
(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)
1.1 Tiếng Anh là loài xâm lấn
Dù những ước tính về số lượng người nói tiếng Anh không cho kết quả đồng nhất, nhưng 400 triệu thường là con số được dẫn ra để thống kê số người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong thống kê của nhà sinh thái ngôn ngữ học xứ Wales David Crystal, số người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cũng vào khoảng 400 triệu[1]. Khi hai con số đó được cộng vào số lượng khá mơ hồ hơn là những người đang học tiếng Anh và đã đạt mức năng lực tiếng Anh tối thiểu, tổng số vượt quá một tỷ người. Quả đúng là mọi người thường nghĩ rằng tiếng Trung Quan Thoại khi được xét là ngôn ngữ mẹ đẻ, sẽ là ngôn ngữ có số lượng người sử dụng lớn nhất trên Trái đất (cũng hơn một tỷ người), nhưng chính người Trung Quốc dường như không còn hài lòng với phạm vi ấy nữa. Trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh năm 2005, Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown đã dự đoán: “Trong 20 năm nữa, số lượng người nói tiếng Anh ở Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt quá số lượng người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ ở toàn bộ phần còn lại của thế giới.”[2]
Cho dẫu lời tiên đoán của ông Brown có thành sự thật hay không, thì rõ ràng là có rất nhiều yếu tố — từ sự mở rộng của Đế chế Anh, bắt đầu ngay sau khi Shakespeare viết vở kịch Richard II và tiếp tục diễn ra trong suốt các thế kỷ 17, 18 và 19, lẫn sự phát triển về công nghệ ở Mỹ đã mở đường cho Internet trở thành hiện thực — đã cùng nhau làm cho tiếng Anh trở thành thứ ngôn ngữ dường như không thể thiếu của sự toàn cầu hóa mà chúng ta đã biết và trải nghiệm ngày nay. Ngoài việc được sử dụng tại nơi chôn rau cắt rốn là Vương quốc Anh, tiếng Anh còn là ngôn ngữ chính của Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Ireland và hơn hai chục quốc gia khác, xa xôi đến cả Nigeria, Jamaica và Fiji. Và ở hàng chục quốc gia khác – chẳng hạn như Philippines, Ấn Độ và Nam Phi – tiếng Anh giữ một vai trò chính thức trong hoạt động của chính phủ cùng với một hoặc nhiều ngôn ngữ khác. Hơn 85% các tổ chức quốc tế trên thế giới sử dụng tiếng Anh là một trong các ngôn ngữ chính thức. Nhưng có lẽ thuyết phục hơn bất kỳ số liệu thống kê nào khác để chứng thực thực trạng và dự báo về sự phát triển trong tương lai của tiếng Anh chính là sự mở rộng gần đây của tiếng Anh với vai trò là ngôn ngữ thứ hai ở Liên minh châu Âu (EU). Năm 1999, nhà ngôn ngữ học người Anh David Graddol từng lưu ý rằng kể từ năm 1990, năng lực sử dụng tiếng Anh ở lục địa già đã tăng mạnh, đến mức hơn 100 triệu người, tức gần một phần ba dân số EU, sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai[3]. Phát hiện của Graddol rằng vào năm 1994, 10% dân số trên 55 tuổi của EU biết một ít tiếng Anh trong khi 55% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi biết ngôn ngữ này, chính là minh chứng hùng hồn về tương lai phát triển của tiếng Anh.
Vị thế hiện tại của Mỹ với tư cách là siêu cường kinh tế và quân sự của thế giới rõ ràng đã đóng vai trò trong việc củng cố vị trí toàn cầu của tiếng Anh, cũng như tạo nên sức hấp dẫn dường như vô hạn trên thị trường toàn cầu với các sản phẩm văn hóa của Mỹ. Tuy nhiên, như học giả người Anh Nicholas Ostler đã ghi chép một cách bao quát về “lịch sử ngôn ngữ của thế giới” trong cuốn Empires of the Word, không phải đế chế nào cũng thành công trong việc áp đặt ngôn ngữ của đế chế đó lên các khu vực mà nó thống trị, và chỉ riêng sức mạnh đế quốc Mỹ có thể là không đủ để giải thích sự phổ biến chưa từng có tiền lệ của tiếng Anh. Nhiều nhà ngôn ngữ học đã đưa ra giả thuyết rằng sức hấp dẫn ở quy mô toàn cầu này có thể liên quan đến các yếu tố nội tại của chính ngôn ngữ này — mà trước hết là tính đơn giản tương đối. Giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ và Luật tại đại học Nam California, Mỹ, tiến sĩ Edward Finegan từng viết: “Cách chia động hay danh từ tiếng Anh gọn gàng và tương đối dễ học so với những ngôn ngữ có biến thể hình thái từ phức tạp.”[4] Ông tiếp tục chỉ ra rằng ở Mỹ, trong số một trăm từ thường được viết ra nhất, có đến 88 từ đơn âm tiết. Mặt khác, khả năng hấp thụ khổng lồ của từ vựng tiếng Anh, điều xảy ra trong suốt lịch sử của ngôn ngữ này khi tiếng Anh không ngừng tiếp nhận từ vựng từ hàng trăm ngôn ngữ khác, cũng đã được xác định là một nguồn có thể lý giải cho sức mạnh của nó — một giả thuyết mà có lẽ nên khiến những người tìm cách bảo vệ các ngôn ngữ khác trước dòng chảy ồ ạt của các từ vựng tiếng Anh một khoảng dừng để suy ngẫm. Hơn nữa, nhiều nhà ngôn ngữ học đã phỏng đoán rằng có thể có một mối liên hệ thiết yếu giữa cấu trúc ngữ pháp Chủ thể-Động từ-Tân ngữ (SVO) – vốn là đặc trưng không chỉ của tiếng Anh mà còn của nhiều ngôn ngữ khác đang được sử dụng rộng rãi, chẳng hạn như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha — với các cơ chế xử lý cơ bản của não người. Theo lý thuyết này, các ngôn ngữ SVO vốn dĩ sẽ dễ xử lý hơn các loại ngôn ngữ khác, và do đó chúng trở nên hữu ích và hấp dẫn hơn với một lượng người sử dụng lớn hơn.
Tuy nhiên, lời giải thích rõ ràng nhất cho sức mạnh hiện tại của ngôn ngữ Anh vẫn nằm ở sức mạnh hiện tại của nước Mỹ. Nhà ngôn ngữ học và dịch giả Michael Henry Heim đã đưa ra một cách nghĩ khác về mối liên hệ đó với việc cho rằng sức hấp dẫn ở quy mô toàn cầu của ngôn ngữ và văn hóa Mỹ đến từ lịch sử của đất nước này[5]. Heim chỉ ra rằng sự hiện diện của các chủng tộc người đến từ khắp nơi trên thế giới — người châu Phi, người Mỹ bản địa, người nhập cư từ mọi ngóc ngách của châu Âu và châu Á — đã biến văn hóa nội tại của Mỹ ngay từ những ngày đầu lập quốc, thành “sự báo hiệu văn hóa toàn cầu, một nền văn hóa được toàn cầu hóa trước thời đại của nó”. Để có thể hòa trộn được bấy nhiêu con người, nước Mỹ đã phải phát triển nên một thứ văn hóa và ngôn ngữ chung – cái “chung” đó, như Heim than thở, không chỉ theo nghĩa dễ hiểu đối với tất cả mọi người, mà còn theo nghĩa những gì có thể hiểu được với mẫu số chung nhỏ nhất. Tuy nhiên, Ostler đưa ra một cách giải thích khác và ít mang tính quốc gia hơn, với tuyên bố rằng từ thời Cải cách cho đến nay, xét cả về mặt lịch sử và văn hóa, “tiếng Anh gắn liền với công cuộc làm giàu, sự thu thập của cải một cách có chủ đích, thường là bằng những kế hoạch chưa từng có và đầy sáng tạo. Công cuộc này đôi khi phải đấu tranh với lương tâm tôn giáo và công dân, cũng như những vinh quang của lòng yêu nước, nhưng ở phần lớn trường hợp đều đã có thể lôi kéo hai chiến tuyến về cùng một phía. Nói chung, thay vì là đối thủ, nó là đồng minh của tự do cá nhân. Trên tất cả, tiếng Anh đã luôn là một ngôn ngữ thế tục.”[6]
Trong bài diễn thuyết St. Jerome Lecture năm 2002 tại Hội trường Nữ hoàng Elizabeth ở London để tưởng nhớ cố nhà văn người Đức W. G. Sebald, nhà văn người Mỹ Susan Sontag đã suy ngẫm về số phận của nhiều người trẻ tuổi ở Ấn Độ làm việc trong các tổng đài “thuê ngoài” của IBM, American Express và các tập đoàn khổng lồ khác. Họ phải đương đầu với những câu hỏi bằng tiếng Anh từ người tiêu dùng ở Mỹ, những người đã gọi đến một số điện thoại miễn phí mà thường không nhận ra rằng cuộc gọi của họ đang được nối máy đến New Delhi, Bombay hoặc Bangalore[7]. Không chỉ phải có trình độ tiếng Anh gần như hoàn hảo, nhân viên tổng đài còn phải trở thành những kẻ giả danh thành thục, có thể giả mạo mọi khía cạnh liên quan đến danh tính để đầu dây bên kia qua điện thoại có thể nhận dạng được họ là một người “bình thường” sống ở Bắc Mỹ. “Những giọng nói vui vẻ này trước tiên phải trải qua huấn luyện cùng người hướng dẫn và băng ghi âm trong nhiều tháng để có được một giọng Mỹ trung bình dễ chịu (không phải là một người Mỹ có học thức), và học tiếng lóng Anh Mỹ cơ bản, các thành ngữ đời thường (bao gồm cả các thành ngữ trong vùng) cùng các kiến thức văn hóa đại chúng sơ đẳng (nhân vật truyền hình, cốt truyện và nhân vật chính của các bộ sitcom quan trọng, phim bom tấn mới nhất ở rạp chiếu phim, tỷ số các trận bóng chày và bóng rổ mới…), để nếu quá trình trao đổi với khách hàng ở Mỹ kéo dài, họ sẽ không ấp úng khi chuyện phiếm và có đủ cách để tiếp tục được tưởng là người Mỹ”. Nhiều người ở Mỹ, trong tâm trạng tràn ngập băn khoăn khi tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật, có thể làm chứng rằng không phải tất cả nhân viên tổng đài ở Ấn Độ đều hao tâm tổn sức đến vậy để mạo danh; chuyện gọi điện đến một tổng đài Ấn Độ và nhận ra rằng bạn đang nói chuyện với một người Ấn Độ không phải là điều bất khả thi. Tuy nhiên, rõ ràng là việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh mà Ấn Độ thừa hưởng như một phần di sản hỗn tạp từ lịch sử thuộc địa của đất nước này đã mang lại một lợi thế thực sự cho Ấn Độ trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Ở nhiều nơi trên thế giới, sự thịnh vượng mà việc biết tiếng Anh có thể mang lại đã được chú ý đến. “Nếu chúng tôi kết hợp kiến thức học thuật của mình với ngôn ngữ Anh, chúng tôi có thể làm công đoạn thuê ngoài ở đây, giống như Bangalore,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mông Cổ Puntsag Tsagaan nói với New York Times vào đầu năm 2005 – không lâu sau khi chính phủ mới đắc cử của Mông Cổ tuyên bố loại bỏ bảng chữ cái Kirin kế thừa từ khi bị Liên Xô thống trị và biến Mông Cổ trở thành một quốc gia song ngữ, với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Hàn Quốc đã chi rất nhiều tiền để thành lập sáu “làng tiếng Anh” là nơi sinh sống chủ yếu của những người nói tiếng Anh bản ngữ. Đây chính là nơi sinh viên phải trả tiền để có được trải nghiệm đắm chìm hoàn toàn trong ngôn ngữ. Trong khi đó, viện dẫn mô hình mẫu là Hà Lan và các quốc gia Scandinavia, nơi chế độ song ngữ với tiếng Anh gần như là phổ cập, Chile đã bắt tay vào kế hoạch biến mình thành quốc gia song ngữ với tiếng Anh chỉ trong vòng một thế hệ[8]. Với tên gọi “Tiếng Anh mở ra nhiều cánh cửa”, chương trình của chính phủ Chile được giới thiệu vào năm 2003, đưa tiếng Anh thành môn bắt buộc từ lớp 5 trở đi và tìm cách đảm bảo rằng tất cả học sinh tốt nghiệp đều có trình độ tiếng Anh cơ bản khá[9]. Tiếng Tây Ban Nha, giống như tiếng Trung, nằm trong số 5 ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, và đó là chỉ số quan trọng hơn nữa về sự thống trị toàn cầu của tiếng Anh, rằng nó đã trở nên cần thiết không chỉ đối với những người nói ngôn ngữ không phổ biến, mà còn đối với những người nói các ngôn ngữ chính trên thế giới. Trái ngược một cách đau đớn với động lực sử dụng song ngữ của người Chile là phong trào “chỉ nói tiếng Anh” ở Mỹ, nơi một nhóm người ầm ĩ theo chủ nghĩa dân tộc háo hức tuyên bố rằng tiếng Anh đang bị đe dọa bởi các cộng đồng thiểu số nói các thứ tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung hoặc các ngôn ngữ khác, ở Mỹ[10].
Bản thân song ngữ không phải là mối đe dọa đối với sự tồn tại của một ngôn ngữ, dù những người theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa nói gì; có thể viện dẫn nhiều ví dụ về các xã hội thường sử dụng đa ngôn ngữ, trong đó các thành viên dễ dàng chuyển đổi giữa nhiều loại ngôn ngữ trong nhiều thế kỷ. Ấy thế mà giờ đây một điều gì đó đang đe dọa sự tồn tại của các ngôn ngữ trên toàn cầu ở một mức độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Để giải thích tình huống này, các giả định tiêu chuẩn thời hậu thuộc địa về sự thống trị chính trị và ngôn ngữ có thể trở nên không hữu ích bằng một mô hình mới đang nổi lên từ thế giới tự nhiên. Ngôn ngữ sinh thái học, lĩnh vực mới nổi lên để ứng phó với cuộc khủng hoảng này, sử dụng các phép ẩn dụ từ sinh học thay vì chính trị, và nghiên cứu các cộng đồng ngôn ngữ thay vì các quốc gia dân tộc. Đối với các nhà ngôn ngữ sinh thái học, hệ thống ngôn ngữ của con người trên toàn cầu được tiếp cận tốt nhất khi được xem như một hệ sinh thái — và là một hệ sinh thái đang gặp nguy hiểm trầm trọng bởi trong đó có một nửa số loài đang bị đe dọa. Theo báo cáo của David Crystal, trong số 6.000 ngôn ngữ đang tồn tại, có đến một nửa sẽ biến mất trong thế kỷ tới. “Hóa ra, 96% ngôn ngữ trên thế giới được chỉ 4% dân số thế giới sử dụng”, ông viết[11]. Chỉ có 600 ngôn ngữ trên thế giới hiện không gặp nguy hiểm[12].
Cuộc khủng hoảng này đã làm dấy lên rất nhiều mối quan ngại trong các cộng đồng sử dụng các ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm, giữa các nhà ngôn ngữ học và trong một số tổ chức quốc tế nhất định. Hiệp hội Nhà văn PEN Quốc tế và Cộng đồng Quyền Ngôn ngữ và Dịch thuật của hiệp hội tự hào là một trong những lực lượng chính đứng đằng sau “Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền ngôn ngữ” năm 1996 — còn được gọi là “Tuyên ngôn Barcelona” theo tên thành phố nơi tuyên ngôn được ký kết — lấy hình mẫu là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, tìm cách “khuyến khích việc tạo ra một khuôn khổ chính trị cho sự đa dạng ngôn ngữ, dựa trên sự tôn trọng, cùng tồn tại hài hòa và cùng có lợi”[13].
Dù những sáng kiến như vậy rất có giá trị nhưng chúng lại chỉ tạo nên những tác động nhỏ đến quần thể nói chung, cụ thể là trong thế giới nói tiếng Anh. Ngôn ngữ thường được thừa nhận là thành tựu vĩ đại nhất của loài người và mỗi ngôn ngữ là hiện thân của nhận thức và trải nghiệm độc đáo của cộng đồng người về thế giới, tất cả những điều đó sẽ mất đi vĩnh viễn khi ngôn ngữ bị mất đi. Dẫu vậy, mọi người lại luôn sốt sắng với việc bảo tồn các loài động vật hoặc tranh, tượng và các tòa nhà hơn là bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc khác. Người Hy Lạp tạo ra từ barbaros – “man rợ” — để chỉ tất cả những người không nói tiếng Hy Lạp, và ngôn ngữ của họ bị người Hy Lạp coi là một thứ nói lắp đơn lẻ, chưa phân hoá, không mạch lạc: một tiếng “lảm nhảm”. Có vẻ sẽ luôn luôn đúng khi nói rằng hầu hết mọi người đều sẽ rất chật vật trong việc đánh giá những ngôn ngữ mà bản thân họ không sử dụng. Sự lung linh phức tạp vô cùng của thứ logic, tính nhạc, sự ám chỉ, truyền thống và đặc tính tạo nên một ngôn ngữ cho chính người nói ngôn ngữ đó, khi nhìn từ bên ngoài thì thuần túy vô nghĩa hoặc tệ hơn nữa, là mật mã không thể giải của kẻ thù. Các thần thoại trong nhiều nền văn hóa coi sự đa dạng ngôn ngữ như một hình phạt và mô tả một vũ trụ bình dị thời tiền Babel chỉ có một đơn ngữ và hòa bình. Những huyền thoại như vậy vẫn giữ được sức ảnh hưởng của chúng. “Hầu hết mọi người vẫn chưa phát triển lương tâm ngôn ngữ”, Crystal đưa ra một lưu ý quá đúng.
Không thể đổ lỗi cái chết của một nửa số ngôn ngữ trên thế giới cho riêng sự trỗi dậy của tiếng Anh, bởi trên toàn cầu, nhiều ngôn ngữ có sự truyền bá rộng rãi như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Ả Rập đã thay thế các ngôn ngữ nhỏ hơn ở địa phương. Tuy nhiên, trong lịch sử ngôn ngữ của loài người chưa bao giờ có một sự phát triển vượt bậc như sự phát triển của tiếng Anh hiện nay, và không thể nói trước được rằng sự phát triển đó có thể dẫn đến đâu. “Liệu sự ảnh hưởng của tiếng Anh có mạnh mẽ đến mức ngôn ngữ này sẽ thay đổi vĩnh viễn đặc tính của tất cả các ngôn ngữ khác không? Và liệu tiếng Anh có thể một tay giết chết sạch các ngôn ngữ khác hay không? Một thế giới nơi chỉ còn lại một ngôn ngữ – một thảm họa trí tuệ sinh thái với quy mô chưa từng có – là viễn cảnh xét về lý thuyết có thể xảy ra trong vòng 500 năm”, Crystal cảnh báo.
Dự báo này có vẻ không quá mang tính đe dọa như các mối đe dọa mang tính tức thời khác đối với hành tinh, chẳng hạn như sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, khi chúng ta di chuyển cuộc thảo luận về vấn đề này từ thế giới chúng ta đang sống sang thế giới văn học, thì chốn phản địa đàng đơn ngữ mà nhiều người vẫn lo ngại trước sự biến mất của các ngôn ngữ, lại gần chúng ta hơn đáng kể. Khi nói đến văn học, việc quan sát thứ ngôn ngữ toàn cầu này thực sự hành xử như một loài xâm lấn hơn là một ngôn ngữ phổ thông, chống lại và thay thế bất cứ điều gì không được viết bằng ngôn ngữ của nó, phát ngôn bằng những giọng lấn át nhất nhưng lại thất bại trong việc thật sự lắng nghe bất cứ điều gì được phát biểu bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác, là một trải nghiệm thực sự đau đớn. Phần mở đầu của Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền ngôn ngữ kêu gọi “sự tôn trọng dành cho sự cân bằng sinh thái của các xã hội và dành cho các mối quan hệ bình đẳng giữa tất cả các ngôn ngữ và nền văn hóa”. Nhưng khi sức mạnh toàn cầu của tiếng Anh tăng lên theo năm tháng, sự bất bình đẳng trong mối quan hệ của nó với các ngôn ngữ khác ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Trong một báo cáo được trình bày tại một cuộc họp gần đây của PEN Quốc tế, nhà văn người Slovenia Andrej Blatnik đã hỏi: “Xuất khẩu đi đâu? Ở Anh, chỉ 2% sách trên thị trường là sách dịch, ở Mỹ là 3%. Nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ là 40%, ở Slovenia là 70%. Chỉ khi tiếng nói của ai đó khác được nghe thấy thì ‘sự lựa chọn tự do’ mới có thể bắt đầu. Ai thua từ những số liệu thống kê này? Những người không có quyền lựa chọn hay những người không thể được lựa chọn?”[14]
1.2 Văn học Thế giới và tiếng Anh
Đã từ lâu, các tác giả văn học cố gắng giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc của ranh giới quốc gia và ngôn ngữ mà tham gia vào một cuộc trò chuyện toàn cầu mà ở đó không có những giới hạn về chính trị, ngôn ngữ, địa lý hoặc thời gian. Đối với nhiều người, nỗ lực này xuất phát từ ý nghĩa trọng tâm của từ “văn học”. Năm 1827, Geothe từng nhận xét với người thư ký trẻ tuổi của ông là Eckermann rằng, “Văn học quốc gia hiện nay là một thuật ngữ khá vô nghĩa: kỷ nguyên văn học thế giới đang ở trong tầm tay, và mọi người phải cố gắng đẩy nó đến nhanh hơn.”[15]
Tính đa ngôn ngữ là một thành phần thiết yếu của ý tưởng về văn học này. Các học giả văn học có tiếng là thấy khó chấp nhận ý tưởng này, nhưng nếu có một điểm đồng quy quan điểm của họ thì đó là tầm quan trọng cốt yếu của sự luân chuyển giữa các ngôn ngữ đối với văn học. Theo nhà lý luận văn học người Nga Mikhail Bakhtin, “polyglossia” – thuật ngữ ông dùng để chỉ sự tương tác của các ngôn ngữ – là nền tảng cho nguồn gốc của chính tư duy văn học, và đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thể loại hỗn tạp nhất trong các thể loại hiện đại, là tiểu thuyết: “Chỉ polyglossia mới hoàn toàn giải phóng ý thức khỏi sự chuyên chế của ngôn ngữ riêng của nó… ”[16] Các nhà phê bình khác từ Raymond Williams đến Jorge Luis Borges đã có những cách nói khác, nhưng tất cả đều đồng ý rằng sự lưu thông giữa các ngôn ngữ thông qua dịch thuật chính là huyết mạch của văn học. Goethe tiếp tục nói với Eckermann: “Nếu chỉ còn lại một mình, khi không được làm tươi mới bằng sự quan tâm và đóng góp của một nền văn học nước ngoài, mọi nền văn học sẽ cạn kiệt sức sống”[17].
Sự chuyển động như vậy giữa các ngôn ngữ phải phụ thuộc vào dịch thuật và công việc của các dịch giả. Cho dù một hệ thống giáo dục cụ thể có thành công đến đâu trong việc thúc đẩy khả năng đa ngữ, thì vẫn rất ít người có thể thông thạo ba hoặc bốn ngôn ngữ trong cuộc đời của họ, ít hơn nhiều so với con số khoảng 600 ngôn ngữ hiện chưa bị đe dọa, hoặc 3.000 ngôn ngữ được dự đoán sẽ sống sót sau cuộc đại tuyệt chủng đương đại, vì vậy bất kỳ sự chống chế rào trước đón sau nào cho việc đọc văn chương bằng thứ ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ gốc mà tác phẩm đó được viết ra, đều là cực kỳ lầm lạc. Thái độ, sự ủng hộ và quan tâm dành cho dịch thuật trong một cộng đồng văn học nhất định là một chỉ số quan trọng cho thấy sự sẵn sàng của cộng đồng đó đối với những gì mà nhà phê bình văn học người Pháp Pascale Casanova trong một cuốn sách quan trọng gần đây, đã gọi là La république mondiale des lettres[18]. Thay vì sinh học, Casanova tạo nên các phép ẩn dụ từ kinh tế học: theo quan điểm của bà, mỗi ngôn ngữ là một loại tiền tệ và những loại tiền này rõ ràng có những giá trị rất khác nhau trên thị trường văn học toàn cầu. Bà là một trong những nhà phê bình văn học đầu tiên đề cập đầy đủ, từ góc độ ngôn ngữ, “địa vị bất bình đẳng của những người chơi trong cuộc chơi văn học và các cơ chế thống trị cụ thể được thể hiện trong đó”[19].
Bởi vì có vị thế là ngôn ngữ toàn cầu, ngôn ngữ thứ hai được lựa chọn trên khắp hành tinh, nên tình hình của tiếng Anh trong nền kinh tế ngôn ngữ toàn cầu này hay Cộng hòa Văn học Thế giới, không giống với tình trạng của bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Khi một tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, nó không chỉ đơn giản là tiếp cận lượng độc giả là người bản ngữ — mà nó tiếp cận lượng độc giả toàn cầu. Do đó, một tác phẩm khi được dịch sang tiếng Anh có cơ hội lớn hơn trong việc được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Và ngay cả khi không có bản dịch sau đó, một tác phẩm được viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh sẽ có cơ hội xâm nhập vào thị trường sách lớn nhất trên toàn cầu và có thể được nhiều người thuộc các nền tảng ngôn ngữ, quốc gia và văn hóa khác nhau đọc hơn một tác phẩm được viết hoặc dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Tiếng Anh là loại tiền tệ ngôn ngữ mạnh nhất trên thế giới. Do đó, vấn đề dịch sang tiếng Anh không chỉ ảnh hưởng đến thế giới nói tiếng Anh mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền văn học thế giới. Chính Pascale Casanova đã mạnh mẽ thừa nhận điều này trong phần giới thiệu ở bản dịch tiếng Anh cuốn sách của mình: “Tôi lấy làm vui vì cuốn sách này, với mục tiêu mở đầu một nền phê bình văn học quốc tế, nên được quốc tế hóa chính nó thông qua bản dịch sang tiếng Anh. Bằng cách này, các giả thuyết của nó sẽ có thể được xem xét kỹ lưỡng theo cách thực tế, và các định đề của nó sẽ được tranh luận ở cấp độ thực sự xuyên quốc gia, bởi các tác nhân khác nhau trong không gian văn học quốc tế”[20]. Mặc dù không dụng đến nhiều lời, nhưng ý tứ của Casanova rất rõ ràng: chỉ tiếng Anh mới có thể giúp những người muốn tiếp cận với “cấp độ tranh luận thực sự xuyên quốc gia” đạt được nó.
Từ quan điểm này, có thể thấy sự thất bại nghiêm trọng thường được chỉ ra của tiếng Anh trong việc tiếp nhận các tác phẩm văn học từ các ngôn ngữ khác thông qua dịch thuật càng trở nên đáng lưu tâm hơn. Sự thờ ơ của tiếng Anh đối với dịch thuật không chỉ là một vấn đề đối với những người nói tiếng Anh bản ngữ, những người vì sự thờ ơ đó mà tự tước đi khả năng tiếp xúc với thế giới không nói tiếng Anh. Nó cũng là rào cản đối với diễn ngôn toàn cầu, ảnh hưởng đến các nhà văn trong mọi ngôn ngữ, và đóng vai trò là thêm một phương tiện nữa để tiếng Anh củng cố quyền lực của nó bằng cách tự coi mình là phương thức toàn cầu hóa duy nhất. Đối với những người vẫn quan tâm đến văn học như chúng ta, mối đe dọa như vậy là một mối đe dọa đáng sợ. Nếu văn học thế giới, theo nghĩa của thuật ngữ được Goethe sử dụng, chứa đựng toàn, hoặc thậm chí chủ yếu, văn học viết bằng tiếng Anh, thì liệu có thực sự còn tồn tại thứ gọi là văn học thế giới nữa không?
Một thái độ chống toàn cầu hóa quá xốc nổi quá thường xuyên được bắt gặp trong các trường đại học ở thế giới nói tiếng Anh, coi tiếng Anh là nguyên nhân gây ra tình trạng này và coi những người dịch sang hoặc từ tiếng Anh là các tác nhân cho sự bá quyền đế quốc của ngôn ngữ này. Kiểu suy nghĩ này còn tệ hơn cả ngớ ngẩn – nó tiềm tàng sự nguy hại cực đoan. Vấn đề thực sự không nằm ở bản thân tiếng Anh, hay phạm vi toàn cầu của ngôn ngữ này, mà là các nguồn lực văn hóa bên trong ngôn ngữ chống lại dịch thuật. Khó khăn khi giao tiếp giữa các ngôn ngữ — điều mà Chủ tịch PEN Quốc tế Jiri Grusa đã gọi là “nỗi đau của giao tiếp” — là điều mà thế giới nói tiếng Anh đã né tránh khá thành công: duy trì chỉ dùng mỗi một ngôn ngữ và để phần còn lại của thế giới học ngôn ngữ của bạn dễ dàng và thiết thực hơn rất nhiều so với việc phải gánh lấy mọi rắc rối, nỗ lực và chi phí liên quan đến việc dùng đa ngôn ngữ và dịch thuật. Không hề là các tác nhân cho sự bá quyền đế quốc của tiếng Anh, các dịch giả dịch sang và từ tiếng Anh đã nhận vào mình phần khó khăn của sự đa dạng ngôn ngữ, và theo cách đó giúp mọi người có thể tiếp tục đọc và viết ngôn ngữ của chính họ mà không đánh mất sự tiếp cận với phần lớn cuộc trò chuyện trên toàn cầu hiện đang diễn ra với tiếng Anh. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ chung toàn cầu như một phương tiện để kết nối các ngôn ngữ khác nhau thay vì một sự thay thế cho tất cả các ngôn ngữ khác, các dịch giả đang giúp giải quyết vấn đề tiếng Anh thống trị thế giới, thay vì giúp duy trì nó.
Khó khăn trong việc tìm kiếm các số liệu đáng tin cậy về những nội dung được dịch sang và từ tiếng Anh là biểu hiện của những trở ngại mà việc dịch văn học bằng tiếng Anh gặp phải. Ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, các hiệu sách và phê bình sách xoay quanh hai thể loại — các tác phẩm được sản xuất trong nước và các tác phẩm được nhập khẩu từ các ngôn ngữ và nền văn hóa khác. Và, như các nghiên cứu điển hình và phản hồi khác nhau từ các Trung tâm PEN trên khắp thế giới được đưa vào báo cáo này sẽ chứng thực, nhiều chính phủ có các cơ quan theo dõi chặt chẽ số lượng sách của nước họ được dịch sang các ngôn ngữ khác cũng như số lượng sách được dịch sang ngôn ngữ của họ. Ngược lại, các quốc gia nói tiếng Anh lớn ngày càng có xu hướng phớt lờ hoàn phân khúc sách không được sáng tác bằng tiếng Anh. Bowker, nhà thu thập số liệu thống kê chính về ngành xuất bản ở Mỹ, đã ngừng xuất bản số liệu thống kê về dịch thuật khi chuyển từ cơ sở dữ liệu này sang cơ sở dữ liệu khác vào năm 2000. Có nghĩa là, Bowker tiếp tục xuất bản số liệu về sách thiếu nhi, kinh tế học gia đình, tôn giáo, thể thao và du lịch — nhưng không còn lưu ý đến việc cuốn sách nào không có nguồn gốc tiếng Anh[21].
Dẫu vậy, một bản tin do Bowker phát hành vào tháng 10/2005 có bóng gió đến vấn đề dịch thuật[22]. Theo báo cáo đó, tổng số số sách mới được xuất bản bằng tiếng Anh trên toàn thế giới trong năm 2004 là 375.000 — một con số khá làm thoái chí độc giả, con số này chắc chắn lớn hơn nhiều so với số sách được xuất bản bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Báo cáo nêu rõ: “Các quốc gia nói tiếng Anh vẫn tương đối không thích các bản dịch sang tiếng Anh từ các ngôn ngữ khác. Tổng cộng, chỉ có 14.440 bản dịch mới trong năm 2004, chiếm hơn 3% tổng số sách đang bán ra trên thị trường. 4.982 bản dịch đang bán ra ở Mỹ là con số lớn nhất trong thế giới nói tiếng Anh, nhưng chưa bằng một nửa trong tổng số 12.197 bản dịch được báo cáo ở Ý vào năm 2002 và nhiều hơn chưa đến 400 bản dịch so với con số 4.602 bản được báo cáo ở Cộng hòa Séc vào năm 2003. Gần ba phần tư tổng số sách được dịch sang tiếng Anh từ các ngôn ngữ khác trong năm ngoái là sách phi hư cấu”. Tính minh hoạ của những con số này trở nên sinh động hơn khi chúng ta nhớ rằng trong khi dân số Ý là 55 triệu người và Cộng hòa Séc chỉ có 10 triệu dân, thì số người sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ mẹ đẻ là gần 400 triệu người.
Mặc dù con số 3% tổng số sách được xuất bản đã là đáng báo động, nhưng tình hình thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều so với con số thống kê đó. Phần lớn các bản dịch được đưa vào danh mục này là các tác phẩm phi hư cấu có tính chất phi văn học (sách hướng dẫn sử dụng máy tính, v.v.), và trong khi các dạng trao đổi như vậy chắc chắn có giá trị, khi các số liệu dành cho thế giới văn học được xem xét riêng biệt, một bức tranh rõ nét hơn xuất hiện. Năm 2004, tổng số đầu sách văn học và tiểu thuyết dịch dành cho người lớn được xuất bản ở Mỹ là 874[23]. Và thậm chí con số đó còn gây hiểu nhầm. Một nghiên cứu năm 1999 về dịch thuật của Quỹ Hỗ trợ Nghệ thuật Quốc gia Mỹ (NEA) đã thu thập số liệu từ các bài phê bình được đăng trên tất cả các tạp chí văn học của Mỹ, bất kể lớn nhỏ. Nghiên cứu của NEA cho thấy trong tổng số 12.828 tác phẩm tiểu thuyết và thơ được xuất bản ở Mỹ vào năm 1999 (theo báo cáo của Bowker), chỉ có 297 tác phẩm là bản dịch — tức là, chỉ hơn 2% tổng số tiểu thuyết và thơ được xuất bản, và kém xa 1% tổng số sách đã xuất bản. Việc xem xét kỹ hơn 297 tựa sách đó cho thấy danh sách bao gồm nhiều bản dịch mới của các tác phẩm kinh điển. Trong khi những bản dịch lại như vậy chiếm giữ một khía cạnh quan trọng không phải bàn cãi của văn hóa văn học, chúng ta sẽ phải loại trừ các bản Homer, Tolstoy và Stendhal mới được dịch ra khỏi tổng số bản dịch đã xuất bản để có được bức tranh chân thực về mức độ khó khăn đầy áp đảo mà bất kỳ cây bút văn học nào đang sống và không sáng tác bằng tiếng Anh phải đương đầu để có tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Anh.
Trong cuốn Sự vô hình của người dịch, xuất bản năm 1995, Lawrence Venuti nhận thấy rằng từ những năm 1950 trở đi, tỷ lệ sách dịch ở Mỹ tính trung bình chiếm 2%-4% tổng số sách được xuất bản mỗi năm và đột ngột tăng lên 6%-7% trong những năm 1960[24]. Sự trỗi dậy đó chứng thực quan điểm của nhà văn xứ cờ hoa Eliot Weinberger rằng Mỹ quan tâm nhất đến văn học dịch trong thời kỳ hình thành văn hóa hậu thuộc địa vào thế kỷ 19, và trong những thời kỳ bất mãn tràn lan sau đó với nền văn hóa và chính phủ Mỹ như những năm 1960 và có lẽ là cả thời điểm hiện tại.
Các khía cạnh thực sự đáng báo động của vấn đề xuất hiện rõ ràng và nổi bật nhất trong một nghiên cứu được Trung tâm Văn hóa Sách xuất bản vào tháng 7/2006. Nghiên cứu chỉ tập trung vào tiểu thuyết, từ thời kỳ chủ nghĩa hiện đại đến nay, loại trừ các bản dịch lại và tuyển tập, tập hợp số liệu trong 5 năm trước đó, và sau đó chia nhỏ thành từng quốc gia. Bản nghiên cứu chỉ ra rõ ràng là ngay cả với các văn sĩ ở các nền văn hóa văn học phát triển mạnh mẽ như Argentina, khả năng có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh gần như là vô vọng: trong số hàng trăm nhà văn cư trú trong môi trường văn học sôi động của đất nước này, chưa đầy một nhà văn mỗi năm (và không nhất thiết là một nhà văn còn sống) sẽ nhìn thấy một trong những cuốn sách của họ được dịch sang tiếng Anh[25].
Sách hư cấu dịch được xuất bản ở Mỹ trong năm 2000-2006
Nước: ngôn ngữ | Được dịch sang tiếng Anh trong 6 năm qua | Bình quân mỗi năm |
Albania: Tiếng Albania | 3 | 0,5 |
Argentina: Tiếng Tây Ban Nha | 5 | 0,8 |
Bỉ: Tiếng Flemish | 1 | 0,2 |
Bosnia & Herzegovina: Tiếng Bosnia | 1 | 0,2 |
Brazil: Tiếng Bồ Đào Nha | 7 | 1,2 |
Bulgaria: Tiếng Bulgaria | 1 | 0,2 |
Chile: Tiếng Tây Ban Nha | 6 | 1,0 |
Croatia: Tiếng Croatia | 6 | 1,0 |
Cuba: Tiếng Tây Ban Nha | 12 | 2,0 |
Cộng hoà Czech: Tiếng Czech | 12 | 2,0 |
Đan Mạch: Tiếng Đan Mạch | 5 | 0,8 |
Ecuador: Tiếng Tây Ban Nha | 1 | 0,2 |
Estonia: Tiếng Estonia | 1 | 0,2 |
Phần Lan: Tiếng Phần Lan | 1 | 0,2 |
Pháp: Tiếng Pháp | 52 | 8,7 |
Đức/Áo/Thụy Sĩ: Tiếng Đức | 36 | 6,0 |
Hy Lạp: Tiếng Hy Lạp | 8 | 1,3 |
Hungary: Tiếng Hungary | 7 | 1,2 |
Iceland: Tiếng Iceland | 1 | 0,2 |
Italia: Tiếng Italia | 39 | 6,5 |
Latvia: Tiếng Latvia | 0 | 0 |
Lithuania: Tiếng Lithuania | 1 | 0,2 |
Macedonia: Tiếng Macedonia | 1 | 0,2 |
Mexico: Tiếng Tây Ban Nha | 8 | 1,3 |
Hà Lan: Tiếng Hà Lan | 18 | 3,0 |
Na Uy: Tiếng Na Uy | 12 | 2,0 |
Peru: Tiếng Tây Ban Nha | 2 | 0,3 |
Ba Lan: Tiếng Ba Lan | 13 | 2,6 |
Bồ Đào Nha: Tiếng Bồ Đào Nha | 6 | 1,0 |
Romania: Tiếng Romania | 3 | 0,5 |
Nga: Tiếng Nga | 29 | 4,8 |
Serbia and Montenegro: Tiếng Serbia | 8 | 1,3 |
Slovakia: Tiếng Slovakia | 1 | 0,2 |
Slovenia: Tiếng Slovenia | 2 | 0,3 |
Tây Ban Nha: Tiếng Catalan | 2 | 0,3 |
Tây Ban Nha: Tiếng Tây Ban Nha | 12 | 2 |
Thuỵ Điển: Tiếng Thuỵ Điển | 7 | 1,2 |
Thổ Nhĩ Kỳ: Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ | 6 | 1,0 |
Uruguay: Tiếng Tây Ban Nha | 4 | 0,7 |
Nguồn: Trung tâm Văn hóa Sách,
http://www.centerforbookculture.org/context/no19/translations_5.html
Nguồn thông tin đầy đủ nhất về dịch văn học sang tiếng Anh[26] là tạp chí Annotated Books Received (ABR), có thể tham khảo trực tuyến tại địa chỉ www.texttranslators.org/abr.html. Được Hiệp hội Dịch giả Văn học Mỹ (ALTA) và Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật tại Đại học Texas ở Dallas xuất bản, tạp chí Annotated Books Received ra đời vào năm 1983 với vai trò là một phần trong tạp chí học thuật Translation Review (Phê bình dịch thuật) của ALTA, có nhiệm vụ liệt kê các bản dịch văn học thuộc mọi thể loại từ bất kỳ ngôn ngữ nào sang tiếng Anh được xuất bản trong năm trước. Năm 1994, ALTA bắt đầu xuất bản danh sách này làm phần phụ trương riêng cho tạp chí Phê bình dịch thuật. Dù cung cấp ít thông tin phân tích thống kê, nhưng Annotated Books Received lại chứa đầy đủ thông tin về mọi bản dịch văn học đáp ứng tiêu chuẩn độ dài của sách và đã được xuất bản mà ALTA biết được, dù là tiểu thuyết, lý thuyết văn học, thơ, kịch, thư từ hoặc một số hình thức khác của văn chương học thuật. Được xuất bản hai lần một năm, ấn phẩm Annotated Books Received cho đến nay là nguồn chi tiết nhất cung cấp thông tin về những gì đang được dịch sang tiếng Anh. Chỉ cần lướt nhanh qua ấn bản gần đây nhất, Tập 11, Số 2, năm 2005 được trích dẫn ở trên, cũng đủ thấy những viễn cảnh mờ nhạt trong việc có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh của một tiểu thuyết gia giả định nào đó người Argentina. Với tiếng Tây Ban Nha, ABR liệt kê tổng cộng năm bản dịch, ba trong số đó là tác phẩm của các nhà văn kinh điển đã qua đời từ lâu, một tập thơ của nhà thơ trẻ người Tây Ban Nha và cuối cùng là tác phẩm The House of Paper của tiểu thuyết gia Carlos María Dominguez người Argentina, được Harcourt xuất bản. Và đó là tất cả.
Một viễn cảnh đáng hy vọng hơn đến từ nghiên cứu hấp dẫn gần đây của Michele Maczka và Riky Stock tại Văn phòng Sách Đức ở Thành phố New York, trong đó hai tác giả chỉ theo dõi số liệu của các bản dịch được đánh giá trên cuốn tạp chí có ảnh hưởng của ngành xuất bản Mỹ Publisher’s Weekly mà theo hai tác giả xứng đáng là phản ánh chính xác nhất cho “điều gì có ý nghĩa trên thị trường sách [Mỹ] ngày nay.”[27] Họ được tổng biên tập của Publisher’s Weekly, Sara Nelson, cho biết tạp chí đặc biệt chú trọng đến văn học dịch, điểm đến 60% tổng số sách dịch được gửi đến, trong khi chỉ điểm 50% sách hư cấu và 25% sách phi hư cấu. “Vào năm 2004,” Maczka và Stock nhận thấy, “có 132 đầu sách đã dịch được điểm trong tổng số 5.588 bài điểm sách (khoảng 2%).” Tuy nhiên, với một sự thay đổi ngạc nhiên và đáng khích lệ, con số đó đã tăng lên 197 trên 5.727 (khoảng 3,5%) vào năm 2005 – tăng 50%.[28]
Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ duy nhất có một mối quan hệ có vấn đề với hoạt động dịch thuật. Một bài báo gần đây trên tờ Korea Times, một ấn phẩm tiếng Anh, than thở rằng Hàn Quốc đã thất bại trong việc áp dụng “dự án đa văn hóa khổng lồ” mà Nhật Bản đã theo đuổi một cách có hệ thống trong thời kỳ Minh Trị Duy Tân vào những năm 1860, khiến Hàn Quốc bị Nhật Bản bỏ xa trong quá trình tiến lên hiện đại hoá.[29] Cuốn sách mới của học giả và dịch giả người Hàn Park Sang-il mang tên Người dịch có phải là kẻ phản bội?, chỉ trích số lượng và chất lượng các bản dịch sang tiếng Hàn là “đáng xấu hổ” — hai vấn đề mà tiếng Anh chắc chắn cũng có thể nói là mắc phải. Hơn nữa, nhiều bài viết gần đây về thế giới Ả Rập, mà cụ thể là một báo cáo năm 2002 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đưa ra, đã tập trung vào tình trạng thiếu thốn các bản dịch sang tiếng Ả Rập cũng như nhu cầu cần có thêm nhiều bản dịch. Tuy nhiên, trong thế giới Ả Rập, dịch thuật được nhìn nhận một cách rộng rãi là một bước quan trọng để hướng tới hiện đại hóa, được chứng thực bằng việc nhiều chính phủ Ả Rập triển khai nhiều sáng kiến để hỗ trợ dịch thuật, như được ghi lại trong một báo cáo về dịch thuật ở thế giới Ả Rập của tổ chức phi chính phủ Next Page Foundation.[30] Trong khi đó, ở Hàn Quốc, Park Sang-il lo ngại rằng “sự thờ ơ với tầm quan trọng của dịch thuật có thể làm bần cùng nền tảng văn hóa [của Hàn Quốc] và cuối cùng đe dọa khả năng tồn tại của tiếng mẹ đẻ của chúng ta”.
Ngược lại, ở thời điểm hiện tại, tiếng Anh không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào như vậy nếu nó phần lớn bỏ qua hầu hết các ngôn ngữ khác. Như chúng ta đã lưu ý thấy, được dịch sang tiếng Anh đồng nghĩa với việc một cuốn sách cũng có nhiều khả năng được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác[31], điều này làm cho vấn đề được đề cập trong báo cáo này trở thành một vấn đề đáng quan ngại đối với phân khúc khán giả văn học toàn cầu mong muốn duy trì kết nối với nhiều nhóm ngôn ngữ nhất có thể. Nhưng bản thân tiếng Anh sẽ mất gì hoặc gặp rủi ro gì khi không dịch? Bên cạnh những mối nguy hiểm về chính trị và xã hội rõ ràng đối với một đế chế không màng đến phần còn lại của thế giới, thì việc chủ nghĩa địa phương ngày càng gia tăng cũng là một mối đe dọa đối với nền văn học Mỹ. Tại một cuộc thảo luận do Trung tâm PEN Mỹ tổ chức để giải quyết các vấn đề về dịch thuật và sự toàn cầu hóa, Roberto Calasso, nhà chép thần thoại nổi tiếng và là giám đốc của nhà xuất bản Italia Adelphi Edizioni sở hữu 50%-70% các bản dịch trong danh sách các đầu sách, đã chỉ ra một số hậu quả văn học rất nghiêm trọng của sự thờ ơ như vậy đối với các nền văn học không được viết bằng tiếng Anh.[32] Nhà văn người Áo Thomas Bernhard đã có tác động to lớn đến nhiều thế hệ nhà văn trên khắp thế giới, bao gồm cả các nhà văn nói tiếng Anh. Tuy nhiên, Calasso lưu ý rằng, chỉ có một số ít các tác phẩm của Bernhard được dịch sang tiếng Anh và bán ra trên thị trường, trong khi phần lớn tác phẩm của ông, bao gồm một số sách quan trọng, vẫn chưa được dịch. Do đó, các nhà văn nói tiếng Anh ở trong tình huống chịu ảnh hưởng một cách hời hợt từ một nhà văn mà họ chỉ có thể tiếp cận với một số lượng hạn chế các tác phẩm của nhà văn đó.
Điều này đưa chúng ta đến một khía cạnh then chốt của vấn đề dịch thuật sang tiếng Anh: việc các trường đại học Mỹ không coi dịch thuật là một hình thức nghiên cứu văn học có giá trị. Dịch thuật đã là một trong những hoạt động học thuật cơ bản nhất trong nhiều thiên niên kỷ, nhưng nhiều trường đại học Mỹ đương đại không coi đó là một hình thức nỗ lực đủ quan trọng hoặc nguyên bản. Xu hướng không dịch thuật này đã gây ra một số hậu quả tai ác một cách đáng kể. Việc một học giả Mỹ viết chuyên khảo bằng tiếng Anh về một tác giả chưa bao giờ có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh là một động thái nghề nghiệp an toàn hơn nhiều so với việc dịch tác phẩm của tác giả đó sang tiếng Anh. Trong hoạt động xuất bản các bản dịch, đôi khi các giảng viên sẽ sử dụng bút danh vì lo sợ danh tiếng học thuật của họ bị ô uế, hoặc đơn giản là loại các bản dịch ra khỏi sơ yếu lý lịch khi cần đánh giá các thành tựu nghề. Các học giả khác, những người xuất bản “quá nhiều bản dịch” có thể sẽ không được bổ nhiệm biên chế hoặc không bao giờ có được việc làm. Tại hội nghị “Dịch có quan trọng” của Đại học Columbia năm 1994, dịch giả và nhà phê bình Gayatri Spivak nói “tai tiếng lớn của dịch thuật là sự tẩy xóa hình ảnh người dịch.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với dịch giả người Pháp Elisabeth Peellaert, dịch giả Alyson Waters, chủ bút của Yale French Studies, đã tuyên bố “Học viện [ở Mỹ] đã hoàn toàn tỏ rõ quan điểm rằng các bản dịch hầu như không có giá trị khi xét đến vấn đề vào biên chế hay thăng chức”.[33] Waters cho biết thêm, tình hình có thể đang thay đổi với sự phát triển của lĩnh vực Nghiên cứu Dịch thuật, mặc dù hiện tại, một học giả văn học ở Mỹ tốt hơn hết là nên viết về các vấn đề liên quan đến dịch thuật hơn là thực sự thực hành dịch văn học. Hiệp hội Dịch giả Văn học Mỹ đã giải quyết tình trạng này bằng cách xuất bản một cuốn sách nhỏ hữu ích có tên “Dịch thuật và Biên chế” để giúp các giảng viên ít thâm niên có được sự tôn trọng từ đồng nghiệp đối với công việc dịch giả văn học của họ.[34]
Trong những năm gần đây, ngay cả một số nhà xuất bản đại học, vốn nằm trong số các nguồn dịch tốt nhất về văn học và khoa học nhân văn, đã thông báo rằng họ sẽ ngừng xuất bản các bản dịch, hoặc đang cắt giảm mạnh số lượng bản dịch mà họ xuất bản. Điều này không chỉ tác động đến dịch văn học, mà còn dẫn đến một tình huống đặc biệt đáng lo ngại trong khoa học xã hội. Không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu nói chung, các nhà khoa học xã hội ngày càng phải chịu áp lực viết bằng tiếng Anh, bất kể ngôn ngữ mẹ đẻ của họ có là gì – chính là thứ áp lực mà các đồng nghiệp của họ trong các ngành khoa học “cứng” (khoa học tự nhiên) đã phải thuận theo một thời gian trước đây. Quan ngại về tình hình này, Hội đồng Hiệp hội Học thuật Mỹ (ACLS) đã khởi động Dự án Dịch thuật Khoa học Xã hội nhằm quy tụ các dịch giả, biên tập viên và các nhà khoa học xã hội để thảo luận về các vấn đề nảy sinh từ việc dịch các văn bản khoa học xã hội. Nhóm hiện đã ban hành một loạt hướng dẫn để dịch các văn bản khoa học xã hội, cũng như một tài liệu có tiêu đề “Lời khẩn cầu các nhà khoa học xã hội viết bằng ngôn ngữ riêng của họ.”[35] Chỉ ra rằng “các khái niệm khoa học xã hội và các thuật ngữ được sử dụng để truyền đạt chúng được định hình bởi các đặc điểm của ngôn ngữ mà chúng được sinh ra và do đó, bằng trải nghiệm văn hóa và lịch sử của những người sử dụng ngôn ngữ đó”, “Lời khẩn cầu” phản đối “sự đồng nhất ngày càng tăng và sự nghèo nàn của lối diễn ngôn khoa học xã hội” xuất phát từ “sự bá chủ ngày càng tăng của chỉ một ngôn ngữ.”
Đáp lại “Lời khẩn cầu”, Bente Christensen, phó chủ tịch của Liên đoàn Dịch giả Quốc tế và là thành viên của PEN Na Uy đã viết thư cho một trong những nhà lãnh đạo của Dự án Dịch thuật Khoa học Xã hội ACLS với nội dung như sau: “Ở Na Uy, chúng tôi đấu tranh để có một số sách đại học được viết bằng tiếng Na Uy chứ không chỉ bằng tiếng Anh. Sinh viên không thực sự hiểu những gì các em đọc. Tôi đã thấy chuyện đó nhiều lần. Các em nhắc lại các khái niệm bằng tiếng Anh, nhưng khi tôi yêu cầu các em giải thích chúng là gì bằng tiếng Na Uy, các em lại lúng túng”. Phát biểu trước Đại hội PEN Quốc tế ở Tromso, Na Uy vào năm 2004, tác giả người Pháp gốc Leban Amin Maalouf nói: “Khi chúng tôi nói tiếng Anh, đôi khi chúng tôi cảm thấy rằng lời nói của chúng tôi hời hợt, rằng ý nghĩa không được sâu sắc lắm. Đối với bất kỳ nhà văn nào hoặc bất kỳ ai bắt đầu soạn một văn bản dưới bất kỳ hình thức nào, thì sự lựa chọn ngôn ngữ mang tính cá nhân và độc đáo một cách sâu sắc; nhiều nhà văn đã chọn cách giãi bày bản thân bằng những ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của họ vì nhiều lý do. Tuy nhiên, không chỉ các tác giả văn học, mà ngày càng nhiều người trên toàn cầu chịu áp lực phải thực hiện các khía cạnh quan trọng nhất trong đời sống học thuật và nghề nghiệp của họ bằng một ngôn ngữ không hoàn toàn là của họ, bởi vì nếu không làm như vậy, công trình của họ sẽ đơn giản là bị bỏ qua.[36]
Đã có một số xu hướng tích cực liên quan đến việc xuất bản văn học dịch ở Mỹ trong hai hoặc ba năm qua (như các số liệu gần đây của Publisher’s Weekly được đề cập trong nghiên cứu của Văn phòng Sách Đức cho thấy ở trên), và chương thứ tư của báo cáo này sẽ dành nhiều thời lượng hơn để nói về chúng. Nhưng cũng có một xu hướng thâm nhập sâu sắc trong nhiều lĩnh vực của ngành xuất bản Mỹ xem văn học dịch là hàng không thể bán được. “Người Mỹ ngáp với sách hư cấu nước ngoài” là dòng tít đáng nhớ trên tờ New York Times về chủ đề Mỹ tiếp nhận văn học dịch.[37] Tất nhiên, bản thân văn học cũng không hoạt động quá tốt trên thị trường sách Mỹ ngày nay; văn học hư cấu và phi hư cấu và đặc biệt là thơ ca, thường chỉ như viền ngoài trên các phần lề của cỗ máy khổng lồ tạo ra một số lượng lớn các “vật thể hình cuốn sách” (trích lời Steve Wasserman, cựu biên tập viên của Tạp chí Los Angeles Book Review) có rất ít hoặc không có giá trị văn hóa lâu dài. Dịch văn học là thứ viền hẹp nhất trên phần rìa của phần lề đó, và trong khi có một số nhà xuất bản đã duy trì một mức độ cam kết đáng ngưỡng mộ đối với dịch văn học, thì nhiều nhà xuất bản khác lại né tránh hoặc giỏi lắm thì xem nó như một loại nỗ lực từ thiện.
Khi đã được xuất bản thì sau đó sách dịch phải đối mặt với vấn đề phê bình và tiếp thị. Chỉ trong một số trường hợp hiếm hoi là các tác giả đoạt giải Nobel hoặc những nhà văn có danh tiếng toàn cầu vững chắc thì các nhà xuất bản ở thế giới nói tiếng Anh mới đầu tư tiền, đầu tiên là để xuất bản sách dịch và sau đó cam kết thêm một số tiền lớn để quảng bá sách sau khi xuất bản. Một tiểu thuyết gia lần đầu sáng tác bằng tiếng Anh có thể có một nhà xuất bản với khoản đầu tư nửa triệu USD để thu hồi vốn, và do đó có một chuyến quảng bá sách, các hình thức quảng cáo rộng rãi và tất cả các đặc quyền khác có thể (hoặc không thể) đẩy một cuốn sách lên đầu danh sách bán chạy nhất. Nhưng một tiểu thuyết gia có tác phẩm sắp được dịch sang tiếng Anh lần đầu tiên rất ít có khả năng nhận được bất kỳ nguồn tiếp thị và quảng bá nào như thế. Và trong khi một số người điểm sách chỉ lo lắng về việc thảo luận sách dịch vì họ không tiếp cận được ngôn ngữ gốc mà cuốn sách được viết ra, thì những người khác không cảm thấy ngại ngần gì khi bày tỏ thái độ coi thường công việc dịch văn học. Trong bài báo có tiêu đề “Tại sao chúng ta điểm những cuốn sách mà chúng ta điểm” đăng trên cuốn tạp chí văn học và văn hóa được đánh giá cao The Atlantic Monthly, Benjamin Schwarz, biên tập viên điểm sách của tạp chí, đề cập chuyện The Atlantic đăng rất ít bài điểm sách dịch.[38] Lường trước lời cáo buộc “chủ nghĩa địa phương”, Schwarz thừa nhận rằng điều này “không hoàn toàn chính xác”: “Chúng tôi có xu hướng tập trung vào phong cách văn xuôi trong đánh giá của mình về sách hư cấu. Rõ ràng là phê bình tác phẩm dịch sẽ khó hơn nhiều, bởi vì cả người phê bình và người đọc tác phẩm đều không tiếp xúc với tác phẩm do tác giả viết ra mà là cách diễn giải của dịch giả với tác phẩm đó. Vì vậy chúng tôi triển khai ít bài hơn với các tác phẩm dịch.” Phong cách văn xuôi của một số bản dịch thực sự còn thiếu sót, nhưng phong cách văn xuôi của nhiều tác phẩm được viết bằng tiếng Anh cũng gặp vấn đề tương tự; nên việc sử dụng cái cớ như vậy để làm cơ sở cho việc ít chú ý đến văn học thế giới là chuyện chí ít cũng rất đáng nghi ngờ. Nhà văn người Italia Roberto Calasso đã mô tả phần lớn văn hóa Mỹ đương đại là một “sự pha trộn chết chóc giữa chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa đế quốc”, và thái độ như vậy của những người điểm sách có thể là một ví dụ tuyệt vời cho điều mà ông ám chỉ.
Nhưng chúng ta không thể đưa ra kết luận dựa trên lời nhận xét quá nghiệt ngã đó. Thế giới nói tiếng Anh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, hoàn toàn không phải là một vùng đất đơn ngữ mà một độc giả chưa từng có trải nghiệm về nơi đó có thể tưởng tượng ra sau khi đọc báo cáo này. Amanda Hopkinson, giám đốc Trung tâm Dịch thuật Văn học Anh, chỉ ra rằng trẻ em học tại các trường ở thủ đô London nói hơn 350 ngôn ngữ khi ở nhà. Bất cứ ai đã từng đi tàu điện ngầm ở New York đều đã lao vào một môi trường có lẽ đa ngôn ngữ như bất kỳ môi trường nào khác trên Trái đất. Nhưng nếu cùng một người đi tàu điện ngầm đó quay ngược lại đường phố và đi dạo vào một hiệu sách, người đó sẽ thấy ở đó rất ít thứ có thể giúp họ tìm được lối vào với những ngôn ngữ lạ đã văng vẳng bên tai chỉ vài giây trước đó — hầu như mọi thứ ở đó sẽ được viết bằng tiếng Anh. Thách thức, đối với thế giới nói tiếng Anh, không phải là trở nên đa ngôn ngữ — chúng ta đã, và vượt ra ngoài những giấc mơ ngông cuồng nhất của Mikhail Bakhtin — mà là chuyển dịch polyglossia của các trường học, đường phố và tàu điện ngầm lên các giá sách của chúng ta.
Vẫn có nhiều dịch giả, biên tập viên, nhà xuất bản, hãng đại diện, giáo viên, học giả, viện nghiên cứu và tổ chức tâm huyết với việc chuyển ngữ các văn bản quốc tế sang tiếng Anh. Có rất nhiều việc phải làm, nhưng cũng có rất nhiều thứ phải xây thêm. Mức độ dịch sang tiếng Anh dường như đã đạt đến một điểm cực thấp mà từ đó chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài lối đi lên, nhưng con lắc dường như đang quay ngược về phía dịch thuật với một động lượng đáng kinh ngạc. Một loạt các sáng kiến mới rất đáng khích lệ đã xuất hiện trong vài năm gần đây từ bên ngoài và bên trong thế giới nói tiếng Anh, đặc biệt là ở Mỹ, và kết quả đã giúp chúng được thêm lan toả. Rất nhiều người hiện quyết tâm biến cái loài xâm lấn ngôn ngữ trên toàn cầu thành một phương tiện để các ngôn ngữ có thể giao tiếp với nhau và chắc chắn là sắp tới phải có tin tức rất tốt lành. PEN Quốc tế và Viện Ramon Llull trân trọng gửi báo cáo này tới cộng đồng rộng lớn của những người nối nhịp cầu, hy vọng báo cáo này sẽ hữu ích cho họ trong nhiệm vụ mà tất cả chúng ta cùng chung tay đảm nhận.
Phạm Anh Minh dịch
[1] David Crystal, The Language Revolution (Cuộc Cách mạng Ngôn ngữ) (NXB Polity, Cambridge, Vương quốc Anh, năm 2004), trang 8.
[2] Được đưa trong bài “New Dawn in a Shared Language,” (“Bình minh mới trong một ngôn ngữ chung”) của Andrew Yeh, The Financial Times.
[3] Xem Graddol, “The Decline of the Native Speaker,” (“Sự suy tàn của người bản ngữ”) trong English in a Changing World (Tiếng Anh trong một thế giới đang thay đổi) do Graddol, David và Ulrike H. Meinhof biên tập (Milton Keynes: Catchline, 1999), trang 57-68; Ostler trích dẫn, trích dẫn trang 516.
[4] Xem bài báo “English,” (“Tiếng Anh”) trong The World’s Major Languages (Các ngôn ngữ chính của thế giới), biên tập viên Bernard Comrie (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 1990), trang 79-82.
[5] Trong một bài phát biểu có tựa đề “Passive Imperialism,” (“Chủ nghĩa đế quốc thụ động”) trong Chương trình Nghiên cứu sinh Toàn cầu của Viện Quốc tế tại Đại học California ở Los Angeles, vào ngày 23/11/2004.
[6] Empires of the Word (Các đế chế ngôn từ), trang 517.
[7] “The World as India: Translation as a passport within the community of literature” (“Thế giới như là Ấn Độ: Dịch thuật như một tấm hộ chiếu trong cộng đồng văn học,”) Times Literary Supplement, ngày 13/6/2003.
[8] Tất cả thông tin trong đoạn này được lấy từ bài báo “For Mongolians, E is for English, and F is for the Future,” (“Đối với người Mông Cổ, E là tiếng Anh, và F là tương lai”) đăng trên New York Times ngày 15/2/2005 của tác giả James Brooke.
[9] Xem www.foreigninvestment.cl.
[10] Để có một ví dụ đặc biệt rõ ràng về lối suy nghĩ như vậy, xem cuốn Who are we? (Chúng ta là ai?), tác giả Samuel P. Huntington, NXB Simon và Schuster ở New York, năm 2004.
[11] Language Revolution (Cách mạng Ngôn ngữ), trang 50.
[12] Hai nguồn bổ sung thông tin tuyệt vời về các ngôn ngữ bên bờ vực tiêu vong là trang web của Quỹ các ngôn ngữ đang bị đe doạ có trụ sở tại Vương quốc Anh (www.ogmios.org) và trang web của Quỹ ngôn ngữ bị đe doạ có trụ sở tại Mỹ: www.ling.yale.edu/~elf/.
[13] Xem www.linguistic-decosystem.org.
[14] Bản dịch của Maja Visenjak-Limon.
[15] David Damrosch trích dẫn từ cuốn Gespräche mit Goethe in den letzten Jahren seines Lebens của Eckermann (1835) trong cuốn What is World Literature? (Văn học Thế giới là gì?) (NXB Đại học Princeton, 2003), trang 1.
[16] Mikhail Bakhtin, The Dialogic Imagination (Sự tưởng tượng đối thoại), Michael Holquist biên tập, Caryl Emerson và Michael Holquist dịch. NXB Đại học Texas tại Austin, năm 1992, trang 61.
[17] Damrosch, sách đã dẫn, trang 7.
[18] NXB Seuil, 1999; Bản dịch tiếng Anh, NXB Đại học Harvard, 2004.
[19] Casanova, 352.
[20] Casanova, XIII.
[21] Ví dụ: xem số liệu thống kê về Sản xuất sách của Mỹ trên Bookwire, một trong những cổng thông tin của Bowker: www.bookwire.com/bookwire/decadebook_p_roduction.html.
[22] “English-Speaking Countries Published 375,000 New Books Worldwide in 2004” (“Các quốc gia nói tiếng Anh đã xuất bản 375.000 cuốn sách mới trên toàn thế giới vào năm 2004”) Bản tin Bowker. Ngày 12/10/2005, New Providence, New Jersey. Liên hệ truyền thông: dteague@teaguecom.com.
[23] Thư từ cá nhân với Andrew Grabois ở Bowker, ngày 9/3/2005.
[24] (NXB Routledge, 1995). Xem thêm cuốn The Scandals of Translation: Towards an Ethics of Difference (Những tai tiếng của dịch thuật: Hướng tới Đạo đức của Sự khác biệt), tác giả Venuti (NXB Routledge, 1998), để có thêm những thống kê gần đây hơn đôi chút.
[25] Dữ liệu xuất hiện trong phần thứ 5 của loạt bài bình luận về những khó khăn trong việc tài trợ cho hoạt động dịch sang tiếng Anh của John O’Brien thuộc NXB Dalkey Archive, được xuất bản trong cuốn Context: A Forum for Literary Arts and Culture (Bối cảnh: Một diễn đàn cho Nghệ thuật và Văn hoá Văn học); http://www.centerforbookculture.org/context/no19/translations_5.html.
[26] Hiện tại (tháng 6 2014), cơ sở dữ liệu các bản dịch văn học ở Mỹ hoàn thiện nhất là cơ sở dữ liệu được trường đại Rochester xây dựng bổ sung hằng năm kể từ năm 2008, https://www.rochester.edu/College/translation/threepercent/index.php?s=database.
[27] “Literary Translation in the United States,” (“Dịch văn học ở Mỹ”) trong Publishing Research Quarterly (tháng 6/ 2006).
[28] Thông tin thống kê tổng quát hơn về nền kinh tế dịch thuật toàn cầu và vị trí của tiếng Anh trong đó được UNESCO cung cấp trong Index Translationum, trong đó cung cấp thông tin thư mục tích lũy về những đầu sách đã được dịch và xuất bản ở khoảng một trăm quốc gia thành viên của UNESCO kể từ năm 1979.
[29] Bài viết “Is Korean Language Doomed?” (“Ngôn ngữ Hàn Quốc có phải đang đi đến chỗ tiêu vong?”) của Kim Ki-tae đăng trên The Korea Times ngày 20/1/2006.
[30] “Lost or Found in Translation: Translations’ support policies in the Arab world,” (“Bị mất đi hoặc được tìm thấy trong dịch thuật: Các chính sách hỗ trợ dịch thuật ở thế giới Ả Rập”), một báo cáo do Tổ chức Next Page Foundation ở Sofía, Bulgaria đặt làm, cung cấp một bối cảnh cực hữu ích cho báo cáo đã được nói đến ở trên của UNDP và xem xét vấn đề nghiêm túc với một số số liệu nó trích dẫn. Xem www.npage.org/news/arabrep.html.
[31] Về mặt này, xem các nhận xét về tầm quan trọng của việc dịch sang tiếng Anh do các Trung tâm PEN thực hiện (theo Bảng câu hỏi của PEN Quốc tế về Dịch thuật và Sự toàn cầu hóa) trong Chương 2 của tài liệu này.
[32] Sự kiện này diễn ra vào tháng 4/2006, là một phần của lễ hội văn học quốc tế thường niên lần thứ hai của Trung tâm PEN Mỹ, Những Giọng nói Thế giới PEN: Lễ hội Văn học Quốc tế New York. Những người tham gia hội thảo gồm có Roberto Calasso của NXB Adelphi Edizione ở Italia; Boris Akunin, tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng và cựu phó tổng biên tập tạp chí Liên Xô và hậu Liên Xô Văn học Nước ngoài; Amanda Hopkinson, người đứng đầu Trung tâm Dịch Văn học Anh tại Đại học East Anglia; Richard Howard, một dịch giả xuất sắc từ tiếng Pháp sang tiếng Anh; Elizabeth Peellaert, một dịch giả xuất sắc từ tiếng Anh sang tiếng Pháp và Raymond Federman, một học giả và nhà văn. Hội đồng được Steve Wasserman, cựu biên tập viên của Tạp chí Los Angeles Times Book Review, điều phối.
[33] Được xuất bản trên To My American Readers, một tạp chí miễn phí được xuất bản bởi Dịch vụ Văn hóa Pháp, Villa Gillet của Lyon và Trung tâm PEN Mỹ nhân dịp Những Giọng nói Thế giới PEN năm 2006: Lễ hội Văn học Quốc tế New York. Xem tại địa chỉ www.frenchbooknews.com.
[34] Xem tại địa chỉ http://literarytranslators.org/promo.htm.
[35] Xem tại địa chỉ www.acls.org.
[36] Để có một cuộc thảo luận sâu rộng và rất hữu ích về tác động của sự toàn cầu hóa đối với các dịch giả làm việc chủ yếu bên ngoài thế giới văn học và học thuật, với sự chú trọng đặc biệt đến các ngôn ngữ thiểu số, xem tác phẩm xuất sắc Translation and Globalization (Dịch thuật và Toàn cầu hóa) của Michael Cronin (NXB Routledge, 2003).
[37] Bài báo “America Yawns at Foreign Fiction” của Stephen Kinzer được xuất bản vào ngày 26/7/2003.
[38] Tạp chí The Atlantic Monthly, số tháng một/tháng hai năm 2004.
(Bài viết xuất hiện lần đầu trong tập To Be Translated Or Not To Be, báo cáo về thực trạng dịch văn học thế giới của PEN/IRL, do Esther Allen biên tập (Institut Ramon Llull/International PEN, 2007), xuất bản để phát miễn phí tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2007, với Catalonia là khách mời danh dự.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư Esther Allen đã chấp thuận cho Zzz Review dịch đăng bài viết này.)
Người góp chữ
Phạm Anh Minh
Runs around the Sun.
Bạn nghĩ sao?