Dịch thuật ở/trong/và/từ/của Đông Nam Á: Những cuộc gặp gỡ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Tranh bản đồ Đông Ấn của Caspar Schmalkalden (khoảng 1618-khoảng 1668)
Thời gian đọc: 57 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

Tháng 8, 2020, sau tám tháng ở lại vì bùng dịch Covid-19, mình cuối cùng cũng trở lại Hồng Kông đi học đại học năm 4 (chưa phải năm cuối) Đại học; trải nghiệm cách ly mình đã chia sẻ trước đây[1]. Khoảng thời gian 14 ngày cách ly ở khách sạn ở Sai Ying Pun ấy mình đã làm được kha khá việc, dẫu không thể bằng dịch cả quyển sách, thì cũng tự nhủ chuyện mình làm hôm nay cũng là một bước nhỏ trên con đường trở thành idol (10 năm nữa chăng?) Ngoài tự viết to-do list tự làm, trong lúc dạo quanh các trang mạng đại học (vì wifi khách sạn kém không xem được Netflix), mình tình cờ tìm được open call tham gia chương trình mang tên “PUBLIC/SCHOLARSHIP: A Workshop on Translation and Southeast Asian Studies” dưới sự hướng dẫn của giáo sư Tyrell Haberkorn tại Đại học Wisconsin-Madison. Đây là một workshop gồm sáu phần dành cho các sinh viên MA và PhD chuyên ngành Đông Nam Á Học có sự quan tâm đến dịch thuật, thực hành dịch thuật và xuất bản ở Đông Nam Á trong công việc nghiên cứu và các hoạt động ngoại khoá; workshop sẽ họp mặt trên nền tảng Zoom hai tuần một lần từ tháng Chín đến tháng Mười Một năm 2020 để cùng đọc, thảo luận chung, và thảo luận các bản dịch cá nhân từ các thứ tiếng Đông Nam Á sang tiếng Anh.

Đọc được miêu tả chương trình mình thích mê, vì từ trước đến nay, đặc biệt là sau khi đầu quân cho nhà Z mình đã dịch khá nhiều văn bản từ tiếng Anh sang tiếng Việt, cũng từng làm qua một số job dịch thuật, cũng xác định dịch thuật là “món tủ” của mình, nên mình muốn tham gia lắm. Nhưng mà gạch đầu dòng thứ nhất: phải là “Phải là sinh viên MA/PhD”, làm sao bây giờ nhỉ? Thế là mình cứ đắn đo, đắn đo mãi. Đến ngày cuối cùng của đợt mở đơn, sau khi ra khỏi khách sạn cách ly và chuyển hết đồ đạc về phòng ký túc xá, đã kịp đi ăn burger thịt Impossible buổi trưa, ăn cháo cá với em bé buổi chiều (cf. chuyện cách ly), mình đi bộ ngược lên dốc đường Pokfulam về và đột nhiên nhận ra đi học đại học thầy cô đã chuẩn bị bao nhiêu kỹ năng lẫn tâm thế cho sinh viên bọn mình – bài đọc dài, khó cũng đã đọc rồi, viết bài văn dài cũng đã viết, cho điểm gắt gao cũng đã từng; bạn bè đi học trước lạ sau quen thầy cô cũng khuyến khích cho phát biểu mãi, vậy thì có gì phải ngại? Về đến phòng, mình liền mở máy lạnh, mở laptop, mở email lên, rồi cứ thế ngồi gõ, viết một chiếc email thật đam mê, thật tâm tình, thật nhiều long lanh ánh mắt hy vọng – rằng cô ơi em chưa tốt nghiệp BA nhưng em đã dịch nhiều trước đây và mong muốn học hỏi thêm về cả dịch thuật lẫn nghiên cứu Đông Nam Á, sau đây là học bạ và CV của em, v.v. Viết tới quá bảy giờ tối không kịp bật đèn trần chỉ kịp bật đèn bàn. Rồi nhấn nút gửi đi. Rồi chạy xuống cảng đi chơi tiếp…

Từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11, vào lúc 7 giờ (sau là 8 giờ khi chuyển giờ mùa đông ở Bắc Mỹ) mỗi thứ 5 cách tuần, mình đều đặn canh báo thức để dậy, ra bếp pha Milo rồi quay về phòng lên Zoom. 7 giờ sáng mùa hè đã nắng chói loà, nhưng 7, 8 giờ sáng mùa đông thì trời còn tối om, giờ đấy có nhiều bạn trong tầng mình mới… bắt đầu đi ngủ (!), thành ra mình dậy sớm nhất tầng, nhiều lúc ngồi trong bếp chỉ gặp các cô lao công. Kỳ học đấy mình học 5 lớp ở trường, thêm workshop có bài phải đọc và dự án cần dịch coi như là môn thứ 6, sau buổi workshop đầu tiên thì thứ Sáu ngày 10/9 mình đã bắt tay vào dịch bài Trà đá wifi mà đến giữa tháng 10 thì có bài Wifi Iced Tea Shooting The Breeze on Vietnamese Contemporary Literature trình làng cho nhóm critique group C (nhóm của mình) trong workshop. Đó là dự án dịch dài hơi (đúng nghĩa đen) nhất của mình từ trước đến giờ, dịch đã thấy bất tận mà lúc đọc ra miệng cũng quíu hết cả lưỡi. Trong hai tháng đó, gần như ngày nào, tuần nào, kể cả cuối tuần đi ngồi quán Elephant Grounds ở Sheung Wan nhìn em D. vẽ máy tính, nếu không phải làm bài tập hay viết essay ở trường, mình cũng mở file ra dịch và tra từ, biên đi biên lại cho đến trước lúc đăng trên Zzz Review chào năm mới vẫn còn đang sửa file.

Tham dự workshop này có thể xem là một bước ngoặt trong cuộc đời học đại học của mình: bước ngoặt thứ nhất xảy ra vào năm 2018 khi mình quyết định không theo học ngành Global Creative Industries (sau khi có beef với giáo sư dạy lớp 1001) và suýt rớt môn Kinh tế Vĩ mô (D+ baby~) mà chuyển hướng sang học Văn học So sánh và Nghiên cứu Hồng Kông. Dù rất chăm chỉ học bài, học tiếng Quảng Đông, đi chơi chỗ này chỗ khác, giao lưu bạn bè, đi xem từ nhà chung cư chính phủ cho đến (các) làng cổ Đường Lâm Khách Gia ở gần biên giới với Thâm Quyến; dù có bạn bè Hồng Kông, dù được điểm cao nhất lớp, dù đi xem Liên Hoan Phim có thể nghe giao lưu với đạo diễn bằng chính tiếng Quảng (trừ trường hợp Quan Cẩm Bằng nói không nghe nổi khóc), dù năm 3 đi làm thuyết trình bạn cùng nhóm thấy tóc vàng mặc áo jeans nói tiếng Quảng thi SAT tưởng nhầm là ABC từ Mỹ mới về, năm 4 đi làm bài thuyết trình về văn hoá ăn chè (hoá ra là có văn hoá này thật) với 3 bạn Hồng Kông khác cũng phải nói tiếng Quảng 100% (dù có lúc cũng zone out vì không nghe kịp), dù luôn có niềm tin vào bản thân mình và ngành học, mình đã và vẫn luôn cảm thấy một sự chia cách giữa mình với Hong Kong Studies, cảm giác như thể dù có cố gắng đến mấy mình cũng không tài nào với tới được, không hoàn toàn thuộc về. (Kỉ niệm đau thương thì có rất nhiều, chắc phải dành ra một bài khác để kể riêng chuyện này mất.) Song song đó, có những trải nghiệm của mình chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh văn hoá Hồng Kông mà mình, là một người nói tiếng Việt, tiếng Anh, và giờ thì hơi hơi thạo tiếng Hồng Kông có cơ hội được trải nghiệm, mà vì mình không phải dịch giả giỏi, nên nhiều chuyện tiếc thay bị “mất trong dịch thuật”.

Nhưng cùng lúc đó, mình đã luôn luôn quan tâm đến Đông Nam Á, bởi đây là nơi mình sinh ra và lớn lên, là màu da, ánh mắt, tiếng nói, văn hoá, ẩm thực, tính cách, và căn tính của mình. Việc ở nhà 8 tháng cũng giúp cho mình kết nối nhiều hơn với gia đình, và cảm nhận về căn tính Việt Nam thì luôn lớn lên theo quá trình trưởng thành của mình. Năm Hai đại học mình đi học lớp về Chuyên đề Đặc biệt – về Đông Nam Á ở khoa Quan hệ Quốc tế với bạn người Indonesia gốc Hoa, trong lớp đó mình viết luận văn về Philippines vì bạn thân ở đại học của mình là người Philippines đã sống ở Việt Nam nhiều năm, và về Việt Nam (đương nhiên rồi ^^!) Mùa hè năm 2019 mình đi dạy tiếng Anh tình nguyện ở Siem Reap, Campuchia hai tháng theo chương trình của trường, ngày ngày đạp xe dọc bờ sông Siem Reap qua Viện Viễn Đông Bác Cổ tới dạy ở trường trên thẳng đường ra Angkor Wat, chiều chiều ra cổng trường mua xoài xanh ăn với các cô nhân viên ở trường, tối tối xuống bờ sông ăn hủ tiếu mà không sợ đau bụng – những điều quá sức quen thuộc, mà nhà mình thì chỉ cách một chuyến xe đò qua đêm qua biên giới. Và ở HKU học sinh Đông Nam Á bọn mình năm nào cũng bảo nhau lập hội Đông Nam Á nhưng không năm nào lập được, nước nào tự chơi nước đấy :p (Nghe đồn năm 2022 School of Modern Languages & Cultures khoa mình sẽ mở chương trình BA Southeast Asian Studies huhu thật là sinh nhầm thời mà)

Tham dự workshop là cơ hội để mình kết nối mạnh mẽ với danh tính Việt Nam của mình, để mình tận dụng thế mạnh về ngôn ngữ, phát huy kỹ năng dịch thuật Việt-Anh (hai chiều) mà mình đã trau dồi qua nhiều năm; để hiểu rằng mình không cần phải bỏ cái này để tập trung cái kia vì nghiên cứu đa ngành có nghĩa là mình thích thì mình học thôi và học càng nhiều càng tốt; để nhìn xa trông rộng hơn thấy rằng mình không cần đợi ai khác thiết lập những mối quan hệ Đông Nam Á-Hồng Kông hay Việt Nam-Hồng Kông cho mình cả, vì mình đang ở vị trí địa lý và văn hoá, cùng những kỹ năng và ý tưởng để tự mình thực hiện, hoặc để tìm ra những người cùng ý tưởng, cùng chia sẻ những thôi thúc ấy. Đọc bản dịch của các anh chị, thầy cô trong workshop, mình còn có cơ hội mở mang khỏi phạm vi Việt Nam và viết/dịch văn học Việt để thật sự đọc, học, và hỏi về những ngôn ngữ và văn hoá các nước Đông Nam Á khác. Đi học ở trường có thể không đọc bài vào lớp ngồi nghe thầy giảng cũng được, nhưng đi workshop thì phải đọc bài của đồng nghiệp mới bình luận hay đưa ra ý kiến đóng góp. Mình ấn tượng nhất buổi đầu có anh nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Mỹ làm đề tài về thực dân ở Thái Lan có lá thư qua lại bàn âm mưu ám sát nhà vua, anh kể chuyện đi đến kho Lưu trữ Quốc gia Thái thì bản gốc đã bị huỷ hoại vì ngấm nước mưa, nên phải đi đến Văn khố Quốc gia Hà Lan để đọc bản dịch tiếng Hà Lan, rồi từ đó dịch sang tiếng Anh; chiếc file vừa có cả giải thích hoàn cảnh lịch sử, bản đồ địa lý, đến chú giải ngôn ngữ, mình đọc tới đâu sửng sốt đến đó vì mình chưa từng được thấy ai tận tâm nghiên cứu như thế – thật ra là có, chính là những bản dịch hay quyển sách đã được xuất bản – nhưng được nghe dịch giả kể về quá trình lặn lội đi tìm nguồn nghiên cứu, được đọc bản dịch đang diễn ra, mình không khỏi trầm trồ và nhận ra, à thì ra làm nghiên cứu sau đại học chính là như thế. Rồi đọc bản dịch tâm thư của các sư cô người Myanmar – chủ đề Myanmar trước đây khi đi học mình gần như học lướt qua cả lớp chỉ thích nghe thầy (học giả nghiên cứu Myanmar vốn từ SOAS sang) kể chuyện thầy đi thực địa trên xe tải từ biên giới Vân Nam vào bang Shan gặp cả lãnh đạo bang ấy như thế nào – không biết tiếng Pali là gì thì phải đi tìm hiểu cho biết, rồi Phật giáo Myanmar có gì cũng phải đọc cho biết, dù có là tra Google rồi đi đọc Wikipedia. Malaysia trước giờ mình chỉ biết quanh quẩn Kuala Lumpur, Malacca, Ipoh, Selangor, Penang, thì đọc bài đồng nghiệp xong còn biết thêm cả Đông Malaysia – Sabah và Sarawak, rồi từ khoá “Borneo” liên tiếp xuất hiện…

Mình kể điều này với Lezhi, và anh cảm thán thật là kì diệu quá! Các học giả phương Tây thì luôn phê phán rằng Đông Nam Á Học biến khu vực này thành ra nhân tạo, nông cạn, không có nghĩa, không có ý nghĩa, nhưng với chúng ta, với bao người đến từ Đông Nam Á, ta đều coi đây là nhà của mình.

Mình biết Lezhi từ workshop, nhưng không thực sự nói chuyện với nhau cho đến khi xong workshop, sau buổi Public Reading (mà sáng hôm đó Madame Z và anh K. guest editor số Queer có lên xem em yêu hậu phương vững chắc~) Con người im im thế thôi nhưng mở miệng đọc bài là cả một bầu trời thi vị, vừa có truyện, vừa có thơ, có đối thoại, có hát nữa! Bao nhiêu tưng bừng, bao nhiêu rực rỡ! Mình và chị Mai trong nhóm cứ xuýt xoa hâm mộ mãi. Lezhi thì nhắn tin cho mình bảo bài “Trà đá” miêu tả nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam giống xã hội Trung Quốc quá, vậy là nói chuyện từ đó… Dù chỉ lớn hơn mình hai tuổi thôi nhưng Lezhi cực kỳ chững chạc và trưởng thành, điềm đạm, hiểu biết sâu rộng, uyên bác, khiến nhiều khi mình “quê một cục” vì khoe biết này biết kia nhưng hoá ra anh ý biết từ lâu rồi ._.

Và vì thế khi Madame Z hò như hò đò nhắn nhủ viết bài chia sẻ trải nghiệm đi workshop cho số Dịch thuật này, mình biết ngay mình muốn phỏng vấn Lezhi (thật ra trước đây mình có học qua lớp Báo chí vì định minor Journalism nhưng học được 2 lớp xong mình bỏ của chạy lấy điểm luôn), vì công việc nghiên cứu và dịch thuật của anh khá lạ – ít nhất là với các bạn độc giả Việt Nam, lại vừa có những nét tương đồng, dễ liên hệ ở mức độ cá nhân, vì là người đi học, là người học ngoại ngữ, đến với dịch thuật một cách tự nhiên và duyên dáng. Trò chuyện với Lezhi còn khiến mình vững tin hơn vào một điều rằng mình chỉ cần tự tin là mình, chỉ cần làm tốt những điều mình được học, được biết, cần làm, cần viết, chẳng cần lo sợ không được chào đón hay phải thuộc về một nền văn hoá khác. Danh tính tốt đẹp nhất ấy là danh tính của mình khi là mình.

Lại nói học ngoại ngữ, trong hai tháng gần đây, mình được bạn bè nhắc cho hai từ cùng có nghĩa “interview/phỏng vấn”, một là “面試 miànshì” là đi phỏng vấn xin việc, hay là đi phỏng vấn ở hall khác phải mặc đồ formal áo sơ mi váy tây giày da, nộp đơn xin học thì phải đợi phỏng vấn; và hai là “訪問 fǎngwèn”, là phỏng vấn báo chí, là mình hỏi người đáp, hay bất kì một thực hành trò chuyện, trao đổi nào – hai từ này không hề khó, chỉ là một người chỉ quen dùng tiếng Việt và tiếng Anh như mình lại quên mất. Cuộc phỏng vấn diễn ra trên Zoom, phản ánh đúng hiện thực sống, học tập, và sáng tạo thời Covid-19; phỏng vấn được một nửa thì wifi của mình bị ngắt kết nối và mình bị văng ra khỏi Zoom, phải mất cả năm phút cố gắng kết nối lại, còn lo sợ không biết file recording của mình có được lưu lại không, rất may là sau khi Zoom cloud recording xuất file thì có đầy đủ 2 tiếng 34 phút phỏng vấn, được gỡ băng, dịch ra và biên tập lại thành bài phỏng vấn dài sml vô cùng chi tiết mà bạn sẽ đọc dưới đây. [17k chữ – Zzz] Hình thái bài viết lấy cảm hứng từ những tập podcast mà mình đã nghe trong ba năm trở lại đây, với các đoạn tự bạch hay bàn luận, giải thích đan xen cuộc phỏng vấn, những trích đoạn bài dịch, những ghi chú nho nhỏ ngoài lề – các nguyên tắc thể loại được đặt ra để phá vỡ.

Một vấn đề được bàn luận trong workshop là việc viết hay không viết nghiêng các từ tiếng nước ngoài trong tiếng Anh. Cá nhân mình, trừ những lúc phải viết in nghiêng các từ tiếng nước ngoài, tiếng Latin hay tên tiểu thuyết, tên phim khi viết essay tiếng Anh nộp ở trường, chọn không viết nghiêng để miêu tả sự tồn tại của nhiều thứ tiếng trong cuộc trò chuyện hay cuộc sống của mình, vì thế các từ không phải tiếng Việt mình cũng không viết nghiêng; các từ viết nghiêng thường dùng để nhấn mạnh ý nghĩa hay cảm xúc trong câu nói. Một trong những điểm thú vị của phỏng vấn miệng là vì mình và Lezhi đều nói các thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh, nên sẽ có lúc bọn mình nói thứ tiếng đó trước rồi mới viết ra trong chat và dịch cho nhau hiểu: đó là những khoảnh khắc trì-biệt, cái différance trứ danh của Jacques Derrida mà thầy môn Hậu hiện đại đã kể với mình rằng khi xưa người ta đi nghe cụ giảng tiếng Pháp cả buổi xong phải đợi hôm sau bài giảng đăng báo mới biết viết là chữ “e” hay chữ “a” – khi tiếng chạy trước hình, lời đi trước chữ, ta nghe mà chẳng thể hiểu nổi rồi phải đợi viết ra, đợi đọc mặt chữ mới vỡ oà thì ra là thế. Trong bài này mình đã cố gắng truyền tải lại cảm giác thú vị (đôi khi khó khăn) ấy.

Bài viết này ban đầu định đặt là “Một khảo sát” nhưng muốn gọi là khảo sát mình phải đi phỏng vấn hết mọi người trong workshop chứ, thế đổi thành “Một cuộc trò chuyện” thì đúng bản chất sự kiện hơn, nhưng nghe lại không vần với “Đông Nam Á”. Rốt cuộc khi gỡ băng mình nghe Lezhi dùng chữ “encounters” rất nhiều trong bài, mình thấy hay quá bèn đặt tựa “Những cuộc gặp gỡ”, và có thanh trắc vần với “Đông Nam Á”, vừa bao hàm hết những ý nghĩa, những sự kiện đã diễn ra trong lịch sử nhân loại, lịch sử vùng, và nhỏ hơn nữa là những chuyện đã xảy ra trong gần một năm qua, từ ngày đầu workshop vào tháng Chín cho đến ngày đầu tháng Sáu mà chúng mình Zoom ấy. Đó là những cuộc gặp gỡ không chỉ trong workshop hay trong những nhóm, những vòng kết nối trong các lĩnh vực Nhân văn, mà còn những cuộc gặp gỡ mang ý nghĩa cá nhân, vừa mở rộng theo chiều ngang, vừa mang tính thời gian theo quá trình học tập và trải nghiệm của mỗi người. Với mình, đó có khi là những cuộc gặp gỡ hụt, những con người không còn gặp gỡ nữa, nhưng cũng là những văn bản gặp đi gặp lại từ lớp này sang lớp khác, là những buổi học môn Giải Thuộc địa office hour tám tám tám area studies với thầy vui quá thứ 6 lên trường học mixed-mode lớp có 7-8 bạn lại tám tiếp; là đi lên Bảo tàng Di sản Hồng Kông tận trên Shatin để xem triển lãm máy in và bộ in chữ tiếng Trung mang tên “Hong Kong Type” do các thầy truyền giáo làm ra để in Kinh Thánh từ Straits Settlement ở Nam Dương lên đến Hồng Kông, Macau, Trung Quốc rồi lại bán cho Hà Lan, rồi từ Hà Lan lại mượn trưng về triển lãm, đam mê quá phải xin thầy cho dời deadline bài cuối kỳ để đi lên bảo tàng xem kỹ lại rồi mới về viết bài; là đi làm sự kiện ở trường pha cà phê phin Việt sữa nóng phát bánh đậu xanh mít sấy hạt sen sấy kẹo dừa khô gà lá chanh chấm tương ớt Cholimex nhập khẩu Việt Nam mua ở Mong Kok cho bạn bè thi nhau uống lúc 5 giờ chiều 😀 Rồi mình cũng chẳng đếm nổi năm học vừa qua mình đã xem tổng cộng bao nhiêu hội thảo chuyên ngành trên Zoom… Nhìn quanh nhìn quanh, khảo sát – giờ mới dùng từ khảo sát – xem mình tiếp theo làm gì, học gì, trường nào ở đâu có ngành nghiên cứu Đông Nam Á tốt, có ngành Văn học So sánh tốt, rồi cuối năm nay khóa luận làm đề tài gì. Tương lai còn biến động, nhưng cứ bình tĩnh mà tiến, từ từ mà gặp gỡ.

TVB có bộ phim truyền hình dài tập vô cùng sến súa và đôi khi vô lý tên là 愛回家 Love Returns Home; tham gia workshop này, tiếp tục quan tâm và học hỏi về Đông Nam Á, và đem những tâm tình tuổi trẻ này chia sẻ ở đây, là những lần “yêu về nhà” của riêng mình.

Tái bút: xin cảm ơn Lezhi đã cho phép mình trích dẫn bản dịch tiếng Anh trong bài này!

Hong Kong, 09/2020 – 06/2021

 

 Ally Le (AL): Đầu tiên xin mời anh giới thiệu bản thân với các độc giả Zzz Review. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với dịch thuật và Đông Nam Á?

Wang Lezhi (WL): Xin chào mọi người, mình là một “sử gia tập sự” ở trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore, NUS). Mình đến từ Thiên Tân, một thành phố ở ven biển phía Bắc Trung Quốc với văn hoá sông hồ; nơi đây từng khá phồn thịnh nhưng giờ không còn nổi tiếng như trước nữa. Cuộc sống của mình trước đây không hề liên quan gì đến Đông Nam Á cả. Mình đi du học ở ở Mỹ và cũng từng đến Hà Lan, là nơi mình có sự tiếp xúc đầu tiên với Đông Nam Á. Đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị, một sự kiện khá trớ trêu, một cuộc gặp gỡ đậm chất “thuộc địa” hay là “hậu thuộc địa” với những người Hà Lan gốc Indonesia hay gốc Hoa kiều Indonesia, và đó cũng là khởi đầu cho hứng thú của mình đối với quá trình “trở thành” của Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia. Mối quan tâm này ngày một tăng dần và giờ đây mình xem bản thân là một “học sinh” của khu vực này. Mình học từ vị trí Đông Nam Á, chứ không học hay nghiên cứu (về) Đông Nam Á. Mình không xem bản thân là một nhà sản xuất kiến thức theo cách hiểu duy Âu-Mỹ truyền thống; ngược lại là đằng khác: sống trong thế giới tư bản đời cuối hiện nay cười, mình nhận thức được nhu cầu đi ngược lại hay thậm chí là phá vỡ một số khía cạnh trong nghiên cứu học thuật vốn bị/được thống trị bởi các học giả châu Âu hay Hoa Kỳ – tự thân họ cũng đang cố gắng làm vậy – đó cũng là một trong những chủ đề của workshop phải không nào.

Đây cũng là lý do vì sao mình cảm thấy cần thiết phải có mặt ở thực địa, mặc dù về lý thì Singapore vẫn chưa phải là thực địa của mình, Singapore vẫn chỉ là một chiếc bong bóng, đặc biệt là trong thời đại Covid-19 này, Singapore thật sự là một bong bóng được che chắn khỏi những hiểm hại, những con virus đang tàn phá phần còn lại của khu vực. Dẫu vậy, mình vẫn cảm thấy thoải mái khi học, học về, học từ Đông Nam Á tại Singapore hơn là ở các nước Bắc bán cầu giàu có (Global North)[2]

Và đó là lí do mình ở đây, và mình vừa hoàn thành năm nhất bậc Tiến sĩ tại NUS.

AL: Vậy theo anh truyền thống sản xuất kiến thức Đông Nam Á Học lấy Âu-Mỹ làm vị trí trung tâm này là gì, và vì sao chúng ta cần phải cố gắng thay đổi nó?

WL: Nghiên cứu của mình tập trung vào công cuộc sản xuất kiến thức thời thuộc địa mà đầu tiên và trên hết chính là những cuộc gặp gỡ. Khi những người châu Âu hay Mỹ đầu tiên đến Đông Nam Á, đó là những cuộc gặp gỡ bất bình đẳng, là những cuộc gặp gỡ mang theo năng lượng bạo lực và sự thống trị của chủ nghĩa thực dân. Những điều này không phải là chưa từng xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, như ta thường biết, các vương quốc châu Á cũng từng tạo lập ra những hệ thống sản xuất kiến thức bất bình đẳng để áp đặt bá quyền của mình, nhưng các hệ thống này chưa bao giờ được hệ thống hoá một cách bài bản và kỹ lưỡng so với các cường quốc phương Tây: trong ba-bốn trăm năm Đông Nam Á bị thống trị về mặt chính trị và quân sự, kiến thức thuộc địa đã luôn được sản xuất để củng cố vai trò, vị trí và thượng quyền của những kẻ thống trị. Đây là một quá trình song song với Thời kỳ Khai Sáng (Age of Enlightenment) và sự ra đời của các ngành khoa học tự nhiên và xã hội hiện đại ở phương Tây. Ví dụ như trong thế kỷ 18 ta có Alexander von Humboldt, một nhà khoa học xã hội cực kỳ xuất sắc: ông đã du hành vòng quanh thế giới, nhưng chính các công trình của ông cũng phần nào củng cố chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã được khoa học hoá. Đó là một quá trình kéo dài – cuối thế kỷ 19 ta có sự ra đời của ngành nhân chủng học hiện đại, một ngành rất cần thiết và ngày nay đem lại cho ta rất nhiều kiến thức hữu ích, nhưng sự thật hiển nhiên là chuyên ngành này có gốc gác thuộc địa và phân biệt sắc tộc rất sâu đậm, và phương pháp luận của chính nó cũng rất có vấn đề, thường bao gồm các ông bà da trắng đến ở nhà dân bản địa, v.v… Cuối thế kỷ 20 ta chứng kiến sự tự phê bình và giải cấu trúc những vấn đề này, và việc giải cấu trúc đó được thực hiện từ bên trong, mà như thế thì không thể tránh khỏi điểm mù của người trong cuộc. Vì thế nên hiện nay có những quyển sách nhân chủng học đưa ra những luận điểm hết sức yếu kém, như thể sợ phải trình bày những tranh luận mạnh mẽ hay những tuyên bố quyết liệt. Những vấn đề này rất khó cải thiện.

Vì thế mình tin rằng là một người đến từ nước thế giới thứ ba (Third World country), quan điểm của mình cũng có giá trị đóng góp cho quá trình thanh lọc hay cải thiện việc sản xuất kiến thức khoa học. Và mình cũng tin rằng rằng là một người Trung Quốc, vị trí tính (positionality) của mình, việc phê bình vị trí tính này, và nhận thức được bản thân mình đại diện cho những gì trong công cuộc thách thức truyền thống duy Âu-Mỹ cũng là một điều thú vị không kém. Là một người Trung Quốc làm những điều mà người Mỹ hay người châu Âu đã luôn làm ở Đông Nam Á, mình thích quan sát bản thân mình, mình thích tự phản biện bản thân – đối với mình đó là một niềm vui.

Xin phép kể thêm một câu chuyện nữa.

Giáo sư hướng dẫn trước đây của mình ở Đại học Washington (University of Washington, UW) là một người cực kì tuyệt vời, là học giả nghiên cứu văn hoá truyền thống Java và tâm phân học hết sức uyên bác[3]. Cô cái gì cũng giỏi, cũng tốt, nhưng cuộc gặp gỡ với Java của cô ấy cũng có nguồn gốc đế quốc thực dân: cô đến Java khi Hoa Kỳ còn là đồng minh với chế độ độc tài ở Indonesia và gia đình cô có liên hệ với nền độc tài này trong vai trò cố vấn Mỹ. Như thế mình không thể chỉ trông mặt mà bắt hình dong, và phải nhận thức, phải công nhận rằng kiến thức có giá trị, hữu ích, thiện tâm có thể sinh ra từ những mối quan hệ quyền lực không cân bằng, và những kiến thức bất hảo cũng có thể sinh ra từ những ý định tốt, từ những mối quan hệ có vẻ công/cân bằng.

AL: Em đọc trong tiểu sử của anh trên website của UW có viết: “Sau nhiều năm học tiếng Hà Lan và đi học trao đổi tại Utrecht, Hà Lan, anh vô tình đọc được trong Văn khố Quốc gia Hà Lan một lá thư đã truyền cảm hứng cho anh nghiên cứu về các danh tính Hoa kiều ở Đông Nam Á. Viết bởi một thủ lĩnh người Phúc Kiến ở Dutch Batavia [Jakarta ngày này – AL], lá thư hé lộ những rạn nứt giữa danh tính người Hoa ở hải ngoại và ở cố hương.” Vậy để theo đuổi nghiên cứu kể trên, anh đã học ngoại ngữ như thế nào? Anh biết tổng cộng bao nhiêu thứ tiếng và anh đã học những thứ tiếng này ở đâu?

WL: Tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Trung Phổ thông, rồi đến tiếng Anh, tiếng Indonesia, tiếng Hà Lan, một chút tiếng Đức và một chút tiếng Phúc Kiến.

AL: Anh học tiếng Hà Lan và tiếng Đức ở đâu?

WL: Mình học tiếng Hà Lan ở đại học. Mình chuyển đến học ở Madison (University of Wisconsin – Madison, UWM) đơn thuần vì trường này có chương trình tiếng Hà Lan vô cùng tốt, một lý do khá hiếm hoi mà nói ra chắc chẳng ai hiểu nổi cười. Từ trước đến nay mình rất đam mê học ngoại ngữ, và mình vô cùng mê mẩn ngôn ngữ và lịch sử Hà Lan, về đế quốc hàng hải Hà Lan và làm sao một đất nước nhỏ bé ở châu Âu lại có thể bành trướng và lan toả văn hoá, ngôn ngữ đi thật xa. Em biết là từ tiếng Phúc Kiến để chỉ người phương Tây –

AL: Angmo.

WL: Đúng thế, “紅毛人 Âng-mô͘ lâng[4] ban đầu là từ để gọi người Hà Lan, sinh ra từ những cuộc gặp gỡ, kể cả chạm trán, giữa người bản địa với người Hà Lan. Đó là một câu chuyện hết sức kỳ thú. Nên việc đầu tiên mình làm ngay sau khi chuyển đến Madison là đi học tiếng Hà Lan, vì không chỗ nào khác dạy tiếng Hà Lan cả, kể cả ở Hà Lan, và nếu không học bài bản ngay từ đầu thì khó học lên trình độ cao được. Đến giờ mình vẫn nói được tiếng Hà Lan và ngày thứ Sáu cuối cùng ở đó mình vẫn đi ra Dutch Corners ở Madison cười và vẫn giữ liên lạc với các bạn học cũ.

AL: Tiếng Đức thì sao?

WL: Mình có học một chút tiếng Đức ở cấp ba. Lúc ấy mình vô cùng đam mê học tiếng Hà Lan nhưng không có chỗ nào dạy cả, nên mình chọn học tiếng Đức vì mình nghĩ hai thứ tiếng này khá gần nhau; hơn nữa Thiên Tân còn giữ lại nhiều ảnh hưởng thời thực dân Đức chiếm đóng, đến giờ vẫn còn các nhà máy sản xuất ô tô nên cũng có một lượng lớn người Đức ở đó, nên không khó để tìm chỗ học và thầy cô dạy tiếng Đức. Nhưng lúc có cơ hội học tiếng Hà Lan thì mình nghỉ học tiếng Đức luôn nên giờ không còn biết nhiều như xưa nữa. Mình đọc được, nhưng không nói được tiếng Đức.

AL: Theo như câu chuyện trên thì anh bắt đầu học tiếng Indonesia sau khi đi Hà Lan về?

WL: Đúng thế. Sau khi trở về Madison mình bắt đầu đăng ký học các lớp tiếng Bahasa Indonesia ở trường. Cô giáo dạy tiếng Bahasa đã trở thành một người bạn tốt của mình và hai cô trò còn chuyển sang Seattle cùng nhau! cười

Chuyện học tiếng Bahasa Indonesia của mình cũng buồn cười lắm. Các lớp trình độ thấp được xếp lịch vào đầu ngày, ví dụ lớp vỡ lòng thì luôn bắt đầu học từ 7:50 sáng, rồi lớp tiếp theo là 8:50 – đó là cách xếp lịch dễ nhất. Nhưng mình lại ở cách trường 30 phút, và mùa đông ở Madison thì nhiệt độ là âm 20 độ C và ngày nào cũng có bão tuyết và trời thì luôn tối, hoàn toàn tối om, và phải dậy từ khoảng 6:40, chỉ kịp uống một ly cà phê, rồi mỗi ngày đều phải dành ra 10 phút chỉ để mặc đồ đi giày mùa đông trước khi chạy xuống để kịp bắt xe buýt đi học. Đến được lớp thì cả người đã lạnh cóng và buồn ngủ smltrời thì vẫn tối om và bắt đầu học một ngôn ngữ nhiệt đới cười Trải nghiệm buồn cười chết đi được. Các giáo viên đã dạy tiếng ở Bắc bán cầu[5] nhiều năm và chắc họ còn thấy buồn cười hơn nữa khi phải cố tái tạo không khí nhiệt đới trong mùa đông tê tái Madison.

Tiếng Bahasa Indonesia học rất vui mà dùng cũng rất vui. Rất thách thức, thứ tiếng nào cũng vậy. Mình tiếp tục học tiếng Bahasa ở Seattle và cũng sử dụng tiếng khi đi đến Indonesia.

AL: Vậy anh đến Indonesia để học…

WL: Một mùa hè. Mình không đi học lớp tiếng Bahasa ở Indonesia, mình chỉ đi học ở đó thôi.

Vì mình đề xuất nghiên cứu về Borneo ở bậc Thạc sĩ nên đã xin tiền quỹ để đi đến Borneo và ở đó hai tuần rưỡi, đi thăm thành phố, làng xóm, làm quen với người dân ở đó, đi thăm đền chùa miếu mạo, nghĩa trang cười và nhà thờ Hồi giáo, nhà thờ Thiên Chúa giáo, v.v. Mùa hè năm đó mình cũng tham gia một workshop ở trường Đại học Gadjah Mada (Universitas Gadjah Mada, UGM) ở Yogyakarta. Chương trình này giống trại hè hơn, là cơ hội để các bạn trẻ học hỏi về các nghiên cứu mới nhất về Đông Nam Á của nhà nghiên cứu người Indonesia. Họ cũng mời một số học giả từ bên ngoài Indonesia sang nhưng đa số là các học giả trong nước. Bọn mình cũng được chia thành các nhóm nhỏ để thực hiện các dự án về lịch sử địa phương. Mình nghĩ là trại hè được tổ chức rất chuyên nghiệp, phía tổ chức còn thu xếp cho các bạn học sinh – sinh viên địa phương làm bạn đồng hành với bọn mình, nói là để học hỏi từ bọn mình thôi chứ mình cảm thấy bọn mình lại học được rất nhiều từ phía các bạn ấy.

Khoảng thời gian trại hè rất vui và có rất nhiều bạn học đến từ các nước Đông Nam Á khác. Mình là người Trung Quốc duy nhất ở đó, nên hoạt động này khá là “ASEAN”. Có nhiều bạn sinh viên người Philippines, một số bạn Việt Nam – có một bạn mình rất mến, bạn ấy nói tiếng Trung cực kỳ hoàn hảo cười và đến giờ bọn mình vẫn giữ liên lạc với nhau; có sinh viên Thái, một số bạn Malaysia, kha khá bạn Úc, một bạn Đài Loan, và một bạn Nhật. Chương trình cũng hỗ trợ chỗ ở nên mình có cơ hội được ở Indonesia tổng cộng một tháng cười

AL: Đắm mình trong ngôn ngữ 100%! Thế còn tiếng Phúc Kiến?

WL: Mình quen bạn gái hiện tại ở Seattle. Cô ấy là người Phúc Kiến Đài Loan. Mình biết là cần phải biết ít nhất một chút tiếng Phúc Kiến để nghiên cứu người Hoa ở Đông Nam Á, và tình cờ là bạn gái mình thành thạo tiếng Phúc Kiến nên rất tự nhiên mình học từ cô ấy. Ý là trước khi quen nhau mình đã tự học tiếng Phúc Kiến rồi, bằng cách xem hài tiếng Phúc Kiến trên Youtube cười Các chương trình hài truyền hình và talkshow thập niên 90 của Đài Loan rất chất, rất vui tiếp tục cười Gia đình bạn gái mình thì là nhà người Đài Loan điển hình, họ nhiệt tình cổ vũ và quảng bá văn hoá Đài Loan cười nên mình rất may mắn được học tiếng Phúc Kiến từ bạn gái. Đó là một diễm phúc ít người có được.

 

Trong các ngôn ngữ Hoa kiều ở Đông Nam Á, điển hình như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Khách Gia/Hẹ, Hải Nam, v.v. thì tiếng Phúc Kiến là tiếng “cổ” nhất ở Đông Nam Á, còn du nhập hẳn vào tiếng Indo và Malay. Tiếng Phúc Kiến, hay còn gọi là tiếng Mân Nam, là một thứ tiếng xuất phát ở vùng Mân Nam, phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến, theo chân những người di cư và thương nhân đến Đài Loan (gọi là tiếng Đài, hay tiếng Holo), Singapore, Malaysia, Philippines, và những nơi khác ở Đông Nam Á và thế giới. Các phương ngữ miền Nam Trung Quốc, kể cả tiếng Phúc Kiến, chủ yếu là ngôn ngữ nói, hệ thống Hán tự dùng để viết cũng phát triển hoàn toàn khác nhau và khác xa chữ Hán tiếng Phổ thông hiện nay. Với quá trình di dân phức tạp trong suốt nhiều thế kỷ, các thứ tiếng này đến đâu sẽ thay đổi ở đó, nên tiếng Phúc Kiến ở Đông Nam Á không nhất thiết giống tiếng Phúc Kiến ở Đài Loan 100%, mà ở Đông Nam Á bản thân nó cũng có những sự thay đổi hoặc phân hoá lớn. Trong lúc đi chú giải bài này mình có tìm được 1 trang web gồm người nói tiếng Phúc Kiến ở Sing và Đài Loan, cũng như các nhà nghiên cứu hoặc đam mê tham gia so sánh tiếng Phúc Kiến thông qua bình luận phim truyền hình dài tập Singapore Ngoài ra còn có clip TEDx này cực kì vui nói về tiếng Phúc Kiến và Quảng Đông ở Penang, có sub tiếng Anh, rất là vui!

 

AL: Thế giờ anh là gagi nang của nhà bên ấy?

WL: “Gāgǐ nāng” là tiếng Triều Châu hơn là tiếng Phúc Kiến. “Kakī lâng” – mình vẫn chưa phải là kaki lang với họ[6]. Mỗi khi tiếp xúc với một nền văn hoá mới lạ, mình thường giữ một khoảng cách nhất định giữa bản thân và nền văn hoá đó, để bảo vệ danh tính riêng của cá nhân mình cười. Mình nghĩ điều này xuất phát từ trải nghiệm sống của mình ở Mỹ. Ở châu Á mình ít có cảm giác chia cách về mặt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở Mỹ mình biết ngay là mình.không.thuộc.về.nơi.này, mình không được chào đón. Mình tin rằng danh tính của mình – là một người Hoa đến từ miền Bắc Trung Quốc – rất cần bảo vệ và giữ gìn, thế nên việc học một ngôn ngữ mới, một nền văn hoá mới lại càng củng cố danh tính gốc của mình hơn. Mình chưa bao giờ xem mình chung một hội với các bạn Hà Lan hay các bạn Indonesia. Mình ít khi bị hấp thụ hoàn toàn vào một nhóm hay một danh tính mới.

AL: Vậy anh học tiếng Bahasa bao lâu? 3 năm?

WL: Từ năm 2017, vậy là bốn năm.

AL: Còn tiếng Phúc Kiến?

WL: Từ năm 2018, ba năm.

AL: Và anh dùng được cả hai thứ tiếng này?

WL: Đúng vậy. Riêng với tiếng Phúc Kiến thì mình mới chỉ biết ở mức độ rất cơ bản thôi lah. Nếu ai nói với mình mà khẩu âm nặng quá thì cũng không hiểu được. Nếu người ta nói đủ chậm và đủ rõ thì mình sẽ hiểu được 50% thôi, chứ không thành thạo. Nhưng mình biết gọi đồ ăn đó nha!

 

Lezhi nói bản thân mình không giỏi tiếng Phúc Kiến thôi, chứ mình thực sự rất phục anh ấy. Trước đây mình đã tưởng học được tiếng Quảng Đông là khó, vì có đến 9 thanh điệu lận, ngờ đâu tiếng Phúc Kiến, Triều Châu còn khó hơn. Trong lúc gỡ băng bài này, mình thử tìm cách viết phiên âm câu anh ý nói vì là đọc miệng rồi viết chữ tiếng Trung ra, chứ không có phiên âm. Mình lên một trang từ điển tiếng Phúc Kiến để tra: 1 chữ 那 mà tiếng Trung hay tiếng Quảng chỉ có 1-2 cách đọc thì tiếng Phúc Kiến có đến 10 cách đọc, mình gửi cho chị An Lý xem chị ấy khen đẹp quá ngắm mãi. Bạn bè người Đài Loan của mình trước đây cũng thú thật không biết nói tiếng Đài vì không học hoặc học rồi nhưng quên, có bạn còn nói với mình rằng không tài nào tưởng tượng nổi có người còn tự nguyện đi học thứ tiếng này.

 

AL: Với vốn ngoại ngữ “khủng” như vậy, liệu dịch thuật có phải một phần tất yếu trong cuộc sống của anh từ trước đến nay? Hay đó là một thực hành anh “bén duyên” trên chặng đường du học, du lịch và dịch chuyển của mình?

WL: Dịch thuật chưa từng là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình. Trước đây mình chỉ có làm bài tập dịch thuật trong các lớp học ngôn ngữ cười (AL: Chúng ta ai cũng vậy!) chứ không dịch gì nhiều. Năm ngoái trước khi dịch Covid-19 bùng phát, có một học giả người Trung Quốc hỏi mình xem có muốn dịch một bài nghiên cứu từ tiếng Anh sang tiếng Trung không, đó là công việc dịch thuật nghiêm túc “đầu đời” của mình. Hoá ra rất vui! Mình không được trả tiền công, mình vẫn không biết liệu bài báo ấy có được chấp nhận xuất bản không vì xuất bản nghiên cứu học thuật vốn là một quá trình dài lê thê dễ gây nản chí – người ta bảo có thể xin được tiền để trả công, nhưng đến giờ mình vẫn chưa nhận được nhuận dịch cười. Nhưng mà em biết đấy, kiểu mình đang ở nhà mà có gì làm thì cũng hay. Rồi mình tham gia workshop này. Mình gặp cô Tyrell khi còn học đại học ở Madison, nhưng chắc lúc mình gửi email đăng ký tham dự cô ấy chẳng còn nhớ mình đâu, nhưng đúng là mình có quen biết cô ấy và rất nhiều anh chị tham gia workshop lần này, nên đi workshop là cơ hội để mình gặp lại bạn cũ hơn cười chứ không quá đặt nặng mảng dịch thuật.

Có một chuyện như thế này: mình làm đề tài Thạc sĩ về ba trích đoạn tiểu thuyết và phải dịch một số trích đoạn để đưa vào luận văn. Vào ngày bảo vệ luận văn, một trong số các thầy cô hướng dẫn có hỏi mình vì sao dịch từ này như thế này, và thầy nghĩ đó là một bản dịch hay. Hình như đó là từ “狡黠 jiǎoxiá” trong tiếng Trung. Mình dịch là “cunning” nhưng thầy nghĩ nên dịch là “clever” vì “cunning” có hơi… Mình không nhớ chính xác thầy đã nói những gì, nhưng hai thầy trò đã có một cuộc thảo luận ngắn về những quyết định dịch thuật.

Em biết từ jiǎo xiá đúng không?

AL: Xảo trá.

WL: Chuyện đó thực sự kích thích “máu” dịch thuật trong mình. Và khi đăng ký tham gia workshop mình đề xuất dịch một trong ba trích đoạn tác phẩm mà mình đã nghiên cứu trong luận văn Thạc sĩ.

AL: Vậy ngoài cuộc sống cá nhân ra, dịch thuật có phải một phần quan trọng trong công việc của “sử gia tương lai” không?

WL: Đối với các nhà sử học, các sử gia thì dịch thuật là một việc tất yếu, nên chương trình đào tạo cũng bao gồm việc học tiếng để người học hay làm nghề nghiên cứu Lịch sử ít nhất cũng đọc được tư liệu gốc. Đa số các sử gia nếu không nghiên cứu lịch sử Hoa Kỳ hay Anh Quốc thì thường sẽ phải rất thành thạo ngôn ngữ đích (target language), thế nhưng đúng là ngành Lịch sử cũng thường xem nhẹ tầm quan trọng của việc dịch thuật. Công đoạn dịch thuật thường bị bỏ qua và thường không được công nhận xứng tầm của mình trong toàn thể công trình nghiên cứu. Ta thường công nhận những gì sử gia cho mình biết là đúng, ví dụ một sử gia chuyên về lịch sử Ba Tư (Persia) và biết đọc tiếng Farsi sẽ viết luận văn bằng tiếng Anh và mọi văn bản, mọi nguồn nghiên cứu tiếng Farsi sẽ được trình bày dưới dạng bản dịch tiếng Anh, và ta không đặt câu hỏi về quá trình này, ta không đặt vấn đề hay nghi ngờ khả năng dịch thuật của người này. Việc này đến từ lòng tôn trọng tác giả công trình, nhưng cũng do thật khó hay không tài nào đi kiểm tra từng chữ một để đánh giá đúng uy tín của bản dịch này, vì không phải ai cũng có thể đọc được ngôn ngữ đích đúng không nào, kể cả những người làm nghề bình duyệt (peer review). Bình duyệt trong nghiên cứu học thuật vốn là một vấn đề nan giải vì lỡ tác giả có bịa chuyện giỏi quá thì cũng đâu ai phát hiện ra được cười. Nếu người đó tưởng tượng ra chuyện gì và viết thành một công trình với những luận điểm nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục (cf. Sokal hoax[7]) thì người bình duyệt cũng khó mà tìm nổi lỗi sai. Có một vụ án khá thú vị xảy ra trong ngành Tâm phân học… Hay là Lịch sử Thế giới nhỉ?… Có quá nhiều những vụ như thế! Thật ra em biết không chuyện này giờ đã trở thành hiện tượng tràn lan rồi. Có những trường đại học, có những giáo sư mở cả các lớp chuyên dạy cho sinh viên đọc sâu và nghiên cứu một số quyển sách gây tranh cãi để tìm ra lỗi sai rồi kiến nghị lên các nhà xuất bản – để làm được như thế rất vất vả và cần rất nhiều người.

Vì thế dịch thuật đúng là một công cụ thiết yếu của các nhà sử học, nhưng chính bản dịch lại không có mặt trong khung hình. Đó là một vấn đề cần phải được giải quyết.

Và như đã kể khi nãy thì trong quá trình làm và lúc bảo vệ luận văn Thạc sĩ, mình đã có một cuộc gặp gỡ, những cú va chạm với rất nhiều câu hỏi và nghi vấn về việc dịch thuật của mình, nhưng cuộc thảo luận với thầy cũng không đạt đến một kết quả hay kết luận chung nào.

AL: Quay lại với workshop, như đã kể trên thì anh chọn dịch một trong ba trích đoạn tác phẩm từ lúc làm Thạc sĩ. Anh có thể chia sẻ thêm về tác phẩm mà anh chọn: từ đâu mà anh biết đến tác phẩm này, đôi nét về tác giả – tác phẩm, những đặc điểm chính của tác phẩm, chủ đề, nội dung, v.v.

WL: Tác giả Li Yongping (李永平, Lý Vĩnh Bình) là mình được thầy Chan Cheow Thia (曾昭程, Tăng Chiêu Trình), hiện là Phó Giáo sư Chinese Studies tại NUS giới thiệu cho. Mình sang [Đại học] Cornell để trình bày luận văn tốt nghiệp cử nhân, lúc đó thầy Cheow Thia đang làm post-doc [nghiên cứu sau Tiến sĩ – AL] tại đó và đi xem. Mình quên mất lúc đó đã nói chuyện gì nhưng thầy Cheow Thia đã giới thiệu cho mình đọc Li Yongping. Rồi mùa hè năm đó [2017] mình đi thực địa ở Indonesia lần đầu – nói đi thực địa thì không đúng lắm lah vì chỉ là đi nghiên cứu sơ bộ và đi trại hè thôi – và mình đã đi đến nơi cần nghiên cứu là phía Tây đảo Borneo. Li Yongping viết nhiều về Tây Borneo, bao gồm cả quyển sách này. Tác phẩm tên là 大河 The End of the River [Tạm dịch: Đại hà Tận đầu – AL]. Great river/đại hà ở đây nói đến Sungai [sông] Kapuas, con sông dài nhất Borneo. Quyển sách ấy khiến mình quan tâm đến việc phản biện lịch sử Borneo theo hướng trí thức luận hơn, nhưng làm sao mình lại có kết luận này lah?

Quyển sách kể về một cậu thiếu niên Hoa kiều Sarawak – Sarawak là phần phía Bắc đảo Borneo thuộc Malaysia; đảo Borneo được chia làm ba phần thuộc Malaysia, Indonesia và Brunei – và chàng trai gốc Hoa này dường như có họ hàng với một gia đình người Hà Lan ở Borneo, chi tiết này ông tác giả chắc chắn đã chế ra vì thời đó không hề có sự hiện diện mạnh mẽ của người Hà Lan ở Tây Borneo. Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu của cậu ấy [từ phần thuộc Malaysia] sang phần thuộc Indonesia (thời đó thuộc Hà Lan), và trong chuyến chu du ngược lên thượng nguồn dòng sông ấy cậu đã gặp cô/dì họ người Hà Lan của mình mà chắc chắn ông tác giả đã chế ra. Có rất nhiều lỗi sai lịch sử (anachronism) trong tác phẩm này. Về cơ bản thì quyển này khá là – từ gì ấy nhỉ – hiện thực huyền ảo, là một câu chuyện hiện thực huyền ảo diễn ra trong thập niên 1960 ở Indonesia, mà trên cương vị sử gia mình có thể nói ngay cho em biết rằng thời đó không hề giống thế! cười

Chuyến phiêu lưu ngược lên thượng nguồn dòng sông đã bóc dần đi những lớp vỏ sang chấn (trauma), những tổn thương trong phong cảnh, và con người cũng là một phần trong quang cảnh ấy. Lột đi từng lớp từng lớp sang chấn, từng lớp từng lớp thương tổn, những ký ức đau đớn mà khu vực này đã phải chịu đựng. Mình cũng khá tò mò không biết vì sao tác giả lại chọn thập niên 1960 bởi ông biết chắc chắn thương tổn và sang chấn sẽ còn tiếp diễn vào những năm 65-66-67 và 68, năm xảy ra cuộc đại thảm sát ở Borneo[8]. Nên có lẽ vì thế ông cũng cố tránh lối viết quá hàm súc hay đau buồn. Ở thời điểm diễn ra câu chuyện, Borneo đã là một quang cảnh ăm ắp kí ức đau thương – từ cuộc sống dưới ách thống trị của thực dân Hà Lan, tới sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến, những mâu thuẫn sắc tộc ngày càng trở nên nghiêm trọng, cho đến sự chiếm đóng tân-thực dân của các tập đoàn dầu khí, cao su, dầu cọ lớn từ phương Tây, cứ thế cứ thế… Đó là một sự kết tinh, cắt dán gán ghép chất chồng lên nhau những mối quan hệ quyền lực cả thuộc địa lẫn tân thuộc địa. Người kể chuyện đi thuyền ngược dòng lên thượng nguồn dòng sông với một nhóm du khách toàn là người da trắng đến từ mọi nẻo đường, mọi hoàn cảnh trên thế giới, và cậu ta kể về nhóm người này bằng một giọng văn phân biệt chủng tộc vô cùng gay gắt, dùng chính giọng điệu và ngôn ngữ mà các nhà nhân chủng học da trắng đã luôn dùng để miêu tả các dân tộc, các nhóm sắc tộc ở châu Á. Thế nên quyển sách này tự thân nó khá là hậu thuộc địa lah~ Rất hiện thực huyền ảo. Tất cả các yếu tố này làm nên ma thuật của quyển sách.

Mình đã đọc nó trước khi đến tận nơi dòng sông trong truyện – nói chính xác là mình đã đọc quyển này để chuẩn bị cho chuyến đi của mình, nhưng nó sẽ còn ám ảnh mình lâu dài hơn cả thời lượng chuyến đi. Chuyến đi đến Tây Borneo của mình chỉ kéo dài gần 3 tuần thôi, nhưng mình còn phải nghiên cứu quyển sách suốt hai năm làm Thạc sĩ cười

AL: Vậy đề tài Thạc sĩ của anh chủ yếu nghiên cứu quyển này của Li Yongping?

WL: Còn 2 quyển nữa.

AL: cười Ồ vậy là mọi chuyện chỉ mới bắt đầu thôi!

WL: Và trong lúc ngược dòng anh chàng còn ngủ với cô họ người Hà Lan của mình![9]

AL: sốc nặng

Đây, vốn là một chiếc tạp chí PG-13… [không hề – Zzz]

Vậy anh đọc quyển của Li Yongping bằng tiếng gì?

WL: Mình đọc bản gốc viết tiếng Trung. Quyển này không có bản dịch Anh ngữ đâu, chương sách mình dịch trong workshop chính là bản dịch tiếng Anh mà! cười

AL: Còn hai quyển kia thì sao?

WL: Một quyển tiếng Hà Lan và quyển còn lại tiếng Anh. Cả ba quyển này đều rất đa ngôn ngữ, ngoài ngôn ngữ chính còn bao hàm nhiều ngôn ngữ khác nhau nữa, viết theo lối lai tạp thời thuộc địa (creolised[10]). Quyển tiếng Hà Lan do tác giả người Hà Lan viết; còn quyển tiếng Anh thật ra là do một tác giả người Borneo bản xứ viết!

AL: Liệu anh có thể “bật mí” thêm về hai quyển này?

WL: Mình gộp ba quyển này với nhau vì cả ba đều viết về chủ đề Borneo. Quyển tiếng Hà Lan được viết sớm hơn, từ năm 1885, tác giả là một sĩ quan thực dân kiêm học giả, nhà nhân chủng học người Hà Lan; sau khi trở về Hà Lan ông đã viết khá nhiều tiểu thuyết, nên mình so sánh quyển này với quyển kể trên của Li Yongping để khám phá cách chúng tạo dựng nên huyền thoại cũng như nỗi u sầu mất mát sau khi rời đi, hay trở về từ xứ thuộc địa. Quyển tiếng Hà Lan kể về bốn kẻ đào ngũ khỏi quân đội Đông Ấn Hà Lan (Dutch East Indies) và chạy trốn trên đảo, khá là ngộ nghĩnh cười nhưng cũng là một chủ đề dễ gây tranh cãi trong xã hội Hà Lan bảo thủ thời đó.[11]

Quyển còn lại là hồi ký của một người phụ nữ Borneo với nhiều cuộc gặp gỡ/chạm trán tân-thuộc địa[12]. Dưới thời Suharto, khi Indonesia còn thân với thế giới phương Tây, Borneo mở cửa chào đón các nhà khoa học tự nhiên, nhà linh trưởng học, khách du lịch phương Tây – mà không phải du lịch thuộc địa kiểu cũ, mà là kiểu mới hơn, hợp mốt hơn như đi tình nguyện, những cái bíp bíp như “đi tình nguyện một tuần xây rào cho khu bảo tồn thiên nhiên mới”. Bà tác giả đã sống qua những chuyện này: bà sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng dân tộc xa xôi hẻo lánh với lối sống cơ bản là săn bắn – hái lượm, sau đó lên thành phố và sống dưới chế độ Suharto siêu tham nhũng, rồi những người ngoại quốc này đến Indonesia mà không biết cái bíp gì hết lah. Bà còn gặp những người định cư đến từ Java – trung tâm quyền lực của Indonesia, gặp cả những người gốc Hoa sống ở Borneo đã phải chịu nhiều khổ ải trong những thập niên 60-70. Bà tác giả rất thẳng thắn về nhiều thứ, và quyển này có hơi “giật gân” một tí, nhưng nó đem đến cái nhìn từ phía người dân tộc bản địa Borneo. Lịch sử xuất bản quyển này cũng rất bất ngờ nhé: bà tác giả vừa học tiếng Anh vừa viết sách bằng tiếng Anh vừa thư từ tiếng Anh qua lại với biên tập viên. Nhìn chung thì luận văn thạc sĩ của mình là một bản phân tích và so sánh ba quyển này – Văn học So sánh đó ^^

AL: Vậy quá trình dịch trích đoạn quyển Đại hà Tận đầu của anh như thế nào?

WL: Mình nghiên cứu Li Yongping trong vòng 2 năm nên mình hiểu rất rõ tác phẩm. Mình nghĩ động lực lớn nhất thôi thúc mình dịch chính là vì nó quá đa văn hoá. Mình chưa từng làm dịch giả chuyên nghiệp và bây giờ cũng không, mình cũng không học nghiên cứu văn học bài bản ngày nào. Lý do của mình rất đơn giản: ngôn ngữ của Li Yongping như một chiếc kính vạn hoa, nó quá khác lạ và không tuân theo bất kỳ khuôn mẫu văn học Hoa ngữ nào – đó là phiên bản Hoa ngữ của riêng ông, ông cho biết rất rõ rằng mình không viết theo lối văn Hoa ngữ tiêu chuẩn mà muốn viết một phong cách văn học Hoa ngữ Sarawak riêng. Em học Văn học Mã Hoa[13] chắc chắn hiểu chuyện này.

Li Yongping phủ nhận những nguyên tác ngữ pháp và hình thái văn học điển hình trong tiếng Trung. Bản thân mình không quá yêu thích phong cách của ông vì ông tự lặp đi lặp lại chính mình nhiều quá, kể cả hình dạng câu chuyện. Đọc một lần thì thấy ấn tượng quá, đọc hai lần vẫn thấy hoành tráng quá, nhưng cứ lặp đi lặp lại mãi thì có vẻ hơi lười, nhưng mình vẫn tin rằng giới thiệu quyển này cho độc giả phương Tây là một trải nghiệm thú vị. Mình nghĩ rằng toàn bộ văn bản rất vui, và việc dịch cũng vui không kém vì nó chứa nhiều yếu tố ngoại quốc mà ta không thường gặp trong văn học Hoa ngữ thông thường. Đây không phải là văn học Hoa ngữ nữa, mà là văn học Sarawak, kể cả là văn học Sarawak-Đài Loan vì nó được nhắm đến đối tượng độc giả Đài Loan. Đây là một dự án rất vui, nó đã cùng mình trải qua giai đoạn cách ly covid cười lớn

Mình thật sự đã dịch bài này trên chuyến bay từ Seattle tới Singapore. Mình khó ngủ được trên máy bay vì mình cao quá nên rất không thoải mái cười nên mình nghĩ sao không dịch bài này cho dễ ngủ ~ (AL: đúng tinh thần Zzz Review!) nhưng cuối cùng lại dịch hết cả chương sách trên máy bay luôn! Khá vui. Không ai làm phiền. Cũng không có kết nối điện thoại, đỡ phân tâm cười. Mình cũng không phải đọc email nên có thể tập trung vào một thứ duy nhất.

AL: Quá trình dịch của anh diễn ra như thế nào? Anh có gặp phải trở ngại lớn nào không?

WL: Mình cứ dịch thôi man~

Khi dịch Li Yongping, sự can thiệp lớn nhất từ phía mình chính là phải cố gắng truyền tải được văn pha-lai (creolised) của ông sang tiếng Anh. Quyển sách được viết và xuất bản bằng tiếng Trung dành cho độc giả người Đài Loan, vì thế ông đã “đo ni đóng giày” cho độc giả, bao gồm rất nhiều từ vựng tiếng Đài – tiếng Phúc Kiến Đài Loan. Tiếng mẹ đẻ của chính ông không phải tiếng Phúc Kiến, mà giang hồ đồn đại là ông sang Đài mới học tiếng Phúc Kiến. Tiếng Phúc Kiến không phải ngôn ngữ cầu nối (lingua franca) ở phía Bắc Borneo nơi ông lớn lên; đa số mọi người sẽ biết một, hai từ tiếng Phúc Kiến vì đây là ngôn ngữ có tuổi đời khá cao ở Đông Nam Á, nhưng nó không thực sự thịnh hành ở quê Li Yongping. Các từ tiếng Phúc Kiến tác giả dùng mình đã cố gắng dịch được gần hết sang tiếng Anh nhờ vào vốn tiếng có hạn của mình. Vốn liếng tiếng Phúc Kiến tuy ít nhưng cũng giúp mình khi này khi khác trong những chuyến phiêu lưu Đông Nam Á. Khá là hay vì không phải ai cũng muốn bỏ công sức ra học một thứ tiếng thiểu số như thế cười

Mình xem rất nhiều bài trình bày thầy Tom Hoogervorst người Hà Lan chuyên nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Đông Nam Á, đặc biệt là văn học viết bằng các phương ngữ tiếng Hoa ở Đông Nam Á, nhưng có vẻ thầy cũng phải “đánh vật” với tiếng Phúc Kiến vì đây vẫn là một thứ tiếng chú trọng nói hơn là một ngôn ngữ viết, và khi được Latin hoá thông qua bảng chữ cái tiếng Indonesia thì đố ai đoán nổi chữ này nghĩa là gì… Thầy phải nhờ đến sự trợ giúp của từ điển chuyên dụng và hỏi thăm những người bạn Đài Loan biết tiếng Phúc Kiến. Mình tự cảm thấy rất may mắn vì có thể tự giải mã kha khá truyện của Li Yongping, và mình đã làm hết sức có thể truyền tải những âm hưởng Phúc Kiến-Đài Loan vào bản dịch tiếng Anh. Ngoài ra câu chuyện cũng có khá nhiều yếu tố Malay, mình cũng đã cố gắng dịch tốt nhất có thể.

 

//Một trích đoạn bản dịch:

Month Seven, Day Six, Midday, Aground in the River

Tonight, We Party on the Boat

 

Darah, Blood

Sakit, Hurt

It haunts my tsíng-sì-lâng! I was then waiting for the boat at the docks of Rumah Kayang, how could I have thought of what’s happening next. At two in the afternoon the equatorial sun was toxic. Having been through a night of utter craziness, and with my eyelids hardly ever closed, now all that I can feel is them dropping down uncontrollably. Drowsy. As if sleepwalking, I tag after Kerstin and my heavily hangover, shit-faced, silent angmo companions. Escorted by the fully-dressed and armored and crisply sober Temenggung, we are flocked unto the Motor Syangsyun, and henceforth beginning our second stage of the journey up the river and to the holy mountain Batu Tiban, like a bunch of coffins on their way to a burial. I lay down and fall asleep instantly in the red-hot cabin once we are aboard. When I awoke the sun was already setting, and the sound of koong-loong! Like a sudden thunder out of nowhere on a sunny day. Our boat starts dropping down into the river. I almost fall out of the bunk bed, yelling to reach Kerstin, but she isn’t in the other bunk bed in the cabin. I stumbled barefooted up the gangway and escaped to the deck. It is a noisy crowd up there: under the setting sun my pale-cheeked, devil-faced peers who just got out of hangover are suddenly all alive again, dancing with their long hair unaddressed as if just being electrified. Thirty of them cling to the handrails by the stern of the boat, protruding their limbs and fingers and necks, clamoring and pointing like some Augustinian boarding-schoolers on a field trip getting excited about the bus breaking down.

‘Ah! Our ship runs aground.’

‘The bow lands in a pile of mud.’

‘The stern up high in the air!’

‘It’s not going anywhere, like a hippo having a stroke while drinking water by the bank.’

The engine moans, running its empty strokes.

Puh, puh, up goes circles of black smoke.

‘It’s not moving one bit.’

‘Dear Lord above, we’re aground in the center of Kapuas, Borneo’s greatest river.’

//

 

AL: Còn những mặt kém vui của dịch thuật như xin phép tác quyền?

WL: Cũng không tốn thời gian công sức mấy. Cũng chỉ là những công việc hậu cần thường gặp thôi phải không nào: viết email, trình bày hoàn cảnh, xin phép, liên lạc người này người kia.

AL: Khi xem anh đọc ở buổi public reading cũng như khi tự đọc lại văn bản dịch, em luôn cảm thấy bản dịch rất tưng bừng và cực kì, cực kì hoành tráng. Khung cảnh, con người, dòng sông, âm thanh, tiếng hát — mọi thứ đều quá mênh mông trải dài trước mắt, lại vô cùng tỉ mỉ trong từng chi tiết, từng cử chỉ, từng quan sát. Em cảm thấy bản dịch của anh đạt được mức cân bằng giữa sự hoành tráng của văn bản gốc, và tinh thần vui chơi của người kể chuyện. Nếu văn bản quá hoành tráng mà mình dịch quá nghiêm túc thì sẽ mất đi độ tươi mới và háo hức.

WL: Em nghĩ độ nghiêm túc của mình thế nào?

AL: Em nghĩ tâm thế của người dịch rất quan trọng, và em nghĩ điều này đúng trong mọi trường hợp khác, mọi câu chuyện khác. Khi mình đam mê thứ gì, mình hiểu biết rõ thứ gì đó, tự nhiên mình sẽ muốn dành hết công sức để tạo ra sản phẩm tốt nhất, trình bày chỉn chu nhất có thể; nhưng nếu mình khăng khăng rằng tôi giỏi nhất, văn bản của tôi là hay nhất, là số một, mình tự nhiên lại gây áp lực cho bản thân và độc giả, và bản dịch ra cũng mất đi tinh thần gốc.

WL: Và mình đã tránh được điều đó!

AL: Đúng vậy 😀 Tìm thấy niềm vui hay tạo niềm vui cho bản thân trong lúc dịch là hết sức quan trọng.

WL: Đã làm không công lại còn làm không vui thì làm làm gì? cười lớn

 

//

Zhu Ling, haven’t I mentioned to you this fleet of merchant ships operating along the Kapuas with their trademark ‘Motor’? There were the Motor An, Motor Syengli, Motor Fongho, Motor Hu-yueh-lung-teng, all auspicious names……those were strong and fearsome 800-tonner ships built by the South Koreans, each with a high-horsepower Detroit-manufactured diesel engine shaft, dark as a monster and specially equipped for jungle navigating. Its massive cast iron rudder looks like the revered and feared diamond scepter held in the hands of Skandabodhisattva, swirling and stirring the great river to its will, agile like a dragon playing with water. Every time our boat, the Motor An from last time for example, ignored the skipper-birds’ warnings and arrogantly rammed into the omnipresent mud pits on the surface of the river, all we needed to do was the following: the engine shut down for just three minutes, followed by a high-pitched roaring of this dragon, and then you see it whipping its tail wildly and spluttering whirlpools of yellow mud. Look, young lady, our Wave-subduing Admiral of the jungle is having his bad temper! With just one leap of its body the dragon shakes free from the pitfall, shakes off its muddy stains, and pulls a steam siren. Woo-woo-woo-pēng-pèng-pēng-pèng – carrying full loads of humans, cargo, and livestock, it moves on its journey up the river with pride.

//

 

AL: 9 tháng nhìn lại, anh có cảm nhận gì về workshop?

WL: Vì workshop chia làm các nhóm nhỏ nên mình nghĩ mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau. Phần lý thuyết khá là mở mang, nhưng mình nghĩ mình học được nhiều nhất từ các đồng nghiệp trong nhóm. Trừ mình ra tất cả mọi người trong nhóm của mình đều là học giả nghiên cứu Thái Lan và văn học Thái, mà mình thì không biết một tí gì về văn học Thái cả, nên mình rất mừng vì đã có điều kiện tiếp xúc rất mật thiết với chủ đề này. Ta thường tiếp xúc với văn học nước ngoài thông qua các bản dịch được biên tập hoàn chỉnh, chứ không phải những bản dịch đang trong giai đoạn dịch, nên được tiếp xúc với văn học đương đại Thái đang trên đà dịch thuật là một trải nghiệm hết sức mới mẻ. “Dân số” trong nhóm cũng khá cân bằng giữa các học giả Âu-Mỹ và các học giả người Thái, và họ cố gắng giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh để cho mình hiểu với cười chứ mình biết họ đều nói tiếng Thái rất giỏi. Các tác phẩm dịch cũng chủ yếu là thơ đương đại nên không phải đọc nhiều, và đều là những thông điệp vô cùng súc tích và mạnh mẽ. Chỉ cần nhìn cách họ bình luận bài của nhau, giúp nhau biên tập, tìm tòi những tầng nghĩa tàng ẩn hay dò tìm lỗi sai trong bài nhau cũng học được rất nhiều. Giờ mình không nhớ nội dung các bài thơ trong workshop nữa cười, nhưng đợt đó cũng trùng với phong trào vận động ở Thái Lan, nên có những bài thơ viết từ sân trường Đại học Thammasat tới thẳng tay dịch giả và độc giả, mà nếu không nhờ các học giả Thái Lan này thì mình sẽ không bao giờ có cơ hội đọc được. Từng câu chữ, từng vần thơ, từng cảm xúc, đọc trong bối cảnh đó, trong hoàn cảnh đó khiến mình cảm thấy như đang ở bên họ. Mình nghĩ đó là một trải nghiệm chỉ riêng nhóm mình có.

Bản dịch của mình cũng nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý, các bạn cùng nhóm cũng giúp đỡ rất nhiều dù không ai trong số học biết đọc tiếng Trung hay quan tâm đến hòn đảo này cả. Dẫu sao họ vẫn tích cực động viên mình và đưa ra những lời khuyên hết sức hữu ích.

Mình còn cảm thấy các thành viên nói tiếng Anh bản ngữ đương nhiên có nhiều quyền lực hơn các thành viên còn lại trong nhóm, tuy mọi người đều thực hành dịch từ một ngoại ngữ sang tiếng Anh nhưng ta vẫn cần những người bản ngữ này cho mình biết liệu câu này, cụm từ này có lý, có nghĩa hay không, hay có nghe lạ tai quá. Ai cũng nói được tiếng Anh không sai ngữ pháp, nhưng không phải lúc nào mình cũng tự tin chắc chắn rằng mình viết câu chuẩn. Thành thử ra có hiện tượng phụ thuộc vào nhau; nên trong môi trường mà ai cũng ra sức phê bình những mối quan hệ bất bình đẳng, tình trạng phụ thuộc hay kể cả “dựa dẫm” này cũng gây ra cảm giác bồn chồn, bứt rứt hay không thoải mái. Thật ra môi trường khá lành mạnh lah, nên chắc mọi người đều suy nghĩ quá lên cười. Trong cuộc sống hàng ngày thì chuyện cũng không nghiêm trọng đến vậy.

AL: Em thấy tiếng Anh của ai cũng rất siêu!

WL: Trong bản dịch của mình có những từ tượng thanh (onomatopoeia), cả nhóm đều đồng tình mình nên giữ nguyên âm thanh gốc dù là tiếng Trung hay tiếng Malay, nên lúc đọc public reading mình cũng phát âm theo âm gốc, nếu em có nhớ (AL: một màn biểu diễn quá siêu!) – rất nhiều cụm từ tiếng Trung như tiếng “tutututu” mình đã giữ nguyên.

 

//

Meanwhile, the boat’s captain and first mate come together with the helmsman to figure out a solution. The captain is Hakka, speaking Mandarin with heavy Hakka accent of the West-Kalimantan or Bangka sort; the first mate speaks Padang Malay; and the helmsman as I said is a Shandong lǎoxiāng. Their lengthy and ineffective communication is a babel of a failure until the first mate eventually announces to the passengers in English: ‘Tuan-tuan dan Puan-puan, Motor Syangsyun unfortunately is run aground! Sir captain is now sending a telegraph to the company headquarters in Pontianak to ask for relief that’s arriving tomorrow morning. Tonight, all honored passengers, ladies and gentlemen, Tuan-tuan dan Puan-puan, please feel free to stay aboard or seek lodging ashore, all up to you. Inshallah. May there be God’s will. Terimakasih. Thank you. Good evening.’

Hearing this, my companions are getting excited again.

‘So, we’re actually stuck here.’

‘Tonight we are staying in the middle of the river!’

‘We could do a special shipborne party.’

‘Drunk on arak, high on rokok, partying whole night.’

‘Good Lord, we might be able to have sex on top of the deckhouse.’

‘Nah, I’d rather stretch my limbs and watch the moon and count the Bornean stars.’

And the romantic Sabina, surrounded by this savage river and schools of crocodiles, is yearning for her lover in Spain.

Returning hornbills appear on the river as the sun lists into twilight.

Now Motor Syangsyun is in real danger. Just behold the fifty hairy, stocky shanks of the white race, wildly gathering by the cocking stern and beginning to imitate the rice-pounding dance from the Melanaus. Pung, pung-pung. Their steps bang on the deck. Their kicks shake the hull. The bow buries further down under the mud.

A crisp voice shrieks across the air out of nowhere.

//

 

AL: Quả nhiên cảm nhận của mỗi người đều khác. Nhóm em thì khá là hầm bà lằng như kiểu các nhóm còn lại chia xong hết rồi còn dư ai thì gộp lại, ví dụ có nhóm toàn là học giả Thái Lan dịch tiếng Thái, có nhóm thì toàn là học giả Myanmar dịch tiếng Miến Điện cười. Các thành viên trong nhóm đều đến từ các nền văn hoá khác nhau, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, dịch các tiếng cũng khác. Ví dụ như có cô luật sư kiêm nghệ sĩ người Thái-Morocco vừa học MA ở NUS, có chị làm Tiến sĩ ở Úc về phong trào nữ quyền Gerwani ở Indonesia, có anh dịch thư ám sát nhà vua Thái Lan từ Văn khố Quốc gia Hà Lan, có chị dịch giả chuyên nghiệp người Indo sống ở Úc, có một số cô, chị ở Myanmar, nghiên cứu Myanmar và dịch tiếng Miến Điện; còn có chị ở Hà Nội học MA ở Washington, chị người Malaysia gốc Hoa học ở Mỹ, v.v. Mọi người rất ủng hộ và nâng đỡ nhau. Lúc bình luận bài của nhau thì cũng có bàn về cách dùng từ, dùng câu, ngoài ra còn chia sẻ nhiều chuyện thú vị xoay quanh các văn bản gốc, bản dịch, văn hoá, bối cảnh – nên ít “kĩ thuật” hơn nhưng nhiều chuyện để kể hơn. Đọc bài của ai em cũng thấy hâm mộ hết!! Và sau workshop mọi người vẫn còn giữ liên lạc với nhau, ví dụ em có giúp chị PhD Gerwani đọc và dịch một số tài liệu tiếng Việt cho một chương trong luận văn của chị ấy.

Lúc ban đầu đi workshop thấy mình bé nhất lah, mà ai trong workshop cũng Thạc sĩ Tiến sĩ như thầy cô dạy em ở trường, mọi người nói toàn điều cao siêu hay ho, mình nói gì cũng thấy cơ bản 🙁 Nên em cũng bỡ ngỡ ngại ngùng lắm à, nhưng sau phát hiện hóa ra các anh chị, thầy cô ai cũng dễ thương gần gũi, thân thiết hết mực, khiến mình cảm thấy, và tin rằng, ý tưởng của mình, trải nghiệm của mình cũng xứng đáng và có giá trị. Nhất là lúc sau biết chị ở Hà Nội cũng lớn hơn mình có một tuổi thôi, tự nhiên tìm được “đồng minh” nên cũng năng làm quen giao lưu ngoài workshop, tự nhiên hết sợ luôn ^^!

Những bài đọc trong workshop đa số là các văn bản về thực hành dịch thuật và Đông Nam Á và/hoặc Đông Nam Á Học, do các học giả đầu ngành hay các dịch giả chuyên nghiệp viết, ví dụ như thầy Vince (WL: cười), ngoài ra mình cũng đọc rất nhiều bài của mọi người và được mọi người đọc cho xem và nghe. Với anh – một người biết khá nhiều thứ tiếng, đã đi thực địa ở Đông Nam Á, làm luận văn Thạc sĩ và giờ là nghiên cứu Tiến sĩ về Borneo – trải nghiệm đọc và dịch trong khuôn khổ workshop này đã ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của anh đối với khu vực và lĩnh vực nghiên cứu vùng này?

WL: Lúc workshop bắt đầu mình không có mặt ở Đông Nam Á. Mình chuyển đến Singapore giữa chừng workshop, và đa số các buổi gặp mặt diễn ra khi mình còn ở Seattle, nên mối liên hệ với Đông Nam Á của mình khá là “cưỡi ngựa xem hoa”. Hôm workshop đọc bài của thầy Vince mình vẫn còn ở Seattle, và thầy Vince thì sống gần đó cười Thầy Vince viết về Đông Nam Á từ bàn làm việc ở Seattle lâu lắm rồi em ơi cười lớn, và thấy viết qua góc nhìn của một kẻ lưu vong từ quê hương Philippines, và thầy sống như thế, tự nhận là một kẻ lưu vong, và ta không nên cho rằng thầy không còn đáng tin cậy chỉ vì không còn sống ở trên đất Philippines nữa.

AL: “Những chiếc lưỡi không mẹ” cười[14]

WL: Chính xác! Mình nghĩ rằng năm ngoái, là một kẻ lưu vong Covid cười mình cũng chia sẻ cảm giác vô vọng ấy, và thú thật là mình cũng cảm thấy đi workshop không khiến mình tạo dựng thêm nhiều mối liên hệ với Đông Nam Á là bao. Ta quan sát nhau ở một khoảng cách nhất định, ta đọc bài của nhau từ khoảng cách đó, ví như mình đọc bài của các học giả Thái Lan ở nơi xa cách với mình, kể cả sau khi mình đến Singapore rồi thì Thái Lan vẫn hồ như xa vời vợi. Sự gián đoạn đột ngột và gần như là ngưng lại hoàn toàn các di chuyển quốc tế càng khiến khoảng cách đậm sâu thêm. Khi phong trào ở Thái Lan diễn ra, mọi người trong nhóm mình đều bảo nhau nếu không vì Covid thì cả nhóm đã bay ngay đến Bangkok rồi gặp nhau luôn ở đó! cười Kha khá thành viên đều đang sinh sống ở Đông Nam Á, nhưng năm vừa qua thì đặc biệt kỳ khôi lah. Khoảng cách càng khiến mọi thứ như xa thêm. Dù có ở Singapore thì mình vẫn cảm thấy quá xa cách với tất cả những gì mình đọc hay viết.

Ấn tượng của mình về toàn thể workshop là nó rất “ghế bành”. Workshop không diễn ra ở thực địa, và mọi người đều ngồi trên ghế sa lông ở nhà hay ở văn phòng, cảm giác rất “bàn giấy”. Điều này không làm giảm đi giá trị hay độ uy tín của công việc, nhưng tất nhiên không thể so sánh được với việc hiểu Đông Nam Á ở trên đất Đông Nam Á. Workshop giúp mình hiểu hơn về dịch thuật, chứ không khiến mình hiểu hơn về Đông Nam Á, đó không phải là mục tiêu, càng không phải kết quá hướng đến. Đối với mình, để hiểu được một khu vực là một quá trình lao tâm khổ tứ. Cái hay của workshop là nó tạo ra trải nghiệm hết sức thân mật với dịch thuật thông qua bản dịch của mỗi người, đó là điều mình rút ra nhiều nhất từ workshop lần này.

 

//

… Megan McCormick leans on her ledge, sending her locks and her song with the wind:

‘Til he holds me……

I wait impatiently……’

Her pitch goes higher and higher, and her rhythms faster. The dancing crowd sweat and pant to keep up their pace. Look, Zhu Ling, at those angmos: in pairs their eyes and their asses touch each other. All they care is flirting, and shaking and twitching their python-like, bucket-wide loins while making unintelligible moans. Amidst the dancing Donny Bishop is the first to take off his top shirt, throwing it outboard, and revealing muscular chest covered in golden fur. Hailing from Yorkshire and claiming to be related to the Brontë sisters, he now teaches English at Pontianak’s St. Francis middle school. With three strange cries he pulls up a beach umbrella from the deck, using it as a shield, and draws out the belt from his waist as if a head-hunting sword. With his ice-blue eyes wide open and pupils rolling, he tries to imitate the Temenggung’s Iban-style headhunting dance that once scared even the Dutch. Look, young lady, at Donny, who used to study Classics at University of Edinburgh, beating his shield with a sword while clearing out a patch of ground from the twist dancers. Under the blood-red sky, look at how Donny’s long, sweating, iron-gray face glows with mystery, his entire person almost becoming drenched in some sort of archaic, solitary, long forgotten but recently remembered wet dream.

Zhu Ling, look at Donny facing the wind, standing upright at the stern, letting his shoulder-ful of blond curls fly like some ancient Vikings, at times raising his head to watch the flocks of chasing hornbills and at times staring down at the deck pretending to be meditating. Then he makes up his mind to suddenly thrust his beach umbrella and begins spinning it, making its ring of colorful tassels twirl. As if making ready for Chi-gong his muscular body starts to bloat from a large inhale. Now he’s become a spinning-top bouncing all over the floor, hissing like a drunkard due to the speed with which it is set off. He steps out his right leg, with its cow-hide boot tilted at an angle, and stamps on the deck in the first move of an Iban warrior’s dance. His shield and sword raised up high, he makes a battle cry and imitating the Temenggung he gives thanks to heaven:

Terimakasih, Sang Garang Burung, terimakasih Jehovah.’

‘Awesome.’ ‘That’s a lot.’ ‘Bagus.

‘Donny Bishop got possessed by the ghost of some Iban warriors!’

Temenggung Donny is about to show us some head-chopping now.’

And there are people making onomatopoeia of decapitation.

//

 

 

AL: Hiện nay anh có dự án dịch thuật nào không?

WL: Mình đang dịch một tập thơ từ tiếng Indonesia sang tiếng Trung, tác giả là nhà thơ Afrizal Mana, một nhà văn và nhà hoạt động sống qua thời độc tài Suharto và Reformasi (Cải cách) và vẫn còn sáng tác đến bây giờ. Thơ của ông rất thành thị nhưng cũng thấm đẫm truyền thống Java. Đây là một công trình “nặng đô” hơn workshop rất nhiều cười, là dự án dịch thuật nghiêm túc hướng tới việc xuất bản. Dịch tập thơ này là một cơ hội học hỏi rất lớn, khiến mình trở nên khiêm tốn hơn rất nhiều. Các bài thơ cho mình thấy muôn hình vạn trạng, tầng tầng lớp lớp văn hóa Indonesia vượt quá tưởng tượng ban đầu. Em biết cảm giác “siêu hình (meta)” phải không? Vị tác giả này làm thơ phản biện những điều người khác đã phản biện rồi. Đây thực sự là một tác phẩm văn học rất hay, nên mình hy vọng bản dịch cũng sẽ xứng tầm bản gốc, dù biết ở Trung Quốc chắc không bán được đâu cười. Mình cũng không làm vì tiền, mà làm vì đam mê.

 

//

I begin to recall the group of Dayaks that we encountered when we sailed across the equatorial waters between the South China Sea and the Java Sea on day 29 of Month Six, en route to Pontianak aboard the ship Singkawang. The same peacefulness, the same expressionlessness, the same squatting positions under a hot baking sun, and the same tightness in safeguarding of their goods. They were looking with the same empty eyes at the same unidentifiable object in the sky. Or maybe these two groups of Dayaks are of the same tribe, or even the same family, or even the very same people? Six days into West Borneo, and am I meeting them again on a wrecked ship in the middle of the river!

In this upriver journey towards the holy mountain of Batu Tiban, will this group of Dayaks, this family, appear among us again silently, like the roaming spirits of the Month of Ghost do each day and night?

What do these encounters by chance and fate mean?

A cold voice mumble softly to my ear from time to time, that on the night before full moon, I will be meeting them again at the foot of the Batu Tiban.

//

 

AL: Sau đây là vòng đố vui không có thưởng~

Sách hay những quyển sách yêu thích?

WL: Có cần phải liên quan đến Đông Nam Á không?

AL: Sách nào cũng được.

WL: Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Think Like a State của James Scott, Civilisation and Its Discontent của Sigmund Freud.

AL: Những quyển sách anh ước mình là người dịch? Bất kì quyển nào.

WL: Mình không có, vì dịch thuật đến với mình bằng cái duyên.

AL: Những dịch giả yêu thích?

WL: Có một dịch giả người Trung Quốc mình đọc từ khi còn rất nhỏ tên là Shu Changshan (舒昌善, Thư Xương Thiện) Hiện nay ở Trung Quốc không còn nhiều người biết đến ông nữa. Khi còn nhỏ mình đọc và rất ngưỡng mộ các bản dịch của ông, nhưng lâu lắm rồi không đọc không biết cảm giác có còn như xưa. Mình không gọi là dịch giả yêu thích, mà đúng hơn là dịch giả có tầm ảnh hưởng và hình thành nên con người mình. Những năm gần đây mình gặp phải toàn bản dịch dở tệ, nhất là sau khi gia nhập giới học thuật. Trời ơi hãy cho con đọc nhiều bản dịch tốt hơn khóc

Còn có một người nữa là Liu Xingcan (刘星灿, Lưu Tinh Xán), một dịch giả cực kì xuất sắc, chuyên dịch tiểu thuyết Czech cười Khi còn nhỏ mình đọc bản dịch truyện The Good Soldier Švejk của bà, một bản dịch quá sức xuất sắc. Mình chưa từng gặp một bản dịch nào hay đến thế, và kể cả bản dịch của mình trong workshop cũng lấy cảm hứng từ những gì mình còn nhớ được về bản dịch này của bà.

AL: Zzz Review có đăng trích đoạn dịch Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới của dịch giả Bình Slavickámột bài điểm sách không ngừng quảng cáo, đẹp cả đội hình

Anh thích dịch miệng hay dịch viết hơn?

WL: Dịch viết.

AL: Từ thích dịch?

WL: Khó quá bỏ qua.

AL: Từ cảm thấy khó dịch hoặc không dịch được?

WL: Nhiều quá đếm không hết. Mình và bạn gái mình đều nói tiếng Trung nhưng hai đứa nói hai thể loại tiếng Quan thoại khác nhau, tụi mình cũng nói những phương ngữ khác nhau, nên nhiều khi bọn mình cũng so sánh hay dịch ở mức độ nho nhỏ hàng ngày, kiểu như mình nói từ gì đó mà cô ấy không hiểu, cô ấy dùng từ khác mình lại không hiểu. Đó là những từ vui vui hay hay.

Em biết đấy, ta thường gặp những từ “không thể dịch được” trong những hoàn cảnh ví dụ như người tiếng Indonesia nói chuyện với người nói tiếng Anh và vỗ ngực tự hào rằng “Chúng tôi có cái từ này người ngoài không bao giờ hiểu nổi đâu”, hay người Hà Lan bảo từ này từ kia là “niềm tự hào dân tộc mà ai cũng biết đến”. Trước đây mình đi học tiếng Indonesia thầy cô cũng bảo có từ này từ kia vui lắm nhưng không biết tiếng thì không hiểu nổi. Mình không thấy chuyện đó có gì vui, lại còn sáo rỗng là đằng khác tức tối. Mình đã gặp/phải nhiều trường hợp có vẻ không dịch nổi, nhưng lần nào mình cũng tìm được cách dịch.

Có một từ mình cực kì cực kì thích, nhưng cũng vô cùng vô cùng khó dịch, đây là một từ Indo/Malay/Ả Rập gọi là “ikhlas”. Từ này chỉ cảm giác “letting go of oneself”, giải phóng bản thân, nhưng trong tiếng Ả Rập nó còn có nghĩa là sự trung thành, nên vừa hàm ý gắn bó, ràng buộc, gắn kết, vừa mang nghĩa tồn tại độc lập, tách rời. Mình vẫn hay gặp khó khăn khi xử lý ngữ-nghĩa của từ này trong tiếng Indonesia. Mình không tự nhận mình biết cách dịch sao cho hay nhất, hay vì sao từ này “không dịch được”. Mình chỉ thấy như thế thôi. Đôi lúc mình chọn dịch ikhlas thành “解脱 giải thoát”, “放下 phóng hạ”, hoặc là “了liễu”. Nếu nhà thơ người Indo dùng một từ tiếng Ả Rập hoặc Sanskrit (tiếng Phạn), mình sẽ cố gắng tìm một từ tiếng Hán cổ tương ứng. Nên với từ “ikhlas” này mình chọn chữ “了”. Một trong những đoạn mình thích nhất trong Hồng Lâu Mộng là một bài hát tên “好了歌 Hảo Liễu Ca”. Nhìn chung đây là một từ mang nhiều tinh thần Đạo giáo.

Hiện nay khi dịch tập thơ của Afrizal Mana, có những lúc mình cảm thấy thật khó để truyền tải cách dùng từ hay đặt câu của tác giả sang tiếng Trung, nhưng cuối cùng mình luôn tìm được cách. Mình nghĩ rằng tính bất khả dịch luôn đồng thời hiện hữu nhưng vô hình, vừa thực vừa hư. Nếu ta không đọc bản gốc thì chắc chắn bản dịch không bao giờ có thể truyền tải được hết 100% bản gốc, nhưng cùng lúc đó, nếu sẵn sàng nhường nhịn hay linh hoạt, mình sẽ luôn dịch được thứ cần, muốn, hay phải dịch. Chuyện đó không phải là Nhiệm vụ bất khả thi.

Ali Le thực hiện

 Wang Lezhi (王樂之,Vương Lạc Chi) là nghiên cứu sinh Tiến sĩ khoa Lịch sử tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư Seng Guo Quan. Với đề tài tiến sĩ dự kiến mang tên “The Ethnographic Frontier: Colonial Roots of Borneo’s Alternative Visions on Modernity and Nation, 1885-1942”, anh tập trung nghiên cứu khu vực Sarawak (Malaysia) và Tây Kalimantan (Indonesia) nhằm khám phá các danh tính thuộc địa ở Tây Borneo, đặc biệt là trước và sau sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản trong Thế Chiến II. Các hướng nghiên cứu khác bao gồm so sánh các mô hình định cư-thuộc địa của người dân tộc Khách Gia (Hakka) tại Borneo và Đài Loan, các “hội kín” ở Đông Nam Á, miền Bắc Trung Quốc và vùng Kênh đào Đại Vân Hà quê anh. Ngoài Lịch sử, Lezhi còn đam mê học ngoại ngữ, nấu ăn, trồng và chăm sóc cây cảnh, cũng như nghệ thuật kể chuyện/hài kịch Thiên Tân truyền thống. Anh thực hành dịch giữa các thứ tiếng Trung, Anh, và Indonesia. Tiểu thuyết yêu thích của anh là Hồng Lâu Mộng.

Nếu hâm mộ Lezhi qua bài phỏng vấn này, bạn có thể viết thư làm quen và tình nguyện dắt anh ý đi chơi Việt Nam tại địa chỉ email wanglezhi@u.nus.edu :”>

 Đặc biệt cảm ơn: Người chị tinh thần Phan Sơn Mai (University of Washington, MA SEA Studies ‘22)

 

[1] Cập nhật tháng 6/2021 hiện nay Việt Nam đang thuộc nhóm B – các nước có nguy cơ lây nhiễm cao (high-risk), người nhập cảnh Hồng Kông từ Việt Nam (có thẻ thường trú vĩnh viễn, hộ chiếu Hồng Kông hoặc visa lưu trú) — chưa tiêm vaccine — phải có giấy xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, thực hiện cách ly 21 ngày tại khách sạn và thực hiện 04 lần xét nghiệm trong khoảng thời gian cách ly, bạn nào có ý định sang Hồng Kông học hay làm việc đợt này có thể tham khảo tại đây https://www.coronavirus.gov.hk/eng/inbound-travel.html#pointstonote

[2] Global North, hay Global Northern countries bao gồm các nước giàu có ở Bắc bán cầu như Tây Âu, Mỹ, Canada, Anh Quốc, và các nước giàu có, phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. đối nghịch với Global South là các nước kém phát triển hơn ở châu Á, châu Phi, và Mỹ Latin, dựa trên nguyên tắc phân biệt Bắc-Nam trên thế giới. Đây là cặp cụm từ thường gặp trong các diễn ngôn thuộc địa, phản thuộc địa, hậu thuộc địa cũng như toàn cầu hoá, phát triển, và kinh tế.

[3] Giáo sư Laurie J. Sears.

Chuyện kể rằng Lezhi ban đầu làm Thạc sĩ với Giáo sư Sears nhưng không lâu sau đó thì bà nghỉ hưu, nên anh được Giáo sư Vicente Rafael “nhận nuôi”. Còn thầy Vince là ai thì xin mời đọc tiếp bài ~

[4] Nghĩa đen “người tóc đỏ”, có nhiều giả thiết cho rằng từ này xuất phát từ những cuộc chạm trán giữa người nói tiếng Phúc Kiến (Mân Nam) ở miền Nam Trung Quốc với các thuỷ đội Bồ Đào Nha và Hà Lan trong thế kỷ 16-17, tóc đỏ được xem là điểm đặc trưng của người Hà Lan thời đó, sau trở thành từ chỉ chung người da trắng. Từ này hiện nay còn được dùng rộng rãi ở Đài Loan và Singapore, nói nơi có một lượng lớn dân số nói tiếng Phúc Kiến; ở các vùng nói tiếng Quảng Đông như Hồng Kông và Malaysia thì từ gweilo 鬼佬 được dùng rộng rãi hơn. Ở Singapore có khu Ang Mo Kio (紅毛橋, Hồng Mao Kiều), và ở Hồng Kông cũng có một địa danh cổ, nay là bến xe buýt tên Hung Mo Kiu. Ở hai nơi đều có giả thiết rằng những chỗ này từng là cầu do người Anh xây dựng.

[5] Global North, xem chú thích 2.

[6] 自己人 (tiếng Trung: zìjǐrén; tiếng Quảng: zigei jan) gồm 自己 chính mình, bản thân mình + 人 người, có nghĩa “người của mình, người đồng mình, một người trong số mình”; tiếng Triều Châu gọi là 家己人 gagi nang, tiếng Phúc Kiến là ka-kī-lâng, còn có thể viết ở nhiều dạng khác nhau. Tư tưởng “người của mình” này đặc biệt mạnh mẽ trong các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong cộng đồng người Triều ChâuPhúc Kiến.

Nếu đã từng xem phim Crazy Rich Asians, bạn đọc chắc chắn sẽ nhớ cảnh chơi mạt chược ở cuối phim, cuộc đấu trí giữa bà mẹ hổ Eleanor Young (Dương Tử Quỳnh đóng) và cô Rachel Chu (Constance Wu đóng) về việc kết hôn với Nick Young (Henry Golding). Eleanor có nói một câu là “There is a Hokkien phrase ‘kaki lang’. It means: our own kind of people, and you’re not our own kind.” Viện lí do vì Rachel Chu là ABC người ngoài nên không được chấp nhận vào trong gia đình nhà họ Young. Tất nhiên là sau đó… (không spoil nữa)

[7] Một huyền thoại lừng lẫy: Sokal hoax hay Sokal affair là “cú lừa” do Alan Sokal, giáo sư Vật lý tại Đại học New York (NYU) và University College London (UCL) dàn dựng hồi năm 1996. Sokal bịa hẳn một bài báo khoa học tên là “Transgressing the Boundaries: Towards a Transformative Hermeneutics of Quantum Gravity” (không dám dịch tên hic hic), nội dung tranh luận rằng vật lý lượng tử là một công trình ngôn ngữ học, gửi đăng tạp chí Social Text, một tạp chí hàng đầu về nghiên cứu hậu hiện đại mà ban biên tập toàn những ông lớn như Fredric Jameson (logic văn hoá tư bản đời cuối anyone?) và Andrew Ross để thử độ uy tín học thuật của tạp chí này. Hồi đó Social Text chưa thực hiện bình duyệt khoa học, nên cũng không gửi cho nhà vật lý nào đọc qua mà cứ thế xuất bản thẳng trên số “Science Wars” Xuân/hè 1996. Đến tháng 5 năm 1996 thì Sokal lên tạp chí Lingua Franca vén màn câu chuyện.

[8] Chắc hẳn ở đây chỉ cuộc thảm sát Jabidah xảy ra do tranh chấp giữa Philipines và Malaysia sau khi Sabah (Bắc Borneo) được sát nhập vào lãnh thổ Malaysia. Xem thêm Leifer, Michael. “The Philippines and Sabah Irredenta.” The World Today 24, no. 10 (1968): 421-28.

[9] Nghe có giống Đẹp là một nỗi đau không nào? Cf. Zzz Blog: “Văn học Đông Nam Á: Những mảnh đời riêng trong lịch sử rối ren”.

[10] Chỉ những ngôn ngữ và nền văn hoá nảy sinh từ sự tiếp xúc giữa văn hóa-ngôn ngữ phương Tây với văn hoá-ngôn ngữ dân tộc bản địa. Từ này có gốc “creole”, đến từ người Creole (Criollo Tây Ban Nha hay Créole Pháp) lai giữa người Pháp/Tây Ban Nha với các dân tộc ở Tây Ấn, châu Phi hay Mỹ Latinh. Văn hoá, ngôn ngữ, con người creole cũng là hiện tượng thường gặp ở vùng Đông Nam Á hải đảo. Mình biết từ này lần đầu qua bài “Formation” của Beyonce cười Xem thêm Benedict Anderson, “Creole Pioneers” trong Imagined Communities: Reflections on the Origins and Spread of Nationalism (Revised Edition). New York: Verso 1991, trang 47-65.

[11] Quyển này là Ran away from the Dutch; or, Borneo from south to north của Perelaer, M. T. H. (Michael Theophile Hubert, 1831-1901).

[12] Riska : Memories of a Dayak Girlhood tác giả Riska Orpa Sari, biên tập Linda Spalding, University of Georgia Press 2000.

[13] 馬華文學 măhuá wénxué, Mahua Literature: thường chỉ văn học của Hoa kiều viết bằng tiếng Hoa tại Malaya thuộc Anh (hiện nay là Malaysia và Singapore), Thái Lan, và kể cả Indonesia (bao gồm Borneo); thường có sự pha trộn giữa tiếng Hoa bạch thoại, văn viết, cũng như các thứ tiếng địa phương, hình thái và chủ đề cũng khá đặc biệt so với văn học Hoa ngữ ở những nơi như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông; một số nhà văn Mã Hoa hoặc Tân Hoa (Sinophone Singapore Literature) thường hay đi du học và/hoặc ở lại Đài Loan sống, làm việc và sáng tác luôn. Có thể đọc thêm ở đây https://www.addastories.org/on-mahua-literature/. Ở HKU mình được học môn Phim & Truyện Hoa ngữ Đương đại với một thầy là chuyên gia về Văn học Mã Hoa, và cả lớp được đọc Ng Kim Chew (黃錦樹, Hoàng Cẩm Thụ, sinh năm 1967 –) một trong các nhà văn Mã Hoa nổi tiếng nhất hiện nay qua bản biên dịch tiếng Anh của Carlos Rojas học giả queer và Chinese Studies, xem tại https://www.jstor.org/stable/10.7312/ng–16812. Truyện của Ng Kim Chew cũng bao gồm các nhân vật rời xa “trung tâm” danh tính Hoa ngữ, phải tự sáng tạo ra chữ viết và hình thức văn học tiếng Hoa để củng cố danh tính: có nhân vật sống sâu trong rừng cao su, không có điều kiện học tiếng Hoa nên mua từ điển cũ về học rồi tự tập viết văn; có truyện kể về tác giả viết văn Hán tự lên lưng người cu-li; lại có truyện kể về một người gốc Hoa bị đi đày ra đảo ngoài khơi Borneo phải cải sang đạo Hồi, không được nói tiếng Hoa hay viết tiếng Hoa nữa, v.v.

[14] Vicente L. Rafael là giáo sư chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Washington. Thầy là người Mỹ gốc Philippines, nghiên cứu và giảng dạy nhân chủng học, văn hoá học, Đông Nam Á học và lịch sử thuộc địa Philippines dưới thời Tây Ban Nha và thời Mỹ. Trong workshop bọn mình đọc trích đoạn một số chương từ quyển Motherless Tongues: The Insurgency of Language amid Wars of Translation (Duke University Press 2016) của thầy Vince, kể về thời thơ ấu đi học trường thuộc địa của thầy, câu chuyện về những người chọn nghiên cứu Philippines, những vấn đề của nghiên cứu vùng (area studies) và một bài phỏng vấn mà trong đó thầy đề xuất “play/chơi” làm phương pháp luận.

Chấm sao chút:

Đã có 6 người chấm, trung bình 4.7 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Ally Le

Cô gái bàn bên

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: