
Jack Frogg là một cái tên mới nổi trong làng dịch sách, với số lượng tác phẩm mới đếm trên một bàn tay (!). Nhưng 2 tác phẩm dịch đầu tay của Jack Frogg đều là các sách thuộc chủ đề LGBTQ+ với ngôn ngữ viết và dịch đẹp như thơ là Ba nghìn dặm (We are okay) của Nina LaCour và Trường ca Achilles (The Song of Achilles) của Madeline Miller.
Tự cho mình là một người “thẳng như cầu vồng”, Jack Frogg trong cuộc trò chuyện ngắn dưới đây sẽ cho độc giả thấy được cái nhìn đa chiều hơn về các tác phẩm đã dịch cũng như văn học LGBTQ+ nói chung tại Việt Nam.
– Thu Hoài
Thu Hoài: Bạn tiếp cận với công việc dịch thuật này từ khi nào?
Jack Frogg: Mình có một người bạn thân cũng làm dịch giả cho Kim Đồng, và bạn này đã giới thiệu mình đến với biên tập viên khi bạn ấy đang tìm chân ái để dịch cuốn Ba nghìn dặm. Thời gian trôi như chó chạy ngoài đồng, thấm thoắt cũng đã ba năm mình được làm việc với biên tập viên yêu quý rồi đấy.
Thu Hoài: Việc chọn 2 cuốn Ba nghìn dặm và Trường ca Achilles có phải là do bạn chủ động chọn hay không hay có một sự phân công từ phía đơn vị xuất bản? Bạn đánh giá 2 cuốn này như thế nào?
Jack Frogg: Mình đến với nhà xuất bản nhờ dự án Ba nghìn dặm nên dĩ nhiên là không phải do mình chọn cuốn đó, nhưng mình thấy may mắn khi được nhận dự án tiểu thuyết đầu tay là văn hóa phẩm LGBT. Bản thân mình cũng thẳng như cầu vồng, nên mình cảm thấy rất thoải mái khi được nghiền ngẫm những câu chữ nói về tình thân và muôn kiểu tình yêu của Marin – trong đó có mối tình les nép mình bên những suy nghĩ hỗn loạn về sóng gió cuộc đời và lo âu tuổi mãn teen, một tình yêu tuy non trẻ nhưng không thua kém bất kỳ mối tình người lớn nào. Mình thích được xóc não, tìm kiếm những ngôn từ chính xác và hữu hiệu để truyền tải lại những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật tới độc giả, cũng như mang đoạn tình cảm đồng giới tới với công chúng một cách gần gũi và thoải mái nhất, để xóa bỏ định kiến về LGBTQ+ và khiến tất cả mọi người nhìn nhận tình yêu ấy như bao tình yêu khác. Đó là tham vọng khiến mình luôn rất hăng hái khi nhận các dự án LGBTQ+: tham vọng xóa bỏ ranh giới giữa GAY love và HETERO love, bởi vì tình yêu thì chỉ đơn giản là tình yêu mà thôi, bất kể những con người ngã vào trong đó có thế nào đi nữa.
Do có tham vọng đó nên khi biên tập viên của mình ấp ủ dự án Trường ca Achilles mình cũng nhanh chóng ôm chân bạn ấy ăn vạ, đòi theo dự án này. Mình nhớ hồi đó mình cũng nhấp nhổm theo biên tập viên, đợi chờ tin tức của phòng bản quyền. Cuối cùng khi được gửi cho bản thảo tiếng Anh và bật đèn xanh thì mình đã rất tự hào.
Mình đánh giá Ba nghìn dặm là một tác phẩm xứng đáng đoạt giải. Văn phong rất đẹp, và mình đã có rất nhiều cảm xúc khi đọc cuốn sách này, tuy rằng với bản tính của mình thì mình không hiểu được cách giải quyết vấn đề của Marin. Mình nghĩ cũng sẽ có những độc giả không kết nối được với nhân vật chính của Ba nghìn dặm vì tính cách và gia cảnh khác biệt – phần lớn chúng ta đều không có khả năng lẫn điều kiện để chạy trốn trước những biến cố trong đời như Marin, khi mình còn bị ràng buộc bởi học hành, công việc, và những người khác. Nhưng cá nhân mình có thể hiểu và đồng cảm với những trăn trở của cô bé, vì bất chấp cội nguồn lý do, buồn thì vẫn là buồn và cô đơn thì vẫn là cô đơn. Mình tin là ngoài kia có biết bao người buồn bã, cô đơn giữa một gia đình đổ nát, vì những lời nói dối mà chúng ta đã rất mực tin tưởng, tới từ những người chúng ta nghĩ rằng không thể nào lừa gạt mình. Và rất nhiều người còn đang tìm kiếm Mabel của họ, tìm một người sẵn sàng bay qua “ba nghìn dặm” để đến với họ trong lúc họ cô đơn nhất, dù họ chẳng hứa hẹn hay cho người kia được điều gì. Tác giả LaCour dẫn dắt, khai thác, vẽ lên những tình cảm và rung động bằng chất văn mượt mà, lắng đọng cảm xúc, khiến người đọc tìm được trong Ba nghìn Ddm sự đồng cảm với những trắc trở trong lòng họ, và một hy vọng về đích đến ấm áp, viên mãn sau tất cả những sóng gió kia, nơi họ không còn cô đơn và đã sẵn sàng buông bỏ những ký ức đau buồn để đi tiếp.
Trường ca Achilles lại mang màu của Patroclus. Patroclus có màu gì? Màu xám của tuổi thơ cô đơn, mặc cảm. Sau đó thì không còn màu gì ngoài màu tóc màu mắt màu gót chân của Achilles vì nhân vật chính của chúng ta mê trai quá chừng. Patroclus là chứng nhân cuộc đời và là bạn đồng hành của Achilles nổi tiếng khắp đất Hy Lạp. Tiếng tăm lẫy lừng của Achilles rồi sẽ là tai họa giáng xuống đầu anh và cả Patroclus, nhưng Patroclus chưa một lần lo lắng cho bản thân – anh chỉ lo cho Achilles, vì Achilles của anh là số một trên đời, mà theo lẽ thường trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (và đánh chết thật, số mệnh không hề nương tay với cậu bé vàng). Ngoài tình yêu mãnh liệt của Patroclus thì Trường ca Achilles tái hiện lại rất thành công khung cảnh nên thơ của những miền đất ven bờ Địa Trung Hải cùng biển Aegea, nơi trời có nắng có gió, có ô liu có vả tây, và có hai người yêu nhau (cùng những nhân vật phụ số khổ đồng hành với họ). Độc giả được theo dõi sự trưởng thành về thể xác của hai nhân vật, nhưng quan trọng hơn là sự trưởng thành về mặt tinh thần, khi một Patroclus rụt rè trầm mặc trở nên dũng cảm quyết liệt hơn, không ngại ngần đứng lên đối mặt với những thế lực to lớn hơn để bảo vệ những người mình yêu quý. Các bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy cậu bé vụng về, nhỏ con năm xưa quyết tâm bám trụ lấy chiến trường mà anh e sợ, vì anh không khỏi lo nghĩ cho người bạn trai vô tư của mình ở đó, và quyết tâm đối đầu với số mệnh, đấu tranh đến cùng để thay đổi kết cục. Tuy là không hiệu quả cho lắm nhưng những nỗ lực của anh xứng đáng được ghi nhận. Với mình kết cục của cuốn sách này khá viên mãn, hai nhân vật chính đều đạt được điều họ mong muốn. Các bạn có thể thử đọc xem có đồng ý với mình không?
Thu Hoài: Ở đây, tôi muốn đi sâu hơn một chút về cuốn sách Trường ca Achilles. Trái với niềm tin phổ thông cho rằng tình yêu đồng tính nam (male love) ở Hy lạp cổ đại rất tự do và bình đẳng, David Halperin lập luận rằng ở Hy lạp, male love thể hiện cả giai cấp xã hội khi người chủ động (active partner) luôn là người có tuổi lớn hơn và/hoặc có địa vị xã hội cao hơn người thụ động (submissive partner). Trường ca Achilles có phải đã miêu tả một mối quan hệ như thế khi Patroclus như ta biết là một hoàng tử thất thế và anh luôn là người e thẹn, ít thể hiện (như hay được kỳ vọng ở một submissive partner?)?
Jack Frogg: Bởi vì cuốn sách được viết từ góc nhìn của Patroclus, và Patroclus chỉ đắm đuối nhìn Achilles thôi, nên hầu như không có thông tin gì về việc những người khác trong xã hội bấy giờ đánh giá như thế nào về địa vị của anh khi cặp bồ với vị hoàng tử trẻ – thần tượng của giới chiến binh Hy Lạp. Cái nhìn bên ngoài duy nhất về mối quan hệ giữa hai người mà chúng ta nắm được là của Odysseus, nhưng Odysseus cũng chỉ nói rằng các mối quan hệ đồng tính (không phải dịch vụ ngành) chỉ xảy ra giữa các bé trai, chứ không nêu rõ vị thế của Patroclus-Achilles. Giai cấp xã hội trong mối quan hệ đồng tính là có tồn tại ở thời Hy Lạp cổ đại, nhưng trong Trường ca Achilles có thể nói tác giả hầu như không khẳng định rõ ràng vai vế yêu đương của hai anh bạn này, và theo mình điều đó rất ổn – yêu đương là chuyện bình đẳng, hai người yêu nhau nên đứng ngang hàng và tôn trọng nhau, đóng nhau ở đâu thì đóng chứ đừng đóng vào khuôn khổ mà xã hội vạch ra, tội nhau lắm.
Mình không nghĩ Patroclus e thẹn, ít thể hiện vì Patroclus ấn định bản thân sẽ là sub cho Achilles. Patroclus khép kín và im lặng vì Patroclus bị PTSD và mặc cảm tự ti. Anh đã trải qua một tuổi thơ lạnh lẽo trong một gia đình còn lệch lạc hơn cả gia đình bạn trai anh, và không ai yêu thương anh hết. Thường con người gây dựng lòng tự tin trên hai cơ sở, một là khả năng cá nhân, và hai là sự chấp thuận, tán thưởng từ những người xung quanh. Patroclus không có cả hai điều này, vì thế anh không tin, không đánh giá cao bản thân mình, và càng khép mình vào thế giới nội tâm để né tránh va chạm với người khác. Trái ngược với anh, Achilles là một hoàng tử, một chiến binh đầy triển vọng, muốn tiền có tiền muốn quyền có quyền thêm full combo tài sắc, nên ai cũng chú ý đến Achilles và nghĩ rằng chàng trai đang sánh bước bên anh kiểu gì cũng là thằng hầu. Chênh lệch quyền lực này cũng khiến độc giả Việt Nam có xu hướng mặc định vị trí của hai người trong mối quan hệ, vì chênh lệch quyền lực trong tình yêu và hôn nhân gần như là một trạng thái tự nhiên trong xã hội ta. Mình mong rằng khi đọc đôi dòng trả lời phỏng vấn này thì các quý độc giả sẽ chia sẻ quan điểm của mình và có cái nhìn bình đẳng hơn về mối quan hệ Achilles-Patroclus nói riêng, và về tất cả các mối quan hệ yêu đương nói chung.
Thu Hoài: Việc Patroclus làm tình với công chúa đảo Scyros khi cô đang hoài thai đứa con của Achilles có thể hiện mong muốn làm cha của cả Patroclus lẫn Achilles? Chi tiết này có thể hiện mong muốn có một gia đình và nhu cầu sinh đẻ bình thường (reproductivity (normative)) của Patroclus và Achilles?
Jack Frogg: Ui thế này nhé, đầu tiên là Achilles làm tình với Deidameia vì Achilles ngu ngơ tin vào lời hứa của Thetis là sẽ mang Patroclus tới cho anh, chứ Achilles thì “chỉ muốn nó kết thúc thôi”. Tiếp theo để mình tường thuật lại cho bạn nghe màn mây mưa của Deidameia và Patroclus: Khi Deidameia làm tình với Patroclus thì Dei chủ động và Pat bị động, bước một là cô nàng cho anh ăn chửi, bước hai là cho ăn tát, bước ba lại cho ăn chửi tiếp rồi bước bốn mới là kéo anh vào phòng, mặc cho anh đã tỏ thái độ không đồng thuận. Achilles ngủ với Deidameia trên cơ sở trao đổi. Patroclus (cuối cùng cũng) ngủ với Deidameia vì sợ từ chối sẽ làm nàng tổn thương. Khá thương cảm cho Deidameia, nàng là nạn nhân và cũng là kẻ thủ ác, sự ngây thơ lầm tưởng của nàng đã hại chính bản thân mình, và sự ích kỷ, trẻ con háo thắng của nàng khiến nàng ép buộc người khác. Không ai trong hai người nàng từng quan hệ thực sự muốn Deidameia hay cái bụng bầu của nàng, và sau khi Pyrrhus ra đời thì ông bố Achilles cũng chẳng để ý gì đến đứa con luôn, vì người duy nhất anh để ý thì luôn kề bên rồi. Mình thấy chi tiết này chẳng thể hiện điều gì cả, ngoài khắc họa sâu hơn tính cách của hai nhân vật chính mong muốn được tìm về với nhau của đôi chim cu Achilles-Patroclus.
Thu Hoài: Những câu chuyện về male bonding trong xã hội cổ tương đối nhiều, như Patroclus và Achilles, Alexander đại đế và người tình, các câu chuyện về hoàng đế La Mã Hadrian, v.v… Các tiểu thuyết thuộc thể loại historical fiction có vai trò gì trong việc tái diễn giải lịch sử?
Jack Frogg: Tiểu thuyết thì sẽ khác với sách sử, tiểu thuyết lịch sử sẽ thuật lại chuyện xưa dưới những góc độ khác so với lối tường thuật khô khan, trung lập của sách sử. Có thể tiếp cận câu chuyện dưới góc nhìn cá nhân của một trong những nhân vật, có thể khai thác khía cạnh riêng tư hơn. Bước đầu thì tiểu thuyết lịch sử sẽ có sứ mệnh mang lịch sử tới gần với quần chúng hơn, kích thích trí tò mò của độc giả về chuyện xưa. Đôi khi tiểu thuyết lịch sử sẽ đặt câu hỏi về tính xác thực (có xảy ra thật không), trung thực (kể lại có đúng như sự thực không), trung lập (thái độ có khách quan không) của sách sử, và thách thức hiểu biết của đa số về những mẩu chuyện xưa ấy. Tiểu thuyết lịch sử cũng có thể đào sâu vào những chi tiết mà sách sử cho rằng không quan trọng nên không diễn giải chi tiết, để mang lại cái nhìn đa chiều hơn về một câu chuyện đã diễn ra ở quá khứ.
Về mảng male bonding nói riêng, tiểu thuyết lịch sử trong mảng này có vị trí quan trọng vì nó phá vỡ hàng trăm, hàng nghìn năm tẩy xóa những mối quan hệ đồng tính trong xã hội kỳ thị đồng tính. Tiểu thuyết lịch sử sẽ phải lật lại những câu chuyện ấy, sẽ phơi bày những điều bị xã hội che giấu, sẽ thách thức định kiến số đông và mang sự việc về đúng bản chất của nó. Để lấy ví dụ thì chắc các bạn cũng biết cho tới gần đây mối quan hệ giữa Achilles và Patroclus vẫn bị sử gia hiện đại và đương đại viết thành tình đồng chí trong sáng thấm nhuần tư tưởng tương thân tương ái, dù khi xưa Homer đã nhắc khéo trong Iliad và Odyssey, và vài thi nhân ở thế hệ Hy Lạp cổ đại về sau cũng chung ý kiến, là chúng nó yêu nhau đấy tụi bây ơi. Bộ phim Troy của Hollywood làm năm 2004, có Brad Pitt đóng vai Achilles ấy, còn cho Patroclus thành em họ của Achilles. Chúng ta cần những tiểu thuyết gia trung thực như Madeline Miller đến đính chính lại những tẩy xóa đó và kể lại chuyện xưa theo cái nhìn riêng tư, giàu cảm xúc hơn, để chúng ta cảm nhận được tình yêu thuở xưa cũ, như cảm nhận những mối tình mà chúng ta có (hoặc không hahaha) vậy.
Riêng trong mảng tiểu thuyết lịch sử, mình biết một số độc giả sẽ đặt câu hỏi là liệu tiểu thuyết lịch sử có viết đúng lịch sử hay không – bản thân mình cũng có chung câu hỏi. Xin thưa là đã là tiểu thuyết thì sẽ có phần hư cấu nhất định, đâu ai học sử bằng cách đọc tiểu thuyết đâu phải không các bạn, bắt bẻ chi cho mệt? Thậm chí sách sử viết có đúng sử không cũng là đề tài tranh cãi triền miên trong giới học thuật. Miễn sách không xúc phạm, gây hấn, miệt thị, không bẻ cong thực tại để truyền bá tư tưởng quá khích, tiêu cực, thì trái đất này vẫn là của chúng mình, không cần tranh cãi vô ích. Còn đọc gì thì đọc cũng nên giữ cái nhìn khách quan và tinh thần phản biện – cầu thị nha các bạn.
Thu Hoài: Mở rộng ra các sách về chủ đề LGBTQ+, khó khăn và thuận lợi trong việc dịch các sách chủ đề này là gì?
Jack Frogg: Khó khăn thì tùy cuốn, nếu có thì luôn nằm ở bối cảnh đặc thù của tác phẩm chứ không nằm ở tính hướng của nhân vật. Cá nhân mình sẽ quỳ lạy trước những tác phẩm tình yêu tư bản mà trong đó thay vì tán tỉnh nhau thì các nhân vật nói chuyện chứng khoán đầu tư bất động sản mỗi lần chạm mặt. Còn thì mình thấy gay cũng như straight, cả tỷ năm yêu nhau vẫn là yêu nhau còn độc thân thì vẫn ngồi trả lời phỏng vấn, đâu có gì đặc biệt khó khăn trong việc hiểu và truyền đạt lại những cảm xúc đó, nhỉ.
Về thuận lợi, thuận lợi lớn nhất là mình bê đê đa ngữ. Có thể dịch sách LGBTQ+ bằng nhiều thứ tiếng.
Thu Hoài: Bạn đánh giá thế nào về dòng sách LGBTQ+ ở Việt Nam? Ngoài những sách mình dịch ra, bạn ấn tượng với cuốn nào nhất?
Jack Frogg: Dòng sách LGBTQ+ hiện nay đang bung nở và sẽ còn phát triển rộng rãi nữa. Mình không đọc nhiều tác phẩm dịch xuất bản ở Việt Nam cho lắm, nói trắng ra dạo này mình có đọc cái gì ngoài sách chuyên ngành đâu. Nhưng có một quyển mình rất ấn tượng, là Một con người của Christopher Isherwood, sách xuất bản bởi Tao Đàn. Thứ nhất là vì bìa nó đẹp. Thứ hai là mình đã nói là bìa nó đẹp chưa ấy nhỉ? Thứ ba là sách này dịch ổn lắm bạn, mình khá tin tưởng chất lượng dịch của Tao Đàn nói chung. Thứ tư là mình thích George u ám quay quắt vậy đó, mình thấy một phần con người mình trong George. Lúc nào vui các bạn có thể thử đọc xem. Buồn thì có lẽ không nên vì sách cũng nặng đấy.
Thu Hoài: Một số sách LGBTQ+ thường đi kèm với cảnh ân ái lãng mạn (mà nhìn chung văn học lãng mạn phương Tây đều thường hay có), Trường ca Achilles là một ví dụ về các cảnh 18+, bạn đánh giá thế nào về lối viết của tác giả nói chung và bản dịch của mình nói riêng? Có khi nào bản dịch sách LGBTQ+ bị cắt xén để được xuất bản tại Việt Nam không?
Jack Frogg: Thú thực thì cảnh ứ ừ trong Trường ca Achilles không, ờ, đắt giá cho lắm, theo kinh nghiệm đọc của mình. Mình đã rất nỗ lực để nâng giá cho các phân đoạn đó nên các bạn hãy khen thưởng mình đi. Còn tự đánh giá bản dịch của mình thì không khách quan được nên mình xin kiếu.
Sách LGBTQ+ 18+ xuất bản ở Việt Nam thường sẽ bị cắt xén như mọi loại sách 18+ khác, theo mình là vì kể cả có in rating 18+ trên bìa thì các bạn đi mua sách cũng sẽ không bị bắt trình chứng minh thư, nên nhỡ các em 10 tuổi đi mua sách nhặt trúng sách có cảnh nóng thì sao, hỏng hỏng, phải tém lại thôi. Nếu như cảnh nóng ấy đóng vai trò rất rất quan trọng đối với nội dung cuốn sách, thì lại phải phiền biên tập viên xử lý sao cho ổn thỏa, vừa không làm mất độ sâu sắc của tác phẩm, vừa đảm bảo an toàn rating đối với người đọc. Nên các bạn đọc sách LGBTQ+ nói chung mà thấy hay thì đừng quên gửi lời cảm ơn biên tập viên nha.
Thu Hoài: Thông thường sách LGBTQ+ chủ yếu xuất hiện ở văn học phương Tây, còn văn học phương Đông, các mối quan hệ đồng giới sẽ được gọi là đam mỹ, bách hợp, đồng nhân… Có sự khác biệt nào giữa các thể loại này không? Ví dụ chúng ta có thể gọi Call Me By Your Name là một cuốn sách đam mỹ không?
Jack Frogg: Đầu tiên là phải xác định thế nào là đam mỹ, bách hợp, đồng nhân… Đó đều là những thuật ngữ đến từ làng văn học LGBTQ+ Hán ngữ, dùng để phân loại các tác phẩm được viết bằng tiếng Trung, xuất bản ở các nước Hán ngữ. Nói rằng “các mối quan hệ LGBTQ+ trong văn học phương Đông nói chung sẽ được gọi bằng những thuật ngữ kia” là không chính xác, đây là một sự hiểu nhầm phổ biến do văn học LGBTQ+ Hán ngữ đang chiếm phần lớn trong khối lượng văn học LGBTQ+ phương Đông được xuất bản ở Việt Nam. Trên thực tế văn học LGBTQ+ phương Đông còn bao gồm rất nhiều tác phẩm hay chưa được khai thác đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia này có hệ thống thuật ngữ riêng như BL – chỉ văn học gay, GL – chỉ văn học lesbian… và cũng rất phổ biến trong giới độc giả hâm mộ thể loại này.
Về căn bản, tất cả những tác phẩm thuộc các thể loại trên đều có nội dung đề cập đến nhân vật LGBTQ+ và quan hệ giữa họ. Tuy nhiên không phải là không có khác biệt. Khác biệt đầu tiên là ở thuật ngữ riêng, được sử dụng ở từng quốc gia. Khác biệt thứ hai liên quan đến văn hóa của từng nơi. Sách là một phần của văn hóa, phản ảnh lối nghĩ, cách sống, quan niệm, tâm lý dân tộc… của xã hội sản sinh ra nó. Văn hóa khác biệt sẽ dẫn đến diễn biến, không khí truyện khác biệt. Đó là chưa kể tới văn phong. Vậy nên có một điều mà những ai đã đọc cả hai thể loại khó có thể phủ nhận được là đọc đam mỹ sẽ cho ta cảm xúc và suy nghĩ khác hoàn toàn so với đọc BL hay gay novel. Theo mình thì điểm khác biệt thứ hai này sẽ in dấu lên cái khác biệt đầu tiên về thuật ngữ kia, dẫn đến việc mỗi thuật ngữ đều đã bao hàm đặc trưng của các tác phẩm đó, sao cho chỉ cần nói ra thể loại của cuốn sách là độc giả sẽ biết họ nên mong chờ gì từ tác phẩm. Nên cuối cùng dù cùng dưới một phân loại lớn là văn học LGBTQ+ nhưng các thuật ngữ này vẫn là đại diện cho những thể loại riêng rẽ, đặc thù.
Vì vậy nên để trả lời cho ví dụ của bạn, Call Me By Your Name là một tác phẩm LGBTQ+ xuất bản tại Mỹ, viết bởi tác giả người Mỹ, thuộc thể loại gay novel, nên không thể gọi nó là đam mỹ được.
Thu Hoài: Từ góc độ của người dịch sách cũng như người đọc sách, bạn thấy thái độ tiếp cận với dòng sách LGBTQ+ ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Liệu tương lai dòng này có thể trở thành best-seller tại nước nhà được không?
Jack Frogg: Hiện nay LGBTQ+ không còn là một điều “cấm kỵ” trong xã hội Việt Nam như những thập niên trước, dù vẫn còn những kỳ thị và hoài nghi nhưng mình thấy thái độ của giới trẻ đối với LGBTQ+ khá cởi mở và thoải mái. Mình nghĩ đối tượng độc giả chính của dòng sách LGBTQ+ sẽ là người trẻ tuổi từ 8x trở đi, với thế hệ độc giả này thì không cần phải lo lắng. Tuy nhiên cũng phải dè chừng những xu hướng độc hại núp bóng đồng minh, ví dụ như xu hướng đọc phong trào, xu hướng trọng gay khinh les kỳ thị chuyển giới, xu hướng cực đoan hóa… những độc giả cực đoan dạng này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới hình ảnh tác phẩm trong mắt công chúng.
Còn best seller thì lại là chuyện của từng tác phẩm. Một cánh én không làm nên mùa xuân, một mối tình gay không làm nên tuyệt tác – không có gì đảm bảo rằng cứ là sách có nội dung LGBTQ+ thì sẽ là cuốn sách hay, nên không thể nói trước được rằng dòng văn học LGBTQ+ sẽ là một dòng luôn thống trị bảng xếp hạng. Tuy nhiên mình có thể khẳng định rằng đây là một thể loại đầy tiềm năng và sách LGBTQ+ thường sẽ bán chạy, vì mỗi tác phẩm thuộc thể loại này đều sẽ mang tới cho độc giả những suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm mới mẻ, như được đổi món sau khi đã tiếp xúc quá lâu với các tác phẩm lãng mạn hetero mà hiện nay đang dần rập khuôn theo lối mòn.
Thu Hoài: Bạn mong chờ cuốn sách LGBTQ+ nào sẽ được xuất bản tại Việt Nam trong thời gian tới? Liệu độc giả có được thấy tên dịch giả Jack Frogg trên bìa một cuốn sách trong một tương lai gần không?
Jack Frogg: Dạo này mình bận nên cũng không kiểm qua được nhiều tác phẩm lắm, có một vài tác phẩm tiếng Pháp mình để mắt đến nhưng cũng khá gian nan để mang về những kệ sách ở Việt Nam, nên còn phải xem xét đã, nói trước bước không qua đó bạn. Nói vậy chứ, không biết các bạn độc giả có gợi ý gì không nhỉ? Mình rất muốn nghe chút gợi ý tư vấn của các bạn nha, có cuốn nào các bạn đương ngày nhớ đêm mong không ta?
Tên dịch “giã” Jack Ếch này thì chắc sẽ còn xuất hiện vài lần ạ, còn gần không thì phải hỏi nhà xuất bản nhé.
Lời cuối là xin cảm ơn các bạn đã lên bài phỏng vấn này để mình có dịp chia sẻ quan điểm của một dịch giả an tĩnh kín tiếng. Chân thành cảm ơn các bạn độc giả đã đón đọc và yêu quý Ba nghìn dặm và Trường ca Achilles. Mình mong rằng trong tương lai mình vẫn được đón nhận sự ủng hộ của các bạn, và mong rằng chúng ta sẽ còn đồng hành cùng nhau dài dài. Cảm ơn các bạn!
Thu Hoài thực hiện
Người góp chữ
Thu Hoài
Chân culi tại Trạm Radio.
mình rất thích cuốn Trường ca Achilles mà Jack Frogg dịch luôn ạ. Từ cái lúc mình vô tình tìm thấy cuốn này từ một chị nước ngoài là mình hi vọng có một dịch giả Việt Nam nào đó sẽ thực hiện cuốn này và không ngờ đã có thật mà lại dịch cuốn đến vậy. Cảm xúc mình dành cho cuốn Trường ca Achilles mãi như ngày đầu mình tìm đến với em ấy. Khi biết Frogg dịch thêm cuốn Ba nghìm dặm mình sẽ mua thêm cuốn này nữa. Chúc Jack Frogg ngày càng phát triển trên con đường biên dịch của mình. <3