Sân khấu được trang trí cách điệu như một khu chung cư có nhiều căn phòng, một màn hình lớn được để như trong một salon.
Trên một balcon, Hương, một cô gái trẻ bước ra. Có tiếng chim hót, Hương lắng nghe.
HƯƠNG : Mẹ, mẹ, mẹ, có con chim nào hót ở đâu này, mẹ ra mà nghe, hay quá !
Không có tiếng trả lời.
HƯƠNG : Mẹ! mẹ ra xem này. ( tiếng chim càng lảnh lót )
Ơ kìa mẹ, mẹ làm gì thế ?
Có tiếng lạch cạch, bà Nhàn, mẹ Hương ra balcon trên xe lăn.
BÀ NHÀN : Ngày nào mẹ chẳng nghe thấy tiếng chim này. Cứ giờ này là nó hót mà con.
HƯƠNG : Hay quá mẹ nhỉ, có tổ chim ở gần nhà mình à, có phải nó ở trên cây kia không ?
BÀ NHÀN : Không phải con ạ, nó ở trên gác nhà mình. Cứ giờ này là nó hót đều, đúng giờ không đổi.
HƯƠNG : Lạ nhỉ, sao con không bao giờ nghe thấy, hay quá mẹ nhỉ, nó là con chim gì thế ?
BÀ NHÀN : Mẹ nghĩ là hoạ mi.
HƯƠNG : Sao mẹ biết, mẹ nghe mà nhận ra tiếng chim à ? Giỏi thế. Con lâu lắm không được nghe chim hót.
BÀ NHÀN : Mẹ thì ngày nào cũng nghe, mẹ còn biết nó sắp hót bài gì nữa cơ.
HƯƠNG : Mẹ đùa à ? Mẹ cứ làm như con chim nó được lập trình ấy ( cười ngặt nghẽo ) mẹ đừng cậy mẹ ở nhà nhiều hơn con, nghe chim hót nhiều hơn con mà mẹ bốc phét nhé !
BÀ NHÀN : Thôi con vào nhà ăn sáng đi, muộn rồi đấy.
HƯƠNG : Mẹ cứ để con ở đây thêm một lúc nữa, không có cách ly thế này thì chẳng có thời gian mà nghe chim hót, cũng chẳng biết mặt trời lên hay lặn lúc nào nữa. Con thích quá ! Mẹ ăn trước đi.
Tiếng chim vẫn hót, lần này là song ca. Hương huýt sáo theo, tiếng chim ngừng bặt.
HƯƠNG : Mẹ, mẹ ra xem này, con huýt sáo cái mà con chim nó ngừng luôn, nó biết là tiếng người thổi sáo hả mẹ ?
BÀ NHÀN ( tiếng vọng ra ) : Chắc đến giờ nó đi tắm con ạ, hoặc nó nhận ra tiếng con lạ.
HƯƠNG : Tiếc nhỉ, đang hay. Hoá ra chỉ có người là đôi khi không phân biệt được tiếng đồng loại, kiểu như ở cơ quan con, mình nói thế này thì sếp hiểu ra thế khác, đồng nghiệp lại hiểu ra khác nữa, thành ra nói gì cũng phải lựa. Thỉnh thoảng lại còn phải nói cho vừa tai người ta mà chả thật lòng gì cả, điêu vãi ra ! ấy thế mà đứa điêu lại được yêu.
BÀ NHÀN : Thế con có được quý không hay con bị ghét ?
HƯƠNG : Con không bị ghét vì con cũng học được kiểu nói cho vừa tai đối tượng rồi, hồi đầu hơi chán một tí, sau thành quen. Giờ con hót cũng dẻo ra phết, nhiều khi còn tự ngạc nhiên.
Bà Nhàn lại ra balcon.
BÀ NHÀN : Khéo quen tai, quen miệng lại chả phân biệt được lúc nào mình nói đúng lúc nào nói sai.
HƯƠNG : Mẹ lại đùa, vẫn biết đấy, chỉ có điều là kệ thôi. Cứ có lợi cho mình là được. Mà mẹ này, cây hoa gì mà lạ thế nhỉ, có phải hoa đồng tiền không ?
BÀ NHÀN : Đúng rồi, cây hoa con mua tặng mẹ hồi Tết đấy, mẹ vẫn trồng ở đây mà.
HƯƠNG : Con lại cứ tưởng nó chết lâu rồi, nó vẫn sống qua được mùa lạnh hả mẹ ?
BÀ NHÀN : Ừ, mẹ chăm kỹ, lạnh thì mẹ che nilon cho nó, nóng thì mẹ mang vào nhà, nó sắp ra đợt hoa mới rồi đấy, mùa xuân là hoa nở nhiều lắm.
HƯƠNG : Èo, có cây hoa mà mẹ mất công nhỉ, mẹ để thời gian mà nghỉ ngơi, chết thì con lại mua cây khác cho mẹ, giờ rẻ mà mẹ.
BÀ NHÀN : Hoa con tặng thì mẹ thích giữ, chăm nó mẹ thấy như chăm con vậy. Những lúc con không ở nhà thì mẹ có hoa làm bạn, cũng vui. Mẹ thấy nó lớn lên, mọc thêm cái lá, ra thêm cái nụ cũng như thấy con trưởng thành thêm.
Hương ôm bà Nhàn.
HƯƠNG : Con yêu mẹ, may mà có mẹ chăm cả con lẫn bố lẫn cây. Cây này mà vào tay con thì chết lâu rồi. Công nhận nhờ có cách ly mình được sống chậm lại một tí mẹ nhỉ, khám phá ra bao nhiêu thứ. Nếu không được ở nhà thì con chẳng biết là trên gác có con hoạ mi hót đúng giờ, lại còn hót hay thế. Con cũng không biết là nụ hoa đồng tiền mọc ra từ gốc đâu.
BÀ NHÀN : Ừ, mẹ cũng chẳng có thời gian để được nói chuyện nhiều với con thế này. Mẹ nói với hoa nhiều hơn với con đấy.
HƯƠNG : Đúng là cuộc sống bận rộn cuốn con đi thật, nhưng mẹ vẫn chẳng bảo phải phấn đấu, phải đi lên, phải đứng vững trên đôi chân của mình đấy thôi. Giờ mẹ lại dỗi à ?
BÀ NHÀN : Mẹ chỉ muốn con sống mà vẫn tận hưởng được những phút giây đẹp đẽ, con được nhìn thấy chính cái cây mà con mua về nở hoa và được nghe tiếng chim hót mà phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Thế có là nhiều đâu.
Hương cười ngặt nghẽo.
HƯƠNG : Con sợ mẹ thật, lại còn chim thật chim giả nữa, có phải người đâu. Mẹ làm như nó cũng có sếp thích nghe nịnh ý mà phải hót lời điêu. Con cũng công nhận là từ khi cách ly con thấy cuộc sống có nhiều điều đẹp đẽ mà trước kia con vội quá nên không còn thời gian dành cho nó, nhưng mà con nghĩ giờ con cứ phấn đấu đã.
Tiếng chim hót đột nhiên lại vang lên, lần này là một giai điệu khác.
HƯƠNG : Mẹ nghe kìa mẹ, hay quá, hoạ mi lại hót kìa ! con chim này thật tuyệt vời, nó hót được nhiều giọng quá mẹ nhỉ.
BÀ NHÀN : Con không nhận ra nó hót đi hót lại à ? Sáng hót một bài, giờ lại một bài khác, sáng quay vòng mười phút, bài này thì sẽ là mười hai phút.
Hương cười rú lên.
HƯƠNG : Mẹ nói cái gì thế mẹ ? Mẹ tưởng tượng ra à ? Mẹ đừng làm con sợ chứ, con lại nghĩ là mẹ bắt đầu lẫn mất rồi.
BÀ NHÀN : Không phải đâu con ạ, con chim này là con chim đài, nhà ông Cảnh trên gác phát băng để kích cho con hoạ mi trống nhà ông ấy học hót. Nghe nhiều thì mẹ phân biệt được. Cũng như lúc mẹ còn đi làm, ai nói lời xu nịnh mẹ cũng phân biệt được đấy. Cái dở của việc sống quá nhanh là mình chẳng còn nhận biết được vẻ đẹp của tạo hoá, như con bảo chẳng biết lúc nào mặt trời mọc, mặt trời lặn. Tệ hơn nữa là mình sống vội, cứ nguỵ biện là để phấn đấu thì mình không chính trực chả sao, miễn được việc. Rồi quen đi, nghe cũng quen mà nói cũng quen, sau chính mình cũng không còn biết đâu là thật giả con ạ.
Hương hét lên.
HƯƠNG : Con ranh chim đài, mày im đi ! đồ lừa đảo.
Tiếng chim vẫn hót, véo von, song ca chim thật và chim giả.
BÀ NHÀN : Con chim trống trên ấy nó hồi đầu nó chưa quen nghe tiếng chim phát ra từ đài, nó im, giờ quen rồi nó tưởng có bạn thật nên hót theo, còn hót hăng hơn để đua tài. Nó cũng giống người mà con. Con chẳng bảo lúc đầu không thích nói giống người khác, sau quen miễn được việc đấy thôi.
HƯƠNG : Thiên nhiên kỳ lạ, cuộc đời cũng kỳ lạ, nó dạy mình những điều vào lúc mà chính mình cũng chẳng ngờ mẹ nhỉ. Con ngượng với mẹ quá đấy !
BÀ NHÀN : Không sao con, cuộc sống là những trải nghiệm để mình học, chỉ là mình biết lắng nghe, chiêm nghiệm. Con nhìn đi, trên cao kia kìa, có một đàn chim đang bay, chúng không được ăn yến mạch hay trứng, chắc nó phải cần mẫn kiếm mồi. Mẹ chắc chúng cũng đang hót, những tiếng ca hát khác con nhỉ.
Hương ôm mẹ.
HƯƠNG : Mẹ.
Đèn từ từ chuyển sang căn phòng khác. Một căn phòng tắm.
Tranh: Hokusai, Bullfinch and Weeping Cherry, 1834
Người góp chữ
Nguyễn Mỹ Linh
Nguyễn Mỹ Linh là một nhà báo, nhà văn, nhà phê bình lý luận, nhà biên kịch sân khấu và điện ảnh, ở lĩnh vực nào chị cũng gặt hái được nhiều thành công. Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, được truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật và sân khấu từ rất sớm, Mỹ Linh có nền tảng kiến thức phong phú và góc nhìn cuộc sống độc đáo góp phần định hình phong cách sáng tạo trong những tác phẩm của chị dù ở bất kỳ thể loại nào.
Mỹ Linh thường quan sát và chiêm nghiệm cuộc sống một cách lặng lẽ, khiêm nhường, chị đặc biệt hứng thú quan sát những nghịch lý tưởng chừng nhỏ nhặt, ít người để ý và tìm ra câu chuyện lớn lao ẩn sau những nghịch lý đó. Vì thế, những tác phẩm của chị thường êm đềm, hiền hòa, không dữ dội gai góc nhưng chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc có tính khái quát cao, gây ám ảnh và quyến rũ người đọc.
Là phóng viên truyền hình thường trú tại Pháp, Mỹ Linh thường kể những câu chuyện theo cách rất riêng, nơi có sự giao thoa và cả những khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. Đôi khi, những câu chuyện của phương Đông được kiến giải dưới góc nhìn của phương Tây và ngược lại, khiến câu chuyện luôn tươi mới và đầy bất ngờ.
Leave a Reply