Tiểu thuyết về tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thị dân tiểu thuyết - Nguyễn Việt Hà
Thời gian đọc: 8 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)

Với tinh thần “tổng kết” văn học Việt Nam 20 năm đầu thế kỷ XXI mà tạp chí Zzz Review thiện lành khởi xướng, tôi mạnh dạn nghĩ: sẽ là một thiếu sót to nếu không nhắc nhở, ở một mức độ hợp lý, đến Nguyễn Việt Hà, hao hao như Văn kiện Đảng mà thiếu Nghị quyết. Văn chương NVH là một Nghị quyết quan trọng của “nhiệm kỳ 20 năm” này. Mỗi cuốn tiểu thuyết gắn tên Nguyễn Việt Hà trên bìa luôn được bảo chứng bằng những sốt sắng bất đồng trong dư luận đọc. Tức là cái ông tác giả ấy phải có gì đáng nói, còn những thứ đáng nói ấy có đáng kể hay không thì còn để xem.

Đọc Cơ hội của Chúa, Hoàng Ngọc Hiến có một nhận định mang tính đối chiếu: “Văn học Việt Nam sau 1945, không hiểu sao vắng hẳn đi sự hóm hỉnh, sự bông đùa, rất hiếm những câu thể hiện sự tinh diệu của tinh thần…” mà về phương diện này thì tác phẩm của Nguyễn Việt Hà “thừa thãi”, “có thể xem là một cái mốc”. Theo sở đọc của kẻ viết bài này thì tình trạng thiếu vắng ấy còn kéo dài cho tới tận thời điểm hiện tại (2020). Nghe rất ngứa ngáy vì dân tộc ta rõ ràng là một dân tộc thích đùa, đặc biệt trong ngữ cảnh Việt Nam đương đại với ngày càng đậm đặc những tiếng cười hềnh hệch song hành cùng những tiếng khóc tu tu. “Cười” đương nhiên là yếu tính của đời sống-thực tại, nhưng nó có quan yếu với đời sống-tiểu thuyết hay không lại là một câu chuyện khác nữa. Cái cười ở ông là một hình thức-tiểu thuyết nảy sinh từ quá trình xử lý và tổ chức lại chất liệu-đời sống theo cách riêng khác của tác giả. Chính nó đã khiến/giúp/đẩy Nguyễn Việt Hà văng đi rất xa khỏi khối rắn đặc trầm lắng của văn chương Việt Nam cuối thế kỷ trước gối đầu sang thế kỷ này. Nhưng thực ra, nếu có một danh vị chua chát dành cho nhà văn, là “thư ký trung thành của thời đại”, thì có nhẽ tôi phải chọn Nguyễn Việt Hà quá. Mới đây, khi nhà văn này ngậm ngùi trả lời phỏng vấn – được tạp chí Văn nghệ quân đội giật thành tít – rằng “Mỗi cuốn tiểu thuyết là một đoạn đời”, người ta cũng bất giác ngậm ngùi liên hệ tới những hay-dở tròn-méo trong đời viết lách. Rồi sau đây người ta sẽ thấy (hay đã thấy rồi) những thứ như “kỹ thuật”, “kỹ xảo”, “thủ pháp” nọ kia này khác, không phải là cái gì quá đáng bàn với trường hợp Nguyễn Việt Hà. Thành thử, tôi thấy khá khó hiểu khi nhiều đồng đọc ta thán tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà “khó hiểu”, có lẽ do sự khác biệt trong cách hiểu thế nào là “hiểu” – một vấn nạn của bao sự đọc-hiểu khác trong cuộc đời. Thà rằng nói là nó chán, nhảm, múa may, xoa xuýt… lại thành ra một nhẽ.

Quay lại tác phẩm. Nguyễn Việt Hà tới thời điểm này đã có 4 cuốn tiểu thuyết, được xuất bản gần như trọn vẹn trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ (Cơ hội của Chúa – xuất bản lần đầu năm 1999, cuốn mới đây nhất là Thị dân tiểu thuyết – NXB Trẻ, 2019). Thoạt nhìn qua một loạt nhan đề 3 cuốn đầu tiên, dễ thấy loạt từ vựng chạy trên một thang độ “Chúa<—>Người”: có Chúa (Cơ hội của Chúa), có mặc khải (Khải huyền muộn), có người (Ba ngôi của người). Đang trong tương quan Chúa-Người ấy thì bụp một cái là Thị dân tiểu thuyết, một nhan đề nghiêng hẳn sang màu sắc thế tục, trực diện và cụ thể. Cuốn tiểu thuyết thứ tư này được trao giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội ở hạng mục “văn xuôi” vào đúng ngày Chúa đẻ năm vừa rồi. Tạm vẽ vời ra thế này, bộ ba kia như 3 điểm tạo thành một tam giác: ta luôn hình dung được một đường tròn ngoại tiếp tam giác đi qua 3 đỉnh. Cuốn thứ tư chính là là cái đường tròn ấy, được “vẽ” ra với hình tướng xác định của những không gian: Phố – Ngõ – Vẫn là phố, thời gian: Từ đâu đến – Đi về đâu – Không đâu hay dưới dạng văn bản Chân thư – Ngụy thư – Toàn thư (tên các phân đoạn trong tác phẩm). Tâm đường tròn ứng với Ngôi Lời-thị dân, cái “tâm” ấy bành trướng ra khắp không gian-thời gian tiểu thuyết – gần giống với thuật ngữ “sợi chỉ đỏ” mà các cô giáo dạy Văn phổ thông lâu nay ra sức lạm dụng. Ngôi Lời được trình hiện thông qua hành động ngôn từ – “tiểu thuyết.”

Ngay ở lời đề từ Thị dân tiểu thuyết, tác giả đã xác quyết: “Tiểu thuyết là Ngôi Lời kể lể nhỏ.” Thị dân thế nào thì Ngôi Lời thế nấy. Đọc tới trang cuối của cuốn sách, đồng thời là mấy trang cuối của bản thảo mang tên “Sử phố” thì lại thấy “những lời linh tinh mượn màu đại thuyết nhưng cũng chỉ là thứ kể lể lảm nhảm đậm tính tiểu thuyết theo kiểu nói nhỏ vỉa hè của đám thị dân.” Như thế, Tiểu thuyết – “Lời nhỏ” ở đây được đặt trong tương quan với Đại thuyết – “Lời lớn”. Đại thuyết thì mang tính toàn tri, toàn hảo, đúng đắn, tuyệt đối… còn Tiểu thuyết thì vừa đúng, vừa sai, vừa không sai không đúng, lung tung. Diễn giải như thế phải chăng là một cách rào trước, để tiện bề biện minh cho những bất trắc trong cấu tứ, diễn đạt, cú pháp, luận lý… – rằng đây là thẩm quyền của Tiểu thuyết? Quả thực, cái lối trần thuật “kể lể nhỏ” ấy rất dễ được quy là lảm nhảm to, và cá nhân tôi đọc cũng thấy không ít chỗ lảm nhảm thật. Nhưng ấy là trong những phân đoạn mà nhân vật hoặc đang tập bay hoặc vừa độc ẩm hết chai Macallan 1 litre. Vấn đề đặt ra là nhà văn/tác phẩm viết về đối tượng là sự lảm nhảm thì có bị nhảm theo không. Chính ở điểm nút nhập nhằng này, nhiều phê bình, tố cáo – ngấm ngầm dữ dội có, oang oang trìu mến có – rằng Nguyễn Việt Hà lấy tản văn ra xào, thêm ít bột nêm thành tiểu thuyết. Thì nên hiểu đó là một lời khen. Còn những lời khen vờ vịt sâu sắc khá phổ biến khác, trên tinh thần coi giọng văn Nguyễn Việt Hà đặc sắc ở chỗ sâu cay giễu nhại thì hóa lại phải hiểu thành lời chê mới phải đạo. Văn chương mà chỉ chăm chăm xem “giễu” cái gì với “nhại” cái gì thì mệt chết đi được. Trong khi cứ đọc bình thường cũng thấy chất mai mỉa, tự trào – đôi khi gây được những tràng cười khùng khục trong cổ họng – của Nguyễn Việt Hà là một đóng góp đáng kể về giọng điệu cho văn chương Việt Nam đương đại. Nguyễn Việt Hà phả vào các nhân vật của mình cái Ngôi Lời-thị dân độc thủ, mai phục trong từng phiến đoạn, khiến người đọc phải dè chừng. Lời của nhân vật này chồng lấn lên lời nhân vật kia, đôi khi tạo cảm giác ngang hàng với lời tác giả, tác giả không chỉ nói về nhân vật mà còn nói với nhân vật. Tất nhiên, bỏ nhỏ nhiều thì sẽ có lúc bị bắt bài nhưng nói chung, tôi vẫn thấy Nguyễn Việt Hà giữ được phong độ trong những pha xử lý quyết định ở vạch baseline. Nói chung nữa, là đọc không thấy mệt.

Trần Ngọc Hiếu – trong Lời nói đầu của Thị dân tiểu thuyết đã ngược dòng lịch sử liên hệ với những là Tú Xương, là Trọng Phụng, hàm ý: thời đại thị dân nào cũng cần cho mình một nhà tiểu thuyết, vai trò same same như thế. Tuy nhiên, các nhà báo nữ phải hết sức cảnh giác. Tuyên xưng Nguyễn Việt Hà như một nhà văn “chuyên” viết về đề tài Hà Nội là một cách diễn ngôn trơn mồm gây không ít hiểu lầm. Cái đô thị có tên “Hà Nội” trước sau không phải đề tài tối hậu. Hà Nội không đi vào tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà. Mà là từ trong ấy có một Hà Nội đi ra, mặt mũi tai tái nhàu nhĩ như gương mặt thương hiệu của anh Hoàng Cơ hội của Chúa, để truy vấn cái Hà Nội-cụ thể trong thực tại. Đó là một “possible Hanoi” – một không gian luân lý nơi những mệnh đề đúng-sai được xác tín theo phương cách khác, kiểu “beyond good and evil”. Nguyễn Việt Hà không giấu diếm tham vọng tái định nghĩa mọi thực thể liên quan: Thị dân là thị dân nào? Hà Nội là Hà Nội nào? Lắng hồn núi sông ngàn năm văn hiến hay lãng mạn cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ hay thế nào thế nào…

“Big question” này được thông giải qua câu chuyện của một con phố nhỏ có tính điển phạm, mà mô tả về nó như sau, “phố nhỏ của cậu không dài, đầu phố có một nhà thờ to vừa phải nằm sâu trong khuôn viên có tượng bà Maria bế con mênh mông rộng. Giữa phố có chùa và cuối phố có đền…” Một mô hình “tam giáo đồng hiện” gợi không ít suy tưởng về tinh thần “hướng đạo” đương đại. Tham vọng đương nhiên là không chỉ đi ngang phố trong không gian hiện tồn mà còn đi dọc suốt sử trình của nó, để lần tìm ra nguyên ủy của cái phố này – cũng là của cái Hà-Nội-này. Tham vọng ấy được kết tinh trong suy tư của một thằng dớ, “thằng Hải ‘dớ’ chợt nhiên buồn bã, nó trầm trầm mông lung: ‘Thế theo mày, cái phố của mình nó từ đâu đến?’ ” Cần biết, nhà “thằng Hải ‘dớ’ ” sau rồi cũng bán nốt, chủ mới cho xây khách sạn và tiền sảnh là một nhà hàng dimsum – trong ngữ cảnh này, chính là cái “mặt tiền” nặng nề của một xã hội tiêu thụ. Cảm thức vong thân hiện lên thấy rõ, lần lượt các nhân vật đánh mất mình để buộc phải tìm lại mình ở tầng “sử phố”. Ngay từ đầu, ở cách dùng từ xưng hô với nhân vật – “ông Lâm”, “thằng Tĩnh” – Nguyễn Việt Hà đã cung cấp một chỉ dấu lồ lộ, một pha chơi bài ngửa về tính chất “dở ông dở thằng” của cái “thời lăng nhăng cầm lòng sống lăng nhăng” này. Đây là một ý hướng không mới trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, nhưng đến cuốn thứ tư này mới hiện nguyên hình. Không phải ngẫu nhiên mà cả 3 cuốn trước đó đều duy trì một mạch truyện lịch sử, xuyên suốt song hành cùng mạch đương đại – mạch chính (mà cũng chưa biết cái nào là chính). Ở Thị dân, mạch lịch sử bắt vào giai đoạn “cận đại” với câu chuyện của “ấm” Bình xung quanh những trí sĩ như Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… và zoom vào sự biến “Hà Thành đầu độc”. Tác giả có phần chua chát khi đặt tên nó là: Ngụy thư. Cái “mạch” ấy chỉ mang tính gợi nhắc chứ tuyệt không có những pha luồn lách thô bạo vào ngóc ngách lịch sử, đủ giữ cho tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà một làn sương hư ảo cần thiết. Cảm hứng sử thi trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà biết đâu lại là một gợi ý không tồi dành cho những sinh viên văn khoa đang khốn khổ bí đề tài luận văn mà muốn rờ vào văn chương Việt Nam đương đại.

Túm lại, Thị dân tiểu thuyết là một sự quay vòng của Nguyễn Việt Hà, một cuốn sách đọc được, dù không thể gọi là hay so với bộ ba trước đó, thậm chí đôi lúc khiến người đọc hơi bực mình vì độ càn lướt trong diễn dịch. Nhưng sự vòng lại này là điều tất yếu phải đến, một năng ý toàn vẹn của nhà văn, một trách nhiệm giải minh những gì đã được dựng lên với nhiều phần bỏ ngỏ. Ngay chính nó cũng là cả một bỏ ngỏ không hề nhỏ, một sự thể chưa hoàn tất, một cái-đang-là.

Để kết bài cho gợi đòn một tí – xin chia sẻ một nhận định có tính loại suy: cuốn tiểu thuyết tiếp theo (hay cuối cùng?) – nếu có – của Nguyễn Việt Hà sẽ là một tiểu thuyết lịch sử./.

Bê Tê Vê

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Bê Tê Vê

Thợ sửa chữ ở Hanoi.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: