Vũ Lập Nhật, thơ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Winslow Homer, "Daydreaming", 1882
Thời gian đọc: 2 phút

dường như tôi đã phạm tội

dường như tôi đã phạm tội
khi đột ngột viết bài thơ này
không thông báo trước với em
như cách hôm kia
những bức tranh sỗ sàng đập vào mắt em
không mở đầu, không kết thúc
trong nhà kho chứa đôi điều hãy còn mới
có lẽ vì thế mà hôm nay
khi vào bảo tàng trưng bày những điều đã cũ
em đột nhiên nhắm mắt lại
rõ là muốn tránh cuộc đột kích thứ hai
thay vì ngầm bật đèn xanh
cho đôi môi tôi tự do giao thông
dường như tôi đã phạm tội
khi đột ngột kết thúc bài thơ này
để em khỏi ngỡ ngàng
lẽ ra nó nên có ba phần
như một bộ phim cấu trúc ba hồi
hay tam đoạn luận của Aristotle
ta chẳng thể đi đến kết luận gì
nếu chỉ có hai mảnh tiền đề không liên quan
nhưng chẳng phải mọi người trên thế giới này
đều đến từ hai người khác biệt nhau
cũng như em
cũng như tôi
bài thơ này tự kết thúc chính nó
In My Bed, John Kirby

một đêm mất ngủ

trong đêm
những tiếng động nhỏ đến mức
khiến tôi đau dạ dày
tựa như có một đôi tai
đang ăn ngấu nghiến âm thanh
từ bên trong
và đôi mắt
chỉ là cơ quan phóng chiếu ra bên ngoài
những gì nó nghe thấy
xung quanh ngập tràn những cái loa bức tường

(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 4.3 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Vũ Lập Nhật

Sinh năm 1990. Tốt nghiệp khoa Báo chí & Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn.

Tác phẩm đã xuất bản:

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on Vũ Lập Nhật, thơ

  1. Đọc hai bài thơ tôi nhớ lại bài thơ của mình với cùng phong cách viết.
    Bài thơ của tôi nói về nhân vật về căn phòng trống không, và nhìn vào bức tường, cuối cùng hỏi đại khái là thời gian có cảm xúc không, và cuối cùng nhân vật nhận thấy trong phòng là sự im lặng và sự trở về với không tôi ở cuối bài thơ (bài thơ đã được đăng trong Tạp chí Nhà văn và tác phẩm).
    Đại khái là phong cách viết giống nhau, câu từ ngắn và bao hàm ý nghĩa nội tâm với một vài câu thơ mang tính sáng tạo bột phát từ cảm xúc của nhà thơ trong viễn cảnh của bài thơ. Nó rất tự nhiên tới và mang hàm ý nghĩa đẹp đẽ nào đó, khi đọc lên người đọc biết ngay đó có lẽ mình cũng có và giống như thế.
    “Những cái loa bức tường” là sự phát hiện mới trong thơ, nó không kêu lên như tiếng dế kêu mà nó ép vào lồng ngực con người của hiện tại như là một cái loa. Các âm thanh như đang ép vào tai vào cảm nhận của nhân vật. Tôi lại nhớ tới bài thơ thứ hai của mình về loài hoa, hai câu cuối của tôi đại ý là tôi đã chết, nhưng loài hoa con người còn mãi, có thời gian tôi tìm lại để giao lưu thì tốt quá. Thì ở đây là cái loa chứ không phải là loài hoa, con người ấy khó khăn sống mới cảm nhận được và biết được sự tĩnh mịnh của đêm dài, và soi chiếu lại bản thân mình thì mới nhận ra những bức tường đàng kìm kẹp ấy. Bài thơ không mang ý đẹp như bài của tôi bởi vì nhà thơ không liên tưởng và phổ quát hóa lên. Nhà thơ chỉ loanh quanh với tâm trạng hiện tại của giấc ngủ mà ghi lại khoảnh khắc ấy. Tôi không ngủ là vì sao? Vì vì thế mới thấy được cảm cảm giác của tất cả những con người không ngủ! Vì những bức tường đã hóa thành những cái loa hay những loài hoa biết nói. Chúng không chỉ mang hương thơm tới, không chỉ mang thời gian của hiện hữu tới mà còn có cả những cái gai, những tiếng động, những sự khó chịu tới với con người. Nhưng không có sự thoát ra nào, không có sự liên tưởng tới ký ức nào, hoài niệm nào và điều gì sẽ tới với tương lai?
    Bài đầu tiên thì tôi không đọc hết mà đọc trên và dưới, vì phong cách viết này nếu viết dài thì sẽ làm người đọc nhàm chán, đặc tính loại thơ này là vậy, nó chỉ nên nằm ở một khổ từ 6 đến 10 dòng thôi. Nhưng tôi đã nhầm, đọc hết bài thơ như một sự ngộp thở, phải dừng lại như sự cắt đoạn của văn bản. Nhưng thật sự tác giả đã cố ép điều gì đó có từ trước vào bài thơ vì thế mà bài thơ không lên thơ (lên thơ là cái gì đó của thơ mà vừa đẩy tinh thần, tâm hồn và cảm xúc người đọc ra thật xa nhưng lại như đang kéo vào thật gần để người đọc nhận biết được bản thân và xung quanh một cách rõ ràng nhất, nó thật tự nhiên). Thì ở bài thơ này mất đi sự tự nhiên mà người đọc phải như thổn thức ngắt quãng và phải có tri thức, kiến thức nào đó để “chơi” cùng bài thơ, thế thì tính thơ đã mất đi một phần nào đó.
    Xin được bỏ qua nếu ý kiến không hợp lý và gây ra sự chưa hài lòng nào đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*