Chi hội PEN tại Hoa Kỳ, Sổ tay dịch giả văn học (1999)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 41 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

 

THIS VIETNAMESE TRANSLATION HAS BEEN DONE BY TRINH LU
WITH PERMISSION BY PEN AMERICAN CENTER
IT IS A GIFT TO LITERARY TRANSLATORS IN VIET NAM
AND THE HA NOI WRITERS’S ASSOCIATION

Bản tiếng Việt này do Trịnh Lữ dịch
với sự cho phép của chi hội PEN tại Hoa Kỳ
Xin tặng các dịch giả văn học tại Việt Nam
và Hội Nhà văn Hà Nội

NEW YORK — HA NOI
5/2006

Lời nói đầu

Cuốn Sổ tay Dịch giả Văn học này là do Tiểu ban Dịch của Chi hội PEN tại Hoa Kỳ soạn và phát hành lần đầu vào năm 1981. Đây là ấn bản thứ tư. Nội dung chính vẫn là bản Mẫu Hợp đồng. Trong những năm qua, Mẫu Hợp đồng này đã được dịch giả và các nhà xuất bản hoan nghênh vì nó vừa cung cấp những cơ sở rõ ràng để thương thảo công việc, vừa giúp cả hai bên có thêm những yếu tố để tự bảo vệ mình. Ấn bản này là thành quả nỗ lực của Tiểu ban Dịch nhằm cập nhật Sổ tay đúng theo hướng những thay đổi đang diễn ra trong ngành xuất bản.

Một số những thay đổi này là về công nghệ: tiến triển của Internet nối mạng toàn cầu đã khiến cho thông tin có thể được truyền bá theo những con đường khác hẳn tới tận từng cá nhân ở bất kì đâu. Cũng nhờ vậy mà giờ đây bất kì ai cũng có thể có cuốn Sổ tay mới này từ mạng điện tử của Chi hội PEN tại Hoa Kỳ. Với những ai vẫn muốn có một bản in truyền thống, xin hãy viết thư cho Chi hội, kèm một phong bì có ghi địa chỉ và dán tem sẵn để được nhận lại một cuốn.

Những cập nhật khác là về quan hệ hợp đồng: vì dịch là việc phức tạp hơn các công việc cầm bút khác, cả về sáng tạo cũng như luật pháp, nên ấn bản lần này có nhiều chỉnh lí để Sổ tay kịp tương thích với những biến chuyển mới đây trong lĩnh vực xuất bản và luật bản quyền.

Cũng như trước đây, Tiểu ban Dịch thuật vẫn khuyến cáo các dịch giả nên luôn tích cực đề nghị được hưởng nhuận bút, nhất là khi dịch phẩm có tiềm năng tiêu thụ lớn. Còn nếu đồng ý chỉ dịch thuê lấy công, thường được nhiều và nhanh tiền hơn, dịch giả vẫn nhất thiết phải thương thảo ráo riết về thu nhập từ các bản quyền phụ, về các món tiền thưởng, và về việc thu hồi toàn bộ bản quyền sau khi dịch phẩm đã không còn có mặt trên thị trường nữa.

Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ trước mắt của các dịch giả văn học là khẳng định vị thế nghề nghiệp của mình và làm cho giới biên tập, xuất bản và các tác giả thấy rõ rằng dịch văn học xứng đáng được công nhận và tưởng thưởng bình đẳng như sáng tác văn học vậy.

 

Tiểu ban Dịch
Chi hội PEN tại Hoa Kỳ
Thành phố Nữu Ước
tháng 6 năm 1999

 

Những trách nhiệm trong dịch văn học

Dịch giả, từ lâu vẫn chỉ được coi như một viên chức đơn thuần trong nghề làm sách, giờ đây đang có nhiều cơ hội hơn để được công nhận như đồng tác giả của một văn bản mới trong một ngôn ngữ khác. Các nhà văn đang quan tâm nhiều hơn đến việc dịch các tác phẩm của mình, và ngày càng có nhiều các nhà xuất bản đang tiến dần tới mức đãi ngộ mà dịch giả xứng đáng được hưởng.

Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều ngộ nhận, chèn ép và lạm dụng đang diễn ra hàng ngày. Dịch phẩm không được phép vẫn xuất hiện, đặc biệt trong khu vực xuất bản “phá cách”[1] và trên các tạp chí văn học. Các nhà xuất bản vẫn có nếp độc chiếm bản quyền dịch vô hạn định. Nếp làm này đang biến các tác phẩm ngoại văn[2] thành tù nhân của những dịch phẩm lỗi thời và kém chất lượng. Còn nếu một dịch phẩm ra đời theo hợp đồng “dịch thuê lấy công”, bản quyền của nó thường vẫn nằm trong tay nhà xuất bản ngay cả khi bản quyền của nguyên tác đã được hoàn lại cho tác giả, khiến cho bản dịch thành bơ vơ, bởi cả dịch giả lẫn tác giả đều không còn kiểm soát được nó nữa. Nhiều bài viết nghiên cứu vẫn sử dụng nguyên hoặc trích dẫn các bản dịch còn đang lưu hành mà không hề xin phép.

Dịch là một công việc mang bản chất hợp tác, và công việc ấy chỉ có thể thành công khi mỗi đối tác đều thi hành đúng phần trách nhiệm của mình và tôn trọng đầy đủ quyền hạn của các đối tác khác. Để giúp làm rõ vấn đề này, chúng tôi có những khuyến cáo như sau, mặc dù vẫn biết rằng chúng sẽ không thể hoàn toàn áp dụng được cho những trường hợp ngoại lệ vẫn có trong thực tế.

Dịch giả

Phát hành trái phép bản dịch của một tác phẩm có bản quyền, dù với lý do gì đi nữa, là một hành động ăn cướp và phạm pháp đối với tác giả. Hành động ấy ngăn trở việc xuất bản một bản dịch được phép ở một nơi khác và tước đoạt thu nhập và danh tiếng có thể có của cả tác giả lẫn dịch giả được phép.

Tiểu ban Dịch khuyến nghị rằng dịch giả, trong mọi trường hợp, phải tìm hiểu thấu đáo xem ai là người giữ bản quyền dịch và nếu cần thì phải xin người đó cho phép bằng giấy trắng mực đen. Tốt nhất là hãy luôn luôn tìm hiểu và biết chắc về bản quyền dịch trước khi đầu tư thời gian và công sức vào việc dịch.

Theo luật bản quyền hiện hành, với những tác phẩm không phải là tài sản công cộng, xuất bản một bản dịch đòi hỏi phải được sự đồng ý của người đang sở hữu bản quyền của nguyên tác (và do vậy sở hữu cả những quyền liên quan đến việc dịch nguyên tác ấy). Tiểu ban Dịch khuyến cáo mạnh mẽ rằng trong mọi trường hợp, người muốn dịch một tác phẩm chưa được dịch trước hết phải liên hệ với chủ sự bộ phận coi về tác quyền ở hải ngoại của nhà xuất bản đã phát hành tác phẩm ấy. Thường thì họ tên, số điện thoại, số fax, và địa chỉ bưu điện của các chủ sự này đều có in trong niên giám Thị trường Văn học Quốc tế – International Literary Market Place (ILMP) – có ở phòng tra cứu của hầu hết các thư viện. Những câu hỏi cần đặt ra cho chủ sự tác quyền hải ngoại bao gồm:

  • Nhà xuất bản đã có quyền cho phát hành một bản dịch của tác phẩm ấy hay chưa?
  • Có nhà xuất bản nào đang xem xét việc dịch và phát hành tác phẩm ấy không?
  • Có nhà xuất bản nào đã từ chối ý định này chưa?
  • Hiện nhà xuất bản có kế hoạch tìm kiếm thêm đối tác để làm việc này không?

Tốt nhất là đặt những câu hỏi trên bằng giấy trắng mực đen qua đường thư tín hoặc fax, sau đó, nếu không nhận được hồi âm (mà thường là vậy) thì có thể gọi điện thoại để hỏi.

Muốn dịch một cuốn sách nào, đừng bao giờ bắt đầu bằng việc hỏi xin bản quyền ở tác giả, vì tác giả nào cũng thường rất hoan nghênh việc sách của mình được dịch, thậm chí còn khuyến khích dịch giả cứ bắt tay vào dịch đi, trong khi không biết rõ thực trạng của vấn đề. Dịch giả chỉ nên liên hệ với tác giả về chuyện này nếu nhà xuất bản đã khẳng định rằng chính tác giả là người giữ tác quyền ngoại văn của tác phẩm ấy. Khi làm đề nghị dịch một cuốn sách, dịch giả nên cho nhà xuất bản biết rõ ai là người giữ bản quyền ngoại văn của cuốn sách ấy.

Cuối cùng, dịch giả nên nhớ rằng bản quyền dịch nói chung thường được tác giả bán hoặc phó thác cho nhà xuất bản (sách cũng như tạp chí), chứ không phải cho bản thân dịch giả; và nói chung thì nhà xuất bản dịch phẩm sẽ là người lựa chọn dịch giả chứ không phải tác giả hoặc nhà xuất bản nguyên tác.

Tác giả

Tác giả nên thận trọng đừng tự ý trao quyền dịch khi bản thân mình không giữ quyền ấy trong thực tế. Khi có người xin phép dịch tác phẩm của mình, tác giả nên nói rõ hiện trạng bản quyền ngoại văn của tác phẩm ấy, giới thiệu ai là người đang giữ bản quyền ngoại văn đó, và nếu biết đã có những ai khác đang dịch tác phẩm ấy của mình thì phải thông báo đầy đủ.

Tác giả có sách sẽ được dịch nên thu xếp thời gian liên hệ với dịch giả đã nhận hợp đồng làm cuốn sách đó. Tác giả nên xem lại bản dịch đã hoàn tất, tốt nhất là trước khi lên trang. Nếu có thể được, tác giả nên để cho dịch giả được tham vấn trong quá trình dịch để giải quyết các vấn đề trong văn bản trước khi hoàn tất nó. Việc này có thể giúp tránh những bất đồng về bản dịch có thể có trong tương lai giữa tác giả, dịch giả và nhà xuất bản. Nếu bản dịch đã hoàn tất và được chuyển cho mình để xem lại, tác giả nên có một người bản ngữ (với bản dịch) cộng tác với mình trong việc này. Nếu có bất đồng giữa tác giả và dịch giả, Tiểu ban Dịch sẽ luôn sẵn sàng trợ giúp việc trọng tài. [Xem đoạn 7 của mẫu Hợp đồng.]

Nhà xuất bản sách

Trước khi xuất bản một dịch phẩm, nhà xuất bản có trách nhiệm đạo đức và pháp lí phải xin được quyền xuất bản nguyên tác ở ngôn ngữ ấy trong vùng lãnh thổ mà dịch phẩm sẽ được phát hành. Nếu nguyên tác cũng sẽ được xuất bản cùng với dịch phẩm thì phải xin cả quyền làm như vậy, thường là ở một nguồn khác. Khi in lại một dịch phẩm đã ngưng phát hành, nhà xuất bản nên thành thực cố gắng liên hệ với người đang sở hữu quyền trí tuệ (bản quyền) của bản dịch ấy và có thỏa thuận chính thức về việc sử dụng nó.

Trong trường hợp tác phẩm được công nhận rộng rãi là thuộc loại cổ điển, cũng như trong trường hợp của tất cả các bài thơ và tác phẩm kịch bản, Tiểu ban Dịch khuyến cáo mạnh mẽ rằng nhà xuất bản chỉ nên xin độc quyền khai thác bản dịch trong một thời hạn nhất định, sau thời hạn đó thì các nhà xuất bản khác sẽ được tự do thương thảo quyền xuất bản các bản dịch khác của cùng nguyên tác ấy mà vẫn không vi phạm quyền của nhà xuất bản dịch phẩm đầu tiên được tiếp tục bán ấn bản cũ của mình.

Nhà xuất bản tạp chí

Tạp chí, dù lớn nhỏ thế nào, cũng không nên đăng các dịch phẩm chưa được cho phép. Chủ biên tạp chí cần biết rằng đăng tải một dịch phẩm cần phải có sự đồng ý của hai nguồn khác nhau: một là của người đang giữ bản quyền ngoại văn của nguyên tác, hai là của người đang giữ bản quyền đối với dịch phẩm ấy. Khi cho đăng một tài liệu dịch, ban biên tập tạp chí có tránh nhiệm phải biết chắc là đã có sự đồng ý của cả hai nguồn nói trên, và phải có lời cám ơn cả hai nguồn ấy in kèm theo tài liệu được đăng. Ngay cả khi lợi ích về tiền bạc của việc này là rất nhỏ hoặc thậm chí không có gì, tạp chí vẫn có trách nhiệm phải giữ đúng hình thức xin phép như vậy.

Đại diện tác giả[3]

Đại diện của tác giả thường không tham gia vào quá trình thương thảo giữa nhà xuất bản và dịch giả. Vai trò của họ chủ yếu là đại diện cho quyền lợi của nhà xuất bản nguyên tác trong quan hệ với nhà xuất bản dịch phẩm. Cũng có khi đại diện tác giả giới thiệu một dịch giả cho một cuốn sách nào đó (nhất là khi dịch giả ấy đã có một số trang dịch thử hoặc soạn một đề nghị về việc xuất bản dịch phẩm ấy để đại diện đi thuyết phục các nhà xuất bản). Nên hiểu rằng nhà xuất bản hoàn toàn có quyền không sử dụng dịch giả được giới thiệu như vậy. Tuy nhiên, thành công của bản dịch cũng là thành công của nguyên tác và tác giả, nên đại diện tác giả cũng nên là một bên liên đới trong việc lựa chọn dịch giả.

Học giả và những người làm tuyển tập

Các học giả nên nhớ rằng những đoạn dịch được dùng toàn văn hoặc từng phần trong luận văn tốt nghiệp tiến sỹ hoặc thạc sỹ, cũng như trong các bài nghiên cứu để xuất bản – cho dù chúng là trích đoạn, cải biên trích đoạn, hoặc những bài dịch gốc – đều phải tuân thủ các luật bản quyền quốc tế và đòi hỏi phải có sự cho phép chính thức khi việc sử dụng chúng vượt quá mức độ “công bằng”. Tuy nhiên, khái niệm “công bằng” này vẫn được định nghĩa rất khác nhau và tốt nhất là nên trực tiếp hỏi những nguồn xuất bản của từng đoạn dịch ấy. Những hạn chế luật pháp này áp dụng cho cả những trường hợp “vay mượn” hoặc “cải biên” bản dịch của các tác phẩm cổ điển, nếu những bản dịch này vẫn trong giai đoạn có bản quyền.

Cũng như các nhà xuất bản tạp chí, những người làm tuyển tập có trách nhiệm xin phép hai nguồn: bản quyền hải ngoại của nguyên tác và bản quyền của dịch phẩm, cho bất kì một văn tuyển nào mà họ muốn xuất bản. Tuyển tập in ra phải có lời cám ơn cả hai nguồn cho phép nói trên.

 

Thương thảo hợp đồng

Nói chung, dịch văn học vẫn là một nghề chưa được đãi ngộ đúng mức đã từ lâu. Nhưng có nhất thiết phải như vậy mãi hay không? Điều này phụ thuộc một phần lớn vào các điều kiện của thị trường và hiện trạng kinh tế của ngành xuất bản ở từng thời kì nhất định. Nhưng bản thân dịch giả vẫn góp phần duy trì tình trạng đáng buồn này mỗi khi họ lẳng lặng chấp nhận các điều khoản hợp đồng được đưa ra cho mình mà không cân nhắc đến giá trị của thời gian, tài năng và kĩ xảo nghề nghiệp của mình. Khi bắt đầu thương thảo một hợp đồng, dịch giả nên nhớ rõ ít nhất là hai điều như sau: Thứ nhất, không có dịch giả thì không có dịch phẩm; và thứ hai, tất cả các điều khoản hợp đồng, bất kì là hợp đồng gì, đều có thể thương thảo được. Không có gì sai khi đòi hỏi một cách hợp lí để có được những gì mình mong muốn.

Những điểm cụ thể trong phần này và phần về Mẫu Hợp đồng áp dụng chủ yếu cho việc dịch văn xuôi có giá trị nghệ thuật. Hiện chưa có những hướng dẫn tiêu chuẩn nào cho việc dịch thơ. Dịch kịch bản, dù là dịch trung thành hay chuyển thể, để biểu diễn trên sân khấu hay để in thành kịch bản, hoặc cả hai, vẫn là một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều bên khác nữa ngoài dịch giả và nhà xuất bản. (Hiệp hội Dịch giả ở Luân Đôn có soạn một tài liệu gọi là “Tiêu chuẩn hành nghề Dịch và Chuyển thể Kịch bản”, địa chỉ của Hiệp hội có ở phần cuối của Sổ tay này). Dù sao, trong mọi trường hợp và ở mọi thể loại, dịch giả có kinh nghiệm và danh tiếng bao giờ cũng có điều kiện thương thảo tốt hơn là một dịch giả mới vào nghề.

Ta muốn gì?

Ta muốn giữ bản quyền đối với bản dịch của mình, hay ta chỉ định “dịch thuê lấy công”?

Bản quyền

Kể từ khi có Mẫu Hợp đồng đầu tiên của PEN được phổ biến vào năm 1981, các nhà xuất bản ở Hoa Kỳ đã dần dần chấp nhận thông lệ để dịch giả đứng tên giữ bản quyền của bản dịch, và trong nhiều trường hợp đã chấp nhận cho dịch giả được hưởng một phần trăm nhất định của tiền nhuận bút và tiền thu nhập từ các bản quyền phụ[4] của dịch phẩm.

Việc giữ bản quyền của bản dịch (và phó thác bản quyền ấy cho nhà xuất bản được khai thác theo các điều khoản cụ thể đã thỏa thuận trong hợp đồng), mặc dù chỉ là một quyền phái sinh[5] (phụ thuộc vào bản quyền của nguyên tác), có thể làm lợi cho dịch giả theo nhiều cách. Nó khiến cho dịch giả được công nhận như một đồng tác giả. Nó thêm yếu tố bảo vệ quyền lợi và cho dịch giả quyền tiếp tục kiểm soát được bản dịch của mình trong trường hợp có tái bản. Nó trao lại mọi quyền đối với bản dịch ấy vào tay dịch giả khi hết hạn hợp đồng, hoặc thường xuyên hơn, khi cuốn sách ấy không còn được in ra nữa, hoặc khi nhà xuất bản không còn hoạt động nữa.

Dịch thuê lấy công[6]

Kể từ tháng 6 năm 1989, các luật định về làm thuê lấy công có liên quan đến các công việc sáng tạo đã và đang được tòa án và Quốc hội diễn giải lại. Trước đó, một thỏa thuận làm thuê lấy công thường đem lại cho dịch giả một món tiền lớn hơn, nhưng không có nhuận bút, không được chia thu nhập từ các bản quyền phụ, và không có quyền kiểm soát gì đối với bản dịch khi có tái bản. Tình trạng pháp lí của hình thức “làm thuê lấy công” này vẫn còn đang tiến hóa. Nhưng các giả định cũ nay đã không còn thích hợp nữa. Hợp đồng “dịch thuê lấy công” giữa dịch giả và nhà xuất bản phải có các điều khoản rất rạch ròi; và tất nhiên là phải được thương thảo thỏa đáng. Mặc dù trong hợp đồng kiểu này, nhà xuất bản sẽ là người giữ bản quyền của bản dịch, nhưng điều đó không có nghĩa là dịch giả không có quyền được hưởng các khoản tiền khác ngoài số tiền công cố định kia.

Để quyết định cơ sở của các khoản tiền trả thêm, hoặc các loại tiền khác (kể cả nhuận bút và thu nhập từ các bản quyền phụ), xin đọc ở Mẫu Hợp đồng, đặc biệt là đoạn số 5 và các ghi chú số 4 và số 5a. Theo truyền thống thì tác giả sẽ bắt đầu được trả nhuận bút sau khi cuốn sách bán đã thu lại được số tiền tạm ứng mình đã nhận trước đây. “Tiền tạm ứng” được nói đến trong phần 4 của Mẫu Hợp đồng chính là tiền này, tức là một món tiền nhuận bút được trả trước cho tác giả, cuối cùng đều lấy từ tiền bán sách. Cách làm này là thích hợp đối với tác giả, vì phần trăm nhuận bút của tác giả nói chung cao hơn của dịch giả rất nhiều. Còn với dịch giả thì vì phần trăm nhuận bút thấp quá nên chẳng mấy khi được gì thêm ngoài món tạm ứng ban đầu. Với mức tiêu chuẩn chỉ từ 1 đến 2 phần trăm nhuận bút trả cho dịch giả, dịch phẩm sẽ phải bán được hàng chục nghìn bản mới đủ tiền bù lại khoản tạm ứng ban đầu. Ví dụ: một dịch phẩm có giá bán lẻ là $20 và mức nhuận bút 1% thì dịch giả sẽ kiếm được $0.20 một cuốn khi bán được. Giả dụ như dịch giả đã được trả tạm ứng là $4.000 để dịch cuốn ấy, thì nhà xuất bản phải bán được ít nhất là 20.000 cuốn đã thì dịch giả mới bắt đầu được trả nhuận bút (tính là 1% của số sách bán được tiếp theo đó). Trong thực tế hạn hẹp của thị trường sách dịch (thường chỉ bán được một hai nghìn cuốn mỗi đầu sách)[7], có thể dễ dàng thấy là điều khoản về tạm ứng và nhuận bút như từ xưa tới nay là rất thiệt thòi cho dịch giả.

Do đó, Sổ tay lần này có đưa ra một điều khoản khác về nhuận bút (xem đoạn số 5 của Mẫu Hợp đồng) mà Tiểu ban Dịch hy vọng sẽ trở thành thông lệ trong các hợp đồng tương lai.[8] Theo điều khoản này, dịch giả sẽ được trả một khoản tiền công dịch, và cũng được nhận một khoản nhuận bút trích từ tiền bán sách. Việc này không những sẽ khích lệ các nhà xuất bản tăng cường tiếp thị và cổ súy cho sách dịch, mà còn giúp dịch giả trở thành một đối tác bình đẳng hơn trong doanh nghiệp xuất bản, cho dịch giả được dự phần xứng đáng trong thành công tài chính của dịch phẩm. Tiểu ban Dịch cảm thấy rằng tình hình ấy cuối cùng sẽ mang lại lợi ích bình đẳng cho nhà xuất bản, dịch giả và tác giả.

Tên dịch giả ở trang tiêu đề

Thư viện Quốc hội có lưu giữ tất cả bản quyền ở Hoa Kỳ. Thư viện cũng cung cấp những thông tin chính yếu về hoạt động xuất bản cho các thư viện và các cơ sở dữ liệu trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới dưới dạng Cataloging-in-Publication (CIP) Data, có in trên trang bản quyền của tất cả các cuốn sách in (đôi khi dưới dạng viết tắt).

Dịch giả có giữ bản quyền đối với bản dịch của mình hay không cũng chẳng có tác dụng gì đến việc tên của mình, với tư cách chủ nhân của dịch phẩm, sẽ có được dùng làm điểm truy cập trong hệ thống tìm kiếm danh mục sách hay không. Tháng 11 năm 1993, Thư viện Quốc hội đã chỉnh lí một trong những thủ tục làm catalogue và ban hành văn bản hướng dẫn sau đây, áp dụng cho Qui định 21.30K1 về làm Catalogue cho sách Anh-Mỹ, có hiệu lực từ tháng 1 năm 1994:

Một trong bẩy điều kiện ở qui định 21.30K1 về việc thêm một từ mục nữa về dịch giả của một tác phẩm là “bản dịch có tầm quan trọng tự thân.” Thư viện Quốc hội áp dụng điều kiện này như sau: Thêm một từ mục nữa về dịch giả của một tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật ở dưới mục tiêu đề, trong đó tên của dịch giả xuất hiện như nguồn thông tin chính về vật phẩm được liệt kê.

“Nguồn thông tin chính” ở đây có nghĩa là trang tiêu đề và chỉ là trang tiêu đề của một cuốn sách. Tên của dịch giả in ở trang bản quyền hoặc trang cám ơn là không đủ.

Trước khi xuất bản một cuốn sách, tất cả các nhà xuất bản đều phải nộp một Biểu Dữ liệu CIP cho bộ phận Cataloging-in-Publication của Thư viện Quốc hội. Tên của dịch giả phải được in trên trang tiêu đề của cuốn sách, do vậy mà phần hướng dẫn in ở mặt sau của Biểu Dữ liệu cũng như trong cuốn Hướng dẫn về CIP cho các nhà xuất bản đều có ghi rõ: “Tên họ đầy đủ của tác giả phải xuất hiện trong trang tiêu đề”. Chỉnh lí qui định 21.30K1 nói trên đã bổ sung tên dịch giả vào cùng trang tiêu đề ấy. Vì quyền lợi của mình, trong quá trình thương thảo hợp đồng, dịch giả cần nhấn mạnh về thủ tục bắt buộc này, thể hiện ở đoạn số 12 trong Mẫu Hợp đồng.

Bao nhiêu tiền?

Tiền dịch thường được tính trên cơ sở bao nhiêu đôla cho mỗi một ngàn chữ của bản dịch. Tạm ứng trả cho tác giả có thể là một món nhỏ tượng trưng, mà cũng có thể là một món tiền khổng lồ. Tiền trả cho dịch giả cũng như vậy, rất khác nhau trong từng trường hợp. Có một điều không thể nghi ngờ, là khả năng thương thảo về vấn đề này là rất lớn, và nhiều yếu tố sẽ phải được tính đến, ví dụ như ngân sách của nhà xuất bản là bao nhiêu, họ có dễ dàng tìm được một người dịch khác cho cuốn sách không, kinh nghiệm và danh tiếng của dịch giả đến đâu, có nguồn tài trợ hoặc bao cấp nào cho dịch phẩm này không, và cuối cùng nhưng không phải là kém quan trọng nhất: thời gian cần thiết để hoàn thành bản dịch là bao lâu.

Trước khi thỏa thuận với nhà xuất bản, dịch giả nên thận trọng cân nhắc thời gian cần thiết để hoàn thành bản dịch, bao nhiêu tiền sẽ là vừa để bù đắp xứng đáng thời gian ấy, và nếu nhận dịch cuốn này thì sẽ phải bỏ qua những cơ hội nào khác.

Thời gian dịch xong một cuốn sách không phải chỉ phụ thuộc vào độ dài của nó. Sách dễ mà viết dở có thể mất thời gian hơn nhiều so với sách khó nhưng viết hay. Một tác phẩm phi hư cấu có tính học thuật có thể đòi hỏi rất nhiều thời gian nghiên cứu trong thư viện để tra tầm những thuật ngữ chính xác và những nguồn trích dẫn từ các ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của nguyên tác. Và dĩ nhiên, việc dịch thơ bao hàm những thách thức nằm ngoài lĩnh vực đếm chữ. Dịch giả nên lượng tính thận trọng tất cả những yếu tố đó khi dự kiến thời gian cần thiết để hoàn thành bản dịch. Dịch giả cũng phải thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu với nhà xuất bản về việc có phải làm cả những nhiệm vụ khác nữa như tóm gọn và đơn giản hóa văn bản, biên soạn lại, kiểm tra dữ kiện, hoặc làm index hay không.

Cả dịch giả và nhà xuất bản đều muốn dịch phẩm bán chạy. Nhiều dịch phẩm có ít cơ hội trên thị trường nhưng vẫn được xuất bản. Nhiều dịch phẩm lại bán rất chạy. Dịch giả phải thương thảo hợp đồng tùy theo từng cuốn sách, lựa chọn các điều khoản sao cho thỏa đáng nhất với mình. Tinh thần hợp tác và trung thực của nhà xuất bản khi bàn đến khả năng thành công trên thị trường của cuốn sách sẽ giúp dịch giả lượng tính được triển vọng tài chính của hợp đồng.

Dịch giả có trách nhiệm với các tác phẩm họ sẽ dịch. Họ có trách nhiệm chỉ chấp nhận những thỏa thuận tài chính nào sẽ cho phép họ tập trung đầy đủ được thời gian và sức lực để chuyển ngữ thỏa đáng tác phẩm được dịch.

Dịch giả phải tìm kiếm mức đãi ngộ xứng đáng với tài năng, tay nghề và mức độ đóng góp của mình vào việc tái tạo lại tác phẩm ở một ngôn ngữ khác. Khi không tự bán rẻ mình, dịch giả sẽ khẳng định được vị thế quan trọng của nghề dịch văn học mà mình là một thành viên.

 

Những điều nên làm và nên tránh

Mười điều liệt kê dưới đây giúp ghi nhớ những điểm chủ chốt của quá trình thương thảo hợp đồng. Chúng không thay thế được phần mô tả Mẫu Hợp đồng trong Sổ tay này. Tiểu ban Dịch khuyến cáo rằng dịch giả nên đọc kĩ tất cả các điều khoản trong Mẫu Hợp đồng và những chú giải kèm theo trước khi quyết định chấp nhận một hợp đồng trong thực tế.

  1. Với bất kì một tác phẩm nào không phải là tài sản công cộng, phải kiểm tra chắc chắn vấn đề bản quyền của tác phẩm ấy.
  2. Không có gì là sai khi dịch giả tự ý đề xuất với một nhà xuất bản cho mình dịch một tác phẩm nào. Tuy nhiên, phải biết rằng, ngoài những khó khăn cố hữu trong việc tiếp thị một tác phẩm dịch, nhà xuất bản ấy hoàn toàn có thể thuê người khác dịch chính cuốn sách mình đề nghị.
  3. Đừng bao giờ dịch một cuốn sách để lấy tiền mà lại không có hợp đồng, dù là sách gì đi nữa. Thậm chí chỉ cần một trang hợp đồng đơn giản hoặc một giấy thỏa thuận cũng hơn là không có gì.
  4. Khi nhận dịch một tác phẩm học thuật, phải biết rõ là nhà xuất bản sẽ chờ đợi công việc gì ở mình. Ví dụ, liệu nhà xuất bản có cử người giúp mình tra cứu các nguồn trích dẫn và viết chú giải hay không? Nếu không thì việc đó của mình có được trả tiền thỏa đáng và thể hiện trong hợp đồng hay chưa?
  5. Phải đảm bảo là mình có quyền kiểm tra bản thảo sau khi nó đã được biên tập chính tả, và phải có đủ thời gian để làm việc này. Đối với các bản in thử và lên trang cuối cùng cũng vậy.
  6. Nếu có sử dụng một hệ thống phong cách văn bản nào đó (style sheet), phải nhớ chuyển hệ thống đó cho biên tập viên chính tả.
  7. Nhớ đưa vào hợp đồng điều khoản về số dịch phẩm mình được hưởng không phải trả tiền. Thường thì là 10 cuốn. Và nhớ đề nghị với nhà xuất bản cho mình được mua thêm với giá giảm, thường là 40%.
  8. Thời hạn dịch càng ngắn thì tiền công dịch càng cao. Dịch giả có thể phải cung hiến toàn bộ thời gian của mình cho việc dịch cuốn sách đó.
  9. Phải đảm bảo rằng các thời hạn trong hợp đồng là hợp lí và có thể thực hiện được.
  10. Thỏa thuận rõ ràng về các thời điểm thanh toán với nhà xuất bản trước khi kí hợp đồng.

 

Mẫu hợp đồng

Nhận thấy cần phải có một tài liệu hướng dẫn giúp các dịch giả trong quan hệ nghề nghiệp với các nhà xuất bản, Tiểu ban Dịch thuộc Chi hội PEN tại Hoa Kỳ đã soạn ra một Mẫu Hợp đồng có chú giải từ năm 1981, với hy vọng nó sẽ có ích cho cả người mới vào nghề cũng như các dịch giả đã dầy dạn kinh nghiệm, và với thời gian, nó sẽ được chấp nhận và trở thành thông lệ nghề nghiệp.

Mới 15, 20 năm trước đây thôi, cách làm việc duy nhất của hầu hết các nhà xuất bản là sử dụng dịch giả như “người làm thuê lấy công” – một thuật ngữ pháp lí theo đó dịch giả chỉ được trả một món tiền công dịch cố định và một lần, ngoài ra sẽ không có quyền lợi gì đối với các bản dịch của mình nữa. Năm 1989, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra một quyết định nhân một vụ án trong đó nhấn mạnh rằng mặc dù dịch sách có thể được coi là một công việc “làm thuê lấy công”, nhưng theo luật bản quyền thì lại không nhất thiết là như thế: người dịch một cuốn sách có thể được coi là tác giả của chính bản dịch của mình, có thể được hưởng thêm các món tiền thu được từ bản dịch ấy trong suốt thời hạn bản quyền, và có thể có quyền kiểm soát ở một mức độ nào đấy đối với việc sử dụng bản dịch đó trong tương lai. Quả thật, ngay cả khi coi dịch giả là “người làm thuê lấy công”, nhà xuất bản vẫn có thể chấp nhận để dịch giả tiếp tục nhận được phần của mình trong các thu nhập từ dịch phẩm ở dạng này hoặc dạng khác, không loại trừ hình thức nhuận bút trích từ tiền bán sách và hình thức phần trăm của thu nhập từ các bản quyền phụ. Từ quan niệm pháp lí ấy, Mẫu Hợp đồng lần này sẽ có những đoạn giúp dịch giả thương thảo theo cả hai hình thức: dịch thuê lấy công, hoặc dịch với tư cách đồng tác giả.

Một biến chuyển pháp lí nữa có tác động đến quyền của dịch giả là Đạo luật Thực hiện Công ước Berne ra năm 1988, bắt đầu có tác dụng từ ngày 1 tháng 3 năm 1989, và đã khiến cho luật bản quyền Hoa Kỳ phải có tu chính án thích hợp. Công ước Berne là công ước quốc tế lâu đời nhất nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nó dùng luật pháp để bảo vệ các quyền đạo đức (moral rights) của tác giả, đòi rằng các nỗ lực của tác giả phải nhận được ghi nhận xứng đáng (paternity right) và tác phẩm của họ không bị xuyên tạc, cắt xén, hoặc sửa đổi gây tổn hại đến danh dự và uy tín của chính họ (integrity right).

Hoa Kỳ đã tuyên bố với cộng đồng quốc tế, cho dù còn mập mờ, rằng Hoa Kỳ đã công nhận điều khoản của Công ước Berne về các quyền đạo đức và dùng nó để bảo vệ các tác giả Mỹ. Tuy nhiên, luật bản quyền mới của Hoa Kỳ vẫn còn chưa rõ ràng trong chuyện nó đã cho các tác giả Mỹ được hưởng tất cả các quyền đạo đức mà tác giả ở các nước khác đang được hưởng hay chưa. Dưới nhiều hình thức khác nhau, luật bản quyền Hoa Kỳ đã bắt buộc các nhà xuất bản phải ghi nhận đầy đủ vai trò và đóng góp của tác giả và không được cắt xén tác phẩm của họ (đoạn 106 trong Đạo luật Bản quyền năm 1976, Đạo luật Lanham, và nhiều đạo luật khác). Luật mới hiện nay không rõ ràng trong chuyện nó đang bảo vệ những gì, và các nhà xuất bản cũng như các nhà văn Mỹ đã và đang tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Đối với dịch giả Mỹ, toàn bộ vấn đề quyền đạo đức có lẽ là u ám nhất, vì theo luật bản quyền hiện hành tại Hoa Kỳ, chỉ có nghệ thuật tạo hình là được bảo vệ các quyền này, còn sách là hoàn toàn không được nhắc đến.

Điểm cốt lõi của quyền đạo đức là ở chỗ nó cho tác giả một quyền hạn rất lớn đối với các tác phẩm của mình, vượt quá cả sức mạnh thực tế của bản quyền. Liên quan nhiều nhất đến nghề dịch là việc Công ước Berne bảo vệ tác giả trong các nước thành viên của mình chống lại bất kì một hành động “xuyên tạc, cắt xén, hoặc sửa đổi tác phẩm” được coi là gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Trên lí thuyết, một luật định như vậy sẽ cho tác giả một quyền hạn rộng khắp đối với việc sử dụng các tác phẩm của họ, đặc biệt là khi động đến việc dịch tác phẩm ấy. Có thể thấy ngay là một quyền hạn như vậy sẽ rất dễ bị lạm dụng, đặc biệt trong tình huống có bất đồng về cách diễn đạt giữa tác giả và dịch giả. Lúc ấy, tác giả có thể dùng “integrity right” để áp đặt lối diễn đạt của mình cả vào trong bản dịch ở một ngôn ngữ khác với lí do không để cho văn mình bị xuyên tạc. Điều không may hiện nay là luật pháp chưa rõ ràng trong việc công nhận dịch giả như tác giả của bản dịch. Mặc dù bản sửa đổi của Công ước Berne kí tại Paris năm 1971 có công nhận rằng dịch phẩm cũng chính là tác phẩm, và rằng dịch phẩm cũng cần được “bảo vệ như tác phẩm gốc với điều kiện không phương hại gì đến bản quyền của nguyên tác gốc,” nó vẫn không phân biệt rõ ràng ý nghĩa của từ “gốc”: nguyên tác gốc (của tác giả) và dịch phẩm gốc (của dịch giả). Nó bảo vệ dịch giả trong tư cách là tác giả của bản dịch, nhưng lại tước đi một mức độ tự quyền rất cần thiết của dịch giả bằng cách đặt dịch phẩm dưới quyền kiểm soát của tác giả nguyên tác, là người có “độc quyền trong việc cho phép dịch và phát hành bản dịch” các tác phẩm của mình. Trong nghề dịch, cái gì mà “quyền đạo đức” thò ra cho dịch giả ở tay này thì nó lại lấy đi ngay ở tay kia.

Theo quan điểm của Tiểu ban, dịch giả là cầu nối độc nhất giữa nguyên tác và người đọc ở một ngôn ngữ khác. Vị thế của dịch giả trong tư cách cộng sự của tác giả nguyên tác cần phải được công nhận bởi cả nhà xuất bản và người đọc. Một trong những hướng quan trọng để đạt đến sự công nhận này là phải coi dịch văn học là một nỗ lực văn chương đích thực, và quan niệm ấy phải được phản ánh trong các thỏa thuận hợp đồng giữa dịch giả và nhà xuất bản.

Tiểu ban Dịch tin rằng Mẫu Hợp đồng này đáp ứng một cách xứng đáng những mong muốn hợp lý của dịch giả. Trong điều kiện thị trường hiện nay, các điều khoản của nó thường mới chỉ thực hiện được từng phần. Tuy nhiên, dịch giả nên cố thỏa thuận được càng nhiều điều khoản càng tốt. Để giúp dịch giả có một ý tưởng thực tế khi thương thuyết hợp đồng với nhà xuất bản, chúng tôi sẽ chỉ rõ những điều khoản nào trong Mẫu Hợp đồng là dứt khoát phải có và những điều khoản nào là rất nên có nhưng vẫn chưa thành thông lệ trong nghề dịch văn học. Hợp đồng nào giữa dịch giả và nhà xuất bản cũng nên là tối ưu cho dịch giả, và chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ rằng dịch giả nên cố gắng thỏa thuận được hết các điều khoản có thể thực hiện được ở Mẫu Hợp đồng. Chúng tôi hy vọng phần Chú giải trong Mẫu Hợp đồng sẽ giúp dịch giả có cơ sở để biện minh cho những đề nghị của mình trong khi thương thảo.

Bản Mẫu Hợp đồng cùng các chú giải này được xây dựng trên cơ sở cuốn sách sẽ dịch là một tác phẩm có bản quyền. Với các tác phẩm đã thành công cộng, Tiểu ban Dịch cho rằng dịch giả vẫn phải được đối xử như một tác giả và vẫn phải có các điều khoản hợp đồng và quyền hạn như của một tác giả.

 

Mẫu Hợp đồng

Chú giải

Hợp đồng thỏa thuận làm [ngày, tháng, năm] giữa [tên người dịch], từ đây trở đi gọi là Dịch giả, và [tên người làm xuất bản], từ đây trở đi gọi là Nhà xuất bản.
1. Dịch giả nhận dịch [tên sách và tác giả] từ [tên ngôn ngữ gốc] sang tiếng Anh. Dịch giả đồng ý rằng, sau [con số] tháng kể từ lúc nhận tiền tạm ứng, sẽ trao cho Người làm xuất bản một bản dịch đầy đủ đánh máy giòng đôi rõ ràng theo thông lệ xuất bản chung của quốc tế. 1. Có những dịch giả còn đưa cả được một điều khoản về việc nhà xuất bản sẽ thanh toán chi phí cho việc chuẩn bị bản dịch hoàn chỉnh (đánh máy, in, giấy…). Điều khoản này là loại bất thường, nhưng trong trường hợp bản dịch rất dài hoặc văn bản có hình thức phức tạp, dịch giả có thể đề nghị đưa vào hợp đồng. Có thể viết như sau: “Nhà xuất bản đồng ý thanh toán cho Dịch giả các chi phí của việc chuẩn bị bản dịch hoàn chỉnh.” Hiện nay việc dùng một đĩa vi tính kèm theo hoặc thay thế cho bản dịch giấy trắng mực đen truyền thống đang dần trở thành thông lệ. Nếu nhà xuất bản đòi hỏi phải có đĩa vi tính, dịch giả thường vẫn phải chịu mọi chi phí, giống như khi nộp bản dịch bằng giấy.
2. Bản dịch phải trung thành với nguyên tác; không có thêm bớt gì ngoài những chuyển ngữ cần thiết từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ Anh. Nhà xuất bản phải thảo luận với Dịch giả về bất kì chỉnh sửa nào muốn có đối với bản dịch, kể cả nhan đề, và chỉ được chỉnh sửa khi có sự đồng ý bằng văn bản của Dịch giả. 2. Điều khoản này tự nó đã rõ ràng. Hãy lưu ý rằng nếu nguyên tác có cả thơ hoặc tài liệu trích dẫn từ các tác phẩm có bản quyền khác, hợp đồng cần phải nói rõ bản dịch sẽ chuyển ngữ những yếu tố này theo hình thức nào. Ví dụ, dịch giả có phải dịch thơ ra thơ hay không, hay chỉ chuyển thành văn xuôi? Với những trích dẫn từ các tác phẩm có bản quyền, dịch giả phải dùng những đoạn dịch đã có của người khác hay sẽ tự mình dịch mới? Trong cả hai trường hợp ấy, nhà xuất bản phải thu xếp bản quyền liên quan đến các trích dẫn ấy. Nếu bản dịch cần được tác giả nguyên tác cho phép, điều này cũng phải ghi rõ trong hợp đồng.
3. Dịch giả đảm bảo với Nhà xuất bản rằng bản dịch sẽ không có bất kì một chi tiết phản cảm hoặc có tính chất vu cáo, lăng mạ nào không có trong nguyên tác. Nếu xẩy ra kiện tụng hoặc bất kì một rắc rối nào liên quan đến những chi tiết như vậy, Nhà xuất bản có trách nhiệm giải thích làm rõ rằng những chi tiết ấy là của nguyên tác và Dịch giả không phải chịu trách nhiệm gì về sự có mặt của chúng trong bản dịch. 3. ĐIỀU KHOẢN NÀY BẮT BUỘC PHẢI CÓ. Không có nó, dịch giả có thể bị luật pháp cáo buộc là phải chịu trách nhiệm về những ý kiến và miệt thị được diễn đạt trong nguyên tác mà dịch giả đã đồng ý phải dịch thật trung thành và đúng nghĩa.
4. Dịch giả sẽ được trả trước [X đôla] tiền tạm ứng ngay sau khi hai bên đã cùng kí vào bản hợp đồng này; số tiền còn lại sẽ được trả nốt sau khi bản dịch đầy đủ và hoàn chỉnh đã được chấp nhận. 4. ĐIỀU KHOẢN BẮT BUỘC PHẢI CÓ. Khoản tiền trả trước này có thể là món tạm ứng thông thường sẽ tính vào tiền nhuận bút hoặc vào tổng số tiền công dịch nếu là hợp đồng “dịch thuê lấy công”. Thường thì tạm ứng cho “dịch thuê lấy công” là cao hơn so với tạm ứng cho dịch lấy nhuận bút và giữ bản quyền, nhưng hầu hết các món tạm ứng này đều chỉ có tính chất tượng trưng mà thôi. Dịch giả có thể được trả một món tiền cố định và một lần mà vẫn được coi là đồng tác giả chứ không phải “dịch thuê lấy công”. Nói cách khác, phương pháp và cung cách thanh toán không thể hiện bản chất của hợp đồng có phải là “dịch thuê lấy công” hay không. Nếu hai bên thỏa thuận là “dịch thuê lấy công” thì phải viết rõ như vậy trong hợp đồng.

Đoạn số 5 của Mẫu Hợp đồng này có trình bày một cách đặt vấn đề khác của điều khoản về nhuận bút. Nó cho dịch giả được nhận hai thứ tiền: một là tiền dịch; và hai là tiền nhuận bút bằng phần trăm của tổng số tiền bán sách. Tiểu ban Dịch hoàn toàn ủng hộ cách đặt vấn đề này.

Cách trả tiền có thể khác nhau trong mỗi hợp đồng, nhưng Tiểu ban Dịch ủng hộ mạnh mẽ việc trả ngay sau khi kí hợp đồng khoảng một nửa tổng số tiền dự tính. Trong trường hợp một văn bản rất dài, có thể phải trả thêm một lần nữa vào giữa kì, số còn lại thanh toán nốt sau khi bản dịch đã được chấp nhận. Tất cả những điều khoản này đều thương lượng được. Dịch giả nên đề nghị theo cách xứng đáng nhất cho mình. Đoạn 4 trình bày cách viết thông thường cho điều khoản này.

Các nhà xuất bản thường vẫn hiểu “ngay sau khi kí hợp đồng” thành “sau một thời gian hợp lí”. Nhưng thời gian hợp lí ấy không được kéo dài thành nhiều tuần lễ. Nếu không có thỏa thuận cụ thể nào khác về việc này, dịch giả nên nói rõ rằng mình sẽ chỉ bắt đầu dịch khi đã nhận được khoản tiền đầu tiên. Và các kì hạn hợp đồng phải được tính từ thời điểm đó.

5. Khoản tiền nói trên sẽ được coi là khoản tạm ứng của tiền nhuận bút tính bằng [X phần trăm] tổng số tiền thu được từ giá bìa của ấn bản bìa cứng đầu tiên. Dịch giả cũng sẽ được trả nhuận bút [X phần trăm] của tất cả các lần tái bản bìa mềm. Phần tiền thu được từ các bản quyền phụ phải chia cho Dịch giả sẽ được tính theo cùng tỷ lệ mà Dịch giả được chia với tác giả trong nhuận bút của ấn bản bìa cứng đầu tiên. Dịch giả sẽ nhận được các báo cáo tài chính của Nhà xuất bản theo cùng một lịch áp dụng cho tác giả nguyên tác.

Cách thứ hai:

Ngoài ra, Dịch giả sẽ được trả nhuận bút bằng [X phần trăm] tiền sách bán được tính theo giá bìa của ấn bản bìa cứng đầu tiên. Dịch giả cũng sẽ được hưởng nhuận bút tái bản bằng [X phần trăm] tiền sách bán được tính theo giá bìa của các lần tái bản ấy. Phần tiền phải trả cho Dịch giả từ thu nhập của các bản quyền phụ sẽ được tính theo cùng tỷ lệ mà Dịch giả được chia với tác giả trong nhuận bút của ấn bản bìa cứng đầu tiên. Dịch giả sẽ nhận được các báo cáo tài chính của Nhà xuất bản theo cùng một lịch áp dụng cho tác giả nguyên tác.

5. Vấn đề nhuận bút là vấn đề mà khôngmột dịch giả nào được quên. Ở hầu hếtcác nước châu Âu và Nhật Bản, dịch giảmặc nhiên được hưởng nhuận bút theo quiđịnh của pháp luật và không phải thươngthảo gì cả. Các khoản nhuận bút cho dịchgiả được lấy từ nhuận bút của tác giảnguyên tác theo thỏa thuận của tác giả vớinhà xuất bản. Tỷ lệ nhuận bút của sách táibản bìa mềm thường thấp hơn của sáchbìa cứng ra lần đầu tiên.

Các nhà xuất bản ở Hoa Kỳ vẫn thường không muốn trả nhuận bút cho dịch giả, với lí do quen thuộc rằng làm như vậy sẽ khiến cho gánh nặng tài chính của họ quá sức chịu đựng vì họ đã phải trả các thứ tiền bản quyền khá cao cho cuốn sách rồi. Tiểu ban dịch cho rằng lí do này nghe thì tưởng là hợp lí mà thực ra không phải, bởi lẽ nhuận bút cho dịch giả là lấy từ nhuận bút của tác giả nguyên tác chứ không phải tiền của nhà xuất bản. Tiểu ban Dịch tin rằng hầu hết tác giả sẽ sẵn lòng chia sẻ nhuận bút với những người dịch sách của họ nếu việc này được đề nghị chính thức.

Cách thỏa thuận thứ hai của điều khoảnnày thể hiện một lối tiếp cận mới trongthương thảo hợp đồng, và Tiểu ban Dịchkhuyến cáo mạnh mẽ rằng dịch giả nên cố gắng áp dụng nó trong mọi trường hợp có thể được. Thỏa thuận theo kiểu này, dịchgiả sẽ được trả cả tiền dịch và nhuận búttrên tổng số sách bán được. Tiền dịch ởđây không phải là tiền nhuận bút tạm ứngnhư thông lệ. Và nhuận bút ở đây là phầntrăm (ví dụ từ 2% đến 5%) tổng số tiền sách bán được, kể từ cuốn đầu tiên. Vìdịch phẩm thường in số lượng ít và do vậy nhuận bút cũng là nhỏ, rất ít khi dịch giả bùlại được khoản nhuận bút tạm ứng đểđược thu nhập thêm sau đó nếu áp dụngđiều khoản này theo cách thứ nhất.

Nếu dùng cách thứ hai cho điều khoản nhuận bút này thì đừng dùng từ “tạm ứng” ở đoạn số 4 và các đoạn sau nữa để tránh bị nhầm lẫn với kiểu thỏa thuận cũ về nhuận bút.

5a. Hai bên đồng ý rằng đây là một hợp đồng “dịch thuê lấy công” theo qui định của luật bản quyền Hoa Kỳ và vì vậy Nhà xuất bản sẽ được coi là “tác giả” của bản dịch với đầy đủ ý nghĩa của từ này trong khuôn khổ luật pháp. Nếu không có qui định gì thêm, những khoản tiền đã nói đến trong đoạn 4 ở trên sẽ là toàn bộ tổng số tiền mà Dịch giả sẽ nhận được để hoàn thành bản dịch này 5a. Đây là điều khoản thông thường của một hợp đồng “dịch thuê lấy công”. Luật bản quyền cho phép hình thức hợp đồng này và bắt buộc các bên phải viết rõ như vậy trước khi kí kết. Như đã giải thích ở trên, phương pháp thanh toán không quyết định vị thế làm thuê của dịch giả và dịch giả vẫn có thể được trả thêm nhuận bút và các khoản tiền khác trong một hợp đồng “dịch thuê lấy công”. Nhưng trong các vấn đề pháp lí như việc kết thúc hoặc triển hạn bản quyền thì dịch giả sẽ không được coi là “tác giả” bản dịch của mình.
6. Trong ấn bản đầu tiên của bản dịch, Nhà xuất bản sẽ giành cho Dịch giả mười (10) cuốn của dịch phẩm ấy, và Dịch giả có thể mua thêm với giá được giảm 40% so với giá bìa. 6. Đây là điều khoản thông thường mà cả tác giả và dịch giả vẫn đều được hưởng.
7. Trong trường hợp bản dịch đầy đủ bị Nhà xuất bản cho là chưa đạt yêu cầu, Dịch giả có quyền đề nghị thành lập một ủy ban thẩm định bao gồm ba thành viên: một do Dịch giả đề cử, một do Nhà xuất bản đề cử, và người thứ ba do hai thành viên này cùng đề cử. Các chi phí cho việc thẩm định sẽ do Nhà xuất bản chi trả, và ý kiến thống nhất của ủy ban thẩm định sẽ là kết luận cuối cùng. 7. ĐIỀU KHOẢN BẮT BUỘC PHẢI CÓ. Hầu hết các bản hợp đồng thường không có điều khoản này. May mà cũng rất ít khi phải cần đến nó trong thực tế. Tuy nhiên, nhiều dịch giả đã gặp phải rắc rối này, nhất là khi tác giả nguyên tác giữ quyền được duyệt lại bản dịch. Đây là vấn đề tế nhị liên quan đến việc “moral rights” của tác giả va chạm với “paternity right” của dịch giả như định nghĩa trong Công ước Berne. Tiểu ban Dịch cho rằng giải pháp đưa ra trong điều khoản này là thỏa đáng nhất cho tất cả các bên liên quan.
8. Nếu kết luận cuối cùng này đánh giá bản dịch là không thể chấp nhận được, Dịch giả sẽ chỉ được nhận một nửa khoản tiền còn lại của mình và sau đó hợp đồng này sẽ hoàn toàn hết giá trị. 8. Đoạn này là tiếp nối của đoạn 7. Vì quyền lợi của mình, nhiều dịch giả đã thỏa thuận được việc không đưa đoạn này vào hợp đồng.
9. Nhà xuất bản cam kết thu xếp cho Dịch giả có cơ hội và thời gian thỏa đáng để kiểm tra và phê chuẩn bản thảo đã được biên tập chính tả, cũng như các bản in thử và bản lên trang cuối cùng, và thực hiện mọi chỉnh sửa cần thiết. 9. ĐIỀU KHOẢN BẮT BUỘC PHẢI CÓ. Tiểu ban Dịch đề nghị thêm một câu nữa vào điều khoản này mặc dù không phải lúc nào cũng cần đến nó: “Nếu Nhà xuất bản cho ra một ấn bản thứ hai của bản dịch trong thời hạn bản quyền, hoặc nếu quyền xuất bản được chuyển cho một nhà xuất bản khác để tái bản trong thời hạn bản quyền, dịch giả sẽ có cơ hội được sửa chữa chỉnh lí bản dịch theo ý mình nhằm nâng cao chất lượng của bản dịch.” Câu này sẽ giúp dịch giả được bảo vệ nhiều hơn và cho dịch giả có quyền tiếp tục kiểm soát được tác phẩm của mình.
10. Nhà xuất bản sẽ đăng kí bản quyền cho bản dịch theo tên Dịch giả, và Dịch giả sẽ phó thác bản quyền ấy cho Nhà xuất bản trong suốt thời hạn của bản quyền dịch mà Nhà xuất bản đã kí kết với tác giả của nguyên tác; cho phép Nhà xuất bản được độc quyền in lại, xuất bản và bán bản dịch của mình, toàn bộ hoặc từng phần, ở mọi thị trường trên thế giới. 10. Trong lĩnh vực bản quyền, nhiều nhà xuất bản vẫn chỉ muốn nhìn nhận dịch giả như một người “dịch thuê lấy công”. Tuy nhiên, một khi người giữ bản quyền của nguyên tác (tác giả nguyên tác hoặc nhà xuất bản của nguyên tác) đã cho phép dịch nguyên tác ấy, thì dịch giả sẽ mặc nhiên có bản quyền đối với bản dịch của mình, trong pháp luật gọi là “quyền phái sinh”. Chính vì thế mà dịch giả có quyền được công nhận là cộng sự của tác giả nguyên tác hoặc là tác giả của bản dịch.
10a. Bản dịch, là sản phẩm của hình thức “làm thuê lấy công”, sẽ được đăng kí bản quyền theo tên của Nhà xuất bản. 10a. Trong một hợp đồng “dịch thuê lấy công”, nhà xuất bản là người sở hữu bản dịch và do đó có quyền giữ bản quyền của bản dịch.
11. 60 ngày sau khi Nhà xuất bản thông báo với tác giả nguyên tác và Dịch giả rằng cuốn sách dịch này không còn có mặt trên thị trường nữa, toàn bộ bản quyền của bản dịch sẽ trở lại là sở hữu của Dịch giả. 11. Nếu đã dùng đoạn 10 thì bắt buộc phải dùng cả đoạn này. Là người giữ bản quyền của bản dịch, vốn là một “quyền phái sinh”, dịch giả vẫn bị ràng buộc bởi người giữ bản quyền của nguyên tác cùng các phép tắc cần thiết kèm theo. Dịch giả và nhà xuất bản nên hiểu thống nhất về khái niệm “không còn có mặt trên thị trường nữa” của cuốn sách. Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau: có người lấy danh mục “Sách đang phát hành” làm tiêu chuẩn (nếu không liệt kê trong danh mục này nữa tức là không còn có mặt trên thị trường); có người lại coi khi nhà xuất bản chỉ còn từ 50 cuốn trở xuống thôi thì cuốn sách ấy coi như không còn có mặt trên thị trường nữa, vân vân.
11a. Nhà xuất bản cũng sẽ thông báo về số lượng sách tồn kho, và cho phép Dịch giả được mua số sách đó với giá ngang hoặc thấp hơn giá in ấn (tức là giá giấy, in và đóng bìa sách).
12. Tên của Dịch giả sẽ được in trên bìa sách và bọc bìa sách, trong trang tiêu đề, và trong tất cả các tài liệu quảng cáo tiếp thị cho cuốn sách, ở bất kì đâu có in tên của tác giả nguyên tác, với cỡ chữ không được nhỏ hơn 75% cỡ chữ của tên tác giả. 12. ĐIỀU KHOẢN BẮT BUỘC PHẢI CÓ. Tiểu ban Dịch coi điều khoản này là bắt buộc phải có không phải vì cá nhân các dịch giả mà vì quyền lợi của toàn bộ nghề dịch sách văn học. Dịch giả cần có điều khoản này trong tất cả các hợp đồng của mình. (Xem lại phần Ta muốn gì?, đoạn nói về Thư viện Quốc hội và cơ sở dữ liệu xuất bản.)
13. Hợp đồng này chỉ được hủy bỏ với sự thỏa thuận bằng văn bản của cả hai bên. 13. ĐIỀU KHOẢN BẮT BUỘC PHẢI CÓ. Tiểu ban Dịch coi điều khoản này là bắt buộc để tránh những tranh chấp có thể có khi công việc bị một bên hủy bỏ trước khi hết thời hạn hợp đồng. Tiểu ban Dịch muốn nói thêm rằng tất cả các điều khoản của bất kì hợp đồng nào cũng luôn luôn có thể thương lượng được. Việc thỏa thuận được càng nhiều các điều khoản đề ra trong Mẫu Hợp đồng này sẽ giúp nâng cao vị thế của dịch giả và nghề dịch nói chung.
Với sự chứng kiến tại chỗ, hai bên đã cùng kí hợp đồng này tại [địa điểm], [ngày tháng năm] (Chữ ký của hai bên)

 

 

 

Tuyên ngôn về quyền lợi và trách nhiệm của dịch giả

Hội văn bút quốc tế – International PEN

 

Để khẳng định thêm rằng dịch văn học là một sức mạnh văn hóa trên toàn thế giới,

Để công nhận rằng dịch là một nghệ thuật sáng tạo tự thân và dịch giả phải được đãi ngộ như một tác giả,

Để ghi nhớ những gì đã được xây dựng và chấp nhận trên toàn thế giới trong lĩnh vực dịch thuật nhằm bảo vệ quyền lợi của dịch giả,

Để ghi nhớ những thành tựu đã đạt được của Hiệp hội Tác giả, Liên đoàn Dịch giả Quốc tế, và nhiều tổ chức khác,

Tin tưởng vào sự cần thiết phải củng cố quyền lợi của dịch giả và làm rõ các trách nhiệm của dịch giả,

Hội Văn bút Quốc tế ra một “Tuyên ngôn về Quyền lợi và Trách nhiệm của Dịch giả”

như sau:

Điều 1. Dịch giả là mối nối đầu tiên và quan trọng nhất giữa nguyên tác và độc giả ở một ngôn ngữ khác.

Điều 2. Công nhận dịch là một nỗ lực văn chương phải là cơ sở của mọi thỏa thuận giữa dịch giả và nhà xuất bản.

Điều 3. Dịch giả phải được đãi ngộ như một tác giả, và với tư cách tác giả, phải được hưởng mọi quyền lợi hợp đồng, kể cả bản quyền.

Điều 4. Tên của dịch giả phải được in một cách đúng đắn trên áo bọc, bìa sách, và trang tiêu đề, cũng như trong mọi tài liệu quảng cáo tiếp thị và danh mục thư viện.

Điều 5. Nếu có thể được, bao giờ cũng phải làm một hợp đồng tuân thủ luật pháp của các nước có liên quan giữa một bên là tác giả hoặc nhà xuất bản nguyên tác và bên kia là dịch giả hoặc nhà xuất bản bản dịch.

Điều 6. Các quyền lợi về nhuận bút của dịch giả phải được tôn trọng và thanh toán đầy đủ, dù có hay không có hợp đồng.

Điều 7. Bản dịch của một tác phẩm có bản quyền dứt khoát không được xuất bản nếu không có phép của tác giả nguyên tác hoặc đại diện của họ, trừ phi không thể liên lạc được với những người này do những điều kiện không thể khắc phục được.

Điều 8. Dịch giả phải tôn trọng nguyên tác và không được cắt xén hoặc sửa đổi nguyên tác trừ phi những chỉnh sửa ấy được tác giả hoặc đại diện của họ cho phép. Bản dịch của dịch giả phải được tôn trọng. Trừ những trường hợp vô thưởng vô phạt, mọi chỉnh sửa của biên tập đều phải được dịch giả đồng ý và cho phép.

Để phát huy hơn nữa các mục tiêu của bản Tuyên ngôn trên, Hội Văn bút Quốc tế:

Kêu gọi các Chi hội hãy làm hết sức mình để thực hiện những gì đã nêu lên trong bản Tuyên ngôn này ở quốc gia và khu vực sở tại của mình,

Đề nghị Tiểu ban Dịch trong các Chi hội PEN soạn thảo các tài liệu “Hướng dẫn Thỏa thuận Hợp đồng Dịch” và “Mẫu Hợp đồng,”

Kêu gọi các Chi hội và cá nhân hội viên hãy xây dựng và ủng hộ các chương trình nhằm cổ xúy cho sự nghiệp dịch văn học trên toàn thế giới.

Soạn thảo bởi Ủy ban Dịch của Hội Văn bút Quốc tế và Tiểu ban Dịch của Chi hội Văn bút tại Hoa Kỳ, tháng Giêng 1986.

 

 

[1] Alternative publishing. (Tất cả chú thích trong bản dịch này đều là của người dịch)

[2] Trong Sổ tay này, soạn cho dịch giả Mỹ, “ngoại văn” là các nguyên tác không phải bằng tiếng Anh.

[3] Agent.

[4] Subsidiary rights: quyền kiểm soát và được chia thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác dựa vào cuốn sách: chuyển thể kịch bản, làm phim, làm truyền hình, phát thanh…

[5] Derivative rights.

[6] Ta thường gọi là hình thức “bán đứt bản quyền”.

[7] Sách dịch bên Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% số sách xuất bản hàng năm.

[8] Đây là viết từ 6/1999; hiện nay việc này đã tương đối thành thông lệ nhờ thu xếp giữa nhà xuất bản và tác giả của nguyên tác (Xin xem phần chú giải của Mẫu Hợp đồng).

 

 

Sách (1959-1998)

  • Robert M. Adams, Proteus, His Lies, His Truth: Discussions of Literary Translation. New York: Norton, 1973.
  • Ronnie Apter, Digging for the Treasure: Translation After Pound. New York: Paragon House, 1987.
  • William Arrowsmith and Roger Shattuck, eds., The Craft and Context of Translation: A Critical Symposium. Austin: University of Texas Press, 1961.
  • Mona Baker, ed., Encyclopedia of Translation Studies. London: Routledge, 1998.
  • Willis Barnstone, The Poetics of Translation. New Haven: Yale University Press, 1993.
  • Susan Bassnett-McGuire, Translation Studies, revised edition. London: Routledge, 1991.
  • Susan Bassnett-McGuire, Translating Literature. Woodbridge, UK and Rochester, NY: Boydell & Brewer, 1997.
  • Susan Bassnett and André Lefevere, Constructing Cultures: Essays on Literary Translation. Valley Cottage, NY: Multilingual Typesetting, 1998.
  • Ben Belitt, Adam’s Dream: A Preface to Translation. New York: Grove, 1978.
  • John Biguenet and Rainer Schulte, eds., The Craft of Translation. Chicago: University of Chicago Press, 1989.
  • Reuben Brower, Mirror on Mirror: Translation, Imitation, Parody. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1974.
  • Reuben Brower, ed., On Translation. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1959. This landmark anthology includes Bayard Quincy Morgan’s critical bibliography of works on translation (from 46 BC. to 1958)—an essential map of the field.
  • Andrew Chesterman, Readings in Translation Theory. Helsinki: Finn Lectura, 1989.
  • Donald Davie, Poetry in Translation. Milton Keynes, UK: Open University Press, 1975.
  • Encyclopedia of Literary Translation, (2 vols.) edited by Olive Classe. Chicago: Fitzroy Dearborn, 1998.
  • John Felstiner, Translating Neruda: The Way to Macchu Picchu. Stanford, CA: Stanford University Press, 1980.
  • William Frawley, ed., Translation: Literary, Linguistic, and Philosophical Perspectives. Newark, NJ: University of Delaware Press, 1984.
  • Edward Gentzler, Contemporary Translation Theories. New York: Routledge, 1993.
  • Joseph F. Graham, ed., Difference in Translation. Ithaca, NY: Cornell University Press, 1985.
  • Lillebill Grahs and Gustav Korlen, eds., Theory and Practice of Translation. New York: Lang, 1978.
  • Lenore A. Grenoble and John M. Kopper, Essays in the Art & Theory of Translation. Lewiston, NY: Edwin Mellen Press, 1997.
  • Theo Hermans, ed., The Manipulation of Literature: Studies in Literary Translation. New York: St. Martin’s, 1985.
  • Douglas R. Hofstadter, Le Ton Beau de Marot: In Praise of the Music of Language. New York: Basic Books, 1997.
  • James S. Holmes, Translated!: Papers on Literary Translation and Translation Studies. Amsterdam: Rodopi Holland, 1988.
  • James S. Holmes, José Lambert, and Raymond van den Broeck, eds., Literature and Translation: New Perspectives in Literary Studies. Leuven, Belgium: Acco, 1978.
  • David Homel and Sherry Simon, eds., Mapping Literature: The Art and Politics at Translation, Toronto: University of Toronto Press, 1988.
  • Edwin Honig, The Poet’s Other Voice: Conversations on Literary Translation. Amherst: University of Massachusetts Press, 1985.
  • David Johnston, ed., Stages of Translation: Translators on Translating for the Stage. New York: Theatre Communications Group, 1996.
  • Louis G. Kelly. The True Interpreter: A History of Translation Theory and Practice in the West. Oxford: Blackwell, 1979.
  • Mildred L. Larson, Meaning-Based Translation: A Guide to Cross-Language Equivalence. Lanham, MD: University Press of America, 1984.
  • André Lefevere, Translation, Rewriting, and the Manipulation of Literary Fame. New York: Routledge, 1992.
  • André Lefevere, Translation/History/Culture: A Sourcebook. New York: Routledge, 1992.
  • André Lefevere, Translating Literature: Practice and Theory in a Comparative Literature Context. New York: Modern Language Association, 1992.
  • Suzanne Jill Levine, The Subversive Scribe. St. Paul, MN: Graywolf, 1991.
  • Joseph L. Malone, The Science of Linguistics in the Art of Translation. Albany: State University of New York Press, 1988.
  • Rachel May, The Translator in the Text: On Reading Russian Literature in English. Chicago: Northwestern University Press, 1994.
  • Victor Proetz, The Astonishment of Words. Austin: University of Texas Press, 1971.
  • Burton Raffel, The Art of Translating Prose, University Park: Pennsylvania State University Press, 1994.
  • Burton Raffel, The Art of Translating Poetry, University Park: Pennsylvania State University Press, 1988.
  • Burton Raffel, The Forked Tongue: A Study of the Translation Process. Hawthorne, NY: Mouton de Gruyter, 1971.
  • Barbara Reynolds and William Radice, eds., The Translator’s Art: Essays in Honor of Betty Radice. New York: Penguin, 1988.
  • Douglas Robinson, The Translator’s Turn. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1991.
  • Douglas Robinson, What Is Translation?: Centrifugal Theories, Critical Inventions. Kent, OH: Kent State University Press, 1997.
  • Douglas Robinson, Becoming a Translator. New York: Routledge, 1998.
  • Marilyn Gaddis Rose, ed., Translation Spectrum: Essays in Theory and Practice. Albany: State University of New York Press, 1980.
  • Rainer Schulte and John Biguenet, eds., Theories of Translation: An Anthology of Essays from Dryden to Derrida. Chicago: University of Chicago Press, 1992.
  • George Steiner, After Babel: Aspects of Language and Translation. London: Oxford University Press, revised edition 1993 (original edition 1975).
  • Gideon Toury, In Search of a Theory of Translation. Jerusalem: Porter Institute, 1980.
  • Gideon Toury, Descriptive Translation Studies & Beyond. Erdenheim, PA: John Benjamins North America, 1995.
  • Lawrence Venuti, Rethinking Translation: Discourse, Subjectivity, Ideology. New York: Routledge, 1992.
  • Lawrence Venuti, The Translator’s Invisibility: A History of Translation. New York: Routledge, 1995.
  • Lawrence Venuti, The Scandals of Translation: Towards an Ethics of Difference. London: Routledge, 1998.
  • P. Vinay and J. Darbelnet, Stylistique comparée du français et de l’anglais, Paris: Didier, 1958.
  • Rosanna Warren, ed., The Art of Translation: Voices from the Field. Boston: Northeastern University Press, 1989.
  • Daniel Weissbort, ed., Translating Poetry: The Double Labyrinth. Iowa City: University of Iowa Press, 1989.
  • Robert Wechsler, Performing Without a Stage: The Art of Literary Translation. North Haven, CT, 1998.
  • Frederic Will, The Knife in the Stone: Essays in Literary Theory. The Hague: Mouton, 1973.
  • The World of Translation. New York: PEN American Center, 1987 (rev. of original 1971 ed.).

 

Tổ chức chuyên môn

  • American Literary Translators Association (ALTA), University of Texas at Dallas, Box 830688, Richardson, TX 75083-0688
  • American Translators Association (ATA), 1735 Jefferson Davis Highway, Suite 903, Arlington, VA 22202-3413, ata@atanet.org
  • International Federation of Translators (Fédération Internationale des Traducteurs, FIT), Heiveldstraat 245, B-9110 Ghent, Belgium

 

Chương trình đào tạo

Master’s Programs

  • MA, Creative Writing (Translation): Division of the Humanities, City College of New York, Convent Avenue at 138th Street, New York, NY 10031
  • MA, Liberal Studies, with Specialization in Translation: City University of New York, Graduate School & University Center, New York, NY 10036
  • MA (and Ph.D.), Arts and Humanities, with Concentration in Translation: University of Texas at Dallas, Richardson, TX 75083-0688
  • MA, Translation Studies: University of Warwick, Graduate School of Comparative Literature, Coventry CV4 7AL, England
  • MFA, Literary Translation: University of Arkansas, Fayetteville, AR 72701
  • MFA, Translation: University of Iowa, Iowa City, IA 52242

Bachelor’s Programs

  • BA, French, Major in Translating Literature: Barnard College, Columbia University, 3009 Broadway, New York, NY 10027
  • BA, Spanish, Option in Translation: California State University, 1250 Bellflower Boulevard, Long Beach. CA 90840

Certificate Programs

  • Certificate in Translation Program, New York University, 48 Cooper Square, Room 107, New York, NY 10003
  • Translation Research and Instruction Program, P.O. Box 6000, State University of New York at Binghamton, Binghamton, NY 13902-6000.

*For information about other university programs offering courses in literary translation see William M. Park, Translator and Interpreter Training in the USA: A Survey (Alexandria, VA: American Translators Association 1993). Also “Translation Programs Around the World” at for a comprehensive overview.

 

Trung tâm nghiên cứu

  • British Centre for Literary Translation, School of Modern Languages and European History, University of East Anglia, Norwich NR4 7TJ, England Center for Research in Translation, State University of New York at Binghamton, P.O. Box 6000, Binghamton, NY 13902-6000
  • Center for Translation Studies, University of Texas at Dallas, P.O. Box 830688, Richardson, TX 75083-0688
  • Centre Jacques-Amyot, 18, rue Théodore-Deck, 75015 Paris, France.
  • Centre for Translation and Language Studies, Department of Linguistic and International Studies, University of Surrey, Guilford GU2 5XH, England Monterey Institute of International Studies, Division of Translation and Interpretation, 425 Van Buren Street, Monterey, CA 93940

 

PEN là tên của tổ chức nhân quyền và văn học đã hoạt động từ năm 1921 nhằm cổ súy cho văn chương, bảo vệ tự do diễn ngôn và xây dựng một cộng đồng văn sỹ quốc tế trên cơ sở đồng đẳng và hữu ái.

Chi hội PEN tại Hoa Kỳ đã có từ 1922, là chi hội lớn nhất và hoạt động mạnh mẽ nhất trong số 141 chi hội của PEN trên khắp thế giới, thường được biết đến với tên gọi chung là PEN International. Những thành viên của PEN bao gồm các tên tuổi lớn trong làng văn nhân loại: W. H. Auden, James Baldwin, Willa Cather, Robert Frost, Allen Ginsberg, Langston Hughes, Thomas Mann, Arthur Miller, Marianne Moore, Eugene O’Neill, Susan Sontag, và John Steinbeck.

Chi hội PEN tại Hoa Kỳ tranh đấu cho tự do diễn ngôn, phản đối kiểm duyệt tại Hoa Kỳ và hải ngoại, bảo trợ các chương trình và diễn đàn công cộng về các vấn đề văn chương và chính trị đương thời, nuôi dưỡng tài năng và khả năng thưởng thức văn học của học sinh phổ thông, cổ võ hỗ trợ văn học quốc tế và dịch thuật văn học, tổ chức các giải thưởng văn học, đem văn học đến với tù nhân trong các trại cải huấn của Hoa Kỳ, và trợ cấp cho các nhà văn đang phải đương đầu với các tai ương tài chính hoặc sức khỏe.

 

(Zzz Review xin chân thành cảm ơn dịch giả Trịnh Lữ đã cung cấp và đồng ý cho chúng tôi đăng tải tư liệu này.)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Trịnh Lữ

Trịnh Lữ tức Trịnh Lữ.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*