Nguyễn Nguyên Phước, Nhà máy sản xuất linh hồn (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Nhà máy gạch Tortosa (L’Usine, Horta de Ebro) của Pablo Picasso
Thời gian đọc: 21 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)

CHƯƠNG 1

Nhà máy sản xuất linh hồn nằm trên một khu đất rộng mênh mông kẹp giữa hai quả đồi to khủng khiếp, như thể trước kia chúng vốn là hai quả núi rất cao nhưng đã bị người ta ấn bẹt ra thành đồi, kéo dài thoai thoải xuống đến sát chân nhà máy. Đứng từ trên đỉnh đồi – một vị trí vẫn còn khá cao, đủ để ta có thể quan sát hết mọi thứ xung quanh trong tầm mắt – nhìn xuống dưới, nhà máy trông tựa như xác một con gián khổng lồ nằm ép mình trên mặt đất; con gián ấy hẳn trong một chuyến ngao du sơn thủy nào đó đã mắc kẹt vào giữa hai quả đồi này, đã giãy giụa rất lâu hòng thoát ra nhưng không sao thoát được, càng giãy giụa hai quả đồi dường như càng khép chặt lại, ép cho nó kỳ chết mới thôi để rồi sau khi chết đi xác nó khô lại rơi xuống dính chặt lấy khu đất ở giữa làm thành nhà máy. Mái tôn lợp nhà máy xưa kia có màu gì không rõ – có lẽ màu cánh gián chăng? – nhưng giờ đây cùng với thời gian chỉ còn là lớp tôn xám xỉn, xoàng xĩnh đến mức tệ hại, thậm chí còn tệ hơn cả đám tôn bỏ đi mà những cửa hàng đồng nát vẫn hay thu gom. Tường bao của nhà máy cũng toàn bằng tôn, một màu xám xỉn, kéo dài suốt cả khu đất, có những chỗ bị bung ra rộng toang hoác, chỉ cần cúi người là có thể chui được vào trong. Tuy nhiên, người ta chỉ nhìn thấy lớp tường tôn ấy ở những khoảng còn có thể thấy được vì phần còn lại đã bị cây cối – chủ yếu là những cây bụi, mọc xiên xẹo, dày đặc – chắn gần như hết sạch rồi, tức là chỉ nhìn được một phần rất nhỏ của toàn bộ lớp tường tôn bao quanh nhà máy; tất nhiên chỉ khi đứng từ trên cao mà nhìn xuống dưới ta mới biết rằng đó là một phần rất nhỏ, dù rằng cái phần rất nhỏ ấy cũng là một quãng đường dài dằng dặc đủ để ta phải cảm thấy mỏi gối chồn chân nếu tự mình bách bộ dọc theo đó. Bởi lẽ, nếu men theo lớp tường bao bằng tôn, càng tiến sâu về phía sau nhà máy, đường sẽ càng lúc càng trở nên khó đi vì đám cây từ trên đồi trườn xuống lấn dần vào phần đường mòn sát tường bao vốn dĩ đã hẹp sẵn nay càng trở nên hẹp hơn vì những cây bụi mọc xồ ra chắn lối; cố gạt đám cây bụi mỗi lúc một dày hơn để đi thì cũng chỉ tiến thêm một đoạn nữa rồi thì con đường hoàn toàn bị cắt cụt vì cây lúc này mọc rất dày, sít sịt lại với nhau như một đoàn quân hàng hàng lớp lớp, lớp nọ che chắn bọc lót cho lớp kia, kéo dài vô tận, đến nỗi kể cả một con muỗi, dẫu có cố gắng đến mấy, cũng không thể nào luồn qua được bức tường bện bằng cây dày đặc đến thế kia. Thành thử, không có cách gì đi ra phía sau nhà máy được và vì thế, nếu chỉ đứng ở phía dưới, ta sẽ có cảm giác ở đằng sau nhà máy dường như kéo dài đến vô tận và mặc dù cảm giác này hoàn toàn không đúng, nó chỉ là ảo giác mà thôi – nếu đứng từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, ta sẽ thấy ngay điều này, rằng nhà máy chỉ là một thực thể hữu hạn chứ không phải là vô hạn như ta lầm tưởng – nhưng rõ ràng cái điều rằng đây là một nhà máy khổng lồ là một sự thật không thể nào chối cãi được, thậm chí ngay cả khi nhìn từ trên đỉnh đồi xuống ta cũng vẫn phải công nhận điều đó. Ấy là còn chưa kể đến khoảng cách từ đỉnh đồi xuống đến nhà máy rất xa, xa đến mức khó mà hình dung nổi, thành ra kích thước thực của nhà máy chắc còn lớn hơn kích thước mà ta thấy khi đứng trên đỉnh đồi – vốn đã rất khổng lồ rồi – rất nhiều. Có thể phỏng đoán rằng trước kia, hồi nhà máy mới khánh thành, con đường chạy quanh đấy lúc đó hẳn vẫn còn đủ quang đãng, nghĩa là đủ để người ta có thể thư thả mà đi dạo quanh nhà máy, mặc dù điều này là không khả thi một chút nào, vì dẫu có cho một đoàn vận động viên chạy marathon quanh nhà máy, những vận động viên chuyên nghiệp hạng nhất, những người vốn đã quen với những cuộc chạy đường trường và chưa bao giờ có thói quen bỏ cuộc, kể cả hồi ấy con đường còn quang đãng đi chăng nữa, thì nhiều khả năng sẽ chẳng ai trong số ấy sống sót mà trở về vì quãng đường sẽ rất dài, dài hơn họ tưởng tượng rất nhiều. Cũng có thể vì thế – vì con đường này ban đầu là có tồn tại, dù chỉ dưới dạng giả định, đủ quang đãng để người ta có thể dạo bộ, chứ không phải mù mịt rậm rạp, thậm chí mơ hồ bất định, như trong tình trạng hiện nay, nhưng nó lại là một con đường rất dài mà không ai có đủ sức đi mặc dù nếu đứng từ trên đỉnh đồi mà thoạt nhìn xuống dưới thì ai cũng nghĩ rằng nếu cố gắng hết mức có thể, mang theo đủ lương khô và nước uống cần thiết với ý chí quyết tâm cao độ, không ngại khổ ngại khó, thì hẳn cũng sẽ thực hiện được một vòng du ngoạn quanh nhà máy, tuy nhiên đó chỉ là một ảo tưởng rất dễ dàng bị hiện thực bác bỏ vì chỉ đi được một lúc thôi, kẻ nào táo tợn lắm thì đi được nửa ngày hoặc một ngày là cùng, rồi cũng đành phải bỏ cuộc mà quay về nếu không muốn mất mạng trên con đường tưởng chừng kéo dài vô tận này – cũng có thể vì lý do đó, mà con đường này không có ai đi, dần dần cây cối mới choán hết cả lối đi, biến nó thành một con đường cụt không dẫn đến đâu cả như hiện nay.

Lần đầu tiên đến nhà máy, Lâm phải đi bộ một quãng rất dài từ bến xe thị trấn đến con đường mòn dẫn vào nhà máy. Đầu tiên, anh phải đi trên một con đường đê rất cao. Từ trên mặt đường nhìn xuống, những ngôi nhà thấp lè tè trông như những bao diêm xếp lộn xộn, không theo một trật tự nào. Những bụi tre trông như thể những búi cỏ còn sót lại, không rõ vô tình hay cố ý mà người ta không bứng nốt đi. Những cái ao giống hệt như những vũng nước đọng sau mưa, tù túng và cô độc. Đi hết con đường đê, anh rẽ xuống một con đường đất đỏ bụi mù mịt, không một bóng người lại qua. Anh cứ đi miết theo con đường đất đỏ đó, con đường kéo dài tưởng như vô tận, có những lúc nó đâm xuyên qua cả những khoảnh rừng phi lao mọc dày đặc rồi có lúc nó lại lượn men theo một dòng sông, nước sông đỏ ngầu một màu phù sa. Anh đi mãi như vậy, tưởng rằng sẽ không bao giờ tới được nhà máy, nhưng rồi cuối cùng nhà máy cũng bất thình lình hiện ra trên bãi đất rộng mênh mông mà nó choán lấy cùng với hai quả đồi dạt về hai bên, ở phía xa xa. Trong ánh nắng nhợt nhạt của buổi chiều tà, nó chẳng khác gì một cái nhà kho cũ đã bị bỏ hoang từ lâu.

Nhìn từ xa, nhà máy trông có vẻ tuềnh toàng với tông màu xám xỉn, song khi lại gần nó khiến ta có cảm giác rằng đây là một nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường, không dễ gì mà vào được. Cảm giác ấy không hẳn là không có lý, bởi trong khi Lâm đang thong thả tiến lại gần, bất thình lình không rõ từ đâu một gã bảo vệ xồ ra như một con chó – tưởng như gã mới từ dưới đất chui lên, người ngợm hẵng còn dính đầy bụi bặm – chặn anh lại ở cổng. Gọi là cổng cho oai chứ thực ra đây chỉ là hai cái cọc sắt cao khoảng ba mét rưỡi cắm ở hai bên con đường dẫn vào nhà máy, ở phía bên trên hai cái cọc sắt một tấm bảng gỗ dài kết nối hai cái cọc lại với nhau, có thể nhìn thấy rõ những sợi dây thép đã han gỉ xuyên qua miếng gỗ để cột vào hai cái cọc, giữ cho tấm bảng gắn với hai cái cột một cách không thể xộc xệch hơn. Trên tấm bảng có một dòng chữ màu đen, có lẽ người ta đã dùng lửa để khắc dòng chữ ấy lên chính miếng gỗ, chữ in hoa rõ to, dù có phần hơi nguệch ngoạc: NHÀ MÁY SẢN XUẤT LINH HỒN. Gã bảo vệ có dáng người gầy gò, cao lòng khòng như một cây tre, đến nỗi nếu không có tấm bảng gỗ kia người ta dễ lầm tưởng rằng gã cũng là một cái cọc sắt di động, tuy có thấp hơn một chút và bề ngang to hơn một chút so với hai cây cọc cố định kia, nhưng vẫn có thể kết hợp một cách hoàn hảo với chúng làm thành mũi nhọn của một cây đinh ba. Gã mặc bộ đồng phục màu xanh dương cáu bẩn, đầu đội mũ kêpi, trông gã giống y như một viên cảnh sát.

“Anh đến đây có việc gì?” Gã hất hàm hỏi rất xấc xược.

“Tôi đến đây xin việc.” Lâm lầm bầm nói. “Tôi đọc thấy trên tờ quảng cáo…”

“Hết giờ làm việc rồi.” Gã nói. “Ông quản đốc đã về mất rồi. Sáng mai anh hãy quay lại đây.”

Rõ thật xúi quẩy, Lâm nghĩ bụng, đi cả một quãng đường dài đến đây lại đúng ngay lúc hết giờ làm việc, giờ này chắc chắn chả còn chuyến xe nào để mà về nữa. Anh đành đi đi lại lại quanh chỗ cái cổng, ngó nghiêng lung tung về phía nhà máy xem có ai khác ngoài gã bảo vệ không. Biết đâu, anh thoáng nghĩ, gã nói dối để vòi tiền mình cũng nên, thường vẫn hay có những đứa như vậy, cậy thế làm bảo vệ, chặn người ta lại để vòi vĩnh, không vòi được tiền bèn bịa ra lý do nào đó hết sức ất ơ để không cho ta vào. Lâm cứ loay hoay ngó nghiêng một hồi, nhưng chẳng thấy có ai khác ngoài gã bảo vệ nãy giờ vẫn đang đứng nhìn anh chằm chằm như thể đang nhìn một con vật lạ lùng mà trước nay gã chưa bao giờ thấy. Cuối cùng, vì không nghĩ ra được giải pháp gì khả dĩ cho tình thế này, anh bèn quay người hăm hở bỏ đi.

“Này, anh kia! Khoan đã!” Gã bảo vệ hét lên như sực nhớ ra. “Anh đã đi được đâu. Anh định đi đâu thế hử? Ai cho đi mà đi. Đã đến đây rồi là không phải muốn đi là đi được đâu.”

“Đây có chân, muốn đi đâu thì đi. Ai cấm được tôi nào?” Lâm bực bội nói. “Bộ đây là nhà tù  của các người chắc?”

“Gần đúng rồi đó.” Gã bảo vệ vừa nói vừa cười cười, vẻ mặt ra chiều độ lượng, kiểu người lớn không thèm chấp nhặt những đứa trẻ người non dạ. “Rồi sớm muộn anh cũng hiểu ra thôi. Nhưng thôi, giờ ta hãy vào việc chính. Tuy rằng anh đến muộn, đã hết giờ làm việc, nhưng nhà máy vẫn thông cảm và đã thu xếp được cho anh chỗ ăn ngủ tối nay rồi đấy. Anh có thể vào làng tìm nhà bà May. Bà ấy sẽ xếp chỗ ngủ cho anh. Anh cũng có thể ăn cơm cùng với gia đình bà ấy, giống như những người ở trọ khác của nhà máy. Mọi chi phí sẽ do nhà máy đài thọ hết. Anh không phải lo bất cứ chuyện gì hết. Sáng mai anh quay lại đây gặp ông quản đốc. Ông ấy sẽ hướng dẫn anh cụ thể.”

Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, Lâm khấp khởi thầm nghĩ, mình đang tính tối nay không biết ngủ đâu, có khi phải tìm cái gốc cây nào mà trú tạm cũng nên, mà nằm ở đấy đêm hôm khuya khoắt nhỡ đâu rắn rết bò ra, ma quỷ hiện hình trêu ngươi, ngủ làm sao mà ngon cho được, thì bỗng đâu lại được người ta chiếu cố, lo cho chỗ tá túc lại còn bao cả ăn uống nữa, hóa ra chỗ này đâu đến nỗi tệ, không như mình nghĩ chút nào, vậy mà không hiểu sao họ phải dùng tờ rơi để quảng cáo tìm người làm như những chỗ mạt hạng khác. Thật kỳ lạ quá sức! Nghĩ vậy nhưng anh vẫn cố gắng gặng hỏi. “Bà May là ai?”

“Anh không cần biết làm gì.” Gã bảo vệ nói, giọng đầy vẻ bí hiểm nhưng lại theo kiểu lộ liễu như có ý muốn khoe khoang. “Dần dần rồi anh sẽ biết tất cả mọi thứ thôi. Cố gắng biết trước cũng không được lợi lộc gì đâu.”

“Nhà bà May ở đâu?” Lâm ráng hỏi thêm.

“Cứ đi vào làng hỏi, người ta sẽ chỉ cho. Nếu không gặp ai thì cứ đi đến cuối làng ấy, sẽ nhìn thấy ngay thôi.” Gã bảo vệ nói, giọng dường như có vẻ muốn kết thúc cuộc đối thoại càng nhanh càng tốt.

“Bà May là chủ trọ ở đây à?” Lâm vẫn nấn ná căn vặn thêm, được chút nào hay chút ấy.

“Không chỉ có bà ấy đâu. Còn nhiều người khác nữa.” Gã bảo vệ nói và dường như thể ngay lập tức gã nhận ra rằng mình vừa buột miệng nói ra một điều không nên nói, gã vội chêm vào luôn. “Mà anh hỏi han quá nhiều rồi đấy. Tôi không có phận sự trả lời những câu hỏi của anh đâu.”

“Nhưng đường vào làng đi đằng nào?” Lâm vẫn chần chừ vẻ không muốn đi, nhưng kỳ thực anh chỉ đang tìm cớ hỏi han bắt chuyện gã bảo vệ, hy vọng gã sẽ tiết lộ ra điều gì đó hay ho, song có vẻ như gã đã đoán được ý đồ của anh nên miệng gã giờ đây câm như hến.

Anh hỏi đến ba lần liền nhưng gã vẫn không thèm trả lời, rồi khi anh chuẩn bị bỏ đi thì gã đột nhiên gắt lên. “Hỏi gì hỏi lắm thế? Ở đây chỉ có mỗi một con đường để đi thôi. Làm gì còn có đường nào khác.”

Hóa ra gã bảo vệ nói đúng. Mặc dù lúc từ bến xe đi vào đây, anh có cảm giác có rất nhiều con đường để đi, nhưng giờ đây khi đi ra anh lại thấy chỉ duy nhất có một con đường, chính là con đường độc đạo dẫn đến làng, nơi anh cần phải đến, như thể người ta vừa mới mở riêng cho anh một lối, chỉ để phục vụ mỗi một mình anh mà thôi. Dần dần ngôi làng hiện ra ánh nắng chiều nhạt nhẽo, lẫn vào dưới những đám cây cối ủ rũ, tất cả toát lên một vẻ điêu tàn không gì khỏa lấp nổi. Lâm tiếp tục đi, vừa đi anh vừa đưa mắt quét một lượt xung quanh xem có ai để hỏi đường không. Khi đến gần, anh nhận ra đây chỉ là một cái xóm nhỏ, xơ xác tiêu điều với khoảng vài chục nếp nhà tồi tàn nằm rải rác, liên kết với nhau bởi những con đường nhỏ, gạch lát đường đã mẻ gần hết, chỉ còn trơ ra những vết nham nhở, những con đường này hệt như những khúc xương luồn lách vào mọi ngóc ngách trong cơ thể của ngôi làng. Anh đi gần hết làng nhưng chẳng thấy một ai như thể đây chỉ là một cái làng bỏ hoang, tịnh không một bóng người. Đến cuối làng, anh nhận ra ngay nhà bà May, đúng như lời gã bảo vệ nói. Anh bước vào trong sân. Bà May đang ngồi sàng gạo ở dưới hiên của một ngôi nhà lụp xụp lợp mái tôn, giống như hầu hết những ngôi nhà ở đây. Sân nhà được lát gạch vuông màu đỏ, kích thước mỗi cạnh khoảng gấp rưỡi bàn chân. Mạch vữa đã bong gần hết, lộ ra những khe hẹp và sâu giữa những viên gạch. Có những chỗ gạch đã bong ra, dẫm chân lên bấp bênh như đi trên thuyền bị chòng chành. Ở mé bên trái sân có một cây nhãn tỏa bóng, những chùm quả màu nâu nhạt rủ xuống. Bà May là một phụ nữ béo lùn với mái tóc bạc trắng, trong bộ quần áo bà ba nâu đã bạc màu. Lâm tiến lại gần nhưng bà vẫn không thèm ngẩng đầu lên.

“Xin cho hỏi đây có phải nhà bà May không ạ?” Lâm rụt rè hỏi.

“Phải.” Bà ta đáp nhưng vẫn không ngẩng đầu lên.

“Tôi là người của nhà máy.” Lâm nói. Anh cảm thấy mặt đỏ bừng lên vì nói dối quá trắng trợn. Nếu bà ta vặn hỏi, Lâm tự nhủ, thì mình sẽ đính chính lại, sẽ nói hết sự thật.

“Tôi biết.” Bà May nói và vẫn tập trung vào việc sàng gạo mà không thèm ngẩng đầu lên. Có khi nãy giờ bà vẫn chưa nghe anh nói gì mà chỉ ậm ừ qua quýt cho xong thế thôi.

Lúc đầu, Lâm sửng sốt khi nghe bà ta nói. Không lẽ đã có ai nói cho bà ấy biết sao? Lẽ nào gã bảo vệ đã cho người báo cho bà ấy? Anh khấp khởi mừng vì bà ta không vặn hỏi mình, mà cũng chẳng nghi ngờ gì hết. Có lẽ bà ta đã quá quen với những người khách như anh chăng? Ở đây người ta dễ tin nhau vậy sao? Anh cứ nghĩ lung tung như vậy rồi cảm thấy lúng túng không biết nói gì hơn. Giá kể như lúc này bà ta hỏi anh có muốn lấy phòng không, hoặc cái gì đại loại như thế, thì anh sẽ dễ ăn dễ nói biết bao. Đằng này bà ta cứ ậm ừ suông thế này thì thật chả biết đằng nào mà lần. Anh vẫn không dám nói ra sự thật rằng mình vẫn chưa phải là người của nhà máy. Nghĩ đi nghĩ lại, anh thấy nói ra điều này thật bất lợi. Hơn nữa, Lâm tự chống chế, mặc dù mình vẫn chưa phải là người của nhà máy nhưng cũng coi như là người của nhà máy rồi, nếu không thì tại sao nhà máy lại bỏ tiền ra chi trả cho mình ở đây. Nhưng biết đâu gã bảo vệ nói dối anh thì sao? Gã cũng có thể nói dối lắm chứ. Cái bản mặt gã trông có vẻ điêu toa, chắc gì đã đáng tin. Biết đâu gã thuận mồm bốc phét một câu thì sao, nào có mất mát gì đâu? Gã làm thế có khi chỉ để cho vui, tiện mồm thì nói khơi khơi vậy thôi, nhưng gã đâu biết rằng đã đẩy anh vào thế khó. Mà kể cả đó là chủ trương của nhà máy thật, thì chắc gì bà May này đã chịu. Bà ta sẽ bảo chưa bao giờ nghe nói đến chuyện này, nhà máy chưa hề nói một lời nào về trường hợp của anh cả, mà điều này chắc chắn là đúng và hoàn toàn hợp lý, cho đến nay anh cũng chỉ vừa đến cổng nhà máy và người duy nhất mà anh gặp là gã bảo vệ, một gã bảo vệ tép riu như thế thì nước non gì, làm sao gã có thể bảo đảm cho anh một chỗ ngủ ở đây được? Phải, Lâm tự nhủ, chi bằng cứ nhận mình là người của nhà máy, như thế còn dễ tin hơn.

Đột nhiên, bà May ngẩng đầu lên. Hình như bà đã sàng xong một đợt gạo. Bà nhìn anh chằm chằm với vẻ soi mói. Rồi bất thình lình bà quay về phía trong nhà.

“Phương ơi!” Bà May gọi to. “Ra dẫn khách vào phòng đi con!”

Một cô gái có vóc người cao gầy, ngực lép kẹp, mặc váy chấm bi màu xanh nước biển, chạy từ trong nhà ra. Mặt cô đầy tàn nhang với đôi mắt to tròn hơi ngơ ngác, toát lên vẻ ngây thơ pha lẫn uể oải. Trông cô gần như không có nét gì giống bà May, ngoại trừ mỗi cái mũi khoằm, mà như thế thì quá ít để người ta có thể nhìn ra ngay đây là hai mẹ con. Phương nhìn Lâm cười tủm tỉm rồi cô đưa mắt ra hiệu cho anh đi theo mình.

Họ đi xuyên qua khu vườn rộng trồng toàn bưởi, những quả bưởi màu xanh lấp ló lẫn vào đám lá, chúng mới chỉ to hơn nắm tay một chút. Dãy nhà trọ nằm khuất ở góc vườn. Nếu không biết, chắc có lẽ người ta sẽ tưởng đây là khu chăn nuôi gia súc gia cầm. Dãy nhà này tồi tàn hơn nhà bà May rất nhiều mặc dù nhà bà May vốn đã tồi tàn lắm rồi. Chúng thấp lè tè, trông không khác gì dãy chuồng chó với những cái cửa ra vào nhỏ xíu, phải cúi đầu thật thấp mới đi được vào trong. Vào được đến bên trong rồi mới có thể thở phào mà đứng thẳng người được vì trần nhà cao hơn mép trên khung cửa kha khá, mặc dù vậy, nó vẫn chỉ cao hơn đỉnh đầu Lâm một chút xíu, thậm chí anh không thể giơ tay lên quá đầu nếu không muốn chạm vào trần nhà, vốn đầy bụi. Căn phòng – nếu có thể gọi đây là một căn phòng dù rằng nó giống như một cái hốc thì đúng hơn – mà Phương dẫn anh vào chỉ kê đúng một cái giường đơn bé tin hin, vậy là đã choán gần như hết diện tích rồi, chỉ còn một chút xíu để làm lối đi lên giường nếu không muốn phải leo thẳng lên trên đó. Anh đặt ba lô xuống giường rồi lẳng lặng đi theo Phương ra giếng.

Lâm múc từ giếng ra một gầu nước đầy, đổ vào cái chậu thau đồng đã xỉn màu cáu bẩn. Nước đổ từ gầu ra chậu bỗng chốc trở nên trong đến lạ lùng. Anh vục mặt vào thau nước lạnh, trong thoáng chốc toàn thân anh mê man đi trong cảm giác khoan khoái dễ chịu. Phương vẫn lặng lẽ đứng nhìn anh như thể đang nhìn một con thú nhỏ mới mua về. Rửa xong mặt mũi chân tay, anh hất chậu thau nước đi rồi hấp tấp cùng với Phương đi ra sân trước.

“Bữa tối ở đây muộn đấy.” Bà May thông báo.

“Vâng.” Lâm nói và bâng quơ nhìn Phương đang đi vào nhà.

Không biết mình có nên hỏi lại bà May này cho rõ không, Lâm băn khoăn tự hỏi, liệu có phải tiền ăn ở của mình tối nay do nhà máy đài thọ không, nếu không hỏi rõ, biết đâu mụ ấy lại chặt chém, mà tiền mình thì đâu có nhiều nhặn gì, nếu nhà máy không trả lương sớm thì với số tiền mình hiện có chắc cũng khó lòng mà xoay xở đủ để đến kỳ lĩnh lương, chắc khi đó phải xin nợ tiền bà ta mất, không thì lấy gì mà ăn, mà cũng chẳng biết họ trả công có đủ ăn không nữa. Nghĩ đoạn, anh bèn buông lời, nói vẻ rất bâng quơ. “Ông bảo vệ nói nhà máy sẽ chi trả hết tiền ăn ở của tôi cho bà.”

“Đúng vậy.” Bà May gật đầu đáp. “Cậu không cần phải lo. Mọi việc đã có nhà máy lo hết rồi.”

Lâm thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng. Anh rảo bước quanh nhà một vòng rồi lại đi ra vườn. Trời bắt đầu sâm sẩm tối. Dãy nhà trọ giờ đã trở nên quen mắt anh hơn nên trông có vẻ to ra chứ không đến nỗi bé tin hin như ấn tượng ban đầu. Đi lòng vòng một lúc trong vườn, anh bắt đầu cảm thấy chán nên đành chui vào phòng nằm vật ra giường. Căn phòng nóng hầm hập như lò lửa, nhưng anh vẫn ráng nằm trong đó một lúc lâu, mồ hôi bắt đầu rịn ra trên trán.

Rồi anh lại trở dậy đi ra vườn, nhưng cũng chỉ được một lúc anh lại quay vào phòng, đầy chán nản. Chả biết bao giờ mới có cơm ăn, Lâm nghĩ bụng, không lẽ cứ quanh quẩn thế này mãi ư? Nghĩ ngợi một hồi, anh bèn đi ra sân trước. Trời đã tối mịt, nhưng cơm vẫn chưa được dọn ra. Bà May đã biến đi đâu mất. Phương cũng chẳng thấy đâu. Tưởng như anh đang ở trong một ngôi nhà ma vậy. Còn những người ở trọ nữa. Họ ở đâu?

Lâm đi loanh quanh trong sân được một lúc rồi đành ngồi xuống bên thềm nhà. Cảnh vật lúc này tối đen mịt mùng. Trong nhà cũng không có điện đóm gì hết. Tất cả đều tối om om. Mãi rồi cơm cũng dọn ra. Bốn người đàn ông lặng lẽ khênh hai cái bàn dài ra sân. Ba người phụ nữ khác, cũng lặng lẽ như thế, như thể ở đây người ta không muốn nói chuyện nhiều, bê ghế ra sân. Một cây đèn măng xông được thắp lên, treo trước hiên, tỏa ra thứ ánh sáng kỳ dị, hắt cả ra sân lẫn cả vào trong nhà. Ngay lập tức, lũ côn trùng từ đâu bay tới bu quanh cây đèn. Những người kia và cả mấy người nữa, không biết họ từ đâu chui ra, ngồi xuống bàn. Thức ăn được bà May và Phương bưng ra. Họ nhanh chóng bắt đầu bữa ăn, chẳng ai nói một lời nào, có lẽ vì tất cả mọi người đều đói và cũng không muốn nói chuyện. Cây đèn măng xông với những con côn trùng bu quanh chỉ đủ tạo ra một thứ ánh sáng nhờ nhờ, không đủ nhìn rõ mặt người trên bàn ăn, như thể họ đều là những con ma không có khuôn mặt. Bóng họ đổ xuống chập chờn trên nền sân thành những hình thù quái dị. Lâm gắp một miếng thức ăn từ cái đĩa đặt ở giữa bàn đưa lên miệng. Có lẽ đây là một miếng thịt, anh không chắc lắm. Nó dường như rất giống thịt, nhưng vị rất lạ, không giống như tất cả những loại thịt anh từng được ăn, mà anh thì đã được ăn hầu như tất cả các loại thịt: thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt bê, thịt trâu, thịt nghé, thịt vịt, thịt dê, thịt ngan, thịt ngỗng, thịt cừu, thịt chó, thịt thỏ, thịt gấu, thịt rắn, thịt trăn, thịt ngựa, thịt lừa, thịt hươu, thịt nai, thịt sóc, thịt chuột, thịt nhím, thịt ếch, thịt nhái, thịt cóc, thịt bồ câu, thịt đà điểu, thịt chim cút, thịt cá sấu, thịt khỉ, thịt voi, thịt hổ, thịt sư tử, thịt lợn rừng, thịt chó sói, thịt báo, thịt cáo, thịt tê tê, thịt mèo, thịt linh dương, còn có loại thịt gì mà anh chưa được nếm nữa nhỉ? Hơn nữa, vị giác của anh rất tinh, anh có thể dễ dàng phân biệt được tất cả các loại thịt. Vậy mà không hiểu sao anh không luận ra được thứ thịt mà mình đang ăn, rất ngon, rất giống thịt mà dường như lại không phải là thịt. Ánh đèn lại nhờ nhờ, chả nhìn thấy gì, thành ra miếng thịt trông chỉ còn là một hình thù tối sẫm, không rõ màu gì.

Trời đột nhiên nổi gió như thể sắp có cơn giông. Cây đèn măng xông chao đi một chút rồi lấy lại thăng bằng. Gió thổi thành từng đợt nhẹ hơn nhưng mát mẻ và chứa đầy hơi nước. Lâm cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Anh vẫn cắm cúi ăn, hệt như những người kia, gắp rau, gắp thịt và chan canh lặng lẽ, chẳng ai nói với ai một lời. Họ ăn xong rất nhanh rồi ai về phòng nấy. Gió lúc này thổi rất mạnh, những cành cây bưởi như oằn đi trong tiếng gió rít.

Trong phòng không khí vẫn hầm hập như hấp hơi. Lâm để cửa mở cho không khí lạnh ùa vào. Anh nằm trên giường một lúc rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Lâm ngủ rất say, trong giấc mơ anh thấy mình thức dậy vào buổi sáng ngày hôm sau và cùng với đám khách trọ đi ra nhà máy. Nhưng đến nơi thì anh mới biết nhà máy đã phá sản. Nó đã phá sản trước khi kịp thu nhận anh. Anh buồn bã quay về làng cùng với đám công nhân ở trọ. Khi vừa tới đầu làng thì bỗng từ đâu dân làng ùn ùn kéo ra, đám đông mặt mũi hằm hằm đầy sát khí. Họ quây lấy đám khách trọ bọn anh và tuyên bố rằng tất cả bọn anh nợ họ rất nhiều tiền, tiền trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền nước nôi, vân vân và vân vân, tóm lại là rất nhiều tiền, bao nhiêu năm qua nhà máy không hề trả một đồng nào, nhà máy cứ khất lần khất lữa, không chịu trả, rồi giờ đây, đùng một cái, nhà máy bỗng chốc phá sản, họ còn biết đòi ai đây, họ còn biết bấu víu vào ai đây nếu không phải là những người khách trọ, những kẻ đồng lõa với nhà máy để hút máu hút mủ họ. Bởi vậy, họ tuyên bố, họ sẽ bắt giữ đám khách trọ bọn anh làm con tin. Không, không phải là con tin thông thường, như thế thì dễ dàng cho bọn anh quá mà lại mệt mỏi cho bọn họ vì họ lúc ấy sẽ phải cúc cung tận tụy hầu hạ bọn anh, cơm bưng nước rót hàng ngày, thậm chí còn khổ hơn cả ngày xưa. Không, họ sẽ không giữ bọn anh như những con tin thông thường mà sẽ giữ bọn anh như những nô lệ, những nô lệ phải làm việc cho họ để trả nợ. Cũng được, Lâm thầm nghĩ, cũng không tệ lắm, thay vì làm việc cho nhà máy thì mình sẽ làm việc cho dân làng, cũng chẳng khác gì nhau. Nhưng như thế thì kiếm đâu ra việc làm cho cả đám khách trọ đông như thế này, dân làng nhìn nhau tự hỏi, bởi bản thân công việc đồng áng của họ vốn đã ít, hiện đã thừa mứa đầy người ra rồi, phải làm thêm dịch vụ ở trọ cho nhà máy để kiếm thêm mà cũng là để có thêm công ăn việc làm cho mọi người, chủ ý của nhà máy khi mới thành lập cũng là như thế, nhằm tạo ra công ăn việc làm cho dân làng, họ có thể làm dịch vụ cho nhà máy. Nhưng giờ thì hết rồi. Tất cả đã hết rồi. Nhà máy không trả tiền, lại còn để lại một đống khách trọ như này bắt họ phải giải quyết. Họ biết làm thế nào đây? Không lẽ cho hết khách trọ vào nồi nấu cao rồi đem bán ư? Như thế thì tàn ác quá! Bất nhân quá! Rồi bỗng nhiên một gã, có vẻ như là trưởng làng, trong giấc mơ anh không nhìn rõ mặt, gã đứng ra tuyên bố đã tìm được một giải pháp, có thể sẽ tạo ra công ăn việc làm cho tất cả đám khách trọ, không những thế còn tạo ra cả công ăn việc làm cho toàn bộ dân làng nữa. Từ nay mọi người không phải vất vả làm công việc đồng áng nữa, gã tuyên bố, và cả đám khách trọ này nữa, cũng không phải vất vả làm việc cho nhà máy nữa. Bởi gã đã tìm ra được một công việc rất tốt cho tất cả mọi người, một công việc có liên quan đến nhà máy nhưng lại không phải làm việc cho nhà máy và tất nhiên không phụ thuộc vào ý chí của nhà máy. Đây cũng chính là cách mà dân làng đòi lại những gì nhà máy đã lấy đi của họ, gã nói bằng giọng bí hiểm, một hình phạt – có thể gọi như vậy – của dân làng dành cho nhà máy.

Cũng trong giấc mơ ấy, anh mơ thấy mình lấy Phương và định cư luôn ở làng. Họ sinh con đẻ cái và cùng nhau cai quản đám khách trọ kia, đám ấy cũng sinh con đẻ cái. Làng càng ngày càng phát triển trù phú, càng ngày càng mở rộng ra, trở thành một quần thể đông đúc, nhờ cái công việc mà gã-có-vẻ-như-là-trưởng-làng-kia tìm cho, một công việc mà tất cả mọi người đều đắc ý, một công việc nhờ vào nguồn lực vô biên sẵn có của nhà máy – chính cái diện tích rộng mênh mông của nó, dù nó đã phá sản rồi, bảo chứng cho điều này – mà họ không bao giờ phải lo sẽ hết việc. Rồi thì cả cuộc đời anh, không chỉ cuộc đời anh mà cả cuộc đời họ, những người khách trọ, thậm chí sang đến cả đời con cháu anh lẫn đời con cháu họ, kéo dài đến nhiều đời, đến rất nhiều đời, đến đời đời kiếp kiếp, trong tịnh độ của vĩnh hằng, tất cả đều không phải đi đâu xa để kiếm việc, mà chỉ cần sống quanh quẩn ở làng, làm một công việc duy nhất, một công việc chắc chắn, được nhà máy bảo đảm theo một giao kèo không thể chắc chắn hơn – gọi là giao kèo hẳn là không đúng vì thực ra chẳng có giao kèo nào hết bởi nhà máy đã phá sản từ lâu rồi, sự bảo đảm cũng vậy, chẳng có sự bảo đảm nào từ phía nhà máy hết, kẻ chết làm sao có thể bảo đảm được điều gì cho người sống, cả sự bảo đảm lẫn giao kèo đều mơ hồ y như nhau, ấy vậy nhưng nhìn từ phía hiện thực nó vẫn giống hệt một sự bảo đảm chắc chắn theo một giao kèo không thể chắc chắn hơn, cái giao kèo chỉ được đưa ra bởi một phía còn phía bên kia thì đã chết ngoéo từ đời nảo đời nào rồi, nhưng chính vì vậy mà nó mới trở nên chắc chắn đến độ không thể chắc chắn hơn, bởi, như một lẽ tự nhiên thông thường, giao kèo với người chết bao giờ cũng là giao kèo chắc chắn nhất do không còn phải lo đến sự lật lọng từ phía bên kia nữa – họ sẽ không bao giờ phải lo lắng gì về chuyện thất nghiệp nữa, chính là cái công việc mà gã kia tìm cho, nó không bao giờ kết thúc; công việc ấy là: tháo những tấm tôn của nhà máy ra đem bán đồng nát.

Nguyễn Nguyên Phước

 

(Sách đã được NXB Trẻ xuất bản năm 2021.)

Nhà Máy Sản Xuất Linh Hồn (Tiểu Thuyết)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Nguyễn Nguyên Phước

Nhà văn, dịch giả.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on Nguyễn Nguyên Phước, Nhà máy sản xuất linh hồn (trích)

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: