
1. Vì sao tôi lại viết về Chết trong ngày Chúa nhật?
(Quy ước viết tắt về Chết trong ngày Chúa nhật – Tiểu thuyết của Nguyễn Nguyên Phước: Chết trong ngày Chúa nhật – sau đây viết tắt là Cuốn Sách, Nguyễn Nguyên Phước – sau đây viết tắt là NNP (Lưu ý phân biệt với Tổng sản phẩm ròng quốc gia – Net National Product).)
Bởi vì: Chết trong ngày Chúa nhật bị gây một ấn tượng, tung hỏa mù là rất khó, khó như Một chuyến đi, như Lần đầu tiên, như Chung một cuộc tình. Nó đặt vấn đề tuy trừu tượng nhưng cụ thể như Thượng đế và đất sét, nó khẳng định một chân lý không mới rằng khó có thể tìm được một người tốt và ta chỉ còn biết ngồi bệt ở đó mà ngó cuốn sách với sự kính sợ và run rẩy (mượn tên các tác phẩm của NNP viết và dịch). Cầm Cuốn Sách trên tay, người viết bài này thấy ca này quả là khó thật đến nỗi những ca được kể ra là khó như Một chuyến đi, Lần đầu tiên, Chung một cuộc tình… chỉ là những kỷ niệm đẹp đẽ êm đềm về sự dễ đọc.
Bởi vì: Chết trong ngày Chúa nhật được hình thành lù lù ở đó như một công trình không ngừng to lớn mãi lên nhưng thực sự chẳng biết bao giờ được nghiệm thu/hiểu – như hệ thống tàu điện ngầm/trên không ở Hà Nội, dù đã thành tác phẩm được in ra giấy trắng mực đen. Cầm Cuốn Sách trên tay, người viết bài này thấy mình đã đoán đúng, Chết trong ngày Chúa nhật như một công trình cần được nghiệm thu, nhưng hình như không ai dám nghiệm thu.
Và lý do nữa là cũng như ai đó, đôi khi người viết bài này tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình trong việc gõ bàn phím… Viết về Chết trong ngày Chúa nhật như một thử thách chữ nghĩa, như một thể nghiệm, một trò chơi mà người chơi tự đặt luật chơi: thử viết về một cuốn sách trước khi cầm cuốn sách đó. Người viết bài dùng thông tin trên mạng Internet viết được 15 trang A4 về Cuốn Sách.
2. Phương pháp nghiên cứu
Lúc đầu, như một thử nghiệm, người viết bài này định viết về Chết trong ngày Chúa nhật mà không hề cầm trong tay Cuốn Sách, vũ trang bằng bí kíp Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc? của Pierre Bayard. Tuy nhiên, thử nghiệm Vùng đất cháy à quên Tam Yên (gợi nhớ The Scorch Trials của James Dashner) đã không thành công, người viết bài này đã được cầm Cuốn Sách trên tay, một trong những cuốn sách mà không phải ai cũng có thể có được (vì ở thời điểm này, chưa có bán ở hiệu sách).
Cầm Cuốn Sách trên tay, người viết bài này mới thấy mình bốc phét sai bét, ứ có NXB nào xuất bản được Chết trong ngày Chúa nhật (trừ NXB gì mà photocopy), và nếu có xuất bản cũng hên xui khó bán nên Chết trong ngày Chúa nhật tồn tại dưới dạng lưu hành nội bộ. Nên người viết có thể tha hồ viết như thể tha hồ vẽ rồng vì sẽ có ít người thực sự biết Chết trong ngày Chúa nhật và rồng mồm ngang mũi dọc như thế nào.
Như vậy, trong bối cảnh Cuốn Sách Mới Và Khó Tiếp Cận, về phương pháp nghiên cứu khoa học, có thể định hình các phương pháp: (i) Phương pháp chuột bạch: người viết bài này nếm thử Cuốn Sách, sau đó phát biểu ý kiến có Ngon hay Không ngon (nếu vẫn chưa die); (ii) Phương pháp thám hiểm: người viết bài này chạy tung tăng trong Cuốn Sách xem có gì Hay (nhưng không ho).
Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu thực hiện bài viết này, người viết bài sử dụng các phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ (Nguồn: Tài liệu nghiệp vụ công tác văn hóa, văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương) và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
3. Tên Cuốn Sách
Bởi đang hoài nhớ về sông Hồng Hà nên người viết bài băn khoăn về tên sách – Chết trong ngày Chúa nhật có nghĩa là Chết trong ngày của Chúa, ngày đầu tuần hay ngày Phục sinh?. NNP dùng Chúa nhật để chỉ ngày trong tuần giữa thứ Bảy và thứ Hai, ngày này trong tiếng Anh là Sunday có nghĩa là ngày Sun và trong tiếng Nga là Voskresenye (воскресенье, trong tiếng Nga cổ là въскрьсениѥ, въскрѣшениѥ) – ngày Phục sinh để tưởng niệm ngày Chúa phục sinh sau khi bị đóng đinh trên cây Thánh giá. Mà nữa, Âu Lạc ta thì coi Chủ nhật là cuối tuần nhưng Huê Kỳ và đồng bọn thì lại coi là ngày đầu tiên của tuần. Tóm lại, ngay từ tên sách, Chết trong ngày Chúa nhật là chết trong ngày dư lào là cả một câu hỏi lớn?
Cầm Cuốn Sách trên tay, người viết bài này thấy mình đã đoán đúng, ở trang 27 gài bom rằng “Bi kịch nói chung thường khởi đầu và kết thúc vào ngày Chủ nhật” (lúc Chúa lúc Chủ, thật ra miền Bắc hay nói là Chủ nhật còn miền Nam kiu là Chúa nhật), và hình như ở trang 533 bắt đầu nói về chuyện rằng thì là mà chúng ta giết chết chúng ta Phục sinh ở trong cái chết, cứu rỗi, chỉ là trống rỗng…
4. Khám phá về cách đọc Cuốn Sách
Cách đọc Chết trong ngày Chúa nhật dở nhất là đồng hóa nó với nhan đề của nó, coi đó là một câu chuyện như kiểu truyện trinh thám (dù trinh thám hóa tiểu thuyết là rất Umberto Eco) về sự thể ai chết, chết thế nào, tại sao chết trong ngày của Chúa.
Tác phẩm bự tất nhiên cũng phải có nhan đề bự, nhưng xin cảnh báo là đừng để bị dụ bởi cái tên màu mè, có đề cập đến những chủ đề vĩnh cửu như Cái Chết và Chúa, bởi vì Chúa cũng đã chết từ lâu (hic) và với dân tộc ta, một dân tộc có truyền thống tụ tập xem cưa bom từ bốn ngàn năm nay – thật ra chết là điều chẳng mới… (Ý thơ Sergey Essenin: Trên đời này chết là điều chẳng mới/Nhưng thật tình sống cũng chẳng mới gì hơn). Và có thể lúc đầu NNP định viết về sự chết nhưng hóa ra lại viết về sự sống…
Nghe đồn từ trước là Chết trong ngày Chúa nhật có cái độc đáo là viết tràng giang đại hải, 600 trang (thật ra là có linh một) không xuống dòng nghĩa là liền tù tì ứ có một đoạn ngắt nào vân vân và mây mây. Tuy nhiên người viết bài này trong nốt nhạc đầu tiên đã khám phá ra được rằng thì là mà đến những đoạn MC dẫn chương trình câu giờ kiểu “thì, vâng, đến đây tôi xin phép được nói tiếp…” là có thể tạm ngắt đoạn. Hoặc đang nói chuyện này mà xọ sang chuyện khác, ấy là lúc có thể ngắt câu, xuống dòng sang trang hoặc sang chương.
Cuốn Sách như thể chuyển tải thẳng từ đầu người viết ra máy tính rồi đến với người đọc. Đến nốt nhạc thứ ba, người viết bài này đã đoán ra: Chết trong ngày Chúa nhật phải đọc bằng máy tính, file doc, vừa đọc vừa bôi vàng và bình luận.
Như ai đó là Paul Valéry nói, còn gì quý giá hơn ảo tưởng ngọt ngào của sự mạch lạc khiến chúng ta có cảm giác mở mang hiểu biết mà không phải cố gắng, hưởng khoái lạc mà không chịu đau đớn, thông hiểu mà không phải chú tâm, thưởng thức một buổi trình diễn mà không phải trả tiền. Tuy nhiên cái thời ấy đã xưa như Diễm và Paul Valéry đã die từ lâu.
Túm lại, một cách đọc hay ho là đọc Chết trong ngày Chúa nhật là trò chuyện với bản văn, kiểu cãi nhau với đài… Tất nhiên, sẽ dễ đọc hơn nếu xuống dòng, ngắt ý nhưng nếu muốn đọc kiểu ấy thì đi mà đọc Bà Tân Vlog.
Người viết bài này trộm nghĩ, nếu đã hậu hiện đại đánh đố thì hậu cho trót, tại sao lại còn dùng dấu chấm dấu phẩy hay viết hoa làm gì nữa…
Có lẽ cũng giống Vô tri của Milan Kundera, Chết trong ngày Chúa nhật có kết cấu lấy cảm hứng từ thể loại nhạc phức điệu, nhiều bè fuga [1]. Người viết bài này thấy vừa đọc Chết trong ngày Chúa nhật vừa nghe “Bohemian Rhapsody” và “Bicycle Race” của Queen có nhẽ sẽ ngấm hơn.
5. Sự kinh dị của một bản văn như trí tuệ nhân tạo (AI)
NNP như một tiến sỹ vật lý (xem tóm tắt tiểu sử trên mạng) có thể xuất phát với những dàn cảnh, ý tưởng rất rõ ràng, nhưng khi viết Chết trong ngày Chúa nhật, chính mạch văn chương đã nhào nặn lại tất cả, tự chế tạo ra một thứ khác hẳn. NNP đưa những câu chữ vào một đầu của một quy trình và tưởng rằng sẽ nhận được kết quả dự đoán được ở đầu bên kia, nhưng rốt cuộc hóa ra lại không phải thế.
Như ai đó nói, đó chính là ý nghĩa nguyên ủy của mọi tác phẩm nghệ thuật đích thực: chúng chẳng tuân theo cái gì hết, không một quy luật nào, không một sự thao túng có ý thức nào, không một kế hoạch chi tiết nào. Nhất là, chúng nhất định không tuân theo chính tác giả của chúng; một tác phẩm văn chương khởi sự nổi loạn chống lại nền chuyên chế của tác giả viết ra chúng bắt đầu mang dáng dấp của một tác phẩm nhớn.
Cũng như ai đó nói, một cuốn sách ngoan ngoãn đi theo kịch bản người viết tạo cho nó là một tác phẩm tàn nguội rất nhanh, bởi người đọc rất nhanh chóng ăn vã và hiểu thấu nó, còn một tác phẩm như Chết trong ngày Chúa nhật – chênh vênh giữa dự định và hoàn thành là một tác phẩm sở hữu một cái gì đó ngõ hầu vượt được thời gian, nhất là thời gian của Thời đại Kỹ thuật số này. Chính những tác phẩm chứa đựng sự đối nghịch với chính dự định dành cho nó mới thực giống sự bất hoàn hảo của cuộc đời. Ở góc độ này, Chết trong ngày Chúa nhật là tiểu thuyết thành công, bởi vì nó nhường được nhiều chỗ cho người đọc, bắt người đọc phải suy ngẫm, phải lao động – không chỉ đọc chơi chơi, giải trí mà đọc như thể tuyển quặng.
NNP hẳn đã phải giật mình với chính mình rất nhiều khi viết Chết trong ngày Chúa nhật; sự bất ngờ của nhà văn truyền lại tới người đọc, nên chắc chắn người đọc cũng phải bất ngờ (không bất ngờ không lấy tiền). NNP hẳn cũng đã phải trải qua rất nhiều chuyển hóa (transformation) trong quá trình viết Chết trong ngày Chúa nhật nên tới lượt mình, người đọc tất yếu cũng phải trải qua rất nhiều chuyển hóa.
6. Ý khái quát/Cốt truyện của Chết trong ngày Chúa nhật
Mọi người và đặc biệt là Giang Cư Mận sẽ hỏi Chết trong ngày Chúa nhật là nói về cái gì, ý khái quát của Cuốn Sách là cái gì?
Dạ, xin thưa: Rất khó nắm bắt ý khái quát của cuốn sách là gì? Thật lòng, gia đình cũng rất bối rối, chẳng lẽ lại hỏi tác giả: Anh định thế nào? Mà có khi tác giả cũng đành trả lời: Tôi cũng ứ biết nữa…
Nhân đây đặt vấn đề cho các nhà phê bình, rằng thì là mà có cần thiết phải liên hệ giữa tác giả và tác phẩm không. Có ai đó là Paul Valéry cho rằng không chắc tác giả đã biết cách giải thích tác phẩm của mình. Vì tác phẩm là kết quả của một quá trình sáng tạo phát triển bên trong tác giả nhưng cũng vượt lên trên cả tác giả… trong một chừng mực nào đó, tác giả cũng chỉ là một chốn dừng chân của tác phẩm. Người viết bài này đồng ý với quan điểm và cách tiếp cận trên.
Có ai đó định viết nhưng không đăng trên Goodreads rằng: “Tác giả cố tình tỏ vẻ nguy hiểm, đánh đố người đọc, Chết trong ngày Chúa nhật cần có người dẫn giải, như thể một bản Kinh… (dạo này có mốt đi thỉnh Kinh, người ta thường hỏi nhau đã có Kinh chưa…)” (Tiện đây dẫn chiếu phát: Cao Hành Kiện có Kinh thánh của một người, Nguyễn Khắc Ngân Vi có Phúc âm cho một người. Trong Chết trong ngày Chúa nhật, tất nhiên cũng có Kinh: “Tôi chẳng còn biết tôi có phải là tôi không nữa. Làm sao có thể biết được chính mình khi ta không phải là người khác? A, tôi nghĩ ra rồi. Tôi nghĩ ra rồi. Kinh Thánh.”)
Giả dụ người viết bài này không được cầm trên tay Cuốn Sách thì chỉ cần đọc 02 cảm nhận trên cũng đủ khiến chúng ta không hoài nghi gì nữa về cốt truyện của Chết trong ngày Chúa nhật, bởi sự đồng thuận như vậy là rất hiếm hoi.
Có nhẽ Chết trong ngày Chúa nhật cần được dịch ra tiếng đồng bào, để đồng bào có thể hiểu? Dù “Mưa rơi không cần phiên dịch” (Trần Dần) nhưng Cuốn Sách cần lắm một đội ngũ (một người chắc chắn làm không nổi) những người phiên dịch kiểu như các đội phiên dịch các clip của Vlog 1977.
Một mạch truyện khác trong Chết trong ngày Chúa nhật là mạch truyện gia đình, nhưng gia đình ở đây cũng được đưa ra cố tình xóa nhòa, ta có gia đình có ông nội rất tươm tất trong bộ quân phục được là lượt tinh tươm, cũng có gia đình bố làm nghề đi tù thuê, mẹ bán đồng nát (thuật ngữ này hơi sai vì thường chỉ có mua đồng nát (hoạt động chủ yếu) chứ ít dùng bán đồng nát)…
Đoạn cuối của Chết trong ngày Chúa nhật có đoạn giết người kinh dị như truyện kinh dị, và phảng phất hơi hướng của Tội ác và trừng phạt của Đốt. (Nói thế cho oai chứ người viết bài này cũng ứ biết Đốt là ai mà lấy nick ngắn gọn như vậy.)
Tóm lại, người viết bài không biết (mà biết cũng không nói) ý khái quát, cốt truyện của Chết trong ngày Chúa nhật là gì… Thế mới kỳ bí, và rực rỡ!
Cuốn Sách là một phòng thí nghiệm, Tam Yên là một phòng thí nghiệm, chuyện gì xảy ra? Dễ dãi nhất là cho tất cả chết trong ngày của Chúa, mà ní nuận tí: thật ra ngày nào chả là ngày của Chúa…
7. Chủ đề tư tưởng của Chết trong ngày Chúa nhật
Một trong những chủ đề gây ấn tượng cho người đọc là Xóa nhòa trục thời gian, như kiểu Đi tìm thời gian đã mất…
bởi chúng tôi nói chung không bao giờ quan tâm đến lịch sử của nhân loại, nói một cách thành thật thì lịch sử của nhân loại đối với chúng tôi cũng chẳng hơn gì lịch sử của mấy con cá chết, cá có chết ngày nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng kệ mẹ, ai buồn để ý, tại cái trạm vi ba này chúng tôi đã có lịch của riêng mình và nó miễn cưỡng không bao giờ có thể thuộc về lịch của nhân loại. (Trang 12-3)
Không gian có ba chiều thì NNP thử xóa đi chiều thời gian (không biết có thành công không), và bổ sung thêm chiều thứ tư là giao tiếp với người đọc/nghe (người viết bài này đang nghĩ đến dự án ghi âm lời đọc Cuốn Sách và phát trên mạng).
Thật ra, chúng ta luôn cảm nhận được là thời gian trôi đi, dù không có những cái mốc đi chăng nữa… Cái sự thời gian trên trạm không trùng với thời gian của loài người thực ra là làm văn, bởi kiểu gì thì bốn chiến sỹ Vũ Lâm Tùng Hưng kia cũng phải có ngày nhận lương…
NNP giống Kafka ở cái nhìn không lạc quan về cuộc đời, viết như thể để khuyên người ta đừng lạc quan về cuộc đời. Nếu bị Chết trong ngày của Chúa chiêu dụ, người đọc có thể sẽ phải nhìn nhận lại mình, để thấy bao điều hóa ra cũng ứ tốt đẹp gì chính trong hành vi, suy nghĩ của mình.
Theo thỏa thuận, cách một ngày Hạnh sẽ ngủ với một trong bốn đứa chúng tôi, luân phiên nhau mỗi đứa một đêm trong phòng của nàng ở tầng một… Mỗi đứa sẽ đóng góp một nửa tiền lương vào tiền trả cho nàng kể ra thì cũng hơi tốn nhưng xét cho cùng bỏ ra nửa tháng lương để hưởng những thứ dịch vụ dễ chịu như thế thì cũng đáng đồng tiền bát gạo. Tổng lại hằng tháng nàng cũng để dành được một khoản kha khá. Lương của ngành viễn thông dù sao cũng không quá tệ so với mặt bằng chung. Ngoài ra, theo đề xuất của thằng Vũ chúng tôi sẽ góp thêm một phần tiền thắng bạc vào khoản thưởng định kỳ cho nàng, tuy nhiên cái này không cố định về mặt định lượng. Vậy là có cả lương cả thưởng thằng Vũ nói với một mô hình ưu việt như thế này người lao động đương nhiên sẽ mong muốn cống hiến nhiều hơn. (trang 25-6)
NNP đưa ra một ví dụ về thế lưỡng nan của tình thế làm người, tương tự như công án nổi tiếng là công án mang tên Xích lô: không thuê người đạp xích lô già thì ông không có công ăn việc làm mà ngồi lên xe để ông chở thì sẽ rất ái ngại… Không nhận Hạnh vào làm thì Hạnh sẽ thất nghiệp mà nhận Hạnh thì lại mang tiếng là xxx (kiểm duyệt bỏ mất một đoạn).
Tiện đây gợi ý lời giải cho công án Xích lô (và cả công án Hạnh): khi cho tiền người đạp xích lô già không lấy (vì ông tự trọng không chịu lấy tiền mà không làm gì) nên đành bảo ông ấy ngồi lên xe rồi tự đạp.
Chẳng biết NNP có định đặt câu hỏi Chúa đã chết hay chưa chết, hay chết rồi nhưng lại phục sinh vân vân và mây mây. Cá nhân người viết bài này cho rằng câu trả lời rất đơn giản: Nếu có Chúa thì Chúa sẽ không chết, vì nếu chết thì lại không phải là Chúa.
8. Nhân vật trong Chết trong ngày Chúa nhật
Như thể nhân vật của Một chuyến đi đã thoát khỏi cuộc hành trình để rồi Chết trong ngày của Chúa…
Chúng tôi có bốn đứa. Tại sao lại có tận bốn? Cho đủ một cỗ phỏm? Tại sao không là ba là năm hoặc thậm chí nếu cần thì sẽ tăng lên gấp ba thành mười hai cho ngang bằng với số tông đồ của Đấng Cứu thế, các anh em sẽ hỏi và đáp án duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra là sự hợp lý của những con số. Mỗi số luôn chứa đựng trong bản thể của nó sự hợp lý thần thánh mà con người không tài nào giải thích nổi. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm của mỗi cá nhân hay khởi nguồn từ ý niệm của Thượng đế toàn năng tôi cũng không rõ nhưng bốn đứa chúng tôi rõ ràng là sự hợp lý hoàn hảo cho một mâm tá lả. (trang 21)
Người viết bài này bỗng nhớ ngày xửa ngày xưa có bộ phim Ba Lan nhiều tập hay mọi nhẽ là Bốn chiến sỹ xe tăng và một con chó. Tôi hình dung bốn nhân vật trên trạm viba là bốn chiến sỹ và cỗ bài và cô gái điếm (Lưu ý 1: Hạnh có phải là cô gái điếm không? Đó có thể là một đề tài khoa học cấp liên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Y tế Nông nghiệp và phát triển nông thôn) (Lưu ý 2: Trong Chết trong ngày Chúa nhật còn nhiều nhân vật tên Hạnh).
Chỉ có ta mới hiểu được (Tây sẽ không hiểu) tại sao một trạm viba như vậy phải có đến bốn người trông, trong khi máy chạy tự động và hầu như chẳng có vấn đề gì. Chết trong ngày Chúa nhật tuy về hình thức là tiên tiến nhưng nội dung đậm đà bản sắc dân tộc ở chi tiết này. NNP xới lên vấn đề công tác tổ chức lao động ở Việt Nam, thừa lao động nhưng thực ra lại thiếu lao động chất lượng cao – trong khi thay vì bốn người trông một trạm có thể là một người trông bốn trạm…
Bốn chiến sỹ kia hình như cuối cùng không tìm ra được lẽ sống của mình (khác với Marcel trong Đi tìm thời gian đã mất đã tìm ra lẽ sống của mình là cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật.)
Vũ Lâm Tùng Hưng bốn cái tên trung tính mà có nhiều chàng trai cũng được đặt. Nếu Chết trong ngày Chúa nhật muốn kịch tính hơn, mang hơi thở của thời đại hơn có thể để hai ba nhân vật trên trạm viba yêu nhau (Ở trang 583 chỉ có đoạn “Tôi mở khóa quần ra. Dương vật tôi đây rồi!… Cũng có thể tôi đồng tính luyến ái…”)
Có một giả thuyết người viết đưa ra là Vũ, Lâm, Tùng, Hưng có thể chỉ là một người họ và tên là Vũ Lâm Tùng Hưng do quá buồn chán, tẻ nhạt và cô đơn trên trạm viba nên tự tưởng tượng bốn người Vũ là mưa, Lâm là rừng, Tùng là cây, Hưng là một trạng thái đang lên… Mọi chuyện của bốn nhân vật nêu trên cũng chỉ là sự hư cấu do óc tưởng tượng của Vũ Lâm Tùng Hưng mà ra, kể cả Hạnh.
Cầm Cuốn Sách trên tay, người viết bài này thấy mình đoán mò mà cũng đúng, ở trang 530 có đoạn: “Chúng ta là những giọt nước thằng Vũ nói. Chúng ta chỉ khác nhau tên gọi thằng Tùng nói. Chúng ta thực chất chỉ là một thằng Hưng nói. Chỉ là một thứ cống rãnh khoan khoái thằng Lâm nói”, hay ở trang 573: “Chúng tôi đổi chỗ cho nhau hằng ngày. Mỗi ngày chúng tôi lại trở thành một người khác”, trang 575: Nhưng thằng Lâm là thằng nào? Có thể nó chính là tôi. Ai mà biết được”… Bằng thủ pháp nghệ thuật tạm gọi là xóa nhòa tất cả này, Chết trong ngày Chúa nhật tiếp cận chủ đề tư tưởng đã được đề cập rõ nhất trong các tác phẩm của Patrick Modiano về tìm kiếm mình là ai, tìm kiếm căn cước bản thân.
Theo góc nhìn riêng của người viết bài, ở Chết trong ngày Chúa nhật, nhân vật của NNP không chỉ là nhân vật mà còn là những nhà phê bình nghệ thuật, thở ra triết lý hít vào tuyên ngôn ví dụ “Nghệ thuật chân chính là thứ nghệ thuật không bao giờ được thể hiện…”, “Đến một tuổi nào đó mày chỉ có thể đọc được một thứ duy nhất…”, “Nếu có tình yêu con người ta sẽ có thiên hướng tư hữu và sớm muộn gì thì cũng sẽ dẫn đến xung đột…”
9. Bối cảnh chủ đạo trong Chết trong ngày Chúa nhật: Nơi tận cùng thế giới hay Thiên đường?
Tác giả Chết trong ngày Chúa nhật vừa dùng kính hiển vi để xem xét cuộc sống, vừa sử dụng kính viễn vọng, để mang lại gần cho chúng ta những gì vốn ở rất xa, tận Tam Yên.
Bối cảnh chủ đạo trong Chết trong ngày Chúa nhật là trạm viba ở Tam Yên (không biết có họ hàng gì với Tam Đảo không?) được mô tả như Nơi tận cùng của thế giới:
Người ta gọi vùng này là Tam Yên, nơi tận cùng của thế giới, chốn lưu đày của những linh hồn chết, nhà tù của tất cả các nhà tù, mê hồn trận của kiếp nhân sinh thậm chí chẳng cần đến hàng rào dây thép gai bởi vì không ai vào đây mà có thể trốn thoát ra được. (Trang 18)
Bốn người Vũ Lâm Tùng Hưng có phải là mắc kẹt không hay họ tự chọn cho mình cuộc sống như vậy, dù trạm viba ở Tam Yên được miêu tả có vẻ hoang dã xa xôi Mù Căng Chải nhưng như lời một bài hát thì ngay cả đảo xa cũng không xa lắm (Gần lắm Trường Sa, nhạc và lời Huỳnh Phước Long).
Một góc độ khác, trạm viba ở Tam Yên có thể là một thiên đường với cuộc sống ngày ngày đánh phỏm, lương viễn thông tạm đủ sống (“dù sao cũng không quá tệ so với mặt bằng chung”), có cơm ăn áo mặc, cơm có thịt và có cả chịt…
Trạm viba với cột anten nhìn rất giống với một cái ấy ấy, đứng sừng sững trên núi có thể là biểu tượng cho một cái gì đó.
Nhưng Tam Yên cũng có thể là một trại tù, hoặc là một địa danh mung lung “Như vậy Tâm Yên chỉ là một hiện hữu màu trắng tôi nói nó chẳng là gì khác ngoài một khoảng trắng đần độn và vô nghĩa”… (trang 99).
10. Một vài sự hấp dẫn chết người trong Chết trong ngày Chúa nhật
Thứ nhất, như lời của Lão Hạc Vlog 1977: “Có sex đấy, ông giáo ạ…” . Nhiều người có thể sẽ băn khoăn tự hỏi, sex trong Cuốn Sách là sex thuần túy 18+ hay là nghệ thuật chân chính? Theo người viết bài này, sex trong Chết trong ngày Chúa nhật vừa thuần túy vừa chân chính, được miêu tả vừa chân thực, vừa tinh tế khiến cảm nhận của người đọc không bị vẩn đục hoặc lệch lạc. Tất nhiên, nếu ai nhạy cảm đọc có thể bị sốc, nhưng những người mà nhìn viên gạch mà suy ra cả lúc đóng gạch thì y học bó tay.
Thứ hai, cũng lời của Lão Hạc Vlog 1977: “Có nhiều ám chỉ đấy, ông giáo ạ…”. Người đọc có thể tò mò tìm hiểu và đoán, “một vĩ nhân – kẻ sau này sẽ trở nên một gã độc tài khát máu, một tên vô lại chưa từng có trong lịch sử loài người… từ lúc bắt đầu đi làm cách mạng cho đến tận khi lìa đời y còn chưa bao giờ thèm dùng tên thật mà có khi chính y cũng quên béng cái nhũ danh ấy rồi” hay “một nhà thơ thiên tài mà nói thật ra thì với chúng tôi hắn cũng chỉ là thằng đần, một thằng cha vô tích sự không hơn không kém và thơ của hắn thì nói thẳng ra cũng đần độn và vô tích sự như chính con người hắn” (trang 10) là ải, là ai?
Thứ ba, Chết trong ngày Chúa nhật giống như kịch bản cho một trò chơi (game), có những nhân vật, có những bối cảnh, có những tình tiết để cho người đọc/người chơi tự lựa chọn một nhân vật, một bối cảnh, một tình tiết cho riêng mình…
11. Xếp loại Chết trong ngày Chúa nhật
Người viết bài này nếm thử Cuốn Sách, thấy như uống rượu tốt là đọc/uống xong không đau đầu. Đánh giá Chết trong ngày Chúa nhật có Ngon hay Không ngon thì cũng khó nói, vì tùy khẩu vị của mỗi người. Người viết bài này cũng chạy tung tăng rất nhanh trong Cuốn Sách, thì thấy cũng có một số chỗ theo ý kiến cá nhân là hay ví dụ như câu ở trang 600 đọc lên như thơ luôn: “Và khi mùa thu hết Người sẽ đến và họ sẽ thắp nến và chúng tôi lại lên đường”…
Cá nhân người viết bài này xếp Chết trong ngày Chúa nhật lên giá sách ở chỗ sách hiếm (vì ít người có), bên cạnh một cuốn cũng lưu hành nội bộ là Tín ngưỡng thờ thánh Tam – Tứ phủ do Lao Cai Nguyễn Mạnh Dũng biên soạn.
Một cách khách quan nhất, có thể xếp Chết trong ngày Chúa nhật thuộc loại sách chỉ đọc khi bị bắt phải đọc nhưng đọc rồi có thể thấy thích (thế là oách lắm rồi đấy, gần với sách kinh điển, sách trong Chương trình Văn học Trung học Phổ thông (nôm na là Chương trình cấp 3)).
Còn nếu xếp loại như Italo Calvino trong Nếu đêm đông có một người lữ khách thì Chết trong ngày Chúa nhật thuộc loại Sách Bạn Chưa Bao Giờ Đọc hoặc Sách Mà Nếu Bạn Có Nhiều Hơn Một Cuộc Đời Thì Nhất Định Bạn Cũng Sẽ Đọc Nhưng Chẳng May Đời Bạn Chả Được Bao Nhiêu Cả nhưng cũng có thể là Sách Mới Mà Tác Giả Hay Chủ Đề Là Hấp Dẫn Với Bạn.
Một xếp loại khác: Chết trong ngày Chúa nhật là cuốn sách nên có để thỉnh thoảng giở ra xem, nhỡ đâu một ngày đẹp trời bỗng có thể hiểu… Chết trong ngày Chúa nhật là cuốn sách ít người có thể đọc hết từ đầu đến cuối, nếu chẳng may có đọc hết thì cũng dám lộ, vì như thế có thể là đã NGỘ.
Bonus: Tóm lại (kiểu điểm phim)
Chết trong ngày Chúa nhật là một cuốn sách độc đáo lạ lẫm, mang đến nhiều suy nghĩ cho người đọc. Tuy nhiên sách không hề dễ đọc, thậm chí có nhiều người sẽ thấy nhàm chán và dài dòng. Để có thể hiểu được, người đọc buộc phải nghiền ngẫm kỹ từng đoạn, từng cảnh với biểu tượng và ý nghĩa của chúng. Khi ấy, chắc chắn sẽ thấy Chết trong ngày Chúa nhật hay và hấp dẫn hơn (ví dụ Chết trong ngày bình thường).
Pros: Cốt truyện tuy đơn giản nhưng phức tạp, ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Cách viết độc lạ, tạo cảm giác tuy ngột ngạt nhưng thoáng đãng.
Cons: Cuốn sách khá kén người đọc vì tuy khó hiểu nhưng nhàm chán ở một vài đoạn.
Kết luận
Khép cuốn sách lại, người viết bài này rất lấy làm tự hào vì người Việt mình cũng viết được như Tây. Cái gì mà Kafka, Marcel Proust, James Joyce, Samuel Beckett, Alain Robbe-Grillet (dẫn ra nhiều thế cho nó oai)… làm được thì người Việt mình mà cụ thể là NNP cũng làm được (nhất là ở thủ pháp gì mà phi tuyến tính tuyệt đối).
Nếu đã đọc Chết trong ngày Chúa nhật, ta sẽ nhớ nó, bởi Cuốn Sách thật sự gây được ấn tượng. Chắc chắn, ta có thể đọc lại Chết trong ngày Chúa nhật sau mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Có thể lúc ấy, người ta không còn dùng trạm phát sóng viba và đã có thể có cáp treo du lịch lên Tam Yên. Nhưng hình ảnh Vũ Lâm Tùng Hưng vẫn sắc nét như những bức ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao, nằm hoặc ngồi đó lững thững giữa đống hồi ức, khiến cho Chết trong ngày Chúa nhật khoác lên mình một dáng vẻ lãng mạn của thời gian đã mất.
Hồi những năm 1960, 70 gì đó, trong giới đại học, Marcel Proust với Đi tìm thời gian đã mất là đề tài rất “câu gái” tức là đề tài có thể dùng để hấp dẫn các cô gái trẻ đẹp. Liệu Chết trong ngày Chúa nhật có trở thành một đề tài câu gái không? Công lao này phần lớn thuộc về các nhà phê bình./.
Sài Gòn cuối mùa khô, giữa mùa Cô Vy 2020
Phan An
[1] Trong bài trả lời phỏng vấn của Milan Kundera: “Nhà văn không phải là người hầu của sử gia”: “Fuga là một bài học lớn về sự hoàn hảo của hình thức, có giá trị cho mọi loại hình nghệ thuật. Nguyên tắc đa thanh của nó đòi hỏi từng chi tiết, mỗi khi được bày ra, biến thành một mô-típ. Mô-típ này sẽ tái hiện đi tái hiện lại, biến đổi, ám chỉ nhiều lần xuyên suốt tác phẩm… Những mô típ này in đậm trong ký ức của người đọc, từ khi chúng xuất hiện đến khi tiểu thuyết kết thúc. Đó là lý do mà nửa sau của tác phẩm dường như đẹp hơn nửa đầu, phong phú hơn, ‘căng thẳng’ hơn; bởi vì người ta càng đi sâu vào tiểu thuyết, âm vang của những câu nói, của những chủ đề được đề cập càng nhân rộng và hòa quyện vào nhau để ngân vang từ mọi phía. Đó là cái mà trong thuật ngữ âm nhạc người ta thường gọi là ‘đoạn đuổi dồn’, phần cuối của fuga mà đặc trưng của nó là một lối viết rất chặt.”
https://tiasang.com.vn/-van-hoa/nha-van-khong-phai-la-nguoi-hau-cua-su-gia-3914
Người góp chữ
Phan An
Thầy giáo nghèo vượt khó
Leave a Reply