Đọc Ngọc Tư qua Facebook

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 12 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)

Có thể đây là câu chuyện có thật:

Một anh bạn dẫn cô gái đang tán lên gác ba một hiệu sách cũ, bới trong đống sách tình cờ một cuốn Nguyễn Ngọc Tư, anh đặt đầu cô gái lên đùi mình và đọc cô nghe mẩu truyện ngắn bất kỳ với giọng đọc của nhân vật trong tác phẩm hư cấu gần nhất của Murakami (cuốn hút anh trai người yêu trước hết). Chỉ có họ ở đó. Chưa ai trong hai người đến lúc ấy biết nhiều về truyện Tư, ngoại trừ cô bạn gái đã đọc Cánh đồng bất tận, và quyết tâm dừng lại. Vì cô cho rằng nó quá buồn. Không trích dẫn thêm.

Nhưng trên đùi chàng trai hôm ấy, cô nhắm nghiền mắt. Không ngăn mình khỏi ý nghĩ chàng trai “so deep”. Họ rỗng tuếch thuở ấy. Sức mạnh cho trích dẫn vẫn ở khắp ngõ ngách văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, chảy ồ ạt cùng dòng ngôn ngữ bản địa, rót vào tai cô gái những nỗi buồn vừa phải, xa xôi của một miền nào đó không phải cô, Hà Nội.

Không phải ai cũng là fan của lối viết ấy, nhưng rất nhiều. Truyện hai người kể trước sau nằm gọn những status chia sẻ trên Facebook. Ở một fanpage như này. Vẫn hiệu sách cũ, họ dần chuyển sang đọc từ điện thoại. Bớt rỗng hơn. Chàng trai nằm trên đùi cô gái. Các status – chúng hàng nghìn like mỗi ngày.

Đánh vào cảm xúc người dùng là một trong phương thức làm nội dung mạng xã hội được từ lâu. Trong khi cũng từ lâu, nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta nhắc đến buồn. Những nỗi buồn được kể đặc trưng bằng phương ngữ Tây Nam Bộ. Tư từng nói chị không cố ý rải rắc chúng – gia vị miền Tây – trong những trang văn của mình, nhưng đoạn văn sau đây lên tiếng phản bác:

Và bởi hai ông bà nói năng duyên dáng, dùng nhiều chữ lạ. Ông nói, ngó người ta đi ăn xin lang thang lưới thưới thấy thương. Ông kể vụ mất trộm gà, nhà có con chó chậm chạp như bà già đi âm phủ, con chó này làm kiểng lâu quá rồi chắc ông phải làm gỏi thôi. Bà già nói bữa nay đi lúc trời còn lu, sương nhiểu hột ướt sượt cái đầu. Mấy nải chuối chín mùi rụng rún này ngọt mật phải biết.

[…]

Ngồi nghe ông bà già nói chuyện, suốt đường về nhà tôi cứ thấp thỏm sợ quên luôn thì tiếc. Lúc ghi lại vào sổ tay thấy từ ngữ bỗng trơ, thiếu mất vẻ đẹp, sự sống động như khi chúng phát ra từ đôi môi héo móm, từ cái miệng phập phều chỉ có hai cái răng nằm xiêu lạc, và ánh mắt đã dần mờ đục nhưng vẫn hồn hậu hấp háy, hấp háy… (“Mua vài đồng nhớ”)

Một phần nào đó, Tư cũng nhặt nhạnh. Tôi, chắc cũng như nhiều người, những lần đầu đọc Tư choáng ngợp trước một loạt từ sử dụng mang chất đặc trưng địa lý (quá ư tính từ), hình dung ra bên tai, không phải thủ thỉ mà nói năng một giọng đặc sệt Nam Bộ không lẫn nổi vào đâu, mang ra hồ hởi các sản vật từ con người, thi cảnh đến nỗi buồn. Chính Tư ngỏ lời cho Cánh đồng bất tận, rằng khi nó được dịch sang tiếng Hàn Quốc, ngữ nghĩa địa phương nhiều quá khiến người dịch “không làm một công việc bình thường với sự cần mẫn bình thường”, đôi bên gặp nhau nhiều lần mà không chỉ chuyển ngữ qua trang giấy, và kỳ lạ thay, chị mong tác phẩm của mình là nước. Một dòng nước gập ghềnh.

Từ ngữ lạ bản thân chúng là nội dung mới (có cả một ngành nội dung trên mạng xã hội). Lại cộng hưởng với lối nói lắt léo, dương Đông kích Tây kiểu:

Thời thế gì mà sốt ruột. Nhà hàng xóm lại đổi chiếc xe hơi đời mới. Thằng bạn học giờ là doanh nhân trẻ vào tốp mười cả nước. Cô bạn cùng sở làm vừa sắm túi Gucci. Ông anh bên vợ trúng số. Có hàng ngàn lý do để sốt ruột, nhấp nhổm sau cái quãng chỉ so đo chuyện mâm cơm có thịt hay không có thịt, độn khoai hay không độn khoai. (“Cầu Dư và Cầu An”)

Hai yếu tố nói trên bện chặt nhau trên con đường đánh lạc hướng khỏi quan tâm đến một cốt truyện liệu đủ thú vị (có thực sự là điều phải quan tâm? Tản văn, truyện ngắn?), trên đó hòa lẫn một dòng tình người, buồn đau với trung dung như mai em đi lấy chồng, bữa nay qua uống với anh một chén rượu.

Có gì đâu dông dài chuyện hai cụ già buôn thúng bán giỏ ngoài chợ, bỗng một ngày không còn thấy cụ ông đâu; con gái xây căn nhà riêng ở một mình, khỏi với mẹ, hình dung nó là cái hang; anh đờn ca nghèo giục người yêu cưới – anh sang sông tìm hiểu nhà chồng cho cô trước rồi bảo “em lấy chồng đi”; cô gái nằm mộng người yêu cũ đã chết, nhất quyết tìm cốt để được sống an lành, sau cuối nhận ra cả đời khổ vì một đống xương. Nguyễn Ngọc Tư xử được tất. Chị bẻ ngọn ngành các lớp cảm xúc, đặc tả nét mặt, dáng hình bám vào từng số phận (“Gương mặt xương có đôi môi dày, và mớ tóc cháy nắng cứng đờ khi gại trên ngực em làm em kêu nhột…” (“Xác bụi”)), làm số phận bén rễ vùng đất (những móng chân thúi sạm của dượng), rồi vùng đất bắt mạch suy nghĩ con người (“… cây trồng nghiêng ngã về sân nhà, bảo đảm không cái lá nào rơi lạc qua sân khác. Nhà mình là một cái hang, em nghĩ vậy.” (“Hang động”)) Những chuyện lăng xăng xã hội cũng được đan cài rất duyên (nữ quyền: “Con trai kiếm cá con gái hái rau, con trai ra ruộng rẫy con gái vùi đầu trong xó bếp. Bao giờ con trai trở thành đàn ông nó có bổn phận đưa tay đánh, còn con gái (giờ đã là đàn bà) thì giơ thân ra chịu đòn. Vụ đó ba không dạy, hai chị em tự biết thôi,” (“Mộ gió”)) bàn, không phải trống không mục đích, nhưng bâng quơ vậy thôi như các nhân vật bỗng nhớ ra thì nói, bên một sạp uống trà chiều và còn huơ huơ nón cuối buổi tất tả lao động, chẳng ảnh hưởng gì đến tình tiết cuộc đời họ tiếp theo (“Chị giận sôi những người đã tỏ ra thất vọng khi không tìm thấy thi thể em, ở ngoài đồng hay dưới đáy sông”). Bồi dày đến đậm đặc. Và tôi đố ai không sống lâu đến bắt rễ môi miệng vào một vùng đất, hoặc đã đi qua mà hỏi thăm cho kỹ, ghi chép, có thể tả cảnh đất ấy hắt hiu bằng thực vật nhiều đến thế này:

Ngó sông vắng vẻ quá trời buồn, nhìn cảnh cù lao còn buồn hơn. Buồn từ mùi ổi chín phảng phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vẳng trong nắng chiều… Từ mé rừng mắm chống lở đất phía bên này, đi hết vườn cây này gặp được một căn nhà thì lại tiếp đến vườn cây trái khác. Cuối cùng là bãi bồi, dây khoai lang bò xùm xòa phủ kín đất. Bóng người ẩn hiện dọn cỏ dưới các gốc cây. (“Thương quá rau răm”)

Nhà văn Sơn Nam nhận xét trên VnExpress năm 2005, về Nguyễn Ngọc Tư ở tuổi 29, rằng: “Muốn viết văn hay không chỉ có cảm xúc mà còn phải có kiến thức, nhất là sử địa, phải chịu khó học…” Tôi trộm nghĩ, kể đã nhiều đến thế thì kiến thức chẳng phải đã quá cụ thể. Nước của những bài học vùng miền chảy thành mạch ồ ạt đến ngợp suốt những câu chuyện của một người rõ ràng chứng minh đến tận nơi ghi chép. Làm như làm báo. Và có đi thực địa. Ghi chép phòng thí nghiệm hay sách giáo khoa nào được vậy? Tư đi thẳng vào đời sống hiện tại của nhân vật, những điều chị nhìn, mà không vòng vo diễn giải quá khứ: đó hẳn là một lựa chọn? Trong phạm trù văn ngắn? Ông hàm ý đúng, Nguyễn Ngọc Tư viết dựa nhiều vào cảm xúc. Ô, nhưng nếu cảm xúc là một ngành khoa học? Chồng chất người đọc lên phong phú địa phương – từ chỗ phát hiện – để thả rơi trên cao đó, một lượt, xuống những thực tế đã thành bình thường của đời sống – đến nơi xa xôi tới đâu, ăn thứ rau gì, không tránh khỏi, là cách Nguyễn Ngọc Tư đong tấm lòng.

Văn Tư không thuần, đọc khó xuôi một lượt. Nhưng điều đó diễn ra không bằng những ẩn dụ tràn lan, với cảm thức sẽ giống lớp sương mù bất thường giăng dày trên Tây Nam Bộ (vậy nếu biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra, và hạn mặn do đắp đập ngăn sông Mekong ở thượng nguồn làm đổi thay cảnh quan miền Tây, Nguyễn Ngọc Tư sẽ chịu ảnh hưởng và viết thế nào?) mà bởi con đường dẫn đến gặp người của chị, và cả chị, phơi ra những khấp khuỷu, úng lụt, khô cằn. Đi trên những chặng phô bày địa thế ấy, cảm xúc buồn và xót xa dễ chung nhất, cùng lúc có thể xảy ra với nghìn người đọc, cùng vỡ òa. Chính xác điều khiến tôi thích (like) mà không hâm mộ tản văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tôi mạo muội đặt cạnh nhau văn Tư và văn phi lý (absurd) của Kafka. Nếu văn Tư là tranh hiện thực dùng các màu “exotic” địa phương đậm đặc gợi cảm xúc, thì của Kafka là những cảnh phổ quát nhợt nhạt nhưng siêu thực. Hai triển lãm đều đông khán giả, nhưng khả năng lớn hơn người xem tranh Tư đến chung một bức vẽ, hạ cánh cùng nhận định và trạng thái; trong khi với Kafka, còn phụ thuộc mỗi cá nhân đứng trước mỗi khung tranh dịch nghĩa thế nào. Tưởng tượng Kafka chơi blog: mỗi trong số độc giả của ông sẽ để lại bình luận một kiểu, tùm lum, chẳng liên quan đến nhau. Cái muốn nói chính khi tạo ra một so sánh khập khiễng giữa một đại diện văn đàn thế kỷ 20 của thế giới và 21 của Việt Nam là Kafka (truyện ngắn không thiếu) sẽ lép vế khi dùng văn chương cho mạng xã hội, thứ không thuộc về thời đại ông sinh vào. Kafka ít dùng từ khó – ngôn ngữ ông sử dụng (thể hiện qua bản dịch) rất thuần và phổ thông – ít lấy đi cảm xúc một cách trực diện và nhiều đồng đều, vậy nhưng tùy người, gây ra mất mát to lớn chính nơi người đọc. Những lỗ hổng được khoét không giống sự xót xa khi đọc về cuộc đời ai khác nằm ở khoảng cách xa hơn chiều dài từ Hà Giang đến đất Mũi. Bất an dành cho chính mình. Và không thể nào đem văn Kafka đăng status hay đặt trích dẫn ở đầu mà nghìn like.

Ngược lại, Tư viết rất hợp mạng xã hội. Mỗi đường nước gập ghềnh chị xây thực không ẩn ý nhiều nhưng lay động liêu xiêu từng bước đi qua, khiến bưng nguyên một truyện hàng nghìn từ lên đăng status vẫn giữ chân tương tác nhờ vào ngôn ngữ, cảm xúc, bàn tán và câu chuyện đầy tràn. Tôi không biết văn tác giả nào khác ở Việt Nam làm được vậy: khoảng hai-trăm-bốn-mươi-nghìn lượt theo dõi kể từ tháng 1/2014 cho một fanpage dựa thuần túy nguồn nội dung văn học (nhưng ơn giời, quá dồi dào) của một người, hầu hết không dùng sản phẩm truyền thông nào khác (ngoài ảnh đính kèm bài đăng đúng theo tinh thần tranh vẽ nói trên; với Kafka, tôi nghi ngờ khả năng làm tương tự.) Status từ hai dòng cho đến “xem thêm” rất nhiều dòng chỉ biết đếm hàng nghìn.

Triết học Phật giáo dạy ba giác ngộ cơ bản. Vạn vật không gì bất biến – vô thường, mọi thứ không có bản thể – vô ngã, và khổ đau là không tránh khỏi – khổ. Chúng dễ gây hiểu nhầm sang một trường phái tư tưởng khác là “chủ thuyết hư vô” (nihilism), cho rằng không có gì thực sự là kiến thức, không có chuẩn mực đạo đức đúng sai, vũ trụ vô nghĩa, và sau hết, không tồn tại ý nghĩa cuộc đời. Đạo Phật trong một số nghiên cứu đã cách biệt mình khỏi thuyết hư vô.

Nhưng tôi bắt gặp tính “không” của hai ý hệ nói trên giao nhau trong chừng mực, tại một câu viết ở truyện ngắn chính Nguyễn Ngọc Tư nói ra “nghĩ mình chắc bị ám ảnh hư vô” (“Neo lại bóng mình”):

Những cây cầu xây từ lòng hảo tâm, rốt cuộc cũng xong. Chúng chỉ là cầu qua sông, không mang tên ai, không là biểu tượng lòng tốt của ai. Ít lâu sau, cầu có tên, là tên quán nước, hoặc chủ đất, tên một cái cây lớn đứng ngay bên đầu cầu.

Nữa, trong cùng tập tản văn mới nhất xuất bản, Hành lý hư vô (2019):

Hiểu cách những mối quan hệ biến dạng sau mỗi cuộc chuyển dời, nhất là giữa người với người, nhưng sau vài lần chuyển nhà, đồ đạc mới là thứ khiến bạn ngạc nhiên. Những thứ bạn phụ thuộc vào, như thể chúng là tai, là mắt, là oxy, hóa ra buông bỏ được. Và có thể buông nhẹ không.

Tôi quan tâm duy ba điều khi đọc về tiểu sử Nguyễn Ngọc Tư. Một, chị hiện sống và làm việc ở Cà Mau – quê nhà. Hai, nghiệp viết văn thực sự được tính từ năm 2000 – giọng kể và bối cảnh dẫu nghe xa xăm hoài cổ mà thực ra mới toanh thuộc hàng văn học thế kỷ 21 của Facebook và Instagram (những thứ chỉ mới hơn mười năm thôi chứ mấy.) Ba, Tư chỉ học hết phổ thông cơ sở.

Nên tôi nghĩ có một người bước vào những năm 2000, và cả những tháng năm viết sơ khởi trước đấy, bằng hành lý hư vô. Để nói những điều chẳng thời thượng:

[…] (đêm qua có một bà già bên xóm ngồi bên bạn thì thầm, “giờ thì con nhỏ chịu nghỉ ngơi rồi”), bạn mới thật sự nhìn đồ đạc như một giấc mơ. Cái máy điều hòa bạn không cách nào thiếu nó khi đi qua những mùa khô sôi nắng, giờ không có bạn vẫn ngủ ngon lành. Và ngủ sâu đến mơ cũng nhẹ không thể chạm vào. Hay cái điện thoại kia, thứ kết nối bạn với thế giới, dính cứng bạn vào những mối quan hệ vô hình, giờ nằm một xó.

Và đến cùng những người – dẫu ngoài đời thực hay trong tâm tưởng (tâm trí tưởng tượng) – hư vô nhất. Một ông già níu chân bác sĩ trẻ từ thành phố bằng cô con gái để phải lòng mà ở lại trạm xá cù lao có tên Mút Cà Tha, chính nơi được tả bằng nhiều thực vật đã trích dẫn, hẻo quá đến nỗi đã người thứ năm chịu không nổi, người thứ sáu cuối cùng cũng đi. Hay cô gái xây nhà ở một mình nghĩ về những cái hang, sẽ bàn đến sau.

Rồi người đó bước khỏi tất cả hư vô như vậy, như “Ai nhớ được tên chị nữ hộ sinh đã cắt dây rốn cho mình?,” kiểu “Khi ấy, bạn đã thủng thẳng một mình qua trời khác,” và giống một nữ nhà văn tảng lờ nói chuyện doanh thu 17 tỷ phim chuyển thể (Cánh đồng bất tận, 2010) “không vơ” lấy mình được, là đứa con đã được người ta thay áo, cho sống với tinh thần khác. “Cả khi xe chuyển bánh rồi bạn vẫn còn kinh ngạc, thì ra chỉ cần chừng này thứ mang theo. Chục ngoài bộ quần áo, mùng mền, đôi gối, vài cái khăn choàng cổ. Mà cũng không chắc chúng cần thiết với mình,” huống chi mạng xã hội: của ai, và lan truyền như ‘không’ gì dưới cái tên “sưu tầm”.

Một tiến sĩ văn học từng nói trước đám đông có mặt tôi, về tính đúng và sai trong văn học: “Văn học không phải là để rút ra bài học. Văn học đọc là để giật mình”. Tôi rất tâm đắc. Tôi đã giữ làm một hiến chương tinh thần tự ký với các nhà văn. Vậy nhưng bản năng con người vốn khó cưỡng lại chính trị của một loại hình nghệ thuật.

Và điều sau đây khiến tôi giật mình – một cô gái ví nhà mình ở như một cái hang:

Trong cái hang trống trải của mình, thỉnh thoảng em nghĩ về những ngôi nhà khác. Nhà của ông già Bến Tre hiu quạnh. Nhà ông bạn Cần Thơ tĩnh lặng. Nhà ông già An Giang nhàu nhĩ, thiếu sức sống. Nhà của ông già Sài Gòn đẹp mà bồn chồn. Họ đều một mình, và không biết, có cảm thấy ngôi nhà là một cái hang? Sự cô độc này đều được người ta tự chọn lấy, nhấm nháp như một tách trà đặc. Cho đến khi cái thứ nước chát đắng có hậu ngòn ngọt ấy thay cho máu, chảy trong người, ngập tràn tim. (“Hang động”)

Nguyễn Ngọc Tư tả sự cô độc như vậy đó: Trong khi người mẹ muốn xây một căn nhà với các tiện nghi chăn mền sẵn sàng đón khách, con gái muốn xây một cái hang động. Cô đi du lịch cùng một người bạn, trên xe đang làm thơ về cái bóng của mình trên ô kính, bỗng sực tỉnh nhớ ra phải kiếm một câu chuyện để nói với bạn. Ngoài 20, người ta kêu gào ôi tôi cô đơn quá, nhưng rồi sự cô độc cũng bình thường như bao thứ khác, được một mình là món quà của Thượng Đế. Sự vị kỷ giống như của một bệnh nhân nghĩ mình là người duy nhất xui xẻo trên thế giới này. Xây một căn nhà như hang động, một người ở An Giang, Sài Gòn hay Bến Tre ở trong tận hưởng như nhấm nháp chén trà đặc. Chén trà có hậu ngọt dần biến thành máu chảy trong người.

Không biết rằng Ngọc Tư khi viết có thoáng áp đặt những luận điểm sống. Sống hư vô hay sống cô độc. Nhưng bấy nhiêu là bằng chứng cho thấy có những bài học từ văn đã đến không trực diện, có lẽ cả khi giật mình lẫn khi không. Và chúng thấm dần như hậu ngòn ngọt của ly trà đặc lúc sống một mình trong một cái hang (mạng xã hội). Trà ấy đặc hơn trà thường, nhấm nháp lâu la, vì là bài đăng Facebook mà dưới dạng văn chương, không phải nội dung đa phương tiện ngọt từ đầu như trà sữa, gây túy lúy như đồ cồn hay dịu mát tức thời như nước có ga.

Lối viết của chị tôi không hâm mộ, sự đồng cảm với các thân phận buồn xa xôi cá nhân tôi đặt giới hạn cho mình, nhưng tôi phần nào hiểu người viết đã nghĩ gì khi viết, trong khả năng của tôi, và tôi ngồi với Nguyễn Ngọc Tư vài khoảnh khắc một cơ số ngày, không nhiều, như vậy. Không phải mở một quyển sách đọc hết một lượt rồi thở phào hay bỗng chứa chan ẩn ức. Không phải ngâm giọng cho người yêu nghe, người có quyền nằm trên đùi tôi. Tôi lướt điện thoại, một chốc, rồi dừng.

Việt Trần

Chấm sao chút:

Đã có 8 người chấm, trung bình 4.1 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Việt Trần

Một người lên mạng và làm báo mạng

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

3 Comments on Đọc Ngọc Tư qua Facebook

  1. văn chị Tư hay, nhưng page Nguyễn Ngọc Tư mình (và nhiều độc giả khác) nghi ngờ có thật là page do chị Tư lập hay không. Tức là chỉ là 1 page của người hâm mộ hoặc ai đó nhân danh chị Tư. Vì có một số post, tuy là thuần trích dẫn từ tác phẩm, nhưng lại có “ý ngầm” về 1 vấn đề chính trị vì thời gian đó đang xôn xao vụ việc abc.. Mình nghĩ đấy là nước đi không hay.

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: