Trà đá wifi về văn chương đương đại

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 26 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)

(Now with English version.)

 

Và cũng như ở bất kì một cơ quan nhà nước khác, làng văn phân bố giải thưởng theo phương pháp lấy tình người làm tiêu chuẩn hoặc xếp thành hàng lần lượt từng cái tên. Còn phê bình thì cũng theo nguyên tắc tình người của toàn xã hội rằng tốt nhất là không nên phê bình, và nếu có thì vuốt mặt phải nể mũi, khen ba rồi mới nhẹ nhàng góp ý một. (Thuận, Made in Vietnam)

Cắt một phát 20 năm ra để manh nha viết nào vài phác thảo, nào vài quan sát, nào vài suy nghĩ, về văn học Việt Nam đầu thế kỷ 21, sớm hay muộn, ít hay nhiều, sẽ bị gọi ngay là ấu trĩ. Bao nhà văn, bao tác phẩm, bao thể loại, bao hiện tượng xuất bản chính thức hay ngầm, xảy ra lên báo truyền mồm nhỏ to, tạo thành vô số mẩu đầu thừa đuôi thẹo, mà nhét kiểu gì, mà dùng lưới bao kiểu gì, thể nào cũng lọt, thể nào cũng hớ, chưa kể phải tìm năm cột mốc, phải gán ý nghĩa năm tạm thời kết thúc, phải tạo mini-end, rồi lại thể nào cũng lớ rớ ơ chưa thấy kể tên anh a, ơ thế còn nhà văn nữ b, thế còn du ký thì sao, thế còn thời của tản văn suy đồi thì sao [1]. Và có hay không cái gọi là trật tự tác phẩm theo thời gian, lại còn cùng nhau hòa cùng một theme của thời đại nếu tình cờ ta ra đời cùng một quãng?

Nếu đề tài tiến sĩ “Một vài khía cạnh của hệ thống âm đạo bọ chét” mà Terry Eagleton nhắc đến trong The meaning of life cho thấy một sự khiêm tốn cảm động (mà ở góc nhìn khác là cái để Eagleton than van về vai trò teo dần của phê bình gia, những người được coi là trí thức, trong khi những người làm trong giới học thuật thì không, vì mải bận tâm với những các mảng chuyên sâu) thì một nỗ lực viết lịch sử văn học do một phê bình gia-trí thức (dầu cái từ trí thức quãng chục năm gần đây đã trở thành thứ gây phản cảm ghê gớm bởi không biết bao nhiêu trăn trở và vỗ ngực tự xưng về vai trò của mình – và tôi muốn hiểu chữ này theo ý hiểu của Eagleton, những kẻ lời nói phần lớn là vô ích, chả ăn thua gì, những kẻ thảm hại nhưng đồng thời lại đầy hăm dọa, những kẻ nhảy từ ngạch này sang ngạch khác, những kẻ quan tâm tới ý nghĩa của ý tưởng lên xã hội nói chung) vì thế, có thể là một việc ngông cuồng, vô lối, lại có thể là nơi thể hiện quan điểm không bị ảnh hưởng bởi quyền lực, chính trị, quan hệ, mà nói lên chút sự thật (nếu có). Và quan trọng hơn nữa, không bị rơi vào những nhàm chán đến ghê rợn của những án luận án văn án sách với những nghệ thuật tự sự và hình tượng nhân vật và thi pháp.

Khi Thuận, nhà văn xuất hiện ở đầu thế kỷ 21, kỳ cạch gõ cái dòng “Cuối cùng Hà Nội cũng đến được năm 2000”, hồi quãng 1997-8, những hiện thực khác bắt đầu xâm lấn Việt Nam, mà một trong những yếu tố góp phần nên: Internet. Hoàn toàn có thể bị coi là càn rỡ nhưng tôi cũng xin được thành thật mà nói khi nghe đến thời điểm hiện tại vẫn có người chật vật (và nghe bảo cả chạy chọt? xin hãy nói với tôi điều này là không thật) để xin được làm hội viên Hội nhà văn Việt Nam: thật là một hiện thực khác.

Tôi, choáng váng, khi lần đầu tiên nhận ra thế giới khác ấy khi đọc phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Hiến do Phạm Thị Hoài và Trương Hồng Quang thực hiện hồi 2004:

Thiệp đến Nhà xuất bản Hội nhà văn, lúc đó hình như còn tên là Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Người phụ trách mảng văn xuôi ở đó là bà Xuân Quỳnh. Người ta bảo, Xuân Quỳnh không bao giờ đến nhà xuất bản. Thế là Thiệp mang bản thảo đến nhà riêng của Xuân Quỳnh. Thiệp tả lại cho tôi thế này: Vào ngõ, lên một cái hành lang dài, dọc hành lang có bốn, năm cái vòi nước, Xuân Quỳnh đang ngồi quay mặt vào tường giặt quần áo. Người ta chỉ cho Thiệp, bà đang ngồi giặt quần áo, đấy là Xuân Quỳnh. Thiệp đến đứng sau lưng Xuân Quỳnh, bảo: „Thưa chị, em đến nhà xuất bản, họ bảo chị nhận bản thảo ở nhà. Em đến để đưa chị.“ Xuân Quỳnh không quay lại, bảo: „Tôi chỉ nhận bản thảo ở nhà xuất bản, không nhận bản thảo ở nhà.“ Thiệp ra về, Xuân Quỳnh chắc chắn không biết ai đứng sau lưng mình lúc đó. [2]

Ngoài cái ý nghĩ phán xét mà chắc ai của ngày hôm nay cũng sẽ nghĩ ngay và luôn về cái bà Xuân Quỳnh tình yêu nào cũng tha thiết như nhau này, tiếp đến là về NXB Tác phẩm mới trong cái khâu nộp bản thảo cho một nhà xuất bản nhà nước, thì ta có thể bật ngay ra đằng mồm: sao không gửi email chút, cho bất kỳ một công ty truyền thông và văn hóa tư nhân nào? Nếu không được nữa thì ta post lên mạng? Cần thì ta tự in?

Về cơ bản, cái quãng 20 năm qua, khác khủng khiếp với cái quãng trước, không chỉ ở chỗ bỏ cả gia tài để mắc được chiếc điện thoại cố định và xin được một chân vào bưu điện thì ấm đời đời, mà giờ đây, với hàng loạt các platform mới từ forum, blog, e-zine, Facebook, Instagram (mà nếu thích tinh tế hơn nữa thì lại có thể xẻ đôi ra quãng 10 năm đầu và 10 năm sau, từ cái lúc chân ướt chân ráo có một chiếc Nokia cục gạch là đủ vênh váo với đời tới smartphone everywhere như bây giờ tưởng đã đầu thai mấy kiếp, và tôi vẫn hoài nhớ những ngày trèo tường lửa vào đọc talawas giật cảm xúc trên YM và tâm tình vạn chữ trên Yahoo blog, cho đến cuộc thiên di đẫm nước mắt sang Facebook vốn ngày trước từng chỉ dành để chơi quiz, và nếu ai còn nhớ chiếc mũ bảo hiểm xe máy trở thành thứ bắt buộc mà nay ta tưởng là từ lúc đẻ ra thực ra là có từ 2007) và vân vân mây bay, văn sĩ ngày nay có hàng vạn cách để công bố tác phẩm của mình. Hoài Thanh năm 1942 trong Thi nhân Việt Nam điểm mặt gọi tên nào dầu tây diêm tây vải tây chỉ tây kim tây đinh tây để nói về cái thời đại đã thay đổi rồi nhân thể đối đập ta các cụ tôi chúng em, thì 20 năm qua ai đã kinh qua chắc đều hiểu công với nghệ tác động đến đời và lối sống, đến văn hóa và hành vi, đến tư duy và hành xử (cụ thể nhất là đến khả năng trình diễn cái tôi của mỗi cá nhân) anh chị em đến mức nào, mà không cần phải mua sách để nghe tác giả văn cho mình nghe. Tôi còn chưa kể đến Youtube và Tiktok đấy.

Và hẳn phải khác với cái thời vừa đổi mới kể tên được loạt tên rượu là đã thấy sang hẳn cái phần người như trong Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, thời nay với hàng loạt ô tô đỗ hai vệ đường khắp ngang dọc thủ đô, với Gogi House, và The Coffee House, và KFC, và ai thích điền nhà hàng nào vừa mồm mình vào đây thì điền, với hàng loạt chung cư mọc lên vùn vụt băm nát cả Hà Nội, với hàng ngàn cuốn sách dịch mới hằng năm và cần thì ta mua luôn sách ship ở bển về đọc luôn bản gốc không thì libgen luôn ở bên ta, với CVG và phimmoi vừa bị đánh sập, với Netflix Spotify (dùng thế nào í nhỉ) hoặc thepiratebay, với tầng lớp trung lưu (style Việt) trồi lên tạo ra một diễn ngôn về thực phẩm nỗi sợ giúp bán hàng tôi có ông chú Viettel nhanh chóng cải thành em có ông chú có trang trại ở Sơn La và hoa quả phải mua ở cửa hàng nhập khẩu mới an toàn cho thế hệ măng non, du lịch năm xưa chỉ là luxury đi nghỉ cùng cơ quan phụ huynh, nay đã thành một phong trào xê dịch hay là chết từ trẻ tới già, một cú huých khủng khiếp từ tiền mới và Xách ba lô lên và đi (sản ra cả một dòng du ký và tiểu thuyết lấy bối cảnh ngoại quốc những oải hương là một tài sản, nhắm mắt thấy Mekong, mỏi chân một mình ở nước Ý, con lừa đừng khóc ở Mỹ), con cháu Âu Lạc không còn học và chơi ở mỗi Đông Âu hay các nước bè bạn mà trăm trứng đổ đi khắp thế giới tư bản sài lang: một thời đại mới đã ra đời, thưa liền anh liền chị. Kể ra một loạt hụt hơi như trên không phải để cho ta thấy rằng cái cũ đã chết: không phải thế, nào đâu phải thế, các hiện thực vẫn cùng nhau tồn tại, và quan trọng hơn, anh chị cảm thấy cái hiện thực nào mạnh hơn mới là vấn đề cốt yếu.

Tôi mào đầu dông dài như thế chẳng qua là để thỏ thẻ mà rằng cái quãng 20 năm qua nó pha tạp mạnh mẽ các dòng, các trường phái, các hiện tượng, và dẫu có trình hiện lại cái thời đại bằng cách nào chăng nữa thì các quán nước vỉa hè nơi có sẵn wifi là một thứ tồn tại phi thường mà không mấy quốc gia có được. Để nói về văn chương, bao gồm những tác phẩm được viết và được xuất bản, cả chính thống, lẫn phi chính thống, trong cái thời đại ấy, sẽ là một việc vừa hấp dẫn vừa khó nhằn. Mà để bắt tiếp vào cái mạch nhà nước-tư nhân, hiện đại-truyền thống, xoắn vặn không ngừng nghỉ như một cái theme không bao giờ thay trên màn hình điện thoại, tôi xin viện đến đầu tiên một tác phẩm mà tôi nghĩ là một chiếc gạch nối của cái giai đoạn văn chương hậu đổi mới, một giai đoạn các nhà văn say trong cái cơn văn nghệ sắp được giải phóng đến nơi rồi anh chị em ơi, khi mà Dương Thu Hương vẫn còn hồ hởi ở phía bên này bờ ảo vọng với Đại hội Nhà văn và mong những người viết trẻ phải “giành lấy quyền nói tiếng nói quyết định trong các vấn đề văn học và nhất là trong các công việc của Hội”. Đấy, tôi đã bảo thời đại mới rồi mà không tin.

20 năm qua văn học ta đã làm được gì: biến Nguyễn Việt Hà từ nhà văn trẻ thành nhà văn hết trẻ (và Nguyễn Bình Phương thành nhà văn bớt mới [3], đưa vào đền Nguyễn Xuân Khánh, khẳng định tên tuổi Hồ Anh Thái là nhảm nhí không cứu vãn nổi, và trình diễn hàng loạt cái tên đang tranh sủng, để nhanh chóng bị gom vào team văn trẻ). Cơ hội của Chúa ra đời 1999, viết về cái hiện thực của những năm 1980-1990, xin lại được cosplay Hoài Thanh, như một ngọn gió thổi suốt trong nam ngoài bắc. Người ta ới nhau phải đọc, và đọc trong đêm, và người ta giờ đây tiếc nuối về một thời văn chương có thể giữ được một vị thế lớn như thế trong đời sống văn hóa xã hội (đâu chỉ ở riêng Việt Nam, ở đâu giờ người ta cũng rên như bộng về cái thời quá vãng xa xăm nơi anh chị em nghệ gừng từng là trung tâm của vũ trụ, nhưng chấp nhận đi, bánh ngon thì phải chia cho mỗi người một miếng và ai khôn giật được spotlight thì cứ thế trình diễn cho đến khi bị giật xuống chứ). Cái hiện tượng văn chương được vồ vập như thế diễn ra thêm một lần nữa vào năm 2005, rồi e chừng đứt hẳn, trong 15 năm sau đó. Các tác phẩm ra đời và rơi tõm xuống đáy, tiếng vang nhiều hay ít hay chẳng hề có, dù là đạt giải A hay B của sáng tác văn học trẻ, dù là giải thưởng của hội nhà văn hay văn đoàn độc lập, dù là giải thưởng nhà nước hay giải thưởng Asean, dù chính thống hay ngầm. Tất cả đều bị quên lãng một cách nhanh chóng, nhanh hơn bất kỳ sự ảo tưởng nào.

Cơ hội của Chúa như cái vệt sao chổi sáng rỡ của văn học hậu đổi mới gợi được “không khí rất xã hội hôm nay” (Nguyên Ngọc) là cái đỉnh Nguyễn Việt Hà chơi cầu trượt tụt dần đều qua các tác phẩm tiếp theo và đến cuối (của hiện tại) là Thị dân tiểu thuyết, một tác phẩm ấm ớ bao sử phố với thứ văn bước từ bàn nhậu vào trang sách, đảm bảo nuôi thêm một lứa thạc sĩ đề tài nghệ thuật văn mồm, thì được vinh danh bằng Giải thưởng của Hội nhà văn sau đúng 20 năm Cơ hội của Chúa ra đời. Nhờ nó mà năm 1999 trở thành một năm có chút xôn xao khi mỗi khi tết đến xuân về người ta hay đem văn chương Việt ra tổng kết và cái cụm “một năm buồn” đã trở thành norm. Giờ đây khi đọc lại tôi chỉ thoáng ngỡ ngàng và lấy làm khó hiểu sao cuốn tiểu thuyết ấy lại có thể được tôn vinh đến vậy: vì kỹ thuật tiểu thuyết quá mới mẻ với thay đổi ngôi trần thuật, vì ngòi bút táo bạo phơi bày xã hội kim tiền rượu mạnh dẩy đầm gái gú lưu manh trí thức tha hóa etc.?

Có rất nhiều chuyện có thể gán vào và từ đó mà tán tiếp về sự ra đời của Cơ hội của Chúa (mà những ai muốn nghiên cứu về xuất bản tư nhân và vai trò của nó với văn học Việt Nam đương đại thì chắc phải tìm hiểu về nhà sách Kiến Thức của Dương Thắng nơi đã in một loạt những tên tuổi đình đám sau này như Đỗ Hoàng Diệu, Thuận, đấy là còn chưa động đến mấy tác phẩm Tây như Hạt cơ bản với Từ điển Khazar), và việc tiếp nhận nó. Một trong số đó là chuyện bí hiểm không lời đáp mà có thể rất can hệ với hiện tượng tiếp theo tôi sắp liệt ra đây: Cơ hội của Chúa có bao giờ bị cấm dù lệnh giấy hay mồm (một kỹ thuật tế vi vô ngần hữu dụng ở thời đại cap màn hình), hay vì no đòn đánh đập của đám phê bình mà rén quá phải ngừng phát hành? Quãng thanh xuân ở khu Thanh Xuân cái thời mà bát phở chỉ 5 nghìn và hẳn nhiên cũng chỉ với ngần ấy ta đổ đầy được một bình xăng (kỳ lạ thay giá xăng đã quay lại hệt như vậy khi cả nước ta lockdown) tôi ngang qua một tiệm sách ở khu trường nhân văn thấy chễm chệ Cơ hội của Chúa ngồi trong tủ kính hỏi xong giá thì lẳng lặng quay đít bước đi. 250.000 đồng ấy mà để mua tăm thì. Cái việc đẩy giá lên trời nhờ bị cấm cản trở thành một hiện tượng phổ biến cho những năm sau đó (tiện mồm kể luôn ở đây Mối chúa của Tạ Duy Anh), và cái bị bốc lên hóa ra không chỉ dừng lại ở giá mà còn ở cả đánh giá chất lượng tác phẩm.

Và năm 2000 đến, trong khi rất nhiều người sống trong tâm trạng tận thế đến nơi rồi anh chị em ơi, thì Chuyện kể năm 2000 xảy ra. Lẫm chẫm bước sang thiên kỷ mới, những ngày giáp Tết Canh Thìn một cuốn sách ra đời trong muôn vàn bí mật và hồi hộp mà đọc hồi ký tác giả kể lại sau này cái cảnh 200 quyển sách để dưới sàn cạnh giường nằm hai vợ chồng Bùi Ngọc Tấn mà tôi thật lòng thấy rưng rưng (tôi quote chứ không bịa: Hậu Chuyện kể năm 2000 – Thời biến đổi gien). Hiện thực nghiệt ngã vẫn ghì sát ông và tác phẩm của ông đến phút cuối. Và nhìn lịch sử văn chương 20 năm qua theo cái góc nhìn sự kiện xuất bản thì Bùi Ngọc Tấn là một ca hiếm hoi.

Với ồ ạt văn chương dịch cầm trên tay cùng thời điểm cuốn sách vừa phát hành ở Mỹ, hòa vào cái dòng độc giả toàn cầu, với rần rần phim tây phim tầu, với quần quần áo áo kính mát đồng hồ hàng hiệu và hàng fake 1 fake 2 fake 3, với sushi và pizza, với mọi thứ có thể có của đời sống hiện đại, với hậu hiện đại với diễn ngôn nhập khẩu có khí muộn tận quãng 2000 đổ sau, đôi khi ta mờ mắt mà tưởng đang sống luôn ở bển mà quên rằng chỉ là hiện thực mới xâm lấn trên cái nền tảng cũ: ở Việt Nam không có nhà xuất bản tư nhân và hẳn nhiên mọi sự liên quan xuất bản đều nằm dưới quyền kiểm soát của cục. Nếu nhìn theo cái trục cấm đoán ấy, thì Chuyện kể năm 2000 là cú lẫy lừng nhất vì nó là cuốn sách có lẽ là đầu tiên trong 20 năm qua bị nghiền thành bột (hay có nhiều cuốn nữa mà báo đài mạng không cho tôi hay?). Nhờ các chiến sĩ ăn cơm nhà miệt mài scan sách tung lên mạng vào ngay hồi 2001 mà giờ đây nó tiếp tục được truyền cho hậu thế.

Vladimir Nabokov phán như đinh đóng cột rằng: “Chẳng có gì phải tranh cãi, thứ khiến cho một tác phẩm văn chương an toàn không bị sâu mọt và rỉ sét gặm nhấm không phải là tầm quan trọng về mặt xã hội mà là nghệ thuật của nó, chỉ riêng nghệ thuật của nó mà thôi.” Dù không ưa gì tay này, đôi khi tôi cũng phải công nhận tay ấy nói đúng. Xét về mặt giá trị lịch sử và xã hội, Chuyện kể năm 2000, được liệt vào dòng văn chương Goulag này, nằm ở trên đỉnh. Cộng thêm cả hiệu ứng khủng khiếp do nội dung trực diện của nó, một tác phẩm tự truyện của chính Bùi Ngọc Tấn, về những năm tháng ngồi tù không án cải tạo năm năm, tôi hoàn toàn hiểu vì sao rất nhiều người yêu thích nó. Bản thân tôi khi đọc Chuyện kể năm 2000 cũng thấy thực sự thương cảm và xúc động cho nhân vật Hắn, cho vợ hắn, con hắn, cho những người bạn tù. Bao nhiêu gan ruột, bao nhiêu đau đớn, bao nhiêu oan ức và căm hờn đều được đổ hết vào những câu những chữ. Trường hợp Bùi Ngọc Tấn và Chuyện kể năm 2000 là một ca quá đau thương đến nỗi khi ta đọc tác phẩm của ông thì lòng trắc ẩn sẽ lấn át luôn khả năng đánh giá về nghệ thuật của nó. Và bất kỳ ai dám nói lên tiếng ngược dòng nói một tiếng chê bôi đều có thể dễ dàng bị bêu đầu đưa lên giàn thiêu ngay tắp lự. Ít nhất trong một giới nhất định, quyền lực tượng đài được lưu hành và đảm bảo như vậy đó, mở mồm chê thì ngay tắp lự thành kẻ đốt đền.

Với tất cả sự kính trọng với bậc tiền bối, một con người say mê văn chương, một con người đi qua địa ngục mà vẫn một lòng với văn chương, cái con người hồi hộp lật bìa một, rồi bìa bốn cuốn sách khi ước nguyện thành sự thật, tôi nghĩ không thể áp dụng tiêu chí đánh giá dở hay vốn dành cho tác phẩm văn học cho những tác phẩm thuộc dạng tự thuật hồi ký dù nó được gọi là tiểu thuyết. Bởi thể loại sau cái quan trọng không nằm ở nghệ thuật mà nằm ở giá trị sự kiện mà nó kể. Thế nên với Biển và Chim bói cá, và Người chăn kiến, thật dễ dàng để nói cho ngay rằng chúng còn để lại nhiều điều nên hoàn thiện tí thì tốt hơn.

Adam Thirlwell trong The Delighted States viết rằng, Tolstoy xem đời thực đối lập với lịch sử, còn Perec xem đời thực đối lập với báo chí. Nếu nhìn lịch sử văn học theo góc nhìn sự kiện nổi bật, hoặc nếu nhìn nó trong cái thế đối lập giữa quyền lực nhà nước và nhà văn, thì năm 2002 ta lại xảy ra một vụ cấm sách nữa: Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh. Mà cũng trong cái quãng 20 năm ngắn ngủi này, thời thế đổi thay đến mấy bận, Xe lên xe xuống của Nguyễn Bình Phương từng phải in ở bển vào năm 2011, thì đến 2015 đã được in ở trong nước, xong ăn quả giải. 2002 Đi tìm nhân vật bị cấm, để rồi 2016 bèn vui vui vẻ vẻ nghênh ngang đăng đàn trở lại. Nhiều sự tình còn éo le mức Trư cuồng năm xưa của Nguyễn Xuân Khánh hàng quốc cấm mà đến người cầm nó cũng bị liên lụy (hay tôi tưởng tượng ra nhỉ), thì 2018 nó được trao giải Sách Hay cho cái bản makeup đã được airbrush đi dăm cái râu mọc ngược hơi chướng tai gai mắt. (Nguyễn Xuân Khánh cũng là một ca thực sự thú vị nhảy từ phẫn uất tố cáo xã hội sang tiểu thuyết lịch sử văn hóa mà để tránh thương tật tôi dừng luôn ở đây.) Tâm tình biến đổi như thế thì nói chung không ai biết đâu mà lần. Nói về giải thưởng thì Trần Dần còn được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 và Giải Thành tựu trọn đời của Hội nhà văn Hà Nội, và dẫu thời đại phóng khoáng cho Ngã tư cột đènĐêm núm sen được trở lại nhưng Trần Dần Thơ thì vẫn thành hàng hiếm đâu tận 2,5 củ. Câu chuyện xuất bản văn chương và tiếp nhận biến đổi như thủy ngân này, âu cũng là cái liễn. Nếu phải chọn một cái năm văn chương đáng nhớ, một cái năm đầy ắp sự kiện, một cái năm vỗ béo cho báo chí, thì có lẽ 2005 là cái năm ấy. Quãng tháng 4 ta có Chinatown của Thuận, đến tháng 7 Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra đòi, cơn bóng đè Đỗ Hoàng Diệu ập quãng tháng 8-9, chưa kịp hoàn hồn sau bao drama (mà giờ đây đọc lại thấy cả một thời phê bình nướng chả người đẹp tự tin sôi nổi trên talawas [4]) thì bão Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận vào tháng 11, biến luôn thành vòi rồng vào mà khi vào tháng 3 năm 2006 Cà Mau xa xăm đòi kỷ luật nhà văn, một cọng đu đủ thần kỳ thổi Nguyễn Ngọc Tư bật lên từ đó. Bài học ở đây là gì: dính cái trấu án giúp bán sách lah.

Năm 2005 còn có gì đặc biệt nữa? Cuối 2004, Việt Nam đã tham gia công ước Berne. Và từ đây vĩnh biệt văn học dịch không bản quyền (dù bao tác phẩm được dịch lậu và phát hành vẫn đầy ra đấy). Những công ty xuất bản tư nhân bắt đầu startup và dần chiếm lĩnh thị trường. Nếu có cái gì tác động khủng khiếp tới văn học Việt Nam trong 20 năm qua thì tôi phải kể ngay và luôn là sự kiện văn học dịch. Nó o ép thằng bạn văn học trong nước: nó làm thỏa mãn cơn khát sách và nhu cầu vừa phù phiếm vừa công chính được sánh vai ít nhất trong chuyện tiêu thụ sản phẩm văn hóa đọc cùng các cường quốc năm châu, ở đủ mọi thể loại, từ sến sẩm ngôn tình, trinh thám giật gân, đến tinh bông cao cấp, từ giải thưởng ao làng tới Nobel Booker, nó làm lung lạc độc giả khiến đồng bào với nhau mà quay mặt với hàng Việt Nam, dã man hơn, nó còn khiến người trong một nước nghi ngờ và khinh thị nhau đến mức không thèm đọc văn Việt. Đấu lại với nó bằng gì đây, chủ nghĩa dân tộc ư? Ta bèn tản văn chút. Đã có thơ, nay lại còn tản văn, tha hóa cả cụm cho lành mạnh.

Nói cho vui mồm như thế không có nghĩa là toàn chuyện xấu cả, cái văn học dịch ấy. Nó trở thành nồi cơm nuôi sống hằng bao con người, nó tạo ra mấy thế hệ dịch giả và biên tập viên mới (nhân đây tụng ca luôn những người đối chiếu đêm ngày hót không biết bao nhiêu đống phân), nó giúp bao con em thỏa bao năng lượng công chính và hiếu sát chữ nghĩa trên trường văn trận bút. Và nó còn giúp đào tạo cả tác giả và độc giả nữa. Gì chứ có thể kể ngay bà Svetlana Alexievich Nobel Văn chương 2015 với cái ý tưởng văn chương tư liệu khi được dịch sang tiếng Việt đã giúp tạo ra ít nhất 3 môn đồ: Võ Diệu Thanh với combo Về từ hành tinh ký ức, Phan Thúy Hà với Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Gia đình, và Đặng Hoàng Giang với Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Tôi không rõ bà Alexievich nếu biết được thì có gào lên gia môn bất hạnh không khi út đệ tử họ Đặng đã tóm luôn cái bí kíp của bà rồi luyện công thế nào viết nên xúp gà cho tâm hồn quấy chung cha mẹ độc hại  của riêng mình, whatever vỏ.

Quay trở lại với 2005, có rất nhiều chuyện để nói và không đáng để nói. Bóng đè thuộc luôn team 2. Nguyễn Ngọc Tư thì tôi rất hy vọng mình không bị bịp, bởi tôi có cảm giác đây là một cú lừa khủng khiếp, trừ phi tôi đã rơi vào cái bẫy đọc quá đà vào văn bản của chị. Đọc lần lượt các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư từ đầu tay Ngọn đèn không tắt (được Giải thưởng văn học tuổi 20, một giải thưởng thật sự rất nhiều tiền vung tay gieo hạt chờ nảy mầm may mắn gặt được quả ngọt mà Nguyễn Ngọc Tư và Dương Thụy là hai sản phẩm hái ra tiền nhất) đến nhưng Cánh đồng bất tận qua Gió lẻ, qua tiểu thuyết Sông đầu tay, qua Đảo tôi nhận ra điều gì: giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu thay đổi, từ thuở ban đầu đặc sản ngôn ngữ vùng miền còn dùng tiết chế và văn đọc còn tương đối trơn tru. Một thứ khác tăng nồng độ đậm đặc: cái ác mà đến Sông thì thành một mùa địa ngục (© Nguyen An Ly chôm Arthur Rimbaud). Mà bởi chưng cái vỏ mùi mẫn, bay là là trên cánh đồng cải lương, người ta rất dễ đẩy luôn Nguyễn Ngọc Tư xuống chiếu dưới. Đấy là còn chưa kể bất hạnh làm sao cứ sách chị mới ra là hàng ngàn cuốn hết vèo với tốc độ chóng mặt, người người làm sách nói Nguyễn Ngọc Tư, nhà nhà trích dẫn Nguyễn Ngọc Tư: Một nhà văn bán chạy mà lại được coi là tài năng nữa, một kẻ “tốt phúc” hiếm hoi như thế thì căm phẫn để đâu cho hết? Nếu đã thỏa mãn được số đông như vậy, ắt hẳn không phải tinh hoa gì. Cũng cần phải nói luôn truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư gần như không có một truyện có thể coi là hoàn hảo, sẽ luôn có một cú gãy ở đâu đó, thường là cái kết. Đọc Nguyễn Nguyễn Tư cũng phải đãi cát tìm vàng. Nhưng nếu đọc kỹ thì sẽ thấy Nguyễn Ngọc Tư lén ném những chuyện cực kỳ đen tối và xấu xa mà giấu tay, mặt thản nhiên như không. Giữa góc bếp chái nhà khơi khơi thảy ra hiếp dâm, loạn luân, bạo hành, chém giết. Xong phủ luôn lớp rơm nỉ non đàn bầu, tiện thì cho luôn nhạc nền bolero, có ai mảy may nghi ngờ nhân vật toàn kẻ thủ ác. Lại còn những cuộc biến mất, những cú bỏ rơi, những cuộc bỏ đi tan đàn xẻ nghé. Đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư mà hình dung ra cái miền Tây theo văn chị thì chắc không khác gì đọc truyện trinh thám Bắc Âu thấy vùng đất thiên đường bao người Việt sime từ Ikea tới dạy con tới lagom sao mà đẫm máu rơi tuyết phủ.

Chuyện hình dung thế giới hư cấu trùng khít với đời thực này liên quan tới Cánh đồng bất tận và chuyện nó bị kiểm điểm vì bôi đen hiện thực, bởi trong mắt Sở văn hóa thông tin tỉnh Cà Mau thì Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn phản động đáng bị lên án. Bất kỳ độc giả nào muốn giải trí tôi tặng luôn keyword “Vưu Nghị Lực” và bản án chế độ Nguyễn Ngọc Tư đăng hùng hồn trên báo, xin trích luôn ở đây:

Nếu các bạn vẫn bảo lưu đứa con bệnh hoạn này, còn định làm thành phim nữa, thì tôi xin thay mặt 80% nông dân lam lũ mà trong đó có cha mẹ, ông bà tôi, cha mẹ ông bà của các bạn hãy vị tình mà bỏ hai chữ “cánh đồng” đi. Nên thay vào đó bằng hai chữ “vũng lầy bất tận”, vì với các bạn thì “cánh đồng đã tận” rồi. [5]

Rất nhiều người lồng lên vì cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã bóp mép và bịa đặt hiện thực: “Ví dụ như miêu tả gái điếm mà NNT dùng từ “dập dìu trên bờ đê” thì làm gì có”, “hoặc như chi tiết: ông già chơi đĩ xong đã trả tiền cho đĩ ngay trước mặt con là không có.” [6] Từ việc chỉ trích Nguyễn Ngọc Tư ăn không nói có, người ta đi đến cái câu hỏi: sự tồn tại đến phi lý của cái hiện thực hệt như trong Tắt đèn ngày xưa mà “chị Dậu bồng con với ổ chó đi bán, đã là hiện thực phê phán tận cùng rồi nên cách mạng phải đánh đổ nó đi”. Rồi tiếp từ đó đi đến một số kết luận tác phẩm: (i) không có tác dụng giáo dục xã hội, giáo dục con người, (ii) nhà văn không nhân ái. Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư đã thất bại khi không thực hiện được chức năng của nó là chức năng giáo dục và định hướng. Đọc văn chị người ta mất niềm tin vào cuộc đời. Hãy để tôi được làm một người ngây thơ mà tin rằng những dòng buộc tội đanh thép không chỉ của Vưu Nghị Lực và Dương Việt Thắng trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau là những lời gan ruột mà họ thực lòng tin là thế. Nào có lẽ, nhưng chắc họ chỉ là sản phẩm của lối dạy văn, rằng văn học hiện thực tố cáo xã hội cần đánh đổ, bằng cách mạng, bằng chủ nghĩa xã hội, phải gợi ra cái tươi đẹp do xã hội cộng sản xây nên, giờ đến thời cộng sản rồi mà lại đi xây dựng hiện thực đen tối thì há chẳng quá là thì bất hợp lý ư? Con gái trong nhà đọc Cánh đồng bất tận mà khen hay thì ăn tát, nhà văn phóng uế cánh đồng thì phải bị phê phán nghiêm khắc. Cách diễn giải của họ, trong cộng đồng của họ, chính vì thế, là hoàn toàn hợp lý.

Câu chuyện đạo đức hóa văn học này thực ra đã thành cliché, vì ngay cả những người bênh Nguyễn Ngọc Tư thì cùng ở đúng trong cái cộng đồng diễn giải đó mà dùng đúng cái lý lẽ nhà văn nhân ái tấm lòng rộng như nước biển Đông khiến độc giả xót xa như rụng bàn tay vì gia đình tan vỡ kiếp người lầm than cõi nhân gian “bất tận những vui buồn, hạnh phúc và hy vọng của kiếp người”. Lại thêm cái kết mong trẻ em có ngày đến trường đặt tên thương yêu của Nguyễn Ngọc Tư thì giời ơi tim nào không chảy. [7] Một cách biện hộ cũng đã cũ mèm và câu chuyện sẽ chẳng có gì mà nói nếu không có chuyện Nguyễn Ngọc Tư trở thành bung xung đại diện cho một lớp nhà văn thỏa hiệp chọn lối viết an toàn trong khi hiện thực Việt Nam đang mục ruỗng (cái này nghe quen quá, Nguyễn Nhật Ánh hình như cũng bị xiên bởi đúng luận điểm này). Tôi không khỏi lấy làm thất kinh nghĩ đến chuyện suốt mấy trăm năm qua, từ các nhà nho đau đáu nghĩ chuyện văn thơ thuật hoài tỏ lòng, đến đâm mấy thằng gian bút chẳng tà mà cháu bé thi học sinh giỏi nào cũng phải thuộc làu văn dĩ tải đạo, đến nay ở trong thơ nên có sắt hay thép mà xin kẻ thù tí huyết, chúng ta cứ đi hết trận quyền này đến trận quyền khác mà tẩn nhà văn khi văn chương không viết được theo đúng cái chính trị mà chúng ta muốn.

Vấn đề về trình hiện mảnh đất miền Tây sông nước của Nguyễn Ngọc Tư dẫn đến “phê phán nghiêm khắc”. làm tôi không khỏi băn khoăn mãi về chuyện tái hiện hiện thực và cái gọi là sự thật, mà hóa ra Edward Said đã bàn nát cả nước từ lâu:

Song vấn đề thực sự là liệu người ta có thể có một cách tái hiện đúng như sự thật về bất cứ cái gì hay không, hay là liệu mọi cách tái hiện hay bất kì cách tái hiện nào – bởi chúng đúng là tái hiện – cũng đều bị gắn chặt đầu tiên là trong ngôn ngữ, sau đó là trong văn hóa, trong các thiết chê và trong môi trường chính trị của người tái hiện. Nếu khả năng thứ hai là đúng (và tôi tin như thế) thì chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận cái thực tế rằng mọi cách tái hiện đều tự thân nó phải gắn bó, đan xen, cài chặt, ràng buộc với nhiều thứ khác nữa ngoài “sự thật”, cái sự thật mà vốn dĩ bản thân nó cũng chỉ là một sự tái hiện. Về mặt phương pháp luận, điều này dẫn ta đến chỗ phải coi những sự tái hiện (hoặc tái hiện sai – hai thứ này chỉ khác nhau về mức độ) là nằm trong sân chơi chung dành sẵn cho chúng, [cái sân chơi ấy] không phải chỉ dựa trên một chủ đề chung tự thân nào đó, mà còn dựa trên một số nhân tố chung về lịch sử, truyền thông và không gian diễn ngôn. Bên trong cái lĩnh vực hay sân chơi ấy, mà không một học giả nào có thể đơn độc tạo ra được song từng học giả đều tiếp nhận và sau đó tìm thấy một chỗ cho riêng mình ở đấy, nhà nghiên cứu cá nhân đưa vào phần đóng góp của mình. (Đông phương luận, nhóm dịch, NXB Tri Thức, trang 414-5)

Cách nhà văn xử lý hiện thực như thế nào, sự tồn tại độc lập của thế giới hư cấu, và tự do của nhà văn trong sáng tác là một chuyện, sự tái hiện thông qua phương tiện là ngôn ngữ và không gian diễn giải còn là một phần khác nữa.

Những đình đám Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Đặng Thùy Trâm chiếm hết sự chú ý của độc giả hồi 2005 nên dễ hiểu Chinatown của Thuận, hồi ấy, không gây được mấy tiếng vang. Với tôi, đây là tác hay nhất của Thuận, mà nếu lại tha hóa mà bình chọn top 10 Văn học Việt thì nghiễm nhiên cho cháu nó vào. Tôi nhớ mình đã say mê thế nào trước những đoạn văn hút như nước trong bồn rửa bát khi ta bỏ nút. Chưa kể chuyện tình trai gái lại còn đau đớn thiết tha thời nay viết được chuyện tình yêu mà còn hay lại chẳng của hiếm. Sau Chinatown, Thuận có luôn một cô em ít nhiều hao hao người chị về mặt văn phong là Paris 11 tháng 8 (với những mẩu báo về sau Thư gửi Mina lại được tận dụng), mà tôi đã từng yêu thích vì hài hước. Câu chuyện dừng lại luôn ở đây thì chán chết nếu không có quả 15 năm sau. 15 năm sau tôi đọc lại một loạt các tác phẩm của Thuận trong một cuộc marathon thì nhận ra điều gì: Chinatown vẫn không phụ lòng tôi, nhưng Paris 11 tháng 8 thì có. Và ai sang đến T mất tích thì thấy ngay một cuộc thay đổi phong cách, ngoạn mục hay không, tùy quan điểm. Nếu phải chọn một gương mặt cho văn học Việt Nam đầu thế kỷ 21, tôi chọn Thuận, về cả chất lượng và sản lượng. Nếu phải lẩy ra một vài đặc điểm về phong cách của Thuận, thì đây: Thuận người đan dệt giữa các thực tại Hà Nội, Moscow, Paris. Thuận, với Made in Vietnam ràn rụa hiện thực Việt Nam chưa qua tinh chế, Chinatown bạt nghiêng chất Việt, để rồi bấm nút cho quá trình rụng cuống rốn bắt đầu (©  2020 Nguyen An Ly) qua Paris 11 tháng 8, đến thẳng T mất tích là rụng gần như sạch sẽ. Tiếp tục cách nhìn như thế lại thấy một vòng quay ngược ở các tác phẩm tiếp theo (và ta thấy cả những sáng tạo của các cuốn sách đã được manh nha ở các cuốn trước giờ đây được đẩy lên làm chính diện như con số 4 của Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư). Đây nữa, nếu Nguyễn Ngọc Tư là những cuốn biến mất và cái khoảng trống nó để lại, thì Thuận là truy đuổi và tưởng tượng những thứ biến mất. Và đây nữa, Thuận, với sự lừa đảo trong tính hư cấu của văn bản: cái ngón kỹ thuật cho nhân vật nhà văn có tác phẩm là chính tác phẩm của mình, một tí tung tẩy Kafka Kundera Duras, một tí hỏa mù tự thuật tiểu sử, nêm nếm vừa đủ và gọn gàng. Đến Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư độc giả đã gặp một Thuận khác. Ông phê bình Kazin của nước Mỹ có nói đại ý thời đại này của chúng ta vụn ra từng mảnh phê bình được hít hà còn văn chương nằm mốc xó nhà, hồi xưa đọc Melville, Proust xong có cảm giác bản thân được đập đi xây lại còn nhà văn giờ đọc xong chỉ thấy có cảm giác thán phục như trước người làm xiếc khỉ. “Họ được ngưỡng mộ, chứ không yêu,” Kazin kết luận. “Trong khi từ khóa phải là ‘yêu’.” [8] Chinatown tôi yêu còn tháng Tư thì nhiều người choáng ngợp ngưỡng mộ.

Quá trình đọc lại cho tôi nhận ra thêm một vài điều nữa, mà cái lý thuyết reader-response đâm ra lại rất hợp lý: tôi của 15 năm trước tiếp nhận Thuận, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Ngọc Tư, khác hẳn tôi của 2020. Tôi hiểu tại sao Giải thưởng văn học của Hội nhà văn (tôi nhắc nhiều đến cái hội này nên phải đính chính ở đây là vì nó là cái giải chính thống duy nhất có thể đem ra giễu cợt thành ra nhắc chút chứ không lại bảo tôi sùng bái nó thì hiểu nhầm nhau thế thì có bằng mười yêu nhau mất), cho Và khi tro bụiParis 11 tháng 8 vào cái thời điểm đó, khi người ta trẻ, mà giờ đây khi đọc lại cả hai đều bị đánh trượt đi vài sao. Thời điểm hiện nay thì tôi có thể không ngần ngại mà xếp luôn vào viết dở, đều giải thưởng cả, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân và Dằng dặc triền sông mưa của Đỗ Phấn.

Và cũng chính đọc lại tôi nhận ra Chinatown của Thuận khiến tôi muốn bỏ dở. Tôi vô cùng biết Tim Parks – một người mà tôi chỉ mong được bái làm thầy, bởi những nhận định sắc bén – không nề hà gì chuyện chỉ thẳng mặt phán dở bất kỳ ai. Parks dẫn nam thần Kafka mà rằng qua một điểm nhất định, nhà văn có thể quyết định kết thúc tiểu thuyết ở bất kỳ giây phút nào, với bất kỳ câu nào, và ông gọi nó là “sự thanh tẩy nhờ kiệt sức”. Parks dẫn một loạt Elfriede Jelinek, Thomas Bernhard, Samuel Beckett, Christina Stead. “Văn xuôi tiểu thuyết của Beckett càng ngày càng ngắn hơn, càng ngày càng đặc hơn khi ông đưa cái điểm làm cho kiệt sức càng ngày càng xa hơn.” Tôi đọc lại Chinatown và có cảm giác tôi có thể bỏ dở đâu đó khi đã quá bán, ở bất kỳ trang nào sau đó, bởi quả có thật, tôi đã đến được điểm mà tác phẩm này đã làm cho tôi thỏa mãn rồi.

Đặt một cuốn tiểu thuyết xuống trước khi kết thúc chỉ đơn giản là thừa nhận với tôi hình dạng của nó, chất lượng mỹ học của nó, nằm trong sự đan dệt với cốt truyện, và, với những cuốn tiểu thuyết hay nhất, nằm trong sự ăn khớp của phong cách viết với cái sự đan dệt đó. Phong cách và cốt truyện, tầm nhìn chung và chi tiết cục bộ, cùng nhau làm mê hoặc trong một mớ rối rắm hoàn hảo. Một khi cấu trúc đã được dựng lên và quả bóng trần thuật đang lăn, nhu cầu cần có một cái kết chỉ còn là một gánh nặng đáng tiếc, một sự bối rối, một sự khép lại tồi tệ của không biết bao nhiêu khả năng. [9]

Tôi lùng trong văn chương đương đại làm ta thanh tẩy vì kiệt sức. Và cuối 2010 Chết trong ngày Chúa nhật ra đời.

     (Còn tiếp. Hoặc đã hết.)

Zét

[1] Xem thêm bài “New voices: Socio-cultural trajectories of Vietnamese literature in the 21st century” của Dana Healy (School of Oriental and African Studies) để có danh sách những cái tên văn chương mới.

[2] http://www.procontra.asia/?p=6179

[3] Nguyễn Việt Hà trả lời phỏng vấn:  “Tôi đọc hầu hết các tác phẩm văn học, nhất là văn xuôi 20 năm lại đây trừ Nguyễn Bình Phương là chưa vì mới quá. Tôi khó có thể nói một lời thích hoặc không.”.

[4] http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5872&rb=0102

[5] https://tuoitre.vn/doi-thoai-voi-canh-dong-bat-tan-131732.htm

[6] https://tuoitre.vn/canh-dong-bat-tan-khong-phan-dong-nhung-131578.htm

[7] https://vnexpress.net/chia-se-cung-nguyen-ngoc-tu-va-canh-dong-bat-tan-1888023.html

[8] Một bản dịch tử tế: “Ta sống trong một kỷ nguyên vừa chuyên hoá và rã đám, một kiểu đại hạ giá văn chương để nhường bước cho phê bình. Melville, Proust, những nhà văn bạn ngỡ như đang tái tạo con người bạn. Đọc họ xong và bạn trở thành một con người hoàn toàn mới. Những nhà văn ngày này thì lại được ngưỡng mộ vì những lí do kĩ thuật. Họ nhận được bao sự hâm mộ, chứ không phải tình yêu. Từ ăn tiền ở đây chính là ‘tình yêu’.”

[9] Tim Parks, “Why Finish Books?” trong Where I’m Reading From The Changing World of Books.

Chấm sao chút:

Đã có 8 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

2 Trackbacks & Pingbacks

  1. Trà đá wifi về văn chương đương đại | MLN's Blog @ Computer Science
  2. Wifi Iced Tea Shooting The Breeze On Vietnamese Contemporary Literature | Zzz Blog

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*