Mâu thuẫn tương tự cũng xuất hiện trong suy tư của chính bản thân Freud về tình thế lưỡng nan của phân tâm học (trị liệu hay thông diễn), trong cuốn Beyond the Pleasure Principle (1920):

Kết quả của hai mươi lăm năm làm việc cật lực là phương pháp phân tâm học ngày nay có những mục đích trước mắt đã khác so với mục đích ban đầu của nó. Ban đầu, nhà phân tâm học không thể làm gì hơn ngoài tìm ra những chất liệu vô thức mà bệnh nhân không nhận ra, lắp ghép chúng lại, và vào thời điểm thích hợp, trao đổi cho anh ta biết về nó. Thời đó, phân tâm học trước hết là nghệ thuật diễn giải. Bởi điều này không thể giải quyết vấn đề trị liệu, một mục đích khác nhanh chóng xuất hiện: buộc người bệnh xác nhận sản phẩm kiến tạo của nhà phân tâm học theo ký ức của anh ta. Trong một nỗ lực như thế, trọng tâm chính nằm ở sự kháng cự của người bệnh: nghệ thuật đó giờ đây nằm ở việc khám phá những kháng cự đó càng nhanh càng tốt, ở việc giúp bệnh nhân nhận ra chúng và ở việc thuyết phục bệnh nhân bằng ảnh hưởng của con người, để bệnh nhân buông bỏ kháng cự – đây chính là thời điểm mà những gợi ý đóng vai trò “chuyển di” phát huy tác dụng của nó.

(Freud 1961:12)

Mặc dù Freud muốn vạch một ranh giới rõ ràng trong sự phát triển của phân tâm học, giữa thời kỳ đầu là giai đoạn thông diễn với thời kỳ sau là giai đoạn điều trị, cách giải thích của ông thực sự làm mờ ranh giới đó: cả hai giai đoạn đều yêu cầu đặt trọng tâm cơ bản vào diễn giải, dù là “chất liệu vô thức” hay “những kháng cự của bệnh nhân”, và vì cần “khám phá” nên những kháng cự này cũng mang tính “vô thức” như vậy; trong cả hai giai đoạn “sản phẩm kiến tạo của nhà phân tâm học” đều có thể được coi là điều “trước hết”. Điều đã thay đổi thật ra không phải là “những mục đích trước mắt của phương pháp phân tâm học” mà là cơ chế lý thuyết của nó: những năm tháng giữa hai thời kỳ chứng kiến sự ra đời của một khái niệm mang tính diễn giải mới – khái niệm “chuyển di”. Hơn nữa, việc Freud coi đặc trưng thời kỳ đầu của phân tâm học về cơ bản là trị liệu lại chỉ xuất hiện trong một văn bản sau này, thuộc về số công trình lý thuyết và tư biện nhất của ông. Quan niệm của Bettelheim về phân tâm học, cơ sở để ông phản đối Standard Edition, đã san phẳng các đứt gãy trong các văn bản và dự án của Freud bằng cách viện đến một giản đồ phát triển (giống như bản thân Freud đã làm):

Bản dịch tiếng Anh bám lấy tư tưởng của Freud trong giai đoạn đầu, khi ông hướng về khoa học và y học, và phủ nhận một Freud chín chắn hơn với thiên hướng nhân văn, quan tâm chủ yếu tới những câu hỏi văn hóa và nhân sinh sâu rộng, tới những vấn đề của tâm hồn con người.

(Bettelheim 1983:32)

[xii] Dù diễn ngôn trong suốt nổi lên trong giới dịch thuật Anh ngữ rõ ràng nhất là vào thế kỷ XVII, nó đã là một đặc trưng đáng chú ý của lý thuyết và thực hành dịch thuật phương Tây từ thời cổ đại. Chủ đề này đã được bàn tới với rất nhiều góc nhìn khác nhau, như của Berman 1985, Rener 1989, và Robinson 1991.

 

Tài liệu trích dẫn

Althusser, L. (1970) “From Capital to Marx’s Philosophy,” in L. Althusser and É. Balibar, Reading Capital, tr. B. Brewster, London: NLB, pp. 11–71.

Baker, M. (2006) Translation and Conflict: A Narrative Account, London and New York, NY: Routledge.

Balderston, D. (1992) “Fantastic Voyages,” New York Times Book Review, 29 November, p. 15.

Bassnett, S. (1980) Translation Studies, London and New York, NY: Methuen.

Baudrillard, J. (1983) Simulations, tr. P. Foss, P. Patton and P. Beitchman, New York, NY: Semiotext(e).

Benjamin, A. (1989) Translation and the Nature of Philosophy: A New Theory of Words, London and New York, NY: Routledge.

Berman, A. (1985) “La Traduction et la lettre, ou l’auberge du lointain,” in Les Tours de Babel: Essais sur la traduction, Mauvezin: Trans-Europ-Repress.

Berman, P. (2000) “Depressive Lucidity,” New Republic, 222(21): 25–9.

Bernstein, C. (1986) Content’s Dream: Essays 1975–1984, Los Angeles, CA: Sun & Moon.

Bettelheim, B. (1983) Freud and Man’s Soul, New York, NY: Alfred Knopf.

Blackburn, P. (ed. and tr.) (1958) “Anthology of Troubadours: Translated from the 12th and 13th C. Occitan by Paul Blackburn,” unpublished manuscript, Paul Blackburn Collection, Archive for New Poetry, Mandeville Department of Special Collections, University of California, San Diego.

Brady, P. V. (1977) “Traps for Translators,” Times Literary Supplement, 25 February, p. 201.

Brisset, A. (1996) A Sociocritique of Translation: Theatre and Alterity in Quebec, 1968–1988, tr. R. Gill and R. Gannon, Toronto: University of Toronto Press.

Brooke, S. (1898) English Literature from the Beginning to the Norman Conquest, New York, NY and London: Macmillan.

Burgess, A. (1990) “On Wednesday he Does his Ears,” New York Times Book Review, 14 October, p. 11.

Butler, H. E. and Cary, M. (eds) (1927) C. Suetoni Tranquilli Divus Iulius, Oxford: Oxford University Press.

Christ, R. (1984) “Translation Watch,” PEN American Center Newsletter, 53 (Winter): 8.

Cobb, G. T. (2004) “A Dilemma of Identity,” America, 191: 10, 11 October, pp.: 31–2.

Cohen, J. M. (1962) English Translators and Translations, London: Longmans, Green & Co.

Corke, H. (1967) “New Novels,” The Listener, 8 June, pp. 761–2.

Cronin, M. (2006) Translation and Identity, London and New York, NY: Routledge.

Damrosch, D. (2003) What is World Literature?, Princeton, NJ: Princeton University Press.

Derrida, J. (1982) “Différance,” in Margins of Philosophy, tr. A. Bass, Chicago, IL: University of Chicago Press.

–––– (1985a) “Des Tours de Babel,” tr. J. F. Graham, in J. F. Graham (ed.), Difference in Translation, Ithaca, NY: Cornell University Press.

Dickstein, M. (1992) Review of G. Celati’s Appearances, tr. S. Hood, New York Times Book Review, 29 November, p. 18.

Easthope, A. (1983) Poetry as Discourse, London and New York, NY: Methuen.

Eder, R. (2001) “The Heresies of the Paintbrush,” New York Times Book Review, 2 September, p. 7.

Emmerling, E. (2006) “The German Book Market—Gutenberg’s Heirs Survive Media Competition,” Goethe-Institut (May): http//www.goethe.de/wis/buv/dos/dbb2/en122050.htm.

Feldman, G. (1986) “Going Global,” Publishers Weekly, 19 December, pp. 20–4.

Fell, C. (1991) “Perceptions of Transience,” in M. Godden and M. Lapidge (eds), The Cambridge Companion to Old English Literature, Cambridge: Cambridge University Press.

Fenton, S. and Moon, P. (2002) “The Translation of the Treaty of Waitangi: A Case of Disempowerment,” in M. Tymoczko and E. Gentzler (eds), Translation and Power, Amherst and Boston, MA: University of Massachusetts Press, pp. 25–44.

Fischbach, H. (1992) “The Mutual Challenge of Technical and Literary Translation: Some Highlights,” Sci-Tech Newsletter, January, pp. 3–5.

Flad, B. (1992) “A Speech for the Defense of the Visible and Audible Translator,” Translation Review, 38/9: 40–1.

Foucault, M. (1977) “Nietzsche, Genealogy, History,” in Language, Counter-Memory, Practice: Selected Essays and Interviews, ed. and tr. D. F. Bouchard and S. Simon, Ithaca, NY: Cornell University Press.

Frémy, D. and M. (eds) (1992) Quid 1992, Paris: Laffont.

Freud, S. (1960) The Psychopathology of Everyday Life (1901), tr. A. Tyson, ed. J. Strachey, New York, NY: Norton.

–––– (1961) Beyond the Pleasure Principle (1920), ed. and tr. J. Strachey, New York, NY: Norton.

Gaffney, E. (1997) “Books in Brief: Fiction,” New York Times Book Review, 30 November, p. 20.

Gentzler, K (1993) Contemporary Translation Theories, London and New York, NY: Routledge.

Giddens, A. (1979) Central Problems in Social Theory: Action, Structure, and Contradiction in Social Analysis, Berkeley and Los Angeles, CA: University of California Press.

Graham, J. (ed.) (1985) Difference in Translation, Ithaca, NY: Cornell University Press.

Grant, M. (ed.) (1980) G. Suetonius Tranquillus, The Twelve Caesars, tr. R. Graves, Harmondsworth: Penguin.

Graves, R. (tr.) (1957) G. Suetonius Tranquillus, The Twelve Caesars, Harmondsworth: Penguin.

Green, J. M. (2001) Thinking through Translation, Athens, GA and London: University of Georgia Press.

A Handbook for Literary Translators (1991), 2nd edn, New York, NY: PEN American Center.

Hingley, R. (ed. and tr.) (1964) The Oxford Chekhov, vol. III, London and New York, NY: Oxford University Press.

Holden, J. (1991) The Fate of American Poetry, Athens, GA: University of Georgia Press.

Honig, E. (1985) The Poet’s Other Voice: Conversations on Literary Translation, Amherst, MA: University of Massachusetts Press.

Horkheimer, M. and Adorno, T. (1972) Dialectic of Enlightenment, tr. J. Cumming, New York, NY: Continuum.

Jameson, F, (1979) Fables of Aggression: Wyndham Lewis, the Modernist as Fascist, Los Angeles and Berkeley, CA: University of California Press.

Keeley, E. (1990) “The Commerce of Translation,” PEN American Center Newsletter, 73 (Fall): 10–12.

Krapp, G. P. and Dobbie, E. V. K. (eds) (1936) The Exeter Book, New York, NY: Columbia University Press.

Kratz, D. (1986) “An Interview with Norman Shapiro,” Translation Review, 19: 27–8.

Lefevere, A. (ed. and tr.) (1977) Translating Literature: The German Tradition from Luther to Rosenzweig, Assen: Van Gorcum.

–––– (1992a) Translation, Rewriting and the Manipulation of Literary Fame, London and New York, NY: Routledge.

Levy, C. (1991) “The Growing Gelt in Others’ Words,” New York Times, 20 October, p. F5.

Lewis, P. E. (1985) “The Measure of Translation Effects,” in J. Graham (ed.), Difference in Translation, Ithaca, NY: Cornell University Press.

Lotringer, S. and Cohen, S. (eds) (2001) French Theory in America, London and New York, NY: Routledge.

Lottman, H. R. (1991) “Milan: A World of Change,” Publishers Weekly, 21 June, pp. S5– S11.

Lyne, R. (2001) Ovid’s Changing Worlds: English Metamorphoses, 1567–1632, Oxford: Oxford University Press.

McLuhan, M. (1964) Understanding Media: The Extensions of Man, New York, NY: McGraw-Hill.

Mandel, E. (1975) Late Capitalism, tr. J. De Bres, London: New Left Books.

Marcus, J. (1990) “Foreign Exchange,” Village Voice Literary Supplement, 82, February, pp. 13–17.

Marsh, P. (1991) “International Rights: The Philosophy and the Practice,” Publishers Weekly, 12 July, pp. 26–7.

Mason, I. (2004) “Text Parameters in Translation: Transitivity and Instituional Cultures,” in L. Venuti (ed.), The Translation Studies Reader, 2nd edn, London and New York, NY: Routledge, pp. 470–81.

Michener, C. (1980) “Laughter Goes into Exile,” Newsweek, 24 November, p. 108.

Montgomery, S. L. (2000) Science in Translation: Movements of Knowledge through Cultures and Time, Chicago, IL: University of Chicago Press.

New Republic (1955) “Selected Books”, 16 May, p. 46.

Nida, E. A. (1952) God’s Word in Man’s Language, New York, NY: Harper & Brothers.

–––– (1964) Toward a Science of Translating: With Special Reference to Principles and Procedures Involved in Bible Translating, Leiden: Brill.

–––– (1975) Customs and Cultures: Anthropology for Christian Missions (1954), South Pasadena, CA: William Carey Library.

–––– and de Waard, J. (1986) From one Language to Another: Functional Equivalence in Bible Translating, Nashville, TN: Thomas Nelson.

Niranjana, T. (1992) Siting Translation: History, Poststructuralism, and the Colonial Context, Berkeley and Los Angeles, CA: University of California Press.

Ornston, D. G. (1992) (ed.) Translating Freud, New Haven, CT: Yale University Press.

Potoker, E. M. (1965) Review of H. Böll, Absent Without Leave, tr. L. Vennewitz, Saturday Review, 11 September, p. 42.

Pound, E. (1954) Literary Essays, ed. T. S. Eliot, New York, NY: New Directions.

–––– (2000) “France: The Growing Taste for Anglo-American”, 4 September.

Publishers Weekly Daily (2005) “Lots of English-language Books”, 13 October.

Pym, A. (1995) “Schleiermacher and the Problem of Blendlinge,” Translation and Literature, 4(1): 5-30.

Rafael, V. (1988) Contracting Colonialism: Translation and Christian Conversion in Tagalog Society under Early Spanish Rule, Ithaca, NY: Cornell University Press.

Rener, F. M. (1989) Interpretatio: Language and Translation from Cicero to Tytler, Amsterdam: Rodopi.

Robinson, D. (1991) The Translator’s Turn, Baltimore, MD and London: Johns Hopkins University Press.

Scarles, C. (1980) Copyright, Cambridge: Cambridge University Press.

Schiffrin, A. (2000) The Business of Books: How the International Conglomerates Took over Publishing and Changed the Way We Read, London and New York, NY: Verso.

Schleiermacher, (2004) “On the Different Methods of Translating,” tr. S. Bernofsky, in L. Venuti (ed.), The Translation Studies Reader, 2nd edn, London and New York, NY: Routledge, pp. 43–63.

Simon, S. (1989) “Confilts de juridiction: La double signature du texte traduit,” Meta, 4: 195–208.

Sinfield, A. (1989) Literature, Politics, and Culture in Postwar Britain, Berkeley and Los Angeles, CA: University of California Press.

Skone James, E. P., Mummery, J. F., Rayner James, J. K and Garnett, K. M. (1991) Copinger and Skone James on Copyright, 13th edn, London: Sweet & Maxwell.

Stracher, C. A. (1991) “An Introduction to Copyright Law for Translators,” Translation Review, 36/37: 12–14.

Times Literary Supplement (1961) “On Translating the Bible”, 17 February, p. iv.

–––– (1967) “Anatomy of a Publication”, 11 May, p. 399.

–––– (1969) “Recapitulations”, 20 February, p. 180.

–––– (2001) 21 December, p. 7.

Toury, G. (1995) Descriptive Translation Studies—and Beyond, Amsterdam: John Benjamins.

Tymoczko, M. (1999) Translation in a Postcolonial Context: Early Irish Literature in English Translation, Manchester: St Jerome.

–––– (2000) “Translation and Political Engagement: Activism, Social Change and the Role of Translation in Geopolitical Shifts,” The Translator, 6: 23–48.

Venuti, L. (ed.) (1992) Rethinking Translation: Discourse, Subjectivity, Ideology, London and New York, NY: Routledge.

–––– (1995) The Translator’s Invisibility: A History of Translation. London: Routledge.

–––– (1998) The Scandals of Translation: Towards an Ethics of Difference, London and New York, NY: Routledge.

–––– (2002) “The Difference that Translation Makes: The Translator’s Unconscious,” in A. Riccardi (ed.), Translation Studies: Perpsectives on an Emerging Discipline, Cambridge: Cambridge University Press, pp. 214–41.

–––– (2005a) “Translation, History, Narrative,” Méta, 50/3: 800–16.

West, P. (1970), Review of G. G. Márquez, One Hundred Years of Solitude, tr. G. Rabassa, Book World, 22 February, p. 4.

Whiteside, T. (1981) The Blockbuster Complex: Conglomerates, Show Business, and Book Publishing, Middletown, CT: Wesleyan University Press.

Wilson, E. (1946) “Books,” New Yorker, 13 April, p. 100.

Wiseman, T. P. (1985) Catullus and his World: A Reappraisal, Cambridge: Cambridge University Press.

The World of Translation (1971), New York, NY: PEN American Center.

 

(From: The Translator’s Invisibility: A History of Translation, 2nd edition, Lawrence Venuti, © 1995, 2008 Lawrence Venuti, Routledge. Reproduced by permission of Taylor & Francis Group.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư Venuti cùng tập đoàn Taylor & Francis đã đồng ý cho thực hiện bản tiếng Việt này trong khuôn khổ bản điện tử và bản trực tuyến Zzz Review.

Xem thêm “Các luận đề về dịch thuật”, Lawrence Venuti, 2019, bản dịch Chiêu Dương trên Zzz Blog.)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 4.7 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*