Kế hoạch mười bốn ngày lần thứ hai

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 36 phút

Tôi là một kẻ mắc bệnh tưởng hơi bị nặng.

Nói vậy không có nghĩa là tôi nghĩ mình là dịch giả số một Việt Nam số hai thế giới chỉ đứng sau Thiên Lương, cũng không có nghĩa là tôi phủi tai trước mọi lời phê bình coi như haters gonna hate hate hate; nếu được vậy, than ôi, đời đã dễ sống hơn rất nhiều. Nói vậy chỉ có nghĩa là tôi có thể đồng cảm quá sức với Woody Allen khi ông tường thuật lại “cái lần tôi [Allen] thức giấc lúc 3 giờ sáng, phát hiện trên cổ một cái nốt mà tôi tin chắc là có đầy đủ dấu hiệu của ung thư da… Ngồi ở phòng cấp cứu vào cái giờ ma hờn quỷ khóc ấy trong lúc vợ bên cạnh cố trấn an, tôi đang lần lần đi qua năm giai đoạn khóc thương và chắc đã đến hoặc ‘chối bỏ’ hoặc ‘mặc cả’ thì một bác sĩ trẻ tới liếc tôi bằng con mắt có phần khinh khỉnh và hạ một câu xanh rờn: ‘Vết hôn của ông lành tính.’ ”

(Quý vị cứ cười; sống vậy khổ lắm đó.)

Như vậy cũng có nghĩa là trong mấy chục nghìn nhân dân cả nước ùa về Đà Nẵng nắng vàng biển xanh mùa hè ấy để rồi cuống cuồng chạy về trong những chuyến bay nửa đêm, tôi thuộc nhóm (chắc là) thiểu số nhìn chiếc nhiệt kế chỉ 38oC rồi ở tịt trong phòng cấm cửa cả bạn bè và tự nhủ “có khi mình đã gặp Cô”. Và trở về từ Đà Nẵng, trong khi bạn bè cùng nhóm check-in vào phòng tum, sân thượng, hoặc khăn gói đến nhà đồng đội cùng cảnh ngộ cho qua hai tuần, thì tôi theo chỉ dẫn của y tế phường phóng thẳng đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Có xếp ít quần áo và nhét mấy cuốn sách cần thiết vào máy đọc sách – tôi có đọc báo mà. Hẳn là sẽ “được” giữ lại hai ba ngày chứ ít.

Đã quá giờ làm việc, nhưng phòng tiếp nhận COVID-19 vẫn mở, chưa kịp khôi phục lại vẻ khẩn trương của những ngày tháng 4-5, nhưng vẫn có hộ lý và rồi bác sĩ tiếp tôi, phỏng vấn một lượt, lấy đủ chỉ số. Cầu được ước thấy, tôi được nhập viện: thêm một lượt phỏng vấn từ một bác sĩ mặc đồ bảo hộ trắng kín mít, ngay tối hôm đó tôi đã được trích máu, vét mũi, chụp phổi, không thiếu thứ gì. Sau một ngày rưỡi sống trong sợ hãi, trả lời tin nhắn úy lạo từ một nửa bạn bè và giả vờ như không có gì xảy ra với một nửa bạn bè còn lại, tôi được bác sĩ gọi ra khỏi phòng thông báo kết quả âm tính.

Cầu voi được Hai Bà Trưng: tôi sẽ chuyển tới bệnh viện dã chiến Củ Chi ở cho hết mười bốn ngày, xuất phát sau một tiếng nữa.

Rõ là tôi đọc báo vẫn còn chưa đủ.

*

Không có lượng lập luận, nghiên cứu hay tuyên truyền nào hiệu quả cho bằng kinh nghiệm cá nhân; và nếu độ thấu cảm của anh càng thấp thì kết luận của anh sẽ càng gắn chặt với kinh nghiệm có tính cá nhân hóa càng lớn, nghĩa là anh sẽ càng khó hình dung được những người khác sẽ có kết luận nào khác với điều kiện cụ thể của anh. Cùng mắc COVID khi quá cân béo phì và yêu thức ăn nhanh lắm bơ sữa, nhưng từ phòng ICU chui ra anh sẽ đổi giọng cổ xúy khẩu trang và hô hào cả nước chạy bộ giảm cân, còn nếu được bơm đầy người Regeneron chỉ hắt hơi sổ mũi tí chút anh sẽ bảo có gì mà xoắn. Mười hai ngày rưỡi ở Củ Chi của tôi hiển nhiên không giống với mười bốn ngày (hoặc hơn!) của những người đến sau tôi, mười bốn ngày hoặc hơn của hội Trung Quốc nhập cảnh lậu ở khu bên cạnh, mười bốn ngày hoặc hơn của 250 F bị chuyển từ Đà Nẵng về đây ở khu nào đó chúng tôi chưa hề nhìn thấy, hoặc n ngày không biết bao giờ mới hết của những người tái dương cách chúng tôi chỉ một mảnh sân có thể bắc loa tay nói chuyện với nhau. Dĩ nhiên, tôi cũng không giống từng người trong số mười người đi cùng xe đến đây, mà nhờ công nghệ cộng với sự hăng hái của mấy cô gái phòng đầu đã lập thành một cộng đồng qua đường nho nhỏ.

Chuyến xe của chúng tôi là chuyến đầu tiên thả xuống một bệnh viện Củ Chi rỗng toang rỗng tuếch, khi ấy đang chuẩn bị đóng cửa (vì Việt Nam hết dịch rồi mà, phải không). Điểm chung của chúng tôi là đều ở Đà Nẵng về, người đã về cả tuần từ khi Việt Nam vẫn đang hết dịch (chỉ còn phải ở đây thêm độ một tuần), người mới chân ướt chân ráo như tôi; điểm chung thứ hai là đều đến bệnh viện vì một lý do lãng xẹt nào đấy rồi rơi vào một lỗ đen không hẹn ngày về ~~. Cô gái phòng đầu kể lại đầy trauma câu chuyện đi khám cảm sốt bình thường ở một bệnh viện bình thường; khi chữ “Đà Nẵng” phát ra, kỳ diệu thay, bệnh viện lập tức chuyển sang báo động cực đỏ: áo phòng hộ tròng vào, thuốc khử khuẩn xịt kín, xe cấp cứu hú còi inh ỏi chở cô tới bệnh viện Nhiệt đới, ngoài đường dân chúng đổ xô live stream. Bà mẹ trẻ vào sau góp chuyện đi y tế phường, nhân viên phòng y tế đã thực sự nhảy bắn ra cách xa hai mét, tay xua, miệng la bai bải “chị tránh ra, chị tránh ra, ai cho chị đến gần tôi”. Có thể sau mùa dịch này, thành ngữ “tránh như tránh hủi” sẽ có bản update.

Tất nhiên cũng có những người như tôi, thong thả đi đến bệnh viện gửi xe, hai tuần sau lại thong thả lấy xe về rồi thong thả mang xe đi sửa.

(Nói vậy chứ ngồi trong “xu cấp ké” lạng lách như trên đường đua công thức 1 vừa bị dỡ bỏ, đạp băng hết đèn đỏ tiến vào giữa một vùng rừng rậm là một trải nghiệm rất phim; bạn sẽ có cảm giác gần như VIP nếu không phải bạn đang cảm thấy mình trong xe chuyển tù.)

Riêng tôi, tôi bước vào Củ Chi với ba vũ khí bí mật. Một là, tôi đã từng cách ly (tự nguyện & tại gia) với người thân rồi. Tôi đã biết mười bốn ngày có vẻ rất dài nhưng xét về lâu dài thì rất ngắn. Hai là, tôi có máy tính! Bạn cùng nhà vĩ đại đã tiếp tế cho tôi khi còn trong bệnh viện, nguyên một chiếc va li, đủ cả bàn làm việc mini và tất nhiên các loại đồ cần thiết, mà khi ấy tôi đã bĩu dài môi chê cứ như đi du lịch không bằng. Ba nữa, tôi có nhóm bạn vừa từ Đà Nẵng về, dù không ai được ăn cơm nhà nước ở nhà công như tôi nhưng cũng đều xoắn lên với hai câu hỏi chính “bao giờ mới được test?” và “bao giờ mới có kết quả đây đậu xanh rau má!!!”. Mười bốn ngày loay hoay với hai câu hỏi ấy, nếu không có người cùng cảnh, hẳn sẽ cô đơn và hoảng sợ hơn rất nhiều.

So với các bạn tôi cấm cung trong nhà hoặc trong phòng, đi chợ trên mạng, tôi còn được ra khỏi phòng đi dạo giữa không gian xanh biếc, trao đổi làm quen với những người bạn mới (về lý thuyết, chứ đây không phải thế mạnh của tôi), đến bữa có cơm, đến giờ có khẩu trang, mỗi ngày được phát quần áo trải giường, wifi thun thút. Nghỉ dưỡng hai tuần giữa rì sọt thiên nhiên, không chút phí tổn ư? Sign me up baby!

Tôi cứ ngỡ được cơm bưng nước rót như vậy là mình sẽ đánh bay vài chiếc bản thảo.

*

Bệnh viện dã chiến Củ Chi lập trong trường thiếu sinh quân, nơi chúng tôi ở đều là doanh trại. Không rõ có bạn bộ đội nào phải ra ngủ rừng vì chúng tôi không, hay giờ đang là mùa nghỉ hè (học sinh quân đội có nghỉ hè không? tôi nhận ra mình chẳng biết gì về họ cả). Chăn ga được phát đều là đồ quân đội, màu xanh rằn ri rất cun ngầu, màn thấp chắc sẽ chạm bụng nếu bạn là một ông Tây cao lớn, dầu gội là dầu Romano đầy mùi nam tính, nhưng giường lại là giường bệnh viện loại siêu xịn, đủ cho bạn mất ngủ nếu muốn nhớ ra rằng trong đợt cao điểm đây là bệnh viện thực sự, rất có thể đã có những người + nằm trên giường này. Mỗi phòng năm giường nhưng trong thời gian tôi ở rất ít phòng kín người, nên cũng không có cảm giác quá bí bách.

Lâu rồi tôi mới ở tập thể: phòng tắm ở hai đầu khu gợi nhớ về những khu tập thể cải tạo từ biệt thự ở Hà Nội xưa, và trên hành lang cuối mỗi phòng, quần áo trên dây phơi phấp phới. “Giống hồi bé đi nghỉ mát với cơ quan bố mẹ,” bạn tôi bình phẩm.

Một ngày lý tưởng của tôi như sau: 6 giờ sáng tỉnh dậy theo bác về hưu cùng phòng, tự đo nhiệt độ, đánh răng rửa mặt, tập thể dục (một thói quen đã bỏ hẳn trong mấy tháng dịch bệnh), tắm rửa, giặt quần áo vì muốn giữ lại chút identity cá nhân giữa một tập thể ninja áo quần bệnh viện, đo nhiệt độ, ăn sáng, xem Thông tin chính phủ, mở máy tính, ăn trưa và xem Met Opera hôm nay đãi món gì, đo nhiệt độ, ngủ, máy tính, chạy ra rút quần áo vì cơn mưa chiều đang ào ào kéo tới, máy tính, hết mưa bèn chạy ra phơi lại quần áo, xem Thông tin chính phủ, ăn chiều (có khi ăn từ 5 giờ), đo nhiệt độ, hỏi thăm bạn bè, đăng vội cái ảnh đếm ngày trên Facebook, tập thể dục tối, đi lang thang ngoài sân nghe dế kêu và ngạc nhiên vì màu trời trên đầu, vội vã chạy vào mắc màn vì tới giờ côn trùng tổng tấn công, tắm rửa, chạy vào màn, đo nhiệt độ, đếm like trên Facebook (không mấy), 10 giờ đi ngủ. Trong đời chưa bao giờ tôi sống lành mạnh như vậy. Một thời gian biểu được giữ vững là cách tốt nhất để duy trì sự sáng suốt tinh thần.

Cuộc sống chung ở khu cách ly cũng rất điều hòa lành mạnh. 6-7h, dậy tắm rửa và thể dục. 7-8h, bác sĩ phát khẩu trang, đo nhiệt độ huyết áp, hộ lý đưa đồ ăn sáng. 9h, loa đọc nội quy. 11h ăn trưa. 4h, lại nội quy. 5h, đồ ăn chiều đến cùng ga giường, quần áo sạch. 7h lác đác tắt đèn, 10h hầu hết mọi người đã chui vào màn. Muỗi ở đây không phải chuyện đùa. Đấy cũng là một ngày lý tưởng.

Bạn Mỹ cơ bắp ở tầng trên sẽ chọn lúc nắng nhất, ngày nào cũng như ngày nào, để đi vòng quanh tòa nhà với kính mát, tai nghe và chiếc Kindle tí hon. Bạn gái Tây Ban Nha mảnh dẻ xinh xắn sẽ xỏ dép lê đi chiều chiều, nói chuyện điện thoại. Các ông bố thường đưa con đi dạo vào buổi sáng. Các cô gái phòng đầu thích đi dạo quanh sân khi đã lên đèn. Tôi chạy quanh tòa mười phút vào sáng sớm, cùng giờ với bác cùng phòng tập thể dục và anh phòng bên tập thể hình, cùng giờ các bạn hộ lý quét lá trong trường và đèo nhau trên xe đạp mang đồ quét dọn đi các khu, cùng giờ các bạn bộ đội không ca trực khu bên đá cầu trong tiếng cười khanh khách, cùng giờ các bạn Trung Quốc ở khu đối diện chạy rầm rập quanh tòa bên đó và hú hét, bụng phệ lắc lư.

Những giờ ăn, giờ tắm rửa, cả khu sẽ lao xao đi lại, ít cười nói và cố giãn cách (dù sao đây cũng là trại COVID, không phải trại Mùa Hè Xanh), nhưng cũng ra dáng một khu tập thể gồm toàn những người rất antisocial. Những giờ nghỉ, mỗi người đều ôm điện thoại cố thủ trên giường, nhưng nhóm chat chung lại lao xao những chuyện quyên góp ủng hộ trại, chuyện ngày giờ xuất chuồng, chuyện tâm sự và tán tỉnh nhau nói chung.

Sáng tiếng chim, chiều tiếng dế. Ở đây, rừng là nhà, côn trùng là chủ, con người táo tợn đến lấn đất dựng nhà, nhưng không vì thế mà những vị chủ kia sợ hãi, chúng tò mò hoặc nghênh ngang sục sạo vào từng ngõ ngách. Ong, tò vò, châu chấu, chuồn chuồn, rết, nhện, một vạn loại bướm đêm, giun, kiến ba khoang, muỗi, vô số là muỗi. Thạch thùng kéo đi từng bầy hai chục bám đầy tường đánh chén phè phỡn. Ếch nhảy quanh sân. Mèo ung dung đi lại trong mưa. Thỉnh thoảng còn có cả chú cảnh khuyển ngúc ngoắc chạy qua đánh hơi, dừng lại nhìn khi thấy tôi gọi, rồi thờ ơ bỏ đi.

Khi cuộc sống diễn ra trên nửa mảnh sân, người ta sẽ quen thuộc từng vết nứt trên mặt sân, từng nếp vặn vẹo của cây phượng gãy ngoài sân, từng vạt hoa dại nhỏ mà các cô gái phòng đầu mang về phòng cắm thành một lọ hoa xinh xẻo. Khi các hàng xóm chỉ nhận ra nhau bằng cặp mắt, tiếng nói và khoảng cách đều phải đo đếm kỹ càng, người ta chỉ có thể biểu lộ tình hàng xóm bằng những cử chỉ cũng rất giãn cách, như là nhường cho nhau chiếc chậu giặt khi hết án, cho nhau mượn cục sạc hay chuyền cho nhau cái ấm siêu tốc duy nhất (rất được hâm mộ) của cả tòa, cả người đưa và người nhận đều tránh cầm vào cùng một chỗ trên quai.

So với bệnh viện Nhiệt đới, nơi mỗi người có một cái giường, có thể nhiều nhất là đi ra khỏi phòng lấy nước nếu phòng bạn không khóa, và tất cả không gian là một đoạn hành lang ngắn hai đầu có ổ khóa thẻ từ với những chữ đầy đe dọa “KHOA NHIỄM X”, thì nơi đây là thiên đường.

Tôi viết trong lưu bút khi xuất viện về ấn tượng đầu tiên khi đến và vẫn là ấn tượng đẹp khi đi như sau:

“Trời Củ Chi rất đẹp. Sáng, trưa, chiều, tối, đêm, lúc nào cũng đẹp. Màu trời biến ảo vô cùng, vài phút trước một màu lạ, quay đi quay lại đã thấy chuyển sang một màu khác không có trong vốn từ. Cả khi mưa cũng đẹp, cây phượng giữa sân hình thù kỳ lạ như một nơi trú ẩn của những tinh linh trong truyện thần tiên, quăng quật như con tàu bị sóng dồi. Hết mưa, trời và cây lại xanh mướt như bình minh thế giới. Ban đêm đi ra rặng cây sau nhà, một bức tường mây trắng dưới ánh trăng và dãy đèn vàng viền chân những bóng cây đen như một bức tranh màu nước. Mình chụp ảnh suốt ngày, suốt nhiều ngày, không biết chán.

Cộng thêm tiếng dế kêu ban sáng hay đêm muộn, tiếng chim hót cả ngày, và tiếng cười đùa của các bạn đồng khu vẳng ra từ phòng bên cạnh, nơi đây nhiều lúc thật giống như một chốn nghỉ dưỡng thôn quê mà đám người thành phố, giữa những lúc ngập lụt về công việc, thỉnh thoảng lại lên Facebook gào rú mong được trở về.”

Tất nhiên viết review cho chủ nhà thì sẽ có một độ sến súa nhất định so với viết trên chốn nhạo cợt là Zzz Review, nhưng tâm tình cơ bản là thế.

*

Có thể là bảy, có thể là mười ngày sau cái mốc ban đầu, nhưng sẽ đến một ngày nhìn ra ngoài cửa bỗng thấy trong lòng mình cũng xám xịt như bầu trời; và giống như những bệnh nhân COVID trở nặng ở tuần thứ hai, tâm trạng cũng bắt đầu tuột dốc, phải vất vả kéo trì lại như quả bóng tuyết Sisyphus để khỏi va đất vỡ tan.

Tôi ngồi nhìn vạch nhiệt kế đã nhích lên so với hôm qua, tự hỏi cơn nhức đầu này là do quá liều cà phê, chân tay bải hoải này là do tối qua thiếu ngủ, cảm giác váng vất này là do trời Củ Chi sớm nắng chiều mưa đến trưa tranh thủ gió, hay là chỉ dấu của một cái gì đáng sợ hơn.

Tôi mở báo, kiểm tra Thông tin chính phủ, lại refresh báo, rồi chuyển qua cập nhật thông tin nhóm bạn, đã được test chưa, đã có kết quả chưa, vì sao tổ chức test lộn xộn thế, cẩu thả thế, vì sao thông tin chậm trễ thế, vì sao mỗi nơi một kiểu, vì sao người thừa kẻ thiếu, thống kê không tin được, test nhanh không tin được, test chậm không tin được, vì sao người ta chết nhanh thế, vì sao người ta chết trẻ thế, vì sao ngoài kia người ta vẫn tụ tập không khẩu trang, vì sao vượt biên giới, vì sao trốn cách ly, vì sao những bi kịch này, vì sao và vì sao.

Tôi trả lời bè bạn hỏi thăm, những bè bạn đi xa nhiều năm không gặp, giống như khi lần đầu COVID ập xuống thế giới, tôi đã lo âu nhắn hỏi những bạn bè ở xa.

Tôi nhắn hỏi những kẻ đồng bệnh, ở đây là bệnh lo âu chứ không phải bệnh cách ly. Tôi nghĩ phần lớn mọi người chỉ coi cách ly như một sự phiền hà nhất định, sẽ có một cơ số người hồn nhiên vi phạm vì nghĩ “chỉ cần đảm bảo an toàn là được rồi”, giống như vượt đèn đỏ nếu không thấy người. Nhưng một số người khác sẽ vặn nấc an toàn lên 11. Tự giặt đồ dù nhà có máy giặt. Rửa bát đĩa để thành chồng trong phòng nhất định không cho người thân động vào. Nhất nhất sinh hoạt trong một căn phòng bí muốn tắc thở. Và lúc nào cũng cảm thấy mình đang COVID đến nơi. Té ra trong bạn bè tôi, cũng kha khá người là nạn nhân của bệnh tưởng cơ hội, tìm được nhau, chúng tôi vui như bắt được vàng. Đợt dịch trước, chúng tôi là thành phần thiểu số, nếu không ngồi trong tủ thì cũng hứng chịu sự chế giễu và tức giận của người đời. Hoặc của người thân – tôi dám cá nếu có nghiên cứu, sẽ thấy mức độ gây chia rẽ của COVID trong gia đình và bạn bè cũng ngang như của bất đồng giữa dân chủ và cộng hòa dư luận viên.

Khi câu chuyện còn là của người khác, cho dù ngay khu nhà tôi ở đã có tòa đóng cửa phải hai tuần, rất khó cho những người có chỉ số empathy thấp như tôi có cảm giác đó là sự thực. Tiếc thay chỉ số tưởng tượng hão huyền của tôi lại hơi thừa, tôi chỉ cần nhìn nhiệt độ nhích lên 38 đã hình dung mình bị quấn kít mít, chở đến phòng bệnh bé tí khóa cửa trong bệnh viện Nhiệt đới (hoặc một bệnh viện nào xấu hơn, ít hiện đại hơn), một khách sạn California check in nhưng không biết bao giờ mới có thể check out. Tôi vẫn còn sót lại chút logic, nên tôi nghĩ nếu bệnh chắc mình cũng không quá nặng[1], chỉ băn khoăn không biết có được tha máy tính vào phòng áp lực âm hay không, khi ra đồ đạc có bị thiêu hủy như cậu hộ lý ở Nhiệt đới ban đầu dọa (troll?) hay không. Nhưng chắc với tôi bệnh sẽ còn được cộng hưởng cao hơn nữa. (Lần giãn cách trước, tôi đã tin chắc mình đang mắc bệnh-tim-do-COVID cho tới khi đi google các triệu chứng của chứng lo âu.)

Tôi tự an ủi mình rằng mình đang ở nơi an toàn nhất thế giới, theo nghĩa đen. Bác sĩ thuốc men ở ngay bên, cộng đồng xung quanh toàn những người đã “qua vòng 1”. An toàn hơn cả bệnh viện Nhiệt đới nơi “số 449” nằm ngay phòng bên và bệnh nhân dương tính được đẩy qua hành lang theo sau bình xịt khử trùng, như các bạn cùng khu kể lại. Nhưng biết như vậy, và biết rằng xác suất của bệnh và thực tế của Việt Nam đều rất khả quan, không có nghĩa là không đáng sợ nếu nó xảy ra với mình, thực thể duy nhất có tồn tại trong thế giới cơ thể và tâm trí của mình.

Tôi vẫn tiếp tục duy trì chế độ “bảo vệ cực đoan” mà tôi đã tự đặt ra với mình từ lần cách ly trước – khẩu trang không rời mặt, không đánh răng cùng lúc với người khác, xịt sát khuẩn mọi thứ, rửa xà phòng vòi nước trước khi giặt đồ, rửa tay và lau sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đánh rơi đồ, sau khi khóa cửa phòng, sau khi cho mượn sạc điện thoại, sau khi lỡ chạm phải thứ gì không nên chạm, sau khi lên giường ngủ, sau khi cầm vào bình rửa tay. Nhưng lần này nó ít giống một trò chơi mà tôi tự quy định cho mình phải đạt điểm tuyệt đối, trong khi cười nhạo sự quá khích của mình, mà giống một nghi thức, một thứ bùa chú, nhằm bảo vệ mình, không phải khỏi con virus, mà khỏi một tương lai khả thể trong đó tôi mắc bệnh và sẽ tự tra tấn bản thân vì sự lơ là của mình, hoặc tôi nhiễm bệnh cho người khác và tra tấn bản thân vì sự bất cẩn của mình.

Tôi cố giữ bình tĩnh trong đầu. Lâu lắm rồi tôi không ở tập thể, và tôi nhận ra mình không còn ở tuổi có thể thích nghi lại với cuộc sống tập thể. Quá nhiều người xung quanh làm tôi căng thẳng (kể cả không COVID). Hàng xóm lại qua sát cửa sổ mở tung để thông thoáng phòng làm tôi căng thẳng. Dùng chung khu tắm rửa vệ sinh vốn dành cho nam làm tôi căng thẳng. Người trong phòng gọi điện bật loa ngoài làm tôi căng thẳng. Tối nào bạn Tây trẻ tầng trên cũng ngồi gọi video ở đầu khu vệ sinh, tức ngay cửa phòng tôi, nhiều hôm chỉ muốn ra tạt gáo nước vào mặt. Hàng xóm bu lại chia cơm, tháo khẩu trang đi qua phòng nhau, hò hét chọc ghẹo mấy bạn bộ đội đá cầu ở khu nhà bên, làm tôi vừa căng thẳng vừa bực mình. Loa ngày nào cũng đọc nội quy hai lần, nhưng người Việt Nam vốn vẫn không mạnh về tuân thủ kỷ luật, mà hộ lý cũng không có sức để quản hết, chỉ gặp thì khẩn khoản nhắc nhở.

Tôi mở bản thảo ra rồi lại đóng vào.

Tôi ngủ.

Tôi bật Met Opera, nhưng nay đã đông người, mạng chập chờn đến khó chịu.

Chạy ra nhà vệ sinh, ngăn vệ sinh không bị tắc cuối cùng đã có người chiếm.

Tôi chạy ra hành lang ngó chuyến xe mới nhất vừa đổ người, trái với những ngày đầu hồ hởi chào đón căn dặn người mới đến, tôi chỉ nghĩ trong chuyến xe kia, những ai sẽ vào ở phòng mình, có ai sẽ là người sẽ khiến mình phải ở lại thêm mười bốn ngày hay không.

Mưa từ sáng đến đêm.

Một ngày tồi tệ một cách lý tưởng của tôi là thế.

Một chiều, các bạn hộ lý hớt hải chạy qua sân la giục mọi người đóng cửa, không ra hành lang, tránh xa cửa sổ. Xe tạt vào sân, thả xuống một bóng người lẻ loi duy nhất, đứng tần ngần một lát rồi xách túi lủi thủi đi vào phòng đầu tiên, đóng hết các cửa, dọn đồ vào giường trong cùng. Tôi tò mò hỏi bạn hộ lý bịt kín từ đầu đến chân, bạn nói hai lần tôi mới nghe ra chữ “tái dương”. Tôi hết hồn vội rụt cổ vào đóng chặt cửa, thông báo cho cả phòng. Dần dà, tôi mới nhớ ra các bài báo đều nói hầu hết người tái dương đều là xác virus không có khả năng gây hại, chẳng qua làm quá là phong cách chống dịch của Việt Nam.[2]

Các loại tin đồn lưu hành trong khu. Nghe nói đám Trung Quốc ở tòa kia làm loạn lắm. Đám Trung Quốc vượt biên, hôm xe buýt có cảnh sát đi kèm chở đến còn có bạn lanh lợi ngó đầu ra cửa sổ quan sát rồi vẫy tay chào tôi. Nghe nói khu cách ly nhập cảnh còn nhốt cả tù nhân Mỹ cao to đen hôi rất nguy hiểm. (Bạn hộ lý sau này đính chính đó là người Việt phạm pháp bên Mỹ, chính phủ không nuôi nổi bèn trả về Việt Nam.) Đêm đến, tiếng dế kêu bị ngắt quãng bằng tiếng chó sủa, đèn pin ở mấy chốt chặn đầu các ngã rẽ lia lia khắp đường. Công an trực chỉ có vài ba cái ghế gấp ngồi suốt đêm. Nghe nói đám Trung Quốc hạch sách nhiều lắm, ăn ở bẩn thỉu bừa bộn, anh em đấu tranh không dọn nên lại càng làm ầm lên, đòi có người Trung Quốc đến giải quyết. Mỗi buổi chiều, tiếng loa khẩn khoản bằng tiếng Trung: “mong mọi người nghe theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế… mong mọi người không ra khỏi phòng mà không mang khẩu trang…” Có hôm các bạn hộ lý bận bịu bên đó, mãi bảy giờ tối mới hớt hải đội mưa chạy mang thức ăn đến cho chúng tôi.

Không khí vui vẻ vô tư lự mấy ngày đầu nhuốm thêm chút căng thẳng. Tối đến các bạn gái mặc áo bệnh viện đi vòng tròn trong khoảnh sân, cách nhau một hàng, không nói chuyện với nhau, tôi nhìn ra, lần đầu tiên chợt có cảm giác đang ở tù.

Tôi muốn nhờ bạn hộ lý chuyển cho bóng người lẻ loi tòa bên kia một quả táo, nhưng tôi lỡ ăn hết rồi.

*

Nhìn lại hai tháng sau khi “ra trường”, cuối cùng, điều khiến tôi đi qua được ngót hai tuần cách ly ấy không phải là máy tính, kinh nghiệm đã có, hay những khẩu hiệu, những bông lơn nửa tỏ ra cứng cỏi với thế giới, nửa tự trấn an mình (dù những điều ấy có giúp, giúp rất nhiều). Mà là, nói ra câu này nghe thật sáo và tẻ nhạt và tôi sẽ cười khẩy nếu đọc thấy trong một cuốn seo hép nào đó, những người ở quanh tôi.

Chắc phải đến 90% trong số đó là những người ở quanh tôi theo nghĩa đen. Những người trong bộ quần áo bảo hộ xanh, và thi thoảng có bác sĩ mặc đồ trắng, nhìn như một đoàn crewmate. Những người dựng lên cả bộ khung khiến tôi có thể thả mình vào trong đó ăn no ngủ say, có thể vui vẻ phấn khích trước nơi ở mới hay lo lắng khổ sở về bệnh tình (ảo) của mình, vì mọi thứ khác đã có người lo cho từng tí một.

Khi mới được thả xuống sân trường vắng huơ vắng huếch, nhìn những bóng áo xanh đi đi lại lại trong khu, tôi có cảm tưởng vừa bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Trong rất nhiều ngày đầu tôi không phân biệt được có bao nhiêu người, đừng nói đến ai là ai; tôi đinh ninh tất cả đều là những nhân viên già khó tính theo mẫu hình mấy anh cán bộ miền Bắc ngày xưa, tôi nói chuyện thưa gửi lễ phép đúng kiểu công dân miền Bắc đã quen bị quát tháo vô lý. Dần dà hai tuần trôi qua, những trại viên lần lượt được test âm tính, được ra về, các bạn cũng bỏ đồ bảo hộ khi làm những việc bình thường như đưa cơm, chuyển đồ, mới có thể nhận thấy các bạn rất trẻ, trẻ như mấy bạn vẫn sáng sáng đá cầu cười đùa ở khu bên cạnh, có đôi mắt rất sáng, bộ mặt tươi cười sau khẩu trang, đi quân đội nhưng mà vẫn cắt kiểu tóc rất cute, và dù chúng tôi không nhận rõ được ai với ai nhưng các bạn đều thuộc người, thuộc nết từng phòng. Và chỉ có hai bạn phụ trách tòa chúng tôi.

Chỉ có hai crewmate làm tất cả mọi thứ nhiệm vụ trong tòa: lo đồ ăn, lo đồ mặc, giao nước, quét sân, dọn vệ sinh, giao đồ của người nhà, lo liệu vật tư cho bác sĩ, chuẩn bị phòng ốc cho người mới đến, ngày ngày đổ hóa chất cọ hành lang và nhà vệ sinh của khu, và giải quyết trăm thứ nhu cầu của bao nhiêu con người khác nhau về cả tuổi tác, phông văn hóa và thái độ ứng xử. Trực Zalo từ sáng đến khuya, trả lời từng câu hỏi ất ơ của người cách ly, nhất là những người sắp đến lượt test để ra về, mỗi khi có vấn đề phát sinh lại phải kiên nhẫn dịu dàng giải thích.

Kiên nhẫn dịu dàng: đấy đúng là điểm làm tôi sửng sốt nhất khi tới khu cách ly. Mặc dù đã nghe nhiều câu chuyện của các bạn cách ly đợt tháng 3-4 và nói chung đều là những kinh nghiệm tích cực, tôi vẫn đại khái hình dung một sự quát lác gắt gỏng nhất định theo lối miền Bắc. (Ở Bệnh viện Nhiệt đới, tôi cũng được đối xử dịu dàng, nhưng là một sự dịu dàng có chút hạ cố. Hiển nhiên bệnh viện đã quá quen với những bệnh nhân hoảng sợ và bất hợp tác, mọi người tôi gặp đều cố gắng vỗ về trấn an trong từng câu.) Nhưng đáp lại tôi là một sự lịch sự trân trọng giống như chủ nhà với khách, nhưng lại thân thiện vui vẻ như bạn bè. Hẳn chỉ là chút thành kiến trong lòng mà tôi mang với hai chữ “Củ Chi”, mà vốn tôi cũng không biết gì hơn quả địa đạo cấm trẻ con, người yếu tim và người quá khổ?; tôi nghĩ sẽ đến với thô lỗ, cửa quyền kiểu cũ, ai ngờ lại được đón tiếp bằng văn minh và tình người. Hay vì tôi vốn có kỳ vọng thấp, do không phải một nàng công chúa du học nửa chừng về chăng.

Cơm Coopmart chở đến hàng sáng trên xe tải ngon hơn cơm tôi tự nấu ở nhà, mặc dù suất ăn mỗi người một ngày có mấy chục. Có đủ cả rau và hoa quả tráng miệng, thêm quả ớt đỏ chói đã thành iconic nằm vắt ngang cơm. Bữa sáng mỗi lần một khác thay đổi không biết chán, tôi sợ khi về tăng cân giống như các bạn tôi đợt tháng 3-4. Trẻ con có cháo, các bạn Tây có đồ chay (các bạn hộ lý nói tiếng Anh chuẩn giọng như gió), nói chung chỉ còn có việc mỗi ngày thải ra cả tấn đồ nhựa là chưa đủ tiêu chuẩn cuộc sống văn minh xanh sạch đẹp.

Đợt chúng tôi đến là đợt đầu sau thời kỳ dài không có dịch, công việc không khẩn trương quay cuồng như đợt trước và cũng chưa dồn dập như mấy ngày sau, nhưng các bạn hộ lý đã đủ bận rộn tíu tít để chiếm được sự ngưỡng mộ và thương mến của cả khu. Các cô gái dễ mủi lòng phòng đầu gọi họ là “các thiên thần áo xanh” (bên cạnh các bác sĩ “thiên thần áo trắng”), và sau mấy ngày đầu, đã đi gõ cửa từng phòng vận động quyên góp tặng bệnh viện vì “thương các em chăm mình vất vả”. Trong nhóm chat, chúng tôi gọi họ là các tình nguyện viên, dù cũng đoán là không phải thế. Các bạn là lính và công việc các bạn làm là được tổ chức giao cho. Nhưng nếu có ai theo “logic” mà nói rằng vì thế, công việc ấy không có ý nghĩa, vì họ cũng chỉ đi làm việc được sai, hoặc không có lựa chọn nào khác, thì tôi cũng muốn xem mấy người ấy đi cọ nhà vệ sinh ở khu COVID coi sao.

Có một mặt tối là một phần tất yếu trong cuộc chiến chống COVID: phân biệt đối xử. Chúng ta đã ngậm đắng làm quen với những câu chuyện về người châu Á bị kỳ thị, y bác sĩ bị đuổi khỏi nhà thuê, hay đâu đó chăng biển ở đây không tiếp người tỉnh X. Nhưng sự phân biệt đối xử ngấm vào từng thớ thịt trong cuộc sống COVID, kể cả giữa những người cùng cảnh với nhau, ở những biểu hiện rất tinh tế. Tư thế giật mình bỏ chạy khỏi khu tái dương của tôi đã được lặp lại ở nhiều người được tôi thông báo khi họ không biết lỡ đi lạc sang nửa sân kia. Vào bệnh viện Nhiệt đới tôi sung sướng vì được phân giường trong cùng cạnh cửa sổ thoáng mát nhìn ra cây xanh mướt, té ra vì tôi là kẻ “đang có triệu chứng” duy nhất trong phòng. Tôi cũng không lấy đó làm phiền. Các phòng bên cạnh còn có khóa từ ở cửa. Tự tôi cũng phân biệt đối xử với tôi trong đầu. Tôi cần được cách ly khỏi xã hội nếu vẫn còn triệu chứng và chưa đảm bảo âm. Tôi nghĩ phần lớn những người ào đến trạm y tế năn nỉ được xét nghiệm thay vì bị bắt đi xét nghiệm đều xuất phát từ một sự tự kỳ thị trong đầu như thế. Nhưng kỳ thị từ bên ngoài là chuyện khác. Các bạn được thả tự do trước tôi, chưa kịp ăn hết sạch thành phố cho thỏa những ngày giam lỏng, đã tường thuật về nhóm những câu chuyện thật lố bịch và buồn cười, nếu không phải quá sức bực mình: công ty khuyên đừng đi làm, hàng xóm đặt điều dựng chuyện xung quanh, con ấy dương tính đi viện về nhưng “Việt Nam giấu dịch”. Dù chúng tôi đã có giấy chứng nhận âm tính và sống trong nước cất 14 ngày – chúng tôi là những người an toàn nhất thiên hạ ở thời điểm đó – thì vẫn không khác gì có chữ A màu đỏ dán ngay cửa.

Khi được các bạn hộ lý cho biết thợ không vào sửa chữa trong khu cách ly vì sợ bệnh, nên từ lắp cái bóng đèn đến thông hố xí đều phải tự làm (rõ ràng là mấy ngăn vệ sinh ấy không phải tắc lần đầu tiên), tôi mới lờ mờ nhớ ra những điều chúng tôi đang trải qua, những stress và đề phòng và sợ hãi và kỳ thị, đã là cuộc sống của họ nhiều tháng vừa rồi. Tôi đã từng chăm người thân cách ly COVID (có thể quý vị đã đọc qua trong số này, trong bài ấy tôi được mô tả như một con điên), tôi có thể mường tượng mức độ stress như thế nào chỉ với mức độ tiếp xúc một người và tiện nghi ở mức cao nhất. Nhân lên với cả trăm người tiếp xúc, nhân lên trách nhiệm và đêm khuya và công việc, tất bật công việc chứ không phải ngồi chờ cơm bưng nước rót như chúng tôi, thật khó mà hình dung nổi các bạn có thể làm được như vậy nếu không phải vì sức trẻ và tinh thần trách nhiệm. Sức trẻ của tiếng cười lanh lảnh trên sân đá cầu mang lại sức sống cho mỗi ngày mới, tinh thần trách nhiệm của người lính trẻ thực thi nghĩa vụ. Cộng thêm một chút phớt đời (thật ra cũng hơi nguy hiểm) của các cựu binh ở nơi người ta rọ mõm COVID hằng ngày.

Vì hai bạn lính trẻ ấy vừa là cá nhân hai bạn lính trẻ ấy, và cũng là hiện thân của một tinh thần chung đã rõ nét từ những chặng đầu tiên khi dịch bắt đầu bùng ở Việt Nam. Nguyên sự tồn tại của các bạn ấy ở đây, cũng như việc tôi có mặt chốn này, ăn ba bữa một ngày và được xét nghiệm bằng công nghệ hiện đại nhất – xin nhắc lại tất cả đều miễn phí – là kết quả của một chuỗi những chủ trương và quyết định của Việt Nam ngay từ tháng 12 năm 2019 khi con-virus-còn-chưa-có-tên-là-SARS-CoV2 bắt đầu được thông tin trên mạng lưới của các bác sĩ quốc tế.

(trigger alert: phía trước có đọc nghị quyết)

Nói nào ngay, tôi có thể bước vào đợt cách ly này một cách tự tin tương đối, không hoảng loạn suốt từ sáng đến tối như lần trước (bớt giống con điên hơn), phần vì đã có nhiều thông tin hơn về COVID, sự đáng sợ của nó (hết sức đáng sợ và ngày càng cho thấy thêm đáng sợ) có hình hài cụ thể chứ không còn là một ông kẹ chập chờn như lần trước, phần vì tôi đã khá tin vào chống dịch của Việt Nam. Giống như nhiều người khác, tôi đã trải qua mấy tháng đầu năm sợ hãi, không tin, theo dõi các diễn biến dịch ở Việt Nam một cách lo âu và nghi hoặc, tranh cãi với bạn bè từng điểm một, cười nhạo sự quá tay của các cấp chính quyền, hầm hừ làm theo các quy định mới, đặt câu hỏi về động cơ của những ông lớn nhảy vào sản xuất kit thử made in Vietnam, bực tức trước những biểu hiện kém cỏi khi triển khai các biện pháp phòng dịch của từng địa phương, rồi từng bước, từng bước, qua lời chứng của bạn bè, người quen, người không quen, và qua thực tế cụ thể, khi chúng ta trở lại với cuộc sống bình thường, dù là cuộc sống giữa những đợt cắt giảm lương và những cửa hàng giăng biển cho thuê mặt bằng, đã cảm thấy tin hơn nhiều chút. Có thể nói tôi là một trường hợp thành công của tuyên truyền chống dịch ở Việt Nam.

Lần thứ hai này, mặc dù bùng dịch lớn hơn và chúng ta phải trả giá đắt hơn về người cho sự mất cảnh giác sớm, mặc dù quy mô lớn có nghĩa là thêm nhiều lúng túng và ấp úng và những pha ứng xử kềnh càng ở mức thành phố khiến thiệt hại thêm về của, nhưng điều có thể trông thấy trong phạm vi quan sát của tôi là mọi người tin hơn vào hướng đi của chính quyền, những biện pháp gắt và quyết liệt được tuân thủ với ít càu nhàu hơn; nhân dân nô nức đi xét nghiệm như đi săn đồ hiệu giảm giá 90%, và cổng Thông tin chính phủ chết ngạt dưới like tim và comment của các bạn cả trẻ lẫn già như một thần tượng K-pop có vẻ đẹp unisex. Những vụng về và lởm khởm, bất nhất và lộn xộn, thậm chí cả những cẩu thả hoặc lợi dụng kiếm chác trên dịch bệnh vẫn có (và vẫn khốn nạn như thường), nhưng bình tĩnh nghĩ lại, chính phủ (vốn cổ hủ và chậm chạp) của Việt Nam (nơi người dân vốn nhác và vô kỷ luật) lần đầu phải đương đầu với một dịch bệnh biến ảo khôn lường như thế, phải thực hiện những chiến dịch không tiền khoáng hậu ở quy mô như vậy, không thể không có những sai lầm cần khắc phục từng bước trên đường đi. Tôi có thể cho phép mình thể tất cho các sai lầm ấy, nhất là khi nhìn sang những nước lớn cũng đang lao đao vì những sai lầm và trả giá đắt hơn gấp vạn. Điều quan trọng là người dân có thể cảm thấy, chính phủ đã chọn đúng hướng, và hướng đó nằm ở chỗ ưu tiên tối đa mạng sống, sau đó đến sức khỏe của người dân. Những ngày ở đây, tôi có thể cảm thấy điều đó bằng thực tế. Còn người thì còn của, và Việt Nam đã quen dựng lại đất nước từ đống hoang tàn.

Và một thực tế khác nữa là đến giờ, chưa đến 3 tháng sau khi bùng dịch trở lại, chúng ta đã lại một lần nữa trở lại cuộc sống tương đối bình thường, trong khi các nước phương Tây đã trở lại với cuộc sống “mẹ mày bố đây cóc cần”. Tôi không tích trữ lương thực trong nhà nữa, đồ hiệu (giảm giá) và sách bìa cứng bản đặc biệt để chưng chứ không để xem (đội giá) bán vù vù, và trong công viên người đi dạo chẳng ai buồn đeo khẩu trang nữa, vì “Ba Sing Se Việt Nam làm gì có dịch”. Đã lâu rồi cái tên Việt Nam mới lại vang lên trên các diễn đàn quốc tế một cách đáng tự hào, và tôi có thể tự tin bảo bạn bè “hãy cân nhắc đến tránh dịch ở Việt Nam”. COVID 2020 là một phép thử khắc nghiệt trên chính trường quốc tế như show tấu hài tổng thống Mỹ và tái đắc cử hoành tráng của thủ tướng New Zealand là ví dụ điển hình; ở Việt Nam, dường như nó đã trả lại một chút cảm giác đồng hành, đoàn kết giữa dưới và trên, trong hoàn cảnh những năm gần đây khi mà có thiện cảm với chính sách nào của chính quyền cũng có cảm giác như ngồi trong tủ.

Những người quanh tôi và giúp tôi đi qua đợt cách ly, mà khi qua rồi thì quá ngắn, như vậy không chỉ là các bác sĩ, hộ lý của bệnh viện. Đấy là cả một hệ thống, giống như câu khẩu hiệu “You didn’t build that” của Obama. Và đấy cũng là tất cả mọi người đang cùng đi qua những ngày tháng xao xuyến và nguy hiểm ấy mà tôi cũng đi bên, bên những bạn bè tôi đang cách ly ở nhà, bên những bạn bè tôi đang giãn cách xã hội ở Đà Nẵng, bên những bạn bè tôi vừa trở thành F mấy tầng lãng xẹt, bên những bạn bè tôi chỉ tip cách ly đợt trước, bên những bạn bè COVID bắn đại bác không tới nhưng đơn giản là quan tâm đến tôi, bên người thân tôi vừa có ca dương tính cách nhà năm phút đi bộ, bên đồng nghiệp tôi vừa giục giã nộp bản thảo vừa vò đầu bứt tóc tính doanh thu năm nay. Bên cả mấy bạn Trung Quốc vẫn ngày ngày làm loạn, vừa khinh bỉ nước nhỏ dân yếu, vừa sợ hãi vì rơi phải một nước không biết tiếng, chỉ giao tiếp qua chiếc máy dịch câu được câu chăng, vì bệnh viện tiếp đón đột ngột không kịp bố trí phiên dịch viên (lưu ý nếu các bạn có muốn vượt biên trái phép nhớ nhắn trước để chính phủ người ta còn chuẩn bị). Bơi cùng dòng với cộng đồng tưởng tượng ấy, tôi bớt cô đơn hơn rất nhiều.

Và tất nhiên là cộng đồng mini đã ở cùng nhau nửa tháng hè đáng nhớ ấy, những người giao tiếp với nhau ban đầu trong lo lắng đề phòng hơn là niềm vui, nhưng sau một thời gian đồng hội đồng thuyền đã trở nên thân tình với nhau nhất định, để rồi chia tay thì bịn rịn và trở về thì không mấy chốc đã quên nhau.

Chồng tôi hỏi có nhắc đến mình không, nên ở đây tôi ghi thêm: và một phần công ơn không nhỏ là ở người hậu cần vĩ đại đã lo cho tôi có cả kinh nghiệm cách ly lẫn máy tính, lo liệu mọi việc ở nhà trong khi tôi hưởng kỳ nghỉ dài ngày, rồi tận tình nghỉ làm đến đón để tôi đỡ phải lo thêm về việc đi xe buýt năm mươi cây số.

*

Đến 7 giờ tối ngày cuối cùng theo lịch ở khu cách ly, tôi vẫn chưa có kết quả xét nghiệm. Kinh nghiệm cách ly cho tôi biết hai mươi tư giờ đợi kết quả là hại thần kinh nhất, thế mà tôi đã chờ ba mươi ba giờ rồi. Các bạn cùng phòng đều được báo kết quả từ mười giờ sáng, nhưng trong nhóm chat một bạn đã ra trước nói sáu giờ chiều mới được báo kết quả.

Suốt ngày hôm ấy tôi đã đi ra đi vào, bản thảo đọc không ra chữ, đầu hình như hâm hấp hơn mọi khi. Xe đã thuê, người đã xin nghỉ. Va li đã xếp sẵn, sẵn sàng lên xe đi về phía này hoặc phía kia, đồ đạc đã dọn xong, các loại xà phòng đã để lại cho phòng vệ sinh chung. Nếu có các thiên thần áo trắng đạp cửa xông vào phòng bắt tôi về trời bệnh viện, tôi có thể sẵn sàng trong 5 phút. Các bạn trong nhóm chat cũng hồi hộp theo dõi thông tin của tôi, nhỡ có làm sao, những người đã về từ mấy ngày trước hay người vừa về tới nhà sáng nay cũng có thể phải quay về “đoàn tụ”. Nhưng đều an ủi, nếu có làm sao, người ta đã đạp cửa từ sáng rồi.

Mấy cô gái phòng đầu chia sẻ trong nhóm chat những tấm ảnh chụp chung đầu tiên và duy nhất hôm trước khi ra về, lần đầu lộ mặt với nhau, giống như đã bước qua một phép thử của tình thân.

Có cả những tấm ảnh rạng rỡ của những người đến lượt về, chụp bởi những người ở lại. Có một tư thế đã thành kinh điển, là bóng lưng của những người về trên con đường ra khỏi khu. Ngày mai, tôi sẽ là người cuối cùng trong nhóm ấy đi về (nếu có về!).

Bé cùng phòng ra sau tôi một ngày ho khù khụ, tôi lại hình dung mình về đến nhà, chưa kịp nằm xuống đã bị dựng dậy chạy ngược về nơi vừa ra đi.

Tốt nhất là chưa dỡ va li vội.

Tôi nhắn tin hỏi thế rốt cuộc là xin cho mình biết chẳng hay đã tình cờ có kết quả chưa Ạ. Zalo lạnh lùng seen.

Tôi rên rỉ với chồng tôi, nếu giờ mới phát ra dương tính thì làm sao. (Ít có khả năng, nhưng vẫn có, và trong đám Trung Quốc vượt biên ở tòa bên kia, đúng là có một bạn số nhọ đã trở thành BN912 vào lần test thứ 4 ở ngày thứ 13.) Chồng tôi đáp, thì chữa chứ sao. Va li dọn rồi chứ gì? Thế thì xong việc rồi, họ làm gì là việc của họ thôi.

Chà, chồng tôi cũng đã đọc Dám bị ghét phải không? Hay chỉ đơn giản suốt ngày nghe tôi lải nhải, phân công nhiệm vụ của mình thì mình hãy lo, phân công nhiệm vụ của người khác hãy để người khác lo.

Phân công nhiệm vụ của tôi là một bản thảo biên tập mà thế nào nghỉ dưỡng hai tuần vẫn chưa xong, và cuốn The Remains of the Day tuyệt diệu mà tôi vẫn chưa nghĩ ra tên Việt. Nhìn ánh đèn vàng mà tôi đã chụp không biết bao nhiêu chiếc ảnh trên sân, tôi đã từng gọi nó trong đầu là “Phút tráng lệ cuối ngày”. Nhưng giờ đây trong tâm trạng như phạm nhân trước giờ tuyên án, tôi chỉ có thể nghĩ ra những tên như

  • Phía ngày nắng tắt nỗi buồn nhiều như gió
  • Khi ngày đã về chiều
  • Chiều thừa tối thẹo
  • Ngày thừa (kính bác Nam Cao)
  • Đầu mẩu của ngày
  • Đời qua đi còn lại những gì
  • Ngày đã xế, đời vẫn thế, người vẫn ế, sách cũng ế (đã Booker lại Nobel thì kiểu gì chẳng ế)
  • Những di ảnh của ngày (đây là version tôi thích hơn so với Thi thể của ngày (trực dịch từ Remains!), nhưng nếu đặt như vậy chắc Nhã Nam cho tôi có di ảnh trước).

Tôi ra sân, chụp phút tráng lệ cuối ngày. Đây sẽ là đêm cuối cùng tôi ở đây, dù ngày mai đi về đâu.

8 giờ tối, tôi đầu hàng, nhấc máy gọi Zalo. (Trong tâm lý người lo âu có một điểm chắc người không lo âu không hiểu nổi, đấy là rất thụ động chờ tin, như thể biết chắc sẽ là tin xấu nên trì hoãn càng lâu càng tốt chứ không muốn gọi biết cho xong.) Bên kia ngoảnh sang nói với người bên cạnh, ca này tra chưa? Rồi bảo tôi, chị chờ một chút.

Một chút sau, tin nhắn đến: chúc mừng chị nhé, âm tính, mai ra viện rồi.

Tôi lên gào thét với chồng về sự bất cập của công tác quản lý thông tin thời 4.0, rồi sau đó ngoe nguẩy đi đổ rác, chưa chi đã cảm thấy khỏe lên nhiều. Bà mẹ trẻ đầu dãy, gia đình cũng về sáng sớm mai, chào tôi nói chuyện, cả hai cùng ôn nghèo kể khổ những chuyện (chủ yếu là lố bịch) đã trải qua từ khi ở Đà Nẵng theo chuyến đi ác mộng về tới thành phố Hồ Chí Minh. Mấy bác bên khu tái dương mới vào, mạnh bạo hơn, cũng nói với sang hỏi han quy định ở đây – rõ ràng là khu “dương lần 1” ngặt nghèo hơn rất nhiều. Thật tiếc, giá là một khu tập thể bình thường, chắc chúng tôi đã trao đổi với nhau bao nhiêu chuyện.

Bé cùng phòng mê mải ngồi viết lưu bút dưới gốc cây mặc cho muỗi cắn.

Mai tôi sẽ được nhận tờ giấy xuất viện (và lập tức về lồng khung kính), vác mặt lên trời trèo lên chiếc xe thuê rồi về hùng dũng đập giấy xuống bàn lễ tân khi bị hỏi đi đâu mười bốn ngày qua. Tôi sẽ cố duy trì nếp sinh hoạt thức 6 giờ, ngủ 10 giờ tối (xem được mấy ngày). Tôi sẽ cố gắng ít đi tới chỗ đông người thêm vài ngày nữa. Tôi sẽ cảm thấy moral superiority hơn kha khá mọi người vì đã chịu khổ vì xã hội (trong một trại nghỉ dưỡng không tốn tiền). Tôi sẽ kể lại với đồng nghiệp như một cuộc phiêu lưu hiếm có, dù ngoài kia hàng chục nghìn người còn đang khó khăn hơn, lo lắng hơn, vất vả hơn tôi. Tôi sẽ nhớ hỏi tên hai bạn hộ lý mà trước giờ chỉ biết ánh mắt tươi cười.

Rồi tôi sẽ quên, khi cuộc sống bình thường nuốt lấy.

Nhưng giờ thì tôi đi ngủ đã.

Bầu trời ngày ra viện hẳn là rất xanh và cao.

*

Câu chuyện này thực ra rất bình thường. Nhân vật chính không phải người hùng, không có chuyến phiêu lưu xuống lòng bóng tối đánh nhau với ác quỷ để rồi cướp lấy báu vật mang về giải cứu thế giới. (Nói đến đây quý vị có đoán ra bản thảo đang làm dở trong thời gian nghỉ dưỡng của tôi là gì không?) Cũng không có, ở tuổi tôi, những kỷ niệm chấn động mà người ta thường có sau một Mùa Hè Xanh hay Trại hè Anh ngữ quốc tế. Khu của chúng tôi không phải khu trại du học sinh của những bạn trẻ dễ bắt thân và vốn đã là công dân thế giới, mà là những người đến đây không phải vì lựa chọn của mình và hơn một nửa đều chúi mũi giải quyết những công việc ngày thường không thôi giục giã vì cách ly. Hơn nữa, đây là khu trại COVID: sự đáng sợ của con virus lây lan quá nhanh này là nó đẩy người ta ra xa nhau trong những lúc người ta cần nhất ở gần nhau. Maupassant có truyện ngắn viết về bà mẹ thượng lưu vì sợ đánh mất sắc đẹp của mình mà không dám đến gần ôm đứa con bị đậu mùa khi nó chết; trong mấy tháng vừa qua, đó đã là và còn thua thực tế của vô số gia đình khắp mặt địa cầu. Tôi nghĩ hẳn là cũng có những mối tình chớm nở, những tình bạn bền chặt sinh ra từ những ngày trong trại, nhưng đối với hầu hết mọi người đây chỉ là một sự bất tiện không quá ngắn nhưng cũng không gọi là dài (dù sao cũng hơn hai tuần nằm thở oxy trong bệnh viện). Nó sẽ là như thế với hầu hết những ai trong chúng ta có nghi/vướng vào con quỷ đội miện này, và tình thực, tốt nhất hãy là như thế.

Nói như Atwood trong Chuyện người Tùy nữ: “Chúng tôi là những người không lên báo. Chúng tôi sống ở lề giấy trắng trơn. Chúng tôi sống ở khoảng trống giữa các câu chuyện.” Trong những đợt dịch này, mong muốn lớn nhất của chúng ta có lẽ là không thấy mình trên báo.

Chúng ta hãy hy vọng với hầu hết mọi người, dịch bệnh sẽ đi qua trong những bực tức và bất tiện do những rào cản ngắn hạn của chính quyền. (Ở đây tôi đang chưa nói đến vấn đề kinh tế, sinh nhai vì nó là một mặt khác, và tôi cũng chưa nghĩ đủ nhiều để viết.) Và nếu cuộc sống của bạn có bị ngắt quãng vì bệnh dịch, thì tính theo xác suất, khả năng cao nhất là bạn sẽ được cho cách ly tại nhà (xin hãy hợp tác) hoặc đi cách ly tập trung như tôi là cùng. Đấy là hy vọng Việt Nam có thể tiếp tục duy trì sự kiểm soát dịch bệnh ở mức như thế này, chứ không đến lúc buông tay thở hắt nối gót theo Italia (phỉ phui) hay Ấn (phỉ phui); để rồi dịch bệnh chỉ còn là một âm thanh nền trong xã hội, mà chúng ta sẽ quên, trong lúc trở lại môn thể dục ưa thích của người Việt là chỉ trích chính phủ trong mọi vấn đề ít có tính sinh tử hơn.

Bởi vì mọi người sẽ quên, như đã quên sau hai lần bùng dịch trước, như vẫn quên sau một cuộc chiến, một sang chấn xã hội, một vài thập kỷ phát triển, một cuộc đổi đời. Và đấy là chuyện bình thường.

“Vấn đề đầu tiên của người hùng quay về là, sau khi nếm trải cái thị kiến thành tựu thỏa mãn linh hồn, phải làm sao chấp nhận những niềm vui và nỗi sầu thoáng qua, những tầm thường và tục tĩu ồn ào của đời là thực hữu. Sao phải về lại một thế giới như vậy? Sao phải cố làm sao cho cái chứng nghiệm cực lạc siêu việt trở nên đáng tin, hay thậm chí còn thú vị, cho những đàn ông đàn bà tham đắm dục vọng? Như các giấc mơ trong đêm sao mà quan trọng lại có vẻ ngớ ngẩn trong ánh sáng ban ngày, nhà thơ và nhà tiên tri cũng có thể thấy mình đóng vai thằng khùng trước một bồi thẩm đoàn giương cặp mắt tỉnh táo.”

Đây là Joseph Campbell qua lời Thiên Nga. Còn đây là tôi:

“Nếu Việt Nam chiến thắng COVID, thì không phải bằng những hành động anh hùng choáng ngợp như phim Hollywood, mà chính bằng những ngày không tên như thế này.”

Đến giờ đọc lại lưu bút đã viết, tôi gặp lại những ngôn từ to lớn, những xúc động sâu xa mà tôi đã quên mình từng có, khi quay lại với công việc hằng ngày. Những cảm giác lớn lao của tuổi hai mươi mà lâu nay tôi đã quen nghi hoặc. Đến giờ tôi đã trở lại nghi hoặc, ở tuổi này, giống như cơ thể thay đổi không còn có thể tiêu hóa quá nhiều đồ ngọt, ngọt như những câu “mỗi khi Tổ quốc gặp nguy cơ, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả những hiểm họa và dịch bệnh” (câu có tái chế cho phù hợp với hoàn cảnh). Tôi đã quên những ngày tháng 3-4 khi cả nước dốc hầu bao và tiết kiệm và đáy thùng gạo cho công cuộc chống dịch chung, những ngày tháng 8 khi cả nước hướng về Đà Nẵng, quên mình từng tham gia giải cứu thành một chồng sách cao nghệu trên bàn, quên mình ngồi trên tàu hỏa dừng lại ở ga Đà Nẵng vắng hoe, vẫy chào từ xa những người bạn mới gặp đây thôi và xúc động hứa trong lòng sẽ trở lại ngay khi có dịp. Tôi đã quên cảm giác đồng hành, tất cả trong một số phận chung của những ngày đoàn kết ấy, khi ngập lụt trong những chia rẽ và tiểu tiết của sự tồn tại ngày thường. Nhưng khi đọc lại, xem lại, nhớ lại những khoảnh khắc say trong vị ngọt của chủ nghĩa dân tộc, giữa khi quay cuồng vì vị đắng của tai họa ấy, tôi vẫn nhận ra đó là mình, và tôi không từ chối. Và tôi nghĩ nó vẫn được cất kỹ góc nào đó trong lòng tôi, cũng như trong lòng cái thực thể khó hiểu, mâu thuẫn, có khi xấu xí tên là Việt Nam, để khi cần sẽ lại dâng lên đưa chúng tôi qua cơn nguy khốn trước mắt, trả chúng tôi về miền đất ngày thường nơi tranh đoạt và thất vọng có vẻ là một phần rất lớn của ngày. Và cả điều đó cũng bình thường nốt.

Cuối cùng là một chiếc PSA: chứng lo âu về sức khỏe được tăng đô nhờ cả ngày chỉ ngồi tự chẩn đoán bệnh tình của mình trên mạng và reddit thời COVID đã được ghi nhận là một hiện tượng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của rất nhiều người trên thế giới, xin hãy tìm các liệu pháp tự điều trị nếu bạn cảm thấy nó đang gây hại cho mình.

[1] PSA: các nghiên cứu mới nhất cho thấy những người trẻ khỏe, khỏi bệnh vẫn để lại di chứng dài lâu, nhất là đầu óc sẽ ngu đi. Tốt nhất là không nên dính.

[2] PSA: các số liệu về sau cho thấy hoàn toàn có thể tái dương và nhiễm nặng hơn; với cái chết đầu tiên của cô người Thụy Điển, chúng ta được nhắc nhở rằng đây vẫn là một chủng virus mới và còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết gì về nó cả *cosplay WHO*.

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

2 Trackbacks & Pingbacks

  1. BĐ hay BĐĐ - Đi săn con đạo văn | Zzz Blog
  2. Vừa chạy vừa giữ mặt nạ, hay là Những sang chấn khi dịch Tàn ngày để lại của Ishiguro | Zzz Blog

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*