Hạnh phúc giản đơn

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 5 phút

Nhân vật

Anh Bình: 30 tuổi

Chị An: 27 tuổi

 

Nhà Bình, An. An từ trong ra xách theo túi du lịch, vừa đi vừa nhìn ngó xung quanh nhà để lấy đồ xếp vào va li, vừa lẩm nhẩm tính.

AN: Bàn chải đánh răng, khăn mặt, kem đánh răng. Hừ… hết!

Bình vác một bao tải lớn đi vào, đặt xuống nền nhà, ngạc nhiên hỏi.

BÌNH: Đi đâu đấy?

AN: Đi kiếm tiền chứ đi đâu. Nhà hết sạch, không còn xu nào.

BÌNH: Dịch bệnh đang thế này, kiếm đâu?

AN: Thì lại lên phố, làm giúp việc. Nghe nói bọn trẻ ở nhà triền miên khiến ông bà chủ kêu la oai oái, điện réo lên tục gọi em lên giúp hai hôm nay rồi.

BÌNH: Thôi, ở nhà. Chính phủ đã ra chỉ thị ai ở đâu yên đó, tránh di chuyển. Ra phố bây giờ không khéo vào trại cách ly thì khổ.

AN: Thế có khi còn hơn. Vào trại cách ly còn có người nuôi, người phục vụ chứ ở nhà làm ô sin cho bố con anh mãi thế này vừa sốt ruột, vừa bí bách, tiền thì cạn sạch.

BÌNH: Trong thùng vẫn còn ít gạo.

AN: Không đủ, biết bao giờ hết dịch bệnh. Gạo hết thì chết đói à?

BÌNH: Đi vay hoặc từ từ để anh làm đơn xin trợ cấp lên xã xem thế nào.

AN: Lâu lắm. Với lại đâu chỉ thiếu cơm gạo, cái gì cũng cần đến tiền. Nhà mình từ lâu chả tích trữ được gì. Thôi, để em đi.

BÌNH (gắt): Đã bảo ở nhà!

AN (bức xúc): Còn tương lai, con cái, nhà cửa, kẻ khóc, người cười, bao thứ chi tiêu. Thôi, mình chịu khó ở nhà với con, em đi đây. (toan đi)

BÌNH: Không được. Đã bảo ở nhà là phải ở nhà!

AN: Phải là phải thế nào? Không ai cản được tôi đâu. (đi ra)

BÌNH: A, tôi hiểu rồi, hừ, cháy nhà mới ra mặt chuột.

AN (sững lại): Anh nói cái gì?

BÌNH: Thì ra là nhớ ông chủ quá đi.

AN: Sao kia?

BÌNH: Bà chủ mấy năm nay ốm yếu. Chắc tư tình với ông chủ nên mới nằng nặc đòi lên đó.

AN (ức): Anh thôi cái giọng ấy đi nhá. Người ta đi làm là vì mình, thế mà.

BÌNH: Để hạnh phúc đâu cần tiền đến mức ấy. Ở nhà này đầy đủ, sung sướng còn thiếu cái gì nữa mà phải đi kiếm?

AN (ngạc nhiên): Đầy đủ?

BÌNH: Gạo thì nhà nước cấp hoặc vay tạm xóm giềng, rau mọc đầy ngoài vườn, củi – đi nhặt cành khô, lá rụng về đun. Nhà cửa rộng rãi, không bụi bặm, bố mẹ, họ hàng ở bên. Vợ chồng, con cái có nhau. Còn đi đâu?

AN: Đấy không phải là đầy đủ. Còn bao nhiêu thứ phải lo, nhất là tiền chữa bệnh cho anh.

BÌNH: Khỏi rồi. Bệnh xoang mãn không cần đi bệnh viện. Nhờ vạt cây hoa cứt lợn trước cửa anh hái xông hai tháng nay, giờ đỡ hẳn.

AN: Thật à? Nhưng em vẫn lo anh ạ. Không có tiền, sống bí bách lắm.

BÌNH: Tiền ấy gì? Không thiếu nhá. Thôi được, hôm nay anh sẽ tiết lộ một bí mật. Đó là (nói giằn từng chữ) Anh – có – một – kho – báu.

AN (tròn mắt, rồi cười buồn): Kho báu? Mình mà có kho báu? Bịa!

BÌNH: Không hề bịa đặt, xin thề!

AN: Thế kho báu đó anh cất giấu ở đâu? Cuối vườn hay đào sâu dưới bếp củi? Đưa em đi xem nào, nhanh lên!

BÌNH: Từ từ, cứ ngồi yên đấy!

Bình vào lấy ra chiếc hộp có khóa cẩn thận. An toan với lấy, nhưng Bình giơ cao bí mật.

BÌNH: Trong này là 500 triệu.

AN (sửng sốt): 500 triệu? Anh tích cóp từ bao giờ hay vừa trúng xổ số?

BÌNH: Không cần quan tâm. Vợ chồng mình sẽ sang sống tại biệt thự sang trọng nhất ở… Vũ Hán.

AN (rụt tay lại): Ôi dào, không!

BÌNH: Thế thì em có ít nhất 500 triệu rồi.

Bình để chiếc hộp sang cạnh không cho vợ động vào.

BÌNH: Chưa hết đâu.

Bình vào nhà lấy ra chiếc hộp to hơn. An nhìn chồng sửng sốt rồi nhìn chiếc hộp, định mó vào thì chồng xuất hiện.

BÌNH: 1 tỉ đây.

AN: Hả?

BÌNH: Phải, 1 tỉ, với điều kiện em lấy chồng khác. Một người rượu chè, cờ bạc, không làm ăn gì, không thương vợ con. Ô kê?

AN (nguẩy đi): Không, chọn anh rồi, lấy ai? Vớ vẩn.

BÌNH: Thế là em có 1 tỉ nữa rồi.

An đưa tay định đón lấy chiếc hộp thì Bình lại xếp nó lên gần chỗ hộp trước, không cho cô động vào.

BÌNH: Khoan, đã hết đâu. Chờ nhá.

Bình nhanh chóng vào trong bê ra một chiếc hộp lớn hơn.

BÌNH: Trong này là 2 tỉ cho em với điều kiện em không còn gia đình, sống một mình cô đơn, chả ai quan tâm. Đồng ý không?

AN (hơi khó chịu): Không. Định lừa à?

BÌNH: Lừa là lừa thế nào. Có 2 tỉ nữa nhé. Nhưng để đây. Và bây giờ mới là thứ quan trọng cuối cùng. Chờ anh.

An băn khoăn. Bình lao nhanh vào trong và khệ nệ vác ra một thùng to hơn nữa, đặt trước mặt An.

AN (bĩu môi): Lại tiền nữa á?

BÌNH: Không lẽ lá cây! Đây là 500 tỉ.

AN: Thật?

BÌNH: Cho em hết.

AN (băn khoăn): Với điều kiện?

BÌNH: Có chứ, điều kiện là em biến thành một bà lão 95 tuổi móm mém, thở không ra hơi, cười không ra tiếng.

AN: Điên à?

BÌNH: Thế là em có hơn 500 tỉ rồi phải không?

AN: Biết ngay, chỉ giỏi lừa.

BÌNH: Nghĩ xem nào, đúng không? Còn chăm chắm đi đâu nữa?

AN: Đúng thì đúng, nhưng nói thế thì nói làm gì? Mấy cái hộp kia đựng gì vậy?

            Bình giơ ra chùm chìa khóa.

BÌNH: Tiền, vàng, châu báu, những thứ em muốn.

AN: Đâu, xem nào!

BÌNH: Thích chìa khóa bằng đồng, sắt, hay bằng bạc, bằng vàng? Cho em chọn đấy!

AN: Đưa hết cả đây!

BÌNH: Không được. Chỉ chọn một cái.

AN: Thế thì không cần nữa.

An lao nhanh vào trong mang ra một cái búa to. Cô giơ cao, đập mạnh vào ổ khóa chiếc hộp to nhất. Bình không kịp cản. An sửng sốt, lấy ra, bên trong là một trái tim đẽo bằng gỗ, được sơn đỏ. Bình tới bên ngọt ngào.

BÌNH: Tất cả anh dành tặng em nhân những ngày quan trọng trong năm, đặc biệt là những ngày căng thẳng nhất.

AN: Vậy là em hiểu rồi. Chỉ khi nào trái tim mình dành trọn cho nhau thì mọi thứ thiếu thốn, khó khăn, kể cả đại dịch COVID này, ta đều vượt qua hết.

BÌNH: Hoan hô bà xã.

Họ ôm chầm lấy nhau say đắm.

 

HẾT

Tranh: Vincent van Gogh, The Pink Peach Tree, 1888

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Huệ Ninh

Huệ Ninh là một nhà văn trẻ giàu sức sáng tạo thuộc thế hệ 8x, nhà viết kịch, nhà phê bình lý luận, biên kịch sân khấu và điện ảnh.

Bằng cách nhìn cuộc sống độc đáo, giàu kịch tính, Huệ Ninh luôn đặt mình vào số phận của các nhân vật trong tác phẩm của mình, sống cùng nhân vật và học tập từ chính họ. Đó chính là chìa khóa giúp chị có thể tiếp cận được nhiều góc cạnh của cuộc sống cũng như thử sức và thành công ở nhiều đề tài sáng tác.

Các tác phẩm của Huệ Ninh khai thác những chất liệu đương đại một cách chân thực và giản dị, đa dạng về chủ đề. Chị viết nhiều về gia đình và những mối quan hệ xung quanh đó, đi sâu khai thác nội tâm nhân vật và những bi kịch trong cuộc sống, đặt cái nhìn của mình vào đó một cách hấp dẫn, thuyết phục, tươi mới.

Trong lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, Huệ Ninh thường đặt nhân vật của mình vào những hoàn cảnh khắc nghiệt, khốn cùng, bi ai. Các nhân vật luôn sống thật với những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn họ, khát khao sống, có tình yêu, dám đấu tranh và dấn thân đi tới tận cùng trong kiếp nhân sinh.

Phong cách viết và lối hành văn của Huệ Ninh cổ vũ cho sự vươn lên, đạp đổ mọi thành kiến trong xã hội, mưu cầu hạnh phúc, cảm hóa được người đọc. Các tác phẩm của chị thú vị ở chỗ, chúng luôn dẫn dắt người đọc tự tìm ra chân lý, thông điệp và những trải nghiệm riêng cho mình.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*