
(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)
Hơn hai chục năm trước, một tối mùa đông, ba tôi dắt chị em tôi đi bộ từ căn hộ tập thể ra ga Hàng Cỏ. Một hành trình ba ngày đêm bằng tàu Thống Nhất đang đợi chúng tôi. Nỗi hồi hộp còn lớn hơn cả hành lý chúng tôi mang theo, một chiếc va li loại nhỡ đựng mấy bộ quần áo, ít đồ dùng cá nhân và những quyển truyện Pháp mà ba tôi từng mua ở chợ trời Sài Gòn: hòn ngọc Viễn Đông những năm đầu 80 thiếu gạo, thiếu thịt, thiếu fromage và rượu Bordeaux, nhưng không thiếu sách Pháp. Những sạp gỗ chất đầy sách ngoại, mới nguyên hoặc đã ố vàng, giá đưa tùy mặt người mua, trên đường Đặng Thị Nhu nối hai đường Calmette và Ký Con, là một hiện tượng rất Sài Gòn hậu tháng Tư. Một lần duy nhất từ Hà Nội được vào Sài Gòn công tác, ba tôi nhanh chóng trở thành tín đồ của chợ sách cũ. Nhất định trong một tuần công tác, ông phải ghé chợ mỗi ngày vài lần, lần nào cũng mang về một quyển, gói ghém cẩn thận đặt trong giỏ hàng xe đạp: thường là văn học Pháp cổ điển, nhưng đôi lúc bỗng lạc vào những cái tên xa lạ mà rất có thể là người bán, một giáo sư văn học nào đó của Sài Gòn cũ, đã thuyết phục ông mở hầu bao, tiêu hết số tiền được phát để ăn uống mỗi ngày. Những quyển truyện Pháp sau đó theo ba tôi ngồi tàu, cũng con tàu Thống Nhất này, vượt hai nghìn cây số, qua đèo Hải Vân và sông Bến Hải, để ra Hà Nội và ở lại trên bàn học của hai chị em tôi. Chúng như ánh sáng để chúng tôi nhìn vào, những năm đầu tiên của thời niên thiếu, những ngày âm u của Hà Nội, những ngày mẹ tôi không còn ở lại nhà.
Ga Hàng Cỏ buổi tối mùa đông đó, tôi còn nhớ mùi của những hạt mưa rất nhẹ chạm vào má. Trong tòa nhà chính, hành khách nằm, ngồi la liệt. Từng chồng các tông các cỡ xếp lên nhau và những thúng mủng, sọt tre, bị cói, đòn gánh của dân buôn chuyến. Hoa quả, bánh kẹo, đường sữa, phân bón, thuốc men, thậm chí thịt của những con trâu mới bị chết cóng trên những vùng núi cao. Thời bao cấp, tất cả mánh lới của các phi vụ làm ăn gói gọn trong việc nhanh mắt nhanh chân hơn mậu dịch nhà nước, còn lại thì bất cứ cái gì cũng có thể trở thành mặt hàng kiếm lãi. Tôi từng nghe những người hàng xóm trong khu tập thể kháo nhau rằng một bà bán đồ khô chợ Đồng Xuân, trình độ đâu như hết lớp ba, mà tậu được nhà phố cổ, chỉ nhờ chục lần cùng con cái mang tỏi từ Bắc vào Nam và mang hạt tiêu từ Nam ra Bắc. Hình như sau đấy, mấy đồng nghiệp của ba tôi cũng tìm cách xin Viện cử đi công tác Sài Gòn rồi mang theo mỗi người một yến tỏi. Vào đến nơi, các kỹ sư Hà Nội vác ra chợ Bến Thành để bán thì phát hiện tỏi đã mọc mầm gần hết. Lúc quay về, cố lấy lại chút vốn, họ mang theo mỗi người một cân hạt tiêu nhưng đến Hà Nội, vác ra chợ Bắc Qua thì phát hiện một phần ba là hạt đu đủ sấy khô. Vài năm sau giải phóng, người Bắc đã dạy xong người Nam những bài học cơ bản về tính thật thà xã hội chủ nghĩa.
Giữa đám hành lý ngổn ngang đủ loại đó thì chiếc va li của chúng tôi nổi lên như một sinh vật kỳ quái, lạc loài, thậm chí có phần vô duyên. Tất cả bởi sự thông minh của nó, với phéc-mơ-tuya, bánh xe kéo và tay cầm có thể thay đổi độ cao. Nó được ba tôi mang từ Pháp về gần một chục năm trước, và vì ít có dịp được sử dụng nên hầu như còn mới nguyên.
Ba tôi đứng ở một góc sảnh chính, đối diện với đồng hồ treo tường của ga, bên cạnh chiếc va li, kỷ niệm duy nhất của nước Pháp còn lại: cũng một tối rét mướt, thống nhất đất nước được nửa năm, tại chính chỗ này, tay cầm chiếc va li này, ba tôi và vài đồng hương Việt kiều đã đặt chân đến tổ quốc sau một hành trình dằng dặc bằng tàu liên vận, từ Paris qua Tây Berlin, Đông Berlin, Varsava, Mạc tư khoa, Yakut, Bắc Kinh, Hà Nội. Nhà ga Hàng Cỏ đón những con người trẻ tuổi tràn ắp lý tưởng đó bằng một cơn mưa y hệt như đêm nay. Vẻ tiều tụy và khắc khổ của thủ đô đã khiến ba tôi ngay lập tức có những linh cảm không lành. Gần chục năm trôi qua, những linh cảm đã thành sự thật. Đó có lẽ là thập kỷ gian nan nhất của thời bao cấp. Ba tôi và các đồng chí của mình đã biến thành những ông già gày gò và sợ sệt, tan tác mỗi người một phương, chẳng dám mở miệng dù chỉ để hỏi thăm tin tức của nhau.
Trước khi tàu đến, ba tôi nói hai chị em có muốn ra phố để tạm biệt Hà Nội thì phải đi ngay. Vài giọt nước mưa rơi từ tóc xuống hai gò má của ba tôi, khiến ông trông như đang khóc. Ông chỉ vào chiếc đồng hồ treo tường trước mặt: – Đúng mười phút, không hơn không kém. Chị tôi dắt tay tôi. Chúng tôi luồn lách qua những cơ thể người và hành lý, ra đến ngoài cổng ga, chỗ đầu đường Nam Bộ, rồi cứ đứng như thế dưới mưa, trong ánh sáng vàng của một ngọn đèn đường và ánh lửa hắt ra từ một hàng phở đêm. Mùi thịt gà luộc, bánh phở tươi, quyện với hành, gừng, hồi, quế và than tổ ong, tất cả sặc một mùi đặc trưng của mùa đông Hà Nội, khiến tôi bỗng nhớ tới mẹ tôi. Lần đầu tiên từ hôm được ba tôi thông báo về chuyến đi này, lần đầu tiên tôi thấm thía nỗi nhớ mẹ.
Mười phút trôi qua rất mau, chị tôi lại dắt tôi trở về sảnh, chỗ ba tôi đang đứng đợi trước đồng hồ treo tường. Bất thình lình chị tôi giữ chặt tay tôi. Ba tôi, từ khoảng cách mười mét, quay khuôn mặt méo xệch về phía chúng tôi. Đôi mắt thất thần, trong đó chẳng còn gì ngoài nỗi sợ. Chưa bao giờ tôi thấy một nỗi sợ nào lớn như thế, lớn hơn tất cả những bóng đêm gộp lại, những màu đen của nghĩa trang, đám ma và các câu chuyện kinh dị mà tôi từng được nghe kể, từ những người hàng xóm đến từ tứ xứ, vào những tối hè mất điện, trong hành lang lở loét của khu tập thể. Bên cạnh ba tôi là hai người đàn ông trong sắc phục vàng của công an thời đó. Một người đang mở từng quyển truyện Pháp rồi lần lượt đưa cho người kia. Tiếp theo, họ trao đổi với nhau chừng một phút. Một phút đó, với cha con chúng tôi, có thể so sánh với một đêm tròn thức trắng. Giờ đây thỉnh thoảng nó vẫn hiện về trong những cơn mê của tôi và tôi ngờ, nó cũng ám ảnh ba tôi trong mỗi giấc ngủ. Đột nhiên một trong hai người quay sang hỏi ba tôi gì đó. Rất nhanh ba tôi cũng trả lời gì đó. Khuôn mặt ba tôi lúc này không một biểu cảm. Nỗi sợ của mấy phút trước đã được thay thế bởi một nỗi sợ có lẽ còn lớn hơn, đến độ tất cả các sợi cơ trên mặt ba tôi cứng lại, chỉ có tiếng nói được phát ra từ cổ họng, mà tôi hình dung như tiếng của robot, rồi trên môi ba tôi, từ từ nở nụ cười gượng gạo cố hữu.
Đêm đó khi đã yên ổn trên tàu Thống Nhất, ba tôi mới thì thào kể cho hai chị em tôi rằng những nhân viên công an đó đang đi tuần ở ga thì bị thu hút bởi chiếc va li ba tôi giữ bên mình, một chiếc va li bình thường của Pháp hóa ra không bình thường chút nào ở Việt Nam. Họ đã đề nghị ba tôi mở va li để kiểm tra và ngay lập tức phát hiện những quyển sách cũ, những quyển sách được viết bằng một thứ tiếng mà họ không có khả năng xác định. Họ đã trao đổi với nhau, nhưng không thể đi đến kết luận. Trường phổ thông cấp ba của miền Bắc thời đó có dạy ngoại ngữ, hoặc tiếng Trung hoặc tiếng Nga, mà cả hai trông đều không giống như trong các quyển sách này. Họ ngần ngừ rồi quyết định hỏi thẳng ba tôi.
— Cái khó ló cái khôn, ba tôi nói với hai chị em tôi. Một ánh chớp lóe lên trong đầu, ba trả lời họ rằng đó là những tài liệu của đảng cộng sản Đức được in tại một nhà xuất bản Đông Berlin.
Tôi không hiểu gì cả. « Đông Berlin » là những từ tôi mới nghe lần đầu. Tuy nhiên tôi cảm nhận một điều gì thật nghiêm trọng trong đó, một sự chia rẽ, phân ranh giới, liên quan đến vận mệnh của rất nhiều con người.
— Sao ba lại phải nói dối họ?
Tôi buột miệng hỏi và ngay lập tức bị chị tôi cốc cho một cái vào đầu. Hơn tôi hai tuổi, nhưng chị chín chắn hơn, đặc biệt trước những gì liên quan đến xã hội bên ngoài.
— Nếu ba nói thật với họ rằng đó là những quyển truyện Pháp xuất bản tại Pháp thì có khi nhà mình sẽ chẳng bao giờ được vào Sài Gòn.
Chị tôi trả lời thay ba tôi rồi chị em tôi thiếp đi trong tiếng rì rào của mưa đêm. Tàu Thống Nhất như một con trăn mệt mỏi đang bò chầm chậm đưa chúng tôi qua những vùng đất mà đằng nào thì chúng tôi cũng chỉ nghe thấy tên.
Gần bình minh, tôi tỉnh giấc và thấy ba tôi ngồi ngủ, lưng tựa vào thành tàu. Trong ánh sáng hắt từ cửa sổ, khuôn mặt ba tôi nhàu nhĩ như thể những sợi cơ cách đây vài tiếng từng bị đơ cứng bây giờ đến lúc buộc phải co lại để hồi sức, để đừng bị đứt tan tành.
Nỗi sợ sân ga từ dạo đó, tuy thế, vẫn không buông tha ba tôi ngày nào. Thực ra nó chỉ làm dài thêm mục lục các nỗi sợ trong cuộc đời ông. Đến ngày tôi lên đường đi Pháp thì nó có biến hóa đôi chút để trở thành nỗi sợ sân bay: từ đêm hôm trước, ba tôi đã tự tay kiểm tra hành lý của tôi. Vẫn chiếc va li ông mang từ Pháp về, giờ đã cũ nhưng còn đủ cả bánh xe và tay cầm. Chỉ có điều tôi không được quyền để một cuốn sách nào vào đó, ngay cả từ điển xuất bản ở Việt Nam. Ông bảo từ điển chứa một kho chữ nhạy cảm, ông đã từng nghe tin có những cuốn bị thu hồi hoặc cấm phát hành chỉ vì một chữ nào đó không hợp lòng cán bộ văn hóa. Ông cương quyết không để con gái ông chơi với dao. Ra tới sân bay, tôi là một trong những người đầu tiên xếp hàng làm thủ tục check-in. Tận mắt chứng kiến chiếc va li được nhân viên hàng không đẩy vào băng chuyền, ba tôi mới yên tâm.
Nhưng có vẻ như nỗi sợ là loại đùa dai, nó luôn tìm đúng người để trêu chọc, và bao giờ cũng ở những khoảnh khắc ít ngờ nhất. Khi tôi đã xong phần kiểm tra an ninh, chuẩn bị đi vào phòng đợi, vừa định vẫy tay chào ba tôi và chị tôi thì bất ngờ có tiếng loa phóng thanh: Hành khách sau đây, đề nghị đến gặp nhân viên phụ trách chuyến bay, để giải quyết “vấn đề liên quan tới hành lý”. Tên họ tôi vang lên không trật vào đâu. Tôi ngây người nhìn về phía chị tôi và ba tôi. Chị tôi cau mày, nhưng có vẻ bình tĩnh. Ba tôi, bên cạnh, mặt cắt không còn hột máu. Ông bất động mất một phút. Rồi gần như mếu, ông quay sang chị tôi cầu cứu. Cả tháng trước, chị tôi đã được ông giao nhiệm vụ tìm người quen trong ngành an ninh hàng không. Nhờ quan hệ của người chồng tương lai, chị tôi đã có vài cái tên và số điện thoại có thể nhờ cậy. Ngay lập tức, tôi thấy chị tôi xin được vào bên trong với tôi. Ba tôi đứng ngó chúng tôi từ xa, vẫn vẻ mặt mếu máo, bất lực. Chị tôi dắt tôi đi băng băng, vượt qua những hàng người ngoằn ngoèo, cuối cùng cũng đến được nơi cần đến. Danh sách người quen mà chị tôi đưa ra khiến nhân viên phụ trách chuyến bay ngạc nhiên. Anh ta chỉ muốn đề nghị tôi vứt bỏ chai mắm tôm: ở một độ cao nhất định, nó có nguy cơ bị vỡ tung và tỏa mùi khắp khoang hành lý. Tôi và chị tôi nhìn nhau rồi nghĩ đến ba tôi. Hóa ra ở phút cuối, trước khi ra sân bay, ông đã lén nhét vào góc va li một chai La Vie bên trong đựng cái món đặc sản Hà Nội đó, để tôi mang sang Paris làm quà cho người bạn Việt kiều mà ông muốn gửi gắm tôi trong thời gian du học.
Dù sao thì sự việc kéo dài có hơn chục phút, tôi cũng đã cầm visa và hộ chiếu trong tay, nên nỗi sợ sân bay không để lại nhiều dư chấn. Chưa kể nó còn bị nhạt đi bên cạnh những nỗi lo mới nảy sinh từ khi tôi đặt chân đến Pháp. Nỗi sợ nhà ga của đầu thập kỷ 80 có lẽ vì thế vẫn thuộc tốp đầu các nỗi sợ ba tôi từng nếm trải.
Những ngày qua, trên giường bệnh, nửa tỉnh nửa mê ông luôn miệng nhắc đến ga Hàng Cỏ, chiếc va li và những quyển truyện Pháp, những quyển truyện mà ông mở ra đọc vài trang đã ngáp, những quyển truyện mà chị em chúng tôi phải thay ông đọc cho xong, còn riêng tôi thì có trách nhiệm viết hẳn một luận án tiến sĩ. Ba tôi sẽ không bao giờ nhắm mắt nếu tôi chưa có cái luận án đó để dâng lên bàn thờ cho ông. P có lẽ là người hiểu ba tôi nhất, hơn cả tôi, hơn cả chính ông.
Thuận
Người góp chữ
Thuận
Tốt nghiệp Khoa văn trường ĐH tổng hợp Sorbonne. Sống và làm việc tại Paris. Tác giả của 8 tiểu thuyết và dịch giả của một số tác phẩm.
Leave a Reply