Friedrich Schleiermacher, Về các phương pháp dịch thuật (1813)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Friedrich Schleiermacher (1768-1834)
Thời gian đọc: 56 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

Phát ngôn được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là điều chúng ta bắt gặp khắp nơi, ở bao dạng thức muôn hình muôn vẻ. Nếu một mặt, con người vốn xa cách có khi bằng cả quả cầu rộng lớn, lại có thể nhờ thế mà xích lại gần nhau, và nếu một ngôn ngữ có thể trở thành bình chứa nhận những công trình được viết hàng thế kỷ trước bằng một thứ tiếng đã chết từ lâu, thì mặt khác, chẳng cần vượt quá ranh giới của một ngôn ngữ duy nhất chúng ta cũng có thể bắt gặp hiện tượng tương tự. Chẳng những những phương ngữ khác nhau, của những tộc người khác nhau tạo nên một dân tộc, cùng những con đường phát triển khác nhau của một ngôn ngữ hay phương ngữ trong suốt chiều dài hàng thế kỷ, đã là những ngôn ngữ khác nhau theo đúng nghĩa chính xác của từ ấy, giữa chúng với nhau cũng thường cần thiết phải dịch rồi; mà ngay cả những người cùng thời, dùng chung một thứ phương ngữ nhưng thuộc về các tầng lớp khác nhau, hiếm khi giao thiệp và cách biệt lớn trong trình độ học vấn, cũng thường không thể giao tiếp nếu không vận đến quá trình trung gian như vậy. Chẳng phải chúng ta vẫn thường thấy trong mình thôi thúc phải dịch cho mình nghe lời nói của những người, dù cũng giống chúng ta đấy, nhưng khác biệt về suy nghĩ hay cảm nhận hay sao? Khi ta cảm thấy rằng cũng lời ấy trên môi ta hẳn sẽ mang ý nghĩa khác lời trên môi người, hoặc ít nhất chỗ này sẽ nặng hơn một chút, chỗ kia sẽ nhẹ hơn một ít, rằng để giãi bày chính những điều anh ta nói, ta sẽ dùng những lời hoàn toàn khác; khi nghiền ngẫm cảm giác ấy kỹ đến mức cảm tưởng biến thành suy nghĩ, thì cũng giống như ta đang dịch đó. Ngay chính chúng ta nhiều khi cũng dịch lại chính lời mình từng nói sau một thời gian để chắc rằng đó lại thực sự là lời của mình. Kỹ năng ấy được vận dụng không chỉ vào mục đích bứng sang đất lạ những thành quả tu từ và học thuật mà một ngôn ngữ ươm trồng được, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng của những trái quả tinh thần ấy; mà còn được sử dụng trong hoạt động giao thương giữa các dân tộc tách rời nhau, trong mối quan hệ ngoại giao giữa những cơ quan cầm quyền độc lập, trong đó mỗi bên chỉ nói ngôn ngữ của nước mình để giữ được sự bình đẳng tuyệt đối mà không phải dùng đến một thứ ngôn ngữ đã chết.

Dĩ nhiên, không phải tất cả những vấn đề nằm trong lĩnh vực rộng lớn ấy sẽ cần được đề cập đến trong bài luận này. Với thôi thúc dịch ngay trong ngôn ngữ hay phương ngữ của mình để đáp lại nhu cầu ít nhiều mang tính nhất thời, tầm ảnh hưởng của việc đó sẽ chỉ giới hạn trong khoảnh khắc nhất thời ấy nên chẳng cần một hướng dẫn nào ngoài cảm xúc; và nếu cần phải đặt ra quy tắc cho việc đó thì ấy phải là những quy tắc có thể sinh ra thứ não trạng hoàn toàn đạo đức để tâm trí người ta luôn cởi mở đón nhận cả những điều xa lạ hẳn với mình. Nhưng nếu tạm gác chuyện ấy sang một bên và trước mắt chỉ hạn chế trong chuyện dịch từ một ngôn ngữ khác về ngôn ngữ mẹ đẻ, chúng ta cũng sẽ nhận ra hai lĩnh vực khác nhau – phải thừa nhận là không hoàn toàn tách biệt, hiếm khi nào có thể như vậy, nhưng những ranh giới mờ nhạt ấy cũng đủ rạch ròi nếu xét đến mục đích tối hậu của hai lĩnh vực này: Công việc của thông ngôn trong giới kinh doanh và của người biên dịch đích thực trong khoa học và nghệ thuật. Ai thấy cách định nghĩa này có vẻ tùy tiện – vì thường ta hiểu thông ngôn là dịch ngôn ngữ nói còn biên dịch là dịch ngôn ngữ viết – xin hãy thứ lỗi cho tôi sử dụng như vậy để cho thuận tiện đáp ứng nhu cầu trước mắt, nhất là bởi hai khái niệm ấy thực ra cũng không xa nhau lắm. Văn bản viết thích hợp cho ngành khoa học nghệ thuật bởi mang lại cho tác phẩm sự trường tồn; thông dịch khoa học nghệ thuật bằng miệng là một việc vừa vô dụng lại vừa có vẻ là bất khả. Còn với các giao dịch kinh doanh, văn bản chỉ là phương tiện kỹ thuật; đàm phán bằng lời là cách tồn tại gốc của chúng, còn biên dịch bằng văn bản chỉ nên được coi là bản ghi lại một cuộc trao đổi thành tiếng.

Tiếp giáp với lĩnh vực này là hai lĩnh vực khác, dù rất gần về bản chất và tinh thần với nó, nhưng lại thâu tóm biết bao đối tượng đa dạng, nên đã đủ cấu thành một cuộc dịch chuyển, một đằng sang nghệ thuật, một đằng sang khoa học. Bởi mỗi cuộc thương thảo có mặt một thông ngôn đều là một sự kiện mà các chi tiết đều được ghi lại bằng hai ngôn ngữ. Nhưng ngay cả công việc biên dịch, nếu là các văn bản thuần mô tả hay tự sự, chỉ truyền tải chuỗi sự kiện được mô tả sẵn sang một ngôn ngữ khác, thì cũng vẫn tương đồng với nhiệm vụ của thông ngôn. Tác giả càng hiện diện mờ nhạt trong văn bản gốc, càng đơn thuần đóng vai trò một phương tiện tri nhận, tuân theo kết cấu không-thời gian của đối tượng cần tri nhận, thì việc biên dịch sẽ càng thuần túy là chuyện thông ngôn. Vậy nên, mục đích của người biên dịch các bài báo hay sổ tay hướng dẫn du lịch thông thường và thông ngôn vốn chung là một, và sẽ là rất lố bịch nếu người dịch ấy đòi một vị thế cao quý hơn hay đòi được trân trọng như một nghệ sĩ. Nhưng khi lối quan sát và liên tưởng riêng nhất của tác giả càng định hình cá tính cho tác phẩm của anh ta, khi tác phẩm ấy càng được tổ chức theo những nguyên tắc mà tác giả hoặc tùy ý lựa chọn hoặc chủ ý thiết lập nên nhằm gây ra những ấn tượng nhất định, thì tác phẩm của anh ta lại càng bước vào lãnh địa nghệ thuật cao hơn, người dịch cũng phải vận đến những kỹ năng rất khác, phải quen với tác giả, với giọng của anh ta, theo cái cách rất khác một thông ngôn. Nói chung, mọi cuộc thương thảo có xuất hiện thông ngôn đều nhằm ghi lại một sự vụ cụ thể dựa trên một cái khung nhất định; thông ngôn chỉ giúp cho các bên tham gia đã tương đối quen với những sự vụ này, và câu từ để nói về những sự vụ này ở cả hai ngôn ngữ đều đã được định sẵn theo luật, theo thông lệ hoặc theo quy ước mà đôi bên thỏa thuận trước. Trái ngược hẳn với nó là loại thương thảo, dù thường thì về hình thức cũng giống các loại đã quy ước, nhưng lại nhằm thiết lập các khung khổ mới. Trong loại thứ hai này, những thương thảo càng ít khả năng được cho là một trường hợp cụ thể của một nguyên lý chung được thừa nhận, thì sẽ càng đòi hỏi kiến thức khoa học và tính thận trọng để tiến hành những thương thảo ấy, và càng cần người dịch nắm vững các chi tiết kỹ thuật và thuật ngữ để làm tốt công việc của mình. Trên chiếc thang gập ấy, người biên dịch bước lên ngày càng cao hơn người thông ngôn cho đến khi anh ta chạm tới lãnh địa đích thực của mình, nơi cư ngụ của những tác phẩm nghệ thuật và khoa học mà trong đó, năng lực kết hợp tự do của cá nhân tác giả, cùng tinh thần của ngôn ngữ cùng cả hệ thống những quan điểm và sắc thái cảm xúc được thể hiện trong ngôn ngữ đó, là tất cả; đối tượng không còn thống trị nữa mà nằm dưới sự quản lý của suy tư và cảm xúc; thực tế nó thường tồn tại chỉ khi được phát ngôn và cũng chỉ tồn tại trong phát ngôn này mà thôi.

Nhưng đâu là cơ sở của sự khác biệt quan trọng này, vốn xuất hiện ngay cả ở những vùng biên nhưng vẫn là sáng rõ nhất nơi hai thái cực cách biệt? Công việc kinh doanh thường đề cập đến những đối tượng rõ ràng, hay ít nhất cũng được định nghĩa tương đối cụ thể; mọi cuộc thương thảo về bản chất đều thuộc vấn đề số học hoặc hình học, những con số và thước đo luôn sẵn sàng trợ giúp bất kể khi nào; ngay cả các khái niệm, theo quan sát của người xưa, bao hàm cả các cấp độ cao lẫn thấp được biểu thị bằng một chuỗi thuật ngữ phân tầng có cách sử dụng thường ngày rất đa dạng khiến ý nghĩa thường khi mơ hồ khó hiểu, thì thói quen sử dụng và quy ước cũng nhanh chóng giúp xác định nghĩa của từng thuật ngữ cụ thể trong số đó. Miễn không phải người nói cố ý nói mơ hồ nhằm mục đích lừa đảo, hoặc do bất cẩn mà mắc sai lầm, thì lời anh ta sẽ hoàn toàn có thể hiểu được với bất kỳ ai vừa biết tiếng vừa có kiến thức liên quan, và trong mỗi trường hợp ta cũng chỉ gặp phải cách sử dụng ngôn ngữ có đôi chút khác biệt không đáng kể mà thôi. Tương tự như vậy, hầu như hiếm khi phải thắc mắc từ ngữ này ở ngôn ngữ này tương ứng với cách nói nào ở ngôn ngữ kia. Bởi vậy, biên dịch trong lĩnh vực này hầu như chẳng khác mấy một công việc máy móc mà ai có hiểu biết đôi chút cả hai ngôn ngữ cũng có thể làm được, khó có gì khác nhau giữa bản dịch dụng công nhiều với ít, miễn sao đừng gặp phải lỗi sai quá hiển nhiên. Trong khi đó, với các văn bản khoa học và nghệ thuật cần bứng trồng từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, có hai điều phải đưa vào xem xét khiến tình thế thay đổi. Bởi giá với mỗi cặp ngôn ngữ bất kỳ, mỗi từ trong ngôn ngữ này đều ứng với chính xác một từ trong ngôn ngữ kia, diễn tả cùng một ý tưởng với cùng một trường nghĩa như nhau; giá những biến cách thể hiện các mối quan hệ giống nhau và dấu câu cũng trùng khớp đến nỗi hai ngôn ngữ chỉ khác nhau ở những âm thanh tai ta nghe được: thì mọi bản dịch khoa học và nghệ thuật, giả dụ thứ duy nhất cần truyền tải là thông tin chứa trong một phát ngôn hay văn bản, cũng chỉ đơn thuần máy móc như trong kinh doanh mà thôi; bỏ qua một bên những hiệu quả từ sắc thái hay ngữ điệu, có thể nói rằng mọi bản dịch đều đặt độc giả nước ngoài vào một mối quan hệ với tác giả và tác phẩm giống hệt như độc giả bản gốc. Thế nhưng sự tình lại hoàn toàn ngược lại với các ngôn ngữ không gần nhau đến mức có thể coi là những phương ngữ khác nhau của cùng một ngôn ngữ; càng xa nhau về xuất xứ và thời gian, càng khó có được dù chỉ một từ ở ngôn ngữ này tương ứng hoàn toàn với một từ ở ngôn ngữ kia, cũng không có chuyện hệ thống biến cách ở ngôn ngữ này chứa đựng đầy đủ mọi quan hệ đa dạng như ở ngôn ngữ kia. Vì điều mà tôi xin phép được gọi là tính phi lý tính này xâm nhập khắp mọi thành tố trong hai ngôn ngữ, nên tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến những giao thiệp tư sản ta vừa nhắc trên. Nhưng rõ ràng trong phạm vi những giao thiệp kinh doanh này điều ấy gây cản trở ít hơn nhiều, ảnh hưởng rất ít hoặc hầu như không. Mọi từ ngữ quan trọng để chỉ đồ vật và hành động đều đã được đo định theo chuẩn cả rồi, ngay cả khi sự cẩn trọng quá mức và không cần thiết khiến người ta kháng nghị rằng từ này từ kia sử dụng không thống nhất, thì những thông tin cơ bản về chủ đề đang nói là đủ để giải quyết những mặc cả tiểu tiết đó. Sự việc lại khác hẳn trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật, hoặc bất cứ nơi đâu mà thống trị là tư tưởng đã hòa làm một với lời được nói ra, chứ không phải là dữ kiện khiến ta thấy từ ngữ dường như là một ký hiệu được chọn lựa hú họa để rồi trở thành chắc chắn không rút lại nổi. Công việc khi ấy thật khó khăn phức tạp làm sao, cần đến kiến thức chắc chắn và sự am hiểu cả hai ngôn ngữ đến dường nào. Và rất hay gặp, ở những trường hợp được thừa nhận rộng rãi rằng tìm được một cách diễn đạt tương ứng tuyệt đối là bất khả, thì những học giả tài ba nhất cả về ngôn ngữ và đề tài đó lại đưa ra lựa chọn rất khác nhau trong nỗ lực tìm từ thích hợp nhất. Điều này đúng với cả ngôn từ sống động của thơ ca lẫn những công trình trừu tượng nhất của khoa học cho ta thấy bản chất sâu sắc và phổ quát của sự vật.

Còn nguyên do thứ hai khiến dịch thuật đích thực khác với thông ngôn bình thường là thế này. Bất cứ khi nào phát ngôn không chỉ bị trói buộc vào những sự vật và hoàn cảnh bên ngoài hiển hiện trước mắt, chỉ chờ gọi tên – bất cứ khi nào người nói đang thể hiện những suy nghĩ tương đối độc lập, nghĩa là thể hiện bản thân, thì người nói sẽ đứng trong mối quan hệ hai chiều với ngôn ngữ, lời anh ta nói chỉ có thể hiểu đúng khi mối quan hệ ấy được hiểu đúng. Một mặt, mỗi người đều nằm dưới quyền năng của thứ ngôn ngữ anh ta nói; anh ta và tư tưởng của anh ta chính là sản phẩm của thứ ngôn ngữ ấy. Anh ta không thể nghĩ một cách chắc chắn điều gì vượt quá giới hạn ngôn ngữ của mình; hình hài các ý tưởng của anh ta, cách anh ta kết hợp các ý tưởng đó, và giới hạn của các kết hợp đó đã quy định sẵn trong thứ ngôn ngữ anh ta sinh ra và lớn lên; tri thức lẫn tưởng tượng của anh ta đều gói gọn trong đó. Mặt khác, tất cả mỗi cá nhân tự do tư duy, độc lập về trí tuệ lại góp phần hình thành nên ngôn ngữ. Còn bằng cách nào khác ngoài những ảnh hưởng này mà ngôn ngữ phát triển từ dạng thức thô sơ khởi thủy đến hiện tại viên mãn vẹn tròn trong khoa học và nghệ thuật? Như vậy, hiểu theo cách này, chính sức mạnh sống của từng cá nhân tạo ra các dạng thức mới từ thứ chất liệu mềm dẻo là ngôn ngữ, và trường hợp nào cũng vậy, hành động này ban đầu chỉ nhằm trao đổi một trạng thái nhận thức nhất thời, nhưng về sau lưu lại một dấu tích dù tỏ hay mờ nơi ngôn ngữ, được người khác bắt lấy và từ đó tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng để nhào nặn ngôn ngữ thêm. Thực vậy, ta có thể nói rằng ai đó xứng đáng được nghe bên ngoài lãnh địa hoạt động của anh ta khi và chỉ khi anh ta có thể ảnh hưởng lên ngôn ngữ theo cách đó. Mọi phát ngôn dễ dàng lặp lại bởi hàng ngàn giọng nói khác đều sớm lụi tàn; chỉ những lời tạo ra một khoảnh khắc mới trong đời sống của bản thân ngôn ngữ mới có thể và đáng được ở lại dài lâu. Bởi vậy, mọi phát ngôn tự do và cao quý hơn đều cần phải được nhìn nhận theo hai cách: một mặt xuất phát từ tinh thần của thứ ngôn ngữ mang những thành phần cấu thành nên phát ngôn ấy, như một phương tiện biểu hiện gắn với và được quyết định bởi linh hồn đã đánh thức ngôn ngữ ấy sống dậy trong người nói ấy; mặt khác xuất phát từ cá nhân người nói, như một hành động chỉ có thể nảy sinh từ và giải thích bằng tồn tại riêng của anh ta. Bất kỳ phát ngôn nào thuộc loại này cũng chỉ có thể hiểu được, theo nghĩa sâu xa hơn của từ này, khi cả hai mối quan hệ ấy được xem xét cùng nhau cũng như trong mối quan hệ giữa chúng với nhau, để không còn nghi vấn bên nào lấn át bên nào dù nhìn vào tổng thể phát ngôn hay từng phần riêng biệt. Ta chỉ có thể hiểu phát ngôn là hành động của người nói khi ta cảm nhận được cùng một lúc quyền năng ngôn ngữ đã tóm lấy anh ta ở nơi nào và như thế nào, trên con đường ngôn ngữ những ánh chớp tư tưởng đã quanh co theo những nẻo lối nào, trí tưởng tượng lang thang đã bị kìm chặt trong những hình thức của nó ở đâu và ra sao. Ta chỉ có thể hiểu lời vừa là sản phẩm của ngôn ngữ lại vừa là hiện thân của linh hồn ngôn ngữ khi và chỉ khi, ví dụ như, cùng lúc ta thấy rằng chỉ người Hy Lạp chẳng hạn mới có thể nghĩ và nói theo cách đó, rằng chỉ ngôn ngữ ấy mới có thể tác động đến tinh thần con người như vậy; đồng thời ta cũng thấy rằng chỉ người đó mới có thể nói và nghĩ bằng kiểu Hy Lạp như vậy, rằng chỉ anh ta mới nắm bắt và nhào nặn ngôn ngữ ấy như vậy, rằng điều được hé lộ ở đây chẳng qua là vốn ngôn ngữ sống phong phú của anh ta, độ bén nhạy của anh ta về nhịp điệu và nhạc tính, khả năng suy nghĩ và sáng tạo của anh ta. Việc hiểu những tác phẩm loại này trong cùng một ngôn ngữ đã biết bao khó khăn, đã đòi phải đắm mình vào cả linh hồn ngôn ngữ lẫn cá tính tác giả, thì hẳn phải là môn nghệ thuật cao siêu đến chừng nào cái việc xử lý sản phẩm của một ngôn ngữ nước ngoài xa xôi lạ lẫm. Tất nhiên, ai đã lãnh hội được môn nghệ thuật ấy, bằng vào nỗ lực nghiên cứu ngôn ngữ cần mẫn tỉ mỉ, tìm hiểu chính xác kiến thức về đời sống lịch sử của cả một dân tộc và hình dung sống động trước mắt mình từng tác giả và tác phẩm của họ – thì người đó, và chỉ người đó mà thôi, mới đáng được ước mong mở mang cho đồng bào cùng thời với mình cũng hiểu như anh ta về những kiệt tác nghệ thuật và khoa học đó. Nhưng anh ta cần phải cẩn trọng gấp năm gấp mười lần nữa khi bước gần hơn đến công việc của mình, khi đã đến lúc anh ta phải xác định rõ ràng mục đích và cân nhắc tính toán những gì anh ta có trong tay. Anh ta có nên tìm cách đưa hai người khác biệt xa lạ vô cùng – người đồng bào của anh ta vốn chỉ biết mình ngôn ngữ của mình, và người tác giả – vào một mối quan hệ trực tiếp như giữa tác giả với độc giả gốc của anh ta? Hoặc giả nếu anh ta chỉ muốn mang đến cho độc giả cũng những hiểu biết và niềm vui thích anh ta nhận được khi đọc tác phẩm, hằn in dấu vết nỗ lực của anh ta, trộn lẫn cảm giác lạ lẫm của tiếng nước ngoài, làm sao anh ta làm được dù chỉ điều nhỏ ấy – chứ chưa nói đến đem lại hiểu biết và niềm vui thích của người độc giả gốc – với những gì có trong tay? Độc giả muốn hiểu được phải nắm được tinh thần ngôn ngữ gốc của tác giả, nhận thấy cách suy nghĩ và cảm nhận đặc trưng của anh ta; để giúp họ đạt được cả hai điều ấy, anh ta chẳng có gì trong tay ngoài tiếng mẹ đẻ chẳng có phần nào tương đồng với thứ ngôn ngữ ngoại quốc kia, và chính bản thân anh ta, mà sự hiểu tác giả khi tỏ khi mờ, lòng ngưỡng mộ và tán thưởng đối với tác giả cũng khi đầy khi vơi. Nhìn nhận theo cách ấy thì dịch thuật chẳng phải một công việc quá đỗi ngu ngốc sao? Vậy nên, trong cơn tuyệt vọng hầu đạt đến mục đích ấy, hay có thể nói là trước cả khi kịp nhận ra rõ ràng là có một mục đích, hai phương thức mới đã hình thành để thiết lập mối quen thân với tác phẩm ngoại quốc – không phải để đáp ứng những nhà thưởng ngoạn ngôn ngữ hay nghệ thuật, mà đúng hơn để thỏa mãn một mặt là nhu cầu hiểu biết, mặt khác là nghệ thuật hiểu biết – hai phương thức cưỡng chế loại bỏ một số khó khăn vừa nhắc đến ở trên, lại khéo léo tránh đi những khó khăn khác, và nói chung là từ bỏ hoàn toàn khái niệm dịch thuật như ta đã trình bày. Hai phương thức ấy là diễn đạt lại và bắt chước. Diễn đạt lại những muốn khắc phục tính phi lý tính của ngôn ngữ, nhưng chỉ bằng cách máy móc. Cách tiếp cận của nó là: nếu không tìm được từ tương ứng với từ trong ngôn ngữ nguồn, ta sẽ tìm một thứ xấp xỉ giá trị của nó bằng cách thêm thắt các từ bổ nghĩa có tính gia giảm. Cứ thế, mắc kẹt giữa cái “quá đà” nặng nề và cái “chưa tới” đau khổ, cách này khó nhọc tiến lên qua hằng hà sa số những chi tiết vụn vặt. Cách này có lẽ có thể truyền tải nội dung tương đối chính xác, nhưng sẽ bỏ đi hoàn toàn ấn tượng mà bản gốc tạo ra; bởi ở đây lời nói sống động đã bị tiêu trừ, ai cũng thấy ngay rằng những lời ấy không thể nào đi ra từ trí óc của con người trong cái hình thù ấy được. Người theo phái diễn đạt lại coi các thành tố trong hai ngôn ngữ như những ký hiệu toán học có thể đi đến cùng một giá trị bằng cách cộng trừ, nhưng tinh thần của ngôn ngữ nguồn lẫn ngôn ngữ đang bị đưa ra biến đổi đều không thể toát lên qua chu trình đó. Hơn nữa, ví như diễn đạt lại có tìm cách ghi lại dấu vết của những nối kết trong suy nghĩ – ở nơi nào chúng mơ hồ và dễ biến mất đi – bằng cách chen vào các câu thô bạo như những bảng chỉ đường, thì trong những tác phẩm phức tạp cách làm này lại cũng khiến nó cố gắng đóng vai một công trình chú thích, và càng khó được gọi là dịch thuật. Trái lại, phương thức bắt chước đầu hàng tính phi lý tính của ngôn ngữ, thừa nhận rằng không thể tạo ra một bản sao tác phẩm nghệ thuật tu từ ở ngôn ngữ khác mà từng cấu phần của nó đều tương ứng chính xác với từng cấu phần bản gốc, mà trước khác biệt ngôn ngữ kéo theo đó nhiều khác biệt nữa, không còn cách nào ngoài việc tạo ra một bản mô phỏng, một tổng thể với những cấu phần khác hẳn với các cấu phần bản gốc, nhưng hiệu quả tạo ra gần nhất với bản gốc ở mức hai chất liệu khác nhau cho phép. Một sản phẩm như thế không còn là tác phẩm ban đầu, cũng không tự xưng là truyền tải linh hồn của ngôn ngữ gốc như một lực hiệu quả tự thân, bởi thay vào đó nó cho ta thấy sản phẩm lạ lẫm mà tinh thần này đã sản sinh ra, đặt trên những nền móng khác hẳn; nhưng tác phẩm loại này, xét đến sự khác biệt trong ngôn ngữ, đạo đức, giáo dục, có mong muốn mang đến cho độc giả của mình càng nhiều càng tốt những điều giống như bản gốc mang đến cho độc giả của nó; để giữ được tính thống nhất của ấn tượng tác phẩm tạo ra, phải hy sinh căn cước của tác phẩm. Người bắt chước không hề có một chút ý định nào muốn đưa đến gần nhau tác giả của bản gốc và độc giả của bản bắt chước, vì anh ta không tin có khả năng tồn tại mối quan hệ trực tiếp không cần trung gian giữa hai người ấy; anh ta chỉ muốn mang lại cho độc giả của mình ấn tượng mà độc giả thuộc cùng một ngôn ngữ và thời đại của tác giả đã nhận được. Diễn đạt lại thường được dùng trong khoa học, còn bắt chước hay gặp trong nghệ thuật; giống như ai ai cũng sẽ thừa nhận rằng diễn đạt lại một tác phẩm nghệ thuật sẽ làm mất hết giọng điệu, nét đẹp, và chính tư cách tác phẩm nghệ thuật của nó, chẳng ai lại ngốc đến mức cố tạo ra bản bắt chước một tác phẩm khoa học, trình bày phóng túng những nội dung của nó. Nhưng cả hai phương thức ấy đều không thỏa mãn được người, đầy lòng ngưỡng mộ giá trị của một kiệt tác ngoại văn, muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của nó đến với những người đồng bào nói thứ tiếng của anh ta, và mang trong đầu một khái niệm rất khắt khe về dịch thuật. Bởi vậy, ta không thể bàn luận sâu hơn về diễn đạt lại và bắt chước ở đây, vì hai cách đó đều đi chệch khỏi khái niệm đang bàn; đề cập đến chúng chỉ để làm mốc vạch ra ranh giới phạm vi mà chúng ta cần bàn thôi.

Vậy với dịch giả đích thực muốn đưa hai con người tách biệt, tác giả và độc giả, lại gần nhau, muốn giúp độc giả đọc hiểu được càng toàn vẹn và chính xác, có được niềm vui thích càng nhiều về tác giả càng tốt mà không buộc anh ta phải bước ra ngoài lãnh địa ngôn ngữ của mình – con đường nào cho dịch giả để đạt được mục tiêu ấy? Theo ý kiến của tôi, chỉ có hai cách. Hoặc dịch giả giữ yên tác giả một nơi rồi đưa độc giả đến gần anh ta, hoặc giữ yên độc giả một nơi và đưa tác giả đến gần anh ta. Hai con đường khác nhau một trời một vực, nên khi đã theo đường nào thì phải tuyệt đối tuân theo đường đó, trộn lẫn chúng vào nhau sẽ chỉ mang đến một kết quả không đáng tin cậy và nhiều khả năng là đôi bên không thể nào đến với nhau được. Sự khác biệt giữa hai cách ấy và mối quan hệ giữa chúng với nhau có thể trông thấy rõ ràng. Với cách thứ nhất, dịch giả cố gắng bù đắp cho thiếu hụt hiểu biết về ngôn ngữ gốc của người đọc qua tác phẩm của mình. Anh ta cố gắng truyền cho độc giả cùng những hình ảnh, ấn tượng mà anh ta có được nhờ hiểu biết về ngôn ngữ gốc của tác phẩm như nó được viết ra, nghĩa là đưa độc giả đứng vào góc nhìn của anh ta, mà thực tế là một góc nhìn ngoại quốc đối với anh ta. Còn nếu bản dịch muốn làm cho tác giả La Mã, ví dụ vậy, nói như thể anh ta là một người Đức đang nói và viết cho người Đức nghe, thì việc ấy không chỉ đưa tác giả đứng vào vị trí của dịch giả – vì đối với cả dịch giả cũng vậy, tác giả không nói tiếng Đức mà là tiếng Latin – mà thậm chí đưa hẳn tác giả vào giữa thế giới của độc giả Đức và biến anh ta thành một trong số họ – và đó chính là cách thứ hai. Bản dịch thứ nhất sẽ là hoàn hảo theo cách của nó nếu người đọc có thể bảo rằng giả thử như tác giả đã học tiếng Đức thành thạo như dịch giả học tiếng Latin, giả thử như chính tác giả tự dịch tác phẩm nguyên gốc tiếng Latin của mình thì cũng sẽ chỉ như thế mà thôi. Còn cách dịch thứ hai không cho ta thấy tác giả sẽ dịch tác phẩm của mình như thế nào, mà cho ta thấy nếu là người Đức, anh ta sẽ viết bằng tiếng Đức ra sao, do đó không có chuẩn mực đo lường sự hoàn hảo nào khác ngoài giả định rằng nếu mọi độc giả Đức đều biến thành các chuyên gia đồng thời với tác giả, thì ấn tượng mang lại cho họ từ tác phẩm nguyên gốc cũng sẽ không khác gì ấn tượng từ bản dịch hiện tại khi tác giả đã biến mình thành người Đức. Hiển nhiên phương pháp này là thứ người ta nói đến khi bảo rằng tác phẩm dịch phải đọc như thể tác giả tự mình viết bằng tiếng Đức. Đặt cạnh nhau như vậy là ta đã thấy rõ hai phương thức trên khác nhau ra sao, và nếu áp dụng cả hai cho cùng một tác phẩm thì sẽ mang lại kết quả không mong muốn và khó hiểu như thế nào. Tôi vẫn muốn khẳng định thêm là ngoài hai phương thức này, không có một cách thứ ba nào nhằm đạt được một mục tiêu định sẵn nào nữa. Thực tế là không còn cách nào khác ngoài hai cách ấy. Hai bên tách biệt hoặc là gặp nhau ở giữa – nghĩa là vị trí của dịch giả – hoặc bên này phải chịu bên kia. Trong hai khả năng đó, chỉ một thuộc vào lãnh địa của dịch thuật; điều còn lại chỉ có thể xảy ra nếu độc giả Đức nắm giữ thông thạo tiếng Latin hoặc bị ngôn ngữ ấy nắm giữ đến mức thay đổi họ. Vậy nên, dù ai nói gì về việc dịch sát từng từ hay dịch lấy nghĩa, về việc dịch trung thành hay dịch phóng, hay bất cứ cách diễn đạt nào khác, thì dẫu tự nhận là những phương pháp dịch khác, tất cả cũng chỉ quy về hai con đường đã đề cập ở trên; nhưng nếu dùng những cách nói ấy để bình xét lỗi sai hay chất lượng, thì trung thành sát nghĩa hay quá phóng khi xét theo con đường này sẽ lại khác với trung thành và quá phóng ở con đường kia. Vậy nên tôi sẽ gạt hết sang một bên những câu hỏi liên quan đến chủ đề này đã được nhiều chuyên gia bàn đến, để chỉ khảo cứu những đặc điểm chung nhất của hai phương thức này, từ đó khái quát nên điểm mạnh điểm yếu của mỗi phương thức cũng như giới hạn áp dụng và mức độ đạt tới mục tiêu dịch thuật của chúng. Sau khi đã thực hiện khảo sát toàn diện như vậy, sẽ còn hai vấn đề phải làm sáng tỏ, mà bài viết này chỉ là dạo đầu mà thôi. Mỗi phương thức đều có thể vạch ra một bộ quy tắc áp dụng cho các thể loại tu từ khác nhau, rồi so sánh và đánh giá những bản dịch hay nhất của từng phương thức, từ đó có thể đào sâu làm sáng tỏ vấn đề hơn nữa. Những việc ấy tôi xin để dành người khác, hoặc ít nhất cũng là vào một dịp khác.

Phương thức nhắm tới việc mang cho độc giả Đức cùng một ấn tượng như khi đọc bản gốc, tất nhiên trước hết phải xác định muốn bắt chước cách hiểu bản gốc nào. Vì có một cách không nên bắt chước, và một cách không thể. Cách không nên là cách hiểu như của học sinh, khó nhọc và hầu như chán ghét, mệt mỏi lặn lội qua từng tiểu tiết mà lại không thể khái quát rõ ràng về tổng thể, không nắm được uyển chuyển các nội dung trong văn bản. Chừng nào mà bộ phận có học thức của đất nước nói chung còn chưa có kiến thức sâu về ngôn ngữ nước ngoài thì những người có trình độ cao hơn chút ít đừng nên đảm nhận kiểu dịch thuật này. Vì nếu lấy hiểu biết theo trình độ của mình làm chuẩn mực, những gì họ viết ra cũng sẽ khó hiểu và thành quả đạt được sẽ chẳng là bao; nhưng nếu bản dịch dựa trên hiểu biết chung của mọi người thì tác phẩm vụng về ấy sẽ mau chóng bị tiễn ra khỏi sân khấu. Trong giai đoạn ban đầu này, những bản bắt chước tự do trước tiên nên đánh thức và mài sắc niềm vui thích đọc tác phẩm nước ngoài ở độc giả, và diễn đạt lại nên chuẩn bị sẵn một nền hiểu biết chung để dọn đường cho các bản dịch trong tương lai[1]. Tuy nhiên cách hiểu thứ hai thì không dịch giả nào có thể bắt chước được. Ta hãy thử xem xét đến những con người tuyệt vời, mà đôi khi tự nhiên vẫn sản sinh ra, như thể muốn chứng minh rằng đôi khi rào chắn giữa các nền văn hóa có thể được phá bỏ trong những cá nhân nào đó, những người có mối gắn bó tự nhiên kỳ lạ với một cảnh sống ngoại quốc khiến họ đắm mình hoàn toàn vào một ngôn ngữ ngoại quốc cùng những tác phẩm trong ngôn ngữ ấy, sống và suy nghĩ bằng ngôn ngữ ấy, và trong khi hòa vào trong thế giới ngoại quốc họ cho phép ngôn ngữ mẹ đẻ gần như trở nên xa lạ với họ; hay những người mà định mệnh cho họ làm đại diện vẹn toàn cho quyền năng của ngôn ngữ, những người mà mọi ngôn ngữ họ học được bằng cách này hay cách khác với họ đều có vẻ phù hợp như nhau và sử dụng thế nào tùy ý họ: những người này đứng ở một điểm mà giá trị của dịch thuật tiệm cận đến 0, vì họ có thể hiểu tác phẩm nước ngoài mà không chịu một chút ảnh hưởng nào của ngôn ngữ mẹ đẻ, đọc hiểu không thông qua tiếng mẹ đẻ mà hoàn toàn thoải mái với văn bản gốc, như thể không hề có sự khập khiễng nào giữa suy nghĩ của họ và ngôn ngữ mà họ đang đọc, và vì thế không bản dịch nào có thể đạt tới hay thể hiện được mức độ hiểu của họ. Cũng như đổ nước vào biển, hoặc thậm chí là vào rượu, nếu ai muốn dịch cho họ, họ sẽ chỉ cười hạ cố, thậm chí là thương hại trước những nỗ lực của người dịch, mà họ làm vậy cũng chẳng phải là sai. Vì tất nhiên nếu độc giả mà bản dịch đang nhằm tới ai cũng như họ, thì những nỗ lực ấy chẳng còn cần thiết nữa. Như vậy, dịch thuật liên quan tới một trạng thái nằm giữa hai cách hiểu này, mục đích của dịch giả cần phải là mang đến cho độc giả chính những hình ảnh và niềm vui thích mà tác phẩm gốc có thể mang lại cho bộ phận người đọc có hiểu biết mà chúng ta vẫn hay gọi là “người sành sỏi”: ngôn ngữ ngoại quốc anh ta đã quen nhưng vẫn luôn còn lại chút gì xa lạ; tuy không còn như cậu học trò phải chiếu từng chi tiết nhỏ sang tiếng mẹ đẻ mới nắm được nội dung toàn thể, nhưng luôn ý thức về sự khác biệt giữa ngôn ngữ ấy và tiếng mẹ đẻ của anh ta, ngay cả khi vẫn vui thưởng thức vẻ đẹp của tác phẩm. Ngay cả khi đã xác lập những điểm ấy, phạm vi và mục đích của việc dịch kiểu này vẫn có vẻ không chắc chắn. Ta chỉ nhận thấy được rằng, giống như mong muốn dịch chỉ xuất hiện khi khả năng sử dụng tiếng nước ngoài được phổ biến tương đối trong bộ phận người có học thức, thì nghệ thuật dịch cũng chỉ phát triển và ngày càng nhằm đến những mục tiêu cao hơn khi gu thẩm mỹ và lòng ham mê đối với tác phẩm nước ngoài phổ biến và nâng cao hơn nơi những người đã luyện cho đôi tai họ sự sành sỏi dù không biến nghiên cứu ngôn ngữ thành nghề nghiệp chính của mình. Đồng thời, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng khi độc giả tìm đến những bản dịch như vậy càng dễ đón nhận chúng, công việc sẽ càng khó khăn hơn, nhất là khi nhìn vào các tác phẩm khoa học và nghệ thuật độc đáo nhất của một đất nước, vốn lại là những đối tượng quan trọng nhất của dịch giả. Bởi ngôn ngữ là một thực thể có tính lịch sử, nên không thể cảm nhận chính xác nếu không thấu được lịch sử của nó. Ngôn ngữ không được phát minh ra mà dần dần được khai phá, mọi việc sử dụng hay nghiên cứu một cách tùy tiện đều là dại dột; khoa học và nghệ thuật chính là nguồn sức mạnh để cuộc khai phá đi xa hơn và bước đến hoàn thiện hơn. Bất cứ bộ óc sáng ngời nào đã đem lại hình hài cho một phần tư tưởng của dân tộc anh ta trong một trong hai dạng thức ấy, hẳn cũng đã nhào nặn ngôn ngữ mẹ đẻ anh ta vì mục đích này, và tác phẩm của anh ta cũng chứa một phần lịch sử ngôn ngữ ấy. Điều này tất nhiên sẽ gây ra khó khăn, thường là rất lớn, với dịch giả của các tác phẩm khoa học, vì bất cứ ai trang bị kiến thức ngôn ngữ đủ để đọc một tác phẩm xuất sắc loại ấy trong tiếng gốc sẽ không thể không nhận thấy ảnh hưởng của nó lên ngôn ngữ. Anh ta sẽ nhìn ra ngay từ nào hay mối liên hệ nào giữa các ý tưởng xuất hiện trước mắt anh ta với vẻ tráng lệ rạng ngời mới mẻ của nó; anh ta sẽ thấy cách nó ngấm vào ngôn ngữ bằng vào nhu cầu đặc biệt của linh hồn này và mãnh lực biểu hiện của nó; và chính những quan sát ấy sẽ quyết định phần lớn ấn tượng mà anh ta nhận được khi đọc tác phẩm. Do đó, một phần quan trọng trong công việc của dịch giả là truyền tải ấn tượng ấy cho độc giả; bằng không anh ta đã bỏ mất một phần thường là vô cùng quan trọng trong những gì đặt ra cho anh ta. Nhưng làm sao đạt được điều ấy? Dù chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp, biết bao nhiêu lần tương ứng trọn vẹn nhất với từ mới kia trong nguyên bản lại là một từ cũ mèm trong ngôn ngữ của ta, thế nên người dịch, nếu muốn cho thấy đóng góp của tác phẩm vào sự phát triển của ngôn ngữ, lại phải đặt một nội dung xa lạ vào đó và bẻ lái vào lãnh địa của bắt chước? Và biết bao nhiêu lần, ngay cả khi tìm được một từ mới để đối ứng với từ mới kia, thì từ gần nhất về từ nguyên và cấu tạo cũng không thể truyền đạt ý nghĩa trọn vẹn của nó, anh ta cuối cùng cũng buộc phải gợi lên những liên tưởng khác nếu không muốn phá hỏng văn cảnh tức thời. Anh ta phải tự an ủi mình rằng anh ta có thể bù đắp cho thiếu sót này ở những đoạn tác giả dùng các từ cũ mà ai cũng biết, từ đó toàn bộ văn bản sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn dù không thể đạt được ở mọi chi tiết nhỏ. Nhưng nếu nhìn vào cách nhào nặn ngôn ngữ của một bậc thầy trên góc độ bao quát, vào cách anh ta dùng các từ liên quan cùng từ căn của chúng trong vô số tác phẩm quy chiếu đến nhau, thì làm sao dịch giả có thể làm gì được, khi mà hệ thống khái niệm và ký hiệu cho các khái niệm đó của hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau, và các từ căn, thay vì đối ứng một-một thì nhiều khi lại chồng chéo rối rắm khó lường? Vậy nên, cách người dịch sử dụng ngôn ngữ không thể nào giống đích xác ở mọi nơi như cách của tác giả. Về mặt này, anh ta sẽ đành phải bằng lòng với thành quả nơi những chi tiết cụ thể khi không thể có được thành công trên toàn bộ tác phẩm. Anh ta sẽ yêu cầu độc giả đừng so sánh với các tác phẩm khác của cùng tác giả khắt khe như độc giả nguyên bản sẽ làm, mà hãy coi chúng độc lập với nhau; anh ta thậm chí còn đòi độc giả phải khen ngợi nếu có thể giữ được sự thống nhất tương đối ở những điểm quan trọng trong một tác phẩm, hay thậm chí chỉ trong từng phần nhỏ của tác phẩm, nếu một từ trong bản gốc không bị dịch sang quá nhiều từ khác nhau trong bản dịch, hoặc bản dịch không bị chất chồng quá nhiều cách diễn đạt tạp nham trong khi bản gốc chỉ dùng một số ít đã lựa chọn kỹ càng. Những khó khăn nói trên chủ yếu nằm trong các tác phẩm khoa học; cũng có những trở ngại khác, và chắc chắn không hề dễ dàng hơn, nằm trong lĩnh vực thơ ca và văn xuôi nghệ thuật, trong đó tính nhạc của ngôn ngữ toát lên từ nhịp điệu và sự chuyển đổi tông giọng vừa độc đáo vừa mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Ai cũng hiểu rằng tinh thần vi tế, sự kỳ diệu của nghệ thuật trong những kiệt tác ấy sẽ biến mất nếu những điều ấy bị bỏ qua hoặc bị phá hỏng. Bởi vậy, bất cứ điều gì gây ấn tượng với người độc giả sáng suốt của tác phẩm gốc như một nét độc đáo, một lựa chọn có chủ ý, một tác động lên giọng điệu và cảm nhận, một yếu tố quyết định để tạo ra tính nhạc hay khả năng bắt chước của lời nói, đều phải được người dịch truyền tải đến độc giả. Nhưng biết bao lần – và ta không phải nói là “khi nào cũng vậy” đã là kỳ tích – lòng trung thành giữ vững nhịp điệu và giai điệu lại mâu thuẫn không cách nào hòa giải với lòng trung thành về ngữ pháp và từ vựng. Khó khăn biết bao mới có thể tránh gặp phải một kết quả thường lại chẳng lấy gì làm phù hợp, dẫu rằng muôn thuở cân nhắc ngược xuôi nên hy sinh chỗ này đầu hàng chỗ nọ. Còn khó hơn nữa khi dịch giả phải lựa chọn công bằng mà trả lại, bất cứ khi nào có cơ hội, những gì anh ta từng phải tước đi từ người đọc, và không được để mình ngã lòng mà thành kiến cố chấp nghiêng về một lựa chọn nào, ngay cả trong vô thức, vì tâm tính anh ta thích một khía cạnh nào đó của nghệ thuật này hơn mọi điều còn lại! Vì người yêu thích chủ đề đạo đức và cách bàn luận về chủ đề ấy trong tác phẩm thì ít khi để ý thấy mình đã làm phương hại tới tính nhạc, nhịp thơ của hình hài, và sẽ không nghĩ xem phải làm thế nào bù lại mất mát này, mà bằng lòng với bản dịch ngày càng đơn giản và gần hơn với diễn đạt lại. Nhưng nếu người dịch lại là một nhạc sĩ hoặc giỏi về thơ ca, anh ta sẽ xem nhẹ yếu tố logic để nắm trọn vẹn tính nhạc, và càng dấn sâu vào một phía như vậy, anh ta sẽ thấy bản dịch của mình ngày càng là một nỗ lực vô ích; khi so sánh tổng thể bản dịch của anh ta với bản gốc, ta sẽ nhận thấy anh ta đang đến gần hơn với lối tiếp cận lấy cây bỏ rừng như của cậu học sinh mà không hề hay biết, vì khi quá chú mục vào sự giống nhau bề ngoài về nhịp điệu và giai điệu mà khiến những câu linh hoạt rất đỗi tự nhiên trong ngôn ngữ này trở nên vụng về chướng tai trong ngôn ngữ kia, thì sau cùng tổng thể tác phẩm lại mang lại ấn tượng hoàn toàn khác.

Vẫn còn những khó khăn khác khi người dịch xem xét mối quan hệ của anh ta với ngôn ngữ mà anh ta sử dụng, cùng mối quan hệ của bản dịch này với những tác phẩm khác của chính mình. Ngoại trừ những bậc thầy xuất chúng có thể sử dụng thành thạo ngang nhau nhiều ngôn ngữ, hay thậm chí còn thấy ngôn ngữ nước ngoài đối với họ tự nhiên hơn cả tiếng mẹ đẻ, những người mà chúng ta đã đề cập ở trên rằng không thể nào dịch cho họ đọc được, thì tất cả những người khác, dẫu có đọc thông thạo tiếng nước ngoài ra sao, vẫn sẽ cảm thấy ít nhiều cảm giác xa lạ. Bằng cách nào mà người dịch có thể truyền tải cảm giác giáp mặt với cái xa lạ này cho độc giả qua bản dịch sang tiếng mẹ đẻ của anh ta? Chắc hẳn có người sẽ đáp rằng lời giải cho câu đố ấy đã rõ từ lâu, chưa kể rằng người ta đã sử dụng lời giải ấy quá rành rõ và có lẽ còn quá nhiều lần; rằng bản dịch càng sát với những diễn đạt và hình tượng trong bản gốc thì càng lạ lẫm với độc giả bản dịch. Cũng dễ hiểu nếu ai đó cười vào lối thực hành dịch ấy. Nhưng nếu không muốn có được niềm vui ấy một cách quá dễ dàng, không muốn ném kiệt tác vào chung một giỏ với những bản dịch học trò dở tệ, thì ta phải thừa nhận rằng yêu cầu không thể thiếu đối với phương pháp dịch này là một lối sử dụng ngôn ngữ không những không tầm thường mà còn để người ta hiểu được rằng ngôn ngữ ấy không hề phát triển tự do vô phép mà được hướng theo một hình ảnh ngoại lai; ta phải thừa nhận rằng làm được điều ấy một cách khéo léo và chừng mực mà không phương hại gì đến tiếng mẹ đẻ hay chính bản thân người dịch có lẽ là trở ngại khó khăn nhất mà người dịch phải đối mặt. Công việc ấy xem chừng là hành động tự làm bẽ mặt mình ghê gớm nhất mà một người viết không thuộc dạng quá tệ có thể làm. Ai lại không muốn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình xuất hiện khắp nơi trong vẻ đẹp lộng lẫy nhất có thể của mỗi thể loại văn học? Ai lại không muốn sinh ra đứa con khoe dòng máu thuần khiết của mình thay vì giống con lai? Ai lại muốn bị bắt gặp trong vẻ kém linh hoạt và phong nhã hơn những gì anh ta có thể, hoặc ít nhất đôi khi cũng phô ra cái vẻ thô ráp và cứng nhắc để khiến độc giả khó chịu ở mức đủ để nhắc họ ý thức về những gì anh ta đang làm? Ai lại vui vẻ bằng lòng bị coi là kẻ vụng về vì cứ cố gắng bám chặt vào tiếng nước ngoài gần nhất ở mức mà ngôn ngữ của anh ta cho phép, và để bị trách cứ, như các bậc phụ huynh trao con mình vào bàn tay những vị thầy nhào lộn, vì bắt tiếng mẹ đẻ uốn dẻo vặn mình theo những tư thế xa lạ trái tự nhiên thay vì khoe tài trong những động tác quen thuộc của mình? Và cuối cùng, ai lại muốn bị chính những tay thẩm âm sành sỏi kia cười vào mặt với vẻ thương hại tột cùng, bảo rằng họ chẳng thể hiểu được thứ tiếng Đức nhọc nhằn, vụng dại của anh ta nếu không có sự trợ giúp của vốn kiến thức tiếng Hy Lạp Latin mà họ có! Đây là những hy sinh mà bất cứ dịch giả nào thuộc loại này cũng phải làm; những hiểm nguy mà anh ta phải giơ mình đón chịu nếu không chịu để ý quan sát lằn ranh mỏng manh kia trong nỗ lực giữ nét lạ lẫm về ngôn ngữ trong bản dịch của anh ta, những hiểm nguy và hy sinh mà anh ta không thể hoàn toàn giũ bỏ, vì mỗi người lại vẽ lằn ranh này ở một điểm hơi khác nhau. Hơn nữa, nếu tính đến cả ảnh hưởng không sao tránh khỏi của thói quen, anh ta sẽ còn e sợ rằng ngay cả trong những sáng tác gốc tự do của anh ta cũng sẽ len lỏi vào những yếu tố thô vụng không đúng chỗ hình thành từ quá trình dịch, giác quan bén nhạy của anh ta về cái đẹp đẽ lành mạnh gốc của ngôn ngữ mình cũng sẽ cùn vẹt đi. Còn nếu dám nghĩ về đội quân bắt chước, về sự chây lười và xoàng xĩnh tràn lan trong giới văn chương, anh ta hẳn sẽ kinh hoàng khi nghĩ đến những vi phạm lười biếng đối với quy tắc hài âm, những vụng về, cứng nhắc đích thực, những hủy hoại ngôn ngữ theo nhiều dạng vẻ, mà giờ đây người ta có thể réo tên anh ta như một kẻ phải chịu một phần trách nhiệm cho những thứ ấy; vì hầu như chỉ những gì tốt nhất và tồi tệ nhất mới không cố giành lấy chút lợi ích sai trái từ những nỗ lực của anh ta. Vẫn thường nghe thấy những lời tố cáo rằng những bản dịch như thế sẽ phá hoại từ bên trong sự trong sáng của ngôn ngữ cũng như con đường phát triển êm đềm của nó. Ngay cả nếu tạm gạt chúng sang một bên, tự huyễn rằng những tổn hại ấy tất yếu sẽ có những lợi ích khác bù đắp lại, rằng cho dù cái hay bao giờ cũng đi kèm cái dở thì thông thái nhất vẫn là tận dụng cái hay và hạn chế cái dở càng nhiều càng tốt, thì công việc gian khó là thể hiện cái xa lạ trong ngôn ngữ của mình bao giờ cũng mang lại những hậu quả nhất định. Thứ nhất, rõ ràng rằng phương pháp dịch này không thể áp dụng hiệu quả cho tất cả các ngôn ngữ, mà chỉ những thứ tiếng không bị bó hẹp trong một phong cách cổ điển mà ngoài đó ra thì tất cả đều có vẻ đáng ghét. Cứ để những ngôn ngữ bị bó buộc này cố sức mở rộng lãnh địa của chúng bằng cách được những người ngoại quốc cần nhiều hơn tiếng mẹ đẻ của mình sử dụng – những ngôn ngữ này hẳn là rất phù hợp với điều đó; cứ để chúng chiếm dụng các tác phẩm nước ngoài bằng bắt chước hoặc có thể là bằng những bản dịch kiểu còn lại: nhưng kiểu dịch này phải để dành cho những ngôn ngữ tự do hơn, nơi những chệch đường hoặc cải biến dễ được chấp nhận hơn, để những chệch đường ấy sau cùng lại có thể kết hợp để tạo ra hình thức biểu đạt mới đặc trưng cho ngôn ngữ ấy. Thêm nữa, từ đó ta cũng thấy rõ ra rằng cách dịch kiểu này không hề có chút giá trị nào nếu chỉ được dùng vô ý tùy tiện ở những trường hợp nhỏ lẻ trong một ngôn ngữ nhất định. Mục đích hướng tới không chỉ là khiến độc giả lờ mờ nhận thấy một điều gì xa lạ một cách ơ hờ; mà là để anh ta có chút cảm nhận, dù rất mơ hồ thôi, về ngôn ngữ gốc và những gì tác phẩm nhận được từ ngôn ngữ gốc, và nhờ đó mà bù đắp lại những gì anh ta đánh mất vì không hiểu được ngôn ngữ gốc: anh ta không chỉ mơ hồ nhận ra rằng những gì mình đang đọc không phải thuần tiếng mình, mà còn cảm nhận nó khác biệt theo một kiểu cụ thể nào đó; nhưng điều này chỉ có được khi anh ta có cơ hội đối chiếu so sánh từ góc nhìn tổng quát. Nếu từng đọc những tác phẩm dịch từ ngôn ngữ hiện đại và các tác phẩm dịch từ ngôn ngữ cổ theo cách dịch này, chắc chắn anh ta sẽ có được nhạy cảm về sự khác biệt giữa ngôn ngữ cổ và hiện đại. Nhưng sẽ còn phải đọc rất nhiều nữa mới có thể phân biệt được tác phẩm dịch từ tiếng La Mã với Hy Lạp hay từ tiếng Italia với Tây Ban Nha. Ngay cả điều ấy cũng chưa phải mục tiêu cao nhất; độc giả bản dịch chỉ ngang bằng với người độc giả giỏi hơn của bản gốc khi anh ta có thể cảm nhận và cuối cùng tự tin nắm bắt được không chỉ tinh thần chung của ngôn ngữ kia mà cả tinh thần riêng của tác giả, tất nhiên chỉ có thể thông qua trực giác bén nhạy thôi, nhưng chắc chắn không thể không cần đến so sánh đối chiếu rất nhiều. Không thể làm được điều ấy nếu chỉ dịch vài ba kiệt tác trong vài ba thể loại. Ngay cả với những độc giả uyên thâm nhất, kiến thức về cái xa lạ mà họ nhận được thông qua bản dịch cũng chỉ là một thứ kiến thức thiếu sót; vì thế cũng không thể tưởng tượng được là họ lại có thể đạt đến trình độ đưa ra được đánh giá thực sự nào, dù là về bản gốc hay bản dịch. Vậy thì kiểu dịch này sẽ cần khối lượng công việc rất lớn, đưa toàn bộ nhiều nền văn học sang một ngôn ngữ khác, và cách dịch ấy chỉ có giá trị và ý nghĩa với những dân tộc có bản tính ưa chiếm dụng cái xa lạ. Các bản dịch kiểu này nếu thực hiện riêng lẻ thì chỉ có giá trị như người tiền phong dự báo cho một khuynh hướng chung đang nhú chồi và lớn lên. Nếu các bản dịch ấy không đánh thức được mong muốn làm theo cách ấy, thì nghĩa là hẳn phải có gì đó trong tinh thần ngôn ngữ và tinh thần thời đại chống lại chúng; chúng sẽ chỉ được nhìn nhận như những thử nghiệm thất bại, nhận được chẳng mấy thành công. Nhưng ngay cả khi hình thức dịch này lên ngôi, vẫn khó mà hy vọng những tác phẩm kiểu này, dù có là tuyệt tác đến mấy, sẽ nhận được sự tưởng thưởng rộng rãi của công chúng. Với bao nhiêu điều phải cân nhắc, bao nhiêu khó khăn phải vượt qua, các quan điểm khác nhau sẽ hình thành xem nên coi việc gì là chính việc gì là phụ trong cách làm ấy. Rồi sẽ sản sinh những trường phái khác nhau giữa các dịch giả đại tài, và giữa những người ủng hộ họ trong công chúng độc giả; và rồi dẫu rằng mỗi trường phái đều dựa trên một nền tảng chung là phương pháp dịch ấy, nhưng các bản dịch khác nhau từ cùng một bản gốc do đứng trên những góc nhìn khác nhau sẽ cùng hiện diện, rồi sẽ khó mà nói được bản nào trong số đó hoàn thiện hơn về tổng thể còn bản nào thua kém hơn; đoạn văn này có thể hay hơn trong bản dịch này, nhưng đoạn văn khác sẽ lại hay hơn trong bản dịch khác, chỉ khi nhìn tóm lại tất cả trong tương quan với nhau – như cách bản dịch này nhấn mạnh giá trị của việc phỏng theo ngôn ngữ gốc, trong khi bản dịch khác nhất nhất cho rằng không được thực thi bạo lực với ngôn ngữ của mình – thì nhiệm vụ của cách dịch này mới gọi là vẹn toàn, nhưng mỗi bản dịch độc lập sẽ luôn chỉ mang những giá trị chủ quan và tương đối.

Đó là những khó khăn mà phương pháp dịch thuật này phải đối mặt, cùng với những nhược điểm của nó. Dù vậy, bản thân nỗ lực ấy đã xứng đáng được ghi nhận và các thành tựu của nó là không thể phủ nhận. Cách dịch này dựa trên hai điều kiện: việc hiểu các tác phẩm nước ngoài phải được mọi người biết đến và mong muốn, và ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta phải được cho phép một mức độ linh động nhất định. Khi đáp ứng được cả hai điều kiện ấy, bản dịch loại này sẽ được tiếp nhận như một hiện tượng tương đối tự nhiên có ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình phát triển dân trí, và cho dù được gán cho một giá trị nhất định, tác phẩm cũng không vì thế mà không mang đến niềm vui đọc.

Còn phương pháp dịch ngược lại, vốn không đòi hỏi ở người đọc chút nỗ lực nào, vốn muốn dường như dùng phép lạ đưa tác giả ngoại quốc hiện diện ngay trước mắt, giới thiệu một tác phẩm như thể chính tác giả sẽ viết nếu anh ta viết bằng ngôn ngữ của độc giả bản dịch, thì sao đây? Yêu cầu này vẫn thường được dẫn ra để coi là công việc của dịch giả đích thực, bởi được cho là mục tiêu cao quý hơn, hoàn hảo hơn phương pháp đề cập phía trên; đã có những nỗ lực cá nhân nhất định, có lẽ thậm chí là những bản dịch kiệt tác, ra đời nhằm đạt tới mục tiêu này. Hãy cùng xem xét phương pháp này, xem liệu có nên chăng sử dụng nhiều hơn cách vốn không mấy phổ biến này, đặng thay thế phương pháp còn nhiều nghi vấn và lắm khiếm khuyết kia không.

Chúng ta thấy ngay rằng ngôn ngữ của dịch giả không có gì phải sợ hãi phương pháp này. Nguyên tắc đầu tiên của anh ta, xét trên mối quan hệ giữa bản dịch và ngôn ngữ nước ngoài kia, phải là không được phép để lọt vào bản dịch bất cứ điều gì không được phép có mặt trong một tác phẩm gốc thuộc cùng thể loại trong ngôn ngữ của anh ta. Cũng như bất kỳ ai, nhiệm vụ của anh ta là ít nhất cũng phải gắng giữ sự trong sáng và hoàn hảo của ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, cố gắng đạt được văn phong tự nhiên và linh hoạt đã khiến tác giả được khen ngợi trong bản gốc. Còn chắc chắn điều này nữa: nếu dịch giả của chúng ta muốn đồng bào mình thấy được ý nghĩa của tác phẩm đối với ngôn ngữ gốc, thì không còn cách nào hơn là giới thiệu tác giả theo cách chúng ta nghĩ là anh ta sẽ nói nếu như anh ta nói bằng ngôn ngữ của chúng ta, nhất là nếu giai đoạn phát triển của ngôn ngữ kia khi anh ta bắt đầu dùng đến có nét tương đồng với giai đoạn mà ngôn ngữ của ta đang đến lúc này. Chúng ta có thể hình dung Tacitus sẽ nói thế nào nếu ông là người Đức, hoặc chính xác hơn là, một người Đức có mối quan hệ với tiếng Đức cũng như Tacitus với tiếng Latinh sẽ nói như thế nào; hạnh phúc biết bao cái người có thể hình dung sống động đến mức thực sự khiến được Tacitus nói! Nhưng việc người dịch bắt Tacitus dùng tiếng Đức này nói cùng những điều ông Tacitus dùng tiếng Latin nói có thành công hay không lại là câu hỏi khó mà trả lời khẳng định được. Hiểu đúng và bằng cách nào đó thể hiện được tầm ảnh hưởng của một người với ngôn ngữ của anh ta là một chuyện, nhưng để đoán ông ta sẽ suy nghĩ và diễn đạt như thế nào nếu ông ta sinh ra đã nghĩ và nói bằng một ngôn ngữ khác lại là chuyện hoàn toàn khác. Bất cứ ai tin rằng suy nghĩ và lời nói của một người là đồng nhất về bản chất nội tại – và niềm tin này là nền tảng của toàn bộ khả năng hiểu được lời nói ra cũng như của toàn bộ ngành dịch thuật – liệu có muốn tách rời một người khỏi tiếng mẹ đẻ của anh ta mà vẫn cho rằng anh ta, hay thậm chí là chỉ một suy nghĩ riêng lẻ của anh ta thôi, có thể giống nhau ở hai ngôn ngữ khác nhau? Hay nếu suy nghĩ vì đó mà khác nhau chút nào đó, liệu có thể lột trần lời nói đến tận cùng cốt lõi để tách bỏ phần ngôn ngữ, và lắp ghép cái cốt lõi kia vào tồn tại và sức mạnh của một ngôn ngữ khác, qua một chu trình mới như trong một phản ứng hóa học? Chẳng phải muốn làm được điều này, trước hết phải loại bỏ khỏi tác phẩm của anh ta mọi dấu hiệu, dù nhỏ nhất, của ảnh hưởng từ mọi điều anh ta từng nói và nghe bằng thứ tiếng mẹ đẻ từ khi còn nhỏ, và rồi dựa trên lối suy nghĩ trần trụi riêng nhất của anh ta về một chủ đề nhất định nào đó, thêm vào tất cả những ảnh hưởng có thể có từ những điều anh ta nói và nghe bằng tiếng nước ngoài, hoặc từ nhỏ, hoặc từ khi mới học ngôn ngữ ấy cho đến lúc sử dụng thành thạo đủ để nghĩ và viết trực tiếp bằng nó? Điều này chỉ khả dĩ khi chúng ta có thể tạo ra sản phẩm hữu cơ bằng những phản ứng hóa học nhân tạo. Thậm chí có thể nói rằng mục tiêu dịch đúng như tác giả hẳn sẽ viết trực tiếp như vậy nếu dùng ngôn ngữ dịch, không những không thể đạt được, mà lại còn là một mục tiêu rất vô nghĩa; vì bất cứ ai công nhận rằng ngôn ngữ, vốn là một với bản chất riêng của mỗi dân tộc, có sức mạnh hình thành con người, thì cũng phải thừa nhận rằng toàn bộ vốn tri thức và khả năng trình bày tri thức ấy kể cả của người xuất chúng nhất cũng được trao cho anh ta cùng với và nhờ vào ngôn ngữ của anh ta, và rằng không ai có thể máy móc khoác ngôn ngữ vào mình như thể một đồ vật để mang vào cởi ra cho phù hợp với suy nghĩ như thể thay yên cương ngựa; bởi vậy mỗi người đều chỉ có thể viết nguyên bản bằng tiếng mẹ đẻ của anh ta, và như thế, câu hỏi một người có thể viết những tác phẩm đã có bằng ngôn ngữ khác như thế nào ngay từ đầu đã chẳng đáng đặt ra. Tất nhiên, người ta chắc hẳn sẽ đưa ra hai trường hợp cũng thường hay xảy ra để phản đối điều tôi vừa nói. Thứ nhất, rõ ràng có thể viết bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng mẹ đẻ, ngay cả trong lĩnh vực triết học và thơ ca, và việc ấy cũng không hề diễn ra nơi những trường hợp cá biệt riêng lẻ (dù các trường hợp này vẫn liên tục bắt gặp) mà khá phổ biến. Vậy thì tại sao một người muốn có điểm tham chiếu chắc chắn hơn lại không giả định có kỹ năng ấy ở tất cả những nhà văn mà anh ta muốn dịch? Có điều, đặc trưng của kỹ năng này là chỉ xảy ra khi điều muốn nói không thể được nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả hay ít nhất là không thể được anh ta nói. Trở lại thời các ngôn ngữ lãng mạn châu Âu mới xuất hiện, ai dám bảo ngôn ngữ nào là bản ngữ của những người sống thời đó? Ai dám phủ nhận rằng với những người có học vấn, tiếng Latin lại chẳng là bản ngữ chứ không phải thổ ngữ Pháp, Ý, Tây, Bồ… bản địa? Điều này còn rõ nét hơn khi xét đến từng hoạt động và nhu cầu cụ thể của trí tuệ. Chừng nào ngôn ngữ mẹ đẻ đáp ứng những nhu cầu ấy vẫn chưa thành hình, thì dân tộc vẫn đang phát triển kia gặp gỡ những công trình của tinh thần trước tiên bằng ngôn ngữ nào, ngôn ngữ ấy sẽ còn là ngôn ngữ mẹ đẻ một phần của họ. Grotius và Leibniz không thể nào viết triết bằng tiếng Đức và tiếng Hà Lan, trừ phi biến thành một người hoàn toàn khác. Ngay cả khi gốc rễ đã héo hon và mầm mới mọc đã bị bứt khỏi thân cây già cỗi, bất cứ ai không vừa là người nhào nặn vừa là người trốc rễ ngôn ngữ của mình thường đều sẽ buộc phải bám lấy một ngôn ngữ ngoại quốc nào đó, chọn lựa ngẫu nhiên hoặc vì những suy tính bên ngoài. Mọi tư tưởng đẹp đẽ cao quý nhất của vị vua vĩ đại của chúng ta[2] đều đến với ngài bằng tiếng nước ngoài, mà ngài đã biến thành tài sản riêng của trái tim mình. Ngài chắc không thể viết triết và thơ bằng tiếng Đức giống như những gì ngài đã viết bằng tiếng Pháp. Đáng tiếc vì trong gia đình nhiều người có lòng ưu ái với nước Anh cũng không khiến ngài được dạy dỗ từ khi còn bé bằng thứ ngôn ngữ khá gần với tiếng Đức và đang ở vào giai đoạn vàng son cuối cùng ấy. Nhưng ta có thể hy vọng rằng giá đã tiếp nhận một nền giáo dục cổ điển nghiêm khắc hơn, có lẽ ngài cũng sẽ thích viết thơ và triết bằng tiếng Latin chứ không phải tiếng Pháp. Bởi trường hợp này phụ thuộc vào nhiều điều kiện cụ thể, nghĩa là tác giả đạt được điều không thể làm được bằng tiếng mẹ đẻ không phải ở một thứ tiếng bất kỳ được chọn lựa ngẫu nhiên mà chỉ trong một ngôn ngữ nước ngoài nhất định, nên trường hợp ấy không thể chứng minh gì cho phương pháp dịch muốn cho thấy một người có thể viết như thế nào trong giả thiết bằng thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà anh ta đã viết trong thực tế. Trường hợp thứ hai liên quan đến việc đọc và viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài có vẻ nhiều hứa hẹn hơn. Ai dám coi khinh các vị triều thần, các vị người Đức lịch duyệt ấy mà phủ nhận rằng những bài diễn văn đẹp đẽ họ tuôn ra trên môi bằng đủ thứ tiếng nước ngoài được nảy nở trong chính thứ tiếng ấy chứ không phải là dịch lại trong đầu từ tiếng Đức hèn mọn của chúng ta? Cũng như khi họ nổi danh nói những lời tinh tế ngọt ngào bằng đủ mọi thứ tiếng, chắc hẳn họ cũng suy nghĩ bằng chính những thứ tiếng ấy dễ dàng như không, và người nào trong số họ chắc hẳn cũng biết chính xác đồng sự mình sẽ nói bằng tiếng Ý cái điều mình vừa nói bằng tiếng Pháp như thế nào. Nhưng những diễn văn ấy chắc chắn không nằm ở nơi suy nghĩ vụt vươn mình từ nhành rễ sâu xa của một ngôn ngữ, mà giống một cây cải xoong được kẻ khéo tay gieo trên tấm vải trắng không cần một hạt đất nào. Những diễn văn ấy không hiện thân cho tính trang nghiêm thần thánh hay những trò chơi thoải mái và chừng mực của ngôn ngữ; mà giống như khi con người khắp các đất nước đang sống lẫn với nhau theo cái cách trước đây chưa từng thấy, đâu đâu quanh ta cũng tìm thấy một cái chợ, những cuộc hội thoại này cũng là một cuộc thoại trong chợ, dù là chính trị, văn học hay thù tiếp xã giao, chúng hoàn toàn không thuộc về lãnh địa của người dịch mà đúng hơn là của thông ngôn. Nếu những lời kiểu này đan cài vào văn bản như đôi khi vẫn vậy, thứ văn bản chỉ để tiêu khiển trong cuộc đời nhẹ bẫng chứ không tiết lộ bất cứ điều gì sâu xa về cuộc hiện tồn hay khám phá bản sắc của một dân tộc nào, thì chúng có thể được dịch theo nguyên tắc ấy; nhưng chỉ kiểu văn bản như thế mới có thể viết nguyên bản bằng một thứ tiếng khác mà cũng chẳng khác gì. Nguyên tắc ấy không thể đi xa hơn những thứ như lời mở đầu hay lời giới thiệu cho những tác phẩm uyên thâm và xuất sắc hơn, là thứ thường xây dựng hoàn toàn trong giao đãi xã hội nhẹ nhàng. Khi dấu ấn của bản chất riêng một dân tộc, hay thậm chí có khi thêm cả dấu vết của thời gian, để lại càng rõ nét trên từng suy tưởng của một cá nhân thể hiện trong tác phẩm và trên kết nối giữa các suy tưởng ấy với nhau, thì nguyên tắc ấy càng mất đi ý nghĩa. Bởi mặc dù đúng là về nhiều mặt, chỉ khi có kiến thức về một vài ngôn ngữ, một người mới có thể đạt được học thức theo nghĩa nhất định và trở thành công dân toàn cầu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nếu không thể thừa nhận là công dân toàn cầu chân chính một người vào những thời khắc quan trọng lại lấy cớ đó để chối bỏ tình yêu tổ quốc, thì với ngôn ngữ cũng như vậy, thứ tình yêu sẵn sàng thay thế ngôn ngữ mẹ đẻ bằng bất cứ ngôn ngữ nào, dù cổ điển hay hiện đại, dù trong bối cảnh thường ngày hay cho những mục đích cao quý, thì chỉ là một tình yêu chung chung không thể coi là một tình yêu đích thực và có tính giáo dục. Con người cần phải trung thành với một ngôn ngữ, cũng như với một đất nước để không rơi vào cảnh bơ vơ lạc lõng giữa dòng. Việc tiếng Latin vẫn được sử dụng trong giao dịch chính thức cũng là điều hợp lý, để nhắc chúng ta đừng quên rằng đó là thứ tiếng mẹ đẻ mang tính khoa học thiêng liêng của tổ tiên chúng ta; cũng rất có ích là tiếng ấy vẫn tiếp tục được sử dụng trong cộng đồng khoa học châu Âu để tạo điều kiện giao tiếp trao đổi; nhưng ngay cả trong trường hợp ấy, hiệu quả chỉ có được nếu chủ đề tác phẩm là quan trọng, còn quan điểm tác giả hay cách nối kết trong suy tưởng chỉ là thứ yếu. Điều đó cũng đúng với các ngôn ngữ châu Âu gốc Latin. Ai phải viết ngôn ngữ ấy trong các văn bản chính thức đều nhận ra rằng, ý nghĩ đến với anh ta đầu tiên là bằng tiếng Đức: chỉ là anh ta đã dịch sang tiếng Latin từ khi ý nghĩ ấy mới đang ở giai đoạn phôi thai; và bất cứ ai hy sinh vì khoa học mà viết bằng ngôn ngữ khác sẽ thấy mình viết trôi chảy dễ dàng chứ không phải vừa viết vừa dịch trong đầu chỉ khi anh ta đắm mình trong chủ đề đang viết. Tất nhiên cũng có những người viết bằng tiếng Latin hay tiếng Pháp chỉ để giải trí, và nếu mục đích của hành động ấy đúng là luyện viết nguyên bản bằng ngoại ngữ thuần thục như bằng tiếng mẹ đẻ thì tôi không ngần ngại mà bảo rằng đó là một trò ảo thuật quái gở, giống như thuật song trùng, không những nhằm móc mỉa quy luật tự nhiên mà còn nhằm gây bối rối. Nhưng mục đích của họ hẳn nhiên không phải như vậy, hành động đó chỉ như một trò chơi bắt chước tao nhã cho phép người chơi dạo qua phòng chờ của khoa học và nghệ thuật trong giờ phút rảnh rỗi. Những gì một người viết ra bằng tiếng nước ngoài không phải nguyên bản mà chỉ là ký ức về một tác gia nào đó hoặc phong cách của một thời kỳ nào đó, mô tả một nhân dạng chung chung nào đó xuất hiện trước mắt tâm trí gần như một hình ảnh sống thực ở thế giới bên ngoài, và chính sự bắt chước hình ảnh ấy dẫn lối, quyết định những gì được viết ra. Hiếm điều gì được viết ra theo cách ấy lại có giá trị gì ngoài một bản bắt chước chính xác; niềm vui từ trò chơi ấy cũng hoàn toàn trong sáng vì người bị bắt chước có thể dễ dàng được nhận ra ở khắp sản phẩm bắt chước kia. Nhưng nếu có ai đi ngược lại tự nhiên và tập quán, từ bỏ tiếng mẹ đẻ mà hiến mình cho một ngôn ngữ khác, nếu anh ta có bảo không còn có thể tự do thoải mái dùng tiếng mẹ đẻ thì cũng không chắc đã là giả bộ màu mè hay móc máy gì; đó chỉ là cách anh ta cố tự minh chứng với mình rằng anh ta thực sự mang cái bản tính tự nhiên kỳ diệu đi ngược lại mọi quy luật và trật tự, và là lời khẳng định với những người khác rằng ít nhất anh ta cũng không phải kẻ song trùng như ma.

Tuy nhiên chúng ta đã dấn quá sâu vào vấn đề nằm ngoài mục đích của thảo luận này, như thể chúng ta đang bàn về những tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài chứ không phải về bản dịch của chúng. Thực ra sự việc là thế này. Nếu viết nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài một điều gì đó cần dịch và đáng dịch, theo cách ta hiểu về dịch thuật như một môn nghệ thuật, là điều không thể, hay ít nhất cũng phải được nhận ra là một ngoại lệ hiếm gặp và đẹp đẽ, thì không nên đặt ra quy tắc dịch thuật theo kiểu nghĩ xem tác giả sẽ viết thế nào nếu anh ta viết đúng những điều đó bằng ngôn ngữ của dịch giả; vì trên đời quá hiếm hoi những nhà văn song ngữ để ta đặt ra làm tấm gương cho người dịch noi theo; theo những gì đã nói ở trên, dịch giả không còn gì hơn ngoài trí tưởng tượng trợ giúp mình trong công việc dịch các tác phẩm không phải giải trí mua vui hay thuộc lĩnh vực kinh doanh. Có thể phản đối được gì nếu một dịch giả nói với độc giả của anh ta thế này: Đây tôi đem cho anh xem cuốn sách mà tác giả đã viết ra nếu anh ta viết bằng tiếng Đức, và rồi độc giả trả lời rằng: Tôi biết ơn lắm khi anh cho tôi xem tấm hình của tác giả nếu mẹ anh ta đã đẻ anh ta với một người bố khác? Vì nếu trong tất cả các tác phẩm thuộc về lãnh địa cao cả của khoa học và nghệ thuật, cá tính của tác giả là người mẹ thì ngôn ngữ bố đẻ của anh ta chính là người cha. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều sở hữu những thâm sâu bí hiểm mà không ai biết được, và người ta chỉ có thể vô tư thâu nhận phía này hay phía kia trong tinh thần đùa chơi.

Phương thức này chỉ có thể áp dụng rất hạn chế – thực tế là đối với việc dịch thì hầu như không thể – là một điều sẽ nhìn ra rõ ràng nhất khi xét đến những khó khăn chất chồng thường thấy trong một số nhánh nhỏ của khoa học và nghệ thuật. Phải thừa nhận rằng ngay trong cuộc sống hằng ngày, có rất ít từ ở ngôn ngữ này tương ứng hoàn toàn với một từ ở ngôn ngữ khác tới cái mức mà từ ấy có thể được dùng trong bất kỳ ngữ cảnh nào phù hợp với từ gốc, và trong mỗi ngữ cảnh đều mang đến hiệu quả giống hệt nhau; điều này càng đúng hơn khi những thuật ngữ càng mang chứa nội dung triết học, mà trên hết là trong ngành triết. Hơn bất cứ nơi đâu, chính trong lĩnh vực này mà mỗi ngôn ngữ – bất kể những quan điểm khác biệt đồng thời hay nối tiếp – đều mang trong nó một hệ thống khái niệm duy nhất, mà chính bởi các thành phần ấy kế tiếp nhau nên chúng kết nối, bổ sung cho nhau để trở thành một tổng thể trong ngôn ngữ này, nhưng lại không tương ứng với các thành phần trong những hệ thống tương tự của ngôn ngữ nào khác, có lẽ không loại trừ cả “Chúa” và “là”, danh từ tối thượng và động từ tối thượng. Vì ngay cả những điều phổ quát, nằm ngoài phạm vi của tính riêng lẻ, cũng vẫn được những cái riêng lẻ tô sắc điểm màu rọi sáng. Hệ thống ngôn ngữ ấy sắp gộp trí tuệ của từng cá nhân. Ai cũng rút ra từ vốn chung đó, ai cũng giúp đưa ra ánh sáng những điều vốn chưa hiện diện mà chỉ chớm phôi thai. Chỉ bằng cách ấy, trí tuệ cá nhân mới sống dậy và chi phối cuộc hiện tồn nhúng sâu trong thứ ngôn ngữ mẹ đẻ ấy của anh ta. Nếu dịch giả tác phẩm triết học ngần ngại không dám lái ngôn ngữ trong bản dịch của mình theo ngôn ngữ gốc tới chừng mực xa nhất có thể, để trình bày trọn vẹn nhất có thể hệ thống khái niệm trong ngôn ngữ gốc; nếu anh ta muốn tác giả nói như thể anh ta nguyên bản đã hình thành suy nghĩ và cấu tứ phát ngôn bằng một ngôn ngữ khác, thì đứng trước những khác biệt về các cấu phần giữa hai ngôn ngữ, người dịch còn có lựa chọn nào khác? Hoặc anh ta phải diễn đạt lại – dù cách này không thể giúp anh ta đạt được mục đích vì lời diễn đạt lại không thể và không bao giờ nghe như lời được viết nguyên bản bằng ngôn ngữ ấy – hoặc anh ta sẽ phải biến chuyển cả hệ thống kiến thức và trí tuệ của người kia sang hệ thống khái niệm của ngôn ngữ mới, nghĩa là biến đổi toàn bộ thành phần của nó, trường hợp này sẽ khó nhìn ra có cách nào giới hạn cho những lựa chọn tùy hứng đừng bay bổng. Có thể nói rằng bất cứ ai có lòng tôn trọng dù nhỏ nhất với những tham vọng triết học và chặng đường phát triển của triết học cũng sẽ không đánh liều phóng quá tay như vậy. Cứ để Plato[3] chịu trách nhiệm khi giờ đây tôi chuyển từ triết gia sang đám viết hài kịch. Về mặt ngôn ngữ, thể loại văn học này gần nhất với những đối thoại trong cuộc sống. Toàn bộ tác phẩm thuộc thể loại ấy sống dậy nhờ những thói tục của một thời đại, một dân tộc, và những thói tục này được phản chiếu sống động trong ngôn ngữ. Sự linh hoạt và tự nhiên trong phong thái là những ưu điểm chủ yếu, và cũng chính bởi nguyên nhân này mà việc dịch theo phương pháp đã đề cập ở trên gặp đầy rẫy khó khăn. Bất cứ cách tiếp cận nào đưa ngôn ngữ gần về phía tiếng nước ngoài đều sẽ gây hại cho những ưu điểm nói trên trong hình hài chúng mang trong tác phẩm. Nếu dịch giả muốn để kịch gia viết như thể anh ta đã viết nguyên bản bằng ngôn ngữ của bản dịch thì sẽ có nhiều điều anh ta không được phép nói, vì chúng không chôn nhau cắt rốn ở đất nước đó và do đó không có ký hiệu nào trong ngôn ngữ ấy dành cho chúng. Trong trường hợp này, người dịch sẽ phải cắt xén hoàn toàn một số đoạn và do đó phá hủy cấu trúc cũng như sức mạnh toàn thể của tác phẩm, hoặc anh ta sẽ phải đắp điếm vào đó thứ gì khác. Vậy thì trong lĩnh vực này, việc theo sát công thức dịch nói trên lại dẫn đến hoặc là bắt chước thuần túy hoặc thậm chí là sự hòa trộn hổ lốn xấu xí rõ mồn một giữa dịch thuật và bắt chước, khiến người đọc bị tung hứng khổ sở như quả bóng giữa thế giới của anh ta và thế giới ngoại quốc, giữa năng lực sáng tạo và trí tuệ của tác giả và sáng tạo, trí tuệ của dịch giả, sau cùng chắc chắn không mang lại cho anh ta chút niềm vui đọc nào mà chỉ là sự choáng váng, mệt mỏi. Ngược lại, người dịch tuân thủ nguyên tắc kia sẽ không bị bắt phải thực hiện những phép biến hình một chiều như thế, độc giả của anh ta sẽ luôn nhớ rằng tác giả sống trong một thế giới khác và viết bằng một thứ ngôn ngữ khác. Anh ta sẽ chỉ phải chú ý đến môn nghệ thuật ai cũng thừa nhận là khó khăn, là mang đến kiến thức về thế giới xa lạ kia bằng con đường nào ngắn nhất, phù hợp nhất, và để vẻ linh hoạt, tự nhiên trong ngôn ngữ gốc tỏa sáng khắp mọi nơi. Hai ví dụ trên từ hai thái cực của khoa học và nghệ thuật cho thấy mục tiêu đích thực của dịch thuật – niềm hứng thú trọn vẹn nhất có thể có khi đọc một tác phẩm nước ngoài – chẳng thể đạt được mấy phần bằng vào phương pháp dịch nhất định đòi thổi vào bản dịch tinh thần của một thứ ngôn ngữ xa lạ với nó. Hơn nữa, mỗi ngôn ngữ cũng có những đặc trưng riêng, gồm cả nhịp điệu cho văn xuôi cũng như thơ ca, và nếu ta muốn duy trì ảo tưởng rằng tác giả có thể viết bằng ngôn ngữ của người dịch thì ta cũng phải bắt anh ta xuất hiện trong thứ nhịp điệu của ngôn ngữ ấy, khiến tác phẩm của anh ta còn méo mó biến dạng hơn nữa và sẽ hạn chế hơn nữa nhận thức về phong cách riêng biệt của tác giả, là điều bản dịch cần phải giữ được.

Thực tế, ảo tưởng này, vốn là nền tảng duy nhất cho lý thuyết về người dịch đang bàn đến ở đây, còn đi xa hơn nhiều mục đích của thảo luận này. Đứng từ góc nhìn của phương pháp thứ nhất, dịch thuật là vấn đề đáp ứng nhu cầu của một dân tộc khi chỉ một bộ phận nhỏ tiếp cận được các ngôn ngữ nước ngoài, trong khi lại có rất nhiều người muốn đọc các tác phẩm nước ngoài. Nếu bộ phận muốn đọc kia nằm lọt trong nhóm biết ngôn ngữ, thì việc dịch sẽ trở nên vô nghĩa và hiếm ai lại chịu đảm nhận công việc không ai quý trọng ấy làm gì. Từ góc nhìn của phương pháp kia thì lại hoàn toàn khác, không hề liên quan gì đến nhu cầu mà chỉ là trò đùa chơi ngạo mạn. Ngay cả khi hiểu biết về ngôn ngữ nước ngoài được phổ biến rộng rãi và bất kỳ ai có khả năng đều dễ dàng tiếp cận được các kiệt tác trong số đó, thì dịch thuật vẫn là một công việc kỳ lạ thu hút quanh mình những độc giả càng tò mò thích thú nếu ai đó hứa hẹn sẽ giới thiệu tác phẩm của Cicero hay Plato như thể họ đã viết trực tiếp bằng tiếng Đức. Nếu ai đó có thể làm được điều ấy không chỉ trong tiếng mẹ đẻ của mình mà với cả ngôn ngữ nước ngoài, thì chúng ta chắc chắn có thể coi anh ta là bậc thầy của thứ nghệ thuật khó khăn hầu như bất khả là hòa trộn tinh thần các ngôn ngữ với nhau. Nhưng có thể thấy rằng, khắt khe mà nói thì kết quả ấy không phải bản dịch và mục đích của nó không phải mang đến niềm vui khi được thưởng ngoạn tác phẩm một cách chân xác nhất có thể; văn bản ấy ngày càng giống một bản bắt chước, và chỉ người nào trước đó đã trực tiếp biết về các tác giả ấy bằng một phương tiện nào khác mới có được niềm vui đọc một phiên bản sáng tạo – hay là chơi gian – như thế. Mục đích thực sự của cách làm ấy, nói riêng, có thể chỉ là hé lộ điểm tương đồng giữa các ngôn ngữ khác nhau thể hiện trong cách các diễn đạt và kết hợp từ cụ thể liên hệ với những đặc điểm chính yếu của từng ngôn ngữ, còn nói chung, là làm sáng tỏ ngôn ngữ của mình bằng tinh thần riêng biệt của bậc thầy một ngôn ngữ khác, nhưng người này đã bị cắt đứt xa lìa hoàn toàn với ngôn ngữ của anh ta. Bởi mục đích riêng kia chỉ là một trò tiêu khiển dễ chịu và khéo léo, còn mục đích chung kia dựa trên một ảo tưởng hầu như bất khả thực hiện, dễ hiểu vì sao phương pháp dịch này rất ít được áp dụng, nếu có cũng chỉ hạn hẹp trong các thử nghiệm mà chính chúng cho thấy rõ phương pháp này là bất khả thi ở quy mô lớn. Cũng có thể lý giải rằng chỉ những bậc thầy tài ba tự tin vào khả năng làm những việc phi thường mới có thể đi theo phương pháp này; mà cũng chỉ những ai đã làm tròn nghĩa vụ của mình với thế giới mới có thể cho phép bản thân đắm chìm trong trò giải trí hấp dẫn nhưng có phần nguy hiểm ấy. Cũng dễ hiểu khi những bậc thầy cảm thấy mình đủ khả năng làm những việc này ít nhiều xem nhẹ công việc của những dịch giả khác. Bởi họ tin rằng chỉ họ mới có thể làm thứ nghệ thuật tự do đẹp đẽ ấy, còn những dịch giả khác thì gần với thông ngôn hơn, dẫu rằng công việc của cả những bậc thầy ấy cũng nhằm đáp ứng một nhu cầu, dù có thể nói là nhu cầu ở đẳng cấp cao hơn. Đối với họ, những dịch giả bình thường kia cũng có vẻ đáng thương khi phải tốn bao công sức và tài năng không cần thiết cho một công việc thứ yếu chẳng được ai quý trọng. Vì lý do đó, lúc nào họ cũng sẵn lời khuyên rằng nên dùng cách diễn đạt lại khi nào có thể, như những thông ngôn vẫn dùng khi gặp tình huống khó khăn còn tranh cãi, thay vì dùng phương pháp dịch như vậy.

Rồi sao đây? Chúng ta có nên cùng chung quan điểm và nghe theo lời khuyên ấy? Người xưa rất ít khi dịch theo kiểu đích thực có thể coi là dịch này, và cả hầu hết người hiện đại, trước khó khăn mà dịch thuật đích thực bày ra trước mắt, cũng phải xuôi theo mà sử dụng đến cách diễn đạt lại hoặc bắt chước. Ai dám bảo rằng từng có thứ gì được dịch từ cổ ngữ hay một ngôn ngữ Giéc-manh sang tiếng Pháp! Nhưng người Đức chúng ta, dù có lẽ sẵn sàng nghe lời khuyên ấy, chẳng khi nào chúng ta lại làm theo. Cái nhu cầu nội tại mà qua đó một sứ mệnh đặc biệt của dân tộc ta đã tự thể hiện mình sáng rõ, đã khiến chúng ta dịch rất nhiều; không còn đường quay lại, chúng ta phải tiếp tục dấn bước. Như thể đất đai ta chỉ được màu mỡ hơn, khí hậu ta ôn hòa hơn nhờ cấy trồng những loài cây ngoại lai, chúng ta cũng cảm thấy ngôn ngữ ta, vốn vì cái chất thiếu máu của người Bắc Âu mà chẳng được tập luyện nhiều, chỉ có thể phát triển thêm lên sức mạnh của chính mình nhờ vào việc tiếp xúc thật nhiều với cái ngoại quốc. Và phải nói thêm rằng, dường như chính bởi lòng tôn trọng những gì ngoại lai và bản chất ưa làm trung gian của chính mình mà dân tộc ta đã được định mệnh trao cho sứ mệnh hợp nhất mọi viên đá quý của khoa học và nghệ thuật nước ngoài vào với những gì quý giá của mình trong ngôn ngữ của mình, hình thành nên một tổng thể lịch sử lớn lao sẽ được gìn giữ nơi trái tim châu Âu, để giờ đây, với sự trợ giúp của ngôn ngữ chúng ta, ai cũng có thể nhận được niềm vui từ những điều quý giá từ bao thời đại trôi qua đã truyền lại cho ta, tận hưởng nó thuần khiết và trọn vẹn nhất có thể đối với những độc giả xa lạ với thứ tiếng ấy. Thực thế, điều này dường như chính là mục tiêu lịch sử đích thực của dịch thuật xét về tổng thể, mà giờ đây đã trở thành bản địa xứ ta. Nhưng mục tiêu này chỉ đạt được bằng một phương pháp dịch duy nhất, là phương pháp đầu tiên nói đến ở trên. Nghệ thuật phải học cách chinh phục những khó khăn, mà chúng ta đã bàn đến không hề giấu giếm, đến mức nào có thể. Khởi đầu tuy tốt đẹp, vẫn còn rất nhiều việc phía trước. Còn phải trải qua nhiều thử nghiệm, rèn luyện nữa mới có thể mở lối cho một vài tác phẩm tinh xảo xuất hiện; nhiều điều ban đầu lấp lánh rực rỡ sẽ lại bị lu mờ bởi những gì đến sau. Các nghệ sĩ mỗi người đã phần nào vượt qua những khó khăn này, phần nào tránh được chúng ở mức độ nào, thì có thể thấy trong nhiều ví dụ. Ngay cả khi những người thiếu tài năng làm việc trong lĩnh vực này, chúng ta cũng không phải sợ rằng họ sẽ gây tổn hại gì đến tiếng nước mình qua sản phẩm của họ. Bởi trước tiên, cần khẳng định rằng với một ngôn ngữ mà việc dịch thuật được thực hành trên phạm vi rộng như vậy thì phải có một vùng của ngôn ngữ đó dành riêng cho dịch thuật, và ở đó được phép làm những điều không thể làm ở nơi nào khác. Ai mà bất chấp vẫn đem những điều mới lạ như vậy tùy ý đưa ra ươm trồng bên ngoài hẳn sẽ thấy không mấy ai học theo mình, và nếu chấp nhận không đóng sổ quá sớm, chúng ta có thể tin rằng quá trình đồng hóa trong ngôn ngữ sẽ loại bỏ hết những gì chỉ được đưa vào để phục vụ nhu cầu nhất thời mà không thích hợp với bản chất thực sự của ngôn ngữ đó. Mặt khác, chúng ta đừng quên rằng nhiều điều đẹp đẽ và mang sức mạnh to lớn trong ngôn ngữ của ta chính là đã được bồi đắp, hoặc khơi dậy từ quên lãng, chỉ nhờ dịch thuật. Chúng ta nói quá ít nhưng lại tán chuyện vô bổ quá nhiều, không thể phủ nhận rằng một thời gian dài vừa qua cả văn viết của ta cũng đi quá xa theo hướng ấy – và dịch thuật đóng góp một phần không hề nhỏ trong việc cổ xúy hình thành văn phong nghiêm ngặt hơn. Khi đến thời điểm chúng ta có một đời sống cộng đồng mang lại một mặt là xã hội giàu có hơn và tỉ mỉ hơn về ngôn ngữ, mặt khác là không gian tự do hơn cho các diễn giả tài năng, khi đó có lẽ ta sẽ ít cần hơn các bản dịch để ngôn ngữ được phát triển. Mong sao ngày đó sẽ đến trước khi chúng ta hoàn tất hành trình truân chuyên điểm qua những khó nhọc của dịch giả!

Thúy dịch

 

(Dịch từ bản tiếng Anh “On the Different Methods of Translating” của Susan Bernofsky in trong The Translation Studies Reader (in lần thứ ba, Routledge, 2012) do Lawrence Venuti biên tập, có tham khảo bản dịch tiếng Anh “On the Different Methods of Translating” của Waltraud Bartscht in trong Theories of Translation: An Anthology of Essays from Dryden to Derrida do John Biguenet vaf Rainer Schulte biên tập (University of Chicago Press, 1992))

[1] Đây nhìn chung là tình cảnh nước Đức vào thời mà Goethe đã nói rất văn vẻ rằng các bản dịch văn xuôi – và cả thơ ca diễn xuôi, là thứ dù ít dù nhiều luôn chỉ là diễn đạt lại – có lợi hơn cho việc giáo dục người trẻ, về điểm này thì tôi hoàn toàn đồng ý với ông; vì vào một thời đại như vậy, đọc văn học nước ngoài chỉ có thể hiểu được cốt lõi chứ chưa thể nắm bắt được tính nhạc hay thơ. Nhưng tôi không sao tin được rằng ngay cả vào thời nay bản dịch Homer của Voss hay bản dịch Shakespeare của Schelegel cũng chỉ được dùng như một món giải trí giữa các học giả với nhau; và càng không tin được rằng kể cả ngày nay bản dịch Homer ra văn xuôi lại giúp phát triển khả năng cảm nhận và tư duy thẩm mỹ; thay vào đó nên có những tác phẩm phóng tác dành cho trẻ em như của Becker, và cho người lớn dù già dù trẻ những bản dịch có vận luật mà, chắc chắn, chúng ta nào đã có bản nào đâu; ngoài hai thứ ấy, tôi chưa biết có gì khác ích lợi đáng để làm. (Chú thích của tác giả) Schleiermacher đang nói đến những nhận định của Goethe trong tác phẩm có tính tự truyện Thơ ca và sự thật. Johann Heinrich Voss (1751-1826) đã cho xuất bản bản dịch Iliad (1793) và Odyssey (1781) của Homer theo thể thơ sáu chân, một thành tựu vô tiền khoáng hậu trong tiếng Đức. Những bản dịch này ban đầu được ca ngợi rộng rãi, sau này chê bai, nhưng đều gây ra bàn luận sôi nổi. August Wilhelm Schlegel (1767-1845) đã dịch mười bảy vở kịch Shakespeare, mười sáu trong số đó trong giai đoạn từ 1796-1800. (Chú thích của Susan Bernofsky)

[2] Tác giả nhắc đến Frederick II nước Phổ (1712-1786) hay còn gọi là Frederick Đại Đế. Ông được nuôi dạy chỉ bằng tiếng Pháp theo ý nguyện của cha ông, Frederick William I, và trở thành một nhà thơ và triết gia vĩ đại. Voltaire là vị khách thường có mặt tại lâu đài Sanssouci của ông nằm ở ngoại ô Potsdam. (Chú thích của Susan Bernofsky)

[3] Schleiermacher có dịch toàn tập của Plato sang tiếng Đức, xuất bản trong khoảng từ năm 1804 đến 1828. (Chú thích của Susan Bernofsky)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: