Joseph Campbell, Người hùng mang ngàn gương mặt (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 16 phút

Phần I. Cuộc phiêu lưu của người hùng – Chương II. Thụ giáo – 5. Phong thần (trích)

Một trong những vị Bồ tát uy lực và được kính ngưỡng nhất trong Phật giáo Đại Thừa ở Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản là Liên Hoa Thủ, Avalokiteśvara tức Quán Thế Âm, “Đấng Bi Mẫn Nhìn Xuống Thế Gian”, được gọi như vậy vì với lòng từ bi ngài nhìn mọi loài hữu tình chịu khổ vì những cái xấu ác của hiện hữu. Dâng cho ngài là câu tụng một triệu lần nơi kinh luân và cồng trong đền thờ ở Tây Tạng: Om mani padme hum, “ngọc quý trong hoa sen”. Trong mỗi phút người ta cầu xin ngài có lẽ nhiều hơn bậc vị nào con người từng biết; vì trong kiếp sau cùng dưới dạng người ở trần gian, khi ngài đã tự đập tan trói buộc ở ngưỡng cuối cùng (khoảnh khắc đó mở ra cho ngài cái phi thời gian của cõi không bên kia những ảo hóa chán ngán của vũ trụ danh sắc và trói buộc), ngài dừng: ngài phát thệ rằng trước khi nhập Niết Bàn ngài sẽ dẫn dắt mọi loài chúng sinh không trừ ai đến chánh giác; và kể từ đó ngài tưới tắm nhuần khắp cõi tồn tại thần lực từ sự hiện diện độ trì của ngài, để lời cầu xin bé mọn nhất dâng ngài khắp cõi tâm linh bao la của Phật cũng được ngài nhân từ nghe thấy. Trong nhiều hình tướng khác nhau ngài đi qua mười ngàn cõi, và thị hiện vào phút giờ con người khốn quẫn và cầu xin. Ngài thị hiện trong dạng phàm nhân có hai tay, trong dạng siêu phàm có bốn tay, hay sáu, hay mười hai, hay một ngàn tay, và trong một tay trái ngài cầm hoa sen thế giới.

Tượng Quán Thế Âm ở Nalanda, Ấn Độ, khoảng thế kỷ 9, tay trái cầm hoa sen, tay phải làm thủ ấn thí nguyện. Hiện vật ở Bảo tàng quốc gia Ấn Độ, New Delhi. Ảnh: Hideyuki Kamon.

Cũng giống như bản thân Đức Phật, bậc vị thiêng liêng này là mô thức trạng thái siêu phàm mà người hùng con người đạt tới sau khi đã vượt qua được những quỷ dữ vô minh sau cùng. “Tâm không còn chướng ngại nên không có sợ hãi, xa lìa mọi điên đảo.” Đây là sự giải thoát tiềm tàng bên trong tất cả chúng ta, mà ai cũng có thể đạt được – qua nhận lãnh vai người hùng; vì, như ta đọc thấy: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp” (mọi sự trên đời đều có Phật tính); hay hơn nữa (và đây chẳng qua là mặt còn lại của cùng phát biểu đó): “Vạn sự đều vô ngã”.

Thế gian ngập tràn ngài và sáng rỡ dưới ánh sáng của ngài, nhưng nó không nắm giữ được Bồ tát (“giác hữu tình”); đúng hơn, chính ngài nắm giữ thế gian, hoa sen thế gian. Sướng khổ không vây bọc ngài, ngài bao bọc chúng – và an nhiên vô cùng. Và vì ngài là trạng thái mà tất cả chúng ta có thể đạt thành, nên sự hiện diện của ngài, hình ảnh của ngài, hoặc chỉ hồng danh ngài cũng đủ cứu độ.

Bồ tát ấy có tám mươi ức ánh sáng vi diệu làm chuỗi đeo. Trong chuỗi đeo, ánh sáng ấy khắp hiện tất cả sự trang nghiêm. Thân màu tử kim, bàn tay màu năm trăm ức hoa sen đẹp, mỗi mỗi đầu ngón có tám vạn bốn ngàn lằn dường như ấn văn, mỗi mỗi lằn có tám vạn bốn ngàn màu sắc, mỗi mỗi màu sắc có tám vạn bốn ngàn ánh sáng, ánh sáng ấy mềm dịu chiếu khắp tất cả. Bồ tát dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sanh. Trong viên quang quanh cổ có năm trăm Hóa Phật, mỗi mỗi Hóa Phật có năm trăm Hóa Bồ tát làm thị giả, mỗi mỗi Hóa Bồ tát lại có vô lượng chư Thiên làm thị giả. Lúc Bồ tát để chân xuống, có hoa kim cương ma ni rải rắc tất cả, không chỗ nào là chẳng đầy khắp. Mặt Bồ tát như màu vàng Diêm Phù Ðàn. Trên đỉnh có thiên quan bằng Tỳ Lăng Già Ma Ni bửu, trong thiên quan có một Hóa Phật, đứng cao hai mươi lăm do tuần.

Ở Trung Hoa và Nhật Bản vị Bồ tát đại từ đại bi này được thể hiện không chỉ trong thể dạng nam mà còn dạng nữ. Guanyin của Trung Hoa hay Kan’on của Nhật Bản – Đức Mẹ của Viễn Đông – chính là vị từ bi quán chiếu thế gian này. Ta sẽ bắt gặp bà trong mọi chùa chiền ở tận những ngóc ngách xa nhất phương Đông. Bà nhân từ với kẻ khôn người dại như nhau; bởi đằng sau lời thệ của bà là một trực giác thâm sâu, cứu nhân độ thế. Dừng lại bên ngưỡng Niết Bàn, cái quyết tâm khoan hưởng cực lạc trường cửu đợi cho đến tận cùng thời gian (mà nó thì bao giờ có tận cùng) nói lên điều giác ngộ rằng sự phân biệt giữa vĩnh cửu và thời gian chỉ là biểu kiến – tất yếu do tâm duy lý tạo ra, nhưng tiêu tan trong tri kiến toàn hảo của tâm đã vượt lên trên mọi cặp đối lập. Điều hiểu được là thời gian và vĩnh cửu là hai khía cạnh của cùng một toàn thể kinh nghiệm, hai bình diện của cùng cái bất khả tư nghị có tính bất nhị; tức là viên ngọc vĩnh cửu nằm trong hoa sen sinh tử: om mani padme hum.

Tượng Bồ tát Tara ở Đồng Dương, Quảng Nam, cuối TK 9-đầu TK 10, được xếp hạng Bảo vật quốc gia. Hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

Diệu tính đầu tiên cần lưu ý ở đây là tính cách lưỡng tính của Bồ tát: Avalokiteśvara nam, Quan Âm nữ.

Các vị thần vừa là nam vừa là nữ không phải hiếm thấy trong thế giới thần thoại. Các vị luôn hiện ra với một bí ẩn nào đó; vì họ đưa tâm đi khỏi lĩnh vực kinh nghiệm khách quan vào một địa hạt biểu tượng mà nhị nguyên tính bị bỏ lại đằng sau. Awonawilona, vị thần chính của dân Zuni, người tạo ra và dung chứa tất cả, thỉnh thoảng được gọi là ông, nhưng thật ra là nửa ông nửa bà. Thái Nguyên thánh mẫu, vị thần thái cổ trong sử biên niên Trung Hoa, kết hợp trong mình cả Dương nam và Âm nữ.

Giáo lý kabbalah của người Do Thái thời trung cổ, cũng như các ghi chép Cơ Đốc Ngộ Đạo thế kỷ 2, trình bày Ngôi Lời Nhập Thể dưới dạng lưỡng tính – mà quả đấy là trạng thái của Adam khi được tạo ra, trước khi khía cạnh nữ, Eve, được trích ra làm thành thể dạng khác. Và giữa người Hy Lạp, không chỉ Hermaphroditos (con của Hermes với Aphrodite), mà cả Eros, thần tình yêu (vị thần đầu tiên, theo Platon), cũng mang giới tính vừa là nam vừa là nữ.

“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” Ta có thể nảy ra câu hỏi về bản chất của hình ảnh Chúa Trời; nhưng câu trả lời đã được đưa ra trong kinh, và khá rõ ràng. “Khi Đức Chúa Trời tạo ra con người đầu tiên, Ngài tạo ra một người lưỡng tính.” Việc trích khía cạnh nữ ra làm thành hình tướng khác tượng trưng cho khởi đầu của sự sa ngã từ hoàn chỉnh sang nhị nguyên; nên lẽ đương nhiên theo sau sẽ là việc phát hiện ra tính nhị nguyên thiện-ác, việc bị đuổi khỏi vườn địa đàng nơi Chúa Trời bước trên mặt đất, và do vậy mà có việc xây Tường Thiên Đường, bằng “sự trùng hợp các mặt đối lập”, bức tường khiến Con Người (giờ đã là đàn ông và đàn bà) bị cắt đứt không chỉ với hình ảnh mà còn cả ký ức về hình ảnh Chúa Trời.

Đây là phiên bản trong Kinh Thánh của một thần thoại phổ biến ở nhiều xứ. Đó là một trong nhiều cách cơ bản để biểu tượng hóa cái bí ẩn sáng thế: vĩnh cửu suy thoái thành thời gian, một chia thành hai rồi thành nhiều, và sự sống mới sinh ra khi hai kết hợp lại lần nữa. Hình ảnh này xuất hiện ở đầu chu kỳ khởi nguyên vũ trụ, và cũng – xứng đáng không kém – có mặt ở phần kết nhiệm vụ của người hùng, vào lúc mà tường thiên đường tan biến, hình tướng trời tìm lại được và nhớ lại được, và minh triết có lại được.

Tiresias, nhà tiên tri mù, vừa là nam vừa là nữ: mắt ông không còn thấy được những hình tướng đã vụn vỡ của thế giới ánh sáng nơi có các cặp đối lập, nhưng ông lại thấy được trong bóng tối nội tâm ông định mệnh của Oedipus. Śiva xuất hiện đã hợp nhất trong thân thể với Śakti, vợ thần – thần là nửa phải, bà là nửa trái – trong hóa hiện gọi là Ardhanārīśvara, “Thần Bán Nữ”. Các hình ảnh tổ tiên của vài bộ tộc châu Phi và Melanesia cho thấy một vị có ngực của mẹ cùng râu và dương vật của cha. Còn ở Úc, khoảng một năm sau thử thách cắt bì, ứng viên chờ được công nhận tư cách trưởng thành đầy đủ phải chịu một phẫu thuật mang tính lễ nghi thứ hai: cắt đáy dương vật (rạch mặt dưới dương vật, để xẻ một rãnh vĩnh viễn vào trong niệu đạo). Rãnh này gọi là “dạ con dương vật”. Nó là âm hộ biểu tượng của nam. Người hùng, nhờ nghi lễ, đã thành hơn cả đàn ông.

Máu để vẽ lên cơ thể trong nghi lễ và để dán lông tơ chim trắng vào người được lấy từ rãnh cắt đáy dương vật của các cha ông thổ dân Úc. Họ rạch vết thương cũ ra, cho máu chảy. Nó đồng thời là biểu tượng của máu kinh nguyệt từ âm đạo và tinh dịch của đàn ông, cũng như nước tiểu, nước và sữa của đàn ông. Máu chảy ra cho thấy rằng các ông già chứa trong mình nguồn sống và dinh dưỡng; rằng họ là một với suối nguồn thế giới không bao giờ cạn.

Tiếng gọi của Rắn Tổ thật đáng sợ với đứa trẻ; còn người mẹ thì che chở. Nhưng người cha đến. Ông là người dẫn dắt và thụ giáo cho đứa trẻ vào các bí ẩn của cõi xa lạ. Là người đầu tiên xâm nhập vào thiên đường của đứa trẻ bên mẹ nó, người cha là kẻ thù cổ mẫu; vì vậy mà suốt cả đời mọi kẻ thù đều là biểu tượng (đối với vô thức) cho người cha. “Bất cứ gì bị giết cũng thành người cha.” Do vậy mà trong các cộng đồng săn đầu người (như ở New Guinea chẳng hạn) có tục sùng kính các thủ cấp đem về sau các đợt tàn sát rửa hận. Cũng vì vậy mà có cái thôi thúc không cưỡng được là gây chiến: cái thôi thúc tiêu diệt người cha liên tục biến thành bạo lực chung. Các cụ già trong cộng đồng gần gũi hay chủng tộc bảo vệ mình trước đám con trai đang lớn bằng phép thuật tâm lý là các nghi lễ vật tổ. Họ đóng vai người cha yêu tinh, rồi cho thấy mình cũng là người mẹ nuôi nấng. Do vậy một thiên đường mới và rộng lớn hơn được thiết lập. Nhưng thiên đường này không bao gồm cả các bộ tộc, hay chủng tộc kẻ thù truyền thống, chúng vẫn là đối tượng phải hứng chịu sự tấn công có hệ thống. Tất cả phần “hiền” trong nội hàm cha-mẹ đều được để dành cho gia đình, còn phần “ác” thì bị đẩy ra khắp thế giới: “Vì người Philistine nầy, kẻ chẳng chịu phép cắt bì nầy, là ai, mà lại dám sỉ nhục đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống?” “Và chớ trì trệ trong việc đuổi bắt địch. Nếu các người đau đớn thì chúng cũng bị đau đớn như các người. Nhưng các người đặt hy vọng nơi Allah điều mà chúng không có niềm hy vọng nào.”

[…]

Khi đã thoát khỏi những định kiến trong cách hiểu các cổ mẫu thế giới theo lối hạn hẹp vùng miền của giáo hội, bộ tộc hay dân tộc ta rồi thì ta sẽ có thể hiểu rằng sự thụ giáo tối cao không phải là sự thụ giáo của những người cha trong vai mẹ ở bên mình, những người sau đó lại chuyển hướng tấn công sang hàng xóm để bảo vệ mình. Tin mừng mà Đấng Cứu Thế đem đến và biết bao nhiêu người đã mừng rỡ nghe thấy, sốt sắng rao giảng, nhưng xem ra lại miễn cưỡng chứng tỏ, ấy là Chúa Trời là tình thương, rằng có thể yêu kính Ngài, và Ngài sẽ được yêu kính, và rằng tất cả không chừa ai đều là con của ngài. Những chuyện so ra thì khá vụn vặt như các chi tiết còn lại trong tín điều, các kỹ thuật thờ phụng, các công cụ tổ chức giáo hội qua giám mục (những thứ đã cuốn hút sự quan tâm của các nhà thần học phương Tây đến mức ngày nay họ nghiêm túc bàn bạc và coi đó là những vấn đề chính yếu của tôn giáo), chỉ là những cái bẫy thông thái rởm, trừ phi được kìm giữ chỉ làm phần phụ cho lời huấn chính. Quả thật, nơi đâu không giữ được như vậy, ở đấy chúng sẽ dẫn đến thoái bộ: chúng kéo lùi hình ảnh người cha trở lại các chiều kích vật tổ. Và tất nhiên, đấy chính là điều đã xảy ra khắp thế giới Cơ Đốc. Đến phải nghĩ rằng chúng ta đã được kêu gọi phải quyết định hay phải biết xem ai, trong tất cả chúng ta, được Cha thích hơn. Nhưng giáo lý thì lại ít phỉnh phờ hơn nhiều: “Các người đừng xét đoán ai, để mình khỏi bị xét đoán.” Thánh giá của Đấng Cứu Thế, bất chấp hành vi của các tu sĩ tự xưng của nó, là biểu tượng có tính dân chủ hơn lá cờ địa phương nhiều.

Cách hiểu những hàm ý sau cùng – và then chốt – trong những lời nói và biểu tượng cứu chuộc thế giới của truyền thống khối Cơ Đốc đã trở nên quá lộn xộn trong các thế kỷ biến động trôi qua kể từ khi thánh Augustinô tuyên bố thánh chiến giữa Civitas Dei với Civitas Diaboli, Nước Chúa và Nước Quỷ, đến độ mà người suy tưởng hiện đại muốn biết thế nào là một tôn giáo thế giới (nghĩa là một học thuyết về tình yêu đại đồng) thì phải quay qua sự hiệp thông vũ trụ lớn lao (và lâu đời hơn nhiều) kia: sự viên thông của Đức Phật, nơi mà lời hàng đầu vẫn là an lạc – hòa bình cho muôn loài.

[…]

An lạc nằm ở cốt lõi của vạn sự vì Avalokiteśvara – Quán Thế Âm, vị Bồ tát vô lượng, Đại Từ Đại Bi – nhiếp thu, quán sát, và ngụ trong mọi loài hữu tình, không có ngoại lệ. Sự hoàn thiện trong đôi cánh mỏng manh của một côn trùng, bị đập nát trong dòng thời gian, cũng được ngài quán sát – và ngài cũng vừa là sự hoàn thiện vừa là sự phân rã của vạn vật. Nỗi thống khổ triền miên của con người, tự giày vò, tự huyễn, vướng mắc trong lưới mê mờ của chính mình, thất vọng, nhưng sẵn mang bên trong mình, dù chưa phát hiện ra và hoàn toàn chưa dùng đến, cái bí mật giải thoát: ngài cũng quán sát điều này – và ngài là chính điều này. Thanh tĩnh bên trên con người là các thiên thần; bên dưới người là quỷ và người chết xấu số: tất cả đều được những tia sáng từ bàn tay châu ngọc của Bồ tát nhiếp thu, và họ là ngài, giống như ngài là họ. Mọi trung tâm ý thức bị trói buộc gông cùm, nhân gấp muôn ngàn, trên mọi bình diện tồn tại (không chỉ trong vũ trụ này, giới hạn bên trong Ngân Hà, mà xa hơn, vươn đến các khoảng không vũ trụ), thiên hà bên kia thiên hà, thế giới các vũ trụ bên kia thế giới các vũ trụ, đã bước vào hiện hữu từ bể không phi thời gian, bùng vỡ thành sự sống, rồi như bọt bóng biến tan: hết lần này qua lần khác: kiếp sống nhân bội vô vàn: tất cả đều khổ: mỗi tâm thức đều bị nhốt chặt trong vòng tròn mong manh của chính nó – chém, giết, hận thù, và mong mỏi an lạc sau chiến thắng: tất cả đều là con cái, là những hình dáng điên rồ trong cõi mơ tạm bợ mà vẫn miên man, không bao giờ vơi cạn của Đấng Quán Chiếu Thế Gian, tánh của ngài là tánh Không: “Đấng Bi Mẫn Nhìn Xuống Thế Gian”.

Nhưng danh hiệu của ngài còn có nghĩa: “Quán Tự Tại”. Tất cả chúng ta đều là phản chiếu hình ảnh của ngài. Kẻ chịu khổ bên trong chúng ta là vị đó. Chúng ta và người cha độ trì là một. Đây là tri kiến sẽ cứu chuộc ta. Người cha phù trợ đó là mọi người ta gặp. Thế nên phải biết rằng, dù cái thân chịu khổ, vô minh, hạn hẹp, tự vệ này có thể xem mình là bị kẻ nào khác – kẻ thù – đe dọa, thì thân đó cũng là Thượng đế. Con yêu tinh đập nát chúng ta, nhưng người hùng, ứng viên phù hợp, trải qua cuộc thụ giáo “như một con người”; và nhìn coi, đó chính là người cha: chúng ta trong Người và Người trong chúng ta. Người mẹ yêu quý, chở che cho thân ta không thể bảo vệ ta trước Rắn Tổ; tấm thân hữu tử, hữu hình mà bà cho chúng ta được trao vào tay quyền năng đáng sợ của ông. Nhưng chết không phải là hết. Chúng ta được trao cho kiếp sống mới, lần sinh mới, tri kiến mới về tồn tại (để ta không chỉ sống trong thể xác này, mà còn trong mọi thân, mọi thể xác của thế giới, như Bồ tát). Chính người cha đó là dạ con, người mẹ, trong lần sinh thứ hai này.

Đấy là ý nghĩa của hình ảnh thần lưỡng tính. Ngài là bí ẩn của chủ đề thụ giáo. Chúng ta bị lấy khỏi người mẹ, nhai nát thành nghìn mảnh, và được đồng hóa vào trong thân xác tiêu hủy thế giới của yêu tinh mà đối với nó mọi hình tướng và tồn tại quý giá chỉ là các món trong bữa tiệc; nhưng rồi, được tái sinh kỳ diệu, chúng ta đã trở nên lớn hơn cả trước. Nếu Chúa Trời là cổ mẫu thuộc về bộ lạc, chủng tộc, dân tộc hay giáo phái, thì chúng ta là chiến binh dưới ngọn cờ ngài; nhưng nếu ngài là chúa tể của chính vũ trụ, bấy giờ chúng ta sẽ đi tiếp như những kẻ biết rằng mọi người đều là anh em. Và ngả nào thì chúng ta cũng đã vượt lên khỏi các hình ảnh cha mẹ cùng ý niệm “thiện” và “ác” thời ấu thơ rồi. Chúng ta không còn ao ước và sợ hãi nữa; chúng ta là cái được ao ước và sợ hãi. Mọi thần, mọi Bồ tát và Phật đều đã gộp vào trong chúng ta, như trong vầng hào quang của vị uy nghi cầm hoa sen thế giới.

Ardhanārīśvara – Śiva hợp nhất trong thân thể với Śakti

[…]

Đây là ý nghĩa diệu tính đầu tiên của Bồ tát: tính cách lưỡng tính của vị thần này. Do vậy hai cuộc phiêu lưu thần thoại có vẻ đối lập lại tụ hội với nhau: Gặp nữ thần và Hòa giải với người cha. Vì trong cuộc phiêu lưu đầu, người thụ giáo được biết rằng nam và nữ là (như cách diễn đạt trong Bṛhadāraṇyaka Upaniṣad) “hai nửa một hạt đậu tách ra”; còn trong cuộc phiêu lưu thứ hai, người ấy được biết người Cha đã tồn tại từ trước sự phân chia giới tính: đại từ “ông” chỉ là một cách nói, còn huyền thoại về phận Con trai là một chỉ dẫn rồi sẽ được xóa đi. Và trong cả hai trường hợp đều thấy ra (hay đúng hơn là nhớ lại) rằng bản thân người hùng là cái mà anh ta đến tìm.

Diệu tính thứ hai cần lưu ý trong thần thoại Bồ tát là tiêu diệt sự phân biệt giữa sống và giải thoát – với biểu tượng là (như ta đã nhận xét) việc Bồ tát khước từ nhập Niết Bàn. Nói vắn tắt thì Niết Bàn nghĩa là “dập tắt ba lửa tham, sân, si”. Độc giả hẳn còn nhớ trong truyền thuyết về cuộc cám dỗ dưới cội Bồ Đề, địch thủ của Phật Sắp Thành là Kāma-Māra, nghĩa đen là “Ái dục-Sân hận”, hay “Yêu và Chết”, thầy phù thủy U Minh. Hắn ta là nhân cách hóa Ba Lửa và các gian truân trong thử thách cuối cùng, người canh giữ ngưỡng cửa sau cùng mà người hùng vũ trụ phải đi qua trong cuộc phiêu lưu tối thượng đến Niết Bàn.

Khi đã làm dịu lại bên trong mình Ba Lửa, tức là sức mạnh dịch chuyển vũ trụ, đến điểm tới hạn than hồng tối hậu, Bậc Cứu Độ thấy phản chiếu khắp quanh mình như trong tấm gương, những huyễn tưởng sau cùng phóng chiếu từ ý nguyện được sống của mình, cái ý nguyện thuộc về thể xác ban sơ giống như những kẻ phàm khác – ý nguyện được sống theo các động cơ bình thường là ái dục và sân hận, trong cõi u mê các nguyên nhân, mục đích, phương tiện mang tính hiện tượng. Ngài phải hứng chịu tấn công từ cơn cuồng nộ sau cùng của thịt da bị khinh thường. Và đây là khoảnh khắc quyết định mọi sự; vì từ một hòn than có thể hừng lên lại cả đám cháy.

[…]

Diệu tính thứ ba trong thần thoại Bồ tát là ở chỗ diệu tính thứ nhất (hình thể lưỡng tính) cũng là biểu tượng cho diệu tính thứ hai (sự đồng nhất giữa vĩnh cửu và thời gian). Vì trong ngôn ngữ hình ảnh siêu phàm, thế giới thời gian là bụng mẹ vĩ đại. Sự sống trong đó, do cha sinh ra, gồm chung bóng tối của bà và ánh sáng của ông. Chúng ta được thai nghén trong bà và ngụ xa người cha, nhưng khi đi khỏi dạ con thời gian vào thời điểm chết (cũng là thời điểm ta sinh vào vĩnh cửu) ta được trao vào tay ông. Bậc trí nhận ra, ngay từ khi ở bên trong bụng này, rằng mình đã từ người cha mà đến và đang trở về với ông; còn bậc đại trí biết rằng bà và ông thực chất là một.

Đấy chính là ý nghĩa của các hình ảnh Tây Tạng về sự hợp nhất của chư Phật và chư Bồ tát với khía cạnh nữ của chính mình mà nhiều nhà phê bình Cơ Đốc thấy có vẻ thật tục tĩu. Theo một cách nhìn truyền thống về những hình ảnh trợ lực cho thiền tập này, hình tướng nữ (tiếng Tây Tạng: yum) được coi là thời gian còn hình tướng nam (yab) là vĩnh cửu. Hai điều này kết hợp lại sinh ra thế giới, trong đó mọi sự đều vừa có thời tính và cũng vừa vĩnh cửu, được tạo ra theo hình ảnh vị thần nam-nữ tự tri này. Người thụ giáo, nhờ thiền tập, được dẫn dắt để nhớ lại Sắc Tướng bao gồm mọi sắc tướng (yab-yum) này bên trong mình. Mặt khác, có thể xem hình tướng nam là biểu tượng cho nguyên lý giúp thụ giáo, tức phương pháp; trong trường hợp đó thì hình tướng nữ biểu thị mục tiêu mà việc thụ giáo dẫn dắt đến. Nhưng mục tiêu này là Niết Bàn (vĩnh cửu). Vì vậy cho nên phải hình dung cả nam lẫn nữ luân phiên là thời gian và vĩnh cửu. Có nghĩa là, cả hai là một, mỗi vị là cả hai, và hình tướng nhị nguyên (yab-yum) này chỉ là kết quả của ảo giác, tuy nhiên chính ảo giác đó cũng lại không khác với giác ngộ.

Đây là phát biểu tối hậu về cái nghịch lý lớn giúp đập tan bức tường các cặp đối lập và đưa ứng viên vào với thị kiến Chúa Trời, vị mà khi tạo ra con người theo hình ảnh chính mình đã tạo ra hắn ta là đàn ông lẫn đàn bà. Bàn tay phải của nam thần cầm một lưỡi sét tương ứng với chính thần, còn tay trái thần cầm quả chuông, tượng trưng cho nữ thần. Lưỡi sét vừa là phương pháp vừa là vĩnh cửu, còn quả chuông là “giác tâm”; tiếng chuông là âm thanh tuyệt trần của vĩnh cửu được tâm tịnh nghe thấy khắp sáng hóa, và do vậy nghe cả bên trong chính nó.

Cũng chính tiếng chuông đó vang lên trong lễ Misa của Cơ Đốc giáo vào thời khắc mà Chúa Trời, qua sức mạnh của lời truyền phép thánh thể, giáng hạ vào bánh và rượu. Và cách hiểu của Cơ Đốc giáo về ý nghĩa ấy cũng là một: Et Verbum caro factum est, nghĩa là “Ngọc quý trong Hoa sen”: Om mani padme hum.

Thiên Nga dịch

Ảnh: Facebook Nhã Nam thư quán.

(Tác phẩm đã được Nhã Nam xuất bản vào tháng 6 năm 2021.)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: