
Nhà Ngọc có 3 tầng: Tầng 1 làm cửa hàng bán tạp hoá, tầng 2 để ngủ và tầng 3 là tầng tum. Sân khấu được chia đều làm hai không gian, ngăn cách giữa 2 không gian là một chiếc thang. Một bên là một khoảng sân nhỏ tầng 1, có chiếc bàn ăn, ông Phát ngồi một bên tỉa một cây hoa. Còn một bên là tầng tum nhà Ngọc. Xung quanh là những bao tải rác được xếp ngổn ngang, phía gần ban công có bộ bàn ghế nhỏ, dưới mặt đất vẫn đầy rác. Ngọc tay cầm xẻng, tay cầm chổi, lúi húi quét dọn. Miệng bịt khẩu trang.
Bà Thoa trên tay cầm đĩa thịt, đĩa rau từ ngoài đi vào chỗ ông Phát.
THOA: Ông kia, nghỉ tay ăn cơm không?
PHÁT: Ăn trước đi, tí tôi ăn.
THOA (Gọi vọng lên gác): Con kia, có xuống ăn cơm không?
NGỌC: (vọng xuống) Có ạ! Nhưng tí nữa con ăn. Con dọn nốt đã.
THOA: Zời ơi, đường vắng tanh vắng ngắt. Không một bóng người. Chết đói đến nơi rồi.
PHÁT: May là nhà mình bán tạp hoá nên vẫn còn đi ra đi vào được. Chứ giờ mà cứ im ỉm hết ăn lại ngủ từ sáng tới tối thì có mà điên.
THOA: Này, trông đĩa thịt lèo tèo thế này mà 200 nghìn đấy. Chợ búa mấy hôm trước sợ quá cơ. Chen chúc xô đẩy tranh nhau mua. Giờ cách ly rồi người ta vẫn bán chứ có ai nghỉ đâu mà khổ thế cơ chứ!
PHÁT: Cũng cứ nên dự trữ một ít. Chẳng may dưới chợ có thằng dính thì có mà toi.
THOA: Mười mấy cân thịt trong tủ kia rồi. Ăn cả tuần mới hết.
PHÁT: Khiếp! Nhanh thế…
THOA: Chết đến nơi rồi mà không nhanh. Nó mà như thằng Vũ Hán thì chết cả lút.
Ngọc kéo túi rác, chẳng may tuột tay. Kêu rầm một tiếng.
THOA: Ôi giời, giật cả mình! Cái con dở hơi kia, không hiểu làm cái gì mà lọ mọ trên ấy mấy ngày hôm nay rồi.
PHÁT: Con này nó hâm giống bà. Thỉnh thoảng hứng lên lại vẽ chuyện ra làm.
THOA: Nó giống gì tôi. Cái thứ hâm như nó có mà giống ông ấy. Hôm nay nó không nhờ ông dọn cùng nó nữa à?
PHÁT: Chịu! Hôm qua tôi lên quét hộ cho một lúc mà ho từ sáng tới giờ. Nói thì không nghe, nên thôi, kệ nó.
THOA: Không kệ được! Để tôi lôi cổ con ôn con này xuống. Ngọc ơi… Ngọc…
NGỌC (vọng xuống): Dạ!!!
THOA: Mày mang cái dạ của mày xuống đây!
NGỌC: Làm gì ạ? Con đang dọn mà.
THOA: Dọn dẹp cái gì! Xuống đây.
Ngọc trèo qua thang xuống, động tác nhanh nhẹn thoăn thoắt.
NGỌC: Thằng Thái đâu hả mẹ?
THOA: Nó còn đang trông hàng cho tao. Làm gì?
NGỌC: Con nhờ nó lên tum kéo hộ con mấy túi rác ra gần ban công. Tí nữa thả rác xuống vứt. Nặng quá! Con không bê được.
THOA: Thôi mày ơi, cái thang nó chênh vênh thế kia mà mày bắt thằng bé trèo lên. Nó mà ngã một cái thì chết.
NGỌC: Mẹ làm sao thế? Nó 18 tuổi rồi, bé bỏng gì đâu mà lo. Con leo trèo dọn dẹp mấy hôm nay mà có sao đâu. Thái ơi… (Gọi to)
THOA: Thôi không nhé! Tao không cho nó lên đâu. (Vọng ra ngoài) Ở ngoài đấy trông hàng đi.
NGỌC: Ơ kìa mẹ! Sao lúc nào mẹ cũng thế nhỉ? Thằng con giai 18 tuổi rồi mà lúc nào cũng giữ chặt nó trong nhà. Không cho đi đâu, làm gì. Cả cái nhà mà nó cứ lầm lì một chỗ trong phòng. Mẹ phải cho nó trải nghiệm, mạo hiểm dần đi chứ.
THOA: Không có trải nghiệm gì hết. May nó ngoan, chứ không hâm như mày. Con gái con đứa gì mà suốt ngày leo trèo, rồi nghĩ ra mấy cái việc đâu đâu ấy.
NGỌC: Sống mà không trải nghiệm thì đợi đến bao giờ. Tận thế đến nơi rồi mà vẫn cứ ngồi một chỗ. Thử hỏi, ngay trong chính nhà này thôi, chắc gì mình đã biết hết được sự tồn tại của nó.
THOA: Mày hâm rồi! Cả nước người ta đang chết run lên vì virut bệnh tật. Mà mày dở chứng ra leo lên tận tầng tum dọn dẹp. Không hiểu làm cái gì! Mà thế nào đến lúc hết dịch lại chả thèm ngó ngàng đến nữa cho xem.
PHÁT: Tao cũng sợ mày lắm. Dở chứng ra cái gì là làm khổ bọn tao.
NGỌC: Con chẳng hiểu con làm khổ bố mẹ cái gì! Cả cái tầng tum rộng hơn 2 chục mét vuông mà không tận dụng. Lại biến nó thành cái sân kho. Chổi cùn rế rách. Toàn rác là rác. Eo ơi, không hiểu sao bố khuân được cả cái giát giường, thành giường cũ mà vứt lên đấy được. Nào là gạch đá, nào là quạt điện, chăn màn quần áo, đồ điện… toàn đồ hỏng. Không thiếu một cái gì! Nó như một bãi rác thành phố. Con phát hoảng.
PHÁT: Tao vứt gì kệ tao. Ngày thường sáng sớm mày đã đi, tối muộn mới về ngủ. Tự dưng giờ giở chứng ra leo lên tận trên đấy mà dọn dẹp.
NGỌC: Con tính kĩ rồi. Con sẽ set up cái tầng tum cho thật đẹp. Tí bố cho con xin mấy chậu hoa bên vườn của bố, con mang lên đấy. Con cũng sơn sửa lại bộ bàn ghế cũ bố vứt trên kia rồi. Con kê gần ban công để ngồi. À, còn cái mái tôn bị dột hỏng. Mẹ có quen ai sửa mái tôn không? Con đầu tư sửa luôn. Cho nó đâu ra đấy.
THOA: Tao lạy mày! Tầm này nghỉ dịch hết rồi. Lấy đâu ra thợ thuyền mà làm cho mày. Chỉ vì dọn giúp mày mà bố mày hôm nay ho sù sụ ra từ sáng giờ đấy.
PHÁT: Mày không sợ chết à? Cái tầm này phải lo mà giữ sức khoẻ chứ làm lụng cái khỉ gì nữa. Tao hít phải cái bụi trên đấy mà cả sáng bấm bụng không dám ho. Sợ hàng xóm nó mà nghe thấy, nó báo y tế đến bốc đi cách ly thì chết cả nhà.
THOA: Thôi con ạ! Tầm này là phải án binh bất động. Chờ cho dịch bệnh nó qua nhanh đi thôi.
NGỌC: Chờ? Biết chờ đến bao giờ ạ? Mới có mấy hôm thôi mà con đã thấy dài như thế kỉ rồi. Lên mạng ai ai cũng kêu ca chết đói, chết chán, chết buồn. Ở nhà chứ có phải bị đi đày đâu mà cứ gào lên. Chính ra, bây giờ buộc phải ở nhà. Con mới hiểu ra ý nghĩa của ngôi nhà.
THOA: Như nào?
NGỌC: Con sẽ biến ngôi nhà của con trở thành thiên đường. Không cần phải đi đâu xa xôi, mong ước xa vời đâu cả. Ngay trong chính nhà mình thôi.
PHÁT: Thôi thôi, con cứ ngồi im một chỗ là bố mẹ mừng lắm rồi. Đang dịch bệnh, con cứ lọ mọ, bày vẽ ra làm gì. Ở nhà, bố mẹ có bắt các con phải làm gì đâu. Có ăn với ngủ thôi mà mày cũng không chịu ngồi yên.
NGỌC: Bố chẳng hiểu gì cả. Vấn đề không phải là ăn với ngủ. Mà là sống.
PHÁT: Chả sống sờ sờ đây còn gì!
NGỌC: Đấy, con biết ngay là bố sẽ nói thế mà. Thế bây giờ, con hỏi bố, đây là nhà của bố đúng không?
PHÁT: Đúng, tao chính chủ!
NGỌC: Thế bố có mối quan hệ gì với nhà của bố?
PHÁT: Mày hâm à? Quan hệ gì? Nhà để ở, để ngủ chứ quan hệ gì?
NGỌC: Đấy, trước đây con cũng nghĩ như thế. Nhưng mấy hôm nay con nghĩ khác rồi. Rõ ràng là mình có nhà nhưng ngoài lúc ngủ ra thì lại chẳng bao giờ con ở nhà. Mà lại ở cơ quan, đi công việc, hoặc khi stress thì lại đi du lịch. Nói chung là luôn tìm một lý do nào đó để không ở nhà.
THOA: Thì đấy là do mày, quen cái thói lông bông thì thế chứ.
NGỌC: Mẹ cũng có khác gì con đâu. Đi đâu chơi về mẹ cũng khoe. Ôi nhà bà Hoa có cái ban công đẹp quá. Rồi cái phòng ngủ khu biệt thự này, khu chung cư kia mê hồn. Rồi lại tặc lưỡi kêu nhà mình thế này, thế nọ. Thế sao mình không nghĩ xem làm gì để biến ngôi nhà mình trở nên đẹp đẽ như mình muốn.
PHÁT: Ờ, như cái nhà ông Dư. Lắm tiền nhiều của, mua nhà biệt thự to tướng mà suốt ngày lôi cả nhà về quê trồng rau, nuôi cá. Kêu thành thị mệt mỏi.
NGỌC: Đấy, chưa kể là có mấy ai mỗi khi mệt mỏi, chán chường sẽ nghĩ ngay đến việc về nhà để tìm chốn an yên cho mình? Hay là cứ lang thang tìm kiếm thú vui nhất thời bên ngoài.
THOA: Nhưng ngày thường đã đành. Giữa dịch bệnh mày dở chứng ra thì ai chịu nổi.
NGỌC: Thì cũng nhờ dịch bệnh cả đấy. Khi mà buộc phải ở nhà, mẹ nhìn ngoài đường đi. Nó im phăng phắc, 3 ngày đầu tiên con cứ đi ra đi vào, hết ăn lại ngủ. Con suýt điên vì mang tiếng là nhà con mà con thấy nó xa lạ vô cùng luôn. Nên con mới phải nghĩ cách để cải thiện không gian sống của nhà mình. Mà thôi, con lên dọn tiếp đây. Nốt hôm nay là xong rồi. Tí nữa con giăng cái đèn, rồi cho mấy chậu hoa lên là đẹp luôn.
Ngọc lại thoăn thoắt trèo lên.
THOA: Thế ăn cơm cái đã.
NGỌC: Tí con ăn.
THOA: Con ranh thần kinh thế chứ lại. Ngang không ai bằng.
PHÁT: Nhưng kể ra nó nói cũng đúng. Ối thằng đi làm quần quật, chăm chăm mua cái nhà xong cũng có thực sự ở mấy đâu. Có khi vợ chồng con cái, mỗi đứa một múi giờ, chả gặp nhau ăn uống chuyện trò bao giờ.
THOA: Này, hay tôi với ông, mò lên thử xem nó làm cái trò gì?
PHÁT: Ôi, kinh nhờ! Bà có mà trèo được khối ra ấy.
THOA: Ừ, cũng sợ. Nhưng mà, tôi cũng tò mò. Gần ba chục năm nay, tôi cũng mới lên đấy có một lần lúc mới xây xong.
PHÁT: Thế có trèo được không?
THOA: Thì cứ thử xem sao.
PHÁT: Được, thế đi.
THOA: Nhưng ông phải đỡ tôi đấy nhé!
PHÁT: Được rồi, bây giờ bà leo trước, xong tôi đỡ ngay dưới.
THOA: Đâu như nào?
PHÁT: Tay bám vào đây, chắc vào đấy nhớ! Rơi cái là chết cả lũ.
Bà Thoa trèo lên thang, ông Phát đỡ bà Thoa. Váy bà Thoa trùm cả lên đầu ông Phát.
PHÁT: Ôi giời ơi, quần đỏ loè đỏ loẹt thế này. Váy với vóc, chả nhìn thấy gì cả.
THOA: Ông đỡ tôi đi. Ngã chết bây giờ.
PHÁT: Thì cứ bước lên đi. Đỡ đây rồi.
THOA: Ôi giời ơi, cao thế! chết mất ông ơi…
PHÁT: Đỡ đây rồi, chết thế nào được. Lên đi!
Ông Phát và bà Thoa lên tới nơi… Ngọc ngạc nhiên.
NGỌC: Ôi, mẹ trèo lên đây á? Sự kiện này còn chấn động hơn cả virut.
THOA: Tao lên xem mày làm cái trò gì chứ sao.
NGỌC: Thế thì chào mừng mẹ đến với thiên đường của con!!!
THOA: Ô này, rộng phết nhờ! Trên này thoáng đấy. Mùa hè lên trên này cũng không nóng lắm đâu.
NGỌC: Từ bé đến giờ, con chưa bao giờ thấy mẹ lên trên này đấy.
THOA: Tao cũng sợ lắm, cái thang rõ chênh vênh. Ngã là vỡ mày vỡ mặt ra ấy.
PHÁT: Mẹ mày cũng máu đấy. Leo được lên đây là giỏi rồi.
THOA: Đời hay phết! Như cái thang ấy, lúc lên lúc xuống, cứ sợ thì chả bao giờ mà lên được.
NGỌC: Bố mẹ nhìn đi! Yêu chưa…
THOA: Sạch đấy!
NGỌC: Chuyện! 3 ngày của con mà lại. Đây nhé, hàng ngày đây sẽ là chỗ làm việc của con. Mẹ tài trợ cho con gói trà Lipton với hộp sữa. Ngày ngày uống trà ở đây thì tuyệt vời.
PHÁT: Này, chỗ này là mắc được cái võng đấy. Nằm võng đây cũng được
NGỌC: Chuẩn luôn! Mà thỉnh thoảng, nhà mình kéo nhau lên đây làm nồi lẩu thì hết ý. Ngắm view đường phố… Ểnh thôi rồi.
PHÁT: Chỗ này cho mấy chậu hoa hồng cũng đẹp. À, có khi làm cái giàn hoa leo ở đây. Sắp tới hè, mát phết!
THOA: Lâu lắm nhà mình mới có thì giờ ngồi với nhau thế này đấy nhờ… Không khí trong lành, yên tĩnh cũng hay.
NGỌC: Sống chậm, tô đậm cuộc sống.
PHÁT: Kể ra ngày thường mà cũng được thư thái thế này thì tốt nhỉ?
NGỌC: Được hay không là do mình bố ạ! Cuộc sống là sự lựa chọn mà.
PHÁT: Cái con Cô Vy này gớm phết. Làm thay đổi hết cả. Đáng sợ thật.
THOA: Mình ở đây bình yên thế thôi. Chứ thế giới giờ cũng kinh khủng phết đấy.
NGỌC: Con thấy sự kiện này như một bài test. Nó giúp cho mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Mình ở đây, có thời gian nhìn lại cuộc sống của mình với căn nhà của mình, với cuộc sống thường ngày. Còn ngoài kia, các doanh nghiệp, xã hội, thế giới. Nó sẽ trả lời thằng nào mạnh, thằng nào bền bỉ và thằng nào chết. Và nó sẽ nhắc nhở chúng ta cho những ngày sau này, khi mọi thứ qua đi. Mình cũng không chắc, điều gì sẽ đến khi nào và có đáng sợ hay tốt đẹp hay không mà!
THOA: Trời đẹp quá!!! Thích thật…
Âm nhạc du dương… Cả nhà cùng nhau ngắm nhìn bầu trời yên ắng. Bỗng có tiếng gọi từ dưới nhà…
THÁI: (từ ngoài chạy vào gọi to) Mẹ ơi…
THOA: (vọng xuống) Ơi…
THÁI: Có khách hỏi mua bánh. Mẹ xuống bán đi. Con không biết giá.
THOA: Con bán bừa đi. Xong đóng cửa hàng vào rồi lên đây chơi.
THÁI: Ơ… làm sao con lên được?
THOA: Đàn ông con giai gì 18 tuổi có cái thang hèn mà cũng không lên được à? Lên đây!
THÁI: Mẹ đợi con tí. Con đóng cửa rồi lên.
PHÁT: Mẹ mày hôm nay chơi nhờ!
NGỌC: Mẹ phải thế chứ.
Cả nhà ôm mẹ, cười hạnh phúc!
HẾT
Tranh: Cézanne, Still Life with Curtain and Flowered Pitcher, 1895
Người góp chữ

Hoàng Trang
Hoàng Trang xuất thân là một diễn viên trẻ đầy triển vọng với những vai diễn cá tính, mạnh mẽ trên sân khấu, tuy nhiên ở một bản thể khác, chị cũng đã tìm thấy tình yêu và sự say mê dành cho nghiệp viết. Chị khởi đầu sự nghiệp viết lách của mình ở một số dự án kịch ngắn và phim truyền hình, cũng như tham gia viết kịch bản cho chính những vai diễn của mình trên sân khấu. Gần đây nhất, chị là một trong bốn cây viết cho dự án “Kiều” do Viện Goethe Việt Nam khởi xướng.
Các tác phẩm của Hoàng Trang gây ấn tượng bởi tính cách bộc trực, thẳng thắn trong đối thoại, thông qua nhân vật của mình, chị thường đưa ra những phản biện sắc bén cho các vấn đề của xã hội, sự khác biệt về quan điểm sống, khoảng cách thế hệ, đấu tranh chống lại các quan niệm cổ hủ, kìm hãm con người và hướng tới giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới, kể cả bằng những biện pháp mạnh.
Các tác phẩm của Hoàng Trang luôn có lửa, không có sự thỏa hiệp với cái xấu, nhưng cũng không vì thế mà thiếu đi sự đằm thắm, duyên dáng của một nữ văn sĩ. Dù là một cây viết trẻ, văn phong của chị vẫn mang lại cho người đọc cảm giác về sự từng trải, thấu hiểu và bao dung. Hoàng Trang hướng đến hình ảnh một nhà văn đại diện cho tiếng nói và những khát khao của giới trẻ. Với chị, nghệ thuật chính là phương tiện tối thượng nhằm thúc đẩy và thay đổi xã hội.
Leave a Reply