“Ngọt và đắng, đen và hồng, không tốt cũng chẳng xấu” – Phỏng vấn nhà văn Vũ Đình Giang

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 10 phút

Vũ Đình Giang sinh năm 1976 tại Tiền Giang. Anh tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật Công nghiệp ĐH Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành đồ họa. Năm 2000, anh đoạt giải Tư cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ hai, cuộc thi phát hiện những tài năng viết trẻ lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam do Nhà xuất bản Trẻ và báo Tuổi Trẻ tổ chức và tuyển chọn. Song song là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Vũ Đình Giang, xuất bản lần đầu năm 2007, tái bản năm 2011, cuốn tiểu thuyết, theo ý kiến của tôi, là tác phẩm hư cấu đồng tính hay nhất bằng Việt ngữ. Tác phẩm này của Vũ Đình Giang xứng đáng đứng ngang hàng với những tác phẩm sexy nhất của những nhà văn đồng tính nổi tiếng nhất đương thời, như Alan Hollinghurst (UK), Colm Tóibín (Ireland), Édouard Louis (Pháp), Garth Greenwell (Mỹ) và Witi Ihimaera (New Zealand), một viên ngọc trong văn học Việt đương đại.

Song song mở đầu, và kết thúc, bằng vụ tự sát của Trương Quốc Vinh, một diễn viên và ca sĩ Hong Kong nổi tiếng, gay icon của châu Á. Cuốn tiểu thuyết kể câu chuyện cuộc đời, tình yêu, dục vọng, ảo ảnh và bạo lực của ba nhân vật: G.g, H, và Kan. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên, và có lẽ duy nhất, ở Việt Nam, trình bày tình yêu đồng tính, ham muốn và tình dục đồng tính như nó vốn thế. Tự nhiên và không quằn quại, ba nhân vật chính trong Song song, G.g, H và Kan làm những công việc bình thường, một người là họa sĩ, hai người còn lại là nhân viên văn phòng, sống cuộc sống bình thường. Song song đặc biệt ở chỗ, ngoài kỹ thuật viết và xây dựng tác phẩm, nó là một tác phẩm hiếm hoi viết về người đồng tính ở Việt Nam vượt ra ngoài khuôn sáo của những nhân vật làm đĩ điếm, giả nữ, chuyển giới hay quằn quại với căn tính của bản thân và kỳ thị của xã hội. Song song, mặt khác, chạm tới rất nhiều mặt đa diện phức tạp của dục vọng, BDSM, tình dục giữa người và động vật, và cả chuyện tình dục giữa trẻ vị thành niên và người lớn tuổi, những chủ đề được coi là nhạy cảm ở nhiều nơi trên thế giới. Song song vì thế đã đập tan nhiều stigma về tình dục, và quan điểm vẫn rất phổ biến cho rằng trẻ em không đủ khả năng nhận thức về tính dục và ham muốn tình dục, quan điểm xếp trẻ em vào loại ‘sinh vật vô tính’. Tràn ngập trong Song song còn là bạo lực, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực tìm kiếm nơi giải thoát ở hành vi bạo hành động vật và bạo lực quay trở lại ươm mầm bạo lực, và nỗi cô đơn, một nỗi cô đơn dường như là mẫu số chung của mọi cá thể trong tác phẩm, lách tách chảy thấm qua từng dòng chữ trong tác phẩm. Song song, bởi thế, vượt ra khỏi mọi phân loại, trở thành một tác phẩm universal, cho tất cả chúng ta, những sinh vật từng cảm thấy cô đơn.

Song song đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Pháp, Parallèles, dịch giả Yves Bouillé. Tác phẩm do Editions Riveneuve xuất bản, phối hợp với Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông (Inalco) tại Paris, cùng với một số tác phẩm của các tác giả Việt Nam đương đại nổi tiếng, trong một tủ sách chuyên về văn học Đông Nam Á của nhà xuất bản này. Song song hiện tương đối khó kiếm, do số lượng bản in hạn chế. Với bài phỏng vấn này, hy vọng độc giả sẽ có cuộc trò chuyện thân mật với nhà văn Vũ Đình Giang, để hiểu hơn về công việc của anh, cũng như về tác phẩm Song song.

– K.

 

 

K.: Anh bắt đầu viết văn từ khi nào?

Vũ Đình Giang: Tôi viết truyện ngắn đầu tay năm mười tám, ngay mùa thi đại học. Truyện bột phát, thật thà, viết trên giấy học trò, mô tả tâm trạng đi thi như bước vào đời. Ký một bút danh và gửi đến tờ Áo Trắng. May sao được nhà văn Đoàn Thạch Biền chọn in. Từ đó tôi bắt đầu.

 

K.: Anh viết Song song trong bao lâu? Anh có lên ‘dàn ý’ khi viết không? (Anh có phải kiểu nhà văn sẽ ‘lên kế hoạch’ trước cho các nhân vật sẽ làm gì không?)

Vũ Đình Giang: Khoảng hơn một năm. Nhưng mọi thứ đã hình thành trong đầu trước đó, trước năm tôi ba mươi tuổi. Tôi thấy mình không còn trẻ trung nữa để viết dăm truyện thời trang in báo, nơi gầy dựng chút giọng điệu được vài người để mắt. Thời kỳ non nớt ấy nên dừng. Với truyện ngắn thì tôi thuận theo cảm hứng tự nhiên, phó mặc khoảnh khắc. Nhưng tiểu thuyết thì khó, tôi luôn phải giữ thói quen dựng phác thảo trước, kỹ năng hình thành hồi đại học, khiến tôi chú trọng cấu trúc và bố cục, nhịp điệu, rồi chỉnh sửa dần khi viết. Dẫu vậy, mọi thứ đều biến đổi khó lường.

 

K.: Anh viết trên giấy hay trên máy tính?

Vũ Đình Giang: Máy tính. Trừ hai năm đầu sinh viên.

 

K.: Song song mở đầu, và kết thúc, bằng hình ảnh về cái chết của Trương Quốc Vinh, một gay icon ở châu Á. Anh có phải là người hâm mộ Trương Quốc Vinh và các phim mà anh ấy đóng (Xuân quang xạ tiết, Bá vương biệt cơ, mà anh có nhắc tới trong tác phẩm), không?

Vũ Đình Giang: Như mọi thanh niên thời cuối thập niên ’90, phương tiện giải trí từ âm nhạc và điện ảnh không nhiều. Tôi đoán mọi người đều biết những bộ phim đó, những icon tiêu biểu đó. Kiệt tác Bá vương biệt cơ. Và tôi hâm mộ mọi thứ tìm thấy. Tuổi trẻ luôn nồng nhiệt với tất thảy.

 

K.: Hồi ấy, tin đó ảnh hưởng tới anh như thế nào?

Vũ Đình Giang: Suốt thời sinh viên tôi đọc và nghe nhiều chuyện nghệ sĩ tự sát, ở mọi lĩnh vực, với bao uẩn khúc sâu kín và cả những trò hề, nên khi nghe tin một ngôi sao nào vụt tắt, tâm trạng tôi quân bình, thoáng nghĩ về giới hạn và phần số, tin rằng miễn sao tài năng của họ được lưu giữ.

 

K.: Anh có coi nhiều phim đồng tính không? Anh ấn tượng với (những) phim nào nhất?

Vũ Đình Giang: Tôi không liệt kê nổi vì có rất nhiều tác phẩm đa dạng theo từng thời kỳ. Nhưng nhìn chung, tôi thích những tác phẩm dấn sâu vào tính khai mở, mạo hiểm sắc cạnh, và thách thức xã hội, hơn là những phong cách thơ mộng.

Trước phim, sách luôn ở thế dẫn đường. Đơn cử, tôi tin ngòi bút xuất sắc của Annie Proulx đã khiến Brokeback Mountain chinh phục lòng người, trước khi điện ảnh giúp nó phổ biến.

 

K.: Đời sống tình dục của H, có thể nói là tương đối phong phú, nhưng anh ta lại rất cô đơn. Anh có nghĩ rằng đó là một feature của đời sống đồng tính?

Vũ Đình Giang: Chắc vậy. Nhưng trong chuyện này, tôi nghĩ giới nào cũng vướng phải, tùy trải nghiệm cá nhân.

 

K.: Câu chuyện về ông già và con ngựa của Kan, anh có dụng ý gì với câu chuyện này? Anh có đắn đo khi đưa câu chuyện này vào tác phẩm không?

Vũ Đình Giang: Tôi đã chủ đích ngay từ đầu. Tôi cần một ám tượng đủ mạnh và thẳng tưng, để hợp với kiểu tâm lý nhân vật đang sục sôi ham muốn. Trong mạch văn cảnh thì nó là mồi nhử, ngòi nổ, còn trong tiếp nhận của người đọc thì là thủ thuật tạo điểm đột biến. Có vậy thì các tình huống quái gở sau đó mới trôi chảy tự nhiên.

 

K.: G.g, sau khi kể về chuyện tình của mình với ông già hàng xóm mà anh ta coi là bố nuôi, kết luận ‘Chúng tôi thuộc về một thế giới khác, cái thế giới có thể hữu hình mà cũng có thể vô hình. Cái thế giới chưa được đặt tên, chưa được công nhận.’ H thì kể ‘… tất cả chúng tôi, đều là những sinh vật lạc loài, bệnh hoạn, tật nguyền.’ Theo anh tưởng tượng, có utopia nào cho họ không?

Vũ Đình Giang: Không. Utopia chỉ mọc lên trong nghệ thuật, nơi thiểu số thạo nghề dàn dựng và cắt cúp, giúp số đông tạm lánh chút muộn phiền. Hầu hết chúng ta đều phải đối diện thực tại, rằng buồn nản là quy luật dòng đời.

 

K.: Tình dục giữa trẻ vị thành niên và người lớn tuổi có thể được coi là khá nhạy cảm. Qua câu chuyện của G.g và ông già hàng xóm, Song song còn thách thức quan điểm rất phổ biến cho rằng trẻ em không biết gì về ham muốn tình dục. Anh có muốn chia sẻ gì thêm với độc giả không?

Vũ Đình Giang: Chuyện này không phải vùng cấm kỵ. Trước khi khoa học tâm lý hiện đại truy dò, pháp luật nghiêm cấm và đạo đức xã hội gây ồn bề nổi, nó đã có ở đó, tự sơ khai. Lẩn khuất song tự nhiên, bất chấp ràng buộc khắc nghiệt bởi các hình thái xã hội và điều răn tôn giáo. Thần thoại, ngụ ngôn, ý niệm dân gian, tín ngưỡng, mỹ thuật cổ xưa… mọi nơi đều lưu dấu. Người ta cố lờ nó đi thôi. Sau này, tiểu thuyết khai thác nó dày, sâu, tối hơn. Tôi chỉ mới tập viết vài trường đoạn nhỏ. Nhìn chung, trong vùng phức cảm đen tối, gồm ấu dâm, loạn luân, tình dục khác loài hoặc xuyên giới, trang viết và nghệ thuật nói chung luôn khờ hơn đời thật.

Tôi xin nói thêm, chất ấu dâm cũng là một trong những thực tế giới gay ưa trải nghiệm, dạng phức cảm của nạn nhân chủ động, đại loại thế, trước khi nổi rõ căn tính, dù sau đó họ cứ vu khống ở chiều ngược lại. Tất nhiên, ý này của tôi không tương thích khẩu vị đại chúng, nơi nuôi dưỡng chuyên đề báo vặt, thiên phóng sự truyền hình ngô ngọng, những phiên tòa nôm na khuyết tật. Thực tế thản nhiên hơn nhiều, ngọt và đắng, đen và hồng, không tốt cũng chẳng xấu, vượt mọi khuôn khổ luân lý. Nhà văn thấy cần thì mạnh dạn bộc lộ chúng trên trang viết, như vốn có.

 

 

K.: Các nhân vật chỉ có nickname? Vì sao?

Vũ Đình Giang: Vì thế giới đó ưa dùng nick ảo.

 

K.: Quan niệm về thời gian của các nhân vật rất ‘queer’, anh có nghĩ rằng bởi vì các nhân vật ‘queer’ nên quan niệm thời gian của họ vì thế mà ‘queer’?

Vũ Đình Giang: Cảm ơn bạn đã tinh ý nhận ra. Câu hỏi cũng là lời đáp.

 

K.: Tôi có cảm giác rằng, người cha luôn thiếu vắng trong đời sống của cả ba nhân vật, cha của Kan bỏ đi khi cậu còn nhỏ, H không bao giờ nhắc tới cha, và người cha bạo lực của G.g. Tại sao?

Vũ Đình Giang: Cuốn sách đương nhiên thuộc bối cảnh xã hội đương thời. Có một điểm chung tôi nhận thấy, dưới tác động quan niệm truyền thống – thiết chế nam trị, thường được chạm khắc hoa mỹ theo công thức “Công cha như những ví von”, thực tế hầu hết giới gay Việt Nam đều có khoảng cách với cha họ. Đó cũng là xung đột giới (xu hướng tính dục) trong cùng một giới (giới tính sinh học). Các nhân vật luôn thiếu vắng hình ảnh người cha là ẩn dụ dễ hiểu: thái độ chống đối biểu tượng bạo quyền đực tính, bằng cách loại trừ nó khỏi tâm trí.

 

K.: Nhân vật của anh có nhắc nhiều tới cuộc đời và sự nghiệp của Truman Capote. Anh có hay đọc tác phẩm của các nhà văn gay không? Anh thích những cuốn nào nhất?

Vũ Đình Giang: Dĩ nhiên tôi thích In Cold Blood [Máu lạnh]. Tác phẩm kinh điển lừng danh đến thế. Tôi cũng học được thể loại phi hư cấu cần gì, các phân nhánh mở rộng phát triển ra sao, và rằng chúng giao cắt với dòng tự thuật hay giả tự thuật như thế nào. Làm cách nào để vận dụng kỹ thuật đó thành văn chương vàng ròng, thay vì sa lầy kể lể.

 

K.: Có nhà văn nào ảnh hưởng tới anh không? (Việt Nam và nước ngoài, queer và không queer)

Vũ Đình Giang: Vô số. Tôi chịu ảnh hưởng từ mọi tác giả tôi ngưỡng mộ. Tiếp cận được bậc thầy đôi khi phải vượt qua nhiều khuất lấp, hoặc định kiến mù lòa. Trong chặng đầu tiên, một tác giả tiền phong nay đã bị thời cuộc bôi mờ, tôi xin phép giữ riêng, mà tôi tình cờ đọc lúc kiến văn chưa định hình, lúc ấy tôi không biết danh bút đó phủ tầm vóc ra sao trên văn đàn, với trí tuệ và nguồn lượng tiếng Việt khiến tôi kinh ngạc. Ở mỗi khúc quanh, dòng bẩn lịch sử cố xóa trôi những tài nghệ ưu tú không chịu náu nhờ. Kẻ hậu bối như tôi chuyển biến tí chút cách viết nhờ tìm học họ.

 

K.: Ngoài việc viết văn, anh còn là họa sĩ, G.g cũng là họa sĩ, và anh ta hâm mộ danh họa Bỉ René Magaritte. Anh có hâm mộ họa sĩ này không? Việc là họa sĩ giúp anh như thế nào khi anh xây dựng bối cảnh tác phẩm?

Vũ Đình Giang: Tôi không dám bàn qua lĩnh vực khác, thêm các danh họa, họ rất vĩ đại. Song từ góc nhìn cá nhân, tôi biết muốn rèn bút có hiệu quả, nếu mình chỉ đọc mỗi văn chương, sống tạp rồi viết bừa, chắc không cách gì gọt giũa nét thô lậu. Mỹ thuật, thiết kế, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… luôn là nguồn gợi hứng bất tận. Dẫu không kinh qua hay thuộc về, mình nên biết thưởng thức.

 

K.: Song song là cuộc đời song song của ba nhân vật, hay là ‘cái gì đó’ song song giữa G.g và H?

Vũ Đình Giang: À, ngoài nội dung, nó cũng là khẳng định của tôi về kỹ thuật viết, trong cuốn đó thôi.

 

K.: Anh đánh giá thế nào về các tác phẩm LGBTQ+ của các tác giả Việt Nam?

Vũ Đình Giang: Tôi thiếu quan sát nên không thể đưa ra ý kiến thỏa đáng. Song tôi quan niệm, không cứ tác phẩm LGBTQ+, mà ở mọi thể tài khác, tôi đã sớm học cách phân định: bản chất trang viết là khác nhau, của người ý thức cần thiết phải viết văn với người ham mê kể chuyện.

 

K.: Anh có đang viết gì không?

Vũ Đình Giang: Tôi có hai tiểu thuyết chờ dịp công bố: ‘Độc tố’ và ‘403A’.

 

K.: Tôi nhớ anh đã từng trả lời một câu hỏi phỏng vấn, về mối liên hệ giữa trải nghiệm của nhân vật và của chính tác giả, anh có muốn trả lời lại câu hỏi này, với độc giả của Zzz Review không?

Vũ Đình Giang: Sau mười năm ngừng xuất bản, tôi không dám lục lại những phát ngôn bốc đồng, đã biết sợ những màu mè khoác lác. Nghề văn quả thật khó theo đuổi, ngay cả với người thành danh.

Sau cùng, tôi rất cảm ơn bạn đã cho tôi cơ hội quý báu được trò chuyện với độc giả vô hình, qua một cuốn sách cũ.

 

K.: Xin chân thành cảm ơn anh.

K. thực hiện

 

Chấm sao chút:

Đã có 6 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on “Ngọt và đắng, đen và hồng, không tốt cũng chẳng xấu” – Phỏng vấn nhà văn Vũ Đình Giang

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: