(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)
“Nhiệm vụ của người dịch là phải giải phóng ra trong ngôn ngữ của chính mình cái thứ ngôn ngữ thuần khiết nằm dưới sự ếm bùa của một ngôn ngữ khác, phải giải phóng thứ ngôn ngữ bị cầm tù trong một tác phẩm trong sự sáng tạo lại tác phẩm đó.” (Walter Benjamin)
Hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ 21 ở Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt những bản dịch mới từ rất nhiều thứ tiếng khác nhau sang tiếng Việt. Dịch, vì thế, được coi không chỉ là một nguồn lực trọng yếu trong ngành xuất bản, mà còn là địa hạt sáng tạo nơi người dịch hoạt động như nghệ sỹ tái tạo bản gốc trong tiếng Việt trong cuộc trình diễn của họ, như Benjamin chỉ ra.
Dù rất nhiều tác giả xuất sắc đã được dịch sang tiếng Việt và được độc giả đón nhận nhiệt tình, người dịch tiếng Việt của họ phần lớn vẫn đứng trong bóng tối. Ngoài ra, việc thiếu vắng một khung lý thuyết về dịch văn chương khiến cho người dịch khó lòng cất lên tiếng nói riêng của họ. Đây là một sự thiếu sót và cũng là thách thức mà chúng tôi nhắm tới trong Workshop “Các lý thuyết về người dịch” này: soi rọi vai trò quan trọng của dịch văn học và người dịch bằng cách tổ chức một hội thảo và buổi đọc thảo luận nơi các dịch giả nổi tiếng tham gia để thảo luận về nghệ thuật dịch thuật và những người dịch trẻ có cơ hội để gặp gỡ và học hỏi từ đồng nghiệp và tiền bối.
Văn bản sau đây là nội dung thảo luận giữa những người tham dự, đã được biên tập và có bổ sung. Cuộc hội thảo diễn ra vào tháng 11 năm 2020, do Zzz Review tổ chức, trong khuôn khổ chương trình Culture Lab, với sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội.
Những người tham gia buổi thảo luận bao gồm: người điều phối, tiến sĩ Nguyễn Quyên, diễn giả chính, giảng viên trường đại học Hà Nội, tiến sĩ ngành dịch thuật tại Đại học Dublin của Ireland, Nguyễn Nhật Tuấn, cùng các dịch giả và các nhà nghiên cứu khác.
Nguyễn Nhật Tuấn: Khi chị Nguyễn Quyên đưa ra đề nghị về một buổi nói chuyện về vai trò của người dịch thì tôi cảm thấy rất thú vị ngay từ đầu. Chúng ta có thể nói rất nhiều về câu chuyện dịch thuật như thế nào, thế nào là một bản dịch hay, thế nào là một bản dịch đạt được tiêu chuẩn tín đạt nhã. Nhưng vai trò của người dịch xưa nay tương đối bị bỏ ngỏ. Lần cuối cùng tôi có tham gia một hội thảo nói về vai trò của người dịch trong văn học là vào năm 2018 ở Thái Lan. Buổi hội thảo đó nói về hai câu chuyện: thứ nhất là làm thế nào để xuất bản được văn hoá của Đông Nam Á sang thị trường Thái Lan, thứ hai là vai trò của người dịch trong quá trình xuất bản văn hoá đó. Diễn giả của ngày hôm đó là một thầy viết rất nhiều sách về lý thuyết dịch là thầy Jeremy Munday. Khi tôi làm xong luận án tiến sĩ thì thầy tôi đã nói rằng hãy chọn Munday làm người phản biện, nhưng thực sự lúc đó tôi chọn một đề tài hơi bông phèng nên cũng không dám mời thầy. Nhưng buổi hôm đó thảo luận vai trò của dịch giả trong quá trình xuất bản văn học cũng như quá trình nhập khẩu văn học, nói đúng hơn là xuất nhập khẩu văn học và tri thức thì có bàn đến một vấn đề rất hay: dịch thuật và văn học từ lâu đã không còn chiến thuật tín đạt nhã nữa, mà dịch thuật và văn học trở thành một sản phẩm bất tín, bất nhã, bất đạt.
Ngôn ngữ luôn luôn thay đổi cũng như mong đợi của người đọc. Vì thế dịch thuật giống như một trò chơi vương quyền, quyền trong tay của người dịch và người được dịch, quyền của nhà xuất bản được xuất bản đến đâu, quyền của người biên tập được biên tập và được cắt được sửa đến đâu, quyền của người đọc là được đón nhận nhưng phải đón nhận cái gì, thực sự có phải đón nhận toàn bộ nguyên tác hay chỉ là một sản phẩm bị chi phối bởi văn hoá, chính trị, người biên tập và người dịch. Đó là một quá trình giải thích tại sao dịch thuật đã đi rất xa so với câu chuyện tín đạt nhã ban đầu, mà nó nói về câu chuyện vai trò của dịch thuật trong xã hội cũng như vai trò của người dịch.
Hôm nay tôi có chọn một cuốn sách là Theory of Translation được xuất bản vào năm 2014 bởi Jenny Williams, người hướng dẫn đầu tiên của tôi. Khi tôi đến Ireland thì thật ra một trong những thứ tôi muốn làm là nghiên cứu về cuốn The Dubliners, vì bản dịch gần nhất ở Việt Nam của Bách Việt và NXB Thanh Niên rất hay và có rất nhiều footnote giải thích từng con phố, từng nhân vật. Hướng đầu tiên của tôi là câu chuyện footnote trong dịch thuật, Jenny đã bảo với tôi là footnote trong dịch thuật cũng rất hay nhưng giờ nó không còn bắt trend được nữa. Một trong những xu hướng bắt trend hơn bây giờ ở Ireland, một nước xuất khẩu văn học lớn, là chick lit hay văn học nữ, vậy hãy làm một cái gì đó liên quan đến văn học nữ. Nhưng Jenny chỉ hướng dẫn được tôi hai năm thì bà về hưu, thầy hướng dẫn sau này của tôi lại đi sâu hơn về vai trò của dịch thuật và dịch giả. Tôi bị sang tay Michael Cronin, người đặt ra rất nhiều câu hỏi về không gian. Có một câu hỏi là sự chuyển dịch trong việc con người chỉ ăn thịt sống sang ăn thịt nướng thì quá trình chuyển từ thịt sống sang thịt nướng có phải là dịch thuật hay không? Bản chất thì nó vẫn là thịt, nhưng hành vi chế biến đã thay đổi rồi. Vậy thì bản chất thật sự của dịch thuật là gì? Vai trò thật sự của người dịch là gì? Trong cuộc nói chuyện đó, Jenny cũng có bảo là trong quyển sách của bà sắp ra vào thời điểm đó thì bà sẽ nói nhiều hơn về vai trò của người dịch, cũng như xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau thì người dịch sẽ làm gì.
Nguyễn Quyên: Những vấn đề Jenny Williams đưa ra trong này tương đối rộng, tài liệu tham khảo đa dạng, chỉ trong vòng 27 trang thôi bà đã điểm qua rất nhiều lý thuyết khác nhau. Cho đến thời điểm này, sách về lý thuyết dịch thuật chưa có mặt nhiều tại Việt Nam ngoài cuốn Nhập môn nghiên cứu dịch thuật của Jeremy Murray do Trịnh Lữ dịch, NXB Tri Thức xuất bản.
Nguyễn Nhật Tuấn: Ở đây có bao nhiêu bạn làm nghề liên quan đến dịch, hay là thi thoảng bạn chỉ dịch một đoạn hội thoại nhỏ trong nói chuyện? Dịch nói, dịch tác phẩm để xuất bản, hay đơn giản chỉ là dịch văn bản? Hay là mình đọc được một câu trích dẫn rất hay, mình thấy hợp tâm trạng của mình, mình sẽ thích hơn nếu nó là tiếng Việt và mình sẽ dịch vài câu trích dẫn đó sang tiếng Việt. Có nghĩa là trải nghiệm dịch của mọi người ở đây như thế nào ạ?
Tôi muốn hỏi các bạn thêm một câu nữa là: khi các bạn dịch thì các bạn đặt vai trò của mình ở đâu trong bản dịch đó?
Khán giả: Tôi chủ yếu dịch sách self-help nên vấn đề đó thật sự là lần đầu tiên tôi nghĩ đến. Bản dịch của các đầu sách phát triển bản thân không nghiêm khắc lắm trong việc truyền đạt đúng và chính xác giọng văn, tôi chỉ cần truyền tải thông tin thôi. Đôi khi được phóng túng một chút, tôi tạo ra một không khí dễ hiểu và nhẹ nhàng cho người đọc Việt Nam. Thi thoảng thì tôi cũng dịch một số tác phẩm mang hơi hướng văn học như tự truyện, lúc đó tôi phải tự dặn kìm nén bản thân và không được quá thể hiện cá tính của mình. Biên tập viên thường nói với tôi rằng bạn dịch cũng được đấy nhưng mà hơi xa bản gốc.
Nguyễn Quyên: Việc thể hiện cá tính của mình hay không trong bản dịch mà chị vừa nhắc đến có thể trực tiếp liên quan đến lý thuyết về hữu hình và vô hình của Lawrence Venuti, một chuyên gia đầu ngành trong dịch thuật, đã viết cuốn sách rất nổi tiếng, Sự vô hình của người dịch.
Nguyễn Nhật Tuấn: Venuti có hai từ khoá quan trọng nhất nói về dịch thuật. Từ khoá đầu tiên là “domestication” có nghĩa là nội địa hoá bản dịch và từ khoá thứ hai là “foreignisation” tức là giữ cho nó được tính bản địa của nơi nó xuất phát, nghĩa là giữ được tính lạ và tính nước ngoài trong bản dịch. Khi đặt vấn đề khi nào nên nội địa hoá bản dịch và khi nào nên giữ nguyên tính nước ngoài của bản dịch, Venuti xuất phát từ một quan điểm là nếu ở trong một nền văn học mà mọi hiện tượng và trào lưu đã có sẵn rồi thì việc giữ nguyên phong thái và tính nước ngoài của bản dịch sẽ làm cho người đọc văn học dịch có những cái nhìn mới hơn về cùng một vấn đề ở những góc cạnh khác nhau. Ngược lại, khi vấn đề quá mới và giống như một quá trình gieo trồng đầu tiên của những khái niệm mới thì lúc đó “domestication” là một chìa khoá. Hãy nội địa hoá nó đi để phần văn học hay kiến thức của tác phẩm trở nên thân thuộc với người đọc và nó sẽ dễ dàng được tiếp nhận hơn.
Chúng ta lấy ví dụ đơn giản như thế này. Các bạn đều biết show của Ellen DeGeneres tại Mỹ phải không ạ, cái show sẽ mời những khách mời khác nhau đến trường quay. Cô ấy là một trong những lesbian đầu tiên come out ở Mỹ. Bàn về câu chuyện đó, khi tôi có đọc một bản dịch nói về show truyền hình này cũng như ảnh hưởng văn hoá của nó lên việc ra đời của những show tương tự tại bối cảnh lúc đó ở Ukraine. Tại sao lại là Ukraine? Thực ra tại đại học thì tôi được đào tạo để trở thành phiên dịch tiếng Anh và tiếng Ukraine. Cô giáo của tôi đã đưa ra một ví dụ rất hay về việc khi nào nên nội địa hoá. Đó là khi giới thiệu về một nhà văn của Ukraine, trường hợp của ông đấy có thể được gọi là trường hợp của Ellen tại Ukraine vì ông ấy cũng sử dụng văn học, sử dụng bút ký của mình để nói lên những vấn đề liên quan đến bản thể của mình. Khi ông ấy được dịch xong và cần một lời dẫn giới thiệu về ông ấy thì mọi người ngồi nghĩ mãi. Nếu nói rằng đây là người đầu tiên ở Ukraine come out trong tác phẩm của mình thì câu chuyện đó quá bình thường, nó không thể hiện được tính quốc tế của bản dịch. Người dịch lúc đó đã bảo hay nói rằng đây là một Ellen của Ukraine. Lúc đó thì mối quan tâm của thế giới Anh Mỹ với văn học Ukraine cũng như với giới LGBT tăng lên, hình ảnh đó giúp nó trở nên dễ hiểu hơn.
Quay trở lại câu chuyện của Venuti, khi nào nội địa hoá bản dịch và khi nào giữ nguyên tính nước ngoài của bản dịch, nó phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu của bản dịch là gì và đối tượng của bản dịch là dành cho ai. Nhưng trong quá trình đó, nó liên quan đến một chủ thể rất quan trọng trong quá trình dịch là người dịch. Người dịch có thể làm tới được đến đâu trong quá trình đó. Nói về việc người dịch có thể làm đến đâu thì đó là một câu chuyện rất đơn giản thôi. Ví dụ trong tiếng Anh có việc sử dụng chủ ngữ giả như “It is difficult to translate” chẳng hạn. Khi ta dịch sang tiếng Việt thì vì việc mượn cấu trúc chủ ngữ giả trong tiếng Anh rất phổ biến nên khi dịch sang tiếng Việt sẽ là “Nó là một điều khó khăn khi dịch.” Thật sự câu đó không giữ được tính nước ngoài của bản thể mà nó làm cho tiếng Việt trở nên rất ngớ ngẩn. Vậy thì tính nước ngoài mà Venuti nói đến ở đây là gì? Nó là những thực thể văn hoá, thực thể liên quan đến suy nghĩ, thực thể mang màu sắc tinh thần và quan điểm. Có một điều rất rõ ràng là người ta đọc sách vì sách mở ra cho người ta những chân trời suy nghĩ mới và ngôn ngữ lúc đó chỉ mang tính chất công cụ để đưa những suy nghĩ đó đến với người ta thôi. Nên việc khi người ta cố gắng bám vào một phong cách của ngôn ngữ thì nó sẽ làm cho ý tưởng hay mọi thứ mang màu sắc nước ngoài không còn nữa. Vì người ta đọc một câu cảm thấy trúc trắc thì sẽ rất khó để họ cảm nhận về nghĩa.
Tương tự như vậy khi bàn về việc khi nào nên nội địa hoá bản dịch. Ví dụ mỗi chúng ta khi nghe một vài bài hát hay một vài ca sĩ, ta sẽ có được cảm giác rõ ràng. Ví dụ khi tôi phải dịch Thanh Lam là một ca sĩ có số có má trong showbiz Việt Nam thì chúng ta có thể sử dụng footnote để nói về lịch sử của Thanh Lam. Nhưng nếu tôi nói rằng Thanh Lam ở Việt Nam được coi trọng như Whitney Houston thì nó rõ ràng tiết kiệm được nhiều chữ và ý nghĩa văn hoá của nó lập tức được truyền tải thông qua hình ảnh so sánh đấy. Quá trình nội địa hoá đó diễn ra như thế nào? Nó đòi hỏi sự hiểu biết của người dịch đến đâu? Thì lúc đó vai trò của người dịch hay tính hữu hình của người dịch sẽ được đưa vào đến đâu. Đó là câu chuyện rất lớn của Venuti.
Nguyễn Quyên: Quan sát thị trường sách dịch ở Việt Nam trong khoảng độ 20 năm qua chúng ta thấy rằng khoảng trước năm 2007 hay 2008 thì tên của người dịch không bao giờ được xuất hiện trên bìa. Việc tên dịch giả được cho ra ngoài bìa là một vấn đề lớn. Tôi đã từng làm việc trong một công ty lĩnh vực xuất bản, việc dịch giả đòi được in tên lên bìa cách đây 15 năm là một việc táo tợn và có thể bị coi là quá đáng, vì tên dịch giả thường chỉ được nằm ở trang thứ hai của cuốn sách. Ngay cả trên website của PEN, khi hướng dẫn các dịch giả đấu tranh cho quyền lợi của mình, thì họ nói rằng trong hợp đồng dịch, một trong những yếu tố quan trọng nhất của việc công nhận vai trò của người dịch và nhìn ra sự hữu hình của người dịch là cái tên người dịch trên bìa. Bắt đầu từ năm 2007 hay 2008 trở về sau thì tên người dịch đã được lên bìa và bây giờ rất may mắn là hầu như hiển nhiên rằng ai dịch thì tên người đó sẽ xuất hiện trên bìa. Việc công nhận vai trò của dịch giả qua tên trên bìa có nằm trong những điều Venuti nói đến không, hay ông chủ yếu chỉ nói đến “domestication” và “foreignisation”?
Nguyễn Nhật Tuấn: Thật ra Venuti nói nhiều hơn. Vì ở nước ngoài, câu chuyện ai là người dịch nằm trong lý thuyết về “paratext” của Gérard Genette : tên của người dịch và tên của tác giả xuất bản ở đâu. Lý thuyết đó có nói rằng tuỳ thuộc vào mức độ nổi tiếng của một tác giả thì tên tác giả đó sẽ được in to hoặc in bé bởi vì đó là cái đầu tiên đập vào mắt độc giả. Cái phông điểm của trang bìa tạo sự khác biệt rất lớn, cái hình ảnh minh họa của trang bìa cũng là một dạng dịch thuật chuyển thể và tên của tác giả cũng là một dạng dịch thuật chuyển thể. Vậy nên tác giả càng nổi tiếng thì tên của họ được in càng to. Tôi lấy một ví dụ về dòng văn học mà tôi biết rất rõ là dòng chick lit. Marian Keyes hay Cecelia Ahern trong quyển sách đầu tiên của họ thì tên của họ được in rất nhỏ bé, nhưng dần dần hai cái tên đó to lên. Sự tăng lên của kích cỡ chữ đi kèm với sự hữu hình hơn của tác giả trên thị trường.
Quay trở về đó để nói về vai trò của người dịch, quyển sách đầu tiên của tôi được xuất bản ở Việt Nam vào năm 2015 là Hai nụ hôn cho Maddy, lúc đó tôi khá đấu tranh bởi vì tôi vừa làm nghề dịch vừa học về ngôn ngữ nên một trong những điều sợ hãi nhất đối với tôi là những cái tôi tưởng là tôi học, tôi hiểu nhưng trong bản dịch của tôi lại không thể hiện được hết tất cả những yếu tố ấy. Khi dịch cuốn sách đầu tiên và xuất bản thì tôi rất căng thẳng. Tôi có bảo bên biên tập là thực sự là có cách nào đấy mà làm tên anh biến mất trên bìa được không. Bạn ấy bảo là không được ạ, cái này chắc chắn phải để tên. Thế thì tôi cũng hơi sũng nước một tí và bảo rằng thế thì cho anh dùng bút danh được không? Bạn ấy bảo không được anh ạ, bây giờ luật mới đòi hỏi phải để nguyên tên của tác giả để truy xuất nguồn gốc. Một trong những bước thay đổi rất lớn về việc cho phép để tên bút danh đến việc bây giờ đa số yêu cầu để tên thật vì chuyện lùm xùm trong giới xuất bản ở Việt Nam khá nhiều. Một trong những scandal lớn nhất là về cuốn từ điển giải thích một vài cụm từ như bạn bè, bồ bịch… và xuất hiện với cả tên đàng hoàng của tác giả. Nhưng bên kia bảo là đây chỉ là bút danh của tác giả và không thể truy nguyên được.
Vậy nên tính hữu hình thể hiện một cái lớn hơn và không chỉ nói về câu chuyện tác quyền, không chỉ về câu chuyện chúng ta tôn trọng thành quả trí tuệ của nhau, mà nó còn nói về vai trò lớn hơn của người cầm bút và xuất bản. Đó là vai trò xã hội. Tác phẩm anh làm ra có giá trị như thế nào. Thật ra, trong phần cuối của bài này Williams cũng có nói về vai trò xã hội và giá trị đạo đức của một người dịch cần phải có.
Nguyễn Quyên: Theo như tôi được biết thì dịch giả ở Việt Nam vẫn có quyền để bút danh. Chỉ có điều thói quen đổ mọi tội cho người dịch khá phổ biến.
Về sự hữu hình của dịch giả, tôi quan sát thấy một hiện tượng là độc giả Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây có văn hóa chơi bản đặc biệt, vậy là sự hữu hình của dịch giả tăng lên gấp bội. Khi chúng ta đi dự sự kiện ra mắt sách ở nước ngoài thì chúng ta sẽ được tác giả ký tên và được giao lưu với tác giả. Còn ở Việt Nam, có thêm một hiện tượng khác: giao lưu với dịch giả. Với sự ra đời và sự phổ biến của bản đặc biệt thì dịch giả giờ đây ai cũng có cơ hội được ký. Dịch giả trở nên rất được trọng vọng và chiếm spotlight khủng khiếp. Khoảng 20 năm trước, một sản phẩm sách tung vào thị trường có thể bị quên lãng rất nhanh, cùng với nó là dịch giả, nhưng nhờ Facebook và các phương tiện truyền thông những năm gần đây thì dịch giả lại được đưa vào một vị thế có rất nhiều danh tiếng. Văn học Việt Nam nằm ở thế tương đối yếu hơn so với văn học dịch nên tôi có cảm giác rằng dịch giả ở Việt Nam lại có danh tiếng tương đối ngang ngửa với tác giả. Nếu dịch giả mà lại dịch một cuốn nổi tiếng nữa thì anh ta có thể ký mấy trăm cuốn là chuyện bình thường. Thế nên có một chuyện khá mâu thuẫn, hoặc có thể không: Càng lên cao thì gió càng mạnh.
Qua buổi thảo luận hôm nay, tôi hy vọng chúng ta có cái nhìn cởi mở hơn với người dịch vì cho đến bây giờ mỗi lần nhắc đến dịch thuật, người ta chỉ nhắc đi nhắc lại tín đạt nhã hoặc cái đẹp bị phản bội. Nền dịch thuật Việt Nam mạnh không kém gì so với các nền dịch thuật trên thế giới. Ở Mỹ mỗi năm sách dịch chỉ chiếm độ khoảng 2-3% sách xuất bản trên thị trường. Với sự hùng hậu của đội ngũ người dịch và sự đa dạng của văn học dịch tại Việt Nam, rất tiếc chúng ta vẫn chưa có nhiều nhà lý thuyết dịch thuật và ngành nghiên cứu dịch thuật vẫn chưa quá phát triển.
Nguyễn Nhật Tuấn: Câu chuyện của chị Quyên đặt ra hai vấn đề: thứ nhất là tại sao người dịch ở Việt Nam bỗng nhiên có nhiều danh tiếng như thế, những danh tiếng đó xuất hiện từ đâu, câu chuyện này mang ý nghĩa gì. Về nền văn học của chúng ta thì nếu giờ chúng ta đi hiệu sách và nhìn vào giá sách thì chúng ta có thể thấy rằng 90% đầu sách là sách dịch. Nó khái quát lên hai vấn đề theo lý thuyết polysystem (đa hệ thống) của Itamar Even-Zohar. Lý thuyết đó nói rằng nếu nền văn học (trong nước) đủ mạnh và có nhiều sản phẩm thì nền văn học dịch sẽ yếu thế hơn. Ngược lại, với những nơi có nền văn học yếu hơn, tôi tạm gọi là nền văn học non trẻ, thì văn học dịch sẽ đóng vai trò chi phối lớn hơn. Việc chúng ta dịch rất nhiều từ Anh sang Việt nhưng lại dịch rất ít từ Việt sang Anh thể hiện rõ cấu trúc polysystem đó. Cấu trúc polysystem hay đa hệ giải thích rằng vị thế của văn học phụ thuộc vào vị thế chính trị và kinh tế. Thậm chí vị thế của nền văn học còn có thể phụ thuộc vào việc nó có bao nhiêu người được giải Nobel, vì nó đem lại cho đất nước đó quyền lợi được dịch và cơ hội giới thiệu nhiều hơn.
Quay trở lại câu chuyện vị thế văn học, quả thật ở Việt Nam người dịch có một vị trí rất đặc biệt, đó là người kết nối giữa những thứ không có và thứ đã có. Ví dụ như chị lúc nãy là người dịch self-help, ở Việt Nam có rất ít người viết dòng sách đó, nên vai trò của dịch giả dòng sách đó lấp vào chỗ trống nhu cầu rất lớn của xã hội. Chúng ta nói rất nhiều về một xã hội tự học, nhưng tự học ở đâu. Dù chúng ta có phổ cập tiếng Anh rộng đến đâu thì giờ điểm thi tốt nghiệp tiếng Anh bây giờ cũng chỉ ở mức 5.1 thôi. Rất nhiều người trong chúng ta nói tiếng Anh bình thường, có sử dụng tiếng Anh trong công việc, nhưng nhiều lúc xem phim chọn phụ đề thì vẫn thích chọn phụ đề tiếng Việt hơn vì nó có một cái độ tiện ích trong quá trình thấu hiểu hơn chẳng hạn.
Nói ra như vậy để thấy rằng vai trò của người dịch ở Việt Nam rất đặc biệt vì khi đã có trong mình một ngôn ngữ bản thể, thì dù văn học dịch có nhiều đến bao nhiêu thì cái độc giả trông mong nhất khi người ta cầm trên tay một cuốn sách dịch, thì cuốn sách đó hay hoặc chán không phụ thuộc vào tên của tác giả nữa mà là tên của người dịch. Nên từ đó người ta bắt đầu khái quát về vị trí của văn học dịch Việt Nam đến đâu, người dịch đó tốt hay không tốt. Đó là một câu chuyện rất lớn. Cuối cùng thì người ta dịch vì cái gì? Văn phong của người đó ra làm sao? Chúng ta có những tên tuổi lớn trong dịch thuật mà khi đi mua sách bạn chỉ cần thấy cuốn sách này được dịch bởi bác Dương Tường chẳng hạn, thì trong lòng của chúng ta sẽ có một niềm tin rằng cuốn sách này chắc chắn sẽ hay. Dù sau đó đọc sách, bạn thấy vài chỗ hơi nghi ngại một chút. Vài năm trước ở Việt Nam có một cuộc chiến rất lớn là cuộc chiến dịch sách Lolita giữa Dương Tường và Thiên Lương. Đúng sai trong câu chuyện này nằm ở đâu? Đó là câu chuyện về tín đạt nhã hay câu chuyện về phong cách dịch? Phong cách dịch là một, nhưng cái thứ hai ví dụ là hiểu ngôn ngữ sai đi. Việc hiểu ngôn ngữ sai nằm ở đâu? Ở năng lực ngôn ngữ hay là tư duy theo hướng khác trong bối cảnh đó. Một tác giả khi viết ra một cuốn sách thì người ta không hề biết rằng tác phẩm đó sẽ được đón nhận như thế nào. Chính độc giả là người quyết định quyển sách đó hay hay dở.
Jane Austen hoặc chính William Shakespeare khi mới xuất hiện vẫn bị coi là một thứ văn học tầm dưới, nó được viết theo một dạng ngôn ngữ hoàn toàn khác so với chuẩn mực ngôn ngữ thời đó. Với Jane Austen thì đó hoàn toàn là ngôn ngữ của một người phụ nữ viết văn. Vai trò của phụ nữ thời đó rất khác vì người thời đó tin rằng đàn ông là người kiến tạo ngôn ngữ, còn phụ nữ là người phá. Văn học được viết bởi phụ nữ được nhìn nhận hoàn toàn khác và bị coi là tầng lớp hạng hai của văn học. Nó giống như khi chúng ta ra nước ngoài và bỗng dưng trở thành công dân hạng hai. Nhưng bây giờ ở thế kỷ 21, Shakespeare hay Austen lại trở thành biểu tượng và lá cờ đầu của văn học. Nói thế để hiểu rằng một bản dịch được đón nhận đến đâu còn phụ thuộc vào việc bạn thuyết phục được độc giả của bạn đến đâu. Cá tính riêng và khả năng sử dụng ngôn ngữ vẫn là một câu chuyện tương đối lớn. Nói như Quyên thì tín đạt nhã là một phần rất quan trọng vì dù mình phóng tác đến đâu thì vẫn phải giữ được tinh thần của bản gốc.
Nhưng lý thuyết dịch đã chỉ ra được ba yếu tố: translation as translation – dịch là dịch, có nghĩa là bạn dịch làm sao để ra được một tác phẩm có tinh thần y hệt bản gốc. Nhưng lại có hai lý thuyết khác: translation as adaptation – dịch là chỉnh sửa, cái nào hợp với nền văn hóa của tôi thì tôi giữ, cái nào không hợp thì tôi cắt. Nói một cách đơn giản, ở nước ngoài người ta sử dụng rất nhiều từ “swearing words” hay từ chửi thề. Từ chửi thề trong tiếng Anh có ba vai trò. Vai trò thứ nhất là thể hiện cảm xúc. Khi vui quá thì chúng ta có thể nói “I am fucking happy”. Nó không có ý nghĩa gì xấu cả. Nhưng nếu ở mức độ cao nhất, mức độ giận ai đó thì cũng là chỉ “I am fucking angry with you”. Vậy thì bản thân những từ swearing words đó khi bạn đá chân vào tường thì người bình thường sẽ kêu “ối giời ơi đau quá” nhưng mà người Tây thì hoàn toàn có thể nói “holy shit”. Nhưng trong văn học dịch, người ta có giữ hay không. Tôi nghiên cứu rất nhiều về việc sử dụng từ chửi thề trong văn học chick lit. Những cô nàng sống ở khu vực đô thị vẫn sử dụng từ chửi thề và nó không ảnh hưởng gì đến công dung ngôn hạnh của người ta cả. Nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì tất cả những từ đó bị cắt hết, và nó trở thành “ôi đau quá,” “trời ơi,” “khó chịu quá.” Vậy thì cái đó nói lên điều gì? Liệu chúng ta có bị chi phối bởi những yếu tố văn hóa không? Vậy vai trò của nó ở đâu? Đó là một câu chuyện khác thể hiện rất nhiều ở đây phải không ạ?
Nguyễn Quyên: Tôi nghĩ là nó còn phụ thuộc vào bản dịch, và nơi xuất bản bản dịch, vì ngay mở đầu chương, Williams có nói rằng việc dịch giả làm việc một mình trong huy hoàng gần như không bao giờ xảy ra: Người dịch luôn nằm trong một chuỗi mạng lưới bao gồm rất nhiều người khác nhau. Nếu họ dịch nguyên những từ bậy đó thì liệu biên tập viên có để chúng lại hay không, hay đơn vị cấp phép xuất bản có đồng ý hay không. Và trên thực tế, có một độ dao động rất lớn, ở nơi xuất bản này thì người ta sẽ cắt bớt những từ như thế, nhưng ở nơi khác nhiều khi họ lại dung dưỡng những từ đó.
Nguyễn Nhật Tuấn: Có một câu chuyện xảy ra ở Việt Nam cách đây khoảng 7 năm. Đó là câu chuyện về Những thứ họ mang. Chuyện xảy ra là có một số từ bình thường sẽ không xuất hiện trong sách in nhưng lại có ở đó, từ đó nổ ra một cuộc tranh luận về việc sử dụng những từ đó có phải là vô văn hóa hay không, việc dung dưỡng những từ đó có thể được chấp nhận hay không? Sau đó, NXB phải xin lỗi và đính chính bản dịch.
Ngô Hà Thu: Lúc đó không phải NXB xin lỗi. Cuốn đó là của Nhã Nam. Đó là hồi ký của một cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam. Dịch giả quyết định dịch trắng từ đó ra. Khi bản dịch đưa ra thì mọi người tập trung rất nhiều về từ đó mà lại chẳng quan tâm đến nội dung câu chuyện tác phẩm cũng như ngữ cảnh. Có nhiều quan điểm được đưa ra. Thậm chí có cư dân mạng cũng đồng ý dịch chửi vì thời đại này rồi mà không lẽ lại không dịch. Nhưng có rất nhiều cách để dịch chửi, dịch như thế nào để nó đỡ tục hoặc đỡ thô, hoặc có thể tục một chút nhưng có phong thái Hồ Xuân Hương chẳng hạn, tục nhưng vẫn có vẻ thơ thơ nhã nhã. Hồi đó tôi theo dõi sự kiện đó thì tôi thấy bên Nhã Nam không hề lên tiếng. Cái đó là một cái hơi dở vì như chị Quyên đã nói rằng người dịch không đứng một mình giữa chiến tuyến mà họ nằm trong một quần thể và mạng lưới. Do đó, sản phẩm dịch họ đưa ra có thể là đứa con của dịch giả, nhưng không hoàn toàn 100% của họ nữa khi nó được đưa ra thị trường vì có cả một ekip đằng sau đã gọt giũa như thế nào. Như vậy lúc đó ta không nên để một mình người dịch đương đầu với dư luận mà cả công ty cũng nên có ý kiến, không nhất thiết phải bảo vệ nhưng phải nói rõ quan điểm vì sao họ quyết định giữ từ đó. Vụ đó cũng chỉ nổi một thời gian rồi chìm vào quên lãng. Chúng tôi có nói đùa với nhau rằng Nhã Nam xử lý khủng hoảng khá ổn – cứ im im như thế rồi mọi người sẽ quên đi thôi.
Nguyễn Nhật Tuấn: Đó là một câu chuyện thường xuyên xảy ra đối với nền văn học dịch Việt Nam. Trong một bản dịch người ta có thể bắt ra rất nhiều lỗi. Thời xưa có một diễn đàn tên là talawas có thảo luận khá nhiều về những vấn đề liên quan đến bản dịch cũng như trách nhiệm của người dịch, người biên tập, nhà xuất bản. Nó nói khá nhiều về chuyện người dịch có thể có cá tính hay hiểu biết nhưng người dịch cũng có thể là một sinh vật cô đơn. Vì lúc mình ký thì chỉ một mình bản thân hưởng được niềm vui đại diện đứa con tinh thần, nhưng lúc ra công viên đá chơi thì mình cũng là người duy nhất nhận đá và xây lên những lâu đài khác. Lý thuyết về mạng lưới chúng ta đã nói cho rằng người dịch đóng vai trò kết nối, nhưng ở Việt Nam thì nó lại giống với vai trò của một người đại diện cho tất cả. Đại diện cho sự thành công hay thất bại, đại diện cho sự thủy chung hay phản bội. Tất tần tật. Người dịch ở Việt Nam nằm trong mạng lưới nhưng lại đóng vai trò là người đại diện cho mạng lưới đó.
Ngô Hà Thu: Tôi muốn chia sẻ một chút. Về lý thuyết vô hình và hữu hình của Venuti, lần đầu tiên tôi làm quen với lý thuyết này thì tôi có ấn tượng với một câu của ông. Vì ông có quan tâm đến văn học thiểu số nên khi ông quan sát được sự xâm lấn của tiếng Anh vào các ngôn ngữ khác thì ông nói rằng: “Thực ra người dịch chẳng bao giờ được quan tâm, họ chỉ hữu hình khi có scandal”. Có chuyện gì thì tên của mình sẽ được trưng lên mặt báo để tất cả mọi người ném đá. Còn lúc nào bản dịch thành công thì đó là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu, đương nhiên là người dịch phải hoàn thành nhiệm vụ, còn nếu anh không làm được thì hứng đá là điều đương nhiên. “Visibility” hay tính hữu hình của người dịch chỉ hiện ra lúc nào có scandal. Venuti đã quan sát như vậy. Anh sẽ nổi nếu anh mắc lỗi, còn anh không mắc lỗi là chuyện đương nhiên vì đó là trách nhiệm của anh.
Nguyễn Nhật Tuấn: Có một điều tôi trăn trở rất nhiều là tôi vừa đóng vai trò là một người dịch sách, thi thoảng lại được nhờ đọc vài bản dịch. Mỗi lần đọc bản dịch thì câu chuyện về sự hữu hình đến đâu lại xuất hiện. Gần đây tôi được nhờ đọc một bản dịch cuốn Gender Trouble. Xét về mặt ngôn ngữ, thì ngôn ngữ của cuốn này không quá phức tạp nhưng nó khá hàn lâm và mang tính lý thuyết. Nhưng ai khi học tiếng Anh thì cũng phải học một môn là Academic Writing, nhưng sẽ chẳng bao giờ có một môn gọi là tiếng Việt hàn lâm cả. Hồi bé thì chúng ta học môn Tiếng Việt, lên đại học thì có một môn gọi là Việt ngữ học bàn về quy định văn bản. Tôi thường hay nói đùa với mọi người rằng tiếng Việt là một thứ tiếng khá bông phèng, tiếng Việt không thể được sử dụng để miêu tả hiện tượng triết học được vì lúc đó thì tiếng Việt dễ bị rơi vào trạng thái tối. Tức là đọc câu mà không thể thấy ý được thoát lên. Ngược lại, tiếng Việt lại có một sức tượng thanh và tượng hình rất lớn. Nó hợp hơn với những loại văn học miêu tả cảm xúc. Đợt đấy tôi đọc 3 bản dịch khác nhau của cuốn Gender Trouble. Tôi chỉ đọc một chương thôi nhưng tôi thấy vấn đề là rõ ràng mọi người đều hiểu bản dịch đó một cách bình thường trên bề mặt. Nếu chúng ta nói về đào tạo phiên dịch thì việc đầu tiên của người dịch sách là khả năng hiểu và tái tạo văn bản. Khả năng hiểu và tái tạo là như nhau. Nhưng khi đặt ra một câu hỏi là khi anh hiểu và tái tạo như thế thì anh muốn nói gì với người đọc. Anh truyền tải thông tin nhưng thông tin đó có đủ sáng không. Dòng sách về giới mà cuốn Gender Trouble nằm trong đó theo như tôi hiểu thì là một dòng sách mà NXB muốn tạo một thói quen mới về suy nghĩ và động lực để thay đổi xã hội. Để đạt được mục đích như vậy thì tiếng Việt phải được sử dụng như thế nào? Mức độ khó của tiếng Việt trong đó được sử dụng đến đâu? Đến bây giờ thì tôi chưa gặp bất cứ nhóm nào trong ba nhóm dịch cuốn sách đó để hỏi thực sự mục đích của các bạn khi dùng từ A, từ B, từ C là gì.
Ngoài dòng sách đó thì cũng có dòng sách số hai khá phổ biến và được xuất bản nhiều ở Việt Nam là sách về giáo dục Montessori. Maria Montessori sử dụng ngôn ngữ rất đơn giản vì dù sao bà cũng là một người Ý nói tiếng Anh. Nhưng tại Việt Nam lại tồn tại hai kiểu dịch của dòng sách Montessori đó. Một kiểu dịch kiểu những năm 1975 kiểu như “Children is the promise of tomorrow” thì những người dịch bây giờ người ta sẽ dịch là “Trẻ em là lời hứa của tương lai”. Nhưng văn chương dịch của những người thế hệ 75 lại khá bay bổng, có người dịch là “Tương lai là lời hứa được gửi gắm vào mỗi đứa trẻ”. Vậy nên cách chúng ta tạo nên hình ảnh đó sẽ phụ thuộc môi trường gì. Ví dụ quyển sách đó được rất nhiều phụ huynh và giáo viên đọc thì rõ ràng tính đẹp của ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng vì mục tiêu của những cuốn sách đó bên cạnh việc chia sẻ kiến thức thì còn thúc đẩy mọi người nhìn nhận đứa trẻ như một bản thể khác. Với mục đích thay đổi quan niệm về giáo dục thì việc sử dụng ngôn ngữ đẹp đóng vai trò khá lớn. Ngược lại nếu chúng ta coi đó là sách khoa học thường thức nhằm hiểu bản chất của nó là gì, tại sao nó lại như thế thì việc đơn giản hóa ngôn ngữ để thông điệp gần gũi hơn với độc giả liệu có phải là lựa chọn tốt hơn không?
Tôi muốn nói rằng mỗi cuốn sách dịch ra đời đều bám sống vào trong một thế giới nào đó. Ví dụ bạn dịch cuốn Gender Trouble, thì cuốn này trong những nhóm làm về bình quyền, trong nhóm của … , nhóm của … thì mọi người cũng đã nói nhiều về việc quyển sách này có lý giải được vấn đề A, B, C này hay không. Mọi người rất mong chờ cuốn sách dịch đó. Ví dụ tôi là một người làm nghề thì tôi sẽ rất hiểu. Mong chờ của độc giả là gì? Mọi người mong chờ một quyển sách mà mọi khái niệm trong đấy có thể được đề cập đến một cách dễ hiểu.
Nguyễn Quyên: Về cuốn Rắc rối giới, bà Butler nói rõ trong Lời tựa rằng đây là một cuốn sách hàn lâm nhưng lại được độc giả phổ thông yêu thích rộng rãi ngoài mong muốn của bản thân bà. Bà cũng nhận được nhiều lời than phiền về phong cách viết riêng của bà, nói thẳng ra là loằng ngoằng, mà theo bà là bà đã cố tình sử dụng ngôn ngữ như vậy để đả phá nhị nguyên thế giới. Cuốn này được một nhóm dịch nên những người dịch phải thương thảo giữa các thiết chế khác nhau, bao gồm cả thiết chế bạn đọc và thiết chế NXB. NXB có mong muốn cuốn này được dịch ra để phổ biến kiến thức phổ thông như anh Tuấn nói hay không? Nếu như thế, ngôn ngữ trong bản dịch sẽ phải theo một hướng xử lý khác. Song chúng ta phải lưu ý đến một vấn đề nữa là bà Butler mong muốn điều gì nữa. Nếu như bà hoàn toàn không muốn dùng ngôn ngữ dành cho quần chúng mà chỉ muốn dùng ngôn ngữ riêng đầy phức tạp của bà ấy thì sao?
Nguyễn Nhật Tuấn: Nên khi bàn về vai trò người dịch ở đây, chúng ta tất nhiên sẽ rất tôn trọng phong cách của tác giả và việc tái tạo phong cách của tác giả rất quan trọng vì thật ra mình đang cầm trên tay tâm huyết của người khác. Con người khác nuôi thành con mình đã khó rồi, chứ đừng nói đến việc biến người ta thành người họ khác. Câu chuyện đó rất đương nhiên nhưng có một chi tiết Quyên nói đến mà tôi thấy rất hay. Đó là quyển sách đó được dịch bởi một nhóm. Hiện tượng “crowd translation” trong quyển sách của Williams có nói đến. Ví dụ tôi nhận được một dự án rất lớn, một mình tôi không làm nổi thế là tôi rủ 5-10 bạn vào làm cùng. Việc đầu tiên là đảm bảo deadline đã nhưng ai sẽ là người có tiếng nói chính trong nhóm đó? Làm thế nào xâu chuỗi lại với nhau để chương 1 đọc như chương 2, chương 3 đọc như chương 4 về cả một chuỗi hành văn. Đó là một câu chuyện rất lớn. Khi sản phẩm xuất hiện dưới dạng sách sẽ rất khác với những sản phẩm sử dụng “crowd translation” khác như trò chơi điện tử.
Trong việc dịch trò chơi điện tử, mỗi bản sẽ có phong cách khác nhau. Ví dụ chúng ta dịch bản tiếng Nhật. Theo lý thuyết của Minako O’Hagan, trò chơi điện tử là một câu chuyện nên nó khó dựng lên theo từng bài, mỗi phần dẫn dắt trong câu chuyện này có thể được thay đổi đi. Nó không phải là một vấn đề. Bởi vì lúc đó nó tạo cho người chơi một sự phấn khích đặt trong một không gian ảo và khi lên được một level thì người ta lại thấy phong cách này nó khác đi một chút. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng khi nó trở thành hiện hữu của người dịch như quyển sách thì người ta không hề quan tâm là có bao nhiêu người dịch mà người ta sẽ quan tâm phong cách của quyển sách này từ đầu đến cuối có thống nhất hay không. Độ vênh trong cách sử dụng từ vựng của một nhóm dịch giả cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dịch nói chung. Ví dụ đang đọc một chương 2 rất thoát rất bay qua chương 3 lại rơi ùm xuống một cái thì cảm giác cuộc đời nó sẽ hơi suy sụp như kiểu mình đang chuẩn bị đi chạy marathon thì lại bị tụt huyết áp.
Khán giả: Tôi có một câu hỏi về việc giới tính của tác giả hay dịch giả thì có ảnh hưởng tới chất lượng dịch không. Ví dụ tác giả là nam nhưng dịch giả là nữ, hoặc tác giả là người thuộc cộng đồng LGBT mà dịch giả lại là người dị tính. Theo quan điểm của bạn thì điều đó có ảnh hưởng tới chất lượng dịch hay không.
Câu hỏi thứ hai, tôi là một người từng sống bằng nghề dịch, tôi có dịch một số văn bản tiểu thuyết viết bằng tiếng Trung hiện đại nhưng nghề chính của tôi là dịch văn bản tiếng Nôm. Tức là tôi dịch văn bản của người Việt cho chính người Việt chúng ta hoặc người nước ngoài. Đó là những văn bản có hệ hình văn hóa khác, nó có những mã văn hóa tư tưởng khác nên việc dịch nó rất vất vả. Thật ra nghề của chúng tôi chú thích nhiều hơn là dịch nguyên văn. Quá trình tiếp xúc với độc giả cũng rất vất vả vì ngay cả biên tập viên cũng nói là dịch không hiểu vì có nhiều từ cổ quá. Nếu thay đổi cách diễn đạt từ cổ thì nó không sát nghĩa, nếu diễn đạt theo cách quá hiện đại để phù hợp với độc giả thì nó lại không đạt nữa. Có thể coi những người như chúng tôi là một nhóm dịch giả thiểu số trong một cộng đồng thiểu số. Vậy thì liệu có lý thuyết dịch thuật nào có thể giúp đỡ được những người như tôi. Dịch những văn bản cổ rất khó, nhiều khi chỉ có hai chữ thôi nhưng cãi nhau 50 năm cũng chưa quyết được hai chữ đó dịch là gì.
Nguyễn Nhật Tuấn: Câu chuyện đầu tiên về tác giả và người dịch là vấn đề rất hay. Ví dụ tác giả là nữ còn người dịch là nam thì có ảnh hưởng hay không, tác giả người dị tính người dịch là người đồng tính hay ngược lại câu chuyện được viết ra bởi người đồng tính nhưng người dịch lại là người dị tính thì nó có ảnh hưởng đến chất lượng bản dịch hay không? Người ta đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, thậm chí một trong những trường hợp nổi trội là Oscar Wilde. Oscar Wilde là một người đồng tính và ta sẽ đánh giá thế nào với bản dịch của những người dị tính. Đó là lý do tại sao khi đánh giá chất lượng văn bản người ta vẫn thích dựa vào tín đạt nhã để xem nó có tín nhất với phong cách của tác giả ban đầu không. Cái đó là cái dễ soi xét nhất nhưng khi chúng ta nói về sự hữu hình của người dịch thì nó còn phụ thuộc vào việc nền tảng của người dịch là gì. Người ta đã từng trải nghiệm về vấn đề đó không.
Với chính bản thân tôi, cuốn đầu tiên tôi dịch là Hai nụ hôn cho Maddy. Lúc tôi đọc cuốn sách thì tôi đang ở Ireland trong một ngày đẹp trời và tôi đọc quyển đó rất nhanh trong vòng hai đêm. Một trong những thứ đầu tiên làm tôi hứng thú dịch cuốn đó chỉ đơn giản là hình tượng người đàn ông ở trong đó rất khác. Đó là người đàn ông được khóc, được yếu đuối, được vật vã, được nuôi con và không bị chi phối bởi tính nam quá nhiều. Tôi chuyên làm về representation, các hình ảnh đại diện trong văn học như thế nào, nên tôi bị lôi cuốn vì đó là một hình ảnh rất khác. Nhưng đến lúc dịch thì tôi gặp phải hai vấn đề lớn. Vấn đề đầu tiên là thật ra ngôn ngữ của cuốn đó không phải quá khó, tình cảm thì cũng không quá tình cảm nhưng mà nó giống như một cuốn sách được viết bằng tình yêu. Tôi chưa yêu ai được tha thiết như thế và cũng chưa từng mất đi một ai thân thuộc đến như thế, và tôi cũng chưa từng nuôi một đứa trẻ con để biết được tình cảnh đó khó khăn như thế nào. Trước khi dịch thì tôi cũng phải làm một việc là dịch thử tầm năm chương nhưng khi đọc lại thì thấy không trôi, tức là chính tôi đọc bản dịch của tôi nhưng không cảm nhận được tinh thần của bản gốc. Lúc đó lại có một thứ cứu tôi, đó là webtretho. Khi đọc mục tâm sự của webtretho và tìm hiểu những câu chuyện trong đó thì tôi bắt đầu nhập vai được. Sự nhập vai đó rất quan trọng vì nó giúp tôi hiểu vị thế của người ta đang ở đâu và người ta như thế nào.
Nhưng ngược lại thì tôi cũng là một người khá cứng đầu, ví dụ có câu là “Tôi đã có rất nhiều cơ hội” nhưng tôi là người rất ghét dùng chữ “rất” chẳng hạn thì tôi sẽ sống chết để bảo vệ rằng tôi không dùng chữ “rất” mà tôi dùng chữ “hằng hà sa số”, tôi thích phải là “hằng hà sa số cơ hội” chứ không phải “rất nhiều cơ hội”. Bạn biên tập đó mất khá nhiều thời gian vật lộn với tôi và tôi đã thuyết phục bạn rằng: bây giờ chúng ta cùng viết thư cho tác giả đi. Trong một số trường hợp sử dụng ngôn ngữ như thế này thì tôi xin phép bi kịch hóa nó lên được không, hay là cắt bớt cảm xúc hay là như thế nào đó. Tức là ta phải nói chuyện trực tiếp với tác giả, và tôi là một trong những trường hợp may mắn vì tôi kết nối được với tác giả. Quyển sách đó khi ra mắt không trở thành một hiện tượng nhưng may mắn là nó bán hết. Thực sự có một cái buồn cười nhất là tất cả những người quen mình đều bảo là khi đọc câu và đọc chữ trong đó, xem cách sử dụng từ trong đó thì họ có thể tưởng tượng là mình đang nói ở trong đó. Thậm chí người ta còn tưởng tượng là một người có tông giọng tương đối cao như mình sẽ ngân chỗ nào. Điều đó cho thấy rằng giới tính của dịch giả có thể không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bản dịch nhưng có thể ảnh hưởng đến thế giới quan của người ta và khi ảnh hưởng đến thế giới quan đấy thì nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình dịch nói chung. Nên với các cuốn sách dịch có lý thuyết nói rằng: “Thực ra bạn là ai không quan trọng, bạn tin điều gì trong lúc dịch mới quan trọng.” Vì những người đọc sách dịch, người ta đã mất đi một cơ hội để cảm nhận thông điệp rồi. Bạn nhìn thấy mình là người truyền tải thông điệp đó hay bạn là người tái tạo cho nó như một quá trình viết lại của riêng bạn. Vai trò đó là của bạn và bạn là người tự quyết định vì trong dịch thuật cũng có một lý thuyết là dịch thuật là quá trình viết lại.
Ngày xưa các cụ dịch những dòng sách văn học Pháp, Anh, Đức từ tiếng Nga thì nhiều khi họ không dịch thẳng. Ví dụ quyển sách đó bản gốc là tiếng Anh, nhưng các cụ lại dịch từ bản tiếng Nga vì cụ không biết tiếng Anh và cụ thấy bản tiếng Nga này hay quá. Nó trải qua đến hai lần dịch, hai cá tính rồi nên tinh thần của nó so với bản ban đầu tương đối là xa. Tính cá nhân của cụ trong quá trình dịch rất quan trọng rồi và vẫn còn câu chuyện là mình dịch từ đâu. Ví dụ về câu chuyện hai chữ năm mươi năm mà vẫn dịch chưa ra, nó liên quan đến tất cả người trong ngành trong nghề. Ví dụ tôi nói là “Ở đây hơi bí nhỉ”, thì sẽ có những người nghĩ là tôi đang than phiền, có những người lại nghĩ là hay là bạn đó gợi ý mở cửa sổ, người ngồi gần điều hòa lại nghĩ chắc ý anh ấy là mở điều hòa này đi. Trong văn bản có “connotative” và “denotative meaning” hay nghĩa đen và nghĩa bóng, ngoài ra còn có nghĩa là “pragmatic meaning” tức là nghĩa ứng dụng và nghĩa này thì được quyết định bởi người nghe. Thế nên có chuyện mọi người cãi nhau vì hai từ. Có thể mọi người có chung nền tảng như quan điểm về vấn đề đó lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố trải nghiệm khác nên người ta sẽ mất rất nhiều thời gian.
Trở lại chuyện người dịch được đặt trong mạng lưới và hệ thống, nên tác phẩm dịch được đưa ra là sản phẩm của sự kết nối, nó được sự đồng ý của một nhóm người về “cultural meaning”. Ví dụ COVID gọi là gì, có chắc chắn phải dùng khái niệm COVID hay không hay chỉ cần gọi là suy giảm hệ hô hấp cấp độ bao nhiêu đó. Cái đó cũng là câu chuyện về việc tại sao phải giữ tên tiếng Anh, giữ tên tiếng Việt nhưng phần tiếng Việt đó giải thích được bản chất ngôn ngữ đó là gì. Đó là yếu tố chính của những lĩnh vực liên quan đến khoa học khi giới thiệu một khái niệm mới. Tôi nghĩ đây là một ví dụ rất hay, đó là một khái niệm được sự đồng ý của một nhóm chuyên gia dựa trên hiểu biết chung của họ về một vấn đề.
Người Pháp mỗi năm xuất hiện thêm 30 từ mới, nhưng vì tính sở hữu và lòng yêu nước của người Pháp rất lớn nên người ta luôn tìm cách để làm sao những từ này được Pháp hóa nhiều nhất. Người Anh thì hoàn toàn ngược lại, họ nghĩ từ này popular quá thì tôi có nên đưa nó vào từ điển tiếng Anh không. Nên chúng ta có thể hân hoan chào đón từ phở và bánh mì trở thành từ tiếng Anh chẳng hạn. Tôi nghĩ nó phản ánh rất nhiều về câu chuyện dịch thuật. Sự xâm lược của một ngôn ngữ vào ngôn ngữ khác mà từ góc độ ngôn ngữ chúng ta thường gọi là từ mượn, ở góc độ văn hóa gọi là di dân văn hóa. Nhưng từ góc độ dịch thuật thì nó lại đặt ra một bài toán là khi một hiện tượng văn hóa hoặc hiện tượng ngôn ngữ xuất hiện trong một thực thể văn hóa nơi mà không có sự gieo trồng thì liệu là nó sẽ giữ được hình dạng của mình đến đâu. Đó là một câu chuyện vừa liên quan đến chính sách, vừa liên quan đến mạng lưới, và quan điểm của người tham gia mạng lưới đó.
Nguyễn Quyên: Có một câu hỏi chưa được trả lời. Một bạn có hỏi là đối với một người dịch thiểu số trong một cộng đồng thiểu số thì có lý thuyết gì, ví dụ như là dịch văn bản cổ cho người hiện đại thì hiện đại hóa hay không hay tùy vào dịch giả?
Nguyễn Nhật Tuấn: Về việc dịch văn bản cổ cho người hiện đại thì tôi không làm trong lĩnh vực đó nên tôi không có câu trả lời. Ví dụ về tiếng Latinh, ngày xưa khi học ngôn ngữ thì bọn tôi phải học hai năm về tiếng Latinh để hiểu được bản chất của nó. Tiếng Latinh được tính là một dòng văn học khá cổ, phải nói là quá cổ. Một trong những phần lý thuyết dịch bàn về những phần cổ như thế thì nó lại liên quan đến câu chuyện về Kinh Thánh. Kinh Thánh xuất hiện dưới rất nhiều phiên bản dịch khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Bọn tôi được học tiếng Latinh theo kiểu “grammar translation” tức là câu này trong hoàn cảnh này có nghĩa là như thế này, anh chỉ cần dịch đúng được từ được nghĩa như thế. Còn nếu nó quá khó đối với cả một nhóm để người ta có thể hiểu thì trong dịch thuật có dịch kiểu footnote, tức là hoặc là giải thích thêm hoặc là đưa một phần chú thích ở đằng sau. Tôi có nhớ là giáo sư của tôi lúc đó nói rằng cái này nó nằm ở trong vì đặc tính của ngôn ngữ nó là như vậy. Nó có thể tạo ra hai hay ba lớp nghĩa nên cần sử dụng chú thích, footnote hoặc đưa vào hẳn một appendix – phụ lục.
Đó là một câu chuyện khác nhưng hãy nhìn câu chuyện về Kinh Thánh, nó có rất nhiều phiên bản. Nó thay đổi vì nó còn phụ thuộc vào ý nghĩa của bản gốc là gì, ý nghĩa của bản gốc nhắm đến đối tượng nào. Nó luôn luôn có sức sống để truyền tải văn hóa nhưng ở thời điểm đó cách người ta tiếp nhận ra sao, thì nó sẽ có một phiên bản khác để phù hợp hơn, nhưng nó còn phụ thuộc vào tính phổ thông của văn bản nữa. Tính phổ thông của văn bản sẽ là điều quyết định. Ví dụ như quyển The Great Gatsby luôn xuất hiện với cái tên là Gatsby vĩ đại. Nhưng khi bác Trịnh Lữ dịch thì nó trở thành Đại gia Gatsby. Chất lượng bản dịch không có vấn đề gì cả, vì ở mọi bản dịch tôi thích một điều là tôi luôn thấy được người dịch giả trong đó. Tôi đều học được rất nhiều về cách sử dụng ngôn ngữ của họ. Nhưng lại có một điều lăn tăn về tựa đề, tôi thì không lăn tăn về cách dịch như thế nhưng tại thời kỳ quyển sách đó ra đời thì có khá nhiều người tranh cãi tại sao từ “vĩ đại” lại biến thành “đại gia”. Thật ra vấn đề là bạn hiểu chữ “great” đó như thế nào, và chữ “great” đó đóng vai trò nào trong ngữ cảnh đó. Đó là câu chuyện về việc Gatsby có vĩ đại như người ta tưởng tượng hay không. Câu trả lời cho bạn dưới góc độ kiến thức của tôi sẽ phụ thuộc vào đối tượng của văn bản gốc là gì, mục đích của văn bản gốc, và khi tôi dịch văn bản đó thì đối tượng được hướng đến cho ai và nó tiếp cận được người ta không.
Khán giả: Tôi có một câu hỏi. Trong bài “Theories of Translators” có phần 4.7 là “Translator as risk-taker”. Ở đây bàn về mức độ take risk của người dịch trên bản nói và trên bản viết là giữa người biên dịch với người phiên dịch thì có độ risk khác nhau không? Làm sao để người dịch navigate những trường hợp cần take risk trong văn viết và văn nói vì trong văn viết mình có nhiều thời gian, có nhiều tài nguyên hơn, thậm chí có thể đi hỏi người khác trong quá trình dịch. Nhưng dịch nói thì mình phải dịch ngay tức khắc nên mình phải giao tiếp ngôn ngữ nhanh hơn và độ sai lệch có thể nhiều hơn.
Nguyễn Nhật Tuấn: Về vấn đề take risk này, tôi xin chia sẻ một chút về kinh nghiệm về take risk diễn ra như thế nào. Ngày xưa khi tôi học ở Ukraine thì đã có một truyền thuyết rằng thật ra người phiên dịch không cần biết nhiều, ví dụ như phiên dịch của Stalin chỉ cần biết nói “giết chết nó đi” bằng nhiều thứ tiếng khác nhau thì đã có thể làm nghề phiên dịch trong suốt cuộc đời rồi. Nói ra để thấy rằng vấn đề chi phối người dịch viết và người dịch nói khác nhau rất nhiều.
Câu chuyện risk taking của người phiên dịch là: không phải ngẫu nhiên khi các bạn xem đàm phán song phương thì hai bên người ta đều có một người phiên dịch. Người ta sẽ không để chỉ một người phiên dịch cho một cuộc họp cấp cao, thậm chí là một buổi negotiation giữa hai công ty. Vì chỉ một người dịch thì không thể có khả năng take risk trong trường hợp đổ bể hợp đồng hoặc lộ bí mật quốc gia hoặc hai vị nguyên thủ hiểu sai nhau. Điều đó cho thấy rằng các bên liên quan đều biết rằng người phiên dịch phải take risk nhưng người ta sẽ đảm bảo cái take risk đó nó xảy ra hợp lý. Tôi đã từng dịch trong một sự kiện thuyết phục Việt Nam bãi bỏ án tử hình. Bên Việt Nam có đưa ra quan điểm là nếu mình xử lý nghiêm thì họ sẽ sợ và không làm việc phạm pháp nữa. Phía còn lại thì đưa ra ví dụ một đất nước khác có nhiều bộ luật khác nhau, chỉ số người ta đưa ra cho thấy rằng tỷ lệ tội phạm ở những bang có luật tử hình lại cao hơn những bang không có luật tử hình. Vậy thì hình phạt tử hình cũng không đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật. Người đàm phán bên phía mình có nói một câu là: “nói thế rồi thì biết nói gì nữa.” Tôi ở trong một thế rất khó, nếu tôi dịch thẳng thì khá là risky. Sau đó tôi đã chọn một giải pháp là nói “we will consider that option” – “chúng tôi sẽ xem xét giải pháp đó”. Thực ra bác đó hoàn toàn nói được tiếng Anh và bác ấy nghe xong thì bảo tôi một câu là: dịch thế mà giờ bác kết tội mình dịch sai thì xử lý thế nào. Bởi vì khi bác đã nói câu đó, có nghĩa là mỗi bên tự bảo lưu quan điểm của mình, bác chẳng consider gì cả. Cái này là tội đấy. Lúc đó tôi khá là chột dạ nhưng hồi xưa tuổi trẻ thì tôi cũng dũng cảm hơn, tôi mới bảo là lời nói gió bay mà, họ cũng biết mình chẳng consider vấn đề đó vì là win win mà, không làm thì có sao đâu nên về tính năng ngôn ngữ vẫn đúng.
Risk taking xảy ra trong quá trình nói thì nó sẽ xảy ra ở phần là bạn đang thực sự hoạt động vì quyền lợi của bên nào, ai là khách hàng của bạn. Không bao giờ có chuyện một người dịch nói được cả hai bên trả tiền nên cái risk của người dịch nói là khi có bảo vệ được quyền lợi thân chủ của mình hay không vì lời bạn nói ra chính là đại diện của thân chủ rồi. Cái risk đó thật ra đôi khi rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà vài năm gần đây, phiên dịch trở thành một thế lực lớn trong kinh doanh vì hầu hết những người đi dịch một thời gian thì họ có những mối quan hệ và nhìn được cả một quy trình hoạt động như thế nào, nên tự họ sẽ tham gia một việc kinh doanh khác chứ không đi dịch thuê nữa. Nói thế để biết rằng risk của người dịch nói nhiều khi sẽ là vấn đề rất lớn nếu bạn không có sự chuẩn bị tốt khi đi dịch. Một là về tâm thế bạn dịch cho ai, bạn dịch trong hoàn cảnh nào, và cái expected outcome – kết quả mong đợi của người thuê bạn dịch là gì. Có một technique rất quan trọng là trong lúc người ta nói thì bạn nhớ và dịch nhưng bạn phải luôn hỏi khách hàng mình rằng họ có chắc chắn muốn nói thế không bởi vì ý của bên kia là như thế này. Lúc đó, bạn không chỉ đóng vai trò là người dịch mà còn là advisor nên bạn phải hiểu về vấn đề đó. Nếu mọi việc đổ bể thì người ta sẽ không thuê bạn nữa và bạn sẽ mang tiếng trong giới. Nếu mà bạn đi dịch khoảng cuộc negotiation mà nó bể cả ba thì chắc bạn phải giải nghệ luôn. Đó là cái risk lớn nhất liên quan đến tên tuổi. Nhưng cái risk đó có thể fix được bằng cách bạn phải thật hiểu khách hàng của mình và bạn sẵn sàng trao đổi với khách hàng như một partner chứ không phải chỉ là một người dịch.
Nếu “lời nói thì gió bay” thì “bút sa thì gà chết”. Nên cái hiểm họa của người dịch viết lớn hơn rất nhiều, văn bản đưa ra chỉ mang chút vấn đề gì đó thôi, ví dụ nó chỉ là một từ hay một câu mà người ta đọc lên không hợp mắt, như là một từ chửi thề, thì lúc đó bạn chính là đại diện để nhận đá vì năng lực yếu kém, vì vô văn hóa, tất tần tật đều là của bạn. Đó là hiểm họa mà bạn phải nhận.
Ở một góc độ cao hơn, dịch thuật văn học hoạt động trong một hệ thống bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Cái hiểm họa lớn nhất của bạn ví dụ như là khi bạn cố gắng dịch những cuốn sách của Orwell. Khi bạn dịch những cuốn sách đó, bạn đảm bảo được nó đến đâu để bạn không vi phạm vào những vùng tư tưởng mà tạm gọi là vùng cấm. Bàn về những vùng cấm đó, trong cuốn sách chắc chắn là toát ra những tư tưởng đó nhưng bạn có sẵn sàng chấp nhận ấn phẩm của mình được coi là một tác phẩm tuyên truyền lối sống văn hóa nào đấy không phù hợp với chính sách của Đảng và nhà nước, của hệ thống chính trị hệ thống tư tưởng nào đó hay không. Hay là một câu chuyện rất đơn giản không liên quan đến văn học như việc bạn dịch một hợp đồng, có thể một sơ suất của bạn sẽ làm cho nó hỏng đi.
Ngoài ra, trong dòng dịch viết, người ta đã chia ra rất rõ: khi bạn dịch văn học, thơ hay tác phẩm sân khấu thì sự phóng tác của người dịch là một điều được chấp nhận nếu nó vẫn làm cho tác phẩm đó bay lên và đến được với độc giả; nhưng khi bạn dịch một hợp đồng hay văn bản pháp luật, sự phóng tác của người dịch sẽ đổi lại sự suy sụp của cả một hệ thống. Cái risk taking đó, cái hiểm họa mình dễ gặp phải đó lại phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn đang dịch là gì và vấn đề đạo đức của bạn đến đâu. Sẽ có những lúc bạn dịch sai, bạn dịch không đúng tinh thần hoặc bạn dịch va vào một vùng cấm. Thậm chí nó còn chẳng nằm trong sơ suất của bạn bởi vì trong chúng ta luôn có những điểm mù mà chúng ta không biết được. Nhưng nghề dịch rất khác với những nghề khác vì nghề dịch không có điểm mù, vì nếu mà mình cảm thấy đó là một điểm mù thì mình phải truy cùng đuổi tận ra xem nó là gì. Những câu chuyện dịch thuật ở Việt Nam đã chỉ ra rất rõ rồi. Khi bạn dịch đúng thì đó là danh tiếng chung của tất cả mọi người, khi bạn dịch sai thì đó là lỗi lầm của một mình bạn. Nếu bạn bảo vệ tốt bản thân mình, thì đó là bạn bảo vệ cho cái nghề của mình.
Ngô Hà Thu: Tôi xin góp ý một tí. Có một câu hỏi của một bạn liên quan đến phiên dịch. Thực ra tôi có may mắn là đã làm cả dịch viết và dịch nói, tôi cũng có chút suy ngẫm khi đọc chương này của Williams và hơi hơi không đồng ý một chút. Williams nói rằng có nhiều lý thuyết cho dịch nói hay phiên dịch. Thật ra trong khoảng thời gian mà tôi còn giảng dạy ở bộ môn Dịch của ĐH Ngoại Ngữ thì rất khó kiếm lý thuyết dành cho dịch nói. Dịch viết thì tôi có cảm giác dễ tìm sách hơn. Nói về risk taking hay chấp nhận mạo hiểm thì trong quá trình chúng tôi đào tạo phiên dịch cho các bạn sinh viên ở trường thì chúng tôi có nói về một cái tôn chỉ là “If you fail to prepare, you prepare to fail”, tức là “Nếu bạn thất bại trong việc chuẩn bị thì đồng nghĩa với việc chuẩn bị cho thất bại”.
Tôi cũng đồng tình về quan điểm về phiên dịch của bạn diễn giả là để giảm thiểu được rủi ro trong quá trình tác nghiệp thì các bạn phải trau dồi năng lực của mình đã. Một trong những nguyên tắc đạo đức mà phiên dịch viên được dạy trong nhà trường, lúc đó thì chưa có Hiệp hội Biên phiên dịch chuyên nghiệp ở Việt Nam nên cũng chưa có bộ quy tắc ứng xử nào cả, là không bao giờ được nhận việc gì quá sức của mình. Mình phải đánh giá được năng lực mình một cách chắc chắn, nếu cảm thấy khó quá thì cũng không nên vì món lợi trước mắt như tiền công quá cao hay cơ hội để gặp người này người kia để rồi mình gật đầu, và mình cũng không nên đặt trọn niềm tin vào người bạn ngồi cùng cabin với mình. Vì lúc nào mình cũng có tư tưởng người này dịch rất cứng tay nên chắc họ sẽ đỡ được cho mình. Chuyện đó chẳng biết được vì chính nhiều khi bản thân mình cũng ăn trái đắng. Tôi đi dịch nếu được bắt cặp với các thầy các cô của tôi thì tôi cũng thích thôi. Nhưng nhiều khi ngồi trong cabin thì các thầy cô lại nói rằng dịch cho cô đoạn này nhé, cô đi nghe điện thoại xíu. Nếu gặp đoạn khó thì mình tắc tị chứ làm thế nào được nữa. Khi ngồi cabin với mic đã bật lên thì đồng nghĩa với việc là mình phải bắn, phải nói, không thể im lặng được. Bạn sẽ không chịu nổi áp lực khi cả hội trường quay lại nhìn cabin của bạn. Nó rất kinh khủng. Nên cái risk đó đối với các bạn mới hành nghề thì tôi khuyên là không nên mạo hiểm, mình chấp nhận chuyện đó và sẵn sàng từ chối luôn. Mình có thể trở thành người học việc khi quan sát các thầy cô hoặc các người kỳ cựu, nhưng không nên trực tiếp tham gia vì đó là một rủi ro quá lớn để các bạn sẵn sàng chấp nhận. Đến khi các bạn bắt đầu bước vào tác nghiệp rồi thì phải chuẩn bị thật kỹ, và cần phải có gan thương lượng với khách hàng rằng bọn em cần phải có tài liệu như thế này, phải có điều kiện chuẩn bị, nếu gấp quá thì sẵn sàng từ chối nếu năng lực của bạn không đáp ứng được. Có thể trong khoảng thời gian bình thường bạn có thể chuẩn bị được rất tốt và dịch được dễ thôi nhưng nếu chỉ có một ngày chuẩn bị và bạn cảm thấy không tự tin thì tốt nhất là nên từ chối. Đó là danh tiếng của bạn vì bạn chỉ cần dịch fail một lần thôi là fail mãi mãi luôn vì sẽ không có ai liên lạc với bạn sau đó.
Tôi có một điểm hơi hơi không đồng ý với diễn giả là bạn nói là mình phải xác định xem là ai là khách hàng, ai là người trả tiền cho mình và mình sẽ phải quan tâm đến lợi ích của người đó, thì tôi nghĩ rằng điều đó hợp lý hơn khi bạn đi dịch cho các phái đoàn ngoại giao, đại diện cho Việt Nam hoặc đi dịch hợp đồng cho bên A bên B nào đó. Nhưng nếu mình là một người dịch bình thường thì một trong những điều trong bộ quy tắc ứng xử chúng tôi đã dạy là “impartiality”, tức là giữ tính trung dung không thiên vị bất cứ ai. Tôi sẽ luôn luôn là người đứng giữa, nhiệm vụ của người dịch chỉ là truyền tải thông điệp cả hai bên thôi. Anh nói cái gì thì tôi sẽ truyền tải một cách chính xác không xen lẫn cảm xúc. Đương nhiên khi chúng tôi dạy thì cũng sẽ có những bối cảnh, những tình hình như là: trước khi anh là phiên dịch thì anh là công dân Việt Nam, trước khi là phiên dịch thì anh cũng là con người nên anh phải cư xử như thế nào. Tuy nhiên đó là case-by-case tức là tùy theo từng trường hợp một chứ mình không thể áp dụng được cho tất cả. Nguyên tắc người dịch luôn đứng giữa không thiên vị bất cứ ai sẽ đảm bảo cho bạn một góc nhìn khá toàn diện và không có điểm mù. Bạn sẽ biết rằng nhiệm vụ trên hết của mình với tư cách của một người dịch là đảm bảo được thông điệp đó được chia sẻ một cách thông suốt.
Nguyễn Nhật Tuấn: Nói về vị trí của người phiên dịch, đặc biệt là khi làm cho một đoàn ngoại giao hay đàm phán hợp đồng thì vai trò của bạn là một người khác. Nhưng khi bạn là một “community interpreter” thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thực ra trong đời tôi thì tôi đã dịch cho những người vượt biên sáu năm, dịch cho những người trồng cần bốn năm, tôi đã dịch cho những người đi bệnh viện nữa. Tôi đã kinh qua rất nhiều thứ. Vai trò của bạn khi đi dịch là mediator, vai trò của một người đàm phán. Nó rất quan trọng. Có hai case mà tôi nhớ mãi. Câu chuyện đầu tiên rất đơn giản thôi. Một người đi khám bác sĩ ở bên Ireland và bác sĩ kết luận là bác ấy bị ung thư. Đó là một điều rất buồn nên tôi phải chuẩn bị hết về tâm trạng và cảm xúc, như nói tông giọng như thế nào. Ngay lập tức tôi chần chừ và tê tái, bác hỏi là tôi biết chắc là từ đấy hay không. Bác gọi điện cho tất cả những người tại thời điểm đó biết tiếng Anh và bảo bác sĩ là đứa này biết tiếng Anh chứ không phải thằng ngồi đây đâu chỉ để confirm điều đó. Câu chuyện đó nó nói về việc đầu tiên là trong một số hoàn cảnh, sự chuẩn bị về cảm xúc của bạn cũng rất quan trọng.
Câu chuyện số hai là một cái case như thế này. Ở Việt Nam chuyện đánh con rất bình thường. Điều đó xảy ra là chuyện rất bình thường, nhưng có một chị đưa con đi học thì con có một vết bầm trên người, thế thì cô giáo thay vì gọi phụ huynh thì gọi thẳng cho cảnh sát báo rằng đứa trẻ có dấu hiệu của việc bị đánh. Lúc đó thì tôi làm việc với bên cảnh sát và tòa án khá nhiều nhưng hôm đó tôi bận nên người ta gọi một bạn khác. Cảnh sát gọi điện tới chị đó và chỉ hỏi đúng một câu: “Did you beat the child?” – Chị có đánh đứa trẻ không? Thật ra trong tiếng Anh từ “beat”, từ “hit”, từ “lash” đều mang nghĩa phức tạp. Chị đó trả lời là “Vâng, tôi có đánh con” – Yes, I beat the child. Đó là một case mà tôi phải theo suốt 18 tháng để giải thích rằng hành vi đánh đó diễn ra như thế nào. Nó là mức độ nào của từ “beat” đó – nó thể hiện vai trò của người dịch lúc đó. Thật ra tôi rất hiểu. Có một câu chuyện cảnh sát hỏi một đứa trẻ 3 tuổi rằng: “con muốn gặp mẹ con không?” Đứa trẻ đó khóc lên. Bạn là người đi dịch thì bạn phải nói rằng “Con ơi chú hỏi con là con có muốn đi gặp mẹ không?” Đứa trẻ đó khóc, bạn dừng ở mức đấy vì vai trò của bạn là người trung gian. Trong report tiếng Anh viết rằng đứa trẻ khi nghe đến mẹ thì khóc (dấu hiệu của sợ hãi). Vậy thì lúc đó với vai trò người dịch thì bạn sẽ làm gì? Bạn không thể nói cảnh sát viết sai được vì nguyên tắc viết report thì chỉ biết là có một hiện tượng như thế, nhưng có thể lúc đó đứa trẻ đang chơi thì tự nhiên bắt nó làm một việc khác thì trẻ con nó khóc thôi. Vai trò của bạn lớn hơn, thậm chí lúc đó không chỉ là người trung gian nữa mà còn là người đàm phán về hiện tượng đó. Hay bạn có thể giải thích là văn hóa ở Việt Nam thì đánh con là như thế này. Thay vì gửi con vào một foster family trong vòng một năm thì mẹ nó nên được đi học về anger management rồi sau đó sẽ quay sang câu chuyện khác.
Thật ra câu chuyện về position của bạn, bạn đứng ở đâu, thì nhiều khi điểm mù không thuộc về bạn mà nằm ở khách hàng của bạn. Thực ra ở những cuộc họp cấp cao khi mọi người đã chuẩn bị kỹ càng cho nó hết rồi thì điểm mù đó thường là của mình nhiều hơn, mình chỉ cần làm rõ thì mình sẽ vượt qua được cái risk, cái khó khăn đó. Nhưng ở môi trường community, khi nó vào trong những trường hợp cụ thể về y tế hay pháp luật thì nhiều khi mình phải có kỹ năng tháo gỡ. Ví dụ bạn được cảnh sát thuê, bạn hiểu câu hỏi của cảnh sát và dịch lại cho phía bên kia. Nhưng mình phải làm rõ câu hỏi của bên cảnh sát là mày hỏi câu này có ý là như thế này có phải không? Mình cũng phải hỏi lại bên kia là bạn nói câu này có ý là như thế này phải không? Nếu mình không join vào conversation mà mình nhảy hẳn thì người ta đáng ra trắng án nhưng cuối cùng lại ngồi 3 năm tù. Với vai trò mediator, bạn có thể giữ một impartial position trong trưởng hợp quyền lợi mỗi bên đang được đảm bảo. Nhưng có khi bạn ở trong trường hợp là đi dịch cho một nhóm yếu thế hơn, người trả tiền cho bạn là người nhiều thế hơn nhưng nhóm yếu thế hơn mới cần được clarify để đảm bảo. Tôi đã từng đứng trong một trường hợp dịch hạt giống ngô ở Việt Nam được quảng cáo là siêu mùa, siêu hạt nhưng đến khi nó về thì nó lại không ra được như quảng cáo, và dân người ta biểu tình phản đối phản đối. Đó là một vụ khá kinh khủng, hiện thân cao nhất của tôi khi đi dịch. Nhưng đó cũng là một cái thể hiện rằng khi mình đi dịch thì cái risk có thể đến từ rất nhiều nơi. Nó có thể từ trên trời rớt xuống. Bạn có thể chuẩn bị tất cả, thông thường thì cái mọi người chuẩn bị nhiều nhất là năng lực ngôn ngữ, năng lực tình huống, năng lực ứng xử. Nhưng nhiều khi cái mà bạn không chuẩn bị nhiều nhất và đẩy bạn vào risk chính là năng lực ứng xử. Trong cái risk đó đôi khi đặc điểm lớn nhất của một người phiên dịch hay của một người dịch viết là một người phải đứng vững hai chân, đứng cân bằng giữa hai nền văn hóa. Hiểu được hai nền văn hóa chắc chắn là nền tảng tốt nhất để mình làm giảm thiểu đi cái risk.
Khán giả: Tôi là người nghiên cứu lịch sử nên việc dịch của tôi chủ yếu là phục vụ cho việc nghiên cứu của mình. Tôi có một chủ đề gần như là vẫn chưa được nhắc đến trong buổi reading hôm nay. Lúc nãy có nói về risk, về tầm quan trọng của việc va vào những vùng cấm hay nhạy cảm ở đâu thì mình cần phải điều chỉnh. Như mọi người đã biết rằng lịch sử Việt Nam khá đặc biệt, ví dụ như miền Bắc sau năm 54 và miền Nam sau năm 75 thì vai trò của chính quyền có tầm quan trọng như thế nào. Rất quan trọng, đặc biệt là khi dịch cho đại chúng. Gần như chính quyền chọn cuốn này để dịch, người này để dịch. Tất nhiên lúc này thì chúng ta không ở trong thời đại đó nữa nhưng vai trò chính quyền trong việc tổ chức và kiểm duyệt vẫn rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn ngày trước. Ví dụ lúc nãy chúng ta nói chuyện về dòng self-help, tôi có nói chuyện với một người bạn về chuyện sách self-help là một dòng khá phổ biến nhưng tại sao ở một nước xã hội chủ nghĩa thì nó lại phát triển mạnh mẽ như bây giờ? Trong một nước xã hội chủ nghĩa vốn có ý thức hệ không để dành cho những ý tưởng như thế. Câu hỏi của tôi là liệu những nước như Việt Nam hay Trung Quốc, những nước có ý thức hệ xã hội chủ nghĩa rất lớn trong một thời gian dài, thì có một hình thái gọi là “socialist translator” hay không so với cộng đồng quốc tế về dịch thuật? Liệu tính xã hội chủ nghĩa trong ý thức hệ nó có mạnh hay không, có khác biệt so với những người dịch ở các nước khác hay không?
Nguyễn Nhật Tuấn: Đây là một câu hỏi thật sự thú vị. Thứ nhất là về câu hỏi self-help. Khi bạn nhắc đến việc tại sao dòng self-help tại một đất nước như Việt Nam bây giờ lại rất phổ biến mà không gặp sự cấm cản. Vấn đề của dòng self-help trong xuất bản văn học giống như LGBT trong nhân quyền của Việt Nam. Tôi tạm gọi là “asexual politics” hoặc là “asexual books”. Ở Việt Nam là một đất nước kiểu mà mình không có việc làm nhưng mình pha chè rất ngon, vậy là mình đi bán nước chè. Cái đó cũng có thể gọi là một hành động khởi nghiệp rồi. Cái việc tự cung tự cấp, tự giải quyết vấn đề ở Việt Nam thực ra luôn là một mạch ngầm. Ngay cả luật pháp cũng thế thôi, có câu là phép vua thua lệ làng. Một xã hội mà chúng ta có cảm giác là bị bao bọc bởi rất nhiều vùng cấm, nhưng thật ra lại đòi hỏi những dòng chảy của những người trong đó. Người ta có nội lực để lách luật làm được rất nhiều thứ khác. Cái việc người ta tự giải phóng bản thân để làm việc tốt hơn thì thật ra là một điều được công nhận, miễn là đừng vi phạm pháp luật. Việc anh có thể tự giúp đỡ bản thân, giải quyết được rất nhiều vấn đề mà bình thường không giải quyết được thì nó sẽ làm xã hội tốt hơn, nên nó là “asexual”, một vấn đề vô tính. Đương nhiên người ta sẽ chấp nhận điều đó. Thực ra làm cái gì cũng phải có một cái may mắn, dòng self-help giúp cho chính phủ một thời gian dài. Khoảng từ năm 2012 đến 2015, sự thúc đẩy của các dòng sách liên quan đến tự chủ, kinh doanh, start-up bởi vì người ta muốn biến thành một xã hội mà đời sống có một mức độ nhộn nhịp. Đôi khi điều ấy nó nằm trong phần chính sách công. Bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với sách là ai? Nhóm có thể đọc sách là gì và đòi hỏi của người ta ra làm sao? Trong cái công cuộc năng động rất lớn ấy thì miễn quyển sách đó không phải là kiểu làm thế nào để kiến tạo một quốc gia mới thì kiến tạo quốc gia khởi nghiệp là chấp nhận được. Tôi nghĩ đó là một đặc tính rất mở của xã hội, bởi vì nó tạo ra một mạch nguồn mà mọi người có thể vận động được.
Quay trở lại việc những người dịch liệu có bị chi phối bởi hệ tư tưởng hay không, thực ra trong số những người tôi tiếp xúc ở cả Việt Nam và nước ngoài thì người ta không bị chi phối bởi hệ tư tưởng như bạn nói mà cái chi phối lớn nhất của mỗi người làm nghề khi cầm mic lên nói hoặc đặt bút lên viết chính là những quy tắc nghề nghiệp. Quy tắc nghề nghiệp đấy dù có ở đâu thì cũng dựa trên những quy tắc đạo đức, ví dụ tôi dịch xong thì không thể bật điện thoại lên và nói xấu khách hàng với một người bạn hay tôi tiết lộ một bí mật quốc gia rất quan trọng. Thật ra bộ quy tắc đó đều là một bộ quy tắc ứng xử chung vì kể cả khi người ta xây dựng thang bậc các chương trình dịch, thì cái bộ quy tắc đó đã có sự toàn cầu hóa khá lớn. Còn sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng theo tôi nghĩ sẽ xuất hiện trong văn học viết, nhưng thật ra chúng ta may mắn. Chúng ta ở đây đều là những người rất trẻ, đó là một trong những điều rất bất ngờ. Tôi thì hay quan tâm đến văn hóa underground, các bạn underground bây giờ làm nhạc rất Tây, hệ thống tư tưởng của những bạn viết sách rất mới. Nó cởi mở hoàn toàn. Vậy thì nếu chúng ta coi dịch thuật là một quá trình bị chi phối nhưng nó cũng là một quá trình tái tạo, người ta vẫn giải phóng được năng lực sáng tạo. Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là người ta được tiếp xúc cái gì và tiếp xúc đến đâu để có thể giải phóng được hệ tư tưởng. Bởi vì tất cả mọi người, ai trong chúng ta làm rất nhiều thứ dựa vào cái nền tảng mà mình đã trải qua. Cơ hội sống trong một thế giới ảo mà mọi thứ được toàn cầu hóa cho mình một chỗ mà mình có thể quan sát được thì nó đã phá đi rất nhiều rào cản đó rồi. Khi nào thì người ta cần phải giữ hệ tư tưởng của mình, thì đó là lúc đôi bên đều có hai nhà phiên dịch và lúc đó thì câu chuyện đó sẽ phụ thuộc vào may mắn của hai quốc gia.
Nguyễn Quyên: Vấn đề bạn đặt ra tương đối phức tạp. Thực ra việc nhà nước tổ chức dịch và phân phối những tác phẩm phục vụ cho tư tưởng của nhà nước thì chúng ta có thể quan sát trong lịch sử sách vở, không chỉ ở Việt Nam. Từ khoảng đầu thế kỷ 20 cho đến bây giờ, nếu bạn quan tâm thì có một gợi ý về những tác phẩm của miền Nam Việt Nam ở khoảng những năm 50. Theo như tôi biết thì đó là lúc bản dịch đầu tiên của Trại Súc Vật ra đời và tôi tin sự ra đời của bản dịch ấy và một số tác phẩm khác như Đêm giữa ban ngày là hoàn toàn có chủ đích. Ở nước ngoài thì Trại Súc Vật được chuyển thể thành phim là do CIA đã nhúng tay vào quá trình đó. Đã có rất nhiều sách viết về chuyện ấy. Ở từng giai đoạn khác nhau, thì lại có những hiện tượng khác nhau.
Bạn hỏi có cái gọi là người dịch xã hội chủ nghĩa (socialist translator) hay không thì theo như quan sát của tôi ở thời điểm hiện tại, rõ ràng là chủ nghĩa tư bản đã đang xâm chiếm rất mạnh và nền xuất bản tư nhân bị chi phối khá lớn bởi thị trường. Tôi hy vọng là ảnh hưởng đó mạnh hơn sự chi phối của nhà nước. Việc nhà nước đặt hàng dịch một cái gì đó chắc vẫn còn tồn tại thôi, nhưng nó không chiếm một thị phần quá lớn và không quá gây ảnh hưởng, ít nhất là đối với người đọc như tôi.
Về sách self-help và làm giàu, thật ra dòng sách này không chỉ mới xuất hiện trong khoảng hai mươi năm nay, bộ Cha Giàu Cha Nghèo đã xuất hiện vào những năm 80, 90 nhờ những người tham gia vào xuất bản tư nhân. Với tư cách liên kết xuất bản thì họ đã làm rất nhiều đầu sách self-help và làm giàu rồi. Sách làm giàu ở Việt Nam lúc nào cũng bán tốt ở cả miền Bắc và miền Nam từ lâu rồi chứ không phải là mới đây. Theo tôi quan sát trong giai đoạn mà xuất bản tư nhân và xuất bản nhà nước cùng phát triển là khoảng hai mươi năm qua thì thị trường đã đóng vai trò rất lớn trong việc chi phối việc sản xuất sách như thế nào. Và mọi người có thể nhìn thấy rằng không chỉ self-help mà ngôn tình và chick lit cũng khá phát triển. Ngôn tình của Trung Quốc và Đài Loan xâm chiến và tấn công thị trường Việt Nam mạnh tới mức biết bao các công ty xuất bản lớn đổ xô đi làm ngôn tình, ngay cả những nơi ngày xưa chỉ làm những tác phẩm lớn như Nhã Nam chẳng hạn. Chính vì thế mà tôi thấy rằng thị trường tự do đã tác động đến nền xuất bản như thế nào và tôi thấy đó là một tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên đi theo thị trường thì sẽ có những cái hạn chế của nó, chẳng hạn như sách kinh điển hay văn chương đương đại của phương Tây thì hiện giờ rất khó bán, hết 1500 bản là đáng mừng rồi.
Còn hệ tư tưởng người dịch có liên quan đến chất lượng bản dịch hay không thì theo như cá nhân tôi quan sát, hiện tượng đó đi thẳng đến một vấn đề là kiểm duyệt: có xảy ra trường hợp người dịch tự kiểm duyệt bản dịch của mình hay không. Dĩ nhiên trường hợp đó vẫn có thể xảy ra trong một số hoàn cảnh nhất định. Nhưng bên cạnh đó còn có một chuyện nữa là bây giờ người ta đếm chữ tính tiền nên hầu như không ai dại dột đi cắt chính bản dịch của mình vì họ sẽ mất tiền.
Như đã nói, người dịch nằm trong một mạng lưới và có các bước cho một xuất bản phẩm ra đời, nói một cách ngắn gọn: người dịch nộp bản thảo cho công ty/nhà xuất bản; biên tập viên của công ty/nhà xuất bản tiến hành biên tập; công ty xuất bản xin giấy phép xuất bản từ Cục Xuất bản qua một nhà xuất bản; biên tập viên của nhà xuất bản tiến hành duyệt bản thảo; giấy phép có thể được cấp với yêu cầu chỉnh sửa hoặc không. Nên những người quan sát hay báo chí ở Phương Tây khi nói về kiểm duyệt của Việt Nam thì họ chỉ gãi gãi bên ngoài thôi mà không nhìn ra rằng vấn đề chính nằm ở cơ chế xuất bản hơn là vai trò của người dịch. Đã có những sự tấn công rất khủng khiếp vào dịch giả vì cho rằng người dịch đã tự kiểm duyệt để bản dịch được xuất bản. Điều đó tôi thấy hơi ngớ ngẩn vì người dịch, theo ý kiến cá nhân của tôi, chẳng có ai đi tự cắt bản dịch của mình trừ trường hợp cực kỳ hãn hữu. Việc kiểm duyệt có thể là của (i) công ty xuất bản (ii) nhà xuất bản (iii) những cơ quan cấp cao hơn. [Bổ sung sau nửa năm: nhưng hóa ra việc kiểm duyệt xảy ra ở những trường hợp rất bất ngờ, và quả thực nó đã xảy ra, do người dịch.]
Còn theo như tôi quan sát thì tất cả những người làm công việc dịch thuật đều cố gắng hết sức có thể để đưa ra được một bản dịch đầy đủ nhất thông qua một quá trình thương thảo nhất định với các bên. Và như đã nói ở trên, có một biên độ dao động rất lớn trong việc cái gì thì được xuất bản, cái gì thì không, và cần một độ tinh tế nhất định để nhìn ra những chuyện như thế.
Nguyễn Thúy Hạnh: Mức độ sáng tạo của dịch giả đối với một văn bản dịch là như thế nào? Giới hạn của sáng tạo trong khi dịch nằm ở đâu? Và để đạt được một văn bản vừa hay vừa giữ được tính nguyên bản thì có vấn đề gì về lý thuyết cần phải để ý?
Nguyễn Nhật Tuấn: Chúng ta đã chia sẻ với nhau rằng xét về quan điểm dịch văn học, thì chúng ta có translation as translation, hay translation as adaptation phỏng dịch, hay translation as rewriting tức là dịch là quá trình viết lại. Bản thân những trường phái dịch thuật khác nhau đã chỉ ra rằng mỗi dịch giả đặt chân vào nghề thì sẽ cân nhắc đặt mình ở đâu trong ba bước đó.
Nghĩa là tôi có thể là người giữ chữ tín với bản gốc, trong mọi trường hợp tôi tôn trọng mục tiêu tối đa của tác giả. Nó ở tần suất gọi là stick vào câu chuyện “tín đạt nhã” chẳng hạn, một người dịch có thể dựa vào đó. Nhưng cũng có những người dịch người ta cảm thấy khác. Đó là thời kỳ đầu tiên của dịch thuật, người ta gọi là word for word. Nhưng khi nó đi qua thời kỳ sense for sense thì đó là câu chuyện về việc tinh thần của bản dịch đã bị thay đổi rồi. Vì nhiều khi tinh thần đó cần phải được bay lên, nhưng mỗi một cuốn sách, mỗi tác phẩm mình đọc thì người dịch đã đưa rất nhiều thành phần chủ quan vào trong đó. Khi người ta đắm chìm vào tác phẩm đó, thì nó sẽ là một sự chuyển dịch rất lớn từ word for word sang sense for sense. Sense for sense có thể dừng lại từ những việc rất nhỏ như câu chuyện của thành ngữ mỗi nước.
Ví dụ có những thành ngữ trong tiếng Anh và thành ngữ trong tiếng Việt, nếu may mắn có những hình ảnh hoàn toàn giống nhau, thì đó là word for word, và ta có thể một đổi một hoàn toàn bình thường được. Nhưng khi nó chuyển sang câu chuyện sense for sense thì ta thực sự phải làm bay lên ý nghĩa của thành ngữ đó trong tiếng Anh khi trong tiếng Việt không hề có những hình ảnh như thế. Lúc đó sự sáng tạo của người dịch là việc phải làm cho người đọc cảm nhận được tinh thần đó. Sự sáng tạo của người dịch được đặt trong một biên độ lớn hơn.
Nếu chia sẻ với bạn dưới góc độ một người dịch sách thì giới hạn của một người dịch mà mình tự đặt cho bản thân là khi mình đọc một cuốn sách, mình cảm nhận như thế nào thì mình sẽ cố gắng truyền tải cảm quan nhiều nhất đến độc giả. Thật sự là mình là một con người khá bay nên đôi lúc đầu óc cũng có suy nghĩ hơi kỳ quặc, nên cách mình giới hạn sự truyền tải là mình sẽ thường đọc khoảng 10 bài review, sau đó mình sẽ chọn 7 bài chê nhất và 3 bài khen nhất. Điều đó sẽ phụ thuộc vào tần suất vote, vì một số quyển sách có diễn đàn mà có vài người mình biết đưa ra nhận xét chẳng hạn. Trên cơ sở hai đầu ấy, mình sẽ cố gắng cân bằng, ví dụ như nó là 7-3 thì mình làm sao đó để nó trở thành 5-5 vì rõ ràng không ai muốn dịch một quyển sách mình ghét cả. Đó là một cách mình tiếp cận, mình cố gắng tạo ra một biên độ. Ví dụ mình lên một trang rất bình thường như là Goodreads, ở đó những luồng nhận xét cuốn sách đó hay về một vài chi tiết, hình ảnh là một cơ sở rất tốt cho người dịch biết được cái tinh thần của bản gốc như thế nào. Lợi thế đọc được hai thứ tiếng cho mình thấy được lý do và mường tượng của người ta. Nhưng khi dịch thì sao ta lại bỏ chỗ này, rút chỗ khác thì đó là tiềm năng của người dịch. Nên biên độ mình nói tới ở đây đối với người dịch, hay người dịch văn học thì mình sẽ cố gắng nhất để đặt vào câu chuyện về sense. Cái câu chuyện và tinh thần đấy trong nghĩa hiểu của mình lớn nhất là gì, và mình cố gắng thể hiện cái sự hiểu đấy cho người đọc.
Dưới góc độ là một người nghiên cứu thì dịch thuật là một trong những hành vi đầu tiên của con người và nó đã trải qua rất nhiều quá trình, từ “descriptive translation” trở đi, tức bằng mô tả mà dịch thuật được diễn ra, rồi đến sự khác biệt giữa bản gốc và bản dịch nằm ở đâu, bản dịch bị chi phối bởi yếu tố ngôn ngữ hay yếu tố chính trị hay yếu tố văn hoá hệ tư tưởng như thế nào. Cho đến khi vào những năm 70 thì có một bước ngoặt văn hoá trong dịch thuật là có phải lúc nào chúng tôi phải trung thành với bản gốc hay không khi mà một vài nội dung trong bản gốc không phải là một norm mà nền văn hóa của tôi chấp nhận. Lúc đó vai trò của người dịch giống như bạn nói sẽ liên quan đến vai trò của một người mediator. Tôi đứng giữa hai nền văn hóa đó, thì lúc đó sự sáng tạo của tôi phải là một sự sáng tạo không dẫn đến hiểu lầm văn hóa. Bởi vì có một điều đương nhiên khi là chúng ta nhìn vào việc dịch, một trong những thứ đầu tiên chúng ta nhìn thấy là trang bìa. Trang bìa chính là một yếu tố của dịch thuật. Tại sao tất cả những tác phẩm nói về Việt Nam được xuất bản ở nước ngoài thì đều có hình ảnh nón lá và cánh đồng, nó tạo ra một cái stereotype khủng khiếp mà có vai trò của người dịch trong đó. Vậy thì người dịch thật sự có muốn tạo ra những sản phẩm có stereotype hay không? Vậy thì ở góc độ một người nghiên cứu thì tôi sẽ thấy rằng sự sáng tạo của người dịch cũng không có giới hạn nào cả. Tôi thấy những ảnh hưởng mà người dịch có thể tạo ra. Khi bạn giới thiệu được, khi mà hệ văn hóa của bạn được bật đèn xanh để chấp nhận những luồng tư tưởng mới thì một sản phẩm, có thể chỉ là sản phẩm bên lề, trở thành mainstream, sản phẩm chính thống. Đó cũng là ảnh hưởng rất lớn của dịch thuật, đôi khi nó đến từ sự sáng tạo của người dịch.
Nên lúc nãy Quyên có bàn về việc ngôn tình bị chi phối bởi yếu tố thị trường, chính xác là nó bị yếu tố doanh số ảnh hưởng nên chúng ta phải chạy KPI. Nhưng từ một góc độ khác thì nó lại nói về tính năng của việc đọc, tức là người ta đọc để có kiến thức hay đọc để giải thoát. Có lẽ đời sống tình cảm của chúng ta tương đối phong phú nhưng lại thiếu đi chút lãng mạn, luôn có những người đẹp trai nhưng lại hơi tổng tài. Chắc vì thế nên tự nhiên ngôn tình trở thành dòng văn học chính, đi đến đâu cũng thấy. Đi đến đâu mọi người cũng tiêu thụ dòng văn học đó mặc dù nó đã nhen nhóm từ thời đầu tiên Trang Hạ dịch “Em nấu tình yêu thành món canh” mà khi xuất bản lại dưới cái tên là “Xin lỗi em chỉ là con đĩ.” Câu chuyện đó nó đã nói lên hai vấn đề: nó nói về luồng tư tưởng nhưng hay hơn là nó đã nói lên tính thương mại.
Tại sao có những bộ phim tên tiếng Anh là một kiểu nhưng tên tiếng Việt lại một kiểu. Có một bài báo “Báo động về nạn dịch tên phim.” Tại sao lại báo động cho người xem phim trong khi nó mang yếu tố thương mại. Dịch thuật cũng bị chi phối bởi yếu tố thương mại, thậm chí việc dịch tiêu đề của một cuốn sách hay bộ phim thì cũng có tới 3 cách dịch: chọn nguyên, dịch một phần, hoặc sáng tạo ra hẳn một tên mới dựa trên nội dung tác phẩm. Chính trong dịch thuật người ta cũng cho phép mình làm điều ấy thì vì sao mình lại không, hay là tại vì nó hóc quá.
Ngô Hà Thu: Thật ra cũng có khá ít các diễn đàn nói về lý thuyết dịch ở Việt Nam. Lúc đầu chị Quyên có nói là hiện nay có rất ít sách tiếng Việt về lý thuyết dịch, chỉ có mỗi cuốn của Jeremy Munday thôi. Có một cuốn nữa do tác giả Việt Nam tự biên soạn, trong đó nó cũng có giải thích về vấn đề dịch thuật là sáng tạo. Ngay lần đầu tiên tôi thấy cuốn Dịch thuật và Tự do của Hồ Đắc Túc thì tôi đã thấy nó khá hay ở chỗ là tác giả đặt dịch thuật và tự do cạnh nhau chứ không phải dịch thuật giới hạn tự do hay dịch thuật gì đó với tự do. Đó cũng là một cách mà chính tác giả cũng đang cố gắng truyền đạt một thông điệp về việc dịch có những rào cản nhất định nhưng nó sẽ là không gian để mọi người trải nghiệm sự tự do.
Nếu bàn về việc người dịch nên làm việc như thế nào, có nên vì tác giả hay vì độc giả, vì bản gốc hay vì bản dịch thì vấn đề này đã kéo dài từ rất lâu rồi. Lý thuyết sense for sense tức là dịch lấy tính nghĩa nó có trước. Tại sao nó có trước? Nếu mọi người để ý những những người dịch có tên tuổi đầu tiên thường là triết gia, nhà thơ, nghệ sĩ. Đó là những người có khả năng cảm thụ về thông điệp rất tốt và thời xưa thì chỉ có những người như vậy mới có trình độ để truyền tải ý nghĩa bản gốc được. Cái word for word translation có sau và chỉ xuất hiện khi người ta bắt đầu dịch Kinh thánh, dịch về những văn bản mang tính chất tôn giáo. Lý do vì sao lại chọn word for word, vì người ta nghĩ rằng văn bản mang tính chất tôn giáo đó là lời của Chúa, lời của Đấng tối cao, hay lời của Đức Phật nên nếu anh dịch phóng quá thì nó mất đi tính linh thiêng và nhiệm màu trong ngôn ngữ đó nên thường là người ta sẽ dịch rất sát. Sense for sense và word for word song hành như vậy và thể hiện trong lý thuyết dịch cho đến tận thế kỷ 20 và 21 bây giờ. Lúc nào cũng sẽ có sự tranh cãi về việc tôi trung thành với nghĩa hay tôi trung thành với từ vựng. Tôi nghĩ rồi vấn đề này sẽ bị tranh cãi suốt thôi, người dịch sẽ lơ lửng ở giữa và cảm thấy tôi bị mắc kẹt và không biết đi theo hướng nào. Sẽ có những người nói rằng dịch có cần phải đi học không? Nếu tôi có năng lực ngôn ngữ rồi thì tôi có cần phải học về lý thuyết dịch hay không? Nên tôi nghĩ lúc nào cũng có những đợt sóng to như vậy thì nếu người dịch có một nền tảng về lý thuyết thì họ sẽ vững tin hơn trong lựa chọn của mình. Để biết rằng tôi đang đứng trên một quan điểm, tôi đang đứng trên vai những người khổng lồ, tôi có hướng đi nhất định chứ không đơn thuần là tôi dịch kiểu này vì tôi thích như thế, vì tôi thấy nó hay. Cái sự hay đó mang tính chất cá nhân rất lớn.
Vừa rồi bạn diễn giả có nhắc đến “descriptive translation”, dịch mô tả. Thật ra là nó xuất phát từ Holmes sau đó là đến Toury. Thực ra ngành Translation Studies hay nghiên cứu dịch thuật thật sự bắt đầu nhờ vào Toury khi mà ông phát biểu trong đại hội dịch thuật quốc tế vào năm 1995. Kể từ đó thì translation mới được coi là một ngành khoa học nghiên cứu chứ trước đó thì mạnh ai nấy làm, cứ thế mà làm thôi không vấn đề gì cả. Toury có dựa trên một lý thuyết, không phải là lý thuyết mà là một văn bản của Holmes, để sau đó ông ấy vẽ ra một sơ đồ. Khi mà tôi vẫn còn dạy dịch ở trong trường thì có một môn bị dí đầu xây dựng là môn Đánh giá chất lượng bản dịch. Lúc ấy tôi bảo điên hay sao mà lại có môn này, nhóm giáo viên bị đẩy xuống làm môn đó nghĩ rằng sinh viên vẫn còn đang chật vật trong việc xử lý hai ngôn ngữ làm sao cho trôi chảy mà lại bắt tụi nó đánh giá bản dịch của những người có trình độ hơn mình rất nhiều. Nên chăng thì để môn này ở bậc cao học khi mà người học đã có trải nghiệm nhiều hơn. Tôi còn nhớ là tôi bị dí quá sát, vật lộn một hồi thì mới nghĩ rằng có lẽ tôi nên dựa vào một phần trong lý thuyết của Toury. Trong “descriptive translation study”, ông cho rằng một bản dịch nên được quan sát từ ba phía: thứ nhất là “product oriented” tức là tự thân nó như một sản phẩm, thứ hai là “process oriented” tức là quá trình mà sản phẩm bản dịch đó được tạo thành, và cuối cùng là “function oriented” tức là chức năng của bản dịch đó trong xã hội. Thế thì tùy vào từng khía cạnh hay hướng tiếp cận đó, chúng ta sẽ có góc nhìn đánh giá khác nhau. Ví dụ như khi nói về “product” hay sản phẩm thì ta chỉ nhìn bản dịch đó như một văn bản bình thường, tôi sẽ đánh giá cách sử dụng ngôn ngữ như thế nào. Nhưng khi vào “process” thì vai trò của người dịch sẽ được đẩy lên rất rõ vì nó là sản phẩm của sự tư duy, tương tác mà người dịch đã trải nghiệm trong quá trình làm ra sản phẩm đó. Họ phải chịu sức ép nào, họ không phải là người duy nhất làm nên bản dịch, họ phải thảo luận với biên tập viên. Biên tập viên thì lại chịu áp lực từ sếp của biên tập viên. Cũng có thể là các yếu tố kinh tế chính trị xã hội như các bạn đã nói ban đầu. Như vậy sản phẩm dịch ra sẽ thể hiện như thế nào, thậm chí tuổi đời kinh nghiệm của người dịch, những trải nghiệm cá nhân của người dịch cũng sẽ tác động trong quá trình họ dịch. Cuối cùng là về “function”, cái “function” này thì chúng ta có thể cảm nhận được rất rõ. Một bản dịch được đưa ra thị trường hay dở ra sao là do độc giả quyết định. Phê bình có chê như thế nào nhưng độc giả thấy hay thì cuốn đó hay và chắc chắn vẫn bán được. Cái đấy chính là “function”. Hoặc như bạn diễn giả lúc đầu đã nói khi mình nhìn vào một sản phẩm, mình sẽ đoán được ngay ý thức hệ, bức tranh văn hóa xã hội của một đất nước như thế nào. Ví dụ như khảo sát sơ bộ cho thấy miền Bắc thích đọc sách kinh viện hàn lâm nhưng ở miền Nam thì các bạn lại thích sách kinh doanh hơn, vậy những đầu sách được dịch hoặc phân bố cho hai miền sẽ có sự chênh lệch. Hoặc như ngôn tình, có phải liệu có một giai đoạn xã hội Việt Nam đói khát tình yêu hay không, đói khát sự sến súa diễm lệ hay không, mà ngôn tình lại được bật lên? Tất cả những cái đó, ví dụ như tác phẩm dịch của bác Dương Tường hoặc cuốn Bố Già. Có rất nhiều bản dịch cuốn Bố Già nhưng khi nói đến tác phẩm này thì người ta chỉ nhắc đến Ngọc Thứ Lang thôi mặc dù cụ ấy thì phóng tác đến cả vạn dặm thế nhưng vẫn rất được thích. Và nó cũng đã thực hiện được một cái chức năng và phản chiếu xã hội. Khi tôi áp dụng cái đó thì tôi thấy rằng nó okie, tôi không dạy các bạn khung lý thuyết nào để đánh giá hay ngôn ngữ nào để đánh giá mà cố gắng dạy cho mọi người một quan điểm rằng bản dịch rất đa chiều, nó có tính động và không hề tĩnh một chút nào và người đánh giá nó cũng nên như thế. Bản thân người dịch cũng nên như vậy. Tôi cũng xin chia sẻ một chút như vậy về tính tự do cũng như tính sáng tạo trong nghề dịch. Thực ra là do mình có độ mở trong tâm trí của mình hay không.
Nguyễn Nhật Tuấn: Nói về câu chuyện đánh giá bản dịch, chúng ta quay lại hiện tượng văn hóa hồi liên hoan phim khi Lại Văn Sâm được phân công phiên dịch khi Ngô Ngạn Tổ phát biểu. Xét về hành vi ngôn ngữ tức là nền tảng ngôn ngữ của chuyện đó thì ta sẽ có một câu chuyện rất dài về năng lực ngôn ngữ. Nhưng xét trong hoàn cảnh đó, người nói cần thông điệp của mình được truyền tải và ít nhất là để không có một giây phút chết ở trong phòng, thì đó là một người phiên dịch đại tài bởi vì ông ta đã xử lý tình huống rất tốt. Nên nhiều khi làm nghề dịch là nghề làm dâu trăm họ, điều khổ nhất là ta sẽ nhìn nhiều hơn vào bản chất ngôn ngữ và tự hỏi tại sao chúng ta dịch rất nhiều, lượng sách dịch của Việt Nam rất lớn, nhưng quanh đi quẩn lại thì cũng nó tín như thế nào nó nhã ra làm sao. Bức tranh lớn hơn là mỗi dòng sách phục vụ cho nhu cầu gì, nó có tính thời đại ra làm sao thì đôi khi lại là một câu chuyện khá bỏ ngỏ. Chắc là vì thế nên làm về biên dịch vẫn khổ, dịch nói thì sướng hơn.
Khán giả: Có một câu hỏi là tiêu chuẩn tín đạt nhã là tiêu chuẩn của phương Đông hay phương Tây? Nó là một tiêu chuẩn của phương Đông từ Trung Quốc hay là một tiêu chuẩn của phương Tây nhưng để gần gũi hơn với mọi người nên dịch là tín đạt nhã?
Ngô Hà Thu: Tín đạt nhã là của phương Đông, cụ thể là của Nghiêm Phục, và Việt Nam mình gọi vậy cho nó súc tích. Tầm cuối thế kỷ 19 thì mảng nghiên cứu và dịch ở Trung Quốc được chính thống hóa hơn. Quan điểm phương Tây được diễn tả bằng ngôn từ khác nhưng vẫn cho thấy sự tương tự. Nó có tính giao thoa ở đó. Bản dịch cũng cần có tính chính xác, cũng cần có tính sense for sense tức là có tinh thần bản gốc trong bản dịch và thông điệp được truyền tải đúng. Chỉ là cái công cụ về mặt ngôn ngữ thể hiện nó khác. Nhưng về tiêu chuẩn thế nào gọi là tín thế nào gọi là đạt thế nào là nhã thì lại tùy vào cảm nhận mỗi người. Nên theo quan điểm của tôi từ hồi tôi phải đọc thì vẫn chưa có những hệ thống chính xác về mặt tiêu chí nào để đánh giá một bản dịch thế nào là tốt, thế nào là bản dịch đúng. Mạnh nhất thì chỉ có ATA là Hiệp hội Phiên dịch Hoa Kỳ, họ có đưa ra một bảng tiêu chí để xem xét những sản phẩm biên phiên dịch trong hệ thống của họ, được chứng nhận bởi họ ấy. Những cái đó áp dụng được với những văn bản mang tính chất “informative” tức là thiên hướng thông tin và kỹ thuật, nhưng về văn học thì không áp dụng. Với “expressive” thì vẫn chưa có.
Khán giả: Tôi có một câu hỏi là trong bài luận của Williams về người dịch là tác nhân, tức là người dịch đôi lúc làm việc dưới tư cách một cá nhân khi muốn truyền đạt theo tiêu chuẩn tín đạt nhã nhưng khi tác phẩm được xuất bản ra ngoài công chúng thì nó sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của mình. Nó có thể phản ánh văn hóa xã hội theo các chiều khác nhau. Trong phần người dịch là tác nhân ở bài luận có nói tác phẩm dịch có thể tạo nên thay đổi trong xã hội hoặc tác phẩm dịch đó có thể được sử dụng để phục vụ mục đích chính trị nào đó. Rõ nhất là có thể thấy ở Việt Nam, tôi nhớ cách đây mấy năm trên mạng người ta có đưa ra vấn đề về ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết của người Việt ngày càng giống tiếng Anh. Có một số tác giả và dịch giả nêu lên vấn đề đó, họ nói rằng các dịch giả trẻ ngày càng lười hơn và họ chuyển ngữ theo kiểu trực tiếp từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Các độc giả trẻ lại đọc những cuốn sách ấy mặc định rằng ngữ pháp như thế là ngữ pháp tiếng Việt, và nó làm thay đổi luôn cách nói và cách diễn đạt của người Việt. Quay lại vấn đề dịch nên bay đến đâu, nên sáng tạo đến đâu, nên trung thành đến đâu thì nó đưa lại vấn đề chuyển một văn bản thuần Anh thuần Mỹ thành thuần Việt. Làm được điều đó thì sẽ không xảy ra chuyện ngữ pháp tiếng Việt trông giống như tiếng Anh, bởi tôi sẽ dịch theo cách thoát ý hoặc đổi nó theo cách hiểu và cách diễn đạt của người Việt. Liệu lúc đó tôi có đang làm nhiệm vụ dịch và chuyển ngữ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, giới thiệu văn hóa, mở rộng sự hiểu biết và thấu hiểu giữa các nền văn hóa khác nhau không khi tôi làm mất đi bản sắc cá nhân và đặc trưng của tác phẩm gốc, thế thì có ảnh hưởng đến việc tôn trọng sự đa dạng hóa đó không?
Nguyễn Nhật Tuấn: Thực ra tôi hơi cực đoan và có một niềm tin sắt đá rằng nếu bạn là một người dịch giỏi, dù bạn có bay đến đâu thì cái bạn không bao giờ được làm hỏng ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó là chuyện quan trọng nhất.
Tại sao lại có rất nhiều sự trúc trắc diễn ra trong quá trình dịch và nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiếng Việt thì có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất thật ra là tiền dịch rẻ quá nên việc thuê được một người dịch thật sự có tâm với nghề, sống chết với nghề tương đối khó nên đôi khi người ta cần xuất bản một đầu sách, thì người không biết tiếng Anh nhưng viết tốt và dùng google dịch lại vẫn tốt. Việc thuê một người không được đào tạo đầy đủ mà chỉ đơn giản là một người biết tiếng Anh thôi thì đó cũng là một vấn đề rồi. Người ta đọc và hiểu nhưng việc người ta đọc, hiểu, và thể hiện được những gì người ta hiểu một cách có văn hóa đã là hai câu chuyện khác nhau. Đó là câu chuyện người dịch là tác nhân nhưng xin lỗi là nhuận dịch thấp quá nên đành lỗi hẹn.
Yếu tố số hai thực ra là đam mê với nghề sống chết với nghề thì cũng được nhưng nó lại quay về câu chuyện là phải xin lỗi các thầy cô tiếng Anh một tí. Chúng ta sống trong câu chuyện học và thi nên đôi khi ý nghĩa của một câu, mẫu câu đó được viết như thế nào chúng ta được học nhưng ý nghĩa của câu đó, dùng nó ở đâu trong hoàn cảnh nào thì chúng ta lại không được học. Nó giống như là mẹ mua cho mình cái áo rất đẹp nhưng đôi khi phải có thêm một cái thắt lưng thì nó mới tôn lên cái áo. Nhưng mà mình chỉ được mua cho mỗi cái áo có nghĩa là chỉ biết tiếng Anh nhưng không dạy là cái áo đó phải mặc trong dịp nào. Hậu quả là nó trở thành một imprint trong tâm trí người đọc và nó sẽ thể hiện qua việc bạn ấy đọc hiểu như thế nào thì diễn đạt như thế vì đúng là tôi hiểu như vậy không có gì sai. Câu chuyện đó liên quan đến câu chuyện hướng dẫn sử dụng khi dùng thuốc lúc mà học tiếng Anh có vấn đề. Câu chuyện số hai cũng liên quan đến quá trình giảng dạy đó, nó liên quan đến câu chuyện hướng dẫn sử dụng thuốc vì chúng ta có bị một cái bệnh là bệnh sợ grammar translation. Ví dụ đi dạy một câu mà cái gì cũng dịch ra tiếng Việt thì lại sợ mất hết khả năng thẩm thấu ngôn ngữ của học sinh. Nhưng khi đó là giai đoạn hai rồi thì một trong những câu chuyện rất lớn mà học sinh phải làm là đối chiếu giữa ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai, nét đẹp của hai ngôn ngữ đó ở đâu. Tôi phải cắt mất cái đó đi vì tôi sợ người ta nói cô giáo này dạy cái gì cũng phải dịch không nói được 100% tiếng Anh, thầy giáo cũng sợ nên nói okie làm đúng là được, cùng lắm là tôi đọc key cho nhau. Thực ra bức tranh lớn là câu chuyện về làm nghề chưa tới thì nó đi từ đào tạo. Với các thầy cô ở đây, khi học sinh đã ở giai đoạn hai tức là học sinh đã thành thạo tiếng rồi thì mới bước vào giai đoạn dịch thực sự. Đôi khi tôi đi dạy và đứng trong một lớp dịch, thứ duy nhất tôi ước ao trong cuộc đời là có một lò bát quái để thả vào đó bao nhiêu ngày đó để ra được một bản dịch thực sự.
Nguyễn Quyên: Có lẽ cần suy nghĩ thêm về việc dịch giả có vốn tiếng Việt kém vs. việc dịch giả có khả năng lạ hóa ngôn ngữ dịch.
Tôi thì muốn nhìn việc học từ mới và cấu trúc mới từ một góc độ khác. Ngày xưa các cụ nhà mình học được vốn từ vựng tiếng Pháp chuyển sang tiếng Việt. Ví dụ như pê-đan hay gác-ba-ga… Đó là một sự nội địa hóa bằng âm tiếng Việt. Ngoài ra, khi dịch các tác phẩm, đặc biệt là văn chương kinh điển và triết học, thì rất dễ xảy ra việc người dịch sẽ cắt hết những câu dài, nhiều mệnh đề phức tạp thành câu ngắn và đơn giản. Và không chỉ có dịch giả, mà rất nhiều biên tập viên đã thực hiện việc đấy, với lý do bây giờ người ta chỉ đọc được câu ngắn thôi nên yêu cầu các bạn viết câu ngắn ngắn thôi.
Tác động của cấu trúc câu tiếng Anh lên tiếng Việt đối với một người như tôi là tôi đã học được kiểu viết câu nhiều mệnh đề kể từ khi đi học dịch. Tôi đang nói về việc ngôn ngữ như một sinh ngữ. Tôi nghĩ phải nhìn vào những đòi hỏi tiếng Việt phải trong sáng như các cụ ngày xưa bằng một con mắt nghi ngại nhất định vì ngôn ngữ luôn luôn vận động, luôn luôn có từ mới và luôn luôn có cấu trúc mới. Đó là chưa kể đến việc sự sáng tạo trong văn dịch gặp phải nhiều sự phản đối hơn sự sáng tạo trong văn viết.
Thực ra ngôn ngữ có một cái rất là hiểm là nói một hồi sẽ thành quen. Ban đầu nghe thì rất chướng tai nhưng đến khi cả trăm cả nghìn người nói mãi cái từ hoặc cái cấu trúc như thế thì đến một lúc nào đó cái đó sẽ trở thành cấu trúc của tiếng Việt. Tôi chỉ góp một ý là luôn luôn phải có một độ mở nhất định đối với hiện tượng ngoại lai, lạ hóa trong ngôn ngữ, và đó là việc hoàn toàn tự nhiên thôi. Tiếng Việt và những tiếng khác đều phát triển theo hướng đó.
Nguyễn Nhật Tuấn: Tôi đồng ý ngôn ngữ mang tính organic, có một độ sản sinh nhất định và nó là một hệ thống mở. Nó luôn đón nhận những cái mới. Thực ra nếu chúng ta đọc văn kiện đại hội Đảng thì có khi cả một đoạn văn dài chỉ là một câu được nối với nhau bằng dấu phẩy. Tôi hơi phản đối ý kiến trong tiếng Việt không có câu dài. Tôi nghĩ là tiếng Việt vẫn có câu dài và chúng ta nói chuyện về việc như thế nào là tiếng Việt trong sáng thì có lẽ chúng ta phải tách ra thành hai từ là tiếng Việt trong và tiếng Việt sáng. Sáng là sáng ở mặt nghĩa để làm sao cho người ta đọc không có cảm giác cuộc đời nó hơi tắt đèn. Trong có nghĩa là tiếng Việt có độ ngân vang, nó đặt trong hình ảnh với nhau, tính tượng thanh và tượng hình rất đẹp. Nên sự trong sáng của tiếng Việt theo quan điểm của tôi không phải là một thứ gì đó thuần Việt không chấp nhận một cái mới, không mở ra cái gì mới. Mọi điều mới mẻ đều được chấp nhận giống như câu chuyện về gu thời trang nhưng nó phải đảm bảo được về tính thẩm mỹ. Còn nếu không thể nào viết ra được một câu xán lạn thì câu mà người dịch viết ra rồi coi là văn học đó thực sự là một câu phản ngôn ngữ nhất. Tôi có tỉnh ra thì vẫn coi đó là một câu tiếng Việt không trong sáng bởi vì nghĩa nó không sáng lên được thì nó là thất bại của dịch thuật mất rồi.
Khán giả (trên Zoom): Những vấn đề bất khả dịch nên được xử lý như thế nào?
Nguyễn Nhật Tuấn: Thực ra kể cả trong dịch nói và dịch viết thì vẫn luôn tồn tại vùng bất khả dịch. Tên món ăn là một dạng bất khả dịch. Làm sao mà chúng ta dịch được pizza sang tiếng Việt. Bánh nhồi tròn nướng? Không được phải không? Bất khả dịch ở đây thì chúng ta phải xem là bất khả dịch dạng nào nữa. Tình yêu nhiều khi còn bất khả kháng nữa, tức là vì yêu mà đâm đầu thì lo gì câu chuyện bất khả dịch. Bất khả dịch là thời điểm mà biên độ sáng tạo của người dịch trở nên lớn nhất. Biên độ sáng tạo trong bất khả dịch nằm trong khoảng nào? Đó là một khái niệm mới không hề tồn tại thì lúc đó người dịch đóng vai trò như một Wikipedia, tức là có thể để nguyên khái niệm nhưng có thêm một phần giải thích để người ta hiểu. Đó là lý do mà chúng ta có thêm rất nhiều từ như pê-đan, gác-ba-ga chứ Việt Nam làm sao mà sáng tạo ra được cái xe đạp ngày xưa. Nếu được thì những từ đấy sẽ không được gọi là pê-đan hay gác-ba-ga đâu. Tính mở trong ngôn ngữ nằm chỗ đó. Bất khả dịch nhiều khi chỉ là một hiện tượng văn hóa không tồn tại trong nền văn hóa khác, thì nó cũng là một dạng bất khả dịch.
Thậm chí một hệ tư tưởng ở phần A, B, C nào đó mà không tồn tại thuật ngữ/khái niệm thì tất cả những phần đó đòi hỏi người dịch phải đào sâu và trong quá trình đào sâu đó mới sử dụng kỹ thuật của dịch để đưa ra khái niệm và thêm một số từ để giải thích, trong giới hạn cho phép để người ta hiểu khái niệm này có nghĩa là gì. Ví dụ chúng ta đã từng nghĩ rằng những người ở Tổ chức Cứu trợ Thụy Điển là những người bị SIDA. Đó cũng là một câu chuyện khi người ta hiểu rằng có một tổ chức cứu trợ và một bệnh suy giảm miễn dịch nó cùng tên như vậy.
Quá trình dịch thuật cũng là một quá trình tương tác như thế nào để giải quyết nên đương nhiên là sẽ có những vùng không thể nào dịch được. Nên vùng bất khả dịch chính là vùng sáng tạo dựa trên năng lực ngôn ngữ và quan trọng hơn là độ sâu kiến thức của người dịch. Các cụ đã Việt hóa rất nhiều tên món ăn và tên nhiều bộ phận, ngôn ngữ của chúng ta mở để đón nhận cái ấy. Nên không có chuyện là không dịch được mà chỉ là chuyện làm cho một khái niệm đáng ra là khó hiểu trở nên dễ hiểu.
Nguyễn Quyên: Cảm ơn Tuấn và mọi người đã đến tham dự và trao đổi rất sôi nổi trong hôm nay.
Người góp chữ
Nguyễn Quyên
Nguyễn Quyên là đồng sáng lập và chủ biên tạp chí Zzz Review, một tạp chí phê bình văn học online phi lợi nhuận ở Việt Nam, và là biên tập viên cho Việt Nam ở tạp chí văn học Asymptote Journal. Bà tốt nghiệp cử nhân văn chương ở đại học Quốc Gia, Hà Nội vào năm 2006. Bà lấy bằng tiến sĩ văn chương Anh ngữ ở đại học Nanyang Technological University ở Singapore với luận án về James Joyce. Lĩnh vực nghiên cứu mà bà quan tâm bao gồm lý thuyết văn học, James Joyce, văn học Ireland, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại, dịch thuật học, và văn chương đương đại. Các công trình nghiên cứu của bà đã được in trong sách do nhà xuất bản Palgrave Macmillan xuất bản. Bà cũng là dịch giả Anh-Việt có hơn 14 năm kinh nghiệm; các bản dịch đã xuất bản của bà bao gồm, Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình của Raymond Carver (dịch chung), Chuộc tội của Ian McEwan, Middlesexcủa Jeffrey Eugenides.
Nguyễn Nhật Tuấn
Nguyễn Nhật Tuấn là tiến sĩ ngành Ngôn ngữ và dịch thuật, tốt nghiệp trường, Ireland, hiện là giảng viên ở Đại học Hà Nội.
Ngô Hà Thu
Ngô Hà Thutừng giảng dạy ở bộ môn Biên - Phiên dịch, khoa SPTA, ĐHNN, ĐHQGHN; đã, đang và chắc sẽ vẫn làm biên phiên dịch tự do.
Leave a Reply