Dịch là hóa thân

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Metamorphosis of Narcissus 1937 Salvador Dal? 1904-1989 Purchased 1979 http://www.tate.org.uk/art/work/T02343
Thời gian đọc: 3 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

Trước hết xin đính chính rằng dịch thuật chỉ là nghề tay trái của tôi, là công việc tôi làm trong lúc giải lao, sau khi vừa viết xong một bản thảo của chính tôi. Trên thế giới chắc cũng có không ít nhà văn có nghề tay trái này. Hôm trước tôi có đọc rằng Murakami rất giỏi Anh văn và thỉnh thoảng nổi hứng dịch một tác phẩm nào đó ra tiếng Nhật. Paul Auster thì không nổi hứng như Murakami, cũng không coi dịch thuật là nghề tay trái như tôi, bởi ông trước khi trở thành tác giả của những tiểu thuyết vang dội như Trilogie New-Yorkaise, L’invention de la solitude…, ông đã là dịch giả nổi tiếng, từng dịch sang tiếng Anh rất nhiều nhà thơ Pháp, đặc biệt là các tác giả của trường phái siêu thực, nghĩa là một thể loại rất khó nhằn và khó dịch. Phát biểu về dịch thuật, Paul Auster nói đó là một luyện tập có “tính chất nền tảng” cho việc viết của ông sau này, rằng dịch các thi sĩ lớn giống như được nghe những người thầy giỏi giảng bài.

Tôi nhìn thấy mình trong những phát biểu của Paul Auster. Cũng như ông, tôi coi dịch thuật như một cách tái tạo năng lượng, và nhất là để hiểu các nhà văn, hiểu quá trình sáng tác của một người viết. Mỗi lần dịch là tôi có cảm giác như ngụp lặn trong những cái đầu khác : tác giả và các nhân vật, ít ra là nhân vật chính nơi tác giả bỏ công sáng tạo nhất. Tôi nghĩ rằng nếu trên bàn cờ dịch thuật ta buộc phải chia phe: tác giả và độc giả, thì tôi sẽ đứng về phía tác giả, có lẽ vì câu hỏi tôi thường đặt ra là: nếu mình dịch như vậy tác giả có hài lòng không ?  Không, không bao giờ tôi cho phép mình là đồng tác giả. Cũng là người viết, tôi đã và sẽ còn nếm trải tất cả những cực nhọc của nghề sáng tác và tôi không thể nhận vơ thành công của họ.

Viết là như bị nhốt xuống hầm, không biết phải đi đâu về đâu, hay hay dở, có lặp lại ai không, bao giờ mới xong. Ngược lại, dịch là có người dẫn đường: tác giả đi đâu tôi theo đấy, câu nào chưa hay tôi không chịu trách nhiệm, câu nào hay tôi không ngộ nhận là của tôi, câu nào khó hiểu tôi dừng lại tra cứu, hôm nay bận mai tôi dịch tiếp. Nói cách khác, tôi chỉ xin phép được “hóa thân” làm tác giả trong lúc dịch, xong việc tôi lại là tôi, tôi không thể là Sartre hay Houllebecq hay Modiano… Nói theo nghĩa đen, đó cũng là điều không thể, vì đó là những tác giả với những văn phong hoàn toàn khác nhau, và khi dịch họ, tôi đã hết sức chú ý để làm nổi bật điều này, nhất định là Sartre phải là Sartre, Houellebecq phải là Houellebecq, Modiano phải là Modiano chứ không thể để độc giả nhầm lẫn họ với nhau, hoặc tồi tệ hơn là nhầm lẫn với Thuận.

Và ngay cả cùng một tác giả, mỗi thời kỳ vẫn có những thay đổi trong cách viết, thì dịch giả cũng nên nắm được. Ví dụ, hiện nay tôi đang dịch tiểu thuyết mới nhất của Houellebecq, “Hoóc môn hạnh phúc”, so với tác phẩm đầu tay “Mở rộng phạm vi đấu tranh” của ông mà tôi cũng từng dịch ra tiếng Việt thì có nhiều khác biệt. Tôi hiểu, nguyên nhân không chỉ nằm ở khoảng cách 30 năm giữa 2 cuốn sách, mà còn ở sức khỏe, tầm nhìn, những biến động trong đời tư của 1 người viết. Ở MRPVĐT, tôi thấy 1 tác giả trẻ, vô danh, đầy nhiệt huyết, muốn đấu tranh với xã hội mà anh ta đang sống, đơn độc nhưng vẫn hy vọng, khiêu khích nhưng vẫn tìm cách để được yêu… Ngược lại, trong “Hooc môn hạnh phúc”, trước mắt tôi là một Houellebecq trên đỉnh cao của danh vọng, giải Goncourt, sách bán chạy, nhưng đơn độc hơn nữa, hy vọng bị thay thế bằng chua chát, khiêu thích thô thiển vì đã chán tất cả rồi và biết là có viết gì thì vẫn được tung hô. Tôi nghĩ rằng chính thần thái đấy của chân dung Houellebecq là cái mà tôi phải đem đến cho độc giả Việt Nam trong tác phẩm mới này.

Chấm sao chút:

Đã có 9 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*