(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)
Marx và Engels mở đầu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bằng những dòng đáng ghi nhớ sau:
Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả thế lực của châu Âu cũ: Giáo hoàng và Nga hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.
Có phái đối lập nào mà lại không bị địch thủ của mình đang nắm chính quyền, buộc tội là cộng sản? Có phái đối lập nào, đến lượt mình, lại không ném trả lại cho những đại biểu tiến bộ nhất trong phái đối lập, cũng như cho những địch thủ phản động của mình, lời buộc tội nhục nhã là cộng sản?
(trang 595)
Khi hai ông viết những dòng này – năm 1848 – dòng tiểu thuyết Gothic đang ở vào thời điểm phát triển rực rỡ. Một bộ phận lớn và quan trọng của nó sử dụng công thức xây dựng truyện là tường thuật thế giới những âm mưu – trong vòng vài năm trước đó, Eugène Sue cho ra đời hai tác phẩm trường thiên Những bí mật thành Paris và Người Do Thái lang thang, còn Dumas hoàn thành bộ truyện Joseph Balsamo, cùng với vô số những tác giả ít nổi bật hơn, viết về thế giới bóng đêm nơi những thế lực thiện ác bí mật đấu tranh để nắm giữ vận mạng thế giới. Khi đấy Dracula của Bram Stoker chưa ra đời, nhưng thị trường sách báo đã đủ đầy dẫy những bóng người mặc áo choàng đen và có quyền năng toàn hiện. Hình mẫu về họ là sáng tạo văn học mang tính đặc thù thời đại nhất của thế kỷ 19, bối cảnh xung quanh sự ra đời bản Tuyên ngôn.
Gập trang tiểu thuyết lại, nhìn ra thế giới qua cửa sổ, người công dân của châu Âu trong thế kỷ 19 nhìn thấy lịch sử diễn ra chung quanh mình dưới ánh sáng mờ mờ của một đêm trường. Khi Marx và Engels yêu cầu hình thức hoạt động cách mạng mới, trong đó “những quan điểm, mục đích, ý đồ” phải được “công khai trình bày trước toàn thế giới”, hai ông trên thực tế đã nối lại một truyền thống của thời Trung cổ, theo đó cách mạng luôn được công khai rao giảng, tổ chức, và thực hiện trên các đường phố. Kể từ đó đến thời đại chủ nghĩa tư bản, vào năm 1848, châu Âu vẫn chưa khai sinh được hình thức đấu tranh chính trị nào khác hơn là chiến tranh giữa các chính phủ và cách mạng vũ trang như chọn lựa duy nhất cho quần chúng; tuy nhiên, dưới tiếng ồn ào chém giết, một phát minh mới đã biến chuyển hẳn phương thức cách mạng, vạch ra một tương lai cho nó, thu hút tầm mắt và tạo ra một thứ ám ảnh trí tưởng tượng châu Âu suốt nhiều năm dài: hình thức hội kín của những kẻ âm mưu (conspirator).
Những câu chuyện về quyền năng của hội kín không phải đơn thuần là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường hay một cách trốn thoát khỏi thực tế đều đặn buồn chán cho độc giả; trên thực tế, chúng là dị bản phóng đại những quan niệm phổ quát về thế giới của tác giả và độc giả do các biến cố đương thời tạo ra. Sự kinh hoàng do vụ giết người trong Cuộc điều tra màu đỏ (Study in Scarlet) của Conan Doyle tạo ra đánh mạnh vào dư luận nhờ cái nền của hơn 100 năm từng trải: “tòa án bí mật Vehm bên Đức, độc dược thạch tín, các hội kín Carbonari bên Ý, vụ án nữ hầu tước Brinvilliers bên Pháp, học thuyết Darwin, các nguyên lý của Malthus, các vụ án mạng trên đường Ratcliff”[1] (trang 65) – các tiền lệ tuôn trào ra với sự bất an và kích động giữa bài báo hư cấu trong truyện. Những sát thủ Carbonari thần bí vô tình trong Ngôi nhà trên cồn cát[2] (Pavillion on the Links) của Robert L. Stevenson có nguyên mẫu là những người đấu tranh giải phóng nước Ý dưới cờ Garibaldi. Còn Người Do Thái lang thang của Sue có cảm hứng từ văn kiện ngụy tạo “Do Thái Hiền nhân Nghị Định thư” (Protocols of the Elders of Zion), một biện pháp phản âm mưu bằng phương pháp mật vụ đã thuyết phục được số lượng lớn dân chúng về mối đe dọa Do Thái.
Hiểu như một đoàn ngũ những người được chọn lọc và bí truyền, âm thầm tận lực vì một mục đích, có năng lực tiếp cận mọi nơi cần thiết, mô hình âm mưu – hội kín xuất hiện nhan nhản trong vốn văn học của một độc giả trung bình thế kỷ 19. Giáo dục xã hội hóa tập họ làm quen với Dòng Tên trong châm biếm kiểu Voltaire hay hội giết vua trong Hernani, còn sách báo giải trí thì giúp họ tiêu khiển bằng những trường hợp từ đàn quỷ nhập tràng trong Dracula cho đến sự thông đồng giữa Quint và hai đứa trẻ trong Vòng huyền bí (Turn of the Screw) của Henry James, nếu không muốn nhắc đến những ví dụ quá điển hình và rõ rệt trong truyện trinh thám. Nhìn ra đời thực, nhờ vào quan hệ tương sinh với văn chương (cùng lúc cung cấp nguyên mẫu cho các tiểu thuyết và được chúng tiếp hơi cho), các âm mưu ở thời đó không giữ vai trò một trong số vô vàn dạng thức hoạt động diễn ra trong một xã hội, mà trở thành một đối tượng quan tâm và một chủ đề chi phối rất sâu cách hiểu thế giới và cách tư duy/ hành động bản năng với mỗi cá nhân.
Sự phát triển song hành của trào lưu chính trị và tiểu thuyết nói trên minh họa một luận điểm, rằng hiện thực hư cấu, khi xuất hiện trong một tập thể nhiều tiểu thuyết cùng thời điểm, thường chịu ảnh hưởng, và phản ảnh rất dồi dào góc độ hiện thực xã hội dưới hình thức ký ức, sự kiện, và mức độ vi mô của nó; văn học không nhất thiết chỉ có giá trị và ý nghĩa vì những ảnh hưởng và phản ảnh vĩ mô, tiên nghiệm (transcendental) và sử tính (historic) và phê bình không nhất thiết phải đeo đuổi độc nhất một diễn ngôn. Điều đó hứa hẹn thêm một lối đi, một triển khai phương pháp luận cho phép ta nhận xét về một thời đại dựa trên việc đọc văn chương do nó tạo ra, kể cả (hay có thể nói, đặc biệt là) văn chương thứ hạng (tức hạng nhì)[3] – bộ phận văn chương dưới mức hàn lâm, tư tưởng, thậm chí cận văn chương (para-literature, như các thể loại trinh thám, viễn tưởng, kinh dị, võ hiệp v.v.) Phương pháp này dĩ nhiên thiên về thực chứng (bám sát văn bản, hay cùng lắm là diễn dịch ẩn dụ hẹp), thiên về việc coi văn học như thấu kính tìm kiếm những biểu hiện hành vi trong đời sống thực hơn là một hệ thống ký hiệu chờ diễn giải. Và như thế, nó phản biện một định kiến trong giới nghiên cứu văn học coi nhẹ các thể loại giải trí như những sản phẩm được ảo tưởng hóa tối đa và nội dung “phẳng”, thuần túy chuyện kể, để phục vụ nhu cầu của đám đông không quen suy nghĩ trừu tượng.
Một thể loại cận văn học trở nên đặc biệt hữu ích cho thao tác nói trên khi áp dụng vào công cuộc nghiên cứu thời điểm nó trưởng thành và được tiếp nhận ồ ạt trong một xã hội; nó đóng vai trò một dấu hiệu về mức độ và định hướng phát triển của xã hội trên[4]. Nếu chỉ đọc tiểu thuyết âm mưu cũng giúp ta có được một quan sát ít nhiều xác thực về bộ mặt chính trị thế kỷ 19, thì cũng vậy, văn học phản địa đàng (dystopia) sẽ cung cấp những câu trả lời thú vị cho kẻ thử chất vấn tại sao nó ra đời và tạo ra những thành quả xuất sắc nhất trong thế kỷ 20, và điều đó nói lên được gì về thế kỷ này.
o0o
Phản địa đàng là một hệ quả trực tiếp phát sinh từ văn học địa đàng (utopia), bộ phận văn chương mô tả các “địa đàng”, tức xã hội lý tưởng, được tổ chức hoàn hảo theo ý tác giả. Tên gọi tiếng Anh cho ta xác định khởi thủy của văn học địa đàng được đánh dấu bằng thời khắc tiểu thuyết Utopia của Thomas More ra đời; truyền thống phản địa đàng (miêu tả những xã hội lệch lạc, quá khích, cấu tạo phản nhân bản) có thể coi như ít nhất cũng lâu đời ngang với bộ Gulliver Du ký của Jonathan Swift[5]. Tuy nhiên, Swift là một nhà phê phán sắc sảo đi trước thời đại; đại bộ phận văn chương phản địa đàng ra đời trong thế kỷ 20, như một chuyển tiếp bi quan từ khoa học viễn tưởng. Đây là một nhận xét khởi điểm quan trọng, vì nó cho thấy sự vong thân không xuất phát từ một nguyên nhân bẩm sinh nào trong con người, mà có thể tìm khởi điểm trong văn minh và hậu quả của những du nhập mới vào điều kiện sống.
Tuy nhiên, phản địa đàng cùng với địa đàng lại có thể xem như hai mặt của cùng một sự việc – mỗi phản địa đàng chính là một địa đàng thất bại/tha hóa, và mỗi địa đàng đều là một phản địa đàng từ góc nhìn của người khác[6]. Về bản chất, địa đàng thường là một thiết kế xã hội can thiệp tối đa vào đời sống cá nhân, với mục đích chuẩn mực hóa nó; không khó nhìn ra được khả năng bị lạm dụng nằm sẵn trong ý tưởng này. Các nhà thiết kế địa đàng thường tỏ ra một sự thiếu kiên nhẫn và nghi kỵ đối với cá nhân độc lập; các giải pháp họ đặt ra thường không tương xứng với vấn đề. Cái giá của chúng là tăng thêm sự kiểm soát, đặt nặng trách nhiệm lên chính quyền, xóa bỏ sự đa dạng trong cộng đồng, và hạ giá ý thức của những kẻ chưa được “khai sáng”. Những phê phán ấy hiển nhiên là nội dung chính của phản địa đàng, nhưng cũng không phải bị che lấp đi trong những viễn cảnh giả tưởng đầy màu hồng.
Các truyện trinh thám của Agatha Christie, đặc biệt loạt truyện về cô Marple, vô hình trung là những ẩn dụ về địa đàng, hay những “tiểu cảnh” quan hệ xã hội kiểu địa đàng thu hẹp trong một không-thời gian của kính hiển vi. Thường xuyên giúp đỡ cảnh sát – và được cảnh sát giúp đỡ – trong công việc bắt giữ tội phạm, cô Marple trở thành đại diện cho quyền lực nhà nước, một quyền lực hoàn hảo và lý tưởng vì được đặt trên nền tảng tri thức chứ không phải bạo lực. Khả năng tái tạo toàn bộ diễn tiến tội ác, bao gồm cả ý nghĩ của thủ phạm, chưa từng bao giờ sai lệch một chi tiết của bà ta chính là một công cụ giám sát dân chúng thường trực mà các bộ máy cảnh sát ao ước[7]. Đối với giới cầm quyền, cô Marple chính là một hiện thân của mô hình Panopticon như Foucault mô tả, một cấu trúc bắt buộc những người sống trong đó phải luôn bị phơi bày ra dưới con mắt của trung tâm quyền lực, cô lập và mù mờ về những gì trung tâm quyền lực đang hành động (như kiến trúc nhà tù, dưỡng trí viện, và cả facebook ngày nay). Sự vô hình của giám thị và sự thưởng phạt thỏa đáng, nhanh chóng với mọi hành vi tạo cho đối tượng bị quan sát quen với việc tuân phục một quyền lực vắng mặt; anh ta lần hồi trở thành người giám sát chuyên tâm cho chính bản thân mình.
Trong Gương vỡ (The Mirror Crack’d from Side to Side), cô Marple thể hiện lợi thế đến từ tri thức ưu việt của mình khi linh cảm được cái chết của nạn nhân Heather Badcock – một gợi ý rằng sự quan sát không ngừng cho phép con người luôn làm chủ được tình thế và hiểu biết đối tượng hơn đối tượng tự hiểu. Theo góc nhìn trinh thám, sự hiểu biết này không dùng để áp chế, mà là duy trì sự yên vui và công lý để phục vụ quần chúng. Sau khi nghe chuyện Badcock kể về lần bà ta bị sốt, nhưng vẫn cố đi xin chữ ký thần tượng của mình, cô Marple khiển trách bà ta khéo léo vì “không bận tâm đến chuyện người khác nhìn sự việc hay có thể bị liên lụy như thế nào”, rồi gần như báo trước cho độc giả (những người cùng ngồi trong đài quan sát của Panopticon) rằng Badcock sẽ phải trả giá bằng tính mạng của mình. Kết cục truyện là sự đắc thắng của cô Marple, khi nạn nhân bị đầu độc chết (vì đã vô tình truyền bệnh và gây bất hạnh suốt đời cho người khác) và thủ phạm bị nhận diện.
Ở đây, nhà thám tử đã “trị vì” thế giới chuyện giống như vị Quân vương triết nhân của Utopia. Bố cục cố định của truyện trinh thám đã bắt buộc ta phải chấp nhận phán xét khôn ngoan của thám tử về trách nhiệm của mỗi người đối với tội ác, dù phán xét ấy bất hợp tình/lý tới mức nào nếu đặt vào bối cảnh đời thường. Có thể suy diễn ra bài học từ câu chuyện này là xã hội cần có một hệ thống hành xử chuẩn mực khắc kỷ và chặt chẽ, không cho phép một chút tùy hứng nhỏ nhoi nào, để tránh xảy ra thảm họa. Từ góc nhìn đương quyền, ý tưởng đó lại càng cảm thấy thiết thực khi sự việc có liên quan đến bệnh truyền nhiễm, tức là đụng vào một nền móng lớn của quyền lực nhà nước hiện đại: cái mà Foucault gọi là sinh-chính trị (bio-politics).
Trong Lịch sử tình dục, Foucault định nghĩa sinh-chính trị như hệ thống tạo ra và áp dụng thứ quyền lực “có thể bồi bổ, phát triển sự sống, mà cũng có thể dập tắt nó cho chết hẳn”. Nói cách khác, nó có hai thành phần: sự kiểm soát tình trạng sinh học của dân chúng, và sự kiểm soát dân chúng bằng sinh học. Chức năng phòng dịch của nhà nước là ví dụ cho vế thứ nhất, và việc trị liệu tâm lý tội phạm là ví dụ cho vế thứ hai (ý này nhắc ta nhớ đến phương pháp cải tạo Ludovico trong Quả cam máy móc của Burgess). Sinh-chính trị là kết quả của sự bành trướng vai trò của nhà nước, từ nắm giữ chủ quyền lãnh thổ (sovereignty) đến chỗ chịu trách nhiệm về phẩm chất sinh hoạt kinh tế và xã hội trên lãnh thổ[8]. Hệ thống sản xuất tri thức được nhà nước[9] bảo trợ và khuyến khích vì nó hướng dẫn, khuyến khích, và biện hộ cho vận động của hai “linh hồn” của nhà nước: nhà nước cảnh sát (police state) và nhà nước trị liệu (diagnostic state). Những Heather Badcock nông nổi, bồng bột, bị lăng kính tri thức nhà nước đánh dấu là gây nguy hiểm cho bản thân và người khác, sẽ bị giám sát bằng phương pháp cảnh sát (chẳng hạn, cấm ra ngoài khi đang bệnh) và trị liệu khỏi khiếm khuyết về nhân cách (bằng giáo dục, tư vấn, can thiệp y khoa, v.v.).
Nhà nước của cô Marple được xem là địa đàng hoặc phản địa đàng, tùy theo ta nhìn thấy trực giác nhạy bén về bản chất con người hay sự kỳ thị, bài trừ một dạng tính cách cá nhân đằng sau lý tính của nó. Tiền đề về trách nhiệm “tối ưu hóa” cộng đồng dẫn đến những tác phẩm tràn đầy niềm tin về quyền năng nhà nước kết hợp với quyền năng khoa học như Walden Two, và cũng dẫn đến những hoạt cảnh “thiến hoạn” tinh thần như trong tác phẩm phản địa đàng nổi tiếng của Kesey Chuyến bay qua tổ chim cúc cu (về một dưỡng trí viện chuyên thuần hóa nhân cách con người bằng thuốc, điện giật và cắt bỏ thùy não), hay bộ phim viễn tưởng Trạng thái cân bằng (Equilibrium) của đạo diễn Kurt Wimmer, về một xã hội tương lai nơi cảnh sát có nhiệm vụ tiêu diệt mọi dấu vết của tình cảm để duy trì một cộng đồng luôn vô cảm và hài lòng. Đặt cạnh nhau, hai tác phẩm này minh họa sự kết hợp và luân chuyển giữa hai phương pháp cảnh sát và trị liệu, vốn được thực hiện trong đời thường ở mức độ tương đối và ít lộ liễu hơn trong truyện.
o0o
Trong văn chương thứ hạng lấy bối cảnh xã hội nhân quần, nhờ cốt truyện hiện thực, những khắc họa tương tác giữa các cá nhân riêng tư thường mang thêm sức nặng sự hiện diện vô hình của nhà nước. Xung khắc với những Toohey trong Suối nguồn là báo hiệu cho hành động phản kháng toàn hệ thống trong Atlas vươn mình.
Nhà nước hiện đại là một tập hợp những quan hệ chồng chéo giữa nhiều nhân tố, mỗi bên áp dụng phương tiện quyền lực của mình được ban cho từ cấu trúc quyền lực, để ảnh hưởng lên thực tế xã hội. Không có thẩm quyền làm luật, nhưng khi đi khắp nơi thuật lại câu chuyện về Heather Badcock, với lời bình luận rằng hành vi của bà này là một tiền đề dẫn đến án mạng, cô Marple đã thực thi vai trò của một công dân có ảnh hưởng, tác động đến dư luận – một cơ chế tương đối có khả năng thưởng phạt mỗi thành viên trong cộng đồng, và nâng cái nhìn của bà ta lên thành một sự khôn ngoan tài sản tập thể, một thứ tri thức chính thống có ảnh hưởng lâu dài. Cô Marple, do vậy, đã trở thành một phần của nhà nước.
Văn chương từ bố cục là một loại hình nghệ thuật nặng tính cá nhân chủ nghĩa coi những vai chính diện và phản diện của nó như những tiểu vũ trụ; đọc văn chương, do đó, không có sự rõ nét của các văn bản học thuật, nhưng người đọc vẫn có thể chắt lọc từ thế giới tấp nập của văn chương, đằng sau sự xây dựng các nhân vật trung tâm, một cảm nhận hình bóng nhà nước như một thứ liên kết rộng khắp giữa vô số số phận và hành động. Điều này cũng không khác và không tương phản với việc chắt lọc từ cuộc sống hằng ngày một hiểu biết chung vừa phải về bản chất nhà nước. Bằng ngôn từ và cách hiểu riêng mỗi người, “nhà nước” là một từ khóa mở đầu cho một đa dạng những động cơ, cả tự nguyện lẫn bất đắc dĩ, cho các hành vi cá nhân trong cả hư cấu lẫn đời thường. Vì cái bóng lớn lao của nhà nước trong sâu thẳm ý thức mà người hàng xóm của chúng ta háo hức chờ chực hàng giờ để được gặp mặt một ứng cử viên như chờ một thần tượng ca nhạc, và cũng vì nó mà Rhett Butler nhập ngũ giữa ngày cuối cùng của Atlanta.
Ở hình thái thông thường và ít tham vọng của nó, nhà nước là hiện thực hóa của một biểu tượng, một thượng tầng đại biểu và bảo hộ cho xã hội dân sự – hoạt động chính của nó chủ yếu diễn ra giữa một thiểu số hằng ngày làm công việc quyết sách. Nhưng đây là một thượng tầng sống động; từng thời điểm một, nó có thể mở rộng cho bất kỳ người ngoài nào trên tôn chỉ phục vụ lợi ích và sự nhất quán trong quan điểm của mình. Đây là một hoạt động có tính cách quyết định cho quần chúng hơn là tiếp nhận quyết định từ quần chúng – một ý tưởng được bàn cãi là một ý tưởng chưa thể sử dụng[10]. Những cá nhân nằm ngoài hạch tâm của thượng tầng được chọn để cung cấp chức năng cố vấn (như Marple) hay tuyên truyền (như Toohey) vào mục đích điều hành xã hội; họ tạo thành một ngoại biên (margin) để hợp cùng với những cơ chế thực quyền thành cái mà Foucault gọi là “chế độ chân lý” (régime de vérité)[11].
Đối chiếu vào thực tế, nhà nước mở rộng và sự tồn tại của vùng thượng tầng ngoại biên nói trên không mấy khi lộ diện một cách hiển nhiên trong lịch sử, nhất là với sử học quen ghi nhận những biến cố với cái nhìn vĩ mô (chính vì vậy mới có thói quen của số lớn người phương Tây bổ sung cho lịch sử bằng các loại thuyết âm mưu). Nhu cầu bảo vệ tính pháp quy không cho phép nhà nước hiện đại thường xuyên thừa nhận có những tác nhân không chính danh có khả năng gián tiếp ước thúc cả xã hội; về mặt này, nhà nước phong kiến có thể thành thực hơn khi tuyên bố những động cơ của họ. Nhờ vậy, ta có thể lấy một ví dụ về khái niệm ngoại biên từ những sự kiện như sự kiện sau trong lịch sử Việt Nam:
“Tháng Chín có chiếu vua ra – Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”, đấy là ký lục truyền miệng ngắn ngủi và dễ nhớ của dân gian về sự kiện năm Minh Mạng thứ 9 (Mậu Tý 1837) vua ban lệnh buộc phụ nữ miền Bắc chuyển từ mặc váy sang quần. Diễn ngôn quyền lực được đại diện trong lệnh cấm của vua Minh Mạng không giản dị là sự áp đặt mỹ quan luân lý của người Đàng Trong – kẻ chiến thắng trong cuộc nội chiến thống nhất đất nước – lên người Đàng Ngoài, mà trên hết cả, nó đại diện cho quan điểm về sự độc tôn tối thượng văn hóa Trung Hoa. Trích chiếu văn: “[…] từ Quảng Bình trở vào Nam, quần áo mũ mão nhất nhất noi theo chế độ Hán Minh, trang phục tề chỉnh, so với tục cũ của người miền Bắc, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy tròn, đẹp xấu chẳng phải rõ ràng dễ thấy sao?” (dẫn theo Ngàn Năm Áo Mũ).
Vua Minh Mạng đã là nạn nhân của quan hệ bất đối xứng quyền lực giữa hai dân tộc; sự bất đối xứng ở đây không đổ lỗi cho phạm trù kinh tế, kỹ thuật, hay chiến lược – những hiện tượng lệ thuộc văn hóa như vậy xảy ra trong điều kiện thực sự có chủ quyền và có quyết tâm giữ chủ quyền. Chế độ chân lý là thứ siêu hình của quyền lực; khái niệm này cung cấp cho ta một cái nhìn khác về liên quan giữa mọi thực thể với nhau xuyên suốt nhân loại. Nó đã thay thế vũ lực và áp lực kinh tế thô thiển để trở thành công cụ điều phối dân chúng của nhà nước; do đó, nó không bị giới hạn ảnh hưởng bên trong một lãnh thổ như vũ lực. Thanh khí lẽ hằng, là một chính phủ độc lập, triều Nguyễn dưới quyền các nhà Hán học lại tìm thấy sự nối dài nhất quán và mạch lạc diễn ngôn cai trị của mình không từ nếp sống và ý nghĩ của người dân bản xứ, mà từ bộ máy sản xuất văn hóa Trung Hoa. Sự đồng cảm của họ với người thầy và bạn đường (fellow-traveller) ở bên kia biên giới dẫn đến thứ quyết định có lối biện minh vụ về hình thức hơn nội dung, không đem lại kết quả nào ngoài sự xáo trộn không cần thiết, gây thất thoát vốn chính trị nhân tâm. Sách Quốc sử di biên đã ghi: “Bấy giờ [sau khi lệnh ban ra] lại dịch tự tiện đến các chợ, phố, nhà dân, nhiễu sự, hống hách, bậy bạ gây ra mối tệ ở đấy, tiếng oán thán đầy đường, khắp ngõ” (trang 237).
o0o
Phó chủ giáo Claude Frollo trong Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo để lại cho chúng ta ý niệm nổi tiếng về “quyển sách và tòa nhà”. Tòa nhà đã sống trước thời của sách vở, và tiếp tục sống bên ngoài sách vở để chuyển tải những tư duy phi văn tự. Cũng như chiếc váy của người Nam “bên Ta thì có bên Tàu thì không”, nó cần được đọc trong thời đại của quyển sách để ôn lại một số kinh nghiệm và khẳng định đã bị lãng quên[12]. Shakespeare, bậc thầy về văn bản, đã phải nhắc nhở chúng ta “trên trời và dưới đất còn rất nhiều điều mà triết học [còn có thể hiểu: khoa học, lý trí] của chúng ta chưa hề mơ tưởng tới.”
Phê bình văn học là hoạt động chủ yếu gắn bó với sách, vô tình đã đẩy mạnh sự thiên lệch về phía văn bản, biến văn bản thành phương tiện văn minh hóa, xã hội hóa chủ đạo, và qua đó, đẩy mạnh ưu thế của thượng tầng thông thạo kỹ năng văn bản so với quảng đại quần chúng trong chế độ chân lý. Sự bi quan về chung cục lịch sử của phản địa đàng chỉ có thể có cả ý nghĩa thực tiễn và triết lý với độc giả trung thành với phê bình văn học sau khi đã sử dụng phương pháp giải cấu trúc (deconstruction) trên tập quán trọng thị văn bản, tôn sùng dữ liệu của xã hội hiện đại – một tập quán có quan hệ “con gà và quả trứng” với nhà nước.
Aldous Huxley có một tác phẩm được dịch ra tiếng Việt dưới tên Vị bá tước thứ năm của dòng họ Hauberk (After Many a Summer Dies the Swan), có thể xem như một biếm họa của Dracula khắc họa thái độ nhà nước luôn lý tính hóa, tự tin và áp chế đối với những biểu hiện tâm lý chiều sâu của cá nhân trong xã hội (trong khi sợ hãi và ve vuốt sự nông nổi của đám đông). Cả hai đều là ẩn dụ về thế giới tư bản, nhưng Huxley sống trong thời đại đỉnh cao, khi chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn củng cố và bắt đầu thấy dấu hiệu suy tàn, còn Stoker là sản phẩm của một giai đoạn còn mới mẻ, đầy dẫy hứng khởi cùng niềm tin lẫn lộn với hoảng sợ và hối hận: buổi giao thoa vừa bước ra khỏi thời phong kiến. Thế giới đối với người sau là một đêm trường, còn với người trước là ngày dài không còn giờ giấc, chỉ một ánh sáng đèn nêông, ồn ào nhàm chán, phù phiếm và phóng đãng. Hai bức tranh là hai điểm ngừng trên một lộ trình từ sự hỗn độn hoang mang của buổi đầu tiền trật tự đi đến thời điểm mọi việc đã được “nhà nước hóa” – phán quyết, thông tục hóa và xử lý thành các dạng thông tin ước lệ: hồ sơ cảnh sát, công trình khoa học, hay chỉ số tín dụng, giá trị thị trường.
Thế kỷ 19 của Dracula là thời điểm nội bộ châu Âu chứng kiến những va chạm không ngừng và không biên giới cả giữa con người lẫn bên trong con người. Quét ngang một cái nhìn sơ lược, ta thấy cuộc chiến chống Dracula là một ẩn dụ không che đậy nhiều về sự đối đầu giữa hiện đại và cổ xưa, giữa văn minh khai sáng và tối tăm của quá khứ, tượng trưng bằng hai phương hướng Đông – Tây trên bản đồ, và kết thúc bằng thắng lợi của chủ nghĩa tư bản tân tiến duy lý trí. Tuy nhiên, trong mỗi hình tượng lại hàm chứa sẵn mâu thuẫn và phủ định, biến các nhân vật và phe cánh thành những tấm gương đặt song song phản chiếu lẫn nhau, nhất thiết dẫn đến một hướng diễn dịch tác phẩm ngoắt ngoéo kiểu mê cung. Bố cục song trùng này gợi nhớ đến bài thơ “Con hổ” của William Blake, khi ông say mê nhìn vẻ đẹp nguy hiểm của loài ác thú, và tự hỏi, lẽ nào cùng một Đấng lòng lành đã sáng tạo con chiên (còn có thể hiểu, theo ngôn ngữ Kinh thánh, thành “đã sinh ra Chúa Hài đồng”) đồng thời cũng tạo nên giống vật ăn thịt này.
Trên một phương diện, Dracula lại là kẻ đại diện cho con người rõ nét hơn những người trần mắt thịt chống đối ông ta – nhờ sự bất tử, trong nhân vật Quỷ nhập tràng chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai nhân loại (với một khía cạnh đen tối luôn hiện diện xuyên suốt lịch sử). Kẻ thuộc về thế giới cổ xưa, cô lập trong lâu đài hoang vu tăm tối, lại tự tiến hóa và áp dụng thành công những công cụ giao dịch của nền kinh tế tư bản: môi giới địa ốc, tài liệu hướng dẫn, vận tải tàu biển… để xâm nhập và khủng bố đời sống hiện đại, trong khi những người đại diện cho buổi bình minh đang tới của nhân loại – giáo sư y khoa, thanh niên Mỹ, trung lưu trí thức Luân Đôn – lại đi tìm giải pháp ở những truyền thuyết hoang đường thôn dã, ở củ tỏi, thánh giá và cọc gỗ. Nhóm chính diện phải đeo chết một hình hài đã hoặc sẽ dừng phát triển và ngày càng già nua, còn Dracula có thể trẻ hóa và biến ra hình dạng hợp thời trang để hòa vào bất kỳ xã hội nào. Theo dõi cuộc chiến, đôi lúc người ta phải tự hỏi cuối cùng thật ra ai đại diện tàn dư của quá khứ đang cố gắng bảo vệ đặc quyền của mình một cách man dại, và ai đại diện giai cấp thống trị đang nổi lên, với bản chất bóc lột tinh vi và đầy lý trí vì lợi nhuận[13]. Sự mơ hồ về tuyến tính báo hiệu, như ta sẽ thấy ở dưới, một thời điểm khi nhà nước hiện đại bắt đầu xác định các chức năng và quyền hạn mới của nó, còn quan hệ sản xuất mới tiến đến giai đoạn tư bản rừng rú (savage capitalism).
Huxley đã cho tác phẩm của ông trình bày những kết luận mà đáng ra Stoker đã phải đi tới, và còn đẩy nó đi xa hơn nữa theo tiến bộ của diễn ngôn nhà nước. Khi thêu dệt nên cảm giác kinh hoàng bao quanh Dracula, Stoker đã vô tình hạ thế giới của ông xuống cùng một tầm mức tiến hóa với thế giới đẫm máu của con quỷ. Trên bối cảnh thời đại của Darwin, của Sherlock Holmes và Louis Pasteur, cung cách quả cảm của những đại diện văn minh Âu Mỹ trong Dracula chỉ chứng tỏ họ đang vật lộn với quá khứ nhân loại chưa khai sáng, trong chính tâm thức mình cùng lúc với trong đêm tối sương mù Anh quốc. Với cái nhìn kết hợp của chủ nghĩa thực chứng, nhân bản và pháp quyền, lẽ ra vị bá tước Romania về mặt phân loại chỉ là một vấn đề hình sự nguy hiểm hơn con đười ươi trong Án mạng đường Nhà xác, và một mẫu vật triển lãm lạ lùng hơn các xác ướp Ai Cập; bằng cùng những luật lệ mà nó dùng để ngăn ngừa bạo lực với vô số đối tượng khác, lý tưởng Âu Tây thế kỷ 19 bảo vệ Dracula không bị xuyên tim và chặt đầu[14], mà yêu cầu ông ta bị phơi bày trong một cái lồng ở Sở thú. Nhưng dù sao, ở thời điểm này, các quốc gia vẫn còn là lãnh thổ và dân tộc bên cạnh là nhà nước; văn hóa của chúng vẫn trong quá trình đế quốc hóa, coi sự xâm chiếm hay chế ngự là cơ hội tiếp xúc với cái xa lạ để tự nhận dạng mình theo kiểu Đông phương học. Stoker đã trung thành với tác phong thời đại mình, khi trình bày Dracula vừa như một sinh vật thấp kém, vừa như một thứ siêu nhân dạng, một kỳ quan.
Tiểu thuyết Huxley, trái lại, mô tả một thế giới nhìn nhận sự việc và bản thân qua lăng kính của văn bản. Đến thời điểm này, khuynh hướng thông tục hóa xã hội và độc tôn hóa nhà nước đã đứng vững đủ để các nhân vật Âu Mỹ của ông có một thái độ thản nhiên cười cợt trước sự bất tử và xem nó như một đề tài để lập hồ sơ và cái cớ cho các công việc cổ cồn trắng. Trong khi Harker và Mira nhìn Dracula bằng ánh mắt của con mồi từ phút đầu gặp mặt, thì với bác sĩ Obispo và Jeremy Pordage, bá tước Hauberk chỉ là một cái tên ở trang đầu bản hồ sơ, một văn bản dữ liệu cần phải đọc một cách chuyên môn, cũng như một mẫu vật y học. Bá tước Hauberk không cần bị truy bắt và nhốt vào lồng; sự bất tử đã biến thành cái lồng, và ông ta thành một trường hợp “lang băm” tự ý thử nghiệm y khoa, một sự bi hài không còn nhân cách. Thế giới đã tôn tạo để chỉ còn biết những quy trình (protocol) và bài trừ ngoại lệ là thế giới đã đánh mất mọi nguy hiểm hay bí mật, mà cũng không còn gì bất ngờ và xúc động.
Trong truyện ngắn “Bút máu”, Vũ Hạnh kể về câu chuyện một thư sinh đã vô tình gây ra tội ác khi làm thơ ca ngợi tham quan; quan trên đã tin vào lời anh ta vì “muôn ngàn lời nói của lũ dân đen vô học, đâu bằng mấy vần từ điệu cao xa của kẻ danh nho”. Những tình huống tương tự ở khắp nơi là cái đã nối tiếp nhau tạo thành tính thông lệ, thành các chế độ chân lý mỗi thời. Càng đi xa những diễn đạt sống động, văn bản càng lộ diện như một công cụ thống trị – mọi công trình hàn lâm, văn kiện pháp luật hay kết quả xét nghiệm đều mang một ngôn ngữ bí ẩn đối với người ngoài cuộc, gia tăng sự hoang mang và mặc cảm, đồng thời nâng cao uy thế của người có thể viết và đọc. (Đến cả thơ ca cũng không tránh khỏi một lịch sử dài cộng sinh với thiết chế văn bản trị, khi không ít lần tác phẩm được “bảo hộ” bởi giới phê bình và gần như ước thúc đại chúng phải tự điều chỉnh quan niệm thẩm mỹ hay luân lý để hợp thời). Nhưng bí hiểm không nhất thiết đồng nghĩa với sâu sắc – văn bản còn phục vụ quyền lực bằng cách giản lược thực tại xuống thành một bộ khung xương bao gồm một số ý niệm (như áo kiểu Hán mặc nhiên đẹp hơn áo Việt). Như thế, văn bản vừa tạo sự tiện lợi cho thượng tầng, vừa phủ nhận và tước đoạt của người bình dân một phần thực tại của họ.
Những gì thuộc phạm trù đời sống không xuất hiện một cách hữu cơ mà do chủ quan ý chí từ văn bản cũng thế; chúng là sản phẩm của một sự vội vã muốn thay thế quá khứ dài đã bỏ ra để chọn lọc, làm quen và trau chuốt cái đã từng hiện diện. Trên bình diện ký hiệu học và kinh tế học, quần và váy có thể có giá trị bình đẳng, nhưng chỉ có người đã sống qua những buổi hoàng hôn trăm tuổi Bắc Ninh mới thấy dáng “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” hòa hợp đến thế nào với bức tranh trầm mờ “Đồng chiều – Cuống rạ” đầy giấc mơ và hư ảo.
o0o
Diễn dịch tác phẩm của Huxley theo hướng phản địa đàng không phải là một thao tác mạo hiểm – bản thân tác giả có hướng nhìn nhân văn phản địa đàng rất rõ nét, người đã viết nên tác phẩm phản địa đàng lừng danh Thế giới mới tươi đẹp (Brave New World). Đó là câu chuyện về sự toàn trị của sinh học và thiết kế; thứ luân lý lỏng lẻo báng bổ của bác sĩ Obispo được thiết chế hóa thành một chế độ hạnh phúc đồng bộ và hạch toán dưới quyền những người Kiểm soát Thế giới. Nhà nước của xã hội tương lai này là một công trình của các kỹ sư, một giáo hội Fordism; nó loại trừ mọi bất trắc và phức tạp không cần thiết khỏi cuộc sống bằng cách ấn định mọi chi tiết về cách ăn, mặc, và ở, còn tình dục thì được biến thành một sinh hoạt dễ dãi và tùy tiện, gần như công cộng, sau khi xã hội đã có khả năng khống chế tuyệt đối vấn đề sinh sản và bệnh dịch. Các nhà kỹ trị không thể hình dung một xã hội tốt đẹp hơn; từ bỏ nó, theo họ, đồng nghĩa với đòi “quyền được bất hạnh”.
Trái với niềm tin của các tín đồ George Orwell, một phản địa đàng tuyệt đối và hoàn chỉnh về lý thuyết không thể tồn tại ở bất cứ nơi nào ngoài xã hội tư bản đã trưởng thành về sản xuất – sự trưởng thành vừa là điều kiện, vừa là lý do để xây dựng một nền tảng quyền lực hoàn toàn tự nguyện và không bị thách thức. Sự thống lĩnh của kinh tế tư bản như lực lượng xác định mọi giá trị trong xã hội hiện đại là một thực tế, như Foucault nhận xét, khởi đầu từ khoảng thế kỷ 19; ảnh hưởng quan trọng nhất của nó chính là tạo ra một khuôn mẫu mới cho quyền lực và nhà nước. Từ chỗ là hình thức biểu đạt sự quần tụ của con người trên nền tảng thị tộc hay sắc tộc, nhà nước mở rộng phạm vi hoạt động thành phương tiện thúc đẩy tiến bộ kinh tế, và từ đó, du nhập vào một diễn ngôn cho các áp đặt kỷ luật lên trên xã hội có tính thuyết phục hơn gấp bội diễn ngôn Nước Trời của Giáo hội Cơ Đốc, hay diễn ngôn trị dân bằng lễ, nhạc của vua Minh Mạng.
Hình thái hoạt động mới này giúp cho nhà nước Âu Tây thành thạo rất nhanh các phương pháp duy trì ổn định và sự tiết chế vũ lực; thời kỳ nó duy trì những áp bức thuần túy vì mâu thuẫn sắc tộc, hay nâng đỡ sự bóc lột giai cấp vô nhân đạo (những mâu thuẫn tạo nên nhân cách và định dạng hỗn độn của nhân vật trong Dracula) dần dần nhường chỗ cho tính cách công lợi. Những điều kiện được thử nghiệm và kiến thiết để thu được hiệu suất kinh tế tối đa từ mỗi cá thể, như đã làm trong giáo dục hoặc luật pháp. Chẳng bao lâu sau, nhà nước đã mở mang rộng và phức tạp hơn xa những gì nhìn thấy dưới mắt Engels:
Đặc trưng thứ hai của Nhà nước là việc thiết lập một quyền lực công cộng […] không chỉ bao gồm những người có vũ trang, mà còn có cả các công cụ vật chất phụ thêm, như nhà tù, và đủ thứ cơ quan cưỡng chế.
Tiền đề kinh tế học giúp ta kết nối được những luận điểm ở trên, về sinh-chính trị và về văn bản hóa quyền lực. Nhà nước tích tụ hiểu biết về thế giới chung quanh từ văn bản – nó áp dụng các hiểu biết đó để điều phối thế giới cũng bằng văn bản. Chính vì thế, nó mở rộng phạm vi và định nghĩa của mình, cùng một lúc tiếp nhận ảnh hưởng từ những ngoại biên được lựa chọn và tự mình trở thành một nguồn ảnh hưởng, chứ không xơ cứng lại thành hình thức quan liêu. Tuy nhiên, những tiếp xúc văn bản chỉ ghi nhận được chiều dữ liệu phẳng của bề mặt vấn đề; khả năng của chúng trong việc giải quyết bất cập xã hội có khi thành công, có khi chỉ là ảo tưởng, hoặc mở ra cho những đánh giá tùy thuộc góc nhìn. Trong Vị bá tước, Obispo và Pordage đã giải mã được bí ẩn của sự bất tử, nhưng không ai vì đó mà được hạnh phúc – cuộc tìm kiếm khô khan đã làm nổi bật lên sự tha hóa và thờ ơ với nhân loại trong tâm hồn mọi nhân vật.
Trong vòng 10 năm qua, nhiều địa phương (và đôi khi, cả chính quyền trung ương) ở những nước Trung Quốc, Hàn Quốc, và Thái Lan đã xem xét, hoặc thậm chí áp dụng, lệnh cấm bán thịt chó trong lãnh thổ mình lâu dài hoặc giai đoạn. Động thái này xuất phát từ chuyện nhiều du khách phương Tây đi về chê bai các giống dân châu Á ăn uống thiếu chọn lọc, thường ăn những thứ phương Tây không bao giờ động đến. Thường xuyên, lý do những ý kiến này được quan tâm là vì theo các quan chức, đây là một chủ đề ảnh hưởng đến bộ mặt quốc gia.
“Bộ mặt quốc gia” tích cực ở đây hiển nhiên mang ý nghĩa nặng về vai trò như một tài sản hay lợi thế cho ngành du lịch; do đó, ý kiến của du khách dường như là những phát biểu duy nhất, những “văn bản” ngoại biên làm nảy sinh và duy trì thảo luận một chiều này. Tại Việt Nam cũng đã có một luồng dư luận nội địa đòi hỏi tương tự, phản ảnh trọng lượng ý kiến của ngành du lịch trên những nền kinh tế quy mô nhỏ. Cùng với sự bùng phát đại dịch, chủ đề đã đưa vào phạm trù sinh-chính trị, và gia tăng mức độ cấp thiết giữa những vấn đề của nhà nước. Tháng 3 năm 2020, có lẽ từ định kiến tích tụ qua những thập niên trao đổi du lịch, Thượng nghị sĩ John Cornyn của Mỹ tuyên bố tại họp báo: “Kết tội Trung Quốc [gây ra bệnh dịch] là đúng, vì cái văn hóa nơi người ta ăn dơi, ăn rắn, rồi chó và những thứ như vậy, các loại virus được truyền từ loài vật sang người.”
Tuy là một hoạt động chuyển tải nhiều thiện chí, du lịch ở thế giới thứ 3 nhìn từ một góc độ nào đó lại là một hình thái tân thực dân (neo-colonial) với những tương tác trong quá khứ được tái tạo. Một lần nữa, những người da trắng đến một xứ sở xa lạ, trong lòng thường trực một hiểu biết rõ rệt về chênh lệch kinh tế giữa hai môi trường; trải nghiệm của họ phần lớn bao gồm tiếp xúc với thành phần thu nhập thấp của nước chủ nhà, những người có nhiệm vụ hầu hạ chu đáo và làm theo ước muốn của người trả tiền. Đó là loại tình huống dễ dàng dẫn tới những suy diễn về chênh lệch “văn minh”, và quan điểm rằng trong tự nhiên tồn tại những chuẩn mực. Cách nghĩ của John Cornyn ở trên là âm vọng của cách nghĩ thời thuộc địa, khi các nhà ái quốc Đông Kinh nghĩa thục cũng không thoát khỏi ảnh hưởng xu thời, đến nỗi đi phát động phong trào cầm kéo cắt tóc người qua đường, hô hào mạnh mẽ “Húi hề, húi hề – Bỏ cái ngu này – Bỏ cái dại này”, với niềm tin tóc dài hay tóc ngắn là cái quyết định số phận một dân tộc.
Đối với hoàn cảnh hiện đại, thịt chó không đáp ứng một nhu cầu dinh dưỡng nào đặc biệt, và về mặt tự nhiên hoàn toàn có thể thay thế mà không tổn hại gì. Tuy nhiên, tự nhiên là một khoảng chân không nhân văn; các ý nghĩa văn hóa không tồn tại trong tự nhiên, mà được chỉ định bởi xã hội loài người, và được cố định hóa theo bề dày lịch sử. Một hành động văn hóa được lập đi lập lại là cái thay thế cho văn bản để tồn lưu những nội dung phi văn tự. Nó không thụ động nhắc nhở quá khứ, mà xóa đi sự cách biệt thời gian giữa hành động ban đầu và hiện tại. Cũng như ngôi đền Ise Jingu được xây dựng lại mỗi 20 năm ở Nhật Bản, đấy là những ý nghĩa văn hóa không phải để chiêm ngưỡng, mà để hòa vào sinh hoạt của cộng đồng.
Trong văn hóa phương Đông, thịt chó là ký hiệu cho một hệ thống đa tầng hình ảnh nam giới; đây là loại thịt phần lớn chỉ dành riêng cho đàn ông, và có tính cách đối tượng của một nghi thức hơn là thuần túy một loại thực phẩm. Cũng như rượu whiskey đối với người đàn ông miền Nam trong Cuốn theo chiều gió, thịt chó là cánh cửa giúp người đàn ông Việt bước vào cộng đồng cùng những nam giới khác, với trách nhiệm và ưu đãi ấn định trong một xã hội phụ hệ. Tính cách nghi thức và cục bộ của hành vi ăn thịt chó thể hiện qua việc người đàn ông Việt nói chuyện với nhau thường dùng những cách khác để gọi món ăn này, thay vì dùng chữ “chó”, chẳng hạn như thịt cầy. Cách gọi như vậy tách con vật ra khỏi món ăn, nâng món ăn lên một giá trị ký hiệu cao hơn thuần túy chỉ là một chất liệu dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thịt chó gần như là loại thực phẩm duy nhất trong văn hóa Việt dùng vào món ăn đặc tính của cạnh thứ hai trong tam giác phân loại món ăn của Lévi-Strauss: nấu lên với dụng ý mời khách, được chế biến chủ yếu với thao tác thui hoặc nướng trên lửa, nhắc nhở trong nội tâm đến những gánh nặng và niềm tự hào của nam giới: chiến tranh, săn bắn, hủy diệt, mất mát, v.v..
Ý nghĩa nam tính cá nhân và cộng đồng của thịt chó bắt rễ sâu xa trong văn hóa phương Đông. Trong truyền thống văn chương võ hiệp Trung Quốc, thịt chó thường xuất hiện cùng với những nhân vật hành hiệp gốc nhà Phật, làm cho ấn tượng về họ vượt lên khỏi sự cương liệt, sảng khoái thông thường, mà còn hiển lộ góc độ phá chấp, thoát sáo. Lỗ Trí Thâm, hiệp khách duy nhất trong Thủy Hử truyện đạt được thành quả chứng đạo mang tính truyền kỳ, được ghi nhớ nhiều nhất với hành vi phóng túng ăn thịt chó uống rượu, náo động cửa chùa. Trong truyện võ hiệp bình dân Tế Công Hoạt Phật cũng có hồi Tế Điên trong chùa bán thịt chó – Thân dân Linh Ẩn tìm Thánh tăng. Nguyễn Du có thể cũng đã tận dụng mạng lưới ý nghĩa này để bày tỏ ý chí tự tại trong bài từ “Hành lạc”:
Có chó cứ làm thịt
Có rượu cứ nghiêng bầu
Được mất trên đời chưa dễ biết
Cần gì lo tiếng hão về sau.
Sự can thiệp để xóa sổ một hiện tượng văn hóa có nội hàm bằng phương pháp chính quyền vì danh nghĩa tiến bộ là một ý tưởng địa đàng. Ý tưởng này đặt trên giả định là một “văn bản” về công lợi là một phản ảnh trung thực của thực tại trong bốn chiều không gian của nó. Sự bôi xóa được chủ trương với niềm tin là nó vô hại; không ai vì thế mà mất ngủ với nỗi sợ làm thế giới mất đi một tài sản quá khứ đáng giá, hay một triển vọng tương lai nào. Nhưng phía sau mọi sự bôi xóa, xét đến cùng, đều là một ác cảm, một ý muốn hủy diệt – đấy là điểm khởi đầu của sự phá sản địa đàng.
Phụ lục
Huy Trần
[1] Để ý rằng ở đây Conan Doyle đang mô phỏng phong cách (có lẽ) của báo chí thời đại ông; nếu chấp nhận giả thuyết này, ta nhận thấy vào thời đó, không chỉ chủ nghĩa Cộng sản, mà những học thuyết mới, có tính đột phá đều bị đánh đồng, và diễn đạt bằng ngôn ngữ của những âm mưu. Nói cách khác, hiểu biết của thời đại đó chỉ có thể quan niệm ra một thế giới bao gồm trật tự cũ và các lực lượng xâm nhập, thao túng, phá hoại nó giữa một cuộc đấu tranh song phương bạo lực và ám muội.
[2] Với các tác phẩm đã dịch và xuất bản ở Việt Nam, bài viết gọi tên theo nhan đề do dịch giả đặt, kể cả khi gọi như vậy không sát với tên tác phẩm trong nguyên ngữ. Trong trường hợp đó, tên nguyên ngữ được cung cấp ở bên cạnh để tránh ngộ nhận.
[3] Một chữ dùng tạm ở đây để chỉ tập hợp văn chương chú trọng vào chức năng kể chuyện tà chân, chú trọng làm cho người đọc tin vào cốt truyện (make-believe), trái với những thể loại buộc người đọc phải bước qua cốt truyện (nếu có) để tìm dụng ý của tác giả. Như một nguyên tắc bất thành văn, giới phê bình thường chỉ coi loại sau là tinh hoa của văn học – một tập quán dễ dàng nhận thấy qua vô số danh sách “tác phẩm lớn nhất” hoặc “những người đáng ra phải được giải Nobel”.
[4] Gramsci đã manh nha nhìn ra phương pháp trên khi bình luận về những tương quan giữa tiến độ văn học trinh thám Ý và các điều kiện dẫn đến chủ nghĩa phát xít (Tuyển tập ghi chép về văn hóa 369-374).
[5] Định nghĩa này phân biệt rõ phản địa đàng với những thể loại khác, đôi khi cũng được gộp chung vào cùng một tên gọi, có nội dung mô tả các tương lai tiêu cực của nhân loại, chẳng hạn, thể loại tận thế (apocalyptic) hình dung thế giới sau khi cạn kiệt tài nguyên hoặc bị tàn phá vì chiến tranh.
[6] Một minh họa cho đối lập này: mặc dù những tình tiết quá kịch tính làm cho phản biện của nó trở thành thiếu chiều sâu và không công bằng, tiểu thuyết trinh thám Giáo hóa trường của Lôi Mễ là một câu trả lời cho Walden Two của B. F. Skinner, cung cấp một kết cục khác cho ý định của Skinner muốn tạo ra một xã hội lý tưởng bằng cách lập trình hành vi con người.
[7] Ta có thể so sánh với Conan Doyle, người thường phải cần đến hồi tưởng của hung thủ, độc giả mới nắm rõ tình tiết, nguyên cớ của tội ác, để thấy những thám tử của Agatha Christie phản ảnh rõ hơn tới mức nào khuynh hướng của xã hội hiện đại, là quan sát nghiên cứu hành vi bản chất con người chặt chẽ, với sự chú tâm cao độ, để nâng cao khả năng lèo lái và kiểm soát con người.
[8] Một lần nữa, ta thấy sự tiến hóa về ý niệm quyền lực song hành với tiến hóa về phong cách trinh thám: trong khi các tác giả thời Conan Doyle phần lớn khắc họa công việc bảo vệ cộng đồng khỏi những kẻ từ bên ngoài: băng đảng, người ngoại quốc, nhân vật thô bạo, lập dị… thì thám tử của Agatha Christie có chức năng phát hiện – giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trung bình và được kính trọng của cộng đồng.
[9] Xin lưu ý, từ ngữ “nhà nước” ở đây, khi không có chỉ định cụ thể, dùng để chỉ riêng nhà nước tư sản phương Tây. Những luận điểm trong bài không nhất thiết đúng với trường hợp khác.
[10] Nhìn ra ngoài đời thực, có những ví dụ nổi bật cho cung cách này, chẳng hạn như việc Tổng thống Mỹ Trump chọn Larry Kudlow, một bình luận gia kinh tế cho thính giả bình dân không có học vị hay công trình nghiên cứu để nắm Ủy ban Kinh tế Quốc gia, hoặc Ben Carson, bác sĩ thần kinh, làm bộ trưởng Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị, vì ảnh hưởng của họ trong quần chúng.
[11] “Chế độ chân lý” là lý tính được định hướng của một xã hội; theo Foucault, nó là “hệ thống những quy trình trật tự cho phép các phát biểu được chế tạo, quy định, phân phối, luân lưu và tạo ra tác động.”
[12] Ngôn ngữ của tòa nhà đã cho phép thuật giả kim, và cùng với nó, tư tưởng của những Zoroaster, Manu, hay Ezekiel, len lỏi tiếp cận và thay đổi hoàn toàn vũ trụ quan của Frollo, trong bối cảnh Giáo hội Công giáo và sách vở hàn lâm còn cho đấy là một vùng tri thức mê muội, gần như tà ác.
[13] Tăng thêm tính đa chiều của ngôn ngữ biểu tượng trong tác phẩm là ý nghĩa của hình ảnh “máu”. Vừa là thứ lưu chuyển đem lại đặc quyền và địa vị trong xã hội phong kiến (lưu truyền theo dòng máu), máu lại cũng là biểu tượng cho sự sống và xa hơn, thu nhập hoặc công sức lao động (như trong cách nói “hút máu công nhân”). Ta có thể coi Dracula như một quý tộc cố chấp trong mắt không coi gì là giá trị ngoài huyết thống và chinh phạt, hay một đại diện của giới tư bản có gốc gác phong kiến, một kẻ đứng ở trên đỉnh thứ bậc ăn lẫn nhau giữa các loài (pecking order) như Renfield tái tạo trong nhà thương điên.
[14] Một luật sư trung bình ở bất cứ quốc gia Âu Mỹ nào cũng có thể theo khả năng sáng tạo mà buộc tội nhóm Van Helsing vào vài điều luật, chẳng hạn luật giết người, xúc phạm thi hài, bảo vệ sinh vật hiếm…
Người góp chữ
Trần Thiện Huy
Một người hay nói về sách, dù đọc rất ít
Leave a Reply