Sản xuất sự yên tâm: Về một phê bình thù tạc

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Monkeys as Judges of Art, 1889 - Gabriel Cornelius von Max
Thời gian đọc: 12 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)

Văn chương xuất hiện dưới dạng sách, đương nhiên, có một chức năng nổi trội là dùng để bán. Nhưng sự thực là sách không chỉ được bán lẻ, mà còn được bán sỉ. Khi ai đó mở một công ty xuất bản (ở Việt Nam sẽ tồn tại dưới dạng các công ty truyền thông, liên kết với NXB nhà nước), đối tượng khách hàng của họ không chỉ là chúng ta – những độc giả, mà còn là những nhà sách tư nhân, và trong một số trường hợp, là chính các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Tiki hay Fahasa.

Trước khi bán sách, TMĐT có thể đóng vai trò như một khách hàng, hoặc ít nhất, một đại lý. Nhưng họ không phải là một độc giả! Làm sao để những Shopee hay Tiki thấy được cuốn sách đó hay ho, hấp dẫn và thú vị, qua đó sẽ nhập nhiều sản phẩm hơn (và cho dù không với hình thức mua sỉ, họ sẽ phải gánh áp lực kinh doanh)? Họ cần có người đọc hộ. Những người đọc hộ này không hẳn chỉ là đội ngũ đông đảo các độc giả, mà đôi khi chỉ là một nhóm nhỏ những độc giả thủ lĩnh. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ trong thời đại ngày nay.

Chúng ta không đọc sách theo cách truyền thống nữa. Tức là rất tin tưởng vào một quyển sách, đọc nhấm nháp từng chữ, xuyên qua các trang, ghi lên trang trắng cảm nghĩ của chúng ta, với tất cả những yêu ghét, rồi mơ mộng kể với bạn bè về quyển sách ấy, tại một quán cafe ven hồ. Trong thời buổi Social Network, nhất định ta phải chú ý đến khía cạnh Xã hội của sự đọc, trong đó việc đọc sách của khá nhiều người (không phải tất cả) là một diễn cảnh. Ta hãy hình dung về một cái tháp: những độc giả thủ lĩnh xây dựng các CLB Đọc sách (hầu như dưới dạng Facebook group) và chính họ đứng trên đỉnh tháp, có quyền năng trong việc củng cố (hoặc hạ thấp) niềm tin của độc giả, giới thiệu sản phẩm mới của hết đơn vị nọ đến đơn vị kia. Sự xuất hiện của các độc giả thủ lĩnh này rất có ý nghĩa về mặt tinh thần: ta biết rằng ta không đơn độc trong sự đọc, ta rất yên tâm rằng mình đang theo dõi, cập nhật về thị trường sách, nhưng quan trọng hơn, rất có thể, khi ở gần những người trông có vẻ thiên kinh vạn quyển, ta dễ có cảm giác rằng mình biết rất nhiều về sách. Cảm giác ấy không tệ một tí nào, thậm chí rất gần với hạnh phúc.

Đây là những gì vẫn thường xảy ra: để bán được nhiều hơn nữa cho các độc giả, các nhà sách, các khách buôn và đôi khi là các sàn Thương Mại Điện Tử, các đơn vị xuất bản cần thiết làm cho cuốn sách ấy nóng hổi trên các CLB Đọc sách. Luôn luôn có hai cách: thứ nhất là phải gần gũi với các độc giả thủ lĩnh và thứ hai là phải liên tục quảng bá cuốn sách thông qua những người viết điểm sách hay review thuê, cũng không ngoại trừ cách tạo ra những danh tính giả trên Facebook, để cài cắm vào nhóm đọc. Những người này được gọi thân thương là seeder. Seeder ngoài đời có thể là một người thực hoặc ảo, nhưng seeder thì tồn tại.

Tuy nhiên toàn bộ những điều chúng ta bàn đến trên đây chỉ là một bổ sung cho bài báo “LIKE đi hay là Chết: Số phận của bài điểm sách trong kỷ nguyên thuật toán” của tác giả Christian Lorentzen, đặt trong bối cảnh Việt Nam đương đại. Điều này có vẻ rất có ích với các nhà văn mới vào nghề: khi hiểu được một cơ chế, họ sẽ bớt đi một số hiểu lầm, hoặc cũng có thể là một số ảo tưởng. Bắt đầu từ đây ta sẽ chuyển dịch cái nhìn: nhìn ra bên ngoài điều đó.

Trước thời đại của những Tiki, Fahasa, một tác phẩm hoặc một nhà văn sẽ được xây dựng hình ảnh như thế nào? So ngày trước với ngày nay, chúng ta vẫn thấy thấp thoáng những đồng dạng: thay vì các độc giả thủ lĩnh, ta có các nhà phê bình, thay vì các Câu Lạc Bộ Đọc Sách, chúng ta sẽ có diễn đàn trên báo chí (Chẳng hạn NXB Kim Đồng tổ chức fandom ngay trong các trang cuối của truyện, ví dụ như Pokémon). Có khác biệt một chút (nhất là ở chỗ: báo chí viết về văn chương của ngày trước quả thực là quyền lực hơn rất nhiều), nhưng cảm giác yên tâm thì luôn luôn có. Thời nào chúng ta cũng hạnh phúc, mọi người đều hạnh phúc.

Niềm vui nhưng đôi lúc cũng là sự phiền toái của văn chương, đó là: văn chương luôn luôn có một số lượng rất mực đông đảo các nhà văn, nhà thơ “không thực sự lớn”. Có nhiều các nhà văn nhà thơ tự in sách rồi đi tặng khắp nơi, có rất nhiều tác giả được báo chí ca tụng, nhưng tuyệt không thấy một độc giả nào review. Mặc dù nói đúng ra, một quyển sách có thể không cần review, thậm chí cũng không cần độc giả phải “hiểu”.

Chúng ta có một khái niệm thịnh hành, đó là “văn hữu”. Ở một mức độ mở rộng của khái niệm này, “văn hữu” dùng để mô tả quan hệ của các nhà văn đối với nhau, đối với báo giới, và với các nhà phê bình… Họ lập thành một giới. Nhưng ở Việt Nam, “giới văn nghệ” đã lập thành dựa trên những nền tảng sẵn có: hệ thống các trường đại học có chuyên ngành văn chương, hệ thống báo chí – chuyên san dành cho văn nghệ… Tính chất đặc thù của một số chuyên san văn nghệ (nhất là dựa trên đối tượng: các nghiệp đoàn, quân đội, dân tộc thiểu số…) dẫn đến một số đặc quyền về mặt truyền thông và thương hiệu. Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du và công tác, chẳng hạn, tại báo Văn Nghệ Thái Nguyên… là một con đường hết sức đúng đắn để trước hết, gia nhập cộng đồng “văn hữu”.

Cảm giác co cụm của một nhóm nghề nghiệp nhỏ, nhưng rất có tiếng nói, khiến “giới văn nghệ” hình thành một hệ sinh thái khép kín của sự đọc, từ khâu sản xuất tác phẩm, sản xuất hoặc nhập khẩu lý thuyết phê bình, đến khâu quảng bá và cuối cùng, tiêu thụ tác phẩm. Trước khi sách “lọt” đến tay các độc giả bên ngoài, một quy trình giống như bao thầu trọn gói đã diễn ra và hoàn tất. Một độc giả nhận được một cuốn sách từ một nhân vật văn nghệ, đã hoàn toàn có thể yên tâm vì sự bảo chứng xung quanh sách, và nếu cần, có rất nhiều những bài phê bình lý giải sẵn quyển sách ấy nói gì, mang lại các giá trị gì và làm chúng ta trở nên sang trọng, gần gũi với triết học, nhân sinh như thế nào. Hạnh phúc biết bao!

Các nhà phê bình cho các văn hữu của mình, nói một cách khác, “phê bình thù tạc” có phần tương đối giống các độc giả thủ lĩnh ở vai trò một người đọc hộ. Ta có thể lấy một ví dụ điển hình như thế qua bài viết “Không sinh ra là đàn bà” do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết về tập truyện ngắn Đắng ngọt đàn bà của Nguyễn Thị Lê Na, Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019. Cấu trúc điển hình: để lộ một chút say đắm nhẹ nhàng giấu dưới vẻ bình thản, nhà phê bình giới thiệu câu chuyện tác phẩm, khẳng định tính chất “đáng đọc” với cụm từ nhỏ nhẹ mà vang vọng “Đọc Lê Na”. Thân bài, mở một lối đi vào các luận đề nhân sinh, một vài trích dẫn từ các nhà văn lớn. Cuối bài, một chút suy nghĩ: đọc Lê Na, chợt nhớ đến gì đó.

Vấn đề lớn của các bài viết đọc hộ ấy, là tất cả nội dung tác phẩm đều đã được tóm tắt. Rất thuận tiện, mặc dù trong bối cảnh đương đại, ngay lập tức sẽ bị dán nhãn spoil.

Phê bình thù tạc nghĩa là giúp đỡ một văn hữu, nghĩa là khen ngợi nhưng khéo léo ẩn sau một giọng điệu cay đắng, bùi ngùi, nghĩa là khẳng định một tác phẩm nào đó thật ám ảnh, nghĩa là tham gia tích cực quy trình sản xuất sự yên tâm của đọc.

Với một nhà văn X nhà văn Y nhà văn Z ta sẽ tương ứng bắt gặp “Đọc X”, “Đọc Y” hay “Đọc Z” xuất hiện ở mọi nơi trong phê bình thù tạc. Nhưng “Đọc X, ta thấy…” thì quá bình thường: phải kể ra những trải nghiệm, càng mê loạn càng tốt của mình khi đọc X đọc Y hay đọc Z. Để có được mê loạn đó, nhất thiết phải lấy được concept từ khối các từ khóa: bóng đêm, hiện sinh, miên man, mê lộ, suy tưởng, rùng rợn, kỹ chữ, tỉnh thức, đắm say với chữ, tận cùng, phi lý vân vân… Nếu là thơ thì dễ hơn, nhưng nếu là văn xuôi, cần thêm một chút sự thần bí của chữ nghĩa: một tác phẩm nhất thiết phải là một trò chơi ngôn ngữ, nhà văn hẳn phải vật vã lắm với từng phép tu từ; một tác phẩm cũng cần phải gắn với các phong trào lý thuyết đang thịnh hành. Có Phân tâm học Freud thì tốt, nếu có lý thuyết trò chơi thì tốt hơn nữa, và tốt nhất là một chút phức cảm hậu chiến, lý thuyết chấn thương, Queer Literature. Mà nếu là dòng ý thức thì tuyệt vời biết bao, chẳng biết nói gì hơn! Một nhà phê bình thù tạc giỏi sẽ biết cách khoác những tấm áo lung linh của lý thuyết lên một tác phẩm. Và thậm chí, dùng sức mạnh ngôn ngữ của mình để miêu tả tác phẩm theo một cách khác, lung lạc, bí hiểm hơn.

Ở phía bên kia, đáp ứng nhu cầu của nhà phê bình, nhà văn cũng phải cài cắm những thứ ấy cho trọn vẹn một màn thù tạc lớn lao trong đời. Chẳng hạn, nếu năm ngoái đã có Phê bình sinh thái học thì năm nay ta nên viết về cây cối và những con sóc. Tất cả cũng chỉ vì hạnh phúc của độc giả mà thôi, nào có mong muốn gì hơn. Bởi vì nhà văn thì khổ lắm: sinh ra để làm “phu chữ”.

(Mở ngoặc về cây cối và những con sóc: Chúng ta hãy tưởng tượng bây giờ chúng ta là một nhà văn, một văn hữu, sau khi đã biết mình cần viết về cây và sóc sẽ cần phải lập tức tưởng tượng ra các cây phê bình trong giới sẽ nói gì về mình. Chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào? Cần phải cung cấp cho họ một chút nguyên liệu. Ta có một cái cây: nhưng nó sẽ không bình thường, nó phải là một cái cây mà ta mơ thấy trong các giấc mơ tuổi nhỏ về kiếp trước. Dưới tán cây ấy, một bóng hình giai nhân lập lòe bóng nắng. Lớn lên, ta mang theo giấc mơ đi vào cuộc hiện sinh: để cho tiện thì tốt nhất nhân vật chính nên yêu một hai cô gái giống với bóng hình kia, để rồi nhận ra tình yêu chỉ là một lối đi lụn bại, các cô gái thì chạy theo Mercedes bỏ lại ta giữa miền đời hư ảo (tất nhiên nên dùng từ “miền đời” cho lạ, tuyệt đối tránh mấy từ tầm thường như “dòng đời”). Cũng có thể ta sẽ cần kịch tính: một cô nên chết trong dòng nước độc. Tình thì bỏ đi, chỉ có cái cây còn ở lại. Một ngày kia tàn vận, anh nhân vật chính tìm ra một chiếc cây giống như giấc mơ, và một con sóc cũng lập lòe bóng nắng… Nói chung, cần có một cấu trúc, một hình ảnh lặp đi lặp lại – tức là một ám ảnh, có giấc mơ, có ám dụ sẽ là những bảo chứng huy hoàng).

Một chương trình nghị sự với văn hữu để công bố một tác phẩm luôn luôn quan trọng. Một buổi ra mắt sách sẽ quy tụ ở mức độ cao những đại diện của các đặc quyền: báo chí, trường đại học, các hội văn học nghệ thuật địa phương, gom thành một sức mạnh khổng lồ, xua tan đi phức cảm về một nhóm người yếu ớt làm văn chương trong một xã hội không mấy khi quá cần thiết văn chương. Những nhà phê bình lớn tuổi được xếp ở các vị trí trang trọng nhất, kế đó, là những người nhà nghiên cứu giảng dạy trong đại học. Và ở xa xa, một giảng viên rất hay lên báo đã đến, trước thầy sau tớ lao xao. Một sự kiện trang trọng, dập dìu tài tử giai nhân của một thời quá vãng, bỗng nhiên làm cuốn sách ấy tăng thêm nhiều phần giá trị. Ngồi ở một cuộc ra mắt sách, ta không chỉ yên tâm về sách mà còn yên tâm về đời mình. Chúng ta không đơn độc trong sự đọc văn chương, cũng lại không đơn độc trong cuộc đời. Chúng ta vui khám phá sự cô đơn mà nhà văn khăng khăng khẳng định là tôi có, lại còn có nhiều hơn người khác. Theo thứ tự phân công, nhà phê bình sẽ nói về ám ảnh hiện sinh trong một trường đoạn này; còn nhà nghiên cứu sẽ nói về lối viết truyện lồng truyện, thủ pháp sóng đôi. Một nhà phê bình trẻ sẽ đứng lên ngậm ngùi: tôi có cảm tưởng như đây là ván cờ cuối cùng, tất tay của nhà văn với ngôn ngữ, sau ấy là đoạn tuyệt chăng? Không biết được… chỉ biết là đọc X đọc Y đọc Z ta thấy…

Giống như mọi hội thảo, chương trình ra mắt sách sẽ thành công tốt đẹp, ấm tình thù tạc nhà văn – nhà báo – phê bình và giảng viên đại học. Hệ quả tươi đẹp của cuộc hội thảo là một loạt lớn sách có chữ ký tác giả được lan truyền trên Internet. Nhưng kết quả quan trọng nhất là thúc đẩy bước tiếp theo trong quy trình sản xuất sự an tâm.

Về “Cái cây và con sóc” (Bây giờ ta sẽ lấy luôn tên ấy làm ví dụ), ta chắc chắn độc giả sẽ được đọc bài viết như sau:

Đọc “Cái cây và con sóc”: Cuộc khởi dấy phá bỏ thế nhị nguyên

[Mở bài – Nên là trích dẫn luận đề]

Tôi đọc “Cái cây và con sóc” chỉ vỏn vẹn trong một buổi chiều. Nhưng là một buổi chiều khó nhọc. Nhà văn Ba Lan Idrop Turndowski từng nói: Mỗi cuốn tiểu thuyết là một cái gầm giường mùa hạ, có thể nóng bẩn nhưng an toàn, nhưng cũng có thể, sạch sẽ nhưng nguy hiểm, hoặc cùng một lúc là cả hai. “Cái cây và con sóc” thuộc trường hợp thứ ba.

[Thân bài]

    • Trường hợp tác giả viết đơn giản: Lối viết của “Cái cây và con sóc” sẽ không chiều chuộng những độc giả ưa thích hành văn hoa mỹ. Nó không nương tay, không ngừng châm chích những nọc độc của ngôn ngữ. Câu văn thẳng thừng, trực tiếp, nhiều khi giống như một cú ho sặc sụa dứt khoát.
    • Trường hợp tác giả viết hoa mỹ: Đưa ta vào mê lộ của ngôn từ, nhưng “Cái cây và con sóc” độc ác ở chỗ không cho độc giả khoảng nghỉ nào cả. Đọc “Cái cây và con sóc”, ta có cảm tưởng một bàn tay sần sạm lôi ta đi vào miên viễn của những giấc mơ trùng điệp, ngay khi chạm trán hiện thực thì cơn mơ đã đến

[Giới thiệu cốt truyện]

Toàn bộ tác phẩm là một cơn mơ chồng lặp. Bắt đầu từ một ám ảnh tuổi thơ về một cây ngô đồng, đứa trẻ ấy lớn lên trong sự cô đơn, lấy thế giới hư cấu làm bạn. Đọc “Cái cây và con sóc” người ta lập tức có cảm tưởng con người vốn không cần đời sống và tình yêu, nhưng đời sống và tình yêu vẫn cứ đến, làm phiền ta mọi lúc. Cũng giống như người đọc, nhân vật chính bị kéo đi vào những chốn xa lạ: hai cuộc tình bi thảm và không hồi kết, ập đến và rút đi như lũ. Để lại bí ẩn là cái chết của…

[Một chút về lối viết]

–        [Cần phải có một quan điểm của số đông] Khi gấp lại (rất hay “gấp lại” để còn thở dài) “Cái cây và con sóc”,  nhiều nhà phê bình cho rằng đây là một tác phẩm viết về hố thẳm, ngập tràn tuyệt vọng và bóng tối, cùng những cơn mơ hoang đường. Dùng bóng tối để lý giải ánh sáng.

–        [Cần phải đưa cá nhân phản biện quan điểm] Nhưng tôi cho rằng, cần phải có một lối đọc khác đối với “Cái cây và con sóc”, tác phẩm đã phá bỏ tính nhị nguyên: của thực và ảo, của ánh sáng và bóng tối, cuộc đời của con người và sự sống của mọi linh thể khác, của biểu tượng và phi biểu tượng, của tha hóa và bản nguyên… Tính đa thanh, đa nghĩa như một xu hướng của văn học hiện đại, cũng đã được thể hiện rõ rệt trong “Cái cây và con sóc”.

[Nhân vật]

– Nếu nhân vật quá nhạt nhòa: Không chọn cách xây dựng nhân vật như một tiểu thuyết tâm lí thông thường, mà nhà văn xem nhân vật như một ý thức khác, có tính độc lập tương đối. Sự mờ hóa nhân vật khiến cho người đọc như đi lạc vào trận địa của chữ, đã giăng sẵn chông nhọn. Tác giả đã khéo léo vừa cài cắm, vừa tung hỏa mù để giấu đi bản lai diện mục của nhân vật.

– Nếu nhân vật làm dáng, được miêu tả quá kỹ, thiếu thuyết phục: Tạo ra nhân vật XYZ, nhà văn như đi vào một cuộc lưu đày trên sa mạc chữ. Phơi bày bản ngã trên trang giấy trắng, đi vào từng vỉa tầng, gần như chạm vào cõi vô thức, nhà văn đã kết thúc một cuộc hiến sinh dũng cảm cho văn chương. Không lạ khi nhà văn tuyên bố: Tác giả đã chết!

[Kết luận – Nếu quá bận phải đi viết bài khác, tốt nhất là nói luôn về tác giả]

Sự xuất hiện của “Cái cây và con sóc” như một pha tái khẳng định tính phi lý của đời sống con người. Tái khẳng định nhưng cũng có thể là tái khám phá: liệu đã có thể nhìn nhận con người từ một thế giới hiện sinh khác, thay cho thế giới trần tục ta đang sống? Không biết được. Rõ ràng từ tác phẩm đầu tay, tác giả X đã đi được một con đường vương giả, tạm xa câu chữ hiền lành để chơi ván cờ cuối cùng với ngôn ngữ.

Bài báo trên sẽ sớm xuất hiện trên một phương tiện thông tin đại chúng trong giới văn nghệ, người nhận đăng bài cũng có thể có mặt trong buổi ra mắt tác phẩm. Thế là chúng ta có thêm một văn chương vào đời, cần phải ngay lập tức mua sách về. Có thể ba năm sau ta vẫn chưa đọc, cần gì phải đọc, các nhà phê bình đã nói như thế… Mà không đọc thì tốt hơn, để tôn trọng sáng tác và tôn trọng phê bình thù tạc.

Nhưng nếu ta có đọc, và trong một chút niềm cô đơn ít ỏi còn lại của đọc sách, nếu trót nhìn thấy tác phẩm ấy là một tác phẩm dở, thì dẫu sao ta bỗng thấy mình vẫn còn đặc quyền được thấy, được chê bai ông nhà văn nọ, cái cây và con sóc nọ. Hóa ra văn chương thì muôn nẻo, văn mình vợ người.

Ấy cũng là một cảm giác yên tâm vậy! /

Bạch Dương

6/2020

[Quý văn hữu / độc hữu tâm đắc với bài này kính xin dạo gót qua bên blog Z ngó chuyên đề Bình cái sự bình với những tựa đề hấp dẫn như là “Đấm vỡ mõm bọn phê bình” hay là “LIKE đi hay là chết”.]

Chấm sao chút:

Đã có 12 người chấm, trung bình 4.8 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Bạch Dương

Ở đám đông nhìn thấy lưng chừng.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

3 Comments on Sản xuất sự yên tâm: Về một phê bình thù tạc

  1. Bài này hay quá. “Để có được mê loạn đó, nhất thiết phải lấy được concept từ khối các từ khóa: bóng đêm, hiện sinh, miên man, mê lộ, suy tưởng, rùng rợn, kỹ chữ, tỉnh thức, đắm say với chữ, tận cùng, phi lý vân vân…”

    Nghĩa là như kiểu có một cái form chung về “văn hay” để bên nhà văn và bên phê bình ăn lương nhà nước cùng múa theo. Giống như thi học sinh giỏi.

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*