
(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)
Chuyển động thông diễn, hay hành động khai thác và chuyển dịch nghĩa có tính chiếm dụng, gồm bốn giai đoạn. Ban đầu có sự tín thác, một khoản đầu tư niềm tin được bảo đảm nhờ trải nghiệm đã qua nhưng vẫn mang rủi ro về mặt tri thức luận và nguy cơ về tâm lý, vào tính có nghĩa, vào tính “nghiêm túc” của văn bản đối mặt ta, hay nói chính xác hơn, văn bản đối đầu với ta. Chúng ta đánh liều thực hiện một bước nhảy: chúng ta chấp nhận ngay từ đầu là “có cái gì đó” đang chờ được hiểu, rằng sự chuyển dịch không phải là vô hiệu. Tất cả sự hiểu, và tuyên bố mang tính chứng tỏ về sự hiểu, tức dịch thuật, đều bắt đầu từ hành động tin. Sự tin tưởng này thông thường sẽ diễn ra tức thời và không bị tra vấn, nhưng lại có nền tảng phức tạp. Nó là một nguyên tắc vận hành xuất phát từ một chuỗi các giả định hiện tượng luận về tính mạch lạc của thế giới, về sự hiện diện của nghĩa trong những hệ thống ngữ nghĩa rất khác biệt, và có lẽ còn mâu thuẫn nhau về mặt hình thức, về hiệu lực của phép so sánh và tương đồng. Sự rộng lượng triệt để của dịch giả (“Tôi chấp nhận từ trước [khi có bằng chứng] rằng phải có cái gì đó”), sự tin tưởng của anh ta đối với sự cực dị về phát biểu, “kẻ khác” mà đến lúc đó vẫn chưa được kiểm chứng hay nắm rõ, chứa đựng tập trung đến mức triệt để, lên tới tầm triết học, cái thiên kiến của con người muốn coi thế giới là có tính biểu tượng, cấu thành từ những mối liên hệ để cho “cái này” có thể đại diện cho “cái kia”, và đúng là phải có khả năng làm thế nếu muốn tồn tại các nghĩa và cấu trúc.
Nhưng niềm tin ấy không bao giờ là tuyệt đối. Nó sẽ bị phản phé, một cách nhỏ nhen, bởi sự vô nghĩa, bởi phát hiện rằng “chẳng có gì” để khai thác và dịch cả. Những bài vè vô nghĩa, thơ cụ thể, lời nói tiếng lạ đều không thể dịch được, vì chúng không mang giá trị giao tiếp ở mức độ từ vựng hoặc vô nghĩa một cách hữu ý. Tuy vậy, sự tín thác cũng bị kiểm chứng, hoặc nhiều hoặc ít, trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ và biên dịch thông thường (mà hai phạm trù này liên hệ mật thiết với nhau). “Cái này chẳng có nghĩa gì cả,” đứa trẻ cáu tiết trước quyển sách tiếng Latin của nó hay người mới bắt đầu một khóa học Berlitz sẽ thốt lên. Cảm giác ấy gần như nhục thể, như chộp vào một mặt phẳng dốc lên không một chỗ bám víu. Niềm khích lệ mang tính xã hội, thứ bằng chứng vỗ về từ các tiền lệ – “những người khác đã dịch thành công thứ này trước anh rồi” – níu giữ người ta ở lại mà hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng việc hiến tặng niềm tin vẫn mang tính tự phát về mặt bản thể học và đi trước bằng chứng, thường là trước một khoảng dài dằng dặc đầy khổ sở (có nhiều văn bản mà theo Walter Benjamin thì sẽ chỉ được dịch “sau khi chúng ta chết hết rồi”). Như ông nói, dịch giả phải đặt cược vào tính mạch lạc, tính đầy tràn biểu tượng của thế giới. Cũng vì đó anh ta đặt mình vào thế bị đe dọa, dù chỉ trong trường hợp cực đoan ở rìa cảnh giới lý thuyết, bởi hai rủi ro siêu hình có mối quan hệ biện chứng và quyết định lẫn nhau. Anh ta có thể thấy rằng “bất cứ thứ gì” hay “hầu như là bất cứ thứ gì” đều có thể nghĩa là “mọi thứ.” Đây là cơn chóng mặt do thứ gông xiềng tự nó nuôi dưỡng nó của ẩn dụ hoặc loại suy mà các nhà bình chú Kinh Thánh thời trung cổ từng kinh qua. Hoặc anh ta có thể thấy rằng ở đó “không có gì” có thể cắt lìa khỏi hình thức tự chủ của nó, rằng mỗi nghĩa đáng được trình bày đều đơn trị và không chịu bị chứa đựng trong một khuôn khổ nào khác. Có lời tiên tri trong kinh Kabbalah, mà tôi sẽ trình bày sau, rằng sẽ đến một ngày ngôn từ rũ bỏ hết “gánh nặng phải mang nghĩa” và sẽ trở lại là chính mình, rỗng tuếch và đủ đầy như đá.
Khi việc tín thác đã xong thì đến tiến chiếm. Nước đi thứ hai của dịch giả mang tính chất xâm nhập và khai thác. Liên quan đến điều ta đang bàn là phân tích của Heidegger khi ông hướng chúng ta chú ý vào sự hiểu như một hành động, vào sự tiếp cận, tự thân nó đã mang tính chiếm đoạt và vì thế mà bạo lực, của Erkenntnis (nhận thức) đối với Dasein (hiện hữu). Da-sein, “thứ ở đó”, “thứ hiện hữu vì nó ở đó”, chỉ hiện hữu chân thực khi được lĩnh hội, cũng tức là được dịch.[1] Tiên đề cho rằng mọi sự tri nhận đều mang tính tấn công, rằng mỗi mệnh đề là một cuộc đánh chiếm thế giới, dĩ nhiên là của Hegel. Đóng góp của Heidegger là cho thấy việc hiểu, nhận diện, diễn giải là một phương thức tấn công tinh gọn và không thể né tránh. Chúng ta có thể điều chỉnh lời khẳng định của Heidegger, rằng hiểu không phải là vấn đề phương thức mà là vấn đề hiện hữu nguyên thủy, rằng “hiện hữu nằm ở việc hiểu hiện hữu khác”, thành một tiên đề sơ giản và hạn chế hơn, rằng mọi hành động lĩnh hội đều phải chiếm dụng một thực thể khác (ta dịch thành cái gì đó). Sự lĩnh hội [comprehension], như được thể hiện qua từ nguyên, chính là “chiếm lĩnh” [comprehend] không chỉ về mặt tri nhận mà còn qua bao vây và hấp thụ. Trong trường hợp dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, vận động lĩnh hội này mang tính xâm nhập và tận thu trắng trợn. Thánh Jerome đã dùng hình ảnh trứ danh ví nghĩa với tù nhân bị người dịch bắt về. Chúng ta “giải” mã: giải phẫu, rạch toang lớp vỏ bên ngoài hòng bóc trần những tầng nghĩa sống bên trong. Mỗi đứa học trò, nhưng cả người dịch giả lỗi lạc cũng vậy, đều ghi nhận sự biến đổi về hình hài chất liệu diễn ra sau một bài tập dịch thuật dài hơi và nhọc nhằn: văn bản trong ngôn ngữ kia đã trở thành gần như mỏng nhẹ hơn, ánh sáng dường như xuyên qua những thớ sợi đã tưa ra không còn ngăn trở. Trong một thoáng, kết cấu đặc quánh của “cái khác” thù địch hoặc đầy mê hoặc đã tan biến. Ortega y Gasset đã nói về nỗi buồn của dịch giả sau khi thất bại. Nhưng cũng tồn tại cả nỗi buồn sau khi chiến thắng, tristitia của Thánh Augustine, chính là cái cảm giác theo sau những hành động có họ với nhau là chiếm hữu ái tình và chiếm hữu tri thức.
Dịch giả xâm nhập, khai thác và mang về chiến lợi phẩm. Ta có thể ví như một hầm mỏ lộ thiên để lại vết sẹo toang hoác trên bề mặt địa hình. Chúng ta sẽ thấy ở phần sau, sự cướp phá này là ảo ảnh, hoặc là dấu hiệu của việc dịch sai. Nhưng một lần nữa, giống như với sự tín thác từ phía dịch giả, có những trường hợp nằm trên lằn ranh khó phân. Đã có một số văn bản hoặc thể loại được dịch một cách triệt để. Thú vị hơn nhiều, có những văn bản khác, bị phủ định bởi sự biến hình, bởi hành động xâm nhập có tính chiếm đoạt và chuyển dịch vượt quá bản gốc, trở thành một phiên bản quy củ và thẩm mỹ hơn. Có những bản gốc ta không còn đọc nữa vì bản dịch ở tầm cao hơn hẳn (ví dụ như sonnet của Louise Labé sau khi có những bản Umdichtung [viết lại] của Rilke). Tôi sẽ trở lại với nghịch lý phản bội bằng cách gia tăng này sau.
Bước thứ ba là hợp thể, với ý nghĩa mạnh nhất của nó. Việc du nhập, cả nghĩa lẫn hình thức, hay sự nhập thể, không phát sinh trong hư vô và cũng không đưa vào hư vô. Mảnh đất ngữ nghĩa bản địa vốn đã rất lâu đời và chật chội. Có vô vàn những mức độ đồng hóa và bố trí dành cho những gì mới được thu nạp, từ đầu này là sự nội địa hóa toàn diện, một cảm giác “ở nhà” thoải mái nằm ở tâm loại dịch phẩm các nhà văn hóa sử gán cho ví dụ như bản dịch Kinh Thánh của Luther hay bản dịch các tác phẩm Plutarch của North, đến đầu kia là sự xa lạ và ngoại biên vĩnh viễn của những tạo tác như bản Evgeny Onegin bằng “tiếng Anh” của Nabokov. Nhưng dù mức độ “nhập tịch” đến đâu, hành động du nhập vẫn có khả năng gây xáo trộn hoặc tái phân bố toàn bộ cấu trúc bản địa. Quan điểm “chúng ta là những gì mình hiểu mình là” của Heidegger có nghĩa là hiện hữu của chúng ta thay đổi theo mỗi lần diễn ra sự hiểu-chiếm dụng. Không có ngôn ngữ, bộ biểu tượng truyền thống hay tập hợp văn hóa nào có thể du nhập các thành tố từ nơi khác mà không chịu rủi ro bị biến đổi. Ở đây, có thể nghĩ đến hai nhóm ẩn dụ có lẽ có họ với nhau: sự hấp thụ linh thiêng hay hóa thân, và sự truyền nhiễm. Những giá trị gia tăng trong bí tích thánh thể phụ thuộc vào trạng thái đạo đức và tâm linh của người nhận. Dù mọi sự giải mã đều mang tính tấn công và, ở một mức độ nào đó, là hủy diệt, vẫn có những mức độ khác nhau trong động cơ chiếm đoạt và trong bối cảnh của hành động “mang về”. Ở nơi nào ma trận bản địa bị mất phương hướng hoặc còn ấu trĩ, sự du nhập sẽ không tăng thêm phần trù phú, vì nó không thể tìm ra địa vị đích đáng cho mình. Nó sẽ không gây ra một phản ứng cơ hữu mà chỉ là một lớp sao chép phủ ngoài (như trường phái Tân Cổ điển Pháp khi đi vào các phiên bản Bắc Âu, Đức và Nga). Hoặc có thể có những sản phẩm lây nhiễm dễ dãi được châm ngòi bởi những yếu tố du nhập từ cổ văn hoặc ngoại nhập. Sau một thời gian, cái cơ thể bản địa sẽ phản ứng, nhằm vô hiệu hóa hoặc tống khứ thể sống ngoại xâm kia. Phần lớn chủ nghĩa lãng mạn châu Âu có thể được coi như một đòn phản công đối với kiểu nhiễm trùng này, như một nỗ lực ra lệnh cấm vận đối với cơ man các hàng hóa ngoại nhập, chủ yếu từ nước Pháp của thế kỉ thứ mười tám. Mỗi loại tiếng bồi (pidgin) đều là một nỗ lực bảo tồn một khu vực dành cho tiếng nói bản địa và sự thất bại của nỗ lực đó trước sự xâm lược ngôn ngữ được áp đặt thông qua chính trị và kinh tế. Phép biện chứng về nhập thể bao gồm cả khả năng chúng ta mới là kẻ bị nuốt chửng.
Phép biện chứng này có thể thấy ở mức độ nhạy cảm cá nhân. Các hành động dịch bổ sung vào các phương tiện của chúng ta; chúng ta dần dà trở thành hiện thân của các loại năng lượng và tài nguyên xúc cảm khác. Nhưng chúng ta cũng có thể bị chính những gì mình du nhập vào khuất phục và làm cho què quặt. Có nhiều dịch giả mà dòng máu sáng tạo cá nhân đã cạn khô. MacKenna từng nói rằng Plotinus đã thật sự nhấn chìm ông. Nhiều tác giả đã dừng việc dịch, đôi khi là quá trễ, vì giọng văn của văn bản ngoại quốc được hấp thụ đã bóp nghẹn cả giọng văn của họ rồi. Những cộng đồng có những hệ tri thức luận trong nghi thức và biểu tượng cổ xưa nhưng đã bị xói mòn có thể bị mất thăng bằng và đánh mất niềm tin vào căn cước của mình dưới sức ảnh hưởng có tính ăn thịt của sự đồng hóa chưa chín hoặc không tiêu hóa được. Tục thờ cúng hàng viện trợ ở New Guinea, người bản địa tôn thờ những thứ hàng hóa được máy bay chuyên chở tới, chính là một hình ảnh nhiều nhánh nghĩa và chính xác đến rợn người về những rủi ro khi dịch.
Đây chỉ là một cách khác để nói rằng chuyển động thông diễn sẽ khiếm khuyết đến nguy hiểm, rằng nó sẽ nguy hiểm vì nó khiếm khuyết, nếu nó thiếu đi giai đoạn bốn, có thể gọi là kỳ xả của động cơ bốn thì, hoàn thành chu trình. Vận động mang tính tiên nghiệm, sự tín thác ban đầu, khiến chúng ta mất thăng bằng. Chúng ta “nghiêng về phía” văn bản đối mặt mình (tất cả các dịch giả đều đã trải nghiệm rõ mồn một hành động gập người về phía mục tiêu mà xông tới). Chúng ta bao vây và xâm nhập vào nó trong nhận thức. Chúng ta trở về nhà cõng theo thành phẩm, vì vậy mà lại mất thăng bằng, sau khi gây mất cân bằng cho cả hệ thống bằng cách lấy đi từ “kẻ khác” và thêm vào phía ta, dù có lẽ đi kèm với hậu quả không rõ dở hay. Cả hệ thống giờ đây nghiêng ngả. Hành động thông diễn phải đứng ra đền bù. Nếu nó muốn là một hành động chân thực thì phải dàn xếp sự trao đổi này và khôi phục cán cân bình đẳng.
Việc triển khai mối quan hệ tương hỗ trao-nhận để khôi phục cân bằng đóng vai trò then chốt trong tay nghề và đạo đức người dịch. Nhưng diễn tả một cách trừu tượng thì rất khó. Sự “phấn khích” [rapture] khi chiếm đoạt của dịch giả – từ này dĩ nhiên chứa trong mình cả gốc từ và nghĩa của việc cướp đi bằng bạo lực – để lại bản gốc với phần còn lại có một địa vị biện chứng khó đoán định. Không nghi ngờ gì, sẽ có mất mát và đứt gãy – vì thế mà có, như ta thấy, nỗi sợ dịch, sự cấm đoán xuất khẩu các lời thiên khải xoay quanh các kinh sách, nghi lễ nhậm chức và công thức linh thiêng trong nhiều nền văn hóa. Nhưng phần còn lại cũng, và dứt khoát là, có tính tích cực. Văn bản được dịch được bổ sung thêm. Điều này đúng trên nhiều tầng bậc khá rõ ràng. Quá trình dịch, cũng như mọi phương thức hiểu tập trung, là một quá trình có phương pháp, xuyên thấu, mang tính phân tích, liệt kê, sẽ vẽ ra chi tiết, soi tỏ, và nhìn chung cấu tạo nên hình hài cho đối tượng của nó. Sự xác định thái quá của hành vi diễn giải về bản chất mang tính phóng đại: nó khẳng định rằng “trông thế nhưng không chỉ có thế”, rằng “sự hòa hợp giữa nội dung và hình thức thể hiện gần gũi và tinh tế hơn người ta nhận thấy bao lâu nay”. Đánh giá một văn bản nguồn là xứng đáng được dịch cũng chính là đề cao nó ngay tức khắc và đưa nó tham gia vào vận động khuếch trương (dĩ nhiên là sau đó sẽ phải trải qua bình duyệt và thậm chí đôi khi là phế bỏ). Chuyển động dịch chuyển và diễn đạt lại sẽ thổi phồng tầm vóc của bản gốc. Trong dòng lịch sử, về mặt bối cảnh văn hóa và lượng công chúng mà nó có thể tiếp cận, thì bản gốc sẽ trở nên danh giá hơn. Nhưng sự tăng thêm này còn có góc độ hiện sinh trọng yếu hơn nữa. Mối quan hệ giữa một văn bản và các bản dịch, bắt chước, chuyển soạn, hoặc thậm chí là giễu nhại nó, đa dạng đến nỗi không chấp nhận bất cứ lý thuyết và định nghĩa đơn lẻ nào. Những quan hệ ấy phân loại toàn bộ vấn đề về nghĩa của nghĩa đặt trong bối cảnh thời gian, về sự tồn tại và hệ quả của sự kiện ngôn ngữ bên ngoài hình thức cụ thể ban đầu của nó. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, tiếng vọng sẽ làm nó thêm phong phú, không chỉ là một cái bóng hoặc bản sao trơ lì. Chúng ta lại trở về với vấn đề một tấm gương không chỉ biết phản xạ ánh sáng mà còn biết phát ra ánh sáng. Văn bản gốc được lợi hơn từ các tầng bậc quan hệ và khoảng cách đa dạng được dựng lên giữa nó và các bản dịch. Mối quan hệ tương hỗ này mang tính biện chứng: các “dạng” ý nghĩa mới được khởi xướng bởi khoảng cách và sự mật tiếp. Một số bản dịch xua ta đi xa khỏi tấm toan, số khác lại kéo chúng ta gần lại.
Điều này đúng thậm chí cả khi, hay có lẽ đặc biệt là khi, bản dịch chỉ tương đối đạt. Những sai sót của dịch giả (tôi sẽ đưa ra một số ví dụ phổ biến) khoanh vùng và phóng chiếu như thể lên màn ảnh, các sức sống phản kháng, các tâm điểm mịt mù tích tụ cái thiên tài cá biệt trong bản gốc. Hegel và Heidegger cho rằng hiện hữu phải tương tác với hiện hữu khác để đạt đến việc tự định nghĩa mình. Điều này chỉ đúng phần nào đối với ngôn ngữ, ở cấp độ âm vị và ngữ pháp, có thể hoạt động bên trong phạm vi khu biệt bằng dấu phụ của mình. Nhưng nó đúng về mặt ngữ dụng với mọi hành vi hình thức và biểu hiện, chỉ trừ những gì sơ khai nhất. Việc tồn tại trong lịch sử, sở hữu một căn cước có thể nhận ra (phong cách), đều phụ thuộc vào mối quan hệ với những kiến tạo phát ngôn khác. Trong số các mối quan hệ đó, dịch thuật là thứ sinh động nhất.
Tuy vậy, vẫn có sự mất cân bằng. Dịch giả đã lấy đi quá nhiều – anh ta nhồi thêm, thêu dệt lên, “suy diễn” – hoặc quá ít – anh ta ăn bớt, lướt qua, cắt xén những chỗ bất tiện. Có một dòng năng lượng chạy ra từ nguồn và một dòng năng lượng chạy vào bên tiếp nhận, thay đổi hai thứ đó và thay đổi cơ chế hài hòa của toàn bộ hệ thống. Péguy đã đưa ra nhận định có tính chốt hạ về tổn thất không thể tránh khỏi trong bài phê bình các sản phẩm dịch Sophocles của Leconte de Lisle: “những gì thực tại đã dạy cho chúng ta không chút thương xót và không có ngoại lệ, chính là bất kỳ sự vận hành nào thuộc loại này, bất kỳ sự vận hành nào có tính dịch chuyển, không có ngoại lệ, đều không chút thương xót và không thể đảo ngược dẫn đến sự thất thoát, thay đổi, và rằng sự thất thoát, thay đổi này là luôn luôn đáng kể.”[2] Việc dịch đúng nghĩa vì vậy sẽ nhắm đến trả lại quân bình, mặc dù những bước đệm trung gian có thể tốn thời gian và quanh co. Những chỗ còn thiếu hụt so với bản gốc, bản dịch đích thực sẽ khiến các giá trị tự thân của bản gốc lộ rõ một cách đích đáng hơn (điểm yếu của Voss thể hiện ở các tâm điểm đặc trưng trong thơ Homer, nhưng sự thành thật rõ rành của các thiếu sót tạm thời ấy lại làm nổi bật những thế mạnh tương ứng trong bản tiếng Hy Lạp). Những chỗ vượt quá bản gốc, bản dịch thực thụ sẽ tiết lộ rằng văn bản gốc còn nhiều tiềm năng, những kho trữ năng lượng gốc mà bản thân nó chưa hiện thực hóa triệt để. Đây là khái niệm của Schleiermacher về một phép thông diễn “biết nhiều hơn tác giả” (như khi Paul Celan dịch bài thơ Salomé của Apollinaire). Trường hợp lý tưởng, không bao giờ đạt được, là khi đạt được đối ứng hoặc trùng lặp (repetition) toàn bộ – một kiểu hỏi lại (re-petition) – nhưng lại không phải là sự lặp thừa. Không tồn tại “nhân bản” hoàn hảo kiểu ấy. Nhưng lý tưởng ấy đã làm rõ đòi hỏi đạt được công bằng trong quá trình thông diễn.
Tôi nghĩ chỉ có cách này chúng ta mới có thể gán một nghĩa thiết thực cho khái niệm then chốt mang tên “trung thành.” Trung thành không phải là dịch sát từng chữ một hay bất cứ phương thức kỹ thuật nào để diễn ra được “cái hồn.” Toàn bộ cái cách diễn đạt ấy, như chúng ta đã nhận thấy hết lần này đến lần khác trong các thảo luận về dịch thuật, mơ hồ đến bất lực. Dịch giả, người bình chú văn bản, hay độc giả sẽ trung thành với văn bản của mình, sẽ đưa ra được một phản hồi có trách nhiệm, chỉ khi anh ta nỗ lực khôi phục sự cân bằng giữa các lực, sự cân bằng của hiện diện cơ hữu, mà sự lĩnh hội mang tính chiếm đoạt của anh ta đã làm xáo trộn. Trung thành là một hành vi có tính đạo đức, nhưng đồng thời cũng có tính kinh tế, theo đúng nghĩa. Nhờ sự tế nhị, và sự tế nhị khi tăng bội lên sẽ đạt tới mục tiêu đạo đức, người biên-phiên dịch tạo ra một hoàn cảnh trao đổi nghĩa. Mũi tên của nghĩa, của sự phú lợi về mặt văn hóa và tâm lý, đi theo hai chiều. Lý tưởng nhất là sự trao đổi diễn ra mà không có gì mất mát. Về mặt này, dịch thuật có thể hình dung như sự phủ định hỗn mang nội vi [entropy]; trật tự được bảo tồn ở cả hai đầu của quy trình, nguồn và bên tiếp nhận. Mô hình chung ở đây là thứ được Lévi-Strauss trình bày trong Anthropologie structurale (Nhân học cấu trúc), coi các cấu trúc xã hội như những nỗ lực đạt được trạng thái cân bằng động thông qua việc trao đổi ngôn từ, phụ nữ và hàng hóa hữu hình. Mọi sự bắt giữ đều đòi hỏi sau đó phải có sự đền bù; có nói thì kêu gọi có trả lời, ngoại hôn và nội hôn là hai cơ chế dịch chuyển để đạt tới cân bằng. Riêng trong phạm vi trao đổi ngữ nghĩa, dịch thuật một lần nữa là hình thức sinh động và công bằng một cách triệt để nhất. Dịch giả chịu trách nhiệm về sự lưu động lịch đại lẫn đồng đại cũng như bảo toàn năng lượng của nghĩa. Một bản dịch là một hành động bút toán kép, không chỉ theo nghĩa bóng; sổ sách phải cân đối cả về hình thức lẫn đạo đức.
Quan điểm về dịch thuật như một phép thông diễn của tín thác (élancement – đà lao tới), của sự xâm nhập, nhập thể, và bồi hoàn, sẽ cho phép chúng ta vượt qua mô hình ba bước cằn cỗi vô sinh lâu nay thống lĩnh lịch sử và lý thuyết dịch. Sự phân biệt lâu đời giữa dịch từng chữ một, diễn đạt lại, và bắt chước tùy hứng, hóa ra lại hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Sự phân biệt ấy không chính xác mà cũng không có nền tảng triết học nào. Nó bỏ qua sự thật quan trọng rằng một hermeneia bốn giai đoạn, thuật ngữ Aristotle dùng để chỉ diễn ngôn mang nghĩa nhờ diễn giải, về mặt khái niệm và thực hành đều nằm cố hữu ngay cả trong những gì sơ đẳng nhất của dịch thuật.
Nguyễn Hữu Gia Bảo dịch
(Nguyên bản: “The Hermeneutic Motion”, vốn là phần mở đầu chương 5 After Babel: Aspects of Language and Translation của George Steiner, cho đến nay vẫn được coi là một phân tích mẫu mực về thông diễn và đạo đức trong việc dịch.)
[1] Xem Paul Ricoeur, “Existence et herméneutique” trong Le Conflit des interprétations (Paris, 1969).
[2] Charles Péguy, “Les Suppliants parallèles” trong Œuvres en prose 1898–1908 (Paris, 1959), I, tr. 890. Bài phân tích nghệ thuật dịch thơ này lần đầu xuất hiện tháng 12 năm 1905. Xem Simone Fraisse, Péguy et le monde antique (Paris, 1973), tr. 146–59.
Người góp chữ
Nguyễn Hữu Gia Bảo
Không biết tháng sau mình ở đâu.
Leave a Reply