Andrew Lam, Văn chương và truyền thông của người Mỹ gốc Việt: Từ bên lề vào trung tâm

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 22 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 8, 30-6-2020)

Các thuyền nhân Việt Nam qua Mỹ, việc đầu tiên là dựng nơi thờ cúng, Công giáo và Phật giáo, nhưng việc thứ hai người ta làm là ra báo. Trên thuyền có nhiều người mang cả máy đánh chữ đi, và những người xung quanh nhờ họ gõ cho nội dung. Một nửa số người chạy trốn khỏi Việt Nam đã xuất phát từ Sài Gòn, và họ chủ yếu là giáo sư, công chức, nhà văn, nhà báo – rất nhiều nhà báo -, trí thức và họ đều đi cả, dường như thể toàn bộ giới trí thức Sài Gòn đã nhổ rễ và dời về Quận Cam. Và họ đậu xuống để bắt đầu làm báo. Các bạn có thể thấy những tờ báo không chính thức được ấn hành bởi toàn những tình nguyện viên, với những đội ngũ chỉ có 4 người, họ phân phối miễn phí với lượng phát hành lên tới 5000, 10000, thật là kỳ diệu phải không? Đó mới là vài tuần sau khi họ rời Việt Nam và thôi không còn là những kẻ vô gia cư, và họ lập tức phát hành báo chí. Và điều thú vị hơn là có hẳn một ngành công nghiệp in cùng ra đi với họ, những người có chuyên môn về sắp chữ, nhà báo, và tất cả cùng phối hợp với nhau tạo ra một cộng đồng mới. Họ đến Quận Cam, và San Jose, và họ làm gì, họ bắt đầu thành lập các tờ báo và dựng nên những cộng đồng xoay quanh những tờ báo ấy.

Thời tôi còn thiếu niên, đọc báo một nửa là những người tìm kiếm nhau: quý vị có chạy cùng mẹ tôi không, quý vị có gặp anh em tôi không? Và rất nhiều quảng cáo xoay quanh những người tìm cách thiết lập lại liên hệ với nhau. Tất nhiên thời này là trước khi có Facebook. Nhưng nửa còn lại là thương khóc. Nếu có thể nói về một tự sự điển hình của thời đó thì đấy là nỗi đau. Đây là những người vừa mất đi cả một đất nước, và họ viết ra nỗi đau của mình trên tin tức. Có cả thơ ca về quê hương đánh mất, mong muốn trả thù vv. Tóm lại có rất nhiều giận dữ và bức bối làm nên tự sự (narrative) của cộng đồng lưu vong. Có một sự đồng nhất (uniformity) của cộng đồng người Việt từ thời điểm đó trở đi, nuôi ủ một tình cảm khá là bảo thủ, chống cộng sản, chống chính quyền Việt Nam, nhưng họ cũng nhìn nhận mình theo một căn cước sống trong lưu vong và hoài mong trở lại Việt Nam. Trong đó có cả cha mẹ và chú bác tôi, sống ở Hoa Kỳ nhưng trái tim và tâm trí luôn đặt ở Việt Nam. Họ mong muốn trở về và họ nghĩ con cái họ cũng vậy. Và rốt cuộc điều đó lại thành ra đúng. Nhưng năm sáu năm đầu tiên ở Hoa Kỳ là năm sáu năm của thương khóc tập thể, và cái đó thể hiện qua viết lách của họ.

Nhưng điều thú vị là máy tính xuất hiện vào khoảng 1980 và từ đó xuất bản trở thành một công cụ đơn giản dễ sử dụng. Trước đó mọi người cần phải gõ máy chữ, in roneo rồi phân phát tờ báo, nhưng với sự tiến bộ của desktop publishing có cả một sự bùng nổ viết lách và báo chí, mọi người thành lập những tờ báo có lượng độc giả đến tận 5000, 10000 người, những tờ báo in trong nhà để xe. Có lúc ở San Jose có đến 15 tờ báo tiếng Việt phục vụ một cộng đồng 110000 người, chưa kể tạp chí vân vân. Một sự bùng nổ viết lách, và nếu sống ở Quận Cam, San Jose, Little Saigon… thời thập kỷ 80 thì bạn phải ngập lụt với những báo và tạp chí tiếng Việt. Và đấy là điển hình cho cộng đồng ở San Jose: bạn đi tới quán cà phê, mọi người sẽ ngồi hút thuốc – thời đó người ta hút thuốc rất nhiều – và nói chuyện về chính trị, và vớ lấy tờ báo, và báo hồi đó kiếm được tiền từ các hộ kinh doanh gia đình, từ quảng cáo, có rất nhiều quảng cáo địa ốc và quán phở hay bánh mì, và chúng tôi sống nhờ thế. Đó là thời phấn phát của tiếng Việt ở Mỹ, vì cộng đồng chủ yếu vẫn là người nói tiếng Việt, và những báo tiếng Việt gần như là một trong những công cụ trung tâm để kết nối mọi người lại với nhau, nó nói về chính trị và cả những gì đang diễn ra ở quê hương, nó là sự tụ tập cảm giác về căn tính của cộng đồng.

Đỗ Ngọc Yến, tôi coi là một người có vai trò tiên phong ở Mỹ. Ông là nhà báo, và ông quyết định ông không chỉ muốn làm việc ở Mỹ, ông muốn cống hiến cho cộng đồng bằng cách tạo ra một tờ báo tốt, nhiều thông tin, dựa chủ yếu trên phóng sự, và vì thế ông dồn hết tài lực của mình để tạo ra Người Việt, đến giờ vẫn là tờ báo tiếng Việt lớn nhất trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, ở Quận Cam. Ở đây thì bị cấm nên quý vị không đọc trên mạng được, nhưng ở Mỹ nó rất phổ biến và nó rất nhiều thông tin phong phú về những gì đang diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt là những người Việt đọc tiếng Việt ở Mỹ ám ảnh về những gì đang diễn ra ở Việt Nam, về nhiều mặt còn hơn cả người ở nhà. Đỗ Ngọc Yến dựng nên tờ báo này mô phỏng theo những tờ báo Mỹ thực sự, ví dụ như Los Angeles Times vân vân. Ông đã qua đời ở độ lục tuần, nhưng di sản của ông rất lớn vì có rất nhiều tờ báo đã theo chân ông. Tiện đây nói thêm, con gái của ông cũng làm phóng viên cho LA Times.

Một vài ví dụ về báo chí tiếng Việt là Người Việt, Việt báo, Thời báo, trong đó Thời báo là tờ lớn nhất ở Canada. Rất nhiều tờ báo trao đổi bài báo với nhau, ví dụ người ở San Jose tường thuật về sự kiện ở đó rồi bán cho Thời báo. Trên những báo này có rất nhiều trí thức giáo sư vào giai đoạn 1960-1970s ở Việt Nam đã tới sống ở Hoa Kỳ, và họ viết các bài phân tích cho báo, có cả những nhà thơ văn sĩ từng sáng tác ở Việt Nam nay tiếp tục sáng tác ở Mỹ. Báo chí của người Việt khác báo chí Mỹ vì nó không tự nhận mình khách quan hay thể hiện chính xác tình cảm của cộng đồng, đây là những báo theo kiểu “này độc giả, chúng ta nên ra ngoài biểu tình hết đi” nhưng không có nghĩa là mười nghìn người sẽ ra ngoài biểu tình, không có, nhưng họ nghĩ không hề có khoảng cách giữa mình và mọi người đọc báo, đó cũng là điều thú vị.

Dưới đây là ví dụ về một vài tổ chức truyền thông tồn tại ở Mỹ, Phật Học, Phố Nhỏ, Radio Bolsa, Saigon Broadcasting, sau đó đến thời radio và podcasting, và tất nhiên TV và tuần báo, và truyền hình cáp cũng rẻ nên người Việt bắt đầu mua sóng trên truyền hình cáp để mở các chương trình TV riêng. Ngoài các chương trình của người Việt là các chương trình của đài lớn chuyên nghiệp bằng tiếng Việt, ví dụ RFA hay BBC tiếng Việt. RFA có 9 thứ tiếng và có đội phóng viên người Mỹ gốc Việt riêng. Là một người nói tiếng Việt ở Mỹ thì không sợ thiếu nguồn thông tin vì số lượng phong phú các chương trình dành cho bạn. Ví dụ Radio Bolsa rất được ưa chuộng ở Little Saigon và rất nhiều người lắng nghe với rất nhiều chương trình: Phật giáo, Việt Nam ngày nay, Thiên Chúa giáo… họ có chương trình dành cho rất nhiều nhóm khác nhau với những mối quan tâm khác nhau. Còn có những talk show trên TV. Và tất nhiên một cái tên mà ai cũng nhận ra là Paris by Night. Vì một khi bạn đã thiết lập được cộng đồng, có báo chí… thì tiếp theo bạn mở show bán vé. Paris by Night khá hoành tráng, trong một thời gian rất dài, và tất nhiên nó cũng là một phần của truyền thông ở Mỹ.

Và tất nhiên trong số những người Việt Nam đến Mỹ trước 1975 cũng có nhiều trí thức, khi thời đại desktop publishing đến họ lại bắt đầu viết sách. Những người như giáo sư Lê Xuân Khoa, có bằng tiến sĩ về triết học, sau khi đến Pháp ông viết sách về lịch sử Việt Nam và hoàn thành hai tập sách Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh, Tị nạn, Bài học lịch sử. Vậy là trăm hoa đua nở các sách bằng tiếng Việt về Việt Nam trên đất Mỹ. Điều đáng chú ý là quy mô nhóm dân số Việt Nam ở Mỹ không lớn, nhưng họ đều có nền tảng văn chương, trước 75 là một dân số rất chịu khó đọc sách, thời chưa có Facebook Internet tất cả đều là con chữ, tóm lại là một cộng đồng những người đọc sách và tôi nghĩ một số còn viết.

Du Tử Lê mới qua đời tháng trước, ông cũng là một phóng viên ở Mỹ, nhưng ông nổi tiếng vì những vần thơ được chuyển thành ca từ. Ông được coi là một trong những nhà thơ hay nhất trong cộng đồng. Nguyễn Mộng Giác viết tiểu thuyết, tôi nghĩ ông cũng là phóng viên, ông viết những truyện ngắn tuyệt đẹp mà tôi có dịch một số sang tiếng Mỹ, ông cũng là một trí thức và nhà văn tạo ra sức nặng cho cộng đồng người Việt.

Trần Mộng Tú là một nhà thơ, văn sĩ trước khi rời Việt Nam và khi đến Mỹ bà tiếp tục sáng tác. Trước khi cuốn sách xuất hiện trên kệ sách ở Mỹ bằng tiếng Anh thì trong 15, 20 năm đầu tiên, tất cả các sách đều bằng tiếng Việt ở Mỹ. Sản xuất này được trợ giúp bởi cộng đồng người Việt ở Mỹ từ 75 đến khoảng 1990s, tôi ước lượng 95% được viết bằng tiếng Việt, cho người Việt.

Duyên Anh (Dũng Đa Kao, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Sa mạc tuổi trẻ) không ở Mỹ nhưng là một nhà văn yêu thích của tôi nên tôi không thể không nhắc đến ông. Tôi nghĩ ông là một trong những nhà văn hay nhất ở Việt Nam cộng hòa trước 1975, ông qua Pháp sống và đã qua đời, nhưng sách của ông đã là một niềm vui cho đứa trẻ là tôi trước đây ở Việt Nam trước khi chiến tranh kết thúc. Tất nhiên ông vẫn tiếp tục sáng tác bằng tiếng Pháp khi ông qua Pháp sống, nhưng trong quá trình cộng đồng già đi, hoặc có lẽ tôi nên nói là trẻ ra, theo thời gian họ sống ở Mỹ, thì sáng tác kiểu này bắt đầu rơi ra khỏi tầm ngắm, vì bản thân cộng đồng đang bị xẻ đôi. Trẻ con dần thạo tiếng Anh hơn và ưa dùng tiếng Anh hơn tiếng Việt, những người ở thế hệ tôi dừng không đọc tiếng Việt nữa, vì thế lượng người đọc dành cho cộng đồng lưu vong tự quảng cáo mình như là văn học lưu vong của người Việt sống ở Mỹ trở nên đông cứng giữa vòng vây thế hệ già.

Ngày nay ở Quận Cam là nơi có lượng dân số người Việt đông nhất ngoài nước Việt, có hai nhà sách, nhưng chỉ có một là nhà sách thực sự, còn lại thì bán CD, nhạc… Nhà sách Tự Lực bán sách của người Việt bằng tiếng Việt cho người Việt ở Quận Cam, nhưng lượng người đọc đang dần thu hẹp, và tôi cũng dám nói sự thể cũng như vậy với những tờ báo tiếng Việt tôi vừa trình ra lúc nãy. Bởi có cái gọi là “vấn đề thành đạt”. Con cái của những người Việt Nam, cháu của họ lớn lên ở Mỹ có thể nói được tiếng Việt hoặc không, ý là một thứ tiếng Việt tạm được, nhưng không có ai muốn đọc thứ văn này. Đây không phải thứ làm cho họ chú ý, không phải thứ hầu hết bọn họ có thể tiếp cận khi tới trường học tiếng Mỹ. Những thứ này đã trở thành cũ kỹ lạc hậu cách nào đó đối với thế hệ trẻ.

Có một số thuộc thế hệ già đã dịch các sách của mình sang tiếng Mỹ, nhưng phần lớn là những người giữ địa vị lãnh đạo ở Việt Nam cộng hòa, hoặc viết từ điểm nhìn của những người đã chứng kiến lịch sử Việt Nam hoặc có can dự vào lịch sử đó. Chẳng hạn các lời chứng như Buddha’s Child của phó tổng thống [Nguyễn Cao] Kỳ, ông viết hồi ký về đời mình lớn lên ở Bắc rồi về Nam, Thuyền nhân: Ấn tích lịch sử của Dương Thành Lợi là câu chuyện bỏ trốn rồi trở thành thuyền nhân, và “Làm lại cuộc đời” của Nguyễn Ngọc Ngạn, MC nổi tiếng từ Paris by Night thật ra là một sĩ quan Việt Nam cộng hòa trước khi đi. Ông bỏ chạy bằng thuyền, thuyền chìm khiến vợ và con trai ông đều qua đời. Ông viết hồi ký này trước khi trở thành MC ở Paris by Night, về việc bỏ trốn khỏi Việt Nam và trở thành thuyền nhân. Chúng ta có rất nhiều lời chứng như vậy, có cả một số bằng tiếng Anh, ví dụ như Le Ly Hayslip, When Heaven and Earth changed places, Twenty-five Year Century của ba tôi, tướng Lâm Quang Thi, The Final Collapse của Cao Văn Viên là một vị tướng bốn sao của Việt Nam cộng hòa. Thời điểm đó rồi cũng chấm dứt và lứa viết văn tiếp theo mọc lên, đấy cũng là thời điểm sự nghiệp của tôi bắt đầu.

Các nhà văn người Mỹ gốc Việt tiêu biểu của “thế hệ một rưỡi”

Thế hệ một rưỡi ở Mỹ là một nhóm người kỳ lạ, vì chúng tôi không phải sinh ra ở Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn đủ trẻ để học tiếng Anh và viết bằng tiếng Anh. Nhưng một số người trong chúng tôi vẫn nhớ khá rõ về Việt Nam, chẳng hạn như tôi ra đi khi đã 11 tuổi. Vì thế chúng tôi ở một vị trí đặc thù, viết về Việt Nam như một người chứng nhưng từ một khoảng cách xa. Và chúng tôi không viết cho người Việt, chúng tôi bắt đầu viết là đã viết cho người Mỹ, vì chúng tôi không nhìn mình là nhà văn người Việt mà là nhà văn người Mỹ, chúng tôi không nhìn mình như là “ồ chúng tôi viết cho cộng đồng của mình, bằng tiếng Việt cho dân tội”, mà chúng tôi đã tách khỏi họ, chúng tôi muốn được kể vào trong văn học Mỹ, là một phần của Câu chuyện Mỹ.

Vì thế đến một thời điểm chúng tôi bắt đầu tự hỏi: tôi là ai? Nhưng khác với thế hệ đặt câu hỏi đó bằng tiếng Việt, như một chứng nhân của lịch sử Việt, và những đứa trẻ như tôi, viết về đời sống người Việt ở Mỹ, nhưng cũng là “tôi là ai” như một người Việt ở Mỹ. Vì thế vấn đề căn cước trở thành một câu hỏi trung tâm trong sáng tác của rất nhiều người chúng tôi. Điều này không giống như thế hệ trước, bởi họ tự hỏi câu đó như người Việt sống ở Mỹ, không phải như người Mỹ, họ bị buộc phải sống đời lưu vong mà đến đây, vấn đề họ có phải là người Việt hay không không đặt ra, nhưng đối với chúng tôi, những người viết ở Mỹ, đến học trường Mỹ, đổi tên… chúng tôi bị lẫn lộn, chúng tôi phải vật lộn với câu hỏi tôi là ai, tôi thuộc về đâu, và đấy là chuyện nếu đọc sách của rất nhiều người – tất nhiên Nam Le là từ Úc và Ru là từ Canada, rất nhiều là nói về tôi chiếm vị trí nào trong lịch sử thế giới, trong tương quan với Việt Nam, trong tương quan với Mỹ, và với các thứ khác.

Những sách đầu tiên bằng tiếng Mỹ, chẳng hạn như của Lan Cao – cô cũng là con gái của Cao Văn Viên – Monkey Bridge, cuốn sách đầu tiên của người Mỹ gốc Việt bằng tiếng Anh, và Lê Thị Diễm Thúy với hồi ký The Gangster We Are All Looking for, từ điểm nhìn của một cô bé là thuyền nhân nhưng nhỏ quá nên không còn nhớ mấy, nhưng có lưu giữ lại một hình ảnh vẫn ảnh hưởng đến cách cô bé nhìn nhận bản thân mình, và tất nhiên cuốn sách nổi tiếng Catfish and Mandala của Andrew X. Pham, rời Việt Nam cũng còn rất nhỏ nhưng quyết định quay lại khám phá nước Việt bằng xe đạp để tìm kiếm vị trí của mình.

Chú biết từ trước cả khi chú có thể nói lên rành rẽ: giữa Đông và Tây là một miền đất cần được dò đường bằng kể chuyện, soi sáng bằng cặp mắt và trí tưởng tượng mới của chú, và chú cần kể những câu chuyện đó mới hòng mong có một ngày được trở lại trọn vẹn.

Andrew Lam

Quá nhiều thứ đã thay đổi. Quá nhiều thời gian đã trải qua. Giờ tôi đã khác rồi, một người có một tay nải đầy những ký ức không gắn gì với nhau nhưng sáng rõ đến kinh hoàng. Tôi đang tìm cách vét lên những điều tôi đã quên khuấy từ lâu. Hơn hết, tôi đang hy vọng có được thứ gì gắn hết những viên ngọc ấy thành một khối, hoặc có thể là thứ gì sắp xếp chúng cho liền lạc để cho tôi hiểu được.

Andrew X. Pham

Học được một thứ tiếng nước ngoài có điều mỉa mai là giờ tôi đã tích tụ vừa đủ chữ xoàng xĩnh và tạm được để làm khát vọng tôi bùng cháy, mà lại không bao giờ đủ những chữ xấc xược và lộng lẫy để mồi cho to.

Monique Truong

Vì thế thay vì nói về chuyện chúng tôi thấy mình như thế nào trong mối tương quan với thế giới, ngôn ngữ hoặc căn cước hoặc kể chuyện, rất nhiều người trong chúng tôi nói rằng thôi xin đủ sự đau thương thương khóc cho một đất nước đã mất, giờ chúng tôi là người Mỹ rồi, chúng tôi cảm thấy thế nào, chúng tôi kể câu chuyện của chúng tôi như thế nào để có nghĩa với chúng tôi.

Tôi đã viết ba cuốn sách theo cách nào đó đều xoay quanh ý tưởng ấy. Perfumed Dreams là cuốn sách nói về chuyện là đứa trẻ tỵ nạn ở Mỹ, với ba mẹ luôn ám ảnh với quá khứ, còn mình thì hết sức muốn trở thành người Mỹ, và ta phải làm cách nào cân đối giữa hai điều này, khi ba mẹ ta nói tiếng Việt còn ta thì nói tiếng Mỹ, và họ muốn nói với ta về quá khứ trong khi ta chỉ muốn nói mình sẽ làm gì trong tương lai, và ta nhận ra ta ở vào thế xung khắc với cộng đồng như văn chương cho ta thấy. Quý vị đã đọc “I Love You’s” Are for White People chưa? Tác giả là Lac Su, bạn tôi. Đây là một ngôn ngữ mới, cuộc chiến bắt đầu phai nhạt đi, đối với phần lớn người Việt chỉ còn là một tiếng vọng, và những tấn kịch trong gia đình trở thành động lực chính trong các câu chuyện này, nhưng với Lạc thì vấn đề là ba của anh, có hơi mắc bệnh thần kinh, không có cách nào trao đổi với ông mà ông hiểu được nên có rất nhiều điều không được nói ra, và có rất nhiều bạo lực gia đình. Anh tới ăn đêm Giáng sinh ở nhà bạn, một cậu bé da trắng, ba mẹ của cậu bé da trắng rất dễ thương và mọi người ôm nhau nói “I love you”, và hôm sau anh trở về nhà, nói với ba đang sửa mô tô, “I love you”, và ba anh quay sang chửi anh: “Damn you, ‘I love you’’s are for white people”. Và như thế chủ đề của câu chuyện trở thành tình yêu giữa mọi người trong gia đình và sự thiếu vắng cách biểu hiện tình cảm bằng lời. Đấy là cuốn sách về đau đớn và gia đình kịch khi khoảng cách giữa hai thế hệ bắt đầu xuất hiện, mà chúng tôi càng sống lâu ở Mỹ thì càng rộng. Khi chúng ta nói về người Mỹ gốc Việt, từ xa ta nghĩ đó là một cộng đồng thực sự, nhưng nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ nhận thấy bên trong cộng đồng ấy là vô vàn mảnh vỡ khác nhau. Hiện giờ, tôi dám nói vực ngăn lớn nhất chính là ngôn ngữ.

Một số sách khác của thế hệ một rưỡi: The Unwanted của Kien Nguyen là một cuốn hồi ký rất hay, nói về chạy trốn khỏi Việt Nam như một người Mỹ-Á (Amerasian), trong đó cũng có rất nhiều bạo lực và tấn kịch. Giờ anh đã là nha sĩ, nhưng anh đã trải qua nhiều cảnh thật sự địa ngục và kể một câu chuyện ấn tượng về là một người Mỹ-Á ở Việt Nam rồi ở Mỹ. Và Quang X. Pham viết A Sense of Duty, ông là một trung tá Thủy quân và trở thành tù binh, rồi viết hồi ký này. Ba anh bị bắt vào trại cải tạo ở Việt Nam nên anh viết quyển này một phần dành tặng ông. Aimee Phan viết We Should Never Meet về người Mỹ-Á ở Quận Cam, cô còn một cuốn sách nữa.

Sau đó Monique Trương xuất hiện trên văn đàn. Chị là người đầu tiên thực sự làm nên tên tuổi ở tầm cỡ quốc tế. Chị viết The Book of Salt và sau đó là Bitter in the Mouth, rất thành công, được dịch ra nhiều thứ tiếng, đưa chị trở thành nổi tiếng. Phần lớn chúng tôi đều viết sách nhưng không trở thành “một tác giả nổi tiếng của New York” nhưng rồi Monique xuất hiện và phá vỡ thêm một rào cản mới. Ngoài ra chỉ có một cô gái trẻ viết sách nữa là Bich Minh Nguyen với Short Girls và Dao Strom viết về cuộc sống ở Texas. Họ càng lúc càng trẻ hơn, như Monique mới chỉ lên sáu khi rời Việt Nam và không còn có nhiều ký ức, Dao Strom sinh ra ở Mỹ, Bich cũng vậy, vì thế họ ngày càng viết nhiều về việc lớn lên ở Mỹ với ba mẹ Việt Nam không hiểu hoặc trải nghiệm bị phân biệt đối xử ở Mỹ. Vì thế đề tài đã có sự chuyển biến từ hồi tưởng về việc thua một cuộc chiến tranh và sống trong trại tỵ nạn, sang đời sống gia đình và trở thành nhà nữ quyền hay người Á ở Mỹ.

Với các nhà thơ: Bảo Phi, Thousand Star Hotel, nhà thơ spoken-word người Việt đầu tiên ở Mỹ, rất hay, anh xuất hiện khắp nơi và giờ anh dạy làm thơ ở Mỹ. Truong Tran viết những bài thơ tuyệt đẹp ở San Francisco, Thanhha Lai viết sách cho thiếu nhi và đoạt giải National Book Award của Mỹ và Huân chương Newbery (Inside Out & Back Again), và lần nữa lại có người phá vỡ một cái khuôn mới khi nói về những đề tài gần gũi với mình và thêm rời xa khỏi những quan tâm của thế hệ 1. Còn có nhiều nhà thơ khác: Mộng Lan, Linh Dinh, anh còn dịch và viết tiểu thuyết, một nhà văn rất diệu, anh đã có sáu bảy cuốn sách

Càng lúc càng có nhiều nhà thơ xuất hiện. Tất nhiên không thể nói về thơ ca của người Mỹ gốc Việt mà không nhắc đến Night Sky with Exit Wounds của Ocean Vuong, tác phẩm của anh lại tiếp tục phá vỡ khuôn cho người Mỹ gốc Việt vì anh nổi tiếng ở New York, được đưa vào mục tiểu sử trên New Yorker, gần đây ra đời cuốn tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous. Vậy là có một lứa nhà thơ mới gây chấn động, và họ không nói về những vấn đề mà quý vị muốn tưởng tượng, một số chỉ nói về tính dục, một số về đời sống ở Minnesota hay gì đó, họ thoải mái hơn nhiều trong việc nói về những đề tài gần gũi với mình chứ không phải những kỳ vọng dành cho họ như một đứa con của dân tỵ nạn hay gì đó.

Trong lúc đó, trong thế giới truyền thông, gần đây bắt đầu xuất hiện những người Mỹ gốc Việt là phát thanh viên trên truyền hình Mỹ. Thuy Vu là bạn của tôi, cô đi học Berkeley với tôi và cô là phóng viên địa phương nhiều năm ở đài ABC. Betty Nguyen ở CNN tại Atlanta, Leyna Nguyen ở Los Angeles. Đây chỉ là một số người tôi biết, còn có hàng nghìn người trong giới truyền thông. Và tất nhiên ngày càng có nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội. Michelle Phan dạy trang điểm trên Youtube và gần đây đã mở một công ty ở Los Angeles, Vivian Vo Farmer, Kayla Nguyen… Truyền thông cũng đã thay đổi, mọi người không giới hạn ở chữ nữa, ta có Dustin Nguyen trong điện ảnh, Ham Tran, Tony Bui…

Khi chúng tôi mới đến Mỹ, ba mẹ chúng tôi không hề trông đợi con cái mình sẽ trở thành các nhà sản xuất trong lĩnh vực văn hóa mà muốn thành kỹ sư bác sĩ, nhưng càng ngày người ta càng tự do theo đuổi những thứ đó chứ không cảm thấy bắt buộc phải chỉ đi theo con đường truyền thống. Tôi nghĩ một phần vì hiện giờ đã có bao nhiêu tấm gương sáng về những người làm văn hóa và thực sự kiếm sống được bằng nghề đó và trở nên nổi tiếng – thử nghĩ xem The Sympathizer ẵm một đống giải gồm cả Carnegie và Pulitzer, Thi Bui có The Best We Could Do, một cuốn tiểu thuyết hình ảnh (= truyện tranh nghiêm túc) cũng thắng rất nhiều giải, và Ocean Vuong giờ thì HẾT SỨC nổi tiếng ở Mỹ, cũng như Viet Nguyen, đến giờ chắc có thể đòi trả hai mươi ngàn đô la cho một bài nói chuyện ở Mỹ, anh thì đã là một ngôi sao hẳn hoi rồi.

Đây là một kịch tác gia tôi rất thích dù ít người biết, Qui Nguyen, ông sáng tác hết sức năng suất và có một twist tuyệt vời về câu chuyện người tỵ nạn từ điểm nhìn của thế hệ thứ hai. Ông nhìn nhận mọi chuyện dưới một góc độ khác hẳn và trình bày câu chuyện với những cái kết gây sửng sốt. Nhưng lại nữa, ông không chỉ giới hạn ở tự sự của người Việt mà có rất nhiều vở kịch không nói gì về người Việt, và hiện tại cũng đang bắt đầu được đặt làm nhiều phim. Như vậy đã có sự tách rời khỏi những truyền thống cũ về kể chuyện. Tôi cũng không biết vì sao tôi đưa Ali Wong vào đây vì cô chỉ có nửa dòng máu Việt, nhưng cô rất nổi tiếng, cô làm rất nhiều phim, cô buồn cười kinh khủng, cô cũng có liên quan đến viết lách? Vì cô viết kịch bản… Giờ ta bắt đầu thấy rất nhiều người mà ở Mỹ gọi là “maverick”, họ quyết định không đi theo con đường truyền thống mà tự tạo ra con đường riêng của mình, ví dụ như Qui Nguyen là nhà viết kịch, ông đã thành công và thậm chí thành công lớn ở Broadway, không có hình mẫu nào cho ông, ông cứ thế mà làm thôi. Nên tới lúc này có rất nhiều người tiên phong.

Phần tiếp theo sẽ nói về những thay đổi từ 75. Nếu nói về văn học của người Mỹ gốc Việt ta phải nói đến Du Tử Lê, một nhà thơ tài năng, và Ocean Vuong, một nhà thơ thực sự tài năng, cả hai đều viết về những đề tài tương tự, nhưng một người viết bằng tiếng Anh và giờ đã dọn vào giữa trung tâm đời sống văn học nghệ thuật Mỹ, còn người kia thì kiểu như phai tàn đi mà không được chú ý gì vì văn học bằng tiếng Việt ở Mỹ đang tàn phai, đấy là một điều bi kịch, vì thế hệ tôi trở đi không còn cách nào tiếp cận được, vì như tôi nói hiện nay có rất nhiều người không còn đọc được tiếng Việt. Kỳ quái là sách Việt có đầy ở nhà sách Quận Cam nhưng không ai dịch ra. Vì thế có một vực ngăn, một tình trạng mảnh vỡ thực sự.

Trong biểu đồ đầu, ta thấy 36% dân số người Việt ở Mỹ đã sinh tại Mỹ, so với 41% dân số người Á ở Mỹ. Vì thế có nhiều người hoàn toàn không biết tiếng Việt. Đó là tương lai của cộng đồng người Việt ở Mỹ, trừ khi có thêm một đợt di cư ồ ạt nữa thì tiếng Việt đang dần phai nhạt đi, một điều đáng buồn. Như thế có khoảng cách về ngôn ngữ, và về thế hệ, và vì thế nên cũng có tình trạng phân mảnh về chính trị, không liên quan đến văn học nhưng tôi nghĩ cũng nên nói đến. Trong số người Việt Nam có 46% ủng hộ Trump, 37% phản đối, và mặc dù không có số liệu cụ thể nhưng tôi dám cá trong 37% đó rất nhiều là người sinh ở Mỹ hoặc thế hệ trẻ.

Bây giờ thật quái dị khi thấy những người Việt là tác giả nổi tiếng ở Mỹ. Chẳng hạn hãy nhìn đám đông kéo đến nghe Viet Nguyen, giống như đi xem ngôi sao nhạc rock vậy. Ocean Vuong cũng vậy. Và rồi đây là nhà sách ở Quận Cam mà hẳn rồi sẽ đóng cửa hẳn vào lúc nào đó vì không có ai đọc. Và tôi nghĩ điều này có phần bi kịch, vì ngay ở Mỹ khi chúng ta nói về văn học Việt Nam, khi văn học Việt Nam được dạy trong trường đại học, họ nói đến văn học Việt Nam viết bằng tiếng Anh chứ không phải văn học Việt Nam viết bằng tiếng Việt. Nên sự phai tàn của ngôn ngữ này và vẻ đẹp này rất đáng buồn, và tôi không biết có thể làm gì hơn ngoài việc chỉ ra điều hiển nhiên đó.

Tôi muốn đề nghị quý vị đọc thơ của Ocean Vuong và Trung Tran, thật sự rất đẹp, nếu có dịp quý vị hãy đọc để biết về sự phức tạp và nỗi buồn về việc tôi là ai ở Mỹ. Và rồi có một dạng tự sự vòng tròn. Điều làm tôi đang chú ý về mặt thể loại ngày nay là tự sự về chuyến quay về, thế hệ thứ nhất đã rời rất xa khỏi câu chuyện xưa kia về việc rời khỏi quê hương trong một sự trục xuất bi kịch, một chuyến xuất hành ồ ạt, thì giờ có một dòng tự sự rỉ giọt về những người Mỹ gốc Việt trở lại Việt Nam và viết hoặc tự sự bằng cách khác về chuyện đó.

Kyle Le là ngôi sao Youtube mà tôi rất thích, một cậu chàng sinh ra ở Mỹ và trở về say mê đất nước quê hương. Trong những video ta thấy cậu kết nối lại và tôi thấy cảm động nhất là cậu giúp những người đi tìm người thân suốt hơn bốn mươi năm, và quay phim họ trong lúc đi tìm người chị mất tích cho họ. Những cảm xúc rất chân thật và mạnh mẽ, nó làm tôi nhớ lại mình thời còn nhỏ hơn bốn mươi năm trước trong trại tỵ nạn, khi đọc trên báo những dòng tin mà người trong trại gõ trên máy chữ “anh có thấy mẹ tôi không? anh tôi không?”, và cậu là một người thuộc thế hệ hai, tìm cách trả lời câu hỏi đó hơn 40 năm sau, tìm cách giúp họ liên lạc lại, vì kể cả bây giờ tuy các mảnh vỡ vẫn tồn tại chúng ta vẫn tìm cách bắc lại cầu giữa các vực ngăn về ngôn ngữ, về thế hệ, về chính trị để giải đáp câu hỏi về bản chất của người Mỹ gốc Việt.

Hình ảnh cuối cùng, chúng ta trở lại với tủ sách, và cả bài luận của tôi về việc sống ở Việt Nam, và tôi cũng muốn nhắc tên Tuan Phan vừa cho ra đời cuốn sách mới: Remembering Water (Tuan Phan: em thật ra là thế hệ 2.5) và giờ quay lại Việt Nam làm giáo viên tiếng Anh. Chữ này lấy từ câu “Uống nước nhớ nguồn”. Trong số chúng ta giờ vẫn có nhiều người tìm cách kết nối lại với Việt Nam, qua chữ, qua phim hoặc thứ gì có thể, và những thể loại chờ được viết, sự kết nối này với đất nước Việt Nam mới từ thế hệ mới ở nước Mỹ.  

Nguyễn An Lý chuyển ngữ

(Nội dung bài nói chuyện “Vietnamese American Media and Literature: From the Margin to Center” của Andrew Lam tại Salon Saigon, ngày 13-12-2019.)

Zzz Review xin cảm ơn nhà văn Andrew Lam đã cho phép chúng tôi dịch đăng bài nói chuyện này. Vì sự khác nhau giữa ngôn ngữ vùng miền và thời đại, có gì sơ sót mong được góp ý.

sinh năm 1964 và tới Mỹ năm 1975. Ông học sinh hóa tại đại học California, Berkeley trước khi bỏ dở để chuyển sang học viết văn tại San Francisco State University. Andrew Lam được biết đến với những viết lách và chiêm nghiệm về căn cước người Mỹ gốc Việt và trải nghiệm khi trở về Việt Nam. Ông tham gia làm nhân vật cho phim tài liệu PBS mang tên “My Journey Home” năm 2004, ngoài ra còn viết bài cho Huffington Post, NPR, Boom…
Trong những năm gần đây ông thường xuyên đi về Việt Nam, mở khóa học viết văn ở Trung tâm Hoa Kỳ tại TP. HCM và nói chuyện ở các địa chỉ văn hóa; số lượng buổi nói chuyện đã tăng vọt do COVID giữ chân trong nước.
Có thể theo dõi các sự kiện mới của ông trên facebook cá nhân.

Sách:

Một số bài báo:

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 4.4 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

5 Comments on Andrew Lam, Văn chương và truyền thông của người Mỹ gốc Việt: Từ bên lề vào trung tâm

  1. Trần Mộng Tú là nhà thơ nữ không phải nam nhé. Bà là tác giả của bài thơ Quà Tặng Trong Chiến Tranh được đưa vào sách giáo khoa Trung học ở Hoa Kỳ

  2. Mình đang làm nghiên cứu về chủ đề này. Không biết bài nói chuyện này bằng tiếng Anh có publish ở đâu không? Nếu có bạn có thể cho mình xin link được không? Mình tìm mãi không thấy. Xin cảm ơn.

    • Xin lỗi đã chậm trả lời bạn, không rõ giờ bạn còn cần không. Bài này chỉ có bản audio do mình tự ghi âm, không có văn bản, tuy nhiên nếu cần bạn có thể liên hệ trực tiếp với Andrew Lâm để hỏi những chủ đề quan tâm, mình thấy ông rất nhiệt tình giúp đỡ những người cần đến sự giúp đỡ học thuật của mình.

  3. Chị ơi cho em hỏi mấy chỗ “tiếng Mỹ” bản gốc là gì ạ, em tưởng chỉ có tiếng Anh-Mỹ nên hơi thắc mắc.

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*