Hứa hẹn hạnh phúc và sự bất mãn của Queer + Nữ quyền

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Sappho and Erinna in a Garden at Mytilene 1864 Simeon Solomon 1840-1905 Purchased 1980 http://www.tate.org.uk/art/work/T03063
Thời gian đọc: 11 phút

Tác giả Sara Ahmed (1969) là giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu về Chủng tộc và Văn hóa tại trường Đại học Goldsmiths, đồng tác giả các cuốn sách Queer Phenomenology: Orientations, Objects, Others (2006) ; The Cultural Politics of Emotion (2014) ; Strange Encounters; Embodied Others in Post-Coloniality (2000) ; Differences That Matter: Feminist Theory and Postmodernism (1998). Sinh ra trong một gia đình có cha là người Pakistan và mẹ là người Anh, Ahmed lớn lên tại Anh với vẻ ngoài khác biệt. Năm 2016, sau thời gian dài giảng dạy và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phụ nữ tại Đại học Goldsmiths, bà từ chức, quyết định trở thành một học giả độc lập để phản đối sự thất bại của nhà trường trong việc giải quyết cáo buộc quấy rối tình dục của sinh viên nữ với nhân viên nhà trường. Chính những trải nghiệm này đã hướng các nghiên cứu của Ahmed đến sự đan xen, giao thoa giữa chủ nghĩa hậu thực dân, lý thuyết nữ quyền và lý thuyết đồng tính (queer theory). Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về tác giả tại blog feministkilljoys.comsaranahmed.com, nơi bà tạo ra không gian để chia sẻ về nguyên tắc sống thông qua triết lý nữ quyền. Thuật ngữ “feminist killjoy” được bà sử dụng để gọi những người cũng có chung trải nghiệm giống như mình, đó là thực hành chủ nghĩa nữ quyền và từ chối thỏa hiệp trong một hệ thống xã hội phụ quyền áp bức, bất chấp việc có thể bị coi là một người phụ nữ không hấp dẫn và kém “nữ tính”, bất chấp những căng thẳng thường trực có thể nảy sinh từ triết lý sống này trong cuộc sống hằng ngày.

 

 

 

Cuốn sách The Promise of Happiness (2010) là một phê bình văn hóa đầy thách thức về mệnh lệnh hạnh phúc. Nó đặt ra câu hỏi rằng điều gì xảy ra nếu chúng ta thỏa hiệp những mong muốn và hạnh phúc của mình theo hạnh phúc của người khác, dưới định nghĩa “hạnh phúc” là một lời hứa hẹn, một sự định hướng con người đến những lựa chọn nhất định và cùng lúc tránh xa những lựa chọn khác. Lời hứa đó được đặt ra cho những ai sẵn sàng sống cuộc đời mình “đúng cách”. Trong cuốn sách này, thông qua các tác phẩm điện ảnh và văn học, Ahmed kết hợp triết học với nghiên cứu văn hóa nữ quyền, lý thuyết đồng tính cũng như lý thuyết chủng tộc để phơi bày cách thức con người phải “hạnh phúc” như một nghĩa vụ đạo đức.

Thuật lại lịch sử của khái niệm “hạnh phúc” từ những văn bản cổ đại về chủ đề đạo đức, những tranh cãi xoay quanh đức hạnh và giáo dục của thế kỷ 18 cho đến chủ nghĩa thực dụng thế kỷ 19, tác giả lập luận rằng hai từ “hạnh phúc” đã được sử dụng để biện minh và duy trì những bất công trong xã hội. Ahmed phân tích những nhân vật trong các tác phẩm nghệ thuật như tiểu thuyết Mrs. Dalloway (Virginia Woolf, 1925), tiểu thuyết The Well of Loneliness (Radclyffe Hall, 1928) hay bộ phim Children of Men (2006) để cho thấy họ đã thách thức cũng như chịu sự thách thức từ cách mà hạnh phúc được gắn với những thứ nhất định, những lý tưởng xã hội nhất định ra sao.

 

***

 

Vốn được miêu tả như mục đích hướng tới của cuộc đời mỗi người, thứ mang đến ý nghĩa trật tự cho cuộc sống con người, nhưng liệu chúng ta đều chung cảm nhận cách nghĩ về “hạnh phúc” không? chúng ta đồng ý với điều khi chúng ta đồng ý với “hạnh phúc”?

Mặc dù cho rằng “hạnh phúc” là điều mà mỗi sinh vật lý trí hữu hạn đều mưu cầu và hướng tới, Immanuel Kant cũng đặt nó ra ngoài phạm vi đạo đức, chấp nhận rằng khái niệm này vô định và mông lung đến mức con người không bao giờ có thể khẳng định một cách chắc chắn, nhất quán rằng điều anh ta thực sự hướng tới là gì. Dù khao khát hạnh phúc, chúng ta không biết rõ mình muốn gì khi tìm kiếm “hạnh phúc”. Cuốn sách này không đưa ra một định nghĩa mới hay một mô hình để có được hạnh phúc đích thực. Điều tác giả quan tâm và hoài nghi là khái niệm này đã bị gắn với (hay liên tưởng đến) những lựa chọn nhất định trong cuộc sống như thế nào; từ đó chỉ ra rằng khi mưu cầu “hạnh phúc”, chúng ta thực chất mưu cầu “những liên tưởng về hạnh phúc”. Lịch sử của khái niệm “hạnh phúc”, do đó, cần được hiểu lịch sử của “những liên tưởng về hạnh phúc”. Đó cũng chính là lịch sử mà khái niệm “hạnh phúc” được sử dụng nhằm biện minh cho những diễn ngôn, lý thuyết và hệ thống áp bức các nhóm thiểu số.

 

Hình tượng “bà nội trợ hạnh phúc” hay “hạnh phúc gia đình dị tính” đã được phân tích bởi các phê bình nữ quyền nhằm phơi bày hậu quả đến từ các chuẩn mực xã hội, khi khái niệm “hạnh phúc” bị chính trị hóa để đòi hỏi mọi người phải sống theo một mong muốn nhất định. Còn cách nào tốt hơn để biện minh cho hình thức lao động không được trả lương của phụ nữ bằng cách nói rằng việc đó đem lại (và đảm bảo) cho (tất cả) phụ nữ hạnh phúc? Nói rằng nó thể hiện cho mong muốn và khao khát của chính họ? Rằng sự lao động với bản chất không công bằng ấy là nguồn gốc của cảm giác tốt lành?

 

Sự phổ biến của các cuốn sách tâm lý học thường thức về chủ đề self-help, nền văn hóa trị liệu cũng như những chỉ dẫn về hạnh phúc được đúc rút từ các học thuyết phương Đông, đặc biệt là Phật giáo – tất cả đã cùng nhau tạo ra một “nền kinh tế hạnh phúc”. Thông qua những nghiên cứu về hạnh phúc hay cơ sở dữ liệu về “chỉ số hạnh phúc”, chủ yếu dựa trên phương pháp cá nhân tự báo cáo, với giả định ngầm rằng con người có thể nhận thức rõ mình cảm nhận như thế nào, chúng ta được cho biết kiểu cá nhân nào có thể hạnh phúc hơn những người khác, những nhóm hoặc quốc gia nào hạnh phúc hơn những nhóm khác. Từ đó ra đời cái được gọi là “yếu tố dự báo hạnh phúc”.

 

Một trong số những yếu tố dự báo được đưa ra là hôn nhân với lập luận đơn giản như sau: nếu bạn đã kết hôn, khả năng là bạn hạnh phúc hơn là chưa kết hôn.

 

Khi chúng ta có nghĩa vụ thúc đẩy những yếu tố được cho là tạo ra hạnh phúc này, bản thân khái niệm “hạnh phúc” đã trở thành một mệnh lệnh, một món hàng hóa có thể sản xuất, tiêu thụ và đo lường, bất chấp bản chất của nó là hết sức mơ hồ, đa nghĩa và linh hoạt. Tất nhiên, ai chẳng muốn cảm thấy tốt đẹp, cũng như tất cả chúng ta đều đồng ý rằng mọi kiến thức nên được sử dụng để dự đoán cách thức con người có thể cải thiện thế giới chung và cải thiện cuộc sống riêng của mình. Tuy nhiên, điều đáng sợ khi chúng ta tin chắc rằng mình luôn biết cái “tốt”, cái “có thể mang lại hạnh phúc”, cái sẽ cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người.

Mỗi người phải có trách nhiệm đối với hạnh phúc của mình để qua đó gia tăng hạnh phúc của người khác, thông qua việc tuân theo những gì đã được cho là đúng đắn – điều này dần trở thành trách nhiệm nhiều hơn là quyền lợi. Khi chỉ một số ít cách sống nhất định được cho là thúc đẩy hạnh phúc, người ta quên mất rằng, chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà các triết gia có xu hướng chỉ tìm thấy hạnh phúc trong suy tưởng. Hoạt động, nơi chốn, cách thức mỗi người kiếm tìm hạnh phúc sẽ cho thấy điều họ coi trọng hơn chỉ đơn thuần những giá trị một cách khách quan.

Nếu “những liên tưởng về hạnh phúc” được mặc nhiên coi là “tốt đẹp” thì ở chừng mực nhất định, những lý tưởng xã hội đi kèm với nó cũng sẽ gạt đi khả năng (hay tiềm năng) có-thể-hạnh-phúc, có-thể-tốt-đẹp của những giá trị sống hay lý tưởng xã hội khác. Trong cuốn sách này, tác giả muốn viết lại lịch sử của sự “không hạnh phúc” (unhappiness ) từ những người bị coi là phá đám niềm vui hoặc bất đồng chính kiến, từ cách hiểu về unhappiness là “gây ra bất hạnh hoặc rắc rối”, “khốn khổ trong những hoàn cảnh khác nhau” hoặc “sự đau khổ trong tâm trí”. Việc đưa ra một góc nhìn khác sẽ khiến độc giả phải suy ngẫm, hoài nghi và xa lạ với chính khái niệm “hạnh phúc” vốn đã quen thuộc. Từ đó, Ahmed đặt ra nhiệm vụ là trả lại tiếng nói cho những người “phá đám cuộc vui” ấy. Bởi đôi khi, chính sự phản kháng đó khai mở thêm không gian cho cuộc sống và sự sống, không gian cho những khả năng sống và cơ hội khác. Và cũng bởi “… hạnh phúc là một điều kiện mà mỗi cá nhân cần phải chuẩn bị, vun đắp và bảo vệ nó một cách riêng tư” (Mihály Csíkszentmihályi, 1992).

Phá đám cuộc vui, đó việc chúng ta cần làm phải làm. Vì giống như “hạnh phúc”, khái niệm “không hạnh phúc” hay “bất hạnh” cũng được tạo nên và định nghĩa bởi xã hội. Cộng đồng thiểu số nhận ra rằng bản thân họ không phải nguồn cơn cho những tai vạ trong xã hội, mà là kết quả đến từ sự quy kết đó. Nếu chủ nghĩa nữ quyền bị cho là mang lại cho phụ nữ những khao khát khiến họ không thể hạnh phúc (khao khát sự nghiệp, lý tưởng chính trị-xã hội), thế thì cần biết rằng đôi khi, bất cứ ai cũng sẽ bị cho là “phá game” chỉ bằng cách chú ý đến những điều bị che giấu và làm méo mó đằng sau vỏ bọc của khái niệm, mà ở đây là khái niệm “hạnh phúc”.

Trong chương 3 “Unhappy Queers” của cuốn sách, tác giả đề cập đến cuốn tiểu thuyết đồng tính nữ đầu tiên, Spring Fire (1952) của tác giả Marijane Meaker với bút danh Vin Packer, vốn được cho phép xuất bản với một điều kiện – đó là không có một kết thúc có hậu, bởi một kết thúc tốt đẹp sẽ “làm cho đồng tính luyến ái trở nên hấp dẫn”. Tiểu thuyết đồng tính vào thời kỳ đó không được phép cho những nhân vật của mình có một kết cục hạnh phúc; điều đó có thể sẽ khiến độc giả cho rằng người đồng tính là tốt đẹp. Quả là trớ trêu: chỉ bằng cách ấy, các tiểu thuyết đồng tính mới được phép xuất bản.

Rất khó để tách rời những hình ảnh về một cuộc sống tốt đẹp khỏi đặc quyền lịch sử của hành vi dị giới, vốn được thể hiện qua tình yêu lãng mạn và và sự lý tưởng hóa gia đình riêng tư. Tình yêu dị giới đã trở thành một khả năng đầy hứa hẹn về những gì mà cuộc sống nên hướng tới, đồng thời, đem đến định hướng và mục đích cho cuộc sống. Những kịch bản về Hạnh phúc, vì thế, giống như những công cụ “bẻ thẳng” con người theo những gì đã được xếp đặt sẵn. Bằng cách viết ra và chỉ cho phép những cái kết không có hậu, chúng làm rõ rằng sẽ có hậu quả như thế nào nếu con người đi lệch ra khỏi những gì đã được vạch lối. Lịch sử đồng tính lịch sử nữ quyền lịch sử của những người sẵn sàng mạo hiểm đối mặt những hậu quả ấy.

Hạnh phúc không chỉ là cách một người nói lên mong muốn của bản thân, mà còn nói về những gì họ muốn cho và nhận từ người khác. Sự có đi có lại được thể hiện qua những câu nói như “Tôi hạnh phúc cho bạn”, “Tôi muốn bạn hạnh phúc” hay “Tôi hạnh phúc nếu bạn hạnh phúc” đều ngụ ý sự ép buộc được che giấu trong ngôn ngữ. Hãy đọc thật kỹ đoạn sau:

 

Sự bất hạnh của bạn có thể sẽ đe dọa hạnh phúc của tôi. Nếu hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào hạnh phúc của bạn, thì bạn có quyền quyết định hoặc chi phối đến hạnh phúc của tôi. Vì vậy, bạn có thể có nghĩa vụ phải che giấu sự khổ sở và không hạnh phúc của mình để bảo vệ hạnh phúc của tôi. Bạn có bổn phận phải hạnh phúc cho tôi.

 

Với nhiều bậc cha mẹ, có một đứa con đồng tính là điều bất hạnh. Khi đứa con công khai xu hướng tính dục của mình, cha mẹ có thể sẽ phản ứng bất mãn về điều đó: họ lo lắng việc con mình sẽ có một tương lai không nhiều hứa hẹn, về những gì con mình sẽ đánh mất, những gì đại diện và đảm bảo cho một “cuộc sống hạnh phúc” – một mái ấm, vợ, chồng, những đứa con. Cuộc sống đồng tính bị ấn định như là một cuộc sống bất hạnh – một phán xét đến từ sự thất bại của xã hội trong việc công nhận tính khả thi của tình yêu đồng tính.

Như vậy, việc tuân theo lý tưởng Hạnh phúc của một nhóm người này đồng nghĩa với sự ngược đãi (quyền được hạnh phúc) một nhóm người khác. Hạnh phúc không chỉ đơn giản tạo ra sai lầm xã hội; sự tồn tại của nó cũng phụ thuộc vào sai lầm xã hội. Ahmed cho rằng sự bất mãn và khốn khổ của những người bị xã hội cho là lệch lạc đã đặt ra một yêu cầu công lý. Những người đồng tính không hạnh phúc vì thế giới này bất mãn với tình yêu của họ, và cũng vì tình yêu ấy bị coi như căn nguyên gây ra nỗi bất hạnh cho những người họ yêu thương. Không người đồng tính nào ngay từ ban đầu đã là kẻ buồn bã hay đau khổ. Họ bị dán nhãn như vậy vì họ thiếu những điều được cho là có thể tạo ra hạnh phúc, những điều vốn được liên tưởng đến hạnh phúc. Trong cuốn tiểu thuyết The Well of Loneliness (Radclyffe Hall), cái kết không có hậu dành cho nhân vật là lời phê phán xã hội và những kịch bản Hạnh phúc, hoặc ít nhất là nỗ lực thoát khỏi cái đòi hỏi đầy bạo lực của nó. Cuốn tiểu thuyết là ví dụ cho những con người không hài lòng với việc thế giới này mặc định coi họ, cuộc đời họ và số phận của họ là bất hạnh, thay vì chỉ đơn giản đặt ra hy vọng về một hình mẫu “đồng tính hạnh phúc” thay thế.

Lời hứa hẹn về sự công nhận người LGBTQ+ thường chỉ được đặt ra khi họ nỗ lực thay đổi bản thân sao cho trở nên “chấp nhận được”, trong một thế giới vốn đã quyết định trước điều gì là chấp nhận được hay không chấp nhận được. Sự công nhận này giống như “món quà” bày tỏ sự hiếu khách mà thế giới dị tính trao cho nhóm thiểu số còn lại. Người đồng tính như một vị khách được cho vào nhà, ở lại hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực trở nên “chấp nhận được” của họ, vào sự biết ơn với những gì họ nhận được.

Bị ai đó cho rằng bạn đáng xấu hổ bản dạng của mình không nghĩa bạn phải cảm thấy xấu hổ. Sự tự hào đồng tính nằm chỗ từ chối việc xấu hổ nếu ai đó tỏ ra xấu hổ “bi kịch” thay cho bạn.

 

***

 

Hành động nhìn ra và lên tiếng chống lại những bất công trong xã hội thường bị coi là hành vi phá hoại sự lạc quan và niềm vui của tập thể, không biết cách bỏ lại lịch sử phía sau lưng để mà tiến lên phía trước. Nếu “hạnh phúc” không chỉ mô tả những điều chúng ta hướng tới mà còn cả những điều chúng ta nên hướng tới (như một nguyên tắc đạo đức về cách để sống tốt) thì rõ ràng, nhiều tranh luận dễ chẳng đi đến đâu khi cụm từ này được dẫn ra để biện hộ. Người ta có thể dễ dàng tấn công, chỉ trích bất cứ điều gì bằng cách khẳng định điều đó là căn nguyên gây ra sự bất hạnh và tin rằng đứng về phía cổ vũ (những điều có tiềm năng tạo ra) hạnh phúc đồng nghĩa với ở bên phía của sự tốt đẹp. Như Simone de Beauvoir đã nói trong cuốn Giới tính Thứ hai (1949): “Thật dễ dàng để miêu tả điều mình muốn ép buộc người khác làm là hạnh phúc”.

Trong cuốn sách này, thay vì tìm kiếm xem điều gì là tích cực hay tiêu cực, tác giả muốn xem xét cách chúng được tạo ra và duy trì như là những giá trị học được từ góc độ văn hóa. Sự phản kháng của người đồng tính trong việc chỉ ra những điều tiêu cực trong xã hội không có nghĩa đó là một hành động thuần tiêu cực. Thực chất, đó lại có thể là một “động lực đầy lạc quan” (Michael D. Snediker). Tóm lại, chúng ta cần nghĩ về sự bất hạnh hay bất mãn, sự không hạnh phúc là một điều gì đó hơn là một trạng thái cảm xúc cần phải vượt qua, bởi chính chúng có thể mang tới cho chúng ta bài học về những giới hạn trong “Hứa hẹn của Hạnh phúc”.

Lưu Bích Ngọc

Chấm sao chút:

Đã có 7 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Lưu Bích Ngọc

Du học sinh hệ underground.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*