
Cần phải nói ngay rằng tôi là một độc giả bình thường. Tôi không phải là kiểu độc giả có thể nói từ thuở thiếu niên đã ngốn sạch sẽ những tác phẩm kinh điển đông tây, cũng không phải kiểu độc giả đọc siêu nhanh siêu nhiều mỗi năm vạn trang, cũng không phải kiểu độc giả đọc xong nhớ lâu, tầm chương trích cú, nhắc đến một cuốn nào là có thể lảy ra ngay một câu trích, tôi cũng không phải ‘độc giả chuyên nghiệp’ như những nhà phê bình, những người điểm sách, người chủ xị các câu lạc bộ đọc sách, có thể thao thao bất tuyệt về một cuốn sách, một đoạn hay thậm chí một dòng văn. Tôi thường đọc sách vào buổi chiều, vừa đọc vừa uống rượu, trí nhớ lại là dạng siêu cá vàng, nên chẳng nhớ được là bao. Có lẽ, để tóm gọn lại, tôi là kiểu độc giả vừa ngây ngô vừa ích kỷ, vì có nhiều cuốn sách tôi chẳng nhớ về chúng mấy, nhưng tôi luôn nhớ tôi cảm thấy như thế nào khi đọc chúng. Với tôi, đọc sách giống như yêu đương, ta không tìm kiếm nhưng chúng ta vẫn đến với nhau, chúng ta yêu nhau vì lúc ấy cần phải như thế, và cũng giống như vạn sự trên thế gian này, tình yêu cũng biến mất, và một buổi chiều nào đó ta nhớ mang máng về người yêu cũ, người mà có khi ta không nhớ rõ nét mặt, nhưng ta nhớ ta đã yêu người đó thế nào.
Tôi cũng thường nghĩ trải nghiệm đọc của mỗi người là hết sức cá nhân, và cái mà tôi thích (và nhiều người khác thích) không nhất thiết là hay với bạn và ngược lại. Tôi cũng lại là người rất dở tóm tắt và phân tích tác phẩm, vì nhỏ giờ tôi không học văn. Với lại, nếu cần tóm tắt, hẳn bạn đã có Goodreads sẵn sàng, nếu cần phân tích, có lẽ một vài bài điểm sách ngoài kia, hay bài viết của các học giả. Trong bài viết rất ngắn này, tôi không tham vọng kể hết những cuốn sách về LGBTQ+ từng xuất bản ở Việt Nam, và điều đó cũng nằm ngoài tầm của tôi. Tôi chỉ muốn coi bạn, người đọc bài viết này, như một người bạn của tôi, người mà, khi tôi đọc một cuốn sách hay, tôi sẽ chỉ nói ‘Này đọc đi.’
Hồi còn nhỏ, vùng tôi sống không hề có hiệu sách hay thư viện. Cái gọi là thư viện hồi ấy chỉ là một căn phòng nho nhỏ trong khu làm việc của ủy ban xã bên, trong ấy có vài cuốn báo và tạp chí cũ. Dạo ấy, để tới được thư viện, dân làng phải đi phà băng qua một con sông, rồi leo mấy quả đồi. Sách không có, tất nhiên sách văn học (mà lại LGBTQ+) là chuyện không thể tưởng tượng nổi. Sau này trong nhà tôi có vài cuốn sách, do ba mẹ tôi tới một thành phố lớn tậu về, có một cuốn Truyện Kiều, một cuốn thơ Hồ Xuân Hương, một Hàn Mặc Tử, và một cuốn sách nấu ăn. Ấy là tất cả những gì chúng tôi có, và chúng tôi đọc đi đọc lại những cuốn ấy. Lớn hơn một chút thì tôi có Hồng Lâu Mộng. Ấy là tất cả vốn đọc của tôi trước khi tôi xa nhà, không truyện tranh, không truyện cho tuổi mới lớn, và tất nhiên không có văn học LGBTQ+. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra nơi miền núi heo hút ấy, và mặc dù tôi biết mình thích con trai từ lúc còn bé tí tẹo, tôi lại không hề mảy may suy nghĩ gì về cái sự ấy, dù rằng tôi hay tỉnh dậy buổi sáng, nhìn ánh nắng xiên khoai chiếu qua cửa sổ vào nhà, và nghĩ rằng ‘hay là’ năm mình 16 tuổi, một buổi sáng thức giấc mình bỗng hóa thành một cô gái. Sau này, dù không bao giờ có ý nghĩ chuyển giới, tôi vẫn nhớ về ký ức đó như một chuyện vui nhẹ nhàng.
Tôi lớn và xuống thủ đô học, lúc ấy tôi mới bắt đầu đọc sách nhiều hơn trước (nhưng buồn thay, thói quen đọc đi đọc lại đến nát một cuốn sách cũng không còn). Hồi học đại học tôi đã kịp đọc những cuốn nổi tiếng nhất về queer trên văn đàn: Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn, 2000), “Tôi là les” (Dị bản, Keng, 2008), Bóng – Tự truyện của một người đồng tính (Hoàng Nguyên – Đoan Trang, 2008), Không lạc loài – Tự truyện Thành Trung (Lê Anh Hoài ghi, 2008), nhưng những cuốn sách này chẳng để lại trong tôi chút ấn tượng nào. Lúc ấy vì tuổi còn nhỏ, đầu óc đơn giản không lắm tâm tư (mà đến tận bây giờ vẫn thế), tôi cũng chẳng mảy may ngóng chờ mong đợi hay cố công đi tìm những cuốn sách có thể mình sẽ yêu thích. Cho tới một ngày, hình như cũng vào một buổi chiều, tôi tình cờ bắt gặp Song song (2007) của Vũ Đình Giang và tôi ngấu nghiến cuốn sách trong vòng chỉ mấy tiếng đồng hồ. Cuốn tiểu thuyết ấy là cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong một buổi chiều, và đến nay, sau khi đã đọc một số cuốn queer khác của các nhà văn Việt, tôi vẫn muốn gào lên rằng Song song là cuốn tiểu thuyết gay hay nhất từng được viết ở Âu Lạc ta. Cậu bé sinh viên ngày ấy, dù trong trí tưởng tượng táo bạo nhất, cũng không thể nghĩ rằng vào một ngày đẹp trời nắng vàng như trái lê, cậu sẽ ngồi nói chuyện cùng Vũ Đình Giang về cuốn sách tuyệt vời ấy. Như trong lời giới thiệu cho bài phỏng vấn nhà văn mà tôi thực hiện, cuốn sách này có lẽ là cuốn tiểu thuyết gay đầu tiên ở ta không đi vào lối mòn của quằn quại với bản dạng giới, với các nhân vật làm đĩ điếm, giả nữ, hay những câu chuyện kết thúc bằng việc gay đi lấy vợ, v.v… dù rằng đấy vẫn là hiện thực ngoài kia, và tôi không hề thù ghét gì những người như thế. Song song còn đặc biệt ở cấu trúc kể truyện song hành qua góc nhìn của ba nhân vật chính, thỉnh thoảng xen lẫn góc nhìn của một cái camera nào đó. Song song nói về tình dục, về BDSM, về tình dục giữa người và thú, tình dục trẻ em, bạo lực học đường và bạo lực gia đình với một giọng văn tỉnh táo sắc lạnh. Và sau gần 10 năm ngưng xuất bản, Vũ Đình Giang trở lại với 403A táo bạo và sexy.
Sau đó, trên giá sách của tôi bắt đầu xuất hiện vài cuốn sách dịch, trong đó có Tổ ấm nơi tận cùng thế giới (1990) của nhà văn đoạt giải Pulitzer (với cuốn The Hours (Thời khắc)) Michael Cunningham. Cuốn sách kể về đời sống gay ở nước Mỹ từ những năm 1960 qua tới cuối thập niên 1980. Tôi còn nhớ một cảnh, chiều một mùa hè nóng nực, Bobby và Jonathan trèo lên mái nhà nằm và thoa đá lên lưng nhau cho mát, hai người khi ấy không mặc gì. Tôi cũng không hiểu vì sao mình nhớ cảnh đó, trong khi toàn bộ câu chuyện cuộc đời họ với tôi bây giờ chỉ là những hình ảnh mờ ảo không thể kết nối. Nhưng tôi còn nhớ, hồi ấy khi đọc tới trang cuối cùng của sách, tôi ngay lập tức lật lại trang đầu và đọc lại lần nữa, và tôi làm thế không biết bao nhiêu lần. Hồi ấy tôi có quen một vài người bạn gay, là mấy em học sinh cấp ba, và gặp ai tôi cũng tặng quyển sách ấy. Nó giống như, gì nhỉ, tựa cuốn sách gợi cảm hứng cho tôi viết lời kêu gọi góp chữ cho số này, những trang sách chuyền tay.
Sau Tổ ấm nơi tận cùng thế giới là Chết ở Venice (1912) của Thomas Mann, cuốn sách mà tôi, và có lẽ là nhiều độc giả khác cũng sẽ đồng ý, cho rằng là cuốn tiểu thuyết gay hay nhất mọi thời đại. Cuốn sách này có sức ảnh hưởng đến độ nhà văn gay xứ sở sương mù Alan Hollinghurst viết cuốn The Folding Star (1994) ‘bắt chước’ plot của Chết ở Venice. Nếu như trong Chết ở Venice, ông nhà văn người Đức ám ảnh với vẻ đẹp như nam thần Hy Lạp của cậu bé người Ba Lan mà ông gặp trong dịp ông đi nghỉ ở thành phố miền đông bắc nước Ý, vẻ đẹp mà ông phải thốt lên rằng ‘ngôn từ chỉ có thể miêu tả vẻ đẹp chứ không thể tái tạo nó,’ nỗi ám ảnh khiến ông mất ăn mất ngủ, khiến ông lẽo đẽo đi theo cậu bé mọi nơi cậu đi, thì trong The Folding Star, một thanh niên người Anh 33 tuổi sang miền bắc nước Bỉ để dạy tiếng Anh đã phải lòng cậu học trò 17 tuổi của anh. Triết gia Mỹ (cũng gay) Kwame Anthony Appiah cũng vì ảnh hưởng của Chết ở Venice mà viết cuốn Another Death in Venice (tạm dịch: Một cái chết khác ở Venice). Chết ở Venice còn được Luchino Visconti chuyển thể thành bộ phim kinh điển cùng tên năm 1971.
Sau đó, tôi không mấy khi đọc sách dịch nữa. Tôi chuyển sang đọc chủ yếu bằng tiếng Anh, đôi khi bằng tiếng Pháp. Tôi vẫn là một độc giả đọc chậm và hay quên, và đến nay vẫn thế. Có những cuốn tôi đọc hết vài tuần, có những cuốn vài tháng mới xong. Nhưng những cuốn sách queer tôi luôn đọc rất nhanh, trong một buổi chiều, nó trở thành một ‘pattern’ mà một trong những bạn trai cũ của tôi luôn gọi những cuốn sách queer tôi có trên giá là ‘sách để đọc trong một buổi chiều.’ Và có nhiều cuốn trong số những cuốn tôi yêu thích nay đã có bản dịch tiếng Việt: Chuyện tình núi Brokeback của Annie Proulx, Gọi em bằng tên anh của André Aciman, Lưỡng giới của Jeffrey Eugenides, Người cô độc của Christopher Isherwood, Trường ca Achilles của Madeline Miller (bản dịch của Jack Frogg, người cũng được phỏng vấn trong số này của Zzz Review có những câu trả lời rất sâu sắc mà hóm hỉnh về nội dung tác phẩm cũng như về câu chuyện dịch thuật), và Orlando của Virginia Woolf. Orlando là một cuốn sách tôi đặc biệt rất rất yêu thích, không chỉ bởi vì tôi là người hâm mộ Woolf nhiệt thành tới mức tôi say sưa đọc tất cả những gì bà viết ra, từ thư từ, truyện ngắn, tiểu luận, tới nhật ký và phê bình, tôi, những ngày cuối cùng trên đất Anh, hăm hở đi tới tất cả những nơi bà từng sống, đi dọc con sông nơi bà trầm mình, trò chuyện với bà như thể bà đang đứng đó trước mặt tôi, cuốn sách đặc biệt ở chỗ nó kỳ lạ và tiên phong, câu chuyện và triết lý đằng sau nó thách thức các chuẩn mực và định nghĩa về giới. Orlando thực sự là cuốn sách có tầm nhìn lớn lao, và ẩn dưới nó là một tấm lòng nhân hậu vô bờ.
Trong giới hạn của bài viết này, cũng như không gian của tạp chí, việc giới thiệu tỉ mỉ từng cuốn sách tôi đọc và yêu thích (trong khi tôi lại không biết review) là chuyện bất khả. Nếu chỉ liệt kê ra thôi thì phỏng có ích gì? Vì ta đã có vô vàn danh sách ngoài kia, chỉ với một chiếc Google. Với độc giả có thể đọc thứ tiếng khác ngoài tiếng Việt, danh sách của AfterElton có thể là một khởi đầu tốt. Giải thưởng Lambda chuyên về văn học LGBTQ+ cũng là nơi ta có thể thường xuyên ghé thăm. Tuy nhiên bạn đọc hãy nhớ rằng những nơi này sẽ thiên về phương Tây. Độc giả quan tâm có thể coi bài viết năm ngoái của tôi trên blog của Zzz Review tôi tổng hợp một năm đọc sách của tôi, mà tôi gọi là ‘Năm của những nhà văn đồng tính bị bỏ rơi’ hay bài gần đây nhất tôi, ‘Nhật ký đọc sách khi cách ly.’
Trong số chuyên về LGBTQ+ lần này, Zzz Review chủ trương cân bằng đông tây và gợi mở. Phần sáng tác có trích đoạn tiểu thuyết mới của Vũ Đình Giang, nhà văn viết về đồng tính xuất sắc nhất Việt Nam, 403A, một đoạn tình dục nóng bỏng đa sắc thái, táo bạo và ngạo nghễ. Sau Vũ Đình Giang, xứ Đông Lào ta nay đã có Marcus Mạnh Cường Vũ, câu chuyện tình yêu trên đất Âu giữa một chàng trai Việt và một chàng trai châu Âu mang nhiều dòng máu. Từ người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Việt tới người Việt sinh sống ở nước ngoài, trải nghiệm đồng tính Việt Nam chiềng bày trong tác phẩm của Ocean Vuong trong trích đoạn cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, một bức thư anh gửi cho người mẹ không biết chữ, nhưng cũng như lời tự bạch ta sẽ viết trong cuốn nhật ký của mình. Độc giả cũng được giới thiệu tới Khâu Diệu Tân (Qiu Miaojin), biểu tượng đồng tính nữ của Đài Loan qua trích đoạn Nhật ký Cá sấu, cuốn sách nổi tiếng nhất của bà. ‘Không đủ’ của Douglas Stuart đưa ta tới Glasgow ở xứ Scotland âm u những năm 1980 nghèo khó với hẹn hò đồng tính thời Internet chưa xuất hiện, nỗi cô đơn và trải nghiệm của cậu bé trong truyện có lẽ sẽ có nhiều độc giả thế hệ 8x và đời đầu 9x cảm thấy như chính là nỗi cô đơn mà mình từng trải qua. ‘Không đủ’ có nhiều điểm chung với cuốn tiểu thuyết đầu tay của Stuart, Shuggie Bain vừa được vào chung khảo Man Booker năm nay, cuốn sách được điểm bởi Khánh Nguyên.
Trong ‘Đồng tính và triều đình Trung Hoa hậu kỳ phong kiến’, Vivien W. Ng lần theo lịch sử đồng tính ở Trung Quốc từ cổ đại đến thời Minh-Thanh và chứng minh rằng Trung Quốc có một lịch sử đồng tính dài và vô cùng phong phú, xã hội Trung Quốc xưa từng có thái độ rất cởi mở với đồng tính. Bà lập luận rằng thái độ bài đồng tính ở Trung Quốc từ thời Thanh trở đi liên quan đến việc nhà Thanh củng cố các giá trị Nho giáo ở Trung Quốc để giành lấy sự ủng hộ của Nho sĩ người Hán, từ đó mà củng cố quyền thống trị của Mãn tộc ở Trung Nguyên. Các giá trị Nho giáo, mà đạo hiếu là một phần không thể thiếu, lại trọng việc sinh con đẻ cái nối dõi tông đường.
Trần Thiện Huy bàn về Yukio Mishima và đồng tính luyến ái trong văn học của ông trong truyền thống kiếm đạo Nhật Bản. Đoạn trích trong Người hùng mang ngàn gương mặt, Joseph Campbell chỉ ra rằng diệu tính của Quan Âm bồ tát nằm ở tính lưỡng giới của bồ tát, rằng tính lưỡng giới, cái này ở trong cái kia, chính là tinh thần của Phật pháp. Bài này không khỏi khiến độc giả nhớ đến bài viết tiên phong của Roger Corless, ‘Towards a Queer Dharmology of Sex’ (2004) trong đó, qua phân tích quan điểm của Phật giáo về giới, cho rằng Phật tính, và cả Phật pháp nữa, đều queer, và nó queer cái sân si.
Đoạn trích Phần giới thiệu của Rắc rối giới (Gender Trouble) của Judith Butler, một trong những cuốn sách quan trọng nhất của lý thuyết queer, sẽ là dẫn nhập nhỏ cho độc giả vào những lý luận nền tảng của ngành này.
Một chút xíu về lý thuyết queer
Như Sharon Marcus đã nói trong bài luận rất dài của bà, lý thuyết queer là một ngành nghiên cứu dù mới phát triển trong mấy chục năm trở lại đây, đã đẻ ra vô vàn cuốn sách bao trùm và có sức ảnh hưởng sâu rộng. Bài viết của Marcus đã trình bày một cách vắn tắt, và tương đối đầy đủ, lịch sử hình thành và phát triển của lý thuyết queer. Bà giúp ta tóm tắt ngắn gọn, và diễn đạt dễ hiểu lại những lý thuyết quan trọng nhất của những tên tuổi lớn nhất của ngành nghiên cứu queer. Tuy nhiên, dường như Marcus khi nói về sự phát triển của lý thuyết queer, chỉ tập trung vào những nghiên cứu trong lĩnh vực này ở Mỹ. Bà có nhắc tới một số tác giả nữ quyền Pháp đình đám thời kỳ đầu, nhưng lại quên mất đóng góp thực sự của nước Pháp trong môn này. Trong phần này, tôi chỉ muốn bổ sung thêm một chút một số quan điểm hay một số lý thuyết gia mà Marcus chưa nhắc tới. Tất nhiên, đối với một ngành nghiên cứu rộng đến vậy, một bài luận nhỏ không thể nào bao quát hết được, tôi chỉ mong, thông qua kinh nghiệm đọc chút ít của mình, có thể cung cấp một phần dẫn nhập nho nhỏ cho độc giả mới quan tâm đến lý thuyết queer đỡ lạc trong mê lộ vạn cuốn về queer.
Lý thuyết gia queer đầu tiên mà tôi đọc, tôi thấy tình cờ và thú vị thay, là Guy Hocquenghem (đọc là Ghi (như Guy Debord) Ốc-câng-ghèm, tên lạ nhỉ? Và tôi tìm đến ông cũng một phần vì cái tên lạ lẫm này.) Ông là triết gia Pháp khá có sức ảnh hưởng hồi những năm 70 ở Pháp, một trong những người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu queer, nhưng tiếc là giờ đây ông ít được nhắc tới kể cả trong giới nghiên cứu queer. Cuộc đời ông cũng vô cùng thú vị, hồi còn đi học, ông phải lòng một thầy giáo, hai người sau này yêu nhau và sống và làm việc cùng nhau. Hai người góp phần trong tiếng nói phản bác taboo về tình dục trẻ em thời ấy, đả phá quan điểm cho rằng trẻ em là sinh vật vô tính, chưa có khả năng nhận thức tính và tình dục. Trong phần ‘Famille, capitalisme, anus’ (Gia đình, chủ nghĩa tư bản, hậu môn), chương ba của cuốn Le Désir Homosexuel (tạm dịch: Ham muốn đồng tính) xuất bản năm 1972 khi Hocquenghem chỉ mới 25 tuổi, triết gia trẻ người Pháp này phát biểu rằng ‘giới tính là một trong những thông tin đầu tiên trong thẻ căn cước của chúng ta trong hệ thống phân loại của thế giới hiện đại.’ Ông cho rằng chúng ta có một ‘nỗi ám ảnh nằm ở chỗ sự bất khả biết (cái này khác với việc thuần túy không biết) một người là đàn ông hay phụ nữ, cha mẹ hay con cái.’ Theo lý thuyết của Hocquenghem, trong xã hội của chúng ta chỉ có dương vật định hình bản dạng giới, vì ‘nhìn từ phía sau, tất cả chúng ta đều là phụ nữ; hậu môn không nhận biết được sự khác biệt giữa các giới tính.’ Ông là người đi tiên phong trong việc lý thuyết hóa hậu môn, mở đường cho những nghiên cứu sau này về giới và queer liên quan đến bộ phận này. Hocquenghem phát biểu rằng ‘xã hội của chúng ta sùng bái dương vật’ và cho rằng ‘dương vật là bộ phận chỉ dấu chuyên quyền… nó phân chia sự hiện diện và sự thiếu vắng [dương vật], nỗi ghen tị dương vật của bé gái và nỗi lo bị thiến của bé trai.’ Về bản dạng giới, ông nói rằng ‘sự khác biệt giữa các giới và sự hấp dẫn đối với người khác giới là điều kiện cho bản dạng tình dục, cái [mà] hoàn toàn phụ thuộc vào sự đảm bảo kép giữa sự giống và khác biệt, lòng tự ái và tình dục khác giới.’
Ngoài bài luận của Marcus, số này cũng đăng tải chương Lời tựa trong cuốn Gender Trouble (Rắc rối giới) của Judith Butler, một trong những cuốn sách được coi là Kinh thánh trong ngành nghiên cứu giới và queer, trong đó Butler lập luận rằng giới là diễn. Butler là người có nhiều ý tưởng hay ho và đột phá, nhưng là một người viết tệ. Cuốn sách của bà gây tranh cãi và hiểu lầm, và bà còn được trao giải vì cái sự viết tệ ấy. Như tôi từng nói với chủ nhà Z, Butler mà trong sáng thì chắc không ai trong tối. Mười bốn năm sau, bà xuất bản cuốn Undoing Gender (2004), trong đó bà diễn giải lại và củng cố thêm luận điểm bà đã trình bày trong Gender Trouble, lần này, với một thứ ngôn ngữ trong sáng hơn rất nhiều. Bà nói rằng mặc dù thoạt nhìn thì agenda mà những người liên giới (intersex) và những người chuyển giới theo đuổi là đối nghịch nhau, vì một bên phản đối phẫu thuật không cần thiết, bên kia thì kêu gọi để được phẫu thuật theo lựa chọn, nhưng tựu trung hai bên đều kêu gọi được có quyền tự chủ. ‘Tuy nhiên,’ Butler phán, ‘tự chủ rõ ràng đồng nghĩa với việc định hướng theo chuẩn mực đã được đặt ra từ trước, trước cả lựa chọn của ta. Trên thực tế, các cá nhân vẫn dựa vào các thể chế hỗ trợ xã hội để thực thi quyền tự quyết khi phải đưa ra quyết định sẽ giữ và duy trì cơ thể nào, giới tính nào, vậy nên quyền tự quyết chỉ là một khái niệm khả dĩ trong bối cảnh một thế giới xã hội cho phép và ủng hộ việc thực thi quyền ấy… Một người chỉ quyết định cảm thức giới tính “của chính mình” trong chừng mực mà những chuẩn mực xã hội đã tồn tại cho phép người đó tuyên ngôn về chính giới tính của họ. Bởi thế người ta vẫn dựa vào cái bên ngoài để tuyên bố cái thuộc về chính mình.’
Tôi thường hay nghĩ về cách quần áo đóng vai trò như thế nào trong việc thể hiện giới tính của con người, cũng như những thiên hướng khác được xác định bởi xã hội trong đó một chủ thể sống. Ví dụ: khi một người được sinh ra, giới tính của một người sẽ được cha mẹ và bác sĩ của họ biết. Sau đó người đó sẽ được mặc quần áo phù hợp với giới tính. Khi một người đủ lớn để có một số nhận thức về giới tính mà họ muốn mình trở thành, người ta có thể hành động và/hoặc cố gắng hành động như chính mình và phần còn lại của xã hội nghĩ rằng phù hợp với vai trò giới tính đó. Tại sao và điều gì khiến một người đàn ông nghĩ rằng anh ấy cảm thấy mình giống phụ nữ hơn? Người phụ nữ trong tâm trí anh rốt cuộc là ai? Người phụ nữ sẽ mặc váy, đi giày cao gót và tô son. Người phụ nữ phải có âm đạo và ngực? Và, một người đàn ông muốn âm đạo và tất cả quần áo phụ nữ để cảm thấy hoàn toàn như một phụ nữ, để thực hiện những gì một người phụ nữ làm theo tiêu chuẩn xã hội. Tất cả những gì anh ta làm chỉ là bắt chước hình ảnh người phụ nữ do xã hội tương ứng đặt ra. Tại sao một người cần nghĩ về mình như một giới tính cụ thể? Người ta có thể trở thành một giới tính không? Đối với giới tính và vai trò giới, dường như con người chỉ thực hiện các vai trò do xã hội và tư duy truyền thống đặt ra. Và tôi đã tự hỏi rằng liệu có phải cái nhìn nhị phân của chúng ta giúp hình thành thế giới quan nhị phân của chúng ta về thế giới: phải và trái, đúng và sai, nam và nữ, đen và trắng; rằng trong thế giới của chúng ta không có gì giống như một hệ thống quan niệm ‘không nhất thiết nhị nguyên rành mạch’ mà từ đó chúng ta có thể suy nghĩ về bản thân mình. Một người đàn ông cảm thấy mình giống phụ nữ sẽ ăn mặc như phụ nữ và có thể chuyển giới thành phụ nữ. Một người phụ nữ cảm thấy mình giống đàn ông sẽ ăn mặc như đàn ông và có thể chuyển giới thành đàn ông. Ngay cả trong thế giới đồng tính luyến ái, họ phân loại và tự mô tả bản thân là cường/nhược, trên/dưới, chủ động/phục tùng, chồng/vợ, công/thụ, v.v., điều này hoàn toàn phù hợp với hệ thống nhị phân về vai trò giới tính theo tiêu chuẩn cũ. Vậy tại sao lại như vậy? Bởi như Butler lập luận, khi chúng ta tưởng rằng chúng ta có quyền tự chủ, thì thực ra chúng ta vẫn dựa vào những chuẩn mực có sẵn để định nghĩa bản thân.
Vậy cơ thể ta có giới hay không? Ấy cũng là câu hỏi là tựa cuốn sách Mon corps a-t-il un sexe? (2015) (tạm dịch: Cơ thể tôi có giới không?) do Évelyne Peyre và Joelle Wiels tổng hợp và biên tập. Cendrine Marro trong bài viết ‘L’identité: une construction personnelle aux prises avec les normes de genre’ đặt ra câu hỏi rằng với thước đo nào thì chúng ta có thể suy nghĩ và hình thành bản dạng tình dục về nữ tính/nam tính, một sản phẩm của giới, bản thân nó là một công cụ của trật tự tình dục xác định xã hội của chúng ta? Christine Plante trong chương ‘Pour ne pas conclure’ cho rằng ‘thế giới quan của chúng ta được hình thành bởi trật tự phân cấp nhị nguyên [đó] và trật tự ấy đặt nền tảng cho cấu trúc đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của chúng ta.’ Plante nói rằng ‘Câu hỏi “Cơ thể tôi có giới hay không?” là một câu hỏi tất yếu, bởi lẽ chúng ta sống đời sống được quyết định và lên chương trình bởi câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi ấy.’ Về vai trò giới trong đời sống xã hội và sự hình thành định kiến từ nền tảng xã hội về vai trò giới, Louise Cossette, trong bài luận ‘Différences psychologiques entre femmes et hommes et rôles sexuels: un lien factice?’ đưa ra lý giải rằng ‘sự khác biệt về vai trò giới tính chắc chắn bắt nguồn từ một thực tế sinh học cốt yếu: đàn bà đẻ được, đàn ông không đẻ được… nền giáo dục mà trẻ em gái và trẻ em trai vẫn nhận được vẫn được đánh dấu bởi vai trò giới truyền thống. Các bé gái được chuẩn bị cho việc làm mẹ và các nhiệm vụ trong gia đình còn các bé trai sẽ chiếm lĩnh không gian công cộng.’ Bà chỉ ra một thực tế rằng nhận thức về giới được xã hội ‘áp đặt’ lên trẻ em từ rất sớm, bằng việc chọn đồ chơi, vì bởi ngay cả trước khi đứa trẻ thể hiện rõ ràng nó thích đồ chơi nào thì cha mẹ chúng đã chọn cho chúng rồi, và Cossette đi tới kết luận ‘cấu trúc, nền tảng của xã hội vẫn chủ yếu dựa vào sự phân chia giới tính của vai trò xã hội và một số thực hành xã hội nhất định dường như nhằm mục đích chuẩn bị cho trẻ em tuân thủ.’
Năm 1990 quả là một năm đặc biệt của lý thuyết queer, khi ta vừa có Gender Trouble của Butler vừa có One Hundred Years of Homosexuality: And Other Essays on Greek Love (1990) của David M. Halperin (ông hiện là giáo sư văn học so sánh ở Đại học Michigan) và một cuốn Kinh thánh khác của ngành nghiên cứu queer là Epistemology of the Closet (1990) của Eve Kosofsky Sedgwick. Sedgwick phát biểu rằng ‘“Closet”[1] của người đồng tính không phải là đặc điểm chỉ có trong cuộc sống của những người đồng tính. Nhưng đối với nhiều người đồng tính thì đó vẫn là nét cơ bản của đời sống xã hội; và người đồng tính, dù có thói quen can đảm và thẳng thắn đến đâu, dù may mắn được sự ủng hộ của cộng đồng trực tiếp của họ, thì vẫn có rất ít người mà trong cuộc sống của họ, closet không còn là sự hiện diện định hình.’ Bà phán ‘closet là cấu trúc xác định cho sự áp bức của người đồng tính trong thế kỷ này.’ Mặt khác, Sedgwick, trong bài luận ‘Privilege of Unknowing’ (1988) cũng cho rằng một mặt ‘closet có thể cho phép sự xúc phạm diễn ra [nhưng nó cũng] có thể tạo điều kiện cho các mối quan hệ ấm áp hơn.’ Ví dụ, trong cuốn tiểu thuyết El beso de la mujer araña (1976) (tạm dịch: Nụ hôn của người đàn bà nhện) của Manuel Puig, cuốn tiểu thuyết queer kinh điển của văn học Argentina nói riêng và của cả khối sử dụng tiếng Tây Ban Nha nói chung kể về đời sống và đối thoại hằng ngày của hai tù nhân nam, Molina, một người đồng tính công khai và Valentín, một người Mác-xít macho, căn phòng giam là closet bởi lẽ nhà tù vừa là một hình thức đàn áp đối với những chủ thể chống lại chuẩn mực của xã hội ấy, đồng thời nó che giấu mọi hoạt động và cảm xúc xảy ra trong ấy khỏi thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, chính tại nơi phòng giam ấy, tình cảm, nhận thức về bản dạng giới và ham muốn của cả hai tù nhân biến đổi, họ yêu nhau, và như Valentín sau này nhận xét ‘chúng ta ở đây, chỉ hai ta, … Chúng ta có thể làm bất kỳ điều chết tiệt gì chúng ta muốn; mối quan hệ của chúng ta không phải chịu áp lực bởi bất kỳ ai … theo một nghĩa nào đó, chúng ta hoàn toàn tự do… Cứ như thể chúng ta đang ở trên một hoang đảo nào đó. Một hòn đảo mà chúng ta có thể phải ở riêng với nhau nhiều năm nữa. Bởi vì, bên ngoài phòng giam này, chúng ta có thể có những kẻ áp bức chúng ta, có, nhưng không phải bên trong đây. Ở đây không ai đàn áp ai.’
Trong One Hundred Years of Homosexuality (tạm dịch: Trăm năm đồng tính), Halperin phán rằng ‘đồng tính luyến ái và dị tính luyến ái, như chúng ta đang hiểu hiện nay, là những sản phẩm của tư sản hiện đại phương Tây’ và rằng ‘bản sắc tình dục không được “ban tặng” bởi tự nhiên mà được cấu thành hoặc sản sinh về mặt văn hóa.’ Tình dục ở Hy Lạp cổ, ông chỉ ra rằng, ‘là một trải nghiệm phân cực sâu sắc: nó phân chia những người tham gia thành các nhóm khác biệt và đối lập nhau sâu sắc. Tình dục sở hữu giá trị này, bởi vì nó được quan niệm là xoay quanh, và tự xác định xung quanh, một hành vi không đối xứng, đó là sự thâm nhập vào cơ thể của một người bởi cơ thể – và cụ thể là bởi thể dương vật – của người khác. Tuy nhiên, tình dục không chỉ phân cực; nó cũng có thứ bậc. Đối tác ‘đâm’ vào được hiểu là một tác nhân tình dục, người mà sự xâm nhập của dương vật vào cơ thể của người khác thể hiện “hoạt động” tình dục, trong khi đối tác tiếp nhận được hiểu là một ‘người nhận’ tình dục, người mà sự xâm nhập của dương vật thể hiện “sự thụ động” về tình dục. Hơn nữa, “hoạt động” tình dục được coi là sự thống trị: mối quan hệ giữa bạn tình “chủ động” và “thụ động” được coi như một loại quan hệ giống như mối quan hệ tồn tại giữa người vượt trội trong xã hội và người thấp kém hơn trong xã hội. Do đó, vai trò tình dục “chủ động” và “thụ động” nhất thiết phải đồng hành với địa vị xã hội cấp trên và cấp dưới.’ Ngoài ra, trong lý thuyết của Halperin, ‘sự sản sinh văn hóa của “người đồng tính” là kết quả ngẫu nhiên của những thay đổi xã hội gây ra sự hình thành “người dị tính”… Đồng tính và dị tính là một phần của cùng một hệ thống; chúng đều có vấn đề như nhau và mỗi cái đều cần phân tích và thấu hiểu như nhau.’
Năm 1999, ta chứng kiến sự ra đời của hai tác phẩm quan trọng khác là Réflexions sur la question gay (1999) của Didier Eribon, một lý thuyết gia Pháp đương đại rất có sức ảnh hưởng hiện nay và The Trouble with Normal: Sex, Politics, and the Ethics of Queer Life (1999) của Michael Warner. Eribon tái khẳng định đời sống của gay gắn bó mật thiết với đời sống đô thị. Ông còn phán rằng người gay tập hợp lại với nhau như một bộ lạc. Warner thì là một trong số rất ít lý thuyết gia queer viết rất thẳng thắn và chân phương. Ông chỉ ra ngay rằng ‘thế giới là kỳ thị đồng tính, trước khi nó xác định được bất kỳ người đồng tính nào để nó kỳ thị’ và rằng ‘phụ nữ và người đồng tính đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động xấu hổ của sự cô lập. Hầu hết tất cả trẻ em lớn lên trong những gia đình coi bản thân và tất cả các thành viên của chúng là dị tính, và đối với một số trẻ, điều này tạo ra sự ghẻ lạnh sâu sắc và vô danh, cảm thức về bí mật nội tâm và sự xấu hổ tiềm ẩn.’ Trong chương ‘Bình thường có gì sai?’, Warner lập luận rằng ‘ý tưởng về sự bình thường đặc biệt kỳ lạ trong lĩnh vực tình dục… không gì có thể bình thường hơn tình dục… Tuy nhiên, theo một nghĩa khác, tình dục không bao giờ có thể là bình thường… Bình thường có nghĩa là đúng đắn, phù hợp, lành mạnh. Những gì hầu hết mọi người là … là những gì mọi người nên là… Đồng tính luyến ái từ lâu đã là ví dụ kinh điển về tình dục bất bình thường và bệnh hoạn… bài học [trong cuộc đấu tranh này] lẽ ra phải là sự hoài nghi đối với tất cả các chuẩn mực sức khỏe thể hiện chuẩn mực xã hội, sở thích đối với một số cách sống hoặc thị hiếu của đa số.’ Warner cũng cảnh báo về việc đòi quyền tự do hôn nhân cho người đồng tính có thể có mặt trái là đẩy người đồng tính về ‘cái bình thường’ của đời sống dị tính : kết hôn, chung thủy ‘một vợ một chồng’ (monogamy), v.v… Bàn về xấu hổ, ông sử dụng lại hệ thống phân cấp tình dục mà Gayle S. Rubin đưa ra trong bài luận ‘Thinking Sex’ (1984) (mà tôi sẽ chép lại dưới đây) của bà để chỉ ra rằng những giới hạn bên ngoài của ‘vòng tròn quyến rũ’, những thứ đi ngược lại với bình thường, nghĩa là bất bình thường, bị diễn ngôn công cộng stigmatise.
Trong Queer Attachments: The Cultural Politics of Shame (2007), Sally R. Munt cho rằng ‘chính cơ thể có thể là nguồn gốc của sự xấu hổ’ và các nhóm thiểu số được phân loại theo ham muốn và bệnh tật (ví dụ như AIDS) và “thế giới” gieo rắc sự xấu hổ đối với những người được coi là không bình thường, dựa trên các chuẩn mực và phỏng đoán thành kiến về những gì nên là bình thường và tự nhiên, do đó lành mạnh và đáng được lưu giữ. Munt cũng chỉ ra rằng ‘sự xấu hổ [chỉ] được hình thành do văn hóa, do những ý tưởng thống trị về sức khỏe và thể chất quyết định, thông qua việc lý tưởng hóa các chuẩn mực’ và ‘sự xấu hổ, ở các cấp độ khác nhau, thể hiện bằng văn hóa để đánh dấu các nhóm nhất định’ và kết luận ‘sự xấu hổ là một lực thể hiện trên bản ngã, cấu thành các chủ thể xã hội được đánh dấu và định hình bởi các khuynh hướng can thiệp của nó là thừa nhận, nhận thức sai và từ chối công nhận.’
Người queer sống cuộc sống queer, dẫn tới quan niệm về không thời gian của người queer cũng queer. Trong In a Queer Time and Place: Transgender Bodies, Subcultural Lives (2005), J. Jack Halberstam phát biểu rằng ‘việc sử dụng thời gian và không gian của queer phát triển, ít nhất một phần, đối lập với các thể chế của gia đình, tình dục khác giới và sinh sản’ và ‘các lôgic khác về vị trí, chuyển động và nhận dạng’ cũng tạo ra thời gian và không gian queer bởi vì, Halberstam lập luận, nhiều người queer chọn không kết hôn và có đời sống gia đình như người thẳng, họ không bị ràng buộc vào vòng quay sinh sản duy trì nòi giống và bởi vậy khung thời gian của họ cũng queer, nghĩa là nó khác khung thời gian của người thẳng. Vào thời điểm khủng hoảng HIV/AIDS thời kỳ đầu, thời gian của người queer còn queer ở chỗ nó bị ảnh hưởng bởi nỗi lo sợ bệnh tật và cái chết.
Rất lâu sau Hocquenghem, thế kỷ 21 lại chứng kiến sự trỗi dậy của việc lý thuyết hóa hậu môn, bộ phận nằm trung tâm trong thực tiễn hoạt động tình dục đồng tính cũng như trong việc nhận diện ‘bản-dạng-giới’ trong đồng giới, nhưng lại hay bị bỏ qua trong lý thuyết và phê bình. Trong A View from the Bottom: Asian American Masculinity and Sexual Representation (2004), Hoang Tan Nguyen bắt đầu bằng ‘không béo, không ẻo lả, không Á, không da đen’, khi anh kể về quan sát của anh về những ‘tiêu chuẩn’ tụi gay trắng Mỹ đưa ra trên ứng dụng hẹn hò Grindr và từ đó đặt ra câu hỏi về cách người đồng tính nam gốc Á ở Mỹ được nhìn nhận trong suy nghĩ và văn hóa đại chúng của phương Tây. Thông qua phim ảnh và porn, Nguyen phân tích và qua đó làm sáng tỏ ‘chính trị của hậu môn’ và cách nó đóng vai trò trung tâm trong đời sống và văn hóa đồng tính nhưng đồng thời bị bỏ qua trong các lý thuyết. Trong phân tích của mình về nhiều sản phẩm và tập quán văn hóa, Nguyen thách thức các quan điểm truyền thống về hậu môn trong hoạt động tình dục cũng như vị trí của nó trong diễn ngôn lý thuyết và phê bình, đặt nó trong bối cảnh chủng tộc, bản sắc và các định kiến về bộ phận này. Nguyen giải thích thêm, ‘đồng tính nam thường bị gán ghép với sự trụy lạc của quan hệ bằng hậu môn.’ Nguyen cũng cho rằng, theo lối suy nghĩ phổ biến trong đời sống đồng tính nam cũng như trong xã hội, hành động ‘làm bottom’ và khoái cảm từ ấy thường được liên tưởng tới sự phục tùng và nữ tính bởi vì ‘bị đâm’ chính là ‘màn chốt của sự diệt tính đực.’ Kết quả là, suy nghĩ đó rơi vào thế giới quan nhị nguyên phân chia chủ động/bị động, trên/dưới, nam tính/nữ tính, trong đó ‘bottom’ luôn rơi vào ‘bên thiệt thòi hơn.’ Nguyen cũng chỉ ra thực tế rằng những người đồng tính nam châu Á ‘luôn được định vị một cách cố chấp như là bottom về xã hội lẫn tình dục trong trí tưởng tượng phổ biến của người Mỹ.’ Thái độ nhìn nhận người đồng tính nam châu Á như thế này cùng các thực tiễn khác của cộng đồng queer di cư, Gayatri Gopinath, trong Unruly Visions: the Aesthetic Practices of Queer Diaspora (2018), cho rằng, ‘là minh chứng mạnh mẽ cho thấy những di sản của thời hiện đại thuộc địa’ bởi vì ‘cơ thể mang giới tính/bị giới tính hóa’ bị biến thành ‘siêu tàng hình và/hoặc tàng hình trong một ngành công nghiệp hình ảnh độc tài’, trong trường hợp này là thế giới quan tôn thờ ‘top’ của người Mỹ trắng, nhưng thực tế này cũng có thể cung cấp cho chúng ta ‘một nhãn quan queer cho phép chúng ta hiểu được bản chất đan xen của các lực lượng lịch sử tạo ra cái vô hình này.’ Thông qua phân tích ‘kho lưu trữ bị hắt hủi’ bao gồm porn và nghệ thuật thị giác trong khi các nghiên cứu về người Mỹ gốc Á về tình dục và giới tính thường thiên về văn bản viết (văn học, tài liệu lịch sử), Hoang Tan Nguyen cố gắng thách thức cách nhìn và miêu tả thông thường về người đồng tính nam người Mỹ gốc Á và bottom và mang lại cách nhìn bottom như lạc thú và ‘một cách khác để nhìn, chạm, cảm nhận và tưởng tượng’ hướng tới một nền chính trị đồng tính mới.
Về quan hệ tình dục bằng hậu môn, The Joy of Gay Sex ([1977] 2003) của Charles Silverstein và Felice Picano là một cuốn cẩm nang tình dục dành cho gay hết sức tiên phong. Ngay từ đầu, các tác giả đã đập tan stigma của nhiều người (trong đó có cả gay) về hậu môn, và cho rằng bộ phận này không chỉ đơn thuần là điểm cuối trong bộ máy tiêu hóa, mà còn là một cơ quan sinh dục. Và khoái cảm của nó dẫn tới một thực tế không thể chối cãi được rằng trong thế giới đồng tính nam, bottom luôn chiếm số lượng áp đảo top. Tác giả cũng cho rằng chỉ có bottom mới hiểu gay sex tường tận nhất. Cuốn sách này cũng kể một câu chuyện đùa rằng, giả sử có một bữa tiệc trên một du thuyền với du khách toàn gay, nếu MC hô lên bottom đứng sang một bên, top một bên, thì chắc chắn thuyền sẽ lật. Và như tên gọi của nó, The Joy of Gay Sex có thể được coi như một Kama Sutra cho gay, với tất tần tật mọi chỉ dẫn cho mọi tư thế làm tình. Ngoài ra, sách còn bàn về mọi mặt đời sống của gay như coming out, nỗi cô đơn, stress, về già, tự sát, AIDS, v.v… Trong cuốn Gay Men and Anal Eroticism: Tops, Bottoms, and Versatiles (2003), Steven G. Underwood, qua loạt phỏng vấn với những người đồng tính nam nhiều lứa tuổi, làm tình với các tư thế khác nhau, lập luận rằng versatility (khả năng làm tình linh hoạt) là một đặc điểm đặc biệt của tình dục gay, và so sánh nó giống như ta nói thạo hai ngôn ngữ vậy. Có ai lại không muốn mình là người song ngữ chứ?
Sara Ahmed mở đầu cuốn Queer Phenomenology: Orientations, Objects, Others (2006) bằng việc nói rằng ‘định hướng là việc căn chỉnh cơ thể và không gian… Việc chiếm hữu không gian sinh sống là một cuộc đàm phán giữa những gì quen thuộc và không quen thuộc.’ Bà lý thuyết hóa ‘không gian giống như một lớp da thứ hai mở ra trong các nếp gấp của cơ thể… di cư liên quan đến việc tái tạo lại lớp da: những “ấn tượng” khác nhau về một cảnh quan mới… Những khoảng trống như vậy “gây ấn tượng” trên cơ thể, liên quan đến dấu ấn của những ấn tượng không quen thuộc, từ đó định hình lại bề mặt cơ thể. Xã hội cũng có lớp da của nó, như một biên giới cảm nhận và được định hình bởi những “ấn tượng” do những người khác để lại. Làn da của xã hội có thể bị ảnh hưởng bởi sự đến và đi của các cơ thể khác nhau.’ Ahmed tuyên bố ‘sự xuất hiện của ý tưởng về “xu hướng tình dục” không định vị các hình tượng của người đồng tính và dị tính trong mối quan hệ tương đương. Đúng hơn, người đồng tính được coi là có “định hướng”: người dị tính sẽ được coi là trung lập. Sự xuất hiện của thuật ngữ “khuynh hướng tình dục” đồng thời với việc tạo ra “người đồng tính” như một kiểu người “đi chệch hướng” khỏi những gì là trung tính.’ Trong hiện tượng học queer của Ahmed, ‘mất phương hướng có thể là cảm giác cơ thể mất đi vị trí của mình và hậu quả của việc mất vị trí: đó có thể là cảm giác bạo lực và cảm giác bị ảnh hưởng bởi bạo lực hoặc bạo lực hướng về cơ thể. Mất phương hướng liên quan đến việc định hướng không thành công: các cơ thể sống trong không gian không mở rộng hình dạng của chúng hoặc sử dụng các vật thể không mở rộng tầm với của chúng… Dị tính luyến ái như một định hướng bắt buộc tạo ra nhiều thứ hơn là “chính nó”: nó là một cơ chế tái tạo văn hóa, hoặc thậm chí của những “thuộc tính” được cho là di truyền theo dòng họ, chẳng hạn như da trắng. Chính vì lý do này mà xu hướng tình dục đồng tính luyến ái “queer” hơn giới tính…’ Như vậy, queer bị lạc hướng (mất định hướng) vì không thể định hướng cơ thể theo cái được cho là chuẩn mực trong không gian dị tính định hướng, và ‘lạc hướng’ về tình dục dẫn tới ‘lạc hướng’ về xã hội. Trong bài ‘Hứa hẹn hạnh phúc và sự bất mãn của Queer + Nữ quyền’, Lưu Bích Ngọc điểm cuốn sách The Promise of Happiness (2010) của Ahmed trong đó bà gọi hạnh phúc là nghĩa vụ, cái kỳ vọng rằng chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc nếu chúng ta làm điều tốt, và chứng mình hạnh phúc được sử dụng cho đàn áp xã hội như thế nào.
Có thể nói ngay rằng các nghiên cứu queer chủ yếu tập trung ở phương Tây và đặc biệt là Mỹ (hầu hết các trường đại học ở Mỹ hiện nay đều có khoa/phân khoa nghiên cứu giới và queer và có rất nhiều học giả cũng như sinh viên nghiên cứu ngành này, nhiều hơn hẳn châu Âu và các nước nói tiếng Anh khác) và hầu hết chỉ tập trung vào người da trắng. Như José Esteban Muñoz phát biểu trong cuốn Disidentifications: Queers of Color and the Performance of Politics (1999), ‘hầu hết các nền tảng của lý thuyết đồng tính luyến ái được giảng dạy, trích dẫn và phong thánh trong các lớp học nghiên cứu đồng tính nam và đồng tính nữ, ấn phẩm và hội nghị rõ ràng hướng tới việc phân tích đồng tính nữ và đồng tính nam da trắng.’ Muñoz cũng chỉ ra rằng, mặc dù số lượng nghiên cứu của/về người đồng tính da màu đã tăng lên đáng kể nhưng ‘gần như không được bàn tới mà thay vào đó, chỉ được ngưỡng mộ từ xa.’ Tuy vậy, Annamarie Jagose, lý thuyết gia queer nổi bật người New Zealand hiện đang công tác tại Đại học Sydney, vẫn luôn nuôi hy vọng về sự trỗi dậy của nghiên cứu queer ở châu Á-Thái Bình Dương, những nghiên cứu không hiển nhiên chấp nhận nền tảng tư duy kiểu Mỹ như là cách thức suy nghĩ duy nhất về queer. Và với bài viết bàn về queer Đài Loan của Lý Ái Mỹ, tôi nghĩ rằng tương lai ấy đang đến.
Tôi ngồi đây một buổi chiều bên cửa sổ đầy nắng buổi sáng sớm ở Sài Gòn, và tôi nghĩ đến một cậu bé vùng cao đâu đó giống tôi ngày xưa, có lẽ cũng đang ngồi thẫn thờ bên một con suối nhìn dòng nước chảy. Tôi sẽ đến bên cậu và bảo: này em, anh đưa em mấy quyển sách này và số 9 của Zzz Review. Hy vọng em sẽ thích. Anh hy vọng em không thấy cô đơn. Và nếu những cuốn sách ấy không thể nói hết những suy nghĩ và trải nghiệm em có, hãy tự mình viết cuốn sách của em. Anh sẽ chờ để làm độc giả của em, để đọc cuốn sách em viết, trong một buổi chiều, nhé?
[1] Nghĩa đen: tủ quần áo. Nghĩa bóng chỉ bất cứ niềm tin, hoạt động hay cảm xúc nào được giữ bí mật khỏi công chúng, khi bạn lo sợ bị người khác biết.
bài viết hay ghê. hóm hỉnh dí dỏm mà vẫn rõ ràng. tòa mòa về người viết bài này ghê!