Ai thừa nhận anh là dịch giả?: 20 năm dịch thuật đầu thế kỷ 21

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 32 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

The problems of carrying out research on past translators and past translations should, by rights, constitute a fairly obscure topic, of interest to no more than the occasional graduate student. (Method in Translation History, Anthony Pym)

 

Modiano who? hay văn học dịch trăm hoa đua nở

Mỗi độ mùa Nobel về, độc giả nhà phê bình ngã ngửa vì bị hội đồng chơi chả biết khăm không một vố với một cái tên rạch giời rơi xuống thì ít, mà nhân sự vụ í báo chí hay một số cá nhân khỏe tinh thần tự nhục quốc thể á nhầm văn đàn thể lại ca bài ối cha thế mới biết ta vẫn còn kém thế giới nhiều quá, những tên tuổi to như ri mà hiếm người biết, mối nhục vì kém hiểu biết này quăng như một tấm lưới ôm trọn bọn nhà Z năm nào cũng săn Nobel để rồi ngậm đắng nuốt cay nhất vào năm nay khi đệ của Ngũgĩ wa Thiong’o được giải.

Gì chứ riêng mối hận bị coi là kém hiểu biết mang xuống tuyền đài chưa tan này, Việt Nam lại được sánh vai cùng năm châu, oách nhất là đế quốc Mỹ. 2014, cả giới phê bình Huê Kỳ ố á khi cái tên Patrick Modiano vang vang trong buổi lai chim công bố giải thường: bớ anh chị em làng nước những dũng sĩ của sự đọc ôi, Modiano who?[1]. Quả Who ai oán này chả phải déjà vu gì, hơn chục năm trước, bọn tư bản Mỹ này cũng bị lật nhào mà rú lên thất thanh khi Imre Kertesz who được trao Nobel vào 2003[2].

Của đáng tội, in tuyền Nobel mà bán đâu 3 nghìn bản thì ai làm làm gì, phỏng? Cuốn tương đối thành công của Kertesz, Không số phận do NXB Đại học Northwestern in, sương sương đâu 3,500 bản. Nobel 2021 Abdulrazak Gurnah, người mà tôi lại phải phất cờ nhục mà tự thú rằng đã đọc và học tác phẩm của ông trong khóa Poco Lit để rồi 9 năm sau nghe tên ông thì hiện nguyên hình là một bà đẻ mất trí nhớ, dẫu được sự lăng xê không mệt mỏi của biên tập viên văn các mẹ ơi văn của ảnh hay lắm, please chú ý, thì dẫu đã in chục cuốn, tổng số bán được ở thị trường Mỹ đâu cũng 3,000 bản. Ôi cái con số ám ảnh chết tiệt, những tưởng với anh cà phê tuổi trẻ lạc lối quằn quại căn cước sến rện sẽ khá khẩm hơn, nhưng thực tế thì vào thời điểm anh được Nobel, hơn 30 đầu sách có lẻ của anh in đâu vài đầu ở Mẽo, và nhà Godine ở Boston in 2 cuốn của anh cộng thêm 1 cuốn thiếu nhi, mà tổng cộng bán ít hơn 8,000 bản. Bà con thấy đấy, Mỹ thì cũng thế mà thôi.

Nếu ta biết có cả một trang web tên 3% do Chad Post lập nên dưới sự bảo trợ của đại học Rochester chuyên cho văn học dịch mà cái tên ấy có được là vì hằng năm chỉ có chừng 3% số sách xuất bản ở thị trường Mỹ là văn học dịch, nếu ta biết 3% ấy thực ra là gồm cả tài liệu kỹ thuật và in lại văn học kinh điển, chứ còn thơ ca tiểu thuyết in mới chỉ chiếm 0.7 %[3], thì việc Hả, Ai đấy, là việc hiển nhiên, oan thị mầu cái gì nữa mà kêu, và việc báo chí và giới dịch giả, phê bình kêu gào sao dân Mỹ không đọc văn học dịch í nhỉ, những cái tít ấy cứ giật đi giật lại suốt 20 năm qua.

Lại phải Gì chứ, riêng khoản văn học dịch thì ta ăn đứt Huê Kỳ rồi, tinh thần tự sướng dân tộc xin được vẫy nhiệt liệt ở hạng mục này. Modiano lúc được xướng tên ta lại chả đã có mấy cuốn được dịch. Năm nào chả như năm nào bà con háo hức chờ Nobel như chờ mẹ đi chợ về, Peter Handke 2019 kia lại chả trong một đêm tối trời ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình mà không ai đoái hoài dù sách mỏng dính, bởi của đáng tội bản dịch đọc không ai hiểu gì lại còn bị cắt ngoéo đi 1/3 so với bản gốc.

Quả lai chim nhỏ nhoi mà tôi nhắc ở trên kia, một thứ có thể nhiều người coi là nghiễm nhiên trong cái thời đại này, thì có lẽ cần phải gợi nhắc nó là chuyện impossible 20 năm trước. Internet đã đến từng nhà, thăm các cụ già cho nghe tin giả trên utube, dắt các em thơ leo tiktok, cái cụm thời đại công nghệ thông tin chắc ai cũng đã nghe đến mòn cả tai. Khi triệu triệu con em xài zalo, khi ngàn ngàn nữ thi sĩ và nam thi sĩ úp thơ con cóc mỗi ngày lên status của facebook vịnh hoa sen vịnh cái liễn vịnh covid vịnh cả cách ly, khi quẹt phải hay quẹt trái ấy nhỉ cho mỗi tinder user ưng cái nư này, khi không có người phụ nữ xấu chỉ cỏ người phụ nữ không biết dùng app hay instagram, khi trà đá vỉa hè cũng đã miễn phí wifi, chúng ta hiểu giờ đây cai nghiện lướt còn khó hơn cai thuốc lào, và chúng ta cũng hiểu văn chương thế giới phàm có trên mobilism với libgen thì không thoát khỏi tay bà.

Tuổi thanh niên sôi nổi thành tích bất hảo từng đốt cháy dãy dial up của điện thoại nhà cắm modem vào mạng khiến đường dây bận cả ngày làm tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhìn lại 20 năm qua mà mắt không lác xệch vì ngưỡng mộ và choáng váng vì công nghệ. Mới ngày nào đầu cấp 3 chúng tôi còn gọi điện thoại bàn cho nhau, để xin phép được gặp nhau, để nghe sự cục cằn của phụ huynh đầu dây bên kia, để hỏi nhau đã làm bài tập làm văn chưa, tết còn viết thiếp tay chúc mừng, để rồi chuyển sang You’ve got mail, để rồi đăng nhập vào forum chửi bới những nickname theo cả đến khi có mấy đứa con, để rồi rạng rỡ trong vòng tay của Yahoo Messenger khi ai đó available, để rồi stalk không tha một mạng nào trên Blog360, để rồi biến Facebook từ chỗ chơi quiz là chính thành nơi căng phông kẻ bạt không ngừng nghỉ của ngày nay. Ôi những cuộc chat thâu đêm suốt sáng không bao giờ có khái niệm chào nhau đi ngủ, mà chỉ còn là một trận nói miên viễn kế từ ngày nọ sang ngày nọ, vắt từ câu chuyện đi ẻ không ra tới bàn chuyện Trump. Ôi những đứa trẻ sợ hãi khi phải nghe điện thoại lẫn trả lời email, mà chỉ mong mọi thứ đều được chuyển tải dưới dạng tin nhắn để có thể seen khi cần thiết.

Một trận thương nhớ ơ hờ trong quán cà phê net của tuổi trẻ lạc lối đã dẫn tôi sang bức tranh trăm hoa đua nở của sách văn học dịch trong quãng 20 năm qua. Văn hóa chuyển từ hiện đại sang hậu hiện đại là ở những trải nghiệm mới trong không gian và thời gian khi những khoảng cách bị biến mất. Như cụ David Harvey bản đồ gia bảo rằng đó gọi là sự co ép thời-không gian, nơi không gian teo lại còn thời gian thì ngắn lại. Qua rồi cái thời Joyce viết Chân dung chàng nghệ sĩ thời trẻ hồi 1916 đến tận hơn nửa thế kỷ sau mới có bản dịch tiếng Việt ở miền Nam. Toàn cầu hóa, internet khiến mọi thứ cảm giác như phẳng dẹt ra, và ngoại lai xâm lấn từ mọi phía. Sách văn học dịch được xuất bản nhanh với tốc độ chóng mặt là nhờ thế. Chỉ cần không quá khó như Ulysses, chỉ cần không quá dày như Der Mann ohne Eigenschaften, chỉ cần hoặc có giải thưởng Booker, Goncourt, Pulitzer, Nobel, Orange, Newbery…, hoặc bán chạy ở bển, hoặc tác giả tên tuổi, hoặc tác phẩm nào đấy của cùng tác giả, cùng style viết, đã từng tôm tươi ở ta, thì chẳng chóng chầy, ở ta sẽ có bản dịch tiếng Việt. Năm 2006, Orhan Pamuk được Nobel, 2007 đã có luôn Tên tôi là Đỏ, Tuyết, và Pháo đài trắng, tương tự năm 2003 J. M. Coetzee được, thì 2004 và 2005 ta lần lượt có Tuổi sắt đá, Cuộc sống/đời và thời đại của Michael K, Giữa miền đất ấy. Cứ xem list top 10 văn học dịch những năm qua của nhà Z thì hiểu, không cần mưa móc ơn trên hay ơn dưới, thị trường sách cứ thế bùm bùm nấm mọc.

Từ lúc ngỡ ngàng vì tủ sách Đông Tây Tác phẩm, với những chiếc bìa đồng bộ một màu xanh xanh vàng vàng tiêm tiếm những Kundera, những Coelho, những truyện dịch Đông Tây 6 quyển chiếc bìa bóng bóng in tạp nham đủ đầy những bậc văn tài thế giới như thể tóm gọn hơi thở văn chương đương đại Cao Hành Kiện Italo Calvino Umberto Eco Haruki Murakami Stephen King Raymond Carver Ha Jin Salman Rushdie Nadine Gordimer mà phần lớn là gom lấy gom để một cách tùy hứng và tạp nham ở khắp mọi nơi rồi in đến người dịch cũng không biết mình có truyện được in và hẳn nhiên không sách biếu không nhuận bút từ cái thuở pre công ước Berne, tới Nhã Nam của một thời Cuộc đời của Pi, Mặt trời nhà Scorta, Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa. Phải nhìn cái bước vận động từ thời làm vệ tinh xoay quanh Soviet Union và sự nhập khẩu đồ sộ rầm rộ văn chương của các nước xã hội chủ nghĩa tới nỗi trên bờ môi ai ai cũng Ruồi trâu, ai ai cũng Thép đã tôi thế đấy, ai ai cũng nói về văn học Nga như thể văn học đẻ, đến thời hậu Đổi mới một chút manh nha vén màn tinh hoa thế giới nhỏ giọt cho đồng bào cả nước nhờ những đầu nậu sách mà Sidney Sheldon lẫn Bay trên tổ chim cúc cu đều cùng một style bìa mặt diễn viên trương thẳng lên bìa xanh đỏ tím vàng thì ta mới thấy cái thế giới văn học dịch của quãng 20 năm qua là nơi thời thế tạo anh hùng, hay ăn cắp ngôn ngữ phim chưởng tầu mà rằng cứ tháng lần lại có đại hội anh hùng võ lâm. Văn học nước ngoài tràn vào như nước sông Đà, Marc Levy, Guillaume Musso, Anna Gavalda, Amélie Nothomb từ Pháp; Yoshimoto Banana, Murakami Haruki và Ryu, Ogawa Yoko, và Yamada Amy từ Nhật; Dan Brown, James Patterson, và Stephenie Meyer từ Mỹ, từ hậu hiện đại Don DeLillo đến lãng mạn thị trường Nora Roberts và Nicholas Sparks. Mà đây chỉ là những tên tuổi đình đám trong quãng 10 năm đầu của thế kỷ 21 đấy. Quãng 10 năm sau độc giả đã kịp bơi lóp ngóp trong một loạt sóng mới, của ngôn tình, của Jeffrey Archer, Higashino Keigo, của nhà giả kim được con mèo dạy tập bay, của những giấc mơ ở tiệm tạp hóa, của Hóa thân sánh vai cùng Bắt trẻ đồng xanh. 2005 Kiêu hãnh và định kiến chỉ có 1 bản dịch duy nhất của Diệp Minh Tâm, thì 15 năm sau đã kịp nảy thêm 2 bản dịch, Virginia Woolf dẫu ế tận cùng thiên hà cũng kịp có gần như đầy đủ các đầu sách, còn Kafka thì thành hotboy của những tâm hồn cô đơn dễ tổn thương. 20 năm đã sản sinh ra nguyên một bộ những cuốn sách đầy đủ cho course về chủ nghĩa hiện đại Fitzgerald, Joyce, Woolf, Proust, Kafka, Faulkner nếu ai có ý định dạy, một điều là bất khả cho quãng thời gian trước. 20 năm cũng góp đủ tư liệu để ai muốn dạy văn chương đương đại với David Mitchell, Vladimir Nabokov, Kazuo Ishiguro, Ian McEwan, Martin Amis, Julian Barnes, Thomas Pynchon, Saul Bellow…

Ai rồi cũng loạn, thị trường tràn ngập đầy ứ như ông 90 tuổi muốn trèo qua cửa sổ mà có thể giật tít trùm hết lên mọi hiện tượng rằng: Không để cho … thoát. Có thể điền gì vào dấu … ấy, Coelho? Khaled Hosseini? André Aciman? Lucy Maud Montgomery? Jonas Jonasson? Tinh hoa cũng không tha, nói cho hài hước vậy thôi, nhưng đáng mừng là nhiều tên tuổi khó đọc lẫy lừng cũng được khai thác, con dân đọc sách ngợi ca rầm rĩ khi thánh chửi Thomas Bernhard xuất chưởng tằng tằng 2 quyển không xuống dòng ở ta, khi Roberto Bolano 2666 cũng ra mắt giới võ lâm dù rằng mới xong anh bị đem bán hạ giá 50%, cả Joyce Chân dung nghệ sĩ có đến 3 bản dịch mới, cả Thomas Mann với Núi thầnFelix Krull, đấy còn chưa kể những tủ Nobel tác giả nào cũng có khả năng đều bị đè nghiến ra in bìa da bán 300tr cuốn mạ vàng rắc muối, thêm cả mợ Atwood 2 Booker ế sưng sỉa gia nhập câu lạc bộ cùng mợ Byatt 1 Booker. Nhìn ngang nhìn dọc, liếc trái liếc phải, hoa mắt chóng mặt, là độc giả của thời nay khi đứng trước vô vàn lựa chọn các đầu sách văn học dịch.

Trong khi Mỹ ngáp với tiểu thuyết nước ngoài, bởi cái sự thật đắng cay chua chát rằng, “Chúng tôi đơn giản là không quan tâm gì tới Lào, nhưng dân ở đó thì lại quá muốn hoặc phải quan tâm tới Mỹ.” Ta có thể viết cả một luận văn tiến sũy dùng lý thuyết đa hệ thống của Itamar Even-Zohar để giải thích cho sự lên ngôi của văn học dịch, mà tóm váy lại thì đơn giản là sự suy yếu của văn học trong nước trước sự xâm lấn vũ bão của văn chương ngoại lai, được sự tiếp tay của toàn cầu hóa mà kẻ đánh thuê đi rinh chuông nước ngoài về uýnh ở nước nhà chính là các đầu nậu sách tìm thấy môi trường béo bở đầy những nhu cầu thưởng thức mới của một lớp độc giả mới. Còn ai muốn đắm chìm trong những chuyện thường ngày ở huyện nữa cơ chứ, trong khi có thể đánh đu từ phía đông vườn địa đàng rồi tới lãng du một mình ở berlin hay vạ vật trong tiệm sách nhỏ ở paris, hay đơn thuần là bóc quả cam ngọt lúc tàn ngày để lại ở rừng nauy trước khi tới trung quốc ngụp lặn trong danh gia cổ vật hoặc dở khóc dở cười ở châu phi nghìn trùng, rồi đi tìm lời hứa lúc bình minh đã mất khi đương hoa vì đẹp là một nỗi đau về căn cước lưỡng giới nên đành tìm đọc kafka bên bờ biển. (xin một tràng pháo tay cho quả product placement kiều diễm này.)

Sau đây là list 50 cuốn văn học dịch mà theo cá nhân tôi là vừa xuất sắc về nội dung vừa ngon lành về chất lượng dịch [sau khi tiếp nhận phản hồi, tôi xin biên tập gạch đoạn trước đi, mà chỉ còn] 50 cuốn sách định hình khuôn mặt văn học dịch 20 năm qua [và bổ sung: danh sách xếp theo thứ tự alphabet]

1          2666 – Roberto Bolaño – Trần Tiễn Cao Đăng – Quân Khuê dịch (Nhã Nam thư quán đang giảm giá 50%)

2          Bản đồ mây – David Mitchell – Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

3          Bẫy-22 – Joseph Heller – Lạc Khánh Nguyên dịch

4          Bên phía nhà Swann – Marcel Proust – Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào dịch

5          Biển – John Banville – Trịnh Lữ dịch

6          Biên niên ký chim vặn dây cót – Haruki Murakami – Trần Tiễn Cao Đăng dịch

7          Biến thể – Ovide – Quế Sơn dịch

8          Bộ ba tử tước trên cây/chẻ đôi – Italo Calvino – Vũ Ngọc Thăng dịch

9          Bút ký từ nhà chết – F. M. Dostoievski – Võ Minh Phú dịch

10        Cái trống thiếc – Günter Grass – Dương Tường dịch

11        Căn phòng của Giovanni – James Baldwin – Duy Đoàn dịch

12        Chết chịu – Louis-Ferdinand Céline – Dương Tường dịch

13        Chết ở Venice – Thomas Mann – Nguyễn Hồng Vân dịch

14        Chúa tể những chiếc Nhẫn – J. R. R. Tolkien – Nguyễn Thị Thu Yến, Đặng Trần Việt, Tâm Thủy, An Lý dịch

15        Chuyện ở nông trại – George Orwell – An Lý dịch

16        Có được là người – Primo Levi – Trần Hồng Hạnh dịch

17        Cuộc đời của Pi – Yann Martel – Trịnh Lữ dịch

18        Đời nhẹ khôn kham – Milan Kundera – Trịnh Y Thư dịch

19        Đốn hạ – Thomas Bernhard – Hoàng Đăng Lãnh dịch

20        Effi Briest – Theodor Fontane – Nguyễn Ngọc Sương dịch

21        Faust – Johann Wolfgang Goethe – Quang Chiến dịch

22        Hội hè miên man – Ernest Hemingway – Phan Triều Hải dịch

23        Istanbul – Orhan Pamuk – Nguyễn Quốc Trụ dịch

24        Khi loài vật lên ngôi – Karel Capek – Đăng Thư dịch

25        Ký ức lạc loài – W. G. Sebald – Đăng Thư dịch

26        Lâu đài – Fraz Kafka – Lê Chu Cầu dịch

27        Linh Sơn – Cao Hành Kiện – Trần Đĩnh dịch

28        Lolita – Vladimir Nabokov – Dương Tường dịch

29        Lưỡng giới – Jeffrey Eugenides – Zét Nguyễn dịch

30        Máu lạnh – Truman Capote – Trần Đĩnh dịch

31        Một ngày của Ivan Denisovich – Aleksandr Solzhenitsyn – Đào Tuấn Ảnh dịch

32        Mù lòa – Jose Saramago – Phạm Văn dịch

33        Nếu một đêm đông có người lữ khách – Italo Calvino – Trần Tiễn Cao Đăng dịch

34        Ngàn cánh hạc – Kawabata Yasunari – An Nhiên dịch

35        Những đứa con của nửa đêm  – Salman Rushdie – Nham Hoa dịch

36        Những nhân chứng cuối cùng: Solo cho giọng trẻ em – Svetlana Alexievich – Phan Xuân Loan dịch

37        Núi thần – Thomas Mann – Nguyễn Hồng Vân dịch

38        Sống để kể lại – Gabriel Garcia Marquez – Lê Xuân Quỳnh dịch

39        Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới – Jaroslav Hašek – Bình Slavická dịch

40        Tàn ngày để lại – Kazuo Ishiguro – Nguyễn An Lý dịch

41        Tay sát thủ mù – Margaret Atwood – Nguyễn An Lý dịch

42        Tên của đóa hồng – Umberto Eco – Lê Chu Cầu dịch

43        Thất lạc cõi người – Dazai Osamu – Hoàng Long dịch

44        Tôi là con mèo – Natsume Soseki – Bùi Thị Loan dịch

45        Trốn chạy – Alice Munro – Trần Thị Hương Lan dịch

46        Từ điển Khazar – Milorad Pavić – Trần Tiễn Cao Đăng dịch

47        V. – Thomas Pynchon – Thanh Trúc dịch

48        Vết nhơ của người – Philip Roth – Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch

49        Vụ án – Franz Kafka – Lê Chu Cầu dịch

50        Yêu dấu – Toni Morrison – Thiên Nga dịch

Len cạnh nghề ăn bám hay nỗi buồn dịch giả

Trong huyền thoại kể lại chuyện Joseph Brodsky, người đã chửi Milan Kundera một bài sml vì tội dám hất nước bẩn vào senpai Dos của ông, phải ra tòa vì tội ăn bám rồi sau này lưu truyền trong dạng samizdat, Brodsky bị hỏi:

Tòa: Thế nói chung nghề chuyên môn của anh là gì?

Brodsky: Nhà thơ, nhà thơ-dịch giả.

Tòa: Ai thừa nhận anh là nhà thơ? Ai xếp anh vào hàng ngũ các nhà thơ?

Brodsky: Không ai cả. Thế ai xếp tôi vào giống người?

Đọc truyện này mà tôi thở phào nhẹ nhõm vì may mắn thế nào tòa lại bỏ sót không hỏi “Ai thừa nhận anh là dịch giả? Ai xếp anh vào hàng ngũ các dịch giả?”, vì trót dại dịch vài ba cuốn sách, khi cần phông bạt tôi vẫn tự nhận mình là dịch giả có nhiều năm kinh nghiệm mà không ngượng mồm. Dẫu với công chúng nhớ được tên tác giả tác phẩm đã là đáng quý, cái dòng người dịch mà còn nhớ được nữa thì ắt (i) người ít nhiều liên quan tới cái công việc chữ nghĩa (ii) lượn lờ các group đọc sách hơi nhiều nghe các đồng đạo lăng xê vài cá nhân (iii) làn sóng phê bình bản dịch được đại chúng hóa đã lan tới cửa nhà.

Ở ta, nhiều người (dịch) bảo rằng ông trăm năm cô đơn bảo rằng: dịch giả là con khỉ của nhà văn[4]. Quá oan thị kính. Ông Garcia Marquez chưa bao giờ bảo thế. Ông biết ơn các dịch giả vô ngần: “Họ đầy trực giác, chứ không phải kiểu trí thức. Không chỉ các nhà xuất bản trả họ vô cùng rẻ mạt, mà họ còn không được thấy sản phẩm của mình được coi là sáng tạo văn chương.”[5] Các bạn Tây lông thậm chí còn nổ, rằng Garcia Marquez khen bản dịch tiếng Anh Trăm năm cô đơn của Gregory Rabassa còn hay hơn bản gốc.[6] Nhà văn, trừ Milan Kundera ml ra, thì chắc nói chung đều biết ơn dịch giả của mình.

Thế ông nào lôi con khỉ vào cái trò so sánh rất không hay hớm này? Có một ông ở Phớp, tên Francois Mauriac, nghe đồn Nobel năm 1952, có vẻ chuộng khỉ, quát: tiểu thuyết gia là con khỉ của Chúa. Chỉ vì ông này đầu têu để rồi một ông dịch giả (biết ngay!) rên rỉ, như đáng phải thế, họ tên đầy đủ: Maurice-Edgar Coindreau, và voila ta có cái câu vừa khỉ vừa hãm.

Trước hết, dịch giả là người không có quyền gì, chỉ có nghĩa vụ. Anh ta phải thể hiện sự trung thành với tác giả như một con chó, nhưng là một loại chó đặc biệt cư xử như con khỉ. Nếu tôi không nhầm, Mauriac [nhà văn Pháp] viết: “Tiểu thuyết gia là con khỉ của Chúa”. Chà, dịch giả là con khỉ của tiểu thuyết gia. Anh ta buộc phải làm đủ các kiểu mặt, thích hay không thích.”[7]

Khỉ hay không khỉ, phản hay không phản, tín-đạt-nhã hay không tín-đạt-nhã, 20 năm qua có thể nói là thời hoàng kim của dịch giả Việt Nam, xét về mặt danh tiếng, hay nói chữ cho sang là xét về sự hữu hình.

Cầm một cuốn sách dịch bất kỳ trong khoảng 5 năm trở lại đây, cho chắc ăn, độc giả sẽ thấy một dòng vô cùng khiêm nhường mà đẹp đẽ mà lừng lẫy ngay trên bìa 1, có thể là: Người dịch: hoặc Dịch giả:. Rất nhiều người ngày nay ở đông lào ta coi chuyện tên dịch giả xuất hiện trên bìa là nghiễm nhiên, nhưng đâu phải thế, nào đâu phải thế, máu và nước mắt hết cả đấy.

Nói đâu xa, ngay ở bển, và cũng nói đâu xa, mới 30 tháng 9 năm nay, vào ngày dịch thuật Quốc tế, Hiệp hội tác giả The Society of Authors đã lập chiến dịch #TranslatorsOnTheCover, kêu gọi tác giả yêu cầu NXB của mình phải cho tên dịch giả dịch tác phẩm của mình lên bìa. Thư kêu gọi mùi mẫn lắm các mẹ ơi, đại khái như ri, Chúng ta đã xài xể dịch giả quá lâu rồi hỡi anh chị em ây. Nhờ có dịch giả mà chúng ta mới tiếp cận được văn học thế giới quá khứ và hiện tại. Người dịch là máu quyết giúp cả văn đờn lẫn ngành sách sống khỏe được. Họ nên được công nhận tử tế, được ca tụng, và tưởng thưởng. Bước đầu tiên làm chuyện này quá là hiển nhiên đi nè. Kể từ bây giờ trở đi chúng ta sẽ đòi, trong hợp đồng lẫn trong giao thiệp, nhà xuất bản của chúng ta đảm bảo cứ khi nào tác phẩm của ta được dịch thì tên người dịch phải xuất hiện trên bìa.[8] Lá thư được Jennifer Croft người dịch Olga Tokarczuk ra tiếng Anh và Mark Haddon tác giả của Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm thảo, tới thời điểm tôi đang viết những dòng này đã có 2,544 người ký.

Nhưng bọn NXB chúng nó vẫn hem làm à nha. Từ cái thuở PEN America thảo hợp đồng mẫu hướng dẫn dịch giả tranh đấu cho tên lên bìa cho tới nay là hơn hai chục năm có lẻ, thì dịch giả ở bển vẫn vật vã để được người khác công nhận (xem thêm bài Thân phận dịch giả hay tuyệt vời của chúng tôi.)

Còn ở ta, trước 75 hay sau 75, trước đổi mới hay hậu đổi mới, trước Berne hay sau Berne dĩ nhiên trước năm x tôi xin tiết lộ ở ngay đoạn dưới, dịch giả chưa bao giờ được luật bảo hộ chính thức quyền lên bìa [tôi đã biên tập lại chỗ này cho chặt chẽ]. Thỉnh thoảng, đó đây, tự phát, đầy ngẫu nhiên, một dịch giả nào đó may mắn được lồ lộ. Nếu phải chọn một năm làm mốc cho đề tài khảo cổ học vai trò của dịch giả trong lịch sử dịch thuật Việt Nam, tôi xin chọn năm 2006. Đó là năm Biển của John Banville bản dịch của Trịnh Lữ ra đời. Đó cũng là năm Tham vọng bá quyền của Noam Chomsky bản dịch của Trịnh Lữ ra đời. Trịnh Lữ, người đã đi trước thời đại và phải 6 năm sau thời đại mới bắt kịp Trịnh Lữ, người đã dịch Sổ tay dịch giả của PEN America ra tiếng Việt cũng đúng vào 2006[9] vì “tin rằng tài liệu ấy sẽ giúp cho mọi người có những quan niệm đúng đắn hơn về dịch văn học, và có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện các quan niệm ấy trong thực tế hợp đồng giữa dịch giả và người làm xuất bản”[10], đã yêu cầu để tên mình được xuất hiện trên bìa, với tỉ lệ 75% size của tên tác giả, đúng như Hợp đồng mẫu mà PEN đề xuất cho các dịch giả khi thương thảo với các NXB. Nhã Nam đã cho phép một trường hợp ngoại lệ duy nhất này, nhưng rồi lại trở thành nơi lạc hậu không cho tên dịch giả lên bìa cho mãi đến chục năm sau, dẫu đã có một sự kiện khủng khiếp liên quan đến tên dịch giả vào 2012 mà tôi sẽ nói tới ngay sau đây. NXB Tri Thức, một nơi khai phóng, đã ngay lập tức sử dụng việc cho tên dịch giả lên bìa để ghi nhận công trạng của dịch giả. Đáng một ghi chú ở đây là phản ứng lại sự việc này là dịch giả của Những kẻ thiện tâm đã lên báo phê phán một cách gay gắt rằng: “Khi một dịch giả muốn để tên mình ngoài bìa sách cùng tên tác giả, thì hoặc là họ rất ít hiểu thật ra họ đang làm công việc gì, hoặc quan điểm về dịch thuật của họ hoàn toàn khác tôi, hoặc nữa là họ đã chọn nhầm nghề. Tốt hơn hết là họ nên cầm lấy bút và viết ra những tác phẩm của chính mình.”

Năm 2007 có Hoàn cảnh hậu hiện đại do Ngân Xuyên dịch, với Súng, Vi trùng, và Thép do Trần Tiễn Cao Đăng dịch… (Mà vừa xong Súng lại được nhận giải thưởng sách quốc gia sau 15 năm khiến bao người có cảm giác du hành cỗ máy thời gian của Doraemon về trao cho cuốn sách trong quá khứ.) Từ đó trở đi, những tác phẩm thuộc Tủ sách Tinh hoa của NXB Tri thức tên dịch giả đều được cho ra bìa, chẳng hạn một cuốn liên quan văn chương là Căn phòng riêng của Woolf bản dịch của Trịnh Y Thư vào năm 2009). Đến năm, 2011 Tủ sách Tinh hoa văn học của Phương Nam, và đến năm 2012 Tủ sách Cánh cửa Mở rộng của NXB Trẻ đều là những nơi tiên phong trang trọng cho tên dịch giả lên bìa.

Cũng 2012, Luật Xuất Bản được sửa đổi đã quy định:

Điều 27. Thông tin ghi trên xuất bản phẩm

1. Trên xuất bản phẩm dưới dạng sách phải ghi các thông tin sau đây:

a) Tên sách, tên tác giả hoặc người biên soạn, người chủ biên (nếu có), họ tên người dịch (nếu là sách dịch), người phiên âm (nếu là sách phiên âm từ chữ Nôm); tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản;

3. Thông tin quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải ghi trên bìa một của sách và không được ghi thêm thông tin khác; thông tin quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải ghi trên cùng một trang sách; thông tin quy định tại điểm d khoản 1 Điều này phải ghi trên bìa bốn của sách.[11]

Từ 1993 không quy định rõ phải ghi tên người dịch ở đâu[12], tới 2004 phải ghi tên người dịch ở mặt sau của trang tên sách[13], đến 2012 tên người dịch bắt buộc phải xuất hiện ở bìa 1 là cả một bước tiến lớn. Kinh ngạc thay ở một đất nước 2 vòng giấy phép khi xuất bản sách lại khai phóng đến độ đưa vào luật xuất bản của mình quy định tên người dịch phải xuất hiện trên bìa 1, thì đúng quả là, khi cần nâng bi thì phải nâng bi.

Cơn sốt kéo qua thế giới độc giả nói tiếng Anh mang tên Ferrante Fever nhờ vào sự thành công sững sờ của bộ 4 cuốn xếp vào bộ “Neapolitan Novels” cũng đã bắn tên lửa vào đít dịch giả tiếng Ý của nó Ann Goldstein đẩy bà lên hàng siêu sao được coi là “hiếm hoi” trong làng dịch thế giới.[14] Cộng thêm việc Ferrante giấu mặt, đã khiến khuôn mặt của Goldstein trong rất nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã bay lên thế chỗ cho Ferrante trong mỗi cú search gooogle. Cái vị thế siêu sao ấy ở Việt Nam cũng có dịch giả được hưởng chứ không phải không có. (Cả một sự kiện ở L’Espace cho Dương Tường rửa tay gác kiếm là một ví dụ.) Nhân vật Nguyễn Quyên từng có nhắc đến vị thế được ký được cọt ngày càng nhiều của dịch giả Việt Nam trong quãng 5 năm qua ở bàn tròn dịch thuật.

Sự công nhận dành cho dịch giả không phải lúc nào cũng đủ đầy như mong muốn. Hẳn nhiên phải tụng ca các trang web của các nhà xuất bản cũng như các trang thương mại điện tử như tiki fahasa luôn có ghi tên người dịch cho mỗi cuốn sách dịch (hóa ra sách mới thôi, sách cũ thì không có đâu lah), nhưng các bài viết review trên báo hiếm khi nhắc đến tên người dịch hay chất lượng bản dịch mà luôn review cuốn sách như thể nó được viết bằng tiếng gốc của nó. Là một người viết điểm sách mỗi tháng tôi phải tự thú nhận khuyết điểm này: tôi luôn review sách dịch, nhưng tôi không bao giờ nhắc tới người dịch. Hành động đáng chê trách này đến từ một quan điểm vô thức quả rằng sao lại phải nhắc? Quả tôi đã xài xể người dịch, review câu chữ của họ chứ không phải của tác giả ngoại quốc, mà không hề nhắc tới công sức của họ. Việc nhắc tới tên người dịch chỉ xảy ra ở 2 trường hợp: (i) bản dịch quá xuất sắc tới mức nếu không tụng ca thì như cắn phải lưỡi (ii) bản dịch quá tồi tệ tới mức nếu không chửi bới thì như cắn phải lưỡi (lần này đau hơn và nặng hơn).

Sự công nhận mà luật và công chúng, một phần nào đó, dành cho dịch giả là một thứ rất tiến bộ như vậy, liệu có đi song song với những điều thiết thực hơn, như quyền tác giả, hay hihi nhuận dịch thẹn khi nhắc tới tiền? Hay tất cả chỉ là hữu danh vô thực? Nếu xem xét lần lượt các yếu tố này, kết hợp với những làn sóng ném đá phê bình dịch thuật, và cả những lời trần tình của các dịch giả trong các lời nói đầu, ta nhận được một vị thế đầy mâu thuẫn của dịch giả Việt.

Đầu tiên, việc dịch ở Việt Nam, như ký trong hợp đồng, thường là work for hire. Để tránh diễn giải dông dài: dịch giả được thuê dịch và bán đứt toàn bộ bản quyền bản dịch cho công ty thuê mình, như sau:

Bên A giữ bản quyền tiếng Việt của tác phẩm và toàn quyền sử dụng về sau dưới mọi hình thức: in thành sách, đăng báo trích đoạn hoặc toàn bộ, chuyển thành các dạng ấn bản điện tử, đưa lên mạng internet hoặc các thiết bị cầm tay, phổ nhạc, chuyển thể kịch bản…

Bán đứt là bán trọn đời nhé, tiền chỉ đến một lần duy nhất mà thôi, tình thôi xót xa dù có thấy sách mình dịch bán được 100 ngàn cuốn. Mỗi lần tái bản, dịch giả được tặng thêm vài cuốn sách, hoặc không, mà phổ biến là không. Có một số (không nhiều) dịch giả nắm bản quyền bản dịch của mình và cho các công ty hay NXB quyền sử dụng bản dịch trong 5 năm. Có rất ít dịch giả được dùng cách tính 10% * giá bìa * số lượng in = tiền dịch.

Thứ nữa, đơn giá dịch chung của thị trường hiện nay, các công ty hay tính theo chữ tiếng Anh hoặc chữ tiếng Việt, có nơi tính theo trang gốc, 60-80k/trang, có nơi tính theo trang tiếng Việt, 40-70k/trang 350 chữ tiếng Việt, có nơi tính theo chữ tiếng Anh, có nơi tính theo chữ tiếng Việt, mà nhân nhân chia chia ra một con số chung thế này: 150-200đ/chữ tiếng anh, 120-180đ/chữ tiếng Việt. Dĩ nhiên có những dịch giả cao cấp được hưởng giá cao hơn hẳn. Dịch giả thường phải tự trả 10% trừ vào thuế thu nhập cá nhân. Đối với các thứ tiếng hiếm khác như Nhật, Đức, Tây Ban Nha, đơn giá dịch sẽ được thương thảo cao hơn.

Thời hạn dịch một cuốn sách thường là bao lâu? Thời hạn hầu hết trên các hợp đồng là 3-4 tháng cho một tác phẩm 300-400 trang. Hầu hết dịch giả mà tôi quen biết đều là người làm tay trái, ngày đi làm, tối về tranh thủ dịch thêm. Sống sót được 8 tiếng ở cơ quan, tối về đạp chồng (hoặc vợ) và con ra, đóng cửa thư phòng, thắp nén hương trầm, nếu chưa kịp ngủ gục hoặc ngạt, cố gắng hoàn thiện chỉ tiêu ít nhất 1000 chữ/ngày. Bất kể mưa sa, nắng gắt, Hà Nội và những người Hà Nội, mùa đông tráo trở và may mắn nếu nhà có điều hòa sống qua mùa hè chó đẻ, ma chay cưới hỏi, ngày nghỉ tết nhất sum họp giỗ chạp con ốm bố ts lại ốm… ngày nào cũng như ngày nào 1000 chữ, thì có thể xong đúng hạn. Đó là chơi trò một đập ăn quan, không phải mở ra sửa thì ngã cmn ngửa, ngồi biên mất thêm vài tháng. Nếu dịch giả dịch fulltime thì số lượng chữ có thể dịch mỗi ngày tăng lên, tùy trình độ của mỗi người.

Một câu hỏi mà tôi hay hỏi các dịch giả khi phỏng vấn họ: có sống được bằng nghề? Hay ở ta có bao nhiêu dịch giả fulltime? Pym trong cuốn Method in Translation History trang 162 có nhắc đến việc huyễn tưởng đào tạo dịch giả chuyên nghiệp chỉ sống bằng nghề dịch và dẫn ra vài ví dụ dẫn chứng: Một danh sách 434 dịch giả Brazil từ thế kỷ 17 thì chỉ có 9 dịch giả không có nghề nào khác. Một báo cáo về dịch thuật thế kỷ 20 từ tiếng Ả rập sang tiếng Hebrew cho thấy 150 dịch giả thì chỉ có 1 dịch giả toàn thời gian. Nghiên cứu các dịch giả sang tiếng Anh từ tiếng Tây Ban Nha ở Anh đầu thế kỷ 20 tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy dịch là một hoạt động đem lại sự đầy đủ về mặt tài chính. Ở Việt Nam có thể sống bằng nghề dịch hay không, câu trả lời chắc có lẽ sẽ đồng thanh tương ứng với các dịch giả ở châu Âu trong báo cáo về Thân phận dịch giả: rẻ mạt đấy, và khó đấy.

Cơm áo gạo tiền mưu sinh độ nhật gạo châu củi quế là thế khi bàn về nghề dịch. Thế còn chuyện rất hương hoa như dịch giả nghĩ như thế nào về chính nghề của mình. Dương Tường, dịch giả gạo cội, tuyên bố và có lẽ bị không ít người chửi là ngông cuồng khi dám nhận mình là đồng tác giả. Trái ngược hẳn lại, Phạm Viêm Phương Huỳn Kim Oanh trong “Đôi lời của những người dịch” trong bản dịch Tên tôi là Đỏ, ở lời dịch giả hiếm hoi xuất hiện trong các bản dịch ngày nay, thì: “những điều lý thú mà quí vị cảm nhận được qua bản dịch đều là của tác giả Pamuk, còn những hạt sạn tức những điều khó chịu, trong tiểu thuyết này, chắc chắn là do lỗi của chúng tôi, những người dịch.” Câu trần tình tưởng khiêm tốn mà cuối cùng lại, nói như Venuti “đẩy công dịch giả sang công tác giả.” Nghiêm trọng hơn, nó vĩnh viễn lưu đày dịch thuật ở trong thế yếu hơn, mặt trái, phản, sao chép, trong đối sánh với bản gốc. Tù túng hơn, nhiều xiềng xích hơn, nó gò bó và cấm không cho ta nhìn ra được sự sáng tạo, là thứ độc đáo của sự viết.

Vị thế của dịch giả trong mắt của chính dịch giả, éo le thay, lại không phải lúc nào cũng là giương giáo đòi quyền lợi. Việc buộc phải để tên lên bìa khiến nhiều người cảm thấy lo lắng và có phần hãi hùng, rằng nhỡ mình ăn đá, bởi còn gì chuẩn hơn Lợn sợ béo, dịch giả sợ nổi tiếng. Nếu tập hợp, không khéo có thể lập Hội những người dịch không thích để tên lên bìa! Vẫn cụ Pym khi nói về các nguyên tắc nghiên cứu lịch sử dịch thuật, thì nguyên tắc thứ 2, đối tượng trung tâm không phải văn bản dịch cũng nỏ phải hệ thống bối cảnh cũng nỏ phải các đặc điểm ngôn ngữ. Người dịch, người dịch, và người dịch mới là đối tượng trung tâm.[15] Phản ứng của dịch giả trước việc hữu hình của bản thân, lời dịch giả ở đầu hay cuối sách giãi bày quan điểm dịch của họ, xứng đáng là đối tượng của một nghiên cứu nghiêm túc.

Tâm niệm hay ho là của tác giả còn khiếm khuyết của kẻ hèn này thực ra không có gì mới mẻ, bởi tác giả luôn là ông thần uy quyền lớn nhất ngự trị ở văn bản mà dịch giả vẫn ngây thơ và một mực tin rằng mình phải nhất nhất đi theo và tuân phục. Tự do trong dịch không phải là cái mà nhiều dịch giả dám nghĩ đến. Tôi trộm nghĩ, phải chăng cái suy nghĩ rằng vẫn còn có ý nghĩa cũng như phong cách để có thể truy cầu đích xác được và từ đó chuyển dịch chính xác được, phải chăng là sự mắc kẹt lại cái thời nơi chưa có sự tuyên bố cái chết của tác giả. Sự ra đời của giải cấu trúc đã giải phóng cho người đọc, đã mở rộng những khả năng diễn dịch, đã tống tác giả xuống địa ngục hoặc thiên đàng không cần biết là nơi đâu miễn là nơi có cái chết, và để sổng cho dịch giả, bay nhảy, sáng tạo, bằng ngôn ngữ của chính mình. Và nhân tiện tôi phải trích ở đây, câu chuyện đùa vui mà tôi đọc được từ thuở học trò, mà bao năm nay vẫn thấy đúng với việc tư duy về dịch thuật:

Nói đi thì cũng nói lại, ví như Lôra Pít biết đọc tiếng Việt (cái này Thường Quán đã bảo đảm là hổng có mà), hỏi rằng “Ủa, bài này đâu phải của tui”. Dĩ nhiên mình phải biết hỏi lại “Thưa ma-đàm, (nếu bà thực sự là ma-đàm, sao bây giờ cái gì tui cũng hay nghi ngờ), vậy chẳng hay bà đây viết bằng tiếng gì?” “Thì tiếng Anh!” “Vậy sao bà còn théc méc cái gì, đây là tiếng Diệt mà.” “Ờ hén.”[16]

Hay nói như đại nhân Venuti:

Tuy nhiên, việc mà người dịch có thể làm, là viết. Chúng ta nên coi người dịch là một loại người viết đặc biệt, sở hữu không phải tính nguyên bản cạnh tranh với tính nguyên bản của tác giả ngoại quốc, mà sở hữu nghệ thuật mô phỏng, được hỗ trợ bằng một vốn văn phong sử dụng nguồn tài nguyên văn chương của ngôn ngữ dịch. Một bản dịch không chuyển tải văn bản ngoại quốc mà chuyển tải cách diễn giải của dịch giả, và dịch giả phải đủ thông thạo và sáng tạo để dịch được những khác biệt về ngôn ngữ cũng như văn hóa chứa đựng trong văn bản đó.[17]

Như thói đời, chỉ có ta chết, chứ chủ nghĩa tư bản không bao giờ giãy chết, ngành công nghiệp xuất bản gặp đà thị dân trẻ mua sách ngày một tăng mạnh dạn bất kể thời tiết xuống tài bản mua sách (ô la la hóa ra văn hóa đọc xuống cấp là ở trên tivi và ở miệng giới già và ở miệng giới quan chức và ở miệng các giáo sư đại học, gom tổng thể, những người không bao giờ đọc sách), như một cú huých lớn sách vở thành một cái mỏ người người lao vào làm như thể cơn sốt đào vàng năm xưa, chỉ trong hai chục năm qua không biết bao nhiêu công ty xuất bản ra đời, tạo ra một tập hợp dày đặc những dịch giả trẻ trình độ ngoại ngữ và bản ngữ có thể rải rác từ ây bi xi, với tâm lý sẵn sàng nhận dịch với bất cứ đơn giá nào bất cứ deadline nào. Đến lượt mình các công ty xuất bản cũng sẵn sàng gom một team dịch chẻ nhỏ bản dịch dùng google dịch để kịp deadline. Sự khác biệt lớn lao mà bao người không nhận ra mỗi lần xem số lượng in của một cuốn sách đen xì thời bao cấp mấy chục vạn bản: nằm ở số đầu đó, chính số đầu sách đó. Không biết bao nhiêu đầu sách được in ra, dẫu mỗi đầu lại quay về con số ám ảnh 1k 2k 3k bản bán lắt nhắt lay lắt suốt chục năm trời, thị trường đang lên gặp các đầu nậu thi nhau tranh độc giả, sách in càng nhiều càng nhanh cho ra một ngành công nghiệp dịch với những bản dịch để lại vô số lỗi sai cơ bản trong những cuốn sách mua về giở vài trang rồi lại xếp lại trên giá. (20 năm qua cũng chứng kiến sự ra đời của một lớp dịch giả mà mười năm trước còn non trẻ, 10 năm sau đã vững vàng, mà 10 năm trước thì dễ thành danh hơn 10 năm sau. Và hẳn nhiên không phải không có những nơi dịch và biên tập kỹ lưỡng, cần phải tụng ca, nhưng chính xu thế phải cho bản dịch ra đời càng nhanh càng tốt, chính cái gọi là tiến độ, là kẻ thù lớn nhất của chất lượng bản dịch.) Kẻ hưởng lợi lớn lao nhất chính là báo chí: không vui sướng gì hơn là chạy được bài về thảm họa dịch thuật.

 

Giải cứu cóc xanh hay tẩn dịch giả

Xuân thu nhị kỳ, không tuần chay nào không nước mắt, các bản dịch và các dịch giả cởi quần ra nằm sấp xuống ăn ít thì vài hèo, nhiều thì trăm trượng, nhẹ mà nhanh mồm xin lỗi thì được bỏ qua, nặng mà khăng khăng cãi cố thì thịnh nộ cộng đồng giáng xuống bắt phải thu hồi sách. (Bên cạnh đó có vô số bản dịch được cô thương, review khen ầm ầm, tái bản liên tù tì, dù có bị bóc lỗi, vẫn không xi nhê gì, âu cũng là cái số được độ vậy đó.)

Trong ký ức không lấy gì làm chắc chắn của tôi, quãng những năm 80-90 hình như người ta bận kiếm tiền và nếu có sức khỏe thì sẽ đi tẩn nhà văn, chứ không ai đi tẩn dịch giả. Ấy thế mà giờ đây, phong trào ấy lại mạnh mẽ lắm, đến mức bình bản dịch phổ biến chả kém gì bình đề thi môn văn.

Không có gì thỏa mãn ego của thị dân hãnh tiến có chút mùi mẽ trí thức hơn, không có gì khoái trá hơn, không có gì trình còi mà muốn hơn người chỉ có nước hạ nhục đối thủ hơn, việc phát hiện ra lỗi dịch ngu của một đứa, nhất là đứa mình ghét, rồi lại còn được viết bài blog, hay comment, hay gửi lên forum, hay vào reading group làm một tút, hay lên mục ý kiến, hay gửi thư đe dọa NXB, hay biên hẳn bài báo, hay gửi thư cho chính tác giả, như chùa trăm gian ta làm trăm cách, để chưởi cho chết đứa dịch láo, đứa nhận tiền mà làm ăn bát nháo, đứa con sâu mà làm rầu nồi canh dịch thuật nước nhà, đứa làm hỏng uy tín giới, đứa ném sạn vào bát cơm, đứa dám sờ tới tác giả lớn, đứa dám rape tác giả nhỏ, đứa làm hỏng sự đọc của thế hệ sau, đứa làm nghề bất lương, còn gì nữa không nhỉ, chửi một loạt tôi mệt quá.

Nhìn lại những scandal dịch thuật, tôi chóng mặt ít ít, hãi hùng nhiều nhiều, thích thú kha khá, lo cho tương lai của mình đến mức bỏ nghề dịch tương đối, trơ lì trước mọi sự hung hãn tàm tạm. Thảm họa dịch thuật đi từ Mật mã Da Vinci (2005), tới Bản đồ và vùng đất (2012), tới Lolita (2012), tới Những thứ họ mang (2013), tới Chúa tể những chiếc Nhẫn (2013-4), những làn sóng tẩn bản dịch kiêm dịch giả lớn, đến mức tràn lên mặt báo rầm rộ, đến 3 ngày một trận nhỏ, 5 ngày một trận lớn, đến những băn khoăn đáng yêu các bạn ơi “đương thù” là gì. Đỉnh cao của tẩn dịch giả là sự bình dân học vụ, hay gọi là đại chúng hóa tới mức độ, lần đầu tiên trong lịch sử, có dịch giả được trao giải Trái cóc xanh. Showbiz hay gì, giờ đây đến người bình dân cũng biết được những lỗi dịch ở một văn bản mà phần đa không đọc cuốn sách ấy.

Ném đá bản dịch, làm những người dịch vốn yếu bóng vía, càng sợ hãi hơn, bèn nghĩ thêm 20 cái bút danh. Ném đá bản dịch, làm những con sư tử ngã sml xuống mặt đất, và những kẻ tiểu nhân cười hềnh hệch làm thảm chùi chân. Ném đá bản dịch, làm những người vốn cẩn trọng, càng cẩn trọng hơn. Nhưng ném đá bản dịch, vĩnh viễn nằm ở công việc thô sơ nhất, của cái việc đối chiếu một bản dịch với bản gốc, mà không giúp soi rọi gì thêm cho người đọc. Đó là còn chưa kể, có rất nhiều người, không đủ tinh tế để nhận ra được, đâu là lỗi dịch sai cơ học, đâu là những cách diễn đạt khác mình.

Giữa tháng 6 có một sự kiện đình đám, với cá nhân tôi, đó là khi một tờ báo tuyên bố, “Kể từ số báo ngày hôm nay (15/6/2021), báo Nhân Dân hằng ngày sẽ dùng tên riêng nước ngoài theo cách viết tiếng Anh và mở ngoặc cách phiên âm để độc giả tham khảo”. Thế là hết rồi cái thời ivan cu-to-như-phích. Thế là cái thời của một lớp độc giả mới đã thắng thế. Một tác phẩm văn học dịch giờ đây xuất bản mà tên riêng địa danh lẫn người thì chỉ có xuống hố. Ai định tái bản tác phẩm cũ thì liệu thần hồn mà đi chuyển hết tên phiên thành tên viết theo tiếng Anh ngay, không thì ốm đòn với độc giả, ốm đòn theo nghĩa đơn giản nhất: bà mày không mua, ô kê?

Thời đại mới, độc giả được giả định là có trình độ cao hơn ngày xưa, không cần phải nhờ dịch giả phiên những chiếc tên méo miệng ra để đọc cho đúng nữa (khí chủ quan, những quả tên tây bán nhà hay Séc thì cứ gọi là 200% đọc sai be bét). Cuốn theo chiều gió rồi cái quãng muốn đọc một cuốn sách của bển phải nhờ bà con bạn bè xách tay, phải vào thư viện có giấy, phải nhờ vả đủ đường đủ ngạch, giờ đây một cú click là hoặc mua hoặc download sách lậu, ngồi giữa hòn ngọc Paris Hà Nội mà có cảm giác mình thống lĩnh cả thế giới – xã hội công nghệ là vậy đó anh chị em ạ, chúng ta lại quay trở về với mục đầu tiên là toàn cầu hóa. Một lớp độc giả mới ra đời, trong thời đại giờ ai ai cũng biết ship là gì, và các chị bán hàng online đã luôn mời mọi người oder, phải là oder chứ không phải order. Mô hình bóp ba ga hay pê đan giờ đây tái sinh trong một hình dạng lai tạp mới, từ mới vẫn đổ ngồn ngộn vào tiếng Việt. Lớp độc giả mới, khó tính khó chiều, hơi tí gào lên thà đọc bản gốc còn hơn, sẵn vốn ngoại ngữ trong tay, trở nên cảnh giác cao độ với chất lượng bản dịch hơn bao giờ hết. Tiếng Anh trở nên phổ biến đến độ ai dịch từ tiếng Anh thành tầm thường và dễ chết vì đá, Nhật, Đức, hay Pháp, Nga ối Nga ơi là Nga, Ý hay Tây Ban Nha nữa càng trân quý càng ít người biết càng an toàn. Lớp độc giả mới, đòi hỏi một thứ tiếng Việt hiện hành, nơi chỉ một từ lạ tai đã trở thành chướng mắt.

Hơn bao giờ hết, bắn người biên dịch diễn ra hằng ngày. Mọi hương hoa thì là của tác giả, nếu có vấp váp gập ghềnh ầu ơ ví dầu cầu dịch đóng đinh, thì kẻ bị bêu đầu chính là dịch giả. Của đáng tội bỏ tiền ra mua sản phẩm mà gặp sản phẩm lởm thì phải ngồi rate 1*. Nhưng sự vô hình của dịch giả lớn tới mức không ai đoái hoài khi họ làm tốt, và ngay khi có trục trặc thì chắc là do bản dịch thì phải?

Thị trường sách dịch rơi vào một thế rối ren đúng nghĩa: các bản dịch (phần đa) kém chất lượng trộn lẫn với các bản dịch tốt, độc giả phổ thông hào hứng hành nghề phê bình dịch thuật (thực ra ai đáng phải đọc bản dịch kém cơ chứ), những cụ lớn tuổi tập tọe tí ngoại ngữ cũng lớn giọng dạy dỗ thế hệ sau, dịch giả kinh nghiệm co rút tránh xa ồn ào, chỉ còn những biên tập viên chăm chỉ dọn phân bò và đệ đơn vào club xin đừng để tên ai lên bìa cho khỏe.

Cái mà chúng ta thiếu có lẽ là (i) sự khoan dung đối với công việc của người dịch (ii) sự cải tạo chất lượng bản dịch (iii) cách đọc một bản dịch.

Voilà, sau đây là 5 quy tắc đọc bản dịch của cụ lão làng Venuti, người chúng tôi biết ơn và kính ngưỡng vô vàn:

Đọc một bản dịch như thế nào

Quy tắc 1: Đừng chỉ đọc vì nghĩa, mà vì ngôn ngữ nữa; hãy biết phẩm bình những đặc điểm hình thức của bản dịch.

Quy tắc 2: Đừng trông đợi các bản dịch chỉ được viết bằng mỗi ngôn ngữ chuẩn hiện hành; hãy cởi mở với những biến thể ngôn ngữ.

Quy tắc 3: Đừng bỏ qua hàm ý và những dẫn chiếu văn hóa; hãy nhìn nhận chúng như một lớp ý nghĩa liên quan khác.

Quy tắc 4: Đừng bỏ qua lời giới thiệu của dịch giả; hãy đọc nó đầu tiên, đó là lời trình bày cách diễn giải dẫn dắt bản dịch này và góp phần vào những gì độc đáo ở nó.

Quy tắc 5 và cuối cùng: Đừng coi một bản dịch là đại diện cho cả nền văn học ngoại quốc; hãy so sánh nó với bản dịch các tác phẩm khác cùng ngôn ngữ đó.

(còn tiếp, mệt quá)

Zét Nguyễn

 

[1] https://www.thedailybeast.com/why-americans-dont-read-foreign-fiction

[2] https://www.nytimes.com/2003/07/26/books/america-yawns-at-foreign-fiction.html

[3] http://www.rochester.edu/College/translation/threepercent/about/

[4] http://nxbtrithuc.com.vn/Tin-tuc/2654753/324/Nha-van-Ngo-Tu-Lap-Viet-nhu-la-dich-thuat.html

https://suckhoedoisong.vn/kinh-chao-nhung-con-khi-cua-nha-van-n31648.html

https://tienphong.vn/le-quang-da-tai-va-ky-tinh-post953265.tpo

https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/lolita-va-cau-chuyen-dich-thuat-n20140403145552694.htm

[5] https://www.theparisreview.org/interviews/3196/the-art-of-fiction-no-69-gabriel-garcia-marquez

[6] https://www.vox.com/2014/4/20/5628860/hes-universal-a-eulogy-for-gabriel-garcia-marquez-from-his-translator

https://www.ft.com/content/1c6badd6-bd33-11d9-87aa-00000e2511c8

[7] Andrea Rizzi, “Monkey Business: Imitatio and Translators’ Visibility in Renaissance Europe” in trong Trust and Proof: Translators in Renaissance Print Culture, Andrea Rizzi biên tập, NXB Brill: Leiden, Boston, 2017, trang 40.

[8] https://www2.societyofauthors.org/translators-on-the-cover/

[9] https://tienphong.vn/van-chuong-thoi-so-hoa-nbsp-post51323.tpo

[10] http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7525&rb=07

[11] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-xuat-ban-2012-19-2012-QH13-152712.aspx

Luật đã được sửa đổi rất lớn, so với luật xuất bản hồi 1993 và 2004.

[12] Điều 20.

1- Xuất bản phẩm trên giấy phải ghi:

  • Tên xuất bản phẩm, tác giả;

  • Tên nhà xuất bản;

  • Người chịu trách nhiệm xuất bản, người biên tập, người trình bày, người sửa bản in;

  • Số đăng ký kế hoạch xuất bản;

  • Tên cơ sở in, sắp chữ, chế bản;

  • Số lượng bản in, ngày in xong, ngày nộp lưu chiểu, giá bán lẻ;

  • Mã số phân loại.

Đối với xuất bản phẩm tái bản, ghi thêm số thứ tự của lần tái bản.

Đối với sách dịch, ghi thêm tên nguyên bản, tác giả, ngôn ngữ của tác phẩm được dịch, nhà xuất bản nước ngoài, năm xuất bản, người dịch, người hiệu đính.

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Xuat-ban-1993-22-L-CTN-38479.aspx?tab=3

[13] Điều 26. Thông tin ghi trên xuất bản phẩm

  1. Đối với sách và tài liệu dưới dạng sách, việc ghi thông tin được thực hiện theo quy định sau đây:
  2. a) Bìa một ghi tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được phép xuất bản, số thứ tự của tập;
  3. b) Trang tên sách, ngoài các thông tin quy định tại điểm a khoản này còn phải ghi thêm tên người chủ biên hoặc người dịch, người hiệu đính, số lần tái bản, năm xuất bản;
  4. c) Đối với sách dịch, mặt sau của trang tên sách phải ghi đầy đủ tên nguyên bản, tác giả, nhà xuất bản nước ngoài, năm xuất bản; nếu sách dịch từ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nguyên bản phải ghi rõ ngôn ngữ và tên người dịch bản đó;

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/quyen-dan-su/luat-xuat-ban-2004-30-2004-qh11-52654.aspx

[14] https://www.wsj.com/articles/ann-goldstein-a-star-italian-translator-1453310727

[15] Method in Translation History, tr. x.

[16] http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=106&rb=07

[17] https://www.wordswithoutborders.org/article/how-to-read-a-translation

Chấm sao chút:

Đã có 9 người chấm, trung bình 4.6 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*