Nhật ký đọc sách khi cách ly

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 12 phút

‘Ban điều hành khu cách ly xin thông báo, 7h30 tổ y tế chúng tôi sẽ tiến hành đo thân nhiệt. Xin chân thành cảm ơn. Có điều chi bất tiện xin cô chú anh chị thông cảm.’

Một ngày của tôi trong khu cách ly bắt đầu bằng câu thông báo này, sau đó là một loạt những cái mà tôi gọi là ‘nghi thức’. Chúng tôi sẽ ăn sáng, được đo nhiệt độ, sau đó là ăn trưa, rồi lại đo nhiệt độ, và ăn tối.

Tôi yêu thích cuộc sống cách ly đến mức tôi từng nghĩ sẽ tuyệt biết mấy nếu ta được cách ly cả đời. Ta có nơi để ngủ, có đồ ăn, có người chăm sóc sức khỏe, tất cả đều miễn phí, ta không cần phải suy nghĩ đến cơm áo gạo tiền, và ta có rất nhiều, rất nhiều thời gian rảnh để làm việc ta thích, để ngủ và để nghĩ.

Trong thời gian này tôi đọc được vài cuốn sách. Tôi là một độc giả đọc rất chậm, nhưng có hề chi, trong cách ly cái mà ta thừa thãi chính là thời gian mà.

Cuốn đầu tiên tôi đọc là Leaving the Atocha Station của Ben Lerner, một nhà văn đương đại Mỹ khá có tên tuổi. Tôi tình cờ bắt gặp cuốn sách này trong một lần ghé hiệu sách ở Luân Đôn hồi đầu năm nay. Cái làm tôi chú ý là bìa sách và tên sách (quả là kỹ nghệ xuất bản đã thành công). Và như thói thường, tôi đọc trang đầu tiên và trang cuối cùng của sách, tôi nghĩ là tôi sẽ thích cuốn sách này. Tôi hiếm khi đọc lời giới thiệu ở trang cuối, vì tôi biết rằng, tất cả những lời giới thiệu ấy cốt để bán sách, chẳng phải vậy sao? Rằng ta không thể tin những lời ấy, hay những lời khen tặng, hay những mác giải thưởng. Ben Lerner đã cuốn hút được tôi bằng trang đầu và trang cuối, dù sao anh ta cũng là sản phẩm của khóa MFA ở Brown. (Trong nhóm quen biết của tôi, mọi người hay nói với nhau rằng không ai được nhận vô MFA ở Brown mà từ chối. Ở Mỹ, Iowa là trường viết văn nổi tiếng hơn cả, nhưng mọi người lại chỉ nói vậy về Brown. Có lẽ vì một lớp của Brown quá nhỏ, tỉ lệ chọi quá cao, hay còn vì gì nữa?) Tuy vậy, tôi lại không tậu cuốn sách này, phần lớn bởi vì khi đó tôi đã chuẩn bị rời nước Anh, mà hành lý của tôi thì vốn đã quá ký. Sau đó vài hôm, tôi hẹn với một người bạn đang làm việc ở Luân Đôn và đi uống bia với cậu ta. Chúng tôi nói chuyện về văn chương, vì chúng tôi đều cùng học văn, và cậu ta đang viết cuốn tiểu thuyết đầu tay. Tôi không nhớ tôi đã bảo cậu ta tôi đọc cuốn gì trong khoảng thời gian đó, có lẽ là một cuốn kinh Phật? Cậu ta bảo với tôi cậu ta mới đọc Leaving the Atocha Station của Ben Lerner và khuyên tôi nên đọc. Tôi đồng tình với cậu. Tôi cũng tò mò một nhà văn Mỹ viết gì về cuộc khủng bố chết người nhất trong lịch sử Tây Ban Nha, cuộc khủng bố gây chia rẽ cả đất nước, và những năm sau này, còn phơi bày nhiều mặt xấu xí về chính trị và truyền thông của đất nước mà tôi hay gọi là ‘xứ sở Cervantes’, xứ tôi sẽ tới sinh sống ngay khi tôi rời Vương quốc Anh. Thế mà phải tận tới khi tôi đã rời Tây Ban Nha và nằm đây dưới cái nóng của miền nam Việt Nam, tôi mới lần giở cuốn sách này ra đọc. Ben Lerner, thực không hổ danh là sản phẩm của khóa MFA Brown, viết tốt, không tì vết, trôi chảy, làm chủ cái ta gọi là kỹ thuật viết. Tôi đọc cuốn sách này chỉ trong một ngày, là một tốc độ hiếm có với tôi. Nhưng sao nhỉ? Đây là một trong những cuốn sách dở nhất tôi từng đọc trong suốt cuộc đời mình. Sách được dán mác fiction, nhưng mang nhiều yếu tố tự truyện. Leaving the Atocha Station là câu chuyện của một nhà thơ trẻ người Mỹ, đậu một fellowship danh tiếng cho phép anh ta sống ở Tây Ban Nha một năm để nghiên cứu về thơ Tây Ban Nha đầu thế kỷ 20 và để sáng tác. Ở Tây Ban Nha, cụ thể là Madrid, anh ta kết bạn với một vài người làm trong giới văn học nghệ thuật, anh ta đi bar, đi tiệc, anh ta chịch gái và anh ta hút cần. Anh ta đi du lịch Granada và Barcelona. Anh ta lại chịch gái và hút cần. Anh ta có làm vài bài thơ. Một lần, sau một đêm chịch gái ở một khách sạn sang trọng, anh ta tỉnh dậy và thấy cả thành phố náo loạn. Buổi sáng đó chính là buổi sáng vụ khủng bố xảy ra. Cuộc đánh bom hàng loạt vào ba chuyến tàu đông đúc nhất Madrid đã cướp đi sinh mạng bao con người, rúng động cả đất nước Tây Ban Nha. Người thì đổ đấy là do ETA, một đảng phái ly khai ở xứ Basque, gây ra, người thì đổ đấy là do Al-Qaeda. Anh ta đi qua bao gương mặt lấm lem và dơ máu. Anh ta gọi cho ba mẹ anh ta ở Mỹ. Cuối câu chuyện, anh ta cũng ra mắt được một tập thơ anh ta làm trong thời gian một năm ở Tây Ban Nha, đọc một chút trong buổi đọc sách, và được ca tụng. Anh ta rời Tây Ban Nha. Chuyện chỉ có thế. Sự kiện khủng bố nhà ga Atocha chỉ thoáng lướt qua, không phải bối cảnh nền, cũng không phải thứ khiến anh ta băn khoăn. Có lẽ điểm cộng duy nhất của cuốn sách là anh ta (tác giả) có một tí chân thành, ít nhất là vậy giời ơi! Anh ta bảo anh ta có tí trịch thượng kiểu Mỹ. Chính xác, anh ta trịch thượng kiểu Mỹ, trong cách anh ta nghĩ và nói về đất nước này, về thứ tiếng này.

Trên Goodreads, tôi không chấm cuốn này quá ít sao. Bởi tôi hiếm khi chấm ít sao cái gì bao giờ. Và bất chợt tôi nghĩ, trong một buổi chiều lơ ngơ ngái ngủ sau bữa cơm trưa trong cách ly, sản phẩm của khóa MFA không ai dám từ chối ấy có thể rất nhảm xịt.

‘Mưa,
Quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn.’

Tôi không hiểu sao tôi lại tự dưng nhớ tới bài đồng dao này, khi cơn mưa đầu tiên tôi đón ở Việt Nam ập đến. Tiếng ếch kêu, tiếng dế, mùi âm ẩm ngai ngái của đất nóng bốc lên, mùi của cỏ dội lên trong tiếng sấm. Đây là Việt Nam, đây là những thứ mùi mà trong cơn mơ tôi nghĩ tôi cũng có thể ngửi thấy, trong những đêm dài mưa sụt sùi ở xứ Scotland hoang vu hay ở miền tây bắc Tây Ban Nha. Ở Tây mưa không có sấm, tôi chợt nghĩ. Và trong cơn mưa rào nhiệt đới ấy, tôi đọc Bitter Eden của Tatamkhulu Afrika.

Khi ở Mỹ và nhiều nơi khác, phong trào Black Lives Matter đang phát triển mạnh mẽ. Tôi chợt nhận ra mình ít biết về trải nghiệm của người da đen như thế nào, và mặc dù tôi đã đọc văn học gay khắp nơi trên thế giới, châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, tôi lại không hề biết gì về văn học gay châu Phi (mặc dù tôi có đọc chút ít canon châu Phi qua các tác phẩm của Achebe và Fanon và Ngũgĩ wa Thiong’o). Thế là trong thời gian ở Tây Ban Nha, tôi đặc biệt tìm kiếm những cuốn tiểu thuyết gay của châu lục này.

Bitter Eden là cuốn tiểu thuyết tự truyện của Tatamkhulu Afrika (bút danh của nhà văn, nhà thơ người Nam Phi Ismail Joubert). Cuốn sách kể về trải nghiệm của chính ông khi ông sống trong trại tù binh chiến tranh trong Thế chiến thứ hai, về tình yêu của những người lính nơi trại tù, nơi tình yêu đã cứu rỗi cuộc đời họ. Sexy và cảm động, ngôn ngữ phong phú uyển chuyển và câu chuyện buồn thương, Bitter Eden là một trong những cuốn sách hay nhất tôi từng đọc. Và tôi nằm đó nghe tiếng mưa rơi, mơ đến một ngày mình sẽ dạo bước trong những cánh rừng Nam Phi, đi dọc bờ biển Cape Town trong ánh hoàng hôn rực rỡ mùa hè. Có phải tôi đã tưởng tượng quá nhiều không?

 

Walter Benjamin từng nói ‘boredom is the dream bird that hatches the egg of experience’ (dịch là gì nhỉ? ‘Nỗi chán chường là con chim lý tưởng ấp quả trứng trải nghiệm’?). Tôi không nghĩ sống trong cách ly chán, nhưng cuộc sống này quả thực đã ấp một quả trứng trải nghiệm lạ kỳ tôi không thể đặt tên. Tôi ngủ nhiều, những giấc ngủ ngắn ngắn bất chợt trong ngày với những cơn mơ đưa tôi đến những miền xa, cả về không gian lẫn thời gian. Tôi tỉnh dậy lại đọc sách, đôi khi bị mất tập trung bởi L, em bé dễ thương từ Warsaw. Em luôn mặc quần ngắn (không bận đồ lót). Và đó, trí tưởng tượng của tôi bay từ vùng đất và ham muốn trong những trang sách, tới đậu trên người em, trong cách em đi, trong ánh mắt em nhìn tôi, đôi khi, ánh mắt tôi không biết diễn giải. Một phiên bản khác trong đầu tôi sẽ tới bên cạnh em, nhìn vào mắt em, cầm tay em mà nói ‘anh thích em’. Michael Cunningham từng bảo những cuốn sách trong đầu ta không bao giờ giống những cuốn sách mà ta viết ra, tôi nghĩ ta luôn có trong đầu hàng vạn phiên bản cuộc đời mà ta không sống, một vạn khả năng cuộc đời khả dĩ bắt đầu từ một khoảnh khắc của tưởng tượng, mãi mãi không thành sự thật.

Sau Bitter Eden, tôi trở lại với New Zealand và cuốn The Vintner’s Luck của Elizabeth Knox. Tháng tư, hồi tôi còn sống trong lockdown ở Tây Ban Nha, niềm yêu thích của tôi với xứ sở kiwi sống dậy. Tôi kiếm đọc một loạt các tác phẩm gay nổi bật của New Zealand, truyện ngắn của Frank Sargeson (người tôi rất thích đọc trước đó, cùng nhà văn viết truyện ngắn theo trường phái hiện đại nổi bật của xứ này, Katherine Mansfield. Có thể nói tôi yêu Mansfield gần như nhiều bằng tình yêu tôi dành cho Woolf, người từng bảo Mansfield có một ‘đầu óc tinh tế’, người ghen tị với tài năng của Mansfield và người gọi hai người họ là ‘a public of two’.) Hồi ấy tôi mê mẩn đọc Peter Wells và Witi Ihimaera, hai người tôi trích dẫn cả trong luận văn của tôi, dù tôi viết về Argentina.

The Vintner’s Luck là câu chuyện tình yêu của một nhà làm rượu vang với một thiên sứ ở nước Pháp cuối thế kỷ mười chín. Câu chuyện tình yêu lạ này, xen lẫn những công thức rượu vang nước Pháp và những câu chuyện huyền bí, những xung đột gia đình, những ham muốn bị kìm nén, khẳng định thêm tình yêu của tôi với đất nước nơi tận cùng thế giới, đất nước của dương xỉ, của biển xanh cát trắng nắng vàng, đất nước của người Maori, dân tộc nói thứ tiếng tôi luôn muốn một ngày nào đó mình có thể nói được.

 

Trong thời gian này, tôi đọc lại một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn đương đại Việt Nam tôi rất yêu thích, Nguyễn Bình Phương. Và cuốn sách ấy là Những đứa trẻ chết già. Tôi không nhớ mình đã đọc cuốn sách này bao nhiêu lần rồi. Trong những ngày tháng hội hè miên man khi tôi ở Cam-bốt, trong những ngày nóng nực mùa khô Sài Gòn, trong những ngày mưa triền miên gió buốt lạnh ở Scotland, trong những ngày nắng ấm gió mát ở Tây Ban Nha, và ở đây trong khu cách ly ở một nơi tôi gọi là ‘ở lưng chừng thinh không’. Hẳn nhiều người đã biết, văn chương của Nguyễn Bình Phương phần nhiều có bối cảnh ở Thái Nguyên, một tỉnh miền núi phía bắc cách Hà Nội khoảng 80 km. Lần này đọc lại Những đứa trẻ chết già, dù tôi chợt nhận ra một số điểm yếu trong hành văn và câu chuyện của tác giả, cuốn sách vẫn là một trong những cuốn tiểu thuyết tôi yêu thích nhất. Cuốn sách đưa tôi về vùng đất như ma ám ấy của tuổi thơ tôi, nơi mỗi mùa hè tôi về thăm ông bà ngoại. Tôi như ngửi thấy cả mùi đất, mùi của những cây cỏ kỳ lạ trong vườn của ông bà, tiếng phát ra từ cái máy may của dì tôi, tiếng kêu của bọn tắc kè mà tôi từng đếm tiếng để biết đêm đó mưa hay không.

Trong Những đứa trẻ chết già, tôi đặc biệt thích những ‘chương’ vô thanh kể về hành trình không đích đến của những con người không tên, những người không liên quan gì với nhau, trên một chiếc xe trâu. Chiếc xe cứ đi mãi đi mãi, xen vào đó là hồi ức của người kể chuyện không tên, mà ta chỉ biết là ‘ông’. Trong phần các chương bình thường kể về chuyện đi tìm kho báu, các nhân vật không hề được mô tả tình cảm hay suy nghĩ nội tâm, mọi thứ được thể hiện qua nét mặt, ánh mắt của họ. Hội thoại ở các chương dày đặc, bạo lực đầy rẫy, nhưng nhìn ra, dường như họ chẳng nói điều gì cả. Có phải nó cũng giống cuộc sống hằng ngày của chúng ta phải không? Chúng ta nói rất nhiều với nhau nhưng dường như lại không thực sự nói gì cả? Tôi tự hỏi.

 

Những buổi sáng, sau khi đã ăn sáng, kiểm tra nhiệt độ và uống trà, tôi nằm trên giường, mở cuốn La maravillosa historia del español (tạm dịch: Lịch sử kỳ diệu của tiếng Tây Ban Nha) của Francisco Moreno. Cuốn sách này, như chính tên gọi của nó, kể về lịch sử phát triển của tiếng Tây Ban Nha từ khi nó chỉ là tiếng nói của một vùng nhỏ bé ở Castille (đến bây giờ ở Tây Ban Nha, người ta vẫn thường gọi ngôn ngữ này là castellano, nghĩa là tiếng Castille, thay vì gọi nó là español) cho đến khi nó trở thành một ngôn ngữ toàn cầu với hơn năm trăm triệu người nói ngôn ngữ này như tiếng mẹ đẻ, là ngôn ngữ của tôn giáo, văn chương, khoa học của hơn hai mươi quốc gia trên thế giới, một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc. Cuốn sách cũng lý giải lý do vì sao tiếng Tây Ban Nha được nói cả ở Hà Lan và Ý thời Trung cổ. Cuối mỗi chương, cuốn sách kể câu chuyện về hai nhân vật đặc biệt trong sự phát triển của ngôn ngữ này, và hai từ đặc biệt. Khi đọc cuốn sách này, tôi nhận ra tôi yêu tiếng Tây Ban Nha nhiều đến thế nào và tôi tiếc rằng thời gian tôi sống ở Tây Ban Nha, vì lockdown, tôi đã không thể nói thứ tiếng này nhiều như tôi muốn. Tiếng Việt tất nhiên là tiếng mẹ đẻ của tôi, tiếng Anh là ngoại ngữ tôi có thời gian tiếp xúc lâu nhất, và là ngôn ngữ diễn đạt chính của tôi, tiếng Pháp với tôi là ngôn ngữ của ký ức (tôi cũng không hiểu vì sao), tiếng Tây Ban Nha, mặt khác, với tôi chính là ngôn ngữ của tình yêu. Tôi với tiếng Tây Ban Nha như một người tình thầm lặng, tôi yêu nó vô bờ, nhưng chỉ đứng từ xa ngưỡng mộ. Dù tôi nói tiếng Tây Ban Nha tốt hơn tiếng Pháp, và tôi có thể biểu đạt gần như mọi thứ tôi muốn nói, tôi có thể chửi thề và vô tình buột miệng khi say bằng thứ tiếng này, tôi vẫn cảm thấy nó như một prince charming tôi không thể chạm tới. Tôi ghen tị với những người nói tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ, những người có thể sử dụng tự nhiên những phức tạp lắt léo của thứ tiếng này, những người không cần suy nghĩ khi chia một lô thể động từ của nó… Tôi ghen tị với họ như khi một người tình thầm lặng nhìn thấy người yêu mình đi với kẻ khác.

Tôi nhìn bản đồ các nước nói tiếng Tây Ban Nha ở châu Mỹ, và thầm nhủ một ngày nào đó, có thể mười năm nữa chăng? tôi sẽ làm một hành trình dài đi qua khắp các nước nói tiếng Tây Ban Nha ở châu Mỹ lục địa, hành trình khởi đầu từ thành phố Mexico và kết thúc ở Buenos Aires, trước khi tôi đi tiếp tới Ushuaia, nơi tận cùng thế giới tôi luôn mơ tôi sẽ sống cả đời ở đó. Tôi luôn mơ về một căn nhà gỗ nho nhỏ nơi ấy, nơi tôi không làm gì cả, ngày ngày chỉ quanh đi quẩn lại trong nhà, hoặc đi dạo dọc bờ biển, ăn một chút ít, uống một chút ít, đọc một chút ít chờ ngày qua. Có lẽ cuộc sống trong cách ly là một cuộc tập dượt cho tôi cuộc sống trong mơ ấy? Một khẳng định chắc chắn rằng tôi yêu thích cuộc sống không làm gì?

 

Thế rồi tuần trăng mật mang tên cách ly cũng đến lúc phải kết thúc, như mọi sự trong cuộc đời này. Tôi trở về Sài Gòn, thức dậy trong ánh nắng buổi sớm, với tiếng kèn saxophone của hàng xóm tôi trong khu chung cư và tiếng hàng quán sôi động buổi sớm của khu chợ. Tôi không còn được nghe tiếng loa thân thương thông báo mỗi lần đo nhiệt độ hay xịt khử khuẩn nữa. Những người cùng phòng tôi trong khu cách ly cũng đã trở về với cuộc sống của họ. Tôi, mỗi ngày, vẫn ra ngồi nơi bục cửa, tựa đầu vào tường và nhìn ánh nắng đổi chiều khi thời gian trôi qua ở góc này của thành phố đông dân nhất Việt Nam, tôi uống bia và hút thuốc, và đôi khi tôi tưởng như mình, trong nháy mắt, lại trở lại căn phòng cách ly đó, nơi cửa sổ nhìn ra cánh đồng có mấy con trâu đang gặm cỏ, trong tiếng dế và ếch kêu trong cơn mưa nhiệt đới cuối mùa.

Chấm sao chút:

Đã có 13 người chấm, trung bình 4.5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: