(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)
Người dịch vẫn luôn đóng vai trò quan trọng xuyên suốt lịch sử của loài người: sự lan rộng của các tôn giáo và các học thuyết chính trị, sự phát triển của các ngôn ngữ và văn học thế giới, các hoạt động giao thương, những lần gây chiến và soạn thảo hiệp ước hòa bình, tất cả những điều này đều bất khả thi nếu không có sự tham gia của người dịch. Khi xét về vị trí trung tâm của dịch thuật trong mọi sự vụ của con người qua bao thời đại, điều đáng chú ý là “tự cổ chí kim, dịch thuật chỉ được thực hiện trong âm thầm và bị áp chế bởi những người làm công việc này và cả những người hưởng lợi từ nó” (Berman, 1984/1992:76). Vậy nên có lẽ chẳng có gì bất ngờ khi lý thuyết hóa vai trò người dịch là một hiện tượng chỉ mới diễn ra tương đối gần đây.
Trong chương này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nhận diện người dịch trong vai trò người xây dựng mạng lưới, đặc biệt trong bối cảnh những bước tiến gần đây mà công nghệ mới mang lại. Sau đó, chúng ta cùng xem lại những lý thuyết liên quan đến vai trò của người phiên dịch và sự hữu hình/vô hình của người (biên) dịch[1] (và sự dịch). Từ đây, chúng ta chuyển sang mổ xẻ những lý thuyết về quyền tác nhân và tính chủ quan, cũng như thảo luận những ảnh hưởng của lý thuyết hậu hiện đại lên quan điểm về người dịch. Tiếp đó, chúng ta sẽ quan sát người dịch qua lăng kính quản lý rủi ro và bàn về trách nhiệm đạo đức của người dịch trước khi khép lại chương này bằng việc khái quát các lý thuyết liên quan đến đào tạo người dịch.
4.1. Người dịch như người xây dựng mạng lưới
Trước khi xem xét các khái niệm về vị thế, công việc, và vai trò của người dịch được hình dung như thế nào, cần phải nhớ rằng hình ảnh người dịch làm việc trên một văn bản trong cảnh cô lập huy hoàng là hoàn toàn không giống như thực tế – cho dù là hiện nay hay hầu như bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Hung đã chỉ ra rằng “làm việc cộng tác hoặc theo nhóm” là hình thức phổ biến hơn cả khi dịch các văn bản văn hóa trong suốt lịch sử dịch thuật Trung Hoa (2006:159) [nhấn mạnh trong bản gốc]. Jones thì dựa vào Lý thuyết Chủ thể-Mạng lưới, Lý thuyết Hoạt động và Lý thuyết Trò chơi Xã hội của Goffman để mô tả mạng lưới các nhà thơ, nhà xuất bản, biên tập tự do, hiệu đính, thiết kế đồ họa, người viết bài phê bình và các học giả mà những người dịch thơ Bosnia hoạt động trong đó. Bằng cách này, ông đã khẳng định được tầm quan trọng to lớn của những mạng lưới liên cá nhân của các người dịch để tìm được và phân chia công việc (2009). Khẳng định của Jones rằng “quyền tác nhân không nằm ở những chủ thể cá nhân mà là ở cả mạng lưới như một chỉnh thể” (2009:320) không chỉ đúng với dịch văn chương mà còn cho gần như mọi bối cảnh khác có diễn ra hoạt động dịch thuật.
Người dịch đã tham gia vào rất nhiều mạng lưới khác nhau trong những thế kỷ qua và đã đóng những vai trò khác nhau trong đó. Sự xuất hiện của Internet lần đầu tiên cho phép những người dịch xây dựng mạng lưới ảo thông qua email và các dạng giao tiếp Web 1.0 khác. Sự phát triển của nhiều công cụ công nghệ, từ từ điển trực tuyến cho đến bộ nhớ dịch (TM, translation memory), cung cấp cho người dịch những tài nguyên mới và hữu ích. Các công nghệ dịch thuật mới còn thúc đẩy một ngành công nghiệp dịch thuật phần lớn dành để bản địa hóa phần mềm, như chúng ta đã bàn ở chương trước, trong đó vai trò của người dịch giảm đi hẳn.
Sự phát triển của Web 2.0 biến internet từ “đường một chiều” thành “cao tốc hai chiều siêu nhanh” (Gough, 2010:9), một môi trường cho phép người dùng chủ động tham gia kiến tạo và quản lý tri thức cùng thông tin, hợp tác với các người dùng khác và chia sẻ tài nguyên và dữ liệu. Giờ đây người dùng không còn là người nhận tài liệu thụ động mà còn chủ động tham gia sáng tạo và thương lượng nội dung của chính mình. Sự bùng nổ về nội dung này đã dẫn đến nhu cầu dịch thuật tăng mạnh, đặc biệt là đòi hỏi dịch thuật phải nhanh và rẻ – từ đây lại dẫn đến các hệ thống dịch máy tinh vi như Google Dịch hay Microsoft Windows Live. Cơ sở vật chất mà Web 2.0 cung cấp để chia sẻ dữ liệu trên các server ảo, được gọi là “điện toán đám mây,” tạo ra các kho dữ liệu hay các “đám mây” toàn cầu, nơi đủ loại tài nguyên, bao gồm cả các bộ nhớ dịch, có thể được lưu trữ.
Sự ra đời của nội dung do người dùng tạo ra (UGC, user-generated content) đã dẫn lối cho kỷ nguyên dịch thuật do người dùng thực hiện (UGT, user-generated translation), khái niệm mà Perrino đã định nghĩa là “sự khai thác các dịch vụ và công cụ của Web 2.0 nhằm giúp cho nội dung – dù là văn bản viết, âm thanh, hay hình động – có thể tiếp cận bằng nhiều ngôn ngữ”; điều này khác hẳn dịch tự động “vì nó đòi hỏi trình độ chuyên môn của con người và ngầm định sự hợp tác giữa những người dùng – dù là dân nghiệp dư hay nhà nghề” (2009:62). Web 2.0 đã tạo ra những loại tài nguyên hoàn toàn mới cho người dịch, chẳng hạn như Proz hay Translators Café, trên đó liệt kê các vị trí việc làm cũng như các từ điển và bảng tra cứu từ vựng do người dùng tự tạo, và cung cấp những diễn đàn để bàn luận về nhiều vấn đề dịch thuật.
Đồng thời, dịch thuật do người dùng thực hiện đã dẫn đến sự xuất hiện của một hình thức người dịch trong mạng lưới hoàn toàn mới – người dịch nằm trong “đám đông” của hình thức dịch thuật nhờ nguồn lực đám đông (crowdsourced translation) – hay còn gọi là CT3, số ba ý chỉ ba hình thức dịch nhờ nguồn lực đám đông mà Ray và Kelly (2011) tìm ra. Hình thức đầu tiên là dịch thuật cộng đồng (hay dịch thuật xã hội), do tình nguyện viên, chuyên lẫn không chuyên, thực hiện trên cơ sở có chung sở thích hoặc mục đích, chẳng hạn như Tổ chức Rosetta. Dịch thuật cộng đồng không phải là hiện tượng mới – tự thuở xưa, những người dịch và người song ngữ không chuyên đã tham gia làm dịch thuật không công cho những lý tưởng mà họ ủng hộ. Hình thức thứ hai là công nghệ cộng tác, trong đó các thành viên của một cộng đồng dịch thuật, có thể là tình nguyện viên, hoặc người dịch chuyên nghiệp, hoặc bao gồm cả hai, làm việc cùng nhau trong một dự án dịch thuật, cùng lợi dụng công nghệ dịch thuật hiện đại để tương tác với nhau. Một ví dụ điển hình của hình thức này là fan-sub, tức là các bản dịch phụ đề anime và về sau là video game xuất hiện khi người hâm mộ không hài lòng với phụ đề của người dịch chuyên nghiệp. O’Hagan (2009) nhận định sự không hài lòng này phần nào có lý do là những ràng buộc trong quá trình bản địa hóa, khi người dịch – như ta đã thấy trong chương trước – thường đi đến kết cuộc phải làm việc với các đoạn văn bản rời rạc phi ngữ cảnh.
Loại hình thứ ba của CT3 là khai thác nguồn lực đám đông trong bối cảnh thương mại quen thuộc, tức là “mang một công việc vốn được phân công cho một người (thường là nhân viên) chuyên trách thực hiện giao lại cho một nhóm người không xác định, thường có quy mô lớn thông qua hình thức kêu gọi công khai” (Howe, 2006:trực tuyến). Ví dụ nổi tiếng nhất cho hình thức này là quyết định của Facebook vào năm 2007 kêu gọi người dùng tình nguyện dịch một số nội dung của nền tảng này; hai năm sau, giao diện Facebook đã được dịch sang 75 ngôn ngữ, và nền tảng này cũng cung cấp ứng dụng “Translations for Facebook Connect” như “một công cụ miễn phí để những nhà lập trình trên toàn thế giới có thể đơn giản hóa quá trình dịch một website, một ứng dụng chạy trên nền Iframe hay FBML” (Lee, 2009:trực tuyến). Twitter cũng sớm nối gót và khai trương “Twitter Translation Center” vào tháng Hai 2011 để huy động người dùng hỗ trợ dịch website và ứng dụng di động của Twitter. Một lần nữa, các công ty này cảm thấy quá trình bản địa hóa diễn ra quá chậm mà kết quả thì thường không đạt yêu cầu, nên họ tìm đến các “chuyên gia” là con người, tức là thành viên các mạng xã hội, để cung cấp bản dịch phù hợp.
Tốc độ thay đổi trong Web 2.0 rất đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, vào năm 2010, các máy tính của Google sinh ra “số từ được dịch gấp mười lần so với sản phẩm của toàn bộ nguồn nhân lực dịch thuật chuyên nghiệp trên toàn cầu” (Van der Meer, 2010). Bước tiến này đặt ra nhiều thách thức cho nhiều bộ phận của nghề dịch thuật, nơi “kỹ năng của một vài người dịch chuyên nghiệp đã bị thay thế bằng sức mạnh của lực lượng tình nguyện viên, cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, có thể đông đảo đến mức vô hạn.” (Gough, 2010:18). Ngành dịch thuật cũng có những động thái phản đối việc dịch thuật không công cho các công ty thương mại như Facebook hay Twitter, chẳng hạn như nhóm “Người dịch phản đối Hình thức Dịch Crowdsource của các Công ty Thương mại.” Trong khi các nhà lý thuyết như Garcia dự báo một tương lai ảm đạm khi người dịch phải “làm việc trong điều kiện tồi như tổng đài viên điện thoại với đồng lương thấp” (2009:221), ta cần nhớ rằng Facebook vẫn tuyển những người dịch chuyên nghiệp để hỗ trợ một số ngôn ngữ và Twitter cũng có người để hiệu chỉnh các bản dịch của cộng đồng – cũng như dịch các tuyên bố pháp lý trên trang của họ chẳng hạn. Nói cách khác, những người dịch chuyên nghiệp được đẩy lên tuyến cao hơn, phụ trách các phần việc chất lượng cao và chuyên sâu hơn trong dây chuyền sản xuất.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện ở Anh nhằm vào người dịch hầu hết ở châu Âu và Bắc Mỹ đã cho thấy trong số 224 người dịch được khảo sát, trong khi 40 phần trăm nhận thấy chia sẻ bộ nhớ dịch đã đem lại lợi ích cho họ, thì tỉ lệ những người quan ngại trước khía cạnh này của điện toán đám mây cũng gần tương đương. Hơn nữa, khoảng 70 phần trăm lo sợ rằng chia sẻ các tài nguyên chuyên ngành mà họ đã vun đắp qua nhiều năm sẽ khiến họ mất đi thế mạnh cạnh tranh (Gough, 2010:48-9). Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp không đáng chia sẻ tài nguyên lên “đám mây:” dịch văn chương – dù là kịch, thơ, hay văn xuôi – là ví dụ điển hình. Chia sẻ tài nguyên hình thành từ những dự án dịch thuật yêu cầu bảo mật vì lý do pháp lý hay thương mại thì cũng không đúng đắn.
Khối lượng ngày càng tăng của công việc dịch thuật mà Web 2.0 đòi hỏi cũng như sự tham gia của số lượng đáng kể những người dịch tình nguyện mới sẽ mở ra những lĩnh vực hoạt động mới về đảm bảo chất lượng, viết kỹ thuật, và biên tập (người thực biên tập lại sau khi dịch máy). Người làm nghề dịch đã liên tục thích nghi với những môi trường luôn thay đổi, từ sách báo in cho đến máy tính cá nhân, kể từ buổi bình minh của giao tiếp con người. Những bước phát triển hiện nay chẳng qua là những thách thức và vận hội gần đây nhất.
4.2. Lý thuyết hóa vai trò người dịch
Lĩnh vực duy nhất của nghiên cứu dịch thuật mà người dịch đã nằm ở vị trí trung tâm của lý luận trong một thời gian tương đối dài, hẳn nhiên, là phiên dịch. Không giống người biên dịch, người phiên dịch luôn hiện diện tại những cuộc gặp đa ngôn ngữ cần đến kỹ năng của họ. Sự hiện diện này có thể bằng xương bằng thịt – trong một cabin ở hội thảo, đứng trước những người dự họp, làm việc trong tòa án hay bệnh viện hay hỗ trợ một cuộc đàm phán thương mại. Sự hiện diện này cũng có thể thông qua công nghệ – dưới hình thức video hoặc điện thoại. Tính trực tiếp, và trong nhiều trường hợp, tính hữu hình của phiên dịch khiến người ta chú ý đến vai trò và kỹ năng của người phiên dịch, điều này góp phần ở một mức nào đó giải thích vì sao lý thuyết dịch lại sớm quan tâm đến công việc của người phiên dịch và cách họ làm công việc đó.
Một trong những đóng góp đầu tiên cho việc lý thuyết hóa vai trò của người phiên dịch là của nhà xã hội học Bruce Anderson, người đã nhận ra những đặc điểm phức tạp trong công việc của những phiên dịch trung gian hỗ trợ thu thập dữ liệu khi đi thực tế. Hình thức dịch này còn được gọi là phiên dịch song phương, phiên dịch hội thoại, phiên dịch cộng đồng và/hoặc phiên dịch công vụ – tùy vào bối cảnh và văn hóa nơi việc phiên dịch diễn ra. Đó là cuộc gặp gỡ ba bên mà người dịch giúp cho hai bên không nói được ngôn ngữ của nhau, hay ít nhất cũng không đủ đạt đến một mức độ giao tiếp và hiểu nhau cần thiết trong một tình huống cụ thể, có thể giao tiếp với nhau. Anderson đã nghiên cứu ba khía cạnh có thể gây khó khăn cho vai trò của người phiên dịch – hành vi ngôn ngữ của người song ngữ, những mập mờ và mâu thuẫn trong bản chất của vai trò này, các vấn đề về quyền lực trong phiên dịch. Ông cũng chú ý đến các khía cạnh như vị thế của người tham gia, bối cảnh diễn ra tương tác, và uy thế được gán cho một số ngôn ngữ cũng như một số nhóm sắc tộc và/hoặc dân tộc (Anderson, 1976).
Bản chất của vai trò phiên dịch là chủ đề lâu năm trong các nghiên cứu về phiên dịch cộng đồng. Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu Cynthia Roy đã trình bày lịch sử khái quát về vai trò này từ buổi sơ khởi, khi nó được xem như “người hỗ trợ”, chính bà cũng xem cách nhìn này mang tính tước quyền người khiếm thính ở chỗ nó “phản ánh thái độ xem người khiếm thính không có khả năng tự lo cho bản thân” (1993/2002:349). Thập niên 70 của thế kỷ 20 chứng kiến sự phát triển của mô hình “vật dẫn”, xem người phiên dịch như một dạng máy dịch, và ảnh hưởng của các quan điểm thuộc Lý thuyết Giao tiếp giới thiệu người phiên dịch như “người thúc đẩy giao tiếp”. Đến thập niên 1990, người phiên dịch được xem như “một chuyên gia song ngữ, song văn hóa,” một bước tiến phản ánh “bước chuyển văn hóa” trong nghiên cứu dịch thuật, hình thành do nhận định “nghiên cứu dịch thuật là nghiên cứu tương tác văn hóa” (Gentzler, 1998:ix) [nhấn mạnh trong bản gốc].
Do người phiên dịch là thành tố song ngữ duy nhất trong cuộc trao đổi ba bên, Roy cho rằng
kiến thức về các chiến lược ngôn ngữ và các cơ chế kiểm soát đối thoại khác nhau chỉ hiện diện ở người phiên dịch mà thôi. Tức là người phiên dịch là một người tham gia thứ ba chủ động, có khả năng ảnh hưởng đến cả hướng diễn biến và kết quả của sự kiện, và bản thân sự kiện cũng mang tính liên văn hóa, liên cá nhân chứ không chỉ đơn thuần kỹ thuật hay máy móc. (1993/2002:352)
Tate và Turner phát hiện rằng gần một phần ba số người phiên dịch ở Vương quốc Anh sẵn sàng vi phạm Bộ luật Đạo đức nghề nghiệp, vốn dựa trên mô hình “vật dẫn,” trong một số trường hợp. Những người phiên dịch này cho biết một vài lý do có thể vi phạm Đạo đức nghề nghiệp, bao gồm mong muốn bảo đảm mọi thông tin đưa ra đều được đối phương hiểu đúng, tầm quan trọng của việc thúc đẩy giao tiếp ở mức độ cao nhất, và, trong vài trường hợp, mong muốn đứng về phía khách hàng mà họ cảm thấy là yếu thế (1997).
Wadensjö, người tiên phong sử dụng phương pháp phân tích diễn ngôn đối với phiên dịch cộng đồng, đã định nghĩa phiên dịch là một hình thức tương tác và nhìn nhận người phiên dịch tham gia vào hai hành động giao tiếp: chuyển ngữ (tức là truyền đạt lại phát ngôn của mỗi bên) và điều phối (tức là chủ động định hình quá trình tương tác) (1998). Trong một bài nghiên cứu trước đó, bà đã chỉ ra bốn dạng chuyển ngữ (mở rộng, giản ước, thay thế, tóm tắt) và ba dạng điều phối (yêu cầu, thúc đẩy đổi lượt nói, siêu bình luận). Bà cũng xem người phiên dịch như một người tham gia chủ động trong cuộc gặp do người phiên dịch điều phối (1993), tương tự như Inghilleri (2003), người đã lập luận rất thuyết phục, yêu cầu đặt cách ta hiểu về vai trò của người phiên dịch vào bối cảnh xã hội nơi quá trình phiên dịch diễn ra. Những bối cảnh như thế, chẳng hạn như bối cảnh y khoa, thường không đồng nhất với nhau như thoạt nhìn bề ngoài. Những đòi hỏi của nhiệm vụ phiên dịch về sức khỏe tâm thần rất khác với cuộc khám thai định kỳ ở bệnh viện phụ sản. Zimanyi đã chứng minh vị trí của người phiên dịch trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần có thể thay đổi tùy xem cuộc gặp diễn ra trong một bệnh viện chính thống hay là một cơ sở trị liệu chuyên môn. Nếu là trường hợp thứ hai, người phiên dịch đứng trước nguy cơ chịu sang chấn gián tiếp và có thể tự mình cũng cần tư vấn tâm lý cặn kẽ sau cuộc gặp (2010:221-3).
Trái lại, vai trò của người (biên) dịch lại được nhìn nhận khá khác biệt. Trong bài viết năm 1998, Simeoni tuyên bố:
Trở thành người dịch ở phương Tây ngày nay cũng là chấp thuận trở nên gần như hoàn toàn quy phục: quy phục khách hàng, công chúng, tác giả, văn bản, bản thân ngôn ngữ, hoặc thậm chí, trong một số trường hợp tương tác gần, quy phục cả văn hóa hoặc tiểu văn hóa mà bản dịch buộc phải có nghĩa trong bối cảnh đó. […] Người dịch phải trở thành người đầy tớ xuất sắc nhất: hiệu quả, đúng lúc, chuyên cần, thầm lặng và, tất nhiên, vô hình. (1998:12)
4.3. Các lý thuyết về tính hữu (/vô) hình
Trong cuốn sách năm 1995 Sự vô hình của người dịch, người dịch văn chương kiêm nhà nghiên cứu học thuật người Mỹ Lawrence Venuti xác định có hai dạng vô hình trong hoạt động dịch của những người dịch văn chương Anh-Mỹ khi dịch sang tiếng Anh. Dạng đầu tiên là quyết định tạo ra bản dịch tiếng Anh trôi chảy, thường gặp ở hầu hết người dịch. Chiến lược dịch này mang lại kết quả là sự thuần hóa văn bản ngoại văn, để bản dịch đọc giống như một tác phẩm vốn được sáng tác bằng tiếng Anh. Chiến lược này có tác dụng là lờ đi tính “khác” của văn bản nguồn và đồng thời khiến người dịch trở nên vô hình. Dạng vô hình thứ hai, là nguyên nhân và hệ quả của dạng đầu tiên, là thói quen của thế giới Anh-Mỹ ưa thích các bản dịch đọc giống như vốn được viết bằng tiếng Anh, bằng chứng có thể tìm thấy trong các bài phê bình các tác phẩm dịch trên báo chí cũng như chính sách của các nhà xuất bản lớn.
Venuti xem xét hiện tượng vô hình đó đầu tiên trong bối cảnh xu hướng chung khi viết tiếng Anh là đề cao “thứ văn xuôi đồng bộ phẳng lặng” (1995:6) thứ hai, trong khái niệm có tính cá nhân về vai trò tác giả, mà trên bình diện tiền công và pháp lý đều không thừa nhận vai trò tác giả của người dịch, và cuối cùng trong ngành xuất bản nơi sách dịch chỉ chiếm 2-4% sách xuất bản ở Anh và Mỹ. Ông miêu tả kết quả này như một sự áp đặt các giá trị văn hóa Anh-Mỹ trên quy mô toàn cầu và đồng thời củng cố vị thế ở Anh và Mỹ của một thứ văn hóa đơn ngữ ngần ngại không muốn đối thoại với văn hóa và văn bản từ nước khác. Ông kết luận sự vô hình của người dịch là điển hình cho một thái độ “ở trong nước thì bài ngoại còn ra nước ngoài thì đậm tính đế quốc” đối với cái Khác (1995:17). Venuti đặt tên chương cuối sách là “Kêu gọi Hành động (Call to Action)”, trong đó ông thúc giục những người dịch tiếng Anh sử dụng các chiến lược ngoại hóa – hay “trung thành bạo ngược” (abusive fidelity) (1995:23) – kháng cự lại những giá trị văn hóa thống trị trong thế giới Anh-Mỹ.
Hiện tượng vô hình của người dịch cũng đúng với sự vô hình của người dịch trong bản thân văn bản. “Chính xác thì chúng ta đang nghe giọng của ai khi đọc diễn ngôn được dịch?” (Hermans, 2010:197) là câu hỏi hiếm khi được nêu lên trong các lý thuyết tự sự học trong nghiên cứu văn chương, vốn đặt trọng tâm vào tính đơn ngôn (univocality) – giọng nói của tác giả/người kể toàn năng trong văn bản nguồn. Bất kỳ ai từng đọc trước công chúng tác phẩm của mình qua bản dịch đều phải đối mặt với câu hỏi này. Nếu là tôi, tôi luôn mào đầu trước khi đọc bằng câu “Tối nay tôi sẽ đọc cho quý vị nghe một cuốn sách do tôi viết nhưng từ ngữ thì không phải của tôi.” Sự thừa nhận tính đa ngôn (plurivocality) này thường gây khó hiểu với khán giả (người Đức) vì nó thách thức quan điểm dịch thuật thịnh hành ở phương Tây, xem bản dịch luôn sao y văn bản nguồn và không có bất kỳ dấu tích nào của người dịch. Điều cực kỳ mỉa mai là trong khi dịch máy ngày càng phổ biến và kết quả dịch máy thường bị giới văn chương dè bỉu, thì cũng chính giới văn chương ấy lại cho rằng các bản dịch văn chương được tạo ra tự động mà không có sự can thiệp của con người.
Có một nhóm người dịch đã đòi để cho người dịch được hữu hình từ những năm 1980 là các người dịch Nữ quyền ở vùng nói tiếng Pháp của Canada. Họ đã tham gia dịch nhiều tác giả Nữ quyền Canada như Nicole Brossard và France Théoret. Nhóm dịch này thường dùng lời dẫn nhập để giải thích chiến lược Nữ quyền của họ, và từ đó một tập hợp Lý thuyết Dịch thuật Nữ quyền đã ra đời. Một trong số họ, Luise von Flotow, đã nêu ra bốn chiến lược Nữ quyền vào năm 1991: bổ sung, dẫn nhập, chú thích, và cưỡng đoạt. Chiến lược gây tranh cãi nhất, không còn gì phải bàn cãi, chính là cưỡng đoạt, tức là chiếm dụng văn bản và dùng mọi phương tiện khả dĩ để làm nổi bật chất nữ trong đó. Các cách làm đi từ tránh những từ chung chung có dạng nam giới và đặt phụ nữ lên trước trong các quán ngữ như “quý bà và quý ông” cho đến việc viết lại triệt để văn bản – mà họ gọi là “vọc kiểu nữ” (womanhandle). Kết quả của những chiến lược thế này là “những người dịch giản dị, giấu mặt, những người đưa ra phiên bản dễ đọc, mượt mà của bản gốc trong ngôn ngữ đích đã trôi vào dĩ vãng” (Von Flotow, 1991:76).
Trong khi những chiến lược như thế hoàn toàn hợp lý trong văn hóa viết và dịch Nữ quyền ở một nước song ngữ như Canada, thì khả năng sao chép lại những biểu hiện cấp tiến hơn trong đó sang các tình huống dịch thuật khác lại khó khăn hơn hẳn. Nhà nghiên cứu dịch thuật người Brazil Rosemary Arrojo cho rằng tính chính danh của các chiến lược và bản dịch Nữ quyền có được là nhờ các cộng đồng có chung những giá trị giống như họ, và khi các học giả Nữ quyền khẳng định tính hợp lệ phổ quát của các phương pháp này thì họ đang “lặp lại chính các chiến lược và khái niệm bản chất luận mà họ vẫn công khai bài bác” (1994:160). Nói cách khác, khi phế bỏ quyền viết lại văn bản theo quan điểm riêng của mình cho riêng mình, những người dịch Nữ quyền, trước hết, cũng đồng tình với quan điểm rằng ý nghĩa của một văn bản “gốc” là cố định trong không gian và thời gian và, thứ hai, cũng đưa ra các chiến lược là bản sao những chiến lược của “nam” mà họ đang cố gắng bài trừ.
Tuy nhiên, Lý thuyết Dịch thuật Nữ quyền đã vượt ngoài những văn bản Nữ quyền và chuyển sự chú ý sang các tác giả nữ có tác phẩm chưa được dịch hoặc đã dịch một cách kém cỏi (như Le Deuxième Sexe – Giới tính thứ hai của Simone de Beauvoir), đến các tác phẩm (bị phớt lờ) của những người dịch Nữ quyền và đến việc dịch (lại) các văn bản kinh điển và chủ lưu đi trước sự phát triển lý thuyết Nữ quyền. Sự thay đổi này đến từ nhận thức ngày một rõ nét rằng khái niệm “tính nữ” rất phức tạp, không thể tách bạch khỏi những nhân tố khác như giai cấp và sắc tộc, luôn luôn cần được xét trong bối cảnh (Massardier-Kenney, 1997). Đồng thời, các nhà lý thuyết Nữ quyền, chẳng hạn như Lori Chamberlain, tiếp tục vạch trần bản chất kỳ thị nữ giới của nhiều ẩn dụ truyền thống về dịch thuật. Những ẩn dụ này, ví dụ như “les belles infidèles – người đẹp bất tín,” định nghĩa sự trung thành như “một khế ước ngầm giữa bản dịch (người phụ nữ) và bản gốc (người chồng, người cha hay tác giả)” và nhại theo “hệ thống thân thích phụ hệ trong đó vai cha – không phải vai mẹ – quyết định tính chính danh của con cháu” (1988:455-6).
Di sản lâu dài của Lý thuyết Dịch thuật Nữ quyền các thập niên 1980 và 1990 là thu hút sự chú ý đến vai trò của giới, đến thời điểm đó vẫn còn bị bỏ quên, trong hoạt động, chính sách, và khái niệm về dịch thuật. Nó cũng mở ra cuộc tranh luận về quyền tác nhân của người dịch một cách triệt để và khiêu khích.
Vào những năm 1980, học giả và dịch giả Pháp Antoine Berman (1942-1991) đã bắt đầu hoài nghi những bản dịch mượt mà là kết quả “sự phủ định mang tính hệ thống tính dị biệt của tác phẩm nước ngoài” (1984/1992:5). Trong nghiên cứu của ông về văn hóa và dịch thuật trong truyền thống Đức vào năm 1984, ông đã mô tả sơ lược thế lưỡng nan của người dịch: họ có thể đưa độc giả đến gần tác giả (theo cách gọi của Schleiermacher) và do đó bị xem như “tên phản bội trong mắt đồng bào” và thậm chí tạo ra một bản dịch không thể hiểu được, hoặc họ có thể đưa tác giả đến gần độc giả và “phản bội tác phẩm ngoại quốc, và tất nhiên là cả bản chất của dịch thuật” (1984/1992:3-4). Berman xem dịch thuật “là một quá trình trong đó toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với kẻ Khác được phơi bày” (1984/1992:1980) và ông nhấn mạnh vào trách nhiệm của người dịch trong từng quyết định trong quá trình dịch của mình. Có thể đặt Berman trong một truyền thống thông diễn học nhấn mạnh vào khía cạnh chủ quan khi hiểu và diễn giải văn bản. Các quyết định của người dịch bị giới hạn bởi “chân trời” lịch sử-xã hội mà hoạt động dịch diễn ra. Khi dùng từ “chân trời”, Berman đang nói đến các tham số ngôn ngữ, văn chương, văn hóa và lịch sử tác động đến cảm nhận, hành động và suy nghĩ của người dịch (1995:79).
Có bằng chứng cho thấy trong thế giới nói tiếng Anh, người dịch văn chương càng ngày càng hữu hình. David Lodge nhận định rằng tiểu thuyết vào năm 2009 của ông – Deaf Sentence, “từ cái tựa tiếng Anh trở đi, đã bày ra những vấn đề đặc biệt cho người dịch” và dành tặng cuốn sách cho “tất cả những ai, suốt nhiều năm qua, đã dùng những kỹ năng của mình để dịch tác phẩm của tôi sang nhiều thứ tiếng.” Lời đề tặng này được in ở đầu tiểu thuyết, tiếp sau là tên của 11 người dịch.
Trong bài luận có tựa đề “In Praise of Invisible Authors – Ngợi ca những tác giả vô hình” đăng trên tờ The Observer ngày 24 tháng Tư 2010, Tim Parks, người dịch và nhà văn, lưu ý về tầm quan trọng của dịch thuật, mà ông ví như “dời Tháp nghiêng Pisa đến nội ô Manhattan và thuyết phục mọi người rằng đặt tòa tháp như thế là đúng chỗ rồi đấy.” Ông còn đặt ra phép so sánh thú vị giữa viết và dịch: “Tự viết tiểu thuyết của mình đòi hỏi một nỗ lực tổ chức và tưởng tượng khổng lồ; nhưng, xét theo từng câu một, dịch còn mệt não hơn.” (2010:43).
Một trường hợp còn hữu hình hơn nữa là người dịch cuốn tiểu thuyết thắng giải International Impac Dublin Literary Award 2010, được ca ngợi là giải thưởng văn chương lớn nhất thế giới. Vào ngày 18 tháng Sáu 2010, tờ The Irish Times đăng bức ảnh tác giả thắng giải, Gerbrand Bakker, cùng với dịch giả là David Colmer. Trong bài viết đăng kèm, Eileen Bettersby, người phụ trách mục văn chương của tờ báo, cũng cho biết tiểu sử của Colmer, ý kiến của Bakker về bản dịch của Colmer, đánh giá của Colmer về thị trường dịch thuật Hà Lan cũng như dự án dịch thuật hiện tại của ông (2010:18). Thông tin này được đan cài vào một bài viết về tiểu sử cùng ảnh hưởng văn chương của tác giả cũng như tiểu thuyết đoạt giải của ông, The Twin, theo hướng xem tác giả và dịch giả là một nhóm làm việc thành công. Trong bài báo này, người dịch trở nên hữu hình gấp đôi – nhờ vào bức ảnh cũng như việc trích dẫn ý kiến của ông về sự dịch.
Pym, người thích dùng thuật ngữ “ẩn danh” (anonymity) hơn là “vô hình,” đã chỉ ra rằng mặc dù hầu hết các bản dịch đều mang dấu vết nào đó về hoạt động của người dịch, nhưng những người phát đi phần lớn văn bản mà chúng ta bắt gặp hằng ngày, dù là bản dịch hay bản gốc, đều ẩn danh (2004:68-9). Đối với Pym, ẩn danh (tương đối) là hệ quả tất yếu của tính tương đương dịch thuật. Hơn nữa, ông lật lại khẳng định của Venuti, cho rằng sự vô hình sẽ dẫn đến người dịch không có tên tuổi và bị bóc lột kinh tế, bằng cách dẫn ví dụ Ban Dịch thuật trong Ủy ban châu Âu (DGT), nơi tính vô hình cá nhân “lại gắn liền với mức lương cao, điều kiện làm việc tuyệt vời, cùng sự công nhận chính thức khá tốt” (2004:200-1). Tuy nhiên, trong khi những người dịch của DGT duy trì trạng thái vô hình ở cấp độ cá nhân, Ban Dịch thuật lại rất “hữu hình” và, như Tổng giám đốc Dịch thuật mới đây, Karl-Johan Lönnroth đã viết trong cuốn sử đầu tiên về Ban Dịch thuật: “Tính đa ngữ sinh ra cùng với Cộng đồng châu Âu đã khiến dịch thuật trở thành một phần thiết yếu trong quá trình xây dựng châu Âu” (2010:6). Những người dịch như thế đứng ở vị thế rất khác so với những người dịch ẩn danh đang cặm cụi dịch các sổ tay hướng dẫn, tài liệu du lịch, website, báo cáo thường niên, nơi sự ẩn danh và vô hình thường dẫn đến việc không được công nhận, đi kèm với mức lương thưởng rất thấp.
Một lĩnh vực khác nơi quá trình dịch phần nhiều vô hình là trong các bản tin thế giới. Tin tức từ những nơi xa xôi được phát đi trên ti vi nhà chúng ta 24 giờ một ngày bằng thứ tiếng của mình. Vì vậy, công dân Mỹ nhận tin về các sự kiện ở Iraq bằng tiếng Anh, người Đức nhận tin từ Afghanistan bằng tiếng Đức, người Ả Rập nhận tin từ Trung Quốc bằng tiếng Ả Rập, người Hy Lạp nghe vận mệnh kinh tế nước họ được quyết định từ Frankfurt, Berlin và Brussels bằng tiếng Hy Lạp. Tất cả đều không thể nếu không có dịch thuật. Bielsa và Bassnett từng cho rằng dịch tin tức còn “vô hình gấp đôi;” trước hết, là vì nó bị giấu đi bởi những chiến lược bản địa hóa, chế biến các phóng sự cho phù hợp với khán giả đích và che giấu chính bản thân hoạt động dịch thuật, và thứ hai, là vì dịch thuật được tích hợp vào hoạt động báo chí khi các nhà báo đóng vai trò người dịch, tác giả và biên tập viên cùng lúc (2009:73). Dạng vô hình này có nhiều hệ quả. Khi tiếp nhận trực tiếp các bản tin toàn cầu bằng ngôn ngữ địa phương, khán giả và độc giả bị thuyết phục rằng tính đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa hoặc không tồn tại, hoặc không có gì khúc mắc. Sự tường minh giả dối này ít khi nào bị lật tẩy. Có thể kể đến một trường hợp lật tẩy gần đây trên chương trình Today, một trong những chương trình thời sự vào sáng sớm trên sóng phát thanh BBC, ngay sau khi động đất và sóng thần đánh vào Nhật Bản tháng Ba 2011. Phóng viên BBC giải thích rằng anh chưa thể cung cấp nhiều thông tin do một vấn đề nghiêm trọng về giao tiếp, cụ thể là chẳng ai nói tiếng Anh. Khoảnh khắc “không thể giao tiếp” này tiết lộ Nhật Bản là một đất nước ngoại quốc nơi việc giao tiếp phải có dịch thuật làm trung gian.
Trong những năm gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, tính vô hình đã được dùng làm cớ để bào chữa cho những người dịch đối mặt với tù tội do tạo ra các văn bản bị xem là bôi nhọ “dân tộc Thổ” (Tahir Gürçağlar, 2009:55). Vào năm 2005, “công khai bôi nhọ dân tộc Thổ” đã trở thành tội bỏ tù từ sáu tháng đến ba năm. Hiệp hội Người dịch Sách (ÇEVBİR) lập luận trong chiến dịch phản đối việc buộc tội người dịch vào năm 2006 rằng người dịch đơn thuần chỉ là vật dẫn cho tác phẩm của tác giả, và tác giả mới là người chịu trách nhiệm độc nhất cho nội dung của bản dịch văn bản. Sự vô hình trong bối cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ này đồng nghĩa với vô tội, và cái giá phải trả để có được sự vô hình kiểu này là chối bỏ hoàn toàn quyền tác nhân.
Trước khi chúng ta tiếp tục bàn luận về quyền tác nhân, cần chú ý rằng dù người dịch có thể ít nhiều vô hình đến một mức độ nào đó, thì bản thân hoạt động dịch thuật đã trở thành hiện tượng ngày một hữu hình. Nút “Dịch” bắt gặp ở khắp các website và số lượng ứng dụng dịch thuật trên các thiết bị di động chính là lời đáp lại thế giới toàn cầu hóa nơi mọi người ngày càng trông đợi có được thông tin trong ngôn ngữ mà họ muốn. Sự hấp dẫn của các dịch vụ tự động này nằm ở chỗ chúng miễn phí và (gần như) tức thì. Dù chúng không phải lúc nào cũng đưa lại bản dịch chất lượng cao, nhưng khi được dùng một cách tối ưu, chúng có thể cho ra các bản dịch “đủ dùng” mà người dùng có thể chấp nhận được trong tình huống cụ thể. Còn sự tham gia có ý thức của ngày một nhiều người vào quá trình dịch thuật sẽ tác động ra sao lên cách người ta quan niệm về lĩnh vực này cũng như lên quá trình lý thuyết hóa trong tương lai thì còn phải đợi thời gian trả lời.
4.4. Các lý thuyết về tác nhân
Mối quan tâm ngày càng lớn đến người dịch như một tác nhân (agent) vào những năm 1990 và đặc biệt đến các khía cạnh chính trị, xã hội và triết học trong hoạt động của người dịch đã khiến các nhà lý thuyết dịch chú ý đến công trình của nhà xã hội học-triết gia Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002). Sự hấp dẫn từ xã hội học văn hóa của Bourdieu nằm ở quan điểm xem đời sống xã hội như một tập hợp các thực hành xã hội có mối quan hệ qua lại, và phân tích các thực hành đó bằng các khái niệm công cụ trường (champ), tập tính (habitus), vốn (capital), ảo tưởng (illusio). Mỗi cá nhân, hay tác nhân, chiếm một vị trí trong một trường hoạt động cụ thể – Bourdieu lấy ví dụ trong trường văn chương – và có một “tập tính” riêng, một tập hợp xu hướng thúc đẩy người đó hành động và phản ứng theo những cách hữu thức hay vô thức do giáo dục, bối cảnh xã hội, và điều kiện hóa mà ra. Vị trí của tác nhân trong trường không cố định mà thuộc về một tập hợp các quan hệ xã hội không ngừng thay đổi. Mỗi trường là “địa điểm diễn ra một cuộc đấu tranh ít nhiều đã được tuyên bố công khai” (1992:242) khi những thành viên khác nhau trong trường đó cố gắng xác định phạm vi của nó và áp đặt quan điểm của họ lên những thành viên khác. Bourdieu cũng mở rộng quan điểm Marx về vốn, bổ sung vào đó vốn xã hội, vốn văn hóa và vốn biểu tượng, tất cả đều liên quan đến lượng tài nguyên mà các tác nhân tích lũy để tham gia một hoạt động cụ thể nào đó. Chẳng hạn như Lefevere đã miêu tả vốn văn hóa là “những thứ làm cho bạn đạt chuẩn trong xã hội của mình ở đoạn cuối của quá trình xã hội hóa mang tên giáo dục” (1998b:42). Ảo tưởng, theo Bourdieu, là “sự tuân thủ trò chơi như một trò chơi, sự chấp nhận cái tiền đề căn bản rằng trò chơi, dù là văn chương hay khoa học, đều đáng chơi, đều đáng được nhìn nhận nghiêm túc” (1995:333).
Một trong những nhà nghiên cứu dịch đầu tiên sử dụng tư tưởng của Bourdieu là Daniel Simeoni (1948-2007), người đặt ra câu hỏi: “Người ta có được tập tính của người dịch, trong thực tiễn và trong lý thuyết, như thế nào?” (1998:15). Simeoni miêu tả tập tính của người dịch là “kết quả phức tạp của một lịch sử văn hóa và xã hội được cá nhân hóa” (1998:32). Ông xem “tập tính” như một phạm trù trên cơ sở chủ thể có thể bổ sung cho các mô hình miêu tả và ứng dụng sẵn có, xứng tầm với độ phức tạp trong hoạt động của người dịch. Simeoni xem người dịch như một tác nhân xã hội, đưa ra các quyết định chịu ảnh hưởng từ quá trình trưởng thành và rèn luyện của mình cũng như nhiều quy chuẩn chuyên môn và xã hội khác. Dù người dịch có thể tuân theo các quy chuẩn này, nhưng sự tuân thủ này không bị động. Simeoni quả quyết rằng những người dịch có trách nhiệm với các quyết định, thường mang tính bảo thủ, của mình.
Simeoni đặt vấn đề có nên xem dịch thuật là một trường hay không, vì dịch thuật từ bản chất luôn liên đới đến các trường khác như y học, pháp luật, công nghệ hay văn chương, và tập tính đi kèm bất kỳ hoạt động dịch nào cũng được quyết định bởi trường lực đang xét đến. Tuy nhiên, Hermans cho rằng đưa ra khái niệm về dịch thuật như một trường là việc đáng làm (1999:136) và Hanna đã áp dụng phép phân tích kiểu Bourdieu cho trường dịch thuật kịch nói ở Ai Cập đầu thế kỷ 20 để giải thích công việc dịch thuật của cá nhân một người dịch (2005:167-92).
Simeoni cũng xem hoạt động dịch thuật xuyên văn hóa như một cách vượt qua và vun đắp cho tư tưởng của Bourdieu, mà ông chỉ trích là bám quá chặt vào quốc gia dân tộc. Đối với Simeoni, tập tính của người dịch là “một điểm tranh chấp tiết lộ một cấu trúc vừa cực đoan vừa mang tính đại diện của những ảnh hưởng liên văn hóa, cũng như trên toàn cầu” (1998:21). Meylærts gần đây cũng đề xuất đưa thêm khía cạnh liên văn hóa vào lý thuyết của Bourdieu để ghi nhận những quy trình và khu vực đa bội trong quá trình xã hội hóa của người dịch, dẫn đến một “tập tính (liên văn hóa) phức hợp và mang tính động.”
Bước chuyển xã hội học trong nghiên cứu dịch thuật, bắt đầu khi vừa bước qua thế kỷ mới, đã dành nhiều chú ý đến hoạt động của cá nhân những người dịch khắp thế giới và tiếp nối mối quan tâm đến lịch sử dịch thuật mà Delisle cùng Woodsworth (1995), Cronin (1996), Delisle (1999) và Pym (1998) đã tiên phong. Một vài nghiên cứu có thể kể đến là nghiên cứu của Akiko Uchiyama về tác động sâu sắc của chủ tòa soạn, dịch giả Fukuzawa Yuichi (1835-1901) về thái độ của người Nhật với Trung Quốc và Đại Hàn. Những bài xã luận của ông, với những miêu tả tiêu cực về các nước châu Á khác là “không văn minh” và do đó “thấp kém,” được xem như là bước chuẩn bị khung tư tưởng cho phép Nhật Bản tiến hành xâm lược các nước châu Á khác (2009:83). Ở Brazil, hoạt động dịch của nhà thơ, biên tập viên và học giả Haroldo de Campos (1929-2003) đã được Médici Nóbrega và Milton nghiên cứu (2009:257-77). Francisco Carrasquer, một dịch giả Tây Ban Nha trốn khỏi chế độ Franco và được cấp quyền tị nạn ở Hà Lan, đã trả món nợ ân tình bằng cách trở thành “người khởi xướng và ủng hộ” cho dịch các tác phẩm tiếng Hà Lan ra tiếng Tây Ban Nha, là đối tượng nghiên cứu của Linn (2006:37).
Cơ sở dữ liệu Trasna ở Trung tâm Dịch thuật và Nghiên cứu Văn bản đặt tại Đại học Thành phố Dublin, Ireland có chứa tiểu sử của hơn 200 người dịch góp phần làm cho nền văn học Ireland trở thành một hiện tượng toàn cầu. Hẳn không có ai khác thường như Felix Paul Greve (1879-1948), người đã dịch Oscar Wilde và Jonathan Swift sang tiếng Đức. Ông giả tự tử vào năm 1909 để trốn nợ rồi chuồn từ Đức sang Canada, nơi ông lấy danh tính Frederick Philip Grove và xưng mình gốc Thụy Điển. Ông tiếp tục tạo dựng danh tiếng với vai trò là một nhà văn Canada, đoạt Huân chương Lorne Pierce năm 1934, được trao hai bằng tiến sĩ danh dự và thắng Giải Toàn quyền vào năm 1947 (www.ctts.dcu.ie). Công việc hiện tại của Trung tâm có cả một nghiên cứu về thành công của “chick lit” Ireland trên thế giới. Giành được sự quan tâm đặc biệt là câu hỏi liệu dịch thuật có giúp hình thành sự phát triển của thể loại này (và nếu có thì đến mức độ nào) ở nền văn hóa đích, trong trường hợp này là Việt Nam.
4.5. Các lý thuyết về tính chủ quan
Robin xuất phát từ các nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực khoa học về nhận thức, tâm lý thần kinh và triết học thần kinh để đặt ra lý thuyết về tính chủ quan của người dịch (2001). Bác bỏ quan điểm duy lý rằng có một tư duy điều hành hoàn toàn kiểm soát ý thức, Robinson cho rằng cái tôi được cấu thành rất từ nhiều nhân tố và lực – “những con quỷ” – luôn luôn tương tác với nhau. Nối gót triết gia Dan Dennett, ông đề xuất một lý thuyết “hỗn loạn” về ý thức, theo đó mỗi hành động đều do một tập hợp tác nhân gây ra, “tất cả đều góp vào những phần không hoàn chỉnh, xen nhau, chồng lấn, mâu thuẫn hoặc ganh đua hoặc hợp tác, một số được biến thành hành động, số khác bị hoãn lại để kiểm tra hoặc lựa thời điểm thích hợp, hàng tá số khác, là phần đa số, bị loại bỏ” (2001:151). Trên bình diện tính chủ quan của người dịch, những “con quỷ” tham gia vào đó có đủ loại, từ hướng tiếp cận của người dịch với sự dịch nói chung và thái độ cụ thể của người đó với văn bản đang nói đến, tình trạng sức khỏe và sự tập trung trong ngày hôm đó, những vấn đề khác khiến họ bận tâm trong đời sống cá nhân, mối quan hệ của họ với ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, mối quan hệ của họ với khách hàng, cơ quan, nhà xuất bản, người hiệu đính, người biên tập và những nhân vật khác trong dây chuyền sản xuất – cũng như giả định của họ về những người này và vân vân. Người dịch nào khi làm việc cũng nhận ra hoạt động của những “con quỷ” này. Một trong những người dịch Anh-Đức hàng đầu châu Âu gần đây có nộp một bản dịch tiếng Đức trong đó có 17 trường hợp dùng chữ “and” từ văn bản nguồn thay vì chữ “und” trong văn bản đích. Ông này vừa mới dời nhà và đang cố gắng nộp hai bản dịch cùng ngày cho kịp thời hạn của hai nhà xuất bản khác nhau trước khi lên chuyến bay nghỉ mát mà ông đang rất cần. Những áp lực từ cuộc sống cá nhân của ông cộng với những yêu cầu từ phía nhà xuất bản đã ảnh hưởng đến chất lượng công việc của ông. (Là một người vô cùng chuyên nghiệp, ông đã phát hiện lỗi này và kịp sửa trước khi biên tập từ nhà xuất bản phản hồi.)
Robinson nhận định “những người dịch không phải là những cá nhân tự hành, tạo ra các bản dịch như các đấng thánh toàn năng làm chủ thế giới (văn bản, văn hóa, kinh tế, tâm lý-xã hội) của họ.” Thay vào đó, họ là “một phần trong những agency dịch thuật như là chuyển ngữ hay chuyển vùng văn hóa, theo nghĩa triết học rộng hơn [= quyền tác nhân] mà đôi khi vẫn chồng lấn vào nhau, nhưng không tương đồng, với nghĩa trong pháp luật [= hãng (dịch)]” (2001:187). Trong quan điểm phản duy lý của Robinson, những người dịch, cả với nghĩa là tác nhân, cả với nghĩa là một phần của các quyền tác nhân được phân nhỏ, làm “kênh dẫn” những văn bản của người khác “từ nhiều nguồn, qua cơ thể chính mình, đến nhiều mục tiêu, người dùng, đầu cuối khác nhau” (2001:187) [nhấn mạnh trong bản gốc]. Sự hấp dẫn trong hướng tiếp cận của Robinson là ở chỗ nó có khả năng lý giải được sự phức tạp trong nhiệm vụ của người dịch cả ở cấp độ cá nhân và cấp độ những mạng lưới mà họ là một phần trong đó.
Tự dịch, và đặc biệt là luận về tự dịch, cũng có thể cho ta hiểu thêm về tính chủ quan của người dịch. Tác giả/người dịch Pháp ngữ Daniel Gagnon đã phân tích trải nghiệm “dịch/viết song ngữ” trong bối cảnh Canada của mình. Ông giải thích động lực của mình khi viết tiếng Anh là mong muốn “tách bản thân khỏi sự bá quyền của Pháp/tiếng Pháp”, là “chiến lược giải thuộc địa cho thực hành văn chương” (2006:126). Từ đây, ông cũng muốn phát triển một hình thức giao tiếp liên văn hóa mới. Ông sửng sốt khi bản dịch tiếng Pháp mà chính ông đã dịch từ tiểu thuyết The Marriageable Daughter của mình được trao một giải văn chương và bản “gốc” tiếng Anh, phát hành sau bản dịch tiếng Pháp, lại được miêu tả là “bản dịch của chính tác giả.” Rõ ràng tự dịch không có chỗ trong sự tách biệt nhị phân truyền thống, chủ yếu ở phương Tây, giữa bản gốc và bản dịch.
Tính chất song ngữ và song văn hóa là điều kiện tiên quyết cho tự dịch thường là kết quả của quá trình di cư, mất chỗ và lưu vong hoặc, như những gì chúng ta đã bàn về dịch thuật hậu thuộc địa ở trên, di sản của công cuộc bành trướng đế quốc. Trong những bối cảnh như thế, tự dịch có thể trở thành một phần của quá trình tìm kiếm căn tính, như trong trường hợp cuốn sách Lost in Translation: Life in a New Language của Eva Hoffman. Đối với các tác giả chọn sống ở một nền văn hóa khác và dịch tác phẩm của chính mình, như nhà văn Ý Francesca Duranti sống nửa thời gian ở Ý và nửa còn lại ở New York, tự dịch là phương tiện kích thích sự sáng tạo và “tái sinh lại sự viết của bà” (Wilson, 2009:187).
4.6. Người dịch như người thương lượng để tìm ra nghĩa
Ở đầu chương này ta đã nhận xét rằng người dịch mới chỉ trở thành tâm điểm chú ý của giới học thuật trong thời gian gần đây. Nhân tố có đóng góp đáng kể đến diễn biến này chính là ảnh hưởng của các lý thuyết hậu hiện đại tới nghiên cứu dịch thuật. Chủ nghĩa hậu hiện đại bác bỏ quan điểm cho rằng ý nghĩa trong một văn bản là ổn định và tuyệt đối cố định và do đó có thể được mang sang ngôn ngữ hoặc văn hóa khác mà không đặt ra vấn đề khúc mắc nào. Quan điểm này được cô đọng trong từ tiếng Anh “trans-lation,” nghĩa là “chuyển qua,” và được lặp lại trong nhiều từ ngữ châu Âu khác chỉ hoạt động này. Trong phép ẩn dụ này có tồn tại cố hữu sự phân biệt nhị phân giữa nội dung (bất biến) và hình thức (khả biến): nội dung được chuyển nguyên vẹn sang hình thức/ngôn ngữ khác. Cũng cố hữu trong cách khái niệm hóa này là quan điểm cho rằng người dịch đứng giữa hai hệ thống riêng biệt, như Tymoczko đã trình bày, khi những người dịch làm việc trong một ngôn ngữ này hay ngôn ngữ khác, hay nói chính xác hơn, “trong một hệ thống bao gồm cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, một hệ thống bao hàm cả hai” (2003:196). Như chúng ta đã thấy, ý niệm người dịch như người mang nghĩa cẩn thận vận chuyển một bưu kiện quý giá từ một ngôn ngữ hay văn hóa này sang một ngôn ngữ hay văn hóa khác mà không gây ra cớ sự gì là một lối tư duy rất phương Tây; các văn hóa khác hình dung về khái niệm dịch thuật theo những cách rất khác.
Triết gia người Pháp gốc Bắc Phi Jacques Derrida (1930-2004) đặt ra thuật ngữ “giải cấu trúc” (deconstruction) để chỉ một cách đọc, diễn giải và viết văn bản thách thức các quan niệm truyền thống về nghĩa trong diễn ngôn triết học phương Tây. Trước tác của Derrida có ảnh hưởng đáng kể đến nghiên cứu dịch thuật bởi sự quan tâm của chính ông đến ngôn ngữ và dịch thuật. Đối với Derrida, nghĩa không tồn tại ngoài ngôn ngữ; quả thật, nghĩa không tồn tại trước ngôn ngữ mà được đan cài vào ngữ cảnh của một phát ngôn hay sự kiện. Nói cách khác, nghĩa không phải cố định và ẩn mình chờ được độc giả hay người dịch phơi bày mà thật ra lại phụ thuộc vào ngữ cảnh, kinh nghiệm của độc giả hay người dịch, và mối quan hệ giữa văn bản với các văn bản khác. Đi tìm nghĩa là tham gia vào một quá trình (có thể không có điểm dừng) đào bới qua nhiều lớp văn bản với tất cả những hàm ý, điển cố và lịch sử. Một thuật ngữ then chốt ở đây là “trì biệt” (différance), thuật ngữ bao hàm nghĩa kép, độ trễ và sai biệt, cũng như sự mơ hồ giữa thể chủ động và bị động. Derrida miêu tả “trì biệt” như “một sự vận động mà theo đó ngôn ngữ, hay bất kỳ dạng mã nào, bất kỳ hệ thống quy chiếu nào được xây dựng ‘trong lịch sử’ như một tấm dệt những yếu tố khác biệt” (198:13). Sự vận động này chính là điều kiện tiên quyết để tạo sinh nghĩa.
Bởi có độ mở hay thứ mà Davis gọi là “văn bản tính vô tận” (inexhaustible textuality) của văn bản, không văn bản nguồn nào có thể hoàn toàn coi là “gốc” vì nó luôn mang dấu vết của rất nhiều văn bản khác. Vì vậy, không thể có một cách diễn giải tuyệt đối, cũng không thể có một cách diễn giải toàn diện, vì không một độc giả hay dịch giả nào có thể tiếp cận được tất cả các yếu tố của văn bản và bối cảnh. Cũng có thể cho rằng một hệ quả có thể xảy ra của giải cấu trúc là sự bất khả dịch. Tuy nhiên, Derrida bác bỏ những thái cực nhị phân cùng những phạm trù rạch ròi như khả dịch và bất khả dịch vì đối với ông, mỗi cái đều phụ thuộc và cấu thành nên cái còn lại. Tức là vừa không thể dịch vừa cần phải dịch.
Nếu văn bản không có nghĩa vốn có và cố định chờ được khám phá và dịch/“chuyển sang” ngôn ngữ và văn hóa khác, thì trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ của người dịch càng thêm nặng vì họ phải quyết định nên dịch (các) nghĩa nào. Những quyết định như thế liên quan đến các yếu tố trong bản thân văn bản (chẳng hạn như có nên dùng từ “phiến quân” thay vì “chiến sĩ tự do” hay không), đến chiến lược dịch (chẳng hạn như chiến lược “dịch dày” mà Cheung (2007:22-36) sử dụng khi dịch các khái niệm tiếng Trung về dịch thuật) cũng như bối cảnh dịch – có nên nhận lời dịch cho một khách hàng nào đó, hay có nên xướng giá thấp hơn hẳn các người dịch khác để giành được đầu việc nào đó.
Triết học hậu hiện đại, với trọng tâm đặt vào bản chất tư tưởng hệ của dịch thuật, cùng với quan điểm mạnh mẽ cho rằng người dịch không thể trung lập, đã mở ra nhiều lĩnh vực mới cho nghiên cứu dịch thuật. Đặc biệt, như Arrojo đã chỉ ra, “sự công nhận vai trò tác giả của người dịch […] cuối cùng đã cho phép chúng ta bắt đầu đánh giá lại điều kiện và vị thế của hoạt động dịch thuật trên thực tế và ghi nhận nhu cầu làm cho những người dịch nhận thức được tác động và tầm quan trọng của công việc họ làm” (1998:42).
4.7. Người dịch như người chấp nhận rủi ro
Trong vòng mười năm qua, và nhất là kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn gần đây manh nha ở châu Âu và Hoa Kỳ, quản lý rủi ro đã trở thành ưu tiên của nhiều tổ chức trên toàn thế giới. Vậy nên không có gì bất ngờ khi nó cũng tìm được đường vào lý thuyết dịch thuật.
Người dịch là người đưa ra quyết định và quá trình quyết định luôn có sự góp mặt của rủi ro. Tiêu chuẩn ISO mới nhất (ISO 31000:2009. Quản lý rủi ro – Nguyên lý và Hướng dẫn) định nghĩa rủi ro là “tác động của sự không chắc chắn lên các mục tiêu” và Wilss đã áp dụng những hiểu biết về quản lý rủi ro trong bối cảnh doanh nghiệp vào vai trò của người dịch như người ra quyết định (2005). Ông phân biệt giữa quyết định đưa ra dưới điều kiện chắc chắn và quyết định đưa ra dưới điều kiện không chắc chắn. Trong trường hợp đầu tiên, các giải pháp đối với các vấn đề dịch thuật là rất rõ ràng và không có bất kỳ rủi ro nào kèm theo; trong trường hợp thứ hai, người dịch phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn giữa nhiều giải pháp cho một vấn đề, bất kỳ cái nào cũng có rủi ro về mặt cá nhân hay chuyên môn. Kussmaul đã chỉ ra quản lý rủi ro “không có nghĩa là tránh rủi ro, mà là giảm rủi ro” (2009:372).
Một chiến lược giảm rủi ro có thể sử dụng là tự kiểm duyệt. Đối mặt với những quan điểm thống trị được xã hội công nhận, chẳng hạn như sự siêu việt của một hệ thống chính trị hay tính toàn tri của một đấng thần thánh độc thần giáo nào đó, người dịch có thể sẽ tự kiểm duyệt bản dịch của mình – mà không cần ai ra mặt buộc họ phải làm vậy. Maksudyan minh họa cho việc tự kiểm duyệt khi gặp phải một bản kể lịch sử nan giải bằng nghiên cứu về cách trình bày về cuộc diệt chủng Armenia hồi 1915-1916 trong một số sách giáo khoa lịch sử (được dịch) của Thổ Nhĩ Kỳ. Các văn bản nước ngoài đi ngược với phiên bản lịch sử chính thống của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc thảm sát Armenia, và các bản dịch thường bị hạn chế bởi “những gì được nói và những gì không được nói” về sự kiện này ở Thổ Nhĩ Kỳ (2009:637). Tự kiểm duyệt trong trường hợp này bao gồm từ cắt bỏ hoàn toàn một vài đoạn cho đến dùng những uyển ngữ, bỏ qua tác nhân, cũng như lược bỏ và bổ sung vào văn bản (2009).
Pym đã liên hệ quản trị rủi ro với hai quy luật mà Toury đề ra, quy luật chuẩn hóa và quy luật can thiệp (2008). Trong các tình huống phải ra quyết định, người dịch sẽ hoặc chọn giải pháp an toàn (hay chuẩn hóa theo cách gọi của Toury) hoặc đẩy trách nhiệm ra quyết định dịch thuật cho một cấp có quyền hạn cao hơn, bao gồm chẳng hạn như một văn bản nguồn có uy tín hay giải pháp được hệ thống bộ nhớ dịch đề xuất (quy luật can thiệp). Pym liên hệ sự sẵn lòng hay miễn cưỡng chấp nhận rủi ro với các cấu trúc lợi ích vốn có dành cho người dịch và đề xuất một quy luật dịch thuật (thống nhất): “Người dịch có xu hướng tránh rủi ro bằng cách chuẩn hóa ngôn ngữ và/hoặc dẫn theo sự can thiệp từ cấp cao hơn, nếu và khi làm ngược lại không mang lại lợi ích gì cho họ.” (2008:326).
Tất nhiên, những người dịch kia, và đặc biệt là những phiên dịch viên làm việc trong vùng chiến sự có rủi ro thương vong rất cao trong quá trình tác nghiệp. Các lực lượng Anh và Mỹ từng tuyển và huấn luyện dân thường có trình độ ở địa phương (LEC – local educated civilian) để làm phiên dịch viên trong Chiến tranh Iraq. Đối với LEC, điều quan trọng nhất cần cân nhắc khi chuẩn bị cho một nhiệm vụ phiên dịch không phải là nghiên cứu thuật ngữ mà là cấp độ đồ bảo hộ cần thiết và có cần mang mũ trùm balaclava (để che giấu thân phận) hay không. Những rủi ro thật sự mà những phiên dịch viên này phải đối mặt ở Iraq được phản ánh qua số liệu thương vong: từ tháng Ba 2003 đến tháng Ba 2008, 360 phiên dịch viên làm việc cho lực lượng Hoa Kỳ đã thiệt mạng và hơn 1200 phiên dịch viên bị thương. Nhóm người duy nhất chịu thương vong cao hơn họ là chính lực lượng Hoa Kỳ (Miller, 2009). Trên thực tế, những phiên dịch viên như thế đối mặt với nguy cơ gấp ba lần: thứ nhất là sự nguy hiểm mà mỗi quân nhân đều phải đối mặt khi làm nhiệm vụ; thứ hai là hậu quả khi bị đồng bào xem là những kẻ nối giáo cho giặc, và thứ ba là những người thuê họ cảm thấy không thể tin tưởng họ tuyệt đối. Khi xung đột chấm dứt, họ đứng trước nguy cơ bị bức hại, chưa kể đến cái chết, dưới tay chính đồng bào mình và phải trông chờ vào những ông chủ cũ cho họ đường thoát an toàn ra khỏi vùng chiến sự và làm lại cuộc đời ở nước ngoài.
Dù chúng ta dễ xem hoạt động dịch thuật ở vùng chiến sự hay nơi có xung đột là trường hợp cực đoan, thì điều không thể bàn cãi là “biên dịch và phiên dịch là một phần thiết chế chiến tranh và do đó đóng vai trò quan trọng trong quản lý xung đột – của tất cả các bên, từ đám diều hâu hiếu chiến cho đến những nhà hoạt động hòa bình” (Baker, 2006:1-2) [nhấn mạnh trong bản gốc]. Từ góc nhìn này, có thể thấy quản trị rủi ro – về cả thân thể lẫn hệ tư tưởng – là trung tâm của hoạt động dịch thuật trong chuẩn bị, thi hành và giải quyết các xung đột vũ trang.
4.8. Trách nhiệm đạo đức của người dịch
Liên quan mật thiết đến chấp nhận và quản lý rủi ro là câu hỏi về lập trường đạo đức.
Như chúng ta đã thấy khi bàn luận về giải cấu trúc, ra quyết định là trung tâm của hoạt động dịch thuật. Nó không diễn ra trong một cõi chân không đạo đức. Chẳng hạn, quyết định vô hình của người dịch có thể được xem như quyết định từ chối trách nhiệm đối với tác phẩm của mình (Lane-Mercier, 1997) cũng như việc chấp nhận một quan điểm dịch thuật nổi bật trong văn hóa của người đó. Quyết định có nên dịch/làm thế nào dịch các văn bản như Mein Kampf của Hitler – mà Pym gọi là một “ví dụ cũ rích” (chestnut example) – là vấn đề mang tính đạo đức sâu sắc.
Trong khi vấn đề đạo đức đã được bàn luận từ lâu trong phiên dịch cộng đồng, chủ yếu xoay quanh vai trò của phiên dịch viên như người chuyển mã không thiên vị hoặc người đứng về phía khách hàng, sự chú ý đến đạo đức trong nghiên cứu (biên) dịch lại là hiện tượng xuất hiện gần đây. Đạo đức đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lâu đời “Tôi nên làm gì?” Những câu trả lời như vậy xưa nay vốn chia ra thành hai phái phổ quát và cụ thể, phe phổ quát đi tìm hướng dẫn chung cho hành vi của người dịch dựa trên các giá trị phổ quát, còn phe cụ thể thì nhấn mạnh tầm quan trọng của tình huống cụ thể khi quyết định các giá trị đạo đức.
Ví dụ về hướng tiếp cận “phổ quát” bao gồm Khuyến nghị Nairobi vào năm 1976 và bộ đạo đức nghề nghiệp của hầu hết các nghiệp đoàn biên dịch quốc gia, tất cả đều cố gắng thiết lập những chỉ dẫn cho điều kiện đào tạo và làm việc của người dịch. Với niềm tin đạo đức nghề nghiệp phải tuân theo những giá trị phổ quát, Chesterman đã đề xuất chín nguyên lý chung về hành vi đạo đức mà ông gọi là “Lời thề Hieronymus”: Tận tâm, trung thành với nghề nghiệp, thông hiểu, sự thật, trong sáng, tín nhiệm, chân thật, công lý, và phấn đấu để trở nên xuất sắc (2001:153). Với Chesterman, “thông hiểu là phẩm chất cao nhất của người dịch” và tất cả các phẩm chất khác đều phụ thuộc vào phẩm chất này (2001:152). Thông qua “thông hiểu,” ông muốn nói rằng người dịch phải hiểu được không chỉ văn bản mà còn cả nhu cầu của khách hàng và kỳ vọng của độc giả, và họ cũng phải thúc đẩy sự thông hiểu trong các tình huống giao tiếp liên văn hóa.
Cũng trong cuốn sách đánh dấu mốc quan trọng về đạo đức và dịch thuật ấy, Pym cho rằng các vấn đề đạo đức không còn đơn thuần mang bản chất ngôn ngữ hay văn bản, không còn giới hạn ở tương đương hay trung thành với văn bản nguồn. Thay vào đó, đạo đức “giờ đây là một vấn đề ngữ cảnh rộng lớn, phụ thuộc vào thực hành trong những địa điểm văn hóa và những yếu tố quyết định trong từng tình huống cụ thể” (2001:137). Dù chọn cho mình một quan điểm khá thiên về hướng “cụ thể”, Pym cũng nhận ra sự viện dẫn ngày càng tăng đến các giá trị phổ quát trong những cuộc tranh luận về đạo đức trong lĩnh vực dịch thuật.
Như đã thấy trong cuốn sách này, những bước tiến như dịch thuật hậu thuộc địa và Nữ quyền đã khơi dậy những vấn đề đạo đức liên quan đến quyền lực và khách hàng. Điều ít được bàn đến hơn là các khía cạnh đạo đức của những bước phát triển công nghệ dịch thuật gần đây. Câu hỏi liệu có nên chia sẻ bộ nhớ dịch của mình, tức là thành quả lao động của mình, là một câu hỏi đạo đức – tất nhiên là trong trường hợp người dịch có quyền sở hữu bộ nhớ dịch mà họ tạo ra, điều trên thực tế không phải lúc nào cũng như thế. Tham gia vào nguồn lực đám đông có nghĩa là làm việc không công cho một công ty hoạt động vì lợi nhuận: một người dịch có “nên” làm như thế không?
Những hàm ý đạo đức của toàn cầu hóa tác động lên công việc của người dịch được dự báo sẽ càng nghiêm trọng trong những năm tới. Hàng rào thương mại được hạ thấp hiển nhiên sẽ gia tăng cạnh tranh giữa các người dịch. Phát triển công nghệ sẽ đặt ra những vấn đề về vai trò của người dịch là người thực trong dịch tự động, từ sở hữu trí tuệ cho đến điều kiện làm việc. Những câu hỏi như thế sẽ dẫn đến vai trò ngày càng tăng của đạo đức trong đào tạo người dịch (xem Drugan và Magone, 2011 để thấy một phương pháp được đề xuất nhằm tích hợp đạo đức vào chương trình đào tạo người dịch).
4.9. Các lý thuyết về đào tạo người dịch
Dù chúng ta đã đề cập qua những vấn đề về đào tạo người dịch khi bàn về Thuyết Skopos, nghiên cứu dịch thuật khối liệu, nghiên cứu quy trình dịch thuật (TPR – translation process research), trọng tâm của phần này sẽ là về những lý thuyết liên quan cụ thể đến đào tạo người dịch.
Sự phát triển bùng nổ của các trường đào tạo dịch ở các đại học của châu Âu từ 1945, đặc biệt là từ những năm 1980, thường dẫn đến kết quả là những (cựu) dịch giả chuyên nghiệp hay giáo viên sinh ngữ không hề có nghiệp vụ sư phạm dịch thuật được bổ nhiệm giảng dạy. Những hội thảo quốc tế đầu tiên xem việc dạy dịch như một phần của chương trình đào tạo người dịch phải đợi mãi đến 1986 (Anderman và Rogers, 1990) và 1991 (Dollerup và Loddegaard, 1992). Nghiên cứu và lý thuyết hóa về dạy dịch do đó mà tương đối mới.
Paul Kussmaul, người đứng lớp đào tạo người dịch danh tiếng của Đại học Mainz, Đức, viết cuốn Đào tạo Người dịch nhắm đến những người hướng dẫn “lắm khi không hiểu rõ họ đang làm gì” (1995:33). Kussmaul dựa trên kinh nghiệm giảng dạy sâu rộng của mình để cung cấp một cuốn cẩm nang cho những giáo viên này: phương pháp sư phạm của ông là tuyệt đối tập trung vào giáo viên, dựa trên tri thức luận sư phạm thực chứng. Chọn cách nhìn nhận thiên về chức năng (xem thêm Nord, 1991b), Kussmaul dựa trên một loạt các mô hình lý thuyết của ngôn ngữ học tổng quát cũng như tâm lý học ngôn ngữ, tâm lý học, ngữ dụng học, ngữ nghĩa học và ngôn ngữ học văn bản nhằm cung cấp cho người đào tạo nền tảng lý thuyết để theo đuổi lịch trình đào tạo mà ông đã tóm tắt thành chín hướng dẫn ở chương cuối. Dù phần lớn cuốn sách tập trung vào các vấn đề vi mô liên quan trực tiếp đến người đào tạo dịch, điều làm tác giả bận tâm nhất là nâng cao khả năng tự nhận thức của người dịch, ý ông nói đến khả năng suy xét phản biện mọi quyết định chính mình đưa ra trong quy trình dịch thuật. Đối với Kussmaul, tự nhận thức – sau đó sẽ dẫn đến tự tin – là một trong những thành tố then chốt trong năng lực của người dịch.
Schäffner và Adab miêu tả “năng lực” như một “một thuật ngữ bao quát và là một khái niệm tổng hợp chỉ khả năng làm việc tổng thể” mà họ đã thừa nhận rằng “khó định nghĩa được” (2000:x). Những cách định nghĩa đã có thường giới hạn ở liệt kê những tiểu năng lực, như năng lực ngôn ngữ, năng lực văn bản, năng lực về môn học, năng lực văn hóa (Neubert, 2000b:3-18), thuật ngữ (Anderman và Rogers, 2000:63-73), hay những năng lực cụ thể theo từng cặp ngôn ngữ như phân tích đối chiếu (Mailhac, 2000:33-50) hoặc khả năng sử dụng công cụ công nghệ thông tin (Kenny, 2007:192-208).
TPR đã sử dụng dữ liệu thực nghiệm thu thập trong nghiên cứu quy trình để định nghĩa khái niệm năng lực người dịch. Chẳng hạn nhóm nghiên cứu PACTE ở Barcelona là những người đầu tiên xác định khả năng kết nối các tiểu năng lực với nhau là một bước quan trọng trong quá trình người dịch mới vào nghề trở thành người dịch chuyên nghiệp (2000). Dự án TransComp ở Graz, một nghiên cứu theo thời gian bắt đầu vào tháng Chín 2007 về sự lĩnh hội năng lực của người dịch, tập trung vào ba thành tố năng lực người dịch: (1) năng lực chiến lược, (2) năng lực kích hoạt thói quen dịch thuật, (3) năng lực nghiên cứu và sử dụng công cụ (Göpferich và Jääskeläinen, 2009, 185). Thành tố thứ hai là một tiểu năng lực mới bao gồm khả năng sử dụng các quy trình sao chép theo thói quen để tạo ra bản dịch chấp nhận được trong văn bản đích.
Pym (2003) bác bỏ hướng tiếp cận “danh sách những (tiểu) năng lực” với các lý do một danh sách như thế có thể kéo dài vô tận, những năng lực bị xem xét tách rời những điều kiện cụ thể của một quan điểm hướng dẫn dịch thuật hay khung thiết chế, và chúng bị cắt khỏi mọi lý thuyết học tập. Pym sau đó đã trình bày một định nghĩa hai phần về năng lực dịch thuật:
- Khả năng tạo ra một chuỗi gồm hơn một văn bản đích khả dụng (TT1, TT2 … TTn) cho một văn bản nguồn cụ thể;
- Khả năng chọn ra chỉ một văn bản đích khả dụng từ chuỗi trên, một cách nhanh chóng và tự tin xác đáng.
Ông cho rằng định nghĩa năng lực này “chỉ dùng cho dịch thuật và không gì khác ngoài dịch thuật” (2003:489), và rằng dù người dịch có thể cần các kỹ năng ngôn ngữ, công nghệ hay chuyên môn khác, thì đây rốt cuộc là điều khiến công việc của họ khác với công việc của những người làm về ngôn ngữ khác. Pym đặt định nghĩa năng lực của mình trong một lý thuyết học tập đòi hỏi người học phải luôn luôn lựa chọn giữa các giả thuyết, đồng nghĩa với việc họ liên tục tham gia vào quá trình lý thuyết hóa. Ông cho rằng hướng tiếp cận này khuyến khích lối tương tác hợp tác điển hình trong môi trường làm việc của người dịch chuyên nghiệp – trong đó không có chỗ cho người hướng dẫn toàn năng thường thấy trong lớp học truyền thống theo hướng đơn thuần truyền đạt thông tin, thẩm quyền phán xử có quyền lực độc tôn và tuyệt đối (2003:489-96). Định nghĩa năng lực của Pym đạt đến một cấp độ phổ quát nhất định, nghĩa là có thể biến đổi nó cho tương thích để sử dụng trong nhiều tình huống đào tạo rất khác nhau. Với việc chối bỏ mô hình truyền đạt thông tin, định nghĩa này còn công nhận đào tạo và lý thuyết hóa về đào tạo không diễn ra trong một khoảng chân không về thiết chế hay triết học.
Một quan điểm thay thế lại đến từ Chesterman (2000a:147-50), người dựa trên Dreyfus và Dreyfus (1986) để vẽ ra bản đồ phát triển của người dịch từ lúc còn là người mới đến khi trở thành chuyên gia. Dreyfus và Dreyfus đề xuất rằng sự phát triển này diễn ra qua năm giai đoạn: mới vào nghề (nhận ra được những đặc tính và quy luật có sẵn), trên mức cơ bản (nhận ra các đặc tính chưa có sẵn nhưng phù hợp), đủ năng lực (đưa ra quyết định theo trật tự trên dưới và hướng mục tiêu), thuần thục (thông hiểu từ trực giác cùng hành động cẩn trọng) và chuyên nghiệp (làm việc trôi chảy và lý luận cẩn trọng). Người được đào tạo lần lượt đi “từ nhận thức ở cấp độ nguyên tử cho đến cấp độ toàn thể, từ phản hồi hữu thức đến vô thức, từ quyết định dựa trên phân tích đến quyết định theo trực giác, từ lý luận tính toán đến lý luận có ý thức, từ cam kết một cách thờ ơ đến cam kết hết mình” (2000a:150). Bản thân Chesterman còn gợi ý một số chiến lược giảng dạy cho mỗi trình độ. Ông đồng tình với Kussmaul về tầm quan trọng của việc nâng cao tự nhận thức cho những người dịch đang được đào tạo và đề xuất một số bước để tạo điều kiện cho “con đường bản thể luận dẫn đến giải phóng cho người dịch” (2000a:164). Với Chesterman, mục đích của đào tạo người dịch là tạo ra một “chủ thể được giải phóng chứ không phải một chủ thể phải quy phục” (2000a:163).
Hướng tiếp cận chung của Chesterman mang dấu ấn của Karl Popper và ông cũng không công khai ủng hộ một lý thuyết học tập cụ thể nào. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi thể bị động khi miêu tả quan hệ giữa người đào tạo và người được đào tạo (“học viên có thể được yêu cầu …,” “học viên nên được cho”) phản ánh phòng học chủ yếu lấy giáo viên làm trung tâm, điều này có thể cản trở mục tiêu giải phóng người được đào tạo của ông.
Giải phóng – hay “trao quyền” cho – học viên cũng là mục tiêu của Kiraly: “Đạt được năng lực trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó có nghĩa là có được sự tinh thông và theo đó là thẩm quyền để đưa ra các quyết định chuyên môn; nhận lấy trách nhiệm với hành động của mình; và đạt được quyền tự chủ để theo đuổi con đường học tập suốt đời. Đấy chính là trao quyền” (2000:1). Tuy nhiên, lý thuyết học tập của Kiraly rất khác so với lý thuyết của Chesterman. Đối với Kiraly, một người theo thuyết kiến tạo xã hội, kiến thức không phải là thứ tĩnh tại, khách quan và ngoại thân cần được một giáo viên toàn tri truyền đạt đến học viên, mà kiến thức là các kiến tạo xã hội, kết quả của đồng kiến tạo giữa nhiều người trong đối thoại, tranh luận và tương tác. Kiraly kêu gọi “thay đổi trọng tâm từ chuyên chế trong giảng dạy sang học tập như một hoạt động có tính cộng tác, tiếp biến văn hóa, mang tính xã hội điển hình” (2000:18). Các lớp luyện dịch truyền thống được biến thành một buổi tập huấn nơi giáo viên trở thành người hỗ trợ học viên học tập. Học viên làm việc theo nhóm, chia sẻ và trao đổi quan điểm cũng như tham gia ra quyết định. Bài tập lấy hình thức những dự án dịch thuật thực sự mà nhóm phải quản lý từ đầu đến cuối. Bằng cách này, những người được đào tạo đã bước chân vào làm việc chuyên nghiệp. Trong khi Kiraly đặt trọng tâm vào tính chân thực và tích hợp công nghệ vào mô hình của mình, ông tin rằng có thể đạt được sự cộng tác tốt nhất khi tương tác gặp mặt trực tiếp mà không thông qua trung gian công nghệ (2000:128). Tuy nhiên, Kenny lại cho thấy công nghệ thực tế có thể giúp cải thiện quan hệ cộng tác (2008:139-64), một phần quan trọng là vì nó loại bỏ nhiều rào cản cộng tác trong tình huống gặp mặt trực tiếp – như ngôn ngữ cơ thể, ngoại hình, tính cách, động lực nhóm, và vân vân.
O’Hagan cho rằng những mạng lưới dịch thuật của người hâm mộ, và nhất là “scanlation” (dịch truyện tranh được quét kỹ thuật số), cho chúng ta một mô hình môi trường học tập theo thuyết kiến tạo xã hội (2008:158-83). Quy trình scanlation thường là một dự án dịch thực tế do một nhóm người hâm mộ manga Nhật Bản thực hiện. Nhóm này hợp tác trực tuyến, kiểm tra chéo và được chuyên gia phản hồi, rồi tạo ra một bản dịch manga bằng tiếng Anh để xuất bản trên mạng. O’Hagan chỉ ra rằng những cộng đồng dịch thuật nghiệp dư như thế sẽ ngày càng tăng cùng với sự phát triển bùng nổ của các hình thức giao tiếp mới và ngành sư phạm dịch thuật cần phải học nhiều từ họ về “các cách mới để vun đắp những bộ kỹ năng chuyên môn” (2008:179).
Như chúng ta đã thấy, TPR đã cung cấp thêm nhiều lý do để phát triển phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, dựa trên kết quả phân tích hành vi dịch thuật của người dịch chuyên nghiệp (Tirkkonen-Condit và Laukkanen, 1996).
Nhìn các chương trình đào tạo người dịch tăng mạnh ở các đại học Tây Ban Nha trong vòng 15 năm qua, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi bản hướng dẫn toàn diện nhất về chương trình đào tạo và thiết kế đề cương bài giảng trong những năm gần đây lại là do một nhà thiết kế làm việc ở Tây Ban Nha làm ra. Cuốn Sổ tay người đào tạo người dịch (A Handbook for Translator Trainers) (2005) của Dorothy Kelly cung cấp một cái nhìn tổng quan về “những yêu cầu giáo dục căn bản cho mỗi bước” khi thiết kế một chương trình đào tạo người dịch (2005:1). Bà hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của những khác biệt về vùng miền, quốc gia, văn hóa và thể chế trong phát triển chương trình đào tạo người dịch, cũng như quả quyết bất kỳ chương trình nào cũng phải dựa trên những điều kiện địa phương. Bà đặt tác phẩm của mình trong khung khổ quy trình Bologna do Liên minh Châu Âu khởi xướng năm 1999 với mục tiêu cân đối đào tạo đại học ở châu Âu để các chương trình cấp bằng được tương đồng với nhau hơn về cấu trúc và chất lượng, khuyến khích tính lưu động và tạo điều kiện cho các chứng chỉ được công nhận dễ dàng hơn. Quy trình này đã dẫn đến sự ra đời của Không gian Đại học châu Âu vào năm 2010, giới thiệu “một mô hình giáo dục đại học mới, nơi các yếu tố cốt lõi là định nghĩa rõ ràng về mục đích và thành quả dự kiến cũng như tăng cường học tập lấy học sinh làm trung tâm” (2005:33). Bà bắt đầu, như thường thấy trong quy trình Bologna, bằng một phần bàn luận về thành quả học (dự kiến). Sau khi xác định bảy (tiểu) năng lực thiết yếu cho “đào tạo người dịch trong bối cảnh đào tạo đại học nói chung” (2005:38), bà tiếp tục đưa ra năm thành quả học tập của một trong các năng lực này. Thành quả học tập được phát biểu dưới dạng các mệnh đề “làm được” (can do) chẳng hạn như “sau khi hoàn thành học trình này, học viên có thể phiên dịch những bài diễn thuyết dài mười phút trong lĩnh vực thương mại quốc tế từ tiếng Trung sang tiếng Pháp.” Dù tất nhiên bất kỳ tổ chức giáo dục nào cũng bắt buộc phải thiết lập mục đích ngay từ sơ khởi, thì giản lược thành quả học tập xuống còn “năm đến sáu, không quá bảy hoặc tám” (2005:38) thành quả dưới dạng những mệnh đề “làm được,” có vẻ khá hạn chế đối với một chương trình đào tạo đại học. Như thế cũng khó mà khuyến khích học tập lấy học viên làm trung tâm, đặc biệt khi thành quả học tập dự kiến do giáo viên toàn quyền quyết định và mặc định tất cả học viên trong cùng một nhóm sẽ học theo cùng một cách và cùng một tốc độ. Phương pháp như thế quả thực dựa trên những lý thuyết hành vi mà nay đã bị phủ nhận rộng rãi, theo đó kiến thức có thể được chia gọn gàng thành các đơn vị riêng biệt để truyền đạt đến một nhóm học viên đồng nhất, mà kết quả học có thể được cân đo một cách khách quan.
Hussey và Smith (2002) kết luận rằng thành quả học tập không thể được phát biểu với mức độ chính xác và rõ ràng như những người kia khẳng định, và rằng định nghĩa như vậy thậm chí còn có thể giới hạn thành quả giáo dục, bằng cách xem những thành quả học tập này là yêu cầu tối đa cần đạt đến và/hoặc bằng cách loại bỏ những thành quả phát sinh trong quá trình dạy và học. Quả thực, những thành quả phát sinh như thế thường lại là điều có giá trị nhất ở cấp đại học. Trong một công trình khác, họ miêu tả người giáo viên buộc phải chuẩn bị cho học viên tham gia khảo thí dựa trên những thành quả học tập như trên là đang “kẹt giữa một mặt phải bám chặt lấy mục tiêu đạt được những thành quả định sẵn, mặt khác lại phải tối ưu hóa những cơ hội phát triển và hỗ trợ người học suốt đời, độc lập, tự chủ” (2003:358). Nói cách khác, dạng triết lý giáo dục này không tương thích với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm.
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận sự hữu ích mà cuốn Sổ tay của Kelly mang lại – suy cho cùng, cuốn sách chứa đựng thành quả của nhiều năm kinh nghiệm – mà chỉ đơn giản chỉ ra rằng lý thuyết giáo dục làm nền tảng cho cuốn sách này, cũng như phần lớn quy trình Bologna ở Liên minh châu Âu, có gốc rễ là chủ nghĩa hành vi và đặt nặng phương thức truyền đạt thông tin.
4.10. Kết luận
Bởi Lý thuyết Dịch thuật càng ngày càng bỏ rơi quan điểm người dịch như một người chuyển mã trung lập, sự quan tâm trong lý thuyết bắt đầu tập trung vào bản thân người dịch. Trong chương này, chúng ta đã thấy những bước phát triển về tri thức và triết học bắt nguồn từ bên ngoài ngành dịch đã ảnh hưởng đến sự hình thành khái niệm về người dịch ra sao. Lý thuyết hậu hiện đại đã cho thấy bản chất không ổn định của nghĩa và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tác nhân, từ đó đẩy người dịch ra vị trí trung tâm sàn diễn. Sự nhấn mạnh vào đạo đức ở nhiều mặt khác nhau của cuộc sống cũng đã gây chú ý đến khía cạnh đạo đức vốn bị bỏ ngỏ của sản phẩm của người dịch. Nhu cầu dịch thuật ngày càng tăng trên toàn thế giới đã đặt ra nhiều câu hỏi về đào tạo người dịch. Những hiểu biết lý thuyết nhờ vào nghiên cứu trong các lĩnh vực này đã làm rõ sự phức tạp trong nhiệm vụ của người dịch.
Đồng thời, nhu cầu dịch thuật toàn cầu đang tăng với tốc độ mà người dịch là người thực thật sự không thể bắt kịp. Dịch tự động để lấy cốt ý và những bản dịch “đủ dùng” đã trở thành hiện thực. Dịch nhờ nguồn lực đám đông, fan-sub và scanlation đang đưa vào những mô hình hoạt động dịch thuật (và đào tạo người dịch) mới. Ý nghĩa lý thuyết của những bước tiến mới này chỉ mới bắt đầu được khám phá.
Miên Túc dịch
[1] Trong bài này chữ translator để chỉ chung những người làm công việc dịch thuộc mọi hình thức, tuy nhiên đôi chỗ có sự phân biệt giữa người biên dịch (translator) với người phiên dịch (interpreter). Ngoại trừ những chỗ dễ nhầm lẫn, chúng tôi sẽ chỉ để chung là “người dịch”. (ND)
Tài liệu tham khảo
Anderman, G. and Rogers, M. (eds) (1990) Translation in Teaching and Teaching Translation. Surrey: University of Surrey, Centre for Translation and Language Studies.
Anderson, R.B.W. (1976) ‘Perspectives on the Role of Interpreter’, in Brislin, R.W. (ed.) Translation: Applications and Research. New York: Gardner Press, pp. 208–28.
Arrojo, R. (1994) ‘Fidelity and the Gendered Translation’, TTR 7: 2, 147–63.
Arrojo, R. (1998) ‘The Revision of the Traditional Gap between Theory and Practice and the Empowerment of Translation in Postmodern Times’, The Translator 4: 1, 25–48.
Baker, M. (2006) Translation and Conflict. A Narrative Analysis. London/ New York: Routledge.
Battersby, E. (2010) ‘The Story of a Man who Never Got to Live’, The Irish Times, 18 June 2010, p. 18.
Berman, A. (1984) L’Épreuve de l’étranger. Paris: Gallimard. Translated by S. Heyvært (1992) as The Experience of the Foreign. Culture and Translation in Romantic Germany. Albany, NY: SUNY Press.
Berman, A. (1995) Pour une critique des traductions: John Donne. Paris: Gallimard.
Bielsa, E. and Bassnett, S. (2009) Translation in Global News, London/New York: Routledge.
Bourdieu, P. (1992) Language and Symbolic Power. Translated by G. Raymond and M. Adamson, Cambridge: Polity Press.
Bourdieu, P. (1995) The Rules of Art: Genesis and Structure of the Literary Field. Translated by S. Emanuel, Stanford: Stanford University Press.
Chamberlain, L. (1988) ‘Gender and the Metaphorics of Translation’, Signs:Journal of Women in Culture and Society 13: 3, 454–72.
Chesterman, A. (2000a) Memes of Translation. The Spread of Ideas in Translation Theory. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
Chesterman, A. (2001) ‘Proposal for a Hieronymic Oath’, The Translator 7: 2, 139–54.
Cheung, M.P.Y. (2007) ‘On Thick Translation as a Mode of Cultural Representation’, in Kenny, D. and Ryou, K. (eds) Across Boundaries. International Perspectives on Translation Studies. Newcastle: Cambridge Scholars Publishing, pp. 22–36.
Cronin, M. (1996) Translating Ireland. Cork: Cork University Press.
Davis, K. (2001) Deconstruction and Translation. Manchester/Northampton: St Jerome.
Delisle, J. (1999) Portrait de Traducteurs. Ottawa: University of Ottawa Press.
Delisle, J. and Woodsworth, J. (eds) (1995) Translators through History (Les traducteurs dans l’histoire), Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins and Paris: Editions Unesco.
Derrida, J. (1982) Margins of Philosophy. Translated by A. Bass. Chicago: University of Chicago Press.
Dollerup, C. and Loddegaard, A. (eds) (1992) Teaching Translation and Interpreting. Training, Talent and Experience. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
Dreyfus, H.L. and Dreyfus, S.E. (1986) Mind over Machine. Oxford: Blackwell.
Drugan, J. and Megone, C. (2011) ‘Bringing Ethics into Translator Training: an Integrated, Inter-Disciplinary Approach’, The Interpreter and Translator Trainer 5: 1, 189–211.
Gagnon, D. (2006) ‘Bilingual Translation/Writing as Intercultural Communication’, in Pym, A., Shlesinger, M. and Jettmarová, Z. (eds) Sociocultural Aspects of Translating and Interpreting. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 117–27.
Garcia, I. (2009) ‘Beyond Translation Memory: Computers and the Professional Translator’, The Journal of Specialized Translation 12, 199–214.
Gentzler, E. (1998) ‘Foreword’, in Bassnett, S. and Lefevere, A. (1998) Constructing Cultures. Essays on Literary Translation, Clevedon: Multilingual Matters, pp. ix–xxii. References 129
Göpferich, S. and Jääskaläinen, R. (2009) ‘Process Research into the Development of Translation Competence: Where Are We, and Where do We Need to Go?’Across Languages and Cultures 10: 2, 169–91.
Gough, J. (2010) ‘The Implications of Web 2.0 Technologies Based on Openness, Sharing and Collaboration for Professional Translators and their Future’. MA dissertation, University of Surrey.
Hanna, S. F. (2005) ‘Hamlet Lives Happily Ever After in Arabic. The Genesis of the Field of Drama Translation in Egypt’, The Translator 11: 2, 167–92.
Hermans, T. (1999) Translation in Systems. Descriptive and Systemic Approaches Explained. Manchester: St Jerome.
Hermans, T. (1996/2010) ‘The Translator’s Voice in Translated Narrative’, in Baker, M. (ed.) Critical Readings in Translation Studies. London/New York: Routledge, pp. 195–212.
Hoffmann, Eva (1989) Lost in Translation. Life in a New Language. New York: Penguin Books.
Howe, Jeff P. (2006) The Rise of Crowdsourcing. Wired (June 2006).
Hung, E. (2006) ‘“And the Translator Is –” Translators in Chinese History’, in Hermans, T. (ed.) Translating Others. Manchester/Kinderhook: St Jerome, vol. 1, pp. 145–60.
Hussey, T. and Smith, P. (2002) ‘The Trouble with Learning Outcomes’, Active Learning in Higher Education 3: 3, 220–33.
Hussey, T. and Smith, P. (2003) ‘The Uses of Learning Outcomes’, Teaching in Higher Education 8: 3, 357–68.
Inghilleri, M. (2003) ‘Habitus, Field and Discourse. Interpreting as a Socially Situated Activity’, Target 15: 2, 243–68.
Jones, F. R. (2009) ‘Embassy Networks: Translating Post-War Bosnian Poetry into English’, in Milton, J. and Bandia, P. (eds) Agents of Translation. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 301–25.
Kelly, D. (2005) A Handbook for Translator Trainers. Manchester: St Jerome.
Kenny, D. (2007) ‘Translation Memories and Parallel Corpora: Challenges for the Translator’, in Kenny, D. and Ryou, K. (eds) Across Boundaries. International Perspectives on Translation Studies. Newcastle: Cambridge Scholars Publishing, pp. 192–208.
Kenny, M.A. (2008) ‘Discussion, Cooperation, Collaboration’, The Interpreter and Translator Trainer 2: 2, 139–64.
Kiraly, D.C. (2000) A Social Constructivist Approach to Translator Education:Empowerment from Theory to Practice. Manchester: St Jerome.
Kussmaul, P. (1995) Training the Translator. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
Kussmaul, P. (2009) ‘The Necessary Degree of Precision Revisited’, in Mees, I., Alves, F. and Göpferich, S. (eds) Methodology, Technology and Innovation in Translation Process Research. A Tribute to Arnt Lykke Jakobsen. Copenhagen Studies in Language 38. Frederiksberg: Samfundslitteratur, pp. 359–74.
Lane-Mercier, G. (1997) ‘Translating the Untranslatable: the Translator’s Aesthetic, Ideological and Political Responsibility’, Target 9: 1, 43–68.
Lee, C. (2009) ‘Introducing Translations for Facebook Connect’, in Facebook Developers, Developer Blog, 30 September 2009.
Lefevere, A. (1998b) ‘Translation Practice(s) and the Circulation of Cultural Capital: Some Aeneids in English’, in Bassnett, S. and Lefevere, A., Constructing Cultures. Essays on Literary Translation, Clevedon: Multilingual Matters, pp. 41–56.
Linn, S. (2006) ‘Trends in the Translation of a Minority Language: the Case of Dutch’, in Pym, A., Shlesinger, M. and Jettmarová, Z. (eds) Sociocultural Aspects of Translating and Interpreting. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 35–48.
Lodge, D. (2009) Deaf Sentence. London: Penguin.
Lönnroth, K.-J. (2010) ‘Preface’, in Translation at the European Commission – a History. Luxembourg: Office for Official Publications of the European Communities.
Mailhac, J.-P. (2000) ‘Levels of Speech and Grammar when Translating between English and French’, in Schäffner, C. and Adab, B. (eds) Developing Translation Competence. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 33–50.
Massardier-Kenney, F. (1997) ‘Towards a Redefinition of Feminist Translation Practice’, The Translator 3: 1, 55–69.
Médici Nóbrega, T. and Milton, J. (2009) ‘The Role of Haroldo and Augusto de Campos in bringing Translation to the Fore of Literary Activity in Brazil’, in Milton, J. and Bandia, P. (eds) Agents of Translation. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 257–77.
Meylærts, R. (2008) ‘Translators and (their) Norms. Towards a Sociological Construction of the Individual’, in Pym, A., Schlesinger, M. and Simeoni, D. (eds) Beyond Descriptive Translation Studies. Investigations in Homage to Gideon Toury. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 91–102.
Miller, C.T. (2009) ‘Foreign Interpreters Hurt in Battle find US Insurance Benefits Wanting’, Los Angeles Times/The Public Record. 26 December 2009.
Neubert, A. (2000b) ‘Competence in Language, in Languages, and in Translation’, in Schäffner, C. and Adab, B. (eds) Developing Translation Competence. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 3–18.
Nord, C. (1991b) Text Analysis in Translation: Theory, Methodology and Didactic Application. Amsterdam/Atlanta, Ga: Rodopi.
O’Hagan, M. (2008) ‘Fan Translation Networks: an Accidental Translator Training Environment?’ in Kearns, J. (ed.) Translator and Interpreter Training. Issues, Methods and Debates. London/New York: Continuum, pp. 158–83.
O’Hagan, M. (2009) ‘Evolution of User-Generated Translation: Fansubs, Translation Hacking and Crowdsourcing’, The Journal of Internationalization and Localization 1, 102–21.
PACTE (2000) ‘Acquiring Translation Competence: Hypotheses and Methodological Problems in a Research Project’, in Beeby, A., Ensinger, D. and Presas, M. (eds) Investigating Translation. Selected Papers from the 4th International Congress on Translation, Barcelona 1998. Amsterdam/Philadephia: John Benjamins, pp. 99–106.
Parks, T. (2010) ‘In Praise of Invisible Authors’, The Observer: The New Review 25 April, 43.
Perrino, S. (2009) ‘User-Generated Translation: the Future of Translation in a Web 2.0 Environment’, The Journal of Specialized Translation 12, 55–78.
Pym, A. (1998) Method in Translation History. Manchester: St Jerome.
Pym, A. (2003) ‘Redefining Translation Competence in an Electronic Age. In Defence of a Minimalist Approach’, Meta 48: 4, 481–97.
Pym, A. (2004) The Moving Text. Localization, Translation and Distribution. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
Pym, A. (2008) ‘On Toury’s Laws of How Translators Translate’, in Pym, A., Schlesinger, M. and Simeoni, D. (eds) Beyond Descriptive Translation Studies. Investigations in Homage to Gideon Toury. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 311–28.
Ray, R. and Kelly, N. (2011) Crowdsourced Translation. Best Practices for Implementation. Lowell, Mass.: Common Sense Advisory.
Robinson, D. (2001) Who Translates? Translator Subjectivities beyond Reason. Albany: SUNY Press.
Roy, C.B. (1993) ‘The Problem with Definitions, Descriptions, and the Role Metaphors of Interpreters’, in Pöchhacker, F. and Shlesinger, M. (eds) (2002) The Interpreting Studies Reader. London/New York: Routledge, pp. 345–53.
Schäffner, C. and Adab, B. (eds) (2000) Developing Translation Competence. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
Simeoni, D. (1998) ‘The Pivotal Status of the Translator’s Habitus’, Target 10: 1, 1–39. Snell-Hornby, M. (1988) Translation Studies. An Integrated Approach. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins.
Tahir Gürçaglar, Ş. (2009) ‘Translation, Presumed Innocent. Translation and Ideology in Turkey’, The Translator 15: 1, 37–64.
Tate, G. and Turner, G. H. (1997) ‘The Code and the Culture. Sign Language Interpreting – in Search of a New Breed’s Ethics’, Deaf Worlds 13: 3, 27–34.
Tirkkonen-Condit, S. and Laukkanen, J. (1996) ‘Evaluations – a Key towards Understanding the Affective Dimension of Translational Decisions’, Meta 41: 1, 45–59.
Tymoczko, M. (2003) ‘Ideology and the Position of the Translator. In What Sense is a Translator “In Between”?’ in Calzada Pérez, M. (ed.) Apropos of Ideology. Manchester/Northampton: St Jerome, pp. 181–201.
Uchiyama, A. (2009) ‘Translation as Representation. Fukuzawa Yukichi’s Representation of the “Others” ’, in Milton, J. and Bandia, P. (eds) Agents of Translation. Amsterdam/Philadelphia: John Benjamins, pp. 63–83.
Van der Meer, J. (2010) ‘Where are Facebook, Google, IBM and Microsoft Taking us?’
Venuti, L. (1995) The Translator’s Invisibility: a History of Translation. London/New York: Routledge.
Von Flotow, L. (1991) ‘Feminist Translation: Contexts, Practices and Theories’, TTR 4: 2, 69–84.
Wadensjö, C. (1993) ‘The Double Role of a Dialogue Interpreter’, Perspectives: Studies in Translatology 1: 105–21.
Wadensjö, C. (1998) Interpreting as Interaction. London/New York: Longman.
Wilson, R. (2009) ‘The Writer’s Double: Translation, Writing, and Autobiography’, Romance Studies 27: 3, 186–98.
Wilss, W. (2005) ‘Übersetzen als Sonderform des Risikomanagements’, Meta 50: 2, 656–64.
Zimányi, K. (2010) ‘What’s the Story: a Narrative Overview of Community Interpreting in Mental Health Care in Ireland’. PhD thesis, Dublin City University, Ireland. Accessible at: http://doras.dcu.ie/15057/
(Dịch từ chương IV “Theories of translators”, in trong cuốn Theories of Translation, của Jenny Williams, NXB Palgrave Macmillan, 2013.)
Người góp chữ
Miên Túc
Một người tẻ nhạt.
Leave a Reply